Chương 3

Hầu như chúng tôi trò chuyện qua Wechat mỗi ngày, Tuấn Lâm thích thức khuya, anh từng bảo tôi như thế cho nên nếu chưa tới hai giờ sáng thì chúng tôi kiên quyết không ai chịu thua ai, thường thì tôi luôn là đứa nốc ao trước. Tuy nhiên tôi nhất định phải tố cáo rằng anh chơi ăn gian, tại anh cứ hát cho tôi nghe, hại tôi đến trong mơ cũng xiêu cả lòng. Theo hẹn hôm nay Tuấn Lâm sẽ đến nhà tôi ăn cơm, lần trước sau khi kể chuyện anh cho tôi đi nhờ, bà một hai kêu tôi phải mời anh cho bằng được. Tôi lo anh bận việc, may sao vẫn sắp xếp được thời gian, chừng mười giờ sẽ sang.

Tôi dậy sớm hơn mọi bữa, dọn dẹp mấy tán liễu đổ sau nhà, bà thấy thì trêu: "Ôi chao, ngó bộ mặt trời mọc đằng Tây rồi, giấc này cũng có người chịu vác thân ra đây nữa."

Tôi nguây nguẩy, trả lời lại: "Có đâu, bình thường con cũng thế mà."

Bà cười vài tiếng xong làm thinh, vỗ lưng tôi cho hay bà sẽ ra sảnh trước ngồi. Sau cùng còn mỗi bóng tôi lẻ loi buông lơi bên ao cá nhỏ, nắng sáng hơi cay mũi, lủn củn xiên trên đất bốn nét loang màu. Tầm này thời tiết khó chịu, tôi nghĩ cảnh Tuấn Lâm đi bộ tới, không khéo anh sốc nhiệt mất. Thế là tôi nhanh chân cầm theo chiếc ô to nhất trong nhà, một đường chạy như bay đến tiệm đồ cổ.

Anh gặp tôi thoáng ngạc nhiên, gạt máy tính qua một bên rồi ra mở cửa. Anh hỏi: "Em đến có việc hả? Sớm thế, chưa được chín giờ nữa."

"Có việc ạ!"

Thấy tôi ra vẻ nghiêm trọng, anh liền nhỏ giọng an ủi: "Sao đấy?"

"Việc nhớ anh."

Anh lừ mắt nhìn tôi, nói tôi lại giở thói cũ rồi. Tôi cười xòa, chỉ khi nào có anh thì chiếc bệnh trêu ngươi của tôi nó mới tái phát.

"Nói chứ qua đón anh, sợ anh bùng kèo."

"Cái thằng nhóc này!"

Đấy, lý do tôi khoái ghẹo anh mỗi thế thôi, tại vì lúc anh cáu lên dễ cưng muốn chết. Anh đang bận tính mấy hóa đơn, tôi buồn chán nên đi loanh quanh chơi. Hình như anh vừa tìm thêm mấy món đồ kì quái, như chiếc kính hiển vi choáng lộn được cất kĩ ở một góc tủ, hẳn mua theo sở thích chứ tiệm đồ cổ nào lại chứa "hàng mới" đến vậy.

Một lát sau, tôi hỏi: "Em lên gác ngồi được không, hóng mát tí."

Tuấn Lâm gật đầu, dặn tôi nhớ ngó trước ngó sau, gác đó vừa tối vừa tạp nhạp thiết bị cũ.

"Dạ, em để ý mà."

Nói xong, tôi vọt mất. Cửa sổ ở đây luôn không đóng, gió lùa mát rượi. Tôi chống tay lên bệ, hưởng thụ thật lâu, hoàn cảnh này nhắm mắt thì thích hợp hơn nhỉ, ấy vậy mà tôi bị cảnh đẹp ngoài xa cám dỗ, ngắm mãi những mái ngói đổ rêu náu mình dưới tán cây to ụ, nhìn đến cả dòng sông thẳng tắp, khuất bóng nẻo xa.

