Chương 2: Chiếc Phong Cầm Trong Nhà Thờ Cổ

Nơi tôi ở trọ gần một nhà thờ. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi thường ngồi ở ghế xích đu trước hiên nhà, nhìn thiên hạ đi lễ và chờ đợi tiếng chuông vang lên báo hiệu buổi lễ tối bắt đầu. Không hiểu sao tiếng chuông kia quyến rũ tôi rất nhiều. Như con chó của Pavlov đã có phản ứng ứa nước miếng mỗi khi nghe tiếng chuông rung dù không có miếng thịt trước mặt, tâm hồn tôi cũng có phản ứng khát khao mãnh liệt một đức tin mỗi khi nghe chuông nhà thờ đổ, dù tôi không phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo.

Buổi chiều nay trời quá nóng. Bữa ăn chiều xong đã lâu. Ngồi đợi mãi vẫn chẳng thấy các con chiên đi lễ và cũng chẳng nghe tiếng chuông đổ, tôi uể oải đi ra biển hóng gió. Con đường dẫn ra biển phải đi vòng phía sau nhà thờ và ngang qua những dãy nhà lá chất đầy những chiếc rổ nhỏ được người lớn, trẻ em đua nhau đan, để bán cho các nhà thầu buôn cá hấp đem lên các tỉnh ở miền cao nguyên. Vượt qua một cồn cát đầy những cây xương rồng hoa nở đỏ ối, tôi đối diện ngay với mặt biển xanh thẩm. Lẫn trong ngọn gió mát từ ngoài khơi thổi vào, thỉnh thoảng có mùi tanh nồng của những con cá óc nóc nằm chết trên bờ gần mé nước. Tôi tiếp tục đi bộ thẳng xuống nơi có miếu thờ cá ông, nơi đó không khí trong lành hơn, vì xa khu dân chài đông đúc.

Trên bãi cát phẳng mịn có nhiều chiếc ghe được kéo lên nằm chờ con nước. Tôi đến ngồi trên một lưng ghe đen bóng, che gió châm thuốc hút, rồi nhìn chăm chăm mặt biển êm. Tôi thầm mong mình sẽ gặp con K. như nhà văn Ý Dino Buzzati đã mô tả. Theo truyền thuyết, con K. là một loài quái vật sống ở biển, nó luôn luôn sát hại kẻ nào đã lỡ nhìn thấy đó, dù cho kẻ đó có tìm mọi cách để chạy trốn. Tôi tưởng tượng con K. có đôi mắt thật lớn (tôi luôn luôn thích những đôi mắt lớn) và rồi chúng tôi sẽ im lặng nhìn nhau trong suốt đêm nay. Phải có một cái gì theo đuổi mình suốt đời dù là kẻ thù (như con K.) tôi thấy đời sống cũng đỡ tẻ nhạt.

- Chị xem ông kia tức cười không?

- Um, để người ta ngồi suy nghĩ.

Chắc tôi không quay lại nếu tôi không nghe tiếng "Um" lạ tai đó. Có hai chị em gái đang đi vòng phía sau chiếc ghe tôi đang ngồi. Tôi cười hỏi cô em nhỏ :

- Trông tôi tức cười lắm sao?

Cô nhỏ giơ tay chỉ.

- Tóc ông bay trông giống như con gái.

Cô chị cú lên đầu em nhỏ rồi nhìn tôi.

- Nó liếng lắm, xin ông đừng chấp.

Lúc này tôi mới nhận ra cô chị chính là người thường mặc áo dài trắng đi lễ ngang qua chỗ tôi ăn cơm. Em là một con chiên ngoan đạo và tôi thường nói với bạn bè : trông khuôn mặt dịu hiền của em, chắc lớn lên em phải đi tu, vì đời sống trần tục này không có chỗ nào dung chứa khuôn mặt đó mà không làm nó hư hỏng đi. Tôi hỏi cô chị :

- Chiều nay em không đi nhà thờ?

- Dạ em đã đi lễ buổi sáng. Ông thường đi chầu buổi chiều?

- Không. Tôi thường thấy em đi ngang qua nơi tôi ở trọ.

- Vậy ông là người ở xa đến đây?

- Phải.

- Nơi đây buồn quá trời, ông đến đây làm gì?

- Tôi đến để "bắt ốc hái rau" sống qua ngày.

- "Bắt ốc hái rau", nghề gì kỳ vậy?

