Chương 1. Bạn cũ

Tôi từng nói chuyện với An- một cuộc hội thoại ngắn không mang nhiều ý nghĩa. Khi ấy là tầm tháng tám, nếu thơ mộng thì đó là khi tiết trời sang thu và có gió se lạnh, An chỉ nói vỏn vẹn hai câu ngắn đến mức dường như chưa hề thốt ra lời gì và nó đủ để tôi im lặng.

"Em có dự định ở lại đây luôn không?"

"Chưa biết chị ạ."

"Ây, Việt Nam có anh nào níu kéo em sao?"

"..."

Chúng tôi từng có những ngày ở chung một nhà nhưng lí do chính để tôi gặp lại An là mẹ tôi và mẹ An là bạn học từ những năm tám mươi, còn tôi là con nuôi của mẹ An. Lần này sang Nhật công tác, An theo lời mẹ mà ghé thăm gia đình tôi, đây cũng là cuộc gặp mặt đầu tiên của tôi với An kể từ khi tôi còn học trung học.

Lúc mở cửa, tôi hơi ngạc nhiên, An trong trí nhớ tôi và An của hiện tại dường như chỉ khác nhau về chiều cao. Từ những ngón tay mảnh khảnh đặt trên vali hỏng khóa đến đôi má hơi bầu cùng ánh mắt thoáng ngước nhìn trần nhà của An khiến tôi đóng khung suy nghĩ của mình, rằng An vẫn là một đứa em dễ gần và hay nói cười.

Hai ngày trôi qua, tôi nhận ra "trông mặt mà bắt hình dong" đúng là tai hại. Phong thái của An nay trầm lặng khác hẳn vẻ ngoài trẻ con của cô, chỉ duy có đôi mắt mỗi khi nhìn chăm chú thứ gì đó thì yên tĩnh đúng với bản chất ít nói của cô. Chẳng hiểu sao, dù biết nhau từ bé nhưng tôi không tài nào mở lời hỏi chuyện An được. Tôi thật sự không hiểu ai đã xây rào cản giữa tôi và em ấy để mãi sau này tôi mới hối tiếc mà nhận ra: "Giá mà...".

An trở về Việt Nam sớm hơn dự định. Sau khi hội nghị liên quan đến vấn đề liên kết giáo dục đại học giữa Việt Nam và Nhật Bản kết thúc, An vội vàng gọi cho tôi và nhắn rằng em ấy phải trở về Việt Nam gấp, mẹ nuôi vừa bị tai nạn. Hành lí của An vì vậy vẫn nằm tại nhà tôi. Lúc dọn phòng, mẹ tôi quên mất vali của An bị hỏng chốt khóa nên nâng nó lên mà không đỡ bên dưới, tôi ở phòng nghe "rầm" một tiếng thì hốt hoảng chạy sang. Chiếc vali nằm lăn lóc trên giường, mấy cuốn sách, vài bộ quần áo có cái cũng bị rơi xuống đất. Tôi đặt chúng vào vali, ý nghĩ bỗng bị thu hút bởi cuốn sổ đỏ ca-rô. Đó là một cuốn sổ dày và hơn phân nửa cuốn sổ là những dòng nhật kí của riêng An.

Có những lúc tôi muốn viết ra những điều mình nghĩ cho nhẹ lòng, nhưng tôi không dũng cảm để lại mọi chuyện in trên trang giấy như An. Có lúc vừa đặt bút đã chẳng biết bắt đầu từ đâu, viết được hai câu lại tự ngẫm nghĩ rồi chẳng muốn viết nữa. Có lẽ tự mình giấu mọi suy nghĩ trong não bộ rồi ngày nào đó bản thân du hành trong trí nhớ và ngẫm lại thì dễ dàng hơn.

Tôi từng kể với cậu bạn chung nhóm hồi cao học về những cảm giác lạ lùng của bản thân với An, tất nhiên tôi không nói người tôi đang nhớ là một cô gái, cậu bạn đó nói rằng: "Nếu nhớ thì liên lạc, bộ Linh đang sống ở thời tiền sử hay sao? Được thì tối nay nhắn cho người ta cái tin, không thì...thôi đổi tên thành Bị Động đi". Lúc ấy tôi mới nhận ra, đúng là khi buồn bất thường mà chia sẻ và được ai đó lắng nghe thì thấy nhẹ lòng, nhưng đôi khi, câu chuyện ta kể không cùng một cách hiểu giữa người trong cuộc và người ngoài cuộc thì thà rằng không nên kể.

Điều này rõ ràng nhất là khi ngay ngày hôm sau, cậu bạn đó gọi điện cho tôi và gào lên: "Tại sao lại lờ người ta suốt bao nhiêu năm như thế? Hôm qua chẳng phải đã hẹn tối nhắn tin hay sao? Linh à, nếu không trở thành người yêu của nhau thì mình cũng không muốn duy trì kiểu bạn bè một người đơn phương một người không biết có người đơn phương mình đâu. Thôi tạm biệt". Tôi sững người, trong giây phút ấy tôi ngộ ra nhiều điều, tôi thấy mình vừa may mắn lại thấy mình vừa bất hạnh. Trong cái nhớ nhung không nói ra ấy, tôi không bị An từ chối nhưng mãi mãi tôi cũng không biết được An nghĩ gì khi biết có một cô gái đang nhớ em ấy. Nhưng hình như yêu đơn phương hay đơn thuần là nhớ nhung một chiều luôn có kết cục là đau buồn.

Cứ thế mà tôi đọc trẹn vẹn những điều riêng tư thuộc về An. Ở nơi tuyết trắng từ Hokkaido, Nhật Bản, tôi gửi lời chào đến em và tạm biệt "nỗi buồn nay đã cũ". Tôi sẽ ích kỉ giữ cho mình cái không thuộc về tôi, bởi đó là một phần của em, tôi sẽ giữ lại bên mình đến khi tôi gặp lại em thêm một lần nữa. Tôi tin điều đó có thể xảy ra nếu "tuổi trẻ hai lần thắm lại"...

***

Trích nhật kí ....../....../.........

"Bạn bè kiểu gì mà chỉ vì đứa học sáng đứa học chiều thì nghỉ chơi với nhau?"

"Bạn cũ- hai tiếng này nghe thật đau lòng."

"Nhưng qua giai đoạn đó, có lẽ tôi chỉ có thể gọi "bạn thân" là người tôi từng quen biết mà thôi."

Tôi tin chắc rằng mẹ đã sai lầm khi quyết định cho tôi chuyển sang học lớp 5 buổi sáng. Từ chuyện chị gái chuyển đi đến bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thích ứng được, đương nhiên khi mẹ thông báo khi mọi thứ đã sắp xếp xong khiến tôi gào khóc như điên. Tôi không thể chịu nổi cảnh phải ngồi học trong một lớp học toàn những đứa học sinh xa lạ, hội bạn thân của tôi thì sao? Mặc tôi xin mẹ thế nào mẹ tôi cũng không đổi ý, có lúc bực quá mẹ tôi nói: "Bạn bè kiểu gì mà chỉ vì đứa học sáng đứa học chiều thì nghỉ chơi với nhau chứ? Lần này là chuyển lớp nhưng lần sau biết đâu là chuyển nhà, đổi mẹ hay đổi bố thì con sống thế nào đây? Con gái mà không tự mạnh mẽ thì đợi dựa vào ai? Có tí chuyện cũng khóc, con có phải con của mẹ không? Mít ướt quá thể." Lúc ấy, tôi xị mặt, khóc sưng cả mắt và mùa hè trải qua nhanh ngỡ ngàng.

