Nhịp 16

...

Cá voi mơ không sống ở đại dương.

Và những đóa thảo anh không mọc trên tóc mẹ.

Họ nói tôi bị điên.

Chỉ vì tôi thấy những thứ họ không thể thấy.

...

5 tuổi.

Tôi lần đầu được mẹ cho ra ngoài chơi với các anh chị. Tôi còn nhớ y nguyên cái mặt xám xị của bà khi để tôi - một thằng nhóc gầy còm đến thảm hại so với bạn cùng trang lứa, chạy lông nhông ngoài đường. Chúng tôi sống ở một ốc đảo thuộc Flören, vùng châu thổ êm đềm quy phụng dưới chân dãy Bạch Long. Sức sống của Nguyệt Hoa đã tôn luyện chúng, thổi hồn giữa những bóng cây và hun đúc cho dãy núi hình con rồng mát mắt một màu xanh. Từ lúc lọt lòng tôi đã sớm quen với mùi cỏ ướt, những lạt lác rận mềm mịn xen vào kẽ chân, và những lúc chạy tôi thấy gió. Tôi yêu gió, phả vào mặt làm tôi muốn hét lên

Tôi yêu rất nhiều thứ, cũng yêu mùi hoa thảo anh

Mẹ là một người dịu dàng với cặp mắt hồng nhạt như lay ơn, thích búi tóc thành cục và cài một chiếc trâm, đầu gắn bông thảo anh vàng chói, lúc lắc phía trên vành tai. Chúng tôi ở trong ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đồi hoa, bo tròn trong hàng rào gỗ và cây ngô đồng tỏa lá vàng u sầm xuống mái ngói đỏ tươi. Tôi chưa từng nhìn thấy cha, chỉ thấy mặt ông qua tấm ảnh cũ mèm trên mặt dây chuyền treo đầy tự hào. Mẹ nói cha đi chiến tranh. Chiến tranh? Vậy cha chắc hẳn là anh hùng! Tôi đã từng nghĩ như vậy, và vẫn cứ đợi, đợi mãi, đợi mãi, đợi khi nào chiến tranh kết thúc, mọi sự sẽ thay đổi. Dòng người sẽ lấp kín đoàn diễu hành khi tiếng chuông thắng trận cất vang, vắt dọc qua Flören, ngân nga trên mặt hồ Lilith đến khi gặp những lời ca tụng mãi xứ bờ bên kia, và cha, vị anh hùng mặc đeo đai lưng bản rộng giắt đầy huân chương, sẽ về ăn cơm tối.

Tôi đã cầu nguyện, nhưng nó chẳng bao giờ linh ứng cả.

...

"Viggo! Ra đây chơi! Đúng rồi, tới đây nào!"

Anh chị trong xóm rất quý tôi. Anh Dragomir, tóc đỏ dựng ngược - hơn tôi 3 tuổi, anh hay làm được mấy việc mà tôi nghĩ 3 năm sau tôi cũng không làm được. Tôi nhớ anh có đôi mắt biếc rất đẹp, chị Dense, em gái anh cũng vậy, giống tôi, cả bọn hay quần nhau suốt buổi chiều đến khi bộ quần áo vốn đã bẩn thêm lấm lem bùn đất, mặt trát đầy phỉ với mùn cưa, cười ha hả. Anh chị rất giỏi song lục, làm diều sáo, súng phốc, lồng chim tre, tết dây xu, dựng nhà chòi, đôi khi là những trò oái oăm. Dragomir là đầu têu trong cái vụ trao đổi giấy da dê như một loại tiền tệ, làm chúng tôi ăn trộm bố mẹ để nộp cho anh. Tuy chị Dense cùng hội con gái có bênh, tôi chơi với anh toàn bị bắt nạt, nhưng cũng vui, vui lắm, đến tận bây giờ... tôi vẫn muốn gặp anh một lần nữa...

...

Ốc đảo của chúng tôi nằm ở vùng giáp ranh giữa thảo nguyên hoa lạc và núi Bạch Long lóc chóc sỏi đá. Người trong làng có nghề đào đá, họ gọi là khai thác quặng. Ngày hôm đó, tôi đã có dịp được theo chân chú công binh Sera xem họ làm việc. Trai làng, một số người già sung sức, đôi lúc vài chị em phụ nữ, mỗi người một cái cuốc chim to, cán gắn thô sơ với đầu thép gỉ, mòn đến gãy cả xương. Họ đồng loạt đi vào cái hốc sâu thoải dẫn xuống chân núi Bạch Long. Tôi nhớ hôm đó, nóng chết người, nắng tràn lan làm nổ đom đóm mắt, rung chuyển khiến cảnh vật trở nên tàn nhẫn và tinh thần suy nhược. Những viên ngọc thô màu đục phỉ thúy, to bằng nắm tay, thịt ngọc được tí tẹo, cắt ra bằng đầu đốt ngón trỏ - dân làng sống chết vì chúng, họ đến đây vì chúng - di sản của Bạch Long.

Nghỉ trưa

Đoàn tiếp nước chủ yếu là nữ, gánh theo cái xe thồ chất vài quả dừa và bẹ cải giữa tiết trời thiêu đốt đến cồn đá sục sôi. Tóc dài. Bết bát. Nhiều cô gái đang có... nói thế nào... cái thứ mà phụ nữ nào cũng có... chảy dọc ở chân. Mùi tanh đến nỗi chính họ cũng phải bịt mũi, ông Nohor và chú Sera rất thương họ, trai làng cũng vậy, xé áo đưa cho họ mảnh vải băng dọc vào bẹn, nhưng họ không dám nhận, họ xấu hổ trước mặt đàn ông. Tôi ngồi trong bóng râm, chơi trên xe kéo suốt cả buổi mà vẫn khát, miệng sì sụp quả dừa mọng nước. Họ cho tôi và con gái ăn cơm, còn họ ăn bắp cải. Mấy bẹ cải úa lá, ăn sống, mỗi người một bắp. Tôi nghe họ nói chuyện, hỡi ôi, rùm beng chính trị, mà cười phá lên to lắm, ai cũng ướt đẫm lưng áo, mồ hôi đẫm nách rỏ tòng tòng dưới bắp tay.

...

Chiều hôm đó khi chúng tôi trở về làng phải băng qua cánh rừng thông. Chúng tôi lùn, còn những cái cây cao chọc trời, thân to bằng sân bóng rổ, tán lá chúng đan vằn vện vào nhau như dây câu, chia chỉa cao thấp trong khi rễ nổi gân trên mặt đất nhỉnh hơn một người lớn. Không có cách nào tránh chúng, phải đi vòng. Chúng tôi không thể dùng la bàn, dưới đất có sắt từ, nên đành bám theo những thân cây to vật vã khắc kí hiệu của người đi trước. Cả đoàn tính cả tôi, cỡ bốn chục người, chung một cái xe kéo. Mỗi cuốc đi phải mất 1 ngày trời, đôi lúc có chú ngốc hỏi Sera, rằng tại sao chú không cho mọi người đi đường thẳng mà lại vòng qua rừng thông gập ghềnh? Chú Sera chẳng bao giờ trả lời, còn ông Nohor với anh Quinn thì chọc kháy. Chết nắng, có mà chết nắng, cháy nung đỏ da thịt con ơi...

Cánh đàn ông mệt lử. Phụ nữ kéo xe. Giữa lúc đó chúng tôi dành hàng tá thời gian nói chuyện. Về gì? Về đồ ăn. Về tiền. Về ngọc phỉ thúy. Về dân ngụ cư. Man tộc mọi rợ...

...

Tôi đã từng nghĩ, 7 năm sau khi tôi 15 tuổi, gần hơn nữa là 4 năm khi anh Dragomir 15 tuổi, tôi sẽ đến đây. Đến lúc đó tôi sẽ hiểu họ nói gì... sẽ đủ cao lớn để kéo xe thồ thay chị Dense (tôi sẽ không bao giờ để anh chị khổ), vinh quang đem tiền về cho cả làng... nuôi mẹ, nuôi em, chờ cha...

Cho đến khi mọi thứ kết thúc.

Mọi người.

Vẫn đang chờ.

...

...

...

