CHỐNG NẠNG LÊN ĐƯỜNG
Mấy hôm nay, thằng Hai Xuân xem ra có ý lo buồn lắm. Phải, ở vào cái cảnh như nó bây giờ, thì đến ai mà chả đâm lo, bảo nó không buồn sao được?
Từ ngày mọi người còn thấy nó cầm đôi tay xe chạy trên đường đê Gia Quất thì thằng Hai vẫn là người vui tính nhất làng. Vào những buổi chiều mùa hạ sáo diều vo vo réo rắt hay buổi chiều mùa thu gió vàng hắt hiu, trong những cảnh hoàng hôn của tiết xuân mát mẻ hay của trời đông lạnh lùng, mỗi khi hình thằng Hai tay vòng càng đi trước cái xe, vẽ cái bóng thật dài trên giải đường trắng xoá, thì tận trong làng xa lắc xa lơ cũng có người nghe thấy nó cất giọng ồ ồ, nghêu ngao hát cái bài "xẩm" của nó tuy cụt đầu cụt đuôi thật, nhưng nghe nó cũng hay hay:
...Còn trời (mà)còn nước, còn non...
Còn cô (mà) còn cô bán rượu, ( í i)anh (a) còn (thì)say sưa... (chứ này mình ơi... í i ì i tang tình tính tang...!!!)
Thật vậy! Cái đoạn đời ấy tuy trước mắt bọn giàu chỉ là cái đời khốn nạn của con "ngựa người" ngày ngày "dang" chân trên mạt đường rải nhựa khi lửa hạ chang chang, hay bì bõm trên giải đê trơn mỡ đổ khi mưa phùn gió bấc... mà đối với thằng Hai, nó vẫn cho là vui vẻ lắm...
Nó được vui vẻ nhất là sau khi,trước cái mái tranh lụp xụp nó đặt "phịch" càng xe, rảo cẳng chạy vào sân, đến chĩnh nước ngửa cổ "tu" một hơi nước lã thật dài xong thở đánh "hà à à"một cái rất khoái trí rồi cầm mảnh mo vừa quạt vừa bước vào nhà, ngơ ngác nhìn xem bố mẹ đã thổi chín cơm chưa, để liệu dọn mâm bát, không thì giốc nẹp áo lấy ra một nắm đầy bàn tay những mảnh tròn tròn bằng đủ thứ: thau, đồng, kền, bạc vừa hào vừa xu đưa cho mẹ mà rằng: "U mua vào đây cho tôi vài xu diêm thuốc".
Mâm cơm dọn xong, nó chỉ còn chờ anh Cả cho nó đi làm về là cùng ngồi vào, tuy bữa nào cũng chẳng hơn gì bữa nào, chỉ rặt cà, tương, dưa muối mà thằng Xuân ăn thấy ngon. Nó ăn được ngon là vì nó đã kéo xe nhọc mệt cả ngày, là vì không những nó đã chẳng phải ăn nhờ ai mà lại còn nuôi được bố được mẹ, đỡ anh, anh nó, một người phu kíp ở ga Gia Lâm, mỗi tháng kiếm không đầy chục bạc.
Khốn nạn thay cho thằng Hai Xuân! Bây giờ khác hẳn xưa rồi... đến cái nghề kéo xe kể đã là cùng cực mà nó cũng không đang nổi nữa vì người ta đã cướp cơm của nó, một cái xe hơi đã vồ phải nó, đánh gẫy của nó mất một bên chân, rồi vào nhà thương, người ta đền cho nó một cái khác bằng gỗ để mặc nó lộc cộc chống nạng về nhà...
Bây giờ nó đành phải ăn nhờ vào anh, mà từ khi nó được cái chân gỗ thì những bữa rau cháo buổi xưa cũng ra điều chểnh mảng, không được đúng hẹn nữa. Không đầy chục bạc mà bốn miệng ăn...! Lại tiền thuê nhà, ấy là chưa kể đến những món vặt khác như áo, quần, củi lửa... tuy không để đem chôn vào bụng mà cũng cần như hạt muối, hạt gạo; gia đình nhà nó sống trong một cảnh túng bấn cực kỳ, chỉ hơn được ăn mày một nước là không phải ngửa tay xin lấy của ai. Gạo đỏ còn phải ăn kém hơn ngô khoai nên bố mẹ nó,t uy trên đầu tóc đã pha mùi, hàm răng chiếc đã lung lay, chiếc rụng mặc dầu, cũng đành bưng đến bát cơm ngô, cơm khoai mà... khốn thay! vẫn thiếu...! Ðã nhiều lần bố mẹ thằng Hai và nó phải bấm bụng nhịn đi để anh Cả nó về được ăn no đủ - vì là người kiếm ra tiền – anh nó chẳng phải tay vừa: nếu để thiếu cơm thì nó sẽ thấy ngay anh nó mắng bố, gắt mẹ, chửi nồi, chửi rế, chửi đôi guốc đang đi mà đứt quai, chửi xó nhà lắm muỗi vo vo...
Thằng Xuân mấy hôm nay xem ra có ý lo buồn lắm.
Một buổi chiều hè kia, sau khi chống nạng lang thang đi khắp đó đây - từ độ nó què, không có việc gì nó vẫn lang thang như thế - thằng Hai lên cầu ngồi hóng mát. Lúc ấy có lẽ đến 6 giờ rồi, bụng nó đã thấy đói như cào mà nó vẫn chưa dám tưởng đến sự về nhà vì nó chắc thế nào anh nó cũng cau cau nét mặt nhìn nó ra ý bất bình hay hỏi căn vặn nó bằng những câu chẳng được nhẹ nhàng như khi nó chửa cụt cẳng. Nó đói lắm nhưng nó vẫn cố gượng cho khuây, ngồi nép vào sát với thành cầu, nó lẳng lặng trông mây, trông nước.
