Đứa nhỏ (Bosnia x Serbia)

Chuyện là tui thích bộ đam mỹ "Tay bắn tỉa ở Sarajevo" của Giang Đình, trong đó công là người Bosnia và thụ là người Serbia. Nên giờ tui đang tăm tia cặp Bosnia x Serbia (Bos công, Ser thụ) và quyết định viết một chút về nó :D

Warning: Oneshot này có đề cập đến chủ đề tự sát, hoặc ít nhất là cố gắng tự sát. Độc giả được khuyến nghị cân nhắc trước khi xem.

Note: Tui biết tới năm 1984 xét nghiệm DNA mới được phát minh, trong khi truyện đặt bối cảnh những năm 1940 mà đã có rồi. Cái này là tui tự bịa để cho thông thuận nội dung, nên mong độc giả đừng lấn cấn nha~~~

-----

Nó đã sớm không còn nhớ gương mặt của cha thân sinh mình trông như thế nào, cũng không thể hình dung được những năm tháng còn sống bên gia đình ra làm sao. Chỉ nhớ vào một ngày, nó chợt thấy bản thân ngồi thu lu một mình trong góc phố, tay cầm một cái bánh mì mốc meo ăn dở.

Khi ấy nó còn là một thằng nhóc sống lang thang trên phố, mỗi ngày phải đánh nhau với những đứa trẻ khác để giành mẩu bánh hoặc chỗ ngủ qua đêm. Những trận đánh liên miên đó không phải chỉ là trẻ con tranh giành lẫn nhau, mà còn quyết định xem đứa nào mạnh hơn và có thể cầm cự được để nhìn thấy ngày mai.

- Mẹ mày, tránh ra! Tao giành nó trước!

- Cút xéo, nó là của tao!

Từ nhỏ đã lâm vào hoàn cảnh phải đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn rèn cho nó kỹ năng tấn công khá tốt, cũng khiến nó nảy sinh bản năng chiếm hữu cực kỳ mãnh liệt. Đã là thứ nó tuyên bố của mình, thì tuyệt đối không ai được phép chạm vào, cũng đừng nghĩ đến việc cướp lấy.

Khu phố mà nó lang thang mỗi ngày xung quanh chỉ có đám xác chết vất vưởng cùng những cái hố bom đủ kích cỡ rải rác trên đường. Cây cối bị đốt trụi, cây đèn đường gần chỗ ngủ thường ngày của nó cũng bị gãy đôi. Mỗi khi đi trên con đường nhựa đã bị bom phá hoại đến không còn nhìn ra hình thù, có lúc nó đột nhiên ngước mặt lên, nhìn thấy những tòa công trình nằm ngổn ngang bên đường, những tòa nhà bị đánh sập gần như hoàn toàn, tường gạch vỡ tan tành, thậm chí còn bốc khói đen nghi ngút nhiều ngày liền.

Nó đã nhìn thấy toàn bộ khung cảnh tan hoang của nơi mình đang sống, và cũng hiểu rõ bản thân đang ở trong tình huống nào. Nhưng nó không hề sợ hãi. Từ khi còn nhỏ, nó đã không sợ bom đạn, dao súng và những thứ chết chóc của chiến tranh. Hay nói đúng hơn, nó chưa bao giờ sợ cái chết.

Đôi lúc nó tự hỏi, có phải là cha nó chết rồi nên nó mới không còn gặp lại cha nữa? Có phải vì cái chết của cha mà nó rơi vào cảnh sống lang thang như thế này? Nó không biết, nó không nhớ, nhưng nó không muốn tin là cha đã chết. Sâu trong thâm tâm, có lẽ nó vẫn còn giữ một niềm tin nhỏ nhỏ rằng cha chỉ đang bận bịu việc gì đó nên mới không tìm nó, hoặc là nó bị thất lạc khỏi gia đình. Chỉ cần vào một ngày đẹp trời nó được tìm thấy, nó sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình quyến thuộc. Chắc chắn là như thế!

Chính suy nghĩ đó đã trở thành động lực để nó tiếp tục giữ mạng sống của mình, để chờ ngày được trở về với gia đình của mình, dù nó không thể nhớ rõ bao gồm những ai và họ trông như thế nào. Nó chỉ biết rằng nó có một lý do để sống, có một nơi nào đó để chờ được trở về.

Rồi chuỗi ngày sống vất vả của nó cũng chấm dứt vào một ngày sắc trời âm u không thấy nắng, khi một người đàn ông xa lạ thấy nó trên đường phố và quyết định nhận nuôi. Nó rốt cuộc không được trở về với gia đình ruột thịt. Nhưng ít nhất nó đó có một gia đình nuôi.

Lần đầu tiên gặp nhau, ngoại hình của người đàn ông khi ấy nó tất nhiên còn nhớ, nhớ rất rõ, đến tận bây giờ vẫn nhớ. Người đó mang quốc kỳ sọc ngang xanh dương, trắng và đỏ, cùng ngôi sao đỏ viền vàng, dáng người cao ráo nhưng hơi gầy, khuôn mặt xương xương, luôn toát ra vẻ lạnh lùng, khó gần.

Cảnh tượng một người đàn ông quân phục trang nghiêm đứng đối diện một đứa trẻ vô gia cư áo quần rách rưới tạo thành hình ảnh đối lập sâu sắc đối với người xem bên ngoài. Nhưng nó chẳng quan tâm. Ngay cả khi người đàn ông luồn ngón tay gầy guộc lạnh lẽo vào mớ tóc bẩn thỉu của nó, nó vẫn ngồi yên bất động.

- Ta tên là Yugoslavia, còn con?

Người đàn ông tự giới thiệu xong thì hỏi nó. Nó nghe xong chỉ giương đôi mắt xanh thăm thẳm lên nhìn y. Nó không biết nó tên gì, hoặc có thể là biết nhưng không nhớ.

Thấy nó mãi không chịu trả lời, Yugoslavia có chút mất kiên nhẫn:

- Con không biết nói à? Hay con không có tên?

Nó vẫn nhìn y không đáp. Lúc này Yugoslavia sực nhớ, một đứa trẻ tuổi còn nhỏ đã phải sống lang thang một mình như thế này, chắc chắn chưa từng được dạy đọc dạy viết bao giờ.

Yugoslavia thở dài, rồi đặt cho nó một cái tên:

- Con tên sẽ là Serbia. Serbia, từ giờ ta sẽ là cha của con.

Rất nhanh sau đó, Yugoslavia đưa nó lên xe rồi đưa về biệt thự của y ở ngoại ô, tránh xa thành phố bị đánh bom tan tác. Từ đầu đến cuối Serbia vẫn không hé răng nói một lời. Nhưng trong lòng nó có hy vọng, về một gia đình ấm cúng, cơm ngon để ăn, áo ấm để mặc, một cuộc sống đầy đủ không cần phải chật vật như thời gian qua nữa.

