Quan âm thị kính
"Chàng muốn em chờ bao lâu?"
"Chờ ta tóc dài tới eo, ta sẽ cưới em làm vợ"
___________________
“Chàng có biết, người ta nói gì về việc em yêu chàng không?”
“Họ nói gì?”
“Đừng.”
Con gái phú ông, mười sáu trăng tròn, cái tuổi này ở thôn đã là già, già lắm rồi. Ấy thế mà cái cô Thị Mầu ấy cứ trơ ra chẳng chịu lấy chồng, ngày ngày õng a õng ẹo lượn hết Đông đến Tây, làng trên xóm dưới không ai thấy là không ghét.
Thị bảo, Thị chưa muốn lấy chồng, Thị đang tìm chân mệnh thiên tử của đời mình đấy thôi. Mà chân mệnh thiên tử ấy, Thị đã tìm mấy năm nay, tìm mãi, cuối cùng lại nhắm vào vị sư pháp gọi Kính Tâm ở chùa Vân Tự.
Họ gặp nhau thế nào á? Nghe này...
Đồn rằng cứ mỗi năm một lần, người người lại xúng xính váy áo mà dâng hương ở chùa Vân. Chùa Vân tuy không xa, nhưng đối với tiểu thư con nhà phú ông thì việc đi bộ quả là khó nhọc.
- Cô không sợ mệt à? Hay em gọi anh Nô mang ngựa đến cho cô nhé?
Cái Mận lẽo đẽo đi theo cô nó, nó thì sắp thở ra khói rồi, mà cô nó vẫn hăng lắm. Đi thì lắc hông sang phải lại sang trái, đôi mắt phượng cũng nhìn ngang nhìn dọc khắp nơi.
Nó biết, cô đang tìm Kính Tâm.
Cô si mê Kính Tâm từ thưở trăng rằm. Si mê dáng vẻ tuấn tú, si mê giọng nói thanh thanh, si mê tấm lòng cao thượng.
- Kính Tâm, chàng có muốn hoàn tục không? - Đó là lời đầu tiên cô nó mở lời ngay khi gặp lại Kính Tâm.
Khẽ thấy hắn sững người ngây dại, chuỗi hạt tràng trên tay cũng ngừng chẳng vân vê. Mắt nhìn chằm chằm xuống đất như muốn né tránh ánh mắt của Thị Mầu.
Từng làn hương khói bay nghi ngút từ những mâm cỗ được dân làng dâng lên làm cay xè mắt Mận. Nó tèm nhèm mấp máy môi huých eo Thị gằn từng chữ:
- Giời ơi cô ơi tiết đáo để đâu cô ơi!
Con gái nhà người ta thương thầm ai thì giấu như mèo giấu cứt. Còn cô nhà nó thì cứ bô bô cái mồm ra, còn mạnh miệng nói rằng:
Yêu là phải nói cũng như đói là phải ăn. Cô thích thì cô nhích thôi!
Kì thực, Mận theo cô Mầu từ bé, nó cực thích cái tư tưởng của cô: Yêu là phải nói, cũng như đói là phải ăn. Nền ông được tam thê tứ thiếp, cớ sao nền bà chẳng được trêu bướm ghẹo hoa? Ấy thế mà cái tư tưởng tiến bộ ấy qua miệng người đời lại biến thành lăng loàn, mất nết.
Người ta cứ bảo mắt cô nó liếc đĩ lắm, nhưng nó biết rằng, cô nó chỉ đang tìm Kính Tâm đấy thôi.
Thói đời, trời sinh có đôi mắt đẹp cũng là một cái tội. Làng trên xóm dưới có ai là không ghen ghét mà đặt điều.
Người ta đi lắc hông, được gọi là yểu điệu. Cô nó đi lắc hông, được gọi là lẳng lơ. Người ta đi trẩy hội, được gọi là du xuân. Cô nó đi dâng lễ, bị gọi là đú đởn...
Đời mà, có ai muốn người ta hơn mình đâu.
Mà kể Mầu cũng lạ, mấy ả đàn bà ghen tức nói xấu thị, những nhà từng bị Thị từ chối hôn sự cũng quăng tiếng ác cho Thị. Thị chỉ hờ hững đáp một câu:
- Mồm ở mặt người ta, ai mà quản được, tai nào gần nhất tai nấy nghe. Cô cứ sống tốt đi cho tụi nó tức chết.
