Trao người một bó hoa Diên Vỹ

Trên thế giới này, có lẽ có một người, đến từ những tháng năm tuổi trẻ, mà chúng ta giấu kỹ tận đáy lòng, nhớ nhung người đó, nhớ tới cả những ngày tươi đẹp đã qua, những tháng ngày hạnh phúc hồn nhiên ấy.

Nhưng, nếu thật sự có một người như vậy, phải hướng lên trời cao cầu nguyện, để chúng con suốt đời không gặp lại nhau.

Giống như một tấm hình cũ, cần đặt nó trong tập sách ảnh, hồi ức và trân trọng.

01

Năm ấy từ chức, tôi đã hỏi thăm tất cả những người bạn Đại học có quen biết về tin tức của Nhậm Phi. Vờ như vô tình nhắc đến, phần lớn những lời đồn nhận được về cậu ấy đều ngỡ đúng mà sai, có lẽ bởi các lớp học theo hệ thống tín chỉ [1], cho nên tình cảm cũng không được mặn mà cho lắm, sau khi tốt nghiệp đường ai nấy đi, rất nhiều người từ đó mai danh ẩn tích cũng không phải chuyện lạ lẫm gì. Nhưng tôi vẫn cho rằng những người ấy không bao gồm Nhậm Phi. Lúc còn đi học, cậu ấy chính là một trong những nhân vật quan trọng của học viện Bát Đại chúng tôi.

Có người nói sau khi tốt nghiệp đại học cậu ấy đã đi châu Úc du học, học một mạch đến trên tiến sĩ; có người nói một thời gian trước gặp cậu ấy ở thành phố C, hình như đã về nước, vào làm chuyên gia phân tích đầu tư cho một công ty chứng khoán. Chiều hôm đó gặp Tiểu An trên MSN, cô ấy còn cách ngàn dặm ngàn dặm xa xôi qua mạng Internet gõ một hàng chữ đậm thật lớn cho tôi xem: Nhậm Phi à, nghe đâu một thời gian trước kết hôn rồi đấy, cô dâu chính là người cặp thành một đôi với cậu ấy hồi cuối năm tư, tên là gì ấy nhỉ? A, Michelle.Cô ấy gõ một cái mặt cười thật to, sống ở nước ngoài đã lâu, hồi học trung học tiếng Anh còn rơi rớt trường kỳ, bây giờ tác phong đã hiện đại hóa lắm rồi, viết được tên dịch từ tên tiếng Trung của cô dâu: Mễ Tuyết. Đúng rồi, tôi còn nhớ cô gái ấy tên là Mễ Tuyết, họ Mễ, tên Tuyết.

Đêm nhận được tin tức này, tôi đến quán KFC dưới nhà chọn một suất cho cả gia đình, vừa ăn vừa hồi tưởng Nhậm Phi trong ký ức, ăn hết nhẵn cả một suất đầy đồ chiên, ngay cả ngón tay cũng liếm sạch sẽ, vừa vặn nhớ tới lúc trước khi tốt nghiệp. Đoạn hồi ức không có gì đặc biệt này cũng sắp đi đến hồi kết.

Thật ra đây là một câu chuyện có chút buồn thương, tôi vẫn thầm mến Nhậm Phi, không kém gì những cô gái khác cùng học viện, chỉ nhút nhát và tự ti hơn. Có rất nhiều cô gái nồng nhiệt cam đảm, sẽ đưa khăn mặt đưa nước cho cậu ấy khi cậu ấy nghỉ giải lao lúc chơi bóng, dùng những câu chữ tuyệt đẹp viết những bức thư tình động lòng người, có thể còn chủ động gửi cho cậu ấy một vài tin nhắn mờ ám.

Chuyện can đảm nhất tôi đã làm lúc đó, là khi đi du lịch Miyaluo [2] vào mùa thu năm thứ hai đại học, mua một bộ bưu thiếp trên sạp nhỏ bày bán những bưu thiếp rực rỡ sắc màu ven đường, chọn ra một tấm đẹp nhất gửi cho cậu ấy. Thật ra tấm bưu thiếp ấy không được đẹp cho lắm, nhưng may mắn là nó không hề giấu đi vẻ đẹp của lá đỏ ở Miyaluo, màu đỏ rực phủ kín cả bìa, mặt sau là nước xanh như ngọc, bóng núi xanh biếc, cảnh sắc tựa như miêu tả trong thơ cổ: "Phong hương vãn hoa tĩnh, cẩm thủy nam sơn ảnh" . [3]

Trước khi đặt bút tôi hồi hộp suy nghĩ thật lâu, nên viết gì cho đặc biệt một chút, nhưng lúc đặt bút lại viết thành: "Bầu trời Miyaluo rất xanh, lá đỏ rất đẹp, nhưng đồ ăn ở đây chán lắm. Lần sau nếu cậu muốn tới chơi, nhớ mang theo một ít lương khô, nếu không sẽ rất chật vật. À phải rồi, tốt nhất là hãy chuẩn bị một cây ô, hôm qua trời bỗng nhiên đổ mưa nhỏ, thời tiết nơi này thất thường như tính khí cô giáo tiếng Anh." Chúng tôi có chung giáo viên Anh ngữ, đang ở độ tuổi mãn kinh, tựa như một quyển sách bí ẩn, đoán biến tính khí cô ấy khiến người ta đau đầu hơn cả bài kiểm tra cấp sáu.

