Tuyển tập Những tiểu phẩm vui (3)

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Sự thật về hôn nhân

1. Hôn nhân là tình yêu. Tình yêu thì mù quáng. Vì vậy hôn nhân là một trường học dành cho người mù.

2. Hôn nhân là học viện nơi đàn ông đánh mất danh hiệu Bachelor (cử nhân, đàn ông độc thân) còn phụ nữ thì nhận được danh hiệu Master (thạc sĩ, người chủ).

3. Tình yêu đúng là mù quáng nhưng hôn nhân chắc chắn là một liều thuốc làm sáng mắt ra.

4. Lập gia đình cũng giống như đi nhà hàng với bạn bè, bạn gọi món của bạn và khi thấy món của người khác, bạn ước gì lúc nãy mình gọi món đó.

5. Người đàn ông lầm bầm vài tiếng trong nhà thờ và thấy mình có vợ. Một năm sau anh ta lầm bầm gì đó trong giấc mơ và thấy mình đã ly dị.

6. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là phải có cho và nhận - người chồng cho và vợ anh ta nhận.

7. Con trai: Con nghe nói ở Trung Hoa thời cổ đại, người đàn ông không biết gì về vợ anh ta cho đến khi nào anh ta làm lễ kết hôn, phải vậy không cha?

Cha: Chuyện đó xảy ra ở mọi nơi con trai à. Mọi nơi!

8. Một người đàn ông nói: "Tôi không bao giờ biết hạnh phúc là gì cho đến khi nào tôi lấy vợ... và sau đó mọi chuyện đã trở nên quá trễ!".

9. Tình yêu là một giấc mơ dài ngọt ngào, và hôn nhân là chiếc đồng hồ báo thức.

10. Người ta nói rằng khi một người đàn ông nắm tay một phụ nữ trước hôn nhân thì đó là tình yêu; còn sau hôn nhân đó là sự tự vệ.

11. Khi một người đàn ông mới cưới vợ trông vui vẻ, ta hiểu vì sao. Nhưng khi một người đàn ông đã lập gia đình được 10 năm trông vui vẻ, ta tự hỏi vì sao.

12. Một người đàn ông nói với người yêu rằng anh ta sẽ vượt qua địa ngục vì nàng. Và bây giờ anh ta đang vượt qua nó!!!

13. Một người đàn ông thành công là người có thể kiếm được nhiều tiền hơn mức chi tiêu của vợ. Một phụ nữ thành công là người tìm được một người đàn ông như vậy.

14. Cách hữu hiệu nhất để nhớ ngày sinh nhật của vợ là hãy quên nó một lần.

Cô bé quàng khăn đỏ che^' :))

Ngày xửa ngày xưa, có cô bé quàng khăn đỏ đến thăm bà. Trên đường qua rừng, cô bỗng thấy một con sói đang rình rập trong bụi cây. 

Cô bé chỉ vào sói và hét: 

- Sói già độc ác, đừng hòng hãm hại ta!

Sói nhảy ra khỏi bụi rậm, cáu kỉnh, lầu bầu vài tiếng rồi bỏ chạy. Cô bé tung tăng đi tiếp. Được một quãng, cô lại bắt gặp sói núp sau một gốc cây.

- Sói già độc ác, đừng hòng hãm hại ta - Cô bé lại chỉ vào sói và hét lên.

Sói già nhảy ra khỏi gốc cây và bỏ chạy tức tối. Cô bé quàng khăn đỏ lại tung tăng, vừa đi vừa hát. Nhưng, một lúc sau, cô lại thấy sói lúi húi sau một tảng đá. Như những lần trước, cô bé hét:

- Sói già độc ác, đừng hòng hãm hại ta!

Đến nước này, sói nhảy ra giận dữ và rít lên:

- Vừa phải thôi! Có để yên cho ta đi toilet không?

Thị trường nông thôn

Công ty tiếp thị Trần quyết định triệu tập ban lãnh đạo tìm giải pháp khuếch trương hoạt động. Vì thị trường thành phố đã gần như bão hoà, các ý kiến đưa ra tập trung vào phương hướng phát triển về vùng nông thôn.

 Một người phát biểu:

- Nước ta dù có đà "đô thị hoá" vẫn còn hơn 80% dân số làm nông nghiệp, sống ở nông thôn. Phải phát triển thị trường nông thôn mới hy vọng kéo các doanh nghiệp đến với công ty tiếp thị của ta.

- Đúng! - Một người khác tán thành - Gần 70 triệu người là nông dân. Chỉ cần mỗi người ăn một chiếc... kẹo cao su thôi là ta có thể tiêu thụ được 70 triệu chiếc. Một tháng có thể bán tới 2,1 tỷ chiếc kẹo cao su... Doanh số thật là khổng lồ! Hơn nữa, nông dân ăn kẹo cao su sẽ thôi ăn trầu, tiết kiệm được vôi chuyển sang cho ngành xây dựng. Mặt khác, còn đỡ được hàng trăm hecta diện tích trồng trầu cau, lợi ích kinh tế không phải nhỏ!

- Tôi còn tính thế này! - Người thứ ba lên tiếng - 70 triệu nông dân, chỉ cần mỗi người một ngày uống một chai nước khoáng loại 0,5 lít thôi thì một tháng cũng tiêu thụ được trên 2 tỷ chai, một năm 24 tỷ chai nước khoáng... Có lẽ ta nên khuyến khích đầu tư xây dựng thêm hàng chục nhà máy nước khoáng nữa mới đủ cung cấp cho nông dân.

Bà trưởng phòng kế hoạch thì nêu ý kiến:

- Còn bao nhiêu loại hàng hoá nữa mà nông dân rất cần như bột giặt, kem đánh răng... À! Mà nhất là kem dưỡng da. Ở nông thôn, bà con lao động phơi nắng suốt ngày mà có kem dưỡng da thì tốt quá.

Ông phó giám đốc bây giờ mới phát ngôn:

- Nhiều năm nay, nông nghiệp được mùa, trang trại phát triển, bà con nông dân thu nhập cao, tiền nhiều. Do đó, phải đưa các loại xe máy về bán cho họ. Ngoài các mặt hàng có giá trị như xe máy, tivi, các loại hàng hoá khác cũng cần được quan tâm. Ví dụ như thời trang: Bà con nông thôn bây giờ không ai còn mặc áo nâu, quần thâm đi cấy nữa. Họ có thể mặc... áo tắm. Đúng! Mặc áo tắm, váy ngắn đi làm đồng vừa thuận tiện, vừa làm sinh động phong cảnh làng quê hữu tình...

Được sự nhất trí cao về định hướng, hôm sau, công ty tổ chức một chuyến khảo sát thị trường nông thôn. Đoàn xe của họ đi về một xã vùng sâu. Gặp một bác nông dân đi làm về đang ngồi nghỉ tại gốc đa đầu làng, họ dừng lại và hỏi:

- Một ngày công lao động của bác trị giá bao nhiêu ạ?

- À! Có lẽ chỉ được bằng một chai nước lã mà các bác đang uống đây thôi. Mà tài thật! Nửa lít nước lã đóng chai, uống nhạt thênh thếch, không bằng nước giếng nhà tôi mà lại đắt hơn cả một lít xăng! Hay là họ bán vỏ chai? Mà có lẽ thế! Thứ vỏ chai nhựa này mà đựng quốc lủi thì hết ý, rơi cũng không vỡ, nhậu xỉn vác vỏ chai đập nhau cũng không bị thương...

Công việc thăm dò thị trường được tiếp tục với các thứ rượu ngoại, xe máy, tủ lạnh. Bác nông dân cầm chai rượu ngoại nhỏ xíu, hỏi giá rồi lắc đầu:

- Tiền mua một chai rượu này nếu dùng mua rượu "quốc lủi" thì đủ cho cả làng uống suốt tuần. Các bác đem về thành phố mà bán cho mấy tay buôn lậu, tham nhũng lắm tiền. Còn xe máy à? Giá bằng những ba, bốn chục con trâu thì ta cứ cưỡi trâu thôi. Tuy có chậm nhưng lại an toàn, không xảy ra tai nạn giao thông. Ồ! Điện thoại di động tốt quá. Giá mà có nó gọi nhau đi làm đồng, đi uống rượu thì hay. Thế mấy cô chú định đem điện thoại di động về đây phát không đấy hẳn?

Giám đốc Trần sốt ruột:

- Thế ở đây, hàng ngày các bác hay mua gì nhất?

- Chúng tớ thích mua những gì... không mất tiền nhất! Sao các cô chú không mang cái loại ô ô kê kê gì mà dùng nó sẽ trở thành nhà vô địch, khoẻ như lực sĩ, lại hay được phát không, về đây mà bán?!

Giám đốc Trần vẫy các nhân viên lên xe, đi thẳng...

Bây giờ họ đang cưa

Một buổi sáng, ở giữa thành phố nọ, có ba ông biên kịch đang cuốc đất trồng rau. Bỗng lưỡi cuốc va phải một vật cứng bằng kim loại. Tất cả dừng tay, thận trọng bới và phát hiện đó là một quả bom rất to.

Trước một thực tế vừa bất ngờ, vừa có mâu thuẫn cao đến thế, lòng say mê nghề nghiệp trong ba nhà biên kịch nổi lên. Họ quyết định viết chung một kịch bản về quá trình phá huỷ quả bom. Đó là:

- Kịch bản phải rất kịch tính. (Bởi đây có đầy đủ các nhân tố ấy: Bom đạn ở ngay cạnh nhà dân).

- Kịch bản phải có tiết tấu nhanh (trái bom có thể nổ bất cứ lúc nào), tính hành động cao, lời thoại ít.