Vừa bước chân vào nhà mới, nó lập tức được y giao cho người hầu tắm rửa và thay quần áo. Serbia như chiếc giày lâu ngày không được giặt rửa, lớp bùn đất đen thùi lùi bám trên người nó chà rửa mãi không chịu ra, cả mùi hôi thối cũng át cả mùi xà phòng. Người hầu tắm cho Serbia mấy lần không nhịn được mà cảm thán đứa nhỏ này chui ra từ ống cống nào mà dơ không chịu nổi. Serbia trong bồn tắm im lặng, cam chịu bị chà rửa thô bạo như miếng giẻ lau. Sau một hồi lâu vật lộn trong nhà tắm, khi Serbia bước ra với bộ dạng sạch sẽ cùng áo quần tinh tươm, không một ai có thể liên hệ nó với đứa trẻ bụi đời ngồi ở góc phố cách đây mấy tiếng.

Khi Serbia được dắt vào căn phòng mà sau này sẽ là phòng ngủ của nó, nó thấy Yugoslavia đã đứng bên cạnh chiếc bàn học kê bên cạnh cửa sổ, kiên nhẫn chờ đợi. Y đã thay bộ quân phục cứng nhắc bằng chiếc áo sơ mi nhu hoà, lúc này mang dáng vẻ của một người cha thật sự hơn.

Yugoslavia một tay cầm chiếc lược, tay kia ngoắt về phía đứa nhỏ:

- Serbia, qua đây.

Serbia ngoan ngoãn đi về phía Yugoslavia, ngồi vào mép giường theo chỉ định của y. Yugoslavia ngồi bên cạnh nó, bắt đầu cầm lược chải tóc cho con trai nuôi. Tóc của Serbia cứng như rễ cây, dù đã gội qua và sấy khô bao nhiêu lần vẫn rất khó chải. Thấy đứa nhỏ nhiều lần nhăn mặt nhíu mày, Yugoslavia trấn an:

- Ráng nhịn một chút, tóc của con hơi khó chải.

Serbia gật nhẹ đầu. Yugoslavia có chút không hài lòng:

- Con có thể nói "vâng". Con không bị câm nên đừng ra hiệu như thế.

Serbia nghe lời mở miệng "vâng" một tiếng. Giọng nó khàn đặc đến đáng thương, giống như đã lâu chưa được uống một giọt nước.

- Chải tóc xong ta sẽ cho người đưa con xuống ăn cơm. Ta chỉ có thể cho con ăn để lấy sức, nên đừng tham ăn quá. Con đã phải nhịn đói lâu ngày, nếu ăn cùng lúc quá nhiều sẽ bị bội thực.

Bé con Serbia không hiểu "bội thực" nghĩa là gì, nhưng nó hiểu đại loại lời của Yugoslavia ăn nhiều quá không tốt. Nó nghe lời, được cho gì ăn nấy.

Sau khi chải gọn gàng mớ tóc tổ quạ của Serbia, Yugoslavia để người hầu bế nó xuống lầu. Mãi đến khi Serbia khuất dạng, Yugoslavia mới cúi xuống tháo mớ tóc trắng mắc trong răng lược. Y cẩn thận bỏ mớ tóc vào cái túi zip nhỏ, đóng chặt lại rồi nhét vào túi áo cùng chiếc lược.

"Nhiêu đây hẳn là đủ để làm xét nghiệm rồi" - Y nghĩ thầm.

Yugoslavia biết chắc đây là đứa nhỏ mà y đang tìm kiếm, nhưng để chắc chắn hơn, y cần phải có bản xét nghiệm ADN để được mọi người ủng hộ việc y nhận nuôi cậu bé nhặt ngoài phố này.

o0o

Rất nhanh, Serbia trở thành đứa con trai nuôi công khai của Yugoslavia. Không một ai là không biết quan hệ của họ. Khi thấy Yugoslavia dắt theo một đứa nhỏ đến các bữa tiệc họp mặt, ai cũng biết đứa nhỏ đó sẽ tên là Serbia.

Những người đồng minh của Yugoslavia khi gặp Serbia đều sẽ cười đùa, hỏi han nó vô cùng thân mật, dù nó chẳng biết họ là ai.

- Serbia dạo này cao thêm rồi, càng ngày càng đẹp trai nha!

- Serbia chú cho con kẹo chocolate này, con có thích không?

- Serbia thật ngoan, ở nhà chắc con được cha cưng lắm nhỉ.

Đối diện với sự đãi ngộ thân thiện từ đám người lớn, ngoài miệng Serbia luôn cảm ơn họ, tỏ ra là một đứa nhỏ ngoan ngoãn lễ phép. Nhưng bên trong thì nó ngầm biết rằng, bọn họ chỉ làm vậy vì nể mặt cha nuôi.

Chẳng biết từ bao giờ và bằng cách nào, Serbia học được cách nhìn mặt người mà sống. Có lẽ nó biết chỉ khi nó làm một đứa trẻ tốt, nó mới được đối xử tốt. Tại nơi văn minh và giàu có, họ thích những đứa trẻ sạch sẽ đáng yêu, hơn là những đứa bẩn thỉu quậy phá ở đường phố tan hoang mà nó từng sống.

Mỗi lần nhận lời khen ngợi và nhận quà cáp từ người lớn, Serbia hay lén nhìn Yugoslavia, hy vọng y cũng nhìn nó một cái. Nhưng người đàn ông dường như không có hứng thú với một đứa trẻ bằng một cuộc trò chuyện về những đề tài mà Serbia nghe không hiểu gì.

Nhưng thật ra đó chỉ là Serbia nghĩ vậy. Yugoslavia vẫn luôn để mắt đến nó, chỉ là không lộ liễu nên nó không hay biết. Thấy Serbia cứ đứng ngây ngốc nhìn mình, Yugoslavia cho phép nó chạy loanh quanh trong khuôn viên cho đỡ buồn chán, miễn là đừng gây rắc rối.

Khi thấy Serbia đã chạy xa rồi, USSR lúc này mới buông nụ cười hiền dịu xuống, khôi phục vẻ mặt lạnh nhạt mà hỏi y:

- Xác nhận rồi?

Yugoslavia uống một ngụm sâm panh từ ly của mình, gật đầu:

- Xác nhận rồi.

USSR vẫn chưa yên tâm:

- Ta gợi ý ngươi nên làm xét nghiệm hai lần. Dù y học bây giờ đã tiên tiến, nhưng không có nghĩa kết quả bao giờ cũng chính xác đâu.

Yugoslavia liếc nhìn người kia, giọng chắc nịch:

- Đó chính là đứa con thất lạc của KOS (Kingdom of Serbia). Ngươi thấy nó có chỗ nào không giống hắn chứ? Đừng đa nghi quá, ngươi chỉ đang tự suy diễn thôi.

USSR nhún vai một cái:

- Ta chỉ nhắc nhở chút. Nếu ngươi đã chắc chắn thì ta không ý kiến nữa.

China đứng bên cạnh lắc nhẹ ly rượu vang, lên tiếng hỏi:

- Ngươi định nuôi thằng bé thật à? Có vất vả lắm không?

Yugoslavia lắc đầu:

- Ta không ngại. Trước kia cha nó từng cứu ta một mạng, lần này ta cưu mang con trai hắn cũng là báo ơn. Hơn nữa trong nhà không thiếu người chăm sóc nó.

China mỉm cười:

- Nếu có rắc rối gì nhớ nói với ta và USSR, bọn ta sẵn lòng giúp đỡ ngươi chăm sóc đứa bé. Cha nó dù sao gì là tiền bối đáng kính của chúng ta.

Yugoslavia cũng cười lại, dù nụ cười có phần mệt mỏi, nhưng không quá gượng gạo:

- Cảm ơn, làm phiền hai người rồi.

USSR vỗ vỗ vai y:

- Đừng khách sáo, chúng ta là người một nhà. Người một nhà luôn phải giúp đỡ lẫn nhau.

Cả ba đứng huyên thuyên thêm một lúc thì bỗng bị xen ngang. Một người lính cần vụ từ đâu chạy tới, tất tả:

- Ngài Yugoslavia!

Tiếng gọi của người lính thu hút sự chú ý của ba người. Yugoslavia nhíu mày, nhìn bộ dạng của người lính là y biết chắc tin tức mình sắp nhận sẽ không tốt lành gì.

- Có chuyện gì?

Người lính đứng sát bên cạnh y, thì thầm vào tai. USSR và China không nghe rõ cuộc trò chuyện, nhưng họ có thể thấy nét mặt của Yugoslavia tái hẳn đi.

- Ta hiểu rồi. - Yugoslavia uống cạn ly sâm panh của mình, rồi quay sang hai người đồng chí. - Ta có việc phải đi trước, gặp lại hai người sau.

USSR hiểu ra ngay, liền thông cảm:

- Ngươi cứ đi đi. Việc nước là việc hệ trọng cần được ưu tiên.

China cũng nhắc nhở:

- Ngươi phải cẩn thận đấy. Đừng quên mang Serbia về nhà.

Yugoslavia chỉ gật đầu một cái, rồi sải bước bỏ đi tìm Serbia. Y đưa đứa con nuôi về biệt thự ngoại ô trước.

Khi Serbia bước chân xuống xe, thấy cha nuôi không đi theo mình, liền thắc mắc:

- Cha không vào nhà ạ?

Yugoslavia lắc đầu:

- Ta có việc bận, sẽ về nhà muộn. Con ở nhà ngủ trước đi.

Serbia gật đầu, ngoan ngoãn theo người hầu vào trong nhà. Đứa bé ngây thơ không biết rằng, từ sau đêm đó, nó sẽ không còn được thường xuyên thân cận với cha nuôi nữa.

Dù Serbia có Yugoslavia là người giám hộ hợp pháp, được sống trong sự ấm no tử tế và giáo dục đàng hoàng, nhưng Serbia dường như chưa từng được y trực tiếp chăm sóc ngày nào, mà được giao cho người hầu và gia sư trong nhà nuôi dạy. Theo thời gian, số lần Yugoslavia đưa Serbia ra ngoài gặp người lớn giảm đi nhiều, đến một lúc thì dừng hẳn. Serbia ở nhà nhiều hơn, cũng không mấy khi thấy có khách tới thăm, nếu có thì họ chỉ chào nó một câu, rồi đi vào thư phòng trò chuyện hàng tiếng đồng hồ với cha nó.

Yugoslavia cũng rất ít khi trở về nhà, mỗi lần về cũng chỉ nhìn Serbia một cái rồi đi ngay, không hỏi han không trò chuyện. Có hôm quá bận rộn, y còn không để ý đứa nhỏ lấp ló đứng sau cửa. Serbia nhìn Yugoslavia đi lướt qua mà không ngó ngàng tới mình, trong lòng buồn vô cùng. Nó tự hỏi, có phải vì nó là một đứa trẻ chưa đủ ngoan ngoãn lễ phép nên cha mới không để ý đến nó không? Nó không muốn như thế.

Serbia cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn nhất có thể. Mỗi khi Yugoslavia về nó đều tìm cách quây quần bên chân y, cố tỏ ra mình có ích.

Thấy cha mệt mỏi, nó mang trà đến để cha uống thư giãn.

- Cha, cha uống ít trà hoa cúc đi. Bác đầu bếp nói trà hoa cúc giúp đầu óc giảm mệt mỏi.

Thấy cha bận rộn, nó mang cháo thịt đến để cha ăn tẩm bổ.

- Cha ơi, con làm cháo thịt bằm cho cha ăn khuya nè. Cha mau ăn đi để có sức làm việc.

Yugoslavia nghe xong chỉ phất phất tay ý bảo nó đi ra ngoài. Serbia luôn đặt đồ ăn thức uống lên bàn bên cạnh tay y rồi mới ra ngoài. Nhưng mỗi lần nó đứng ngoài cửa thử dòm vào xem, nó chưa từng thấy y đụng đến những thứ nó mang vào. Lúc đó nó thầm nhủ, có lẽ vì quá bận bịu nên cha nuôi không kịp ăn uống.

Sáng hôm sau khi Yugoslavia đã rời đi, Serbia nhìn vào thư phòng, thấy ly trà và tô cháo đã nguội ngắt còn nguyên vẹn trên bàn. Đứa nhỏ khẽ cụp mí mắt xuống, lặng lẽ đem trà và cháo đổ đi. Sau đó không còn ai nhìn thấy nó đang pha trà hay nấu cháo cho cha. Cũng không còn thấy nó quấn quýt bên chân cha nuôi nữa.

Sống một mình như thế trong biệt thự khiến Serbia không khỏi cảm thấy cô đơn, cô đơn vô cùng. Cha thì không quan tâm đến nó, số lần hai cha con gặp nhau càng ngày càng ít đến thảm thương. Người hầu và gia sư cũng không ai thân thiết, họ chỉ nhận tiền, làm nhiệm vụ của mình rồi rời đi. Trước đây khi còn sống nơi đầu đường xó chợ, Serbia muốn ở một mình để không phải chia sẻ thức ăn chỗ ngủ với người khác. Còn bây giờ cuộc sống quá đủ đầy, nó lại thèm có ai đó bên cạnh để xua đi cái cảm giác trống rỗng khó chịu này trong lòng.

Những ngày tiếp theo, người hầu trong nhà tuy không thiếu người chăm sóc Serbia, nhưng không ai để ý nó thường xuyên tự nói chuyện với đồ vật xung quanh. Tất cả thứ vật dụng riêng tư trong phòng ngủ Serbia lại càng bị nó quản lý gắt gao hơn, không cho người hầu lau chùi mà tự mình làm. Với đồ vật bị hỏng, hoặc là nó tự sửa, hoặc là để yên món đồ trong phòng chứ tuyệt đối không vứt đi. Không ai nói gì trước hành vi lạ lùng của đứa nhỏ, mặc kệ nó muốn làm gì thì làm. Họ nghĩ nó không cho thì không đụng là được, rồi cũng không còn ai đến phòng ngủ nó nữa.

Mỗi ngày cứ thế trôi qua, Serbia bị sự cô đơn chèn ép nội tâm đến muốn phát điên. Nó càng trở nên bất bình thường, bắt đầu gây sự kiếm chuyện với mọi người trong nhà. Serbia thường xuyên bị phát hiện cầm bút cào rách bộ sofa trong phòng khách, lúc ăn cơm hay ném vỡ chén đĩa trong phòng bếp, đêm xuống thì lấy lọ mực vấy bẩn ga giường trong phòng ngủ. Khi vào tiết học tại gia, Serbia đem giấu hết sách vở, bài tập về nhà đều không làm và không nghe theo yêu cầu của gia sư. Thậm chí nhiều hôm Serbia còn trốn tiết, chạy ra ngoài đến hết giờ mới về. Serbia bỏ dở nhiều bài, học lực càng ngày càng sa sút rõ rệt.

