Tuyển tập Những tiểu phẩm vui (2)

hiều tác giả

Tuyển tập Những tiểu phẩm vui

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Xây nhà không tốn một xu

Là nhân viên quèn tại một cơ quan, tất nhiên cả đời tôi chỉ mơ ước làm sao có một căn phòng (chứ không phải căn nhà) để tấm thân gầy gò có chỗ ra vào.

Hằng ngày đi lại trên phố, nhìn những "lâu đài" cả chục tầng lầu, tôi vẫn tự hỏi sao mà trên đời này lại có những người sướng đến thế không biết, sao mà họ có thể là chủ của những tài sản khổng lồ (mà chỉ một cái bồn tắm ở đó cũng đắt hơn "căn hộ" của mình). Tôi thầm nghĩ, muốn có những tòa nhà ấy, hoặc phải có bố hay chú bác làm vua, hoặc ít nhất làm quận công từ kiếp trước, hoặc phải là chủ mỏ vàng, hoặc may mắn cưới được công chúa.

Nhưng tôi tự cho mình là kẻ thông minh. Cái gì thiên hạ sắm bằng tiền, tôi sắm bằng trí khôn. Tôi vẫn ngâm nga một câu thơ... cổ:

Làm trai sống ở nơi nhà đất

Quyết phải xây gì với núi sông!

Sau bao tháng ngày ngẫm nghĩ, tư duy, nghiên cứu, đúc kết, tôi chợt nảy và một sáng kiến mà chắc chắn sau này (nghĩa là vài tháng nữa) sẽ đi vào sử xanh.

Tôi dốc hết vốn liếng, bán xe máy, bán nồi cơm điện, bán cả quần áo cũ và kính mát, mua một mảnh đất to bằng hai cái chiếu ở một xã ngoại thành. Sau đó, tôi mang mảnh đất đi thế chấp ngân hàng để có được một món tiền còm. Tôi dùng tiền ấy xây ngay một căn nhà... tám tầng lầu, trong khi xin giấy phép xây một căn nhà... trệt! Nhưng khác hoàn toàn với các chủ nhà trong thành phố, tôi phải đích thân đi mua nguyên vật liệu vì sợ chủ thầu dùng những thứ... tốt. Có nghĩa ximăng cương quyết là ximăng giả, gạch dứt khoát là gạch mục, tôn nhất định là tôn gỉ... Tóm lại, chật lượng nhà càng xấu càng tốt.

Sau khi xây xong, ngôi nhà có dấu hiệu nghiêng và rạn nứt. Nhưng đâu có thời gian chờ đợi, tôi hớt hải thuê một chiếc xe ủi cỡ lớn tới, giao nhiệm vụ ủi vào một bên nhà mình với mục đích làm cho nó nghiêng đi.

Tất cả mọi thứ đã xong, tòa nhà thảm hại nhìn như... trái chín trên cành, nghiêng gấp ba lần tháp nghiêng bên Ý chỉ trong vòng có một đêm.

Sáng hôm sau, tôi hồ hởi lên đường. Gọi một chiếc taxi máy lạnh, tôi nói với tài xế:

- Chú chở tôi tới tất cả những tòa nhà cao tầng xây trái phép trong thành phố.

Anh lái xe nhăn nhó:

- Làm sao em biết?

Tôi giảng giải:

- Chú cứ tới những tòa nhà nào trông giống như que củi, hoặc những nơi chung quanh thấp lè tè lại có một ông nhô cao bất thình lình thì chắc chắn đúng.

Anh lái xe y lời và quả không sai. Đến những căn nhà ấy, tôi lớn tiếng đòi gặp chủ nhân, bộ điệu như ông lớn về làng. Khi chủ nhân ra, tôi bèn ném toẹt vào mặt một xấp hình:

- Ông tính sao?

Chủ nhân ngạc nhiên khi thấy đó là căn nhà sắp đổ của tôi ở mọi tư thế:

- Đây là chuyện gì?

Tôi gằn giọng:

- Đây là nhà tôi. Nó sắp đổ rồi. Ông liệu hồn!

Các ông chủ ai nấy đều nổi nóng:

- Việc quái gì phải liệu hồn. Nhà anh đổ thì kệ xác anh chứ.

Tôi cười nhạt:

- Đúng là đồ cạn nghĩ. Nhà tôi đổ thì sao? Thì cả thành phố sẽ ầm lên, sẽ điều tra lý do gì xây dựng trái phép mà cao đến thế, ẩu đến thế. Người ta sẽ giật mình, sẽ coi lại tất cả các nhà cao tầng cơi nới bậy bạ. Thử hỏi lúc đó ông còn ngồi chễm chệ được chăng?

Chủ nhân nghe ra, kêu trời ba tiếng, ngã vật xuống đất phải 10 phút sau mới tỉnh. Ông ta lật đật điện thoại gọi tất cả đám chủ nhà cao tầng đã hoàn công hoặc chưa hoàn công mà sai giấy phép. Cả bọn ùa nhau đến nhà tôi, nhìn thấy nó sắp đổ, họ lăn ra nài nỉ:

- Xin bác làm sao cho nó đứng yên, chứ để nó đổ thì bọn em chết.

Tôi đanh giọng:

- Biết vụ mấy cái xe buýt chưa? Cũng chỉ vì xe hỏng nên người ta mới rà soát lại. Xây dựng cũng thế, nếu không có nhà đổ thì tai nạn sẽ qua. Biết điều thì nhanh nhanh góp tiền ra đây để ta sửa nhà, không thì chết cả đám.

Các chủ nhân dạ ran, răm rắp nghe lời và tiếp hàng khẩn cấp, chở đến cho tôi xi măng ngoại, sắt thép tốt và bỏ tiền cho tôi sửa lại hoàn toàn thành một căn nhà cao vút, cứng như đá, thẳng tắp không một vết nứt.

Tôi trở thành tỷ phú, chưa kể đám chủ nhà tuần nào cũng qua thăm.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Ai cũng thi

Trước kỳ thi tốt nghiệp trung học sơ sở, sếp đầu ngành giáo dục tỉnh triệu tập các trưởng phòng giáo dục các huyện, ra chỉ thị: "Tỉnh ta không được để mất mặt với các tỉnh bạn, nhất là khi lãnh đạo của bộ quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục của tỉnh ta. Do đó, tôi ra chỉ tiêu không huyện nào có học sinh thi rớt. Phải đậu 100%".

- Sếp yên tâm... - Các trưởng phòng giáo dục đồng thanh nhất trí nhận chỉ thị. Các ngài nghĩ: "Chuyện này giao cho các trường tự lo".

Vừa về đến nơi, các trưởng phòng giáo dục liền triệu tập hiệu trưởng các trường trong huyện nhà, ra chỉ thị:

- Huyện ta không được để mất mặt với các huyện khác, nhất là khi lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục huyện ta. Do đó, tôi ra chỉ tiêu không trường nào có học sinh thi rớt. Phải đậu 100%...

- Sếp yên tâm... - Hiệu trưởng các trường đồng thanh nhất trí nhận chỉ thị. Các ngài nghĩ: "Chuyện này giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp tự lo".

Các ngài hiệu trưởng, tất nhiên, không muốn trường mình bị tụt hạng, vì điều đó có nghĩa là hiệu trưởng không có năng lực. Mà không có năng lực nghĩa là con đường tiến thủ của các ngài đi tong. Do đó, các ngài bèn triệu tập giáo viên chủ nhiệm để ra chỉ tiêu:

- Các lớp phải đậu 100%, không có học sinh yếu kém...

Các giáo viên chủ nhiệm biết rằng nếu lớp mình có một học sinh thi rớt thì mình sẽ mất tiên tiến và con đường phát triển sẽ rất là lầy lội nên đồng thanh nhất trí.

Nhưng vấn đề là làm sao 100% học sinh đậu đây! Các giáo viên chủ nhiệm chặc lưỡi: "Chuyện này để gia đình học sinh tự lo". Thế là một chiến dịch "tém dẹp" bắt đầu. Các giáo viên chủ nhiệm bèn điểm mặt học sinh yếu có khả năng thi... không đậu để hành xử. Bước đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh học sinh lên và bảo:

- Con của anh (chị) không đủ sức học trường này, tội nghiệp. Tôi đề nghị anh (chị) đưa nó sang hệ bán công...

- Nhưng gần cuối học kỳ rồi, đâu có trường nào nhận?

Giáo viên chủ nhiệm cố thuyết phục:

- Con anh (chị) thi kỳ này cũng chẳng đậu... Nếu gia đình đồng ý chuyển sang trường nào khác, sang năm nếu không đậu thì trường sẽ nhận lại...

Đó là cách giải quyết nhẹ nhàng nhất. Nhưng còn những phụ huynh không đồng ý thì sao? Lúc ấy giáo viên chủ nhiệm sẽ chuyển sang chương trình "học sinh tự loại". Các học sinh yếu sẽ bị truy bài liên tục và giáo viên càng nhồi thì các em càng không hiểu gì cả... Và càng không hiểu gì cả thì càng bị kêu lên bảng, đứng trình diện trước lớp, được nêu tên trong danh sách học sinh yếu kém nhiều hơn... Sau cùng, không chịu đựng nổi sự tra tấn tinh thần, chính các em học sinh phải tự động... trốn học, hàng ngày vẫn cắp sách đến trường nhưng không đến trường mà lại đi đâu đó... Đến khi cha mẹ phát hiện thì cũng phải xin chuyển trường hoặc bị đuổi học mà thôi.

Từ lúc lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đến khi có kỳ thi thì các trường cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu làm sạch học sinh dốt. Các em đó đi đâu về đâu, giáo viên chủ nhiệm không cần biết. Lãnh đạo tỉnh, huyện lại càng không cần biết. Chuyện ấy xã hội lo. Điều mà họ quan tâm là con số phần trăm sau các kỳ thi... thành tích mà họ phải đậu cho được.

Đời ai cũng phải thi cả mà!

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Du lịch đặc sản

Sự bùng nổ khách du lịch vào nước ta khiến nhiều công ty làm dịch vụ choáng váng, sau đó sướng tê tê, say lảo đảo và cuối cùng là chạy cuống cuồng.

Xe thiếu, phòng ngủ thiếu, phòng vệ sinh thiếu và phòng... cháy cũng hơi thiếu, nhưng có lẽ quan trọng nhất là thiếu hướng dẫn viên. Ai chả biết, khác với lái xe ôm hoặc chèo đò, hướng dẫn viên du lịch phải giỏi ngoại ngữ, am hiểu văn hóa, lịch sử, thông thạo kỹ năng cấp cứu y tế (chẳng hạn nhỡ khách bị rắn cắn), có một bề dày hiểu biết về truyền thống, giai thoại và... ẩm thực.

