Chương 2

Khi anh dừng, trời chiều đã bảng lảng buông xuống cuối trời phương xa, nó hắt vào căn gác nhỏ riêng hai chúng tôi một chút chậm rãi, đôi chút chùng chình như muốn níu mãi những nốt nhạc ấy trên bàn tay anh không rời và cả trên trái tim tôi đang thình thịch từng nhịp đập nhoi nhói. Vốn dĩ mười mấy phút trước tôi đã chuẩn bị đâu vào đấy mong có thể cùng anh tâm sự thật nhiều nhưng dường như cái trí nhớ tí tẹo này của tôi chỉ cho phép tôi lựa chọn một hoặc hai, một là lẩm nhẩm những lời thoại kia hoặc hai, quăng hết chúng nó xuống biển để gió biển len vào lời ca của Tuấn Lâm rót đến bên tai tôi vài vị mặn thê lương. Không rõ lắm nhưng tôi chắc chắn sẽ luôn nghiêng về vế có anh đầu tiên, sẽ luôn.

Ngoài trời gió thổi lộng từng hồi, nhưng kể ra gió Tô Châu so với chất cay nóng của Trùng Khánh vẫn dễ thở hơn chán. Anh bất chợt khều vai tôi, lay tỉnh tâm trạng rối bời, anh bảo: "Xuống nhà thôi nhóc, bộ anh mày hát nát lắm hay sao mà nghe tới ngơ luôn rồi". Có thể tôi chỉ cố cười làm sao trông tự nhiên nhất mà chẳng để ý từ bao giờ cách xưng hô giữa chúng tôi lại trở nên thoải mái như thế rồi.

Được vài giây, tôi nói: "Để em giúp anh cầm!"

Anh một tay nhấc cần đàn một tay huơ lia lịa, anh nói: "Không cần, tại anh thích mặc đồ rộng nên thấy cái tướng ròm ròm vậy thôi chứ khỏe phết ra đấy", rồi tự hào khoe với tôi rằng anh hay lái chiếc ba gác cà tàng đi giao hàng, hôm chạy nửa ngày ròng lên Sơn Đông, có điều lão khách đấy không chịu nhận, gọi điện mãi cũng không thấy bắt. Nguyên câu chuyện có vui vẻ chỗ nào đâu mà qua lời anh kể lại thành một điều gì đó may mắn đến là ngất trời mây; nhờ lão anh giữ chiếc ghi-ta tới nay, còn học thêm dăm bảy kiến thức nhạc lí thú vị.

Suy nghĩ kĩ lưỡng, tôi hỏi anh: "Anh thích An Hà Kiều lắm ạ?"

Anh gật đầu.

"Thế anh thích Bắc Kinh không?"

Anh lắc đầu.

Nhìn điệu này, câu "vì sao" chạy đến cửa miệng tức thì trốn ngược trở vào. Tôi cười giả lả rồi né sang chủ đề khác: "Tí nữa anh cho em quá giang một chuyến với, được không?"

Anh không vội đồng ý nhưng cũng chẳng gấp từ chối, giống bao phản xạ bình thường hỏi tôi: "Em định đi đâu?"

"Em đi mua canh cho ngoại."

"Thế tính trả công cho đằng này không?"

"Dạ?", bà thường nói tôi phản ứng chậm, kiểu này ra đường mà gặp mấy chầu cãi lộn chắc thua cho bằng tơi tả. Tôi không đồng ý đâu, bởi vì chỉ đối đáp bình thường thì chiếc não của tôi cũng chẳng "sang số" kịp. Hẳn chờ tôi lên tiếng khá lâu, anh cười bảo không có gì xong nhắc tôi ra cửa đợi anh de xe rồi anh đèo đi mua và giao máy phát thanh luôn một thể.

Trong khi đó, tôi lặp lại áng chừng chục lần, vừa khéo anh đến thì coi như đã ngộ ra. Tôi phấn khởi nói to: "Một gói Đại Bạch Thỏ loại lớn anh thấy được không?". Xung quanh đều nhìn sang, đối diện một tiệm hớt tóc phong cách Cảng, xéo lộ lớn có mấy thím đang nhảy quảng trường và ngay chân gốc cổ thụ là mấy ông trung niên chen nhau xem cờ. Tôi nghĩ bụng: "Xem ra thôn này ít trai trẻ thật, mới ra khỏi cửa đã bị dòm dáo dác".