Mọi người biết Serbia cố tình làm vậy vì muốn thu hút sự chú ý, nhưng chẳng ai nói gì. Không một ai lên tiếng trách mắng hay đánh đập nó, cũng không ai báo cáo với Yugoslavia. Bộ sofa rách được vá lại, chén đĩa vỡ được mua mới, ga giường được thay liên tục. Cả gia sư thấy nó không muốn học thì ngồi một bên làm chuyện riêng mặc kệ nó phá, cũng không dạy học hay giao bài tập cho nó nữa. Serbia quấy nháo như thế nào thì cứ quấy nháo, họ chỉ đơn giản dọn dẹp lại đống hỗn độn mà nó gây ra, rốt cuộc chỉ để chừa chỗ cho một đống hỗn độn khác xuất hiện. Sự việc cứ thế tiếp diễn trong nhiều tháng trời, chẳng khác nào một hình thức tra tấn tinh thần với Serbia.

Sau đó nó dần không còn gây sự nữa, mà chuyển sang bỏ nhà đi mất. Một lần hai lần, Serbia luôn bỏ nhà ra đi vào giờ ăn hoặc giờ học, chẳng biết trốn đi đâu, chỉ biết mấy tiếng sau thì trở về nguyên vẹn. Ban đầu người hầu còn giật mình, nhưng khi thấy Serbia cứ mất tích rồi lại quay về nhiều lần như vậy, thì cũng không để tâm nữa.

Có một hôm nọ Serbia đột ngột mất tích cả một ngày trời, nhưng chẳng ai buồn đi tìm. Họ đều nghĩ trong đầu rằng, đứa nhỏ ấy rồi sẽ trở về thôi. Cả một ngày không động tĩnh trôi qua, đến lúc Serbia trở về là đã nửa đêm. Một người hầu bước tới đưa quần áo ngủ cho nó tắm rồi rời đi, trên mặt không một biểu cảm lo lắng hay một câu tra hỏi. Những người xung quanh cũng chẳng ai ném về phía nó dù là nửa con mắt, hoàn toàn thờ ơ lãnh đạm.

Serbia đứng chôn chân tại chỗ, tay ôm quần áo, ánh mắt ngơ ngác nhìn người qua kẻ lại trong nhà như những cái bóng lạnh lùng lướt qua. Hoá ra sự tồn tại của nó ít quan trọng đến vậy sao?

Trong lòng nó như có thứ gì bị tan vỡ. Serbia chỉ có thể cảm nhận được những mảnh vỡ đang từng cái từng cái rơi xuống, cho đến khi trong lòng nó chẳng còn gì nữa. Nó không thấy đau, chỉ thấy... trống rỗng.

Serbia khẽ run lên một cái, rồi cả người cứng ngắt. Cơ thể nó từ trong ra ngoài đều trở nên lạnh dần, kể cả hơi thở, dù nhịp tim nó vẫn đang đập như một người còn sống. Ít nhất nó vẫn còn sống ở bên ngoài, còn trong trong tâm thì đã chết rồi. Không phải chết gục, mà là chết mòn qua thời gian.

Nó đã hy vọng cái gì cơ chứ?

o0o

Hôm đó là một ngày cuối tháng 12, tức đã vào giữa đông ở bán đảo.

Serbia dừng chân, chỉ để ngước mặt lên thở ra một làn khói trắng mỏng tang. Nó thấy sắc trời tối đen như mực, không có lấy một ánh trăng hay vì sao. Vạn vật xung quanh đều mờ mờ ảo ảo trong bóng đêm. Cả đường đi cũng là một nền tuyết cực dày, khi đế giày giẫm lên phát ra tiếng xộp xộp êm tai, để lại phía sau một chuỗi dài những dấu chân.

Serbia chỉ nhìn ngắm cảnh thiên nhiên một lúc, rồi lại cúi mặt xuống, tiếp tục cuộc hành trình đi xuyên qua khu rừng thông gần như kéo dài vô tận. Nó đã đi một quãng đường khá xa rồi, chắc cũng sắp đến nơi cần đến. Có điều đó chỉ là Serbia nghĩ như vậy, chứ trên thực tế nó mất thêm khá nhiều thời gian sau đó để đến được phía bên kia của rừng thông. Nó đã đi lâu đến mức hai chân run rẩy khó khăn chống đỡ cho toàn thân. Tuy vậy, không thể không nói một đứa nhỏ có thể chỉ mất một ngày trời để đi hết một khu rừng thì đã là kỳ tích lắm rồi.

Khí hậu trong rừng khi về đêm ngày càng lạnh hơn, lạnh đến thấu xương thấu thịt. Mỗi bước lê chân về phía trước của Serbia trở nên yếu và chậm dần vì cạn kiệt sức lực. Cả người nó bị từng cơn gió lạnh làm cho tê cóng mất cảm giác, gương mặt trắng bệch như bị mất máu nghiêm trọng, các đầu ngón tay ngón chân đều bị tím tái đau buốt như sắp rớt xuống. Nhưng không hề gì, bởi chỉ một lát nữa thôi nó sẽ không còn bị lạnh cóng bởi khí hậu nữa. Và cũng không phải chịu sự lạnh nhạt của mọi người xung quanh nữa.

Serbia nở một nụ cười, từng bước tiến tới cái hồ nước đã bị đóng băng. Vào cái lần bỏ nhà đi suốt một ngày trước kia, nó đã tìm ra cái hồ nước này. Lúc đó nó không nghĩ nhiều, nhưng bây giờ lại thấy hồ nước giống như một lối thoát.

Đứa nhỏ bước lên lớp băng trong suốt trên mặt hồ. Khi đã rời xa khỏi bờ, Serbia vét hết sức lực còn sót lại của mình mà bắt đầu nhảy.

Một cái.

Hai cái.

Ba cái.

Serbia nhảy lên xuống mặt băng không ngừng nghỉ, dồn cả cân nặng vốn chẳng nhiều nhặn của mình xuống. Tiếng răng rắc ngày một lớn hơn, vết nứt cũng càng thêm lan rộng và hằn sâu. Đôi mắt Serbia càng hiện rõ sự điên cuồng, trong đầu không ngừng vang lên câu "Vỡ đi, mau vỡ đi!"

Đến cú nhảy cuối cùng và mạnh nhất của Serbia, mặt băng rốt cuộc cũng vỡ tan tành. Đứa nhỏ vô cùng hạnh phúc khi trượt chân lọt xuống hố.

Tùm!

Cái lạnh khắc nghiệt của dòng nước trong hồ bao bọc và siết chặt lấy cơ thể Serbia, kích hoạt một trận hỗn chiến đấu tranh tư tưởng. Trong người đứa nhỏ như xuất hiện hai nhân cách đang kiệt liệt đấu đá, chém giết lẫn nhau. Một bên chính là cơ thể muốn được sống, và một bên kia là tâm trí muốn được chết.

Serbia cố dìm xuống bản năng muốn được sống trong mình, ngăn không cho cơ thể vùng vẫy cố ngoi lên khỏi mặt nước. Nó vốn không biết bơi, nên không tốn mấy sức đã rất nhanh chìm xuống. Hỗn chiến chỉ kéo dài trong ít giây đầu tiên khi nó rơi xuống nước. Bởi vì đã quá kiệt sức, cộng với việc bị hạ nhiệt độ cơ thể đột ngột, từng mảnh ý thức trong đứa nhỏ dần tan vỡ.

