Tùy hứng
CHƯƠNG IV: KHẮC HỌA.
Nhận được tin hắn đồng ý giúp đỡ từ chú Hải, Đỗ Hình Cảnh mừng hơn bắt được vàng. Nếu có sự giúp đỡ của Tiến sĩ tâm lý học trẻ tuổi nổi tiếng nhất hiện nay quả thật là điều trong mơ. Ban đầu anh cũng chỉ mong một vị chuyên gia bình thường, không ngờ lại là học trò xuất sắc nhất của Giáo sư Mai Thanh Trúc - Tiến sĩ Lâm Nhật Minh.
Cái tên này chính là giấc mộng đẹp của bao người, có sắc có tiền, có học vấn.
Năm hai chín tuổi với hai luận án" Tâm Lý Kẻ Biến Thái" và "Thao Túng" xuất sắc khiến cả giới tâm lý học kinh ngạc, anh ta đã lên các trang nhất báo lớn suốt một thời gian dài, muốn không nhớ mặt cũng khó.
Chỉ là đầu năm nay báo Thông Tin Kinh Tế Và Thị Trường đã nói về việc người này tiếp quản gia sản, rút khỏi chuyên ngành tâm lý học.
Chú Hải trâu bò thật! Ông tổ như vậy cũng mời đến được!
Thật quá mong chờ!
*
Lâm Nhật Minh ngồi xoay bút, tay lật giở tư liệu vụ án.
A! Sợ Hãi– Khoái Cảm– Thăng Hoa.
Lần đầu tiên ngoài ý muốn, con người thường sợ hãi. Nhưng chỉ cần bước qua vật cản tâm lý ấy, dư vị khoái cảm như thuốc phiện ngấm dần vào máu, thôi thúc ta tìm kiếm con mồi khác để rồi thăng hoa trong từng suy nghĩ và hành động. Như một kẻ mới vào nghề cầu toàn với tác phẩm của mình, chúng luôn muốn tạo nên kiệt tác, trở thành một nghệ nhân.
Kẻ này luôn cắt tỉa móng gọn gàng sau khi hạ sát nạn nhân. Có lẽ trong vụ án đầu tiên, đứa trẻ đã phản kháng dẫn đến trong móng tay lưu lại tế bào da của hung thủ. Sang nạn nhân thứ hai hành động đã chuyển hoá thành sự cầu toàn, bởi thay vì cắt cụt sát thịt, các móng tay nạn nhân được cắt với một độ dài đồng nhất.
Có tính khiêu chiến, bởi loại ham muốn này sẽ còn lớn dần theo thời gian.
So với cái gọi là "công lý", hắn càng hứng thú với sự chuyển biến tâm lý con người hơn. Ôi, đó là một mê cung đầy hoặc nhân, đầy tăm tối,và, cũng đầy kích thích!
***
Cúc hôm nay bị sốt cao, nhưng mẹ cô bé không ở nhà. Loặng quặng đứng dậy, cô bé vất vả rót cốc nước uống thuốc. Hôm nay là ngày thứ năm đứa em gái song sinh của cô bé mất tích. Mẹ cô bé nghiện đề nặng, hôm qua bà mới thắng đậm tổng mười và ba càng được hai mươi bốn triệu, giờ chắc nhậu nhẹt ở đâu rồi.
Hôm nào cũng thế, mười tám giờ ba mươi là khoảng thời gian tra tấn của hai chị em, nếu mẹ thắng, hai bé sẽ được một bữa mì tôm trứng với hộp sữa chia nhau, còn thua thì sẽ bị phát tiết no đòn.
Hai chị em thường ra chợ nhặt nhạnh các vỏ chai vỏ lon bán kiếm chút tiền. Các cô các bác ngoài chợ tốt bụng lắm, thi thoảng cho hai chị em cái bánh cái kẹo, lúc buôn bán tốt cũng cho một hai chục nghìn tiêu vặt hay là mấy bà lão bán nước sẽ dọn mấy chai lon phân riêng ra các túi cho. Cúc khác với em mình, cô bé trưởng thành trước tuổi, có sự chín chắn đáng nhẽ không nên xuất hiện ở tuổi này, Cúc biết ai thật lòng, ai có ý đồ không tốt với chị em cô bé. Em cô nhóc, cái Diệp, lại ngô nghê ai cũng tin khiến cô bé lắm lúc thấy phiền phức, nhưng con bé là người thân duy nhất của Cúc, khi cô bé buồn hay giận, con bé sẽ dúi vào tay chị nó cái kẹo chẳng biết chảy nước từ bao giờ, tay quệt ngang cái mũi thò lò mà cười tươi.
Năm ngày trước, lúc bốn rưỡi chiều mẹ có bảo cái Diệp đi đưa tờ đề ra cho chủ đề ghi, cũng từ lúc đấy, không thấy con bé về. Mẹ thì bà ta lầm bầm mắng con bé là đồ ăn hại, còn Cúc chẳng hiểu sao nóng hết cả ruột gan, nửa đêm lại phát sốt đến tận giờ. Liên tiếp mấy ngày trúng lớn, bà ta cười không khép nổi miệng mà hoàn toàn quên đứa con út mấy ngày không tin tức.
Chỉ vì hai chị em không đứa nào là con trai nên bà ta mới vậy. Nghe bà ta chì chiết, Cúc cũng hiểu phần nào. Chẳng qua ngày xưa bà ta ỷ chút tư sắc muốn chui vào nhà giàu mà ăn kem trước cổng, kết quả là con gái nên gia đình họ liền ném cho ít tiền để phá. Bà ta không phá là vì sức khoẻ, mà nuôi hai chị em tận bây giờ chẳng qua cũng là bởi cái danh " hộ nghèo ", nếu không phải bên xã hội can thiệp thì làm gì có chuyện hai chị em được đi học.
Cúc uống mấy ngày thuốc mà cũng chẳng khá hơn, cô bé không phải chưa từng xin đi viện, mà là mẹ cô bé cho rằng ốm vặt, không cần tốn kém.
Cô bé như mọi ngày cố lết đi nhặt chai lọ, kết quả là mơ màng lại lạc lên tận xã trên rồi gục xuống giữa đường.
*******
Sắp xếp lại những tội phạm có tiền án tiền sự, hoàn toàn chẳng có một chút tiến triển, Trần Thị Quỳnh mệt nhoài tựa vào ghế nhựa. Ngày mai thôi là ba mươi Tết, cái chết của hai đứa nhỏ chẳng thể nào khiến sự vận động của xã hội dừng lại, có chăng cũng đã trở thành câu chuyện phiếm trong những cuộc nhậu cuối năm, hoặc lớn hơn chút là sự cảnh giác của các bậc phụ huynh dành cho con em mình.
Hoa đào trong chậu đã nở rộ, treo trên các cành là những thỏi vàng giả, lồng đèn nhỏ bằng nhựa đỏ rực; là những dây kim tuyến đang lấp lánh ánh sáng của dàn dây nhấp nháy. Ở dưới tầng một, tại sân giếng nhà hàng xóm, tiếng cười nói, í ới gọi nhau gói bánh chưng mổ lợn đánh tiết rộn ràng đã gợi cái không khí ấm áp của gia đình, xoa dịu sự buốt giá của những cơn gió đông nơi đất Bắc.
Quỳnh hơi chút chạnh lòng, vốn năm nay tính về quê ăn Tết, nhưng bây giờ lại vướng vụ án. Không giống như Trang và Thiện là người địa phương, cô là người ngoại tỉnh được cử công tác đến. Nhà neo người, mẹ cô cũng nhiều lần hỏi khi nào về, và khi cô xin lỗi vì không thể đón Tết cùng gia đình, giọng bà trùng xuống sầu sầu.
Thôi đi, đã chọn nghề này phải chấp nhận khó khăn của nó.
Màn hình máy tính lại sáng lên, tay cô gái lướt nhanh trên bàn phím.
***
Những năm bom Mỹ rải thảm miền Bắc, đâu đâu cũng là những hầm trú ẩn. Về sau, khi hoà bình lập lại, một số được dọn dẹp, một số được để nguyên như một chứng tích lịch sử.
Trên lớp màn chiếu trong lớp học là hình ảnh những ngôi nhà đổ nát hoang tàn, những cái xác la liệt, những người lính trẻ,... Tất cả những điều ấy là tư liệu trong môn Ngữ văn cho đề tài lòng yêu nước được cô Dần giảng kỹ trên Zoom. Sau Tết là thi, không thể lơ là được, nên dù hai chín Tết, cô giáo vẫn cố dành một tiếng buổi chiều giảng dạy.
Tâm gấp vở vào, vươn vai hít sâu. Thằng Đức vừa nhắn tin cậu qua nhà nó chơi, kể ra cậu có chút ngại. Nhà nó không xa nhưng ngõ vào ngoằn ngoèo như mê cung, xung quanh cũng có nhiều ngôi nhà chủ lâu nay không về mà định cư ở nơi khác dẫn đến bầu không khí âm u lạnh gáy. Trước thì không sao, nhưng từ lúc cậu biết khả năng của mình, sợ ảnh hưởng nó nên cũng ít đến hẳn. Vả lại, chú cũng nói trước khi cậu được cởi bỏ hoàn toàn phong ấn và học cách khống chế bản thân, nên hạn chế đến những nơi như thế.
..
Một nhóm học sinh chạy trên sân bóng cỏ nhân tạo của trấn, thằng Đức sút một quả ghi bàn vào lưới đội bên, thắng với tỷ số 3:1; Tâm nhảy vọt lên quàng cổ nó, nhéo gương mặt điển trai sau vận động đang đỏ bừng kia khiến cho nó khó chịu hất tay ra. Nó lấy gấu áo lau mồ hôi trên mặt, lúc cúi xuống thấy dây giày của cậu tuột ra từ bao giờ. Chẳng rõ nghĩ gì, nó lập tức quỳ xổm một chân buộc cho, miệng còn mắng:
- Mẹ mày, sao không ngã vỡ mặt rỗi, dây giày tuột thế này mà không biết buộc lại à!
- Thì đang đá hăng, ai để ý!
Nó vẫn xa xả một tràng không ngớt:
- Vậy thì lúc đầu buộc cho nó cẩn thận vào, ngã bị thương thì sao hả?
Buộc xong, nó đứng lên cốc đầu cậu một cái:
- Đi, tao đãi bữa phở cuốn, gọi điện xin phép bố mẹ mày đi.
Này! Cái gì thế? Hết chú yêu véo tai đã đành, giờ thằng bạn chí cốt cốc đầu cậu; giời ơi cho hỏi con bé lắm sao?
Nhưng mà do có ăn nên cho qua vậy.
Chuyện của cậu bố mẹ cũng biết rồi, nhưng họ không muốn cậu và chú ấy công khai vì cậu còn đang đi học nên thằng Đức cậu cũng chẳng dám nói.
Bố biết cậu đi với nó nên chỉ dặn nhớ về trước giờ hoàng đạo. Có thằng bạn thân nổi tiếng vừa ngoan vừa giỏi sướng thế đấy, đi đâu lôi nó theo là được, được cái cậu chỉ cần rủ thì chỉ cần không có việc riêng là nó đồng ý luôn.
Hai đứa xin phép hai bên gia đình xong xuôi là liền lóc cóc đạp xe ra quán ruột gần trường tiểu học thị trấn gọi mỗi đứa một đĩa bánh tráng cuốn vì bánh phở ra muộn quá hết rồi.
Thằng bạn cậu ngồi một chỗ thôi cũng có tá em xin in4, cũng có vài người tính xin cậu nhưng nó tri kỷ kéo hết mọi sự chú ý qua mình, thế là cậu chỉ ngồi ăn thôi, khỏi phải lo đối phó ong bướm xung quanh.
Đợi lúc các em gái về chỗ, cậu trêu chọc nó:
- Ôi, lớp trưởng Loan ở trong Nam không biết có biết ai kia được các em gái yêu thích vậy không nhỉ?
Tay nó khựng lại:
- Mày liên lạc được à?
Xem kìa, ghen rồi!
- Tao không, nhưng mà tao mới biết in4 của cậu ấy. Mày đấy, thích người ta không? Không thì tao tấn công nhé? Loan vừa xinh vừa dịu dàng, ai làm bạn trai người ta thích phải biết!
Thằng Đức lườm cậu:
- Tao dẫn mày ra đây để mày lải nhải đấy phải không?
Thằng Đức mà giận là dai lắm, cậu nhanh chóng xin lỗi, cắm đầu cắm cổ ăn suất của mình nhìn có chút buồn cười khiến nó vốn dĩ chẳng hề giận giờ càng không thể giận.
.
Sáng ngày ba mươi, mọi người nô nức đi chơi, xúng xính trong những bộ quần áo rực rỡ. Đâu đó trong các ngôi nhà, những bài hát như " Con Bướm Xuân","Xúc Xắc Xúc Xẻ ",... vang lên rộn rã cả không gian. Đây cũng là thời điểm các hàng quán ven đường tranh thủ kiếm chút tiền cho cuộc sống mưu sinh, tiếng rán xúc xích, cá viên chiên xèo xèo thơm nức mũi được bày bên cạnh những cốc xoài lắc cóc dầm, bánh tráng đủ món kích thích vị giác. Trong những sạp hàng đồ chơi, các cô cậu bé đắn đo suy nghĩ cô búp bê nào đẹp nhất, mô hình siêu nhân nào ngầu nhất,... Tất cả tạo nên một sức sống yên bình, ấm no của một vùng quê biển, chậm rãi đong đầy phù sa trên con đường vươn ra biển lớn.
Đi qua cầu C, Lâm Nhật Minh chợt cảm thấy kí ức ùa về. Khi hắn còn nhỏ, đất nước mới chỉ vừa bước vào đầu giai đoạn đang phát triển, những gia đình hồi ấy đủ ăn đủ tiêu là tốt lắm rồi, hắn lúc đó ở với ông bà nội. Ông nội là trưởng tộc một gia tộc vang tiếng trâm anh khi nhiều đời làm quan to lộc hậu. Trong kháng chiến, nhiều người trong tộc cũng tham gia; đồng thời với sự khôn khéo của cụ hắn, trong cuộc cải cách ruộng đất, mặc dù gia sản rất lớn nhưng cả vùng không một ai đấu tố, nhờ đó mà bảo vệ được một phần cơ ngơi gia tộc. Đến thời mở cửa kinh tế, cha mẹ hắn cùng tầm nhìn và nền móng vững chãi đã từng bước từng bước có cơ ngơi huy hoàng ngày hôm nay. Có thể nói, cả tuổi thơ thì ngoài tình thương của mẹ ra, hắn chưa từng thiếu thốn cái gì. Lúc nhỏ, hắn cũng cùng những người bạn chơi đánh khăng, con quay,...- những thứ mà những đứa trẻ khác trong tộc bị trói buộc bằng lễ nghi chỉ biết ao ước. Hắn cũng có một mối tình đơn phương khi còn niên thiếu, nhưng người ấy đã chuyển đi từ rất lâu, vị trí của người trong lòng hắn đến giờ vẫn vẹn nguyên.
Hắn lái xe hướng về trụ sở làm việc của phòng cảnh sát hình sự. Vốn định sau ngày giỗ của mẹ hắn sẽ về đây làm từ thiện như theo kế hoạch đã đề ra trước đó, nhưng hắn muốn tìm chút kích thích cho những ngày tẻ nhạt nên đến sớm hơn chút.
Để thể hiện sự tôn trọng và phép lịch sự, toàn đội đã đến đông đủ từ sớm để tiếp đón vị chuyên gia nổi tiếng này, ai ai cũng háo hức trừ Nguyễn Đức Hưng. Trong mắt ai không biết chứ trong mắt y, con người này chính là con rắn độc trong lớp vỏ bọc vô hại, lần đầu tiên gặp khi còn nhỏ, y đã cực kỳ ghét gã.
Đúng chín giờ, chiếc siêu xe thể thao McLaren F1 được lái vào cổng trụ sở, thu hút rất nhiều người ngưỡng mộ ao ước mà nhìn. Đều là dân mê tổ lái, y biết đây là một trong những con xe rẻ nhất mà hắn có.
Lâm Nhật Minh xuống xe, trong cánh tay áo sơ mi xanh lam phủ lên đường cong cơ tay, hắn lịch lãm giống như một vị vương giả đưa tay ra bắt tay Đỗ Hình Cảnh.
Nguyễn Đức Hưng chướng mắt kinh khủng, làm màu làm kịch, loại người này nhận việc giúp đỡ vì chính nghĩa hay vì ham muốn bản thân khỏi nói cũng biết.
Hắn nhận ra y, bắt chuyện:
- Ồ, Hưng đấy à em? Lâu rồi không gặp nhỉ?
Y tránh né cái bắt tay đấy, vô tình bắt gặp sự kinh ngạc thoáng qua trong mắt hắn khi nhìn về phía Thu Trang.
Thái độ quái gì thế?
Biết hắn tham gia vụ án, đám săn tin tức không quản lễ tết mà ùn kéo đến cổng trụ sở mong phỏng vấn chút gì đó, dù là đời tư của hắn cũng được.
Có thể nói, loại người mang trong mình ánh hào quang của kẻ chiến thắng dù đi đâu cũng thu hút chú ý.
Trong phòng họp, hắn cầm trên tay những tư liệu chi tiết, trước đó hắn cũng đã tìm hiểu, nhưng thông tin có hạn, chủ yếu là từ báo chí và giáo sư Mai Thanh Trúc cung cấp.
Hắn tựa người vào chiếc ghế gỗ khiến nó cảm giác không khác gì ngai vàng cao quý mà lật giở từng trang tư liệu, thi thoảng lại đưa tay nên nâng gọng kính viền vàng kiểu dáng tối giản.
Y ngứa hết cả con mắt. Làm màu! Có tật về mắt đâu mà suốt ngày đeo kính?
Xem kỹ tài liệu điều tra, hắn bước đầu phác họa được phần nào tính cách của hung thủ.
Thu mình, khó giao tiếp với người lớn nhưng dễ dàng bắt chuyện với trẻ nhỏ.
Là người cầu toàn, ám ảnh với sự hoàn hảo.
Ngành nghề liên quan đến trẻ em, có thể là thầy giáo, bảo vệ trường học, lao công trường, người bán hàng chỗ cổng trường hoặc văn phòng phẩm,...
Vụ thứ nhất có rất ít thông tin nên chủ yếu phán đoán của hắn dựa vào vụ thứ hai.
Hắn nhập tâm vào hung thủ, phỏng đoán sở dĩ hắn cho nạn nhân thứ hai đeo vòng tay có nội dung đó là đang ám chỉ đây là tác phẩm đầu tiên của bản thân.
Nhưng điều này lại dẫn đến một nghịch lý. Nếu vậy, tại sao hung thủ lại chôn nạn nhân tại bãi biển mà không phải theo một cách phức tạp hơn? Tay nạn nhân lộ ra là do sóng biển đánh cát tản ra hay là một sự cố ý để có người phát hiện? Hắn thiên về ý thứ hai hơn.
Kẻ này thích hưởng thụ quá trình xử lý con mồi, vậy hẳn ở vụ thứ hai hắn cắt móng tay của cô bé trước khi đóng đinh.
Hai vụ án là cùng một hung thủ. Lần đầu do ngoài ý muốn dẫn đến sợ hãi mà qua loa. Lần thứ hai cách lần thứ nhất rất gần, hắn cho rằng hung thủ muốn được chú ý hơn bởi chuyện lớn như vậy chắc chắn đi đâu cũng có thể nghe người ta bàn tán.
Như vậy có thể thấy đây là kẻ tự ti, không dám công khai thể hiện mình nhưng sâu thẳm vẫn khao khát được chú ý. Có thể khi đi học, gã bị bạo lực ngôn từ từ những bạn nữ cùng tuổi và mẹ mình dẫn đến khó tiếp xúc với phái nữ trưởng thành mà hướng dục vọng về các bé gái yếu ớt hơn. Đây cũng là một hành động trả thù cho những uất ức trong những năm tháng bị bạo lực tinh thần khi còn trên ghế nhà trường của gã. Không loại bỏ trường hợp trong đó có giáo viên, nhưng nếu gã là một thầy giáo thì tạm gạt yếu tố này sang một bên.
Ánh mắt hắn khôi phục tiêu cự, hướng về chỗ Thu Trang đang thì thầm to nhỏ với Hướng Thiện. Cảm giác thật khó chịu!
________________
Cúc tỉnh dậy trong trạm xá thị trấn Y, thấy trên tay là dây truyền kim bướm, con bé nhìn quanh xem ai là người đưa mình vào đây. Chưa đầy một lúc sau khi con bé tỉnh, một người đàn ông chạc bốn mươi bước vào phòng. Bác ấy đưa tay sờ trán, thấy ổn ổn mới hỏi nó:
- Bố mẹ cháu đâu? Sốt cao thế mà không đưa con đi viện, vô trách nhiệm quá đấy!
Con bé lùi lại, ánh mắt cảnh giác hướng về người đàn ông nọ. Người đàn ông cảm nhận sự đề phòng của con bé liền giới thiệu:
- Đừng sợ, bác là trạm trưởng trạm y tế thị trấn Y, người dân xung quanh phát hiện cháu ngất giữa đường nên đưa cháu vào, yên tâm.
- Nhà cháu nghèo lắm. – Con bé trả lời cho lý do không đi viện.
Sao có thể hiểu chuyện đến đau lòng vậy chứ? Con cái ốm đau, cũng chẳng phải nan y, làm cha làm mẹ dù chạy vạy cũng phải lo, làm gì có thể lấy lý do nghèo mà bỏ mặc.
- Cháu không có bảo hiểm y tế à?
- Có ạ, bên hộ nghèo họ đưa. – thấy việc này nói ra cũng chẳng sao, con bé thật thà đáp.
Đã có bảo hiểm mà không đưa đi, thể loại cha mẹ gì đây?
Lòng thương nổi lên, người trạm trưởng nói với con bé cứ yên tâm ở lại cho đến khi hết sốt, cô y tá đứng bên cũng bảo con bé muốn ăn gì thì nói cô tiếng cô mua cho.
Cúc chua xót, người ngoài đối với bé còn tốt hơn cả người gọi là "mẹ" kia. Giá có cái Diệp ở đây, cô bé sẽ ôm lấy con nhóc rồi tu lên một trận.
Cô bé cười tươi nói lời cảm ơn, gương mặt nhỏ nhắn với đôi mắt to tròn xiết bao đáng yêu.
.
Sau khi hắn nói ra suy nghĩ nghĩ của mình; Nguyễn Đức Hưng theo phản xạ mà vặn ngược lại:
- Dựa vào đâu mà anh cho rằng gã từng bị bạo lực ngôn từ khi còn trên ghế nhà trường bởi các bạn nữ và mẹ mình thay vì là thể chất do các bạn nam; đồng thời lại tạm gạt yếu tố tổn thương của gã là giáo viên sang một bên? Tại sao anh lại cho hắn cố ý để người ta phát hiện cái xác ở vụ thứ hai trong khi vụ thứ nhất chỉ là hoảng loạn?
Hắn ung dung nhấp chén trà nóng hổi; khoé môi, đuôi mắt và chân mày hơi nhếch lên trên một độ rất nhỏ khiến người ta cảm giác hắn không cần cười cũng có thể bỡn cợt đối phương, đáp:
- Như tôi đã nói với mọi người, gã là người tự ti, thu mình, có chút lập dị; kiểu người này thường né tránh các giao tiếp xã hội, đi học rồi về thẳng nhà nên thu hẹp lại đối tượng tiếp xúc nhiều với gã là các bạn trong lớp, thầy cô và người nhà. Gã sẽ thường ngồi lì trên lớp từ đầu cho đến cuối buổi học nên các bạn nam sẽ khó ra tay, cộng thêm việc về nhà thẳng nên khó mà chặn đường. Gã có xu hướng hướng dục vọng vào các bé gái như một hành động trả thù, cho thấy hắn căm ghét phái nữ. Nữ giới thường có xu hướng bạo lực tinh thần hơn bạo lực thể chất. Tiếp tục, trong các ngành nghề mà tôi nghi vấn có thầy giáo. Nếu là loại người thù dai này, đổi lại là mọi người thì mọi người có muốn làm không?Thế nên tôi mới nói tạm để trường hợp này sang một bên. Còn vấn đề thứ hai tôi nghĩ không ai ở đây nghĩ khác tôi đâu, phải không?
Tất cả im lặng như một cách trả lời. Để xóa bỏ bầu không khí xấu hổ này, Đỗ Hình Cảnh lên tiếng cảm ơn, tiễn hắn ra tận cửa xe.
Hướng Thiện vỗ vai y, đánh tiếng hỏi:
- Em có vẻ ghét anh ta nhỉ, sao hai người quen nhau thế?
Y chép miệng:
- Không phải ghét mà là cực kỳ ghét. Bà ngoại em với ông nội anh ta là anh em ruột cùng cha cùng mẹ.
Mẹ ơi! Thu Trang chấn kinh! Quen nhau hơn một năm, giờ mới biết em út của Đội là đại gia ngầm! Ai mà ngờ cái đứa sáng nào cũng đi Wawe Tàu là công tử chứ!
Hướng Thiện cũng tỏ vẻ khó chịu:
- Giỏi thì giỏi thật đấy! Nhưng mà cái cách anh ta cứ nhìn Trang với anh nó kiểu gì ấy, sợ cực.
Nói mới nhớ, anh ta biết chị Trang à? Sao cứ nhìn chằm chặp không buông thế nhỉ?
_________________
Tắm rửa sạch sẽ, Thiện ngồi trong bóng tối ôm đầu gối. Con người luôn ít nhất luôn có hai bộ mặt.
Khó chịu quá! Thật khó chịu quá!
Anh cắn chặt môi dưới, nếu giờ có ánh sáng, ta sẽ thấy gương mặt thanh tú đó tái nhợt không một giọt máu.
Trống rỗng lắm. Anh rất sợ ngủ mà không có thuốc. Không có nó, một giấc anh không thể quá ba tiếng, suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất. Tháng trước, bác sỹ đã khuyên anh ngừng sử dụng tùy tiện bởi có thể sẽ nghiện, nên ngừng trước khi quá muộn. Thuốc trầm cảm anh vẫn dùng thường xuyên, còn thuốc ngủ là mấy tháng gần đây. Ăn mật đắng quen rồi sẽ không sợ, nhưng đột ngột cho họ ăn mật ong rồi nói họ ngưng lại ăn tiếp mật đắng thì chẳng khác gì tra tấn cả. Mấy ngày nay, cơn ác mộng đấy quay lại hành hạ anh đến kiệt quệ linh hồn, vụ án giống như nút khởi động lại bộ phim ký ức mà anh đang cố phá hủy. Nước mắt chảy dài, anh không biết mình sẽ trụ được đến bao giờ. Anh biết mình không thể chết, bố mẹ khổ sở vì anh nhiều rồi, em gái còn quá nhỏ, và còn cô - những thứ anh không muốn buông.
Anh mở tủ định lấy thuốc thì thấy con dao rọc giấy, chắc em gái anh là cái Dương để quên lúc vào phòng anh để dùng nhờ máy tính tìm ý tưởng cho bài thủ công do điện thoại nó hỏng chưa sửa xong.
Cầm con dao lên, anh nhớ đến vụ án một học sinh lớp chín vì thất tình mà nhiều lần cắt cổ tay trên địa bàn. Trong nhật ký, cô bé đó viết rằng chỉ khi cắt từng nhát lên da thịt mới có thể quên đi mọi thứ.
Thật sự như vậy sao?
Đưa lưỡi dao bén ngọt lên cổ tay, anh định rạch một đường thì cửa phòng bị mở ra khiến anh giật mình, tay chỉ bị một đường rất nông.
Ánh Dương gọi anh nó xuống ăn cơm,nhờ ánh sáng hành lang hắt vào, thấy cổ tay anh chảy máu liền chết sững, may yếu tố tâm lý nó vững mà kịp lấy hộp sơ cứu để trên bàn xử lý vết thương. Mẹ nó làm bác sỹ nên trong nhà mỗi phòng đều có một hộp để ở nơi dễ lấy nhất đã là quy tắc.
- Anh hâm à? Tự nhiên cắt cổ tay! – Nó rối rít.
- Tại mày chứ ai, vào không xin phép làm tao giật cả mình!
- Thật không đấy? – Con bé nghi ngờ.
- Chẳng nhẽ anh mày tự nhiên đang yêu đời lại thần kinh đi tìm chết à?
Cũng có lý, từ lúc nó còn nhỏ đến giờ, có thấy ông anh chập điện của nó có bao giờ biết buồn là gì đâu.
Nhưng nếu giờ nó bật đèn, thấy gương mặt nhuộm đầy nước mắt kia, chắc chắn nó sẽ không nghĩ vậy.
- Anh nhanh xuống ăn cơm nhé! Tết tư đã không thể ở nhà thường xuyên, mỗi buổi tối cũng không xuống ăn cơm đúng bữa, ngất ra đấy còn à? Mà sao anh không bật đèn lên? Tối mù mù ý!
-Rồi rồi, bà cụ non ạ! Bà nói nhiều quá đấy!
Ánh Dương nhặt con dao lên, bước ra khỏi phòng anh.
Trong bữa cơm, Hướng Thiện ăn nhìn đến vui vẻ, tay áo dài che đi vết cắt. Miếng cơm trong miệng anh không có gì ngoài sự nhạt nhẽo. Không biết từ bao giờ, anh chẳng còn cảm nhận được thế nào là hương vị; giờ đây, anh ăn để sống, để mọi người an lòng. Những miếng thức ăn rõ ràng đã được nhai rất kỹ, ấy nhưng khi nuốt xuống lại nghẹn ở cổ họng, thật khó khăn để nuốt chúng. Anh cảm tưởng, đó không phải đồ ăn mà là những mảnh sành đang cứa vào thực quản, đau đến nghẹt thở.
-
Ông nội hắn ngày xưa từng đi lính trong thời kháng chiến, lại trưởng thành trong môi trường Nho giáo nên cực kỳ nghiêm khắc. Quãng thời gian ở cùng ông bà, hắn được tạo nếp sướng khổ đều quen, ném đâu cũng tồn tại được. Vì thế, việc ở trong một khách sạn bình thường đối với hắn không có gì khó cả.
Ở vùng quê biển mới trên đà phát triển này, việc tìm thấy một khách sạn năm sao là việc không thể. Dạo quanh một vòng, hắn nhận thấy nơi này có tiềm năng hái ra tiền nhưng chưa được khai thác hết. Hải sản tươi, đánh bắt trong ngày; tính từ HN không quá xa; nhiều nhà thờ, chùa chiền cổ phù hợp du lịch tâm linh. Tiếc là các hoạt động mang tính tự phát là chính, thiếu nhất quán nên không thể một sớm một chiều trở thành trọng điểm đầu tư được; rủi ro quá cao. Hi vọng tương lai sẽ tốt hơn.
Nhật Minh ngồi lên thành ban công, anh lắng nghe tiếng sóng rì rào nhẹ nhàng vỗ lên bờ cát vốn sẫm màu giờ gianh tối gianh sáng bởi đèn điện nhiều sắc màu từ các hàng quán ăn đêm, suy nghĩ vẩn vơ về một người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top