Tuấn Lâm lắc đầu kịch liệt, hình như có nói gì nữa nhưng gió lớn quá thành ra tôi nghe không rõ. Mà cũng đúng, công anh xăng dầu thì một gói sao đủ cho được, "Vậy ba gói?"

"Con nít bây giờ thích đãi kẹo nhỉ?". Anh bật cười, nói xong thì ủn ga lên hai mét, chừa chỗ cho tôi dễ trèo vào thùng xe.

Mưa sớm dứt từ lâu, dội ướt mặt đường nhựa, in dấu hai bên hõm đất các mảng nước dài. Trên con xe chòng chành, anh chở tôi qua thật nhiều góc phố bình dị. Nhớ ngày xưa tôi mười tuổi, ông bà già đưa tôi với chị rời Trùng Khánh lên Bắc Kinh để ông lo sự nghiệp, năm đó trời đông lạnh khiếp, không dễ gì mới sống nổi qua mùa xuân thì vài tuần sau đã phải đóng hành lý đi liền đến Cảng. Ông bảo không yên tâm nhà tôi mỗi người một chỗ nhưng thực tế nếu không có mẹ tôi thì ai giúp ông làm mấy việc vặt đây. Trong ấn tượng, tôi nhớ tôi từng sống ở bốn thị thành hoa lệ khác nhau suốt tám năm, còn vài lần đổi tới đổi lui giữa mấy khu nội thành, cái này không còn nhớ cụ thể.

Nổ máy chừng năm phút, tôi với anh mới bắt chuyện trở lại, là tôi đánh tiếng trước: "Lâm Lâm, em hỏi anh cái này. Chỉ hỏi thôi."

Anh chưa nghe hết đã gật đầu, ừ một tiếng nhẹ bâng. Tôi lí nhí chêm thêm: "Đừng giận em nhé!"

"Trước đây anh học ngành nào?"

Người phía trước bẵng đi, tôi nghĩ anh không muốn trả lời nên không dám làm khó thêm. Ngay khi tôi thẫn thờ, gắng tìm điểm đặt mắt giữa khoảng mờ vô định thì anh đột nhiên trả lời: "Anh học thiết kế đồ họa, nhưng nghỉ ngang từ giữa năm nhất rồi."

Tự dưng tôi nghẹn họng, mãi không kiếm thấy từ nào vừa lễ phép vừa chẳng khiến anh buồn lòng. Có lẽ có, nhưng tôi như thế thì rảnh đâu mà tra từng trang từ điển. Tôi yên lặng quan sát bóng lưng anh chút chéo, tự hô biến ra nét mặt đượm buồn trong tưởng tượng rồi tự khiến bản thân dằn vặt thật nhiều.

Một hồi.

Anh nói: "Không cần khó xử, chuyện vốn bình thường, anh cũng không nghĩ nhiều!"

Lại tiếp.

"Với cả sau này không cần hở tí là khách sáo với anh, tạm xem như người nhà mà nói chuyện được rồi."

Tôi nhanh miệng: "Thế bao giờ mới chính thức anh nhỉ?"

"Tới nữa."

"Không, cái này hỏi thiệt, anh bảo em giống người thân anh còn gì, hay cứ là người thân của nhau luôn ạ."

Tôi nghe anh cười, đáng yêu vô cùng. Anh bảo: "Thằng nhóc này sao đấy, lúc thì ngại ngùng không biết trả lời, khi ghẹo được là ghẹo anh miết."

"Có đâu mà."

"Anh bảo có."

"Em bảo không."

Chúng tôi cứ vậy đôi co thật lâu.

Lâu đến tà dương thả bước về Tây, lâu đến ráng chiều ngã trên vai anh gầy.

Năm giờ hơn, anh dừng trước con ngõ 168.

Địa chỉ ghi trên sổ là căn nhà xập xệ tuốt bên trong, tôi cũng không biết vì sao trên đời lại có kiểu lạ lùng như người bán phải dò la rồi lội bộ gần ba trăm mét để giao mỗi cái radio chưa tới ba chục tệ. Không phải tôi than vãn gì, Tuấn Lâm kêu tôi không cần theo anh làm chi cho mệt nhưng tôi không yên tâm, đất thì trơn trời thì chạng vạng, ngộ nhỡ thỏ nhỏ bị sói bự cắp đi mất thì sao, cho nên cùng nhau vẫn hơn.

Anh đi lẹ lắm, thuộc lòng từng khúc cua ngã rẽ. Tôi lấy làm lạ mới hỏi: "Anh quen người này hả?"

"Ừ, bác thường nhờ anh sửa radio. Nhưng cái máy trước hỏng nặng quá, anh lấy cái mới bù vào."

"Ông chủ Hạ có tiền ghê! Sau này em sang ăn chực vài bữa ạ."

Cảm thán có sai đâu nhỉ, thế mà bị anh thụi cùi chỏ vào eo, ê ẩm cả đoạn đường. Tôi thuận nước trưng vẻ mặt mèo con đáng thương, sẵn ăn vạ vài câu: "Ây da, bớ người ta, xem nè, ông chủ Hạ lắm tiền đánh người rồi!"

"Đánh thêm cái nữa tin không?"

"Dạ không!"

Tôi nói xong ba chân bốn cẳng chạy mất hút, gió chiều hùng hổ ma sát hai bên tai và đằng sau tôi, có tiếng gọi to: "Hạo Tường, em chậm chút, té bây giờ."

"..."

"Này, Nghiêm Hạo Tường, thân em té là anh vác không nổi đâu đấy."

"..."

"Thằng nhóc này nghe anh mày kêu không đấy, lăn quay ra đất mà bắt đền là anh đập mày."

Tôi phanh gấp ở cây dã hương sát mé sông, tay phải chống thân cây, tay trái chống gối, nhịp tim nhanh như trống vỗ. Ba phút sau anh đuổi tới, xem ra thảm hơn cả tôi, khắp người đều mềm nhũn tựa vào cây bên cạnh. Nhìn bộ dạng muốn mắng người mà mắng không lên hơi của anh, tôi vừa mắc cười lại vừa thương. Tôi giúp anh vuốt nhẹ sống lưng, vào vai người từng trải truyền lại kinh nghiệm: "Anh hít sâu như em này, đỡ hơn nhiều."

"Thôi, anh không sao rồi. Đi nhanh còn về mua canh, không bà em đói thì làm sao?"

"Cỡ này chắc con bé giúp việc lo cơm nước cả rồi, có thì để bà ăn thêm buổi tối, một phần do nó là món ăn định tình của ông bà em nên nghĩ em mua về thì bà sẽ vui hơn một tí."

"Tình yêu của ông bà ngày xưa đẹp nhỉ?"

"Dạ?"

Anh ấn nút phát trên radio, từng hồi âm nhạc du dương lan tràn khắp ngõ nhỏ. Anh hỏi tôi: "Em biết bài này không?"

Tôi trầm ngâm: "Nghe quen tai lắm nhưng em không nhớ tên."

"999 Đóa Hồng của Thái Chánh Tiêu." - anh cúi đầu, mỉm cười nói. Giấu trong hàng mi rũ, đôi mắt ấy sáng lên chút hạnh phúc nhỏ nhoi, hạnh phúc mà chẳng ai đủ khả năng làm nó lung lay dù chỉ nửa phân.

Sau đó anh bắt đầu kể, về bài hát và cả bác trai thích bài hát đó. Rằng anh gặp bác vào một trưa mùa hạ năm ngoái, anh nghe người ta mách lại: bác ấy ăn mặc xuề xoàng, cái áo cọc tay trắng rách vài lỗ, cái quần đùi sọc sứt đường chỉ và đôi dép kẹp mòn đế. Bác đứng đối diện cửa tiệm nhưng chớ hề phiền anh lấy một tiếng, như thế ngẩn ngơ từ lúc mặt trời nhú đến khi quá đỉnh đầu. Người trong thôn đuổi kiểu gì cũng không chịu đi, suýt phải nhờ cảnh sát đến giải quyết. Anh hay chuyện thì ra xem, bác chỉ nhìn anh cười rồi nói duy nhất hai từ "Thích lắm!".

Ban đầu anh khá sợ nhưng hai tuần lễ thì dần quen, còn chủ động mời bác vào ngồi, chỉ có điều bác không nói chuyện, không buồn gật đầu cũng không lắc đầu, cả buổi chỉ lẩm bẩm hoặc là Huệ Lan hoặc là 999 Đóa Hồng. Anh ngừng, hỏi: "Em đoán sau đó như thế nào?"

