Nói với con
Đề bài: Đọc thơ Y Phương, người ta dễ bị hút hồn bởi bản sắc vùng cao rất riêng và đậm đà. Hãy làm rõ "bản sắc vùng cao" ấy trong bài thơ "Nói với con" .
Lưu ý:
- Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
- Vì bài này tớ phân tích kỹ lưỡng hơn. Có thể tham khảo riêng phần phân tích để làm theo đề bài "Phân tích tác phẩm NVC" chứ không nhất thiết theo dạng lý luận văn học này.
- Độ dài: 2644 từ.
Bài làm
Paustovsky đã từng nói: "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người mở đường đến với xứ sở của cái đẹp". Đúng vậy, nguồn cảm hứng dồi dào từ cuộc sống muôn hình vạn trạng của các tác giả đã được tường minh trau chuốt thành câu từ khéo léo, đẹp đẽ. "Nói với con" - một bài thơ đắt giá của nhà thơ người Tày Y Phương đã hoàn toàn dẫn người đọc chìm đắm vào xứ sở của cái đẹp. Đó là con đường dẫn đến cái đẹp của hồn thơ mộc mạc, của ngôn từ chất phác, của cảm xúc, giọng điệu. Đặc biệt hơn thảy, ắt hẳn khi đọc thơ Y Phương, người ta sẽ dễ bị hút hồn bởi vẻ đẹp của bản sắc vùng cao rất riêng và rất mực đậm đà.
Giữa lúc cả xã hội đang chìm trong thời kỳ gian nan, thiếu thốn, Y Phương đã để dòng cảm xúc sục sôi trong từng thớ da, tấc thịt, truyền đến đầu ngón tay cầm bút. Từ đầu ngọn bút ấy, ông thoải mái tuôn trào dòng tâm sự với con gái, thật tự nhiên, thật ấm áp nhưng cũng là lời nói với chính bản thân mình và là thông điệp gửi đến mọi người. Trong giai đoạn khó khăn ấy, ông dường như phải hoàn toàn đặt niềm tin vào giá trị trường tồn của văn hoá và bản sắc dân tộc, bản sắc vùng cao - quê hương của nhà thơ Y Phương. "Bản sắc vùng cao" mà ông một lòng tin tưởng để làm điểm tựa trong cuộc sống là những yếu tố tốt lành, đẹp đẽ tạo nên tính riêng biệt, đặc trưng nơi rừng núi hoang dã. Khi bản sắc ấy chan chứa trong từng nét thơ, đó lại là những gì rất căn bản, rất riêng, rất rõ. "Bản sắc vùng cao" trong thơ Y Phương là các chi tiết cô đọng được sắc thái, sắc màu tình cảm, phong tục của con người nơi cao nguyên xanh ngát mây trời. "Bản sắc vùng cao" trong thơ Y Phương là những điểm nhấn đậm đà ẩn chứa trong ngôn ngữ giản dị, hình ảnh rõ nét, giọng điệu chân chất và cả cảm xúc cùng lối tư duy rất khác, rất riêng.
Yếu tố văn hoá, dân tộc vùng cao ấy đã được Y Phương thể hiện một cách mạnh mẽ trong bài thơ "Nói với con". Miền núi là quê hương, là nguồn cội của tác giả. Vì thế, tiếng vang của từng lát cắt ý nghĩa ngôn từ đều thật chân thành, đơn sơ và vang dội cái đẹp của vùng cao:
"Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười."