Tấm bưu thiếp giống như bài giới thiệu sản phẩm du lịch của hướng dẫn viên du lịch ấy, cuối cùng vẫn được tôi gửi đi. Cho tới bây giờ, tôi cũng không biết hồi đó cậu ấy có nhận được hay không, lúc nhận được, có phải cậu ấy thấy quái lạ lắm không. Nhưng nhiều năm sau còn nhớ rõ, khoảnh khắc nhét bưu thiếp vào hòm thư, trong lòng rất trầm tĩnh.

Giữa thiên nhiên kỳ diệu và vĩ đại luôn khiến người ta can đảm vô cùng, Đỗ Phủ năm ấy ngâm vịnh ra câu thơ "Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiểu" [4] hào hùng như thế, có lẽ cũng bởi điều này.

Này mây, này cây, này gió, khiến tôi trong chớp mắt biến thành một cô gái vô cùng dũng cảm, lần đầu tiên muốn truyền đạt tình cảm trong lòng cho cậu ấy biết.

Mà rời khỏi Miyaluo, tôi lại mất đi dũng khí.

02.

Tuần thứ hai kể từ khi từ chức, tôi chuyển tới quán trọ nhỏ được nhượng lại năm trước ở thành phố X. Nơi đó được mẹ quản lý rất tốt, cha dỡ hàng tường gạch mà người chủ cũ xây quanh sân quán trọ xuống, đổi thành hai hàng rào gỗ làm từ gỗ thông Nga, tường vi màu hồng phấn leo đầy trên mặt hàng rào, dưới ánh mặt trời lấp lánh chiếu rọi.

Tôi vốn tưởng rằng bản thân ở tuổi hai mươi bảy đã mất đi toàn bộ những cảm nhận về thẩm mỹ nghệ thuật, thế nhưng ở khoảnh khắc này lại có thể nhớ tới câu truyện cổ tích từng đọc lúc ấu thơ, nhớ tới ngôi nhà nhỏ trong rừng rậm.

Thật ra việc biết tin Nhậm Phi kết hôn và chuyện tôi từ chức không có mối liên hệ nào. Để mở quán trọ này tôi đã ấp ủ ba năm, còn nghe ngóng tin tức của cậu ấy, rất có thể là... cảm xúc bất chợt? Không thể phủ nhận, 6 năm qua tôi vẫn luôn trân trọng ghi tạc cậu ấy tận đáy lòng, nhưng, có lẽ bởi từng đoạn thời gian xóa nhòa, sau hai nghìn ngày đêm, việc hồi tưởng về cậu ấy đã mất đi ý nghĩa vốn có, biết đâu cũng đã biến thành một loại tô-tem [5] biểu tượng tinh thần.

Nhậm Phi, cậu ấy đã trở thành điều gì rồi? Trong sân quán trọ có một gốc tương tư [6] do người chủ cũ trồng, thân cây cao và thẳng tắp, có mùi thơm nồng, xanh tươi tốt, đẹp đẽ không nói nên lời, như dáng vẻ cậu ấy hồi đại học. Còn cậu ấy hiện tại, dáng vẻ sẽ ra sao? Có những lúc tôi sẽ không nén nổi nghĩ như vậy. Còn nhớ thuở nhỏ từng vì đuổi theo một cánh bướm mà lạc đường, đứng ở ngã đường xa lạ quệt mắt, gào khóc thật lớn, từ đó về sau, thời thơ ấu không thể tránh khỏi một bóng ma in hằn mang hình cánh bướm, thể nghiệm này không thể tùy tiện nói là tốt hay xấu, chẳng qua là, tôi thường hay nhớ tới. Tôi không chắc định nghĩa của mình về Nhậm Phi có đồng nghĩa với cánh bướm kia không.

Cách cả Đại Tây Dương, hơn nửa đêm Tiểu An ở đầu bên kia điện thoại lo lo lắng lắng: "Đàm Nhiên, ước vọng một người đàn ông đã kết hôn là không đúng đâu, crime, trọng tội." Tôi ngáp, chọt chọt chậu mimosa mới mua trước cửa sổ: "Nghĩ đến một chút cũng không mang bầu được đâu, tớ rất vui sướng khi nghe nói gần đây cậu có niềm tin vào Thiên Chúa Giáo, Chúa vạn năng có phổ biến cho cậu một khóa kiến thức thông thường về sức khỏe sinh lý không?" Cô ấy ngập ngừng: "Không có đâu."