Tôi suy tư, vô vàn những ý nghĩ chồng chéo lên nhau, cuối cùng chỉ nói một câu chung chung nhất có thể: "Em không đoán ra."

"Bác ôm lấy con radio anh đặt trên bàn, vân vê hoài không buông. Hóa ra thích bài 999 Đóa Hồng anh phát ngẫu nhiên hôm nọ, đứng chờ để nghe nó lần nữa."

"Sau đó nữa ạ?"

Nụ cười anh thu lại, thoáng ngẩng đầu rồi nói: "Anh tặng bác ấy nhưng bác không chịu, lôi trong túi ra hai tờ năm tệ bảo khi nào có tiền sẽ trả tiếp, tới bây giờ quả thật trả đủ cho anh rồi."

Tuấn Lâm chính là kiểu lương thiện và lương thiện thấm nhuần vào xương cốt điển hình. Thời gian tiếp theo, anh tự mình tìm hiểu hoàn cảnh của bác, biết bác tinh thần không bình thường do nhớ thương người tình quá độ, anh hỏi xin địa chỉ để thường lui tới phụ bác ấy vài công việc vặt. Mấy khi tỉnh táo, bác sẽ kể lại các kỉ niệm xưa, kể về cô ca kĩ Huệ Lan nức tiếng một thời và chàng lưu manh phiêu bạt tứ xứ. Họ cũng từng ước ao một mái ấm nhỏ, một đời nương tựa qua muôn trùng bể dâu. Mắt anh trầm xuống, thấp giọng đến khi thế giới chẳng nghe thêm được gì: "Nhưng vẫn là ước ao mà thôi!"

Dù biết không nên nhưng tôi chẳng cách nào khống chế tính hiếu kì của mình. Tôi hỏi.

"Thế sao này cô ca kĩ ra sao? Gả cho người khác?"

Anh gật gật, suy nghĩ một lát thì lắc đầu: "Không, cô ca kĩ vào ngày cưới của mình với gã nhà giàu kia đã nhảy lầu. Chàng lưu manh vì đánh gã mà chịu tù ba năm..."

Chúng tôi đều im lặng.

_

Căn nhà cuối ngõ tồi tàn đến khó coi nhưng dường như người sống ở đó chẳng có xíu nào đoái hoài. Bác ngồi trước sân, quạt nan phe phẩy, mặt mũi nhăn nhúm trông về bên trời xa xăm. Thấy Tuấn Lâm đến, chỉ hờ hững một câu: "Đến rồi đấy à."

Anh cười, vui vẻ trả lời: "Bác xem, con mang gì đến cho bác này."

Anh khoe cái radio giấu sau lưng, ngồi chồm hổm xuống trước mặt bác để dễ nói chuyện: "Cái máy trước cũ quá rồi, con đổi thành cái này. Kiểu dáng y hệt, bài hát cũng cài sẵn hết rồi ạ."

Bác xoa đầu anh, hình như chợt nhận ra ở đây không chỉ có hai người họ, bác cầm quạt trỏ vào tôi, hỏi anh: "Nhóc con lớn rồi, đem bạn đến cũng không thèm giới thiệu cho ai cả."

Anh kéo tôi lại gần cho bác nhìn rõ mặt, nói: "Dạ người thân của con, Nghiêm Hạo Tường".

Tôi và bác, ngạc nhiên như nhau.

Suốt một tiếng đồng hồ, chúng tôi cùng bác ôn lại chuyện xưa, chả lệch đi một chữ so với lời anh kể. Anh ra dấu tay, lần lượt các số.

Một.

Năm.

Sáu.

Đã một trăm năm mươi sáu lần anh nghe nó.

Anh chán không?

Tôi không rõ.

Nhưng mỗi khi bắt gặp ánh nhìn lấp lánh như sao trời của người bên cạnh, tôi dám khẳng định anh không hề. Cũng như lắm khi nhìn vào khóe mi ấp trọn chờ mong của bác, tôi biết câu chuyện ấy sẽ chẳng bao giờ là nhàm.

Anh nói nhỏ: "Đẹp nhỉ?"

Tôi khẽ tán đồng.

Tô Châu, cùng ngày, tôi nhận được 999 đóa hoa hồng. Một đóa liền cành trong hai con tim nặng tình, 499 cùng người nở rộ trong đêm lạnh, 499 theo người tàn phai với tháng năm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top