Nhưng tôi chỉ thấy khói

Tôi thấy khói

Tôi thấy khói

Tôi thấy khói. Một cột, hai cột, rồi ba cột, cột sau bốc cao hơn cột trước. Lúc đó tôi nào hiểu, lửa vẫn là một thứ xa hoa, tôi tưởng dân làng đang đốt rạ khô với phỉ. Nhưng vẻ kinh hoàng trên khuôn mặt người lớn đã ám ảnh tôi, sau này tôi hay bị đau đầu khi nghĩ về nó

"Trời ơi..."

Cháy. Làng bị cháy. Cách xa hai dặm tôi bị mùi cháy xộc vào khoang mũi, gỗ ớt, cay xè lẫn trong mùi thịt. Không có trâu bò, đó là mùi thịt người. Cháy nhà, cháy cả cây đa... rồi tiếng ngựa, rất nhiều ngựa. Những gương mặt - gương mặt mới, đoàn ngựa có 3 cặp chi, trên bắp tay và mặt trát đầy hình xăm. Hình xăm con giao long. Người lạ. Chúng đốt làng, đốt cả cây phá nát thảm cỏ, mái rạ rơi xuống bùng nhùng như mạng nhện, rồi đè xuống người phía dưới, bắt lửa. Lúc đó tôi quay sang người lớn, thẫn thờ ý nói "ồ, chúng ta làm gì bây giờ?". Nhưng rồi sực nhớ ra cái điều hiển nhiên

Mọi người ở đó~

Chúng tôi có 40 người, một phần ba làng, còn hai phần ba ở đó, trong đám cháy~

Tôi nhớ đã trông lên ngọn đồi. Như đeo đẳng. Như đay nghiến. Như nhúng vết thương vào chanh. Nó cách xa đến nỗi mà mắt tôi cũng chỉ tờ mờ thấy được. Và tôi thấy, màu lửa đỏ sắc như dao cạo, cứa vào thịt cây ngô đồng. Nhà tôi đang cháy, bị đốt. Ngay lập tức một cảm giác ức nghẹn khó tả dâng lên ngập cổ họng. Ông Nohor đã gào lên, nhưng tôi đã không nghe thấy, lúc đó tôi không nghe thấy gì cả

"VIGGO! Quay lại! Quay lại đây thằng kia! Chúa trời ơi ai ngăn nó lại, chết tiệt!"

Tôi đã chạy, bán sống bán chết về phía đó. Tôi sai, sau này tôi hay biện hộ với Cha... rằng lúc đó chỉ là đứa bé con, trong đầu chỉ có một câu hỏi thản nhiên.

Họ là ai?

Họ có rất nhiều lửa?

Tại sao? Tại sao họ lại làm vậy?

Mẹ?

Anh Dragomir?

...

Tôi xông vào giữa đám cháy, đó là một cảnh tượng khiến tôi rùng mình khi nhớ lại. Những cái cột thông gãy đôi, nằm sõng soài trên đất, lòi ra một bàn tay người. Chết. Tôi sợ cái từ "chết" lần đầu tiên, tôi buồn nôn khi nghe nó. Lúc đó tôi đi tìm mẹ. Những dân làng khác, họ sợ mất hơn không còn gì để mất, và họ chạy, vừa chạy vừa gào rống lên trong hỏa hoạn, người cắp theo con nhỏ, người thì cái thúng chứa đồ ăn. Và tiếng ngựa... cắt xẻ

...

Tôi nhớ, tôi đã khóc, khóc vì lo sợ tại chính nơi mình sinh ra, khóc vì không tìm thấy mẹ. Mẹ không đến, nhưng có tôi nghe được một giọng nói thều thào. Tôi ngàn lần... không muốn nhớ lại khoảng khắc đó, bởi nó tiêm vào trong tôi một lòng căm thù kì lạ, nó làm tôi nghẹt thở, sau này rất lâu tôi không dám có con. Tôi có con sau khi đã thấy nguôi ngoai một chút. Hai mươi bảy năm.

"Vi-Viggo..."

Đó là chị Dense, tôi đã ôm đầu nức nở rất nhiều lần. Vẫn nhớ rõ, chị lết về phía tôi trong bộ váy yếm rách bươm, máu tươi lẫn tinh trùng người quyện vào nhau trên chân. Vú chị bị cắt, đứt lìa bởi những đường rạch còn tươi. Chị bị móc mắt, tôi đoán thế, hốc mắt trái chị rỗng tuếch, nhắm tịt lại, máu tươi thay dòng lệ. Chị không khóc được nữa, chỉ biết tuyệt vọng gọi tên tôi

"Vig...Viggo... c-cứu... chạy~"

Chạy! Một tên trong số chúng đã đến chỗ tôi. Tên kỵ sĩ đó không mặc giáp ngực, hắn cao gấp đôi người bình thường. Bắp tay hắn, in đậm vào mắt tôi là con giao long màu đỏ. Hắn lao đến chỗ chị Dense, vụt qua mặt tôi. Tôi đã không hiểu, tại sao hắn lại bỏ qua tôi, tại sao hắn làm vậy? Sau này tôi mới hiểu, sau khi hiểu tôi lại ước mình chưa từng hiểu.

Tôi chỉ muốn hắn dừng lại

(Giao long: một loài cá sấu lớn trên sông ngòi)

Một bóng người đã kéo tôi căn nhà chòi, gồng sức bụm chặt miệng tôi lại mặc tôi giãy đành đạch. Ông Nohor, trong cơn mê sảng tôi đã nghe tiếng thét. Chị Dense... tôi đã nghe hàng trăm tiếng thét, vọng lên từ hố lầy của chiến tranh, nhưng tiếng thét của chị vẫn ám ảnh nhất... Sau. Ngần. Ấy. Năm.

Giọng chị tắt ngấm đi không một lời báo trước. Cứ như một trò đùa, rồi chị Dense sẽ lại bước ra từ con ngõ đó với cơ thể lành lặn, ồ ha, một trò đùa, tôi - thằng nhóc hàng xóm bị chị dọa cho khóc thét? Chị sẽ lại trưng ra điệu cười hiền từ đó. Cho tôi. Rồi hai đứa sẽ đi tìm anh Dragomir, tôi sẽ lại bị ghẹo rất lâu là đồ mít ướt.

...

Tổ mả nhà nó~

...

Tôi và ông Nohor lao ra ngoài, ông ấn chặt lưng tôi xuống ép tôi đi khuồi khuồi. Ông dẫn tôi vào một nhà kho bỏ hoang, thứ đã cháy đen từ lâu, núp sau đống gỗ vụn còn thừa lại. Ông đã chạy theo để cứu tôi, nhưng tôi hận ông, tại sao ông không để hắn chém chết tôi luôn... để tôi phải chứng kiến cảnh chết chóc đó.

Giữa giao lộ của làng, nơi đài phun nước bị đập nát, là xác. Ông Nohor ấn tôi xuống, nhưng tôi nhìn qua cái lỗ nhỏ xíu bị đục giữa ván gỗ. Biển xác nằm đầy dưới đất, cháy đen, đóng băng lại. Xác nhiều đến nỗi ngựa không còn sợ, thường thì ngựa không bao giờ bước qua xác người. Và bọn chúng, những tên khác giống như kẻ xăm hình giao long, cưỡi qua, tôi nghe tiếng gãy rôm rốp dưới vó ngựa... xương của họ... những cái sọ của họ... chúng lấy làm khoan khoái. Lúc đó tôi không biết, họ cứ nằm đó, dân làng, tại sao bị cắt tứ chi mà không kêu lên? Tôi tự hỏi. Và cuối cùng sự tò mò của tôi bị đập tan, tôi thấy một bé gái

...

...

Em gái tôi~

...

Và mẹ

...

...

T-tôi... tôi không muốn nhớ. Nhưng tôi đã ở đó. Mẹ và em còn sống, cùng những dân làng khác. Có cả anh Dragomir. Họ bị bắt lại. Khoảng khắc họ bị dẫn ra trước chúng, tôi nghe tiếng ông Nohor thở phì phò, mồ hôi túa ra. Tôi theo dõi em tôi, chúng nhét em vào một cái bao. Thít chặt lại như bao khoai tây. Một tên trong số chúng giương cái bao lên cao, rồi nện xuống đất. Là sao? Lúc đó tôi còn mơ hồ về cái chết, nhưng nhìn gã đàn ông nện thêm vài chục lần nữa, cái bao chứa em đã sớm không còn nhúc nhích nữa, dịch mủ thấm đẫm qua vải bố, dính đầy tay gã. Em gái tôi bị giết như vậy. Còn...

Mẹ

Mẹ, anh cùng những người khác. Dân làng, họ khóc òa lên, ôm nhau mà khóc, cả những người đàn ông. Tôi là đàn ông, tôi đã cố nén khóc, nhưng lúc đó mẹ đã nhìn tôi. Mẹ nhìn thấy tôi, mẹ chắc chắn đã nhìn thấy tôi. Mẹ nhìn tôi với vẻ kinh hoàng thuần túy, tôi không còn nhớ ánh mắt đó, thứ duy nhất đọng lại trong kí ức là...

Mẹ đã cười, với tôi, một thứ an ủi nhất thời, nhưng rốt cục nó lại làm tôi ám ảnh.

Sau đó bọn chúng trùm lên đầu mẹ những bao vải khô, đánh quỳ dưới đất. Tất cả bọn họ. Tôi đã học tin ở con người về khả năng phát triển vô tận của nó theo hướng này cũng như theo hướng kia - thiện và ác. Tôi đã được dạy về đau khổ, hận thù,... đã cố hiểu chết thì khác như thế nào với bị giết, ranh giới giữa nhân đạo và phi nhân. Nhưng cuối cùng, chiến tranh vẫn chỉ gói gọn trong cái chết.

...

Ông Nohor kéo tôi chạy thục mạng khỏi đó trước khi chúng vung đao. Ông không muốn tôi chết vì sốc trước chết vì bị đâm. Tôi thấy ông khóc, lệ lẫn mồ hôi, tôi cũng khóc, nhưng làm gì có mồ hôi. Vì tôi chẳng làm gì. Tôi chẳng thể làm gì cả.

Cả nhóm 40 người giờ còn 2 ông cháu. Tôi đoán Sera đã dẫn mọi người đi vòng qua mé bên kia, an toàn trên núi. Ắt hẳn mọi người sẽ không ai nghe theo chú, họ sẽ vùng đi, như tôi, bởi anh chị em họ còn ở đây, trong núi xác ở giao lộ. Ông cõng tôi. Chạy đến khi hình ảnh giáo và lửa khuất sau những tán lá dày, còn nỗi sợ thì ngày càng dâng lên. Tôi chỉ biết sợ, run như cầy sấy. Nhưng Nohor nói qua rừng thông sẽ thấy họ đang đợi.

Chẳng có ai cả.

Ông Nohor cởi đai lưng giắt chéo ngực đeo quanh người tôi, có một con dao găm nhỏ, chút phấn hoa, vài lát bánh mỳ, đường, muối lẫn trong vụn cải bắp. Đó là tất cả những gì còn sót lại.

(Phấn hoa ở Nguyệt Hoa Hạ có tác dụng như một loại thuốc kháng sinh, nhưng khi đem trồng chúng ở ngoài vùng đất thì khả năng đó bị vô hiệu hóa một cách khó hiểu. Hiện tượng này vẫn chưa có lời giải thích)

Chúng tôi đã đi, qua rừng thông và ba mươi ngọn đồi, đôi lúc chúng tôi thấy thương nhân, nhưng họ cứ đến gần là Nohor lại phải cắp tôi đi ra xa. Tôi sợ người, người cưỡi ngựa. Chúng tôi chạy, chạy không phương hướng, suốt ngày đêm như ruồi mất đầu.

...

Một hôm nọ, ông cầm con dao găm đi ra ngoài kiếm cái bỏ bụng. Tôi đợi, trong hốc cây. Cái đai lưng rơi ra một xíu vụn bánh mỳ và bắp cải, có cả đất bẩn, đất nhiều hơn thức ăn, nhưng tôi đã liếm hết chúng. Tôi rất đói.

Đêm đó ông Nohor không về, tôi đã chập hai tấm lá làm một, ngóng ông. Tôi đã nghĩ, ồ wao, nhỡ ông kiếm được nhiều thức ăn quá không vác về nổi thì sao, hay là ông về tay trắng, có thể tay trắng cũng được. Ông sẽ xé mảnh ống quần và nướng thắt lưng cho tôi ăn. Tôi nghĩ vậy. Nhưng mà ông chẳng bao giờ xuất hiện để trả lời tôi nữa.

Tôi đã chờ, một ngày, rồi hai ngày. Khi quả dại xung quanh đã hết, hai tuần sau tôi đã trốn đi với cái bụng ẻo. Tôi cởi trần, gió mùa khiến tôi hối hận vì đã ăn áo của mình, giờ tôi chuyển sang ăn những mảnh da non bong ra ở trên mặt, ngực và bàn chân. Tôi vót nhọn cành cây, đi săn, nhưng Nguyệt Hoa là một con quỷ dữ, có những con mãnh thú đói meo. Tôi đã chẳng thể thu được gì.

Lúc đó tôi còn quá nhỏ để oán trách.

Từ đó tính khí tôi trở nên thất thường, tôi không thể nhìn một cái cây bình thường được nữa và ăn rất nhiều cỏ. Tôi nhớ, lúc đó tôi kiệt sức. Phấn hoa đã hết, ngực tôi in đầy vết muỗi đốt, vết cào của chó sói đã nhiễm trùng, sưng tấy đau đớn, tôi vẫn cố lết đi, tôi không thể sống nếu không lết đi.

Đêm đó tôi ngồi tựa vào gốc cây, chờ chết, tôi bị trúng gió độc, cảm thấy tim nóng ran như ong đốt. Cơn sốt lên đến 42 độ, tôi đã nằm quằn quại trên đất, gân xanh nổi hầm hầm trên mặt, trong cơn mê sảng tôi ngã xuống một vũng nước nông đến mắt cá. Và va vào một thứ gì đó mềm mềm, xác chết. Tôi cũng sắp chết, chết đói. Lúc đó tâm trí tôi không còn của con người nữa. Lúc đó tôi không dám nhận đó là tôi - một đứa con trai loài người. Lúc đó trong đầu mặc định thứ gì mềm và ướt là có thể ăn. Tôi bật dậy, thở phì phò và bắt đầu ngấu nghiến, thịt thối, dai và đắng, máu đông, tôi dùng răng nhay xé từng mảng thịt nhúng bùn rồi cho vào miệng. Tôi bị mảnh dao găm đâm vào lợi, nhưng điều đó không ngăn cản tôi tiếp tục nhai sống

Tôi ăn

Như một con súc vật

Ăn đến tê dại

Tôi... tôi đã ăn thịt ông Nohor đến tê dại

...

Sau này, đến cả khi chết đi, tôi vẫn không thể quên được một chi tiết nào từ khoảng khắc ấy. Tôi nhớ họ. Không sót một ai.

Ăn thịt xong tôi vẫn cảm thấy đói, tôi uống no bụng nước để gột đi mùi tanh trong miệng, thoáng thấy một chiếc răng của mình rụng ra, nổi lềnh phềnh. Nhưng tôi nào quan tâm, tôi vẫn muốn ăn thêm, tôi vẫn còn đói.

Tôi tiếp tục chạy khi đã có sức, tôi có ăn thêm, ăn lá cây, lá dâu tằm, và chuột chết. Nhai sống như bắp cải. Nhưng tôi vẫn thấy đói. Tôi cầm theo con dao găm, soi mình dưới hồ nước bẩn

Quái vật

Tôi muốn ăn

Tôi phải ăn

...

Không biết lang thang bao lâu, tôi thấy ánh lửa lập lòe trắng sáng ở tít mé bờ sông, bên kia cánh rừng. Hôm đó trời mưa, mưa phùn lẫn sương quẹt qua mặt tôi như mảnh sành. Những đốm lửa. Đó là một đoàn ngựa, ngựa Tiên. Chân tôi như que tăm, tay thì bé - da bọc xương. Tôi sớm đã chẳng thể nghĩ. Không còn sức mà suy nghĩ. Nhưng tâm can tôi mách bảo đó chính là chúng. Những kẻ đốt làng - giao long. Tôi lao về phía chúng như một con thây ma. Hét lên.

Nhưng tôi đã chẳng thể chạm vào ai. Tôi ngã vì kiệt sức. Ngộ độc quả dại. Thật bi thảm, tôi nôn mửa lẫn đi ngoài ra máu ngay trước mặt họ. Nhưng mùi người khiến tôi bật dậy. Tôi quá đói.

Gào rống.

Vùng vẫy.

Tôi quá đói.

Tôi cần ăn.

Ăn thịt uống máu chúng.

Những thứ tanh tưởi.

...

Nghĩ lại tôi đã rất hối hận, trong cơn đói mờ mắt, tôi đã ngất đi.

...

Đến khi bừng tỉnh bởi tiếng chim nhại, tiếng rắc khe khẽ của móng ngựa đạp lên cỏ khô và nồi cháo hoa sôi ùng ục. Một số chấm đen chuyển động trên nền trời trong trẻo, vằn vện sương mù. Vịt trời, chúng vọt phủ xuống những tán lá thông, rồi lại bay lên, vỗ cánh phần phật.

Tôi còn sống.

"Con nên nằm yên đấy đi..~" Euphoria bảo tôi

Trợn mắt lên táo tợn, cơn đau không còn trên những vết cào được phết lên một hỗn hợp nồng mùi bạch đàn. Nhưng tôi ám ảnh, rằng nó vẫn còn sưng, nó vẫn còn đau. Tôi đã nhe răng rít lên về phía Mẹ, bà không phản ứng.

"Ngồi xuống"

Như một con linh trưởng man dại, tôi nhảy khỏi đệm và bò trên đất bằng bốn chi. Gầm văng cả nước bọt vào mặt Mẹ, đến giờ khi nhớ lại, tôi rất hối hận, tôi không bao giờ dám láo toét với Mẹ đến thế. Tôi càng gào to hơn. Tôi đã quên tiếng người. Ôm ngực gào rống, xé toạc tấm chăn da dê

"Ta... bảo con... ngồi xuống~"

"Ôi trời, cái mớ hổ lốn gì thế này! Thằng nhóc dậy rồi, Ro'waan, Ferick, vào đây nhanh!" Giọng đàn ông vọng ra từ phía sau lưng "Mẹ! Chết tiệt, ít nhất cũng phải giữ thằng bé lại chứ?"

"Không sao đâu, ổn thôi mà, cứ để cho thằng bé bình tĩnh.."

"Nhưng..-"

"Ổn thôi mà, Antaram... ta sẽ chăm sóc nó, cứ việc ra ngoài trước. Nhớ hái tầm ma và dạ cẩm cho thằng nhóc, à quên, cỏ tranh nữa. Ta cần cầm máu..."

Mất rất lâu để giữ tôi lại, cánh tay róc vảy còn rớm máu của tôi, và bàn tay trắng muốt của Mẹ - tôi đã cắn nó, ngoạm chặt. Lúc đó tôi muốn giết luôn Mẹ, cắn vào cổ, nhưng bà đã giơ cánh tay trước mặt tôi. Mặt Mẹ không hề biến sắc kể cả khi máu đỏ bật ra, tôi liếm sạch chúng.

"Cứ ăn đi, ừm, ta thấy... con rất đói, nhưng ta không nhớ ta đã dạy các con mình hành xử như Dạ Quỷ? Nên con hãy ăn cái này, nhé? Cháo hoa á"

...

Tôi đã gặp mọi người như vậy, họ đưa tôi lên một cái chòi nhỏ dựng trên một cây thông. Cây thông cao, cao hơn nhà thờ. Sau hôm đó trong xương sống tôi luôn lúc nhúc một con giòi của nỗi ám ảnh. Sợ đói, tôi đã ăn rất nhiều, ăn hết số thức ăn Mẹ đem đến, họ cho bao nhiêu tôi ăn bấy nhiêu. Nhưng tôi vẫn núp ở góc nhà, im bặt mặc Mẹ dỗ. Euphoria là một người kiên nhẫn, bà luôn vuốt ve tôi

"Không sao đâu, không sao đâu..."

Mẹ nói như vậy nhiều nhất, mọi người ở đó, khoảng 4 người, tất cả đều gọi bà là Mẹ. Lúc ấy tôi không biết suy nghĩ, tôi vẫn tưởng họ là những con giao long, cái mõm đỏ của nó trườn dọc bắp tay. Một sự căm thù đến xục xạo xương tủy. Tôi đã cố giết mẹ rất nhiều lần, lúc mụ đang ngủ, nhưng tôi đã chẳng thể xuống tay. Tôi hận mình sao không thể giết người, chỉ cần một nhát thôi...

Mẹ và em tôi sẽ sống lại chăng?

...

Tôi chẳng bao giờ nói chuyện với Mẹ, với Antaram, với chú Ro'waan hay Ferick. Ngoài Euphoria là nữ, mọi người trong đội hộ tống đều cao hơn bà đến hai cái đầu, họ mang một bộ giáp dày với phần vai dày, cong quắp lại như một bông hoa, vân tím, sau lưng thì có một đôi cánh trắng như cánh rồng giang rộng đến hơn sải tay, có tác dụng giống áo choàng. Và họ là Hàn Long, rồng tuyết, không phải Giao Long, điều đó sau này tôi mới để ý. Ba tuần sau đó là chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng, khi đã bắt đầu có thể đi bằng hai chân, tôi lấy hết can đảm đứng trước mặt Mẹ

"Ê cục bột!"

Chúa ơi, lượng thứ cho nhau. Đó là câu đầu tiên tôi nói với Mẹ, lúc đó là đêm muộn, mọi người đang ngái ngủ quanh đống tàn lửa còn ấm. Mẹ ngóc đầu lên nhìn tôi, rồi nhìn mọi người, ngoái cái đầu trắng bóc qua lại nhìn rõ ngố tàu

"?"

"Phải! Tôi nói với bà đấy, cục bột!"

Euphoria nhướn mày đầy bất ngờ, Mẹ ngồi dậy trên khúc gỗ lót khăn lông cừu, dụi dụi khớp ngón tay lên mi mắt đang ngứa. Sau này càng lớn tôi càng khâm phục sự bình tĩnh của bà

"Ồ, vậy phép thuật nào của con đã khiến cục bột này động đậy giữa đêm vậy?"

"Tôi muốn giết bà!"

"Vì? Ta cho con ăn ư? Hay chăn của bọn ta không đủ ấm cho con, con có thể nằm trong tóc ta, ta sẽ ôm con đi ngủ, ngủ cùng nhau?"

Tôi đã tỏ thái độ với Mẹ như cách tôi sẽ làm với chúng, tôi đã nhắc đến từ đó

"Bà đốt nhà tôi! Bà bị điên rồi! Tại sao bà lại làm thế, tôi muốn biết! Tại sao bà lại khiến mẹ và em tôi... ưm, chết!"

"?"

"Tôi ghét bà, đồ thứ trắng phau như cục bột, bà bị bệnh à? Da bà bị nhúng vào sữa à? Lông mày bà thì màu vàng nhạt, mọi người màu đen, tóc bà dài quá kìa, tôi sẽ cắt trụi chúng đi! Chúng trông chẳng bình thường gì cả, bà chắc chắn không phải loại tốt lành gì! Đừng có ra vẻ thánh mẫu!"

"Thánh mẫu? Ta tốt đến thế ư?" Mẹ nheo mắt

"À... ờm, đúng! Nhưng tôi ghét bà! Tôi muốn bà biến đi!"

"Ta thấy con đang đói? Con muốn ăn gì đó chứ?'

"Không! Tôi không muốn nói chuyện với bà! Tôi muốn bà cút ra khỏi đây"

"Con chắc chứ? Con đang đói?"

"..."

Lúc đó tôi đã đuối ngôn từ. Tôi trẻ, Mẹ già, và Mẹ đã cắt nghĩa sự việc cho tôi như cho một đứa trẻ con. Từ lâu người ta đã nhận xét nói chuyện là hay hơn cả khi nói với trẻ con, bởi chúng không biết nói dối, ta sẽ có thể tìm cách vượt qua ranh giới giữa cảm xúc và thực tại

"Đứa trẻ... Tên con... là gì?"

"Hử?"

"Tên... của con"

Mẹ nghiêng đầu nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi có thể nói mắt của Euphoria rất đẹp. Tôi luôn có cảm giác đôi mắt đó rất quen thuộc. Xanh ngọc cẩm thạch, lấp lánh như kim cương. Bà đã nhìn trực diện vào tôi một cách kì lạ, tôi cũng thấy kì lạ. Dù chúng giống nhau, nhưng tôi cảm nhận có thứ gì đó bên tròng mắt trái của bà đang khẽ di chuyển, nó sáng hơn bình thường

Và tiếng cạch của một con bánh răng.