Mặt trời đỏ hỏn như một hòn than tròn đã từ từ rẽ những đám mây chồng chất lên nhau mà lặn xuống chân trời; trước mắt nó, dẫy núi Tản Viên ba chòm xanh biếc, mập mờ trong đám sương nhoà dưới chân điểm ngang một nét xanh xanh biết bao làng mạc, đứng sừng sững như một bức trường thành trên mặt nước đỏ ngầu. Sông Nhị bấy giờ đang ào ào đập bọt vào mấy chân cầu, dữ dội mà hung hăng như một người điên bị ai trêu ghẹo. Trông về đằng đông,l ại dòng nước Nhị Hà, dài rộng mênh mang, hai bên bờ xa nhau mờ mịt, mấy cánh buồm căng thẳng, xa lơ xa lắc, xa đến nỗi tuy con thuyền đang chạy băng băng mà trông vẫn phải tưởng như không, như chỉ cắm sào một chỗ.
Thành phố Hà Nội, phơi mình dưới một tầng mây dài dằng dặc mà đỏ ối như thể đám lửa hung hăng, phô lên những rặng mái nhà chi chít nhấp nhô, mảng đen mảng đỏ, rồi, nhoi lên cao hơn hết thảy, này ngọn cột cờ và ống khói sở Máy tơ tiêu điều vì không đắc dụng, này đôi trụ nhà Thờ chính đưa ra những hồi chuông văng vẳng chiều hôm, này mấy cột vô tuyến điện làng Vọng mập mờ mà cao ngất, lênh khênh như muốn chọc trời.
Trên cầu lúc ấy không thấy bọn người áo quần lam lũ, gồng gánh qua lại nữa.C ái giờ ấy là cái giờ đuổi bọn người kém phúc này tất tả về nhà, chúi đầu vào bếp vần nồi cơm gạo đỏ bưng lên xới cho một ông bố hay một bà mẹ mù loà hoặc ôm vội lấy đứa con gầy ngẳng,t ừ sáng chưa trông thấy mặt mẹ, nhét cái vú mướp vào miệng nó mà cất giọng: "à ơi...!", rủ nhau náu mình dưới những mái tranh lụp xụp cho khỏi làm bẩn mắ bọn tỉnh thành, bọn giàu hay có cái vẻ giàu bấy giờ đã nghênh ngang, lũ lượt, kéo nhau lên hóng mát.
Những đoàn xe hơi bệ vệ mà không lịch sự, nối đuôi nhau, tiếng còi inh ỏi, sang sang, về về, dồn các bác phu xe ngửa ngực kéo, hớt hơ hớt hải chạy vào những chỗ tránh của họ, hình ảnh cái mãnh lực tuyệt đối của cơ khí với nhân công, mà chẳng ở xứ nào, cơ khí bao giờ cũng chỉ lợi riêng cho một bọn.
Thấy vẽ rõ ra trước mắt nó cái cảnh phồn thịnh nhường kia, Hai Xuân tuy là một thằng què, một thằng chân gỗ thật mà vẫn có lòng quảng đại nhìn đời bằng con mắt lạc quan, chẳng vì thấy mình tàn tật kém người mà thù hằn oán ghét họ.
Một cặp uyên ương người vận tây, người quần trắng áo lam thung dung lướt qua mắt nó.
Nó ngẩn người ra! Chưa bao giờ nó được trông thấy cô nào xinh đẹp đến thế. Nhất là cái mũ nhung đang quay vòng tròn trên hai ngón tay cái với đôi hoa kim cương lóng lánh với làn tóc mây phất phơ bên đôi má mơn mởn cô làm nó phải lỗ mắt nhìn. "Hai vợ chồng nhà nầy hẳn sướng hơn người !..." Lần thần nó nghĩ.
Người dạo chơi trên cầu dần dần càng đông, đông như thể rủ nhau trảy hội. Theo sau cặp trai gái xinh đẹp ấy, một ông béo phục phà phục phịch, hai bên má chảy xệ xuống như má lợn xề, hình như trời sinh ra chỉ để nhai toàn những của ngon vật lạ nên cái bụng nghênh ngang trên bộ giò chữ bát chẳng đủ sức khiêng ông, bắt cái đầu và cái ngực phải dồn cả lại đằng sau. Ông bày bụng ra một cách vênh váo, bệ vệ đi trước để theo sau, một bà gầy nhẳng cao lênh khênh, mình lép như bồ kếp, một cái máy đẻ sắp đến hồi bị thải. Hai Xuân cứ bịt mồm nhịn cười chẳng được vì nó nghĩ ngay đến một miếng đồng dần dần tất phải dài ra nếu bị một cái búa nặng bên trên cứ ngày ngày nện xuống.
Rồi đến những cậu đầu trần, tóc mượt nhẹ nhàng cưỡi trên những con "ngựa sắt" sáng choang hay phong phanh trong những bộ áo lót mình kẻ dọc kẻ ngang sặc sỡ, rồi đến các con nhởn nhơ trong những bộ "cánh cào cào"vàng, đỏ, tím, lam, rồi có cả một vài cụ già quần lụa áo sa, tay quạt, mắt kính, ung dung dạo gót nhìn non nước mà chẳng buồn nhìn đến bọn trẻ ranh.