Yến Chi là nhân viên đánh máy của công ty du lịch có cái tên rất ấn tượng "Đi, nhìn và sửng sốt". Việc của cô nàng xưa nay là đánh máy, phân loại giấy tờ và bưng khay trà lên mỗi khi giám đốc có khách. Cho nên Yến Chi rất ngạc nhiên khi buổi sáng hôm đó, giám đốc bưng bình trà xuống phòng nàng:

- Cô Chi này, cô phải giúp tôi, nếu không tôi sẽ chết ngay trước mắt cô bây giờ!

Yến Chi hốt hoảng:

- Thưa anh, chuyện gì mà nghiêm trọng thế?

Giám đốc toát mồ hôi:

- Có một đoàn khách cần khởi hành gấp. Mà mọi người trong công ty đều đang bận túi bụi với các đoàn khác chưa về. Không còn ai nữa, em phải làm hướng dẫn viên khẩn cấp thôi!

Yến Chi giãy nảy:

- Nhưng em không biết ngoại ngữ.

Giám đốc tươi cười:

- Đừng lo, đã có cậu lái xe.

- Ơ, nhưng cậu này cũng đâu có thạo?

Giám đốc giảng giải:

- Nhưng vợ nó biết. Nó lại có điện thoại di động, nếu khách hỏi gì thì nó đưa máy để nói chuyện với vợ nó, rồi cô ta nói lại với nó là xong.

Yến Chi chết khiếp vì sợ:

- Nhưng còn cái vụ lịch sử và văn hóa các di tích, em có hiểu gì đâu mà thuyết trình.

Giám đốc đắc chí:

- Cái vụ đó tôi cũng đã tính đến rồi. (Ông ghé sát đầu vào tai Chi, thì thầm: Em cứ làm như thế, như thế...).

Yến Chi vui vẻ nhận lời. Nàng bỏ một thỏi son môi, một hộp kem dưỡng da và một xếp giấy chùi miệng vào ví đầm rồi leo lên xe 25 chỗ ngồi đầy ắp khách ngoại quốc, đang nổ máy sẵn trong sân công ty.

Qua chiếc loa phiên dịch của anh lái xe, nàng thông báo:

- Kính thưa quý khách, hôm nay công ty sẽ tổ chức cho quý khách một chuyến du lịch đặc sản rất hấp dẫn, độc đáo và kịch tính.

Xe bon bon trên đường nhựa thẳng tắp. Các du khách háo hức nhìn qua cửa sổ, chốc chốc lại vỗ tay tán thưởng Yến Chi khi nàng hắt hơi. Đến một mô đất mênh mông, cây cối um tùm, xe dừng lại. Yến Chi thuyết minh:

- Thưa quý khách! Đây là một địa danh nổi tiếng gọi là Gò Dưa. Đặc sản ở chỗ này là dưa, xin quý khách tham quan cho kỹ.

-Những người ngoại quốc kêu lên thán phục. Họ nhanh chóng tản xuống, mân mê các trái dưa đen bóng, chụp ảnh lia lịa và quay phim ào ào. Sau 2 tiếng đồng hồ, xe chạy tiếp. Tới một vùng đất còn xây dựng ngổn ngang, người đi kẻ lại nhộn nhịp, Yến Chi hướng dẫn:

- Thưa quý khách, chúng ta đang ở trung tâm của khu văn hóa Bàu Cát. Đặc sản ở đây là cát nguyên chất, rất nổi tiếng và được bảo tồn đã hàng ngàn năm.

Các du khách lại reo lên vui sướng, xô nhau xuống xe. Người lăn bò trên cát, người len lén bỏ một nắm vào túi mang về.

Sau khi vui chơi chán chê, xe lại lên đường. Dừng ở một đầm nước rộng, sóng vỗ lăn tăn, thuyền đi lại nhộn nhịp, Yến Chi thông báo:

- Đây là địa danh nổi tiếng Đầm Sen. Ưu thế của nó là có... sen. Xin quý vị cứ tham quan thoải mái.

Tất cả du khách đều reo lên vì bất ngờ, người thì nhào xuống bơi, kẻ thì lao xuống bắt cá. Có bà còn bẻ lá sen đội lên đầu coi rất ấn tượng.

Yến Chi sung sướng mỉm cười. Nàng thấy hóa ra làm hướng dẫn viên cũng không khó khăn gì lắm. Nàng nghĩ sau chuyến này sẽ đổi nghề.

Cuối cùng, nàng mời tất cả mọi người lên xe lúc 5h chiều. Chạy tới một vùng hiu quạnh, có mấy cây cầu gỗ bắc qua sông, Yến Chi tuyên bố:

- Thưa quý khách, chúng ta đang ở khu vực toàn những cây cầu trứ danh, gọi là cầu khỉ. Cứ vài phút, khỉ lại đi qua những cây cầu này. Xin quý vị thưởng thức.

Cả đoàn khách reo mừng và vội vã lấy máy ảnh, máy quay phim ra chờ khỉ đến!

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Tinh thần thể thao

Để chào đón SEA Games sắp tới, các đội tuyển đang hăng say luyện tập. Đó là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tất cả những ai có chút kiến thức về thể thao đều biết rằng thành tích không phải một sớm một chiều. Nó là sự nỗ lực bền bỉ từ lúc còn bé tí cho tới khi đầu bạc răng long.

Vì vậy, thành tích của những anh tập ngày tập đêm khó lòng sánh được thành tích của các vị tập ở nhà, tập ở cơ quan, tập trong lúc giải lao và tập trong cả cuộc họp.

Trên cơ sở đó, một ủy ban được thành lập. Nhiệm vụ của ủy ban này là phát hiện những nhân tài thể thao trong cuộc sống, tìm ra các nhà vô địch bẩm sinh để đưa vào đội tuyển, nhằm làm cho đối phương bị bất ngờ và tiết kiệm cho chi phí huấn luyện, bồi dưỡng.

Ủy ban hăng hái làm việc ba ca, rà soát tất cả các môn thi đấu, coi kỹ tất cả các hoạt động xã hội có tính thể thao mạnh mẽ và tính thể thao ẩn giấu. Cuối cùng, họ đúc kết thành một bản dự thảo vô cùng sâu sắc và khoa học như sau:

- Cử các ông chuyên tố cáo, kiện tụng, bè phái, vây cánh ở các cơ quan tham gia những môn có tính đấu đá như võ thuật, quyền anh hay vật tự do. Những ông này không phải ít, vốn luyện tập từ mấy chục năm nay, hầu như không lúc nào ngừng nghỉ những động tác ngáng, chặt, chém, lên gối, đè, dìm!

- Cử các ông suốt ngày không thấy mặt ở nhiệm sở trừ lúc lĩnh lương, thời gian 8 tiếng dành gần hết cho việc pha trà, pha cà phê, tán phét, đóng cửa đánh bài, kéo nhau đi ăn thịt chó, uống bia, tụ tập chè chén... vào môn lặn!

- Cử các ông chuyên đâm bị thóc chọc bị gạo", suốt đời chỉ nghĩ cách tìm ra khuyết điểm của sếp, tội lỗi của đàn em, sai sót của thông tư, nhầm lẫn của chỉ thị... vào môn đấu kiếm!

- Cử các ông chuyên môn kiếm ngân sách cho dự án, tìm kinh phí cho công trình, đưa bác này lên, kéo chú kia xuống, thay đổi kết quả thanh tra, sửa sang biên bản nghiệm thu xây dựng, thay đổi quy hoạch, lựa bớt chỉ tiêu, lo cho con cháu vào nhiệm sở, tìm cho họ hàng vị trí ngon, công nhận di tích, cấu tạo bằng khen, tìm ra giấy phép xuất bản, lo đủ tài trợ chương trình, cơ cấu xong các ban giám khảo, hợp pháp hóa các cuộc thi... vào môn chạy. Chắc chắn ít nhất họ cũng vào tới vòng chung kết.

- Cử các vị lúc nào cũng gửi công văn lên trên, đùn trách nhiệm xuống dưới, cái gì cũng nhận nhưng cái gì cũng không giải quyết, bất cứ khi nào cũng trả lời là đã chuyển tới những người có trách nhiệm, bất cứ việc nào cũng gọi đủ các bên liên quan, bắt bà con chờ dài cả cổ, luôn nhắc nhở là cần phối hợp với các ngành chức năng, lập ra một đống phòng ban, chế ra hàng núi thủ tục, viện ra một tỷ lý do khách quan và chủ quan... vào môn bóng chuyền!

- Cử các vị có khả năng kéo dài các dự án hết năm này tới năm khác, xây dựng những con đường từ quý nọ tới quý kia, vẽ ra mọi thứ trên giấy thì rất hăng, đến khi thực thi thì dây cà ra dây muống, xây cầu đến lúc nước sông cạn cũng chưa xong, mở đường tới lúc chết cũng chẳng hoàn thành, giải tỏa nhùng nhằng, thanh toán nhỏ giọt, cấp phép lừ đừ... vào môn đi bộ!

- Cử các ông hễ lên diễn đàn thì nói năng dài dòng, hễ đến hội nghị thì nhắc đi nhắc lại, viết báo cáo luẩn cà luẩn quẩn, đọc diễn văn thì cả đống kính thưa, có năng khiếu gây buồn ngủ cho cử tọa, có ý thức làm sốt ruột người xem, chẳng khi nào tiết lộ tới đâu thì kết thúc, biết cách gây tê chân hàng trăm người, luôn làm mỏi cổ cả ngàn người... vào môn maratông.

- Cử các ông lúc nào cũng viện ra hàng trăm lý do không chịu về hưu, nấn ná ở lại giữ ghế, chẳng chịu đề bạt ai cả, luôn mồm kêu thiếu nhân tài, lúc nào cũng lo sợ không có mình thì cơ quan sẽ hỏng bét, cương quyết cống hiến trọn đời mình cho chức vụ... vào môn kéo co!

Ngoài các môn thi đấu trên, còn rất nhiều cá nhân có những năng khiếu vượt trội như "chọc gậy bánh xe", "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi đuôi chuột", há miệng mắc quai", "râu ông nọ cắm cằm bà kia".... đang được ủy ban hối hả xem xét để có thể chọn cho vào các môn thi đấu thích hợp.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Thuốc chữa bệnh SARS

Mặc dù không hề gặp ai, nói xấu ai, nói tốt cho ai và nói về bất cứ cái gì; mặc dù đã tránh xa các nhà hàng, quán cơm đặc sản, quán cơm bình dân và quán cơm tù, cuối cùng tôi vẫn nhiễm SARS.