Bất chợt một chiếc đinh cũ rơi xuống sàn, cót két nhức tai. Tôi lại nhặt thì vô tình thấy xấp đề cương y học được dằn cẩn thận trên giường, xung quanh còn hai ba quyển sách tương tự. Tất cả đều để một chữ Tường, không phải Tường trong tên tôi, nghĩa của nó là điềm lành. Tôi ngờ ngợ, chắc là người thân mà anh nhắc. Bản tính tò mò trỗi dậy, dẫu biết không lịch sự nhưng vẫn cố đấm ăn xôi giở ra xem. Người này có lẽ học rất giỏi, dạ quang hay ghi chú không sót trang nào, ở giữa còn kẹp một tấm ảnh của anh và cậu trai đó, trong ảnh hai người cười rất tươi, dễ dàng nhận ra bầu không khí thoải mái vô cùng. Phía sau viết kèm dòng chữ, rằng: "Xin lỗi anh, nhưng chúng ta đều cần theo đuổi đam mê của mình", mỗi nét đều thật nắn nót tuy nhiên thời gian qua lâu, đã lem nhem phân nửa.

Tôi không lạ khi Tuấn Lâm nói tôi giống người thân của anh, kì thực cũng được năm sáu phần, trong đó đôi mắt hai mí sâu hun hút cứ hệt một bụng mẹ chui ra. Tôi định xem tiếp thì bị anh gọi: "Hạo Tường, mười giờ kém mười rồi, xuống đây đi nè!"

Tôi dạ một tiếng rõ to rồi cố gắng sắp xếp chúng về y nguyên chỗ cũ, nhanh chân chạy xuống. Chúng tôi đi qua con đường dài, không nói gì mấy, bản thân tôi nếu giấu việc trong lòng lâu sẽ bí bách, bí bách đến điên mất và hôm nay là một thí dụ, tôi nghĩ kĩ rồi kêu: "Hạ nhi!"

"Sao kêu anh vậy rồi?"

"Có chuyện muốn hỏi, em..."

Anh chồm tay xoa đầu tôi, từ tốn nói: "Hỏi đi, anh dặn rồi, không cần căng thẳng."

"Người thân kia của anh...", tôi không dám nói cụ thể, cũng như đã tìm thấy những gì.

"Làm sao em thắc mắc chuyện này thế?"

"Em...", tôi nhát gừng, nín lặng chừng một phút thì nói: "Thôi ạ, em chợt nhớ đến, anh khó chịu thì mình không bàn tới nữa."

Anh thở dài, nhưng vẫn kể tôi nghe: "Đứa nhóc đó muốn học y, có thiên phú cực kì, mỗi tội nó làm biếng nhớt thây. Sáng nào anh cũng phải lôi đầu nó dậy để kịp thì đến lớp, mà mấy khi đúng giờ đâu. Hồi xưa khó hơn bây giờ, ăn mì gói cả tháng cũng không đủ cho học phí của cả hai, đứa nhóc từng bảo anh nó thôi học nha, nhưng anh biết lòng nó không nỡ."

Tôi dường như nghe ra đầu ra đuôi, để chắc chắn, tôi hỏi: "Là lý do anh nghỉ từ năm nhất?"

"Ừ", sơ sài vô cùng, song, thương đứa nhóc vô cùng.

"Anh với người đó quen lâu rồi nhỉ?"

"Quen cái hồi ở Thành Đô, cùng nó thuê phòng ghép."

"Dạ", ngoài ra tôi không biết thêm thắt gì nữa.

Tôi mường tượng hết thảy, đứa nhóc của anh có lẽ đi Bắc Kinh học cao rồi. Câu xin lỗi gói ghém trong kí ức chẳng biết anh đã nhận hay chưa, điều duy nhất khiến tôi nghĩ mãi không được chính là, rốt cuộc ước mơ của Tuấn Lâm là gì nhỉ?

Thiết kế,

Hay

Âm nhạc?

- Chừa dịp hỏi vậy.

Tôi hẹn lòng.

Về trước cổng, nghe tiếng con bé Hy cười đùa giòn tan. Nó được bà nhận nuôi, sau này ngại nên nó bảo để nó phụ mấy việc lông gà vỏ tỏi trong nhà, nhưng từ lâu mọi người đã coi nó như đứa út, nề hà gì đâu. Nhớ ngày đầu quen mới tí tuổi đầu mà giờ trổ mã thành thiếu nữ rồi. Nó cách tôi năm tuổi, tính tình láu cực kì, suốt ngày than tôi lớn chồng ngồng còn không lo kiếm bồ, trong ý ngầm khoe nó có chiếc người yêu nâng niu nó như cục vàng cục ngọc đấy mà. Lần này có Tuấn Lâm thì lễ phép lắm, nhanh nhảu lên tiếng:

"Anh Hạ tới rồi ạ. Mau vào đi anh, ngoài nắng."