- Trong quá trình câu chuyện diễn ra, phải có một số thứ hy sinh (hoặc là tính mạng, hoặc là những nguyên tắc cư xử, hoặc những tính cách xấu nhân cơ hội này phải bộc lộ ra rồi bị xoá bỏ).

Tất nhiên, còn một số thoả thuận đơn giản khác nữa như diễn viên nữ chính phải đẹp, phải có cảnh đứng trong buồng tắm để xin tài trợ của công ty dầu gội đầu...

Sau khi thoả thuận xong những bước cơ bản, kịch bản được ba nghệ sĩ sôi sục phác thảo ngay tại hiện trường. Mở đầu là quay cảnh thành phố đông đúc. Rồi quả bom lộ ra. Một người dân trông thấy thét lên, cuống cuồng điện thoại báo cho cảnh sát. Hàng chục xe cảnh sát hú còi lao tới, một hàng rào an toàn được nhanh như chớp căng ra. Tất cả cuộc sống bên trong hàng rào bị ngưng trệ. Người ta khẩn cấp di chuyển trẻ con, ông già bà già. Người ta để lại nồi cháo đang sôi trên bếp, bế em bé sơ sinh ra khỏi cái nôi đang đu đưa, đu đưa... (phần này có nhạc).

Rồi một toán cảnh sát trang bị bảo hộ thận trọng tiến tới. Phát hiện ra trái bom vượt quá khả năng của mình, họ dùng vô tuyến gọi về trung tâm tình huống khẩn cấp cách đó mấy chục km. Lập tức, một chiếc trực thăng cất lên, mang theo một chuyên gia bom mìn.

Đến đây, như bao nhiêu lần khác trong đời, các nhà biên kịch nổ ra tranh cãi. Ba ông đưa ra ba phương án khác nhau.

Phương án một: Trực thăng gặp bão. Chuyên gia phá bom phải hạ cánh khẩn cấp. Anh đón một chiếc xe hơi phóng nhanh tới hiện trường. Lái xe là một cô gái. Giữa đường có bọn cướp chặn xe. Cô gái chiến đấu dũng cảm và bị thương. Anh chuyên viên phải đấu tranh giữa việc đưa cô vào bệnh viện và việc đến tháo trái bom. Cuối cùng, anh vẫn tới trái bom vì sinh mạng của hàng nghìn người. Lúc kíp nổ của quả bom vừa được tháo cũng là lúc cô gái bất tỉnh.

Phương án hai: (Tác giả của phương án này coi phương án một là "sến"). Ngồi trên trực thăng là một chuyên viên phá bom trẻ tuổi, con của một chiến sĩ phá bom anh dũng đã hy sinh trong chiến tranh. So sánh ảnh của cảnh sát truyền về với ảnh lưu trữ, anh biết rằng chính kiểu bom này đã giết chết cha mình. Hạ cánh bên trái bom, anh vừa xoay ngòi nổ thì tiếng nhịp của một thiết bị đếm ngược vang lên. Thì ra ngòi nổ thực nằm ở phía dưới, hễ anh buông tay là phát nổ ngay. Dùng tay còn lại, anh gọi điện về cho mẹ, nói rằng bà đừng buồn, mình đã sống xứng đáng. Rồi cả anh và trái bom được khiêng đi... ra biển. Dân thành phố đứng im hai bên xúc động. Bầu trời như ngưng đọng, chim chóc bỗng ngừng kêu... (Chỗ này âm nhạc cao trào).

Phương án ba: (Tác giả của phương án này chê hai phương án kia là thiếu tính khái quát). Trực thăng móc quả bom vào dây cáp rồi kéo lên, giữa chừng dây đứt. Trái bom rơi xuống và kíp nổ bị hỏng, không thể tháo được nữa vì bất cứ chấn động nào cũng sẽ làm cho nó bùng lên. Vậy mà trái bom lại rơi vào giữa một đám cưới. Toàn bộ quan khách và cô dâu chú rể phải bất động. Giữa lúc cực kỳ căng thẳng thì cô dâu nhào vào ôm lấy trái bom. Người ta bèn phun một chất đặc biệt khiến cô dâu và nó đông cứng lại trong một hình khối trong suốt. Hình khối đó được đặt giữa quảng trường thành phố, và là nơi tưởng niệm của tất cả những người yêu nhau hiện nay.

Cả ba ông, ai cũng bảo kịch bản của mình là nhất và cãi nhau kịch liệt. Chợt, một nhà biên kịch khác đi qua. Nghe xong câu chuyện, ông ta cả cười, rút ra tờ báo Tuổi Trẻ TP HCM số ra ngày 1/11/2002, trên trang 5 có đăng một chuyện, tóm tắt như sau: Có công ty đào được trái bom, báo cho ông chức năng ba ngày chưa thấy tới. Công ty bèn tự đưa bom lên xe, vừa run vừa hồi hộp lái đến giao nộp. Sau đó một tuần, công ty nhận được giấy báo phải đóng 1 triệu đồng là kinh phí để thiêu huỷ bom...!

Đọc xong bài báo, ba nhà biên kịch khóc lên tê tái. Lại một lần nữa họ thấy rằng: Từ thực tế cuộc sống cho tới phim ảnh là một khoảng cách quá xa. Thảo nào những tác phẩm của họ xưa nay không có người tin và không có người xem! Họ không còn tâm trí đâu để viết kịch bản của mình nữa. Nhưng trái bom thì phải làm thế nào? Nếu mang nộp thì phải đóng tiền, nếu chôn lại xuống đất là "phủ nhận hiện thực khách quan", thôi thì chỉ còn cách hành động như người dân xưa nay vẫn làm, đó là cưa bom ra để bán lấy tiền.

Họ kiếm lấy một cây cưa, và những tiếng xoèn xoẹt vang lên...

Mít-xì-tơ Bi-Xi

Tên ông được in trên danh thiếp là Mr. BC. Giới khảo cổ học nghĩ ông là nhà nghiên cứu và BC là viết tắt của chữ Before Christ (trước công nguyên), dân bợm nhậu quả quyết đó là chữ bắt chó, còn mấy tay chuyên chạy dự án thì quả quyết đó là chữ bốn cây (SJC 9999)...

Thế nhưng, đó là những suy luận tầm cỡ... tại chức. Thực ra, Mr.BC làm một công việc rất quan trọng. Tất cả các cuộc hội họp đều cần đến ông, càng cuối năm càng cần! Ngôn ngữ của ông uyển chuyển, trau chuốt và kính thưa hơi bị nhiều. Ông luôn đeo kính gọng vàng, laptop bên mình, túi giắt bút máy Parker, cặp táp căng phồng những hồ sơ, giấy tờ mỗi khi đi công tác.

Cái tên tắt của ông cũng lắm chuyện. Ban đầu người ta cứ gọi ông là ông Bê-Xê hoặc ông Bờ-Cờ. Thế là trong một cuộc họp, ông chấn chỉnh, bảo cái tên đó phải được phát âm là Bi-Xi. Mít-xì-tơBi-Xi, nghe cũng ngoại ngữ rổn rảng đấy chứ. Ông bảo như thế mới dễ ngoại giao vì thời này người ta cần ngoại ngữ ghê lắm! Nghe người ta nói tiếng Anh, ông chỉ gật gù. Ông bảo, ông hiểu người ta nói gì nhưng ngại trả lời. Có lẽ sợ lộ bí mật công tác!

Do thói quen công việc, ông thường sử dụng từ nói chung. Hầu như văn phong của ông lấy từ nói chung làm chủ đạo. Thỉnh thoảng, ông cũng dùng đến một là, hai là, ba là... Rút kinh nghiệm xương máu qua những lần hội nghị, ông nghiệm ra chỉ cần ba là đã quá đủ. Nói tới bốn là có khi cử toạ ngủ ráo cả, chẳng ma nào thèm nghe. Ông có tài dẫn dắt câu chuyện, khéo xoay chuyển tình hình. Một đơn vị làm ăn thua lỗ, qua tay ông sẽ do nguyên nhân khách quan. Và tất nhiên, có chút ít thành tích, ông sẽ "tăng trọng" cho nó thành phấn đấu chủ quan mà có. (Nói cho ngay, từ "tăng trọng" là do mọi người bảo thế chứ tổ tiên nhà ông chưa trải qua nghề chăn nuôi bao giờ). Bao nhiêu người nhờ ông mà mát mặt. Cơ quan, đơn vị nào cũng cần đến ông. Vì ông là nhân vật quan trọng nên lãnh đạo nâng ông như nâng trứng, hứng ông như hứng hoa. Bệnh thành tích đã trở nên trầm kha nên ông đắc dụng mọi lúc, mọi nơi, sống khỏe re nhờ khả năng về ngôn từ. Thế mà có đứa độc mồm độc miệng bảo ông là chó hùa. Hùa là hùa thế nào? Hùa như ông là hùa có đẳng cấp! Thằng nào hùa được như ông? Rõ là bọn ghen ăn tức ở!...

Đùng một cái, giữa khi tuổi sồn sồn còn đang phơi phới, ông đột ngột qua đời. Dòng cáo phó trên nhật báo làm các vị lãnh đạo đầu ngành toát mồ hôi hột: "Hiệp hội những người chạy thành tích vô cùng thương tiếc báo tin: Mr. BC (tục gọi ông Báo Cáo) đã tạ thế ngay bên tập hồ sơ ông chuẩn bị cho đợt thanh tra vào ngày... tháng... năm... Lễ viếng bắt đầu lúc...".

