Phần 2,3: Bộ sưu tập giấy khen. Chúng ta có thoải mái với việc mik ko xuất xắc.

Chủ đề 1: Tôi là một, là riêng, là thứ nhất (2,3).
Một trong những điều yêu thích nhất của tôi là viết. Tuy nhiên tôi không biết nên điền mục ước mơ ở lớp kĩ năng sống là gì. Cô giáo bảo em nên mơ ước trở thành nhà văn hàng đầu Việt Nam để có động lực phấn đấu. Tôi chưa từng có ước mơ ấy. Tôi chỉ mong điều mình viết chạm đến lòng người. Người nào đọc thì nhớ đến tôi như nhớ một người bạn, một người chị, một người em gái dù chưa gặp nhưng như đã quen vì cô ấy có cách nói ra những điều lẩn khuất trong lòng mà mình chưa diễn đạt bằng lời được, thế thôi. Chứ không phải là dưới danh hiệu nhà văn đang tạo ra thứ nghệ thuật hàn lâm, đã thế lại còn nhà văn hàng đầu! Tôi không thiết tha gì điều ấy. Cũng thiết nghĩ trong lòng mỗi người sẽ luôn có chỗ cho người mà họ yêu thích, như là thẻ nhớ có đủ chỗ cho list nhạc của nhiều ca sĩ mà tôi thích, việc phân loại hàng đầu là ở đâu ra và để làm gì cơ chứ. Cái thế giới này phát cuồng lên vì các bảng xếp hạng. Có bài hát dịu dàng, có bài hát dữ dội, có bài sôi nổi cũng có bài thiết tha. Chúng ta cần tất cả những điều ấy cơ mà, sao lại xếp hạng kiểu dữ dội thì thời thượng hơn dịu dàng êm ái?

Cầu thủ bóng đá Lionel Messi từng nói: "Winning isn't everything even if you win everything" (Chiến thắng không phải tất cả cho dù chúng ta có chiến thắng tất cả đi chăng nữa ). Tôi đã suy nghĩ tám vạn lần rằng cuộc sống có nhất thiết phải là một cuộc đấu tranh không, thắng cái gì và để làm gì? Cái tư tưởng "Hãy trở thành số một" nặng tính đấu tranh. Nếu bạn không leo lên đầu những người thứ hai, thứ ba thì làm sao bạn chắc mình là số một?

Từ nhỏ chúng ta đã luôn tin sống là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Các kì thi dạy chúng ta điều đó, một người bị đánh trượt là một cơ hội cho mình đỗ. Nhà trường có các kiểu xếp hạng để chúng ta tin sự cạnh tranh đó là thước đo giá trị của mình.

Nhưng tôi đã mất nhiều năm để nhận ra nghịch lí này: Bạn càng tranh đấu, càng cố gắng vượt lên trên người khác để làm điều gì đó, bạn càng đẩy thành công ra xa mình! Bạn càng nhồi óc "mình vĩ đại hơn mình tưởng", bạn càng không làm được điều gì vĩ đại. Những bài báo về những câu chuyện start-up thành công rực rỡ với những chủ nhân ngoài hai mươi làm bạn hoang mang ở cái tuổi ngoài hai mươi của mình. Bạn chạy đua với cả thế giới và gục ngã vì kiệt sức mà vẫn chưa thấy mình đi đến đâu có đúng không?

Tôi cũng có những ngày tháng như vậy, và cho đến giờ khi nhận ra sai lầm của kiểu tư tưởng hô hào thành công bằng cách cạnh tranh quyết liệt và đua với cả thế giới, nhiều lúc tôi vẫn cư xử với đời mình như thể mình là một chiến binh và muốn chiến thắng. Có những ngày chỉ biết nằm lặng im giữa tuổi trẻ, rất muốn được ôm chính mình và nói lời xin lỗi chính bản thân mình. Cái sự hiếu thắng ấy đã làm hại tôi.


Tôi có cảm tưởng trường học giống như những trại huấn luyện bò tót mà giải thưởng là những mảnh vải đỏ để những con bò lao vào. Xông lên đi, học đi, học ngày học đêm vào, để mang lại vinh quang cho nhà trường và chính bản thân mình. Các em sẽ được gì nào? Sẽ lên bục danh dự cầm bằng khen và nghe các bạn vỗ tay, sẽ được nhận chút tiền thưởng, sẽ được thầy cô yêu quý gia đình tin tưởng vì là con ngoan trò giỏi. Tất cả những điều ấy mới mời gọi làm sao! Còn nếu bạn là học sinh cá biệt, bạn xếp hạng bét, bạn là thành viên mà cô chủ nhiệm chỉ muốn gạt ra để lớp có thứ hạng cao hơn, bạn sẽ không được nhà trường và gia đình thừa nhận.

Tôi thấy điều buồn cười nhất ở trường là bạn sẽ bị đánh tụt hạnh kiểm chỉ vì học lực kém và yếu, như thể nếu học không giỏi thì bạn không có quyền có đạo đức vậy! Những đứa trẻ dành cả tám tiếng ở trường mỗi ngày và về nhà chỉ để làm bài tập và đi ngủ, thế giới chật hẹp của chúng chỉ xoay quanh lớp học và nhà, làm sao chúng có thể có nhân sinh quan rộng lớn đủ để không tự đánh giá chính mình dựa trên những nấc thang điểm số và giải thưởng mà nhà trường đã đặt ra được? Rồi chúng trở thành những người hoặc tự tin ảo tưởng vì bị ve vuốt cái tôi thái quá, hoặc tự ti thái quá vì mình không có mặt trên bảng xếp hạng. Điều nguy hiểm nhất là tư tưởng cạnh tranh và hiếu thắng sẽ ngấm vào chúng.

Đến tận lúc này, tôi mới nhìn rõ điều đó ở chính bản thân mình. Vì ngày xưa cứ đến mùa thu sắp khai trường, ông bà lúc nào cũng chờ đợi được nghe tên cháu mình ở cái loa làng đi nhận phần thưởng khuyến học, nên tôi cũng muốn học giỏi chứ. Thua kém là tôi ấm ức lắm. Bạn tôi được 9 điểm, về nhà mẹ đánh vì phải được 10 cơ. Năm lớp 9, tôi học ngày đêm cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tôi cảm giác nếu thi không có giải thì mình sẽ đem sự hổ thẹn này xuống mồ mất. Cô giáo cổ vũ rằng tôi giỏi, tôi làm được. Tôi thức đêm viết văn, tôi ăn nghĩ đến Văn, ngủ mơ đến Văn, mà cái lo sợ nó lớn hơn hứng thú. Tôi ngồi nhìn đề văn nhiều đêm liền, vật vờ đến bốn giờ sáng, có đêm mất điện tôi thắp nến để viết cho kịp sáng nộp, và bạn bè tôi cũng thế. Thức đêm liên tục trong thời gian dài là điều không tưởng với một đứa mười bốn tuổi. Giờ tôi đã hai mươi hai, nhưng cái tính cạnh tranh không bằng một phần thời ấy.

Và tôi được giải cao nhất, cái giải lâu lắm mới có người đạt được, lẽ ra tôi có thể ưỡn ngực vươn vai hạnh phúc được rồi, nhưng cảm giác đó qua nhanh đến nỗi nhiều năm sau tôi vẫn còn ngỡ ngàng và nghĩ lại. Năm mười bốn tuổi đó, tôi bắt đầu hồ nghi về hạnh phúc. Tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng mình có thật sự cần giải thưởng này hay trong thâm tâm mình chỉ sợ cảm giác thua kém, cảm giác được kì vọng để rồi mình phá vỡ kì vọng, cảm giác cái mác học sinh giỏi đã là một phần không thể tách rời với mình? Nhiều năm sau đi học, tôi cũng đã sưu tập không thiếu tờ giấy khen nào mà một học sinh giỏi nên có. Nhưng, một cách thành thực, tôi chưa từng hạnh phúc, chưa từng hạnh phúc. Dù nằm trong top đầu, trong lòng tôi lại bất an thường trực, sợ bị rơi ra khỏi nhóm ấy. Cũng như các ngôi sao lẫy lừng một thời cảm thấy đau khổ hằn học khi những thế hệ mới nổi lên vậy. Đấy là cái tai hại của việc xếp hạng đã tạo ra cho những cá nhân được xếp hạng.

Trước kia, tôi viết văn để đi thi và chấm điểm, mẫu mực và đẹp đẽ, dù cũng đầy cảm xúc nhưng nhìn lại thì cũng chỉ là thứ cảm xúc trong khuôn khổ. Viết văn là dạng thức lột đồ cho tâm hồn. Bạn sẽ trần trụi khi chữ viết hiện ra. Không có kẻ giả tạo viết được thứ văn chân thành. Lúc ấy các bạn lớp khác bảo đọc không hiểu. Tôi nghĩ các bạn hiểu làm gì, trong lòng hơi bực bội chút. Sau này vào đại học, tôi trót đưa chân vào ngôi trường mình chưa từng thích nhưng chỉ bố mẹ thích, tôi rơi xuống top cuối. Nhưng điều lạ lùng là tôi không định đem theo sự hổ thẹn của một học sinh giỏi nhiều năm xuống mồ. Tôi đã rơi chạm đáy, đã sát thương, và cũng đã trưởng thành.

Một ngày tôi nhận ra mình tự do như chưa bao giờ tự do đến thế, tôi muốn hét lên là ở đây không ai nhìn tôi là nghĩ ngay đến học sinh giỏi nên tôi cần phải mẫu mực làm gì, tôi đã ở top cuối thì sự bất an bị rớt khỏi top đầu cũng tiêu tan. Tôi vẫn tổn thương, vẫn dần dần gỡ bỏ quá nhiều lớp áo giáp mà bao năm đã dựng lên để tự vệ và tỏ ra hoàn hảo với thế giới, và vẫn viết. Rất nhiều ngày tháng trôi qua cho đến khi tôi nhận ra giờ ngay cả các bạn học tự nhiên cũng hiểu và thích điều tôi viết, thậm chí họ bắt đầu chờ đợi. Tôi không còn giải thưởng nào để làm tấm khiên che chắn cho danh dự của mình, nhưng khác với lúc được bao vây bởi giải thưởng, điều tôi viết đã được đón nhận. Nhiều khi nghĩ lại mấy bài văn hồi trung học, đến tôi cũng xé vứt đi rồi phá lên cười quá. Giờ tôi viết theo đơn đặt hàng của cảm xúc, không phải theo lệnh của thầy cô. Có một ngày chúng ta nhận ra những tổn thương đã đưa ta đến gần với cuộc đời này, đến gần hạnh phúc.

------------------------------------------------------------------------

3.

Chúng ta có thoải mái với việc mình không xuất sắc?

Tôi nghĩ lại những đêm đông năm mười bốn tuổi thức đến bốn giờ sáng làm văn chỉ vì quá chán nản mà mai vẫn phải nộp bài nên chưa từng cho phép mình đi ngủ, nghĩ đến ánh mắt xót xa của bà ngoại mà muốn rơi nước mắt. Tại sao tôi phải hiếu thắng và hèn nhát như thế để mà khi lên lớp 10, tôi trở nên quá yếu đuối đến mức chỉ chạy một vòng quanh sân bóng cũng có thể ngất? Tại sao tôi làm văn sau khi ăn trưa rồi hùng hục đạp xe đi học để đến mức loét dạ dày? Nhiều năm sau này, những đêm thức gần trắng trong thời gian dài đó và áp lực thời đi học đã khiến tôi trả giá. Tôi bị bệnh từ đầu đến chân. Đấy là lỗi của chính mình, nên tôi phải dùng cuộc đời còn lại để sửa sai, để hứa rằng sẽ không bao giờ vay mượn ước mơ, quy chuẩn của người khác để áp đặt lên bản thân mình, không bao giờ gồng mình lên làm siêu nhân nữa.

Tôi có tâm hồn đậm đặc Á Đông. Càng tìm hiểu về văn hóa phương Đông, tôi càng nhận ra các tư tưởng lớn phương Đông chưa bao giờ dạy con người ta cạnh tranh và hiếu thắng cả. Sự hiếu thắng đó là của phương Tây. Sự bành trướng về kinh tế dẫn đến sức ảnh hưởng của văn hóa, chúng ta đã bị mê muội tin rằng cái gì đến từ phương Tây cũng tốt. Những nhà hiền triết Á Đông tin rằng cuộc sống là một dòng sông, bạn càng vẫy vùng tranh đấu với dòng nước, bạn càng nhanh chìm. Điều bạn nên làm là thả lỏng, trôi theo dòng nước. Đó cũng là câu chuyện của tôi, khi tôi ngừng tranh đấu vì giải thưởng, tôi mới bắt đầu thực sự viết ra được thứ người khác có thể đọc! Tôi đã từng thắng nhiều người khi đi học, nhưng tôi đã thua chính mình, thua hạnh phúc.

Sự thắng thua làm người ta không bao giờ có thể bình an với chính mình. Sẽ ra sao nếu bạn đứng trên đỉnh thành công nhưng không hề hạnh phúc? Nó giống như Napoleon chinh phạt cả thế giới rồi thất vọng, vì không còn thế giới nào khác để chinh phục nữa!

Tôi có đọc được trong một cuốn sách: Các nhà du hành vũ trụ của con tàu Apollo dành cả đời khát khao chinh phục mặt trăng, và họ đã làm được điều đó, nhưng sau khi trở về trái đất họ bị trầm cảm nặng nề vì không còn biết mục tiêu sống tiếp theo của đời mình là cái gì. Đời không như là mơ, mà còn hơn là mơ ấy chứ. Tới mặt trăng đúng là điều không tưởng, nhưng tới mặt trăng rồi thì làm gì tiếp? Khi một giấc mơ trở thành hiện thực thì cũng là lúc một giấc mơ đẹp vừa bị đánh cắp đi.

"Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời." Khắc tên xong rồi thì làm gì? Không thể leo lên trời bằng đường bộ, cũng không có cánh, hay là nhảy thẳng xuống vực? "Hạnh phúc không phải đích đến mà là một cuộc hành trình." Leo núi không biết bao giờ tới đỉnh là một dạng vô vọng nhưng leo lên đến Everest rồi phát hiện ra đấy là nơi cao nhất rồi chẳng leo đi đâu được nữa cũng là một dạng vô vọng khác. Thế đấy.

Làm ơn, đừng ám ảnh về việc mình phải vĩ đại, phải thành công vang dội, đừng bị đe dọa vì một bài báo về anh A chị B khởi nghiệp hay lương nghìn đô. Tôi không bảo bạn ngừng học hỏi, nhưng học với tâm thế muốn mình tốt hơn, muốn giúp đời giúp người, khác với tâm thế cạnh tranh và thấy mình thua kém cả thế giới. Mà thực tế, với tâm thế đó, bạn mãi đứng im một chỗ hằn học, chứ đừng nói đến được thành công.

Tôi hơi nghi ngờ thế giới này đang coi xuất sắc là một loại đạo đức, còn những người bình thường thì sẽ bị coi là không cố gắng, không có ước mơ, không cần phải thương hại. Tôi tin chúng ta sinh ra không có tố chất như nhau, không có sứ mệnh như nhau, không có nền tảng như nhau. Muốn biết người khác cố gắng hay không, cần đặt họ vào câu chuyện của chính họ. Tôi mất tám năm để tự tìm ra nguyên nhân mình mất ngủ và tự chữa bệnh. Tôi ngồi hai tiếng trên giảng đường cũng khó khăn, tôi rất mệt, vì máu lưu thông kém. Nếu bạn đánh giá tôi không tích cực đi phượt, tham gia hoạt động xã hội, không có gì để ghi vào CV, như vậy có công bằng không? Ví dụ một sinh viên từ quê nghèo phải từ chỗ chạy bàn lao đến lớp học rồi từ lớp học đi làm gia sư để có thể trả một chút sinh hoạt phí thì có thể có nhiều thời gian, sức khỏe như một sinh viên ở thành thị mà mẹ vẫn chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ để tập trung học hành được không? Bạn không thể lạnh lùng nói rằng ai không thể theo đuổi đam mê, kẻ đó đã thất bại, xứng đáng thất bại. Cậu bạn cúp học cả tuần đến chỗ làm thêm, bạn có biết quê bạn ấy đang oằn mình gánh lũ, hay bạn chỉ đánh giá đấy là kẻ lười biếng không chịu cố gắng học hành?

Chúng ta hẹp hòi, chúng ta sợ hãi. Chúng ta bị ám ảnh bởi thành công. Chúng ta muốn một thứ chỉ vì NGƯỜI-KHÁC-CŨNG-CÓ. Chúng ta chưa từng bình an với chính mình. Chúng ta quá thiếu kiên nhẫn. Chúng ta chưa từng biết trong cuộc đời rộng lớn này, phải đi tìm một định nghĩa hạnh phúc cho chính mình chứ không phải vay mượn từ người khác. Chúng ta không thoải mái với việc mình không xuất sắc. Chúng ta cạnh tranh, chạy đua và trượt dài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: