Điểm giáng thần
Năm mười tám tuổi, y cưới vợ.
Trưởng tử nhà thị lang lấy nữ nhi nhà viên ngoại, kể cũng là môn đăng hộ đối. Hôn sự vốn là do đôi bên cha mẹ định đoạt, băng nhân mai mối, kẻ làm con chỉ việc vâng theo. Đến ngày lành tháng tốt là chăng đèn kết hoa, pháo đỏ rượu hồng, kiệu hoa đến phủ, tân nương vào cửa, bái đường thành thân. Cũng không thể nói là thích hay không thích, chỉ là tới tuổi thành gia lập thất thì phải cưới vợ, như đến mùa đông thì tuyết phải rơi vậy, dù muốn dù không cũng không tránh khỏi. Một đôi khi, tâm tính thiếu niên lại khiến y nảy dạ tò mò, chẳng biết cô dâu sắp cưới về dung mạo tính tình ra sao? Nhưng rồi ý nghĩ đó chỉ thoáng qua như sóng gợn mặt hồ, y phẩy tay, dẫu có thế nào, chỉ cần nàng ta giữ đúng tam tòng tứ đức, vị trí chính thất này sẽ mãi là của nàng ta.
Rồi đám cưới, rồi pháo nổ ran trời, rồi kiệu hoa chạm cửa, tân nương bước qua lửa hồng, bái cao đường, chúc rượu… Và động phòng.
Y chẳng nhớ nổi dáng vẻ nàng mặc hỉ phục ra sao nữa, bởi lúc vào động phòng y đã say đến tám phần, chỉ kịp chuếnh choáng lật tấm khăn che mặt, thoáng qua một nhan sắc mơ hồ, ánh nến mơ hồ, tà áo đỏ mơ hồ… y chìm sâu vào giấc ngủ.
Khi y tỉnh giấc, mở mắt ra liền trông thấy một thân thanh y mỏng mảnh ngồi trước đài trang, mái tóc đen như suối xõa dài. Ngỡ ngàng một thoáng y mới sực nhớ ra, hôm qua mình đã bái đường thành thân, kể từ hôm nay, bắt đầu có một nương tử. Mà kia chính là người sẽ đi cùng y suốt cả cuộc đời. Bèn khẽ khàng bước lại.
Từ đằng sau, y chỉ thấy trong gương hiện lên một đôi môi phớt hồng, chiếc cằm xinh xẻo, duy có điều làn da trắng xanh khiến dung nhan nàng đượm phần xanh xao yếu đuối.
Chẳng đợi nàng kịp phát giác, y đã tươi cười lên tiếng trước: “Môi nàng nhạt quá, để ta thoa thêm chút son cho tươi tắn, được không?”
Đó là câu đầu tiên y nói với nàng.
Nữ tử ứng tiếng quay lại, mỉm cười với y. Mắt như nước biếc, mày tựa núi xanh.
Y liền tiến lại, mở nắp hộp son, miết ngón tay một cái, nhẹ nhàng thoa lên môi nàng. Dưới ngón tay y, bờ môi nàng ửng dần lên, như một đóa hoa từ từ nở rộ.
Mà đóa hoa ấy, từ nay đã thuộc về y.
Ôn nhu tự lúc nào đã len vào ngập cả lòng, y cao hứng nói: “Từ nay, ngày ngày ta sẽ thoa son cho nàng.”
Cảnh tượng trong phòng khuê hôm ấy lọt vào mắt a hoàn nữ bộc, lập tức lời đồn lan ra ngoài, nói y thật biết học theo Trương Sưởng [1], phu thê vừa mới cưới ân ái mặn nồng, lưỡng tình tương duyệt.
-o0o-
Ba năm sau.
Nàng ưa mặc những màu dìu dịu như lam nhạt, hồng phai, y phục hàng ngày toàn là những màu này, thoáng trông xa như một đóa mây hững hờ trôi ngang trời. Thường cũng ít khi điểm trang lộng lẫy, chỉ tô đôi môi hồng hồng, mà đôi môi này, là y thoa son cho nàng.
Mày tựa núi xanh, mắt như nước biếc. Nước da trắng xanh, mái tóc đen dài. Đơn sơ thanh tú.
Duy có làn môi hồng thắm.
Có điều, lời đồn đã chẳng còn ca tụng y học theo Trương Sưởng nữa, thay vào đó bắt đầu xì xào sao phu thê thành hôn đã ba năm vẫn chưa sinh hài tử, nói cái gì bất hiếu hữu tam…
Một sớm cùng y tới thỉnh an cha mẹ, nàng đột ngột mở lời:
“Con dâu bất hiếu, về làm dâu đã ba năm vẫn không sinh được đích tôn cho nhà ta. Chi bằng cưới thêm cho phu quân một tiểu thiếp, để giữ gìn hương hỏa.”
Mày vẫn xanh, mắt vẫn biếc. Nước da vẫn xanh xao, mái tóc vẫn đen dài. Cặp môi hồng tựa cánh đào thản nhiên đề cập tới chuyện nạp thiếp, ngữ khí hệt như chuyện vãn hàng ngày.
Mẫu thân đưa mắt nhìn phụ thân, như đợi ý ông. Phụ thân chậm rãi gật đầu.
Chẳng để cho y lên tiếng.
Nàng hiểu, y cũng hiểu. Chuyện hôn nhân nào phải riêng của hai người, hôn nhân còn là để duy trì hương hỏa, nối dõi tông đường. Thê không được thì thiếp, thiếp không được thì nàng hầu, một người không được thì cưới thêm người nữa, hai người không được thì nạp thêm người thứ ba, miễn là sinh được cho dòng tộc một mụn cháu trai. Xưa nay trong các nhà thế gia, ai mà chẳng năm thê bảy thiếp.