Serbia chìm xuống với tư thế ngẩng mặt, hai tay buông lỏng trôi nổi lên trên. Nó có thể thấy chút ánh sáng yếu ớt của ánh trăng đang rọi xuống từ lỗ hổng trên mặt băng.

Ánh sáng đó mờ dần, mờ dần.

Nó sắp được chết rồi.

A...

Có một bàn tay đang vươn tới chỗ nó.

Đó có phải bàn tay của sự cứu rỗi không?

Lúc này Serbia đã trở nên mê man vô ý thức, vì bị hạ nhiệt đến cực điểm và thiếu dưỡng khí. Nó vô thức đưa tay về phía bàn tay cứu rỗi đó, rồi đột nhiên bị nắm lấy và kéo mạnh một phát. Serbia lập tức bị kéo ra khỏi hố băng. Cơ thể nó vốn gầy yếu, nên chỉ cần kéo vài cái là cả người lên được khỏi mặt nước.

Có một người đang ôm nó vào lòng, tay vỗ vỗ lên mặt nó mấy cái, miệng hét lên những câu mà nó nghe không rõ.

- Này, nhóc! Mau tỉnh lại đi!

- Nhóc con, có nghe anh nói không?

- Này, này, này, đừng có nhắm mắt! Trả lời anh!

Serbia nhìn không rõ gương mặt người kia, chỉ thấy mái tóc xanh đậm lất phất trước mắt. Cả người nó run lẩy bẩy không ngừng, hơi thở mỏng manh như chính mạng sống của mình, rồi nó ngất xỉu lúc nào không hay.

Người con trai thấy đứa nhỏ nằm trong lòng mình nhắm mắt không đáp thì càng thêm hoảng loạn, lập tức cởi chiếc áo khoác mỏng trên người quấn lấy cơ thể nó rồi bế nó lên, chạy đi. Anh vừa chạy vừa ôm ghì lấy đứa nhỏ để truyền cho nó chút hơi ấm, mắt dáo dác nhìn xung quanh. Anh phải nhanh chóng đưa đứa nhỏ đến ngôi nhà gần nhất để sưởi ấm, nếu không nó sẽ chết mất!

Chạy được một quãng vào khu rừng, đột nhiên người con trai nhìn thấy ở đằng xa có những vệt đèn pin chiếu rọi giữa những hàng cây thông. Chắc chắn là người lớn!

Anh lập tức gọi to về phía họ:

- Cứu người, cứu người!

Tiếng kêu cứu của anh đã đánh động đến đám người đi rừng. Họ tức tốc chạy về phía người con trai. Anh cũng ôm chặt đứa nhỏ trong tay chạy về hướng những vệt đèn. Hai bên nhanh chóng gặp nhau. Đám người đi rừng rọi đèn pin lên người con trai. Khi thấy đứa nhỏ anh đang ôm trong tay, họ mừng rỡ kêu lên:

- Đứa nhỏ đây rồi, đứa nhỏ đây rồi!

Một người đàn ông cao lớn bước tới giành lấy đứa nhỏ từ tay anh, gương mặt lập tức biến thành tái mét khi y cảm nhận được thân thể ướt sũng và bị giảm nhiệt đến đáng kinh ngạc của Serbia.

Y lập tức gọi những người đồng hành lại để phối hợp sơ cứu đứa nhỏ. Họ cởi quần áo ngoài của Serbia, lau khô mình mẩy và thay cho nó bằng một bộ quần áo mang theo, sau đó quấn nó trong cái chăn dày và cho nó uống chút nước ấm. Xong xuôi đâu đó, đám người nhanh chóng mang đứa nhỏ rời đi. Bọn họ ai cũng tất bật mà không để ý người con trai vừa rồi, trừ một thanh niên trẻ tuổi đi cùng đoàn.

Thanh niên hướng về phía anh, nói:

- Cậu đi với chúng tôi.

Người con trai giật mình:

- Tôi ư?

Thanh niên gật đầu xác nhận anh không nghe nhầm:

- Cậu.

Người con trai không hiểu vì sao anh phải đi cùng những người kia, nhưng vẫn thuận theo:

- Vâng...

Rồi anh nhanh chóng chạy theo. Mọi người đi rất nhanh khiến anh nhiều lần không bắt kịp, cũng may có thanh niên kia cố ý đi chậm lại chờ anh.

Khi đoàn người tới được chỗ chiếc xe tải đậu ngoài bìa rừng, lúc này người đàn ông cao lớn kia để ý người con trai lạ lon ton chạy theo, liền cau mày hỏi:

- Đứa nhỏ nào đây?

Thanh niên đi cùng anh trả lời:

- Người đã cứu đứa nhỏ đó. Thằng bé cũng bị lạc, chúng ta nên đưa nó về biệt thự chứ nhỉ?

Người đàn ông cao lớn không nói gì, chỉ khẽ gật đầu một cái. Thế là anh được cho lên xe, cùng đám người đi rừng rời khỏi khu rừng. Hiện bọn họ đang ở vùng ngoại ô, xung quanh không có bệnh viện, nên phải tìm trạm y tế gần nhất để chữa trị cho Serbia.

Sau khi đưa Serbia vào trạm y tế, một nửa trong số đám người ở lại trông chừng đứa nhỏ, nửa còn lại thì lái xe đưa người con trai đến biệt thự của Yugoslavia. Trên đường đi, nhận thấy bầu không khí có chút u ám trên xe, người con trai có hơi sờ sợ.

Anh dè dặt hỏi thanh niên ngồi cạnh mình:

- Chúng ta đang đi đâu vậy?

Thanh niên trả lời mà không nhìn anh:

- Đến gặp cha của đứa nhỏ cậu vừa cứu. Chúng tôi là đội cứu hộ ông ta cử đi tìm đứa con thất lạc của mình, may mắn có cậu tìm ra nó trước.

Người con trai nuốt xuống ngụm nước bọt. Không khó để anh hình dung được những gì sẽ xảy ra tiếp theo: anh chắc chắn sẽ bị tra hỏi.

Đúng như dự đoán, khi vừa tới biệt thự của cha đứa nhỏ kia, anh bị thanh niên dắt vào trong, đưa đến một căn phòng. Họ đẩy cửa bước vào trong, thấy chỉ duy nhất một người đàn ông cao gầy ngồi ở bàn làm việc chính giữa phòng. Thanh niên đẩy người con trai vào trong, rồi bước ra đóng cửa lại, để anh đối diện một mình với người cha kia. Đột nhiên người con trai cảm thấy thấp thỏm, mặc dù anh chẳng làm gì sai.

Yugoslavia ngồi trên chiếc ghế xoay đưa lưng về phía anh. Khi nghe tiếng cửa đóng lại, y mới chậm rãi xoay người, đặt hai tay lên bàn làm việc, ánh mắt âm trầm dán lên người con trai kia. Anh hít vào một hơi. Người đàn ông mang gương mặt xương xương khá gầy, biểu cảm lạnh lùng vô cảm, nhưng vẫn thập phần trông rất mệt mỏi. Nhìn hai quầng thâm dưới đôi mắt y, anh đoán đã lâu rồi y chưa được ngủ một giấc trọn vẹn.

