Cô bé chạy việc (1)
- Chú này. Thế con ra ngoài làm chút việc vặt thì sao?
- À... hả, con bé này tính đi lập nghiệp luôn sao. Đã bao giờ nhóc chịu mó tay mó chân vào cái gì đâu?
- Đi mà chú...
- Thế muốn làm cái gì đây nào? Đủ thứ việc chỗ tôi cho cô làm, nhưng mà nhọc thì cũng nhọc lắm đấy.
- Cái gì con cũng xơi được tất. Đi....
- Chân bưng bê - được lắm, nhưng sợ con vụng tay vụng chân lại luýnh quýnh loắng quắng là hỏng hết công chuyện?
- Được thôi, chú thách con đúng không nào.
- 200 thực khách một ngày?
À chờ đã nào, thế này có phải hơi quá sức không? Con bé có vẻ lúng túng phần nào trước con số kia, bỗng đứng trơ mắt ếch ra mà chẳng biết nói gì tiếp đây. Trong khi đó, ông chú lại như mở cờ trong bụng, bởi lại được một phen dạy cho cô cháu quý hóa làm việc. Đã 16, 17 tuổi xuân rồi chứ còn ít gì đâu - không làm bây giờ là muộn, với cả ra ngoài người ta lại quý con gái có việc làm hơn là có bạn trai....
Cô nhóc vẫn còn trong tuổi đến trường, nhưng đã lớn tướng ra rồi - dẫu cho có không đi kiếm tiền ngay thì cũng phải giữ lấy được chút ít kinh nghiệm cho mình sau này chứ. Nếu giờ không tập làm thì chắc sau chẳng còn lấy nổi cơ hội mà tập tành. Dù gì "việc vặt" nó cũng thực nghiệm hơn là mấy cái sách vở?
Nhưng trước hết, việc nhà đã!
Cô nhóc giờ phải tập giữ cho bếp núc, nhà cửa, chỗ ăn ngủ, vệ sinh sạch sẽ như yêu cầu của ông chú - coi như là tập huấn trước khi vào làm. Không công, tất nhiên rồi.
Chỗ ngủ là nơi đầu tiên. Cô bé ấy phải hiểu được rằng mọi thứ đều có chỗ của nó, vậy nghĩa là sách vở trên giá, quần áo trong tủ, gối chăn trên giường và cái gì nên nằm đâu thì phải ở đó. Điều này khá bực mình, vì theo cái lẽ sáng tạo của riêng mình, cô cho rằng quần áo cũng có thế nằm trên giường, sách vở cũng thế - giống hệt như người, hay gối cũng dùng để đệm lưng trên ghế mỗi khi học, và nó có thể ở chỗ đó bao lâu là tùy vào chủ phòng. Nhưng không chỉ có như vậy, căn phòng ấy lại có những sợi dây mắc chi chít hai bên tường, toàn là những bức ảnh hồi bé - ai lại gỡ đi những kỉ niệm đẹp cơ chứ. Lại còn tác phẩm "quạt vệ sinh" trên trần nữa - mấy mảnh giấy mỏng tang dài loằng ngoằng lơ lừng ở rìa quạt đã giúp cho căn phòng luôn trông thật thoáng mát và "ưa nhìn" - theo như quan điểm của nhà sáng tạo ấy.
"Căn phòng nào cũng sẽ đẹp hơn, nếu như nhà thiết kế hay chính người ở nghĩ ra sáng kiến đó."
Thế rồi, ông chú phải kéo cái con bé cứng đầu lạ lùng này ra khỏi phòng - kẻ đang chống cự quyết liệt như thể người ta đang làm hỏng những "công trình nghệ thuật" của cô, tính cả đống giấy nháp xấu xí đã được dán lại và tạo hình thành một thứ "phi nghệ thuật" trông cũng xấu xí không kém thành phẩm tạo nên nó. Trong lúc con bé đang lăn lộn khóc lóc thì ông chú vừa tìm cách dứt mấy mảnh giấy vệ sinh dính trên rìa quạt trần (không hiểu bằng cách nào mà con bé có thể dán được?!?!?), vừa thắc mắc liệu xem cái hình thù "phi nghệ thuật" bằng giấy nháp kia có đang nhìn mình không.
Căn phòng sau một hồi được hai chú cháu "tu sửa" đã khoác lên mình một vẻ sạch sẽ, thoáng mát mặc dù "sặc mùi phân biệt": sách vở và quần áo không thể cùng nằm trên giường như con người mà sách phải nằm trên giá, còn áo quần phải chui rúc trong tủ. Nghĩ đến đó, cô bé thầm thương mấy quyển sách và đống quần áo, mà cũng phải ngậm ngùi - tất cả vì công việc lặt vặt kia, sau khi có việc rồi sẽ quay lại giải thoát cho chúng khỏi "ách phân biệt bất công" kia.
