Ba hoa một cành (1) | Hé nở

Tác giả: Võ Hạ Thu

Thể loại: cổ trang Việt, ngôn tình, truyện dài, lãng mạn cảm hứng lịch sử, ngược tâm, np,...

Banner chương: Võ Hạ Thu
----------------------------------------------------------------------------

Tự cổ chí kim, duyên phận dường như đã thật sự là một cái gì đó rất mong manh mà con người có thể tuột tay đánh mất bất cứ lúc nào.

Nhất kiến chung tình hóa ra cũng dễ lao đao trước sóng gió. Kẻ đi người ở, mấy ai hoàn toàn thấu hiểu lòng nhau.

Một đóa sen vấy bùn, rốt cuộc vẫn cố dùng hết sợi tơ trong tâm để níu kéo mảnh tình đã tàn lụi.

Một cánh hoa lan rơi lặng lẽ, rốt cuộc vẫn cố kiên cường chống chọi phong ba bão táp để tiêu tan đi chấp niệm sâu xa.

Một nhành mai giữa muôn ngàn bông tuyết lạnh, rốt cuộc vẫn cố hé nở rạng rỡ để đem lại hi vọng cho ai đó.

Tình sâu như biển, chỉ tiếc chẳng thể vẹn toàn...

------------------------------------------------------------------------------------------------

Đại Việt đời Trần năm Thiệu Long thứ mười bốn, nhân dân sống trong ấm no thanh bình dưới sự trị vì của Thánh Tông hoàng đế, trên thì vua tôi hòa thuận, dưới thì giặc giã dẹp tan, nhiều học viện nhà chùa được xây dựng, người người hưởng phúc. Vua dốc lòng xây dựng giang sơn thái bình thịnh trị, quan tâm đến việc giáo hóa dân, khuyến khích học hành, mở những khoa thi chọn người tài bảy năm một lần và trọng dụng họ. Vì thế trên dưới thiên triều không chỉ có các ông hoàng hay chữ mà còn thêm nhiều trạng nguyên giỏi giang, góp công góp sức vào trang sử của dân tộc.

Nhưng...

"Rầm!"

Một tên thư sinh mở toang cánh cửa cũ kĩ trước nhà, y vội vàng xông vào bên trong và chứng kiến cảnh tượng khiến ai cũng lo sợ. Bụi bặm tỏa lên, trước mắt y là người con gái trẻ tuổi làm một chân hầu hạ cho gia đình y suốt bao nhiêu năm đang nằm sõng soài giữa đống đồ đạc đổ vỡ tan tành. 

Những mảnh gốm từ chiếc bình hoa cổ văng tung tóe, nước tràn ra lênh láng trên sàn nhà, sách quý của kẻ dùi mài kinh sử cũng dập nát rách tươm, giấy bút nghiên mực y cất giữ cẩn thận giờ trông thật thảm hại như thể vừa xảy ra một trận chiến giằng co dữ dội ngay tại căn nhà nhỏ này.

Và trong trận chiến ấy, kẻ chịu thua chính là người em gái tội nghiệp của y.

"Thúy Lan!"

Thư sinh kia mình cao bảy thước, mặt mày nho nhã, mặc áo tứ thân đen nhánh, trên đầu vấn khăn mỏng, chân đi giày da tỏ rõ mình là người sống không quá thiếu thốn, thế nhưng trong ánh mắt sâu thẳm của y vẫn chất chứa một nỗi buồn mà khó ai có thể nhận thấy được. Y đến bên người con gái tên Thúy Lan và đỡ nàng dậy, luôn miệng hỏi đã xảy ra chuyện gì. Lan không muốn làm anh trai lo lắng nên cố tự gắng gượng đứng lên trên đôi chân của mình, nhưng gương mặt lấm lem giàn giụa nước mắt cùng mái tóc rối bù của nàng lại chẳng thể giấu được ai. Nàng vừa khóc tức tưởi vừa kể lại:

- Chị Liên bỏ đi rồi. Chị Liên đi theo tên phú hộ họ Vương rồi. Là tại em không tốt, là tại em...