"Viggo... con trai, ta biết con đang rất đau khổ. Tim của con, nó đang chết, đừng bao giờ để nó chết trước thể xác. Ta hiểu khoảng thời gian này rất khó để vượt qua, nhưng xin con hãy bình tĩnh, có lẽ con cũng hiểu giết chóc không bao giờ là giải pháp"

"..."

"Ta hỏi con đến từ đâu được chứ..?"

"?"

"..."

"F.. Flö.. Flören"

"Ừm, ta hiểu. Một năm trước đã từng là Flören..."

(Để ý Viggo chưa hề nói ra tên của mình)

Một năm... một năm? Một năm! Tôi đã lang thang một năm, 800 dặm (1300 km) xuống tuốt đồng bằng phía Bắc, gần 1/8 chiều rộng Nguyệt Hoa cho đến khi gặp đoàn hộ tống của Mẹ. Tôi đã rất sốc khi nghe Mẹ kể, và sự tò mò lấn át tôi, tôi biết, rất không phải khi vô duyên vô cớ buộc tội bà như vậy. Nhưng lúc đó tôi quá đỗi ám ảnh, về ngựa, về giao long. Tôi đã ngồi xuống đó, Mẹ đã nói cho tôi rất nhiều. Sau lúc đó Mẹ đã thành công ru tôi ngủ, họ đã cứu tôi, lúc đó tôi không hề cảm thấy chút biết ơn, nhưng tôi đã không còn muốn giết mẹ.

Euphoria là Cục Bột, cũng là một cục bột ấm áp, ở bên bà rất thích - tôi nghĩ ai cũng thấy vậy. Bà luôn tỏa ra một thứ gì đó ấm cúng khiến mọi người tôn trọng, quan tâm mọi người bằng sự tha thứ và bao dung. Mẹ là một người đơn giản, đơn giản đến vô tri, bà mang ngoại hình của một phụ nữ trưởng thành với bộ váy ren tay phồng tông chủ đạo trắng xanh, đi chân đất, chân bà cũng trắng nõn như trứng gà. Bắt nạt Mẹ rất dễ, tôi hay có trò thọc ngón tay vào tóc để đơm nó thành búi. Mẹ hiền khô. Mọi người còn hay bông đùa Mẹ như đám mây di động.

"Ê, đám mây, bà đang nấu cái gì cho bọn tôi ăn thế?"

"Tôn trọng Mẹ đi oắt" Cha nói

"Tại sao tôi lại phải... tôn trọng người đang nấu cho tôi ăn một thứ giống như bồn cầu bị tắc đang nổ xèo xèo?"

"À, đây là bánh chưng rán" Mẹ cười "Ở phương Đông có vùng chuyên làm món này để ăn mừng năm mới, ta đã đến đó, đẹp tuyệt vời🤌, và ta đã mang tầm trăm cái về cho các con của mình"

"Trông bà còn trẻ hơn mẹ tôi, bà bị ngáo quyền lực à? Sao họ lại gọi bà là Mẹ? Bà sinh ra họ à?"

"Chuyện đó để con ăn hết chỗ này rồi tính nhé!"

Đó là lần tôi ngổ ngáo nhất với Mẹ. Đi theo họ với một sự bảo thủ không nguôi, tôi đinh ninh rằng Mẹ cùng các chú vừa là quân ăn cắp, vừa là quân vô lại. Nhưng họ chẳng cướp bóc hay dừng chân ở đâu cả. Chúng tôi đi bộ một mạch đến một rìa vịnh trên một quần đảo đầy nắng và gió, hướng ra ngoài đại dương mênh mông

"Chúng ta đang đi đâu?" Tôi hỏi Antaram, nhưng chú Ferick trả lời thay

"Chúng ta đang đi tảo mộ, nhóc ạ, mỗi 20 năm một lần chúng ta lại đến đây"

"Mộ, thế sao tôi chẳng thấy cái bia đá chết tiệt nào ở đây cả?"

"Đấy là nhóc thấy thế thôi, ở mãi bên kia đại dương, nơi sương mù không bao giờ với tới..."

Tôi sắp được đi qua biển. Ngắm biển, xưa mẹ có kể về cá voi mơ - những con vật to lớn màu hồng, có sừng kỳ lân và tỏa sáng như ánh sao, chúng được gọi là "Khúc hát ru của biển Độc Lệ". Tôi chưa bao giờ được ra biển, nên đã thơ thẩn ngắm nó rất lâu, cho đến khi bóng đen trên đầu cao quá mặt trời.

"Hử?! Waaa! Rồng!"

"Ha, lần đầu thấy à?"

"C-cái... cái gì đó! Mi từ đâu chui ra!"

"Ăn nói cẩn thận, Mẹ đấy..."

"Mẹ?"

"Phải, Mẹ là con hàn long trên lá cờ của Amberfeld chúng ta"

"Hóa hình sư? Tôi tưởng nó chỉ có trong truyền thuyết"

"Chính xác! Bà ấy là Hóa Hình Sư duy nhất trong lịch sử... cho đến thời điểm hiện tại"

(Khi ngưỡng phép thuật đạt đến một mức nhất định, con người sẽ có khả năng thay đổi cấu trúc của chính mình, gọi là Ngưỡng Hóa Thánh. Trong suốt 10 thiên niên kỉ chỉ có 2 Hóa Hình Sư được ghi nhận, Euphoria và Ruth đều thuộc hoàng tộc Desmond)

Euphoria biến thành một con rồng. To hơn bất kỳ con rồng nào trong sách. Một đôi cánh trắng muốt và hùng vĩ như tà dương, da dẻ của bà cào cấu trên bầu trời, vảy trắng ngà vẫn có nét mềm mại của phụ nữ, và một bộ bờm dài từ cổ đến ngang lưng. Bà hất cái mũi dài rồi rống lên một tràng to. Tôi chưa từng thấy rồng, cùng lắm là Wyvern khi hằng ha sa số bọn chúng đổ bộ về Đông Bắc. Lần đầu tiên tôi được thấy rồng ở cự ly gần - rồng xịn xò.

Mẹ chở bọn tôi đi qua Biển

Đó là khung cảnh đẹp nhất cuộc đời tôi khi bà bay qua vùng biển ấm của Viễn Đà, vọt phủ trên những tầng mây. Gió thì ù tai, lạnh buốt. Có những con cá chuồn, và Dực Long chao liệng bên dưới - nhỏ tí, lấp lánh như kim tuyến. Còn phía trên bọn tôi là sao, những ngôi sao, lung linh trên màn trời, phản chiếu rực rỡ trên nền biển

"Đó là sao Hiraeth! Con có thấy không? Ngôi sao sáng nhất và đẹp nhất, luôn bất biến ở phía Bắc Theseus!" Cha nhìn tôi, lúc đó tôi đã không thể nói được gì

(Sao Hiraeth thẳng hàng với trục hướng Bắc của thế giới Hesperacchia, nên nó không hề di chuyển trên màn trời đêm, cố định)

Mẹ bay qua biển, suốt ngày đêm. Thi thoảng bà lượn lại gần mặt nước, gần đến nỗi tôi soi được bóng mình dưới đó, tôi thấy đôi mắt đỏ và mái tóc rối xù của mình dưới ánh trăng bàng bạc.

Và cá voi mơ

"Nhìn kìa! Nhìn kìa! Ông có thấy gì không?" Với một cử chỉ rất hồn nhiên, tôi giật tóc Cha, chỉ về phía dưới đáy đại dương- nơi một hình thù to lớn và tỏa ánh huỳnh quang đang quẫy đạp, nó tru lên từng đợt thê thiết, vang vọng từ vực thẳm lên tít trời cao.

Nhưng cá voi mơ không tồn tại, sau này tôi mới hiểu. Chúng là những sinh vật của không gian tinh thần, xuất hiện trong giấc mơ, trêu đùa như những tinh linh nghịch ngợm. Nhưng tôi thề rằng lúc đó tôi đã thực sự trông thấy cá voi mơ, cặp sừng của nó tung tăng dưới mặt nước.