Quả đúng là vậy, cái cách Thị sống làm người ta tức thật.
- Đồn ra ngoài, người làng biết được sẽ không hay cho phẩm giá của thí chủ.
Kính Tâm hạ tấm sớ trong tay xuống, đôi mắt rầu rầu tập trung vào nghiên mực trong tay, để ý một chút, sẽ thấy tên thị được viết bằng nét chữ hơi run.
- Có đồn, cũng là em đồn- Thị nói khẽ, còn Kính Tâm thì bất lực lắc đầu. Thị đáo để quá.
Sư cụ đã bắt đầu đại điển dâng hương, từ đầu tới cuối thị chẳng đi đâu nhiều, chỉ quanh quẩn bên Kính Tâm nói mấy chuyện lặt vặt.
- Viết đi - Kính Tâm theo thứ tự trên dưới đưa Thị tờ giấy ước nguyện, cũng chẳng nói gì thêm. Thị cầm giấy trên tay cười đon đả, dịu dàng ghi lại hai chữ "Kính Tâm" rồi treo trên cành đào đang độ rực rỡ.
Kì thực, ước nguyện của Thị cũng chỉ thế mà thôi.
•••
Ngày cuối cùng trước khi kết thúc Tết nguyên đán, quan hệ giữ Kính Tâm và Thị Mầu trở nên xa cách, như cố ý, lại như vô tình.
Kì thực, Kính Tâm có bao giờ đếm xỉa tới Thị đâu, chỉ là Thị cứ bám lấy hắn không buông, khẳng định với làng trên xóm dưới rằng Thị sẽ khiến Kính Tâm phải hoàn tục.
Nhưng hôm nay, đến lúc dâng lễ, giữa cả hai cũng thường xuyên rơi vào cục diện lạnh lẽo không lời.
Khi thị không nói gì, chỉ dùng ánh mắt mà nhìn hắn chăm chú, hắn sẽ lẩn tránh theo bản năng. Không biết từ khi nào, nụ cười của Thị ít đi, có lẽ là đêm giao thừa đó, khi Thị hỏi hắn: "Chàng đã từng yêu ai?". Cùng với sự im lặng của Kính Tâm, nụ cười của Thị cũng vì thế mà tắt lặng.
"Ừ, yêu một người có thể bỏ qua tự tôn, nhưng nếu đối phương không cần tình cảm của ta, ta phải giữ lấy lòng tự trọng." Thị nghĩ như vậy và Thị chẳng muốn nhắc nhiều nữa.
Khi đi qua cổng tam quan vào chùa phải đi vào bằng cửa Giả quan và đi ra bằng cửa Không quan. Cửa Trung quan chỉ dành cho bậc Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa, điều này Kính Tâm đã nhắc nhở nhiều lần, ấy thế mà hôm nay Thị lại quên, tâm hồn Thị cứ như treo ngược cành cây vậy.
Theo trình tự, đầu tiên phải Thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông. Sau đó đặt lễ lên hương án của chính điện và tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi đi đến điện thờ Đức Ông, Kính Tâm khẽ dừng lại, bộ dạng ngại ngùng quay đầu hỏi Thị:
- Thí chủ muốn cầu bình an không?
Trời đã chập tối, Thị chẳng quan tâm đến thần đánh thánh vật gì đâu. Nhưng mà được ở cạnh hắn thêm một chút, Thị cũng gật đầu lấy lệ.
- Chàng khấn giúp em đi.
Kính Tâm khoanh gối ngồi trước bộ mõ, tiếng gõ cộc cộc và bài khấn Tôn giả Tu Đạt vang lên đều đều như tiếng đài đĩa của nhà giàu trên phố huyện, tâm tình của Thị bỗng nhẹ nhõm.
Kính Tâm khấn, khấn thì rất dài. Thế nhưng Thị chỉ nghe được ba chữ "Nguyễn Thị Mầu" được thốt lên từ bờ môi mỏng thanh thanh ấy.
Từ khi nào Kính Tâm đã biết được họ tên của thị? Thị chả biết, nhưng sao tim thấy ngọt, ngọt ghê luôn.
Bao nhiêu phiền muộn, quyết tâm từ bỏ Kính Tâm trong lòng Thị trôi sạch. Người Thị lịm đi như bị thằng cha nào rút xừ nó xương vậy.
Cha Thị bảo, Thị đang ở cái tuổi mộng mơ trong chuyện tình cảm.
Một số người có duyên, vừa gặp tình lang liền có thể yên bề gia thất.
Cũng có một số người duyên mỏng, từ khi rơi vào cảm mến đơn phương, đời này đã định sẵn phải sống trong cảnh thất tình.
Thị, là tuýp người thứ hai.
- Kính Tâm này - Thị hỏi
- Thí chủ cứ nói - Hắn hờ hững đáp
- Chàng muốn em đợi đến bao lâu?
- Bần tăng chưa từng muốn thí chủ đợi.
Thị thở dài xếp lại miếng oản, Kính Tâm cũng chẳng muốn nói gì nữa. Nhiều lần khuyên Thị buông bỏ chấp niệm, thế mà có phải muốn buông là buông được đâu. Người lạnh lùng như Kính Tâm, sao có thể thấu hiểu thứ gọi là tình yêu cơ chứ?
- Em về.
- Nhưng về đâu?
Thị nhìn hắn khẽ nâng khoé miệng:
- Chưa biết. Chắc là nơi không có chàng.
Nơi không có hắn? Không, chẳng có đâu, có nơi nào Thị đến mà không thấy bóng hình anh tuấn này. Nói cho sang miệng thế, chứ làm được bao nhiêu? Thị xoay người liếc đôi mắt buồn buồn bảo với Nô:
- Về thôi, cô mệt rồi.
Bóng Thị khuất xa, dưới ánh đèn le lói là sự cô độc đến lạ thường. Kính Tâm cứ đứng ở đó nhìn theo nhân ảnh gầy mòn, cho đến khi Thị chỉ còn là một chấm nhỏ rồi khuất hẳn, hắn cũng chưa chịu vào chùa, đứng mãi...
________________
"Kính Tâm, hôm nay chàng có đọc được thư của em không?
Em đã nghĩ rất nhiều rồi, nghĩ về chuyện của chúng ta. Hoặc ví như, nó chỉ là chuyện của em thôi.
Em si mê chàng từ cái nhìn đầu tiên. Chính vào cái ngày em bị ngã dưới chân đồi, và rồi cũng chính đêm đó, lần đầu tiên chàng bước vào giấc mộng của em.
Ở cái huyện Bình Chẩm này, có ai mà không nghe đến Thị Mầu con gái Phú Ông nổi tiếng lẳng lơ đĩ thoã. Nhưng em chẳng quan tâm, phần vì em không thẹn với lòng, phần vì em biết, chàng cũng chẳng để tâm đâu.
Lại một ngày trôi qua, em cũng lại yêu chàng thêm một ít. Em nói những lời này, không phải để làm khó Kính Tâm. Chỉ là em bỗng cảm thấy mình thật trơ trọi, thật bơ vơ, em nhớ Kính Tâm, nhớ vô cùng.
Đêm qua em tỉnh dậy, em không thấy chàng đâu. Em sợ mất chàng, dù chàng chưa từng là của em...
Cảm giác đơn phương một người thật giống bị muỗi cắn, một chút tương tư, một chút ngứa ngáy. Dù có gãi đến rách da rách thịt, thì vẫn cố làm thỏa mãn cơn thèm khát của bản thân. Tự bọc cho mình một cái kén, tách mình với thế giới bên ngoài. Cho đến khi trày da tróc vảy, thương tích đầy mình.
Kính Tâm, liệu chàng có thể cho em một thời hạn không? Một kiếp? Hay là một đời?
Chỉ cần chàng nói, em nhất định chờ chàng. Mong chàng hồi âm..."
•••
Chùa Vân Tự hôm nay lại nườm nượp phật tử đến dâng lễ, Kính Tâm ngồi bên phụ trụ trì mài mực, chốc chốc lại ngửng đầu lên tìm kiếm bóng hình một ai đó.
Người nối người đi qua, vẫn chẳng thấy được một tia hi vọng, hắn lặng ngồi mài nốt số mực mà lòng trống vắng.
- Mực đổ ra ngoài rồi
Trụ trì khẽ trầm giọng nhắc nhở. Kính Tâm lúc này mới giật mình nhìn xuống, mực đã lênh láng từ lâu. Vậy mà hắn vẫn cứ mài như đúng rồi.
- Có tâm sự sao?
Kính Tâm lắc đầu cười khổ:
- Phải làm sao để không cảm thấy cô đơn?
Trụ trì im lặng, mãi một lúc sau khi cảnh vãng mới cất tiếng trầm ngâm:
- Mỗi một trái tim từ khi sinh ra đều mang một nỗi cô đơn, phần lớn, đều đem theo cô đơn đi hết một đời.
Hai người cùng nhau đi đến cây nguyện ước, gỡ từng tấm thẻ được ghi chép tỉ mẩn rồi đặt vào chậu than hoa. Có thứ gì đó đập vào mắt hắn, khiến tâm tư dâng lên một đợt sóng ngầm. Trời lâm thâm mưa, hai chữ "Kính Tâm" vẫn chưa cháy được phân nửa...
- Tại sao vào thời điểm ta bi thương nhất, luôn là lúc mưa rơi?
- Mùa xuân đến rồi đi, để lưu lại cho ta một chút kí ức.
Kí ức à? nụ cười như có như không của ai đó vụt hiện lên trong tâm trí hắn. Kính Tâm cầm giấy ước rồi nhẹ họa lên đó một bông sen trắng.
- Tại sao mỗi lần mưa rơi, ta lại không để ý?
- Vào thời khắc lơ đãng, ta đã bỏ qua rất nhiều cảnh đẹp chân thực...
Treo ước nguyện của mình lên cao, mắt dõi theo từng giọt mưa đang làm phai đi vết mực. Khẽ cất một âm thanh nhỏ đến nỗi chỉ có hắn và trời đất nghe được:
- Vậy mấy ngày qua, sao mưa lại không rơi?
____________
"Nhân sinh có tám loại đau khổ: sinh, lão, bệnh, tử, yêu biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc, buông không được. Chỉ có thể tự mình trải nghiệm sự thống khổ trong mỗi quá trình, hiểu thấu lý lẽ về sinh mệnh mới có thể thấu hiểu được cuộc đời.
Xuân tới nước tự nhiên trong veo, thu tới lá tự nhiên phiêu linh, sinh tồn trong quy phép tự nhiên, một người nhất định phải cầm lên được, buông xuống được mới có thể tự tại."
"Kính Tâm, chàng có phải là một người tự tại không?"
"Không, ta chưa từng cầm lên, nhưng đã không thể buông xuống".
Từ khi nhận được hồi âm của Kính Tâm, thị không lên chùa Vân Tự nữa. Thị đi lang bạt khắp nơi, cứ một người, một ngựa, một đầy tớ. Mận đi lấy chồng, Mầu chỉ còn Nô ở bên cạnh.
Thị biết chứ, tình cảm Nô dành cho thị, không đơn thuần là tình cảm của một người ở dành cho chủ nhân của mình. Mà là tình yêu của một người đàn ông dành cho một người phụ nữ...
Đã từng có lúc, thị muốn giao quách cái thân mình nhơ nhớp này cho Nô, nhưng rốt cục lại không làm được, càng là người trân trọng thị, thị càng không thể đùa bỡn.
Và thế là, Thị trao thân cho một thư sinh lạ mặt.
Đêm ấy, Thị cùng hắn triền miên ngay tại nơi lần đầu thị gặp Kính Tâm. Từng lớp lá rừng che khuất vẻ cô độc của nhân ảnh phía xa, có phải không, dường như thị thấy Kính Tâm khóc...
Có lẽ, ấy chỉ là một loại ảo tưởng được sinh ra từ nỗi cô đơn, khi mà kẻ lạ mặt dùng hết sức lực thúc mạnh vào người thị. Mầu biết, duyên của hai người đến đây là hết rồi.
Mưa đã bắt đầu rơi, thấm ướt đôi bờ vai gầy guộc.
Mằn mặn.
Thì ra mưa cũng đã đổi mùi vị.
- Có cần ta cưới cô về làm vợ không?
- Không cần đâu
- Cũng không cần ta chịu trách nhiệm ư?
- Không cần
- Vậy cô cần gì?
Cần gì ư? Mầu ngây ra rồi rời khỏi vòng tay của Thư Sinh nọ, mặc lại chiếc yếm đơn sắc rồi lững thững bước về phía màn đêm mờ mịt. Thứ Thị cần, mãi mãi chẳng thể đạt được đâu...
•••
Chẳng mấy chốc đã qua nửa tháng, Kính Tâm mấy lần quét lá dưới sân đình đều nhìn thấy đàn ông cùng thị giở trò tằng tịu. Hơn nữa, còn không cùng một người.
Mới đầu còn thấy mấy thư sinh nho nhã cẩn mật, càng về sau càng là những thể loại đầu đường xó chợ.
Cho đến ngày hôm nay, khi thấy người đưa Mầu về là người đàn ông đó.
Kính Tâm suýt nhảy ra giết người.
Đó là ngày đầu tiên Thị Mầu thấy Kính Tâm có biểu hiện rõ ràng nhất của một con người, hơn nữa còn là một con người cộc cằn và thô lỗ:
- Nguyễn Thị Mầu, thí chủ nhất định phải biến mình thành một người như thế sao? Thí chủ có thể tìm một mối duyên tốt, một người đàn ông tốt để yên về gia thất cơ mà? Phẩm giá của thí chủ chỉ đáng giá như vậy thôi sao?
- Chàng dựa vào cái gì mà nói ta không có phẩm giá? Chính chàng cũng đâu thanh khiết như vẻ ngoài chàng thường tỏ ra? Chàng yêu ta! Ta biết rõ điều đó! Ai cũng rõ điều đó! Nhưng chàng hèn nhát, chàng không dám thừa nhận! Chàng nghĩ ta coi trọng thứ gọi là trinh tiết ư? Một giọt máu trinh, so với nỗi đau chàng khắc trong tim ta thì khác nào hạt cát nơi biển cả.
Trinh tiết vì sao quan trọng? Là vì để giữ cho người đàn ông quan trọng nhất. Người ấy không cần, vậy việc gì ta phải câu nệ? Đến yêu một người mà cũng cảm thấy xấu hổ, cảm thấy nhục nhã. Thì chàng có tư cách gì mà nói ta không trong sạch!
Một tiếng bạt tai. Thị Mầu gục ngã giữa màn đêm u tối. Lời của Thị đả kích Kính Tâm nặng nề, hắn trượt dọc người theo bản lề cửa khi hô hấp dần trở nên khó nhọc.
- Yêu ư? - Kính Tâm cười khẽ, Thị cảm thấy tiếng cười đó lạnh lẽo tới mức sống mũi cay cay
- Đừng nói với ta về tình yêu, em không hiểu nó nhiều hơn ta đâu. Ít nhất em chưa từng biết đến cảm giác từ thiên đường rơi xuống địa ngục là như thế nào. Một trái tim nhất định phải tàn ác mổ ra, khoét rỗng mọi thứ bên trong rồi khâu lại, giả vờ như những thứ đó chưa từng tồn tại, để từng ngày trôi qua trong cảm giác tê liệt... (1)
Một trái tim đã khoét rỗng, vậy thì còn lại gì bên trong...
Hai người họ thẫn thờ nằm dưới mặt đất lạnh như băng. Trăng bắt đầu rót xuống lòng hồ, ánh sáng tràn ra khỏi đê, nhấn chìm hai thân ảnh trong sự lạnh lùng đến thấu tận tâm can...
- Ta muốn tiếp tục chờ chàng, Kính Tâm. Ta phải chờ chàng tới khi nào đây?
Mầu đứng dậy, toan cất bước đi, nhưng níu giữ lại Thị dường như là một thanh âm rất mỏng:
- Đợi ta tóc dài tới eo, ta nhất định sẽ lấy em làm vợ
Kính Tâm vẫn như cũ nằm dưới mặt đất, đôi mắt vô hồn mở to nhìn chăm chăm về vầng trăng khuyết. Còn Thị, liệu có thể mở lòng được nữa không?
- Được, em đợi chàng tóc dài tới eo.
__________
“Sùng Thiện Sĩ, toàn tâm toàn ý yêu thương một người là việc khó khăn như vậy sao?”
Đó là những lời đầu tiên mợ nói với tôi sau khi gặp lại. Tôi quen mợ bao lâu, hả mợ? Ba năm. Tình nghĩa vợ chồng ba năm không phải là thời gian ít ỏi.
Đó là những tháng năm cùng cực của mợ, của tôi. Những tháng ngày phu thê ân ái, mợ hứa rằng đời này sẽ chỉ có một người chồng là Sùng Thiện Sĩ.
Mợ quen Mầu bao lâu, hả mợ? Một năm. Rốt cục thì giữa mợ và ả là thứ tình cảm thân thương gì, mà tôi không hiểu rõ.
Từ ngày mợ đi, lòng tôi chết một nửa.
Tôi bữa đó chẳng ăn mấy, tối đến chốc chốc lại ra ngoài ngó, ngó chán lại đi vào. Dù tôi biết bu sẽ không dễ gì tha thứ cho mợ đâu, nhưng tâm tôi vẫn mong mỏi một hi vọng gì đấy. Ngoài trời bắt đầu lâm thâm mưa, phía xa chân trời sét đánh ra lửa điện.
Trời đêm lạnh lẽo, mợ nhỏ người như vậy, dính nước mưa liệu có ốm không?
Tôi mặc xác cái tự trọng nền ông, mặc xác cái việc mợ dí dao vào cổ tôi khi tôi đang ngủ. Đi sang nhà Mãng ông tìm mợ.
Tiếc thay, mợ đã không còn ở đó.
Tôi hỏi thầy mợ đã đi đâu? Thầy bảo thầy không rõ, tôi vẫn phải đợi.
Qua mấy mùa xuân, hạ, thu, đông, tôi nghĩ “Vẫn” ở đây nghĩa là cả đời.
Tôi một mặt đi tìm mợ, một mặt để thân thể phóng túng buông lơi.
Tôi ăn nằm với một người đàn bà tên là Thị Mầu - một ả lăng loàn nhưng rất thức thời, vì ả chỉ ngủ với mỗi mình tôi.
Vào thời khắc tôi quyết tâm buông tay mợ để chịu trách nhiệm với ả, ả chỉ nhẹ buông một câu “Không cần”.
Tôi cũng biết tin ả si tình với một hoà thượng tên Kính Tâm. Nhưng điều tôi không ngờ rằng, Kính Tâm ấy lại là mợ.
“Mợ về với tôi có được không?”
Tôi hỏi như thế và mợ chỉ lắc đầu cười khổ. Mợ bảo lòng mợ đã chết, mợ sẽ sớm đi đến một chân trời mới, một chân trời mà không có tôi.
Thế chân trời này thì sao? Chân trời mà mợ bỏ lại ấy?
Sẽ ra sao, khi người tôi yêu ruồng bỏ tôi, người tôi muốn che trở lại bảo tôi “không cần.” Sẽ ra sao, khi Mầu biết, mợ là phận nhi nữ.
Tôi mặc kệ, tôi nhớ mợ, nhớ mợ tới điên cuồng.
Tôi nói cho Mầu biết việc mợ là vợ của tôi, mợ là Mãng Thị Kính. Trái thay, ả chỉ ngồi vật xuống giường, ả nói những lời gì đấy rất khó nghe nhưng nước mắt rơi lã chã:
“Đêm đó chàng hứa là vì ai, là vì sợ ta sẽ cướp đi người chồng đã tay kề má ấp với chàng suốt ba năm, cho nên chàng mới cho ta một lời hứa hẹn.
Đêm đó chàng khóc là vì ai? Không phải vì sợ mất đi ta, mà vì đau lòng khi phu quân của mình đang triền miên cùng người con gái khác... Hoá ra, chỉ là ta tự mình si tâm vọng tưởng”
Đêm đó, lòng tôi chết hẳn.
Mợ hết thương tôi, còn Mầu lại thương mợ.
Mầu có mang, tôi xin Mầu hãy đưa đứa trẻ cho tôi và mợ nuôi nấng. Nhưng đưa thế nào? Khi mà mợ vẫn không hay biết về việc ả có hỉ, còn tôi, lại không muốn lấy ả làm vợ.
Tôi bày kế đổ oan cho mợ tội làm nhục Thị Mầu, vì sau đó, tôi tính sẽ đưa Mầu một số tiền lớn để ả trốn đi. Còn tôi, tôi sẽ đón con và mợ về.
Mọi chuyện diễn ra theo đúng những gì tôi trù tính, mợ bị đuổi khỏi chùa Vân Tự. Nhưng Mầu, Mầu lại tự vẫn.
Lần cuối cùng gặp mặt là khi Mầu giao đứa bé cho tôi, sắc mặt ả trong như thủy tinh, gần như là vô lực. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được vì sao mợ lại thương ả như thế.
Từ hốc mắt thâm quầng của Mầu lăn xuống những dòng nước mắt lã chã, thị cho con bú lần cuối và trao nó vào tay tôi, nói bằng thanh âm rất khẽ:
- Hãy chăm sóc nó và Kính Tâm thật tốt.
Cho đến khi bóng tôi khuất xa, thị vẫn không vào nhà, đứng mãi...
Chuyện của sau đó, là những nỗi đau mà tôi chẳng vào giờ muốn nhắc lại. Mợ đồng ý nuôi đứa trẻ, nhưng không phải với tôi.
Mợ bảo với tôi rằng: “Đây là con của ta và nàng ấy. Kẻ nào muốn đem con chúng ta đi, bước qua xác ta đã.”
Cửa đóng, trời mưa, tôi mất mợ.
Cho đến khi mợ ra đi, chỉ để đứa bé ở lại cõi trần, mợ cũng tuyệt đối không nói ra tên tôi, không phải là mợ còn thương tôi, mà mợ nghĩ, tôi không xứng để làm cha của con mợ.
Nhiều khi, tôi ghen với Thị Mầu, mợ thương thị, vì thị mang nỗi oan ba năm. Nô yêu thị, kể cả khi thị chết đi, cũng sẵn sàng tự nhận mình là cha đứa bé...
Còn tôi, vẫn chỉ là một Sùng Thiện Sĩ hèn nhát mà thôi...
Mợ, kiếp sau để tôi trả mợ được không?
____________________
- Ai đã chết?
- Thị Mầu chết.
- Không, nàng không chết, ta chết.
Ta ôm con trong tay, nó giống nàng tới lạ thường. Cũng đôi mắt đẹp tựa thu thuỷ, cũng nụ cười khuynh đảo cả nhân gian. Đã ba năm kể từ ngày nàng đi, cũng là ba năm để ta cảm nhận được, thì ra ta đã yêu một người như vậy.
- Cha, thứ này sao lại bị cháy vậy?
An Tâm cầm tờ giấy nguyện ước năm cũ chạy về phía ta, tờ giấy đã nhoè mực, trên chữ Kính đã cháy hơn một nửa.
Ta cười nặng nề đưa tờ giấy vào tay nó, lòng gào thét rằng: “Con biết không, đây chính là nét chữ của mẹ con”. Nhưng những gì ta nói được lại chỉ vẻn vẹn một câu duy nhất:
- Là vì có một kẻ ngu ngốc đã đốt nó đi.
Và kẻ ngu ngốc đó cũng đã tự tay đẩy mẹ An Tâm xuống vực thẳm.
Ngày nàng mất, ta không đến thăm. Chỉ có thể trốn trong phật đường mà vờ như bình thản. Đêm ấy An Tâm khóc rất lớn, có lẽ nó thèm hơi mẹ, ta đưa An Tâm đi khắp nơi xin sữa trong sự nhục nhã và ê chề, đau, nhưng không bằng những vết thương trong lồng ngực này.
Trời đổ mưa to, ta chỉ có thể đầu trần chạy ra ngoài trời. Không phải ta thần kinh có ô không dùng, mà là nếu đem ô, ta sẽ không thể lý giải được vì sao mưa có thể chảy đầy mặt dù đã cách một lớp ô dày.
Sau đêm đó, bệnh của ta đã nặng còn trở nặng hơn.
Ta biết, ta đang ở những ngày cuối đời
Ngoài cửa sổ bấy giờ là những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở màu sắc đã nhợt nhạt. Có lẽ vì đã sắp hết mùa nên hoa đã vãn trên cành cao.
Chăm sóc ta chỉ có Nô và An Tâm.
Ta không dám nhìn vào mặt con. Trong khi lại nghiêng mặt ra ngoài cửa sổ, ngạc nhiên nhận thấy những cánh hoa bằng lăng càng sẫm màu hơn - một màu tím sẫm như bóng tối…
- An Tâm, con lên chùa lấy cho cha một nghiên mực và một tờ giấy trắng đi, cha muốn viết một chút.
Chờ khi đứa con trai đã lững thững chạy lên chùa, ta mới cất giọng thoi thóp hỏi Nô:
- Đêm qua lúc gần sáng Nô có nghe thấy tiếng gì không?
Nô giả vờ không nghe câu ta vừa hỏi. Trước mặt nó là một mảng mờ mịt.
- Hôm nay đã là ngày mấy rồi Nô nhỉ?
Nô vẫn không đáp. Nó thở dài chỉnh lại cái gối kê và mong An Tâm về thật nhanh, nó sợ ta không trụ nổi cho đến khi con trai trở về.
- Suốt đời này, ta chưa từng làm việc thẹn với lòng. Nhưng có những điều ta mãi không thể tha thứ cho bản thân. Ta e sợ sau khi xuống dưới hoàng tuyền, không biết, nàng ấy có tha thứ cho ta không?
Nô thở dài đưa thìa cháo lên miệng của ta, giọng trầm trầm:
- Cô tôi nhất định đang chờ người ở dưới đó.
Ta mỉm cười đẩy thìa cháo ra. Đối với một người sắp chết, ăn hay không ăn thì có khác gì? Chỉ biết rằng khi ở trên trần thế, ta đã không thể cho Mầu một danh phận, liệu rằng khi ở thế giới bên kia, ta còn có thể tổ chức cho nàng một hôn lễ thật linh đình không?
- Ta mệt rồi, Nô hãy đưa An Tâm vào đây, để ta trò chuyện với nó lần cuối được không?
Nô lặng gật đầu và lui ra ngoài, trước khi nhắm mắt, chỉ nghe được Kính Tâm đã dặn nó một câu:
- Sau khi ta chết, xin Nô hãy làm cha của đứa trẻ này.
_________________
Kính Tâm chết, cả huyện Bình Chẩm như bị nhấn chìm trong cơn sóng thần. Dân làng sau khi nghe tin Kính Tâm phẫn nam trang lên chùa bị hàm oan kéo tới xem ngày một đông.
Mấy người từng nói nàng ác độc lập mưu giết chồng, mấy người phao tin nàng tằng tịu với con gái phú ông vừa quê vừa ngượng, chẳng dám nhìn thẳng vào xác nàng.
Nàng chết, nhà họ Sùng đến nhận xác con dâu.
Nhưng trong di thư nàng đã viết: “Kiếp này nương nhờ cửa phật, kiếp sau nguyện làm một đóa sen. Hãy chôn ta theo nghi thức của một phật tử, trên mộ chỉ cần khắc hai chữ Kính Tâm.”
Tang lễ của Thị Kính được làm đơn giản hết sức có thể. Trời nhá nhem tối, Nô dỗ An Tâm ngủ say rồi đeo theo tay nải vào trong phật đường chào trụ trì lần cuối:
- Bẩm thầy, cha con con đi
- Thế đã nghĩ đến việc đi đâu chưa?
- Trời đất rộng lớn, thiếu gì chỗ dung thân.
Trụ trì đưa tay vuốt má An Tâm, thằng bé ngoan quá, y như Kính Tâm vậy. Nói đến Kính Tâm, lòng thầy lại rầu rĩ.
- Ban ngày thí chủ mải lo tang sự, chưa kịp đưa cho thí chủ di thư của Kính Tâm. Kính Tâm, nó là phận nhi nữ...
- Bẩm thầy, con đã biết từ sáng rồi.
- Biết từ sáng rồi ư? Dám hỏi, phải chăng Kính Tâm còn để lại một bức di thư nào khác?
Nô lắc đầu cười khổ, chụp cái nón lên đầu An Tâm rồi nhẹ nhàng đứng dậy nhìn về xa:
- Sáng nay lúc con vào phòng của Kính Tâm, phát hiện ba năm nay Kính Tâm đã lén nuôi lại tóc. Xem chừng, tóc cũng đã dài tới eo rồi... Mà thôi, trời đã trở tối, lạy thầy, cha con con đi.
Trụ trì gật đầu tạm biệt cha con Nô. Lặng lấy tấm thẻ ước nguyện mà năm đó, thầy giấu Kính Tâm không đem đốt bỏ. Dưới bông sen trắng được hoạ khắc tỉ mỉ là một dòng chữ khiến sống mũi thầy cay cay:
“Kiếp sau nguyện làm một đóa sen
Đứng sau lưng Phật, đứng trước mặt em”
Âu cũng là cái nghiệp.
Hôm nay mưa lại rơi, nến tắt đèn chong, thê lương đến tột cùng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top