Năm học cuối cùng của cấp tiểu học cũng là năm tôi gặp gỡ những người bạn mới và chia tay những người bạn thân suốt bốn năm. Lớp tôi học là lớp 5A, căn phòng này cũng chính là phòng học buổi chiều của lớp 5C- lớp học đáng lẽ tôi sẽ học trong năm nay. Buổi học đầu tiên, chỉ mình tôi không biết phải ngồi đâu vì mọi người đều đã bạn cũ, họ vừa gặp nhau đã túm tụm lại chào hỏi, huyên thuyên và an vị một chỗ. Nếu được học trong lớp 5C, tôi chắc chắn cũng tụm lại một góc với Hoài, Thu và Linh, chúng tôi sẽ cùng nhau nói về hè ở quê nội của Thu, về chuyến du lịch Vũng Tàu của Hoài và về mùa hè chạy lăng quăng quanh xóm của tôi và Linh. Nhưng tiếc là mọi thứ chẳng bao giờ như chúng ta dự tính, luôn tồn tại ở đâu dó những yếu tố ngoại lai sẵn sàng thay đổi cuộc sống bình yên và vui vẻ của ta. Nhìn những người bạn mới có vẻ hào hứng với học kì này tôi cảm thấy tủi thân vô cùng, giá mà có đứa bạn thân ở đây thì thật tốt, biết đâu chỉ vì chuyển lớp mà hết năm nay mấy đứa bạn tôi sẽ quên mất tôi thì sao? Tôi gục mặt xuống bàn và mong cho buổi học mau kết thúc, đúng hơn là mong cho học kì này mau kết thúc.

Tuần đầu tiên không có gì đặc biệt ngoài việc tôi vừa nghe một bạn trong lớp đọc thơ vừa rơi nước mắt. Nước mắt rơi một cách tự nhiên như thế dù tôi biết vì tôi không thích học lớp 5A nên mới như vậy và tôi cứ tự nhủ khóc mấy giọt chắc cũng không ai để ý nhưng không ngờ...Tiết cuối cùng khi mọi người thu dọn sách vở và chào cô ra về, tôi cũng theo mọi người ra đến cửa lớp nhưng cuối cùng quyết định nán lại ngồi chỗ ghế đá, tôi quyết định sẽ ở đây đợi đến khi gặp lại đứa bạn cũ. Khi nắng chiếu đến những đầu ngón chân, tôi đành di chuyển vào trong lớp học và thật bất ngờ khi thấy lớp trưởng vẫn còn trong lớp. Cậu ta bị cận sớm nên phải đeo mắt kính, phía gọng kính còn có dây giữ kính màu xanh trông hệt như một con rắn lục ngoằn nghèo. Tôi biết cậu bạn này từ hồi lớp 2, nhưng ngoài những lần họp Đội trên phòng truyền thống thì tôi không mấy khi gặp cậu ta lắm. Nhìn cái dáng ngồi suy tư như ông cụ của cậu tôi bất giác lùi ra ngoài, lỡ mà làm hỏng bầu không khí của cậu ta thì không hay chút nào.

- Sao An chưa về vậy?

Tôi đã đi ra ngoài, cách cửa lớp năm sáu bước thì cậu ta đột nhiên hỏi tôi, tôi quay đầu lại, nghiêng người sang phải, nói:

- À, mình ở lại chờ bạn. Sao Khương chưa về, đợi mẹ hả?

- Ừ, hôm nay mẹ mình họp trên Ủy ban nên đón trễ. Mà...lúc nãy sao An khóc vậy?

Đột nhiên, người tôi lại nghiêng hẳn sang trái, chỉ mỗi phần đầu là còn lắc lư qua lại, tôi không nghĩ có ai đó trong lớp lại nhìn thấy cảnh tôi khóc, nhất là khi cô Quế- giáo viên chủ nhiệm lớp 5A khá khó tính. Mới có một tuần trôi qua mà tôi đã chứng kiến cô vụt roi hơn chục đứa vì đủ các loại tội như: không làm bài tập, làm bài tập sai, nói chuyện trong lớp, không nghe cô giảng, nhìn ra cửa sổ, cười không lý do...tôi cũng sợ cô nên khi khóc phải vừa cúi mặt vừa lấy cuốn sách che ngang tầm mắt. Có lẽ thấy tôi cứ nghiêng người không trả lời nên cậu lớp trưởng gãi đầu, nói:

- Lúc đó, vừa lúc quay sang nhìn thì thấy An khóc, bộ nhà An có chuyện gì sao?

- Không có.- Tôi trả lời ngay, rồi đột nhiên lại nghĩ không phải như vậy- Nhà mình không có chuyện gì nhưng mà cũng chẳng biết nữa, đủ thứ chuyện. Mệt lắm, cuối cấp mà mẹ còn bắt mình chuyển lớp.

- À, thì ra là vậy. Mà vào lớp ngồi đi, đứng đó làm gì cho mỏi chân.

Không phải là nghe lời Khương mà tôi mới bước vào lớp và ngồi vào vị trí của mình mà vốn dĩ ngay từ đầu tôi đã có ý định vào trong lớp ngồi rồi, nhưng vừa bước đi tôi vừa nghĩ, liệu cậu ta có nói ai nghe về cảnh tôi khóc nhè trong giờ học vì phải chuyển lớp không nhỉ? Khương rất thân với Hoàng- cái cậu bạn da trắng, cao và gầy như cây sào, ngồi ngay trước mặt tôi- thể nào cậu ta cũng kể cho Hoàng nghe về chuyện xấu hổ ấy mất. Tôi ngồi xuống bàn, chống tay suy nghĩ, chốc chốc lại vờ nghiêng ra sau nhìn Khương. Cậu ta làm tôi bất ngờ khi đang chăm chú làm bài tập về nhà, như thế này không phải là tận dụng trường học quá mức hay sao? Đã là giờ ra về mà còn học, thể nào năm nào cậu ta cũng đứng đầu toàn trường, lại còn là Liên đội trưởng nữa chứ. Người siêng năng như vậy nhất định sau này sẽ khổ vì chẳng lúc nào ngơi tay. Lúc tôi còn đang nhìn cậu ta làm bài tập thì cậu ta đột ngột hỏi:

- Cậu thích lớp cũ hơn lớp mới hả?

- Tất nhiên rồi, cậu cứ thử chuyển lớp mà xem, xa bạn bè bốn năm trời lòng đau như cắt. Vậy nên mình mới tự nhiên mà khóc, cậu đừng có mà kể với người khác nghe chưa!

- Chuyện này có gì hay mà kể?

Lần này, tôi cảm thấy mình bị hớ khi lo nghĩ xa vời, rõ ràng chuyện tôi khóc chẳng có gì đặc biệt, Khương là kiểu con ngoan trò giỏi nên chuyện học mới là chuyện quan trọng nhất, buôn chuyện của người khác đương nhiên không phải là niềm vui của cậu ấy rồi.

- Nhưng mình nghĩ Hoàng thích nghe chuyện này, dạo này cậu ấy hay tò mò chuyện của cậu lắm. Chắc vì cậu là học sinh lớp khác.

Tôi mím môi, tự thấy bản thân thật ngớ ngẩn, ai đời lại hạ thấp người ta rồi lại nâng cao họ để cuối cùng mới nhận ra hóa ra người ta không phù hợp với bất cứ một tiêu chuẩn đánh giá nào của mình hết. Tôi chẳng thèm nhìn cậu ta mà nói:

- Cậu có rảnh lắm mới kể chuyện đó và cậu kia cũng phải nhàn lắm mới nghe chuyện đó.

Vừa nói xong câu này, phía ngoài lớp học đã có tiếng còi xe, tôi đứng dậy nhìn ra ngoài thì thấy một cô mặc bộ vest xanh, thì ra là mẹ của Khương. Biết là mẹ mình, Khương thu dọn sách vở rồi đi ngang qua tầm mắt tôi, chẳng thèm chào hỏi lấy một câu.

Buổi trưa ở trường học không vốn dĩ không bao giờ yên tĩnh, bởi bây giờ là giờ ăn trưa của những học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 4. Cứ từng tốp học sinh rời khỏi nhà ăn lại chạy ra căn-tin mua đồ ăn vặt, nếu không học sinh bán trú lại túm tụm ngồi chơi đủ trò trước khi giờ ngủ trưa bắt đầu. Gần 12 giờ, nhiều học sinh khác lại được phụ huynh chở vào tận cửa lớp và dặn dò đủ điều. Sân trường với những buổi trưa như thế này đã mấy tháng rồi tôi mới được nhìn ngắm lại. Học buổi chiều vừa được ngủ nướng lại lại vừa được gặp bạn bè thật hạnh phúc biết bao. Nhìn thấy thằng bạn cùng bàn năm trước đang bước vào lớp, tôi nhe răng ra cười, nó ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi:

- Ủa, sao mày chưa về, đợi ai hả?

- Ừ, đợi lớp mình. Bình thường mày đâu có đi học sớm vậy đâu.

Thằng bạn ấy tên là Huy, nó ho mấy cái như thể có đàm trong họng rồi nói:

- Mày không biết cô chủ nhiệm lớp mình nổi tiếng hung dữ sao? Mấy bữa trước có hai đứa đi trễ bị Sao đỏ ghi tên mà cô không dạy tiết nào, cả lớp bị nghe chửi đến giờ tao vẫn còn sợ.

Tôi nhăn mặt, gật gù đồng ý. Chẳng hiểu sao tất thảy những thầy cô dạy khối 5 đều như thế, nếu không hay đánh thì sẽ hay mắng, có người còn vừa thích đánh vừa thích mắng học sinh nữa cơ. Cô Quế lớp 5A cũng nóng tính nhưng so với cô Dương lớp 5C thì chẳng là gì cả. Tự nhiên tôi lại thấy việc chuyển lớp thật là may mắn. Thằng Huy vào lớp, chỗ nó ngồi không ngờ lại chính là chỗ ngồi năm trước và là chỗ kế bên vị trí của Khương- lớp trưởng lớp 5A buổi sáng.

- Mày chỉ tao bài này với, hôm qua tao qua nhà Trâm Anh mượn chép mà nó nói không biết làm, con Trâm Anh đã không biết làm thì tao nghĩ chẳng còn ai trong lớp biết làm cả nên mày chỉ tao với.

- May cho mày là sáng nay cô Quế mới giải bài này cho tụi tao đấy nhé.

Tôi chép lời giải ra nháp còn Huy chép lại vào vở của nó, trong lúc đó rất nhiều bạn học cũ cũng đến lớp. Mọi người nhìn tôi, sự nhớ nhung hình như không nhiều bằng mong muốn chép lại bài giải vừa rồi. Thằng Huy hào phóng đưa cả tập và nháp cho mấy đứa bạn, sau đó nó quay sang hỏi tôi:

- Ở lớp kia mày ngồi ở đâu?

Tôi chỉ tay sang dãy sát cửa ra vào và nói:

- Bàn thứ hai, chỗ ngoài cùng. Chỗ đấy là của ai trong lớp mình vậy?

Thằng Huy nhìn tôi, mắt sáng và miệng thì tủm tỉm đầy vẻ trêu ghẹo. Nó không trả lời mà chỉ chỗ tôi đang ngồi rồi nói:

- Mày đi thì chỗ này trở thành địa bàn của Trâm Anh, năm nay nó làm lớp trưởng đó, mày qua đó chắc chẳng được làm gì đâu đúng không, tội nghiệp.

Tôi trề môi và tự thấy đúng là tội nghiệp, câu "Thời thế tạo anh hùng" quả không sai. Thời của tôi đã qua, hoàn cảnh cũng thay đổi, tôi không còn học trong lớp 1C, 2C, 3C hay 4C nữa, những gì có trước kia khi ở môi trường mới hoàn toàn chẳng phát huy được. Tôi muốn làm lớp trưởng cũng chẳng có ai lắng nghe và bầu chọn vì lớp họ đã có một lãnh đạo tên Khương, không những vậy cậu ta còn là Liên đội trưởng của trường, tôi có to lớn trong cái ao nhà thì cũng phải thu mình trong đại dương thôi. Tôi úp mặt xuống bàn học, rầu rĩ nói với Huy:

- Mới có một tuần mà muốn chết quá!

Nó nghe không hiểu nên cười hi hi rồi cũng bắt chước tư thế của tôi, bản mặt to phẹt và hai má lính phính đỏ ửng của Huy làm tôi thấy mình già cỗi đến lạ. Huy hỏi tôi:

- Mày muốn gặp ai mà giờ còn chưa chịu về nữa? À, là Toàn phải không. Nói cho mày nghe, chỗ mày ngồi cũng là chỗ Toàn ngồi đó. Mà tao thấy lạ, Trâm Anh- Toàn- An sao ba người cứ loanh quanh cạnh nhau hoài vậy?

- Mày điên hả Huy?- Tôi bật dậy, giơ nắm đấm thụi cho nó mấy cái- Tao đang đợi Thu, Hoài với Linh. Sao giờ này mấy đứa đó còn chưa đến?

- Đúng là xa mặt cách lòng, hôm nay tụi nó cùng mấy đứa lớp 4B đi giao lưu văn nghệ với trường Tân Bình rồi.

- Không đi học sao?

- Ừ, nghỉ cả ngày mà. Thứ hai tuần sau thể nào cô Dương cũng mắng tụi nó dám bỏ học đi múa cho coi.

Tôi đi bộ về nhà, cả quãng đường cứ tự nhủ công sức đợi cả buổi là do mình không báo trước nên người cần gặp mới không gặp được. Nghĩ suốt mười lăm phút như thế mà cuối cùng về đến nhà lại khóc, cuốn nhật kí cũng toàn những dòng trách móc:

"Bốn năm trước, bạn bè còn là những đứa đội nắng mà đợi mình đi chơi. Mới chuyển lớp mà chúng nó xem mình như người lạ, gặp mặt còn khó hơn Tổng thống. Mình đi như thế này ở lớp mới chẳng vui vẻ gì còn lớp cũ thì tụi nó đi hát đi múa với nhau, lại còn ngồi chỗ của mình, làm chức lớp trưởng của mình. Bây giờ mình chỉ xem chúng nó là bạn cũ thôi."

Nếu mười năm sau đọc lại những dòng này, liệu tôi có buồn đến mức khóc không thành tiếng như thế này không? "Bạn cũ"- hai tiếng này nghe thật đau lòng, như thể từ lâu nó đã mất đi những gì tốt đẹp ban đầu và dù làm cách nào cũng không thể trở lại nguyên vẹn như hình ảnh "bạn" trong mắt tôi năm nào.

***

Chủ nhật, mẹ tôi chở tôi đến một nơi xa ngôi nhà tôi đang sống đến nỗi trên cả quãng đường có rất nhiều đoạn tôi chưa từng được đi qua trước đây. Ngày đó, tôi không nghĩ đến cảm giác bàn tay tê và mỏi nhừ khi phải liên tục lái xe hơn hai chục cây số của mẹ. Bản tính con nít, lúc buồn ngủ quá thì vòng tay ôm mẹ, tựa đầu vào lưng mẹ và miệng thì liên tục hỏi: "Đến chưa mẹ?".

Ngôi nhà trước mắt vừa nhìn qua đã biết chủ nhà là người lắm tiền, nhiều của. Tôi ngơ ngác đi cùng mẹ vào trong nhà, mà đầu cứ luẩn quẩn cái suy nghĩ: "Chị Linh sống sướng thế này ư? Nhưng mà bố mẹ chị ấy giàu như thế, sao lại phải nhờ bố mẹ mình nuôi hộ chị Linh chứ? Chẳng lẽ tiếc của? Nhưng cuối cùng họ cũng đón chị ấy về mà". Mẹ tôi cầm tay tôi và ấn cả tâm hồn tôi yên vị vào chiếc ghế gỗ bóng loáng, ánh mắt mẹ quen thuộc câu thần chú: "Ngồi yên, cấm chạy lung tung", tôi "Xì" một tiếng, lại tiếp tục cúi người nhìn sâu vào trong nhà. Từ phía ấy, tôi thấy bước chân quen thuộc của chị Linh và cả bước chân an nhàn của một người phụ nữ lớn tuổi. Bà ấy niềm nở cười với mẹ tôi, khi đến gần thì phúc hậu nhìn tôi và hỏi han mấy câu. Tôi ngường ngượng, vừa trả lời vừa đung đưa bàn tay. Chị Linh dắt tôi lên phòng và dúi vào tay tôi hai con búp bê. Chị nói:

- Chị cho em này, bây giờ chị lớn rồi chị không chơi nữa. Em cũng thích may đồ cho búp bê đúng không, lát nữa xuống dưới xưởng may chị xin mẹ chị ít vải cho em về may đồ cho búp bê ha.

Tôi gật đầu, lòng sướng đến quên cả nỗi buồn chuyển lớp trước đây. Tôi tò mò hỏi chị Linh về bố mẹ chị ấy, về trường học của chị ấy, về những thứ tôi không chuẩn bị trước nhưng cứ gặp chị Linh thì tôi lại khấp khởi mốn hỏi chị đủ điều.

- Mẹ chị bao nhiêu tuổi mà nhìn mặt trẻ thế? Chị ở một mình một phòng rộng vậy mà không sợ ma à?

- Em sao vậy, hỏi ít thôi chứ.

Chị Linh nhăn tít mũi, rồi đứng dậy mở tủ lạnh lấy cho tôi một lon coca. Chị kể thầy cúng nói mẹ chị tuổi Nhâm Dần, còn chị tuổi Nhâm Thân xung khắc nhau nên chị hay ốm đau. Năm chị bảy tuổi, khi chơi trốn tìm với mấy đứa nhỏ ở quê nội chị lộn cả người xuống giếng, may mà không chết. Bà chị xót quá mới nhờ thầy đến làm lễ, thế là lời thầy phán đã buộc chị phải sống xa bố mẹ chị mà đến ở với gia đình tôi và nhận mẹ tôi làm mẹ nuôi. Những chuyện này mẹ tôi chẳng bao giờ kể tôi nghe, vì thế khi chị Linh chuyển đi mà tôi không biết tại sao đã làm tôi buồn bao nhiêu ngày tháng. Ngày chị Linh chuyển đi là năm tôi vào lớp 3, khi ấy chị chuẩn bị vào lớp 6; hai năm sau gặp lại nhau, chị cao hơn tôi hẳn một cái đầu, chị cũng trắng trẻo và tròn hơn trước một chút. Tôi ngồi trên bàn học chị, lại tò mò về trường lớp mà chị học, nhớ hồi đó học lớp 1 tôi bị thằng Toàn ghẹo đến khóc, chị Linh biết chuyện, kéo cả một đám bạn cả nam lẫn nữ xuống cốc cho thằng Toàn mấy cái. Hai năm rồi, hình như ai cũng khác, chị điềm đạm hơn trước, tóc không cột hai bên ngoe nguẩy nữa mà thắt bím gọn gàng phía sau, ngay cả cách cười cũng không vô ý như trước, mỗi lần chị cười đều đưa tay lên che miệng, kiểu cười ấy làm tôi thấy xa lạ quá mức. Hai mẹ con tôi không ở lại lâu, lúc mẹ tạm biệt chị Linh, mẹ ôm chị vào lòng, vuốt nhẹ mái tóc và không quên dặn:

- Sang đó nhớ chăm chỉ học hành và nghe lời mẹ nha con.

- Mẹ ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe, con sẽ viết thư cho mẹ.

Năm ngày sau, chị Linh cùng gia đình sang Nhật định cư, xưởng may được giao lại cho em trai của mẹ chị Linh quản lý, còn mấy con búp bê của chị được tôi chăm sóc như con ruột của mình. Cứ mỗi lần nhìn thấy hai con búp bê, tôi lại nhớ đến chị Linh, hơn năm năm sống cùng nhau, giữa chúng tôi không chỉ có tình cảm chị em mà còn là những người bạn thân của nhau. Chúng tôi đã từng như thế, cho đến rất lâu sau khi cả hai đều không nhớ năm đó chúng tôi đã từng làm gì, từng nói gì để mỗi người tự nhận người kia là bạn tri kỉ của mình. Khi chúng tôi không nhớ những điều đó, tự nhiên cả hai trở thành những người "bạn thân từng quen biết".

Nhiều năm sau, khi ở độ tuổi trưởng thành, tôi nhận ra rằng ở mỗi giai đoạn tôi lại gặp được những người mà tôi gọi là "bạn thân", họ thật sự khiến tôi muốn có một cỗ máy thời gian để quay về quá khứ. Nhưng qua giai đoạn đó, có lẽ tôi chỉ có thể gọi "bạn thân" là người tôi từng quen biết mà thôi. Bởi chẳng ai có thể cùng nhau đi hết một quãng đường dài, không ai ở lại cùng ta đến tận cùng của thời gian nên chỉ hi vọng ta có thể nhớ đến người ấy- những người từng đến bên cạnh đó và trong một khoảnh khắc họ chưa bao giờ bỏ đi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top