Hiệp hội chạy thành tích vừa lo tang lễ vừa lo cho số phận của mình. Các thành viên của hiệp hội như lên cơn tai biến. Một cuộc họp khẩn cấp để bàn phương án đối phó được triệu tập. Đang hồi gay cấn thì một nhà khoa học lừng danh xách cặp đi vào. Ông ta tiến đến micro: "Thưa quý ngài! Tôi biết quý ngài đang lo lắng. Nhiệm vụ của tôi là đến đây để giải quyết mối bận tâm của quý ngài...". Cả hội trường nín thở chờ đợi. Ông ta tiếp tục: "Trước khi qua đời, Mr. BC đã để lại di chúc. Chúng tôi đã làm theo tâm nguyện của Mr. BC là dùng tế bào của ông ta để nhân bản vô tính. Như vậy, sẽ có vô số Mr. BC con sẽ chào đời trong nay mai". Nhà khoa học vừa dứt lời, cử toạ vỗ tay như sấm dậy: "Mít-xì-tơ Bi-Xi muôn năm, ông Báo Cáo muôn năm".

Chiếc thảm bay của tôi

Có lẽ không cần diễn tả thì ai cũng biết nỗi khổ khi mắc phải một trận kẹt xe như thế nào. Nhưng có điều lạ là người ta thích sống chung với... khổ, bèn cho nhập mỗi năm cả triệu xe máy mà không chịu làm thêm đường bộ. Những đường hầm, cầu vượt, đường trên không đã có, nhưng chỉ trên... giấy và hy vọng vài năm nữa nó sẽ chuyển từ giấy mỏng sang giấy... dày hơn.

Tôi, một công dân gương mẫu, một nhà khoa học tài năng thì không thể ca bài Hãy yên lòng mẹ ơi khi nhìn thấy cảnh kẹt xe hàng ngày. Tôi quyết phải tìm ra biện pháp giải quyết nạn kẹt xe bằng tài năng và nhiệt huyết của mình. Giải quyết cách nào? Chỉ có thể chiếm dụng khoảng không để di chuyển. Thế là tôi ra tay chế tạo một chiếc thảm bay cá nhân có thể bay từ độ cao 1 mét tới 50 mét, có thể dừng lại trên không trong khoảng thời gian dài, có thể đậu xuống bất cứ địa hình nào. Sau khi bay thử hàng trăm giờ trên những cánh đồng bát ngát, tôi quyết định công bố thành quả của mình. Tôi mời gần như toàn bộ lãnh đạo của thành phố đến sân vận động để chứng kiến chiếc thảm bay do chính tôi điều khiển bay một cách an toàn và đẹp mắt. Lúc đó, mọi người ca ngợi tôi hết lời và cho đây là một công trình của thế kỷ, một phát minh trong mơ mà chỉ có... phù thủy Ấn Độ mới làm được. Tất nhiên là lãnh đạo thành phố muốn tôi sản xuất thật nhiều thảm bay để giải quyết nạn kẹt xe. Tôi đồng ý và bắt tay vào sản xuất.

Tôi hồ hởi làm hồ sơ đem đăng ký sản xuất thảm bay, nhưng bức tường đầu tiên tôi gặp phải là câu hỏi "sản xuất theo tiêu chuẩn nào?". Trời đất! Biết theo tiêu chuẩn nào đây khi những chiếc thảm bay từ trước đến nay chỉ có trong... cổ tích? Thế là tôi phải chờ cho các cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn thảm bay trên cơ sở tiêu chuẩn của xe máy, có thay đổi chút ít. Thời gian chờ đợi mất đúng một năm, theo tiêu chuẩn của một con rùa đi... giật lùi. 

Có tiêu chuẩn rồi, tôi bắt đầu công việc, nhưng bên công an bảo phải có giấy phép hành nghề đặc biệt. Photocopy, khắc dấu, sản xuất bình chữa cháy còn phải có giấy phép hành nghề đặc biệt nữa là thảm bay. Nhưng ác thay, sản xuất thảm bay chưa có trong danh mục nghề đặc biệt nên chưa thể cấp giấy phép được. Thế là tôi phải chờ người ta bổ sung danh mục để được cấp phép.

Có giấy phép hành nghề đặc biệt rồi, tôi lại bị ông Thông tin văn hoá hành tội. Thứ nhất, những người lái thảm bay chỉ có thể là... diễn viên xiếc, cho nên tôi sản xuất thảm bay là sản xuất dụng cụ xiếc, mà xiếc dính đến văn hoá thông tin, cho nên nó phải được văn hóa thông tin cho phép. Thứ hai, để hạ giá thành sản phẩm, tôi có nhận tài trợ của công ty X với điều kiện phải in logo của công ty lên thảm bay. Vì vậy, tôi phải có giấy phép hành nghề quảng cáo và phải đóng một số tiền tương đối lớn trên mỗi mét vuông thảm. Ba tháng sau, tôi cũng có được hai giấy phép này.

Tôi chưa kịp vui mừng thì ông Công nghệ - Môi trường bảo rằng: Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường, và vì thảm bay vận hành trên đầu người ta nên sản phẩm này tuyệt đối không được có khói, không phát ra âm thanh (kiểu nấu khống khói, nói không tiếng của thời chiến tranh) mới được cấp giấy phép sản xuất. Tôi trả lời rằng tôi sản xuất theo đúng tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng vừa mới ban hành cho sản phẩm đặc biệt này, cường độ tiếng ồn hầu như không đáng kể và độ xả khói rất ít. Ông Khoa học Công nghệ - Môi trường phán: "Phải tuyệt đối không khói, không tiếng mới được sản xuất, vì nó bay trên đầu người ta. Hiểu chưa? Hiểu chưa?". Thế là tôi bỏ ra hàng năm trời để bắt tấm thảm bay tuyệt đối im lặng và tuyệt đối không khói.

Hú hồn! Cuối cùng rồi mọi yêu cầu cũng được tôi đáp ứng đầy đủ. Ngày sản xuất đầu tiên bỗng có vị khách không mời mà đến, đấy là ông Kiểm lâm. Ông yêu cầu tôi xuất trình giấy phép khai thác lâm sản, bởi bộ khung của chiếc thảm bay được làm từ gỗ cẩm lai, một loại gỗ quý. Tôi thì làm gì có được loại giấy phép ấy. Thế là tôi lại phải đóng cửa xưởng sản xuất để đi tìm giấy do kiểm lâm yêu cầu.

Xong được giấy phép kiểm lâm thì tôi gặp sự... yêu mến của ông Thanh tra Giao thông Công chính. Ông này kiến nghị lãnh đạo thành phố không cho tôi được sản xuất thảm bay vì khi phương tiện vận hành sẽ vượt ra ngoài sự kiểm soát của cán bộ kiểm tra giao thông công chính. Kiến nghị này khiến tôi lao đao thêm một năm nữa, với nhiều cuộc họp của các cơ quan chức năng. Cuối cùng, lãnh đạo thành phố ra văn bản chính thức đồng ý cho sản xuất thảm bay. Khi tôi cầm được tờ quyết định đó thì toàn bộ máy móc dùng cho sản xuất đã xuống cấp, không thể vận hành được, toàn bộ nguyên vật liệu đã bị hư hỏng, và nhiệt huyết của tôi đã đến mức được đo bằng độ âm.

Tôi định bán nhà máy của mình cho những người kinh doanh sắt vụn. Nhưng một người bạn khuyên rằng, tôi nên lưu giữ và sửa chữa nhà máy để không sản xuất thảm bay nữa, mà sản xuất giấy phép mẹ, giấy phép con, giấy phép cháu thì sẽ dễ làm giàu hơn. Tôi chắc rằng mình không có khả năng làm việc ấy, vì nguyên liệu chính để sản xuất các loại giấy phép là... chức quyền cộng với bệnh quan liêu. Còn tôi chỉ là một nhà khoa học chân chính.

Máy giặt tâm hồn

Với ý nghĩ, áo quần là cái che đậy bên ngoài của con người cần phải giặt sạch sau khi sử dụng thì cái bên trong của con người, mà người ta thường gọi là tâm hồn, cũng cần giặt giũ cho mới mẻ và thơm tho, tôi bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy giặt... tâm hồn.

Sau một thời gian mày mò lắp ráp và chịu nhiều lời dè bỉu, cuối cùng chiếc máy cũng được ra đời. Gọi là máy giặt thì tất nhiên nó cũng vận hành như một cái máy giặt áo quần hiện có bán trên thị trường, cũng quay thuận chiều, đảo chiều, cũng có nước xả, hệ thống sấy khô và có cả lưới lọc. Chỉ có một điều khác là máy giặt tâm hồn không cần phải sử dụng các loại bột giặt tuyệt hảo chống bám bẩn trở lại như quảng cáo trên ti vi. Thay vì bột giặt, ta hoà vào nước một vài trang sách nói về đạo đức, một vài chương điều của bộ luật... hình sự, một vài quan niệm tốt về tư cách công dân, hoặc vài tờ bướm về phòng chống AIDS. 

Tất nhiên, muốn đưa vào sản xuất hàng loạt thì máy giặt phải qua giai đoạn thử nghiệm để có bằng chứng về hiệu quả. Người đầu tiên tôi dụ bước vào máy là một nhà báo xấu tính nhất trong một số nhà báo... hại. Máy chạy tốt, không hề gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, chỉ cần 10 phút sau, anh ta bước ra khỏi máy với khuôn mặt sáng như thiên thần. Khi kiểm tra lưới lọc thì tâm hồn của anh ta bị máy chà xát làm bật ra một cái ngòi bút cong queo, vài chục cái phong bì nhàu nát, một số chữ nghĩa đao to búa lớn mà anh ta từng dùng để đánh người này hoặc ca tụng người kia.