Thư sinh kia thất thần buông rơi đồ đạc tư trang mang theo bên mình, y sững sờ như không tin lời người con gái nói. Nhưng cảnh tan hoang trong nhà và bộ dạng thê thảm của Thúy Lan thì làm sao lừa nổi y?

Hai mươi mấy năm về trước, tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ miền trung Đại Việt, Ngô thị nằm mộng thấy sao rơi, có mang rồi sinh cho chồng họ Đào một người con trai. Đứa bé tên Đào Tiêu, tự Dương Bật, là niềm hi vọng của cả dòng họ. Nơi ấy ruộng nương bạt ngàn, hai vợ chồng phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới đủ tiền trang trải cơm áo, đèn sách nuôi dạy con trai hiếu học. Khi khôn lớn, cậu bé miệt mài chăm chỉ ngày nào đã trở thành một thư sinh tuấn tú khôi ngô, nho nhã hơn người. Cha mẹ lo hết lộ phí cho Đào Tiêu lên kinh thành dự thi, xóm làng thật mong con trai độc nhất của Đào ông sẽ đứng đầu bảng vàng để làm rạng danh dòng họ. 

Bất hạnh thay, y vừa đặt chân lên kinh thành thì gặp nạn, bị mấy gã giặc cướp thổ phỉ quanh đó chặn lại và lấy sạch tiền bạc, tư trang mà y mang theo. Chúng còn đánh cho tên thư sinh tay không tấc sắt một trận thừa sống thiếu chết. Đào Tiêu tuyệt vọng nằm ở giữa đường, thương tích đầy mình, y nghĩ ông trời sao lại tàn nhẫn đến như vậy, ngay cả cơ hội cho y bước chân vào Quốc Tử Giám dự thi cũng bị đoạt mất. Công sức học hành suốt bao nhiêu năm ròng rã, niềm hi vọng của cha mẹ thế là đổ sông đổ biển hết.

Tỉnh giấc, y thấy xung quanh mình không còn là khói bụi mịt mù giữa mùa hè nóng như đổ lửa, cũng không còn mùi máu tanh trên cơ thể mình cùng tiếng cười đắc ý của đám cướp bóc kia nữa. Nơi này là một căn phòng rộng rãi thoáng mát, đồ đạc có phần sang trọng được bài trí rất đẹp mắt. 

Y gượng dậy, khẽ siết răng vì vết thương, chỉ thấy một người con gái tuổi tầm đôi tám, áo lụa quần là, dung mạo như hoa đến bên y tươi cười: " Ngươi không sao chứ?"

Bây giờ hồi tưởng lại, Đào Tiêu vẫn nhớ sau khi nếm trải mọi đau đớn khốn khổ và rơi vào cảm giác bi thương đến cùng cực, điều đầu tiên y nhận ra khi mở mắt tỉnh dậy chính là khung cảnh yên bình tĩnh lặng của gian phòng xung quanh cùng gương mặt của một mỹ nhân, thật chẳng khác nào được thần tiên cứu giúp. 

Nhưng người con gái y gặp cũng chỉ là một trong vô vàn kẻ thường dân ở chốn trần tục, không được thanh cao bất phàm như thần tiên mà có vẻ hoạt bát nhanh nhẹn, lanh lợi đáng yêu của tuổi trăng rằm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì ra tay tương trợ.

Y nằm trên chiếc giường thoảng mùi thơm từ gỗ, chăn êm đệm ấm, đầu giường đặt lư hương tỏa khói mà theo lời thầy thuốc là rất có ích trong việc chữa trị vết thương, còn người con gái trẻ ấy thì thao thao bất tuyệt về chuyện đã cứu y như thế nào, khuyên y tiếp theo nên làm sao. 

Thư sinh họ Đào kia chỉ biết mỉm cười và lắng tai nghe, chăm chú ngắm nhìn nàng ta.

Người cứu y có cái tên cũng đẹp như vẻ ngoài - Nguyễn Bích Liên. 

Nàng là con gái út của một thương gia buôn đồ gốm giàu có tại kinh thành Thăng Long, từ nhỏ tới lớn luôn được sống trong nhung lụa, tiền của dư dả, ăn không lúc nào đói, mặc không lúc nào lạnh. Sự đủ đầy đó phải chăng khiến Bích Liên khác với những người con gái đồng trang lứa, trong khi họ học rộng tài cao, tinh thông cầm kỳ thi họa hoặc chí ít cũng biết dệt vải thêu hoa thì nàng lại bướng bỉnh chẳng hề động tay đến mấy việc đó, chỉ ham thích các trò dân gian, quen thói tùy tiện làm theo ý mình, dường như không biết trời cao đất dày? Cha mẹ Bích Liên rất đau đầu vì tính nết của con gái, lần này nàng còn tự ý đưa một thư sinh gặp nạn về nhà chăm sóc, hai người mà biết chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình.

Đào Tiêu cứ nghĩ Bích Liên cứu y là do sự lương thiện của nàng, nhưng những gì mà nàng làm cho y càng lúc càng vượt quá suy nghĩ ấy. Bởi vì nàng không chỉ cứu mạng một kẻ nghèo hèn gặp cướp giữa đường mà còn đưa y về nhà chữa trị thương tích, quan tâm đến gia cảnh của y, giúp y mua các thứ sách bút nghiên mực cho chuyện học hành và quan trọng nhất là nàng cứ giữ y ở lại, không cho y đi kể cả khi những vết thương của y đã lành hẳn.

Không biết từ khi nào, nàng đột ngột xuất hiện trong cuộc sống của y lại trở thành một người không thể thiếu đối với y. 

Y vẫn nhớ những ngày Bích Liên ngồi cạnh giường bón thuốc cho mình, bàn tay nõn nà của người con gái trẻ không bao giờ phải làm việc bưng bát thuốc nóng hôi hổi, nàng vụng về làm đổ cả thuốc lên áo y rồi rối rít xin lỗi, vội vàng lấy khăn lau. 

Y vẫn nhớ những ngày Bích Liên hái thật nhiều hoa quanh nhà tặng y, mang cho y thật nhiều của ngon vật lạ, toàn là các thứ cao lương mỹ vị mà một kẻ quanh năm sống nơi sơn dã như y chưa bao giờ được thưởng thức. Mỗi ngày nàng lại mặc một bộ xiêm y mới, nàng học vấn tóc, học cài trâm hoa trên đầu để khi gặp y trông xinh đẹp tuyệt trần và còn luôn miệng hỏi y: "Ngươi thấy hôm nay ta có đẹp không?"

Đẹp chứ. Với Đào Tiêu, lúc nào nàng cũng đẹp cả. 

Nhất là cái đêm trằn trọc vì trời nổi gió, vết thương trên người sưng tấy, Bích Liên túc trực quanh y không lúc nào rời rồi mơ màng ngủ gục bên cạnh y.

Gương mặt nàng tràn trề nhựa sống kể cả khi đã say giấc nồng, nước da trắng ngần như gạo, bờ môi hồng tựa cánh sen như đang mỉm cười với tên thư sinh mình đã cứu nạn. Y bần thần cả người rồi đưa bàn tay gầy guộc chai sạn vì cày ruộng, vì cầm bút nhiều lên để khẽ xoa mái tóc đen như màu mực y vẫn thường viết trên giấy. 

Những sợi tóc óng ả lướt qua bàn tay y, vương lại một mùi hương thoang thoảng như hoa sen mùa hạ. 

Gương mặt ấy, mái tóc ấy dần dần cứ luẩn quẩn trong đầu Đào Tiêu, lời nói tự nhiên chân thật của nàng cũng khiến y suy nghĩ mãi không thôi. 

