CẦU ĐẠO Ở ĐÂU?

*

Nhân trung chi nhân, trong trời đất có một cỗ chính khí, từ lúc còn ấu nhi đã nguyện một lòng vì nước vì dân, lấy tâm mình mà hành đạo, lấy yên vui trong lòng người để vững chắc từng bước chân.

Năm nay tuổi đã cao, được thiên hạ vọng trọng gọi là đế sư, là người đã dạy dỗ ra hai đời đế vương hoàng triều, cả hai đều là minh quân, đều hùng tài thao lược.

Tài cao nhưng không ngạo, quyền hành nhưng không tham, công lớn mà không lạm, khi thấy lớp sóng sau đã tới thời cuộn đến thì đế sư mới cáo lão hồi hương, xin lui về nơi thôn dã để vẹn tiếp cái tâm nguyện dạy dỗ ra hiền tài cho giang sơn gấm vóc.

Hôm nay tiết đầu năm, trời xanh mây trắng sắc xuân hiền hòa, người dạy chữ mới nhân dịp đổi mùa mà rảo bước đến thăm bạn tâm giao, là một hòa thượng đã đắc đạo trong cõi thiền môn.

Luận trí, không biết ai hơn ai. Luận đạo, không biết ai là người đi trước. Luận công, trời cao đất rộng, dùng sức một người để tự gánh được trên thân mình chỉ cần không thẹn với lòng là được. Nhưng luận đức, thì bao năm qua đế sư vẫn coi thiền sư kia là ngọn đèn soi dẫn lối cho mình.

Thiền môn cũ kĩ nhưng sạch sẽ, không có ao sen tỏa sắc, không có tượng to vách lớn, không có cầm hạc bay lượn, thì cũng có chút rêu phong trên mái ngói, chút thanh tịnh trên lối vào, và có một người chân thật đang dưỡng đạo bên trong.

Đế sư tới làm khách mà không báo trước, hiện trong thiền môn người tu hành cũng đang đón tiếp một vị khách vãng lai. Chẳng ai xa lạ, chính là lão nông phu sinh sống ở ngay trong thôn này, ngày thường nếu có rảnh chuyện đồng áng thì lão nông phu vẫn hay ghé qua đây để tìm thiền sư trò chuyện cho qua ngày đoạn tháng.

Tới thăm bạn cũ, đế sư cũng không làm cao, thấy bản thân là người tới sau nên chỉ đứng nép qua một bên để người tới trước nói cho xong hết chuyện của mình. Thiền sư cũng thong thả, khách tới nhà là duyên, đã là duyên thì không so lớn nhỏ, không phân cao thấp, không cố cưỡng cầu. Vậy nên thiền sư cũng chỉ gật đầu chào bạn cũ rồi ngồi yên để nghe hết chuyện của lão nông phu.

Lão nông phu thì có gì để kể đây? Chỉ có chuyện về con trâu mộng của mình.

Lão kể về ngày nó sinh ra, ngày mà lão tự tay đỡ đẻ cho nó. Rồi kể nó to làm sao, nó khỏe như thế nào, da nâu đen hay nâu sáng, nó thích ăn cỏ xanh hay cỏ ố, tắm nước đục hay nước trong. Xong thì lão kể về cái cày mà lão đẽo riêng cho nó, về sợi dây buộc mà lão đặt làm riêng, về cái chuồng cao hay thấp, về cái máng cỏ cũng là được làm riêng.

Rồi lão khoe khoang về sức cày sức kéo của nó, về chuyện dắt nó đi làm giống, rồi những con trâu con mà nó sinh ra thì như thế nào, bao đực bao cái, mạnh khỏe được bao nhiêu. Cứ như vậy là lão nông phu kể mãi, kể đến khi trời sụp bóng về chiều mà vẫn không kể hết chuyện của con trâu.

Thiền sư thì vẫn ngồi đó chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu, thỉnh thoảng ồ lên kinh ngạc, đôi lúc lại tấm tắc như có ý muốn lấy lòng. Còn vị khách phương xa kia nghe đến chỗ sinh ra bầy trâu con thì không nghe nổi nữa, liền đứng dậy mà phất tay áo đi ra vườn. Với ông thì thà đứng im lặng một mình với đất trời, nguyện tịch mịch với cỏ cây hoa lá còn hơn là phải nghe đi nghe lại quanh quẩn chuyện của mấy con trâu nơi đồng thô đất kệch.

Lát sau, khi lão nông phu đã về nhà để ăn bữa xế, thì thiền sư mới xách thùng nước ra vườn để vừa tưới rau vừa tiếp chuyện bạn cũ.

Người làm khách hỏi: "Đại sư ngài đạo hạnh cao thâm, sao không lùi sâu vào thanh tịnh để cảm ngộ thêm đại đạo của đất trời mà lại đi tốn thời gian cho mấy chuyện trâu cỏ nhỏ nhoi này?"