Người thứ hai bước vào máy của tôi là một nhà buôn đủ thứ, mà ngôn ngữ sang trọng gọi là doanh nhân tổng hợp. Cũng như người đầu tiên, ông ta không hề bị xây xát. Ông ta bước ra khỏi máy với một khuôn mặt ít mỡ hơn và cười với nụ cười ít âm sắc loảng xoảng của đồng tiền. Khi kiểm tra lưới lọc, tâm hồn của ông được gột sạch văng ra tùm lum... tổng hợp. Nào là một số chứng từ cạo sửa, nào là những phong bì "kính gửi" các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, nào là "kính biếu" thuế vụ v.v...

Người tiếp theo bước vào chiếc máy của tôi là một vị giám đốc quốc doanh, có nguy cơ phạm tội... "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ông ta hoàn toàn tự nguyện bởi muốn làm một con người sạch sẽ sau khi tự thấy tâm hồn mình đã quá bẩn hoặc vì đã quá... no. Dù với lý do nào đi nữa thì quyết định của ông vẫn là điều đáng trân trọng. Cũng chỉ cần 10 phút, ông ta đã sạch từ trong ra ngoài. Lưới lọc, sau khi tâm hồn của ông ta được giặt, chứa đầy những hợp đồng sai nguyên tắc; chứa đầy những con số phần trăm hoa hồng trên những dịch vụ mua bán, xây dựng cơ quan; chứa những hoá đơn chứng từ chi trả cho các chuyến đi công tác kết hợp... du hí ở nước ngoài.

Những gì thấy được trong lưới lọc của ba con người bước vào máy giặt đủ là một minh chứng hùng hồn cho hiệu quả của máy. Tôi muốn dụ thêm một nhà đạo diễn nhưng sợ máy của mình sẽ bị lụt vì... mì ăn liền, muốn dụ thêm một nhà thơ nhưng lại sợ niềm hoang tưởng thiên tài của anh ta làm hỏng máy. Dù sao máy cũng mới ở trong giai đoạn thử nghiệm. Khi hoàn chỉnh thì tha hồ mà giặt. Tất cả sẽ sạch sẽ như ở thiên đường.

Tất nhiên, những thứ gom được trong lưới lọc cũng chưa phải là kết luận cuối cùng để lên kế hoạch sản xuất đại trà. Tôi cần có thời gian chờ đợi xem ba con người sẽ sống tốt như thế nào sau khi tâm hồn được giặt sạch.

Một tuần sau, anh "nhà báo xấu tính" đến gặp tôi với câu nói đầy bất ngờ:

- Có cách nào làm tâm hồn bẩn trở lại không?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao anh lại có ý muốn kỳ cục vậy?

Anh ta trả lời:

- Chẳng kỳ cục gì cả! Tôi muốn giàu có. Tôi không cần làm người tốt. Tôi đã quen với những gì tôi làm. Từ ngày được giặt đến giờ, tôi cảm thấy khó chịu lắm.

- Nhưng nếu vậy, sẽ có ngày anh bị bắt như những nhà báo đã câu kết với Năm Cam...

Anh ta chưa kịp trả lời thì cánh cửa phòng tôi bật mở. Nhà doanh nghiệp tổng hợp nhanh như chớp đã đứng trước mặt tôi, giận dữ:

- Tưởng giặt tâm hồn cho nó sạch sẽ thì trời đất phù hộ ăn nên làm ra. Nào ngờ, thấy chuyện sai trái trong việc kính mời, kính biếu, kính thưa, tôi không làm thì bị đì ngóc đầu không nổi. Thiên hạ trốn thuế rầm rầm, nếu tôi không cạo sửa chứng từ thì có nước ăn cám. Trả lại cho tôi những gì mà tâm hồn tôi đã bị văng ra. Nào, trả lại đây hoặc tôi sẵn sàng mua lại.

Tôi chưa kịp trả lời thì không biết từ đâu trong phòng tôi đã xuất hiện một bà phốp pháp mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Bà ta nói với giọng quan quyền:

- Chế với tạo, giặt với giũ. Đồ vô tích sự. Cũng chỉ vì cái máy giặt của ông mà tôi mất một căn nhà, hai miếng đất và biết bao nhiêu tiền vàng. Ông là một thằng phá hoại.

Tôi từ tốn:

- Thưa bà, tôi có liên quan gì đến bà đâu?

Bà ta lại càng giận dữ:

- Sao lại không liên quan, chồng tôi cũng chỉ vì cái máy giặt của ông nên thành thật khai báo số tiền mà ông ấy đã đổ mồ hôi, sôi nước... bọt mới tham nhũng được. Ông ấy đã trả lại cho nhà nước hết rồi. Ông phá hoại sự nghiệp làm giàu của gia đình tôi. Này giặt mới giũ! Giặt mới giũ. Này! Này!...

Khi tôi biết bà là vợ của tay giám đốc thì chiếc máy giặt của tôi đã tan tành. Để chế tạo lại một chiếc máy giặt tâm hồn mới, đối với tôi là điều không khó. Vấn đề ở chỗ là những người cần giặt tâm hồn thì chẳng bao giờ chịu giặt.

Có thể một hôm nào đó, bạn gặp một người đàn ông đi trên phố, thỉnh thoảng rao một câu: "Ai giặt tâm hồn khôôôôô...ông?". Nếu bạn là người can đảm, xin hãy gọi một tiếng "giặt". Tôi sẽ phục vụ bạn miễn phí. Có thể tôi và bạn sẽ phải sống rất đạm bạc vì chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là đồng lương. Nào! Hãy can đảm gọi "giặt".

Một cửa một dấu

Tôi thực sự ngây ngất trước tấm biển "Ủng hộ cải cách hành chính, thực hiện một cửa, một dấu". Bên cạnh dòng chức là hình vẽ một lá bùa hai mươi cửa, ngoằn ngoèo lộn rồng lộn rắn, bỗng thông thống một con đường đi cái rẹt từ người dân đến vị chức sắc, cả hai mặt mày giống như vừa... trúng số độc đắc. Tôi muốn hô lên "muôn năm" cho đã! 

Số là tôi có việc đến cửa quan. Chuyện rất ư là... vi mô: Tôi làm đơn xin xây nhà bếp đằng sau ngôi nhà tôi đang ở, trong chu vi đất của tôi, nhà và đất thuộc hương hoả, bằng khoán đầy đủ. Diện tích nhà bếp mười thước vuông.

Sơ khởi, tôi đi lấy giấy xác nhận của phường rằng tôi đúng là tôi, tôi còn sống nhăn, nhà tôi cũng là của tôi, tôi ngụ tại đây từ lúc lọt lòng mẹ, tức gần nửa thế kỷ. Tưởng gọn, ai dè phải vòng vo. Tại phường, cô đánh máy lạnh lùng báo rằng, ông chủ phường bận đi họp rút kinh nghiệm về quản lý khu cư dân đô thị, ông phó phường chở con đi học, tôi nên tìm ông thư ký phường. "Ra mấy tiệm cà phê mà kiếm", cô nói mà chẳng thèm ngó mặt tôi. Quanh trụ sở phường khá nhiều quán. Tìm mãi rồi cũng gặp ông thư ký, không phải tại quán cà phê mà quán bia hơi. Ông hẹn tôi chiều đến phường.

Khi tôi đến, ông thư ký vắng mặt, nên tôi gặp ông phó phường. Tôi lột mũ, bắt đầu báo bẩm. Ông ngắt ngang: "Này, tôi là phó chủ tịch phường, không được nói tắt thành phó phường...".

Tôi cười mím chi cọp, xin lỗi. 

- Sao không có sổ đăng ký hộ khẩu? - Ông phó chủ tịch hỏi.

Tôi vội vã chạy xe về nhà lấy sổ hộ khẩu, trở lại thì... hết giờ làm việc, đành chờ hôm sau.

Hôm sau, ông chủ phường - xin lỗi - chủ tịch phường nhận tờ khai của tôi, kèm sổ gia đình. Ông nổi quạu: "Làm như tụi tui quan liêu vậy, ông ngụ trong phường này ai mà không biết, đưa sổ hộ khẩu làm chi?".

Tưởng đã xuôi, ai dè ông hỏi: "Đây là nhà riêng của ông, giấy chủ quyền đâu?".

Lại về nhà, và khi trở lại, phường vừa nghỉ trưa. Chiều đến, ỷ y lời ông chủ tịch, không mang sổ hộ khẩu, tôi bị ông thư ký cự, lại quay về lấy và lại...

Mất hai ngày, cuối cùng tôi cũng xin được cái giấy gồm vẻn vẹn một câu: Chứng nhận ông Nguyễn Văn Mít ngụ tại khóm Y, khu phố X, phường Z, số nhà A trên C, đường B...

Lên quận. Cơ ngơi của quận không lấy gì làm "vĩ mô" cho lắm, song Phòng Quản lý Nhà đất lại lắm cửa vào, dù trong phòng bàn nọ kê khít rịt bàn kia.

Ông thứ nhất sồn sồn gầy nhom, vừa xem hồ sơ, vừa nghe tôi báo bẩm. Ông gật đầu rồi chỉ bàn kế bên. Ông nói: "Tôi lo tổng quát, vụ sửa nhà thuộc ông kia. Đồng ý về nguyên tắc cho ông xây bếp", rồi ký tên và đóng dấu. 

Ông kia khá trẻ, dáng vận động viên, vẫn đòi tôi báo bẩm dù đã nghe trình bày rồi. Ông phán: "Tôi lo việc sửa nhà tổng quát, ông kìa giải quyết cho ông". Ông cũng ký cho phép một cách tổng quát, có đóng dấu hẳn hoi. Tôi xê qua bàn kế, lại báo bẩm với ông kìa. Ông kìa - mang kính lão nhưng người cực kỳ phương phi, đặc biệt là cái bụng - bảo: "Tôi lo sửa nhà cấp quận, còn nhà ông thuộc cấp phường, bà đó lo". Bàn này không ký tên đóng dấu. Lại xê qua bàn bà đó, một phụ nữ khó đoán tuổi, mặt mũi khó đăm đăm. Bà đọc các giấy tờ của tôi khá lâu, đòi xem luôn chứng minh nhân dân. Rồi bà nói với giọng... tủ lạnh: "Hồ sơ ông còn thiếu một cái quan trọng: không có bản vẽ căn bếp!".