Tôi biết được điều khủng khiếp này là do một buổi sáng thức dậy, bỗng thấy cổ họng nóng ran như có một đàn kiến lửa đang nhảy múa bên trong. Nước mũi chảy ra ròng ròng như suối và ho liên tiếp như lá mùa thu rụng xuống đường. Và triệu chứng tổng hợp hơn hết, cao hơn hết là tôi bị sốt triền miên, người nóng rực như cà phê máy lạnh bị cúp điện.

Tóm lại, sốt là biểu hiện "lâm sàng" - có nghĩa là "nhập giường" - dễ thấy nhất của SARS. Hiện nay, nếu một người ho, mặt đỏ và đầu cứ khật khừ cũng không có gì đáng nghi, nhưng nếu một người sốt thì bà con chung quanh sẽ ngay tới SARS!

Khỏi phải nói, từ khi phát hiện mình bị nhiễm, tôi lo và buồn như thế nào. Bởi vì cuộc đời còn quá nhiều cái hấp dẫn mà tôi chưa biết: Nào là kết quả cuộc thi hoa hậu qua ảnh, nào là ai sẽ nắm chức huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia, đấy là chưa kể sắp tới sẽ giảm giá cước điện thoại và hy vọng bãi bỏ việc gắn gương chiếu hậu! Biết bao nhiêu thứ xinh đẹp, vui tươi và hấp dẫn như thế mà mình phải từ bỏ vì nhiễm SARS thì thật không hợp lý chút nào.

Càng nghĩ tôi càng khổ sở, dằn vặt và thương tiếc mình. Tôi hứa với gia đình, với anh em trong cơ quan và với bản thân là nếu qua khỏi cơn này, sẽ đối xử với cơ thể mình đứng đắn và đàng hoàng hơn. Sẽ quan tâm, chăm sóc đến những nguyện vọng chính đáng của mồm, dạ dày, tay chân và mắt mũi chứ không bỏ bê như trước nữa.

Thật may mắn, đúng lúc tôi mắc bệnh cũng là lúc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã tìm ra thuốc chữa bệnh SARS. Sau bao nhiêu ngày mất ăn mất ngủ, các nhà bác học ở khắp nơi trên thế giới làm việc liên tục (có nhiều vị không còn thời gian để tắm, để xem ca nhạc hay để đi săn trong mấy tháng liền) đã tìm ra thuốc chống SARS dạng viên nén và đưa vào sản xuất hàng trăm tấn một ngày đêm. Từng bao tải dược phẩm ùn ùn chở đến các nhà thuốc và tôi chỉ còn phải làm cái việc dễ nhất là đi mua.

Trước khi mua tôi đã hỏi giá cẩn thận. Để chữa cho tiệt căn bệnh cần 20 viên. Mỗi viên giá 10.000 đồng. Ngoài ra cần 5.000 đồng tiền khẩu trang, 2.000 đồng trà đá và 30.000 đồng tiền xe ôm, tôi đều chuẩn bị đầy đủ.

Nhưng thật sét đánh cho tôi, khi ra tới hiệu thuốc, tôi được cô bán hàng cho biết giá thuốc đã lên gấp 10 lần! Buổi tối trời mát dịu, đang lên cơn sốt mà người tôi còn nóng bừng thêm với số tiền quá lớn này. Hỏi lý do thì cô cho biết, giá thuốc 10.000 đồng là giá chưa tính hết thuế nhập khẩu, phí lưu kho và cước vận chuyển. Bây giờ tính đúng, tính đủ thì giá phải lên.

Biết làm thế nào được. Tuy tấm thân tôi đầy khuyết điểm, nó vẫn là tấm thân duy nhất mà tôi có trong thế giới này. Tôi vội vàng ra về, bán tống bán tháo cái tivi màn hình phẳng, cái tủ lạnh không đông đá và cái máy đánh trứng ba tốc độ mới mua, rồi cầm tiền lao ra hiệu thuốc.

Nhưng cô bán hàng cho biết thuốc trị SARS lại tăng lên nữa rồi. Không phải là 100.000 đồng mà 1 triệu đồng một viên, vì giá thuốc cũ còn quên chưa tính phí kiểm định, phí bảo quản và phí đóng gói. Khi tôi kêu đắt thì cô lạnh lùng tuyên bố là cửa hàng bán chứ không bắt ép ai cả. Nếu không mua, tôi cứ việc chữa bệnh bằng lá cây hay dầu con hổ, vốn là những thứ thuốc 100 năm nay không lên giá.

Mồ hôi lại toát ra. Tôi cảm thấy với giá thuốc như thế này thì mình chết cũng được rồi, nhưng còn cha mẹ, anh em, còn hóa đơn tiền điện và tiền nước ở nhà chưa thanh toán, tôi ra đi thì trút gánh nặng cho ai lo? Tôi bèn thất thểu về nhà, bán chiếc xe gắn máy, bán bộ vest từ khi mua tới giờ chỉ mặc có hai lần lúc ăn đám cưới. Tôi còn cầm cố cả giấy tờ mảnh đất vốn có ý định làm vốn dưỡng già. Tất cả được mấy chục triệu đồng. Tôi cho tất cả tiền vào bao tải, vác lên vai (không dám đi xe ôm vì sợ hụt tiền) mồ hôi nhễ nhại, lê bước ra hiệu thuốc.

Cô bán hàng đón tôi ngay từ cửa. Cô tươi cười thông báo giá thuốc trị SARS đã tăng tốc 100 lần - nghĩa là 10 triệu đồng một viên. Cô giải thích giá tăng lần này do tính đúng, tính đủ tất cả chi phí, có tham khảo giá thuốc tương đương trong khu vực và có tính đến độ hút hàng cũng như tính đến vốn đầu tư để tái sản xuất.

Người tôi nóng ngùn ngụt vì giận. Tại sao bao nhiêu năm nay, lúc bị đau răng, lúc bị muỗi đốt và đau bụng thì giá thuốc không tăng mà chọn đúng lúc khó khăn nhất, quyết liệt nhất thì lên giá ào ạt? Vậy giá thuốc ai quản lý, lương tâm, trách nhiệm để đâu? Tôi quát tháo om sòm, tôi dọa kiện tới tận trời xanh.

Bỗng một ông bác sĩ xuất hiện. Ông nhẹ nhàng bảo tôi rằng chưa có thuốc trị SARS. Các nhà bác học chỉ biết được là khi bị sốt, nếu cứ nóng giận liên tiếp khiến sốt càng ngày càng cao thì cuối cùng nó sẽ giảm. Y khoa gọi như thế là "độc trị độc". Mà muốn người bệnh hết sốt thì chỉ có cách vờ kêu có thuốc rồi tăng giá mà thôi! Tôi thấy toàn thân nhẹ nhõm. Tôi khỏi bệnh trong 2 giây. Tôi ôm chầm lấy cô bán thuốc, xúc động nghẹn ngào.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Lễ hội Bà Cò

Chủ trương xây dựng lễ hội làng Cò ra đời trong một cuộc nhậu, khi một vị chức sắc, trong trạng thái ngất ngư, phát biểu rằng, đâu đâu cũng tổ chức lễ hội để thu hút khách du lịch, hút tiền mà xứ mình không có thì kém quá.

Ý kiến này được tán thành nhiệt liệt. Mọi người tham gia bàn tán rất rôm rả nhưng chẳng ai chịu ai. Chợt vị chức sắc... kiêm chủ xị vỗ mạnh tay xuống bàn đánh "rầm" một cái, chai rượu ngã xuống đất vỡ tan. Cả bàn nhậu la oai oái:

- Ối! Ối! làm gì dữ dằn vậy ông? "Cắt cổ không bằng đổ rượu" đấy!

Vị chủ xị vẫn oang oang:

- Quên đi! Nghe tôi nói đây! Ở huyện bên đang diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn. Bà ấy là bà nào? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn Thu Bồn là tên một con sông lớn. Bà Thu Bồn chính là bà... quản lý con sông này. "Bả" chết từ năm một ngàn chín trăm... lâu lắc rồi nên bây giờ mới có lễ hội tưởng nhớ bà. Quê ta có con sông Cổ Cò chảy qua, vậy sao ta không tổ chức lễ hội bà Cổ Cò?

Cả bàn nhậu sôi nổi hẳn lên. Có người cho rằng không nên lấy tên là Lễ hội bà Cổ Cò vì như thế là xúc phạm đến khuyết tật của người khác. Dù cổ "bà" có dài như cổ cò hay ngắn như cổ cóc thì cũng phải tôn trọng. Vì vậy, chỉ nên lấy tên là Lễ hội Bà Cò. Ý kiến thật chí lý. Thế là, cái tên đoạn sông chảy qua làng đã được cuộc nhậu nâng lên thành Lễ hội Bà Cò.

Tưởng rằng câu chuyện tầm phào đó sẽ tan đi theo hơi men, ai dè các vị chức sắc có tâm huyết với lễ hội lại đem ý tưởng đó ra bàn chính thức trong cuộc họp có đầy đủ các vị cao niên trong làng. Các lão nông rất hể hả, không ngờ đám con cháu mình lại... cực kỳ thông minh và có lòng thành đến thế.

Theo thông tin từ hội nghị trên, để tuyên truyền cho nhân dân biết về... Bà Cò, xã sẽ mời một chuyên viên của Nhà văn hóa huyện về viết... tiểu sử của bà và truyền thống Lễ hội Bà Cò. (Nghe nói anh chuyên viên này là một cây bút chuyên viết truyện... thần thoại cho nhi đồng và truyện... kinh dị cho người lớn. Rất hợp gu!).

Chương trình Lễ hội Bà Cò có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có: Lễ rước Bà Cò, Lễ tế Bà, Lễ dâng hương. Các khoản này sẽ do Hội Bảo thọ, Hội Người cao tuổi đảm nhận. Nếu chưa có quần áo lễ hội, chưa có cờ quạt, chiêng trống thì... mượn của đội trợ tang. Phần "hội" sẽ có hội thả đèn... bắt bướm trên sông Cổ Cò, hội thi bịt mắt bắt dê, hội thi nhảy bao bố, đua xe đạp chậm, đua ghe, kéo co, đá bóng nam nữ, thi đá gà, thi thiếu nhi thanh lịch và một số cuộc thi khác. Dự kiến Lễ hội Bà Cò sẽ diễn ra trong ba ngày hai đêm trên khúc sông Cổ Cò.

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng ngay một cái đền thờ Bà Cò. Việc này khó mà dễ. Bên sông Cổ Cò có một cái lò gạch vừa bị đình chỉ sản xuất vì gây ô nhiễm được xã quyết định cải tạo thành đền thờ Bà. Ổn quá rồi.

Xã dự định mời Công ty bia Sông Vàng làm nhà... tài trợ chính cho lễ hội. Tổ hợp sản xuất nước khoáng Con Cò của xã cũng xin ké làm "đồng tài trợ" để tiêu thụ nước khoáng (chế biến từ nước sông Cổ Cò) đang ế ẩm.

Kế hoạch xây dựng Lễ hội Bà Cò được xây dựng rất bài bản. Các vị chức sắc đều được phân công đứng cánh" để chỉ đạo công việc. Bà con các thôn có dịp được mời họp để nghe triển khai lễ hội. Ai cũng phấn khởi, tích cực tham gia. Các cuộc tập dượt diễn ra sôi nổi. Hàng quán, nhà trọ mọc lên như nấm để đón khách thập phương.

Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe bàn về Lễ hội Bà Cò. Khí thế lắm! Ấy thế mà cũng có những kẻ xấu mồm xấu miệng nói toạc ra rằng: "Rõ là buôn thần bán thánh! Bà Cò là... bà nội nào mà thờ bả? Tất cả chỉ vì tiền".

Lễ hội Bà Cò mới sắp diễn ra nhưng khu vực quanh sông Cổ Cò đã thấy xuất hiện khá nhiều "cò". Nào là "cò" đất, "cò" nhà, "cò" nhang đèn, "cò" nhà trọ... bay về tới tấp. Vui hết biết!

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Tắm cùng hoa hậu

Cả một đời tôi uống nước như Lam Trường, dùng dầu gội đầu như Mỹ Tâm, tô môi son theo Phương Thanh và xịt thuốc đau chân kiểu Hồng Sơn. Chưa hết, tôi còn uống sữa giống Việt Anh, dùng bánh kẹp thịt bò theo Lê Vũ Cầu và giặt đồ bằng bột giặt hệt Mỹ Uyên.

Các ngôi sao đã hướng dẫn tôi, lôi kéo tôi, đánh đập tôi không còn phút nào ngơi nghỉ. Và tôi thật hạnh phúc vì điều này.

Thế nhưng, nếu trước đây tôi chỉ mua những gì do các doanh nghiệp quảng cáo là yên tâm thì bây giờ không thể nữa. Công nghệ tiếp thị đã tiến một bước dài. Nếu là một trong 10 người đầu tiên mua báo Màn Bạc, bạn sẽ được ăn cơm với một diễn viên điện ảnh (mặc dù có thể do bạn trả tiền). Nếu may mắn lọt vào "tốp" năm, bạn sẽ được xỉa răng với minh tinh ấy; còn nếu hạnh phúc vào "tốp" ba, bạn sẽ vinh dự cùng rửa bát với ngôi sao. Đó thật là một niềm vui khôn cùng, một vinh dự mơ ước cả đời nhưng không phải dễ nắm bắt.

Tôi đã từng là một trong những người mua vé đầu tiên của nam ca sĩ nổi tiếng, mà kết quả chỉ được phơi quần áo cùng dây với anh ta. Hay tôi đã từng là kẻ sưu tập ảnh một người mẫu thời trang nhiều nhất, sau đó được cô ưu tiên cho cùng bôi chung một thùng kem chống nắng. Vì vậy, tôi rất xúc động khi đọc trên báo, quảng cáo nếu ai mua nhiều chai thuốc trừ muỗi nhất trong một tháng sẽ được... tắm chung với cô hoa hậu quốc tế sắp tới thành phố này. Để thêm phần hấp dẫn, báo còn nói rõ, giải thưởng chỉ có giá trị cho đàn ông và bảo đảm là chung một bồn thật sự.

Vừa buông tờ báo xuống, tôi đã lao đầu chạy sang tiệm mua thuốc xịt cả muỗi lẫn ruồi. Để có đủ tiền, tôi bán gấp chiếc Honda, đẩy nhanh tivi, tủ lạnh cho tiệm cầm đồ và sang vội giấy tờ nhà cho mấy tay "cò" nhà đất. 

Vác về mấy chục thùng thuốc xịt, tôi chĩa chúng về mọi xó xỉnh trong nhà. Chỉ trong nháy mắt, đống muỗi chết đủ to như đống cát xây dựng. Tiếp theo là tới bọn ruồi. Tôi phủ lên sân, vườn, chăn chiếu, giường tủ một lớp thuốc dày đến mức bọn ruồi mới bay qua đã ngã xuống, xác chúng chất chồng như xác quân Nguyên.

Làm tất cả mọi thứ trên đời vẫn chỉ hết có 2 thùng, tôi ngồi vắt óc suy nghĩ tiếp theo nên xịt vào đâu nữa. Không khí trong nhà trở nên đậm đặc, thậm chí một con bò vô tình đi ngang qua ngõ cũng ngã lăn quay, nói gì tới côn trùng.

Vào phút cuối cùng, tôi dùng thuốc xịt khắp toàn thân rồi chạy lao ra phố phường, xông vào những nơi tăm tối. Hễ đụng vào tôi là ruồi, gián, thạch thùng, tắc kè và bọ chét ngã xuống như rắc vừng. Tôi đã làm cho giá mùng màn và nhang trừ muỗi toàn thành phố giảm xuống một nửa.

Thế là điều mong đợi đã tới. Vào ngày quyết định, ban tổ chức tuyên bố tôi là người có số vỏ chai thuốc xịt nhiều nhất... hành tinh, sẽ được vinh dự tắm chung với cô hoa hậu quốc tế.

Tuyên bố vừa dứt thì âm nhạc nổi lên, toàn thể đàn ông nhìn tôi ghen tị. Một đoàn xe chở thẳng tôi tới khách sạnh năm sao. Tiếp đó, hai chục anh bồi rắc bột giặt khắp người tôi, đưa cho tôi một chiếc khăn tắm to như khăn trải giường để quấn quanh người. Trong tiếng vỗ tay của toàn thể công ty bán thuốc xịt muỗi, tôi được dẫn vào phòng tắm trên xe lăn do các cô người mẫu đẩy, qua một rừng ống kính của các phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình. Thì ra đây là buổi tắm đầu tiên trong lịch sử nhân loại được truyền hình trực tiếp.

Cửa phòng tắm mở ra chói lòa, và tôi choáng váng khi thấy cái bồn tắm to như sân bóng đá. Cô hoa hậu quốc tế ở đầu kia của bể, thấy tôi nàng giơ tay vẫy và nhảy ùm xuống, nom nàng chỉ bé bằng ngón tay với khoảng cách như thế. Tôi bị đẩy xuống. Do nước quá sâu và bơi không thạo nên hai tiếng đồng hồ trôi qua, tuy chung một "bồn" mà tôi vẫn không sao đến bên hoa hậu được.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Thiên tài cũng phải bỏ chạy

Anh ta là một chuyên gia đặt vòng hạn chế sinh đẻ giỏi nhất thế giới. Không chỉ đặt vòng cho con người, anh còn nghiên cứu chế tạo và đặt vòng cho cả loài vật. Anh ta trở thành tiến sĩ y khoa với luận án có một không hai trên đời: "Những phương pháp đặt vòng cho động vật có vú và không có vú nhằm hạn chế sự sinh sản của các loài không có ích trên trái đất".

Anh ta tài giỏi đến mức độ chế tạo ra những chiếc vòng không dùng để đặt nơi... thường đặt mà vẫn hạn chế được sự sinh sản quá xá của con người. Ví dụ, anh ta từng chế ra một chiếc vòng đặt nơi... tai của phụ nữ để họ không nghe những lời đường mật của đám Sở Khanh. Ấy thế mà loại vòng này hạn chế được biết bao nhiêu đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn. Đối với phụ nữ bị dị ứng khi có vật lạ vào tai thì anh ta chế tạo ra một loại vòng để họ đặt vào... mũi. Loại vòng này sẽ chuyển đổi mùi bia rượu thành mùi hố xí tập thể. Và thế là các bà chạy dài khi các đấng ông chồng từ quán bia về nhà với ý đồ làm chuyện ấy với sự trợ lực của thần men. Loại vòng này là một sự thành công vĩ đại của anh ta. Theo một điều tra xã hội thì đến 80% đàn ông nước ta có mùi hố xí khi đứng trước những phụ nữ được đặt loại vòng này. Còn nếu phụ nữ nào bị vẹo vách ngăn mũi không thể đặt được vòng... thối thì anh ta chế cho họ một loại vòng khác, có hình dạng như chiếc nhẫn và được đeo vào tay. Anh ta hoàn toàn bí mật về nguyên tắc hoạt động của chiếc vòng nhưng hình như nó có liên quan đến việc phát điện. Bạn đã bao giờ bị điện giật chưa? Nếu đã, hẳn bạn cũng biết vì sao chiếc vòng này hạn chế sinh đẻ tốt đến thế!

Không những anh ta chế tạo vòng cho đàn bà mà còn chế tạo vòng cho đàn ông. Đàn ông không được đặt vòng ở mũi, không được đặt vòng ở tai mà được đặt ở... mắt. Một loại vòng giống như kính áp tròng giúp cho người được đặt chỉ thấy vợ mình đẹp, còn vợ hàng xóm thì xấu. Loại vòng này hạn chế những cuộc ngoại tình và dĩ nhiên cả những đứa trẻ ra đời sau đó.

Chuột là loài vật anh ta ghét nhất trên đời này. Ác thay, chúng lại sinh đẻ theo cấp số nhân. Anh quyết tâm tiêu diệt loài chuột bằng cách đặt vòng cho chúng. Vòng cho loài chuột được anh ta chế tạo giống như hạt đậu để chúng tự ăn vào bụng. Vào tới nơi, vòng hạt đậu sẽ liên tục phát ra tiếng kêu của... mèo. Có anh chàng chuột đực nào dám đến gần một cô nàng chuột cái - dù là chuột hoa khôi - để giở trò trăng hoa khi cô ta luôn phát ra tiếng... meo meo?!

Phát huy thành công khi đặt vòng cho chuột, anh ta tiến tới đặt vòng cho các loài có hại như gián, mối, ruồi, muỗi... Những công trình đó đã mang lại cho anh cả tiền bạc và tăm tiếng. Báo chí gọi anh là vua vòng, thậm chí có tờ còn tôn vinh anh là thiên tài... vòng. Nhà anh ta nườm nượp khách tới đặt vòng. Có lần cao hứng, anh tuyên bố: "Với tôi, không có loại vòng nào là không thể làm được".

Lời tuyên bố đã khiến anh trở thành người nói dóc kể từ khi tiếp một khách hàng. Sáng sớm, vị khách ấy đã bấm chuông nhà anh với vẻ mặt quá đau khổ. Anh ta mời vào nhà và hỏi:

- Ông cần gì?

Khách trả lời:

- Tôi đến để nhờ ông đặt vòng.

- Đặt cho anh à?

- Không!

- Hay là cho vợ anh?

- Không!

- Đặt cho lũ chuột nhà anh à?

- Không!

- Thế đặt cho ai?

