Chương 7: Lan Tràn Bệnh Hình Thức

  No. 36

Ngày mà Lai Thuận đi, chúng tôi ai cũng khóc. Lúc đó tôi vô cùng thương Lai Thuận, nghe nói nhà thầy ấy rất nghèo, thực ra thầy ấy chỉ lớn hơn chúng tôi mấy tuổi đã phải đi làm lính rồi. Nhớ khi xưa bố tôi từng nói trong quân ngũ tối tăm ngột ngạt, những lính mới thường bị bắt nạt vô cùng thảm, thật không biết người mặt mỏng lại không biết nịnh bợ như Lai Thuận liệu có sống nổi trong đó không. Thậm chí, nghĩ xa hơn một chút, người mà thầy ấy huấn luyện, hai ba năm nữa sẽ được đến học ở trường đại học cao đẳng danh tiếng nào, tiến thân lập nghiệp, công việc tốt, lương cao, nhà đẹp, cuộc sống hoàn mĩ... Còn Lai Thuận, khi ấy, thầy ấy đang ở phương nào?

Nếu mẹ tôi nghe thấy những ý nghĩ này chắc chắn sẽ mắng tôi là ấu trĩ, còn bố tôi sẽ cười ha ha, tha thứ cho sự ngốc nghếch ấy của tôi.

Khi xem xét bất cứ một vấn đề gì, mẹ tôi luôn xuất phát từ quan điểm: "Vận mệnh của ta, do ta làm chủ chứ không do trời". Thế giới của mẹ tôi không dung nạp những kẻ hèn yếu, cũng không tồn tại sự bất công do "xuất phát điểm không như nhau". Cuộc sống của bạn không tốt, tiền ít, nhà bé, đó là do bạn không có đủ năng lực để leo lên tầng lớp bóc lột mà hưởng thụ cuộc sống phồn hoa, hoan lạc, đáng đời bạn thôi...

Nhưng bố tôi, ông lại dùng góc nhìn vĩ mô đúc kết nhờ tham khảo nhiều nguồn tin và lắng nghe những "cuộc họp nội bộ trong chính phủ" để bao dung cho quan điểm vi mô hạn hẹp của tôi. Sự không công bằng trong việc phân bổ nguồn tài nguyên giáo dục chỉ là hiện tượng tạm thời, nhưng sự theo đuổi cạnh tranh và hiệu suất của cả một xã hội thì lại vô cùng công bằng, là nhu cầu cần thiết cho sự phát triển trong từng giai đoạn. Do vậy, trong giai đoạn này nếu nhìn từ góc độ vĩ mô mà nói, không phải ai cũng có thể sống cuộc sống ấm no sung túc.

Tôi ghét sự lạnh lùng của họ, hay nói cách khác: Ghét sự lạnh lùng của người lớn.

Tôi chỉ nhớ Lai Thuận nói với chúng tôi rằng thầy rất ngưỡng mộ chúng tôi, bởi lẽ chúng tôi được đi học.

Sau đó, thầy vẫy tay tạm biệt, nói: "Chăm chỉ học hành nhé!"

Tôi khóc đến mức nước mắt nước mũi tèm lem, còn Dư Hoài lại cúi đầu, mím chặt môi, không nói một lời.

No. 37

Vậy là chúng tôi chính thức bắt đầu vào kì học mới.

Mới sáng sớm, Trương Bình đã gọi tất cả bọn Dư Hoài, những tên con trai cao ngồi hàng sau, đi chuyển sách. Những quyển giáo trình mới tinh được buộc bằng dây nhựa, từng chồng, từng chồng được bê vào trong lớp học, tôi thấy vậy lòng vô cùng hào hứng.

Khi phát sách đầu mỗi học kì mới tôi đều hào hứng như thế, thói quen này đã sớm hình thành từ năm tôi lớp một. Sách được phát từ bàn một, sau đó chuyển xuống các bàn sau. Khi ấy, tôi rất ngưỡng mộ những bạn bàn đầu, họ có nhiều sự lựa chọn hơn: bỏ những quyển bị rách trang, mất trang hoặc bị bẩn, chọn cho mình những quyển mới nhất, những quyển còn lại thì chuyển xuống bàn dưới. Do vậy, một người bạn của tôi vô cùng phiền não mà tâm sự với tôi khi ấy cô ấy được phát một cuốn bị rách, cô ấy liền chọn lấy một quyển khác rồi nhét quyển sách rách kia vào, tiếp tục chuyển về phía sau. Sau đó, cô ấy bị giáo viên phê bình, phê bình trước mặt tất cả mọi người. Sau đó, một cậu học sinh vốn được thầy cô yêu quý liền đứng dậy, chủ động lấy quyển sách đó, nhận được tràng vỗ tay của các bạn học cùng sự khen ngợi biểu dương của thầy cô, à, còn có một bông hồng nữa.

Người bạn đó của tôi vô cùng vô cùng đau khổ, cô ấy nhìn tôi chằm chằm, rất thành khẩn: "Tớ biết sai rồi, nhưng tớ đã bảo bạn nam kia để tớ dùng quyển sách rách đó nhưng cậu ta không đưa! Như thế thì cả đời này cô cũng sẽ không tha thứ cho tớ mất."

Tôi vỗ vai cô ấy, thật sự buồn thay cho cô ấy. Bị thầy cô ghi hận, lại còn là cả một đời nữa, thật đáng sợ làm sao.

Sau này, tôi cũng không biết quyển sách rách đó thuộc về ai, có phải đã được một trong hai người bọn họ đem về nhà bọc bìa, trang trí thêm gì đó nữa hay không.

Sách không hề rẻ, là một người tiêu dùng, tại sao lại đi tranh giành một quyển sách rách nát? Ý thức bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của bản thân thật là quá thấp!

Đang nghĩ lung tung thì sách đã chuyền đến tay, tôi nâng niu như bảo bối, từ từ mở ra, cảm thấy ánh mắt ngạc nhiên của Dư Hoài.

"Sao thế?"

"Cậu... lần đầu nhìn thấy giáo trình năm nhất à?"

"Đúng rồi, chẳng phải vừa mới phát sách hay sao?"

Cậu ta nhún vai: "Ừ, ừ, đúng rồi, không có gì, không có chuyện gì đâu!"

No. 38

Sau đó tôi liền rút ra vũ khí đã sớm chuẩn bị sẵn – mấy tờ giấy lịch treo tường cũ đã được cuộn tròn lại.

Tôi không thích loại giấy bọc sách lòe loẹt được bán ngoài các cửa tiệm. Giấy bọc sách chỉ có ba loại: giấy da bò màu nâu, giấy lịch treo tường trắng và giấy bản đồ màu xanh. Ngoài lịch treo tường ra, hai loại còn lại phụ thuộc vào nghề nghiệp của bố mẹ bạn, còn theo tính chất công việc của bố mẹ tôi, chỉ có thể mang về sổ sách kế toán hoặc sổ báo cáo công việc của các cơ quan chính phủ, mà hai loại này, chắc chắn không thể đem ra bọc sách.

Khi tôi đang mừng khấp khởi, chuẩn bị "thi công công việc" thì nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc của Dư Hoài, hai con mắt cậu ta tưởng chừng như sắp rơi xuống bàn vậy.

"Chưa nhìn thấy người bọc sách bao giờ à?"

"Cậu là người đến từ thế kỉ nào vậy? Thời này mà còn bọc sách?"

"Tôi không thích sách mòn mép trang rồi lại còn bẩn nữa."

"Rõ là phô trương."

"Cậu rảnh nhỉ?"

Tôi từ từ lôi từ trong cặp sách ra kéo và băng dính, còn Dư Hoài, sắc mặt cậu ta càng ngày càng u ám...

Bọc sách xong, tôi thận trọng mang bút máy ra định viết tên sách với họ tên, lớp học, thái độ kính cẩn đến mức chỉ thiếu nước thắp hương thì chợt nhớ ra nét chữ xấu ma chê quỷ hờn của bản thân.

Ngày trước đều là bố tôi giúp tôi bọc sách rồi viết tên, chữ của bố tôi rất đẹp. Tôi từng nói qua, lúc được nghỉ, rảnh rỗi ở nhà, ông thường thích nuôi chim trồng hoa viết bút lông, y như những người già về hưu vậy.

Sau đó, tôi cứ cầm bút ngẩn ngơ hồi lâu như vậy, cuối cùng cũng quyết định bỏ bút xuống.