Chúng tôi ra khỏi màn sương. Mẹ hạ độ cao xuống dưới tầng mây khi mặt trời mọc, để lộ ra một hòn đảo rộng như thảo nguyên. Trên đó không có cây cao, chỉ có đồng cỏ, phẳng phiu và lõm như lòng chảo, còn triền dốc khá thoải. Những dấu hỏi chấm to tướng hiện lên trong não tôi, trong khi mẹ hạ cánh êm như lông hồng, chuyên nghiệp, bấy giờ tôi mới thấy: Giữa đồng cỏ mênh mông, là hàng dài những bia đá cao thấp lên đến cả ngàn, có cái toàn thây, còn rõ hình thánh giá, có chiếc chỉ còn là những ụ đá được đắp rất thô sơ, tên tuổi bị nắng mưa cạo mất

"Đây là..."

"Mộ của những con người đã đồng hành cùng Euphoria suốt mấy ngàn năm qua"

"Mộ? Khoan, khoan đã, ông nói cái gì cơ?" Tôi ngước lên Cha, rồi chú Ro'waan, chú Ferick "Mấy? Mấy ngàn? Cái... Thế bà ta bao nhiêu tuổi rồi?"

Tôi đã không bao giờ nhận được câu trả lời, Euphoria lướt qua tôi như một bóng ma, suốt buổi hôm đó Mẹ không hề trưng ra một chút cảm xúc nào. Tôi nhớ rõ, Mẹ đến trước những tấm bia đã vụn vỡ, tay không nhặt nhạnh từng viên đá và gắn những mẩu to lại với nhau. Bà lặng lẽ dùng một chiếc dùi nhọn ghi lại tên của họ

"Bà ta... đang khắc lên những tấm bia đó, bà ta phân biệt được đống mộ sao? Làm sao bà ta biết được?"

"Đơn giản lắm... nhóc ạ, bởi vì Mẹ chưa từng quên... tên của những người đã đồng hành cùng chúng ta... qua ngần ấy thời gian"

"..."

Sau đó tôi thấy trán mình nóng bừng vì xấu hổ, tôi... tôi không nhớ mình đã phản ứng thế nào.

"Mấy đứa đứng đó làm gì? Giúp ta cắm hoa đi chứ!"

...

Mười lăm tuổi, Mẹ có kể cho tôi, rằng mỗi năm Tiên vương Antaram tổ chức lễ hội thả đèn hoa đăng ở bờ suối Tam Bạch Mộng, nhánh suối kết nối với hồ Lilith ở Amberfled. Euphoria, đã đọc chúng, bức thư của những đứa trẻ mất đi gia đình vì chiến tranh, gửi gắm trong mỗi chiếc đèn. Và bà nói, thật trùng hợp làm sao, khi nội dung của chúng đều giống nhau

Đó đều là những ước mơ, một nguyện ước cầu mong cho những người tôi yêu thương nhất sẽ luôn tươi cười. Sống một cuộc đời hạnh phúc cho đến ngày nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ, cầu mong họ sẽ không phải chịu đau khổ hay bất hạnh gì nữa...

Ngay cả khi, mẹ không thể ở cạnh bên con.

...

Chúng tôi muốn họ sống.

Chúng tôi muốn họ được hạnh phúc.

Cho đến lúc mọi thứ chỉ còn là hồi ức.

Mọi người, vẫn đang chờ.

...

...

...

Kể từ đó tôi không dám gây sự với Mẹ nữa. Phải mất một thời gian ở trại trẻ tôi mới dám đối diện với bà, Euphoria là một người sắp xếp thời gian rất tốt, tuy khá vụng về, nhưng bà di chuyển nhanh đến nỗi mọi người tưởng bà biết phân thân. Mẹ chưa bao giờ hé răng về quá khứ của mình, nhưng bà luôn hiểu rõ bọn tôi, bà luôn đi bộ đến thăm tôi thay vì cưỡi ngựa. Rồi lúc đó cũng đến, lần đầu tiên tôi gọi Mẹ, mười ba tuổi

"Mẹ.."

"..."

"Mẹ ơi?"

"..."

"Mẹ!"

"Hã?"

"Mẹ phải cho đường vào cà phê! Đó là bột ngọt!"

"Bột ngọt... thì nó... ngọt?"

"Không?"

"NUUUUU!!!"

"Cha bảo Mẹ đi!"

"Mẹ mày thì có bao giờ không biết cái chó gì!?" Ông gắt lên

"Nhưng tôi muốn Cha làm hộ Mẹ!"

"Cc!"

"Đê!"

"Thôi được, đưa đây!"

Tôi gọi Euphoria Desmond là Mẹ, còn Antaram là Cha. Cha là một người điềm đạm với vết sẹo hình trảo chạy dọc mang tai, in đỏ giống màu tóc của mình. Đến năm 18 tuổi tôi mới biết ông là vua, và tôi đã đập đầu xuống đất khoảng 30 cái. Sống cùng họ là khoảng thời gian tươi đẹp, Cha và Mẹ đã luôn cố gắng tạo cho những đứa trẻ như tôi một mái ấm, nhưng có một thứ trong tôi biết rõ và ước ao

Tôi vẫn muốn gia đình mình.

Nhưng Euphoria không phải nữ hoàng, hay đại thần, hay sứ giả của Amberfeld. Mẹ không chiến đấu cho ai cả, bà sống cả đời như một con rồng, mãnh liệt và tự do bay đi. Năm tôi 16 tuổi, Mẹ rời khỏi đây, bà nói bà đi phiêu lưu, vài năm nữa sẽ về. Nhưng tôi biết rõ, bà sẽ chẳng bao giờ về nữa, tôi vẫn không muốn tin bà bất tử, dẫu thâm tâm sớm đã buông bỏ từ lâu, tôi vốn không có quyền ép Mẹ.

20 tuổi tôi tình nguyện đi lính. Chiều cao trung bình của Tiên là 1m82, nên tôi bị chê cười vì vóc dáng nhỏ thó. Tôi nhỡ đánh gãy chân 2 tên trong số chúng. Đi chiến tranh, giống cha. Cha thì tôi biết, đang đi chiến tranh, giống tôi. Nhưng ở đâu? Có trời mới biết. Tôi đã ôm hi vọng tìm được cha trong hố lầy của bom đạn, rồi chợt nhận ra, muộn màng khi hình bóng của ông đã lu mờ từ rất lâu. Đến lúc chết tôi vẫn không nhớ mặt ông, nhưng tôi vẫn còn muốn cha. Tôi muốn ôm cha một lần.

...

Cuộc sống của người lớn chưa từng đơn giản như tôi mường tượng. Đàn ông, tôi đã đi lính. Sau này tôi có viết một cuốn sách về chiến tranh... về nỗi căm hận nó đến tận xương tủy. Tôi chưa từng đọc lại nó lần nào, dù thời trưởng thành và già đi của tôi, ai cũng thích đọc loại sách ấy. Con trai và con gái của tôi. Điều đó chẳng có gì lạ: họ là những đứa con của Chiến Thắng. Con cái của những người thắng trận. Còn tôi? Tôi có ký ức gì về chiến tranh? Tôi có... ký ức về nỗi lo sợ của một thằng bé ngơ ngác giữa những từ ngữ khủng khiếp và không thể hiểu

Những thứ đó... lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Ấn tượng đầu là rõ ràng nhất, tôi vẫn còn nhớ... tôi còn nhớ nhiều

...

Trong một đợt hành quân, lúc đó trời nóng, muối tan làm rát mặt. Tôi đã trông thấy một ngôi nhà nhỏ bỏ hoang trên đồi cao, với những bức tường gỗ sập sệ phủ đầy rêu, tất cả nằm dưới tán một cây ngô đồng. Tôi đã lén chui vào đó, nằm dưới sàn nhà ẩm ướt và ngủ rất lâu. Tôi ngỡ, rằng khi tôi mở mắt, đó sẽ chỉ là một giấc mơ, mẹ tôi đang gọi về ăn tối, tựa lưng vào hàng rào gỗ với em gái tôi trên tay.

Mọi người, vẫn đang chờ

...

[Những gì chính tay tôi đã loại bỏ]

...

Tôi đã đến một gia đình Tiên... chồng và vợ đều đã tham gia chiến tranh. Họ gặp nhau và cưới nhau ngoài mặt trận. Ông ôm hôn vợ

"Chúng tôi đã làm lễ thành hôn ngay trong chiến hào, tôi tự chế váy cưới cho cô ấy bằng vải ga!"

Tôi vẫn không xóa khỏi ký ức được nụ cười đó của ông

Ngày hôm sau quận Bắc Leograd bị đột kích. Không còn gì của căn nhà đó còn sót lại, cả những tấm ảnh.