Nàng hay kể chuyện nhà, kể chuyện mình, chuyện trên trời dưới biển, chuyện đông tây nam bắc gì nàng cũng kể lể với y hết như muốn làm y vui, như đang mong chờ một nụ cười, một lời khen từ thư sinh tối ngày chỉ biết đèn sách. Thi thoảng nàng lại dẩu môi tỏ vẻ bất mãn, chê y nhàm chán, chê y không hiểu nhân tình thế thái, chê y không biết đối xử tốt với ân nhân cứu mạng.

Đúng là một người con gái sống trong nhung lụa, đỏng đảnh khó chiều. Hoàn cảnh của y và nàng rất khác nhau, nhưng chính sự ngây thơ, thuần khiết, đáng yêu đó đã sưởi ấm trái tim cô độc của y từ lúc nào, khiến khoảng cách giàu nghèo giữa hai người bị xóa tan, cứ như chỉ còn y với nàng ở bên nhau, mặc kệ thế gian ngoài kia, mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ. 

Bích Liên khác biệt với nhiều người con gái đã đến tuổi búi tóc cài trâm. Nàng giống như tên của mình, là một đóa sen xanh bừng bừng sức sống đem đến cho cuộc đời Đào Tiêu ánh nắng vui vẻ, đem đến cho y cả nụ cười để vượt qua những phong ba bão táp y từng trải, để y có thể tiếp tục tiến về phía trước thực hiện điều mà y luôn khát khao. 

Nhưng thế sự vô thường, chẳng điều gì có thể lường trước được. Dù là một người con gái ương ngạnh, dám nghĩ dám làm, không cam chịu số phận, Nguyễn Bích Liên vẫn không thể thoát khỏi vận mệnh ác nghiệt, không thể thoát khỏi bàn tay của những kẻ nắm quyền sinh quyền sát, nắm cuộc đời người khác ở giữa cái thiên hạ đầy rẫy khổ đau, oan trái và bất công này. 

Đầu thu, ngô đồng vàng rực nhuộm cả bầu trời trong vắt. Gió lướt qua như dải lụa, thổi tung trang sách cũ trên tay Đào Tiêu. 

Bích Liên vội vàng xô cửa để gặp Đào Tiêu đang ngồi yên đọc sách. Nàng chẳng tô son điểm phấn, mặc lụa là gấm vóc và hỏi y : "Ngươi thấy hôm nay ta có đẹp không?"  nữa. Nàng nhào vào lòng y khóc nức nở, nói cha mẹ ép gả nàng cho một tên phú hộ giàu có ở làng bên. Họ đã biết chuyện nàng giấu gia đình chăm sóc một tên thư sinh nghèo rơi nghèo rớt, không biết tương lai sau này sẽ ra sao. Họ muốn cho người đến bắt y, bắt luôn cả nàng đi thành thân. 

Bích Liên còn quá trẻ, vừa mới qua tuổi trăng rằm, tính nết ương bướng, nàng không thể an phận thủ thường theo sự sắp đặt của gia đình, một bước trở thành dâu hiền vợ thảo, làm vợ tên phú hộ hơn nàng cả chục tuổi. Nàng chỉ muốn ở bên Đào Tiêu - nho sinh chăm chỉ, hiền lành đã bầu bạn với nàng suốt thời gian qua. 

Nhìn nước mắt nàng giàn giụa trên khuôn mặt ngọc ngà, Đào Tiêu cầm lòng không được. Bích Liên luôn chê y chẳng hiểu nhân tình thế thái, nhưng thật ra bản thân y biết rất rõ, người không hiểu nhân tình thế thái nhất chính là nàng.

 Y khổ công rèn luyện đèn sách suốt bao nhiêu năm ròng rã, muốn lên kinh dự thi để báo ơn cha mẹ tổ tiên, làm thân nam nhi đứng vững trên đời, đường công danh thuận lợi. Nào ngờ y gặp cướp giữa đường, nếu không phải được Bích Liên cứu, chỉ sợ giờ này y đã chết mất xác nơi kinh đô phồn hoa. 

Người con gái này không chỉ là ân nhân cứu mạng của y. Những gì nàng đã làm cho y, những gì nàng đã đem lại cho kẻ áo vải như y, Đào Tiêu y có báo đáp ân nghĩa kiểu gì cũng chẳng hết. 

