Phần 1: Thân thương vị Sài Gòn
VÌ SÀI GÒN LẮM VỊ...
*
* *
Những dòng này không hẳn là một bài chi tiết và riêng biệt – chúng nằm ở phần sau. Tôi chỉ viết như lời tựa ngẫu hứng cho vùng đất trù phú Ẩm thực mà tôi sắp ghé qua.
*
Mười sáu tuổi đời từng trải, không phải quả non mới tạo nên từ hoa, không phải quả chín nặng chuẩn bị rụng xuống, chẳng xanh cũng chẳng đến mùa, lập lờ ngưỡng trưởng thành và ngây thơ - nhưng đủ để tôi tin không có cái vị nào giống cái vị Sài Gòn.
Ngọt thanh. Cái ngọt nhân ái, thương người gây tê giác quan, lịm thấm vào sâu tận những ngóc ngách tế bào, ướp đường từng phân tử tí hon bé nhỏ mà làm dịu xúc cảm hăng nồng, oi nực của những hôi thối vị kỷ - ganh ghét – hờn ghen – đố kỵ - tranh chấp ngoài đời. Cái ngọt ấp ôm con người, trở thành bản tính hồn hậu, phóng khoáng, dễ gần dễ mến của đất Sài thành, nơi rải rác những quán cơm hai ngàn đắp lên cái đĩa trống huơ trống hoác đầy đủ thức ăn cho kẻ phiêu bạt, và những thùng trà đá miễn phí vỉa hè cứu khát khách xa lạ như bàn tay dịu dàng chìa ra giữa lửa nóng cuộc đời.
Mặn mà. Cái mặn không chan chát như đấm vào miệng, cũng chẳng khó ưa khó chịu, mà lại rất riêng, rất vừa, dường như đã gói ghém toàn bộ trong nó chất tình sóng sánh tràn trề của những giọt mồ hôi làm nên Sài thành bình dị, chút sương gió đầu mùa hoen hoen rải ngập những cánh đồng hoa mướt, trĩu, và thi thoảng xộc lên hơi muối từ biển gửi gắm qua dòng sông mang vị đại dương nhớ thương một Sài Gòn đất liền. Chút mặn trên thân con cá bạc lấp loáng, chút mặn của những đôi tình nhân nắm chặt tay nhau như sợ lạc giữa phố Nguyễn Huệ đông người, chút mặn trong câu chuyện xa xửa xa xưa, nơi những hàng ghế đá, những bàn cờ tướng các cụ già chiêm nghiệm cùng nhau: "Ông biết không? Sài Gòn độ tui mới lên chín, lên mười...".
Đắng nghét. Nhưng đắng như khổ qua rừng tôi thường chui tọt xuống gầm bàn trốn đi lúc nhỏ hay chạy tót lên phòng khóa trái cửa biểu tình lúc lớn hơn, khi mẹ tôi nằng nặc ép tôi đút một muỗng đầy ụ vào miệng thì không phải. Nó là cái đắng thường khiến con người ta rơi vào giữa lưng chừng vô ngôn tịch mịch. Cái đắng chập choạng đùa giỡn vô lo trên những mái nhà hoen gỉ, nơi có bà mẹ già nhẫn nại ngồi chờ con về bên mâm cơm nguội chỏng chơ, khô quắt. Cái đắng rơi ướt mèm đôi mắt hằn dấu chân chim người công nhân khốn khổ, ướt cả suy nghĩ một đời quanh quẩn của ông: "Đợt này tái cơ cấu công ty, lỡ mất việc làm, hổng biết tháng sau, năm sau có đủ tiền đóng cho con đi học?". Cái đắng vờn quanh khắp nẻo Sài thành, đậu nơi này một chút, nơi kia một chút, rồi reo lên như trẻ nhỏ, í, bên nọ hay hơn, qua bên bển liền, làm những ngả đường phồn hoa sáng trưng lại lọt thỏm lỗ chỗ đâu đó mảnh đời u sầu như nếp gấp bị lãng quên giữa bức tranh số phận.
Cay nóng. Cay đến chảy ròng ròng mồ hôi sũng nước chiếc áo blouse trắng của ba, khi ngày nào Người cũng phải chật vật ngược xuôi dưới cái nắng hanh ba sáu, ba bảy độ trong khuôn viên rộng đến nghẹt thở của bệnh viện, để chạy đôn chạy đáo, khẩn thiết đi giành giật sự sống người khác mỏng manh dần lìa đứt vào bàn tay Tử Thần. Cay đến xót xa cái ruột già ruột non còn hơn nhấm nháp vài chục miếng ớt sa tế rồi chà xát lên lòng, khi bất chợt ngó qua bản lưng còng còng, khum khum của cụ già vất vả gánh mớ hàng rong, oằn xuống đôi vai khi đèn đỏ vừa bật sáng, và trời chiều ngả màu hoàng hôn bỏng rát, đỏ rực. Vị cay đôi khi ẩn hiện trong cơn giận dữ bộc phát trước thời tiết thất thường, trong những tiếng còi xe giục đầy vội vã: "Sư bố mày, đi lẹ lên cho người khác còn đi!". Nhưng cũng nhờ vậy mà Sài Gòn mang đầy đủ màu sắc của một đô thị nhộn nhịp rất mới, rất trẻ, rất khó để lãng quên.
Chua chát. Chua trên gai lưỡi hay chua lặn trong lòng cũng không biết. Chua bởi lát chanh vắt vào tô hủ tíu ngoài phố thơm phức, nóng hôi hổi; bởi mảng kí ức nào loang lổ những trái, những quả xanh non cũ xưa chúng tôi túm tụm chia nhau chấm muối ăn; bởi tô canh cá lóc đậm đà má bày sẵn chan nước mắt buổi quây quần sum họp; hay vì một thoáng nhớ Sài Gòn day dứt, ám ảnh cũng không biết. Chỉ biết rằng cái chua rạo rực kéo dài, suốt mùa xuân xanh, mùa hạ vĩ cầm ngân nao nức, mùa thu lá nhạt bay vàng cả góc phố bỡ ngỡ, ngơ ngác, và tận cả đông ùa về mang cái lạnh se sắt vào thổi đầy tim. Người ta bảo Sài Gòn khác Hà Nội, Sài Gòn chỉ có hai mùa. Nhưng tôi tin bốn mùa của Sài Gòn vẫn được tính qua ngày, qua tháng, qua mảnh cứa thời gian, qua tâm hồn những công dân sống đủ yêu thương, đủ sâu và đủ chậm.
Ngọt. Mặn. Đắng. Cay. Chua.
Chúng không tách rời nhau hay tồn tại độc lập. Một con phố khuya lên đèn vội vã có thể chắp vá mảng kí ức tưởng ngọt ngào mà hóa ra chua chát. Một góc yên ả chốn đô thành lê la cà phê bệt rất đắng lại mằn mặn trong tiếng cười giòn tan nhóm sinh viên tươi trẻ giữa dòng người. Và hình như cái cay kia không đơn thuần đậu nhẹ trên chiếc lưỡi ẩm – nó đã rơi vào đen ngòm vết thương sâu hoắm trong hốc mắt hoen hoen rỏ lệ của bà mẹ già tảo tần vì con...
Sài Gòn nhiều vị quá! Đi xa cũng nhớ, về gần cũng nhớ. Nhớ tất cả tính từ vị giác có thể miêu tả Sài Gòn. Ẩm thực Sài Gòn không đứng riêng lẻ. Nó lồng vào đó những bóng người, những hoài niệm xa lơ xa lắc, cũ kĩ đến độ bám bụi, mà thương!
Tôi gõ những dòng này vào mãi tận khuya, âu cũng vì đêm mới đủ làm xúc tác mãnh liệt khơi gợi những mầm tình yêu dào dạt, và vì muốn sớm mai mang gần hơn những vị Sài thành mê đắm này đến tất cả người con đang sống giữa chốn đan xen phồn hoa – bình dị.
Lời mở đầu nho nhỏ cho Ẩm thực Sài Gòn.
27.06.2017.
*
Trân trọng gửi lời cảm ơn đến người chỉnh sửa và hoàn thiện: Mộc (@Moc_Tp)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top