Họ là ai, những con người ấy? Không quan trọng, chỉ biết là họ đã khóc rất nhiều.

...

Quận Đông, Tây, Nam, Bắc và Thiên Hồ của Amberfeld, tất cả đều tham gia đánh trận.

Bọn tôi chết một phần tư vì dịch bệnh, bệnh chấy rận khi đánh du kích. Tay chân đứa nào cũng có một mảng khoét do giòi ăn. Bọn tôi uống thuốc, gọi cả cấp cứu, và một chàng trai đã tự sát vì cơn đau thấu trời.

...

Linoune là một bà mẹ 5 con. Bà đánh con gái vì nó cứ khóc hoài. Tất cả đều còn nhỏ và đứa nào cũng đòi ăn. Chiến tranh, bọn tôi thì đói, bà cũng đói, bà đã đi bộ 27 dặm mỗi ngày để xin góp chút gạo. Chồng bà đã mất, những đứa trẻ. Áp lực chồng chất. Và cuối cùng Linoune đã hóa điên.

"Mẹ ơi, đừng nhấn nước con... con không làm thế nữa, con sẽ không đòi ăn nữa đâu!"

Tiếng van xin của con bé đã cất lên như vậy. Hôm sau, chúng tôi không còn thấy nó ở đấy nữa.

Còn Linoune, khi chúng tôi trở về làng, hay đúng hơn nơi còn là làng mấy ngày trước giờ chỉ còn có tro, chúng tôi tìm thấy bà trong vườn... Bà treo cổ trên một cây táo đen... Các con đứng cạnh bà và đòi ăn.

...

Bệnh viện dã chiến, tôi đã vào đó thăm chú Ro'waan. Chiến tranh kéo dài, chú bị trọng thương. Tôi vào phòng thương binh nặng... trước khi y tá Grace nhận ca tôi bảo cô ấy chú Ro'waan sắp chết, sẽ không trụ được đến sáng mai. Trong những giờ phút cuối cùng, Grace đã hỏi "Nào, anh thấy thế nào? Tôi có thể làm gì giúp anh?"

Đột nhiên chú mỉm cười, một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đã kiệt sức của chú

"Em hãy... mở cúc áo ra... Cho tôi nhìn ngực em... đã quá lâu rồi tôi chưa gặp vợ tôi"

Tôi đã ở đó, nhưng lặng lẽ bỏ ra ngoài. Tôi không biết Grace đã làm gì. Tôi bỏ đi và chỉ một giờ sau mới quay trở lại.

Chú đã chết... và nụ cười vẫn còn nguyên

...

Có lần bọn tôi đi dọn dẹp chiến trường, tôi luôn lảng vảng ngoài rìa, tránh những giao lộ. Chúng tôi bắt những người tù binh còn sống trong đống xác đấy. Chúng tôi không chặt đầu chúng... đó là cái chết quá nhẹ nhõm, chúng tôi thọc tiết chúng, bằng gậy gộc. Chúng tôi chém vào người chúng. Tôi làm cái đó rất nhiều... tôi làm... làm lâu cho đến lúc... Con ngươi vọt ra khỏi hốc mắt chúng... con ngươi chúng.

Xác người vây dưới mương và các vùng ven rừng. Đầm lầy, nó nuốt chửng mọi thứ, máy móc, giáo mác, cả con người. Suốt nhiều tuần lễ chúng tôi đứng cả ngày trong bùn, nước ăn vào bắp chân.

Một hôm, tôi thấy một bé gái. Em nằm thoi thóp trên xác mẹ, chỉ còn da bọc xương. Em bị giòi ăn, trên tóc, da và trán. Phe địch, nhưng em là con người, cả đội chúng tôi không phải Tiên, toàn là con người, thiếu ăn. Tôi đã cắt tay mình nhỏ máu vào miệng em, nhưng em không chịu nuốt, tôi không dám hiểu ý chỉ trong đôi mắt em.

Tôi đã ôm em, nhận hồi lâu rồi nhấn em xuống nước. Sau một hồi tay cô bé không còn run rẩy nữa... em đã chết. Và chúng tôi không ai dám ngước mắt lên nữa. Về phía em, và về bất cứ ai trong số chúng tôi...

...

Tôi nhớ tất cả các cô gái với lòng biết ơn... Tất cả họ đều đã bị giết.

Tôi chăm sóc một con người giống tôi. Hắn bị trúng vết cắn của Dạ Quỷ, mất 2 giờ nữa để phát bệnh. Kiriya tội nghiệp đã thú tội với tôi

"Rồng Lửa... đã thiêu rụi con trai tao. Chỉ những người chạy trốn như ông già nó đây mới còn sống sót. Chúng tao ra đi chẳng có gì hết. Chúng tao như những cái máy, mạnh khi không còn lưu luyến gì để chết. Chúng tao để bị lợi dụng. Vác vũ khí và tiến bước... những ngôi làng đầu tiên... con người, bọn tao đánh với con người. Bọn tao trẻ trung. Cường tráng. Cả chục năm không đàn bà. Trong các hầm là rượu vang... đói thì nhắm với gì? Tao tóm bọn con gái và... chúng tao mười đứa hiếp một cô. Không đủ đàn bà, nhân dân đã đi tị nạn ở các thành sâu hơn. Chúng tao tóm các cô còn non choẹt... Nếu con bé khóc, chúng tao đánh, chúng tao nhét giẻ vào mồm. Nó đau, điều đó làm bọn tao cười. Đến lúc quả báo... đến bây giờ tao không hề hối hận khi đã hiếp chết nó, nhưng mà tao không hiểu, một đứa con trai nhà gia giáo... nhưng đó cũng là tao. Tao biết... Mẹ sẽ thất vọng về tao. Vậy nên... tao muốn mày giết tao trước... Viggo.."

Hắn co giật và thổ huyết ngay sau đó, Kiriya sắp biến thành quái vật. Tôi đã đâm ngập cổ hắn bằng con dao găm. Tôi đã làm rất mạnh, có lẽ đó là điều hắn muốn...

...

Tất cả đã làm tôi tâm thần vì chiến tranh. Tôi phải lui về hậu phương ba năm. Và phép màu đến với tôi lần thứ hai khi tôi vẫn đang bị lạc, tôi gặp được thế giới của mình.

Năm 31 tuổi, tôi gặp em trong bệnh viện em làm việc. Chúng ta đã nói chuyện rất lâu, tôi đã khá bất ngờ khi biết không phải ai cũng được gặp Euphoria, dẫu đó chỉ là nhận thức tuổi thơ. Mẹ khiến những lần nói chuyện ngày càng dai dẳng và khó kết thúc, em cười cũng ngày càng ngọt ngào... như hoa thảo anh. Điều đó làm tôi ấm lòng.

Chúng tôi yêu nhau được một năm cho đến lúc bệnh viện của em bị tấn công. Chúng không đánh người thương binh, lại đánh cô y tá. Chúng đốt, nhấn chìm cả quận Nam trong biển lửa. Tôi rất sợ lửa, sợ cưỡi ngựa, nhưng lúc đó tôi sợ mất hơn cả. Tôi đã... lao vào đó đưa em ra ngoài. Em bị bỏng nửa bên mặt, từng thớ thịt rụng rời xuống như ma lem. Lúc đó tôi chỉ biết cõng em, cơ thể tôi ngủ lịm. Nhưng em đã bất ngờ nói với tôi, qua hai hàng nước mắt

"Anh sẽ lấy em chứ?"

Tôi đã muốn khóc. Muốn hét lên. Muốn đánh em! Thế nào vậy, lấy em? Lấy em - ngay tức khắc. Em có nhìn rõ tôi giống thứ gì đây không? Hãy để tôi làm cho em thành một người phụ nữ đã chứ: tặng hoa cho em, tán tỉnh em, nói với em những lời đẹp đẽ. Em mong muốn những thứ đó đến vậy! Tôi đã suýt tát em một cái... Tôi muốn đánh em... Nhưng biết làm thế nào, một bên má em đã bị đốt cháy, đỏ sẫm, tôi thấy em nhận ra. Những giọt nước mắt của em chảy xuống chiếc má ấy... Trên những vết mưng còn tươi. Tôi đã trả lời, đến chính mình còn không tin

"Vâng, anh sẽ lấy em!"

Cheryl của tôi~

...

(Thuở nhỏ Viggo kể anh yêu rất nhiều thứ, nhưng càng lớn câu chuyện càng tập trung vào những thứ anh sợ. Từng mẩu chuyện kể đều một phần tượng trưng cho quá khứ của anh: ngôi nhà hoang là nhà bị cháy, cặp vợ chồng già là hình ảnh dân làng bị xử tử, Linoune là sự ám ảnh với nụ cười của mẹ, bé gái là hình ảnh chị Dense, Viggo cứu vợ giống ông Nohor từng cứu anh và câu truyện của Kiriya giống một sự ghê tởm anh dành cho chính mình)

Tôi giải ngũ năm 50 tuổi (lúc đó tôi mới vơi bớt ám ảnh), cùng em về sống tại quận Thiên Hồ Viktoriás. Bọn tôi có với nhau 3 đứa con: hai trai một gái. Theo thói quen cũ tôi vẫn ăn rất nhiều rau, và sợ cưỡi ngựa, nhưng tôi tuyệt nhiên không sợ máu, tôi bị ép phải quen với mùi sắt gỉ trong nó. Có lần tôi bị đứt tay, tôi đã rạch ra to hơn để ngửi cho rõ.

...

Tôi rất thích đưa con gái đi chơi xích đu. Tôi trả lời nó với sự chân thành
...

"Bố ơi, tại sao tai của bố lại không nhọn giống mẹ?"

"Bởi vì bố là con người..."

"Con người?"

"Ừm, con người khác với Tiên. Con người mong manh, tiên thì khỏe mạnh. Bố già đi, còn mẹ con thì không..."

"Thế con và anh hai có già đi không?"

"Bố mong là không..."

"Vì sao?"

"Vì bố muốn các con sống thật lâu..."

"Thế còn mắt bố? tại sao mắt của bố lại không giống mẹ? Nó màu đỏ au!"

"Tại vì mắt của bố đã thấy quá nhiều máu và lửa..."

"Bố với mẹ đã gặp nhau như nào vậy?"

"Ở bệnh viện, bố là thương binh, còn mẹ con là thầy thuốc"

"Vậy là mẹ đã cứu bố!"

"Mẹ đã cứu bố... trên một lần..."

"Khỏi cái gì?"

"Khỏi cái... c-ch... ch-chết"

"Hẳn đó là lý do tại sao bố rất yêu mẹ!"

"Bố yêu mẹ con không phải do những gì mẹ làm, bố yêu mẹ đơn giản chỉ vì mẹ là chính mình"

"Bố ơi, thế còn Thần linh là ai?"

"Là Mẹ của chúng ta..."

"Vậy là Mẹ của bố? Là bà của con?"

"Không phải, bà nội của con... chỉ có một thôi"

"Con thấy trong sách sử! Thần linh có thật không bố?"

"Có, có thật..."

"Sao bố lại khóc?"

"Bố nhớ mẹ"

"Nhớ Mẹ sẽ khóc sao?"

"Chắc vậy..."

"Thế mẹ của con thì sao?"

"Bố nhớ mẹ của con nữa..."

"Bố ơi, "chết" là gì ạ?"

"..."

"Bố?"

"Sao vậy?"

"Rồng tuyết có thật không bố?"

"Có... bố đã từng thấy..."

"Thật á! Còn cá voi mơ?"

"Cá voi mơ có thật..."

"Bố nói xạo! Thầy cô bảo nó không có thậ-..."

"Cá voi mơ... có thật..."

"..."

"..."

...

65 tuổi, khớp xương bắt đầu yếu. Chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Tôi đã ôm vợ rất lâu, sờ lên vết sẹo bỏng của em, tôi nghe em khóc, rất ghét nghe em khóc

Cheryl, em, em không già đi... em sống rất lâu... đến bao giờ, đến khi thân xác con người của anh mục ruỗng dưới bốn mươi tầng đất? Vì vậy nên em còn yêu anh, sau khi anh chết, hãy mai táng anh với những bông thảo anh đẹp nhất, hãy đưa anh về nơi anh thuộc về... Và em hãy kết hôn, đeo vòng hoa hồ diệp lên cổ, vai và đỉnh đầu. Cheryl, anh muốn em được hạnh phúc. Hãy kết hôn với một chàng trai, cả hai sẽ cùng sống thật chậm rãi mà không có anh, nhé?

...

80, con số luôn làm mỗi con người nơm nớp lo sợ rằng mình sẽ ra đi đơn giản như một cái búng tay. Tôi không còn đi đứng hẳn hoi được nữa, phải chống gậy. Hai con trai tôi làm công tác hậu cần ở quận Tây Persis, con gái có hai con, tất cả đều già đi. Tôi không sợ chết, tôi sợ chứng kiến cái chết dù đã sống với nó cả đời, mỗi lần phát âm nó cổ họng như nghẹn đắng lại. Tôi đã xây dựng cho mình một thế giới riêng, nhưng tôi vẫn muốn quay lại... tôi... tôi không muốn ở đây, tôi không muốn chết ở Amberfeld... Tôi đã từng nghe đời người như mỗi dòng sông, chia rẽ thành từng nhánh nhưng cuối cùng hòa chung một biển. Tôi... tôi không muốn gì nữa!

Tôi chỉ muốn về nhà

?

"Có người muốn gặp anh đấy..."

...

?

...

Mẹ... cái tiếng "Mẹ". Đó là khoảng khắc hạnh phúc nhất đời tôi. Trên bậc thềm ngưỡng cửa dẫu chỉ còn thấp thoáng, tôi thấy... ánh mặt hồng nhạt như hoa lay ơn. Và mùi hoa thảo anh. Các mạch máu xơ vữa dần dồn nhanh, tôi không cảm thấy, nhưng các nếp nhăn trên trán díu lại, ép chặt. Tôi luôn cố tỏ ra mạnh mẽ trước các con trai và con gái, nhưng trước mặt Mẹ tôi đã không kiềm được mà khóc rất to.

"Mẹ!"

Tôi có quá nhiều thứ để nói

Mẹ... mẹ, bao năm rồi. Bao năm rồi. Mẹ đã thấy và trải qua những gì? Tại sao họ lại dùng lửa và giáo? Bao nhiêu năm? Biết bao nhiêu năm rồi. Mẹ...

"Tám mươi... tám mươi năm... Viggo, tám mươi năm"

Chiến tranh, chiến tranh mà...? Con không muốn... c-ch-chết. Con muốn về nhà! Chiến tranh. Cuộc chiến tranh đã kết thúc chưa Mẹ?

"Chiến tranh... đã kết thúc... chúng ta đã thắng rồi, không cần chém giết nữa. Không còn ai phải khóc nữa. Hãy về nhà thôi... Viggo"

Không, Mẹ đừng nói dối con... mẹ không phải mẹ con, mẹ không phải mẹ con. Mẹ là Euphoria... Mẹ đừng có như thế, Mẹ đừng có lừa con. Làm ơn đừng lừa con, con sợ... cả bóng tối và lửa. Chiến tranh... nó vẫn chưa kết thúc, con là một đứa bé sinh ra trong loạn lạc, phiêu lãng cả đời trên đất khách. Điều đó có làm nguyện vọng cuối đời con trở nên ích kỉ không, trả lời con đi, Mẹ?

"Mẹ... M-Mẹ xin lỗi..."

Mẹ không phải xin lỗi ai cả! Con xin lỗi vì đã hỗn láo, chỉ làm ơn... đừng mang con đi. Con không muốn ở đây. Con không muốn ở đây! Con không muốn ở Amberfeld. Mẹ, khi con c-chết, con không muốn ở hòn đảo đó, con sợ... cả đời này con đã đối diện với rất nhiều thứ mà con sợ. Hãy mai táng con ở Flören, Mẹ ơi, hãy đưa con về Flören...

...

...

...

Con muốn nghe tiếng chuông thắng trận

Khi những đoàn diễu hành trải dài qua Flören, ngân nga trên mặt hồ Lilith cho tới khi gặp những lời ca tụng mãi xứ bờ bên kia.

Và con vẫn muốn gia đình con, ở căn nhà nhỏ dưới tán cây ngô đồng, sẽ mãi mãi ở bên nhau một lần nữa~

Mọi người, vẫn đang chờ

...

...

...

Hôm nay là ngày 7/12/7886. Tôi là Viggo Créscent Vandal, và đây là câu chuyện về cuộc đời tôi.

Tạm biệt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top