"Sao lại không viết nữa?"

"Chữ của tôi xấu lắm!"

"Bệnh hình thức! Viết tên sách với tên của cậu lên đó, cậu biết là quyển nào với quyển nào, người khác biết là sách của cậu, vậy là được rồi. Cậu còn định trang hoàng nó đến mức nào nữa?"

Giống y chang ác ý của tôi năm đó với cuốn sách kia, tôi cười, dọa Dư Hoài sợ đứng hình luôn.

"Đúng rồi!" Lúc đó tôi đột nhiên nhớ đến "Quãng thời gian tươi đẹp nhất", cho nên kích động liếc mắt nhìn tay áo của cậu ta: "Dư Hoài, cậu viết giúp tôi đi, hình như chữ của cậu rất đẹp!"

Dư Hoài được tâng bốc xong, vẫn tiếp tục làm bộ trách tôi sống hình thức, sau đó có chút không tự nhiên, cầm bút máy lên...

"Viết xấu thì đừng có trách tôi đó!"

Không cần soi gương tôi cũng biết cái mặt mình khi đó cười nham hiểm đến độ nào. "Không trách, không trách đâu. Viết đi, viết đi..."

Cậu ta liền múa bút.

Tiếng Anh

Cách hai ô.

Trung học Chấn Hoa

Lớp năm năm nhất

Dư Hoài

Sau đó, hai người mặt đối mặt, nheo nheo mắt, rất lâu, cậu ta đỏ mặt, gãi đầu gãi tai.

"Cái đó.. tôi không cẩn thận viết thành của mình rồi. Tôi chỉ là do quen tay... hay là, cậu bọc lại từ đầu, à, tôi có bút xóa!"

Tôi nhìn đi nhìn lại, không biết thế nào, ngược lại lại thấy vui. Cũng không thể nói rõ được cảm giác lúc đó, chỉ là trong lòng thấy lâng lâng.

"Cứ để thế đi." Tôi đút sách vào ngăn bàn, đưa cậu ta quyển tiếp theo: "Viết tiếp đi, viết tên ai cũng được!"

No. 39

Trương Bình chỉ định ban cán sự tạm thời, chính là để mọi người giơ tay tự đề cử. Dư Hoài tự tin tự đề cử bản thân làm lớp phó thể thao, Hàn Tự thì được Trương Bình đề cử làm lớp phó học tập. Tôi không biết tên mặt trắng đó điểm đầu vào lại cao đến vậy.

Lớp trưởng là người hồn hậu, da rất đen, cũng là nam, tên là Từ Diên Lượng.

Dư Hoài khăng khăng cho rằng chắc chắn đây là âm mưu của Trương Bình, cũng bởi cả lớp chỉ có Từ Diên Lượng đen hơn ông ta, như thế khi hai người cùng đứng trên bục, làn da của Diên Lượng có thể điểm tô, làm nền cho làn da nõn nà, trắng mịn của Trương Bình.

Nét mặt Hàn Tự luôn bình thản như một mặt hồ tĩnh lặng, cậu ta ngồi bàn trên bàn của tôi và Dư Hoài, góc bên trái. Ngồi bên cạnh cậu ta là một tên ngồi bàn thứ hai từ dưới lên, Giản Đơn, cô ấy như một cô vợ nhỏ vậy, bạn của Giản Đơn là một cô gái đanh đá mà đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tên, ngồi sau Giản Đơn, cũng như tôi, ngồi bàn cuối cùng.

Tôi nhớ lại lúc phân chỗ ngồi, tự dưng cười.

Tiết học đầu tiên là toán của thầy Trương Phong. Thầy vừa cao vừa gầy, đeo kính, da rất trắng, mắt dài lại híp, gò má cao... nhìn có vẻ hơi ác.

Không những thế, thầy còn rất "lạnh", hoàn toàn trái ngược với Trương Bình, gần như không cười. Khi tôi đang háo hức, ôm hi vọng được xem màn giới thiệu mở đầu thấm đẫm tình bạn, tình đoàn đội thì kết quả lại chỉ có một câu: "Chào các bạn, tôi là Trương Phong, từ ngày hôm nay, tôi sẽ là thầy dạy toán học Trung học Phổ thông của các bạn."

Sau đó, mở sách ra: "Hôm nay chúng ta học chương một tiết một, giới thiệu một chút về định nghĩa nguyên tố và tập hợp."

"Thầy thật vô vị." Tôi nằm bò ra bàn.

"Mọi người đến là để học, cậu nghĩ là diễn phim truyền hình dài tập chắc?" Dư Hoài liếc xéo tôi một cái rồi lấy từ trong cặp ra quyển sách toán học.

Cùng là một bản nhưng lại là sách cũ đã từng sử dụng, tất nhiên, không hề bọc bìa. Do đó, tôi cuối cùng cũng biết trong cặp cậu ta chứa những gì: Sách giáo khoa, vở bài tập, vở nháp.

"Sao lại là sách cũ thế?"

"Kì nghỉ tôi học trước chương trình năm nhất nên mới mua trước đó." Cậu ta lật lật mấy trang sách, bổ sung thêm: "Mọi người ai cũng học thêm trước hoặc tự học ở nhà. Nghe nói bọn Lâm Dương tổ chức cuộc thi, hình như còn học trước Vật lý cơ bản và Toán học phân tích của năm nhất đại học nữa."

Tôi không biết Lâm Dương là ai, cũng không hỏi. Chỉ đến khi Dư Hoài cũng không nghe giảng mà mở cuốn "Bài tập hóa năm hai Vương Hậu Hùng" ra, tôi mới bi thương nhận ra rằng bản thân vô ý đi vào vương quốc khắc tinh với cái đẹp và là lãnh địa của các cuộc đua giữa những siêu nhân châu Á.

Hầu hết mọi người đều đã học trước, vậy là vô hình trung tôi trở thành phần tử cực đoan nhỏ bé không có bụng dạ hay ý muốn tranh đua gì.

Mở cuốn vở ghi xinh đẹp mới mua, tâm trạng cũng tốt hơn một chút, tôi bắt đầu chăm chỉ chép định nghĩa tập hợp mà Trương Phong viết trên bảng.

"Thứ đó vô dụng, trong sách đều có, chép làm gì, lãng phí thời gian." Dư Hoài không hề ngẩng đầu, chỉ lành lạnh ném cho tôi một câu bình luận.

"Tôi thích thế." Tôi không nén được giận, có chút to tiếng, mặc dù cậu ta nói đều đúng thật.

"Có lòng tốt nhắc nhở cậu, không lại mất công chăm chỉ." Cậu ta nhún vai, tiếp tục làm bài tập của mình.

Tôi biết Dư Hoài cũng muốn tốt cho tôi nên mới nhắc nhở như vậy, nhưng tâm lí tự ti của một học sinh kém luôn khiến tôi không muốn thừa nhận. Có khi cho dù người khác có ngầm cười chê tôi không hiểu cách học hiệu quả, nhưng mặt vẫn nhất định phải cười cười nói nói: "Trời, vở ghi của cậu đẹp thiệt đó nha!"

Vừa mới bắt đầu học kì mới tôi đã biết Dư Hoài là học sinh xuất sắc.

Có lẽ bởi vì quyển sách nát tươm của cậu ta đều do bị hút hết tinh hoa rồi.

Có lẽ bởi vì cậu ta làm "Bài tập hóa lớp 11 Vương Hậu Hùng".

Có lẽ bởi khi điểm danh đến cậu ta thì nghe được phản ứng vừa ức chế, ghen tị, vừa ngưỡng mộ, bội phục của lớp một và lớp hai. Bạn biết đấy, kém một chút nên không đạt được sẽ khiến người ta không phục mà thấy ấm ức, còn kém quá xa thì người ta sẽ rất bình tĩnh, do vậy, tôi rất bình tĩnh, còn cậu ta thì kích động.

Sau này của sau này nữa, Dư Hoài cuối cùng cũng không sợ làm tổn thương kẻ mặt mỏng như tôi nữa, thành thực mà nói, ngay từ đầu cậu ta cũng phán đoán tôi hẳn không phải là một kẻ xuất sắc gì.

Tôi hỏi tại sao.

Cậu ta hứ một tiếng: "Vì cậu ngồi bọc bìa sách!"

Hết chương 7  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top