Hụt hơi, tôi thều thào: "Một căn bếp trệt, mười thước vuông đâu cần bản vẽ".

Bà trừng mắt: "Không có bản vẽ thiết kế, phòng không ký giấy phép".

Tức mình, đêm đó tôi ngồi vẽ. Hôm sau tôi mang bản vẽ lại phòng. Liếc bản vẽ "tự tạo" của tôi, bà đó lắc đầu: "Phải có chữ ký và dấu của tổ thiết kế...".

Tổ thiết kế ngồi cách bàn của bà đó chưa tới ba bước. Ông tổ vừa nhổ râu cằm, vừa bảo: "Lấy giấy phép đi, rồi tôi vẽ cho; tôi vẽ chứ không phải ông, ông vẽ chẳng theo quy cách nào cả...".

Tôi quay lại bà đó.

- Có bản vẽ, tôi mới cho phép - Bà vừa đọc một hồ sơ khác, vừa trả lời.

- Có giấy phép, tôi mới vẽ - Ông tổ tiếp tục nhổ râu.

Chợt trí thông minh của tôi loé lên. Tôi bèn mời ông tổ ra ngoài làm một cữ cà phê, tặng một bao ba số 5. Trở vào, ông tổ tuy chê bản vẽ của tôi sai quy cách, kỹ thuật, vẫn ký tên, đóng dấu liền. Tất nhiên, tôi phải nộp tiền bản vẽ. 

Và, thật là một buổi sáng hạnh phúc - tất cả, sau cữ cà phê - được giải quyết không quá năm phút.

Hai năm sau, tôi định bán căn nhà lấy tiền ra ngoại ô sản xuất. Được tấm biển "một cửa một dấu" khích lệ, tôi hăm hở trở lại phòng với đủ giấy má. Vào "một cửa", tôi thấy có sự thay đổi - các bàn lẻ dồn lại một bàn to. Nhưng vẫn những gương mặt ngày nào: ông sồn sồn, ông dáng vận động viên, ông đeo kính lão, bà đó và ông tổ. Bây giờ, ông dáng vận động viên ngồi sau tấm bảng trưởng phòng.

Mọi việc diễn ra trôi chảy, nghĩa là từng người trong phòng tiếp tôi, nghe tôi, không ai ký tên đóng dấu vào đơn xin bán nhà của tôi. Đi lên đi xuống cả tháng trời, tôi đâm nản. Vào một cửa, song vẫn phải rẽ qua nhiều người, còn cái dấu thì vẫn chưa chịu đóng.

Một lần, tôi thắc mắc hỏi ông sồn sồn tại sao vẫn như xưa, ông ta tủm tỉm: "Thế sắm chúng tôi, phát cho cái ghế mà chỉ thu lại cái dấu thì không như xưa làm sao được!".

Ông tổ rỉ tai tôi: "Năm trước, ông cất một cái bếp, một cữ cà phê là đủ, bây giờ ông bán ngôi nhà cả trăm cây... Hì, hì...".

Tôi đâu có tối dạ, nên nhờ ông mách nước... Chuyện nhanh chóng giống như vụ bản vẽ căn bếp của tôi.

Xong việc tôi than: "Vậy mà cũng gọi là một cửa, một dấu...".

Ông tổ cười: "Chẳng một cửa, một dấu là gì? Một cửa - cửa hậu. Một dấu - dấu của phu nhân trưởng phòng..."

Ma độc quyền

Căn nhà anh ta mua có đầy đủ tiêu chuẩn của một cuộc sống tạm gọi là văn minh, mà theo cách nói của dân chơi tự giới thiệu là điện mạnh, nước ồ ạt, và cái mồm có thể liên lạc được với mọi người trên thế giới. Nhưng chưa được thụ hưởng nền văn minh điện - nước - điện thoại bao lâu thì anh đã phát bệnh vì nó.

Đầu tiên, anh ta bị ông điện thoại hành: Vào lúc 1h30 sáng ngày X, anh ta đang làm cái công việc của người đàn ông yêu thương vợ thì bất ngờ, chuông điện thoại reo. Ban đầu, anh ta mặc kệ nhưng chuông reng reng không ngớt và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ chấm dứt. Anh ta nghĩ, đây phải là một cuộc gọi khẩn cấp mới xảy ra vào giờ này, có thể là người nhà gọi điện đến để báo về tình trạng sức khoẻ của người mẹ già đang sống tại thành phố khác. Anh ta bỏ dở "công việc", lao về chiếc máy. Trong ống nghe, giọng một phụ nữ nhỏ nhẹ: "Xin quý khách vui lòng thanh toán cước. Nếu không, công ty chúng tôi sẽ cắt máy vào ngày...". Anh ta giận dữ gào lên: "Sao cô không báo cho tôi vào lúc khác? Cô biết bây giờ là mấy giờ rồi không?". Giọng cô gái trong ống nghe vẫn đều đều một điệp khúc, không thèm nghe anh ta phản ứng; anh đâu biết đó là lời gài sẵn của máy. Anh ta ném chiếc điện thoại vỡ tan tành, và quay trở lại giường ngủ với một niềm thống khổ "lực bất tòng tâm" mới trải qua lần đầu. 

Chưa hết, khi anh ta nhận giấy báo đóng tiền điện thoại thì phần gọi liên tỉnh lại ghi rằng anh ta có 3 cuộc gọi ra Hà Nội: một cuộc gọi vào lúc 1h29 , một cuộc vào lúc 2h08 và một cuộc đúng vào 3h cho số máy 827..., mỗi cuộc có thời gian 15-30 phút. Khi đọc xong giấy báo tính tiền, vợ anh ta nổi đoá, gào lên: "Đồ khốn kiếp. Chỉ những người yêu nhau mới gọi điện thoại vào lúc 3h sáng. Ông gọi cho con nào?". Anh ta đành giải thích: "Có thể công ty điện thoại tính nhầm. Anh sẽ đi khiếu nại để làm rõ trắng đen", rồi xách xe đi ngay.

Công ty điện thoại nói rằng họ đã tính tiền đúng, vì máy tính chứ không phải người nên chính xác một cách lạnh lùng. Vả lại, "có thể anh không gọi nhưng anh để máy cho người ta gọi". Trời đất! Vào lúc 3h sáng ai mà vào được phòng ngủ của anh để gọi điện thoại chùa được nhỉ? Anh ta thua cuộc, lủi thủi ra về. Cô vợ bèn nói: "Anh đã đọc bài báo nói về một ông Việt kiều Mỹ đâm chết vợ mình chưa? Khi ông này giật mình thức giấc đã 3h sáng và phát hiện ra vợ mình đang nói chuyện với ai đó. Ông ta đâm đến 28 nhát dao". Cũng may là sau đó, vợ anh gọi lại số ở Hà Nội để tìm ra "con nào đó", nhưng số máy ấy lại của một... trại giam. Kể từ đó, mỗi khi nhận giấy báo đóng tiền điện thoại, người anh ta toát mồ hôi như tắm; ngay chỗ đầu gối, cùi chỏ là nơi không có tuyến mồ hôi mà nó vẫn chảy như nước máy. Bệnh này, y văn thế giới chưa hề ghi nhận.

Ông điện thoại hành chưa dứt đã đến phiên ông điện. Anh ta tổ chức đám cưới cho con trai đầu lòng. Vợ anh ta đi coi ngày tốt. Có người khuyên anh ta là phải coi cả ngày tốt (không cúp điện) của ông thầy... điện. Anh ta thận trọng coi cả hai ngày. Thế mà đến khi tổ chức đám cưới tại nhà thì điện vẫn cứ cúp. Căn nhà anh ta trở thành một lò... thuốc súng. Cô dâu: mồ hôi chảy ròng ròng, trôi hết son phấn, trông mặt như... phù thuỷ. Chú rể: người ướt mẹp như một dân chài. Các thực khách như đang ở phòng xông hơi. Trong khung cảnh đó, mẹ cô dâu châm một ngòi nổ: "Tôi đã nói với anh chị sui rồi. Tổ chức tại nhà hàng thì đâu có chuyện này. Cúp điện thì nhà hàng xài máy nổ... Chỉ tại hà tiện mà ra nông nỗi này!". Thế là một cuộc đấu khẩu xảy ra giữa hai họ. Kết quả: cô dâu được cha mẹ dẫn ra về để gả cho người khác. Sau cái đám cưới bất thành ấy, anh ta suy sụp một cách nhanh chóng, người lúc nào cũng như có dòng điện chạy qua.

Đòn cuối cùng khiến anh ngã quỵ là cú "đấm" bồi của ông nước. Em vợ anh ta lên thăm nhằm lúc vợ anh đi chợ vắng nhà. Đường xa bụi bặm, cô em vợ bèn đi tắm. Bỗng nhiên trong buồng tắm, cô ta nói vọng ra: "Sao nước máy thành phố hôi mùi nước cống vậy anh? Nó không như nước giếng quê mình". Anh ta hơi ngạc nhiên, nhưng nhớ ra rằng đường ống dẫn nước đôi khi bị vỡ, nước cống lẫn vào nên có mùi kênh Nhiêu Lộc. Chưa kịp giải thích, bỗng cô em vợ la lên: "Chết em rồi! Cúp nước rồi! Người em đầy xà phòng và nước cống. Làm sao đây?". Cuối cùng, cái sự tắm nửa chừng cũng được giải quyết: anh ta ra tiệm tạp hoá mua một bình nước khoáng 20 lít cho cô em vợ tắm tiếp. Ngay lúc ấy, vợ anh ta về. Kết quả: anh ta không bị 28 nhát dao như chuyện ngụ ngôn mà vợ đã kể, nhưng sự tru tréo ghen tuông suốt ngày của vợ, và tin đồn về một tay dê cụ muốn "tòm tem" cả em vợ khiến anh ta phát điên - ngồi tại chỗ và suốt ngày chỉ lẩm bẩm: Điện! Nước! Điện thoại!.. rồi lấy tay tự thoi vào mặt mình. Người ta đưa anh đi nhiều bệnh viện nhưng không chữa khỏi.

Cô vợ anh vốn là người mê tín nên nghĩ chồng bị ma hành, bèn đem đến chữa trị ở một ông thầy pháp. Ông ta từ chối, bảo: Nếu bị ma thường hành thì trị được, còn ma... độc quyền thì đành chịu thua!

Bóng đá ra đời từ đâu?

Nhiều tài liệu lưu trữ viết là bóng đá ra đời từ nước Anh. Nhưng thực ra không phải. Nước Anh chỉ là nơi bán vé đầu tiên mà thôi.

Một số nhà sử học thì công bố bóng đá ra đời từ Italy, và tháp nghiêng Piza sở dĩ bị nghiêng là bởi ngày xưa nó được dựng làm cột dọc, nhiều lần bị bóng trúng vào đến mức vẹo đi. Nhưng cũng không phải. Theo các số liệu đáng tin cậy, nước Italy chỉ là nơi phát minh ra trọng tài.

Vậy thì bóng đá có nguồn gốc Tây Ban Nha chăng? Người ta đoán thế vì Tây Ban Nha chắc chắn phát minh ra đấu bò, mỗi ngày có hàng chục con bò bị chết. Thịt bò tất nhiên là làm beefsteak rồi, còn da bò để làm gì nếu không khâu bóng? Nhưng cuối cùng, sau mấy tháng điều tra, các nhà sử học nhận ra rằng Tây Ban Nha cũng chỉ phát minh ra khung thành thôi. 

Rõ ràng là bóng đá ra đời từ Pháp. Ai chả biết người Pháp rất thích rượu vang. Khi uống rượu say, tất cả dân Pháp đều đi lảo đảo, còn gọi là "chân vẹo đá chân xiêu", rất gần với bóng đá. Nhưng không phải, hoá ra người Pháp, vốn nổi tiếng là ga lăng, chỉ phát minh ra tục tặng hoa cho cầu thủ trước khi trận đấu bắt đầu.

Có nghĩa là bóng đá khai sinh ở Đức rồi. Có thể suy diễn được việc này vì một nơi làm ra Beethoven, ra Goethe và xe hơi Mercedes chả có lý gì mà không làm nốt ra bóng đá. Các nhà nghiên cứu yên tâm như thế, các nhà sử học cũng yên tâm như thế, song cuối cùng họ đều thất vọng vì hoá ra nước Đức chỉ phát minh ra quả phạt đền.

Có một số giả thuyết táo bạo, ghi nhận bóng đá là phát minh của Ai Cập. Đất nước này nổi tiếng vì có những sa mạc lớn, nghĩa là việc xây dựng sân bóng đá ở đây rất thuận tiện và rẻ, mà không có sân bãi thì làm gì có đấu bóng? Một số di tích còn chứng tỏ những kim tự tháp không phải là lăng mộ hoàng đế như xưa nay người ta vẫn tưởng bởi hoàng đế nào lại cần một chỗ chôn to đến thế? Đấy nhất định phải là lăng mộ của những kẻ chết vì cá độ bóng đá. Ngay từ thời xưa, việc cá độ cũng giết chết hàng nghìn người khi trận đấu kết thúc. Ý kiến này rất độc đáo và đáng quan tâm, nó chỉ bị bác bỏ vào phút cuối cùng khi người ta tin chắc là thời đó chưa có điện thoại, nghĩa là chưa thể móc ngoặc được. Cá độ không móc ngoặc là một loại cá độ chết từ trong trứng.

Phải chăng bóng đá bắt nguồn từ Ấn Độ? Người dân xứ này tính nồng nhiệt, thích cảm giác mạnh và cay (cho nên hay ăn cà ri), là những hương vị gần gũi với bóng đá. Họ lại là nơi duy nhất trên trái đất ăn cơm bốc, mà ai khéo tay thì cũng phải khéo chân. Nhưng rồi giả thuyết này cũng bị loại bỏ, mặc dù quả là dân Ấn Độ có phát minh ra một thứ rất quan trọng, đó là giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu.

Cuối cùng, tất cả mọi người đều nhất trí là bóng đá, cũng như mọi sự do con người làm ra, đều được tìm thấy trong quá trình lao động. Nếu như lửa có được khi chúng ta hái củi, chạy tốc độ có được khi chúng ta bị chó sói hoặc sư tử đuổi trong lúc đi săn, nhảy cao có được khi chúng ta trèo lên cây lấy mật ong, bóng bàn có được khi hứng trứng chim... thì bóng đá dứt khoát phải là phát minh khi loài người đang thực hiện một công việc nào đấy. Vậy đó là công việc gì? Sau bao nhiêu tìm tòi, thử nghiệm, ai nấy đều nhất trí đó phải là một công việc có tính chất chuyền qua chuyền lại, nghĩa là khi nhận được việc, ai cũng muốn thật nhanh chóng đưa ngay cho người bên cạnh, chứ mình không giải quyết điều gì. Do đó, bóng đá phải được phát minh ở nơi nào mà việc chuyền qua chuyền lại trở nên nhuần nhuyễn, thường xuyên và đều đặn.

Vậy nơi đấy là đâu?

Quý vua

Ngày nảy ngày nay có một ông vua sinh được ba người con gái, tất cả đều xinh đẹp và học cao. Một hôm, vua họp cả triều đình lại, tuyên bố:

- Trẫm tuổi nhiều, tài cũng không phải lớn, nay đã tới lúc san sẻ trách nhiệm cho con cháu. Trẫm chỉ có ba mụn gái, theo các khanh, nên chọn ai?

Quần thần tâu:

- Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường, không còn tính thứ bậc như trước nữa. Bệ hạ nên kêu cả ba công chúa tới phỏng vấn, ai đạt yêu cầu sẽ cắt cử, bất tất phải theo lối cũ.

Vua y lời, vời các nàng tới. Cô chị đi xe "sờ - pây - xì", mặc áo hai dây, đeo điện thoại di động, rồ ga phanh gấp trước ngai vàng. Vua hỏi:

- Con gái thân yêu, con thương ta như thương gì?

Công chúa liếc quần thần, mở hộp trang điểm tô lại môi son, rồi leo lẻo:

- Thưa bệ hạ, con quý bệ hạ như xe hơi.

Vua đùng đùng nổi giận:

- Các loại xe lúc này lớp nhập lậu, lớp khai gian thuế, chạy ì xèo ngoài phố. Ví ta với thứ đó, chẳng khác gì coi ta như loại thiếu chứng từ gốc!

Vua bèn phạt công chúa lớn, không cho đi vũ trường hai tuần và bắt gội đầu bằng bột giặt.

Công chúa thứ hai mặc quần soọc "zin", gấu bị cá rỉa te tua, tay phải cầm điếu thuốc, tay trái xăm dòng chữ Tây Ban Nha "Một phút ăn chơi, bất cần thân thể", vừa ho vừa tới triều đình bằng xích lô. Vừa ló mặt, cô đã giục:

- Phụ vương có chuyện gì thì nói lẹ lên, con còn tụi bạn đang đợi.

Vua hấp tấp:

- Con thân yêu, con thương cha như thương gì?

Công chúa búng mẩu tàn thuốc cái vèo, xì mũi thật to, ho sù sụ, rồi cáu kỉnh:

- Có bi nhiêu mà lục vấn hoài. Con thương cha như thương tin nhanh bóng đá.

Vua đập bàn:

- Tin nhanh lúc này ra mười chết sáu, vừa không nhanh vừa có mấy mẩu xào đi xào lại. Yêu ta như vậy khác nào nói ta không theo kịp thị hiếu quần chúng.

Bèn phạt cấm chơi bida một đêm và phải ngủ phòng gắn hai máy lạnh cho rét thấu xương.

Công chúa út được gọi vào. Nàng được bồ chở tới trên chiếc môtô phân khối lớn, bận đồ thể thao, đeo ba lô có chiếc vợt tennis ló ra, tóc kiểu đuôi ngựa quấn dây vải sặc sỡ. Vốn nhanh nhẹn, chưa đợi nhà vua hỏi, nàng đã la lớn:

- Thưa phụ vương, con quý phụ vương như muối.

Vua buồn rầu bảo:

- Con ơi, ngày xưa vua Lear thấm thía câu nói đó lắm. Nhưng ngày nay, giá muối đang hạ khủng khiếp, so với năm ngoái, giá bây giờ chỉ còn có nửa. Người làm muối lo mất ăn, mất ngủ. Con quý ta như vậy cũng bằng hạ giá ta.

Nói rồi vua than thở với triều đình:

- Ba đứa đều vô duyên, vậy trông cậy vào ai đây?

Tả hữu thưa:

- Cô út tuy nhỏ nhưng đã sớm có bồ, chứng tỏ không phải kẻ xa rời văn minh đô thị. Thiên hạ có câu "Hết con còn rể", chi bằng bệ hạ cứ thử hỏi bồ cô ấy vài câu, nếu thấy được thì nhờ vả cũng đỡ lắm.