- Tôi cũng không hiểu nữa. Một ông bạn người Huế nói việc làm của tôi như vậy và tôi cũng chỉ biết vậy. Có lẽ ông ấy muốn ám chỉ việc làm của tôi rất nhàn và chẳng kiếm được bao nhiêu tiền.

Cô bé cười :

- Làm công việc nhàn thật khỏe. Em cũng mong được đi "bắt ốc hái rau" như ông.

Tôi lắc đầu cười.

- Chẳng khỏe gì đâu. Ðói lắm!

Những nụ cười đã giúp chúng tôi nói chuyện với nhau cởi mở hơn. Cô bé hỏi tôi đã thấy thích quận lỵ nhỏ bé này chưa. Tôi nói : "Người ở đây nhiều tình nghĩa lắm!" Em nói :"Ông định "mọc rễ" luôn ở đây không?". Tôi cười đáp : "Nếu nhà em còn đất, tôi sẵn sàng "mọc rễ" ở đó". Cô bé vội cúi đầu, tóc xõa che lấp khuôn mặt. Một lúc sau ngẩng mặt lên, em hỏi lảng sang chuyện khác.

- Khi nãy gặp ông, em thấy ông nhìn chăm chăm như muốn tìm kiếm cái gì ở biển vậy?

Tôi không biết nói với em tôi đã tìm kiếm cái gì. Tôi chẳng thể nói ra ý định muốn gặp con K. kỳ quặc. Nhưng sợ hết chuyện nói, cô bé sẽ đòi đi về, nên tôi đã bịa ra tôi đã đánh rơi một vật quí giá xuống biển và tôi tin biển sẽ đem trả lại tôi. Nghe xong câu chuyện, cô bé ngạc nhiên hỏi :

- Ông đánh rơi cái gì vậy?

Tôi đáp gọn lỏn.

- Ðức tin.

Cô bé trố mắt nhìn tôi.

- Người ta có thể tìm thấy "đức tin" ở biển?

- Chứ em nói tôi phải tìm ở đâu bây giờ?

- Theo em, ông chỉ có thể tìm thấy ở nhà thờ.

- Chắc không?

- Chắc chắn. Ông cứ đến nhà thờ rồi ông sẽ tìm thấy đức tin.

- Vậy ngay chiều mai tôi sẽ đến nhà thờ dù cho tôi là một người ngoại đạo.

- Chúa ơi! Ông là người ngoại đạo?

- Vậy chắc tôi không thể tìm thấy đức tin ở nhà thờ phải không?

Cô bé nhíu mày suy nghĩ một lát, rồi đáp :

- Chúa đã dạy "Hãy tìm sẽ thấy". Ông cứ đến nhà thờ đi. Bây giờ trời tối rồi, em xin phép ông dẫn em nhỏ về kẻo ba má trông.

Hai chị em cô bé chậm rãi đi về phía có dốc cát cao để vào phố. Dốc cát đầy những bụi xương rồng rậm rạp che khuất cô em và tôi chỉ nhìn thấy đôi vai của cô chị nhô lên in rõ trên bầu trời tím hồng. Trước khi em xuống dốc, tôi thấy em quay lại nhìn về phía tôi. Ðôi mắt em đen, mở lớn và mặc dù cách một khoảng xa, tôi vẫn tin mình đã tìm thấy đôi mắt kia khẽ chớp. Ngay buổi chiều hôm sau tôi đi đến nhà thờ. Ðây là một nhà thờ cổ có màu vôi trắng, nhưng từ lâu lớp vôi chưa được quét lại nên biến thành màu xám nhạt. Trên gác chuông cao nhô lên từ phía sân sau, tôi thấy còn có treo một chiếc trống lớn, tôi rất ưa thích nhà thờ này bởi vẻ đơn giản và cổ kính của nó. Tôi không ưa được những nhà thờ tân tạo với kiến trúc đồ sộ và trang hoàng rắc rối. Tôi có cảm tưởng người ta khó mà tìm thấy đức tin ở một nơi đồ sộ và rắc rối như thế.

Bên trong nhà thờ không rộng lắm, chỉ vừa đủ kê hai dãy ghế dành riêng cho nam và nữ tín đồ. Trên tường có treo những bức tranh tả lại cuộc đời của Chúa, lồng trong những khung kính cũ mờ. Cha cả đang giảng kinh ở bục cao. Cha nói về sự hy sinh của Chúa để cứu vớt nhân loại và cha mong các tín đồ hay cố gắng noi theo gương sáng của ngài, để giúp con người bớt đau thương. Khi cha giảng xong, mọi người quỳ gối xuống và bắt đầu đọc kinh. Tôi không thuộc kinh, không biết làm dấu thánh, nên lẳng lặng ngồi im nhìn tượng Chúa đóng đinh trên thập giá bằng gỗ nâu bóng.