Tôi không tranh luận với cô ấy, đây không phải là ước vọng, là hồi tưởng; ước vọng là tương lai, hồi tưởng là quá khứ; nhưng điều này... không cần phải nói cho Tiểu An nghe. Sau đó chúng tôi bắt đầu tán gẫu về người bạn trai thứ bảy mới kết giao của cô ấy. Thế giới mở cửa, nước Mỹ cởi mở, Tiểu An phóng khoáng. Hồi nhỏ, cô ấy tết hai bím tóc sừng dê, cậu trò nhỏ không cẩn thận chạm vào tay cô ấy một chút thôi, cũng có thể làm cho cô ấy khóc thét, chạy tới hỏi tôi: "Nhiên Nhiên, có phải tớ sẽ mang bầu không?" Thành thật mà nói, khi đó tôi cũng không biết cầm tay liệu có thể mang bầu được hay không, hỏi một đằng, trả lời một nẻo bảo cô ấy: "Nếu sinh ra là bé trai, cho tớ làm mẹ nuôi nhé." Cô ấy sẽ khóc càng thảm thiết hơn.

Thời kì người chủ trước kinh doanh, quán trọ này đã tích lũy được một lượng khách rất ổn định, không cần quá tốn công cũng có thể kinh doanh như thường. Mấy ngày trước có một nhóm sinh viên đại học Mỹ thuật đến vẽ tả thực, vào trọ ở đây. Mẹ rất qúy các cậu ấy, ngày nào cũng dậy thật sớm nấu bữa sáng, bày lên mặt bàn tròn lớn kiểu cổ đặt trong sân vườn muôn hoa đua nở, mời các sinh viên dậy sớm dùng bữa, tôi đoán rằng, mẹ cũng đã bắt đầu hoài niệm ngày cũ, những ngày làm bữa sáng cho tôi, thúc giục tôi đeo cặp đến trường. Trong sân chốc chốc truyền đến tiếng cười lác đác, phiêu đãng trong giấc mộng tôi. Đúng vậy, khi các cậu ấy cùng nhau ăn sáng, gần như tôi còn đang ngủ, buổi sáng mỗi ngày, khi bóng mặt trời dịch đến giữa chăn tôi mới dụi dụi mắt thức dậy, nhìn mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời qua cửa sổ rộng mở. Sau khi rửa mặt qua quýt, giẫm lên phiến đá xanh bị giày dép của du khách mài sáng bóng như ngọc, thong thả lượn qua phổ cổ kế bên mua một bánh trứng rán làm điểm tâm. Đám sinh viên Mỹ thuật này, ngày nào các cậu ấy cũng ăn sạch trơn điểm tâm trong bếp, ngay cả dưa muối cũng chẳng thừa.

Mẹ không nghĩ tôi sẽ kết thúc cuộc đời tại tòa cổ thành này, mẹ cho rằng tôi chỉ tạm thời chán ngán thương trường khói thuốc súng cuồn cuộn nên về đây lánh nạn, hoặc giả mẹ dựa vào việc hợp đồng thuê mướn của quán trọ nhà tôi chỉ ký trong năm năm, vẫn thường hay nói đùa: "Mấy năm thanh xuân quý giá nhất con muốn hao phí cả ở nơi này, thế thì chọn phắt lấy một người trong đám khách trọ làm bạn trai dự bị để kết hôn khi cần đi."Rốt cuộc cha mẹ cũng bắt đầu lo lắng đến hôn nhân đại sự của tôi. Cho dù là hai mươi bảy tuổi, tôi cũng không cho rằng đó là tuổi quá lứa lỡ thì cần phải kết hôn ngay.

Cha về quê một chuyến, mang ra giùm tôi bộ sách tôi thích hồi học trung học và mấy món đồ chơi nho nhỏ, nhàn rỗi giở ra xem, vẫn còn có mấy bức tranh cắt giấy Ultraman, phát hiện ra sở thích khi ấy của mình thật là khó hiểu. Mà thời gian sẽ không quay trở lại, chỉ có vùng trời phía trên thành cổ này, một ngày như ngàn vạn năm, từ xa xưa mặt trời và mặt trăng đã cùng nhau rọi khắp nơi nơi, vui vẻ thong dong.

03.

Tối qua lúc đi dạo có tạt qua quán nhỏ bán bánh trứng rán, ông chú tốt bụng bảo tôi trong nhà có chút chuyện, hôm nay ông ấy không buôn bán, tôi đỡ phải mất công đi. Dạ dày cũng nhơ nhớ món điểm tâm mẹ làm, thế là đặc biệt đặt đồng hồ báo thức, đúng bảy giờ rời giường, định bụng cướp khỏi miệng đám sinh viên Mỹ thuật như lang như hổ một chén cháo, cháo gạo thơm dịu mà mẹ đặc biệt thêm bách hợp vào rồi ninh sền sệt.

