Tuyển tập truyện cực ngắn
TUYỂN TẬP TRUYỆN CỰC NGẮN.
----------
Bức tranh
- Tăng Khắc Hiển -
Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng.
Mười năm.
Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm.
Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà.
Vầng trăng khuyết đi một nửa...
----------
Tiếng đêm
- Lê thị Cẩm Âu -
Căn nhà ngày càng trở nên trống lạnh. Nhất là sau lần chúng tôi chính thức chia tay nhau.
Anh thất chí :
- Cuộc đời sao cứ mãi cưu mang bao lận đận!
Rồi anh say. Say...
Hai mẹ con tôi, rốt cùng loanh quanh như hai cái bóng, đẫm buồn.
Đêm. Chiếc giường trống đi một chỗ. Mẹ con tôi nằm gần nhau hơn.
Khuya. Trở mình, nó vòi :
- Mẹ thoa lưng cho con!
Rồi so bì :
- Tay ba sần, thoa đã hơn!
- Đã thì theo ổng đi! - Tôi phát cáu.
Nó mủi lòng, trong khi tôi khóc.
----------
Một mình
- Nguyễn Thái Sơn -
Em lớn dần, cái tuổi rất dễ tự ti và mủi lòng. Nhà vẫn nghèo; ba mất sớm, mẹ làm lụng một mình. Mẹ chỉ có hai tài sản quý giá nhất, đó là em và chiếc xe đạp.
Hôm thi cấp tỉnh, mẹ dậy sớm, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ ấy đưa em đến nơi thi. Quanh quẩn, toàn xe máy! Dường như tất cả nán lại cổ vũ tinh thần cho con em mình. Em ngẩng nhìn mẹ, giọng mẹ đượm buồn những đĩnh đạc: "Thôi, về đi mẹ!".
Chuông điểm hết giờ! Ngoài cổng nhốn nháo hẳn lên. Lời han hỏi rộn ràng, tiếng máy xe dòn nổ. Nắng rát, em về lầm lũi, chỉ cái bóng là "người bạn đường" đi kè bên chân. Nhìn những chiếc xe chở bạn bè cùng trang lứa lướt qua, em thấy sự cô độc nhân đôi; nhưng lạ thay, em bỗng càng thương mẹ hơn vì giờ này mẹ cũng đang hẩm hiu ngoài đồng xa. Em ra đồng, chờ mẹ cùng về. Em nghe mắt cay cay: mẹ đang cấy mạ... một mình!
----------
Mùi thơm hương bài
- Trần Huy -
Ngoài sáu mươi tuổi ông nghỉ hưu, tất cả để lại Hà Nội. Một mình ông về quê chăm sóc mẹ già sau mấy mươi năm đằng đẵng xa mẹ.
Đó là những ngày hạnh phúc của đời ông, ông được sống lại những năm tháng ông là thằng Thiều bé bỏng, đêm đêm cùng mẹ xe những cây hương bài thơm ngọt ngào để nuôi ông ăn học...
Hai mái đầu bạc của hai mẹ con lại xe hương bài cho đến một ngày trong túp lều nhỏ nghi ngút lan tỏa mùi thơm và khói trắng của hương bài...
Ông trở lại Hà Nội với vợ con mang theo hương thơm của hương bài quê hương...
----------
Gặp lại
- Trần Mai Thu Hương -
Chia tay nhau lần đầu. Khi gặp lại anh trái tim tôi bồi hồi xao xuyến, nhịp đập dồn dập. Hình như anh cũng thế. Cái nhìn vẫn thuộc về nhau. Anh ra về. Tôi mới thấm thía câu thơ "Người đi một nửa hồn tôi mất".
Tôi và anh quay lại.
Chia tay lần hai. Anh lại tìm đến tôi. Cái nhìn của anh còn da diết hơn xưa. Nhưng trái tim tôi chẳng nói điều gì. Chiều buồn nắng đã nhạt. Lá vàng rụng phân đôi.
----------
Dây gấc ngày xưa
- Ngọc Vân -
Xưa, nhà nghèo, có trồng dây gấc. Hôm nào gấc chín, nấu xôi, má khen: "Xôi gấc ngon quá".
Hai ba bữa hái một lần, bán được mười ngàn, mua miếng heo quay, ít bánh hỏi, cải thiện. Má vui lắm: "Cha, thịt quay ngon quá. Dây gấc này cứu má".
Giờ má mất. Con khá lớn. Gấc chín không biết làm gì. Hôm giỗ má, mua một ký thịt quay. Hai cha con buồn, nhớ má, ăn không biết ngon.
Nhìn dây gấc, lòng trĩu buồn. Đời gấc còn dài. Đời má thì quá ngắn ngủi!
----------
Bàn tay
- Võ Thành An -
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
----------
Nó
- Tâm Bình -
Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: "Mày có buồn không?". Nó yên lặng nhìn xa xăm!
Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: "Con còn có Nội - nó chẳng còn ai!".
----------
Bão
- Nga Miên -
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
----------
Khóc
- Bùi Phương Mai -
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói :
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
----------
Đánh đổi
- Song Vũ -
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: "Anh còn giữ nó?" Anh nghẹn ngào: "Anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa".
----------
Hoa mai
- Nguyễn Thánh Ngã -
Cây mai mang cốt cách người, từ xưa cha ông đã nói vậy. Mai đem thân mình đọ khí tiết xung hàn khắc nghiệt của mùa đông mới bật được những đóa vàng kỳ diệu, giống như người quân tử phải nếm trải trăm cay nghìn đắng, rèn luyện tâm trí, giữ lòng trung hiếu. Nét đẹp ấy chỉ hoa mai mới có. Ngày nay mai được cho vào chậu, chăm bón tối đa, nở theo ý muốn, biết phẩm chất kia có còn lưu dẫn trong tinh thần hoa không? Có còn được coi là một trong tứ quý không?
----------
Tro ấm
- Kim Liêu -
Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.
Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:
"Ông ơi vào ăn cơm"
Cả nhà tôi đều im lặng.
Ông nội đã mất 20 năm rồi!
----------
Tình đầu
- Hứa Vĩnh Lộc -
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi :
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
----------
Chung riêng
- Nga Miên -
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mải chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...
----------
Ngày thi trượt
- Đàm thị Nhung -
Giọng bố run run khi báo tin anh trượt đại học. Mẹ thở dài não nuột, em chết lặng trong góc bàn, anh cổ nghẹn đắng giả vờ điềm nhiên đọc báo. Không ai khóc, cũng chẳng ai nói. Im lặng bủa vây tất cả, nhấn chìm mọi suy nghĩ vào hư không.
Em vẫn ngồi, mắt không rời trang sách, đầu óc trống rỗng. Em thấy sợ khi nghe tiếng thở dài của mẹ, sợ cái điềm nhiên của anh, sợ nhìn vào ánh mắt của bố.
Giá như ai đó khóc.
----------
Buổi sáng ra vườn
- Nhánh Rong -
Sáng sớm ra vườn, thấy một con ốc hưởng ánh nắng mặt trời ở tuốt ngọn cây hoa hồng đầy gai, chị phục nó quá không nỡ giết. Lại thấy con sâu róm đen thui to bằng ngón tay đang vội vã bò đi, nghĩ đến một ngày đẹp trời nó lột xác thành con bướm tuyệt sắc, chị để nó yên.