"Nay làm gì vui thế?", tôi hỏi nó.

Nó thèn lẹn, trả lời: "Người yêu tan ca sớm, xuống đón đi chơi."

Đúng là nhớn, sắp không giữ nổi nữa.

Tôi khều vai đặng giục anh đi, nói: "Kệ nó anh ơi, nó vậy đấy!"

Tuấn Lâm chỉ cười, không tiện xen vào cuộc đấu võ mồm của anh em chúng tôi. Nó cãi không lại, bắt đầu giở trò mách lẻo: "Anh Hạ, em kể anh nghe cái này, anh Tường ở nhà khen anh đáng yêu miết, còn khen anh cười lên siêu đẹp. À còn..."

Tôi hấp tấp cướp lời: "Nhỏ này!"

Tạm nhường nó một lần.

Nó nắm thóp tôi nên đắc ý, trưng cái mặt biết tỏng sau đó lớn giọng thưa bà rồi lần lượt với anh: "Em đi nha anh Hạ" và tôi: "Bái bai, anh chột dạ."

"Lề mà lề mề, đi lẹ không thôi bồ chờ!"

Anh trông theo dáng nhảy chân sáo lí lắc của nó, bảo tôi: "Có đứa nhóc thế, thường ngày chắc vui lắm."

Tôi bĩu mỏ: "Không đâu ạ, em vừa bị nó cà khịa tức sôi đầu mấy hôm liền chưa hết."

Mặt trời dậy lửa, phả vào cán dù nóng phừng phừng. Tôi bèn giục thêm: "Vô đi anh."

Anh gật đầu.

Căn nhà này tôi mua vừa giá lại vừa đủ ở, thật ra thêm anh cũng không thành vấn đề. Tôi hỏi qua bà có thích không, bà sợ tốn kém này kia nên từ chối, tôi rán năn nỉ mãi mới chịu. Kiểu dáng của nó giống đa số hộ khác, tôi ưng bụng nhất vẫn là phòng bếp, nơi nắng hanh vàng trên làn khói nhẹ bưng, nơi bà xém tình thương cất vào mỗi bát canh gà tự tay đun mỗi sớm.

Tôi chỉ vào bàn thức ăn phong phú, khoe: "Tay nghề bà em khéo cực kì, hôm nay anh tới nên nhất quyết phải trổ tài cho bằng được ấy ạ."

Anh ngại ngùng đặt giỏ trái cây lên chiếc bàn bên cạnh, lễ phép nói với bà: "Quý quá, con cũng có chút quà mọn, gửi bà ăn lấy thảo."

Bà kéo anh ngồi cạnh.

"Ây dô, khách sáo thế. Lần này thôi, sau này tới không cho phép nữa đấy."

Hai người tự nhiên tiếp chuyện, vứt tôi bơ vơ luôn một bên. Suốt buổi, bà hết gắp cho anh đùi gà lại đòi thêm cơm, thấy anh ăn mới vơi là tay đã sẵn muỗng canh cá chờ kế bên. Tôi tưởng anh từ chối, không ngờ anh ăn rất khỏe, nhìn cũng rất thích miệng. Bà nói: "Bà không biết con thích ăn gì, cũng thằng Tường sớn sác, rủ người ta mà không biết hỏi han tiếng nào. Sao, hợp khẩu vị không con?"

Anh tấm tắc: "Ngon lắm ạ."

"Vậy thường đến nhé!"

"Dạ."

Ăn tàn, Tuấn Lâm giành việc rửa bát nhưng bị bà cản, bà kêu anh ngồi đó được rồi hoặc đi cùng tôi ra vườn dạo mấy vòng cho xuống cơm, đống kia để sau tôi dọn. Tôi thuận theo: "Bà nói vậy rồi, anh không cần mắc cỡ đâu."

_

Điểm một giờ chiều.

Không khí oi bức nhỏ giọt vào từng cột gỗ, bầu trời chói chang chẳng cách nào nhìn xuyên. Có anh, có tôi vẫn đang thẩn thờ dưới mái hiên đón đợi vài ngọn gió lạc đường sẽ vô tình ghé thăm. Sự ăn ý thường ngày vì thế chìm vào cô quạnh.