Ðiện trong nhà thờ không quá sáng. Bóng tối còn ẩn nấp ở gầm ghé và lảng vảng ở khung cửa sổ mở ra một khu vườn rộng. Chúa đã phán "Ta là ánh sáng". Nhưng cũng may, các tín đồ của Ngài không để nơi thờ phụng sáng rực, như một ngọn đèn néon cực mạnh. Người ta đã biết giữ lại bóng tối để giúp con người dễ tạo đức tin và dễ cảm thấy khát khao ánh sáng.

Bài kinh chấm dứt, các tín đồ ngồi lại ngay ngắn trên ghế. Tiếng phong cầm đột nhiên vang lên cùng lúc với tiếng đồng ca của các em gái mặc áo dài trắng. Tiếng đàn nghe thánh thót như những giọt mưa đầu mùa và đôi lúc trầm ấm như ngọn gió mùa Xuân. Chiếc phong cầm thực sự đã mê hoặc tôi và tôi quay lại nhìn nó bằng đôi mắt trìu mến.

Nó nằm đó, sát một góc nhà thờ, phía bên trái cửa ra vào, lẫn trong bóng tối, nhưng tôi vẫn nhìn thấy nó rõ ràng. Toàn thân nó tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ lạ như hào quang ở đầu các thiên thần và có lẽ chỉ mình tôi nhìn thấy điều đó. "Hãy tìm sẽ thấy". Tôi tin rồi Chúa sẽ mặc khải cho tôi, đức tin sẽ đến với tôi từ chiếc phong cầm cũ kỹ kia chứ không phải từ lời giảng dạy của cha cả đã vang lên đều đều qua máy phóng thanh.

Tiếng phong cầm ngưng. Buổi lễ đã xong và mọi người lặng lẽ ra về. Ðiện trong nhà thờ tắt hết, chỉ còn hai bóng đèn nhỏ màu vàng đục cháy sáng ở đầu hai cây nến đặt trên bệ thờ. Tôi nghe có tiếng cửa đóng nhẹ, nhưng vẫn ngồi im trên ghế. Tự nhiên tôi linh cảm hãy kiên nhẫn đợi chờ thêm chút nữa, rồi tôi sẽ thấy điều tôi bằng khát khao tìm kiếm. Tôi nhìn chăm chăm vào tượng Chúa như bị thôi miên và miệng lẩm bẩm : "Lạy Chúa! Ngài đã nói "Ta là ánh sáng" nhưng sao mắt Ngài lại đầy bóng tối? Ôi! Nếu Ngài còn nói thêm "Ta cũng là bóng tối", chắc con đã quì gối phủ phục dưới chân Ngài".

Cơn mệt mỏi ùa chiếm thân thể, tôi uể oải đứng dậy, tôi ngạc nhiên thấy vị sư huynh trẻ tuổi vẫn còn ngồi bên chiếc phong cầm. Tôi gật đầu chào anh. Anh chào lại và mỉm cười.

- Ông đã cảm thấy mệt mỏi?

Tôi e thẹn đáp.

- Vâng, nhưng anh cũng biết tôi chẳng thể ngồi một mình ở đây lâu hơn nữa.

- Không sao, nếu thích, ông vẫn có thể ngồi lại. Người coi nhà thờ đã đi nghỉ, tôi sẽ đợi ông và đóng cửa sau.

- Như thế thật phiền. Chắc anh cũng có nhiều việc cần làm sau buổi lễ.

- Tôi làm việc rất khuya. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được chứ?

Thấy sư huynh trẻ chuyện trò cởi mở, tôi vui vẻ nói cho anh biết tôi là một người ngoại đạo và đang đi tìm đức tin. Tôi cũng xin lỗi không biết gọi anh bằng gì, gọi "ông" như thế khó nghe quá. Anh nói : "Thôi chúng ta cứ gọi nhau bằng "anh" cho tiện". Rồi anh kể anh là người Bùi Chu đi tu từ nhỏ, di cư vào Nam sống ở Biên Hòa và ra đây ở đã được ba năm.

Con chiên ở đây rất ít nên anh đều quen mặt. Ngay khi tôi bước vào nhà thờ lúng túng tìm một chỗ ngồi, anh đã nhận ra tôi mới tới đây lần đầu và không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo. Anh cũng đoán được tôi là người đang đi tìm đức tin. Ðức tin thật khó đến với một người ở tuổi tôi, nếu không có ai hướng dẫn.

Tôi nói, tôi muốn tự mình tìm kiếm đức tin dù có khó khăn. Tôi không thích nhờ vả bất cứ ai, ngay cả giáo lý. Tôi đã chán nghe lời giảng của các cha và cũng chán đọc những quyển sách kinh. Tôi tin một ngày nào đó Chúa sẽ nhắn nhủ tôi không phải qua một pháp lạ kỳ bí, mà có thể qua tiếng chuông nhà thờ đổ mỗi chiều hay qua tiếng đàn phong cầm mà anh đánh mỗi tối.

Vị sư huynh cười đáp :

- Anh đừng tin vào tiếng đàn của tôi. Tôi không phải là người đánh đàn giỏi.

Tôi cười nói :

- Ðánh đàn hay hoặc dở, điều đó đâu quan trọng. Ðiều quan trọng là tiếng đàn của anh đã vang lên đúng lúc. Chắc anh cũng đồng ý với tôi. Chúa không phải chỉ lựa chọn phát ngôn qua những người miệng lưỡi trôi chảy, có thể Ngài lựa chọn một người nói ngọng.

Vị sư huynh vỗ nhẹ lên chiếc phong cầm.

- Nghe anh nói, tôi nghĩ chắc anh mê chiếc đàn này lắm.

- Vâng. Bề ngoài trông có vẻ cũ kỹ nhưng thanh âm của nó nghe thật tươi mát và quyến rũ.

- Anh có thể đánh thử một bản nhạc anh thích.

Tôi lắc đầu.

- Tôi chưa đánh Harmonium lần nào.

- Không sao, anh đã nói : điều quan trọng không ở chỗ đánh đàn hay hoặc dở mà ta là đánh đúng lúc.

- Nhưng tôi không biết nhạc thánh ca.

- Anh có thể đánh một bản nhạc tình cảm.

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Tôi có thể đánh một bản nhạc tình cảm ở đây?

Vị sư huynh mỉm cười :

- Tại sao không? Biết đâu anh chẳng đánh đúng lúc.

Lạy Chúa, tôi thật xúc động. Ngồi xuống ghế, tôi mân mê nắp đàn đen bóng và không dám chạm tay xuống những phím đàn trắng ngà. Ðột nhiên như bị đồng nhập, tôi đã vội vàng đánh một đoạn nhạc nào đó tôi không biết tên, tôi cũng chẳng rõ mình đánh có đúng phím nhạc không. Tôi chỉ biết tôi tay tôi lướt đi thành thạo trên những phím ngà cho đến khi đột nhiên nó chấm dứt như lúc đó mới bắt đầu. Tiếng đàn còn âm vang trong nhà thờ run rẩy như hai bàn tay tôi một lúc lâu. Tôi gục đầu xuống mặt bàn và đã nhận ra điều tôi hằng tìm kiếm.

Tôi cảm thấy có bàn tay ai đặt lên vai mình, tôi ngẩng mặt lên bắt gặp khuôn mặt nghiêm trang của sư huynh trẻ. Giọng anh nói thì thầm :

- Tôi không tin anh đã đánh được đoạn nhạc đó.

Tôi đã khóc, nên mọi việc đều trở nên sáng sủa. Tôi đáp :

- Anh nói đúng. Tôi không đánh được đoạn nhạc đó. Chính chiếc đàn tự nó đã vang lên.

- Tôi nghĩ khác. Anh đã đánh đúng lúc và có người đã giúp anh.

- Không, chẳng ai giúp tôi. Chỉ có chiếc đàn đã giúp tôi đánh lên tiếng nhạc của lòng mình.

- Anh có tin đấy là một phép lạ?

- Nếu tin vào phép lạ, anh sẽ cho là Chúa đã giúp tôi đánh đoạn nhạc kia, vậy tôi chỉ tin vào chiếc đàn.

Vị sư huynh gằn giọng :

- Anh thật cứng đầu. Suốt đời, anh sẽ chẳng bao giờ tìm thấy đức tin.

- Vâng, suốt đời tôi sẽ chẳng tìm thấy đức tin nếu tôi cứ tiếp tục tìm kiếm ở những nơi thờ phụng Chúa. Cám ơn anh đã cho tôi có dịp đánh đàn. Tôi hứa sẽ không bao giờ đến đây làm phiền anh nữa.

