bi kịch 1

32) Một bi kịch vĩ đại.

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đọc câu chuyện này, bởi trên đời có những thứ mà một khi bạn đã biết, thì sẽ không thể nào quên được, ví dụ như cách đi xe đạp chẳng hạn, hay cách bơi...và nội dung của  câu chuyện này.

Có những câu hỏi mà chỉ một mình bạn mới có thể trả lời. Bởi mọi suy nghĩ của người khác, đều vô nghĩa.

(Câu chuyện có đề cập đến vài vấn đề nhạy cảm và dễ dẫn đến tranh luận, suy nghĩ kỹ trước và sau khi đọc. Cảm ơn.)

***---***

Sau khoảng giữa thập niên 80 ở Việt Nam, có khoảng 1 triệu người quyết định đi tìm một nơi mới để sống, chủ yếu là bằng đường biển, họ thường được gọi là các "thuyền nhân".

Đó là một việc rất nguy hiểm, mạo hiểm, liều lĩnh và đầy rủi ro bất trắc, là tấm vé một chiều không nắm chắc điểm đến hay là có điểm đến hay không.. có thể nghĩ về nó như một ván bài sinh tử theo nghĩa đen. Bởi vì có rất nhiều, rất nhiều người trong số các 'thuyền nhân' đó đã thất bại, thua cuộc. Và nhận một cái kết duy nhất chung cho tất cả, là chết.

Có rất nhiều lý do cho việc họ thất bại :

_ Gặp sóng lớn, gặp bão..chìm tàu.
_ Tàu bị hư, hết nhiên liệu..
_ Gặp cướp biển..
_ Hết thức ăn.
_ Bệnh tật, bệnh dịch.
_ Bị bắn chết.
_ Phát điên.
...

Và còn một lý do nữa, một lý do ít được đề cập đến nhất, ít người biết nhất, và cũng ít người muốn nói ra nhất, là bởi vì nó quá...."không còn tính người ".

Đó là việc các nhà thuyền, các chủ thuyền và thuyền viên, những người nhận cầm lái chở các 'thuyền nhân' đi. Họ không muốn đưa tàu đi đến nơi, họ chỉ đơn giản là cho tàu ra giữa biển, rồi giết sạch các hành khách, ném xác xuống biển, dọn dẹp vệ sinh tàu sau khi đã thu gom xong hành lí, tài sản.. , rồi quay tàu về để đón lượt hành khách mới.

Trước đây đã từng có vụ án gây xôn xao dư luận một thời, được báo chí giật tít là 'vụ án cái mâm cơm bằng vàng', hay bộ tiểu thuyết 'pho tượng phật bằng đồng đen' có nhắc đến quá trình kia. Hay gần nhất là có bộ ba truyện ngắn cùng tên 'con nhà tao không ăn củ cải trắng (1)(2)(3)' cũng có đề cập đến.

Nhắc lại như vậy chỉ là để bạn đọc có thể hiểu bối cảnh chung của câu chuyện sau đây.

Có hai vợ chồng, kết hôn được vài tháng thì biến cố xảy ra, người chồng bị bắt đi cải tạo. Người vợ thì ở nhà, giải nghệ nghề ca sỹ, gom góp tiền bạc, cùng với gia đình và những người quen khác, tạo thành một nhóm hơn 20 người, thuê tàu để vượt biển.

Và mất tích, đúng hơn là chết, tất cả.

Sau 5 năm, người chồng ra tù. Cũng là từng đó thời gian ông mất đi tung tích của gia đình. Rồi qua hai lần thất bại, bốn năm sau ông vượt biên thành công, là đi từ eo biển Thái Lan đến Indo, rồi đến Hong Kong, rồi may mắn theo tổ chức cứu trợ để đến được Hoa Kỳ. Cả hành trình đó làm ông mất thêm ba năm. Sau 5 năm ở Hoa Kỳ, khi đã tìm hiểu đủ để chắc chắn về số phận của gia đình mình, ông làm một việc mà rất ít, thậm chí là không có ai làm vào lúc bấy giờ, đó chính là 'vượt biên ngược' trở lại Việt Nam.

Lần này thì dễ hơn, đơn giản là đi máy bay từ Mỹ đến Băng Cốc, rồi đi đường bộ qua Campuchia, cuối cùng là băng rừng để đặt chân vào biên giới Việt Nam. Nếu phải tìm một lý do cho lần trở lại đó, thì cứ coi như là ông có sứ mệnh muốn hoàn thành đi.

Và trên con đường để thực hiện cái sứ mệnh đó, ông vẫn không từ bỏ cái mong muốn tìm được tung tích của gia đình mình, ít nhất là mong có thể tìm được một ngày giỗ chung cho cả nhà.

Để rồi đến một ngày, chính xác là giữa tháng 1 năm 1991, tức là đã trải qua 16 năm kể khi ông nghe được tin tức cuối cùng của gia đình. Ông lại tìm thấy một thông tin mới, chính là về vài món nữ trang, kỷ vật mà chắc chắn là thuộc về gia đình của ông.

Chính ông đã tự tay vẽ lại từng món mà ông nhớ, rồi đưa cho những người bạn mà ông tin tưởng, để rồi một trong số họ đã thay ông tìm thấy. Nó đến từ một thành phố biển, cụ thể là từ một làng chài trong thành phố đó.

Chỉ mất vài ngày, bằng nghiệp vụ đã được đào tạo và trui rèn của mình, ông đã nắm hầu hết thông tin cần biết về mọi chuyện đã xảy ra.

Thuyền nhỏ, ngoài hơn 20 hành khách, thì chính là có thêm 1 thuyền trưởng và 4 thuyền viên.

Ba thuyền viên kia được xác nhận là đã chết, là bị thuyền trưởng và con trai, chính là thuyền viên còn lại, giải quyết nội bộ sau chuyến đi cuối cùng. Thông tin trên là đến từ những lời đồn đãi xung quanh, và được xác minh trực tiếp từ chính miệng của người con trai kia, trong vài phút trước khi hắn chết.

Đứa con chết vào buổi chiều trong nhà riêng tại trung tâm thành phố, giữa một khu chợ đông đúc, tại khu nhà trọ mà vợ hắn đang bán hàng ngay bên dưới, một cái chết đến từ từ và chậm rãi, và rất dễ để nhận định rằng xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên.

Và mấy tiếng sau, khi trời tối vừa tối, thuyền trưởng - cha của hắn cũng đã chết, là ngay trong nhà của mình tại khu làng chài, khi vừa mới rời khỏi ghế bành để mở cửa, khi vẫn còn đang cởi trần và cầm chai rượu trên tay, lần này cái chết đến rất nhanh, và nhiều máu, nhưng không có vật chứng.

Và bây giờ là lúc câu chuyện bắt đầu.

Có một việc mà dù bản thân ông ấy, chính là kẻ đang báo thù kia, cũng là một người cầm bút, nhưng lại không thể nào có thể tưởng tượng ra được, dù hằng đêm ông nghĩ về nó đến khi mệt mỏi, và bắt buộc phải chìm vào giấc ngủ nặng nề của mình, thậm chí là trong mơ, cũng chưa từng mơ thấy.

Đó là về số phận người vợ của ông.

Đây là một trong số những ví dụ hiếm hoi, về việc cuộc đời đôi lúc còn bi kịch và khó tin hơn cả tiểu thuyết.

**

Năm đó, bọn họ giữ người phụ nữ kia lại, đó là một truyền thống, giết hết đàn ông, người già, trẻ nhỏ trước. Giữ lại phụ nữ để cưỡng hiếp xong rồi mới giết.

Vấn đề là người phụ nữ kia quá đẹp, là quá đẹp, đến bây giờ vẫn còn vài tấm ảnh trắng đen, hoặc ảnh màu nhưng đã bị phai màu, chụp cô ấy trong những năm tháng khi còn đứng trên sân khấu. Chỉ là chụp tùy hứng, nhưng không khác gì một tấm ảnh được chọn để làm bìa đĩa.

Năm đó cô ấy chỉ mới mười mấy tuổi, là mặt áo dài trắng để trình diễn. Và một tấm rõ nét nhất là chụp vào ngày cưới, khi người chồng đàn còn vợ thì hát, chụp ngay khoảng khắc cả hai đang nhìn nhau. Bất kỳ ai sau khi nhìn vào tấm hình, sẽ đều cảm thấy ấm lòng và ghen tị, bởi hai người kia quá đẹp đôi, và quá hạnh phúc.

Chính vì cái nhan sắc quá hơn người kia.

Cho nên thuyền trưởng mới quyết định giữ cô ấy lại làm của riêng cho mình, cho cô quyền quyết định, là sống hay chết.

Cô chọn sống, không nói ra miệng nhưng sự run rẩy của cô ấy coi như đáp án. Năm đó cô mới 19 tuổi.

Hãy nhớ là lúc đó cô ấy, đang ngồi trên bãi máu trên sàn tàu, và nghe những tiếng 'tõm, tõm' chính là tiếng xác bị quăng xuống biển.

Cô trở thành vợ của thuyền trưởng, có cưới hỏi hợp pháp, trong một đám cưới không có đại diện nhà gái, cũng không có rước dâu hay hoa hồng, chỉ có thịt, hải sản.. và rất nhiều rượu.

(Đã từng nghe về những người phụ nữ bị bắt đi theo quân đội để làm công cụ giải trí chưa, sau khi phải chứng kiến cả làng bị đốt và giết ? Nếu họ còn sống để kể lại câu chuyện, thì đừng hỏi vì sao cô gái 19 tuổi kia chưa chọn cái chết. Đơn giản là vì bạn không có quyền hỏi câu đó, bạn không phải là họ, hay là cô ấy. Và cũng đừng hỏi vì sao cô ấy không bỏ chốn, bởi một khi đã biết thế nào là sự cô độc thật sự, thì sẽ thấy cả thế gian này không khác gì một nhà tù).

Mà nói thật, ai sống trong cuộc đời này thì cũng luôn có rất nhiều câu hỏi, nhưng đáp án thì chẳng nhiều đến mức đó đâu. Bởi vậy mới có câu nói, " nếu đời đã là bể khổ, thì cứ nhắm mắt mà bước đi, bởi đi tới đâu thì cũng đâu có khác gì nhau, ít nhất khi mắt nhắm lại rồi, sẽ không thấy cay vì nước mắt. "

*

Chồng già vợ trẻ. Danh phận cũng rõ ràng.

Tiền bạc, vàng, trang sức hắn cướp được, đều đưa hết cho cô. Trong chuyến đi cuối cùng, hắn đánh chìm thuyền cùng với xác của ba thuyền viên ở trong, rồi cùng với con trai tự bơi vào bờ. Dự định rằng sẽ sống sung túc cùng số của cải kiếm được.

Đứa con trai được chia phần, ra riêng, lấy vợ, có gia đình, kiếm được nhà gần chợ, rồi chết.

Còn tên thuyền trưởng, hắn cờ bạc, và thua rất nhanh, những món trang sức được tìm thấy kia là những thứ cuối cùng bị bán đi, từ rất nhiều năm trước.

Nhà hết tiền, không có thuyền, cũng không chịu vác cái thân già đi làm, hắn nảy ra một ý định tốt hơn, chính là để cô vợ trẻ của mình đi làm gái, những tên đánh bạc chung chính là ma cô cũng như là những vị khách mở hàng đầu tiên. Chúng thử hàng ngay trong nhà hắn, trên cái giường của hai vợ chồng hắn.

Tính tới thời điểm đứng dậy bước ra mở cửa rồi chết, thì tên thuyền trưởng đã sống bằng tiền bán thân của cô ấy được sáu năm. Sống dư dả thoải mái, rủng rỉnh tiền để bài bạc, vợ hắn đẹp mà, là mặt hàng bán chạy. Chỉ cần thỉnh thoảng tát vài bợp tai, và chung chi đều cho lũ bảo kê là ổn.

*

Buổi chiều tối đó, người vợ, của cả hung thủ và nạn nhân, sau 16 năm, đã 35 tuổi, đang ngồi trong phòng ngủ, trước bàn trang điểm, dậm lại phấn để chuẩn bị cho buổi làm ca đêm. Nghe tiếng động rồi bước ra, rồi bật khóc.

***
***

Đây là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời.

Cô ấy khóc vì cái gì ? Vì người đang nằm hay vì người đang đứng ?

Và người đàn ông kia, sau 16 năm gặp lại vợ của mình, ông ấy hạnh phúc hay đau khổ ?

Rồi ông ta, một con người với những thăng trầm và tố chất đó, sẽ có quyết định gì ?

Cho dù không muốn trả lời, thì hãy cứ thử nghĩ về nó đi. Khi đã ra đáp án của bản thân mình rồi, thì mặc kệ nó như thế nào. Cứ giữ nó cho riêng mình. Để rồi sau này khi phải nghĩ hay ra quyết định về những chuyện khác trong cuộc sống, sẽ thấy nó dễ dàng hơn một chút.

Thân ái.!

Trương Lang Vương.

*****
*****

"Vụ án cái mâm bằng vàng ": trước đây cũng có nhắc đến trong một câu chuyện khác, viết lại thì mất công. Cứ lục trong mấy truyện cũ của tôi mà đọc, chỉ mấy trăm chữ thôi. Không thì hỏi mấy người lớn tuổi trong nhà đó, nghe họ kể có khi còn ly kỳ hơn là tôi viết lại.

Còn bộ tiểu thuyết "Pho tượng phật bằng đồng đen ", có dịp đăng truyện khác sẽ kèm link file Google Drive bên dưới. Trừ văn phong và cách dùng từ hơi cũ ra, thì nội dung cũng khá hay.

Còn ba truyện ngắn "con nhà ta không ăn củ cải trắng " thì chưa liên hệ được với tác giả, nếu xin phép được thì cũng sẽ gửi link sau.

Còn câu chuyện trên, định viết thành tiểu thuyết, nhưng tâm trạng không tốt, viết ra coi như một cách để trút bỏ bớt vậy.

Có thể copy hoặc share, nhưng giữ lại tên tác giả. Cảm ơn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top