Ở nơi này, cho dù là đầu hạ, sáng sớm đã lạnh lẽo. Một quán trọ nho nhỏ thế này, nhưng giống như một lọ nước hoa thật lớn bao bì đẹp đẽ, tràn ngập các phần tử hương thơm của hoa dại và bùn đất, còn có tiếng hoan hô, tiếng cười đùa của các thiếu niên nơi sân vườn nữa. Tôi khoác một chiếc cardigan sợi to ngoài váy dài, rón ra rón rén xuống lầu, mò đến phòng bếp tìm bữa sáng của tôi, nhưng vẫn bị mẹ phát hiện ra, từ xa xa gọi tôi lại: "Cú mèo, ra chào hỏi khách đi."

Hương cỏ thoang thoảng trong mảnh sân không lớn không nhỏ, trên phiến lá mỏng manh còn đọng lại những hạt sương đêm, tôi cười bước qua, lướt mắt qua mặt bàn khay cốc bừa bộn: "Này, các cậu phải phần tôi một cái bánh bao nhớ." Chợt nghe thấy một tràng cười, có người vội vàng xê ghế tựa, chừa cho tôi một chỗ ngồi, chân gỗ cọ xát với nền đá, phát ra tiếng kèn kẹt già nua.

Thật ra cho đến khi học trung học, đại học, cuối năm thứ tư, tôi đều không giỏi giao tiếp với người khác cho lắm, nhưng công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp lại là làm ở bộ phận bán hàng chuyên phục vụ khách VIP, vì sinh kế phải rèn luyện sao cho mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Mọi người thường nói xã hội là một cái thùng nhuộm lớn, nhưng có lúc tôi cảm thấy nó như một cơ sở y tế công cộng, điều trị nỗi muộn phiền, phát huy những tài năng và bổ sung những thiếu sót trong tính cách của con người.

Giữa những tiếng cười ấy, dưới tàng cây tương tư cách đó không xa, có người nhận điện thoại xong vừa lúc xoay người lại, áo sơmi sọc xanh, quần kaki màu be, thân hình rất cao ráo. Tôi nghĩ chắc hẳn cậu ấy nhìn thoáng qua đã thấy tôi, trên gương mặt quá đỗi khôi ngô lộ ra một chút sửng sốt. Trống ngực tôi đập thình thịch, một lúc lâu sau, cậu ấy ngập ngừng gọi tên tôi: "Đàm Nhiên?" Trên bàn ăn một cô gái mặc quần trắng ngẩng đầu lên, tóc quăn mềm mại, đồ trang sức trang nhã nhẹ nhàng, ngỡ ngàng ngoảnh lại nhìn cậu ấy rồi lại nhìn tôi: "Hai người quen nhau à?".

Dường như nắng vẫn còn ngái ngủ, lặng im núp sau tầng mây, chỉ có sương mù màu tím lãng đãng bao phủ, mềm mại giăng giăng trong sân nhà nho nhỏ.

Đương nhiên là có quen biết, số phận vẫn lạ lùng như vậy đấy.

Tôi giơ tay lên cười chào hỏi cậu ấy: "Đã lâu không gặp, Nhậm Phi." Tay tôi đang run rẩy, có lẽ nụ cười cũng cứng đơ, may là còn cách một khoảng. Một làn gió nhẹ thổi qua, phả vào mặt hơi thở ngày hè.

Dáng vẻ cậu ấy vẫn như trong trí nhớ, dường như không có thay đổi nào. Chỉ ngăn cách bởi hai cái bàn, nhưng thời gian thật sự là sáu năm. Cô gái bên cạnh cậu ấy là Mễ Tuyết, ngày càng dịu dàng xinh đẹp hơn, lúc này đã là vợ cậu ấy. Bỗng chốc có cảm giác cảm xúc không thể nào bình lặng, có một câu nói rất hay thế này, có một số người cả đời không nên gặp lại nhau, nếu có gặp lại, sẽ định trước là một vở bi kịch không bao giờ có hồi kết. Trước đây tôi không hiểu ý nghĩa của câu này, nhưng bây giờ hình như đã mang máng hiểu được.

Một tấm hình cũ cất sâu trong ký ức, tấm hình cũ đại biểu cho những tháng ngày tốt đẹp vô ưu vô lự thuở trước, xoạt một tiếng, bị xé nát.

04.