Thằng Hai trông đám người ấy chẳng bằng con mắt ác cảm. Nó rất ước ao được có ngày thảnh thơi như họ, nó coi họ như hạn người đã được trời thương, mà trời đã thương ai, đã ban hạnh phúc cho ai thì người ấy đã đành là xứng đáng.
Còn nó nghèo, nó khổ, nó đổ là tại số. Tại số? Phải, những bộ óc rắn đặc như óc nó thì bao giờ lý hội sự đời cũng chỉ thấy toàn số, mệnh. Nó không biết rằng bố mẹ nó đã bị xã hội hắt hủi vào cái cấp hạ lưu đê tiện thì không còn mong gì ngoi ngóp được lên, đã không ngoi ngóp được lên, thì tiền đâu nuôi nó, cho nó học hành, mà nó chẳng phải cầm đến cái tay xe? Ðã cầm đến bộ tay xe, không những nó phải ra sức kéo người có tiền cuỡi nó, nó còn phải đem mảnh thân cát bụi của nó ra chiến đấu với tạo vật, với những tia nắng mặt trời dữ dội chiếu xuống đốt lưng đốt gáy nó, với những trận mưa trận gió phũ phàng ném những hạt nước nặng nề thẳng vào mặt nó, thổi tung cát bụi lên làm tối mắt nó hay đưa lạng cả xe nó kéo về đằng sau, làm tròng trành sang bên phải, bên trái, tròng trành như một chiếc thuyền. Nào đã hết đâu!... Thắng được tạo vật rồi, nó còn lại phải chiến đấu nữa, chiến đấu với cơ khí, chiến đấu để nuôi thân. Những ông đại tư bản, giàu có hàng triệu, có thể nuôi nổi không biết cơ man nào hạng người như nó, cũng cạnh tranh với nó. Rồi các ông ấy mang ra đường sắt những đoàn xe lửa hùng hổ để chạy thi với anh cu li bé nhỏ yếu ớt kia. Những ông tiểu tư bản cũng chẳng tha nó nào, cũng lại cướp cơm của nó. Mỗi khi nó khom lưng kéo chiếc xe tay thì những tiếng còi inh ỏi làm lọan óc nó, những chiếc xe hơi máy chạy vo vo phun khói mù trời, dồn nó, hắt nó vào một bên đường để tranh lên bước trước.
Mặt trời vẫn "tưới" trên lưng nó một lớp mồ hôi, khúc đường tráng nhựa chang chang không một bóng cây vẫn ở dưới châm kim lên hai bàn chân nó, hỏa trong mình nó bắt lên hai mắt đỏ ngầu, cát bụi bốc lên làm nó tối xẩm mắt lại, đoàn xe hơi vẫn sùng sục đuổi nhau, rồi không biết thế nào, một chiếc vồ phải nó, hắt người khách của nó vào một góc đường, hắt nó té nhào xuống đất.
Nó ngơ ngác nhìn hết mọi người rồi hỏi họ rằng: nó được người ta đền cho bao nhiêu tất cả?Người ta chỉ nhìn nó mà cười một cách chế nhạo rồi bảo rằng người ta đền cho nó một cái chân gỗ, chỉ một cái chân gỗ và một cái nạng thôi: nó đã đi trái luật. Trái luật ư? Không, quyết là không, chẳng khi nào nó đi trái luật bao giờ, nó còn nhớ rõ, quả thật hôm ấy nó vẫn đi bên tay phải.
Vẫn đi bên tay phải ư?... Ðối vớ hạng người như nó,họ chỉ cần đáp lại một câu :mặc kệ ! – Thân nó từ đấy què cụt,ai nuôi? -Mặc kệ ! - Bố mẹ nó già lão thế kia rồi sẽ ra sao? - Mặc kệ !...Họ mặc kệ hết thẩy,nó chỉ đành từ đấy lê cái chân gỗ suốt đời,vì chẳng ai đã làm chứng cho nó trong lúc tai nạn xảy ra nó vẫn đi bên phải.
Vẫn đi bên tay phải ư?... Ðối vớ hạng người như nó, họ chỉ cần đáp lại một câu: mặc kệ! – Thân nó từ đấy què cụt, ai nuôi? - Mặc kệ ! Bố mẹ nó già lão thế kia rồi sẽ ra sao? - Mặc kệ !... Họ mặc kệ hết thẩy, nó chỉ đành từ đấy lê cái chân gỗ suốt đời, vì chẳng ai đã làm chứng cho nó trong lúc tai nạn xảy ra nó vẫn đi bên phải.
Trên cầu người dạo chơi hóng mát lại càng đông thêm. Thỉnh thoảng,một cặp trai gái lướt qua mặt nó, để lại cho nó một ít hương thơm thoang thoảng. Nó bỡ ngỡ đưa hai con mắt nhìn hết người, mà ồ này! chả ai buồn nhìn đến nó, nó chỉ là một thằng què cụt, rách rưới, khốn nạn, ai nhìn đến nó làm gì...!
Thằng què! Thằng què! Lòng tự nhủ lòng, Hai Xuân rầu rầu nét mặt nhìn xuống cái chân gỗ... Những người chung xóm nó, những anh em đồng ngiệp nó ít lâu nay đã cải tên của nó, đã gọi nó là thằng Hai Què. Thằng què! Ôi đau đớn!...
Mặt trời lúc ấy đã lặn hẳn, nhường cho những ngôi sao lăn tăn lấp lánh trên khoảng không trung. Dẫy đèn điện trên cầu, trong một cái chớp mắt, đã rủ nhau bật đều lên cả, ló ra những đám lửa đỏ hung hung có vẻ buồn rầu và kèm cho mỗi người dạo mát một cái bóng hiện trên những thửa gỗ lim, nó lặng im, bé lại hay dài ra tùy ở con người đứng trên một chỗ hay đi đi lại lại.
Trông về Hà Nội, dưới tầng mây bạc lộn vẩy tê tê, thành phố tung lên một giải hào quang sáng lòa cả mắt mà kéo dài một mạch từ ô Yên Phụ đến tận Lò Lợn giáp với Thanh Trì, dẫy đèn điện bờ sông ra công "phá tối" sáng quắc và thẳng băng như chuỗi hạt kim cương.
Cảnh vật đều vui, nhưng Hai Xuân chỉ là một thằng què cụt...!
Nó buồn, buồn lắm!
Rồi nó bỗng thấy nó rất đáng hổ thẹn trong đám đông người ấy, hổ thẹn như một con vật ghẻ lở trốn vào đâu cũng bị hắt hủi đuổi ra.
Nó không dám nhìn họ nữa, quay mặt vào thành cầu, nó tựa cằm vào một thanh sắt mà nhìn xuống nước, nhìn những ngọn đèn điện từ trên ánh xuống bị dòng nước lôi cuốn đi làm tan nát ra như muôn nghìn mảnh kính, như muốn trôi đi mà lại như muốn đọng đấy, lửng lơ một chỗ, lạ mắt vô cùng. Rồi nó vẳng nghe thấy dưới nó tiếng chèo bì bõm, tiếng trẻ khóc oa oa, tiếng cái điếu cày có người rít một hơi sòng sọc.
Nó cố định thần nhìn xuống: một chiếc thuyền từ từ ở gầm cầu chui ra, lù lù mà bí mật như một con quái vật nó thường gặp ta trong những đêm trằn trọc có chiêm bao ghê gớm vậy.
Từ khoang thuyền chiếu ra ánh sáng hiu hắt một ngọn đèn con để thằng Hai thoáng nhìn thấy bóng một người đàn bà cầm chèo ngả nghiêng đằng mũi, ngả nghiêng một cách rất táo bạo như có lúc muốn lăn tòm xuống nước, táo bạo như bóng một con ma đen.
Chiếc thuyền cứ đủng đỉnh mà đi để lại mặt nước chỗ sóng sôi cuồn cuộn, bọt trắng ngầu ngầu, chỗ xô nhau, xoáy nhau, tròn như một cơn gió lốc, chỗ lăn tăn vẩy cá và chỗ phẳng lặng lạ lùng, phẳng lặng mà bì bì đóng váng như một bát nước cơm.
- "Chà! Sung sướng biết bao! Nếu mình lềnh bềnh trôi trên làn sóng ấy!...".
Thằng Hai chợt nghĩ thế, nghĩ đến cách tự tử ấy một cách âm thầm. Nó sống mà làm gì nữa?... Nó chết đi là phải, rất phải, nó chẳng còn nên tiếc gì đời, cái đời què cụt không kế sinh nhai. Rồi nó khỏi phải đau lòng trông thấy những tấn tuồng "con mắng mẹ vì thiếu cơm ăn"mà rồi đâu anh nó lại đem diễn ra trước mắt nó, nó sẽ khỏi phải trông thấy cái cảnh tượng bố nó mẹ nó vêu vao nét mặt, ngồi mỗi người một xó mà nhỏ lệ đầm đìa. Ðược lìa đời, nó sẽ thoát khỏi mọi điều đau khổ. Cái đời nó nay xoay ra đến thế là tuyệt vô hy vọng, trời không thương nó nữa vì xưa nay nó chỉ mong có lấy được một bộ chân khỏe mạnh để kéo cái xe tay, để nuôi thân và nuôi cha mẹ mà thôi. Ông trời ngày nay bắt nó què cụt, nó còn sống nữa làm gì?... Nó đã đau khổ lắm... Vì đâu nó đến nõi phải liều thân như vậy? Chao ôi! Nếu nó vẫn có đủ cả hai chân như mọi người!...
Hai Xuân mệt quá, mệt lả người đi, thiếp mất đi.
Nhưng một sức mạnh vô hình đã đến bao phủ lấy nó, lay nó dậy, dựng nó đứng lên, giục nó trông trước nhìn sau chẳng thấy ai đứng đấy thì trèo lên thành cầu, đăm đăm nhìn xuống nước. Chỉ trong một vài giây đồng hồ nó cũng đủ thấy rợn, nó nhắm nghiền mắt lại, liều buông tay ra. Ðánh bõm một cái thân nó đã bị làn sóng cuồn cuộn xuống, nước lạnh ùa vào tai, vào mắt, vào mũi, vào mồm nó, nó như ngây như dại, nhưng nó vẫn thấy hình như trên cầu có tiếng người rộn rịp chạy, tiếng kêu tiếng thét lào xào, họ túm cả vào một chỗ mà chỉ chỏ cho nhau, thảy đều sửng sốt, những con mắt long sòng sọc xiên qua quãng tối tìm tòi xác nó, lại văng vẳng có tiếng người kêu...
Hồ ồ ồ ồ ồ ồ ha a a a a a !...
Một tiếng còi đinh tai làm Hai Xuân giật mình đánh thót một cái.
Nó bàng hoàng cả người, chớp mắt luôn mấy cái rồi định thần nhìn kỹ mới biết nó vẫn ngồi gục đầu xuống đấy mà ngủ quên đi mất tự bao giờ, nước dãi nó đã chảy ra đầy một bên má nó. Như một vòng trong đèn cù, những người hóng mát vẫn ung dung lướt qua mặt nó, đến bấy giờ họ mới dừng chân cả lại đứng chờ xem một chuyến tầu về...
Sình sình sình sình!... Sình sình sình sình!... cả cầu chuyển động, trên đường sắt hiện ra trong đám tối hai con mắt lửa đỏ ngầu, một cái miệng phun khói ra đen nghịt, rồi như một trận cuồng phong, cái đống sắt đen lù lù ghê gớm ấy phăng phăng trôi qua mắt nó, kéo một dẫy dài đến mười cái toa những người đông nghịt, họ đứng lố nhố mà nghênh ngáo nhìn quanh.
THằng Hai đực mặt ra trông chuyến tầu ấy nó đi đến đâu làm rung chuyển đến đấy như một trận động đất dữ dội, nó làm nhấp nháy muốn tắt cả hai dãy đèn điện trên cầu mãi đến lúc nó đã đi xa, chỉ để lại cho mọi người một ngọn lửa đỏ tù mù ở sau toa cuối cùng nó dần dần biến mất đi trong đám tối...
Không, Hai Xuân chưa chết. Nó hãy còn trơ trơ ngồi đó, nó chưa ném mình xuống nước bao giờ. Nó nghĩ đến cái chết dại dột kia mà chợt rùng mình, rùng mình lạnh toát cả người như trong một cơn (...) (bản chụp bị thiếu mất khoảng 10 từ) thấy muốn đứng dậy lần về nhà nhìn mặt bố mẹ nó, nhìn mặt anh nó dẫu rằng anh nó có gắt nó, nó cũng bằng lòng. Rồi nó cầm lấy nạng.
Bỗng nó thấy đói lắm, đói đến nỗi không đứng lên được nữa, đói quá đi mất. Nó lại thấy lâm râm hơi đau bụng mà chân tay nó mỏi lả đi như đã mất hết cả gân. Nhưng biết làm thế nào? Nó chỉ đành cố sức đứng lên, chống nạng mà đi, cái nạng gỗ rắn quá, cứ đâm nhoi nhói vào chỗ xương nách nó chửa quen dùng, làm đau chết điếng người đi được.
Ði hết cầu, xuống đường đê thì trời tối đen như mực. Nó cứ nghe tiếng mấy người đàn bà đi trước nó mà lần theo họ, theo mãi đi đến nửa giờ. Rồi nó dừng chân trước một mái gianh, một cái lều tồi tàn, đổ nát ,rách rưới ở ngay đầu xóm, bên trong có ngọn lửa to bằng hạt đậu, ánh sáng tiêu điều lách qua phên cửa chiếu ra. Nó chưa dám vào ngay, nó còn lẳng lặng nghe xem sao đã.
Thốt nhiên như có một cơn gió buốt xiên vào tai, vào gáy thằng Hai làm nó rét lạnh cả người, từ đầu đến chân run như cầy sấy, rõ ràng như có tiếng mẹ nó, người mẹ rất thân yêu của nó sụt sùi, như muốn khóc mà như cố nín, cố nín vì phải sợ ai. Nó rón rén tiến gần đến cửa, vén cái mành mành rách lên, nhịn thở nhìn vào. Ôi! một cảnh buồn!... Buồn chết người đi được!...
Bố nó, một ông lão ngót 60 tuổi, cởi trần, gầy gò như một bộ xương, ngồi một góc phản, hai tay để trên hai đầu gối, đầu cúi về đằng trước, ngây người ra như một cái tượng. Mẹ nó ngồi sệp dưới đất, gục mặt xuống đầu gối, hai tay ôm chân, còn anh Cả nó thì nằm thẳng cẳng trên giường, chốc chốc lại dằn vặt chân tay như đang có chuyện gì làm bực tức đến cực điểm. Mẹ nó vẫn tỉ tê khóc lóc, chợt anh nó ngồi vùng dậy như bị một cái lò xo sai khiến rồi đập tay xuống bàn đánh "bộp" một cái mà quát:
- Bà thương nó phải không? Bà cũng phải biết mới được chớ! Nó có là bố tôi đâu? Bà còn tỉ tê nỗi gì?
Hai Xuân đứng ngoài tái mặt đi. Vì nó, anh nó đã sinh chuyện với bố mẹ rồi. Nhưng nó vẫn phải lẳng lặng đứng nghe: bố nó vẫn ngồi yên, chẳng nói chẳng rằng, mẹ nó vẫn sụt sùi, tay bưng lấy mặt. Anh nó lườm mẹ nó một cách trông rất khả ố rồi lại nằm vật xuống giường, thở dài một cái ra chiều rất chán nản. Sau một lát, anh nó lại xấn xổ nói:
- Này tôi bảo thật,lần này là lần cuối cùng đấy... nếu cái thằng mặt chó ấy nó vác xác về đây thì cả ông cả bà liệu mà bảo nó đi đâu thì đi... biết chưa? Ông bà đã nghe chưa?... Tôi chỉ có một bố thôi nhé!... Năm nay tôi ngót ba mươi tuổi đầu rồi mà chưa có vợ con gì cả, vẫn cô độc cô quả thế này là vì những ai?... Ông bà có biết không? Nếu bà thương nó thì bà đi ngay đi... Có gì ghói ghém ngay lại mà đi theo nó... Đi ăn mày với nó... Rồi lại chả lo được ăn mày cả lũ cho mà xem à?... Nay mai nhà máy loại người thì biết ngay chứ khó gì...!
Mẹ nó đến bây giờ mới hậm hực nói:
- ... Thì rồi tao bảo nó, việc gì mày phải vội mắng tao?... mày không nuôi nó nữa thì thôi mà... để tao bảo nó mà... để tao đuổi nó đi mà... tao vẫn bảo.
Anh nó lần này quát lại to hơn trước:
- Vẫn bảo à? Vẫn bảo mà để mấy tháng nữa? Sao không bảo ngay đi có được không?
Bố nó bấy giờ mới khẽ nói:
- Ở thì ở chứ mấy hôm nay nó có dám xin ăn xin uống gì đâu!
Anh nó ra ý tức đến cực điểm lại gắt:
-Thôi đi ông... ông đừng vào hùa nữa...nó không ăn gì thì chó ăn à? Chó ăn cả đấy à?
Nghe đến đây, thằng Hai thấy trong mình sôi máu lên sùng sục. Nó những muốn nhảy xổ ngay vào nhà, giơ nạng lên mà phang cho anh nó luôn mấy cái, nhất là đến vỡ đầu sứt trán thì thôi. Nhưng anh nó bỗng lại thấy ngồi nhỏm lên, vớ lấy cổ cái chai để trên bàn, nện xuống đánh "thình" một cái rồi giơ chai như muốn xỉa xói vào mặt ông bố:
- Ðể tí nữa nó về đây xem! Tôi sẽ hỏi nó xem mấy hôm nay, nó không ăn gì sao nó sống được... tôi sẽ đập cái chai này vào mặt nó xem nó có phải nói thực không thì sẽ biết... muốn chối mà được à?
Hai Xuân rùng mình... Trống ngực nó bỗng thấy đập mạnh, hơi thở nó bổng thấy hồng hộc, nó thở ra khò khè cả lỗ mũi. Rồi nó sợ hãi quá, sợ hãi quá đi mất, tưởng chừng như anh nó đã nghe thấy nó thở, đã biết là nó đứng đấy nên nhẩy xổ ngay ra, cầm chai thẳng cánh dơ lên, toan đập vào giữa trán nó. Nó vội dơ tay lên như muốn đỡ, chống nạng giật lùi mấy bước rất kinh hãi, ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, như đã bị một thương vào trán thật. Trước túp lều tranh ấy, trong đám tối ấy, nó đứng ngây người ra một lúc rất lâu. Rồi nó thấy ghê quá, sợ quá, không dám (...)(bản chụp mất khoảng 10 từ) gót lủi thủi chống nạng bước đi, bước liều đi chẳng biết đi đâu, trong lòng nửa buồn nửa tủi, phần thương bố mẹ, phần giận anh đau đớn đến tê dại cả người, nó cứ lủi thủi bước đi, trốn tránh đi, buồn rầu như một con chó cụp đuôi mà chạy vì có người đuồi theo ném đá.
Nó cứ lần mò trong tối, chống nạng mà đi, cứ đi thế mãi. Chợt nó đứng dừng lại, ngạc nhiên lắm, rồi tự hỏi: ta định đi đâu bây giờ?... Rồi nó đứng ỳ ra đấy, chẳng biết nghĩ sao. Nhưng sau nó nhớ ngay đến một chỗ bờ đê gần đấy có một cây nhãn rất to, dưới gốc mặt đất nhẵn lì vì ban ngày, những trẻ chăn trâu vẫn họp nhau đánh đáo, cây cao bóng mát, có thể hứa với nó được một giấc ngũ no say, không phải lo gì đến chuyện rắn, rết. Nó lại trông thẳng mà bước chân đi, chưa được bao lâu đã thấy hiện ngay ra trước mắt nó cái bóng nhãn lù lù mà nó đang mong mỏi.
Nó ném mình vào chỗ tối ghê tối gớm ấy, tay quờ quạng tìm một rễ cây để gối đầu nằm kềnh xuống đất, vắt tay lên trán mà thở hồng hộc như bò.
Chung quanh chỗ ấy, cánh đồng rộng thênh thang,l ác đác vài nơi ngoi lên những rặng tre lố nhố, đều đắm đuối trong một bức màn dày, lúc đó càng thêm mù mịt vì những đám mây đen nghịt đã kéo đâu về, che lấp cả các ngôi sao.
Những tiếng "ộp oạp" đưa lên inh ỏi, những tiếng chó sủa văng vẳng lao xao, lại trên không, những đàn vạc ăn đêm thỉnh thoảng bay qua, đua nhau kêu líu ta líu tíu. Một cơn gió mát lạnh, đượm những hơi mưa, thổi điều hòa, đập rào rào vào vòm lá nhãn, khởi ra mùi bọ xít thoang thoảng hôi nồng nặc.
Hai Xuân nằm lăn dưới gốc, chân tay uy đã mỏi như dần mà mắt vẫn còn thao lắo nhìn đêm, cái đêm tối tăm, đau khổ, cái đêm không giăng, không sao, cái đêm bí mật, nặng nề của những chuyện tự tử, quyên sinh...
Thôi, từ đêm ấy trở đi, nó không còn mong gì bước chân về nhà nữa, nó đành phải bỏ túp lều tranh rách rưới, tồi tàn mà rất thân yêu ấy, bấy nay trong hai mươi mấy năm trời đã quây quần dưới mái nào cha, nào mẹ, nào anh và nó, đã đếm qua những ngày giờ vui sướng cũng như ngày giờ đau khổ, đã bao lần che chở cho nó được yên thân trong những cơn vũ bão tựa như lở đất long trời. Rồi đây, thân phận nó sẽ nổi, chìm, trôi, dạt, lênh đênh như những cánh bèo mặt nước, như những mảng bọt giữa sông; cái chân gỗ nặng nề đã phá tan trong óc nó mất mối hy vọng đến những ngày no ấm, đã bầy ngây ra trước mắt nó cái đoạn đời khốn nạn của người hành khất, lúc mưa cũng như lúc nắng, đến cửa nhà nào cũng chỉ như để đợi nghe cái câu bất tử: "không sẵn!... đi đi".
Ðau lòng quá đỗi, thằng Hai tay bưng lấy mặt, khóc lên rưng rức. Chợt một cơn sấm động ù ù làm nó sợ hãi đến bay hồn. Trên trời bấy giờ sấm chớp đùng đùng, gió thổi lại càng thêm mạnh. "Chết nỗi! Mưa bây giờ thì mình ra sao?... Dễ thường số mình bị trời đánh chắc?" Nó vừa bâng khuâng nghĩ thế thì đã thấy "lộp bộp" một vài hạt nước mưa to ném xuống như mấy tiếng dạo trong một khúc đàn rồi, theo sau vài cơn gió mạnh, bài âm nhạc sầm sập, rào rào chỉ những cơn gió thổi từng cơn, tiếng nước tơi rả rích kéo dài cái điệu buồn buồn mà tẻ ngắt vì không thay đổi, cái khúc âm nhạc rả rích "trời mưa".
Thằng Hai phải vớ nạng đứng ngay lên, tìm cách náu mình, lom khom ẩn dưới gốc cây. Thỉnh thoảng, một vài giọt nước rơi vào mặt, vào đầu, vào gáy, vào lưng nó, làm nó rét run lên cầm cập mà dưới đất, những hạt mưa lăn tăn bắn lên chân nó làm nó thấy ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Nhưng nó chỉ đành lom khom đứng yên một chỗ, lưng mõi rả rời, chốc chốc ngoáp dài một cái rồi lại nhìn đến cơn mưa, cái cơn mưa trút nước của những ngày hè uể oải, có dư sấm sét rất đáng lo ngại. Hai ba lần, nó phải bưng tai, nhắm mắt, trong lòng hồi hộp mà chờ cái chết vì ngay trên đầu nó thấy những cơn "ùng ục" dữ dội. Cũng may, những con ma chắc không bay đến ẩn mình vào cây nhãn ấy (?)nên những tiếng sét "đoành đoành" đi sau ngững giây chớp sáng quang đã tha cho nó, chỉ đánh xuống những nơi ở tận đâu xa.
Nó cứ đứng thế, mặt đất sũng nước đã ngập cả một bên chân nó tưởng chừng như mưa không bao giờ tạnh được. Nhưng độ một vài giờ sau thì hết cơn mưa.
Hai Xuân bấy giờ đã nhọc lắm, đến chân tay cũng không buồn cử động nữa. Rồi cái đói giúp cái nhọc nó chẳng còn bận tâm lo nghĩ chuyện gì, nó đổi chỗ đứng, một tay vòng nạng, một tay kê sau gáy để đỡ lấy đầu, nó cứ việc tựa lưng vào gốc nhãn, chống tay vào nạng gỗ mà đánh một giấc ngủ rất say sưa, cái giấc nguy hiểm của những nguời bụng đói như cào, có khi ngủ không dậy nữa.
Nó cứ đứng thế mà ngủ được mãi đến khi trời tang tảng sáng, mãi đến khi có một đàn kiến bị nước phá tổ nhung nhúc bò ra, một vài con đỏ như lửa mà to như hột thóc bò lên bàn chân thịt của nó, cong đuôi đốt nó, nhoi nhói như kim châm. Hai Xuân bấy giờ mới vùng thức dậy, dụi mắt, rũ kiến rồi ngơ ngác nhìn cũng hơi ngạc nhiên vì mình đã ngủ, trời tuy đã sáng nhưng chung quanh nó, nó chẳng nom được rõ vật gì, nó chỉ thấy một mầu trắng toát, một bức màn sương, nhưng vì nghĩ ngay đến chuyện về nhà, nó cũng cầm lấy nạng.
Trên đường đê lầm lội mà trơn hơn rêu bám, thằng Hai lủi thủi chống nạng về nhà, đi giữa cái "đám rước" những cỏ và giun, những con nòng nọc mới đứt đuôi lăn tăn nhảy trước mặt nó và những con giun đen xì xì, to như cái đũa ngọ nguậy bò dọc bò ngang, vẽ trên đường đi những vết dài dài. Thằng Hai cứ việc bước đi, lội lõm bõm mà đi.
Về đến gần nhà, nó dừng chân lại đứng ngẫm nghĩ. Chắc hẳn bây giờ thể nào anh Cả nó cũng ra ga rồi, trời chưa sáng rõ là vì có sương, nó vào bây giờ chỉ còn việc là lạy từ cha mẹ. Nó đến cửa, khẽ gõ mấy cái vào phên thì cửa mở ngay. Mẹ nó có vẻ ngạc nhiên hỏi nó:
- Mày ngủ đâu về thế con?
- Dạ, tôi ngủ đằng nhà anh Xã.
- Thế à...! Thế đã cơm nước rồi đấy chứ?
- Ðã, anh ấy gọi tôi đánh chén vì hôm qua, anh ấy phát tài to.
- Sao quần áo mày ướt đầm cả thế kia?
- Nhà giột
- Sao tối hôm qua mày không về?
- Có, tôi có về. Anh Cả nói với thày u những gì tôi đã biết hết... Tôi thấy thế nên tôi lại đi... Thế anh ấy đi làm chưa u?
- Nó đi rồi... vào, con...!
Theo sau tiếng thở dài của mẹ,nó bước chân vào, ố ! này lại...bố nó vẫn ngồi một chỗ như đêm hôm trước.
- Thầy đã dậy làm gì thế?
- Ðã ngủ đâu mà dậy? Đêm qua có ai ngủ đâu?
Rồi bố nó cũng thở dài như mẹ nó. Hai Xuân bấy giờ mới định nói thật, có nói vì thấy ấp úng, khó khăn chẳng khác gì một đứa trẻ con bập bẹ:
- Thầy u ạ, tối hôm qua, anh ấy nói với tôi những gì, tôi đã biết cả. Tôi về bây giờ là để lấy mớ quần áo cũ và cái thẻ của tôi để tôi đi đây... tôi phải đi chứ tôi ở nhà thế nào được?
Rồi nó đứng cúi mặt nhìn xuống đất, trong lòng thật đau đớn, cố cầm lấy nước mắt lúc đó đã thấy chạy quanh. Mỗi phút im lặng mà tưởng như rất lâu, bố mẹ nó vẫn không đáp nó, nó chỉ nhận được hai tiếng thở dài ảo não vô cùng. Hai Xuân nói tiếp
- Tôi cũng biết... thế này là phiền não cho thầy u lắm... thầy u chẳng nỡ, thầy u vẫn có bụng thương tôi, nhưng khốn nổi là nếu ở nhà, tôi không làm gì kiếm ăn được... Thầy u có nuôi được tôi đâu? Tôi không đi cũng không xong mà...!
Mẹ nó vẫn đứng ngây người như một khúc gỗ, nó phải giục:
- Kìa u! U lấy đi cho tôi... để tôi đi cho sớm sủa. Tôi đi thế này tôi cũng khổ lòng lắm, nhưng thôi, thầy u cũng chứ lo phiền, rồi dăm ba ngày một lần, tôi sẽ về thăm thầy u, thầy u không sợ.
Mẹ nó bấy giờ đưa cho nó một gói nhỏ trong cái khăn bọc ngoài đã bạc phơ, bảo nó:
- Cả mấy cái quần áo cũ và cái thẻ u gói kín trong này đây, đừng bỏ mất đâu mà khốn.
Nó đỡ lấy gói, lần đến một góc nhà với một cái nón rách xuống, đội vào đầu:
- Thôi, thầy u ở lại, tôi đi đây... Tôi đi rồi tôi về luôn, đừng nói gì cho anh ấy biết.
Ông cụ ấy vẫn không đáp nó, chỉ nằm xuống giường để tay lên trán. Hai Xuân vừa bước chân ra khỏi nhà đã thấy bên trong bố khóc lên hậm hực. Nó đau lòng quá đỗi, mẹ nó cũng theo nó bước ra, nắm chặt lấy nó như chẳng nỡ dời tay. Nó giương to con mắt nhìn cái mặt răn reo, đau đớn mà thân yêu ấy một lần cuối cùng, nhìn túp lều tranh âu sầu, ủ dột, lúc đó cũng đang thánh thót rỏ lụy, rồi khẽ bảo mẹ:
- U buông con ra buông con ra cho con đi...
Bà cụ đờ đẫn buông tay, ngơ ngẩn nhìn con, mi mắt và mồm như bị một cái gân tai ác giật lấy giật để. Rồi bà cụ đưa ngang cánh tay lên mặt. Hai Xuân tần ngần đứng đấy, trông mẹ khóc mà cảm động quá, thương quá nhưng sau ý chừng cũng biết rằng đem nước mắt mà chống với cuộc đời thật chẳng lợi gì, nó dằn lòng quay mình, mắt đăm đăm nhìn xuống đất, mặt có vẻ dữ tợn đáng ghét, nó rảo cẳng bước đi, bước thẳng đi một mạch.
Bà cụ mẹ nó, vẫn tay bưng lấy mặt, rung động hai vai, mãi đến lúc con đã đi xa mới mở mắt ra nhìn.
- Hai ơi !... ời Xuân ơi!... Xuân ơi...
Không biết bụng nghĩ ra sao mà bà cụ ấy gọi con rối rít, nhưng vì đã đi xa lắm, nó không nghe tiếng, cứ việc cắm cổ mà đi. Rồi thấy bà cụ ấy chạy theo con, vẫn ra sức gọi.
Thương thay! Mái tóc hoa râm đã điểm 60 tuổi trên đầu mà bà cụ ấy vẫn chưa biết mình thân già tuổi yếu, ton ton chạy được vài mươi bước thì chỗ mặt đê trơn như đổ mỡ đã làm bà cụ té nhào xuống đấy lấm lét từ dầu đến chân, nằm trong vũng nước đầy vừa run vừa khóc. Bà cụ ấy ngã đau, đau lắm nhưng cũng cố gượng chống tay nghểng cổ mà nhìn, nhìn đến đứa con thân yêu kia, nhìn đến thằng Hai lúc ấy chỉ còn như một cái chấm trông thẳng về Cầu Sắt Hà Nội mà đi, dần dần biến mình vào đám sương mù...
Juillet 1931
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top