Vua khen phải, cho gọi chàng trai vào. Chàng đi lom khom, mông bé ngực nhỏ, dưới tua tủa 36 xương sườn, răng chĩa như nơm cá. Vua phán:

- Anh kia, anh quý ta như gì?

Chàng trai đáp:

- Dạ, tâu bệ hạ, như Viagra. Có nó, bệ hạ sẽ có thêm công chúa khác, nhất định truyền ngôi được.

Đề xuất về hạn chế xe máy

Ngoài việc tạm ngừng đăng ký xe gắn máy, còn có thể...

- Các tuyến đường dành cho xe gắn máy nên bố trí vào các đoạn đường đang thi công, lầy lội, cũng là tuyến các xe vận chuyển rác, hút hầm cầu thường chạy, với đội ngũ cảnh sát giao thông được phân công mỗi ngày phải sử dụng hết 5 kg biên lai phạt cho xe gắn máy.

- Huy động đội ngũ rải đinh chuyên nghiệp khu vực cầu Sài Gòn, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài và một số vùng vốn có truyền thống rải đinh, tạo điều kiện cho đội ngũ vá ép chuyên nghiệp hành nghề "chém".

- Công ty Cấp thoát nước cần nghiêm túc duy trì tình trạng ngập triền miên tại các tuyến đường thường có nhiều xe gắn máy lưu thông (hoàn toàn nằm trong tầm tay của công ty này!).

Trên đây là một số đề xuất nhỏ nhằm làm giảm lưu lượng xe gắn máy tham gia giao thông. Mời bạn đọc bổ sung thêm.

Xe buýt - những lợi ích bạn chưa hề biết

Đi xe buýt sẽ tránh những thiệt hại đáng tiếc do đi xe máy gây ra. Bạn đừng lo chuyện mấy chiếc xe buýt bị đứt phanh như vừa rồi. Chỉ có đi xe máy mới sợ xe buýt đứt phanh thôi.

1. Tăng cường sức khoẻ: Bạn sẽ đi bộ từ nhà đến trạm xe, rồi từ trạm xe đến chỗ làm và ngược lại. Đây chính là cơ hội để bạn thực hiện một môn thể thao ít tốn kém mà vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, hệ hô hấp của bạn sẽ giảm được đáng kể cường độ vật lộn với lượng khói bụi, hoá chất mà bạn hít vào khi đi xe máy.

2. Rèn luyện tác phong công nghiệp: Bạn phải thu xếp sao cho kịp giờ xe chạy. Bạn đâu có muốn bị trễ giờ, phải không? (Dù đôi khi bạn phải đứng đợi xe với mấy con kiến đang bò lung tung trong bụng).

3. Mở mang kiến thức: Trên xe, bạn sẽ nghe được khối chuyện mà chưa chắc bạn đã đọc được trong bất kỳ cuốn sách nào.

4. Nâng cao tính cảnh giác và khả năng phản ứng: Có thể túi xách hoặc nữ trang của bạn sẽ chuyển sang trạng thái "bay". Phản ứng của bạn lúc này là vừa la vừa đuổi.

Cá voi trong thành phố

Trong một buổi mua cá biển về kho ăn dần trừ bữa, dì Sáu Béo phát hiện trong rổ có một con cá voi con bằng bàn tay, bèn vứt ngay xuống cống, vì lúc nhỏ loại cá này vừa nhiều xương lại vừa dai. Nào ngờ, ngay sau đó 5 phút, trời đổ mưa phùn, hạt mưa chỉ to bằng hạt bụi phủ lên xóm nghèo như một màn sương tuyệt đẹp...

Lập tức nước cống dâng lên, kèm theo nước là những sản phẩm mang tính "đặc sản địa phương", được gìn giữ bao nhiêu năm không pha trộn: túi ni lông, xác mèo chết, vỏ chuối, chuột chù và rác ngũ sắc.

Bọn cá voi coi oai vệ là thế, nhưng thực ra, ở ngoài đại dương, chúng rất đói ăn, vì biển tuy rộng nhưng cá lại đông, chưa kể mấy năm nay, nạn khai thác bừa bãi khiến nguồn thuỷ sản cạn kiệt. Cho nên, thỉnh thoảng đài báo lại đưa tin có cá voi này hay cá voi kia chết đói, xác dạt vào bờ, trơ ra những bộ xương khổng lồ như xương thuyền.

Đằng này, vùng vẫy trong nước cống, con cá voi của dì Sáu Béo tha hồ kiếm thức ăn. Bao nhiêu thứ nổi lềnh bềnh do con người thả xuống được nó "tận dụng và khai thác" triệt để. Mồm há rộng như ... hầm chui Văn Thánh, cá đớp liên tục từ gà qué, trái cây cho tới các tập hồ sơ dự án đang trôi dạt theo dòng nước cuồn cuộn. 

Hậu quả là, con cá lớn nhanh như thổi, trong nháy mắt đã to bằng toà nhà sáu tầng.

Trong dòng sông - phố mênh mông, lưng cá hiện ra lù lù như tấm phản. Dì Sáu Béo vốn xưa nay làm nghề bán cơm tấm, tổng thu nhập không bao giờ vượt quá hai chục nghìn một ngày, chả hiểu gì về cái "chương trình đánh bắt xa bờ", nhưng cũng nhanh chóng tìm ra cách khai thác cá. Dì không giết cá làm thịt bán, mà dùng cá làm phương tiện chuyên chở, vừa cơ động vừa "tận dụng phương tiện tại chỗ". Đi từ đầu phố đến cuối phố, trẻ em ngồi lên lưng cá thì 2.000 đồng, người lớn 4.000 đồng, nếu kèm theo xe gắn máy thì thêm 3.000 đồng nữa.

Cá chở không hết khách, vì mùa mưa, nước ngập, nhu cầu đi lại của bà con không hề giảm bớt. Ngồi trên lưng cá vừa khô ráo, vừa nhìn được cảnh quan hai bên bờ, khiến cho du khách vô cùng thích thú. Dì Sáu Béo thu tiền không kịp đếm. Là một nhà kinh doanh năng động và sáng tạo, dì Sáu còn đề xuất cho mình nhiều phương án khai thác rất thuận tiện và hiệu quả: nào là bán vé tháng, nào là giảm giá cho học sinh, sinh viên, nào là có vé tập thể cho đám ma, đám cưới, nào là liên kết với công ty du lịch để chở khách quốc tế... Kết quả là sau một tháng nuôi cá, dì Sáu Béo trở thành chủ nhân của ba khách sạn, chưa kể mấy nghìn mét vuông đất ở ngoại thành.

Tấm gương làm giàu của dì Sáu được các cơ quan chức năng khuyến khích. Mặc dù ban đầu, Sở Giao thông công chính có hỏi giấy phép chuyên chở, hỏi bằng lái, Sở Khoa học có hỏi đến thu nhập... nhưng vốn là người có kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường, dì Sáu "qua" được hết. Chỉ có giấy phép "phòng cháy chữa cháy" là không ai hỏi, vì rõ ràng là dì Sáu đã chấp hành tốt.

Phong trào nuôi cá lập tức được nhân rộng. Cá voi con đắt còn hơn nhà mặt tiền. Một số bọn vô lương tâm còn trà trộn cá voi và cá lóc, vì lúc mới sinh ra, chúng rất giống nhau. Việc dùng cá voi đi lại trong mùa mưa rầm rộ như "xe buýt thế hệ mới" khiến các chủ cá hốt bạc. Có nhiều người còn gắn đèn xanh đỏ trên lưng cá và gắn máy lạnh để câu khách, có tiếp viên nữ mặc váy ngắn khiến dư luận lên tiếng.

Đùng một cái, người ta tuyên bố xoá bỏ các điểm ngập nước mùa mưa, khiến dân kinh doanh nháo nhác. Cá voi bị giết thịt la liệt, phơi khô bán ở chợ rẻ như bèo.

Riêng dì Sáu Béo vẫn ung dung, vì năm nào cũng nghe chuyện chống ngập này rồi. Dì bỏ tiền thu mua tất cả cá voi neo lại ở đó. Quả nhiên, tới lúc mưa xuống, nhiều điểm ngập nước không hề mất đi mà chỉ di chuyển từ vùng này sang vùng khác, khiến cho sáng kiến dùng cá voi chở khách càng phát huy hiệu quả. Dì Sáu Béo trở thành tỷ phú, cho con cái ra nước ngoài học về môn Cấp thoát nước đô thị, đứa nào cũng thành tài.

Bệnh thành tích ảo

Mấy bữa nay, bệnh viện Nhi Đồng rối lên vì một ca cấp cứu đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: bệnh nhân Nguyễn Văn A, cầu thủ bóng đá giải thiếu niên nhi đồng. Nghi bị ngộ độc huy chương. Siêu âm ba chiều cho thấy trong bao tử của bệnh nhi lổm nhổm nhiều dị vật hình tròn. 

Bác sĩ trực đề nghị chuyển qua khoa ngoại để giải phẫu. Nhưng bác sĩ siêu âm bàn: 

- Không cần đâu. Những cái huy chương này không phải bằng vàng thực, thậm chí cũng không phải bằng kim loại màu vàng. Một số cái bắt đầu phân rã, chứng tỏ đây chỉ là loại huy chương bánh vẽ, làm bằng bột gạo, bột củ mì hay củ năng gì đó để đánh lừa bọn con nít thôi: chỉ cần cho uống một liều Nabica làm mềm dị vật, sau đó cho uống một liều thuốc xổ Fugacar thì bao nhiêu huy chương cùng giun đũa, giun móc... đều bị tống ra hết thôi. 