Thuở nhỏ, nhà tôi sống trong một tứ hợp viện [7], trong sân có một bồn hoa, bắc lên một giàn nho xanh biếc, mùa hạ tôi thường ngồi dưới giàn nho làm bài tập hè. Trong sân hiện giờ, chủ nhà trước đó rất kỳ công, dựng một lều hóng gió bằng gỗ phủ chất bảo quản bên gốc tương tư, trước đây có một loài cây màu xanh không biết tên, có những chiếc lá hình răng cưa khỏe mạnh bò lên, dọn tới được một tuần, tôi đổi hết chúng thành cây tử đằng Nhật Bản, tháng tư kết nụ, tháng năm ra hoa, lúc này hoa đã đầy đầu cành, từ xa trông lại như một màn sương mù xanh thẳm mông lung mờ mịt, mong manh nhưng xinh đẹp.

Thời tiết hôm nay thật đẹp, tôi mang bàn nhỏ và ghế gỗ đến dưới giàn hoa tô lại tranh, giống như một bài văn nổi tiếng của Lỗ Tấn tiên sinh được chọn vào sách giáo khoa trung học đã mô tả, dùng một tờ giấy trắng trong mờ mờ che lên một trang nào đó trong tập tranh, men theo những đường nét đã có tô lại bức tranh, là một trò chơi cổ xưa.

Trên những bậc thang bằng gỗ cách đó không xa một thằng bé chừng 6 - 7 tuổi đang lạch bạch lạch bạch chạy xuống, chắc hẳn là khách của quán trọ, chạy thẳng về phía vườn hoa nhỏ ở góc phía đông, ánh mặt trời kéo nghiêng bóng dáng nhỏ của nó dài thật dài.

Tôi huýt sáo: "Nhóc đẹp trai ơi, em đang làm gì thế?"

Thằng bé ngừng những bước chân lạch bạch ngoảnh lại nhìn tôi, chỉ vườn hoa phía xa: "Mẹ bảo em xuống hái cho mẹ hai bông hoa kia kìa."

Tôi hù doạ nó: "Đấy là cỏ độc, có độc nhé. Đứng gần quá, hay ngửi mùi hoa đều có thể phát bệnh, nếu hái xuống thì còn khủng khiếp hơn."

Thằng bé lui về phía sau một bước: "Thật, thật thế ạ?"

Tôi nghiêm túc nhìn nó: "Chị có giống người nói dối không?"

Nó ngẫm nghĩ, không cam lòng ngóng nhìn vườn hoa một lát, lại dọc theo hàng lang lạch bạch lạch bạch chạy về.

Thật ra những khóm lớn hoa màu xanh trong vườn là diên vĩ, không phải là cỏ độc gì cả, nhưng nếu không nói thế, phỏng chừng chẳng có cách nào bảo vệ vườn hoa nhỏ này khỏi sự phá hoại của những khách trọ đâu. Có một số người thích giữ những thứ đẹp đẽ ngay trong tầm với của mình, tôi thấy, cứ để chúng ở nguyên tại chỗ là hơn. Quay cây bút chì một vòng giữa những ngón tay, nằm nhoài trên bàn tiếp tục tô mẫu, phía sau lại vang lên một tiếng nói: "Diên Vĩ có độc từ khi nào thế?"Tôi giơ tay ra hiệu im lặng theo bản năng, ngẩng đầu lại thấy Nhậm Phi ôm lấy cánh tay tựa vào cánh cổng bò đầy tường vi bên sân, mặc áo T-shirt màu trắng như sinh viên đại học, trong biểu cảm mơ hồ một nụ cười thích thú.

Tôi sửng sốt chừng năm giây. "Cậu đấy à." Tôi nói.

"Tớ đây." Cậu ấy đi qua một đoạn đường đá xanh nhỏ đến trước mặt tôi, hơi cúi mình xuống, ánh nắng lọt qua giàn hoa tử đằng như sương khói, loang lổ trên áo T-shirt trắng của cậu ấy, tạo thành những vết lốm đốm to nhỏ đáng yêu. "Cậu đang làm gì đấy?" Cậu ấy hỏi tôi, đường nét trên gương mặt dường như rõ nét hơn sáu năm trước đôi chút, trong tay cầm một quyển sách, "Cuckoo's Egg Is Whose", là tác phẩm mới nhất của tiểu thuyết gia trinh thám Higashino Keigo. [8]

"Vẽ tranh." Tôi chìa tập tranh cho cậu ấy xem: "Vẽ có ổn lắm không?"

Cậu ấy cầm lên, ngẫu nhiên lật hai trang, ngập ngừng hỏi tôi: "Tất cả là đều là những thứ giống nhau?"

Không hiểu làm thế nào vào lúc này, ở nơi này, tôi có thể trò chuyện với cậu ấy như một đôi bạn lâu năm, cho dù chúng tôi học cùng lớp đại học, nhưng mỗi người có một vòng tròn riêng, thế giới của đôi bên chỉ có một đường trùng khít, đó là bóng rổ - cậu ấy là tiền phong của đội bóng rổ trường học, tôi là... bạn thân của bạn gái của hậu vệ khống chế bóng. Thi thoảng đội bóng tụ họp mà không náo nhiệt cho lắm, sẽ rủ rê thêm người nhà của người nhà là tôi đây cho đủ quân số, trong gian phòng ánh đèn u ám, cậu ấy sẽ dùng giọng ca rất trầm lắng hát những bản tình ca êm dịu, quá nửa thời gian tôi bưng đồ uống không cồn lặng lẽ ngồi một mình trong góc.