- Cậu là người đã cứu Serbia? - Yugoslavia mở lời trước.

Đoán biết đứa bé vừa rồi chính là Serbia trong lời của y, người con trai liền "dạ" một tiếng nhỏ xíu như muỗi kêu. Yugoslavia thở dài, thả lỏng biểu cảm trên mặt, cố tỏ ra nhu hoà nhất có thể, trấn an:

- Đừng sợ, ta chỉ muốn cảm ơn cậu vì đã cứu thằng bé.

Nghe vậy, anh lại "dạ" một tiếng nữa, lần này rõ ràng hơn.

Yugoslavia hỏi tiếp:

- Cậu tên gì?

- Con là Bosnia.

- Cha mẹ đâu?

- Thưa... con không có cha mẹ ạ.

Yugoslavia nhướng mày. Y có chút ngạc nhiên, nhưng không quá ngoài dự đoán. Tình hình chiến sự tại bán đảo Balkan trong thế chiến đang vô cùng ác liệt, nên hình ảnh những đứa trẻ mất cha mất mẹ lang thang một mình là không hiếm thấy.

- Cậu sống ở đâu?

- Dạ...

Bosnia không biết nói sao cho phải. Sau khi thất lạc khỏi gia đình, anh đã không còn nơi nào để gọi là nhà, thời gian qua phải sống nay đây mai đó. Nhưng không cần anh nói ra, chỉ nhìn vào vẻ bối rối của người trước mặt là Yugoslavia đã hiểu ngay.

Y lên tiếng:

- Nếu cậu không có nhà, vậy tạm thời cậu cứ ở đây đi. Tôi sẽ sắp xếp một phòng riêng cho cậu.

Một lời đề nghị được đưa ra quá đột ngột, lại còn dễ dàng nói ra như thế, khiến Bosnia không kịp trở tay:

- D...Dạ? Vậy có làm phiền ngài không ạ?

Yugoslavia cười nhạt, nhưng mang vẻ chân thành hiếm thấy:

- Không phiền. Ta cũng muốn trả ơn người đã cứu Serbia. Hành động của cậu là rất đáng quý, rất đáng khen ngợi, Bosnia.

Bosnia có chút đỏ mặt. Đã lâu lắm rồi anh không được khen, hay thậm chí, Bosnia còn không biết mình có bao giờ được khen không nữa.

- Vậy... Vậy con cảm ơn ngài. Con cảm ơn ngài nhiều lắm.

- Đừng để ý. Cậu có thể đi rồi.

Bosnia cúi rạp người xuống đầy cảm kích:

- Vâng ạ. Chúc ngài buổi tối vui vẻ.

Nụ cười trên mặt Yugoslavia chợt cứng đơ. Bosnia đang vui vẻ về việc đột nhiên có một mái ấm nên không để ý biểu cảm khác lạ của y. Anh hào hứng lui khỏi phòng làm việc, bên ngoài đã có sẵn người hầu đứng chờ.

Lúc cảnh cửa khép lại, Yugoslavia sầm mặt, trầm ngâm nhìn vị trí người con trai vừa rồi mới đứng. Bosnia là một đứa trẻ mồ côi. Y có kinh nghiệm với trẻ mồ côi nên biết rõ, chúng là một lũ thú hoang chuyên bươi móc, nhặt nhạnh từ thùng rác để nhét đầy mồm, chẳng quan tâm thứ đó có ăn được không. Nhưng đứa trẻ này... y chưa từng thấy trẻ mồ côi nào lễ phép với người lớn, còn chúc ngủ ngon với y.

Xem ra đây không chỉ là một đứa trẻ bình thường. Đó là con của ai? Từ đâu tới?

Yugoslavia trầm ngâm hồi lâu, cho đến khi cánh cửa lần nữa bật mở. Người bước vào lần này là KOG, vừa cởi áo khoác dày vừa than vãn:

- Mệt thật chứ. Hy vọng lần sau ngươi quản thằng nhóc kỹ chút, đừng để nó bỏ trốn ra ngoài. May mà lần này tìm được, không thì chết rồi.

Yugoslavia ngước lên nhìn người kia:

- KOG, ta cần ngươi giúp.

KOG giật bắn người, mặt mày nhăn nhó như ăn phải ớt:

- Trời ạ! Nửa đêm hôm ngươi gọi ta tới cùng lượng lực cứu hộ để tìm Serbia đã mệt bở hơi tai, giờ còn chuyện gì nữa? Ranh con đó lại bỏ trốn à?

- Serbia đang được cấp cứu, ngươi nghĩ nó có thể chạy sao?

KOG không để ý lời mỉa mai của y:

- Ngươi muốn gì?

- Đứa trẻ cứu Serbia, ngươi nhớ nó chứ? Nó đã đi cùng xe với ngươi trở về đây đấy.

KOG gật đầu:

- Ta nhớ. Nó làm sao?

Yugoslavia nhìn đi chỗ khác:

- Ta nhận ra nó có điểm rất lạ. Nó không phải là một đứa trẻ mồ côi bình thường. Nó hẳn là có lai lịch gì đó đằng sau, ta phải tìm hiểu mới được.

KOG im bặt trước lời này. Một sự ngộ nhận đã đánh lửa trong đầu. Đến khi người đàn ông xứ Địa Trung Hải nói ra, giọng đã hơi khàn:

- Ngươi có nghĩ đó là con của...

- Một trong những đế quốc trước Thế Chiến I? Rất có thể. - Yugoslavia gật đầu.

- Vậy ngươi định thế nào? Ngươi sẽ giữ nó lại nuôi chứ?

Yugoslavia đã cân nhắc đến chuyện này, nhưng KOG có vẻ không đồng tình:

- Ngươi không phù hợp làm cha. Ta biết bao lâu qua ngươi đã bỏ bê Serbia như thế nào, ta đã nói chuyện với đám người hầu của ngươi và biết hết rồi. Lại còn thêm sự việc hôm nay...

Càng nghĩ mà KOG càng giận, nhưng không còn sức để mắng chửi. Cả đêm thức trắng đi tìm đứa nhỏ thất lạc đã khiến y cạn kiệt sức.

Y chỉ có thể thở dài, mệt mỏi xoa xoa hai mắt bằng ngón cái và ngón trỏ:

- Yugoslavia, nếu ngươi thật sự không thể nuôi hai đứa nhỏ đó, USSR không ngại nhận thêm học viên đâu. Hoặc gửi chúng cho một quốc gia khác nuôi. Thà vậy còn hơn ngươi đối đãi chúng còn không bằng con chó.

- Ta biết thời gian qua bỏ bê Serbia là lỗi của ta. Thời gian qua bọn Phát Xít lộng hành, ta quá bận rộn đối phó với chúng. Nhưng ta sẽ sắp xếp lại thời gian và người chăm sóc cho nó. - Yugoslavia lên tiếng. - Đứa nhỏ đó là con của KOS, sau này nó sẽ kế thừa đất nước của cha nó. Nếu để Serbia sống ở nơi khác, nó sẽ quên mất cội nguồn và dễ bị kẻ khác tranh đoạt.