Buổi chiều, bà chị dẫn về mấy đứa con nít giỡn như quỷ. Chị định la, bỗng nhớ chúng sẽ trở thành người lớn nay mai. Chị mang bánh mời chúng. Ánh mắt chúng đầy vẻ vui mừng biết ơn.
----------
Cái Nụ
- Nguyễn thị Bích Phụng -
Cái Nụ là con nuôi. Mẹ Hà cho tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thường đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả...
Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó :
- Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi... mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng... "tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh".
Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.
----------
Nghề cao quý
- Thanh Sử -
Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, cô-trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử :
- Con có thích trở thành cô giáo không?
Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là...
Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.
----------
Phấn son
- Nguyễn Hồng Ân -
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh".
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không..."
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
----------
Bức tranh
- Tăng Khắc Hiển -
Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng.
Mười năm.
Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm.
Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà.
Vầng trăng khuyết đi một nửa...
----------
Tiếng đêm
- Lê thị Cẩm Âu -
Căn nhà ngày càng trở nên trống lạnh. Nhất là sau lần chúng tôi chính thức chia tay nhau.
Anh thất chí :
- Cuộc đời sao cứ mãi cưu mang bao lận đận!
Rồi anh say. Say...
Hai mẹ con tôi, rốt cùng loanh quanh như hai cái bóng, đẫm buồn.
Đêm. Chiếc giường trống đi một chỗ. Mẹ con tôi nằm gần nhau hơn.
Khuya. Trở mình, nó vòi :
- Mẹ thoa lưng cho con!
Rồi so bì :
- Tay ba sần, thoa đã hơn!
- Đã thì theo ổng đi! - Tôi phát cáu.
Nó mủi lòng, trong khi tôi khóc.
----------
Một mình
- Nguyễn Thái Sơn -
Em lớn dần, cái tuổi rất dễ tự ti và mủi lòng. Nhà vẫn nghèo; ba mất sớm, mẹ làm lụng một mình. Mẹ chỉ có hai tài sản quý giá nhất, đó là em và chiếc xe đạp.
Hôm thi cấp tỉnh, mẹ dậy sớm, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ ấy đưa em đến nơi thi. Quanh quẩn, toàn xe máy! Dường như tất cả nán lại cổ vũ tinh thần cho con em mình. Em ngẩng nhìn mẹ, giọng mẹ đượm buồn những đĩnh đạc: "Thôi, về đi mẹ!".
Chuông điểm hết giờ! Ngoài cổng nhốn nháo hẳn lên. Lời han hỏi rộn ràng, tiếng máy xe dòn nổ. Nắng rát, em về lầm lũi, chỉ cái bóng là "người bạn đường" đi kè bên chân. Nhìn những chiếc xe chở bạn bè cùng trang lứa lướt qua, em thấy sự cô độc nhân đôi; nhưng lạ thay, em bỗng càng thương mẹ hơn vì giờ này mẹ cũng đang hẩm hiu ngoài đồng xa. Em ra đồng, chờ mẹ cùng về. Em nghe mắt cay cay: mẹ đang cấy mạ... một mình!
----------
Mùi thơm hương bài
- Trần Huy -
Ngoài sáu mươi tuổi ông nghỉ hưu, tất cả để lại Hà Nội. Một mình ông về quê chăm sóc mẹ già sau mấy mươi năm đằng đẵng xa mẹ.
Đó là những ngày hạnh phúc của đời ông, ông được sống lại những năm tháng ông là thằng Thiều bé bỏng, đêm đêm cùng mẹ xe những cây hương bài thơm ngọt ngào để nuôi ông ăn học...
Hai mái đầu bạc của hai mẹ con lại xe hương bài cho đến một ngày trong túp lều nhỏ nghi ngút lan tỏa mùi thơm và khói trắng của hương bài...
Ông trở lại Hà Nội với vợ con mang theo hương thơm của hương bài quê hương...
----------
Gặp lại
- Trần Mai Thu Hương -
Chia tay nhau lần đầu. Khi gặp lại anh trái tim tôi bồi hồi xao xuyến, nhịp đập dồn dập. Hình như anh cũng thế. Cái nhìn vẫn thuộc về nhau. Anh ra về. Tôi mới thấm thía câu thơ "Người đi một nửa hồn tôi mất".
Tôi và anh quay lại.
Chia tay lần hai. Anh lại tìm đến tôi. Cái nhìn của anh còn da diết hơn xưa. Nhưng trái tim tôi chẳng nói điều gì. Chiều buồn nắng đã nhạt. Lá vàng rụng phân đôi.
----------
Dây gấc ngày xưa
- Ngọc Vân -
Xưa, nhà nghèo, có trồng dây gấc. Hôm nào gấc chín, nấu xôi, má khen: "Xôi gấc ngon quá".
Hai ba bữa hái một lần, bán được mười ngàn, mua miếng heo quay, ít bánh hỏi, cải thiện. Má vui lắm: "Cha, thịt quay ngon quá. Dây gấc này cứu má".
Giờ má mất. Con khá lớn. Gấc chín không biết làm gì. Hôm giỗ má, mua một ký thịt quay. Hai cha con buồn, nhớ má, ăn không biết ngon.
Nhìn dây gấc, lòng trĩu buồn. Đời gấc còn dài. Đời má thì quá ngắn ngủi!
----------
Bàn tay
- Võ Thành An -
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
----------
Nó
- Tâm Bình -
Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: "Mày có buồn không?". Nó yên lặng nhìn xa xăm!
Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: "Con còn có Nội - nó chẳng còn ai!".
----------
Bão
- Nga Miên -
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
----------
Khóc
- Bùi Phương Mai -
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói :
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
----------
Đánh đổi
- Song Vũ -
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: "Anh còn giữ nó?" Anh nghẹn ngào: "Anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa".
----------
Hoa mai
- Nguyễn Thánh Ngã -
Cây mai mang cốt cách người, từ xưa cha ông đã nói vậy. Mai đem thân mình đọ khí tiết xung hàn khắc nghiệt của mùa đông mới bật được những đóa vàng kỳ diệu, giống như người quân tử phải nếm trải trăm cay nghìn đắng, rèn luyện tâm trí, giữ lòng trung hiếu. Nét đẹp ấy chỉ hoa mai mới có. Ngày nay mai được cho vào chậu, chăm bón tối đa, nở theo ý muốn, biết phẩm chất kia có còn lưu dẫn trong tinh thần hoa không? Có còn được coi là một trong tứ quý không?
----------
Tro ấm
- Kim Liêu -
Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.
Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:
"Ông ơi vào ăn cơm"
Cả nhà tôi đều im lặng.
Ông nội đã mất 20 năm rồi!
----------
Tình đầu
- Hứa Vĩnh Lộc -
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi :
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
----------
Chung riêng
- Nga Miên -
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mải chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên...
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...
----------
Ngày thi trượt
- Đàm thị Nhung -
Giọng bố run run khi báo tin anh trượt đại học. Mẹ thở dài não nuột, em chết lặng trong góc bàn, anh cổ nghẹn đắng giả vờ điềm nhiên đọc báo. Không ai khóc, cũng chẳng ai nói. Im lặng bủa vây tất cả, nhấn chìm mọi suy nghĩ vào hư không.