Thiền sư vừa múc nước tưới cây vừa nói:

"Tấm thân ta cũng chỉ là tiểu sư thôi, còn đi lại giữa đất trời thì tiểu sư mơ gì tới đại đạo. Ai nói đạo của tiểu sư trong vườn rau hay đạo của bậc hùng tài trong thiên hạ, là được phép lớn hơn đạo của nông phu và con trâu?

Như nhau thôi, như nhau thôi...

Đừng cố phân biệt, bởi phân biệt sẽ dẫn đến sân si, rồi khổ đau, và lạc lối."

Người khách phương xa lắng nghe rồi trầm ngâm suy nghĩ, chỉ là vì trọng nhau nên mới xem nặng lời của nhau thôi, chứ khách nhân cũng không vì mấy câu nói vang lên giữa vườn kia mà thay đổi hay sứt mẻ chủ tâm của mình.

Rồi trò chuyện thêm một chút thì khách nhân đi về, việc mang trên thân còn nhiều, dịp thong thả để gặp bạn hiền như vầy không phải lúc nào cũng có. Thiền sư cũng không luyến tiếc, chỉ trước cổng tạ từ nhau một câu rồi lại quay về với chuyện nước non cỏ dại trong vườn rau.

Thời gian qua đi, khi đến mùa thu, mùa cần tích trữ lương thực, thì giặc phía Bắc lại đem quân sang xâm lấn. Dọc đường giặc tiến quân dân chết như ngã rạ, khắp nơi rơi vào cảnh lầm than, chết trận chết đói chết rét chết vì bệnh tật, tóm gọn lại chỉ một câu là nhân gian đại loạn.

Đế sư nhận mệnh hồi triều, hợp sức cùng với vua quan binh sĩ và dân chúng để hóa giải cái tai ương này, mãi đến cuối cùng thì cũng dẹp xong cái loạn can qua, hồi lại được sức dân và lực nước.

Sau khi bốn bề đã yên bình thì đế sư lại nhận lệnh vua để lo chuyện cứu tế phát chẩn cho dân, cố hết sức để dân có miếng ăn mà lo cho vụ mùa sắp tới. Sắp xếp xong xuôi thì đế sư mới chợt nhớ tới người bạn nơi thiền môn nên mới tự mình đưa đến một xe lương thực, khẩu phần thì vẫn đúng theo luật nước, chỉ là dư ra thêm một người áp tải.

Nhìn khung cảnh tang thương tiêu điều ở hai bên đường lòng đế sư chợt trầm xuống, tự hỏi không biết rằng người bạn kia của mình có qua được kiếp nạn vừa rồi hay không.

Ngạc nhiên là khi đến trước cửa thiền môn thì lại thấy trong đó đang có rất nhiều người, đều là nạn dân chạy loạn cùng tụ tập về đây, còn thiền sư thì đang dùng cái gàu múc nước tưới cây kia để múc cháo cho mọi người. Trong cháo không có thịt nhưng hạt gạo nở hoa thì đủ đầy đậm đặc, cố cân đo đong đếm cho tốt thì mỗi nạn dân mỗi ngày đều có được cho mình ba bát cháo lưng cho đỡ lòng đỡ dạ.

Đế sư đi đến, chờ thiền sư ngơi tay thì mới hỏi: "Gạo nấu cháo này ở đâu ra? Là tích trữ hay vơ vét?"

Thiền sư thong thả đưa chén cháo đến trước mặt bạn phương xa rồi trả lời:

- Có lão nông phu kia có một con trâu mộng rất khỏe, nhờ chăm sóc tốt nên trâu khỏe đã sinh ra một đàn trâu con cũng đều rất khỏe, khi gặp thời loạn lạc thì lão nông phu đó đã tự nguyện bán đi đàn trâu để đổi gạo cho nạn dân. Chén cháo này chính là tiểu đạo của nông phu, đạo từ bi thiên hạ.

Đế sư cầm chén cháo, nhìn bạn của mình, nhìn đất, nhìn trời, nhìn người người đang ăn cháo rồi một hơi uống cạn chén cháo mà cáo biệt ra về.

Lúc đi đến chỗ cây to ở đầu thôn, đế sư nhìn thấy một lão nông phu đang vừa cầm sợi dây buộc trâu vừa kể cho những người khác nghe chuyện về con trâu mộng từng có của mình, từ lúc nó sinh ra đến lúc nó lớn rồi lại sinh ra bầy trâu nhỏ.

Đế sư dừng lại đứng nghiêm chỉnh để chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu, thỉnh thoảng ồ lên kinh ngạc, đôi lúc lại tấm tắc như có ý muốn lấy lòng. Cứ vậy mà lắng nghe chuyện về con trâu đến mãi cuối chiều.

Lúc nghe xong thì đế sư chắp tay để hành lễ, vái lão nông phu một vái thật sâu.

*

Trương Lang Vương

*

Phật tại tâm, tâm lương thiện thì Phật hiện.

Trong ba người, người đắc đạo hay là người thành được đại đạo đầu tiên, dĩ nhiên chính là lão nông phu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #truyenngan