Căn bếp trông luộm thuộm sau một bữa tối linh đình, nhiều calo cũng được dọn rửa chu đáo. Con bé lóng ngóng cầm chổi đã có chú dạy cho cách quét và hót rác vào thùng, rửa bát mà vỡ đã có chú hỗ trợ băng bó nếu có sứt sát, chỉ dạy cho cách làm đúng và chỉ trong chốc lát, con bé từ một tay hậu đậu, vụng về có tiếng đã lột xác thành một chuyên gia trong nữ công gia chánh - sau một ngày làm cả đống công việc linh tinh trong nhà - từ dọn giường ngủ đến làm bít tết đúng điệu.
Uể oải bước về phòng ngủ - giờ trông còn chẳng giống phòng mình, con bé nằm lả ra trên giường, tay mở hộp nhấc lên chiếc ảnh của một cặp vợ chồng và người thanh niên trẻ - một tấm ảnh được chụp từ lâu mà không hề có dấu hiệu thời gian, trông như được bảo quản kĩ lưỡng, cẩn thận, và với cả một trái tim - có những dòng thơ viết nắn nót sau ảnh:
Như những vì sao sáng đêm nay
Hai người dạo chơi giữa biển trời
Linh hồn nào đâu có thể chết?
Chỉ đang lưu lạc chốn biển khơi
Cô bé đau đáu nhìn tấm ảnh. Run rẩy và đơn côi. Ngoài chú ra, cô chẳng còn ai. Nếu giờ chú ấy cũng đi mất - mãi mãi, thì cô biết phải làm sao, phải sống như thế nào. Cô phải giữ lấy chú, cô muốn giữ lấy chú, cô không được để mất chú lần nào nữa. Không bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ rời xa chú ấy cả. Làm mấy việc kia để chú tự hào về mình, rồi chú sẽ không rời bỏ mình đi đâu, mình sẽ níu chân chú lại - dẫu cho có không phải mãi mãi thì cũng sẽ lâu nhất có thể. Cô bé vật lộn với suy nghĩ ấy cả đêm. Nó cứ đay nghiến cô, bóp nghẹt lấy tâm trí, nuốt chửng mọi hi vọng và ý nghĩ tốt đẹp, nỗi sợ thầm kín ấy - "chú ấy rồi cũng sẽ đi, như bọn họ..."
Người chú bị đánh thức bởi những tiếng kêu thất thanh lúc nửa đêm. Ông lao vội ra khỏi giường, mở vội cánh cửa phòng cô cháu. Con bé đang gặp ác mộng, cứ lăn lộn trên giường và gào thét, nước mắt cô thấm đẫm cả chiếc gối ôm, thi thoảng người lại co cụm lại như thể đang chống chọi lại điều gì. Ông nâng người con bé dậy, lay mạnh và con bé mở mắt ra, bàng hoàng sau cơn mộng kinh khủng, nước mắt vẫn cứ rơi, còn giọng thì run rẩy.
- Sao không con?
- Ơ, chú.
- Tội nghiệp. Ngủ mơ gì mà khủng khiếp thế?
- Con......
- Được rồi, vậy đã ổn chưa?
- Dạ....
- Hai người họ đi cũng lâu rồi. Đừng cố tự trách mình nữa, đâu phải con gây ra chuyện.
Con bé vẫn cứ rơi nước mắt, không hiểu vì sao, và cứ tưởng như nó sẽ rấm rứt khóc. Nhưng cũng chỉ có vậy, nhỏ quẹt đi và bình tĩnh trở lại. Đây cũng đâu phải lần đầu.
- Thôi vậy chú về phòng.... Ông chú khẽ xoay người đi.
Con bé vẫn kéo tay chú mình lại.
- Thôi thì chú ở đây vậy.
Ông chú đặt mình xuống chiếc ghế cạnh cửa phòng. Con bé nhìn chú mình, với một sự biết ơn vô bờ, và thiu thiu chìm vào giấc ngủ.
- Khổ thân, hai người kia đã đi mấy năm rồi. Bao nhiêu đêm thế này....
Ông khẽ tiến đến gần, và xoa nhẹ mái tóc cô bé. Xong, ông đứng nhìn nó một lúc và trở về phòng.
Buổi bình minh. Tiếng chim hót xuyên qua những kẽ lá. Mùi súp cá ngừ nóng hổi tỏa ra khắp căn bếp. Ông chú lọ mọ kiếm chút muối ớt trên các kệ tủ. Con bé mơ màng bước xuống căn bếp, đôi mắt còn đỏ hoe. Nó ngáp ngắn ngáp dài một hồi, rồi tiến tới bàn ăn.
Ở nhà bên, tay nhạc sĩ lại đang chơi những điệu nhạc piano của ngày mới.
Hai chú cháu đèo nhau đi đến nhà hàng, trên con xe đạp cũ.
- Cháu không hề biết cá ngừ đắt hơn một chiếc ôtô đấy.
- Ta đã bao giờ nói mình là một người tiêu tiền khôn ngoan chưa nhỉ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top