Ngay từ bốn câu thơ đầu tiên, Y Phương - một người cha trong gia đình đã mở ra trước mắt độc giả hình ảnh gia đình đầm ấm trong một không gian đầy sự ngọt ngào, hạnh phúc. Đó là bức hoạ của vòng tay êm đềm, dịu dàng của bậc cha mẹ luôn dang rộng sẵn sàng đón chờ bước chân chập chững của con nhỏ đi đến, sà vào lòng mình. Đó là bức hoạ tràn ngập tiếng nói cười ríu rít, vô tư, hồn nhiên, sáng trong của trẻ thơ. Điệp ngữ "bước tới" và động từ "chạm" làm cho bài thơ tưởng chừng như chỉ là lời kể nhưng thực chất là dấu ấn, là điểm sáng cho mái ấm gia đình thân thương. Từ "chạm" được sử dụng rất tự nhiên và khéo léo qua đầu ngọn bút trơn tru của Y Phương. Đằng sau tiếng cười vô hình ấy chính là mục đích tác giả muốn hướng đến - cụ thể hoá, hữu hình hóa niềm vui, sự phấn khởi của các thành viên gia đình khi ở bên nhau. Những câu thơ tựa như những lời kể, thật bình dị mà thật ấm lòng, cho ta một ý nghĩa lớn lao rằng: mái ấm gia đình chính là cái nôi, là khởi điểm, là sự nâng niu, vỗ về của mỗi con người ta. Đó là một mái ấm, là cội nguồn vô cùng quí giá.
Với ngôn từ giàu chất thơ bay bổng và sắc thái văn hoá, cuộc sống lao động của "người đồng mình" đã được gợi lên qua các hình ảnh đẹp, đậm màu sắc dân tộc:
"Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát"
Đối với Y Phương, những hình ảnh này có lẽ đã rất gần gũi, thân quen. Do đó khi viết thơ, ông đã hoàn toàn dễ dàng đem bức tranh từ ngoài đời thực ấy vào trong ý thơ bằng lối diễn đạt của người vùng cao bình dị, mộc mạc. Nhà thơ người Tày này có cách gọi hết sức độc đáo: "người đồng mình" - một cách gọi như một âm hưởng vui tươi, thân thương, một âm hưởng gắn kết những con người trên cùng một mảnh đất lạ xích lại gần thân mật với nhau hơn. Câu thơ đơn giản nhưng rất giàu tính biểu tượng, khái quát về cuộc sống dân tộc vùng cao. Dụng cụ lao động để bắt cá thường nhật, dưới bàn tay điệu nghệ của người Tày và dưới ngòi bút cứng cáp của Y Phương, nó cũng có thể trở thành một vật dụng mang tính nghệ thuật. Trong căn nhà nhỏ lúc nào cũng tràn ngập lời ca tiếng hát: "vách nhà ken câu hát" - vách nhà khi ấy đâu phải chỉ đan bằng gỗ mà còn được kết bằng những câu hát ngọt ngào, ấm áp. Đó còn là vách nhà để đôi trai gái dựa vào nhau trao ca từ lãng mạn. Từ đó, vách nhà không còn đơn giản là vách đá vách tre mà đã trở thành một chủ thể văn hoá giàu sức biểu cảm và thân thuộc nơi núi cao bạt ngàn.
Quê hương thơ mộng và rừng núi giàu đẹp, nghĩa tình được thể hiện qua hai câu thơ tiếp theo:
"Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng"
Có thể nói rằng, ngôn từ, nghệ thuật, lối diễn đạt trong thơ của Y Phương là rất mực độc đáo. Nếu như hỏi đến bất kì người nào khác về vẻ đẹp hay nét nổi bật ở vùng miền núi, chắc hẳn họ sẽ nhớ đến cảnh núi rừng trù phú, ruộng bậc thang xanh mướt hay các cao nguyên rộn rã tiếng của vạn loài chim muông. Nhưng đối với Y Phương, ông chọn cho kiệt tác của mình duy chỉ có một điểm nhấn. Đó là "hoa" - một hình ảnh rất quen nhưng vẫn thật lạ khi là cảnh quan mà tác giả muốn đặc trưng cho vùng cao. Nhà thơ Y Phương tất nhiên biết rằng chỉ một thanh âm "hoa" kiều diễm ấy cũng có đủ sức gợi lớn và tinh tuý, đẹp đẽ nhất. Đấy có thể là loài hoa thực - muôn vàn loài hoa đủ màu sắc thắm của rừng rậm thiên nhiên. Tuy nhiên, khi từ "hoa" được đặt trong một dòng thơ chỉ có ba tiếng súc tích ở "Nói với con", đó lại là một giá trị thẩm mỹ cao cả đối với người dân nơi đây. Chính những gì cốt lõi, xinh đẹp, quý báu nhất đã được tác giả một lòng thả vào thơ để khẳng định rằng: ý chí cao đẹp, trái tim ấm nồng và tấm lòng tử tế của con người vùng núi cao ấy đã được hun đúc lên từ những điều đáng quí, đẹp đẽ nhất. Đó chính là bản sắc của những mảnh hồn, mảnh tình chân thật, chất phác vùng cao nồng đượm này.
Lối tư duy, suy nghĩ, mường tượng đậm chất người miền núi đi kèm là nghệ thuật diễn đạt ngôn ngữ chắc khoẻ, khoáng đạt, Y Phương đã lấy cái cụ thể để làm thước đo miêu tả cái trừu tượng. Trước hết, đoạn thơ bắt đầu bằng dòng cảm xúc và tình yêu thương xót xa:
"Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc"
Cái trừu tượng ở đây là nỗi buồn và chí lớn. Nhà thơ lấy thước đo của "núi cao sông dài" nơi trập trùng đồi núi để đo cho cảm xúc dồi dào và ý chí lớn lao của con người giàu tình thương và nội tâm nơi đây. "Cao đo", "Xa nuôi" mang nét nghĩa chỉ tầm vóc, kích cỡ của bản lĩnh sống đẹp, khát khao sức mạnh của dân tộc Tày và cả con người Việt Nam. "Người đồng mình" dẫu có sống vất vả, khó khăn thì bản chất tâm hồn, tấm lòng và con người vẫn một mực mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ theo tháng năm cùng nhau gắn bó. Những hình ảnh cụ thể của thiên nhiên là "sông, suối, thác, ghềnh" đã được Y Phương dùng với tính chất tượng trưng cho cực nhọc, gian truân, cho cái đói cái nghèo cái khó bao trùm cuộc sống. Tuy nhiên, từ những thử thách khổ cực ấy đã rèn luyện cho người dân chí hướng, chí khí, nâng cao tâm thế đẹp để trụ vững giữa muôn vàn sóng mạnh gió lớn. Điệp từ "sống" và cách nói thiết tha "vẫn muốn" thể hiện rõ tâm nguyện của người cha về một lẽ sống cao thượng và sức sống cũng phải thật dai dẳng, chắc bền.
"Người đồng mình thô sơ da thịt" nhưng vẫn thật kiêu hãnh, vẫn giữ nguyên sức mạnh về niềm tin và khát vọng được góp sức sống cho đời:
"Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục"
Cuộc sống là gian khổ, nghèo đói, sống là chịu cảnh lam lũ, thiếu cơm ăn áo mặc. Tuy thế, ý chí và lòng kiên cường của con người dân tộc vùng cao nơi này không bao giờ chịu khuất phục, vẫn luôn có một tâm thế, luôn hăng hái tiến về phía trước. "Đá" được nhắc lại hai lần trong bài thơ biểu tượng cho sự khó nhằn nhưng đồng thời ấy là khí phách cứng cỏi, hiên ngang. Việc "đục đá" là khó nhưng nhờ có nghị lực phi thường, tinh thần kiên trì, kiên gan từ đó việc vun đắp, xây cao, làm rạng danh quê hương mới hoá thành sự thật. Chính những đức tính tuyệt vời, bản sắc dân tộc nơi này mới tạo nên phong tục tập quán tốt đẹp. Vẻ đẹp từ tinh thần đến sức mạnh, ý nghĩ tự lực tự cường không bao giờ nao núng đã làm cho vẻ đẹp của người dân vùng cao ngày càng trở nên hữu hình, mỹ mãn. Nhờ có tài sức phi thường, lớn lao, con người họ mới dám vươn đến biển rộng mây ngàn, khi đó, người cha khép lại bài thơ bằng vài dòng tâm sự ngắn ngủi nhưng lại thật kiên gan nghiêm nghị:
"Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con."
Lời cuối cùng của "Nói với con" càng trở nên thắm thiết, cảm tình trong lời dặn dò, khuyên răn trìu mên của một người cha với con gái của mình. Lời thủ thỉ, nhắn nhủ ấy tuy điềm đạm, dịu dàng nhưng nét nghĩa lại vô cùng rắn rỏi, chắc nịch. Y Phương để lại dấu ấn cuối cùng trong lòng độc giả chính là hình ảnh khi người con cất bước lên đường vào đời. Chỉ với một tâm ý duy nhất, ông mong cho con dẫu có gặp bất trắc, khó khăn thì cũng không được yếu mềm, nhỏ bé. Tương lai còn rộng và dài, đường đời cũng chẳng bao giờ là hẹp, vì thế tư thế hiên ngang giữa đời của con tựa một "người đồng mình" là vô cùng quan yếu. Câu thơ hai tiếng cuối cùng khép lại bài thơ hai tám dòng tuy ngắn nhưng lại hàm súc, mộc mạc, chất phác . Trước thiên hạ, trước cuộc đời, ta không bao giờ được cúi mình, không bao giờ được phép sống tầm thường mà phải biết giữ lấy phẩm chất cao đẹp vốn có của người dân vùng cao quê mình dẫu có đi đến bất kỳ nơi nào khác. Hai tiếng "nghe con" chấm dứt cũng là lúc lời khuyên răn của người cha được lưu giữ lại. Âm hưởng thánh thót, hiền lành, chuẩn mực lại mãi vang dội trong lòng người đọc về tấm lòng người cha bao la biển dài sông rộng. Âm hưởng ấy cũng giữ chặt lấy cái cao, cái quý, cái đẹp nằm trọn trong bản sắc vùng cao nhuần nhuyễn vào câu chữ vần điệu. Đó là âm hưởng vừa đằm thắm, thơ mộng, vừa rắn rỏi, chắc nịch, vừa sáng trong, chất phác, vừa sâu sắc, trầm lắng. Tất cả âm hưởng đa sắc đa màu ấy hoà quện lại tạo nên bản sắc vùng cao đậm đà khó phai và sức hấp dẫn cuốn hút của toàn bài thơ.
"Nói với con" như tâm nguyện, tiếng lòng, hy vọng của Y Phương. Song, tác phẩm còn là hơi thở sống còn, là khúc ruột bền bỉ, là linh hồn đức độ, là dòng máu sục sôi và là da thịt rắn chắc của người con đất rừng núi. Nhà thơ lấy chính vùng cao trù phú là nguồn cội, là mạch máu để cất lên lời thơ gan góc, lúc sâu lắng trầm tư, lúc sôi nổi nhiệt huyết. Đó cũng là nguồn tiếp sức cho con gái nhỏ, cho đồng bào một đạo lý, lẽ sống hay sống đẹp và niềm tin dai dẳng vào bản sắc, văn hoá dân tộc. Ẩn sâu trong từng lớp ngôn từ bình dị là những tầng ý nghĩa lớn lao và tư tưởng cao cả đầy tính nhân văn. Chính vì thế "Nói với con" của tác giả Y Phương là một tác phẩm rất thành công, rất mẫu mực về cả nội dung tinh túy và diện mạo, thanh âm, hình ảnh gần gũi, độc đáo. Đây thực sự là một tuyệt tác đặc sắc khi từng lời thơ không còn đơn thuần là lời tâm sự thủ thỉ của người cha nói với con gái mà nó còn bước lên một bậc cao mới, một phong cách mới để vượt ra khỏi phạm vi mái ấm gia đình. Từ đó "Nói với con" trở thành lời ca tiếng hát vang vọng, lúc trầm lúc bổng của tình yêu thương và niềm tự hào về quê hương, về bản sắc vùng cao đáng quý của mình.
Đọc thơ Y Phương người ta dễ bị hút hồn bởi bản sắc vùng cao rất riêng và đậm đà. Ông chắc hẳn là phải yêu, phải nhớ và đã đắm chìm trong nguồn cội sinh dưỡng, non núi quê mình thì mới có thể tích luỹ những gì tinh tuý nhất để đem con người đặc trưng nơi ấy vào tác phẩm "Nói với con" một cách hoàn hảo như thế. "Bản sắc vùng cao" rất riêng nhưng rất thực đã được đặt từng lát cắt ngôn từ đều tự nhiên và phong phú, tựa như cuộc sống miền núi hoàn toàn trượt ra khỏi ngòi bút và hiện lên trước mắt độc giả vậy.
Hết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top