Tôi đoán rằng cậu ấy chưa bao giờ chú ý tới tôi.

Tập tranh được cậu ấy lật đến trang cuối cùng. Cậu ấy ngừng ở trang ấy rất lâu, cúi đầu hỏi tôi: "Là một loại hoa thì phải? Là hoa gì thế?"

Tôi rót hồng trà táo từ trong bình thủy tinh ra: "Nói thực, tớ cũng không biết là hoa gì. Phải rồi, cậu muốn uống trà không?" Hương trà táo xanh vấn vít trong túi trà nhỏ bé, tôi đưa chén trà cho cậu ấy, tiếp tục nói: "Có một ống đựng bút bằng sứ mà tớ thích lắm, không biết của ai tặng, bức tranh ở mặt trên chắc là do người tặng tớ tự mình vẽ, hồi trước chuyển nhà không cẩn thận làm vỡ, cho nên tớ muốn vẽ lại một bức nữa, khó khắn lắm mới tìm được một mẫu khá giống trong một tập tranh, tớ muốn tập tô trước."

Cậu ấy cúi đầu một lúc: "Làm thế nào cậu biết được đó là bức tranh người ấy tự mình vẽ để tặng cậu?"

Tôi nhận lấy thành quả lao động của mình từ trong tay cậu ấy: "Bởi vì tớ từng thấy ống đựng bút bằng sứ trắng giống y hệt trong cửa hàng mà, nhưng nhân viên cửa hàng bảo tớ loạt sản phẩm này không vẽ họa tiết như thế kia." Câu trước chẳng ăn khớp với câu sau, tôi gượng gạo cười: "Nhưng thiên phú hội họa của tớ có hạn, chẳng bao giờ vẽ đẹp cả."

Cậu ấy không nói gì, im lặng rất lâu, vươn tay cầm lấy bút chì của tôi, giở ra trang giấy trắng bên trong "Cuckoo's Egg Is Whose". Cây bút vạch ra những nét đầu tiên trên trang giấy trắng như tuyết, dường như cậu ấy mới sực nhớ ra, ngẩng đầu, nói ngắn gọn với tôi: "Tớ thử xem."

"Thử xem gì cơ?"

Cậu ấy không trả lời, nhưng rất chăm chú dùng bút chì 2B của tôi vẽ tới vẽ lui, hương táo xanh trong khói trà lượn lờ đã tan hết, lúc này mùa hạ dường như đã đang trôi đi thong thả, như bong bóng vỡ tan. Ánh nắng ngón mũi chân dừng trên những lọn tóc của Nhậm Phi, nét mặt nhìn nghiêng chuyên chú của cậu ấy trông như những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp trưng bày trong cung điện Louvre [9]. Đây là chàng trai đã chiếm giữ tất cả những ước vọng trong những tháng năm đại học của tôi, có một ngày, sau khi đã trở thành chồng người khác, cậu ấy lại đứng trước mặt tôi gần đến thế, tâm trạng này dễ gì miêu tả được. Tôi cố gắng chuyển đi sự chú ý của mình, liền nhớ lại câu chuyện về chiếc ống đựng bút kia.

05.

Chiếc ống đựng bút ấy, chắc chắn là món quà sinh nhật bí ẩn nhất tôi từng nhận được trong suốt những năm đại học.

Sắp tới kỳ thi cuối kỳ đầu năm thứ ba đại học, tinh thần mạo hiểm thúc đẩy tôi và Tiểu An quyết định đến tự học ở căn phòng nổi tiếng ma quái của trường vào buổi chiều âm u đó. So với những tòa nhà gần hai mươi năm mới được tu sửa khác, phòng học ở đây có trần nhà cực cao, ánh đèn chiếu xuống lờ nhờ như một lớp dầu mỡ loang loảng, nhìn ra ngoài qua cửa sổ có thể thấy cây khô trụi lá, chạc cây sắc bén đâm thẳng lên bầu trời. Trong phòng học chỉ có hai người, chúng tôi gà gà gật gật ngâm nga những lý luận văn nghệ và mỹ học buồn tẻ, giữa chừng cùng nhau làm một chuyến đi toilet. Kết quả là đêm hôm đó quay về phòng ngủ, bỗng nhiên thấy trong ba lô thừa ra một chiếc ống đựng bút bằng sứ, không có bất kì bao gói nào, trần trụi nằm trong một góc túi sách bên cạnh hộp đựng kính, trải rộng ra trên thân ống là một bức tranh sắc màu rõ nét: những phiến lá xanh biếc dẹt mà mượt mà, gân lá rõ rệt, mặt trên nở rộ hàng trăm bông hoa xinh đẹp không biết tên, sống động mà lẻ loi, tươi tốt um tùm.

"Có lẽ là của âm hồn tặng cho cậu." Tiểu An nói, vừa nói vừa rùng mình một cái.

"Biết đâu đấy". Tôi hùa theo, nhưng không hề thấy đáng sợ: "Nếu thật sự là quà tặng của âm hồn, đó nhất định phải là một âm hồn rất có thẩm mỹ, nhỉ?" Khi ấy dù tôi ngại ngùng, nhưng có đôi lúc lá gan to đến khó mà tưởng tượng nổi. Sau đó biết được hoa văn màu ở mặt trên là làm thủ công rồi thêm vào sau, càng quý trọng nó hơn, cho dù người tặng tôi món quà này là ai, cậu ấy có lòng như vậy, tôi thấy rất cảm kích.

Một tuần sau đó, thi xong triết học chủ nghĩa Mác, Tiểu An được thuyết duy vật võ trang lại tư duy, cảm thấy những lời về âm hồn quả thực rất vô lý, lại đột phát ý tưởng: "Biết đâu là của người thầm mến cậu tặng cậu thì sao, tự tay thiết kế họa tiết, vẽ trên ống đựng bút trắng tinh tặng cho cậu, hướng về phía cậu tỏ rõ cõi lòng, lãng mạn quá đi chứ. Cậu chờ đi, có khi mấy ngày nữa người ấy sẽ xuất hiện."

Lời đoán mò này sau đó chưa đánh đã tan, bởi vì người kia, vẫn không hề xuất hiện.

Ngón tay Nhậm Phi rất thon dài, giờ phút này, chúng nhoáng lên dao động trước mắt tôi. Tôi chớp chớp mắt, không biết đã qua bao nhiêu chớp mắt, mới hồi phục lại tinh thần. "Cuckoo's Egg Is Whose" đã đóng lại mặt bìa, mặt trên rất dịu dàng in hình một quả trứng, một đứa trẻ phá vỏ mà ra, Nhậm Phi bưng chén trà vừa rồi tôi rót cho cậu ấy, nước trà màu nâu đậm, dường như đã nguội rồi.

"Vẽ xong rồi à?" Tôi hỏi cậu ấy. Vừa nói vừa nghi hoặc cầm lấy quyển sách, đưa tay mở mặt trong trang bìa ra. Cậu ấy không trả lời tôi, chỉ chậm rãi uống trà nguội. Tầm mắt của tôi dừng trên hoa văn phác hoạ giữa mặt trong tràn bìa.

Rất lâu về sau, mỗi khi nghe những khúc ca xưa cũ hoài cổ, thi thoảng tôi sẽ nhớ đến giờ khắc này. Đối với hành trình hai mươi bảy năm cuộc đời của tôi mà nói, có duy nhất một đoạn hoàn toàn trống rỗng, dường như đó là một phút đồng hồ tôi khuất mặt trần gian. Tôi nhìn họa tiết giống như đúc hoa văn trên chiếc ống đựng bút đã vỡ nát mà tôi yêu qúy nhất kia, phải kiềm chế tất cả tình cảm mới có thể thốt lên hỏi: "Chiếc ống đựng bút kia, là của cậu tặng tớ?"

Cậu ấy xoay xoay cái chén không trong tay, cũng không hề nhìn tôi, hồi lâu mới nói: "Có lẽ vậy..." Thật lâu sau, lại nói: "Lúc tốt nghiệp, tớ nhớ đã từng hỏi cậu, sau này muốn đi đâu, muốn làm gì? Cậu bảo cậu định đi châu Úc, tiếp tục đi học." Cậu ấy ngẩng đầu cười cười như có như không: "Tớ không ngờ được, cuối cùng cậu lại mở quán trọ này."

Những ký ức sau cùng buổi chiều hôm ấy để cho tôi, là một sự trầm lặng mênh mang. Khi cậu ấy cầm bình trà chuẩn bị thêm trà, thì bà xã đang giảng dạy ở học viện Mỹ thuật của cậu ấy đeo giá vẽ thật lớn xuất hiện ở cửa sân, từ xa xa vẫy gọi chúng tôi: "Nhậm Phi, Đàm Nhiên, em vẽ mấy tấm này đẹp lắm, hai người có muốn qua đây xem không." Cậu ấy đặt bình trà xuống, đứng dậy đi đón bã xã của mình.

Tôi đỡ trán, thấy khóe mắt hơi ẩm ướt, ngẩng đầu nhìn hoa tử đằng nở rộ, rực rỡ như thắp lửa, nghe thấy Mễ Tuyết bối rối nói: "Đàm Nhiên, cậu sao thế?"