Một hồi, tôi lặng lẽ nhích sát vào anh, kiếm cớ hỏi bâng quơ.

"Hạ nhi này, bình thường ngoài sưu tầm đồ cổ thì anh còn đặc biệt yêu thích làm gì không?"

Tuấn Lâm đưa mắt nhìn tôi khó hiểu, chỉ hả một tiếng rằng anh vẫn đang nghe, để tôi nói trọn vẹn.

Tôi thêm: "Giống em thích vẽ tranh, hoặc thỉnh thoảng sẽ đi đá bóng."

"À."

Anh không nói, tôi cũng im lặng đợi.

"Anh thích hát."

Rồi anh bảo anh có câu chuyện muốn kể, hỏi tôi muốn nghe thử không.

Tất nhiên, có.

"Ngày xửa ngày xưa, có cậu bé tên A Anh sinh ra tại vùng đất hoa xinh đẹp và lớn lên trong gia đình hạnh phúc. Mọi người đều ngưỡng mộ cậu có một người ba phong độ và người mẹ kiều diễm. Mẹ cậu là vị vũ công nổi tiếng nhất tỉnh khi ấy, mỗi ngày bà sẽ mặc chiếc váy xanh biếc màu trời đến nhảy cho cậu xem, lớn lên cậu yêu ca hát, cũng may mắn được trời phú cho cái giọng không tới nỗi nào. Cứ như thế, mẹ cậu nhảy và cậu ngồi hát. Cứ như thế, mỗi ngày, mỗi tháng, nhiều năm."

Tuấn Lâm cười, đuôi mắt dịu dàng thả lỏng.

"Vào năm A Anh sinh nhật mười tuổi, ba mẹ cậu cãi nhau rất to, đụng cái gì sẽ đập cái đó; ảnh kỉ niệm, bình hoa, chén, ly,... lăn lốc khắp trên đất. Đêm đó A Anh cũng khóc rất to, nhưng chẳng ai nghe thấy cả. Về sau, ba mẹ cậu ly hôn, cậu nghe lỏm từ bác hàng xóm rằng ba không ưa mẹ cậu ăn mặc lòe loẹt, uốn a uốn éo trước mặt thiên hạ, ba cậu cho rằng nó khiến ông mất thể diện. A Anh không hiểu, rõ ràng chiếc váy xanh của mẹ đẹp đẽ như thế mà."

Anh nói bọn họ chia tay trong hòa bình, A Anh theo mẹ còn ba cậu có vợ mới, bà con mách rằng dì đó rất xinh, công việc giáo viên ổn định. Mẹ cậu thì khác, bà khóc mỗi đêm, thống thiết vô cùng. Bà quyết định cắt phăng mái tóc dài, chẳng buồn điểm trang, căn phòng luyện múa trở thành kho đồ cũ lúc nào không hay. Kể từ đó A Anh cũng không được phép hát, nếu dám thì hôm đó nhất định ăn một trận đòn nhừ tử. Mẹ cậu bảo bà ghét nghệ thuật, nó là con hồ ly phá hoại tổ ấm của bà. A Anh không hiểu, rõ ràng nghệ thuật là loài khổng tước cao quý, đem tới nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.

Về phần chiếc váy xanh, nó sớm đã bị đem đi thiêu, thiêu trụi lủi, thiêu cháy đen.

Tôi gặng hỏi: "Vậy A Anh có ghét mẹ mình không?"

Anh lắc đầu.

"A Anh thương mẹ cậu bị loại tư tưởng tệ bạc kia vây khốn một đời người."

Dù anh chẳng nói, nhưng tôi biết A Anh trong câu chuyện chính là bản thân anh. Tuấn Lâm bảo kia là cổ tích bởi vì chỉ trong cổ tích thì anh mới có thể tự biên một cái kết mỹ mãn, kết rằng ở đất hoa năm đó, mình A Anh trên thảo nguyên xanh rợp, cậu vừa chạy vừa hát, chẳng bao giờ ngoảnh đầu.

Nhưng,

- "A Anh" này, từ bây giờ anh tiếp tục hát nhé! Tiếng hát của anh là loài khổng tước, và mai này nó nhất định sẽ bay đến một sân khấu thật to.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top