KOG ngẩng cao mặt:

- Chuyện của tương lai thì hãy để nó tự nói. Còn bây giờ Serbia chỉ là một đứa trẻ, ngươi giết chết một mầm non mà đòi nó trưởng thành thành một cái cây sao?

- Ta có cách.

- Cách gì? - KOG gặng hỏi.

- Bosnia có thể làm bạn với nó.

Gợi ý của y khiến KOG sửng sốt. Người đàn ông càng lúc càng khó chịu gắt lên:

- Ngươi không nuôi được Serbia, bây giờ lại muốn một đứa trẻ khác gánh tội thay ư? Yugoslavia, ngươi...

- Serbia muốn có bạn, vậy thì ta cho nó một người bạn. - Yugoslavia ngắt lời. - Bosnia đang cần một nơi để sống, và ta có thể cho nó sống ở đây. Đổi lại, nó có thể làm bạn với Serbia thay cho đám người hầu và tránh được chuyện như hôm nay.

Cách Yugoslavia thản nhiên đưa ra giải pháp khiến KOG nghẹn muốn chết:

- Ngươi giao dịch với một đứa trẻ như vậy không thấy xấu hổ sao? Chúng cũng là con người, mà ngươi xem chúng khác gì một lợi ích có thể trao đổi bán chác.

Yugoslavia không phản bác lời của người kia, bảo:

- Có lợi ích trước mắt thì sao phải bỏ qua.

Đến đây, KOG gần như bỏ cuộc. Người đàn ông xứ Địa Trung Hải giơ hai tay lên đầu hàng, buông thõng một câu:

- Ngươi thật hết nói nổi.

.

.

.

Bosnia ngâm sâu mình trong làn nước ấm, chỉ chừa cái mũi để thở, còn không màng tới mái đầu xanh đậm màu còn vương bọt dầu gội. Anh đã lớn nên không cần người hầu hỗ trợ tắm rửa, họ chỉ đun nước ấm và đặt cho anh một bộ đồ để thay rồi rời đi.

Sau một đêm lăn lộn ngoài khu rừng giá tuyết, bây giờ rốt cuộc cũng được tắm nước nóng với tinh dầu nhàn nhạt giúp giải toả tinh (thật ra anh không biết đó là tinh dầu, là người hầu trước đó pha vào nước cho anh), Bosnia vô cùng thoải mái, đến mức bắt đầu chây lười mà không muốn rời khỏi bồn tắm. Anh khẽ nhắm mắt, sắp thiu thiu ngủ thì bên cửa chợt vang tới tiếng gõ nhè nhẹ nhưng đủ khiến anh giật bắn.

Bosnia nhổm dậy, nói vọng ra:

- Có người!

- Vâng, tôi biết. Xin thứ lỗi đã làm phiền, nhưng cậu Bosnia đã tắm xong chưa ạ?

Bosnia nghe vậy mới sực nhớ mình đã nằm trong này quá lâu rồi, ngượng ngùng đáp:

- Con đang xả nước, sắp xong rồi.

- Được, được. Có một người vừa tới muốn gặp cậu ở phòng khách, mong cậu xong sớm để gặp họ nhé.

Là ai vậy nhỉ? Bosnia tò mò, muốn hỏi nhưng người hầu bên ngoài đã rời đi. Anh đành lấy rút phích cắm trong bồn để xả nước, cầm vòi sen rửa sạch người rồi loạng choạng bước ra. Bosnia vừa rời khỏi nước ấm thì gặp phải khí lạnh bên ngoài, da gà da vịt nổi lên hết. Anh hấp tấp lau khô người bằng khăn bông, rồi trùm đại quần áo mới vào.

Bosnia bước ra ngoài với một bộ dạng cẩu thả, còn cài nhầm hai nút áo trên cùng, tóc chưa kịp chải. Anh không để ý đến hình tượng của mình mà đi tìm đường đến phòng khách như đã được dặn trước.

Anh cứ tưởng người đang chờ mình là ngài Yugoslavia, nhưng hoá ra ngồi trên sofa là hai người đàn ông khác. Không, là người đàn ông cao lớn và anh thanh niên anh đã gặp khi giải cứu Serbia.

Anh thanh niên vỗ vỗ lên chỗ trống cạnh mình, bảo:

- Cậu ngồi đi.

Bosnia nghe lời làm theo, không dám thở mạnh. Anh có thể cảm nhận ánh mắt của người đàn ông cao lớn kia dán lên người mình, quan sát từng nhất cử nhất động của mình.

Biết người kia đang không thoải mái, anh thanh niên niềm nở giới thiệu trước.

- Vừa rồi chúng ta gặp nhau tôi không kịp giới thiệu. Tôi là Macedonia, còn người kia là Kingdom of Greece.

- Cậu có thể gọi là KOG. - Người đàn ông nói thêm.

Bosnia "dạ" một tiếng nhỏ xíu:

- Con là Bosnia ạ.

- Bosnia, có phải Yugoslavia bảo sẽ cho con ở lại đây không? - KOG bất ngờ hỏi.

Macedonia liếc nhìn y, rõ ràng không đồng tình với thái độ quá cứng rắn của người kia. Nói chuyện với một cậu bé ai lại thô lỗ như thế.

Bosnia có vẻ không để ý những điều này, được hỏi gì đáp nấy:

- Vâng. Ngài ấy bảo là vì muốn cảm ơn con, nhưng con rất cảm kích ngài ấy!

KOG khịt mũi. Y biết tên Yugoslavia chỉ giỏi nhất là lừa gạt trẻ con. Nhưng nhìn ánh mắt cảnh cáo của Macedonia, y ngậm suy nghĩ trong miệng không nói ra.

- Vậy thì thật tốt. - Macedonia quay sang Bosnia. - Nhưng nếu sống ở đây, cậu biết mình sẽ sống chung với một cậu bé khác, đúng chứ?

Bosnia gật đầu lần nữa. Macedonia nói tiếp:

- Serbia sẽ là bạn cùng nhà với cậu. Hai người sẽ sống chung với nhau, cùng ăn, cùng chơi, cùng học. Cậu hiểu chứ?

Lại một cái gật đầu.

- Và khi đã sống với nhau, chúng ta phải biết chia sẻ và đoàn kết, có như vậy thì mới gắn bó lâu dài được...

- Mace, cậu nói dông dài nãy giờ ta mệt quá!

KOG mất kiên nhẫn chen vào. Y gọi Bosnia một tiếng để anh nhìn mình, bảo:

- Từ giờ con sẽ sống cùng Yugoslavia và Serbia, nên con phải tuân theo nguyên tắc của nhà họ. Nghe lời và đừng gây rắc rối là được. Nếu con muốn được ở lại nơi này, con phải sống hòa thuận với Serbia. Đừng để thằng nhóc cáu giận hay buồn bã.

KOG chỉ nói đến đó, nhưng Bosnia tự động điền vào thêm một câu: "Nếu không sẽ bị Yugoslavia đá ra ngoài và phải trở về cuộc sống lang bạt trước kia." Suy nghĩ đó khiến dạ dày anh thắt chặt lại, cả người lạnh toát.

- KOG! Anh đang làm nó sợ đấy! - Macedonia bất bình.

KOG mặc anh thanh niên muốn nói gì thì nói, bảo với Bosnia:

- Ta và Macedonia chỉ muốn nói vậy thôi. Trời gần sáng rồi, con nhanh về phòng chợp mắt đi.

Ô, chỉ thế thôi sao? Bosnia còn tưởng họ sẽ dặn dò gì dài lắm. Anh khẽ thở phào, mong muốn được sớm trở về phòng.

Trước khi anh đứng dậy, Macedonia bỗng gọi:

- Khoan!

Bosnia nhìn lên, lại nghe anh thanh niên dặn:

- Mai cậu đi thăm Serbia trong bệnh viện nhé, người của Yugoslavia đã chuẩn bị chỗ cho cậu rồi. Để hai người làm quen.

Làm quen với Serbia. Bosnia gật đầu, anh luôn nghe theo những gì họ sắp đặt cho mình. Anh phải nghe lời và không gây rắc rối.

- Được rồi. Cậu đi đi.

.

.

.

.

.

Sáng hôm sau, đúng như Macedonia dặn, Bosnia được người của Yugoslavia đưa đến bệnh viện trong thành phố, nơi Serbia được chuyển tới trong đêm qua. Bosnia vốn nghĩ Yugoslavia sẽ đi cùng mình, nhưng từ lúc lên xe đến lúc tới anh vẫn không thấy bóng dáng y đâu.

"Có lẽ ngài ấy bận." - Anh thầm nhủ khi đi theo bác sĩ dẫn đường.

Phòng dưỡng sức của Serbia nằm ở cuối hành lang, gần như khuất xa khỏi những phòng bệnh khác. Lúc bước vào, Bosnia mới biết đây là phòng đặc biệt, chỉ dành cho một người duy nhất.

Serbia đang nửa nằm nửa ngồi trên giường bệnh, có một chiếc gối lớn được người hầu kê ở đầu giường để nó có thể tựa lưng mà nhìn ra ngoài cửa sổ. Những tia ban mai ấm áp nhảy nhót bên bầu cửa, nửa thắp sáng gương mặt tĩnh lặng của đứa nhỏ. Bosnia nhìn không ra cảm xúc của nó, nhưng anh có thể hình dung được sóng mũi cao thẳng và đôi môi mỏng đang hé mở.

Đứa nhỏ con của ngài Yugoslavia đang hướng mắt về tận đâu, không để ý đến người vừa bước vào phòng. Bosnia bèn hắng giọng một cái, lên tiếng trước:

- Chào em.

Serbia chậm rãi quay mặt trở lại. Bosnia mỉm cười, vẫy tay:

- Anh là Bosnia. Còn em là Serbia phải không?

Serbia lạnh lùng nhìn anh một hồi lâu. Cách nó nhìn anh thật khiến người khác sởn gáy, Bosnia sượng muốn chết, nhưng vẫn ráng đứng chờ nó trả lời. Nó rốt cuộc cũng trả lời, bằng một thứ giọng khản đặc, lạo xạo như đá vụn:

- Serbia.

- Ừm, Serbia. - Bosnia nhắc lại tên nó, lại bảo. - Ngài Yugoslavia bảo anh sẽ sống cùng em, nên anh muốn làm quen trước.

Serbia gần như chẳng phản ứng gì với thông báo này. Nó nằm im tại chỗ nhìn chằm chằm người con trai kia. Nếu không phải vì lòng ngực đứa nhỏ còn nhô lên hạ xuống theo nhịp thở, Bosnia còn tưởng nó đã chết rồi.

Bosnia bèn hỏi:

- Em còn nhớ tối qua không? Là anh đã cứu em đó.

Serbia không để anh phải chờ như lần trước, đáp:

- Nhớ.

Bosnia định hỏi nó muốn cảm ơn anh không, nhưng ngẫm lại thấy yêu cầu này thật bất lịch sự. Anh hỏi vậy có khác nào tự khoe khoang thành tích của mình, lại còn là khoa khoang trước mặt một người suýt chết.

- Cảm ơn.

Một câu nhỏ xíu khiến anh bất giác giật mình. Serbia vẫn nhìn anh không chớp, đôi môi mỏng vẫn mím chặt. Nếu không phải vì anh đã nghe rõ, anh còn không tin là nó vừa nói "cảm ơn" đâu.

- Không có gì. - Bosnia sượng sùng gãi sau đầu. - Em muốn uống nước không? Giọng em khàn cả rồi.

Serbia vẫn như vừa rồi trả lời bằng muồn chữ:

- Uống.

Bosnia chạy đi rót cho nó một ly nước ấm. Từ lúc anh đi đến lúc anh quay trở lại, Serbia vẫn không rời mắt khỏi anh. Bosnia bước đến bên giường bệnh, đưa cho nó một ly nước. Bàn tay xanh xao của Serbia vươn ra cầm lấy, ngón tay nó cọ lên tay anh, khiến Bosnia suýt thì sững người.

- Cảm ơn.

Nó lặp lại từ đơn giản này, giọng vẫn đều đều, như thể Bosnia cứu nó khỏi việc bị chết đuối và đưa nó ly nước để uống đều là chuyện bình thường như nhau.

Serbia cầm ly nước uống từ từ, lại nghe Bosnia cảm thán:

- Tay em lạnh quá.

Nó không đáp, uống xong ly nước thì đặt ngay ngắn trở lên bàn.

- Bosnia.

Nó không đầu không đuôi hỏi khiến Bosnia phản ứng không kịp:

- H...Hả?

- Làm bạn không?

Một câu dài hơn. Là một câu hỏi cho anh. Serbia lại hướng mắt về phía anh, nhưng không biểu lộ chút tò mò hay mong chờ nào, nhưng thể đó chỉ là một câu hỏi thuận mồm.

Bosnia ngơ ngác một lúc. Serbia vẫn chứ nhìn anh như khi nãy, ánh nhìn càng lúc càng đâm xuyên người, như thể nó có thể nhìn thấy tận tâm can của anh. Bị nhìn lâu như thế, người con trai đâm ra sượng sùng:

- Anh... Em muốn không?

- Muốn.

Câu trả lời vẫn như khi nãy, nhưng Bosnia có cảm giác có điều khang khác. Điểm khác nằm ở đôi mắt của đứa nhỏ này. Chúng không còn là lớp băng mờ đục lạnh lẽo, mà dường như lấp lánh dưới ánh bình minh vàng rực. Giống như một tia hy vọng nhỏ mà tràn đầy khát khao, rằng sẽ có người phá tan đi lớp băng đã bao lấy cơ thể nó và ủ ấm nó trở lại với sự sống.

Bosnia biết người có thể ủ ấm nó trở lại chỉ có thể là anh. KOG đã bảo rồi, nếu anh muốn được ở lại nơi này, anh phải sống hòa thuận với Serbia. Đứa nhỏ là cái neo duy nhất có thể giữ anh lại, không để anh phải trôi dạt trở về cái cuộc sống khốn đốn trước kia. Đây là cơ hội của anh.

Một tay của Bosnia chậm rãi nhấc lên, chìa về phía Serbia. Đứa nhỏ nhìn bàn tay của anh, dường như hiểu ý định của người con trai, liền đưa tay của mình nắm lấy. Bosnia lắc nhẹ tay nó, mỉm cười. Và Serbia biết, anh đang cười thật lòng với mình.

- Được. Chúng ta làm bạn.

Oneshot 25 (05.06.2023)

#Penna

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top