Em vẫn ngồi, mắt không rời trang sách, đầu óc trống rỗng. Em thấy sợ khi nghe tiếng thở dài của mẹ, sợ cái điềm nhiên của anh, sợ nhìn vào ánh mắt của bố.
Giá như ai đó khóc.
----------
Buổi sáng ra vườn
- Nhánh Rong -
Sáng sớm ra vườn, thấy một con ốc hưởng ánh nắng mặt trời ở tuốt ngọn cây hoa hồng đầy gai, chị phục nó quá không nỡ giết. Lại thấy con sâu róm đen thui to bằng ngón tay đang vội vã bò đi, nghĩ đến một ngày đẹp trời nó lột xác thành con bướm tuyệt sắc, chị để nó yên.
Buổi chiều, bà chị dẫn về mấy đứa con nít giỡn như quỷ. Chị định la, bỗng nhớ chúng sẽ trở thành người lớn nay mai. Chị mang bánh mời chúng. Ánh mắt chúng đầy vẻ vui mừng biết ơn.
----------
Cái Nụ
- Nguyễn thị Bích Phụng -
Cái Nụ là con nuôi. Mẹ Hà cho tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thường đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả...
Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó :
- Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi... mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng... "tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh".
Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.
----------
Nghề cao quý
- Thanh Sử -
Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, cô-trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử :
- Con có thích trở thành cô giáo không?
Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là...
Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.
----------
Phấn son
- Nguyễn Hồng Ân -
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh".
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không..."
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
----------
Đành thôi
- Ngô thị Thu Vân -
Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ...
----------
Ngày xưa
- Trần Lê Xuân Vinh -
Trời mưa lớn, nước ngập cả nhà. Ngoại lụm khụm tát nước, tôi cùng ngoại tát từng xô nước. Đêm nằm nghe tiếng nước mưa rơi từng giọt xuống thau. Hai bà cháu ôm nhau ngủ.
Giờ đây, mỗi khi trời mưa, nhà không ngập, không nghe tiếng mưa dột nữa. Bốn bề lạnh lẽo. Ước được như ngày xưa trong vòng tay ấm áp của bà.
----------
Mẹ tôi
- Nguyễn Thánh Ngã -
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
----------
Nỗi niềm
- Kim Thúy -
Cái điệp khúc ấy má tôi nhắc hoài mỗi khi bà soạn tủ: "Ba con không thích má cho ai quần áo cũ. Ông nói: "Thà mình cho họ một số tiền, anh không thích hương áo em lại đưa cho người khác mặc..."
Giờ, hương xưa còn giữ lại, người xưa đã đi xa... Chiều nay, má đẩy sang tôi mớ quần áo cũ. Tôi chọn một bộ cho chị bán hàng ăn ở vỉa hè, để bao lần phải ngoảnh mặt đi mỗi khi thấp thoáng bóng dáng của mẹ tôi đang tất tả ngược xuôi trên hè phố...
----------
Xót xa
- Thanh Hải -
Tốt nghiệp Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay - dễ chừng gần ba năm - chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn :
- Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu :
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!
----------
Giúp
- PV -
Đã lâu tôi mới có dịp ra thành phố. Trước lúc chuẩn bị ra về người bạn chở tôi bằng xe máy lên trung tâm sắm sửa một số đồ dùng.
Tôi đang nhìn ngắm những đổi thay của thành phố, bỗng "roạc", một tiếng va mạnh, cả hai chúng tôi ngã ra đường. Bạn tôi ngồi trước bị va mạnh hơn nên ngất xỉu. Tôi thì bị xe đè lên, đau điếng. Nhưng đau hơn là khi nhìn thấy hai thằng choai choai tông vào chúng tôi vội vàng nhặt mấy quyển vở của chúng văng ra, rồi dựng xe của chúng dậy rồ máy chạy thẳng, mặc cho chúng tôi quằn quại với nỗi đau.
Thành phố nhộn nhịp người mua bán ven đường, ấy vậy mà đến đỡ chúng tôi dậy chỉ có vài anh xe ôm. Khi chúng tôi được dìu vào lề đường, chưa kịp cảm ơn thì họ đã đi mất.
Tôi ân hận lắm. Chỉ đến khi vào mua hộp dầu bóp tạm chỗ đau, móc túi trả tiền thấy rỗng không, mới chợt hiểu tất cả.
----------
Bàn tay mẹ
- Thủy Lâm Synh -
Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh. Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ.
Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được. Con thương mẹ vô cùng
----------
Ghe hoa
- T.T.H.A -
Nhà nội nhà ngoại bên này bên kia sông. Xưa, ba đón mẹ về trên chiếc ghe kết đầy hoa hồng hạnh phúc. Xuống ghe, giày cao áo dài vướng víu, mẹ suýt ngã. Ba dìu đỡ cùng đi, mẹ mắc cỡ, cúi mặt đỏ bừng đôi má.
Nay mẹ đưa ba về an táng trên đất vườn nhà nội. Cũng trên chiếc ghe hoa - những tràng hoa phúng tím buồn tan tóc - Quần áo tang lòa xòa mẹ bước đi như người mộng du, suýt ngã, mẹ gượng một mình.
----------
Thằng Hận
- Võ Thanh Sử -
Vừa sinh xong, mẹ nó bỏ đi, giao con lại cho chồng. Dù vậy bà vẫn kịp đặt tên Hận cho nó. Cái tên như dấu ấn trên trán, cách ly nó với những đứa trẻ khác. Nó lớn lên cô độc, co rúm trước những lời châm chọc, bên cạnh ông bố say xỉn quanh năm suốt tháng.
Hôm nay mua que kem, bà Ba vô tình hỏi :
- Con ho sao lại ăn kem?
Nó nhìn sững bà bán kem. Câu hỏi như mũi tên xuyên qua tim nó...
----------
Hoa điên điển
- Nguyễn San -
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.
----------
Trái tim người bác sĩ
- DNYN -
"Bệnh nhân đã tử vong..." Anh bước khỏi ra phòng cấp cứu... báo cho người nhà bệnh nhân.
Đôi vợ chồng trẻ vật vã kêu gào bên xác đứa con gái bé bỏng...
Anh lạnh lùng bước đi...
Những người xung quanh thì thầm: "... có lẽ chứng kiến quá nhiều cảnh chết chóc, chia lìa đau thương như thế này... đã kiến cho trái tim người bác sĩ trở nên chai sạn, mất hết cảm giác đau xót..."
Phía bước chân lạnh lùng kia, có giọt nước mắt đang chảy xuống từ trong tim.
----------
Cãi nhau
- Đặng Minh Hải -
Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bồ bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.
----------
Mùi của má
- Ngô văn Vĩnh -
Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão, chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.
Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên giường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giựt chiếc áo: "Em hửi miếng...", "Tao hửi với...". Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.
----------
Chuyện của nội
- Nguyễn Quốc Việt -
Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...
Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...
----------
Nghề của mẹ
- Võ Thành An -
Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ lại phải chạy rao bán khắp xóm.
Có lần mẹ đội thau cá đứng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh...
Mấy năm học ở xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.
----------
Dì ghẻ
- Nguyễn Thị Kim Anh -
Chị lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất. Ba năm sao chị đi bước nữa. Người chồng mới góa vợ, có hai con nhỏ. Yêu chồng, yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái :
- Còn xấp vải hoa?
- Cho mẹ.
- Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình.
Chị càng buốt tim hơn khi người con trai yên lặng.
----------
Chị ơi
- Hoàng thị Hải Anh -
Ngày xưa, bố mẹ đi làm từ sáng đến tối mịt mới về. Chị phải chăm sóc em thay mẹ. Trưa, dắt em đi học, trời nắng. Chiều, trời bất chợt đổ mưa. Chị mượn được một cái áo mưa nhường em mặc.
Mẹ về, thấy chị ướt như chuột lột, ngỡ chị tắm mưa, đánh đòn.
Chiều nay, trời cũng bất chợt đổ mưa, em co ro tránh mưa dưới mái phố. Có ai nhường áo cho em mặc như chị ngày xưa không? Chị ơi!
----------
Ước mơ
- Phương Anh -
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó :
- Nếu cô trúng số, con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói :
- Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng :
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón....
----------
Rác
- Trầm Vũ Xuân Bình -
Sửa nhà bếp. Dư xà bần. Mẹ "liên hệ" gia đình người hốt rác. Cậu bé con nhỏ choắt, khoảng bảy tuổi, được "cử" đến... Đôi bàn tay bé xíu, đen nhẻm cào trên đống lởm chởm cát đá "vĩ đại"... Xót xa! Chiều, gió mát, lũ trẻ kháu khỉnh, tròn lụi, ăn no, chạy giỡn với nhau... Chắc trạc tuổi em...
- Em mấy tuổi?
- Mười lăm.
Trời!...
- Ê!... Hốt rác! Nè, hốt rác đi!
Mấy tờ giấy gói chewing-gum bay lả tả... Vài tiếng cười trẻ con vứt lại cho em, lơ lửng... Đời?... Một giọt mặn chát rụng vào trái tim già nua... Còn em, cúi xuống... Hình như quen rồi.
... Em kéo thùng đi, dáng gãy vẹo một bên vì quá nặng... Bỗng, cái thùng không đi được. Loay hoay... tìm... kiếm... em kéo ra một miếng chewing-gum còn mới, chưa kịp khô.
----------
Cùng nghề
- Ưng Sơn Ca -
Thằng bé mới bảy tuổi ngây thơ hỏi bố :
- Sao hôm nay nhà cô Lan đông học sinh vậy bố?
- Ngày 20/11 con ạ, các anh chị đến thăm và chúc mừng cô giáo của mình đấy.
- Vậy thầy giáo thì có được học trò thăm không hả bố?
- Có chứ con vì đây là ngày của thầy, cô luôn mà.
- Sao mấy anh, chị không thăm bố?
- À, thì tại vì mấy anh, chị gặp bố ở trường rồi.
Thằng bé không biết bố nó đã nói dối. Chỉ vì cô Loan là giáo viên dạy toán còn bố nó là giáo viên thể dục...
----------
Chèng ơi
- Võ Thành An -
Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đứa cháu thật sự vui lòng.
Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng ngoại cũng chèng ơi... Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe... quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thuở nhỏ mỗi khi cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi!
Kêu riết thành quen.
----------
Cảnh ngộ
- Phạm thị Kim Anh -
- Chú ơi! Mua vé số cho con đi chú. Làm ơn mua cho con một vé đi chú.
- Đưa coi! - Tiếng người đàn ông.
- Anh ơi! Mua tặng chị một hoa hồng đi anh.
Người đàn ông nhìn tấm vé số rồi nhìn cô bạn gái của mình. Người đàn ông chọn hoa hồng.
Đêm thành phố nhộn nhạo những ánh đèn xanh đỏ. Thằng bé bán vé số lủi thủi bước đi, vai nó run lên, không biết vì nó lạnh hay vì một điều gì khác. Nó đang căm ghét con bé bán hoa. Nó đâu có biết rằng con bé bán hoa ấy cũng có một đứa em bán vé số và một người cha đang hấp hối.
----------
Nợ tình
- Phạm Vinh Ca -
Ngoài hai bữa cơm ngày, vợ chồng anh chưa sao lo nổi một căn nhà đúng nghĩa. Đám bạn cũ đứng ra vận động, đứa góp công, thằng góp của, dựng cho anh một "mái ấm tình thương".
Tạm an cư. Anh nỗ lực làm đáp nghĩa. Có dư luận cho là anh "hết xôi rồi việc"...
Anh đột ngột qua đời. Trước lúc di quan, bạn bè đủ mặt, ai nấy đều bùi ngùi khi nghe những dòng di bút.
Cảm tạ bạn bè anh, chị khóc :
- Nợ tiền đã trả, nhưng nợ tình vĩnh viễn ảnh mang theo!
----------
Câu hát
- Nguyễn Mỹ Nữ -
Mưa. Hồi trước. Thấy tôi đến người yêu tôi vui mừng. Hai đứa ngây ngất trong vòng tay nhau, hạnh phúc. Cánh cửa bị hư chốt cài, gió thổi vào hung bạo. Vẫm ấm áp. Đưa tôi về. Người yêu tôi hát nhỏ: "Anh ước mong một chiều đông giá..."
Mưa. Bây giờ. Thấy tôi đến người yêu tôi hững hờ. Hai đứa ngồi lại bên nhau trong căn phòng có gắn điều hòa và mở hết số. Vẫn lạnh run. Khi tôi về. Phố trắng xóa, mờ mịt. Lòng rưng rưng với câu hát cũ "... và quên đường về".
----------
Lời hứa
- Hải Âu -
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: "Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi". Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng ly với đám bạn thì thằng Linh cứ đứng thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: "Chú hứa chở con đi chơi... cả năm qua con ngoan... không hư một lần nào...".
----------
Ba nuôi
- Lê Ngọc Dương Cầm -
Ba tôi có tật, hễ được ai lớn tuổi giúp đỡ, ba tôi đều nhận làm ba nuôi. Má tôi cằn nhằn: "Ai ông cũng gọi là ba, kỳ quá!". Ba cười xòa: "Ngày anh sinh ra, ba đã mất, nên thèm gọi tiếng ba lắm!". Má ngậm ngùi buồn hiu.
Thế mà nhiều khi ba rầy, tôi giận, suốt tuần không thèm gọi một tiếng "ba".
----------
Cho và nhận
- Ngọc Chi -
Chị yêu anh nồng nàn và đằm thắm. Như bao người con gái khác, chị cũng muốn được đón đưa, quan tâm chăm sóc. Nhưng vì anh quá bận rộn, việc gì chị cũng giành làm, tự nhủ sau này sẽ tốt hơn...
Lâu dần thành quen. Giờ, anh rảnh rỗi hơn còn chị thì bắt đầu se lòng khi thấy người ta đưa đón nhau...
----------
Chị cả
- Nguyên Vũ -
Hai mươi tuổi. Tựa một bông hoa, chị trông rực rỡ. Thanh niên phố huyện xếp hàng những mong "rắp ranh bắn sẻ". Mọi người giục, chị cười: Còn giúp mẹ nuôi em.
Tuổi ba mươi. Chị càng đẹp, đằm thắm. Em gái lần lượt nên gia thất, chỉ còn thằng Út đi bộ đội. Lắm mối khá giả "ngấp nghé mong sao" nhưng chị lắc đầu: Còn bố còn mẹ già.
Mười năm sau. Bố mẹ về đất. Thằng Út đã hai con. Chẳng còn gì vướng bận. Song chị biết làm gì với cái tuổi bốn mươi...
----------
Chân quê
- Lê Đoàn -
Chị Hai lên thành phố học, được gần năm. Tết chị về. Cả nhà vui lắm. Cu Tí, cái Na tròn xoe mắt nhìn chị rồi rụt rè sờ lên bộ đồ chị đang mặc.
Bữa cơm ngon hơn. Chị kể chuyện thật nhiều. "Ở thành phố thích thật", cái Na nói. Chợt cu Tí giật giật áo mẹ: "Chị Hai không bắt chước được giọng mình nữa, mẹ ơi".
----------
Em tôi
- Nguyễn Chiến -
Lúc tôi còn nhỏ, người ta nói có quạ kêu thì một người trong làng phải chết. Mỗi khi nghe tiếng kêu rùng rợn ấy, tôi ôm em tôi vào lòng...
Ngày tôi vào Nam nó đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới cho em thật lớn. Trở về tôi liệt nửa người. Nó chăm tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao giấu được nỗi buồn...
Mấy hôm trở trời. Tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu lên cho tôi nghe, rồi gọi chim phượng hoàng ùa vào trong nhà cho lộng lẫy.
----------
Dạy
- Nguyễn Chính -
Cô chủ nhiệm báo: "Thằng bé lại trốn học". Tôi choáng váng: "Mình cho con mọi thứ. Vậy mà...". Tôi muốn chạy về "dần" cho nó một trận nhưng sợ vợ xót nên bỏ đến nhà một người quen.
Ông ta làm thợ nề, có con trai là học sinh giỏi cấp quốc gia. Ông bố đang tắm cho con, ông cẩn thận kỳ cọ, vui vẻ cười đùa.
Tôi kể hết về con mình rồi xin một lời góp ý. Ông lơ đãng hỏi: "Này, đã bao giờ cậu tắm cho nó chưa?".
Tôi im lặng, lủi thủi ra về...
----------
Cổng trường
- Thanh Hải -
Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
"Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy".
"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy...
...Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".
----------
Em ác lắm
- Nguyễn thị Ngọc -
Anh lớn hơn tôi mười tuổi, chuyện tình yêu của chúng tôi rất đầm ấm, ngọt ngào và đẹp như bao cặp tình nhân khác. Một hôm tôi nũng nịu đòi anh cho xem những lá thư mà anh và người yêu cũ viết. Một phần sợ mất tôi, một phần chiều tôi vì yêu tôi anh gượng gạo đưa cho tôi xem. Nhưng anh lại dúi dúi cất giữ một lá thư khác. Thấy anh giấu tôi nằn nặc đòi xem cho được. Cầm trên tay tấm hình chị ấy và bức thư tình, sự ích kỷ, lòng ghen tuông, và chút nhỏ nhen của con nít trong tôi nổi lên. Tôi đưa lại cho anh và bảo: "Anh phải đốt cái này cơ". Rồi anh cũng làm theo ý tôi, anh đau khổ quặng thắt đốt và ngồi nhìn đống tro tàn, lòng đau đớn quay sang nói với tôi: "Em ác lắm". Còn tôi, nét khoái trá lộ rõ trên gương mặt trẻ con của tôi, tôi thỏa thích lắm vì giờ đây trong anh chỉ có hình bóng của tôi.
Và giờ đây, những ngày tiếp sau đó, tôi mới thấu hiểu sự đau khổ, trăn trở khi đã thật sự mất anh rồi!
----------
Anh Hai
- Nguyễn Hàn Chung -
Căn nhà tranh đổ sập cuốn theo dòng lũ. Tí một tay ôm Tèo một tay bấu vào miệng chum chòng chành. Cái chum bé quá. Cánh tay mỏi nhừ. "Nếu chết cả hai mẹ buồn biết mấy. Thôi em đi, trời cho sống nhớ lo tuổi già cho mẹ". Nước mắt nước mũi ràn rụa, Tí rướn người bỏ Tèo vào chum. Em còn quờ quạng một lúc nữa đến khi cái chum chỉ còn là một chấm mờ mới chìm sâu vào cơn hung bạo của nước trời.
Tèo không chết nhưng em mất trí, ai hỏi gì cũng chỉ nói: "Anh Hai!".
----------
Ngày xưa
- Huỳnh Văn Dân -
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa".
----------
Đi thi
- Ngô Thị Thu Vân -
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: "Nhờ Ba mày mát tay". Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
... Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi "Hội thi sức khỏe người cao tuổi". Má nhìn Ba ái ngại: "Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả".
Buổi tối, má hỏi: "Ông thi sao rồi?". Ba cười xòa bảo: "Rớt!".
----------
Vòng cẩm thạch
- Jang My -
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười :
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
----------
Chị Hai
- N.T.R -
Thuở đôi mươi, tôi hay theo bạn bè la cà nhậu nhẹt, đánh nhau. Khuya, chị Hai ra đường kiếm, năn nỉ bạn bè kéo tôi về, tôi gắt ầm ĩ. Bao giờ trên bàn cũng còn mâm cơm tươm tất, bên gường sẵn ly nước chanh.
Sáng dậy, tôi lủi lẹ ra quán cà phê, tránh nghe bài đạo đức và nước mắt của chị.
Chị mất. Tôi tự do. Đêm về khuya, anh và chị dâu ngon giấc. Bàn ăn trống trơn. Bàn thờ lạnh ngắt. Thắp nén nhang cho chị, tôi chợt thèm nghe giọng nói cằn nhằn quen thuộc.
----------
Người cha
- Đ. Dũng -
Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi. Cũng như những lần rời bến trước, chị ở lại cùng con. Cầm tay anh mà không đưa tiễn.
Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi...
Đã đủ cả: Lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối...
Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại nhà. Chị hỏi. Anh cười với chị và con.
"Anh quên thuốc?" Nhưng anh mở tủ, lấy bút.
Hôn vợ và con, anh vội vã rời nhà.
Bão số 5. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con anh đã nhớ ký....
----------
Chờ
- Lê Di -
... Đồng hồ điểm mười, mười một, rồi mười hai tiếng. Mẹ như chìm vào khoảng không trống vắng. Đi ra đi vào, ánh mắt không giấu được buồn lo. Thở dài, mòn mỏi... Mẹ lặng lẽ nâng chén cơm, hai dòng nước mắt chảy dài, mặn đắng.
Đâu rồi cái gật đầu của bố...
----------
Mẹ tôi
- Lăng Dũng -
Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ òa...
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình.
----------
Mẹ xưa
- Đỗ Thành Dũng -
Cô rời quán lên xe. Phở ngon... Cô ăn không hết nửa.
Xe mới: Nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con.
Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi: "Sao tay chân mẹ run?!" Lại thôi, cô cũng mỏi và đói...!
Giờ đường về không mẹ. Không ngồi chen chúc, không đói, nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió.
----------
Cua rang muối
- ĐT -
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui :
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém :
- Còn răng đâu mà ăn?!
----------
Người vợ thực dụng
- Ái Duy -
14 tháng 2 năm đó tôi nhận được quà của anh, tôi hăm hở mở ra xem. Tôi bất ngờ vì mình nhận được một con gấu bông, lông nâu mượt mà, màu hồng nhạt. Tôi lật tới lật lui con gấu bông, soi mói. Tôi tháo chiếc nơ xinh xinh trên cổ nó ra, bẻ tay, bẻ chân bẻ đầu xem mong tìm được ẩn ý trong đó.
Thường thì mỗi năm tôi luôn nhận được hộp trang điểm, đồng hồ đắt tiền, hoặc lắc đeo tay... rất giá trị. Tôi thấy hành động mình không thật lố bịch, tôi liền nói một câu gỡ gạt "Anh giấu chiếc nhẫn kim cương đâu rồi". Thấy anh sốt ruột với cử chỉ của tôi. Anh nhẹ nhàng từ tốn cầm chú gấu lên, sửa lại cái nơ lúc nãy tôi tháo ra cho ngay ngắn rồi bóp nhẹ vào giữa ngực con gấu. Lúc đó có một giọng hoan hỉ thốt ra "I LOVE U", "I LOVE U" .... Tôi ngượng chín cả người trong ánh mắt ấp áp dịu hiền của anh nhìn tôi, tôi nào đâu biết hạnh phúc từ những điều đơn giản như thế.
Phải rồi, cũng đã hai mươi năm còn gì........!
----------
Võ sĩ
- Duyên -
Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm. Khi thi lên Thái cưc đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê: kể; đoạt giải nhất karaoke: lại giấu... Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh... Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt Kiều, anh không làm thinh nữa :
- Tại sao vậy?
- Vì... em... yêu anh.
Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống, rồi... khóc.
----------
Anh yêu em vì anh ghét em
- Công Thành -
Hồi ấy chúng tôi cùng học chung một giảng đường đại học, tôi bị hút hồn ngay từ ánh mắt đầu tiên của em, em có mái tóc óng mượt chấm bờ vai, nụ cưới xinh xinh. Thế là tôi xin một chỗ để được ngồi gần em, tôi hạnh phúc vì điều đó.
Thật là không hiểu sau, em lại thích thằng bạn ngồi kế bên tôi, lúc nào em cũng quay xuống với nụ cười thật tươi nhưng lại không phải cho tôi. Những lúc như thế tôi muốn hét lên cho em biết là "TÔI ĐANG GHEN ĐÓ, EM CÓ BIẾT KHÔNG"!!!!
Cuối học kỳ em cho tôi mượn sách để làm đề tài, tôi bỏ đó không xem, chỉ mở ra trang đầu ở bìa sách và ghi bằng bút đỏ "TÔI YÊU EM VÌ TÔI GHÉT EM". Tôi thật ngây ngô đâu có biết rằng phía sau cuốn sách em viết "Anh là người em thích đó, đồ ngốc!"
Bây giờ đi dự đám cưới em tôi mới nhận ra điều đó, có phải tôi quá ngốc đúng không?!
----------
Vợ chồng
- Tuỳ Nghi -
Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy, anh lại ôm lấy chị, vỗ về :
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào!
Công ty phá sản. Từ cương vị gián đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc :
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!
----------
Chiều xưa
- Trần Ninh Bình -
Hôm đó, ngồi cùng nhau bên bờ suối, cầm lấy bàn tay nàng trong tay, anh vẫn không sao thốt ra được lời anh muốn nói. Hai bàn tay đều run nhẹ. Xúc cảm dâng đầy trái tim... Nàng khẽ thở dài khi bóng tối dần dần chiếm ánh hoàng hôn.
Chiều nay, trở về chốn xưa, đến phiên anh thở dài. Chỉ có mỗi mình anh trong bóng chiều bảng lảng. Hôm trước hỏi thăm một người quen, nghe nói nàng đã đi lấy chồng, một người ở rất xa...
----------
Điệp khúc ngày thường
- Trần thị Út -
Sáng.
Vợ mang đến tô mì Vitamax. Anh cười, húp sột soạt.
Vợ nhìn anh âu yếm.
Trưa.
Lục đục dưới bếp đổ mồ hôi dọn lên đĩa rau nghi ngút khói và tô nước mắm tỏi ớt trông phát thèm.
Vợ dịu dàng nâng chén cho anh.
Chiều.
Tan ca đói cồn cào. Lồng cơm chờ sẵn. Rổ rau tươi rói. Vỡ đỡ chiếc áo ngoài, ngồi vào bàn, hai đứa nhai...
Tối. Anh thấy vợ đi xách về 2 bó cải xanh, 3 ký rau muống luộc. Kinh hoàng tỉnh giấc!
Điệp khúc ngày thường đến trong mơ.
----------
Dấu lặng
- Quế Hương -
Ngoại tẩn mẩn mở bảo-tàng-túi. Trong đó có mấy bức ảnh ố vàng gối đầu lên nhau. Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẵm đứa trẻ gầy nhom :
- Mẹ đấy hở bà ?
- Bà đấy. Mẹ đây nè! - Ngoại chỉ con bé trong ảnh.
- Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần!
- Lớn mới thành mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế.
- Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm, lại ăn trầu xay không ăn được kẹo.
- Làm mẹ vậy - Mẹ cười.
- Hông... Làm mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày.
Im lặng. Rồi tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi.
----------
Chị em sinh đôi
- Phong Nga -
Em ngông nghênh như một đứa con trai, cứng đầu bướng bỉnh khó có ai chịu nổi. Thế mà em lại yếu mềm mỗi khi nghĩ đến anh. Lần đầu gặp, ánh mắt, nụ cười, cả cái dáng cao gầy ấy cũng đã theo em vào giấc mơ.
Nhưng người anh chọn lại là chị, tóc dài như suối và ngoan hiền như một con nai tơ.
Ngày mai cưới chị, em sẽ là phụ dâu. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước, món đồ gì cũng đều chia đôi cho cả em và chị, thế sao vị trí hạnh phúc nhất trong ngày trọng đại ấy lại chỉ riêng của mình chị, sao không phải là của em?
----------
Cây khế
- Hoàng Lan -
Em tôi theo chồng định cư ở nước ngoài. Cuộc mưu sinh vất vả khiến đã lâu em không về lại quê hương. Hôm rồi, em thư về: "... Con gửi ít tiền để ba má nâng nền nhà chống lụt! Nhưng xin đừng chặt cây khế ngoài sân. Con đã kể chuyện cổ tích "Ăn khế trả vàng" cho bọn trẻ nghe, và chúng rất muốn biết cây khế trông như thế nào..." Xem thư, cả nhà vừa cảm động, vừa bối rối... Qua mấy mùa nước ngập, cây khế không chịu nổi đã chết năm rồi.
Chiều qua, ba tôi khệ nệ mang về một cây khế con. Hy vọng đến lúc các cháu về thì cây đã lớn...
----------
Canh chua điên điển
- Võ Thành An -
Mùa nước nổi cũng vào mùa bông điên điển. Chiều mẹ bảo ăn canh chua điên điển là chị cùng tôi bơi xuồng ra đồng hái bông. Vui lắm. Chị lấy chồng xa, phần tôi thi thoảng về thăm mẹ. Mùa nước nổi cũng được mẹ nấu cho ăn canh chua điên điển, nhưng bông mua ở chợ. Nồi canh bây giờ không phải mẹ nấu không ngon nhưng ăn thấy thiếu thiếu...
Thiếu sự đầm ấm của những lần cùng chị bơi xuồng đi hái bông về để mẹ nấu canh chua cả nhà ăn cùng.
----------
Giọt nước mắt người đời
- Lê Nguyên Vũ -
"Cứ đi trên chiếc cầu ấy, con sẽ thấy thiên đường". Mẹ hay chỉ chiếc cầu vồng sau cơn mưa lộng lẫy mà bảo thế, ngày xưa...
Thời gian trôi qua.
Nắng chiều đổ nghiêng triền núi. Một cụ già phơ phơ râu tóc đến quỳ bên một nấm cỏ vàng úa :
- Con đã đi tìm chiếc cầu vồng của mẹ một đời. Con về rồi đây, mẹ ơi.
Chiều vẫn yên lặng.
Môt giọt nước đọng trên đôi má già nua. Những tia nắng cuối cùng trước khi tắt hẳn đã kịp soi vào đấy chiếc cầu vồng bảy màu.
----------
Giá mà
- Lê Di -
Hễ nhà có dịp dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: "Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?". Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: "Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?". Nó giật mình, thảng thốt.
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!
----------
Hạt cát
- Trần Thanh Hải -
Hạt cát được gió nâng lên và đưa đi khắp nơi. Từ trên cao, nó ngạo nghễ nhìn vạn vật. Tia nắng xuyên qua nó và phản chiếu rạng rỡ. "Nhờ mình nắng mới lung linh thế", cát nghĩ.
Đêm về, gió ngủ, hạt cát rơi xuống một công trường. Ê ẩm, xây xát khi bị nhồi trộn cùng vôi, vữa, sỏi, đá..., nó thiếp đi.
Sáng ra, nó thấy mình đang kết chặt với muôn triệu bạn bè - những hạt cát khác - trên một thân cầu. Chợt hiểu rõ mình, hạt cát vươn vai, mỉm cười đón nắng, gió vừa lên.
----------
Loai chim không bay
- Tuyên Minh -
Nhà Minh chuyển đến nơi ở mới. Mừng tân gia, chú Út tặng cho Minh con chim khướu. Ngoài giờ học, Minh líu ríu với chim nơi hàng hiên. Chừng tuần sau, Minh phát hiện cô bé nhà bên thường chăm chú nhìn Minh chăm sóc chim với đôi mắt một mí thật dễ thương nhưng buồn lạ.
Vốn tính xởi lởi, nó xách ù lồng chim lại tường rào giơ lên làm quen: "Bạn thích nuôi chim không? Bạn tên gì?"
Cô bạn mới chầm chậm lăn chiếc xe lăn tại gần song sắt tường: "Em tên là Hoàng Yến!"
----------
Khoảng cách
- Chi Chi -
Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.
Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.
- Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.
Nàng nhìn anh trân trối :
- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...
----------
Sĩ diện
- Nguyễn Hữu Bé -
Ba mất. Mẹ vất vả nuôi mấy đứa con bằng nghề giữ xe hai bánh ở một đoạn vỉa hè bên hông nhà người ta. Các con thành đạt, người làm chỗ này, người làm chỗ nọ; mẹ một mình với cái lề đường quen thuộc.
Tết các con về đông đủ, có người còn mời thêm bè bạn. Ngày Tết xe đông, chỉ mình út phụ mẹ dẫn, dắt xe. Mấy anh ai cũng áo quần tươm tất; giày bóng, xe mới nên mắc cỡ.
----------
Nón lá
- Nguyễn An Tường -
Khói lửa ngập tràn Bình Định. Mẹ bồng bế anh em mình vào Nam, mang theo khung nón lá. Làm nón, mẹ nuôi mình lớn lên, chắt chiu, trút ống mỗi mùa khai trường.
Anh bảo: "Ráng học! Tương lai mình phải thoát khỏi vòm trời nón lá!"
Mình vào đại học. Mẹ làm tăng giờ. Mỗi ngày tấp nập tiền vay, tiền hụi.
Tốt nghiệp, chờ việc làm, mình tránh nắng mưa trong vòm trời nón lá. Mẹ lưng còng bên khung nón. Đôi mắt cả đời chẳng nhìn lên, bây giờ lấp lánh một vì sao!
----------
Cái bóng
- Hải Âu -
Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung và có nhiều thăng trầm.
Một ngày, bà nhẹ nhàng bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra ngẩn vào ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khoảng trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà.
----------
Quay lưng, gật đầu
- Hoài Ân -
Ngày ấy, ông bà nội phản đối ba mẹ tôi với lý do của người lớn không ai hiểu được... Ba đã từ bỏ mọi thứ để nhận lấy cái gật đầu của mẹ... Rồi anh chị tôi ra đời...
Chỉ còn một tháng nữa, tôi cất tiếng chào đời. Và cũng với lý do của người lớn, ba quay lưng với mẹ, từ bỏ gia đình. Mẹ cũng gật đầu. Vành nôi tôi chông chênh từ đó...
Hai mươi năm, cuộc sống cứ tiếp diễn... Ba mẹ anh đã phản đối với những lý do của người lớn không ai hiểu được. Hôm qua anh quay lưng và tôi cũng gật đầu. Hạnh phúc?... Khổ đau?...
----------
Soong cơm tráng
- Nguyễn Thanh Thanh -
Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu mới có món cá con kho mặn. Soong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người.
Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!
----------
Thành phố
- Cỏ May -
Năm thứ nhất, nàng từ dưới quê lên thành phố trọ học. Cả khu nhà trọ sinh viên chẳng ai có xe máy, nàng vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn đồng hội đồng thuyền.
Năm thứ hai, nàng là người đầu tiên có xe máy, ăn bận thật mode, nhưng dẫu chưa tốt nghiệp, nàng đã không còn là sinh viên, cũng không còn là nàng nữa. Đám bạn sinh viên giờ nàng chẳng chơi với ai, cũng chẳng ai chơi với nàng.
Nàng đã bị thành phố làm cho thay đổi.
----------
Lẽ đời
- Nguyễn Vũ -
Gánh bún vỉa hè của bà thật đắt. Khách không đủ chỗ ngồi, chen chúc, nhường nhau, chờ đợi - vậy mà chẳng phiền ai. Cảm thông cảnh quán tạm, mọi người đều vui vẻ để được tô bún Huế nức tiếng ngon.
Con cháu phát triển nghề, mở cửa hiệu khang trang. Đến quán toàn những người sang trọng. Nhưng thay cho những câu đùa, nụ cười, ánh mắt sẻ chia mỗi khi bún trễ, lát chanh chẳng tươi, đĩa rau muống ít giòn là thái độ khó chịu, mày cong môi cớn của khách.
Những lúc như thế bà ngậm ngùi nhớ cái... cảnh xưa.
----------
Giỗ ông
- Bình Nguyên -
Sớm mồ côi. Từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên mảnh đất của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú nó lấy lại căn chòi, khuyên "lớn rồi... nên tự lập".
Anh em dắt díu nhau tha hương.
Trưa. Phụ hồ về "nhà" - (ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm, nhão như cháo. Thằng anh mắng "đồ hư". Con em mếu máo "em nấu để... giỗ ông".
Ngẩn người. Chợt nhớ, hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...!
Ôm em vào lòng, nó gọi trong nước mắt: Ông ơi!!!
----------
Không thể quên
- Phạm Phương Nga -
Không phải bây giờ anh mới biết chị không chịu được mùi mắm tôm. Từ hồi còn học đại học, hễ vào bữa là chị lại nhăn mặt. Trông điệu bộ chị anh lại thấy vui vui. Anh cũng thể bỏ món ăn khoái khẩu này.
Hôm nay, ngồi nhìn mâm cơm mà nước mắt anh cứ ứa ra. Không còn hình ảnh chị với cái mũi nhỏ xinh, nhăn nhăn nhìn anh như vừa trách, vừa yêu.
Trên bàn thờ là tấm ảnh chị với nụ cười rạng rỡ. Trong căn nhà trống vắng, mùi nhang trầm quyện lẫn với hương mắm tôm đậm đà.
Anh không thể quên.
----------
Ba và mẹ
- Lê Mai -
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông "chánh hiệu".
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói "Đúng! Ông nói đúng..." Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
----------
Ca dao thương mẹ
- Trung - Dung -
Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát: "...Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ.
----------
Chiếc giường
- Tạ Mười -
Nhà không lấy gì làm khá giả. Hai chị em phải ngủ chung một giường. Năm tháng trôi dần, chiếc giường như càng nhỏ lại. Ðêm hè, nóng nực, em trăn trở, khó ngủ. Em ao ước được như nhà nhỏ H, nhỏ D. Gia đình tụi nó giàu, đứa nào cũng có phòng riêng, giường rộng, nằm giang hai tay cũng không hết.
Rồi chị lên xe hoa, về nhà chồng. Ðêm đầu tiên, em ngủ một mình. Chiếc giường bây giờ rộng, thoải mái. Nhưng em vẫn trằn trọc, khó ngủ...
----------
Tiếng gàu rơi
- Ngô thị Thục Trang -
Thuở bé, con chạy lon ton theo mẹ đi gánh nước giếng làng. Đêm. Giếng sóng sánh ánh trăng. Tiếng gàu nhôm rơi khắc khoải. Mẹ múc cả ánh trăng gánh về...
Con lớn, xa quê, quen dần nước máy. Nông thôn cũng bắt đầu đổi mới, nước về tận nhà, chỉ riêng mẹ vẫn mãi thủy chung với cái giếng làng.
Con về thăm, trách :
- Nước máy sao mẹ không dùng lại đi gánh làm gì.
Mẹ cười :
- Tại mẹ thèm nghe tiếng gàu rơi.
Một miền ký ức xa xăm ùa về trong con...
----------
Trang viết và cuộc đời
- T.T.A.H -
Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật "người chồng" luôn... bị chết trước vợ.
Anh giận, cho rằng chị ám chỉ mình. Chị bảo: "Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại."
Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.
----------
Giọt nước mắt
- Đàm Thanh Lạc -
Em đoạt giải nhất trong kỳ thi tuyển học sinh giỏi cấp huyện! Cả nhà trường sửng sốt và vui mừng vì trường vùng sâu như trường tôi hiếm khi có học sinh đoạt giải mà lại là giải nhất! Em biết tin, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má.
Em không thể tham dự kỳ thi cấp tỉnh! Mọi người lại sửng sốt vì có khối học sinh muốn mà chẳng được. Tôi đến nhà em tìm hiểu và động viên. Nhà xiêu vẹo. Mẹ em ốm nằm liệt gường. Đứa em trai mắc bệnh đần độn nhìn tôi cười vu vơ. Giọt nước mắt lại lăn dài trên má em.
----------
Giao mùa
- Võ Thành An -
Không có mùa đông, nên mỗi khi gió bấc về trời se se lạnh lại thấy bùi ngùi ở trong lòng.
Hồi hai đứa yêu nhau thường bảo, mùa này là mùa đi chơi. Trời không nắng, chở em trên chiếc xe đạp, em vui lắm. Mới đó mà đã năm năm, tiếng cười em như vẫn còn đâu đó nhưng người thì đã khuất xa.
Mỗi khi trời giao mùa phai nắng, một niềm nhớ không rõ nguyên nhân chợt se sắt nhớ chuyện ngày xưa.
----------
Bánh bông lan
- Thanh Vân -
Hồi nhỏ, mỗi lần bà làm bánh, tôi cứ quanh quẫn bên cạnh. Tay bà thoăn thoắt đánh trứng, trộn bột... Khi cái nắp khuôn được giở lên, những chiếc bánh vàng tươi hiện ra. Nhìn thôi cũng tưởng tượng được vị ngọt, thơm, mềm xốp...!
Lớn lên, đi học xa, lâu lâu được về quê. Bà lưng còng vẫn tất bật với trứng, bột làm bánh cho cháu. Cắn chiếc bánh có vị khét, phải lấy lưỡi lừa vỏ trứng, tôi luôn miệng: "Ngon quá ạ!". Bà cười, ở đáy mắt có giọt nước trong veo!
----------
Bên sân
- Nguyễn thị Quyên -
Một khung trời vàng rơm. Chút nắng cuối cùng hắt qua cửa. Nhà tôi - buổi chiều tà. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường tụ tập lại, dàn trận đánh nhau. Nó ngồi co ro, run rẩy tội nghiệp. Cơn bệnh tim của nó đã cướp mất cái quyền làm trẻ con như những đứa trẻ cùng xóm chúng tôi, dù chỉ trong một trận đánh giả. Nhà nó nghèo lắm, nhưng nó ngoan, nó luôn bảo với chúng tôi về lời dặn của mẹ nó: "Khi nào mẹ có tiền để chữa bệnh, rồi con hãy chơi cùng chúng nó".
Chiều vàng. Nắng sắp tắt. Không còn nó ngồi xem chúng tôi dàn trận nữa. Mẹ nó thẫn thờ ngồi bên bát nhang. Tôi cay sống mũi, thế là bên sân nhà tôi không còn một đứa trẻ chăm chú nhìn chúng tôi thèm thuồng.
----------
Bóng nắng, bóng râm
- Nguyễn Thiên Ý -
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo :
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con.
Lúc nắng, mẹ kéo tay con :
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng :
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
----------
Bà và cháu
- Phạm Hoàng Hải -
Ngày lễ, bà dẫn cháu gái đi chơi công viên. Cháu mặt đầy tàn nhang, đòi vẽ mặt thành con hổ. Đứa con trai trạc tuổi cháu trêu chọc :
- Mặt ấy đầy tàn nhang không còn chỗ vẽ đâu.
Buồn bã, cô bé gật đầu. Bà đến cạnh, nói :
- Bà thích những nốt tàn nhang.
Cháu trả lời :
- Nhưng cháu không thích.
Bà đưa tay nựng má cháu :
- Khi còn nhỏ, lúc nào bà cũng muốn có những nốt tàn nhang. Tàn nhang đẹp lắm.
- Thiệt hả bà?
- Ừ, có cái gì đẹp hơn tàn nhang đâu?
Cháu nhìn mặt bà chăm chú :
- Nếp nhăn, bà ạ.
----------
Bữa cơm trưa
- Nguyễn thị Nga -
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo, khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi tuổi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba...
----------
Cay
- Binh Minh -
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần, rồi vắng hẳn.
Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá cay.
Cay nên người ta không thèm ăn của ông nữa...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top