Thế là bệnh nhi được chuyển vào khoa nội điều trị theo phương án trên. Sau mấy bữa, bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đôi chút nhưng ổ bụng càng ngày càng cứng ngắt, đại, trung và tiểu tiện vẫn không thông. Lạ hơn nữa, bệnh nhân này ở lứa tuổi thiếu nhi mà chỉ nằm bệnh viện mấy hôm, toàn thân bỗng mọc đầy râu ria lông lá. Chẳng lẽ các loại thuốc Nabica, Fugacar lại có những phản ứng phụ đáng sợ như thế? 

Bệnh viện Nhi Đồng đành phải mời thêm một bác sĩ chuyên khoa bên ngành thể dục thể thao sang hội chẩn. Vị bác sĩ này sờ nắn bệnh nhân một hồi rồi nói: 

- Vận động viên này vai u thịt bắp, bàn tay chai sần, râu ria lông lá... e phải đến 30, 31 tuổi chứ không phải thiếu nhi đâu. Các bác sĩ ở đây đã điều trị đúng hướng nhưng chưa đủ liều. Thay vì liều dành cho trẻ em, phải dùng liều thực mạnh dành cho người lớn mới được. 

- Sao kỳ vậy. Rõ ràng khi mới nhập viện, y vẫn là một cậu bé sạch sẽ trơn tru mà? 

Bác sĩ biệt phái của ngành thể dục mỉm cười giải thích: 

- Vậy là quý đồng nghiệp có điều chưa hiểu. Đây là một trong rất nhiều trường hợp khai sụt tuổi để dự thi đấu giải thiếu niên nhi đồng. Trước khi thi đấu, vận động viên này đã được các săn sóc viên dùng dao Gilette siêu mỏng để cạo mặt; dùng kềm cộng lực nhổ trụi lông. Lại dùng các loại mỹ phẩm dành cho các siêu sao, người mẫu sơn phết để tạo nên làn da mịn màng... Cứ thế chạy ào ào trên sân bóng thì ai mà biết được nó là U13? Nay đá xong giải, chân tướng mới lộ ra. 

- Ủa mà sao trong bụng nó lắm huy chương đến thế? 

- Thì đây cũng là loại ngôi sao chạy “sô” mà. Hết địa phương này đến địa phương khác thi đua lập thành tích để lên hạng, trụ hạng gì đó thì những nhân tài loại này phải lên ngôi chứ. 

Thế là rõ rồi. Bệnh viện Nhi Đồng bèn chuyển sang tuyến điều trị dành cho người lớn. 

Lúc này trên hành lang còn có rất nhiều bệnh nhi khác ngồi chờ khám. Các bệnh nhi này đều mặc đồng phục học sinh. Bé nào cũng xanh xao hốc hác, mắt trõm sâu, mặt mày đờ đẫn, ngơ ngáo. Một bác sĩ nói: 

- Hình như chúng có triệu chứng của bệnh Alzheimer 

- Bậy nào! Alzheimer là bệnh mất trí nhớ ở người cao tuổi, chẳng lẽ số này cũng là... cầu thủ bóng đá mà khai gian nhiều tuổi đến thế ư? 

Bác sĩ trưởng khoa nghi ngờ bảo cô y tá: 

- Kiểm tra hồ sơ lại xem thử tụi nó thực sự là U... mấy? 

Cô y tá thưa: 

- Các cháu này là học sinh cấp I, cấp II, tên tuổi đều là thứ thiệt. Các cháu không hề thi đấu bóng đá nhưng mới trải qua mùa thi học kỳ. Các cháu không bị khai gian tuổi nhưng đầu óc bị nhồi nhét nhiều thứ gian lận khác trong học hành, ôn tập, thi thử, thi tuyển, thi đấu, thi đố... lại bị ám ảnh bởi những con số chỉ tiêu thành tích: 100% - 99,99% - Hỡi ơi! Thời buổi này ai bảo chỉ có người cao tuổi mới mắc bệnh Alzheimer? 

Vậy thì chuyển hết các cháu sang bệnh viện tâm thần Chợ Quán. 

- E rằng bên đó cũng đã quá tải rồi. 

- Thôi được. Trước mắt hãy nấu một nồi cháo đậu xanh cho các cháu ăn để bạt tà, giải độc bớt đi đã. 

- Rồi sau đó thì sao, thưa bác sĩ? 

Vị trưởng khoa nhìn các bệnh nhi, thở dài nói: 

- Về lâu dài, bệnh viện Nhi Đồng chúng ta cần mở thêm một khoa gì đó chuyên trị các rối loạn tâm sinh lý liên quan đến chữ dục như: thể dục, đức dục, trí dục, công dân giáo dục và tính dục... Nói chung là những thứ bệnh xã hội do chạy theo thành tích ảo làm hư hỏng các thế hệ thiếu niên nhi đồng. Cần lắm chứ!

Hệ tại... gia

Năm học mới bắt đầu. Biết các bác đang bộn bề bê bối, đáng nhẽ dân đen bọn cháu nên an phận thủ thường, tập trung vào cái “vi mô” như đưa con đón cháu, khuân sách vác vở... để các bác lo toan các bài toán “vĩ mô”. Nhưng thú thật, thấy các bác vất vả mà thương quá! Nhà cháu trong khi trằn trọc nghĩ cách hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí đầu năm mới sực nảy ra một ý.

Này nhé, hiện nay đang có chủ trương “xã hội hóa giáo dục”. Theo nhà cháu hiểu, chủ trương này nhằm huy động sức lực của xã hội vào việc chăm lo cho giáo dục! Nhưng chật vật quá phải không? Thật ra việc này dễ ợt! Muốn mọi người tích cực tham gia chỉ cần đưa nó lên một tầm cao mới, đến tột đỉnh... Đó là “giáo dục hóa... xã hội”. Đến mức này rồi, rõ ràng việc giáo dục là của dân, ắt họ phải lo thôi!

Nói thì nghe rối như vậy. Nhưng biện pháp tiến hành dễ ợt! Chỉ cần “đa hệ” thêm một chút nữa. Nghĩa là ngoài những gì đang có như chính qui, tại chức, dân lập, từ xa..., chỉ cần thêm một hệ đào tạo mới, đó là “hệ tại... gia”! Nó tương tự như hệ tại chức của người lớn nhưng dành cho trẻ con. Hoạt động theo nguyên tắc “học tại nhà, ra thi tại lớp”. Nghĩa là cứ giao phó việc dạy cho gia đình lo, bọn học trò cứ phởn phơ ở nhà mà học. Bố mẹ, anh chị sẽ đảm đương việc dạy dỗ chúng, còn các bác chỉ lo mỗi việc tổ chức thi cử, cấp bằng.

Xin phép trình bày một số ưu điểm của hệ này:

Thứ nhất, nó sẽ giải quyết toàn bộ những “tâm tư” về cơ sở vật chất từ đó đến giờ. Lúc này làm gì còn tình trạng thiếu trường thiếu lớp, ca bốn ca ba, bàn cao ghế thấp, bảng lóa bảng mờ...! Kể cả tình trạng thiếu giáo viên sẽ không còn nữa. Thậm chí các bác còn phải lo bố trí việc làm cho họ đấy!...

Nó sẽ giúp chấm dứt ngay hiện tượng học thêm đang làm các bác đau đầu. Không có ai lại ép con xin tiền mẹ đóng cho bố để học thêm bao giờ... Ngoài ra, nó còn khẳng định trách nhiệm giáo dục một cách cụ thể. Lúc này rõ ràng “con hư tại mẹ” còn trò hư đương nhiên là tại... cha! Giữa nhà và trường không còn nhập nhằng đổ lỗi cho nhau.

Thứ hai, nó sẽ giảm tải cho phụ huynh! Từ nay chấm dứt cảnh sáng đưa trưa đón, chiều chờ đêm đợi... Vĩnh biệt chạy đua vào lớp chọn trường chuyên... Và nhất là khỏi ưu tư về “phí” học.

Bọn học trò...? Bảo đảm là chúng sẽ sung sướng vô ngần? Nào là khỏi mang khỏi vác, không phải soạn bài, giã từ roi vọt, thôi đứng cột cờ, hết lo bị liếm ghế... Chao ơi! Có “môi trường thân thiện” nào tuyệt diệu hơn... nhà mình nữa!

Nhà cháu hiểu các bác còn đang e ấp về chất lượng phải không? Việc này cứ vô tư! Làm sao có thể thấp hơn... kỳ tuyển sinh đại học vừa rồi được!... Còn chỉ tiêu vưỡn hoàn toàn nằm trong tầm khống chế của các bác. Cứ việc tổ chức thật “nghiêm túc” như các kỳ thi tốt nghiệp, làm sao chúng... rớt được mà lo. Kết quả sẽ cực kỳ rực rỡ! Sợ phụ huynh không đủ “sư phạm” ư”?! Đừng ngại, vì tương lai con em của mình họ phải cố gắng học tập. Họ sẽ lần lượt “tiểu học hóa”, “cơ sở hóa”, “phổ thông hóa”, “cao đẳng hóa”, “đại học hóa”... Dần dần chả mấy chốc mà “hóa” thành... tiến sĩ như chơi... Thật ra nó còn rất nhiều ưu điểm nữa mà nhà cháu không sao kể xiết...

Thưa các bác!

“Hệ tại gia”, nói cho cùng, không phải là sáng kiến mới mẻ gì đâu. Nó chỉ hợp thức hóa những gì đang được vận hành thôi, đừng sợ thiên hạ bị sốc! Chẳng phải từ trước đến nay bọn trẻ đến “nhà trường” nhưng vẫn học tại “trường... nhà” đấy ư?!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: