tutuonghcm-chống quan liêu, tham nhũng
Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống quan liêu, tham nhũng
Ngày 30/1/2007. Cập nhật lúc 20h 41'
(ĐCSVN)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chỉ riêng về vấn đề phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng Hồ Chí Minh đã là cả một kho tàng, ở tầm chiến lược và ngày càng ngời sáng qua thực tiễn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Bệnh quan liêu hết sức nguy hiểm, những người nào, nhất là lãnh đạo mà mắc phải bệnh này thì "có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững". Nguy hiểm hơn, bệnh quan liêu "đã ấp ủ dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí"; có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu ; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Bệnh quan liêu tiếp tay cho những cán bộ kém, những người xấu thoả sức đục khoét ngân khố, tài sản quốc gia. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân. Thực chất, bệnh quan liêu không phải chỉ đơn thuần là sai lầm về tác phong, phương pháp công tác mà chính là một căn bệnh nguy hiểm, có quan hệ trước hết và chủ yếu đến lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng; có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và Nhà nước. Quan liêu đi liền với mệnh lệnh, cửa quyền, coi thường quần chúng, làm khó cho người... Nó làm "biến dạng" các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, làm cho những tổ chức đó vốn là cơ quan lãnh đạo, đại diện quyền lực và là đầy tớ của dân trở thành những tổ chức xa dân, đứng trên nhân dân, thoát ly thực tế, dẫn đến đề ra quyết định, chính sách, chủ trương công tác không sát, thậm chí sai lầm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ Đảng, Nhà nước và quần chúng. Quan liêu là mặt đối lập rất nghiêm trọng với dân chủ.
Ở nước ta bệnh tham ô, lãng phí đã len lỏi vào bộ máy của Đảng và Nhà nước ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Và cũng chính trong thời kỳ này, Bác Hồ đã đặt vấn đề chống tham ô, lãng phí như một nhiệm vụ cấp bách để làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước. Bác Hồ coi tham ô, lãng phí là bạn đồng minh của thực dân phong kiến, là kẻ thù của nhân dân và đấu tranh chống tham ô, lãng phí là đấu tranh chống "kẻ địch bên trong" - bên trong mỗi người cán bộ, đảng viên, bên trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Bác Hồ viết : "Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người" là "xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân"7.
Trong bài nói chuyện năm 1952 về "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu", Bác Hồ giải thích : Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: " ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế", "tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ". Chống loại kẻ địch này khó khăn, phức tạp hơn ngay cả so với đánh giặc ngoại xâm. Điều này phải được xem là một đặc thù, chi phối toàn bộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bác Hồ đã chỉ rõ : "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng". Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ... Trong khi "chiến sỹ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian mật thám". Về phương diện này, tệ tham nhũng đang là đồng minh của chiến lược "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch đối với nước ta hiện nay.
Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ được nêu ra cách đây đã hơn 50 năm. Liên hệ với tình hình thực tế tham nhũng đang diễn ra ở nước ta hiện nay, chúng ta thấy, những lời dạy của Người là hết sức sáng suốt, mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay đang diễn ra ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu và sức công phá của nó không phải chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cả chính trị, xã hội và là nguy cơ lớn nhất đe doạ mọi thành quả cách mạng của chúng ta.
Để làm theo tư tưởng của Bác Hồ trong đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần phải tập trung giải quyềt những vấn đề cơ bản sau:
Thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phê bình và tự phê bình trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ rất quan trọng để chống quan liêu, tham nhũng. Muốn cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham ô, lãng phí có kết quả thì một vấn đề rất quan trọng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất,"nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Vì "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Có cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đạo đức tốt thì "việc gì cũng xong". Ngay từ khi cách mạng Việt Nam còn trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm mở các lớp huấn luyện cán bộ. Theo Người cán bộ tốt là hội đủ cả hai yếu tố đức và tài. , "cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì nước cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Điều quan trọng là phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, Nhà nước thật sự có chất lượng cao. Lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn, công việc chung và năng lực thực tế của từng người. Bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, tích cực phê bình và tự phê bình, xây dựng cơ quan, tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Làm tốt công tác tư tưởng. Trong công tác tư tưởng phải chú ý làm tốt các bước : Một là, phải "đánh thông tư tưởng". Bởi vì, trong nhận thức tư tưởng của mỗi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý và quần chúng có thông suốt thì mới có thể tiến hành đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng thắng lợi. Hai là, khi mọi người đã hiểu đại thể, muốn hiểu cụ thể và sâu sắc hơn phải tăng cường việc nghiên cứu. Khi tự phê bình và phê bình phải thẳng thắn, trung thực, đấu tranh có lý, có tình. Ba là, tổ chức kiểm điểm chung trong toàn cơ quan, đơn vị để giải quyết các vấn đề, giải thích các thắc mắc, sửa chữa những khuyết điểm, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt... Cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải nghiêm túc tự kiểm điểm để làm gương trong đơn vị, cơ quan mình. Trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng phải lấy giáo dục là chính, trừng phạt là phụ. Trong giáo dục, làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và quần chúng là nhiệm vụ có tính then chốt.
Dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Chống tham nhũng, quan liêu là cách mạng. Cách mạng là tiêu diệt những cái xấu, xây dựng cái mới. Nhưng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cho nên, cũng như mọi công việc khác, việc chống quan liêu, tham nhũng phải dựa vào quần chúng, phát động, động viên, tổ chức quần chúng tham gia thì mới chắc chắn thành công. "Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng". Tai mắt nhân dân rất tinh tường, mọi hành vi của những kẻ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đều không sao thoát khỏi "lưới trời nhân dân". Tuy nhiên, công tác tổ chức quần chúng lại phải dựa chủ yếu vào cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý biết tập hợp, vận dụng và chỉ đạo tốt quần chúng trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng thì nhất định kết quả thu được sẽ rất khả quan.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và kê khai tài sản cá nhân. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để đấu tranh chống bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu đạt kết quả tốt. Kiểm tra giúp cho các cấp uỷ, chính quyền nắm chắc được tình hình chấp hành nghị quyết, chính sách, biết ai làm đúng, ai làm sai ; ai ra sức làm, ai làm qua loa, chiếu lệ. Nếu tổ chức kiểm tra được chu đáo thì bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý chúng ta đều thấy rõ.
Chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ. Nói đến công tác tổ chức cán bộ là nói đến chế độ giáo dục, đào tạo và sử dụng con người trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện nghiêm túc vấn đề này phải có sự đánh giá khách quan đội ngũ cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Xây dựng một quy chế đánh giá thật sự khoa học, dân chủ, công khai và đối thoại ; phải xem xét toàn diện cả quá khứ, hiện tại và tương lai (khả năng phát triển) của mỗi cán bộ (nhất là cán bộ cao cấp). Sắp xếp lại bộ máy tổ chức sao cho gọn nhẹ, có hiệu lực và bố trí, sử dụng cán bộ cho phù hợp. Đồng thời có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cả về nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho từng đối tượng cán bộ, nhân viên các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bổ nhiệm có thời hạn và luân chuyển cán bộ. Kinh nghiệm cho thấy việc bổ nhiệm có thời hạn không quá lâu, việc luân chuyển cán bộ, có tác dụng tích cực ít ra trên ba phương diện. Một là, góp phần tăng cường tính năng động, tính đổi mới của bản thân cán bộ quản lý. Người không có năng lực tương xứng sẽ nhanh bị đào thải. Hai là, khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, chủ quan, trì trệ của người đã được vào guồng máy. Ba là, tạo cơ hội cho người khác vươn lên khẳng định mình. Nhờ vậy, bệnh quan liêu sẽ được hạn chế tới mức tối đa. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có thời hạn và luân chuyển cán bộ, góp phần vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.
Vấn đề quan trọng và mấu chốt đối với nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng chính là phải xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm pháp luật một cách kiên quyết, công minh, để người có khuyết điểm phải chịu kỷ luật, người có tội phải bị xử tội, bất kể họ là ai, ở cấp bậc nào. Người đứng đầu một tổ chức, một địa phương, một ngành đến toàn quốc đã để cho cán bộ tham nhũng có tính nghiêm trọng, kéo dài thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhận kỷ luật đầu tiên trước Đảng, trước dân.
Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Họ vừa là hạt nhân, vừa đi đầu trong cuộc đấu tranh này ; tự mình nêu gương sáng theo lời dạy của Bác Hồ: "Cần, kiệm, liêm, chính ..." ; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống quan liêu, tham nhũng
TS Chu Thái Thành
Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội, Tạp chí Cộng sản
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top