Bên ngoài, tiếng đám tay sai của cha mẹ Bích Liên đã vang lên khiến y thoáng sợ hãi. 

Nàng là cành vàng lá ngọc, rốt cuộc y đối với nàng vẫn chỉ là một kẻ gia cảnh bần hàn, vẫn chỉ là không xứng đôi vừa lứa. 

Nhưng kể từ khoảnh khắc thức dậy sau khi bị đánh đập một trận thừa sống thiếu chết, gặp được người con gái họ Nguyễn dung mạo như hoa, ngây thơ lương thiện, Đào Tiêu đã muốn chở che, bảo vệ cho nàng suốt quãng đời còn lại rồi. 

Thế nên y bất chấp tất cả, nắm chặt lấy bàn tay trắng trẻo của nàng, dịu dàng hỏi:

- Có muốn đi với ta không?

Bích Liên ngẩng đầu lên, hai mắt đỏ hoe:

- Đi đâu?

Y nhẹ nhàng vuốt mái tóc mềm mại của nàng, nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ ấy và trả lời:

- Đi đâu cũng được. Đi thật xa khỏi nơi mà nàng không thích, đi về quê nhà của ta, đi đến tận chân trời góc bể. Đợi ta trở thành Tân khoa Trạng Nguyên, ta sẽ dẫn nàng đi ngao du khắp thiên hạ, sau đó đưa nàng về gặp lại cha mẹ nàng, họ sẽ chấp nhận ta, họ sẽ không bắt nàng lấy tên phú hộ kia nữa. 

Đào Tiêu vẫn nhớ kỹ trọng trách đứng đầu bảng vàng của một thư sinh có chí lớn. Y xuất thân nghèo hèn, chưa làm nên chuyện, cha mẹ Bích Liên dĩ nhiên sẽ không tác thành cho y và nàng. Nhưng chỉ cần công thành danh toại, y sẽ có thể ở bên người con gái mà mình muốn yêu thương, bảo vệ, chở che suốt một đời. 

Nguyễn Bích Liên chính là động lực lớn lao nhất của y.

Nàng khẽ tựa đầu vào vai y, yên lặng trong vòng tay gầy yếu mà ấm áp. 

Đào Tiêu thủ thỉ: "Ta hứa với nàng."

Sau này y mới nhận ra, lời hứa của mình vĩnh viễn chẳng bao giờ thực hiện được. 

Khi đám tay sai của nhà họ Nguyễn xông vào trong, cả gian phòng đã trống không, chỉ còn lư hương trị thương đặt ở đầu giường ngừng tỏa khói từ lâu. 

Y đã dắt nàng đi, chạy thật xa khỏi những bất mãn trong cuộc sống, chạy thật xa khỏi những lễ giáo hà khắc, hủy hoại cả một đời của người con gái son trẻ. 

Đó là điều duy nhất y có thể báo đáp cho nàng.

Y và nàng khi đó hoàn toàn thuộc về nhau, tưởng chừng như không ai có thể chia rẽ, phá vỡ mối lương duyên này.

Bây giờ nhớ lại, Đào Tiêu thở dài tiếc nuối. 

Y cảm thấy tâm tình của Bích Liên đối với y năm ấy có lẽ chỉ là sự bồng bột, ngây ngô của những tháng ngày còn non dại. Nàng chưa hiểu sự đời mà đã quyết định gửi gắm tấm thân cho một người đàn ông mình cứu mạng giữa đường và hết lòng quan tâm săn sóc. Cha mẹ giận dữ, nàng mặc kệ. Thiên hạ chế giễu phỉ nhổ, nàng bất chấp. Nàng mù quáng chạy theo tình ái, nào biết được thế gian này tàn nhẫn đến thế nào. 

Người đàn ông đó đã đáp lại tấm chân tình vội vã của nàng, nhưng kết cục lại không như nàng và y mong muốn. 

Tấm chân tình ấy đi cũng vội vã như lúc đến. 





Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top