Tôi cười cười, đưa "Cuckoo's Egg Is Whose" cho cô ấy: "Không sao đâu, chỉ là... tạm biệt quá khứ thôi. Tặng cậu." Ngẫm nghĩ, lại thêm một câu: "Chúc cậu hạnh phúc." Ngón tay cô ấy nhẹ nhàng mở bìa sách ra, wowmột tiếng: "Đây là hoa gì thế, đẹp quá nhỉ." Nhậm Phi ở bên cạnh giải thích: "Diên vĩ." Ngừng một chút, lại nói: "Lúc đầu muốn vẽ diên vĩ, nhưng lại vẽ thành thế này."

Thì ra là thế.

Chẳng mấy ngày nữa, tôi sửa soạn hành lý bước lên chuyến hành trình đi đến Shangri-La [10], nơi đó không quá xa, cũng chẳng coi là quá gần, có thể cho tôi nhớ những điều gì, hay quên đi những gì, mỗi một chuyến đi chính là một cuộc sống mới. Thế gian có đủ loại tiếc nuối, tiếc nuối lúc này, cũng chỉ là một góc của tảng băng trôi những nuối tiếc trong đời mà thôi. Tôi cố chấp sống mãi trong quá khứ, thế nhưng, năm tháng là một dòng sông mênh mang vô tận, có những lúc chúng ta cảm thấy dòng sông muôn đời vẫn trôi như thế, không có gì khác biệt, nhưng dòng nước chảy qua vào khoảnh khắc này và ngay sau đó chẳng bao giờ giống nhau [11], tôi nghĩ như vậy đấy.

Ngày 3 tháng 6, tôi gửi cho Tiểu An một tấm bưu thiếp, đeo ba lô thật lớn, đi vào Shangri-La.

END

_______________

* Chú thích:

[1] Hệ thống tín chỉ: Credit system.

[2] 米亚罗- Miyaluo - Mễ Á La

[3] Dịch Nghĩa:
Mùi thơm cây phong tỏa trong bóng chiều yên tĩnh
Bóng ngọn núi Nam soi xuống dòng sông Cẩm thủy.

(Trích trong bài thơ Thục quốc ti của Lý Hạ)

[4] Hai câu này được trích trong bài: "Vọng nhạc" của Đỗ Phủ, miêu tả sự hùng vĩ của núi Thái Sơn. Dịch nghĩa:

Ðược dịp lên tận đỉnh cao chót vót,
Ngắm nhìn mới thấy núi non chung quanh đều nhỏ bé

[5] Tô-tem (totem): Vật tổ.

Tô-tem có thể là một cái cây, một con thú, những cơn mưa, một khu rừng,...hay một cái gì đó trong thiên nhiên. Ví dụ nhé: "Tộc Khuyển Nhung tự nhận tổ tiên của họ là hai con chó trắng, tôtem của họ là chó." - Trích trong "Tôtem Sói" (Wolf Totem) của Khương Nhung (Trung Quốc).

Theo dịch giả Trần Đình Hiến, tôtem là linh vật, mang ý nghĩa biểu tượng về sức mạnh tinh thần của con người. Ở Trung Quốc, tôtem ban đầu thường là những biểu hiện về người phụ nữ, như mặt trăng, cá... và đặc biệt được biết đến sau này là rồng. Đối với văn hóa phương tây, tôtem là hình ảnh con ngựa bay có cánh... Nhiều nước, nhiều nền văn hóa có nhiều tôtem khác nhau.

[6] Cây tương tư - 相思树.

Cây tương tư hay còn gọi là cây keo tương tư nhé.

Truyền thuyết về cây này có liên quan đến cặp vợ chồng rất nổi tiếng là Hàn Bằng và Hà thị.

Dị bản: Cây tương tư

[7] Tứ hợp viện

[8] Higashino Keigo

Higashino Keigo sinh năm 1958 tại Osaka, là nhà văn trinh thám hang đầu Nhật Bản hiện nay. Một số tác phẩm của ông đã xuất bản ở Việt Nam như: Phía sau nghi can X, Bí mật của Naoko.

[9] Cung điện Louvre

[10] Shangri-La

Vậy thì thành phố X nơi có quán trọ nhà Đàm Nhiên chắc là thành cổ Lệ Giang rồi.

[11] Chắc các bạn đã từng nghe qua câu này rồi: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" (Héraclite).

Đây chính là câu nói khái quát những suy nghĩ của Đàm Nhiên ở đoạn cuối đó.

Ngoài lề tẹo:

Ý nghĩa của Hoa Diên vĩ: Lòng trung thành, sự khôn ngoan, lòng dũng cảm, niềm hy vọng. (Phổ biến nhất nhé)

Ở Trung Quốc, hoa diên vĩ tượng trưng cho tình bạn và tình yêu, tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngôn ngữ của hoa diên vĩ là chỉ một tình yêu tuyệt vọng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top