Vị khách yên lặng móc ra một tờ giấy có đóng dấu đỏ chói và nói bằng giọng hết sức thiểu não:

- Tôi muốn đặt vòng cho tờ giấy này.

Anh ta trố mắt ngạc nhiên và giành lấy tờ giấy trên tay khách:

- Đây là giấy phép kinh doanh của anh mà?

- Vâng! Tôi muốn anh đặt vòng cho tờ giấy phép mẹ này để nó đừng đẻ ra những tờ giấy phép... con, giấy phép... cháu. Ông ráng giúp tôi nhé. Bao nhiêu tiền cũng được.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Điếu văn đọc trước mộ bò tót

Chị bò và em bò thân mến! Các quan khách, các nhân viên phục vụ, các chủ quán bia và quán phở thân mến! Hôm nay, chúng ta tụ tập nhau ở đây để đưa tiễn hai mẹ con chị bò, còn gọi là bò tót, về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Vẫn biết cuộc sống không phải là vĩnh cửu, vẫn biết cõi hư vô là nơi đến của tất cả thuyền đời, vẫn biết với sự phát triển của ngành chế tạo khô bò và da bò hiện nay thì cuộc sống của hai mẹ con là điều mỏng manh, nhưng chúng tôi không thể tránh khỏi bàng hoàng trước cuộc chia tay này.

Bởi tại sao? Nếu như bọn bò cày, bò sữa và bò kéo gỗ phải lần lượt ngã xuống dưới lưỡi dao và lưỡi búa là điều bình thường; nếu như các thứ bò vớ vẩn và không dám kêu ca đó sinh ra là để cho các bếp lẩu bò thêm nghi ngút khói, các sạp bún bò thêm nồng nàn và các hộp pho-mát đầu bò thêm đầy đặn, thì bò tót lại không thế.

Mẹ con chị bò tót đây với vẻ hiên ngang của mình thể hiện qua đôi sừng cong như trăng lưỡi liềm, bóng như mạ kền, đẹp như... mắc áo, với dáng đi oai phong đường bệ, với bản tính giản dị, thích thiên nhiên, cây cỏ, tránh xa những chỗ đèn màu lấp lánh hoặc ầm ĩ kẹt xe, tưởng như có thể ở bên chúng ta mãi mãi. Mẹ con chị bò tót đây, về dòng dõi được liệt vào hàng đặc biệt quý hiếm, có tên trong hộ khẩu đỏ; về sức khỏe vốn là chỗ anh em với anh trâu đang được chọn làm biểu tượng cho SEA Games, có bắp tay và bắp chân cuồn cuộn; về văn hóa (mặc dù bị nghi ngờ là ngu như bò) đã tốt nghiệp hàm thụ ban đêm Học viện cao đẳng Lâm nghiệp. Sự đột ngột ra đi khiến tất cả chúng ta đều cứng đờ và sửng sốt!

Tại sao sửng sốt? Tại rõ ràng mẹ con chị bò không thể mắc bệnh cúm Hồng Kông, đơn giản vì họ chưa bao giờ ra khỏi rừng và trước khi nằm xuống mấy phút cũng không hề ho, hắt hơi một tiếng nào. Mẹ con chị bò cũng không thể nhiễm HIV vì họ chắc chắn chưa đến vũ trường, không tiêm chích ma túy cũng như không có quan hệ đồng giới. Mẹ con chị bò cũng không thể bị tai nạn xe cộ, vốn là thứ tai nạn có tỷ lệ thương vong cao và bất thình lình nhất hiện nay, bởi họ toàn đi bộ, chưa đứng tên sở hữu bất kỳ một xe máy nào dù là hàng liên doanh hay nhập nguyên chiếc.

Chị bò và em bò cũng không thể là nạn nhân của cuộc chiến tranh phi nghĩa do các thế lực hiếu chiến tiến hành, bởi các xét nghiệm đều cho thấy vết thương của họ không phải do tên lửa gây ra.

Không. Hoàn toàn không. Tuyệt đối không. Chị bò và em bò đã ngã xuống bởi một lý do duy nhất, gây phẫn nộ cho cả loài người tiến bộ và đánh thức toàn thể những ai còn lương tri: họ đã ngã xuống bởi những phát đạn từ vài khẩu súng săn của vài ông, trong đó có một ông lớn.

Nhưng giờ phút này đây, trước toàn thể bạn bè, quan khách, trước hai bộ da và hai cặp sừng còn tươi, chúng tôi xin công bố một tin chấn động có giá trị như một quả bom, gây đau nhói cho toàn thế giới như một mũi chích vào phần mềm: đó là chị bò và em bò đã cố tình nhằm thẳng mũi súng của ông lớn mà xông tới.

Tại sao thế? Tại sao họ lại vội vã tìm cái chết trong khi mà vàng và đôla đang hạ giá, trật tự lòng lề đường đang có nhiều chuyển biến đáng kể và vấn đề phòng cháy chữa cháy có những tiến triển tích cực? Sau một quá trình điều tra, thu thập công phu, chúng tôi xin trả lời: tại đấy là cách duy nhất để ông lớn ra tòa.

Trước đấy, người ta cứ chờ đợi mãi một bằng chứng, một khuyết điểm có tính điển hình, tính tố cáo để có thể đưa ông lớn ra tòa nhưng chờ hết tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác mà không ai kết luận và nêu bật được nó ra.

Thế nhưng, chị bò và em bò không chờ được. Họ hiểu rằng cuộc sống có những giới hạn của nó, tiền bạc của nhà nước cũng như lòng kiên nhẫn của nhân dân luôn có những giới hạn. Dù nổi tiếng là chậm chạp và đủng đỉnh, chị bò và em bò cũng thấy cần phải khẩn trương làm một điều gì.

Cho nên, họ đã rình mãi, rình mãi, đúng lúc ông lớn cùng bầu đoàn lên rừng, đúng lúc ông lớn và bạn ông giương súng bóp cò, mẹ con chị bò đã xông ra hứng cả tràng đạn. Họ ngã xuống trong niềm tin tưởng tuyệt đối là cái chết của mình sẽ mở đầu cho cái chết của những kẻ vô đạo đức - hám... bò tót.

Cho phép tôi được nghiêng mình trước tấm gương hy sinh cao cả này. Cho phép tôi được hứa với chị bò và em bò là điều mong muốn của họ sẽ trở thành hiện thực. Cuối cùng, cho phép tôi đặt một bó hoa hồng trước mộ mẹ con chị bò tót, thay vì thả xuống một bó hành như xưa nay vẫn thế. 

Xin vĩnh biệt!

Cá tháng tư

Những trò chơi khăm khét tiếng mọi thời

1. Vụ mùa mì ống ở Thụy Sĩ: 

Thu hoạch mì ống từ... trên cây.

Năm 1957, chương trình "Toàn cảnh" của hãng thông tấn danh tiếng BBC thông báo, nhờ mưa thuận gió hòa và sự biến mất của loài mọt ngũ cốc, những nhà nông Thụy Sĩ đã có một vụ mùa mì ống bội thu. Thông tin này đi kèm với hình ảnh nông dân Thụy Sĩ đang kéo những sợi mỳ ống xuống từ các cành cây...

Sau bản tin, hàng nghìn bạn xem truyền hình đã mắc lỡm. Nhiều người gọi điện tới BBC hỏi cách trồng cây mì ống. Hãng thông tấn trả lời một cách rất ngoại giao rằng: "Hãy thả một dúm mì ống vào một hộp nước sốt cà chua và chờ đợi điều tốt đẹp nhất sẽ tới".

2. Đảo quốc San Serriffe

Năm 1977, tờ báo Anh The Guardian phát hành một phụ san 7 trang để kỷ niệm 10 năm thành lập quốc gia San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ bao gồm nhiều hòn đảo nhỏ hình bán khuyên trên Ấn Độ Dương.

Một loạt bài báo trong tờ phụ san minh họa một cách rất "mùi mẫn" về địa lý và văn hóa của đảo quốc nhỏ bé này. Nó bao gồm 2 phần có tên gọi là Upper Caisse và Lower Caisse, thủ đô là thành phố Bodoni và người lãnh đạo là General Pica. 

Điện thoại của tờ The Guardian hôm đó réo cả ngày khi các độc giả gọi tới để tìm kiếm thêm thông tin về địa điểm du lịch lý tưởng ấy. Rất ít người nhận ra rằng, tất cả các địa danh của đảo quốc đều được đặt tên theo các thuật ngữ của ngành in ấn. Trò chơi khăm này thành công đến nỗi hàng thập kỷ sau, độc giả vẫn hào hứng chờ đợi xem năm nay tờ báo cho họ "ăn" tin giả nào.

3. Cầu thủ bóng chày huyền thoại Sidd Finch

"Danh thủ" Siddfinch.

Trong ấn bản tháng 4/1985, tạp chí Sports Illustrated đăng một bài báo về một cầu thủ mới đầu quân cho đội bóng Mets. Tên anh ta là Sidd Finch và anh có khả năng ném một quả bóng chày với vận tốc xấp xỉ 270 km/h (vận tốc thường chỉ khoảng 100 km/h). Bất ngờ nhất là trước đó, Sidd Finch chưa hề chơi bóng chày. Thay vào đó, anh ta khổ luyện "nghệ thuật ném" tại một ngôi chùa Tây Tạng, dưới sự hướng dẫn của "đại thi tiên Lama Milaraspa".

Cổ động viên của đội Mets hỉ hả ăn mừng sự may mắn kỳ diệu khi tìm được cầu thủ tài năng nhường ấy. Tờ Sports Illustrated sau đó tràn ngập thư của độc giả đề nghị cung cấp thêm thông tin. Nhưng trên thực tế, vận động viên huyền thoại Sidd Finch chỉ tồn tại trong óc tưởng tượng của người viết bài báo, phóng viên George Plimpton.

4. Chuông tự do Taco

Năm 1996, hãng Taco Bell tuyên bố đã mua được chiếc "Chuông tự do" từ chính phủ Mỹ và đặt lại tên cho nó là "Chuông tự do Taco". Ngay sau đó, hàng trăm công dân Mỹ đã giận dữ đổ tới công viên Lịch sử Quốc gia ở Philadelphia, nơi trưng bày quả chuông, để bày tỏ sự phẫn nộ của họ.

Cơn tức giận của công chúng chỉ dịu đi khi hãng Taco Bell "bật mí" đó chỉ là trò Cá tháng tư, vài giờ sau. Tuy nhiên, đỉnh điểm của trò đùa lại bắt đầu khi Mike McCurry, thư ký báo chí của Nhà Trắng, thừa nhận không những đã bán "Chuông tự do" cho Taco Bell mà còn bán cả đài tưởng niệm Lincoln cho một công ty khác.