Đó là bổn phận của nàng. Cũng là bổn phận của y.
Cứ như thế, mọi chuyện đã được định đoạt. Hệt như năm đó cưới nàng về.
Nạp thiếp nên cũng chẳng có gì rầm rộ, chỉ thêm một đôi đèn lồng đỏ trước hiên, hai chữ hỉ dán hai bên cánh cửa.
Nàng dịu dàng sửa lại vạt áo cho y: “Kiệu đưa dâu sắp vào đến cổng sau rồi!”
Y khẽ nâng cằm nàng lên, tay miết chút son thoa lên môi, định thuận thế nhìn sâu vào mắt nàng, nào ngờ rèm mi dài thật dài đã khép lại. Ánh mắt y vẫn không rời gương mặt xanh xao của nàng, ngón tay nhẹ nhàng thoa từng chút từng chút son lên môi. Tỉ mỉ dịu dàng như thế.
“Nàng đừng buồn.”
“Có gì đâu, là việc thiếp nên làm mà.”
Bàn tay buông xuống tìm tay nàng, siết nhẹ.
Chợt bên ngoài vang lên tiếng rao: “Kiệu hoa đã vào cổng sau.”
Từ sau khi nạp thêm tiểu thiếp, tháng ngày cứ cuốn y đi. Thảng hoặc có nhác thấy nàng ngang qua, đôi bên cũng chỉ là vài câu dặn dò thăm hỏi cũ, người hỏi thuận miệng hỏi, người nghe thuận miệng đáp lời. Một đôi khi, nhìn bóng nàng khuất dần phía cuối hành lang, chìm sau lớp lớp đình đài lầu các, phòng ốc dọc ngang trong phủ, y thoáng thảng thốt.
Vẫn là mày xanh mắt biếc, có điều hình như nhợt nhạt hơn xưa.
Ích gì đâu? Cả y cùng nàng đều hiểu đó là một lẽ dĩ nhiên, hao gầy chỉ tổn tâm can mà thôi.
Qua năm sau, tiểu thiếp hạ sinh một bé gái. Hôm đầy tháng đứa nhỏ, y nhìn thấy nàng.
Vẫn là áo lợt tóc dài, có điều hình như nhợt nhạt hơn xưa.
Qua năm sau nữa, y lại lấy thêm một tiểu thiếp. Lần này chẳng ai an ủi nàng đừng buồn, cả nàng, cả y, cả hai cô tiểu thiếp, đều hiểu là việc đương nhiên phải thế.
Rồi qua năm sau nữa, tiểu thiếp mới cưới sinh một bé trai. Ngày đầy tháng, trong phủ mở tiệc lớn ăn mừng, a hoàn nô bộc đều đeo hoa đỏ trước ngực, song thân y cười nói luôn miệng, cuối cùng cũng sinh được một người nối dõi tông đường.
Chỉ riêng có nàng, năm nay hình như còn tiều tụy hơn xưa.
Tháng lại tháng, năm lại năm, kiệu hoa rồi lại kiệu hoa nối nhau vào cửa ngách. Tân niên rồi Nguyên tiêu, Nguyên tiêu rồi Đoan ngọ, Đoan ngọ rồi Trùng cửu, Trùng cửu lại Tân niên, dáng gầy gò nhợt nhạt của nàng vẫn thấp thoáng sau cả rừng nhan sắc của đám con hầu tỳ thiếp, đến y cũng nhãng đi chẳng mấy để tâm nữa. Dần dà dần dà, một tà áo lợt cũng nhòa giữa đám muôn hồng ngàn tía…
-o0o-
Trong lúc y phải đi xa, nàng ở nhà trở bệnh nặng. Thuốc thang chạy chữa vô hiệu, bệnh trạng càng lúc càng xấu đi. Tiếp được thư nhà, y vội vã trở về. Đã không còn kịp.
Trên giường chỉ thấy nàng nằm đó, mắt nhắm nghiền như ngủ. Gò má tái xanh gầy võ, mái tóc dài xác xơ, chẳng còn đâu dáng nét nữ tử ngồi trước đài trang năm nào. Có chăng là rèm mi dài thật dài, cùng bờ môi… Nhớ tới bờ môi, y như sực tỉnh, nhìn lại làn môi tái ngắt của nàng, vội ngó quanh tìm hộp son hồng.
A hoàn hầu cận rụt rè thưa: “Đã lâu lắm rồi không thấy thiếu phu nhân tô son điểm phấn.”
Cuống quít nhào lại bàn trang điểm, lật tung các hộc tủ, cuối cùng tìm được một hộp son đã cũ. Vụng về mở nắp, là một hộp son dùng dở, lớp son bên trong đã khô cứng lại, hằn vết ngón tay y.
Năm đó, là y hào hứng nói với nàng: “Từ nay, ngày ngày ta sẽ thoa son cho nàng.”
Thẫn thờ buông rơi cả hộp son. Son đóng cứng trong hộp vỡ ra từng tảng từng tảng, vung vãi dưới chân y, như những mạt vụn thời gian.
Lả tả rơi đầy đất.
Chú thích:
[1]: Trương Sưởng: Người thời Hán, làm quan tới chức Kinh Triệu Doãn dưới thời Hán Tuyên Đế, rất yêu thương vợ, ngày ngày đều vẽ mày cho vợ xong mới lên triều, bởi vậy trở thành điển cố, gọi là “Trương Sưởng họa mi”
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top