Tôi biết vị sư huynh đang giận nên không bắt tay chào anh. Tôi không thích làm những điệu bộ thân thiện khi lòng thân thiện chẳng còn. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi nhà thờ. Bầu trời cao xanh biếc không một đám mây. Sao lấp lánh như những mảnh kính vỡ vụn và mặt trăng non màu vàng nhợt không chiếu xuống chút ánh sáng nào. Gió từ biển thổi vào từng đợt mát lạnh. Những chòm dương trong sân nhà thờ phát ra tiếng kêu vo vo như tiếng gió thổi những sợi tóc bay qua tai. Ở đây mười giờ đêm đã là khuya. Mọi nhà đều đóng cửa và ngay cả những quá chè bán đêm dọc lề đường cũng đã dọn dẹp hết. Ði ngang qua căn nhà nằm sát mặt đường, cách nhà thờ một khoảng ngắn, tôi nhìn thấy bóng một người đang ngồi trên bậc tam cấp. Khi tôi đến gần, người đó đứng dậy.

- Ông vừa đánh một đoạn nhạc trong nhà thờ phải không?

Vì người đó đứng trong bóng tối, nên khi nghe nói xong, tôi mới nhận ra em là cô bé, tôi đã gặp ngoài bãi biển. Tôi nói :

- Nhà em ở đây à?

- Không, đây là nhà bà dì của em.

- Sao em biết tôi đã đánh một đoạn nhạc trong nhà thờ?

- Em ở trong ban hợp ca của nhà thờ nên rất dễ nhận ra tiếng đàn của vị sư huynh, vả lại, đoạn nhạc vừa rồi không phải là thánh ca. Ông đã tìm thấy điều ông muốn tìm không?

Tôi lắc đầu, nói :

- Tôi đã sai lầm khi đi tìm điều ấy ở nhà thờ.

- Sai lầm? Vị sư huynh cũng không giúp gì cho ông?

- Chẳng ai giúp được tôi, trừ chiếc phong cầm.

- Chiếc phong cầm? Ông không nói đùa chứ?

Tôi kể lại trường hợp đánh đàn vừa qua. Tôi cố diễn tả thật giản dị để cho cô bé hiểu. Em gật đầu tỏ vẻ đã hiểu và còn hiểu hơn tôi nữa là khác. Em nói :

- Em tin Chúa đã giúp ông đánh đoạn nhạc đó. Chúa đã đến với ông, sao ông còn không tin Ngài?

Tôi thật sự chán nản. Cô bé này đã suy nghĩ y như vị sư huynh kia và tôi không biết phân giải làm sao cho em thay đổi ý kiến. Sau cùng tôi đành nói :

- Ðấy không là phép lạ của Chúa. Ðấy là phép lạ của chiếc phong cầm. Nó đã đáp lại lòng mến mộ của tôi. Nó đã phản ảnh lòng tôi như tấm gương phản ảnh gương mặt người soi. Chỉ giản dị như vậy.

- Câu chuyện không giản dị như vậy, nếu ông không tin vào Chúa.

- Trong trường hợp này, tôi nghĩ tin vào Chúa chỉ rắc rối thêm.

- Em xin ông đừng xúc phạm đến Ngài.

- Không, tôi chỉ nói thật điều tôi nghĩ. Tôi xin lỗi, nếu có xúc phạm đến đức tin của em.

- Với em, ông không cần phải xin lỗi. Ông hãy xin lỗi Chúa, vì đã lầm lỡ không tin Ngài.

- Tôi chẳng thể xin lỗi Ngài,vì nếu tôi làm như thế, chiếc phong cầm sẽ đau lòng ghê lắm!

- Dù cho em tha thiết cầu mong, ông cũng không xin lỗi Ngài?

- Không.

- Ông đã làm em đau lòng.

- Ðành vậy. Em đừng bắt tôi gian dối, em cũng biết Chúa rất ghét những người gian dối.

- Thật đáng buồn, chúng ta đã làm mất cơ hội để gặp lại nhau.

Cô bé quay người, bước vội vào bóng tối của căn nhà. Tôi thở dài buồn bã, đứng lặng im chẳng muốn bước đi. Rồi đột nhiên, tôi nghe có tiếng phong cầm trầm ấm từ nơi nào đó đang nhẹ nhàng vang vọng lại.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top