5. Nixon tái tranh cử

Năm 1992, chương trình Talk of the Nation của đài phát thanh National Public thông báo, Richard Nixon, trong một động thái đáng ngạc nhiên, đã ra tranh cử một lần nữa. Khẩu hiệu mới của ông ta là: "Tôi đã và sẽ không làm gì sai trái". Theo sau bản tin là một đoạn ghi âm tiếng Nixon đọc diễn văn tranh cử.

Thính giả đáp lại bản tin bằng thái độ giận dữ, liên tục gọi điện tới đài để thể hiện sự công phẫn. Phải tới phần sau của chương trình, người dẫn John Hockenberry mới tiết lộ, thông tin đó chỉ là trò đùa. Giọng của Nixon là do nghệ sĩ hài kịch Rich Little thủ diễn.

6. Thú dũi băng đầu nóng

Thú dũi băng.

Số báo ra ngày 1/4/1985 của tạp chí Discovery công bố, Tiến sĩ sinh học khả kính Aprile Pazzo đã khám phá ra loài sinh vật mới tại Nam Cực: loài thú đầu nóng khoan nước đá. Loài thú đặc biệt này có những vẩy cứng ở đầu có khả năng trở nên nóng bỏng nhờ được nối với nhiều mạch máu, cho phép con vật dũi qua nước đá với tốc độ cao. Nó sử dụng khả năng này để săn chim cánh cụt, làm chảy băng ở dưới con mồi khiến con chim tụt xuống hố rồi ăn thịt. Sau nhiều nghiên cứu, Tiến sĩ Pazzo cho rằng, có thể loài sinh vật này đã gây nên sự mất tích của nhà thám hiểm Nam Cực nổi tiếng Philippe Poisson năm 1837. Tờ báo trích đăng ý kiến của vị tiến sĩ: "Hẳn là, trong mắt loài thú dũi băng, ông ta trông giống một con chim cánh cụt".

Tờ Discovery nhận được thư hỏi về bài báo này nhiều hơn bất cứ tin tức nào đăng tải trước đó.

7. Đĩa bay hạ cánh tại London

Ngày 31/3/1989, hàng ngàn người lái ôtô trên đường cao tốc ngoại ô London ngửa mặt lên trời dõi theo một vật thể bay hình chiếc đĩa tỏa sáng đang hạ cánh xuống thành phố của họ. Nhiều người đậu xe vào lề đường để quan sát vật thể bay đáng sợ trôi trong không khí. Cuối cùng, đĩa bay hạ xuống và người dân ngay lập tức gọi cảnh sát, báo về một cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh. Những nhân viên công lực lập tức có mặt và một cảnh sát can đảm tiến tới gần vật thể bay, tay lăm lăm dùi cui. Khi cửa đĩa bay bật mở, một thân hình nhỏ bé trong bộ đồ bay màu bạc hiện ra, viên cảnh sát ù té chạy về hướng ngược lại.

Chiếc đĩa bay hóa ra là một khinh khí cầu dùng hơi nóng được cố tình thiết kế có dạng UFO. Tác giả của nó là Richard Branson, 36 tuổi. Tác phẩm của anh là một kết hợp giữa sự đam mê chơi khinh khí cầu với tính thích đùa. Anh dự định sẽ cho khí cầu hạ cánh vào đúng ngày 1/4 tại công viên Hyde Park của London nhưng gió đã thổi không như ý, buộc anh phải hạ cánh sớm một ngày và không đúng địa điểm.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Bài tập về nhà

Hôm ấy tôi về nhà sớm hơn thường lệ. Dimka, con trai tôi, đang ngồi học bài. Trông nó có vẻ rất lúng túng.

- Gay go lắm hả? - tôi nhận xét - Này, con có biết hồi xưa bố học hành như thế nào không?

- Con đã nghe bố kể rồi - Dimka nói - Bố học cực giỏi, toàn được điểm cao nhất! Nhưng nếu bố thông minh như thế, bố hãy giải giúp con bài đại số với.

- Đại số? - Tôi ngạc nhiên - Con mới học lớp một mà đã có bài tập đại số?

- Phát triển tăng tốc mà bố! - Dimka nói, giọng ông cụ non - Trẻ con bây giờ phát triển sớm lắm, các thầy cô giáo bảo thế.

Một giờ sau, không cho Dimka biết, tôi gọi điện cho một người quen của tôi là tiến sĩ toán - lý.

- Vassya - Tôi nói, giọng tha thiết - Cậu có thông thạo môn đại số lớp một không?

- Gì cơ? - Vassya hỏi lại.

- Cậu có giải được bài toán đại số của học sinh lớp 1 không?

- Thế này nhé! - Cậu tiến sĩ nói - Tớ đồng ý trên nguyên tắc đổi ngang nhau. Tớ sẽ giúp cậu giải bài toán lớp một, còn cậu giúp tớ làm một bài thơ cho lớp hai.

- Sao lại bài thơ? - Tôi không hiểu.

- Chuyện bình thường ấy mà. Svetka con gái tớ đang học lớp hai.. Nó phải làm 24 đoạn thơ 4 câu với đề tài là "Cây thông cô đơn của Lermontov". Cậu rõ chưa? Vị chi là 80 câu thơ có vần điệu nghiêm chỉnh.

- Gượm đã - Tôi ngạc nhiên - Bài thơ của Lermontov cũng chỉ có 8 đoạn thôi mà!

- Thời Lermontov là tận thế kỷ XIX, phải dễ hơn chứ - Vị tiến sĩ buông tiếng thở dài.

Tôi ngồi làm đến câu thơ thứ 11 thì tắc tị, chọn mãi không được từ nào vần với từ "tình yêu". Tôi nghĩ tới từ "liêu xiêu", lại nghĩ cả đến từ rõ ràng không dùng được là "nói điêu".

Nhà thơ Petia bạn tôi vui vẻ bằng lòng giúp đỡ tôi - về đề tài này, cậu ta đã công bố 2 trường ca, 7 bài thơ và 1 kịch bản cho ballet. Nhưng điều kiện đặt ra thì không đơn giản chút nào: Giúp Ghenka, con trai cậu ta đang học lớp ba vẽ bức tranh "trận chiến đấu ở Mamai".

Tôi tìm số điện thoại của xưởng vẽ. Ở đó, tôi có anh bạn họa sĩ chuyên vẽ cảnh chiến trận.

Anh bạn họa sĩ đang gặp khó khăn. Cô giáo môn sinh vật lớp 3 yêu cầu đứa con cậu ta phải làm một loạt thí nghiệm với con amip, mà cậu ta lùng sục khắp thành phố vẫn không kiếm được con nào.

- Thế này nhé: cậu kiếm cho tớ con amíp, tớ vẽ cho cậu bức tranh trận chiến ở Mamai. Đồng ý chưa? - Cậu họa sĩ rên rỉ.

Giáo sư sinh vật học Siemion, bạn tôi, đang ngủ thì bị tôi dựng dậy.

- Cậu điên à? - Siemion gắt lên - Lại đi hỏi tôi về loài amíp tí tẹo trong khi tôi chuyên về loài voi. Mà này, thằng Volodia nhà tôi học lớp 4, thầy giáo môn vật lý giao cho nhiệm vụ thiết kế một chiếc máy đồng pha loại nhỏ, khoảng 2.000 electron-volt. Cậu làm giúp tôi nhé. Còn tôi sẽ cố tìm con amíp cho cậu...

Các bạn ơi! Các bạn có quen ai thiết kế được máy đồng pha khoảng 2.000 electron-volt không? Đổi lại, tôi cũng sẽ làm giúp một bài tập nào đó các thầy cô giáo tiểu học giao cho con cái chúng ta. Trước kia, tôi học cực giỏi mà, toàn đạt điểm cao nhất thôi mà...

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Alibaba Cola

Sản xuất ra một chai nước ngọt không phải là khó. Theo công thức bình dân nhất, chỉ cần một chút nước lã, một chút đường, một chút phẩm màu và vài cái... chân ruồi là đảm bảo bạn có thể tung ra thị trường một loại nước bổ béo.

Việc đặt tên cho thứ hàng hóa thiết thân ấy lại càng dễ. Nếu như thiên hạ có Coca Cola, Pepsi Cola thì ta chỉ việc dán nhãn hiệu của mình là Titi Coca, Cucu Cola hoặc Rama Cola là đủ gây hấp dẫn.

Chính vì lẽ đó mà "liên hiệp xí nghiệp" của chú Tư béo đã mạnh dạn tung ra thị trường loại nước giải khát kiêm tăng lực "có ga, có bọt và có một số thứ khác". Tọa lạc trong một gara ôtô cũ, với dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại, liên doanh với Afghanistan, cơ sở của chú Tư đã sẵn sàng "xô" ra thị trường mỗi ngày hàng ngàn chai với nhãn hiệu đầy huyền thoại: Alibaba Cola! 

Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng thì chú Tư suýt ngã nhào khi phát hiện nước ngọt của mình còn thiếu một câu khẩu hiệu làm tiêu chí. Nếu Nokia là "Công nghệ mang tính nhân bản", còn Coca Cola là "Sành điệu", Pepsi là "Khát khao hơn" thì Alibaba Cola cần phải có tiêu chí gì?

Tiêu chí, đừng tưởng tầm thường! Nó tuy vẻn vẹn mấy câu nhưng là sản phẩm của bộ óc hàng triệu con người đúc kết lại trong hàng trăm năm. Nó chứa đựng sức mạnh, niềm tin và cả khả năng bảo hành. Nó là một hợp đồng đã ký với bệnh viện nếu khi uống nước vào, ta phải đi cấp cứu, là lời thì thầm khi ta gọi tên người yêu. Thiên hạ đồn rằng trong một lễ cưới, cô dâu với chú rể sánh vai nhau, tuyên bố đây là "Hôn nhân kiểu Úc". Sau đó, khi phút quyết định tới, thay vì trao nhẫn, chú rể lại trao một chai bia cho... mẹ vợ và hạ giọng: "Chỉ có thể là Heineken". Tóm lại, tiêu chí là hơi thở của sản phẩm cũng như của người bán sản phẩm.

Là một thương nhân lăn lộn nhiều năm trên thị trường, chú Tư biết rằng phải nghĩ ra cho Alibaba Cola một câu gì cực kỳ độc đáo. Nó phải thể hiện tính cạnh tranh, tính chợ búa, tính văn học, tính âm nhạc, tính điện ảnh và tính gây "sốc". Đặc điểm cuối cùng này, theo chú Tư, là quyết định nhất. Gây "sốc" sẽ làm cho người tiêu dùng choáng váng, tê dại, mất hết khả năng kiểm soát lý trí và túi tiền, khiến họ nhanh chóng móc tiền ra mua nước giải khát dù nửa đêm và đang trên giường ngủ.

Chính vì lẽ đó, chú Tư đi kiếm một bà thầy bói, một ông thợ rèn, một nhà thơ, một anh hàng thịt và cuối cùng là một nhà biên kịch. Vốn không phải là loại chủ doanh nghiệp keo kiệt, chú Tư béo thuê một xe du lịch máy lạnh loại 12 chỗ ngồi cho cả "hội đồng sáng tác" đi Vũng Tàu ba ngày để lấy thực tế, sau đó còn thăm một xưởng sản xuất chảo gang và một trại giam tội phạm về kinh tế. Sau chuyến đi, toàn thể hội đồng họp ở nhà hàng Lông Voi bàn luận sôi nổi, tất nhiên là cuộc họp có mở rộng tới một số chuyên gia đầu ngành các sản phẩm bạn và có sự đóng góp chân tình của khoa cấp cứu bệnh viện. Cuối cùng, họ đưa ra mấy tiêu chí đệ trình chú Tư chọn:

- Alibaba Cola - Trong sáng đến khủng khiếp.

- Alibaba Cola - Uống hay là chết.

- Alibaba Cola - Nước mắt của quỷ.

- Alibaba Cola - Xuyên qua cổ họng!

- Alibaba Cola - Hạnh phúc còn xa.

Sau khi duyệt qua mười mấy phương án, chú TƯ béo thấy câu nào cũng đanh thép, có tính vệ sinh, tính giải khát và tính va đập. Thật là hoàn hảo. Tuy nhiên, mỗi nhãn hiệu chỉ có quyền mang một câu thôi. Vì vậy, cuối cùng, sau khi cắt dán, khâu và lắp ghép các câu và ý với nhau, sau khi tham khảo nhiều chuyên gia và Luật phòng cháy chữa cháy, Luật giao thông, chú Tư béo chọn câu: "Alibaba Cola - Uống vào kêu A - A - A - A...".

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Hội những người thích buồn

Sau khi "Hội những người thích cười " được cấp giấy phép hoạt động, một số vị thích buồn cảm thấy bị xã hội bỏ rơi liền ráo riết vận động thành lập hội để làm đối trọng.

Người đầu tiên xin vào hội là một phụ nữ trẻ xinh đẹp, vừa ly hôn. Cô ta rên rỉ với trưởng ban thành lập hội:

- Ôi! Buồn quá! Lão chồng nhà em bỏ đi mất mặt với con bồ ranh, chỉ còn em với con mèo khoang trong phòng trống trải. Không vào thì em đến chết héo mất.

Trưởng ban vận động nhăn nhó như chạm vào vết đau:

- Cô tưởng tôi vui lắm đấy phỏng? Hồi còn biên chế nhà nước, biết bao nhiêu đứa qua tay mình bồi dưỡng lên lương, lên chức, cuối cùng nó đẩy mình ra rìa. Buồn đến cháy gan cháy ruột. Cần phải cộng những nỗi buồn nhỏ thành những khối buồn lớn mới có sức mạnh mà đấu tranh vói những điều chướng tai gai mắt. Cô có bằng cử nhân kinh tế mà chưa xin được việc làm chứ gì. Tốt! Tôi bố trí cô làm chân thư ký.

Tiếp đến là một nhà thơ trẻ nổi lên như cồn với những tập thơ Nỗi buồn thiên niên kỷ, Buồn ơi, em ở đâu?, Sonne- buồn, Buồn vi mô... Trưởng ban vận động nhếch mép cười buồn:

- Cậu có năng khiếu buồn đấy nhưng không được tuyệt vọng, có thế mới hoạt đông cho hội được. Tớ đề bạt cậu làm trưởng ban tuyên truyền. Được chứ? Sau này có thể kiêm Tổng biên tập tờ báo Buồn ơi là buồn.

Một năm sau, số người vào hội vẫn lèo tèo không đủ cơ cấu một ban chấp hành, chưa nói đến thành lập các tiểu ban chuyên môn. Trưởng ban thở dài đánh thượt:

- Có lẽ phải hạ thấp tiêu chuẩn buồn mới mở rộng diện kết nạp hội viên được. Không lẽ để bọn thích cười làm mưa, làm gió. Trần gian là bể khổ. Chúng ta nhất định thắng!

Nhà thơ trẻ trầm ngâm suy nghĩ rồi hiến kế:

- Bây giờ buồn đích thực hiếm lắm. Nên chú ý phát triển tới số buồn rởm, không buồn cũng làm ra vẻ buồn, mốt mới mà. Em biết trong giới văn nghệ còn khối loại này. Mạnh dạn kết nạp họ rồi bồi dưỡng cho họ có đủ tiêu chuẩn buồn thật, anh ạ.

Cô thư ký đắm đuối nhìn nhà thơ trẻ như muốn cộng nỗi buồn của cả hai lại, vội vã nhất trí:

- Sáng kiến tuyệt vời! Em xin bổ sung một ý nhỏ: ngoài loại buồn rởm nên kéo theo vào hội những người buồn thay.

Trưởng ban quay lại nhìn vào khuôn mặt tươi trẻ nhiều lúc gây hậu quả tai hại, làm giảm năng lượng buồn của người lãnh đạo, hỏi:

- Đề nghị cô nói cụ thể?

- Dạ, cụ thể các bác thổi kèn đám ma.

Trưởng ban và nhà thơ cùng reo lên:

- Đúng đấy! Đúng đấy! Nếu lỡ ra có hội viên nào buồn quá mà sang thế giới bên kia, hội đỡ tiền thuê kèn trống.

Theo báo "Tuổi trẻ cười"

Ngày xuân dê nhận chức

Cỏ non xanh rợn chân trời 

Ngựa đà giẫm nát mất rồi còn đâu 

Nhận chức dê rất buồn rầu 

Rau xanh thuốc chuột, thuốc sâu mập mờ 

Rừng già chặt phá lơ thơ 

U Minh lửa cháy chỏng chơ hố hầm 

Voi lồng lộn hại của dân 

Giao thông xe cộ tàu đâm mấy lần 

Biển trào gió lộng sóng thần 

Cá nóc độc dân lành cứ xơi 

Lại còn chó ngộ nơi nơi 

Biết bao công việc ở đời phải lo.

Buôn lậu tham nhũng lắm trò 

Háo sắc lại cứ đổ cho dê này 

Họp bàn dê quyết định ngay 

Diệt chuột thì có thuốc này vi sinh 

Yêu nhau phải thật chung tình 

Nuôi con sữa mẹ đẹp xinh con người 

Rừng vàng biển bạc ta ơi 

Trồng nhiều cỏ lại tận trời xanh lên.

Dê chúc Tết dê

Lẳng lặng mà nghe dê chúc nhau

Chúc cho quý bác được nhanh giàu 

Rút tiền nhà nước cho vào túi 

Quý bác ăn rồi quý em sau

Lẳng lặng mà nghe dê thầm thì 

Phong bì đóng sẵn vô tư đi 

Cái nghề buôn lậu ăn lớn lắm 

Toàn ô dù xịn chả sợ chi

Lẳng lặng mà nghe dê nhỏ to 

Có gì đáng kể mà phải lo 

Mình xin ít… tỷ nuôi con cháu 

Mai mốt về hưu đỡ… lo èo!

Lẳng lặng mà nghe dê gật gù 

Ăn rồi lau mép vẫn thiên thu 

Giả vờ giả vịt khi bị khảo 

Cùng lắm thì ta giở bài… xù!

Lẳng lặng mà nghe dê dặn nhau 

Món gì gặm được phải gặm mau 

Thảo sẵn tờ đơn xin từ chức 

Kẻo Quý Mùi sang dễ lìa đầu.

Ngựa - Dê đàm đạo

Ngựa: Này Dê, hãy để cho tôi ở lại thêm một năm nữa được không? Dê: Với cá nhân tôi thì anh có thể ở cả giáp cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng anh có biết anh ở thêm một năm nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra ở thế gian này không?

- Thì có thêm một năm Nhâm Ngọ nữa. Anh và mọi người sẽ được sống thêm một năm mà lại chẳng phải thêm tuổi nào. Nghĩa là chẳng ai già đi cả. Như vậy năm Nhâm Ngọ lần này sẽ dài 24 tháng.

- Sống như thế cũng coi như là chết.

- Ơ hay cái anh Dê, được sống thêm một năm nữa mà là chết à?

- Nếu thêm một năm Nhâm Ngọ nữa thì coi như thời gian không chuyển động. Nụ hoa vẫn cứ là nụ hoa, người mang thai vẫn cứ tiếp tục mang thai, kẻ đáng phải chết vẫn cứ được sống. Đời sống lúc đó chẳng có thay đổi gì, như vậy chẳng phải sống mà như chết à.

- Nhưng tôi tiếc những cánh đồng cỏ tươi non quá.

- Nếu sống chỉ để ăn thêm mấy bó cỏ thì sống làm gì. Như thế đâu phải là Ngựa.

- Vậy một con ngựa phải như thế nào?

- Một con ngựa chỉ thực sự là một con ngựa khi nó hí vang như chuông và phi như bay trên đường thiên lý.

- Tôi không thích lãng mạn. Tôi thích thêm nhà, thêm đất chứ không thích đôi cánh mọc hai bên sườn. Còn sứ mệnh của một con dê như anh là gì? Chẳng quan chỉ là món tiết canh và món lẩu mà thôi.

- Đấy là cái nhìn của con mắt thực dụng. Nhưng món lẩu dê còn được chứ món lẩu nghệ thuật thì mới kinh hãi. Còn sứ mệnh của dê là cống hiến niềm vui cho người khác. Nói theo cách của các nhà thơ thì đó là sự hy sinh. Anh thấy có bao giờ người ta làm món tiết canh ngựa không? Nhưng nói cho thật đúng thì sứ mệnh của dê phải thật sự là dê.

- Tôi thấy dân mình đi ăn thịt chó nhiều hơn ăn thịt dê. Nhưng tại sao vẫn có câu "Treo đầu dê bán thịt chó". Như vậy các giá trị đều bị đảo lộn?

- Dân ta nói thế là để chỉ bọn nói một đằng làm một nẻo. Đó là những kẻ luôn lên giọng dạy đời nhưng lại sống phi nhân cách. Nhưng thực tế thịt chó ngon hơn thịt dê nhiều.

- Nếu có kiếp sau thì anh chọn làm dê hay làm chó?

- Dê hay chó hay ngựa thì cũng chỉ là cái tên cho xã hội thôi. Điều quan trọng là dê không phải là chó và chó không phải là ngựa.

- Nếu một con chó đội lốt dê thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Thì nhiều người sẽ bị chết vì bệnh dại. Vì sẽ không ai đi tiêm vắcxin khi bị dê cắn cả. Nghĩa là không ai cảnh giác với một con dê. Người ta thường chết vì cả tin.

- Còn nếu một con dê đội lốt chó?

- Sẽ dọa được những kẻ yếu bóng vía, nếu nó không có ý định sủa.

- Tại sao họ nhà dê các anh lại có râu nhỉ?

- Vì chúng tôi không có cái mặt như anh.

- Cứ 12 năm anh lại xuống trần gian một lần, anh thấy có lâu quá không?

- Không lâu không chóng. Vì đó là quy luật.

- Nếu cho anh ở lại thêm một năm nữa, anh có vui không?

- Không vui không buồn, đây là nghĩa vụ. Tôi đến đúng lúc và ra đi đúng lúc. Có hai năm Quý Mùi liên tiếp cũng khủng khiếp như có hai năm Nhâm Ngọ.

- Năm 2003 là năm của dê, nếu tôi mượn anh một năm anh thấy thế nào?

- Tôi sẽ cho anh mượn nhưng thật tồi tệ nếu anh biến thành kẻ khác. Anh thấy trên thế giới có rất nhiều bức tượng ngựa tuyệt vời. Trong khi đó chẳng ai tạc tượng dê bao giờ. Họ nhà dê chúng tôi cũng khao khát được dựng tượng. Nhưng chúng tôi không ghen tị và chúng tôi hiểu mình là ai. Chúng tôi biết nên đứng ở đâu. Thật hài hước khi thấy một vị tướng cưỡi dê đứng giữa vườn hoa. Dê không có khả năng làm người mẫu. Nếu có kẻ nào định dựng tượng chúng tôi thì có lẽ chúng sẽ đặt chúng tôi trong phòng mát-xa.

- Anh có thấy đau đớn vì ý nghĩ này không?

- Tôi chỉ đau đớn vì một điều là: người ta đã biến biểu tượng của một sức sống thành một hình ảnh xấu của môn đạo đức học.

- Nếu tôi được ở lại thêm một năm nữa thì có biến thành dê cũng chẳng sao.

- Có điều anh không thể biến thành dê mà chỉ có thể biến thành một con lừa.

- Vậy thì tôi phải ra đi ư?

- Đấy là quy luật và anh đừng cưỡng lại quy luật. Anh sẽ mắc tội làm xã hội chậm tiến. Nếu anh có ở lại thì cúng chẳng ai chào đón anh. Vì có hai năm Nhâm Ngọ liền thì không có năm mới. Đó chỉ là sự kéo dài cái cũ. Lúc đó năm mới chỉ là ngày đầu tiên của tháng 13 mà thôi.

- Thực sự là tôi nuối tiếc thế gian. Nhưng những điều anh nói thật đúng. Tôi cầm lòng ra đi vậy.

- Hãy ra đi đúng lúc. Nếu anh ở lại thêm một ngày anh sẽ thành một thứ khác.

Tết con dê

Chém cha cái tết con dê

Chồi non lộc biếc bốn bề tả tơi 

Dê già quen thói ăn chơi 

Tiền chùa thoải mái dê cười chào xuân.

***

Tuổi mùi tâm sự…

Sinh ra đã “nhận” chính danh… Dê!

Dẫu mấy tu thân khó liệu bề… 

Miệng lưỡi trần gian: chông - mác nhọn

Ngôn từ thiên hạ: sắc gươm - lê.

Kìa Thìn lắm đứa tài chui rúc 

Nọ Hợi nhiều tên giỏi rủ rê…!

Muôn nỗi… xin đừng căn cứ giáp 

Rằng Dê, tôi chẳng chút nào… dê…!

***

Thư ký sếp làm thơ 

Sếp tôi là thuộc nhóm máu… dê

Thấy thư ký đẹp cứ nhăm nhe, 

Nay ăn, mai uống, đi khách sạn.

Đô đỏ đô xanh, lúc xuống xe

Bụng ỏng thôi rồi ôm con nhé, 

Thấy bị dối lừa mắt đỏ hoe

Ôi, sếp của tôi là như vậy, 

Bị còng số 8 hết be be.

Hạ giới một giờ không có... thuốc

Nhân dịp cuối năm, trên đường đi kinh lý ở cõi Trời, Dược Sư Lão Tổ - vị thần được Thượng Đế giao cho cai quản toàn bộ thuốc men ở hạ giới - ghé mắt xuống quả địa cầu bé nhỏ của chúng ta. Nhìn cảnh người xe tấp nập, ngài nảy ý định xin phép ông Trời cho nghỉ một ngày để đi du lịch.

Sau một phút đắn đo, không kịp bàn với Lão Bà, Dược Sư Lão Tổ liền nhanh chóng đến gõ cửa Đức Thượng Đế tối cao và rằng: "Muôn tâu bệ hạ, từ tạo thiên lập địa đến bây giờ, qua ngót mấy chục triệu năm, kẻ hạ thần này đảm nhận trọng trách không một chút suy suyển. Dám xin Đức Thượng Đế cho hạ thần nghỉ phép một ngày để xuống hồng trần hưởng thú đi du lịch. Vắng mặt thần chỉ một ngày, chắc sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Đến như Thái Thượng Lão Quân cũng còn được nghỉ luyện kim đơn. Huống hồ mấy năm gần đây, cơ quan y tế có nhiều tiến bộ, sức khỏe của hạ giới được cải thiện, việc của thần cũng nhẹ hẳn đi". Trước thỉnh cầu tha thiết của viên thần linh trợ lý vốn tài năng mẫn cán, Thượng Đế đã chuẩn tấu.

Được phép, Dược Sư Lão Tổ vội bay về sơn động lôi ngay Lão Bà trực chỉ xuống dương gian. Ngay từ đó, giang sơn thuốc do ngài cai quản tạm biến mất. Vợ chồng Lão Tổ hóa trang thành hai dược sĩ đã về hưu, thong dong đi thăm quan phong cảnh. Vừa nhìn thấy tấm bảng to tướng "Nhà thuốc A", hai ông bà định bước vào nhưng hóa ra cửa đóng then cài, ngay ở cửa treo lủng lẳng tấm biển "Nghỉ một ngày, mai mới mở cửa". Cố nhìn vào cửa kính, thấy tủ và quầy đều trống trơn, chẳng có dấu vết bất cứ hộp thuốc nào. Trên hè, một đám đông tụ tập, kẻ mang túi, người cầm đơn thuốc, cùng một tiếng kêu như nhau: "Sao lại thế này, đóng hết cửa sao?". Hai ông bà không tin, len lỏi suốt con phố dài, nhưng tất cả các nhà thuốc đều đóng cửa im ỉm, phía trước là những đám đông đang la lối. Đi xa hơn cũng vẫn một cảnh tượng, nhà thuốc không hoạt động, có phá cửa đi vào cũng không thấy thuốc.

Bỗng nghe ré lên tiếng trẻ con khóc. Một đứa trẻ cùng cha mẹ đi chơi vừa chạy ra khỏi nhà đã vấp ngã, đầu gối trầy trụa, máu me đỏ lòm. Vợ sai chồng: "Anh vào tủ thuốc lấy bông băng, thuốc sát trùng". Chồng trở ra giận dữ: "Chẳng có gì hết, ai đó dọn sạch cả rồi". Vợ chồng đành mang con vào vòi nước rửa sạch vết thương rồi dùng khăn tay tạm băng lại.

Ở đằng xa, một phụ nữ hét lên: "Trời ơi, con sốt ho thế này mà từ sáng đến giờ không mua đâu được viên thuốc". Rồi một tiếng đàn ông la: "Đi vào bệnh viện, ở đó có thuốc, mau lên!". Cả đoàn người ùn ùn chạy vào mấy bệnh viện gần đó. Cửa mở, phía trong đã có một đám đông nhao nhác. Trên thềm bệnh viện, vị giám đốc đang cùng bộ tham mưu của mình giải thích: "Bà con bình tĩnh, xin thông cảm. Một chuyện kỳ lạ đang xảy ra. Ở khắp nơi trong bệnh viện của chúng tôi, từ các khoa phòng cho tới khu dược, ai đó đã lẻn vào vét hết thuốc. Không còn một lọ thuốc, vỉ thuốc hay một viên thuốc nào. Cũng không còn một cuộn băng, một gói bông hay ống tiêm. Không còn bất cứ thứ gì. Chúng tôi đã liên hệ với các bệnh viện trong thành phố, đến tận trung ương nhưng đâu đâu cũng vậy, mọi nơi đều trống rỗng. Nguy vô cùng, bó tay rồi, kinh khủng quá. Không còn cách nào để chữa bệnh”.

Đám đông ồ lên kinh ngạc: "Ngành y tế chịu để vậy sao?". Lúc này, họ gần như muốn xông lên phá vỡ bệnh viện. Bỗng có tiếng còi hú cùng một tiếng kêu: "Xê ra, để chỗ cho xe cấp cứu vào". Một tai nạn giao thông, mấy người cần cấp cứu. Trên xe những dụng cụ tối cần vẫn luôn có sẵn cũng biến mất cả... Vang vọng khắp nơi, trong từng gia đình, trên hè phố, tại bệnh viện, người ta kêu lên: "Chúng tôi cần thuốc".

Đang len lỏi trong đám đông, Lão Bà bấm ông ra ngoài nói nhỏ: "Ông thấy chưa, muôn sự tại ông, cứ ham vui bỏ việc, làm cả nhân loại điêu đứng vì thuốc, sắp chết đến nơi. Đi về ngay thôi". Ông miễn cưỡng: "Ai biết đâu". Nói vậy nhưng ông cũng phục thiện. Vù một cái, hai ông bà đã trở lại vị trí Dược Sư Lão Tổ oai vệ và Lão Bà Phu nhân. Họ đã cấp tốc đến nhiệm sở sau một giờ vắng mặt. Và thế là giang sơn thuốc của ngài lấy lại được nét kỳ vĩ từng ngự trị hàng chục triệu năm qua.

Dược Sư Lão Tổ hóm hỉnh liếc về nơi vừa du ngoạn. Tình hình trở lại bình thường. Tiếng huyên náo từ cõi hồng trần lọt đến tai ngài: "Có thuốc rồi, chúng ta sống rồi". Và các bệnh viện lại tăng cường hoạt động như thường ngày. Các nhà thuốc mở cửa, tủ quầy đầy ắp thuốc, người ra vào tấp nập. Trên đường phố, dòng người hớn hở vui xuân. Lão Tổ nở nụ cười khoan khoái: "May quá, chỉ đi có một giờ. Nếu đi một ngày thì sinh loạn".

Thế mới biết, niềm vui của thần linh là mãi mãi lúc nào cũng phải làm việc để nhân loại vui tươi, sung sướng và hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: