Một buổi tối

Tô Hoài

Đã lâu mới lại có dịp vào cung Hữu Nghị. Quãng sân thật rộng trước quảng trường 1 tháng 5 vừa chặp tối, trai gái thanh niên quần áo màu nâu màu đen sắp hàng từng tốp luyện võ. Gió mát lồng lộng lên những cột cao trắng mờ phảng phất kiến trúc Trung á bát ngát vào khắp tiền sảnh.
Chẳng may, cái thói tôi cứ hay để ý những khác mắt lặt vặt, tủn mủn. Ngày trước vào cung Hữu Nghị, ngước mắt lên mặt tường lại thấy nhiều chỗ mặt tường lỗ chỗ mất cái nắp ổ điện bằng sứ, cái ấn chuông báo động, báo cháy... ông nào bà nào có thói ăn cắp vặt hay trẻ con nghịch ngợm ngứa tay ở nơi công cộng. Tất nhiên, những thứ nhỏ nhen ấy thật cần thiết nên cơ quan trách nhiệm lại phải lắp ngay cái nắp mới, cái nút ấn mới. Mà rồi lại mất. Lại đứa khác lấy, hay vẫn đứa ấy, cái tính cái bệnh ăn cắp vặt mà. Lắm hôm trông lên tường thấy những chỗ ổ điện chơ vơ, cái lỗ không nắp ở ngay cửa ra vào, tường nhà vệ sinh, ở bậc lối đi, mà toà nhà thì đồ sộ nguy nga mà người qua lại rầm rập, có nhiều khách nước ngoài. Nghĩ cứ ngượng thầm. Bây giờ thì hay rồi. Những bức tường phẳng sáng sủa, đẹp mắt. Chẳng biết cái bệnh thó vặt ở nơi công cộng đã đỡ phần nào chưa, nhưng mà ở đây tật ấy không thể còn hoành hành được nữa.
Những cái ổ điện đã được lắp chìm vào trong tường. Chắc không có đứa nào mang sẵn cái dùi đi mà đứng lại để loay hoay nậy ra được. Những cái ổ điện, ổ bấm đã sạch sẽ, bóng nhoáng như con mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Không ai còn nhớ ở đấy trước kia có những cái nắp ổ điện thường bị mất trộm. Trong nhà hát, đèn sáng choang, những hàng ghế đệm vải hay dạ đỏ rực. Có bốn hàng ghế, khách vào sau đỡ phải nghiêng người lách trước mặt nhiều người cải tiến rồi đấy Nhưng tôi vẫn ngờ ngợ có cái gì vẫn như trước. Rồi tôi nhận ra những cái ghế vẫn đóng liền nhau một hàng. Chỉ hơn các hàng ít chỗ ngồi hơn, nhưng vẫn là ghế anh em sinh đôi sinh năm.
(Không được như ở các hàng ghế đầu trong Nhà hát Thành phố, mỗi ghế riêng nhau. Nhưng nhà hát cổ đã cả trăm năm, mặt bằng dốc nghiêng cho đến những chỗ hạng nhất thì trũng hẳn, khi đèn điện chưa bật hết, cái khoảng sang trọng ấy hơi tối. Nhà hát đã được đại tu công phu, vẫn giữ nguyên lối cũ. Các lan can và phù điêu mạ vàng choáng lộn, nhưng ở chỗ hũm ấy thì chao ôi muỗi: mà toàn muỗi đói đốt chổng đít lên vỗ một cái toé máu trong lòng tay. Chắc là vài hôm mới có hội, người ta sơ ý không làm vệ sinh xịt muỗi trước. Chẳng biết bây giờ Nhà hát Thành phố đã phát hiện ra cái nông nỗi muỗi đói rình đốt khách ở chỗ lịch sự ấy chưa).
Xin trở lại, tôi đương bước vào những hàng ghế phủ vai đo ở cung Hữu Nghị. Và cái sự tôi ngờ ngợ có cái gì vẫn cũ, cái gì ấy đương trở lại nhưng không phải là muỗi đốt mà là một ông mới đến chỗ ghế đầu, buông mình ngồi phịch xuống. Cái ghế tôi lập tức rung theo. Vẫn là chuyện đã xảy ra từ mấy chục năm trước. Suốt buổi tôi hồi hộp đợi ông ấy rung đùi, lại sẽ rung cả tôi lên như xưa. Nhưng không thấy. Chẳng biết có phải ông khách nọ không mắc bệnh rung đùi hay bởi là cái ghế tập thể được đanh vít đóng lại chắc hơn trước. Tôi ngồi hạng A, trước mặt không còn hàng ghế nào nữa oách nhất rạp. Trước mặt tôi là một dàn loa cả mấy chục ống phóng thanh to bằng những cái thúng chĩa ra. Một ông bạn tôi ngồi hàng ghế C lúc mới vào đã nháy tôi: "Chuồn xuống đây với tớ ngồi chỗ ấy thì bị tra tấn đến nơi". Tôi chưa kịp hiểu tiếng lóng "tra tấn" nhưng tôi ngại rắc rói, chen ra chen vào, tôi ngồi yên. Quả nhiên rồi thấy ghê thật, tra tấn chắc là thế này đây. Chẳng biết ở những sàn nhạc lắc, hát lắc, nhảy lắc thì thế nào, ở đây nhạc và hát ca mười cái thúng phóng thanh xổ ra đấm vào tai, tiếng nhạc hò hét đinh tai nhức óc, giật cả vào trong ngực khiếp quá. Các ông khách nước ngoài ngồi láng giềng tôi đã ra về cả. Tôi cố nấn ná, sau cũng đâm hốt, nó rực lên đầu mất, tôi đành phải chuồn. Cũng không nhác mắt vào hàng ghế dưới xem có thấy cái ông xui khôn tôi còn đấy không. Ra cửa lại gió mát hây hẩy thổi qua hàng hiên những cái cột đá trắng thật mát, thật đẹp. Thoát khỏi những đòn tra tấn, tôi lại nghĩ mình thật lạc hậu lạc loài, người ta ngồi xem ca rạp thì sao, nhưng mà ngoài này gió mát trang sáng tôi mới ung dung bình thường lại người, chẳng tiếc rẻ tí nào. Tôi ra bờ hè vẫy cái taxi. Xe bon tới, đỗ xịch. Người lái xe nhoài ra mở cửa, cuống quít nói: "Cụ lên nhanh nhanh lên cụ ơi?". Tôi đã vào xe. Nghe tiếng đập ùng ục đằng cốp xe quay lại nhìn nhìn thấy hai thằng cởi trần, áo vắt vai đương hùng hô chạy theo đá cái xe, lại như toan nhảy lên. Những cái xe đã vút đi. Tôi hỏi:
- Cái gì thế?
Người lái xe nói:
- Bọn trấn đấy. Hai thằng này vừa ập đến bảo cháu: Tao có dao trong người đây. Mày nôn ra một trăm thì tao tha. - Em mới chi kiếm được hai mươi nghìn. Chúng nó quát: Không nôn đủ hả? Giữa lúc ấy cụ và cháu phóng lên, phúc cháu quá. Lại nói: Chúng nó chẳng có dao, có súng trong người đâu cụ ạ. Đói quá đói hít đi kiếm vặt ấy mà. Bây giờ nhan nhản, nhiều lắm.
Tôi bỗng thấy thật ngại. Cái thằng lái xe này cũng sắp quay lại quát tôi nôn ra thì sao?


(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: