tuan keke12

Agatha Christie

Những Chiếc Đồng Hồ Treo TườngKhai TừHôm đó là ngày 9 tháng Chín, một buổi trưa giống như mọi buổi trưa khác. Không một người nào liên quan đến những sự kiện trong ngày hôm đó lại dám khoe rằng họ đã linh cảm thấy một điều gì đó. (Họa chăng chỉ có bà Parker, vốn rất say mê nghiên cứu về thuật đoán hậu vận, luôn tuyên bố rằng bà ta đã biết từ trước, tất nhiên là bà tuyên bố như vậy sau khi sự việc đã xảy ra, nhưng bà lại ở số nhà 47 phố Wibraham Crescent, cách rất xa ngôi nhà số 19 này, cho nên bà có nói bà đã biết trước cũng bằng thừa.)

Trong phòng làm việc của Trung tâm Cavendish, vào buổi trưa ngày 9 tháng Chín đó, không khí ảm đạm một cách đặc biệt. Đây là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên làm dịch vụ thư ký và đánh máy, do bà Martindale làm Giám đốc. vẫn tiếng chuông điện thoại reo, tiếng lách tách của các máy chữ. Hoạt động tại đây diễn ra đúng như thường lệ, tẻ nhạt và đơn điệu vô cùng.

Vào 2h35 chiều, đèn đỏ trên máy truyền tin trong phòng nhấp nháy, ngọn đèn nối với phòng giấy của Giám đốc, bà Martindale. Cô thư ký Edna lấy lưỡi đẩy vội chiếc kẹo caramen ngậm trong miệng vào mặt trong chiếc răng nanh, hỏi bằng cái giọng quen thuộc của cô: hơi hổn hển và như tiếng mũi:

- Có tôi đây, thưa bà Martindale?

- Tôi đã nhắc cô bao nhiêu lần rồi, đừng nói vào máy bằng cái giọng ấy. Sao hễ nói là cứ phải vừa nói vừa thở phì phù vào máy như vậy?

- Bà tha lỗi, thưa bà Giám đốc.

- Đấy, nói thế có phải dễ nghe không. Cô chỉ cần chú ý một chút là được thôi mà. Bảo cô Sheila vào gặp tôi ngay.

- Thưa bà Martindale, Sheila đi ăn trưa chưa về ạ.

- Vậy sao? - bà liếc mắt nhìn đồng hồ treo tường. Muộn mất đúng sáu phút. Gần đây, con Sheila này thoải mái quá đấy. - Vậy khi nào Sheila về, cô bảo sang gặp tôi nhé.

- Vâng, thưa bà Giám đốc.

Sau khi lấy lưỡi đẩy chiếc kẹo caramen trở lại như bình thường, Edna vừa nhấm nháp chất ngọt của chiếc kẹo đang tan dần trong miệng, vừa tiếp tục đánh máy cuốn tiểu thuyết Ái tình Trần Trụi của tác giả Arnold Levin. Những đoạn tả cảnh làm tình sống sượng của nhà văn rẻ tiền này không làm cô xúc động chút nào, cũng như những độc giả khác của ông ta, mặc dù ông ta cố chọn những câu chữ sống sượng nhất. Edna vừa đánh máy vừa thầm nghĩ, không có gì tồi tệ bằng một cuốn truyện khiêu dâm tồi! Bất chấp hình vẽ trên bìa hấp dẫn, bất chấp tên truyện nghe đầy hứa hẹn, sách của ông Levin này mỗi ngày một bán ế. Và đây lại là một bản thảo mới của ông ta, không có gì có thể tồi tệ hơn.

Cửa phòng nhè nhẹ mở, cô thư ký Sheila cố nín hơi thở hổn hển, rón rén bước vào.

- Hùm cái vừa gọi mày đấy, - Edna nói.

Sheila nhăn mặt.

- Khỉ gió! Đúng vào hôm mình về muộn.

Vuốt cho gọn mái tóc, Sheila vớ cuốn sổ và chiếc bút chì chạy vào gõ cửa phòng Giám đốc. Phòng này bố trí nằm bên trong, thật ra chỉ là một phần của gian phòng lớn, được ngăn riêng ra bằng gỗ lồng kính mờ.

Ngồi sau bàn giấy, bà Martindale ngước mắt lên. Ngoài bốn mươi tuổi, bà ta bộc lộ rõ là một phụ nữ

năng động. Mái tóc màu hung cắt ngắn khiến bà có biệt hiệu là "Hùm cái".

- Cô về trễ đấy, Sheila, - bà ta nói.

- Bà tha lỗi, thưa bà Giám đổic. Xe buýt tôi đi bị tắc đường mất một lúc.

- Giờ này có phải giờ cao điểm đâu mà tắc đường được? Vả lại cô phải tính cách chứ, - bà ta xem lịch bàn. - Một khách hàng tên là bà Pebmarsh gọi điện thoại đến. Bà ta cần một thư ký đánh máy đến nhà bà ta vào 3 giờ chiều nay, và bà đề nghị đích danh cô. Cô quen bà ta à? Đã có lần đánh máy cho bà ta chăng?

- Tôi không nhớ, thưa bà Giám đốc. Nhưng nếu có thì chắc cũng phải lâu lắm rồi.

- Bà Pebmarsh này ở số nhà 19 phố Wilbraham Crescent - bà Giám đốc dừng lại, ngước nhìn cô thư ký đánh máy như dò hỏi.

Sheila lắc đầu:

- Vậy thì tôi hoàn toàn không nhớ.

Bà Martindale nhìn đồng hồ treo trên tường.

- Cô thừa sức đi đến đó trước ba giờ. Cô không có hẹn với khách hàng nào chiều nay chứ? - bà ta lại nhìn vào cuốn lịch sổ. - Mà có đấy, năm giờ chiều nay cô còn phải đến làm việc với Giáo sư Purdy ở Khách sạn Curlew. Chắc chắn cô sẽ xong việc ỏ nhà bà Pebmarsh và kịp đến khách sạn Curlewthôi, tôi tin là như thế. Trường hợp cô không về kịp, tôi sẽ cử cô Janet đến gặp ông Giáo sư thay cô.

Bà Giám đốc làm một cử chỉ, ý bảo thế là xong.

Sheila quay ra phòng nhân viên.

- Chuyện gì đấy, Sheila?

- Vẫn chuyện thông thường. Một mụ già chờ mình ở phố Wilbraham Crescent. Còn vị Giáo sư kia làm tình làm tội mình với đủ các thuật ngữ khảo cổ học của ông ta. Toàn những công việc ngán ngẩm. Mong sao có một công việc nào lý thú một chút.

Cửa phòng Giám đốc lại mở, bà Martindale bước ra.

- Sheila, tôi dặn thêm. Nếu chẳng may bà Pebmarsh đi vắng thì cô cứ vào. Bà cụ không khóa cửa đâu. Cô cứ tự vào, ngồi chờ bà cụ ở phòng bên phải, ngay sát cửa ra vào. Có phải ghi vào sổ không?

- Không cần, thưa bà Martindale. Tôi nhớ.

Bà Giám đốc vào khuất, Edna kín đáo lấy dưới gầm ghế ra chiếc giầy bị gẫy gót.

- Lạy Chúa, mình làm cách nào về nhà được đây?

Cô thư ký rên rỉ.

- Đừng lo, rồi sẽ có cách, - một cô nhân viên đi ngang qua, đứng lại nhìn, nói, rồi đi tiếp.

Edna thở dài, cho một tờ giấy mới vào máy, vừa gõ lên bàn phím vừa lẩm bẩm đọc: "Chàng bỗng thấy cháy lên một ngọn lửa thèm khát. Hai tay run rẩy, chàng giật ra tấm vải mỏng phủ lên cặp vú nàng rồi đè nàng nằm ngửa trên li văng..."

- Con khỉ! - Edna rủa một tiếng rồi vớ chiếc tẩy.

Sheila xách xắc tay, bước ra cửa.

° °

°

Xây từ đầu thế kỷ, phố Wilbraham Crescenttheo một kiểu kiến trúc vòng cung oái oăm, khiến người đi từ đầu phố vào không nhìn thấy được những biển số nhà ở đầu, nhưng khi vào đến bên trong thì lại rất khó thấy được những biển số nhà phía cuối. Nhà nào cũng xây theo kiểu biệt thự, xung quanh là vườn cây. Phía trước nhà nào cũng có bao lơn bằng sắt uốn hết sức cầu kỳ, thấy rõ chủ nhân là những người giầu có huênh hoang. Phía trước ngôi nhà nào cũng có hàng rào và cổng bằng sắt.

Ngôi nhà số 19 không có gì đặc biệt: cũng tấm ri-đô trắng tinh, cũng nắm đấm trên cánh cửa bằng đồng sáng loáng, cũng có một lối đi hai bên trồng những khóm hoa tường vi, chạy từ cổng sắt bên ngoài vào bậc thềm lên nhà.

Đẩy cánh cổng sắt, Sheila theo lối đi trồng tường vi, bước lên bậc thềm, đến cánh cửa gỗ, bấm chuông. Không thấy ai trả lòi. Đợi một lát, cô xoay quả đấm cửa. Đúng như bà Martindale dặn, cửa không khóa. Sheila bước vào bên trong. Vào đến nơi cô thấy cánh cửa bên phải hé mở. Cô gõ, chờ một lát không thấy gì, bèn bước vào phòng khách nhỏ ấm cúng, bầy quá nhiều các loại đồ mỹ nghệ, toàn những thứ cổ lỗ, không thích hợp với thời nay. Tuy nhiên phòng khách nhỏ này có một chi tiết lạ: rất nhiều đồng hồ, cả trên tường, cả trên mặt tủ. Một chiếc đồng hồ mẹ to tướng kêu tích-tắc treo ở góc tường. Một chiếc đồng hồ bằng sứ trên lò sưởi. Một chiếc nữa bên trên bàn giấy bằng bạc. Cạnh đấy lại một chiếc vỏ gỗ màu đỏ tươi. Gần cửa sổ một chiếc nhỏ nữa, bốn góc bịt da thuộc, có dòng chữ mạ vàng "Rosemary" hơi bị mờ do thời gian.

Sheila ngạc nhiên thấy chiếc đồng hồ trên bàn giấy chỉ bốn giờ kém mười. Cô liếc nhìn sang những đồng hồ khác: tất cả đều chỉ đúng như thế: bốn giờ kém mười. Sao lại thế được nhỉ?

Đột nhiên, một tiếng "cạch" làm Sheila giật bắn người. Cánh cửa nhỏ trên một chiếc đồng hồ treo tường mở ra, một con chim họa mi thò đầu, ngửa cổ trịnh trọng hót: "Cúc cu - cúc cu - cúc cu", ba tiếng theo ba thanh âm cao thấp khác nhau. Liền sau đó, lại một tiếng "cách" và con chim thụt cổ vào, cánh cửa nhỏ khép lại như cũ.

Sheila bật cười, định di vòng ra ngồi xuống chiếc đi văng. Đột nhiên cô giật mình: một người đàn ông nằm thẳng đuỗn dưới sàn, hai mắt mở to nhưng trông đờ đẫn, giống như một người mù, rõ ràng không nhìn thấy gì. Trên bộ vét có một vết loang màu sẫm. Một cách vô ý thức, Sheila cúi xuống, sờ má và bàn tay ông ta thấy lạnh toát. Rồi cô chạm tay vào vết loang ẩm. Vừa đụng đến, Sheila vội rút bàn tay lại, hai mắt trợn tròn kinh hoàng.

Vừa lúc đó, có tiếng mở cánh cổng sắt bên ngoài làm Sheila quay đầu lại. Trên lối đi, một phụ nữ đang bước nhanh. Cô gái nuốt nước bọt, thấy cổ họng khô khốc. Cô đứng sững, toàn thân như cứng lại, không nhúc nhích mà cũng không kêu lên được... cặp mắt bất động.

Cửa mở, một bà có tuổi, vóc ngưòi to lớn, xách làn đi chợ, bước vào. Mái tóc hoa râm chải sơ sài túm lại sau gáy, trùm xuống hai thái dương. Bà già hướng cặp mắt xanh biếc nhìn thẳng vào Sheila, nhưng không có vẻ bà ta nhìn thấy cô.

Sheila thốt lên một tiếng kêu khẽ. Bà có cặp mắt xanh biếc kia tiến về phía cô.

- Ai đấy? - bà ta hỏi to.

- Tôi... Tôi là... Sheila ấp úng.

Bà ta vòng qua chiếc đi văng đi về phía Sheila. Thấy vậy, cô vội hét lên:

- Đừng... Bà đừng đi nữa! Bà giẫm lên ông ta mất... mà ông ấy chết rồi.

Chương một

LỜI KỂ CỦA COLIN LAMB

Như cảnh sát đã biết, ngày 9 tháng Chín, vào 14 giờ 59 phút, tôi đi dọc theo phố Wilbraham Crescent theo hướng Đông. Đấy là lần đầu tiên tôi đến đây, và thú thật, phố Wilbraham Crescent này làm tôi hoàn toàn mất phương hướng.

Tôi đang thẩm tra lại một trong những linh cảm của tôi, vì linh cảm ấy rất lờ mờ cho nên tội càng cố muốn biết xem nó có đúng hay không.

Tôi tìm số nhà 61, liệu có số nhà đó không? Tôi bắt đầu đi tìm nhà số 1 đến số 28, thì phố Wilbraham Crescent bị một phố lớn cắt ngang, tên phố lớn đó là đại lộ Albany. Tôi bèn thử đi ngược lại. Bên này phố, chỉ có một bức tường rào chạy dài, trong là những tòa nhà chung cư, nhiều tầng bằng bê tông, cao vút lên tận trời xanh. Không thấy lối vào nhà để lên cầu thang, chắc ở mặt phố phía bên kia. Vậy là đi theo hè bên này không ích gì.

Vừa đi, tôi vừa kiểm tra các nhà số 24, 23, 22, 21. Biệt thự Diana,hẳn đây là số 21. Một con mèo ngồi trên một cột hàng rào, đang đưa chân lên xoa mặt. Rồi tôi đi đến số nhà 19...

Đột nhiên cánh cửa ngôi nhà số 19 bật mở, một người bên trong lao ra như một quả trái phá, kèm theo một tiếng rú man dại, không ra tiếng rú của con người. Một cô gái trẻ lao ra phía cổng sắt. Ra đến hè phố, cô đâm xầm vào tôi khiến tôi loạng choạng suýt ngã, rồi cô túm lấy tôi như kẻ chết đuối túm được cái cọc.

- Bình tĩnh đã nào, - tôi lấy lại thăng bằng. - Cô bình tĩnh đã chứ.

Cô gái đã trấn tĩnh lại đôi chút, không kêu lên nữa, mà khóc nức nở.Thú thật là bản thân tôi cũng lúng túng.

- Cô có chuyện gì phải không? - tôi hỏi. Nhưng thấy câu hỏi vô duyên, tôi nói thêm. - Có chuyện gì vậy?

Cô gái nín thở, mắt lấm lét trỏ vào ngôi nhà:

- Trong ấy... trong ấy...

- Trong ấy sao?

- Có một người chết... nằm trên sàn nhà... bà ta suýt nữa giẫm phải ông ta.

- Ai? Mà tại sao lại giẫm?

- Bà ấy mù, tôi đoán thế. Còn ông ta thì đầy máu.

Đột nhiên cúi xuống nhìn hai bàn tay, cô gái vội buông tôi ra.

- Tay tôi cũng đầy máu đây này, - cô ta nói thêm.

- Đúng thế, - tôi nhìn lên ống tay áo tôi cũng rây vết máu. Tôi thở dài. - Cô làm rây sang áo tôi nữa đây này. - Suy nghĩ một chút, tôi nói. - Cô dẫn tôi vào trong đó xem thử.

- Không, không. Tôi sợ lắm... Tôi không dám vào cái nhà ấy nữa.

- Có lẽ cô nói thế là đúng, - tôi nói rồi đưa mắt nhìn xem có chỗ nào dìu cô gái đến, bởi tôi thấy cô đang xỉu đi, không thể đứng vững.

Tôi đỡ cho cô từ từ khuỵu xuống bên cạnh hàng rào sắt, rồi đặt cô ngả đầu vào hàng rào.

- Cô ngồi yên đây, đừng đi đâu. Đợi tôi ra đã. Nếu mệt quá, cô cúi xuống, gục đầu lên đầu gối mà nghỉ.

- Bây giờ thì tôi hơi dễ chịu rồi.

Cô nói bằng giọng không được tự tin cho lắm.

Tôi không gặng hỏi thêm, chỉ vỗ nhẹ vai cô an ủi, rồi đi nhanh vào nhà. Vào qua cửa ngoài, tôi liếc nhìn sang gian bên trái, đó là phòng ăn. Tôi đi thẳng vào phòng khách bên phải.

Trong đó, một bà có tuổi, tóc hoa râm, đang ngồi trong chiếc ghế xa lông, nghe thấy tiếng động, bà ta quay đầu lại.

- Ai thế?

Tôi cũng nhận thấy ngay là bà ta mù. Mặt quay về phía tôi, nhưng cặp mắt lại hướng lên phía bên trên đầu tôi. Tôi hỏi thẳng vào vấn đề.

- Vừa rồi, một cô gái trẻ lao ra ngoài đường, kêu lên rằng trong này có một người bị giết.

Trong lúc đang nói, tôi đã thấy ngay câu hỏi của tôi hồ đồ. Trong một gian phòng ngăn nắp thế này, trước mặt một phụ nữ dáng quý phái, ngồi chắp hai tay lành hiền, bình thản, làm sao có thể có xác chết nào được?

Nhưng bà già đáp:

- Đúng đấy. Sau cái đi văng kia kìa.

Tôi vòng ra sau lưng đi văng thì thấy nạn nhân, cánh tay cứng đờ, hai mắt mở to như mắt thủy tinh, và vết máu loang trên áo đã khô lại.

- Đầu đuôi thế nào? - tôi thô lỗ hỏi.

- Tôi hoàn toàn không biết gì.

- Nhưng ông ta là ai?

- Tôi không biết.

- Phải báo cảnh sát ngay, - tôi đưa mắt nhìn quanh. - Điện thoại bà để đâu?

- Nhà tôi không có điện thoại.

Tôi chăm chú nhìn bà ta.

- Đây là nhà bà?

- Đúng thế.

- Bà có thể kể tôi nghe từ đầu được không?

- Tất nhiên là được. Tôi ra phố mua sắm về... - lúc này tôi đã nhìn thấy chiếc làn đi chợ để trên một chiếc ghế gần cửa. - Vào đến đây, tôi cảm thấy trong nhà có người. Người mù bao giờ cũng thính. Tôi hỏi "Ai đấy?" Không thấy tiếng trả lời, chỉ nghe thấy tiếng thở hổn hển. Tôi bèn đi về phía có tiếng thở, thì đột nhiên một giọng con gái hét lên, kêu lên rằng ở đó có xác chết, rằng tôi đừng đi tiếp nữa kẻo giẫm phải. Thế là cô gái chạy vụt ra, vừa chạy vừa rú lên.

"Được! Vậy là hai người nói ăn khớp nhau, tôi thầm nghĩ."

- Sau đó bà làm gì?

- Tôi lần đến đấy, và chân tôi vấp phải một vật gì đó.

- Rồi sao nữa?

- Tôi quỳ xuống, sờ thử, đụng phải bàn tay một ngưòi đã lạnh giá, mạch không còn đập. Tôi bèn ngồi vào đây, đợi người đến, bởi cô gái kia hẳn đi báo cảnh sát. Tôi nghĩ tốt nhất là chẳng nên ra khỏi đây.

Thái độ điềm tĩnh của bà già làm tôi kinh ngạc. Bà ta không la hét, không hốt hoảng chạy ra khỏi nhà, mà lại ngồi bình tĩnh đợi! Tôi công nhận làm như thế là đúng, nhưng không phải ai cũng làm được như thế.

Bà ta hỏi tôi.

- Vậy ông là ai?

- Tên tôi là Colin Lamb, tôi tình cờ đi ngang qua bên ngoài nhà bà.

- Cô gái kia đâu rồi?

- Tôi dìu cô ta ngồi tựa vào hàng rào sắt, để cô ta trấn tĩnh lại. Tôi muốn gọi điện thoại thì phải đi đâu?

- Cách đây chừng năm chục mét, có một trạm điện thoại công cộng ở chỗ vòng ấy.

- Phải rồi, có. Tôi nhớ đã nhìn thấy lúc đi đến đây. Bà...

Tôi ngập ngừng. Tôi định hỏi bà ta một câu gì đó, đại loại như "Bà cứ ngồi đây chứ?" Hoặc: "Bà không sao chứ?"

Bà ta như đoán được, nói:

- Tốt nhất là ông nên đưa cô gái kia vào đây ngồi nghỉ.

- Tôi e cô ấy không chịu vào.

- Tất nhiên không phải vào phòng này, nhưng cô ấy có thể sang phòng ăn, ngay bên cạnh. Bảo cô ấy là tôi sẽ pha một ấm trà nóng cho cô ấy uống.

Bà ta đi về phía tôi.

- Nhưng bà...

Trên môi bà ta hiện lên một nụ cười buồn rầu.

- Từ khi tôi đến sống ở ngôi nhà này, đã mười bốn năm rồi, tôi đều tự nấu nướng lấy. Mù chưa phải có nghĩa không làm gì được,

- Bà tha lỗi. Đúng là tôi hỏi câu ngu xuẩn. Tôi muôn biết tên bà, được không ạ?

- Tên tôi là Pebmarsh.

Tôi đi nhanh ra ngoài. Thấy tôi, cô gái trẻ ngước mắt nhìn. Tôi dìu cô đứng lên.

- Tôi thấy trong người dễ chịu rồi, - cô nói.

- Hay lắm, - tôi vui vẻ đáp.

- Có đúng là trong đó có một người bị giết không?

- Đúng, - tôi đáp rất nhanh. Bây giờ tôi chạy đi gọi điện thoại, báo cảnh sát. Theo tôi, cô nên vào trong nhà đợi tôi. - Tôi nói hơi to như ra lệnh, để cô gái không kịp phản đối. - Bà Pebmarsh sẽ pha trà cho cô uống.

- Vậy bà mù đó là bà Pebmarsh?

- Chính thế. Bà cụ cũng kinh hoàng, nhưng vẫn giữ được điềm tĩnh. Nào, ta vào. Trong lúc đợi tôi, cô dùng một chén trà nóng, sẽ tỉnh táo hơn.

Tôi xốc nách, dìu cô gái đứng lên, đưa cô vào nhà, đặt cô ngồi trong phòng ăn. Rồi tôi chạy nhanh ra ngoài.

- Đồn cảnh sát Crowdean đây! - đầu dây bên kia một giọng nói thản nhiên.

- Tôi xin gặp ông thanh tra Hardcastle. Tôi là Colin Lamb.

Lát sau đích thân Hardcastle cầm máy.

- Colin đấy à? Cậu đang ở đâu đấy?

- Trong thị trấn Crowdean của cậu, phố Wilbraham Crescent. Có một người bị giết trong ngôi nhà số 19. Mình đoán là bị đâm. Nạn nhân chết được chừng nửa giờ rồi.

- Ai phát hiện thấy? Cậu à?

- Không. Mình chỉ tình cờ đi ngang qua, đột nhiên một cô gái trẻ lao từ trong nhà ra như tên bắn, đâm sầm vào làm mình suýt ngã. Cô ta bảo trong nhà có một người chết, và một bà mù suýt giẫm phải cái xác.

- Colin, cậu không đùa mình đấy chứ?

Giọng Hardcastle có vẻ nghi ngờ.

- Chuyện nghe quái lạ, đúng thế, nhưng thực sự là như vậy. Bà mù đó là chủ nhân ngôi nhà, bà Pebmarsh.

- Và bà ấy giẫm lên xác chết?

- Cậu hiểu sai câu mình nói rồi. Bà ta mù, nên không nhìn thấy.

- Thôi được, mình sẽ tiến hành ngay những việc cần thiết. Cậu làm gì cô gái ấy rồi?

- Bà Pebmarsh đang cho cô ấy uống trà.

- Chà, chuyện nghe có vẻ ly kỳ đấy, - thanh tra Hardcastle nói.

Chương hai

LỜI KỂ CỦA COLIN LAMB

Trong ngôi nhà số 19 phố Wilbraham Crescent, cảnh sát đang triển khai công việc. Có bác sĩ pháp y, có ngưòi nhiếp ảnh căn cước và có các nhân viên lấy vân tay.

Người đến cuối cùng là thanh tra Hardcastle, vẻ mặt bí hiểm, nhưng cặp lông mày nhíu lại đầy biểu cảm, đang kiểm tra xem mọi mệnh lệnh của ông ta có được thi hành chu đáo không.

Xem xét kỹ một lần nữa xác nạn nhân, rồi trao đổi vài câu với bác sĩ pháp y, viên thanh tra sang phòng ăn. Tại đây đã có ba người ngồi trước ba tách trà rỗng: bà Pebmarsh, Colin Lamb và một cô gái trẻ vóc cao, thân hình cân đối, tóc màu hạt dẻ, cặp mở to vẫn còn vẻ kinh hoàng. Viên thanh tra thầm đánh giá "Chà, cô bé đẹp quá đây", rồi bước đến tự giới thiệu với bà Pebmarsh, chủ nhân ngôi nhà.

- Tôi là Thanh tra Hardcastle.

Tuy nhiên thanh tra chưa gặp bà ta bao giờ trên phương diện nghề nghiệp, nhưng ông biết mặt bà. Bà Pebmarsh xưa đã từng là giáo viên trung học, hiện nay bà làm ở Viện Aaronberg là Viện dạy chữ nổi cho trẻ em mù. Thanh tra Hardcastle rất lấy làm lạ tại sao lại có một vụ án mạng trong một ngôi nhà sạch sẽ gọn ghẽ, tinh khiết nhường này: nhưng sự đời thiếu gì những chuyện khó mà tin nổi.

- Đúng là khủng khiếp đối với bà, thưa bà Pebmarsh. Hẳn bà phải choáng váng lắm. Tôi muốn được nghe các vị kể cho tôi nghe tỉ mỷ. Tôi hiểu cô đây là... - viên thanh tra liếc nhanh vào cuốn sổ tay do một nhân viên cảnh sát vừa đưa ông ta. - cô Sheila Webb, người đầu tiên phát hiện ra xác chết. Thưa bà Pebmarsh, bà cho phép tôi đưa cô gái này vào bếp để có thể nói chuyện yên tĩnh.

Mở cánh cửa, thanh tra Hardcastle lịch sự mời cô gái vào trước. Lát sau, hai người ngồi hai bên chiếc bàn phoóc-mi-ca, và viên thanh tra lặng lẽ ghi.

Sheila bối rối, hồi hộp hướng cặp mắt to vẫn còn đầy kinh hoàng về phía viên thanh tra cảnh sát.

Thanh tra Hardcastle chỉ muốn nói: "Tôi không ăn thịt cô đâu, cô gái xinh đẹp ạ", nhưng ông ghìm lại, nói:

- Cô bình tĩnh, đừng lo lắng gì cả. Tôi chỉ muốn nghe để biết rõ thêm sự việc. Bây giờ cô cho tôi biết, cô đến ngôi nhà số 19 phố Wilbraham Crescent để làm gì?

Sheila đã bình tĩnh phần nào, đáp:

- Bà Pebmarsh gọi điện đến Trung tâm xin một thư ký đánh máy vào lúc 3 giờ chiều nay. Thế là lúc tôi đi ăn trưa về, bà Martindale Giám đốc Trung tâm cử tôi đến đây.

- Vì đến lượt cô phải không? Hẳn là ở Trung tâm, các cô lần lượt được cử đi phục vụ các khách hàng chứ gì?

- Không, trường hợp này không phải như thế. Bà Pebmarsh yêu cầu đích danh tôi.

Thanh tra Hardcastle ghi tiếp, cặp lông mày nhíu lại.

- Ra thế! Nghĩa là cô đã từng làm việc với bà Pebmarsh và bà đã biết cô?

- Không. Chưa bao giờ tôi làm cho bà ấy, - Sheila vội vã nói.

- Có đúng như vậy không? Cô nhớ kỹ là như thế chứ?

- Tôi nhớ rất kỹ, - Sheila nói. - Vả lại, ông đã thấy đấy, bà Pebmarsh thuộc loại người nếu ai đã gặp một lần hẳn rất khó quên.

- Đúng thế. Nhưng lúc này ta tạm gác lại chuyện đó. Cô đến đây lúc mấy giờ?

- Trước ba giờ một chút, bởi khi tôi vào đây thì con chim họa mi trên chiếc đồng hồ treo tường... - Đột nhiên Sheila ngừng nói, cặp mắt chững lại. - Lạ thật. Lúc đó tôi không chú ý...

- Chú ý chuyện gì, cô Sheila?

- Những chiếc đồng hồ treo tường.

- Những chiếc đồng hồ treo tường làm sao?

- Con chim họa mi hót ba tiếng, nhưng tất cả những chiếc đồng hồ khác lại nhanh đúng một tiếng. Sao lại thế được nhỉ?

- Đúng là lạ thật, - viên thanh tra gật đầu. Thôi được, thế đến lúc nào thì cô nhìn thấy xác chết?

- Lúc tôi định đi vòng chiếc đi văng để ngồi vào đó. Tôi chợt nhìn thấy ông ta nằm dưới đất. Khủng khiếp quá! Khủng khiếp quá!...

- Tôi công nhận, đúng là khủng khiếp. Cô có nhận ra ông ta không? Cô có biết ông ta không?

- Không. Chưa bao giờ tôi gặp ông ta.

- Cô có tin chắc như thế không? Có thể bây giờ ông ta đã thay đổi nhiều. Cô nghĩ kỹ đi. Quả là cô chưa bao giờ gặp ông ta chứ?

- Chưa bao giờ.

- Thôi được. Vậy sau đó cô làm gì?

- Tôi làm gì ấy à?

- Đúng, cô đã làm gì?

- Tôi không hề làm gì hết. Tôi không thể làm gì được nữa.

- Đồng ý. Nhưng cô có sờ vào người ông ta chứ?

- Có, chỉ là tôi định xem thử... Người ông ta lạnh toát... và bàn tay tôi rây đầy máu, dính và đặc quánh. Khủng khiếp quá! - Cô gái nói và toàn thân run bắn lên.

- Cô bình tĩnh lại đi, - thanh tra Hardcastle ôn tồn nói. - Bây giờ mọi việc đã xong xuôi, cô quên chuyện ấy đi. Rồi sau đấy thế nào?

- Tôi không nhớ... à, phải rồi, rồi bà ấy về.

- Ai? Bà Pebmarsh?

- Vâng. Nhưng lúc ấy tôi chưa biết là ai. Bà ấy xách làn đi chợ.

- Cô nói với bà Pebmarsh thế nào?

- Hình như tôi không nói gì cả... Tôi muốn nói, nhưng cổ họng khô khốc, không sao thốt lên thành tiếng được. Bà ấy hỏi tôi là ai, hình như bà ấy định đến với tôi thì phải... thế là tôi hét lên, và tôi không chịu nổi, tôi lao ra ngoài phố...

- Khoan đã, tôi muốn hỏi cô một câu: tại sao cô lại vào trong gian phòng ấy?

- Ông hỏi thế nghĩa là sao? Sheila ngơ ngác.

- Cô bấm chuông, không thấy ngưòi trả lời, sao cô dám tự động vào nhà?

- Tôi hiểu rồi. Vì bà ấy dặn tôi như thế.

- Bà nào?

- Bà Giám đốc Martindale dặn là nếu tôi bấm chuông không thấy ai trả lời thì cứ đẩy cửa vào, rồi sang gian phòng bên phải ngồi chờ.

- Ra thế! - thanh tra Hardcastle gật đầu, nghĩ ngợi nói.

Sheila lo lắng hỏi:

- Ông còn gì nữa không, thưa ông thanh tra?

- Tôi nghĩ hãy tạm thế đã. Nhưng tôi đề nghị cô chịu khó nán ở lại đây chừng mười phút, đừng về vội, lỡ tôi còn muôn hỏi thêm điều gì. Sau đấy tôi sẽ cho người đưa cô về nhà. Cô có cha mẹ ở đây chứ?

- Cha mẹ tôi mất cả rồi, tôi ở với bà dì..

- Tên bà dì là gì?

- Bà Lawton.

- Cảm ơn cô Sheila, viên thanh tra nắm chặt tay cô gái trẻ. Đêm nay cô cố ngủ một giấc cho ngon. Sau những chuyện khủng khiếp này, cô rất cần một giấc ngủ để lại sức.

Với nụ cười e thẹn. Sheila bước nhanh sang phòng ăn.

Không để viên thanh tra đưa tay dắt, bà Pebmarsh vẻ mặt quả quyết, dò dẫm lần đến ngồi vào chiếc ghế sát tường. Không đợi viên thanh tra mở miệng, bà hỏi ngay:

- Cái anh lúc nãy ấy là ai?

- Colin Lamb.

- Tên thì anh ta nói cho tôi biết rồi, nhưng tôi muốn hỏi anh ta là người thế nào? Sao lại có mặt ở đây.

Thanh tra Hardcastle hơi ngạc nhiên, chăm chú nhìn bà già mù.

- Anh ta tình cờ đi ngang qua đúng lúc cô Sheila kia lao ra đường, hét lên là có người bị giết trong nhà này. Sau khi vào và thấy có ngưòi chết thật, Colin Lamb gọi điện cho tôi, và chính tôi đã yêu cầu anh ta ở lại đây đợi chúng tôi đến.

- Ông nói như có vẻ ông quen anh ta, thưa ông thanh tra?

- Đúng thế, bà không bỏ sót chi tiết nào. Colin là một trong số các bạn của tôi, tuy nhiên chúng tôi ít gặp nhau. Anh ta là chuyên gia về sinh học biển.

- Tôi hiểu.

- Bây giờ, thưa bà Pebmarsh, bà có thể kể cho tôi nghe vài điều tôi muốn biết về vụ án quái lạ này không?

- Sẵn sàng thôi. Nhưng tôi e chẳng có gì nhiều để nói với ông.

- Bà đến ở ngôi nhà này lâu chưa?

- Từ năm 1950. Hồi đó tôi dạy trường Trung học. Khi bác sĩ bảo mắt tôi sắp hỏng hẳn, không có hy vọng chữa khỏi, tôi bèn theo học lớp về chữ nổi và về phương pháp sư phạm đối với người mù. Hiện nay tôi làm trong Viện Aaronberg, dạy chữ nổi cho trẻ em mù.

- Cảm ơn bà. Bây giờ xin bà kể về buổi chiều hôm nay. Có ai hẹn đến gặp bà không?

- Không.

- Để bà thử nhớ lại xem có quen người nào như thế không, tôi xin miêu tả sơ qua hình dạng người vừa bị giết. Cao 1 mét 70, tuổi trạc 60, tóc đen đã hoa râm. Mắt mầu hạt dẻ, cằm vuông. Râu ria cạo nhẵn. Bàn tay thon mịn. Có lẽ ông ta làm trong một văn phòng nào đấy, thí dụ làm nhân viên kế toán tại một nhà băng, hoặc làm một nghề tự do, như luật sư chẳng hạn.

Bà Pebmarsh suy nghĩ khá lâu rồi mới đáp.

- Khó nói quá. Những chi tiết ông kể ra quá mơ hồ, rất nhiều người có những đặc điểm như thế. Rất có thể tôi đã gặp một người nào giống như ông miêu tả, nhưng chắc chắn không phải trong số những người tôi thân thiết.

- Ông ta gần đây không viết thư gì cho bà báo tin ông ấy sắp đến gặp bà hay sao?

- Không. Hoàn toàn không.

- Nhưng khi bà gọi điện đến Trung tâm Cavendish yêu cầu cử một thư ký đến đánh máy giúp bà, bà...

- Xin lỗi, tôi xin phép ngắt lời ông, nhưng tôi không hề gọi điện yêu cầu một thư ký đánh máy.

Thanh tra Hardcastle ngạc nhiên nhìn bà già mù.

- Bà không gọi điện đến Trung tâm Cavendish xin một thư ý đến đánh máy cho bà?

- Thưa ông thanh tra, chưa bao giờ tôi cần đến thư ký đánh máy, và tôi không hề, tôi nhắc lại, tôi không hề, gọi điện cho Trung tâm Cavendish về bất cứ chuyện nào hết.

- Bà không yêu cầu họ cử đích danh cô Sheila Webb?

- Lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên ấy đấy.

Thanh tra Hardcastle sửng sốt nhìn bà cụ.

- Nhưng khi đi chợ, bà đã không khóa cửa.

- Ban ngày đi đâu, tôi thường không khóa cửa.

- Bà không ngại có kẻ xấu tự động vào nhà bà hay sao?

- Kể ra thì thời bây giờ dễ có người làm như thế thật, - bà Pebmarsh gật đầu nói.

- Thưa bà Pebmarsh, theo bác sĩ pháp y cho biết, thì nạn nhân bị giết trong khoảng thời gian từ 1 giờ rưỡi đến 3 giờ. Lúc đó bà đang ở đâu?

Sau một chút im lặng, bà Pebmarsh trả lời:

- Lúc một giờ rưỡi, thì một là tôi đã ra khỏi nhà, hai là tôi sắp sửa ra. Tôi cần đi mua sắm vài thứ lặt vặt.

- Xin bà cho biết tỉ mỹ bà đã đi những đâu.

- Đầu tiên tôi ra bưu điện, trên đại lộ Albany để gửi một bưu kiện và mua vài cái tem. Sau đó tôi đi mua vài thứ lặt vặt: khuy bấm, trâm cài tóc ở cửa hàng bách hóa. Rồi tôi về nhà. Giờ về thì tôi có thể nói đích xác với ông, bởi lúc tôi đẩy cánh cổng sắt bên ngoài, tôi nghe thấy con họa mi ở chiếc đồng hồ treo tường hót ba tiếng.

- Thế những chiếc đồng hồ khác?

- Xin lỗi, tôi chưa hiểu ông nói gì?

- Tất cả những chiếc đồng hồ khác, treo trên tường và đặt trên bàn của bà, đều chạy nhanh một tiếng.

- Đồng hồ nào mà chạy nhanh? Hay ông muốn nói đến chiếc đồng hồ đại treo ở góc phòng?

- Không chỉ chiếc đồng hồ đó mà cả những chiếc khác trong phòng khách.

- Ông nói gì tôi không hiểu. Những chiếc đồng hồ nào ở phòng khách? Trong phòng khách chỉ có mỗi một chiếc đồng hồ đại ấy thôi.

Chương ba

Thanh tra Hardcastle ngạc nhiên:

- Bà quên rồi sao, thưa bà Pebmarsh? Bà quên chiếc đồng hồ bằng sứ tuyệt đẹp treo phía trên bàn giấy, rồi chiếc đồng hồ các góc bọc da còn nguyên cả tên hãng chế tạo "Rosemary" đặt trên mặt tủ, rồi mấy chiếc đồng hồ treo tường khác nữa.

Bà Pebmarsh cũng ngạc nhiên không kém:

- Một là ông lóa mắt nhìn lầm, hoặc là tôi mất trí. Bởi tôi làm gì có chiếc đồng hồ nào bằng sứ, rồi lại chiếc "Rosemary" nữa, và còn những chiếc nào khác nữa! Nếu ông không tin, xin ông hỏi bà giúp việc của tôi, bà Curtin.

Viên thanh tra không còn hiểu ra sao nữa. Chiếc mũi nhăn lại của bà già chứng tỏ bà không nói sai. Suy nghĩ một chút, ông Hardcastle đứng lên.

- Mời bà sang phòng khách với tôi, được không, thưa bà Pebmarsh?

- Tất nhiên là được, và tôi cũng muốn nhìn thấy những chiếc đồng hồ ấy.

- Bà nhìn thấy được?

Thanh tra vặn lại.

- Nói kiểm nghiệm chúng thì chính xác hơn. Bởi đối với tôi, "nhìn" nghĩa là kiểm nghiệm bằng các giác quan khác. Bằng tay sờ, bằng lắng nghe tiếng tích tắc của chúng, thưa ông thanh tra.

Thanh tra Hardcastle đi trước, sang phòng khách. Bà Pebmarsh theo sau. Nhân viên lấy dấu vân tay quay đầu lại.

- Thưa thanh tra, tôi làm xong rồi. Ông có thể đụng vào mọi thứ được rồi.

Thanh tra Hardcastle gật đầu, lấy chiếc đồng hồ "Rosemary" trên bàn, đặt lên tay bà Pebmarsh để bà sờ thử. Bà nắn các phía rất cẩn thận, chiếc đồng hồ này và cả ba chiếc khác treo tường nữa.

- Những chiếc đồng hồ này không phải của tôi. Chỉ một chiếc trong gian phòng này của tôi là chiếc đồng hồ đại của bà ngoại tôi để lại mà thôi, đó là chiếc treo trên tường ở góc phòng.

- Đúng thế.

- Và chiếc có con chim họa mi treo ở gần cửa.

Thanh tra Hardcastle không còn biết nói sao.Biết bà cụ không nhìn thấy mình, ông chăm chú quan sát khuôn mặt phúc hậu hiền lành của bà giáo già. Trán ông nhăn lại.

- Chịu! Tôi không sao hiểu nổi!

Bà già giơ tay bất lực rồi ngồi xuống ghế.

Nhìn thấy nhân viên lấy dấu vân tay còn đứng gần cửa, thanh tra Hardcastle hỏi:

- Cậu không quên lấy dấu vân tay trên những chiếc đồng hồ chứ?

- Vỏ đồng hồ bằng sứ và bằng sơn mài đỏ kia thì không thể lấy dấu vân tay được. Nhưng lạ một điều là trên lớp da thuộc ở chiếc đồng hồ "Rosemary" kia, tôi cũng không thấy, mà dấu vân tay để lại trên da thuộc bao giờ cũng phải có chứ. Rồi cả trên lớp bạc mạ kia cũng vậy, không thấy. Nói cho đúng ra, tất cả những chiếc đồng hồ kia, trừ chiếc treo ở góc phòng, đều chưa lên dây cót và không chạy. Tất cả đều được vặn kim để chỉ cùng một giờ, đó là 4 giờ 13 phút.

- Còn những chỗ khác trong phòng thì cậu lấy được vân tay chứ?

- Có tất cả khoảng bốn kiểu vân tay, theo tôi thì đều vân tay phụ nữ. Tôi đã lấy ra những thứ trong túi nạn nhân, để lên bàn kia kìa.

Anh ta nói và trỏ chiếc bàn nhỏ kê cạnh tường.

Thanh tra Hardcastle vội vã đi về phía đó.

Trước mặt ông là một chiếc ví, trong có bảy bảng Anh và mười xu, một khăn mùi xoa lụa không thêu các chữ đầu tên họ, một hộp thuốc dạ dầy, và một tấm danh thiếp. Viên thanh tra cúi xuống đọc:

R.H.CURRY

Công ty Bảo hiểm TNHH Metropolis

LONDON.W2

Quay lại chỗ đi văng, nơi bà Pebmarsh ngồi, viên thanh tra hỏi:

- Bà có chuẩn bị tiếp một đại diện của hãng bảo hiểm nào không?

- Hãng bảo hiểm? Không, hoàn toàn không.

- Công ty bảo hiểm Metropolis? - viên thanh tra hỏi thêm.

Bà Hardcastle lắc đầu:

- Không, tôi chưa bao giờ nghe thấy cái hãng ấy.

- Nhưng bà có định mua bảo hiểm chứ?

- Không. Tôi có mua bảo hiểm trộm cắp và hỏa hoạn, nhưng đã mua rồi, và của Công ty bảo hiểm Joyce. Hơn nữa, tôi sống một mình, không họ hàng, không bạn bè, tôi không thấy cần bảo hiểm nhân thọ để làm gì.

- Đúng thế, thưa bà Hardcastle. Bà có biết một người tên là Curry không?

- Curry à? - bà già lặp lại, suy nghĩ một chút rồi lắc đầu. Tôi chưa nghe thấy cái tên ấy bao giờ. Đấy là tên nạn nhân à?

- Có lẽ thế, - Viên thanh tra nói.

Bà Hardcastle ngập ngừng một chút rồi nói:

- Ông có muốn tôi... thử sờ ông ta không?

Viên thanh tra hiểu ngay.

- Tôi rất muốn, nhưng chưa dám đề ra với bà, e như thế là yêu cầu bà quá nhiều. Bởi tôi biết nếu bà sờ thử ông ta, chắc chắn bà sẽ phát hiện ra được điều gì đó.

- Đúng thế. Tất nhiên tôi rất ngại, nhưng nếu ông cần, tôi xin đành lòng giúp ông vậy.

- Cảm ơn bà, thưa bà Hardcastle. Bà cho tôi dắt bà đến đấy.

Thanh tra dắt bà giáo mù đến gần xác chết, đỡ cho bà quỳ xuống, lấy tay sờ lên mặt nạn nhân. Nét mặt hết sức điềm tĩnh, bà già không biểu lộ một cảm xúc nào. Những ngón tay bà lần trên tóc, tai, dừng lại một chút chỗ sau tai bên trái, rồi vòng ra mũi, xuống miệng, cằm nạn nhân.

- Bây giờ thì tôi thấy rõ hình dạng ông ta rồi. Người này tôi không quen. Bây giờ thì tôi dám quả quyết khẳng định với ông thanh tra là tôi không quen ông ta.

Nhân viên lấy vân tay đã ra ngoài, bây giờ thò đầu vào khung cửa.

- Xe chở xác đến, - anh ta trỏ xác chết. - Mang đi được rồi chứ ạ?

- Được, - viên thanh tra đáp. - Bà Pebmarsh mời bà ngồi lên ghế cho.

Viên thanh tra đỡ bà già ngồi vào chiếc ghế ở góc phòng. Hai nhân viên vào khiêng xác nạn nhân ra ngoài. Thanh tra Hardcastle ra theo đến cổng sắt rồi quay vào, ngồi xuống bên cạnh bà Pebmarsh.

- Thưa bà Pebmarsh, đúng là kỳ quái. Tôi xin phép được tóm tắt lại các tình tiết chủ chốt. Chỗ nào không đúng, bà vui lòng sửa lại cho. Bà không đợi ai đến gặp bà trong ngày hôm nay. Bà không hề hỏi ai về chuyện bảo hiểm, và cũng không hề nhận được thư báo tin hãng bảo hiểm nào cử đại diện đến gặp. Đúng vậy không, thưa bà?

- Hoàn toàn đúng.

- Bà không hề cần đến một thư ký đánh máy và cũng không gọi điện đến Trung tâm Cavendish?

- Đúng thế.

- Khi bà ra khỏi nhà lúc một rưỡi, trong phòng khách chỉ có hai chiếc đồng hồ, chiếc có con họa mi và chiếc đồng hồ đại của bà ngoại bà ngày xưa?

Định trả lời, nhưng bà ghìm lại:

- Quả thật tôi không thể khẳng định được điều này. Bởi tôi có nhìn thấy gì đâu? Nếu như mấy chiếc đồng hồ kia đã được treo ở đấy từ trước lúc tôi đi mua hàng thì sao? Tôi chỉ có thể khẳng định rằng, sáng nay lúc tôi dùng chổi lau quét bụi phòng này, tôi không nhận thấy có gì đặc biệt cả. Việc phủi bụi gian phòng khách, tôi đều làm lấy vì có rất nhiều đồ mỹ nghệ nhỏ, để bà giúp việc làm tôi không yên tâm.

- Sáng nay bà có đi đâu ra khỏi nhà không?

- Có, tôi có giờ lên lớp ở Viện Aeronberg từ 10 giờ 30 đến 12 giờ. Tôi về đến nhà lúc một giờ kém mười lăm, dùng một quả trứng luộc và uống một tách trà. Sau đó, như tôi đã kể với ông một giờ rưỡi tôi ra phố mua bán vài thứ vặt. Thật ra tôi ngồi ăn bữa trưa dưới bếp chứ không lên đây lúc nào.

- Nếu bà khẳng định trước lúc bà ra khỏi nhà vào 10 giờ sáng nay, trong nhà chưa có những chiếc đồng hồ lạ kia, thì như thế có nghĩa có người đem chúng đến treo ở đây sau 10 giờ sáng.

- Xin ông thử hỏi bà giúp việc của tôi, bà Curtin xem. Bà ấy đến dọn dẹp nhà tôi lúc 10 giờ rưỡi. Nhà bà ấy ở số 17 phố Dipper.

- Cảm ơn bà, thưa bà Pebmarsh. Bây giờ, sau khi ta đã điểm lại các sự kiện, bà thấy có thể gợi gì ra với tôi được không? Vậy là sáng nay, có người đã đem đến đây bốn chiếc đồng hồ lạ kia. Tất cả chúng đều chạy và kim đều chỉ 4 giờ 13 phút. Cái giờ ấy có làm bà nghĩ đến thứ gì không?

- Không, - bà Pebmarsh đáp.

- Bây giờ ta sang đến nạn nhân. Tuy tôi chưa hỏi bà giúp việc, nhưng tôi nghĩ vô lý là bà ấy cho ông ta vào nhà rồi đi, bỏ mặc ông ta trong này. Tôi sẽ thẩm vấn bà ấy sau về chuyện này. Người đàn ông kia đến đây chỉ có thể có một trong hai mục đích. Một là công việc, hai là việc tư. Ông ta bị giết trong thời gian từ một giờ rưỡi đến ba giờ kém mười lăm. Có nghĩa ai đó đã hẹn ông ta đến đây. Bà bảo bà không biết gì chuyện đó. Liệu ông ta có làm công việc một nhân viên Công ty bảo hiểm không? Bà cũng lại không biết, cửa không khóa, ông ta có thể vào dễ dàng và ngồi đây đợi bà về. Nhưng để làm gì?

- Tất cả những chuyện ấy hết sức quái đản, - bà Pebmarsh có vẻ bắt đầu khó chịu. - Vậy theo ông thì cái ông Curry ấy đã đem những chiếc đồng hồ kia đến đây?

- Nhưng sao không thấy giấy bọc? - thanh tra Hardcastle nhận xét. - Ông ta không thể bỏ chúng vào túi áo được... Còn kim chỉ 4 giờ 13, nghĩa là sao? Bà không có một sự phỏng đoán nào về chuyện đó sao?

Vừa lúc đó, một sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi hé mở cửa. Thanh tra Hardcastle ra gặp anh ta, rồi bước ra chỗ hàng rào sắt trao đổi một chút với các nhân viên cảnh sát.

- Bây giờ các cậu đưa cô gái này về nhà cô ấy, - viên thanh tra nói. - Số nhà 14, phố Palmerston.

Sau đó ông quay vào phòng ăn. Qua cánh cửa mở, ông ta quan sát bà Pebmarsh đang loay hoay với chiếc làn đi chợ. Đứng ngoài cửa, ông hỏi:

- Tôi cần đến những chiếc đồng hồ kia. Tôi sẽ viết giấy biên nhận đưa cho bà.

- Không cần, ông cứ đem chúng đi. Đấy không phải đồng hồ của tôi.

Viên thanh tra quay sang Sheila:

- Cô có thể về được rồi, cô Sheila.

Sheila và Colin đứng dậy.

- Colin, tôi nhờ anh chở cô ấy về nhà hộ. - viên thanh tra nói rồi ngồi xuống bàn viết giấy biên nhận.

Hai người đã ra đến cổng sắt, đột nhiên Sheila đứng lại:

- Tôi quên đôi găng tay.

- Để tôi vào lấy cho cô, - Colin nói.

- Không, để tôi vào, vì tôi biết chỗ tôi đã để nó. Với lại, bây giờ tôi không sợ nữa. Người ta đã đem ông ta đi rồi.

Sheila chạy đi, lát sau quay lại:

- Anh tha lỗi, lúc nãy tôi xử sự như một con điên.

- Gặp hoàn cảnh như cô, ai chẳng thế.

Lúc xe ô tô đã nổ máy, thanh tra Hardcastle chạy ra, nói với một nhân viên cảnh sát:

- Cậu vào đóng gói mấy chiếc đồng hồ cho tôi. Trừ chiếc to tướng ở góc phòng và chiếc có con chim họa mi. Đóng gói thật cẩn thận vào.

Ra lệnh xong, viên thanh tra quay sang Colin:

- Tôi cần đi một vòng, anh muốn đi cùng không?

- Sẵn sàng, - Colin đáp.

Chương bốn

LỜI COLIN KỂ

C- ậu định đi đâu bây giờ? - tôi hỏi Hardcastle.

- Đến Trung tâm Cavendish, - viên thanh tra nói với tài xế. - Phố Palace, phía bên phải.

- Vâng.

Xe lao đi. Những kẻ hiếu kỳ đã kéo đến trước cửa ngôi nhà xảy ra án mạng. Bên biệt thự Diana cạnh đó, chú mèo vẫn ngồi đưa chân lên xoa mặt, đuôi lắc lư nhè nhẹ, nhìn mọi người bằng cặp mặt khinh khỉnh.

- Đến Trung tâm Caverdish trước, rồi đến nhà bà giúp việc cho bà Pebmarsh. Thời gian có ít, ta đi từng nơi một theo thứ tự đó, - Thanh tra Hardcastle vừa nói vừa nhìn đồng hồ đeo tay. Đã hơn bốn giờ chiều rồi.

Sau một chút, anh ta nói:

- Cô bé đẹp đấy chứ?

- Rất đẹp, - tôi gật đầu.

Hardcastle nheo mắt nhìn tôi:

- Cô ta kể cho chúng ta nghe một câu chuyện quái đản. Sau đây ta sẽ kiểm tra xem cô em nói đúng hay bịa.

- Cậu cho rằng cô ta...

Hardcastle ngắt lời tôi:

- Những người phát hiện ra xác chết bao giờ cũng làm mình phải quan tâm đặc biệt.

- Nhưng lúc đó cô ta suýt ngất đi vì kinh hoàng kia mà? Cậu không nghe thấy tiếng rú của cô ta đấy...

Hardcastle lại nheo mắt chế giễu nhìn tôi, rồi nhắc lại rằng Sheila rất đẹp.

- Mà mình chưa biết cậu đến cái phố Wilbraham Crescent kia làm cái khỉ gì đấy, Colin ạ? Hay cậu định thưởng thức nghệ thuật kiến trúc thời Nữ hoàng Victoria? Cậu có mục đích gì cụ thể không đấy?

- Có, mình có một mục đích. Mình định tìm số nhà 61 nhưng không thấy. Hay không làm gì có số nhà ấy?

- Có chứ. Theo mình nhớ thì phố ấy có đến số nhà 88 kia.

- Hardcastle ạ, mình đi đến số nhà 19 thì cái cô Sheila kia lao ra, đâm bổ vào mình.

- Phố ấy, người lạ tìm nhà rất khó. Muốn khỏi lạc, cậu phải đi dọc theo đại lộ Albany, theo dãy bên phải, rồi lại quặt sang phải lần nữa, cậu sẽ đến phần bên kia của phố Wilbraham Crescent. Các ngôi nhà ở phố này xây không theo hàng, quay lưng lại với nhau, nên số nhà không nối tiếp nhau như kiểu bây giờ. Cậu hiểu chưa nào?

- Bây giờ thì hiểu. Cậu biết số nhà 61 là nhà ai không?

- 61 à? Khoan một chút. Chủ nhà tên là Bland, làm nghề thầu khoán.

- Thật à? - tôi kêu lên. - Vậy thì mình chẳng cần đến đó.

- Không phải cậu định tìm một tay thầu khoán chứ?

- Bland à? Mình chưa nghe thấy cái tên ấy bao giờ. Mà ông ta... ông ta ở đấy lâu chưa?

- Lão ta sinh trưởng ở thị trấn này. Làm nghề thầu khoán xây dựng từ lâu lắm rồi.

- Cái nghề ngán ngẩm, - tôi nói.

- Nhưng lão ta không phải loại thầu khoán khờ dại đâu, nói cho cậu biết, - Hardcastle nói với tôi giọng sôi nổi. - Lão chuyên mua vật liệu hạng bét, xây lên những ngôi nhà trông thì đẹp mã nhưng đổ lúc nào không biết. Lão giống như thằng cha biểu diễn môn thăng bằng trên dây ở rạp xiếc, bất cứ lúc nào cũng có thể ngã gãy cổ, nhưng lão rất biết cách thoát nạn.

- Mình đang cần thằng cha nào làm ăn đứng đắn, Hardcastle!

- Lão Bland này vừa được thừa kế một tài sản kếch xù, lão hay có lẽ vợ lão cũng nên. Bà ta là người Canada, gặp lão trong thời gian chiến tranh. Gia đình bà ta phản đối, thậm chí cắt đứt mọi quan hệ. Nhưng năm ngoái, ông ngoại bà ta đột nhiên nghĩ lại. Chẳng là họ hàng chết sạch trong chiến tranh, chỉ còn lại đứa cháu gái, thế là cho bà ta hưởng thừa kế toàn bộ tài sản. Khoản tiền đến đúng lúc, bởi theo mình biết thì lão Bland đang sắp phá sản.

- Cậu nắm tình hình lão Bland đó đầy đủ gớm nhỉ!

- Có gì đâu. Mấy tay thuế vụ bao giờ cũng quan tâm đặc biệt đến những ai giàu lên nhanh, nghi những người ấy liệu có làm ăn phi pháp gì không. Nhưng khi bị thuế vụ sờ đến, lão Bland này xuất trình đầy đủ các giấy tờ, và thế là yên.

Tôi nói:

- Mình thì không bao giờ quan tâm đến những kẻ đột nhiên giàu lên.

- Đến nơi rồi. - Hardcastle nói và thò hẳn đầu ra cửa sổ ô tô, ngó nhìn.

Nằm trên một phố vào loại buôn bán sầm uất nhất thị trấn, được gọi một cách huynh hoang là phố "Lâu đài", Trung tâm Caverdish, được đặt trong một tòa nhà kiểu thời Nữ hoàng Victoria, nay được tân trang lại.

Lên hết bốn bậc thang, Hardcastle và tôi đứng trước một cánh cửa lớn, trên đóng tấm biển nhỏ đề "Mời vào, không cần gõ cửa". Đẩy cửa bước vào, chúng tôi đến một gian phòng rộng có ba nữ nhân viên đang chăm chỉ gõ máy chữ. Hai cô không chú ý đến chúng tôi, vẫn điềm nhiên gõ máy. Nhưng cô nhân viên thứ ba, ngồi cạnh máy điện thoại, thì ngừng tay, ngước nhìn chúng tôi vẻ dò hỏi. Cô ta đồng thời cũng ngưng nhai kẹo, hỏi bằng giọng mũi:

- Hai ông cần gì ạ?

Hardcastle đáp:

- Chúng tôi cần gặp bà Martindale.

- Tôi e bà Giám đốc đang bận nói chuyện điện thoại.

Đúng lúc đó, một tiếng "tích". Cô nhân viên nhấc ống nghe, ấn vào một phím, nói:

- Thưa bà Giám đốc, có hai ông khách muốn gặp bà, - Cô ta ngước nhìn chúng tôi, hỏi. - Xin hai ông cho biết quý danh.

- Hardcastle!

- Ông Hardcastle, thưa bà Martindale! - rồi cô ta đặt máy xuống. - Mời hai ông vào lối này.

Cô ta dẫn tôi và Hardcastle vào phòng giấy của Giám đốc Trung tâm Caverdish.

Bà ta nhìn lần lượt từng chúng tôi, hỏi:

- Xin cho biết, ông nào là Hardcastle?

Hardcastle chìa ra một trong những tấm danh thiếp của anh ta. Còn tôi, ngồi tránh sang một bên, sát góc phòng.

Cặp lông mày mầu hung của bà Martindale nhíu lại, vừa ngạc nhiên, vừa khó chịu.

- Ông cần gì, thưa ông thanh tra?

- Vài thông tin nhỏ, thưa bà Martindale.

Nghe cách anh ta nói, tôi hiểu rằng Hardcastle đang dùng thủ pháp duyên dáng, nhã nhặn, kiểu tấn công tạt sườn khiến đối phương không đề phòng. Liệu bà Giám đốic Trung tâm này có nhận ra không? Tôi không tin là bà ta nhận ra. Tuy nhiên, Hardcastle bắt đầu hỏi:

- Theo tôi biết thì hình như bà có một cô gái làm công tên là Sheila Webb?

- Vâng, đúng thế. Đáng tiếc là lúc này cô ấy không có ở đây. Cô ấy có việc phải đến phục vụ tại nhà một khách hàng từ lúc trưa. Giờ này đúng ra cô ấy phải đã làm xong và về đây. Bởi cô ấy còn phải đến làm cho một khách hàng nữa tại khách sạn Curlew, vào 5 giờ chiều nay.

- Xin bà cho biết sơ qua về cô ấy.

- Quả thật tôi cũng chỉ biết những nét lớn. Cô Sheila làm ở đây đã được... - bà suy nghĩ. - chừng một năm. Cô ấy làm việc tốt, và tôi hài lòng về cô ấy.

- Bà biết, trước khi đến làm ở đây, cô ấy làm ở đâu không?

- Nếu ông thanh tra muốn biết đầy đủ về lý lịch Sheila, tôi có thể đưa ông bản tự khai của cô ấy trong hồ sơ nhân sự. Theo tôi nhớ thì Sheila đã làm cho một văn phòng ở thủ đô London, và nơi đó có những nhận xét rất tốt về cô ấy. Nếu tôi không lầm thì đó là một văn phòng bất động sản.

- Bà nhận thấy cô ấy rất có năng lực?

- Đúng thế, - bà Martindale nói, tuy trông bà ta không có vẻ loại người thích khen ai. - Cô ấy đánh máy chữ nhanh với một tốc độ khó hình dung nổi, và còn tỏ ra là người có trình độ kiến thức rộng. Sheila là một thư ký đánh máy có trình độ cao và rất tận tụy với công việc.

- Ngoài giờ làm việc, bà có tiếp xúc với cô ấy trong cuộc sống thường ngày không?

- Không, thưa ông. Hình như Sheila sống với bà dì... - bà Martindale tỏ vẻ sốt ruột. - Thưa ông thanh tra, ông có thể cho tôi biết mục đích ông hỏi tôi những câu vừa rồi không? Cô nhân viên của tôi có làm điều gì vi phạm luật pháp không?

- Không đâu, thưa bà Martindale, không hẳn là như thế đâu. Bà có biết một bà tên là Pebmarsh không?

- Pebmarsh à? - bà Giám đốc nhăn trán cố nghĩ.

- Có đấy. Vị khách Sheila đến làm lúc ba giờ trưa nay chính là bà Pebmarsh.

- Thưa bà Giám đốic, bà khách đó đã yêu cầu trung tâm bằng cách nào?

- Bà Pebmarsh gọi điện thoại đến đây. Bà ấy nói cần một thư ký đánh máy, và yêu cầu tôi cử cô Sheila đến giúp bà ấy.

- Bà Pebmarsh nêu đích danh cô Sheila?

- Vâng, đúng thế.

- Bà Pebmarsh gọi điện đến cho bà lúc mấy giờ?

Bà Martindale cố nhớ lại, đáp:

- Lúc đó tôi không ngồi ỏ phòng giấy. Tôi đang ăn trưa. Vậy thì có thể là lúc một giờ năm mươi. Đúng đấy, một giờ năm mươi. Tôi không dám quả quyết, nhưng tôi nhớ chắc chắn rằng chưa đến hai giờ. Đây, tôi có ghi trong sổ: thật chính xác thì là 13 giờ 49 phút.

- Bà Pebmarsh trực tiếp nói với bà chứ?

- Vâng, - bà Giám đốc trung tâm hơi ngạc nhiên.

- Vậy khi nghe, bà có nhận ra dễ dàng giọng nói của bà khách ấy không? Bà có quen bà Pebmarsh chứ?

- Không, bởi bà khách chỉ nói mấy câu, xưng tên là Pebmarsh, cho biết số nhà, rồi yêu cầu tôi cử cô Sheila Webb đến vào ba giờ chiều, nếu cô ấy rảnh thời gian đó.

Tôi thầm nghĩ, vậy là sự việc đã rõ ràng, và bà Martindale này có thể làm một nhân chứng tuyệt vời.

Bà Martindale hơi có vẻ khó chịu một chút hỏi.

- Tôi rất muốn biết tất cả những chuyện đó có nghĩa là sao vậy?

- Chẳng là bà Pebmarsh nói với chúng tôi rằng bà ấy không hề gọi điện đến Trung tâm Caverdish.

Bà Martindale sửng sốt:

- Sao lại có thể như thế được?

- Trái lại, bà thì lại bảo người ta có gọi đến, nhưng bà không dám cả quyết người gọi chính là bà Pebmarsh.

- Đúng thế, bởi tôi có quen bà Pebmarsh ấy đâu? Nhưng tôi chưa hiểu, nếu không phải bà Pebmarsh, thì người xưng tên Pebmarsh là ai, và tại sao bà ta phải làm cái trò ấy? Định trêu tôi chắc?

- Tôi e không phải chuyện đùa giỡn, - Hardcastle nói. - Bà Pebmarsh, hoặc ai khác đó, có nói tại sao bà ta cần đích danh cô Sheila không?

- Hình như cô Sheila đã có lần làm việc với bà ấy.

- Có đúng như vậy không?

- Cô Sheila thì không nhớ, nhưng theo tôi chuyện ấy không quan trọng, thưa ông thanh tra. Các cô nhân viên này làm việc cho rất nhiều khách hàng, đến rất nhiều nơi, làm sao nhớ hết được? Nhưng thưa ông thanh tra, giả sử như đây chỉ là câu chuyện đùa giỡn, thì tại sao ông phải cất công đến đây hỏi tôi?

- Bây giờ tôi xin nói rõ. Lúc cô Sheila đến số nhà 19 phố Crescent, cô ấy đã tự tiện vào nhà rồi sang phòng khách, theo đúng lời bà căn dặn, đấy là cô ấy nói với tôi. Bà công nhận có dặn cô ấy làm như thế chứ?

- Tôi hoàn toàn công nhận là có dặn cô ấy như thế. Bà Pebmarsh báo trước rằng lúc cô Sheila đến, rất có thể bà ấy ra ngoài một lát, nhưng bà ấy không khóa cửa để cô Sheila có thể vào nhà, ngồi đợi bà ấy trong nhà.

- Tại phòng khách, - Hardcastle nói chen vào, cô Sheila đã nhìn thấy một ngưòi đàn ông nằm chết trên sàn.

Bà Martindale lộ vẻ kinh hoàng. Lát sau bà mới thốt lên được:

- Ông nói sao, thưa ông thanh tra? Một ngưòi chết?

- Đúng ra là bị giết, - Hardcastle chữa. - Bị đâm bằng dao.

- Ôi, lạy Chúa! Tội nghiệp cô bé!

- Bà có biết người nào tên là Curry không, thưa bà Martindale? H.R.Curry.

- Không. Tôi không nghe thấy cái tên ấy bao giờ.

Lại một lời phủ định nữa của bà Martindale, và trên nét mặt bà ta không biểu lộ điều gì hết.

Hardcastle thở dài, đứng dậy cáo từ.

- Bà có một doanh nghiệp nhỏ rất dễ thương. Bà mở trung tâm này lâu chưa?

- Đã được mười lăm năm rồi. Doanh thu rất khá. Vốn bỏ ra ban đầu không đáng là bao, vậy mà hiện giờ tôi đã có tám cô nhân viên, và công việc thì không lúc nào thiếu.

- Hình như Trung tâm của bà chuyên phục vụ giới nhà văn? -Hardcastle nói, nhìn những tấm ảnh chụp treo trên tường.

- Vâng. Chẳng là trước khi mở Trung tâm này, tôi làm thư ký cho nhà văn nổi tiếng, chuyên viết truyện hình sự, ông Garry Gregson. Thú thật là chính nhờ một khoản tiền của ông Gregson, mà tôi có thể mở được Trung tâm này. Rất nhiều bạn đồng nghiệp của ông ấy đã giúp đỡ tôi. Nhờ có đôi chút kiến thức về kỹ thuật viết văn nên tôi phục vụ được các nhà văn ấy rất chu đáo. Tôi còn cung cấp cho các nhà văn đó rất nhiều thông tin họ cần thiết: các ngày tháng, các trích dẫn, các quy định về thủ tục tố tụng, các thứ thuốc độc, rồi cả những chi tiết về địa lý, thí dụ tên các khách sạn, nhà hàng, tên các phố ở nước ngoài. Bởi độc giả ngày hôm nay không rụt rè như xưa kia, bây giờ thấy tác giả có sai sót là họ kêu ca ầm lên ngay.

Lúc Hardcastle đi ra cửa, tôi mở cánh cửa cho anh ta. Ba cô nhân viên đã đang chuẩn bị đi về. Trong phòng tiếp khách, cô Edna đứng buồn bã, tay vung vẩy chiếc gót giầy bị gãy rời ra, tay kia cầm chiếc giầy không gót. Cô ta than vãn. "Giầy mới mua được một tháng. Mà khá đắt kia chứ. Chỉ tại cái nắp cống khốn kiếp cửa hiệu bánh góc phố. Từ lúc ấy, tôi không đi được nữa. Tôi phải tháo giầy ra đi chân không, ôm gói bánh sừng bò về đây. Bây giờ làm sao mà ra được đến bên xe buýt đây?..."

Đúng lúc đó, cô ta nhìn thấy hai chúng tôi. Cô vội giấu chiếc giầy khôn khổ rồi đưa mắt liếc nhìn bà Giám đốc Martindale.

- Cảm ơn bà, thưa bà Martindale, Hardcastle nói. - Nếu bà nảy thêm ra ý gì nữa...

- Tất nhiên rồi, - bà Martindale vội vã nói.

Lúc lên xe ô tô, tôi bảo Hardcastle:

- Vậy là bao nghi ngờ của cậu là cô Sheila nói dối đã tan biến hết rồi chứ gì?

- Đồng ý, đồng ý, - Hardcastle nói. - Cậu nói đúng.

Chương năm

M- ẹ ơi! - Cậu bé Ernie hét lên, ngưng lại trò chơi với chiếc đồ chơi bằng kim loại, tạo nên những tiếng rú như tên lửa đang bay về phía Sao Kim. - Mẹ kìa! Có chuyện gì ấy!

Bà Curtin không đáp, vẻ mặt vẫn nghiêm nghị như mọi khi, tiếp tục rửa bát đĩa.

- Mẹ! Xe cảnh sát đỗ ngay trước cửa nhà mình kìa!

- Làm gì mà kêu ầm lên thế! - bà vẫn tiếp tục rửa và xếp những chiếc đĩa lên trạn. - Để yên mẹ làm việc.

- Con không nói dối đâu, - cậu bé phụng phịu. - Xe cảnh sát thật mà! Có cả hai chú cảnh sát bước trong xe ra.

Bà Curtin quay phắt lại phía cậu con trai:

- Nhà mình có làm gì đâu mà cảnh sát đến?

- Đúng thế, - cậu bé Ernie nói. - Con không làm gì cả.

- Chắc họ sang bên nhà ông Alf đấy, - bà Curtin nói. - Nhà ấy lúc nào cũng tụ tập toàn bọn mặt mũi gớm ghiếc. Mẹ đã bảo, mà bố con cũng bảo, chúng toàn là bọn tội phạm. Rồi thế nào cũng đến lúc. Chẳng sai chút nào.

- Hai chú cảnh sát ấy đến cửa nhà mình, - cậu bé báo tin.

Bà Curtin ra chỗ cửa nhìn ra, bên cạnh cậu con trai. "Mà đúng thế thật" - bà lẩm bẩm.

Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa. Sau khi lau tay thật kỹ vào tấm khăn, bà Curtin ra mở cửa. Vẻ mặt khó chịu bà chăm chú nhìn hai ngưòi đàn ông đang bước vào.

- Bà là bà Curtin? - người cao lớn hỏi.

- Vâng, chính tôi, - bà Curtin đáp.

- Tôi là thanh tra cảnh sát Hardcastle. Tôi muốn gặp bà một chút, được không?

Vẫn vẻ mặt cau có, bà Curtin tránh sang một bên nhường chỗ cho hai vị khách vào một căn phòng hẹp nhưng sạch sẽ ngăn nắp, gợi người ta đoán thấy là rất ít khi có khách vào đây.

- Đây là con trai bà? - viên thanh tra nhã nhặn hỏi.

- Vâng, - Bà Curtin đáp, rồi với giọng đáo để nói thêm. - Trông nó thế, nhưng ngoan lắm đấy.

- Tôi cũng tin là như thế, - Thanh tra Hardcastle cười, nói.

Dần dần bà Curtin đã bớt vẻ nghi ngại.

- Tôi muốn hỏi bà vài câu về số nhà 19 phố Wilbraham Crescent. Bà giúp việc nhà ấy phải không?

- Đúng thế, - Vẻ nghi ngại lại hiện lên trên mặt bà làm công.

- Bà giúp việc cho bà Pebmarsh?

- Phải. Tôi làm thuê cho bà ấy. Một bà chủ rất hiền.

- Bà ấy lòa, - Hardcastle nói.

- Đúng thế. Tội nghiệp bà chủ. Nhưng bà ấy đi lại trong nhà chẳng ra người hỏng mắt chút nào. Thật kỳ lạ. Rồi ra ngoài đường nữa chứ, sang đường không cần ai dắt.

- Bà đến đó làm các buổi sáng phải không?

- Đúng thế. Tôi đến đấy vào mười giờ kém mười lăm, về lúc mười hai giờ.

Rồi vẫn giọng cấm cẩu ấy bà nói thêm:

- Bà ấy mất trộm gì phải không?

- Trái lại thì có, - Viên thanh tra nghĩ đến những chiếc đồng hồ.

- Vậy thì bà ấy có chuyện gì?

- Trưa nay, người ta thấy có một người chết, trong phòng khách nhà bà Pebmarsh.

Bà Curtin há hốc miệng. Cậu bé Ernie thì lộ vẻ khoái trá. Cậu há miệng định reo lên một tiếng gì đó thích thú, nhưng vội ngậm miệng lại ngay, không dám. Mẹ cậu vừa bảo cậu ngoan kia mà! Mà ngoan nghĩa là không bắt ai phải chú ý đến mình.

- Một người chết? - bà Curtin nói, vẫn chưa tin.

- Đúng thế. Ông ta bị kẻ nào đó đâm.

- Vậy theo ông thì là án mạng?

- Đúng, một vụ án mạng.

- Thủ phạm là kẻ nào?

- Đáng tiếc là hiện chúng tôi chưa biết. Chúng tôi hy vọng bà có thể giúp được chúng tôi tìm ra hung thủ.

- Làm sao tôi biết được? - Bà Curtin sẵng giọng đáp.

- Nhưng có một vài điều làm chúng tôi chú ý. Thí dụ sáng nay lúc bà ở đấy, bà có thấy ai bấm chuông gọi cửa không?

- Theo tôi nhớ thì không. Hôm nay không có ai bấm chuông gọi cửa. Người chết trông giống như thế nào?

- Một người đàn ông chừng sáu mươi tuổi, mặc bộ âu phục sang trọng, màu thẫm. Trông ông ta giống như loại nhân viên hãng bảo hiểm.

- Thế thì nếu có bấm chuông tôi cũng không cho vào, - bà Curtin nói. - Tôi không dính dáng gì đến bảo hiểm, bảo vật, bảo bối gì hết. Bà chủ Pebmarsh tôi cũng vậy, chẳng bao giờ tiếp những loại người như thế.

- Theo tấm danh thiếp trong ví, thì ông ta tên là Curry. Bà đã bao giờ nghe thấy cái tên ấy chưa?

- Curry à? Curry... - Bà Curtin lắc đầu. - Mà ai nhìn thấy ông ta? Bà Pebmarsh hay sao?

- Không, một cô thư ký đánh máy trẻ tuổi. Do một sự hiểu lầm nào đó, cô ấy tưởng bà Pebmarsh cần đến cô ấy đánh máy cho. Chính cô ấy đã phát hiện ra xác chết. Liền sau đó, bà Pebmarsh về.

- Đúng là câu chuyện khủng khiếp! - Bà Curtin thở dài. - Khủng khiếp!

- Có khi chúng tôi sẽ phải mời bà đến xem xác chết, - viên thanh tra nói, - để bà cho biết ông ta đã có lần nào đến phố Wilbraham Crescent chưa. Bà Pebmarsh thì bảo là chưa. Còn một việc nữa, là bà nhớ lại giúp, trong phòng khách của bà Pebmarsh có mấy chiếc đồng hồ?

Không ngập ngừng, bà Curtin nói ngay:

- Hai chiếc. Một chiếc lớn treo trong góc phòng, và một chiếc nhỏ treo gần cửa, cứ đến giờ có một con chim thò cổ ra hót. Có lần nó làm tôi giật bắn mình đấy. Nhưng tôi không hề đụng đến những chiếc đồng hồ ấy, - bà ta vội nói. - không bao giờ tôi đụng đến chúng. Bà chủ tự lên dây cót lấy.

- Mấy chiếc đồng hồ nguyên vẹn, không bị sao. Nhưng bà tin chắc là trong phòng khách không có thêm chiếc đồng hồ nào nữa chứ, lúc sáng nay ấy?

- Tất nhiên rồi. Vậy ông bảo lại còn có thêm chiếc đồng hồ nào nữa chăng? Nghe ông hỏi mà buồn cười.

- Thí dụ, một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bằng sứ chẳng hạn? Hoặc một chiếc đồng hồ nhỏ góc bọc da, có nạm vàng chữ "Rosemary"?

- Không! Mà đồng hồ sao lại bằng sứ? Lại còn bọc da nữa?

- Nghĩa là nếu có, hẳn bà đã nhìn thấy, đúng vậy không?

- Tất nhiên là tôi phải nhìn thấy.

- Bà có thể cho chúng tôi biết, lúc bà ra khỏi nhà, chính xác là mấy giờ?

- Mười hai giờ mười lăm phút, nếu có sai thì chỉ sai một phút là cùng, - bà Curtin đáp.

- Lúc ấy, bà Pebmarsh đã về chưa?

- Chưa. Thông thường và chủ đi làm về trong khoảng giữa mười hai giờ và mười hai rưỡi, tùy hôm.

- Bà Pebmarsh đi làm lúc mấy giờ?

- Lúc tôi đến thì bà chủ đi rồi. Mà tôi đến lúc mười giờ.

- Cảm ơn bà, thưa bà Curtin.

- Lạ thật! Sao lại có những cái đồng hồ kia nhỉ? Hay bà chủ mới mua của ai?

- Bà Pebmarsh có hay mua các thứ bầy biện ấy không?

- Cách đây bốn tháng bà chủ có mua một tấm thảm trải chân giường bằng da dê. Không đắt và vẫn còn mới. Rồi một bộ rèm cửa bằng nhung nữa. Dài quá, bà chủ phải cắt ngắn đấy.

- Nhưng nói chung, bà Pebmarsh có hay mua các thứ đồ chơi không? Bức họa, đồ mỹ nghệ bằng men sứ chẳng hạn?

- Theo tôi biết thì không, - bà Curtin đáp. - Nhưng chuyện đó khó có thể biết lắm, bởi chẳng hạn bỗng có người bán rẻ thứ gì đó và ta thấy tiếc, mua về rồi mới ân hận. Tôi cũng có lần dại dột như thế. Một lần tôi vác sáu lọ mứt về, đến nhà nghĩ ra mới thấy mình ngu, thứ mứt này làm lấy vừa ngon vừa rẻ hơn nhiều. Có lần thấy bộ đĩa hay hay, mua về rồi cũng lại ân hận.

Thấy không thể khai thác gì hơn, viên thanh tra chào rồi ra.

- Một vụ án mạng! - Cậu bé Ernie reo lên thích thú. Cậu bé đã chăm chú nghe toàn bộ câu chuyện giữa bà mẹ với hai chú cảnh sát. - Có khi là bà Pebmarsh giết đấy? - Cậu háo hức hỏi mẹ.

- Nói bậy! - bà mẹ mắng. Rồi bỗng như sực nghĩ ra. - Lẽ ra mình phải kể cho ông cảnh sát cái chuyện hôm ấy...

- Chuyện gì, mẹ?

- Không phải việc của mày, - bà Curtin mắng con. - Chuyện vặt thôi.

Chương sáu

LỜI KỂ CỬA COLIN

Hôm ấy tôi và Hardcastle ngồi ăn món thịt bò rán tái, uống với bia, anh ta thở một hơi dài khoan khoái, nói rằng anh ta thấy trong người hết sức dễ chịu.

- Quẳng những lão nhân viên bảo hiểm đi, những chiếc đồng hồ treo tương quái quỷ, và cả mấy cô gái nửa điên nửa khùng ấy đi! Colin này, mình cứ nghĩ cậu làm nghề sinh học biển, lẽ ra lúc này cậu được lang thang trên những bờ biển xa lắc, vậy mà bây giờ cậu chúi mũi ở cái thị trấn Crowdean bụi bậm này. Theo mình hiểu thì nơi này chẳng có gì hay ho cho một nhà nghiên cứu sinh học biển như cậu.

- Thôi đi, anh bạn! Cậu đừng trêu chọc mình nữa. Sinh học biển là một nghề hết sức có ích. Làm cái nghề ấy không bao giờ phải tìm lời giải đáp cho những kẻ lắm chuyện. Cậu hiểu chưa?

- Vậy tại sao cậu lại dính vào những chuyện này?

Tôi bực mình đáp:

- Cậu quên rằng mình đã giật được tấm bằng của trường Đại học Cambridge, tuy không phải hạng ưu, nhưng cũng vấn là một tấm bằng tốt nghiệp. Môn sinh học biển. Cậu yên tâm, nhất định sẽ có ngày mình quay lại cái nghề ấy.

- Mình tin chứ. Có điều hiện giờ cậu lại bỏ rơi nó. Mình có theo dõi công việc của cậu đấy chứ. Xin tỏ lời khen cậu về vụ thằng cha Larkin. Hình như tháng tới sẽ xử phải không nhỉ?

- Đúng thế.

- Phải công nhận thằng cha ranh ma. Cái cách hắn chuyển tài liệu thật tài tình. Bao nhiêu lâu mà không bị phát hiện. Không một lần nào, đúng thế không nhỉ?

- Đúng thế, Một lần người ta tóm một thằng, nhưng lại tóm sai. Cuối cùng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm chính thức.

- Phải công nhận hắn rất ranh ma, ranh ma đến mức quái đản. - Hardcastle nói.

- Không đến nỗi như thế đâu. Chỉ đơn giản là hắn thi hành mệnh lệnh của người khác. Hắn có điều kiện được tự do tiếp cận với những tài liệu tối mật, thế là hắn lén lút đem ra ngoài, thuê người chụp lại, rồi đem bản gốc đặt vào chỗ cũ. Hắn làm rất khéo. Mỗi hôm hắn đi ăn trưa ở một nhà hàng khác nhau. Lúc gửi áo ngoài, hắn treo bên cạnh một cái áo giống hệt như áo hắn, nhưng của người khác. Lúc ăn xong, đi ra, hắn chỉ cần lấy chiếc áo bên cạnh, để áo của hắn cho tên đồng bọn mặc. Hai đứa không cần nói với nhau một câu, vậy mà chuyển xong được tài liệu cho nhau. Cách chuyển tài liệu đó nghe tưởng đơn giản, nhưng phải chính xác đến từng giây đồng hồ. Muốn dùng cái trò đó phải có một khối óc cực kỳ thông minh. Mình đang tìm hiểu mạng lưới tổ chức của bọn chúng.

- Hẳn nào mình thấy cậu vẫn lang thang ngoài cảng Portlebury.

- Đúng thế. Cậu thừa biết tại khu vực này có hai điểm mấu chốt: Cảng Portlebury và thủ đô London. Bọn mình đã biết nơi thằng cha Larkin nhận tiền thù lao rồi. Đó là một vị trí nằm giữa hai điểm ấy. Nhưng hiện nay vẫn còn một đầu mối bọn mình chưa tìm ra. Mà đây mới là khâu chính yếu. Mọi mệnh lệnh là từ khâu đó phát ra. Nói cách khác, còn một điểm X, mọi mưu mô đánh lạc hướng đều từ đó mà ra. Không phải chỉ một lần, mà chúng sử dụng ít ra cũng bảy tám lần rồi.

- Nhưng tại sao thằng cha Larkin nhận làm cái trò ấy? - Hardcastle tò mò hỏi. - Hắn có lý tưởng nào không? Hay hắn thích mạo hiểm? Hay vì tiền?

- Thằng cha ấy làm gì có lý tưởng, - tôi đáp. - Hắn chỉ vì tiền, có vậy thôi.

- Thế thì tại sao các cậu không phát hiện ra được nó sớm hơn? Có tiền, tất hắn phải tiêu sài chứ? Hay hắn kiếm tiền để dành?

- Không đâu. Hắn tiêu như phá. Vì thế bọn mình đã chú ý đến hắn từ lâu rồi, nhưng vẫn tiếp tục theo dõi, không để hắn biết.

Hardcastle gật đầu:

- Mình hiểu. Cậu tìm ra được hắn, nhưng vẫn để hắn tiếp tục một thời gian, đúng thế không?

- Đúng một phần. Hắn đã chuyển được một số tài liệu tối mật, nhưng từ khi mình khám phá ra, bọn mình vẫn để hắn tiếp tục, hắn đinh ninh những tài liệu sau này là quý, thật ra chỉ là tài liệu vớ vẩn. Bên chỗ mình rất hay dùng phương pháp đó: để cho thủ phạm yên tâm là chưa bị phát hiện... tiếp tục hoạt động. Khi đó ta mới theo dõi, tìm ra mạng lưới tổ chức của chúng.

Hardcastle trầm ngâm nói:

- Loại công việc như của cậu, mình không thú tí nào, Colin!

- Tất nhiên là không hấp dẫn như nhiều người tưởng, - tôi nói. - Thậm chí nhiều lúc rất đơn điệu ấy chứ.

Hardcastle chăm chú nhìn tôi.

- Cậu lảng vảng ỏ Cảng Portlebury thì mình hiểu được. Nhưng tại sao cậu lại lảng vảng ở đây, tại cái thị trấn Crowdean này? Cách xa đó đến chục dặm ấy chứ.

- Để tìm những cái lưỡi liềm.

- Lưỡi liềm?

- Đúng thế. Nói chính xác hơn, thì là những vầng trăng lưỡi liềm. Thoạt đầu mình tìm ở cảng Portlebury. Tại đấy có một nhà hàng tên là Trăng Lưỡi Liềm! Mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức, vậy mà công cốc. Rồi mình mò đến các nhà hàng, quán rượu nào có tên dính đến trăng lưõi liềm, thí dụ các nhà hàng Trăng và Sao, Trăng tròn, v.v. vẫn chẳng thấy gì. Mất bao nhiêu công, bởi ngoài Cảng rất nhiều nơi có tên dính líu đến mặt trăng.

Thấy bộ mặt ngơ ngác của Hardcastle, tôi phá lên cười. Anh ta chưa hiểu tại sao tôi lại nói đến" Lưỡi Liềm", đến "Mặt Trăng" ở đây.

Tôi bèn mở cặp, lấy ra một tờ giấy viết thư có tiêu đề của một khách sạn, chìa cho anh ta xem. Trên tờ giấy vẽ một hình rất to như sau:

Khách sạn

BARRINGTON

LONDON - Quận Tây

- Mình thấy mảnh giấy này trong chiếc cặp của Hangury, một cậu trinh sát loại cực kỳ thông minh và năng nổ. Cậu ta bị một xe ô tô húc, nhưng không kịp nhìn rõ biển số của nó. Thú thật, hình vẽ kia làm mình rất băn khoăn, không hiểu thế nghĩa là sao. Hình này do cậu Hangury vẽ ra hay chép lại được ở đâu, và có nghĩa gì? Rõ ràng là một chi tiết cậu ta nghe được hay nhìn thấy. Dù sao thì mình cũng lò mò nhận ra: đó là hình một mặt trăng lưỡi liềm với chữ "W" và một con số "61". Bây giờ cậu ta đã chết, mình thay chân cậu ta, đảm nhiệm một khu phố của cảng Portleburyế

"Tuy chưa biết phải tìm ở đâu, nhưng mình cứ dò dẫm. Tại đây chỉ có một Trăng Lưỡi Liềm, đó là phố Crescent, cũng tức là phốTrăng Lưỡi Liềm. Phố này lại là Wilbraham Crescent, rất ứng với chữ "W" và hình mặt trăng lưỡi liềm. Còn "61" mình đoán là số nhà. Nhưng cậu thấy đấy, trưa nay mình đi tìm số nhà 61, nhưng chưa thấy, đã bị cô gái xinh đẹp kia đâm bổ vào, và phải gọi điện cho cậu.

- Mình đã nói với cậu rồi, số nhà 61 là nhà của một tay thầu khoán xây dựng.

- Mình chẳng quan tâm đến giới thầu khoán. Nhưng lão có cô giúp việc người nước ngoài nào không?

- Rất có thể có. Thời nay, thuê ngưòi giúp việc nước ngoài là chuyện bình thường. Dù sao, chắc cô ta phải đăng ký chỗ mình. Để sáng mai mình xem lại sổ đăng ký cư trú rồi báo cho cậu.

- Tốt quá.

- Mặt khác, theo đúng trình tự làm việc, bọn mình sẽ phải thẩm vấn tất cả những ngưòi cư trú trong các nhà bên cạnh nhà Số 19. Mình sẽ phải thẩm vấn những người trong ngôi nhà liền phía sau nhà 19, mà hình như đấy lại đúng là nhà số 61 cậu đang cần tìm. Nếu thích, cậu có thể đi cùng với mình.

Tất nhiên là tôi thích rồi. Hai chúng tôi hẹn gặp nhau vào chín giờ sáng mai, tại đồn cảnh sát.

Đúng giờ, tôi đến, thấy anh bạn Hardcastle đang giận dữ quát tháo với một nhân viên dưới quyền. Sau khi anh ta tống cổ cậu kia ra rồi, tôi bèn dè dặt hỏi xem đã có chuyện gì vậy.

Lúc đầu Hardcastle im lặng, rồi như không ghìm được nữa, hét lên:

- Mấy cái đồng hồ khôn kiếp!

- Lại vẫn chuyện đồng hồ? Nhưng chúng làm sao?

- Mất một chiếc.

- Chiếc nào?

- Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bọc da, có chữ "Rosemary".

- Lạ đấy! Nhưng đầu đuôi thế nào?

- Bọn ngu xuẩn! Mà cả mình cũng ngu nữa! - Hardcastle nói thêm một cách khách quan. Lẽ ra mình phải kiểm tra kỹ lưỡng. Hôm qua, bốn chiếc đồng hồ ấy vẫn trong phòng khách. Thậm chí mình đã yêu cầu bà Pebmarsh kiểm tra kỹ càng từng chiếc. Sau đấy, xe đến lấy thi thể nạn nhân đi.

- Sau đó?

- Sau đó, mình bảo cậu Edward đóng gói cẩn thận, rồi cho đưa về đây. Tất cả bốn chiếc, chỉ chừa ra hai chiếc của bà chủ là chiếc to tướng treo trên tưòng ở góc phòng và chiếc có con chim họa mi treo ngoài gần cửa. Thằng cha Edward cam đoan với mình là mệnh lệnh đã được thi hành chu đáo. Vậy mà bây giờ kiểm tra lại, chỉ thấy có ba chiếc.

- Mình e hôm qua họ làm vội vã quá, - tôi nói. - Rất có thể...

- Là bà Pebmarsh đã kịp làm cái trò giấu biến vào bếp chiếc đồng hồ kia chứ gì, lúc mình chạy ra ngoài.

- Có thể. Nhưng bà ta giấu để làm gì?

- Hiện chúng ta chưa thể biết. Nhưng cậu xem, ngoài bà ta, còn ai có thể đã giấu biến chiếc đồng hồ đó đi?... Hay cô thư ký đánh máy kia?

- Mình không nghĩ là cô ấy, - sau một chút suy nghĩ, tôi nói.

Rồi đột nhiên tôi sực nghĩ ra một điều, vội im bặt.

- Vậy thì đúng là cô ta, - Hardcastle nói. - Cậu nói tiếp đi. Nếu cô ta lấy thì lấy vào lúc nào?

- Lúc chúng ta ra xe cảnh sát, - tôi rầu rĩ nói. - Cô ấy bảo quên găng tay, bèn chạy vào nhà lấy. Cậu nhớ không? Mình bảo để mình vào lấy cho, cô ta không chịu, tự vào, lấy cớ cô ta biết đôi găng tay ấy để ở chỗ nào. Cô ta chỉ vào có một giây đồng hồ,

Tôi đưa ra nhận xét.

- Lúc cô ta ra, cậu có nhìn thấy đôi găng tay không? - Hardcastle hỏi.

- Có... hình như thế, - tôi đáp ngập ngừng.

- Cậu không nhìn thấy cô ta cầm găng tay đâu.

- Hardcastle nói giọng khẳng định. - Bởi chính cậu trả lời cũng không quả quyết kia mà.

- Thế lỡ cô ấy nhét găng tay vào xắc thì sao? - tôi cãi.

- Thôi đi! - Hardcastle cau mặt nói. - Vậy là cậu mê cô ta rồi, cho nên cố cãi cho cô ta.

- Đừng nói bậy! - tôi nói. - Mình mới gặp cô ta ngày hôm qua, đã mê thế nào được?

- Được quá đi ấy chứ! Đâu phải chuyện giống như mọi ngày, khi một cô gái xinh đẹp đâm bổ vào một gã trai trẻ rồi kêu ầm lên, cứu em với. Chỉ cần như thế là cậu trai kia bỗng thấy mình là một người hùng, giơ bàn tay hào hiệp ra che chở một cô gái yếu đuối. Nhưng mình khuyên cậu đừng dính với cô ta. Biết đâu, lỡ cô ta là hung thủ trong vụ án mạng này thì sao?

- Cậu cho là cô gái đó đã đâm dao vào người đàn ông kia? Cô ta giấu con dao kín đến nỗi ngần ấy trinh sát tài ba của cậu không tìm ra được? -Rồi cô ta đóng màn kịch lao ra đường, đâm bổ vào mình chăng?

- Cậu không biết, loại nghề nghiệp của mình đòi hỏi mình phải đa nghi đến mức nào đâu. - Hardcastle rầu rĩ nói.

Tôi nổi cáu:

- Vậy cậu không biết mình làm nghề gì hay sao? Mình suốt ngày lăn lộn giữa những tên gián điệp lão luyện, trong đó không thiếu gì những nữ điệp viên đẹp như mộng! Những đứa con gái lịch duyệt, khôn ngoan đến mức không từ một thủ đoạn nào. Chúng đóng mọi màn kịch với trình độ của các nghệ sĩ trứ danh! Hardcastle, cậu hãy tin rằng mình đã được tiêm vắc xin phòng chông mọi thứ phụ nữ trên đời, bất kể xinh đẹp, kiều diễm đến đâu.

- Vấn đề chưa phải chuyện đẹp hay xấu, mà là có hợp gu hay không. Theo mình nhận xét thì cô Sheila Webb này đúng gu của cậu đấy, Colin ạ.

- Mình chưa hiểu tại sao cậu cứ cố ghép cô ta vào với mình đấy!

- Không phải mình cố ghép. - Hardcastle buồn bã nói. - Nhưng mình đang cần tìm một điểm để xuất phát. Này nhé! Xác chết được tìm thấy trong nhà bà Pebmarsh, vậy bà ta là đối tượng nghi vấn số Một. Ai là ngưòi phát hiện đầu tiên? Sheila Webb, vậy cô ta là đốì tượng nghi vấn số Hai. Hẳn không cần nhắc với cậu là không thiếu gì trường hợp người đầu tiên phát hiện xác chết lại chính là kẻ nhìn thấy nạn nhân lần cuối cùng trong khi y còn sống. Trong khi chưa thấy có kẻ khả nghi nào khác, ta hãy tập trung vào hai đối tượng này đã.

- Lúc mình bước vào phòng, nạn nhân đã chết ít ra cũng nửa giờ đồng hồ rồi. Cậu trả lời ra sao về chi tiết đó?

- Xin trả lời ngay. Sheila Webb vắng mặt ở Trung tâm, lấy cớ đi ăn trưa, từ 13 giờ rưỡi đến 14 giờ rưỡi. Trong thời gian đó cô ta có ăn trưa thật không, hay làm gì khác?

Tôi giận dữ nhìn Hardcastle:

- Thế còn Curry? Cậu đã biết được những gì về lão ta nào?

Hardcastle mệt mỏi đáp:

- Chưa biết được gì hết.

- Cậu nói thế nghĩa là sao?

- Mình chưa biết được gì về lão, có nghĩa tạm thời đối với mình lão không tồn tại.

- Thế cậu nghĩ gì về Công ty Bảo hiểm Metropolis?

- Không nghĩ gì hết vì không hề có cái Công ty Bảo hiểm nào tên như thế. Về lão Curry trú tại phố Denver, thì không làm gì có ai ở phố ấy tên là Curry, và thậm chí không có phố nào tên là Denver, và tất nhiên không thể có số nhà 7 nào hết.

- Hay đấy. Vậy cậu cho rằng tấm danh thiếp ấy là giả?

- Vậy theo cậu thì mưu mẹo ấy để làm gì?

Hardcastle nhún vai:

- Đến lúc này, chúng ta vẫn còn lạc trong một loạt giả thuyết. Rất có thể lão ta giả danh nhân viên Công ty Bảo hiểm để nhận tiền mua bảo hiểm của mọi người rồi đút túi. Tấm danh thiếp đó giúp lão vào được mọi nhà và được người ta tin, đưa tiền cho. Đây là một kiểu lừa đảo đặc trưng của Hoa Kỳ. Rất có thể lão ta là một tên lừa đảo, một gã tống tiền, một thám tử của hãng thám tử tư nào đó. Thậm chí lão chỉ là một thằng cha chơi đồ mỹ nghệ, đến đây để lấy cắp đồ mỹ nghệ của bà giáo già Pebmarsh. Hiện chúng ta chưa biết được tí gì hết.

- Nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ biết chứ?

- Tất nhiên rồi, nhất định rồi sẽ biết. Bọn mình đang cho soát lại các dấu vân tay, công việc này khá mất công đấy. Nhưng phải làm thôi, nếu không, còn chậm nữa.

- Một thám tử tư... - Tôi lẩm bẩm suy nghĩ. Khả năng này gợi lên nhiều triển vọng lý thú đấy... - Bao giờ các cậu khởi tố vụ án này?

- Ngày kia. Nhưng chỉ là hình thức thôi. Phiên tòa sẽ bị trì hoãn cho đến lúc nào chúng mình tìm ra được hung thủ.

- Kết quả mổ tử thi thế nào?

- Nạn nhân bị giết bằng dao phay, kiểu dao thái thịt ở nhà bếp.

- Nếu vậy ta có thể loại bà Pebmarsh ra được rồi. Đâm bằng dao phay là việc người mù không thể làm được. Mà có đúng bà ta mù không?

- Đúng. Điều này thì không phải nghi hoặc gì nữa. Chúng mình đã kiểm tra rất kỹ và dò hỏi đầy đủ. Bà ta bị hỏng mắt cách đây đã mười sáu năm, trong khi đang làm giáo viên dạy toán tại một trường trung học trên miền Bắc. Sau khi bị mù, bà ta cần cù học chữ nổi, và cuối cùng xin được một chân dạy học tại Viện Trẻ em mù Aeronberg.

- Tâm thần bà ta ổn định đấy chứ? Có bị rối loạn gì không?

- Cậu hỏi thế vì nghĩ bà ta bị một ám ảnh là mê các loại đồng hồ và các nhân viên hãng bảo hiếm chứ gì? - Hardcastle giễu cợt hỏi lại.

- Vụ án này đúng là kỳ quái. - tôi nói, kèm theo một chút thích thú. - Hệt như trong cuốn truyện viết tồi nhất của Ariane Olivier hoặc cuốn truyện hay nhất của Garry Gregson đã quá cố.

- Cậu đừng giễu mình nữa. Cậu đâu phải chịu trách nhiệm với cấp trên về vụ án này!

- Mình xin lỗi. Chúc cậu phát hiện ra được tình tiết nào đó bổ ích ở các hàng xóm của số nhà 19.

- Mình thấy ít hy vọng lắm. - Hardcastle buồn rầu nói. - Cho dù nạn nhân bị giết ngay giữa vườn, và hai thằng cha đeo mặt nạ khiêng đi, nhà bên cạnh nhìn thấy rõ ràng, họ cũng mặc kệ. Láng giềng ở đây có quan tâm gì đến nhau đâu? Nói chung, dân cái phố Crescent này, hay cậu gọi là phố "Trăng Lưõi Liềm" này sống theo kiểu rất trưởng giả, ai biết nhà nấy, cháy nhà hàng xóm bình chân còn hơn vại. Các người giúp việc thì sau một giờ trưa kéo đi hết. Xe cộ chẳng vào đến đây. Trẻ con không có nữa chứ. Đúng là một cái phố chết.

- Cũng không có một hành khất tàn tật nào ngồi trước cửa nhà hay sao?

- Nếu có được thì còn gì bằng. Nhưng không hề có.

- Cả nhà số 18? Số nhà 20?

- Bên số nhà 20, chúng mình gặp một ông tên là Waterhouse sống cùng với cô em gái. Theo nhận xét của hai thẩm phán Gainsford và Swettenham thì ông ta là con người "chủ yếu", và cô em gái kia chăm sóc "chủ yếu" ông ta. Còn số nhà 20, thì theo mình biết, chỉ có một bà già không chồng, nuôi ít nhất cũng hai chục con mèo. Mà mình thì, giống mèo...

Tôi rất thông cảm với cách sống quá khô cằn của anh bạn thanh tra cảnh sát này. Câu chuyện đến đây thì hai chúng tôi lên ô tô.

Chương bảy

Trên bậc cửa ngôi nhà số 18, ông Waterhouse đang ngập ngừng, đưa mắt lo lắng nhìn cô em gái.

- Em tin chắc là em sẽ không gặp nguy hiểm gì chứ?

- Sao anh lại hỏi thế? - cô Edith khó chịu vặn

lại.

Waterhouse lấy vẻ mặt hối hận,"mà đấy là bản chất thứ hai của ông ta.

- Em thân yêu, anh hỏi thế vì... sau khi biết ở nhà bên cạnh vừa xảy ra một vụ... anh chợt nghĩ là ta phải...

Waterhouse đã ăn mặc hết sức rẩn thận, mái tóc chải tỷ mỷ, đang chuẩn bị đi làm. Cao lênh khênh, lưng hơi gù, da rám nắng, rõ ràng là một người không biết ốm đau là gì.

Còn cô Edith thì cũng cao, nhưng gầy đét, có vẻ thuộc loại người khắc khổ với bản thân, đồng thời khó tính với xung quanh.

- Sao anh lại có thể lo có kẻ giết em, chỉ vì hôm qua nhà bên cạnh có người bị giết?

- Edith, toàn bộ vấn đề ở chỗ hung thủ là người thuộc loại nào...

- Hay anh cho rằng trên đường phố Wilbraham Crescent của mình hiện đang có một kẻ tội phạm lởn vởn, chỉ muôn tìm giết dần tất cả những người sinh sống trong phố này? Em thì lại rất mong nhìn thấy một kẻ nào đó dám vào nhà mình và muốn giết em, - cô nói bằng giọng giễu cợt.

Suy nghĩ một chút, ông Waterhouse công nhận rằng ông quá lo xa. Bởi nếu có thằng cha điên rồ nào đó thích giết người thì chắc gì hắn muốn giết em gái ông. Bởi ông biết cô Edith em ông thừa gan góc để vớ vật gì đó, thì dụ que sắt còi lò sưởi chẳng hạn, quật lên đầu gã, làm máu me tung tóe, rồi giao gã cho cảnh sát.

Waterhouse, vẫn giọng nín nhịn quen thuộc, nói thêm:

- Anh chỉ muốn em cảnh giác thôi. Bởi như vậy là trong khu vực này đã có kẻ ác.

- Em thì cho rằng khó mà tin lời đồn đại được.

Mới sáng nay đây này, bà Head còn kể em nghe bao nhiêu chuyện rùng rợn...

- Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, - Waterhouse vội gạt đi, ông ta không muốn nghe các chuyện ngồi lê đôi mách của bà giúp việc, - ông nhìn đồng hồ. - Chết, anh bị trễ mất rồi. Thôi, anh đi nhé. Nhưng em cứ cẩn thận quá đi là vừa. Em nên mắc dây xích sắt vào cánh cửa đấy.

Cô Edith lại lầu bầu.

Nhưng vừa đóng cửa xong, sắp lên phòng thì cô chợt nhớ ra, lấy cây gậy đánh gôn gác sẵn lên cánh cửa, đề phòng lỡ có kẻ vào hành hung.

Cô thầm nghĩ: "Thế là ổn! Tất nhiên anh mình quá lo xa, nhưng mình cũng cứ cẩn thận. Bọn tù được tha trước thời hạn, với lý do cải tạo tốt ấy, khó mà làm mình yên tâm được. Người hiền lành, không bao giờ làm chuyện phi pháp chính lại luôn có nguy cơ bị tai họa!"

Cô Edith đã vào phòng thì bà Head, một phụ nữ đứng tuổi béo tròn lao vào như một viên đạn. Bà ta có tính thích mọi chuyện ly kỳ.

- Có hai ông xin gặp cô, thưa cô chủ. Mà không phải hai ông bình thường, mà là hai cảnh sát, - bà nói và chìa ra tấm danh thiếp.

Cô Edith cầm lấy, đọc: Thanh tra cảnh sát Hardcastle.

- Bà mời hai ông ấy vào phòng khách rồi chứ? - Cô Edith hỏi.

- Không, thưa cô chủ. Tôi đưa họ vào phòng ăn. Tôi đã dọn dẹp xong, thấy trong ấy khá lịch sự, loại khách này chỉ cần tiếp ở đấy là được. Họ chỉ là cảnh sát thôi mà.

Cô Edith không chú ý nghe câu lý lẽ của người giúp việc lắm. Cô nói:

- Tôi xuống ngay bây giờ.

- Hẳn là họ muốn hỏi cô về bà Pebmarsh. Họ muốn biết bà ấy có gì khác thường không. Họ cho rằng tính tình không bình thường của bà ta rất dễ gây ra chuyện này chuyện nọ. Nói chung, đám nhân viên cảnh sát khôn ngoan lắm. Họ rất giỏi moi các thứ. Cho nên cô phải cẩn thận, đừng chỉ nghe lời họ nói, mà phải nhìn vào mặt họ, xem họ nghĩ gì. Nhưng bà cụ lại mù, thành thử không nhìn thấy, mà chỉ nghe thấy lời của họ. Khôn khổ!... - Bà giúp việc vừa nói hai chữ này vừa lắc đầu vẻ thông cảm.

Bà Head này có vẻ rất tò mò, nhưng cô Edith không nhận thấy điều đó. Cô xuống thang gác, bước vào phòng ăn.

- Chào bà Edith, - Hardcastle đứng lên, lịch sự

nói.

Viên thanh tra đi cùng với một thanh niên tóc nâu, và mặc dù anh ta đứng dậy lúng túng tự giới thiệu "Trung sĩ Colin", nhưng cô Edith không thèm chào đáp lại.

- Tôi hy vọng đến vào giờ này không phải là sớm quá đối với bà, thưa bà Edith? - Hardcastle nói. - Nhưng chắc bà đoán được chúng tôi đến về việc gì, sau chuyện xảy ra hôm qua ở số nhà 19 bên cạnh.

- Tất nhiên tôi có biết chuyện gì đã xảy ra hôm qua bên nhà hàng xóm, - cô Edith nói. - Thậm chí tôi đã phải đuổi ra khỏi cửa ba vị nhà báo đến hỏi xem trưa hôm qua tôi có nghe thấy gì hoặc nhìn thấy gì lạ ở nhà bên cạnh không.

- Bà đuổi họ ra là rất đúng, - thanh tra Hardcastle gật đầu tán thành. - Loại người đó chuyên dính mũi vào đủ mọi chuyện, nhưng tôi tin rằng họ sẽ chẳng tìm ra được cái gì hết.

Nghe câu khen, cô Edith không giấu được vẻ hài lòng.

- Tôi hy vọng sẽ không làm bà khó chịu khi chúng tôi đưa ra vài câu hỏi giống như vị nhà báo kia đã đưa ra, - Hardcastle nói. - Nhưng nếu bà nhớ ra đã nhìn hoặc nghe thấy một dấu hiệu nào đó khiến bà chú ý, chúng tôi rất biết ơn bà. Vào giờ đó, hẳn bà ở nhà, thưa bà Edith?

- Tôi vẫn chưa biết vụ án mạng xảy ra lúc mấy giờ đấy.

- Trong khoảng thòi gian từ 13 giờ 30 đến 14 giờ 30, hoặc gần gần như thế.

- Giờ ấy thì chắc chắn tôi ở nhà rồi.

- Còn ông Waterhouse, anh bà?

- Anh tôi không về nhà ăn trưa. Nhưng người bị giết là ai? Hình như báo chí cũng không nói cụ thể, phải không nhỉ?

- Hiện chúng tôi chưa biết tung tích nạn nhân, - Hardcastle thú nhận.

- Một người vô danh? Nhưng bà Pebmarsh không thể không biết ông ta là ai!

- Bà Pebmarsh khai với chúng tôi rằng bà không hề đợi ai đến gặp, và bà hoàn toàn không biết ông ta.

- Mà bà ấy có nhìn thấy gì đâu mà biết ông ta là ai! - cô Edith kêu lên.

- Chúng tôi đã miêu tả rất tỷ mỷ cho bà ấy nghe.

- Nạn nhân thuộc loại như thế nào?

Thanh tra Hardcastle lấy trong phong bì ra một tấm ảnh nhỏ, đưa cô Edith.

- Đây là hình ông ta. Bà có biết người này không, thưa bà?

Cô Edith nhìn tấm ảnh, nói:

- Không... Tôi chưa nhìn thấy người này bao giờ.

Tôi cam đoan là như thế. Lạy Chúa, trông ông ta mặt mũi phúc hậu. Và trong ảnh, ông ta không có vẻ xúc động gì. Chết như người đang ngủ.

Thanh tra Hardcastle định nói nhưng thấy nói là thừa, rằng ông đã chọn tấm ảnh ít làm người ta sợ hãi nhất.

- Cái chết nhiều khi đến vào đúng lúc con người ta ít ngờ nhất. Tôi nghi ông ta chết đột ngột, một cách hoàn toàn bất ngờ.

- Thế bà Pebmarsh nói thế nào về tất cả những chuyện này?

- Bà ấy bảo không hề biết gì.

- Vô lý.

- Hy vọng bà có thể giúp chúng tôi, thưa bà Edith. Bà cố nhớ lại xem. Trong khoảng thời gian từ mười hai giờ rưỡi đến một giờ rưỡi, có thể bà đang nhìn qua cửa sổ ra ngoài hoặc đang ở ngoài vườn?

Cô Edith suy nghĩ một chút rồi nói:

- Lúc đó tôi đang ở ngoài vườn... mà khoan đã, nếu trước một giờ trưa thì mới đúng tôi đang ở ngoài vườn. Vì lúc 12 giờ 50, tôi vào nhà rửa tay rồi ăn bữa trưa.

- Bà có nhìn thấy bà Pebmarsh lúc bà ấy ra hay vào nhà bà ấy không?

- Hình như tôi có nhìn thấy bà ấy đi đâu về... Tôi nghe thấy tiếng mở cổng sắt, khoảng sau mười hai giờ rưỡi một chút.

- Bà có nói gì với bà Pebmarsh không?

- Không! Tôi chỉ ngẩng đầu lên và nghe thấy tiếng mở cổng sắt. Đấy là giờ bà ấy thưòng về nhà, sau buổi dạy học.

- Theo bà Pebmarsh cho tôi biết, thì bà ấy lại ra khỏi nhà vào khoảng một giờ rưỡi. Bà có đồng ý với lời khai đó không?

- Tôi có nhìn thấy bà ấy đi bên ngoài hàng rào sắt nhà tôi, nhưng tôi không biết chính xác lúc ấy là mấy giờ.

- Xin lỗi, thưa bà Waterhouse, bà vừa nói "bên ngoài hàng rào sắt nhà bà"?

- Tất nhiên rồi. Lúc đó tôi ngồi trong phòng khách, nhìn ra phố. Tôi đang uống cà phê sau bữa ăn. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, đọc tờ báo Times. Đúng lúc tôi lật trang báo thì tôi thoáng thấy bà Pebmarsh đi ngang bên ngoài hàng rào sắt. Như thế có gì là lạ, thưa ông thanh tra?

- Cũng chẳng có gì lắm, - thanh tra Hardcastle mỉm cười. - Chỉ là tôi đinh ninh bà Pebmarsh ra bưu điện rồi mua vài thứ vặt. Phải chăng lối đi ngang qua nhà bà là lối đi gần nhất để ra bưu điện?

- Vấn đề bà ấy định mua sắm ở cửa hàng nào, - Cô Edith nói. - Tất nhiên bưu điện và các cửa hàng trên đại lộ Albany thì nếu đi lối bên kia gần hơn. Và nếu đi lối ấy thì không phải qua trước cổng nhà tôi.

- Nhưng cũng có thể bà Pebmarsh đã có thói quen đi trước cửa nhà bà vào cái giờ đó?

- Lạy Chúa! Tôi không biết gì hết: bà ấy ra khỏi nhà vào giờ nào và đi theo hướng nào. Thưa ông thanh tra, tôi làm gì có thời gian để quan sát xem hàng xóm làm những gì. Tôi rất bận, chẳng còn thời giờ nào quan tâm đến ai. Không như một số người...

Nghe giọng nói khinh bỉ, thanh tra Hardcastle có cảm giác cô Edith này đang ám chỉ một người cụ thể nào đó.

- Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, - Viên thanh tra vội vã tán thành, rồi ông nói thêm. - Hay bà ấy định gọi điện thoại, bởi phía ấy có trạm điện thoại công cộng?

- Có đấy, ở trước mặt số nhà 15.

- Còn đây là câu hỏi quan trọng nhất của tôi, thưa bà Edith: bà có nhìn thấy ông ta vào số nhà 19 ấy không? Là tôi nói đến "con người bí ẩn" kia, theo cách nói của báo chí ấy?

- Không, - cô Edith đáp. Không, tôi không nhìn thấy ông ta. Và cũng không nhìn thấy người nào khác đi vào nhà bà Pebmarsh.

- Trong quãng thời gian từ một giờ trưa đến ba giờ, bà làm gì, thưa bà?

- Tôi giải bài đố chữ trong báo Times mất chừng nửa giờ, cho đến lúc tôi phải xuống bếp rửa bát đĩa. Sau đấy, tôi viết hai lá thư và vài tờ ngân phiếu. Rồi tôi lên phòng lựa những quần áo để đem nhuộm lại. Theo tôi nhớ thì chính vào lúc ấy, tôi nhìn qua cửa sổ thấy tiếng ồn ào bên dưới. Tôi vội chạy ra cửa nhìn sang thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh. Tôi nhìn ra chỗ cổng bên nhà bà Pebmarsh thấy một cặp trai gái đang ôm chặt nhau...

Nghe đến đây, "trung sĩ Colin" hơi nhúc nhích khiến cô Edith rất có thể nghi anh chàng cô nhìn thấy ôm cô gái kia chính là viên trung sĩ này.

- Bà không nhìn thấy bà Pebmarsh có về nhà trước lúc đó chứ?

- Không, - cô Edith đáp. - Nhưng tôi chỉ nhìn ra cửa sổ khi nghe thấy tiếng thét kinh hoàng kia. Lúc ấy tôi nghĩ đơn giản, lớp trẻ bây giờ có nhiều phong cách quái lạ, hơi một tí thì rú lên, cho nên khi ấy đôi trai gái ôm nhau, tôi nghĩ chẳng có gì quan trọng. Mãi đến lúc xe cảnh sát đến tôi mới chú ý.

- Bà còn gì khác để nói với chúng tôi không, thưa bà Edith?

- Không, tất cả chỉ có thế thôi.

- Gần đây bà có nhận được thông báo của Công ty Bảo hiểm nào nói rằng họ sẽ cử nhân viên đến gặp bà không?

- Không! Hoàn toàn không!

- Bà có nhận được lá thư nào ký tên "Curry" không?

- Curry à? Chưa bao giờ.

- Cái tên đó không gợi bà nhớ tới một thứ gì sao?

- Không. Nhưng sao ông hỏi thế?

Hardcastle mỉm cười:

- Không sao, thưa bà. Đấy là tên nạn nhân bị giết hôm qua. Nhưng cũng có thể chỉ là tên ông ta tự nhận.

- Chứ không phải tên ông ta thật? .

- Chúng tôi có cảm giác như thế. Curry chỉ là tên giả.

- Vậy ông ta là một kẻ lừa đảo? - cô Edith hỏi.

- Hiện nay chúng tôi chưa có chứng cứ nào để có thể kết luận.

- May quá đấy. Tôi biết là phải thận trọng. Có những người ở đây, chưa gì đã đồn đại ầm lên. Vậy mà sao không tòa án nào trừng phạt họ về tội vu oan cho ngưòi khác nhỉ?

- Đấy là tội truyền tin đồn nhảm thôi, chàng "trung sĩ" Colin chữa lại. Đây là lần đầu tiên anh ta mở miệng.

Cô Edith quay sang, ngạc nhiên nhìn cậu ta. Từ nãy cô vẫn cho Colin chỉ là chân theo hầu viên thanh tra.

- Tôi rất tiếc là không giúp gì được ông, thưa ông thanh tra.

- Vâng, tôi cũng rất tiếc, - thanh tra Hardcastle nói. - Bởi nếu được một người thông minh như bà giúp cho thì thật quý giá.

- Giá như tôi nhìn thấy được thứ gì có phải đã giúp được các ông không, - giọng cô Edith đột nhiên làm duyên như một thiếu nữ.

- Còn ông anh bà, liệu có giúp ích gì được chúng tôi không? - Viên thanh tra hỏi.

- Anh tôi ấy ư? Anh tôi thì chẳng biết cái gì hết. Vả lại lúc đó anh tôi ở văn phòng cơ quan. Không, anh tôi không giúp ích gì được ông đâu. Như tôi đã nói đấy, anh tôi không bao giờ về nhà ăn trưa.

- Ông ấy thường ăn trưa ở đâu?

- Anh ấy chỉ mua một khoanh bánh mì kẹp thức ăn và tách cà phê ở một quán gần đấy rồi đem về cơ quan ăn.

- Cảm ơn bà, thưa bà Edith. Xin lỗi đã làm phiền bà khiến bà mất khá nhiều thời gian.

Nói xong, thanh tra Hardcastle đứng dậy, ra cửa. Cô Edith đi theo tiễn khách.

- Cây gậv đánh gôn tốt quá, - Colin nói, nhấc cây gậy lên, xem thử nặng nhẹ. - Bà đề phòng bất trắc, đúng vậy không, thưa bà?

Cô Edith ngượng:

- Quả thật, tôi không biết cây gậy đánh gôn này sao lại ở đây.

Rồi giằng lấy cây gậy, cô Edith giấu nó vào cái xắc.

Lúc ra ngoài đường, Colin thở dài nói:

- Cậu đã giở đủ tài khôn khéo, vậy mà chẳng moi ra được cái gì mấy.

- Mình có kinh nghiệm, những ngựòi trông khó khăn nhất thì lại rất ưa nịnh.

- Lúc cuối, chị ta nhún nhẩy như con mèo được vuốt ve ấy. Đáng tiếc là ta không thu được thông tin nào đáng chú ý.

- Sao cậu bảo không thu được? - Hardcastle phản

đối.

Colin quay đầu ngạc nhiên nhìn bạn:

- Cậu thấy thêm được cái gì?

- Một chi tiết tưởng chừng nhỏ, nhưng lại rất quan trọng: lúc đi mua sắm, bà Pebmarsh không ngoặt sang phải, lại ngoặt sang bên phía bên trái. Vậy là lúc 1 giờ 50 phút, bà ta đã gọi điện thoại.

Colin ngạc nhiên nhìn bạn:

- Tuy bà Pebmarsh chối là không có chuyện đó, cậu vẫn nghi là bà ta có gọi? Mình lại thấy bà ta đã nói một cách quả quyết.

Hardcastle thản nhiên đáp.

- Mình công nhận. Nhưng cậu có thấy bà ta quả quyết một cách quá mức không?

- Nhưng nếu bà ta đi gọi điện thoại, thì để làm

gì?

- Để làm gì, để làm gì... Vậy mình hỏi cậu, tất cả tấn hài kịch này để làm gì? Bà Pebmarsh gọi điện để dụ cô thư ký đánh máy Sheila kia đến chứ còn gì nữa? Để làm gì ư? Bởi nếu không phải cô Edith này, thì nói ra một điều có hại cho bà Pebmarsh để làm gì? Cho đến nay chúng ta chưa biêt được gì. Giá như bà Giám đốc Martindale kia quen biết bà Pebmarsh, có phải bà ta đã nhận ra được giọng nói không... Số nhà 18 chẳng giúp ích được gì nhiều, ta sang số nhà 20 xem thử thế nào.

Chương tám

Ngoài tấm biển nhỏ ghi số nhà, ngôi nhà số 20 phố Wilbraham Crescent này còn có một tấm biển nhỏ nữa, đề: Biệt thự Diana, vẻ ngoài của ngôi nhà không gây được cảm tình: hàng rào sắt và cánh cổng ken quá xít, còn dàn hoa tầm xuân thì không ai sang sửa, trông um tùm, có vẻ được dùng làm một thứ bảo vệ.

Trong vườn, các bụi cây mọc vô tổ chức, và không khí nồng nặc mùi nước đ-á-i mèo. Tường nhà loang lổ, các ống máng méo mó. Chỉ riêng cánh cửa vào nhà mới được sơn lại, màu tươi, nhưng không đủ át đi toàn bộ dáng vẻ thảm hại của khung cảnh xung quanh. Không có chuông điện, chỉ có một đầu sợi dây để kéo chuông bên trong.

Khi viên thanh tra kéo sợi dây, vọng ra một tiếng "leng-keng" như từ đâu xa lắc.

Colin nhận xét:

- Biệt thự gì mà giống như lô cốt ấy.

Hai người đứng chờ. Lát sau họ nghe thấy những âm thanh rất lạ từ trong nhà đưa ra: giống như một kiểu tụng kinh trầm bổng, nửa như nói, nửa như hát.

- Khốn khổ, nếu như... - Thanh tra Hardcastle vừa định nói câu gì đó thì...

Tiếng uốn éo trầm bổng nghe đã rõ hơn: "Đừng, con yêu quý của ta, Chou-chou! Kìa, Mi-mi nữa, yên nào. Cả Cléopatre nữa. Để yên cho ta, các con yêu quý của ta..."

Tiếng khóa cửa bên trong, rồi tiếng mở cửa ngoài. Trước mặt hai người hiện ra một phụ nữ dáng quý tộc, mặc tấm áo nhung dài quết đất màu xanh lá cây đã bạc. Đầu bà ta chải theo kiểu được coi là "mốt" cách đây ba chục năm: tóc quấn lên rất cao, hết sức cầu kỳ, thành như một kiểu kim tự tháp màu vàng úa. cổ bà ta quấn một dải lông thú màu da cam xỉn, loang lổ.

- Bà là phu nhân Hemmings? - Thanh tra Hardcastle dè dặt đánh bạo hỏi?

- Vâng, chính tôi. Yên nào, tia nắng bé bỏng của ta...

Bây giờ, viên thanh tra mới nhìn thấy, ra không phải tấm khăn quàng cổ bằng da thú, mà là một con mèo. Mà không phải chỉ có một con. Ba con nữa đang "meo-meo" từ nhà trong kéo ra quấn chặt gấu váy của bà già quý tộc, giương những cặp mắt tròn xoe nhìn khách. Hai vị khách thấy xộc vào mũi một thứ mùi nằng nặng của loài mèo.

- Tôi xin tự giới thiệu: Thanh tra cảnh sát Hardcastle.

- Mời vào, Phu nhân Hemmings nói. - Ôi, tôi lầm rồi, không phải vào đây, mà vào phòng kia!

Nhưng khi bà ta mở cửa phòng bên trái, hai vị khách lại thấy trong phòng này bốc ra một mùi còn nặng hơn.

Trong phòng này, trên bàn, trên các ghế, đâu đâu cũng thấy những chiếc lược cũ dính đầy lông. Và trên mấy cái gối cũ kỹ, còn sáu con mèo nữa.

- Tôi sống với những con mèo thân thiết này. Chúng đáng yêu lắm và nghe hiểu mọi điều tôi nói với chúng đấy.

Viên thanh tra cảnh sát dũng cảm tiến lên. Khôn khổ thay, ông ta lại dị ứng với loài mèo. Và tất nhiên đám mèo kia quây lấy ông ta, con nhẩy lên đầu gối, con bấu vào gấu quần, cọ bộ lông xù một cách âu yếm. Nhưng viên thanh tra cắn răng cố giữ bình tĩnh.

- Tôi muốn hỏi phu nhân vài câu, được không ạ? Thưa phu nhân, về vụ...

- Ông cứ tự nhiên, - phu nhân Hemmings nói. - Tôi sẵn sàng cho ông thấy tất cả. Thức ăn cho chúng, nơi chúng ngủ. Năm con ngủ trong phòng cùng với tôi, bảy con khác dưới này. Cá cho chúng ăn đều là loại cá cao cấp và nấu rất ngon, do chính tay tôi nấu cho chúng.

- Chúng tôi đến đây vì chuyện khác, thưa phu nhân, về vụ việc đáng buồn ở nhà bên cạnh nhà phu nhân. Hẳn phu nhân đã biết?

- Nhà bên cạnh? Ông thanh tra định nói về việc con chó của ông Joshua?

- Không phải đâu, thưa phu nhân, vụ bên số nhà 19. Tại đấy hôm qua người ta phát hiện thấy xác chết một người đàn ông.

- Thật à? - bà già quý tộc lịch sự hỏi nhưng không hề quan tâm một chút nào, mắt vẫn chăm chú nhìn đàn mèo của bà.

- Tôi muốn biết trưa hôm qua phu nhân có ở nhà không, thời gian từ một rưỡi đến ba rưõi?

- Có, tôi ở nhà. Tôi thường đi chợ mua thức ăn từ sáng sớm, để về làm bữa điểm tâm cho chúng, sau đó tôi không đi đâu nữa cho đến lúc đi ngủ. Tôi bận chải lông và tắm rửa cho chúng.

- Phu nhân không nhận thấy gì lạ ở nhà bên cạnh? Xe cảnh sát đến, rồi xe cấp cứu của y tế, phu nhân không nghe thấy gì, nhìn thấy gì sao?

- Đáng tiếc là tôi không bao giờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhất là hôm qua, tôi bận xục xạo ở tận cuối vườn kia để tìm con Arabella bị lạc. Đấy là con mèo trẻ nhất: thì ra nó leo lên cây rồi không sao xuống được. Tôi đem đĩa cá ra nhử nó, nhưng nó nhát, khốn khổ con bé. Cuối cùng, mệt quá tôi đành quay vào nhà. Thế là ông thấy có lạ không? Nó nhảy ngay xuống, chạy theo tôi vào nhà.

Bà ta nhìn lần lượt hai người khách, đợi phản ứng của họ.

- Vâng, may quá, - thanh tra Hardcastle nói lấy lòng, nhưng lưỡi cứng đơ lại.

- May sao, thưa ông, - bà quý tộc ngạc nhiên.

Colin vội đỡ lời:

- Tôi rất yêu mèo và rất hiểu tính tình của chúng. Điều phu nhân vừa kể rất đúng với bản chất loài mèo. Chúng yêu chủ đến mức quên cả sợ, cho nên thấy phu nhân vào nhà, nó bèn nhẩy liều xuống để theo phu nhân.

Bà già nhìn Colin, thấy anh này không có vẻ cảnh sát, nhưng bà không để lộ ra. Bà ta chỉ nói rất khẽ:

- Chúng biết hết, hiểu hết, ông có thấy như vậy không?

Một con mèo giống Ba Tư lấy chân cào lên đầu gối viên thanh tra, hình như móng của nó xuyên qua lớp vải vào đến da ông. Viên thanh tra co rúm người lại, ông vội vã đứng lên.

- Phu nhân có thể cho tôi ra xem chỗ cuối vườn ấy được không ạ?

Colin nhếch mép cười.

- Được chứ! Để tôi dẫn ông ra, - phu nhân Hemmings vừa nói vừa đứng lên.

"Khăn quàng cổ" của bà tụt ra: con mèo nhỏ trườn xuống đất, và theo bà già ra ngoài. Cả lũ mèo định ùa ra theo. Bà già ngăn chúng lại.

- Ông vui lòng đóng chặt cửa lại, thưa ông..., - Bà nói với Colin đi sau cùng. - Hôm nay trời trở gió, tôi sợ đàn mèo bị cảm. Nhất là mấy thằng bé khốn kiếp kia nữa. Để mèo ra sân là rất nguy hiểm.

- Mấy thằng bé nào, thưa phu nhân? - Hardcastle hỏi.

- Mấy thằng con trai ông Ramsay ở sau lưng nhà tôi ấy. Hệt giống cướp Hắc Y. Chúng mỗi đứa một cái súng cao su, chỉ rình bắn lũ mèo của tôi.

Phía bên này, khu vườn càng hoang tàn hơn.

Bụi rậm mọc bừa bãi. Cây cối không ai chăm sóc.

- Mất công vô ích. - Colin lẩm bẩm.

Mà đúng vậy. Bị bức tường rào và đám cây rậm rạp ngăn trở, khiến ở bên này không thể nhìn thấy gì bên nhà bà Pebmarsh.

Biệt thự Diana hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới xung quanh.

- Lúc nãy ông nói số nhà 19 ạ? - Phu nhân Hemmings đứng lại giữa khu vườn, ngơ ngác. - Hình như nhà ấy chỉ có một bà mù sống một mình thôi mà?

- Người đàn ông bị giết không phải là người ở đấy.

- Ra thế, - phu nhân Hemmings vẫn lơ đãng như mọi khi. - Ra ông ta đến đó để bị giết. Quả là lạ đấy, phải không thưa hai ông?

Colin thầm nghĩ: "Riêng câu nói này của bà già quý tộc có giá trị, nói lên đúng vấn đề".

Chương chín

Trước khi lên xe, hai người đi dọc theo phố Wilbraham Crescent, ngoặt bên phải hai lần để ra khu vực phía sau.

Thanh tra Hardcastle nói:

- Ta đến nhà họ cũng chỉ để chào vậy thôi.

- Chưa biết chừng, - Colin nói.

- Số nhà 61 chung sân vườn với nhà phu nhân Hemmings, nhưng lại có một góc liền với số nhà 19 của bà Pebmarsh. Đấy là lý do ta có thể viện ra để chào chủ nhà bên ấy một câu. Tôi đã kiểm tra sổ đăng ký cư trú rồi. Lão thầu khoán Bland không thuê người giúp việc nào là người nước ngoài.

- Vậy là giả thuyết của mình tan thành mây khói. - Colin chán nản nói.

Đến trước cổng nhà, Colin nhìn vào vườn bên trong, nhận xét:

- Cậu nhìn xem, đúng là một hoa viên tuyệt vời!

Mà đúng thế. Quả là một khu vườn kiểu mẫu của ngoại thành. Những khóm phong lữ thảo lớn, viền xung quanh bằng hoa tím. Trong vườn đủ các loại cây cảnh xanh tươi, với những giống hoa rực rỡ, trái ngược hẳn với khu vườn phía sau của phu nhân Hemmings, hoang tàn, toàn loài cây dại.

Trong lúc thanh tra Hardcastle bấm chuông. Colin nói khẽ:

- Liệu giờ này lão ta có nhà không?

- Mình đã gọi điện báo trước cho lão rồi, yêu cầu lão ở nhà để chúng mình đến gặp.

Viên thanh tra vừa nói xong thì thấy một bóng người đi về phía cổng. Đó là một người đàn ông tầm thước, đầu hói, cặp mắt nhỏ mầu xanh lam, niềm nở:

- Thanh tra Hardcastle? Xin mời ông vào.

Chủ nhân dẫn khách vào một phòng khách hết

sức sang trọng, bầy biện toàn những thứ đắt tiền.

- Mời hai ông ngồi. - Bland vẫn niềm nở. - Mời hai ông dùng thuốc? - ông ta chìa ra hộp sơn mài đựng thuốc lá.

- Cảm ơn, chúng tôi không hút, - Hardcastle nói.

- A, phải rồi, đang giờ công vụ, tôi hiểu. Hai ông đến có việc gì đấy? Tôi đoán vụ bên số nhà 19, phải không? Quả là một gốc vườn của nhà bên ấy dính với vườn của nhà tôi, nhưng chỉ trên tầng hai mới nhìn sang được bên ấy, còn dưới này chẳng nhìn thấy gì. Chuyện lạ đấy, phải không, thưa hai ông? Đấy là tôi đọc thấy trên báo.

- Xin ông nhìn thử cái này. - Hardcastle lại lôi trong túi ra tấm ảnh nạn nhân. - Thưa ông Bland, ông vui lòng cho biết ông đã nhìn thấy người này ở đâu bao giờ chưa?

Bland đỡ tấm ảnh, xem một lát rồi đáp:

- Chưa bao giờ. Mà tôi lại là chuyên gia về tướng mặt kia đấy, cho nên nếu đã gặp ai một lần, không bao giờ tôi quên.

- Người này có bao giờ đến nhà ông, mời ông mua bảo hiểm, hoặc mua thứ gì khác, máy giặt chẳng hạn, không? Chắc là không?

- Đúng thế. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người này.

- Liệu có thể ông ta đến đây lúc ông đi vắng, chỉ có bà nhà tiếp? Mà thậm chí ông ở nhà thì người ra mở cửa rất có thể là bà nhà, và bà đã khước từ, không tiếp ông ta.

- Đúng là nhà tôi hay ra mở cửa mỗi khi nghe thấy chuông reo. Nhưng không hiểu ông có biết bà nhà tôi không được cứng cỏi không? Tôi rất không muốn bà ấy bị xúc động. Tôi không muốn bà nhà tôi xem, dù sao cũng là ảnh một người đã chết, đúng vậy không, thưa ông thanh tra?

- Đúng thế, - Thanh tra Hardcastle nói. - Nhưng tôi thấy tấm ảnh này có vẻ gì khủng khiếp đâu?

- Tôi công nhận. Chụp rất khéo, trông chỉ tưởng là người đang ngủ.

- Ai vừa nói đến tôi đấy à, ông Josaiah?

Cửa mở, một phụ nữ trung niên bước vào. Có vẻ bà ta nấp sau cánh cửa rình nghe câu chuyện diễn ra ngoài phòng khách.

- A! Nhà tôi đây rồi, - Bland nói. - Tôi tưởng bà chưa dậy.

Bà Bland nói rất khẽ:

- Vụ án mạng khủng khiếp quá! Chỉ nghe nói đến, tôi đã run bắn lên rồi.

Bà ta thở hổn hển rồi gieo mình xuống đi văng.

- Mình cho cả hai chân lên mà nằm nghỉ đi, - Bland nói.

Bà vợ ông ta làm theo lời chồng. Đó là một phụ nữ tóc vàng, da xanh lướt, kiểu người thiếu máu nặng. Nhìn bà ta, bỗng thanh tra Hardcastle có cảm giác hình như đã gặp bà ta ở đâu rồi, nhưng ông không thể nhớ ra đã gặp bà ta ở đâu. Cố lục trong ký ức mà vẫn không nhớ được ra bà ta giống ai.

Giọng rên rỉ, bà Bland nói tiếp:

- Thưa ông thanh tra, tôi không được khỏe lắm. Chính vì thế mà chồng tôi cố tránh cho tôi mọi xúc động mạnh. Tôi bị suy nhược thần kinh mà. Các ông vừa nói đến tấm ảnh một người chết... hình như thế. Ôi, khủng khiếp quá, lạy Chúa tôi! Không biết tôi có đủ can đảm để nhìn vào tấm ảnh ấy không đây?

"Bà ta thèm rõ rãi được xem ấy chứ", thanh tra Hardcastle thầm nghĩ, rồi láu lỉnh khích thêm:

- Tôi nghĩ là bà không nên nhìn vào đó, thưa bà Bland. Tôi chỉ nghĩ muốn bà nhìn vào, để xem người trong ảnh có lần nào đến gõ cửa nhà bà không, có vậy thôi.

- Nếu vậy thì bổn phận của tôi là phải giúp nhà chức trách, cho dù tôi phải cố gắng đến mấy, - Bà ta nói và làm ra vẻ lấy hết dũng khí.

Bà ta chìa tay.

- Nhưng mình có nên cố gắng đến như vậy không, mình thân yêu? - Bland nói.

- Khi nhà chức trách đã yêu cầu thì ta không được quyền thoái thác.

Bà ta đỡ tấm ảnh, ngắm nghía hồi lâu rồi làm ra vẻ khinh bỉ - ít nhất thì đấy cũng là cảm giác của Hardcastle.

- Trông có vẻ... Đúng là trông không có vẻ một người chết, nhất là một người bị giết. Y bị giết cách nào vậy? Bóp cổ phải không?

- Bị đâm, - viên thanh tra nói.

Run rẩy, bà ta nhắm nghiền mắt.

- Bà đã bao giờ nhìn thấy người này chưa, thưa bà Bland?

- Chưa bao giờ, - bà ta đáp bằng giọng cố làm ra vẻ ghê tởm. - Chưa. Tôi tin là như thế. Phải chăng y là kẻ lang thang, mò đến các nhà?

- Theo tôi đoán, thì ông ta là nhân viên một Công ty Bảo hiểm, - Hardcastle dè dặt nói.

- Y là họ hàng của bà Pebmarsh ạ?

- Không. Bà Pebmarsh nói hoàn toàn không biết người này.

- Lạ đấy, - Bà Bland nói.

- Bà quen biết bà Pebmarsh?

- Chỉ biết với tính chất hàng xóm thôi. Bà ấy hay hỏi ý kiến ông chồng tôi về cách chăm sóc cây cối

trong khu vườn.

- Trưa hôm qua hai ông bà có ở nhà chứ? Và nếu vậy, tôi đoán ông và bà có nghe thấy tiếng động lạ bên số nhà 19?

- Buổi trưa ạ? Vào giờ xảy ra vụ án mạng? - Bland hỏi.

- Đúng ra là từ một đến ba giờ, đấy là quãng thời gian chúng tôi quan tâm.

Bland lắc mái đầu hói:

- Lúc đó tôi ở trong nhà, nên không nhìn thấy gì bên ngoài. Tôi và bà nhà tôi ngồi ăn trong phòng ăn, cửa sổ lại trông ra phố, cho nên không biết những gì xảy ra trong vườn.

- Hai ông bà dùng bữa trưa lúc mấy giờ?

- Khoảng một giờ,hôm nào muộn thì là một rưỡi.

- Sau đó hai ông bà không ra ngoài nữa?

- Bao giờ ăn xong, nhà tôi cũng phải nằm nghỉ. Cả tôi cũng vậy, nếu không vướng chuyện gì đặc biệt, tôi thường làm một giấc ngắn. Tôi ra khỏi nhà lúc hai giờ bốn mươi nhăm, hình như thế. Nhưng rất tiếc là tôi không ra vườn trong thời gian đó.

Thanh tra Hardcastle thở dài:

- Không sao. Chúng tôi buộc phải hỏi mọi người những câu như thế thôi.

- Tôi hiểu. Rất tiếc là chúng tôi không giúp gì cho ông thanh tra được.

Thanh tra Hardcastle ngắm gian phòng:

- Đẹp quá! Rõ ràng hai ông bà không tiếc tiền mua sắm.

Bland cười vui vẻ.

- Tính chúng tôi thích những thứ đẹp. Bà nhà tôi rất có khiếu thẩm mỹ. Năm ngoái chúng tôi lại có được một may mắn lớn. Ông em bà ngoại của vợ tôi, đã không có liên lạc với nhau hai chục năm rồi, vậy mà trước khi qua đời lại cho vợ tôi hưởng thừa kế. Đúng là phúc lớn từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi gần như đổi đời. Hiện nay chúng tôi thừa thãi tiền, và chúng tôi định năm nay còn đi một chuyến du lịch đường biển, sang tham quan đất Hy Lạp và một số vùng đất lý thú khác. Tôi tin là sẽ hết sức thú vị, và bổ ích nữa. Trước đây tôi chưa có điều kiện, mặc dù rất thèm đi. Thậm chí có lần tôi đã tính bán ngôi nhà này để lấy tiền sang sinh sống bên Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hoặc Quần đảo Antilles, như nhiều người khác. Tại những quốc gia đó không phải nộp thuế thu nhập và trăm thứ vớ vẩn khác. Nhưng bà vợ tôi không chịu.

- Không phải tôi không muốn đi du lịch, - Bà Bland trình bày. - Nhưng tôi không thể tưởng tượng tôi có thể sống ở đâu khác ngoài nước Anh. Tại đây tôi có bè bạn, có bà chị, và mọi người đều biết chúng tôi. Sang nước khác, chúng tôi hoàn toàn là người xa lạ và đơn độc. Nhất là tôi đã quen chữa bệnh một ông bác sĩ ở đây rồi. Một bác sĩ khác không thể làm tôi tin cậy như ông này.

- Thôi được, chuyện ấy vợ chồng sẽ bàn sau.

Trong lúc tiễn thanh tra Hardcastle và Colin ra cổng, ông ta lại một lần nữa tỏ ý tiếc là đã không giúp ích gì được cho hai người.

Chương mười

Tại số nhà 62 phố Wilbraham Crescent, để tự động viên mình, bà Ramsay luôn miệng tự nhủ:

- Chỉ còn hai ngày nữa thôi! Chỉ còn hai ngày nữa thôi!

Bà đưa tay gạt mớ tóc bết trên vầng trán đẫm mồ hôi. Có tiếng loảng xoảng trong bếp. Bà Ramsay không cảm thấy hào hứng để vào bếp xem xảy ra chuyện gì. Giá như không có chuyện đổ vỡ đó! Mặc tất! Chỉ còn chịu đựng hai ngày nữa thôi!

Đi đến cuối hành lang, bà đẩy mạnh cánh cửa, hỏi bằng giọng kém phần gắt gỏng so với ba tuần lễ trước đây:

- Lại đánh vỡ cái gì đấy?

- Mẹ tha lỗi, - cậu con trai Bill khẽ nói. - Con chỉ có chơi đánh đáo bằng mấy cái đồ hộp thôi. Không hiểu sao chúng lại lăn vào tủ bát đĩa.

Cậu bé nhất, Ted, nói:

- Chúng con không cố tình.

- Thôi được! Quét các mảnh vỡ cho vào thùng rác mau.

- Mẹ để cho lúc khác.

- Không được, dọn ngay lập tức.

- Đấy là tội thằng Ted, - Bill nói.

- Anh toàn đổ tội cho em.

- Thì chính mày chứ còn gì?

- Không phải em!

- Mày!

Hai đứa trẻ túm nhau.

- Cút hết cả đi! - bà Ramsay hét lên, đẩy hai đứa con ra khỏi bếp.

Sau khi đóng cửa bếp lại, bà ta bắt đầu dọn dẹp, xếp lại các đồ hộp, quét các mảnh bát đĩa vỡ.

Bà lẩm bẩm:

- Chỉ phải chịu đựng hai ngày nữa thôi! Ngày kia khai trường rồi.

Ngày khai trường là một sự kiện giải thoát đối với những bà mẹ có con trai!

Đúng lúc đó, bên ngoài có một tiếng thét khủng khiếp, sau đó là một sự im lặng đến mức làm bà Ramsay sợ hãi. Bà đứng sững lại, cái chổi vẫn trên tay. Cửa bật mở, cậu Bill lao vào, nét mặt hớn hở và trịnh trọng chưa từng thấy.

- Mẹ ơi, có một ông thanh tra cảnh sát đi với một người nữa đến nhà ta.

Bà Ramsay thở phào nhẹ nhõm.

- Ông ấy hỏi gì?

- Bảo muốn gặp mẹ. Chắc về vụ án mạng ở số nhà 19. Mẹ biết rồi đấy, ở nhà bà Pebmarsh ấy.

Cậu trai đi theo mẹ vào phòng khách. Hai ông khách đứng trong đó với Ted, con trai út bà. Mắt cậu bé lộ vẻ thán phục.

- Bà là bà Ramsay?

- Chào hai ông, - Bà nói. - Nếu hai ông đến gặp tôi để hỏi về chuyện xảy ra hôm qua bên nhà số 19, thì tôi không có gì để kể với các ông cả, - giọng bà bực dọc. - Thưa ông thanh tra, tôi không biết gì hết. Thậm chí tôi không hề biết các hàng xóm của tôi là những ai.

- Bà có ở nhà trong quãng thời gian từ mười hai giờ rưỡi đến ba giờ chiều không?

- Giờ ấy thì có, tôi bận vào bữa ăn trưa. Nhưng khoảng gần ba giờ thì tôi ra khỏi nhà, đưa mấy đứa con xem phim ngoài rạp.

Viên thanh tra lấy trong túi ra tấm ảnh.

- Bà có biết người này không?

Bà Ramsay nhìn, mỗi lúc một chăm chú:

- Không, - bà ta nói. - Chắc thế. Nhưng làm sao tôi nhớ hết được những người tôi đã nhìn thấy?

- Người này không đến nhà bà mời mua bảo hiểm hay thứ gì đại loại như vậy chứ?

- Không. - Lần này bà Ramsay đáp quả quyết hơn. - Không, tôi tin chắc như thế.

- Chúng tôi nghi ông ta tên là Curry, - Hardcastle nói.

Bà Ramsay lại khẳng định thêm:

- Với lại, trong vụ nghỉ hè thì tôi không còn bụng dạ quan tâm đến bất cứ thứ gì khác.

Viên thanh tra nói:

- Tôi hiểu, nghỉ hè bà rất vất vả. Bà có hai cậu con trai sáng sủa, khỏe mạnh, tràn trề sức sống thế kia! Hẳn bà phải tốn nhiều công sức cho chúng lắm. Bao giờ hai cháu tựu trường?

- Ngày kia.

- Bà nên thuê một cô giúp việc người nước ngoài,

- Colin gợi ý. - Cô ta vừa giúp việc, vừa dạy các cháu tiếng Pháp.

- Tôi cũng đang nghĩ đến chuyện đó, nhưng tôi ngại thuê người nước ngoài lắm. Tôi cứ thấy không thể tin họ được, mặc dù ông chồng tôi luôn giễu tôi về cái tính đa nghi ấy. Chồng tôi luôn đi công cán nước ngoài, tất nhiên ông ấy có nhiều kinh nghiệm hơn tôi.

- Lúc này ông nhà đang ở nước ngoài?

- Vâng, ở Thụy Điển. Nhà tôi đi từ đầu tháng Tám, ông ấy là kỹ sư công chính.

- Khoảng bao giờ ông ấy về, thưa bà?

- Tôi không biết, - bà Ramsay buồn rầu đáp. - Mà ông ấy về thì cũng chẳng giúp được gì cho tôi.

Giọng bà run rẩy.

Thanh tra Hardcastle đứng dậy:

- Chúng tôi không làm phiền bà thêm nữa. Các cháu đưa chúng tôi ra cổng được rồi.

Lúc ra ngoài, thanh tra Hardcastle hỏi hai đứa trẻ:

- Bên này nhìn rõ số nhà 19 chứ, hai cháu? Nếu lên tầng hai hẳn còn nhìn thấy rõ hơn.

- Bác nói đúng đấy, - Bill nói. - Nếu chúng cháu ở trên ấy hôm qua, hẳn chúng cháu thấy được nhiều thứ lắm.

Nhìn thấy một ống dẫn nước tưới chui vào lấp sau bụi cây tầm xuân ở góc vườn, Colin nhận xét:

- Tầm xuân mà cũng cần tưới à?

- Không phải đâu... - Bill nói, lộ vẻ lúng túng.

Colin cười:

- Hẳn là khi trèo lên cái cây kia, có thể phun nước vào một con mèo đấy nhỉ?

- Phun nước thì có gì đâu, còn hơn bị bắn súng cao su, - Bill nói thêm, vẻ mặt láu lỉnh.

- Thỉnh thoảng hai cháu lại lách sang vườn nhà bên cạnh, đúng thế không? Các cháu sang bằng cách nào?

- Cháu chỉ cần lách qua hàng rào, tụt xuống góc vườn nhà bà Pebmarsh, rồi lách sang vườn bà Hemmings. Đấy có một chỗ hàng rào thủng, - cậu bé Ted giải thích.

Làm ra vẻ lơ đãng, thanh tra Hardcastle hỏi:

- Từ lúc xảy ra vụ án mạng, hai cháu thường vào đó nghe ngóng, có phải không?

Hai đứa trẻ nhìn nhau.

- Các cháu tìm thấy được cái gì mà chưa nói với các bác đấy? - Thanh tra Hardcastle hỏi:

Bill tỏ vẻ quyết định:

- Ted, mày lấy ra đưa các bác ấy xem đi.

Thế là chú bé Ted chạy đi, lát sau quay về, tay cầm một chiếc khăn tay bẩn, thắt nút ở bốn góc. Đứng giữa hai đứa trẻ, thanh tra tháo nút buộc, giũ ra những thứ đựng bên trong.

Đó là một cái quai tách, một mảnh vỡ bằng men sứ Trung Hoa, một cái bay gẫy, một chiếc nĩa ăn han rỉ, một đồng tiền kim loại, một đinh khuy, và một mảnh kính mầu.

- Rất hay đấy, - viên thanh tra nói giọng nghiêm nghị. Rồi thấy vẻ mặt tội nghiệp của hai đứa trẻ, ông nhấc lên mảnh kính vỡ. - Cho bác cái này. Biết đâu sẽ là một đầu mối đấy.

Còn Colin thì nhặt đồng tiền bằng kim loại, ngắm nghía.

- Tiền nước ngoài đấy, không phải tiền Anh đâu,- chú bé Ted nói.

- Cháu nói đúng, - Colin đáp. Rồi ngước lên nhìn viên thanh tra Hardcastle, anh ta nói: - Ta mượn cả đồng tiền này nữa nhé?

Thanh tra Hardcastle nói, giọng đồng lõa:

- Các cháu phải giữ kín. Tuyệt đối không được nói với ai đấy.

Hai đứa trẻ rất khoái trá, trịnh trọng thề danh dự là sẽ không nói với bất cứ ai.

Chương mười một

Colin mơ màng nói:

- Ramsay đang ở nước ngoài, có vẻ y cần đi là cứ đi, không báo vợ biết trước. Bà vợ bảo y làm kỹ sư công chính, và có vẻ bà ta rất ít biết về công việc của chồng...

- Một phụ nữ đảm đang, - thanh tra Hardcastle nói. - Loại người cậu đang cần tìm hẳn không đời nào tự buộc chân vào một bà vợ với hai đứa con như thế.

Colin nói:

- Chưa thể khẳng định như thế được. Cậu thừa biết, bọn gián điệp có thể dùng đủ các loại vỏ bọc.

- Thế giới của các cậu đúng là rất lạ, Colin ạ. Tốt nhất là bây giờ ta sang nhà McNaughton.

Trước cổng sắt số nhà 63, viên thanh tra đứng lại:

- Cả nhà này nữa cũng sát cạnh với số nhà 19. Giống như nhà của lão Bland.

- Cậu đã thu thập được những thông tin gì về họ?

- Không nhiều lắm. Họ ở đây đã được một năm. Hai ông bà già. Chồng là giáo viên về hưu, say mê trồng vườn.

Một phụ nữ trẻ vẻ mặt tươi cười, trong tấm áo hoa, ra mở cổng:

- Hai ông hỏi gì ạ?

- Tìm nhân công người nước ngoài, - viên thanh tra vừa nói vừa chìa ra tấm danh thiếp.

Vài phút sau, bà McNaughton bước vào phòng khách:

- Chào ông thanh tra! Nhưng chúng tôi không biết tí gì về chuyện ấy đâu. Tại sao các ông lại đến nhà tôi hỏi? về vụ án mạng phải không, thưa hai ông?

Sau khi nói vài câu xã giao, thanh tra Hardcastle chìa tấm ảnh.

- Bà có biết người này không, thưa bà McNaughton?

Bà ta chăm chú nhìn ảnh.

- Tôi biết ông ta. Đúng là ông ta rồi. Nhưng tôi gặp ông ta ở đâu nhỉ? Có lẽ chính là người có lần đã mời tôi mua một bộ Bách khoa thư mới xuất bản.

- Người đó giống người trong tấm ảnh này à, thưa bà?

- Không giống hoàn toàn, - bà McNaughton nói, sau một chút suy nghĩ. - Người kia trẻ hơn nhiều. Nhưng dù sao tôi cũng tin chắc rằng tôi đã nhìn thấy ông này ở đâu đó.

- Hôm qua phải không?

Bà McNaughton mặt tối sầm lại:

- Không! Không phải hôm qua... - Bà ta ngập ngừng. - Mà tôi chưa dám nói chắc. Có thể chồng tôi nhớ. Chồng tôi đang ở ngoài vườn.

Bà chạy đi trước, hai ngưòi khách theo sau. Bà hổn hển bảo chồng:

- Hai ông này của cơ quan cảnh sát. Họ muốn đưa ông xem tấm ảnh của nạn nhân vụ án mạng hôm qua bên số nhà 19.

Liếc nhìn xong, ông McNaughton nói:

- Tôi chưa nhìn thấy người này bao giờ. vả lại, lúc xảy ra vụ án mạng tôi đang ở ngoài vườn.

- Đúng thế chứ? Nhưng sao ông biết lúc nào xảy ra vụ án mạng?

- Vì tôi nghe thấy tiếng một cô gái hét lên.

- Khi nghe thấy, ông đã làm gì?

Ông ta hơi ngượng:

- Tôi không làm gì. Bởi lúc đó tôi lại tưởng mấy đứa trẻ nhà bên cạnh. Chúng luôn gào rú lên như vậy.

- Nhưng tiếng rú của cô gái kia ở phía khác?

- Đúng thế, nhưng bọn trẻ nghịch ngợm kia có bao giờ ở đứng một phía đâu. Chúng luôn lách chỗ này, chỗ nọ, mỗi hôm ở một phía. Không có ai chôn chân chúng xuống. Bà mẹ chúng thì hoàn toàn bất lực.

- Chúng tôi nghe nói, ông Ramsay chồng bà ấy liên tục vắng nhà?

McNaughton nói:

- Làm kỹ sư mà, vắng nhà luôn là chuyện bình thường. Vả lại, hai đứa trẻ bên ấy không phải trẻ hư, chỉ cần nghiêm với chúng một chút là được.

- Ngoài tiếng kêu ấy, ông còn nghe thấy gì nữa không? Ông có nhìn thấy một người lạ nào bên số nhà 19 hôm qua nữa không?

- Rất tiếc là hoàn toàn không, - McNaughton đáp.

Lúc ngồi trên ô tô, Colin hỏi:

- Cậu có tin là bà ta nhận được mặt người trong ảnh không?

Hardcastle lắc đầu.

- Mình thì lại nghi là có. Sau đấy bà ta đã đánh lạc hướng. Kiểu nhân chứng lúc thế này lúc thế nọ như vậy mình đã gặp quá nhiều!

Về đến đồn cảnh sát, thanh tra cười nói với bạn:

- Trung sĩ Colin, bây giờ tôi cho cậu về.

- Cảm ơn cậu về cuộc dạo chơi sáng nay. Cậu có thể cho đánh máy những ghi chép này của mình được không? Hình như mai là phiên tòa phải không? Mấy giờ nhỉ?

- 11 giờ.

- Mình chắc sẽ về kịp. Mình phải đi London bây giờ, chỉnh đốn lại bản báo cáo. Và có thể mình sẽ đến gặp một thám tử tư, ông ta là bạn thân của cha mình. Vụ án này quá rắc rối, đúng là phải cầu viện đến ông ấy.

- Thám tử tư à? Tên là gì?

- Hercule Poirot.

Chương mười hai

Một buổi chiều quá lắm việc đối với thanh tra Hardcastle. Mọi cuộc tìm kiếm lai lịch nạn nhân đều chưa đem lại kết quả nào. Nhưng Hardcastle có được tính kiên nhẫn. Ông ta không tìm ra được ngay, nhưng tin tưởng chắc chắn rằng cuối cùng sẽ tìm ra được.

Cho đến 15 giờ 30, ông ngồi làm việc liên tục. Rồi ông quyết định đã đến lúc cần đi tìm tiếp.

Bà dì cô thư ký đánh máy Sheila Webb tên là gì ấy nhỉ? Bà Lawton. 14 phố Palmerston. Thanh tra Hardcastle không dùng ô tô, ông đi bộ. Đến góc phố, một cô gái trên hè đang đi ngược chiều với ông ta. Khuôn mặt kia... ông thấy quen quen. Không nhớ mình đã gặp cô ta ở đâu rồi nhỉ? Hardcastle rất bực, mình tự hào là người có tài xem tướng mạo kia mà!

Khi bà Lawton ra mở cửa, viên thanh tra nhìn thấy hai lá thư nằm trên thảm. Bà Lawton đã cúi xuống, nhưng ông nhanh tay hơn, nhặt lên, đưa bà, và không quên liếc nhìn địa chỉ ghi ngoài bì. Một lá gửi cho bà Lawton, lá thứ hai cho cô Webb, tức là cô Sheila.

- Cảm ơn ông, - bà Lawton nói, rồi đặt hai lá thư lên chiếc bàn nhỏ kê ngoài lối đi. - Mời ông vào phòng khách.

- Tôi muốn thẩm tra lại vài điểm trong vụ án mà cô cháu bà không may vướng vào. Hôm trước tôi chưa đến gặp bà vì còn vướng vội một số việc quan trọng.

Viên thanh tra đàng hoàng mở cuốn sổ tay ra:

- Cô Sheila Webb còn có tên gọi nào khác nữa không, thưa bà? Trong này tôi ghi Sheila R. Webb, nhưng tôi quên mất R. là tắt của chữ gì? Rosalie phải không?

- Không, thưa ông, "R." ở đây là Rosemary, - bà Lawton nói. - Cháu tôi được đặt tên thánh là tên kép Rosemary-Sheila. Nhưng nó thấy cái tên "Rosemary" nghe thơ mộng quá nên nó thích dùng tên "Sheila".

- Tôi hiểu. - viên thanh tra nói và cố không tỏ ra là mình mừng rỡ thấy một giả thuyết của mình tỏ ra là đã đúng. - Cô Sheila hình như mồ côi, phải thế không, thưa bà Lawton?

- Phải. Anh chị tôi đều qua đời từ khi cháu còn nhỏ.

- Cha cô ấy sinh thời làm nghề gì?

Bà Lawton cắn môi ngập ngừng rồi nói:

- Tôi không biết.

- Sao bà lại không biết?

- Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ.

Cảm thấy bà ta như còn muốn nói thêm, thanh tra Hardcastle chờ đợi.

Bà Lawton nói tiếp:

- Tôi chưa hiểu điều ông hỏi liên quan gì đến vụ án? Nghề nghiệp của anh rể đã quá cố của tôi ấy thì có liên quan gì kia chứ?

- Đối với bà thì có vẻ là thừa, thưa bà Lawton, nhưng bà hiểu cho, hoàn cảnh xảy ra vụ án quá khó hiểu, cho nên chúng tôi cần thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Xin bà hiểu cho: có khả năng là có kẻ đã cố đổ vấy vụ án lên đầu cháu gái bà. Có thể một kẻ nào đó đã bố trí để cháu gái bà đến số nhà đó đúng lúc trong nhà vừa xảy ra án mạng.

- Ông cho rằng, có ai đó muốn vu cho cháu tôi là hung thủ? Không! Không thể có chuyện ấy được... Cháu tôi không thể là hung thủ.

- Đã bao nhiêu lần, do lục tìm trong quá khứ mà chúng tôi tìm ra được động cơ của thủ phạm. Do cha mẹ qua đời từ lúc cô còn nhỏ, cô Sheila không thể biết cha mẹ cô xưa kia làm gì. Chính vì vậy mà tôi tìm gặp bà, thưa bà Lawton. Cả hai cha mẹ cô Sheila đều chết theo cách tự nhiên chứ?

- Chuyện ấy thì tôi không rõ. Tôi hoàn toàn không biết.

- Tôi tin rằng không nhiều thì ít, bà hẳn phải biết chứ?

- Tôi chưa hiểu, ông hỏi tất cả những chuyện ấy để làm gì? - bà Lawton lúng túng nói, vẻ mặt hết sức đau khổ.

Thanh tra Hardcastle chăm chú nhìn bà ta. Rồi ông dịu dàng đưa ra câu hỏi khác:

- Hay cô Sheila là con ngoài giá thú?

Lập tức, nét mặt bà Lawton giãn ra, vừa nhẹ nhõm trở lại, vừa xấu hổ.

- Vâng, đúng thế, nhưng nó không biết. Tôi chưa bao giờ để lộ chuyện đó ra với nó. Nó vẫn đinh ninh nó mồ côi, cha mẹ nó đã qua đời. Chính vì thế mà... ông hiểu tôi nói gì rồi chứ?

- Hoàn toàn hiểu, - viên thanh tra.nói. - Tôi xin hứa với bà là trong quá trình thẩm vấn tôi sẽ không hỏi cô Sheila về chủ đề này.

- Chẳng có gì để mà huênh hoang, - bà Lawton nói. - Tôi cam đoan là nếu cháu tôi biết được, nó sẽ hết sức đau lòng! Xin tiết lộ với ông, chị tôi xưa kia đã từng là niềm hy vọng của gia đình. Sau khi trở thành giáo viên, chị tôi rất thành đạt.

- Hiện nay bà ấy sông ở đâu?

- Tôi hoàn toàn không biết. Chị tôi nghĩ rằng nên xa hẳn cháu, như thế sẽ tốt cho cháu hơn. Tôi nghĩ, chắc chị ấy vẫn tiếp tục làm nghề dạy học.

- Nhưng sao bà ấy không tìm cách để biết tin tức của con gái? Điều này rất đáng lạ đốì với một bà mẹ.

- Đấy là do ông chưa biết tính chị tôi đấy thôi. Chị Ann tôi tính tình rất cứng rắn. Giữa hai chị em chúng tôi chưa bao giờ có chuyện tâm tình cả. Hai chị em chênh lệch tuổi quá nhiều. Tôi kém chị ấy những mười hai tuổi.

- Tôi hiểu.

Nói xong, thanh tra Hardcastle đứng dậy.

- Cảm ơn bà đã thành thật với tôi, thưa bà Lawton.

Viên thanh tra lấy tấm ảnh trong túi ra.

- Bà có biết người này không?

- Không. Tôi không nhìn thấy người này bao giờ.

- Thôi được. Tôi không muốn quấy rầy bà thêm nữa, bởi cô cháu bà chưa về...

- Đúng thế, hôm nay nó về muộn, - bà Lawton sực nhớ. - Lạ đấy. Rất ít khi cháu tôi về muộn. May mà chị Edna không chờ nó.

Thấy cặp mắt dò hỏi của viên thanh tra, bà giải thích.

- Đấy là chị bạn làm cùng với nó. Lúc nãy chị ấy đến đây tìm. Ngồi chờ một lúc xong, chị ấy bảo không thể chờ thêm được nữa.

Đột nhiên viên thanh tra sực nhớ, chính là cô gái ông vừa nhìn thấy đi trên hè phố, và cũng chính là cô gái đã ra đón ông ở Trung tâm Cavendish, chiều hôm xảy ra vụ án mạng. Chính là cái cô có chiếc giầy bị gãy gót.

- Chắc là bạn thân của cháu gái bà? - Hardcastle hỏi.

- Không đâu. Chỉ là cùng làm một chỗ với nhau thôi, xem chừng không thân gì mấy. Thú thật là khi chị Edna đến đây, bảo muốn gặp Sheila, tôi rất ngạc nhiên. Chị ta bảo có điều gì đấy chị ta không hiểu và muốn hỏi ý kiến cháu tôi.

Lúc sắp ra cửa, viên thanh tra hỏi thêm:

- Tên của cháu gái bà do ai đặt đấy?

- "Sheila" là tên bà ngoại cháu. Còn tên "Resemary" là do chị tôi đặt. Nhưng tên ấy thơ mộng quá, không hợp với cháu.

Ra đến góc phố, viên thanh tra vẫn lẩm bẩm: "Rosemary".. chà... Rosemary... Một sự hồi tưởng lại chăng, hay là..."

Chương mười ba

Sau khi đi ngược lên đại lộ Charing Cros, tôi ngoặt vào khu phố cổ, gồm những phố hẹp ngoằn ngoèo nằm giữa phố Oxford Mới và Công viên Covent Garden. Tại khu phố này chen chúc các cửa hiệu bán những thứ đồ hết sức bất ngờ: đồ cổ các loại, giầy để nhẩy múa, và rất nhiều búp bê.

Bất chấp sức quyến rũ của những cặp mắt xanh và nâu trong cửa hàng búp bê, tôi vẫn đến được cái đích mà tôi nhắm trước. Đó là một hiệu sách nhỏ, tồi tàn, nằm trên một phố hẹp gần Viện Bảo tàng British Museum. Tủ ngoài bầy sách: những cuốn tiểu thuyết cũ, những cuốn sách giáo khoa, giá ghi trên những mảnh giấy nhỏ dán vào là 3 hào, 6 hào, 1 shilling. Đủ các loại sách hổ lốn nằm bên cạnh những cuốn sách quý bọc gáy vàng.

Tôi lách vào, bởi khắp bốn phía chỗ nào cũng chất đầy sách, và mỗi ngày lại có thêm, khiến chủ hiệu phải xếp chúng ra tận sát vỉa hè.

Bên trong, lại càng như thế. Tại đây sách là chủ nhân, chiếm đoạt toàn bộ không gian, không một bàn tay nào đủ uy quyền bắt được chúng đứng thành hàng lối cho có trật tự. Lốì đi giữa hai giá sách hẹp đến nỗi tôi phải cố lách mới đi nổi. Không một cái bàn, không một ngăn giá nào không kín sách.

Mãi tận bên trong, một ông già ngồi trên chiếc ghế đẩu, xung quanh là sách. Đó là một ông già mặt phẳng như mặt mèo, đội chiếc mũ kiểu của các họa sĩ. Nhìn ông ta, người ta thấy ngay đấy là một người chịu thua, đã đầu hàng trước cả một làn sóng sách ào ào đến mà không sao sắp xếp chúng được. Vẻ mặt hoàn toàn bất lực, ông già gác chân lên đống sách cứ mỗi lúc một dâng lên như thủy triều. Đấy chính là ông Soloman, chủ hiệu sách này.

Nhìn thấy tôi, cặp mắt uất hận của ông dịu xuống, ông chào tôi.

- Cụ có cuốn sách nào thú vị cho tôi không?

- Ồng đành phải trèo lên thôi, thưa ông Colin. vẫn những cuốn về loài rong biển à?

- Vẫn thế.

- Ông biết lốì lên rồi đấy.

Tôi gật đầu rồi leo lên một cầu thang nhỏ, ọp ẹp, đầy bụi bẩn, nằm tận góc trong cùng.

Tầng hai dành cho sách về phương Đông, nghệ thuật, y học và tác phẩm cổ điển Pháp. Trên tầng này, đằng sau một tấm rèm, có một chỗ người bình thường không ai biết, chỉ dành riêng cho một số người đặc biệt, chuyên cất những cuốn sách nói về các giáo lý bí truyền.

Tôi leo lên tầng ba. Tại đây, người ta đã cố sắp xếp, nhưng kết quả rất hạn chế, những cuốn sách về vạn vật học, khảo cổ và các môn khoa học nghiêm túc khác.

Tôi lách đi giữa những sinh viên, những đại tá về hưu, những mục sư, len qua những chồng sách nghiêng ngả. Đột nhiên tôi bị chắn đường bởi một cặp trai gái đang ôm ghì lấy nhau, quên cả vũ trụ bao quanh.

- Xin lỗi! - tôi gạt họ ra để đi tiếp.

Tôi vén tấm rèm che một cái cửa, mở cửa ra, bước vào trong. Tôi vào đến một kiểu hành lang rất đặc biệt, cũ kỹ nhưng sạch sẽ, hai bên treo những bức họa vẽ phong cảnh đồng cỏ sứ Ecôt. Trước mặt tôi là một cánh cửa có nắm tay bằng đồng sáng loáng. Tôi gõ nhè nhẹ. Một bà già ra mở cửa, tóc bạc, mặc váy dài và áo len mầu xanh lá cây kiểu khá lạ mắt.

Không cần chào hỏi gì, bà già reo lên:

- Cậu đây rồi. Hôm qua ông ấy đã hỏi sao chưa thấy cậu đến, và có vẻ không bằng lòng đấy. Lần sau đừng như thế nữa!

Câu sau cùng bà già nói giọng như mắng trẻ con.

- Vú yên tâm!

- Đừng gọi ta là "Vú". Ta đã nói bao nhiêu lần

rồi.

- Đấy là do bà đấy chứ. Lúc nào bà cũng coi tôi như con nít.

- Thôi được. Vào đi.

Bà già ấn một nút trên máy truyền âm, nhấc ống nói, nói:

- Cậu Colin... Vâng, cậu ấy vào ngay đây.

Bà ra hiệu cho tôi vào.

Tôi bước vào một gian phòng tối tăm, mù mịt khói thuốc lá, khiến tôi không nhìn thấy gì hết. Khi mắt đã cay xè, tôi cố định thần mới nhìn thấy vóc dáng to béo của sếp, ngồi khoanh tròn trong một chiếc ghế cũ nát, trước mặt là chiếc bàn có trục xoay.

Tháo cặp kính trên mắt ra, đại tá Beck đẩy chiếc bàn nhỏ trên đặt một cuốn sách dầy cộm, nhìn tôi vẻ không hài lòng.

- Thì ra bây giờ cậu mới đến:

- Vâng, thưa sếp.

- Có gì mới không?

- Chưa, thưa sếp.

- Cách đó không được đâu, Colin. Cậu nghe thấy tôi nói gì rồi chứ? "Trăng Lưỡi Liềm"! Cậu đúng là vớ vẩn.

- Tôi vẫn tin rằng...

- Thôi được, nếu vậy cậu cứ nghĩ nữa đi. Nhưng không thể cứ đợi cho cậu nghĩ đến vô cùng tận.

- Tôi công nhận đấy chỉ là một giả thuyết...

- Giả thuyết là thứ cần thiết.

Sếp của tôi quả là có cách suy nghĩ mâu thuẫn.

- Những thành công lớn nhất của tôi là do các giả thuyết. Chỉ có điều cái giả thuyết của cậu khập khễng thế nào ấy. Cậu kiểm tra các nhà hàng rồi chứ?

- Vâng, thưa sếp.

- Vậy là xong rồi chứ gì?

- Chưa xong hẳn.

- Cậu cần bao nhiêu thời gian nữa?

- Nhưng hiện giờ tôi muôn xin sếp cho tôi ở lại đây thêm chút nữa. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên... và tôi nghi...

- Sự kiện! Cần sự kiện, cậu rõ chưa? Phải dựa vào sự kiện, chứ không thể dựa vào suy luận được. Nếu không, cậu sẽ lạc hướng đấy!

- Trung tâm điều tra của tôi là: Wilbraham Crescent, phố Wilbraham Trăng Lưỡi Liềm!

- "Trăng Lưỡi Liềm", được rồi, nhưng cậu nói rõ hơn xem nào?

- Sự trùng hợp là tại phố đó có một vụ án mạng.

- Nạn nhân?

- Một kẻ chưa biết tung tích. Y mang trong người tấm danh thiếp mang một cái tên giả và một địa chỉ giả.

- Chà. Hứa hẹn đây. Thế rồi sao?

- Hiện nay chưa có gì rõ ràng, thưa Sếp, nhưng tôi...

- Vậy cậu đến đây để đề nghị tôi cho cậu tiếp tục lục soát cái phố Wilbraham Crescent, trong cái thị trấn có cái tên oái oăm, tên thế nào ấy nhỉ?

- Thị trấn Crowdean, cách cảng Pơrtlebury mười dặm. Tại đó có một số đối tượng tôi thấy lai lịch của họ có nhiều khả nghi.

Đại tá Beck kéo chiếc bàn lại gần, lấy cây bút bi trong túi áo ra, nhìn vào mắt Colin:

- Nhà nào?

- Ngôi nhà đó có tên là Biệt thự Diana, số 20, phố Wilbraham Crescent. Tại đấy có một bà tên là Phu nhân Hemmings sống với cả một đàn mèo đông đúc, ít ra cũng non hai chục con.

- Diana? Hừm! - viên Đại tá thốt lên. - Vị nữ thần của Mặt Trăng, đúng không nhỉ? Cái bà Hemmings ấy làm gì?

- Không làm gì cả, chỉ nuôi một đàn mèo và chăm sóc chúng.

- Một vỏ bọc độc đáo, rất có thể là như thế. Thôi được, - viên Đại tá gật đầu. - Còn gì nữa không?

- Còn. Một nhân vật nữa tên là Ramsay, tự nhận là kỹ sư công chính, quanh năm vắng nhà.

- Chà, nhân vật này nghe chừng đáng để mắt đấy! Cậu muốn biết thêm thông tin về lão chứ gì? Đồng ý!

- Có vợ, hai đứa con trai rất tinh nghịch.

- Có thể lắm. Đã từng có những đứa như thế. Cậu nhớ thằng cha Pendleton rồi chứ? Y cũng có vợ và mấy đứa con. Chị vợ y tin như sắt đá rằng chồng chị ta chỉ là một chủ hiệu sách nghiêm túc, chuyên về sách văn học phương Đông. Ta nhớ ra rồi. Thằng cha Pendleton kia có thêm một chị vợ nữa bên Đức và hai đứa con gái. Rồi còn một thằng cha nữa ở Thụy Sĩ. Không hiểu đấy là vỏ bọc, hay do nhu cầu tình dục của hắn quá mạnh. Chịu. Kể tiếp đi.

- Rồi tại số nhà 63, có một cặp vợ chồng già, ông giáo McNaughton, người Ecốt, nghỉ hưu, suốt ngày chỉ chăm nom khu vườn. Không có gì khả nghi.

- Được, ta sẽ cho thẩm tra. cẩn thận, ta cứ cho thẩm tra tất. Nhưng tại sao cậu quan tâm đến mấy người đó?

- Vì vườn sau của họ dính với vườn của ngôi nhà xảy ra án mạng.

- Chà, cậu có lối suy luận kiểu Pháp đấy. Xác chết của ông chú tôi ở đâu? Tại nhà bà thím! Thôi được, còn số nhà 19?

- Một bà già mù, xưa là giáo viên Trung học, nay dạy chữ nổi cho một Viện người mù. Nhưng cảnh sát địa phương đã tìm hiểu sâu về lai lịch bà ta rồi.

- Bà ta sống một mình?

- Vâng.

- Vậy cậu nhắm cái gì mà quan tâm đến những người ấy?

- Tôi cho rằng, nếu như án mạng xảy ra tại một trong những ngôi nhà đó, thì hung thủ rất dễ dàng đem xác chết sang đặt ở số nhà 19. Hắn chỉ cần chọn một lúc nào đó thuận lợi. Đấy chỉ là một giả thuyết. Nhưng tôi thu lượm được một thứ có thể trình bày Sếp. Xin sếp ngó qua.

Colin lấy đồng tiền dính bẩn đưa ra.

- Tiền Tiệp khắc? Cậu moi được ở đâu đấy?

- Không phải tôi. Mà người khác nhặt được sau ngôi nhà số 19.

- Đáng chú ý đấy. Nói cho cùng thì định kiến của cậu về Trăng Lưỡi Liềm và những mơ tưởng của cậu về trăng sao có khi sẽ đem lại kết quả không biết chừng. Hút không? - Đại tá Beck chìa điếu xì- gà ra mời tôi.

- Cảm ơn. Lúc này tôi đang bận.

- Cậu sẽ quay lại thị trấn Crowdean chứ?

- Vâng. Sáng nay tôi phải đến dự phiên tòa để khởi tố vụ án. Nhưng chắc chắn phiên tòa sẽ hoãn thôi.

- Tôi nghi trong khu phố đó có một con bé dễ thương, có không?

- Có, - tôi khó chịu đáp.

Đột nhiên ông Đại tá cười khùng khụe.

- Thôi được, cậu trai, cẩn thận không lạc lối đấy. Chà, lại một lần nữa ái tình thò cái đầu gớm ghiếc của nó lên. Quen cô bé lâu chưa?

- Chuyện này... Tóm lại, đấy chính là cô gái đã phát hiện ra xác chết.

- Lúc ấy con bé làm gì?

- Rú lên.

- Chà, hiểu rồi! Con bé gục vào vai cậu khóc nức nở, để kể cho cậu nghe đầu đuôi chứ gì? Đúng thế không?

- Tôi chưa hiểu Đại tá nói thế là ý gì?... Nhưng xin Sếp xem thêm thứ này nữa.

- Tôi lấy tấm ảnh chụp nạn nhân đưa ông.

- Ai đây? - Đại tá Beck hỏi.

- Nạn nhân vụ án mạng?

- Một ngàn phần trăm, con bé của cậu là hung thủ. Tôi thấy chuyện này có gì khả nghi lắm.

- Tại tôi chưa kể hết với sếp.

- Khỏi cần, - viên Đại tá nói.- Bây giờ cậu chạy đến Tòa án đi, nhớ theo dõi cô bé xinh đẹp kia! Cô ta có mang một cái tên nào dính dáng đến trăng sao không? Diana... Artmis?

- Không.

- Thôi được, hãy cứ thế. Tôi nhắc lại: cẩn thận con bé.

Chương mười bốn

DDã lâu lắm rồi tôi không đến ngôi nhà này. Lên thang máy xong, tôi bấm chuông phòng 203. Một gia nhân ăn mặc kiểu cách ra mở cửa, tươi cười.

- Chào ông Colin. Lâu quá rồi không thấy ông đến.

Tôi nhìn thấy ông bạn già Hercule Poirot, ngồi trong ghế bành to tướng như mọi khi, bên cạnh lò sưởi.

- A, anh bạn trẻ! Xin tỏ lời khen ngợi anh bạn về thành công gần đây nhất của anh, vụ Larkin, nếu tôi không lầm.

- Hiện giờ thì cuộc điều tra đang tiến triển tốt, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, tôi đến gặp ông hôm nay không phải về vụ đó.

- Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, - Poirot nói.

Viên thám tử tư nổi tiếng chìa tay, ra hiệu mời tôi ngồi, đưa tôi một ly rượu thuốc. Tôi khước từ không một chút do dự. Sau khi đưa mắt nhìn những cuốn sách quăng bừa bãi xung quanh ông ta, tôi nói:

- Hình như ông đang tìm cái gì thì phải?

Poirot thở dài đáp:

- Anh đoán có phần đúng. Nhưng chỉ một phần thôi. Trong vụ án tôi đang điều tra, tôi thấy phải đọc một số cuốn tiểu thuyết hình sự.

"Anh bạn trẻ xem đây này: Bí mật của căn phòng mầu vàng. Một cuốn đáng xếp vào loại kinh điển, làm tôi rất ưng. Cuộc điều tra trong này được tiến hành hết sức lô gich. Tôi nhớ báo chí có một số bài phê phán là tác giả cố tình. Nói thế là sai, anh bạn trẻ ạ, hoàn toàn sai. Đây mới đúng là một kiệt tác, mà rất tiếc là bị người thời nay bỏ qua.

Nhặt lên một cuốn sách khác, ông nói tiếp:

- Đây là của tác giả Garry Gregson, một tác giả đẻ như gà: nếu tôi nhớ đúng thì ông ta đã cho ra đời sáu mươi tư cuốn truyện hình sự. Nhưng toàn chuyện rối rắm, vô lý đến mức khủng khiếp. Loại truyện ra bãi rác chúng ta xúc được hàng thúng! Đầy xác chết, đủ thứ bằng chứng chồng chất lên nhau kín cả các trang sách. Hoàn toàn không có chi tiết nào tin được, không một chi tiết nào giống với thực tế cuộc đời!

Rồi ông vố một cuốn khác, nâng lên âu yếm:

- Những truyện phiêu lưu của Sherlock Holmes.

- Poirot nói bằng giọng thán phục. - Một cây bút bậc thầy!

- Sherlock Holmes?

- Không, mà là tác giả Arthur Conan Doyle. Tuy chuyện của ông ta có rất nhiều thứ khó tin là có thật, nhưng lại được ông ta xếp đặt thành những tình huống hoàn toàn có thể tin là chúng có thật. Thêm vào đấy là một văn phong tuyệt diệu. Bác sĩ Watson thì đúng là một sáng tạo kỳ lạ! Một thành công xứng đáng.

Tôi nói:

- Thưa ông Poirot, lý do tôi đến đây thăm ông hôm nay, thật ra là bản thân tôi đang vấp phải một cái nút rất khó gỡ: một vụ án mạng nhỏ xinh xắn.

- Anh bạn muốn tôi gỡ à? - Poirot nói.- Một vụ án mạng?

- Vâng, hoàn toàn khó hiểu. Thậm chí không thể hiểu nổi.

- Không có vụ án không thể hiểu nổi,- Poirot nói. - Mọi chuyện đều có thể giải thích được. Mọi chuyện trên đời, không chừa một chuyện nào.

Vẫn ngồi yên trong ghế bành, gõ ngón tay một cách lơ đãng, ông nghe tôi thuật lại chi tiết. Khi tôi ngừng kể, ông không đưa ra lời bình phẩm nào.

Lát sau, không giữ nổi kiên nhẫn, tôi kêu lên:

- Ông không nói gì sao, thưa ông Poirot?

- Anh bạn muốn tôi nói gì nào?

- Xin ông cho tôi lời giải. Khi nghe ông nói, tôi luôn hiểu rằng chỉ cần ngồi trong ghế bành, bình thản suy nghĩ để tìm ra câu giải đáp. Rằng hoàn toàn vô ích chạy tứ tung tìm dấu hiệu này nọ.

- Đúng là tôi thường nói như thế.

- Cho nên tôi cho ông là nói khoác. Ông làm tôi thất vọng đấy. Tôi đinh ninh là ông tìm được lời giải ngay lập tức.

- Nhưng anh bạn trẻ thân mến, vừa rồi anh bạn mới cung cấp cho tôi một tấm sơ đồ. Còn bao nhiêu điểm phải làm cho rõ. Hẳn cảnh sát sẽ tìm ra tung tích của nạn nhân rất nhanh đấy. Họ rất giỏi về khoản đó.

- Vậy theo ông thì lúc này ta chưa nên làm gì, phải ngồi chờ cảnh sát tìm ra tung tích đã?

- Bao giờ cũng vẫn có những việc có thể làm trong lúc chờ đợi.

- Thí dụ?

Poirot gí ngón tay trỏ vào mũi tôi:

- Thí dụ la cà trò chuyện với các hàng xóm.

- Tôi làm chuyện ấy rồi. Tôi đã đi theo thanh tra Hardcastle trong các cuộc thẩm vấn của anh ta. Nhưng hàng xóm không ai biết gì hết.

- Ái chà chà, đấy là ý kiến của riêng anh bạn. Nhưng tôi cam đoan là anh bạn lầm. Nếu ta hỏi họ có thấy gì lạ không, tất nhiên họ trả lời là không thấy. Đó là điều chắc chắn. Vậy mà anh bạn đã vội tin ngay câu trả lời của họ. Tôi khuyên anh bạn trẻ la cà trò chuyện với họ, đâu phải là dò hỏi kiểu đó! Tôi nhắc lại: là cà trò chuyện. Khi đó nhất định anh bạn sẽ phát hiện ra một chi tiết nào đó hết sức quý báu. Họ nói về khu vườn, về cây cỏ, về súc vật, về bác thợ cắt tóc, về quần áo của họ, bất kể họ nói về cái gì, cũng có một chi tiết nào đó làm lộ ra một thứ gì đáng cho chúng ta lưu ý. Anh bạn bảo câu chuyện của họ chẳng có gi đặc biệt, chẳng giúp ích được gì cho anh bạn. Xin lỗi, tôi không tin! Giá như anh bạn kể được cho tôi nghe chính xác những câu họ nói...

- Rất dễ,- tôi kêu lên. - Làm chân trợ lý cho thanh tra, tôi ghi lại tất cả. Xin đưa ông.

- Anh bạn đáng khen đấy! Rất tốt! Đúng là phải làm như thế! Tuyệt vời. Tôi cảm ơn anh bạn vô cùng tận.

Tôi rụt rè hỏi, ông còn khuyên tôi điều gì nữa không.

- Có chứ. Lúc nào cũng có. Cô gái kia chẳng hạn. hãy đến gặp và trò chuyện với cô ta. Hai người đã khá thân nhau rồi chứ gì? Lúc cô ấy lao ra khỏi ngôi nhà, cô ta chẳng đâm bổ vào anh bạn, và anh bạn đã ôm chặt cô ta, đúng thế chứ gì?

- Tôi thấy ông bị ảnh hưởng những chuyện sướt mướt của nhà văn Garry Gregson rồi đấy. Ông đã quá coi trọng tình huống.

- Có thể anh bạn nói đúng,- Poirot công nhận,- Con người ta rất dễ chịu ảnh hưởng những cuốn tiểu thuyết họ đọc.

- Còn cô gái kia... tôi rất muốn...

- Ra thế. Tôi hiểu rồi, anh bạn rất không muốn thấy cô ta là hung thủ, hoặc đồng bọn của hung thủ.

- Đúng thế. Việc cô ta có mặt ở đấy chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên.

- Không đâu, anh bạn trẻ thân mến ạ. Không có gì hoàn toàn ngẫu nhiên đâu. Anh bạn thấy rồi đó. Tại sao khi gọi điện thoại đến xin một thư ký đánh máy, người ta lại chỉ đích danh cô ấy?

- Chính cô ấy cũng không biết tại sao.

- Anh bạn tin chắc là như thế chứ? Rất nhiều khả năng là cô ấy biết tại sao, nhưng không nói ra.

- Tôi không tin, - tôi bướng bỉnh nói.

- Ngay trường hợp quả thật cô ấy không biết, thì chỉ khi trò chuyện với cô ấy anh bạn mới hy vọng có thể biết được sự thật.

- Tôi chưa hiểu nói chuyện cách nào để biết được... bởi tôi chỉ mới quen cô ta.

Poirot nhắm mắt lại.

- Khi một nam giới và một phụ nữ cảm thấy mến nhau, thì dễ xảy ra tình trạng đó lắm,- Poirot trầm ngâm nói.- Cô ấy khá dễ thương đấy chứ?

- Vâng, rất dễ mến.

Poirot sôi nổi nói:

- Nếu vậy thì mạnh dạn trò chuyện với cô ấy đi nào. Hai người đã thân nhau rồi kia mà. Rồi quay lại gặp bà giáo mù, gợi chuyện bà ta, la cà chuyện phiếm với bà ta. Rồi đến Trung tâm, kiếm cớ thuê đánh máy một tài liệu nào đó, bắt chuyện với một cô thư ký nào ở đó. Anh bạn hãy làm tất cả những việc đó đi rồi quay về đây kể lại cho tôi nghe.

- Tôi ngại quá! - tôi kêu lên.

- Không đâu, làm những việc đó cũng là một cách giải trí đấy.

- Ông không biết là tôi còn bao nhiêu công việc riêng của tôi nữa.

- La cà, chuyện phiếm sẽ làm anh bạn giải tỏa sự căng thẳng, có lợi cho sức khỏe của anh bạn đấy. Sau những cuộc la cà như vậy, anh bạn làm công việc riêng của anh bạn sẽ tốt hơn cho mà xem.

Tôi cười đứng dậy.

- Cảm ơn bác sĩ. Bác sĩ không cho tôi được lời khuyên nào bổ ích hơn hay sao? về chuyện những chiếc đồng hồ khó hiểu kia thì ông thấy sao?

Ngả lưng ra ghế, Poirot nhắm nghiền mắt. Rồi tôi ngạc nhiên thấy ông ta ngâm những cần thơ.

Đã đến lúc, con Hải Mã nói

Bàn luận về đủ thứ chuyện trên đời

Tầu thuyền, giầy dép, cây cối

Vua chúa, biển cả và bao nhiêu thứ nữa

Tại sao biển lại bùng lên dữ dội

Rồi run rẩy trên những con sóng bạc đầu?

- Anh bạn vẫn nghe tôi nói đấy chứ?

- Một đoạn trong kiệt tác Alice trong xứ sở thần tiên?

- Chính thế. Anh bạn hãy suy ngẫm đi. Lúc này tôi mới chỉ có thể nói với anh bạn như thế, anh bạn thân mến ạ.

Chương mười lăm

Phòng xử án đông nghẹt. Dân các phố trong thị trấn Crovvdean tò mò muốn nghe những tình tiết ly kỳ trong vụ án mạng xảy ra trong địa phương của họ, đã kéo nhau đến ngồi chật trong hội trường. Tuy nhiên, việc thẩm vấn diễn ra quá ngắn gọn, sơ sài. Cô thư ký đánh máy Sheila hóa ra lo quá mức. Cô chỉ bị thẩm vấn trong vòng có vài phút.

"Có người gọi điện đến văn phòng Trung tâm yêu cầu cô đến số nhà 19 phố Wilbraham -Crescent. Theo đúng lời chỉ dẫn, cô tự động vào phòng khách chờ. Khi phát hiện ra xác chết, cô rú lên kinh hoàng rồi bỏ chạy ra ngoài kêu cứu".Bà Martindale bị thẩm vấn còn nhanh hơn. Người ta gọi điện cho bà yêu cầu cử một thư ký đánh máy, nếu được cô Sheila thì tốt nhất, vào lúc 13 giờ 49 phút, giờ này bà đã ghi vào sổ. Không ai hỏi gì thêm.

Đến lượt bà Pebmarsh ra đứng trước vành móng ngựa, bà phủ nhận là đã gọi điện cho Trung tâm Cavendish yêu cầu một thư ký đánh máy.

Tiếp đến lời khai ngắn gọn của thanh tra Hardcastle. Do được điện thoại báo, ông lập tức đến số nhà 19 phố Wilbraham Crescent, và thấy xác chết.

Viên công tố hỏi:

- Các ông đã tìm ra lai lịch nạn nhân chưa?

- Chưa. Chính vì vậy mà tôi đã đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra thêm.

Sau đó đến bác sĩ pháp y, ông này kể tóm tắt việc ông đến ngôi nhà có thi thể nạn nhân, rồi ông trình bày kết quả khám nghiệm tử thi,

- Theo ông thì nạn nhân chết vào thời gian nào?

- Tôi đến đấy lúc 15 giờ mười lăm phút. Tôi ước đoán nạn nhân tắt thở trong khoảng giữa 13 giờ 30 và 14 giờ 30.

- Ông không thể xác định chính xác hơn?

- Không. Việc đó rất khó. Tôi ước đoán vào khoảng gần 14 giờ, thậm chí có thể sớm hơn chút ít. Nhưng muốn chính xác nữa, cần biết đích xác tuổi tác và sức khỏe của nạn nhân, mà những thứ này hiện cơ quan điều tra chưa cho biết.

- Ông có tiến hành mổ xác?

- Có.

- Nguyên nhân của cái chết?

- Bị một thương tích do dao đâm, lưõi dao mỏng và rất nhọn, loại dao chặt. Mũi đao đâm thấu vào sâu... Xuyên qua tim.

- Nạn nhân chết ngay lập tức?

- Sau vài giây đồng hồ.

- Trước khi chết nạn nhân có kêu hoặc giẫy giụa không?

- Không. Nạn nhân không còn khả năng đó.

- Xin bác sĩ nói rõ hơn.

- Theo kết quả xét nghiệm máu thì nạn nhân đã bị nhiễm chất thuốc ngủ, cho nên lúc bị đâm, ông ta trong trạng thái nửa thức nửa ngủ.

- Xin bác sĩ cho tòa biết chất thuốc ngủ đó.

- Hydrate de chloral.

- Theo bác sĩ thì người ta đã đưa chất đó vào người nạn nhân bằng cách nào?

- Pha vào rượu rồi cho uống. Cho nên thuốc tác động ngay lập tức. Theo tôi đoán, ông ta uống mà không nghi ngờ gì, vài phút sau thì mê đi và lăn ra.

- Vậy theo ông thì ông ta bị đâm trong trạng thái vô thức.

- Đúng thế. Do đấy nét mặt nạn nhân bình thản, không hề có dấu vết một cuộc vật lộn hay chống đỡ.

- Theo ông thì từ lúc nạn nhân bất tỉnh đến lúc bị đâm, thời gian là bao nhiêu?

- Rất khó biết. Cái này còn tùy cơ thể từng người. Tôi đoán ít nhất cũng phải nửa giờ hoặc hơn nữa.

- Cảm ơn bác sĩ. Theo ông thì lúc bị giết, nạn nhân đã ăn gì chưa?

- Nếu tòa định hỏi là ông ta ăn bữa trưa chưa, thì xin nói rằng chưa. Ít nhất là trong vòng bốn tiếng đồng hồ trước đó nạn nhân không ăn gì.

- Cảm ơn bác sĩ Riggs. Mời ông về chỗ.

Viên công tố nhìn cử tọa, rồi tuyên bố:

- Phiên tòa hoãn đến ngày 28 tháng Chín.

Mọi người xô ra cửa. Tuy nhiên chỗ gần cửa, cô thư ký Edna Brent cùng mấy bạn gái chần chừ chưa đi ra.

Sáng nay Trung tâm nghỉ việc. Do đó, cô Maureen West gọi Edna:

- Ta ăn trưa ở nhà hàng Chim Xanh chứ? Còn khối thời gian. Đi với tao.

- Không được đâu. "Hùm Cái" phân công tao về trực. Đến khổ! Tao đã định sáng nay đi dạo phố và mua sắm vài thứ lặt vặt.

- Có thật là "Hùm Cái" không? Bởi hai giờ mới bắt đầu giờ làm việc buổi chiều. Mà hình như mày tìm ai thì phải?

- Sheila. Sao chưa thấy nó ra nhỉ?

- Nó ra rồi, ngay sau khi bị thẩm vấn, - Maureen nói. Nó đi với một cậu chàng, tao nhìn nhưng không rõ là cậu nào. Vậy mày chở tao về chứ?

Nhưng Edna vẫn chần chừ, rồi cuối cùng mới nói:

- Mày đi một mình vậy. Tao còn phải mua sắm vài thứ.

Thế là Maureen đi cùng với mấy cô gái khác.

Edna vẫn đứng chờ. Cuối cùng cô ta rụt rè hỏi nhân viên cảnh sát trẻ tuổi, tóc vàng đứng gác ở cửa hội trường.

- Tôi muốn quay vào, được không? - Edna nói rất khẽ. - Tôi muốn gặp cái ông hôm trước đã đến Trung tâm, tôi không biết tên ông ta, chỉ biết là thanh tra cảnh sát.

- Thanh tra Hardcastle?

- Đúng đấy. Cái ông được thẩm vấn lúc nãy.

Quay đầu về phía bên trong hội trường, viên cảnh sát trẻ tuổi nhìn thấy thanh tra Hardcastle đang bàn luận vẻ quan trọng với chủ tọa phiên tòa và viên công tố.

Anh ta nói với cô gái:

- Hình như ông thanh tra đang bận. Lát nữa cô quay lại. Hay nếu muốn nhắn gì thì tôi chuyển lời cho? Chuyện có quan trọng lắm không?

- Không đâu, không quan trọng lắm, bởi tôi muốn nói rằng điều người ta khai không phải hoàn toàn như thế, bởi anh biết không...

Rồi cô ta đi, hàng lông mày nhíu lại.

Rời khỏi khu vực Tòa án, Edna đi lên phố High Street, trán vẫn mang dáng suy nghĩ. Khốn nỗi Edna không phải là người quen suy nghĩ, càng nghĩ cô càng thấy rối mù. Cô nói lên thành tiếng:

"Vô lý! Không thể như thế được... Không thể như thế được".

Đột nhiên, dáng quả quyết, đến đại lộ Albany, Edna ngoặt sang phố Wilbraham Crescent.

Từ lúc báo chí đưa tin về vụ án mạng, tại chỗ này, lúc nào cũng có một đám đông tụ tập trước mặt số nhà 19. Mấy ngày đầu tiên, đồn cảnh sát còn cử nhân viên ra đứng đấy để thúc giục mọi người tản đi, những hôm sau số người tò mò đứng lại nhìn bớt đi, nhưng vẫn không hết hẳn.

Đến đây, Edna lách trong đám người tụ tập nhìn số nhà 19. Vốn đa cảm, Edna bị cuốn theo tình cảm của những người tụ tập ở đây. Chính trong ngôi nhà số 19 kia, đã có một người đàn ông bị giết. Bằng một con dao phay nhà bếp, con dao mà nhà nào cũng có...

Bị thôi miên trong không khí đó, cô Edna Brent cũng đăm đăm nhìn, và không nghĩ được gì nữa... Cô quên bẵng mất mục đích cô đến đây... Đột nhiên cô nghe thấy một tiếng người nói bên tai cô.

Edna ngoái đầu lại, sửng sốt...

Chương mười sáu

LỜI KỂ CỦA COLIN

Tôi nhìn thấy Sheila Webb ra khỏi phòng xử án. Lời khai của cô ấy tôi cảm thấy rất rõ ràng. Tất nhiên cô ấy nói bằng giọng run rẩy, nhưng thế là chuyện bình thường.

Nghe xong lời khai của bác sĩ pháp y Rígg, tôi bèn lẩn ra ngoài, không báo cho thanh tra Hardcastle biết, rồi đuổi theo Sheila.

Khi đã đi ngang tầm với cô, tôi nói:

- Ra việc khai trước tòa cũng không đến nỗi đáng sợ lắm, đúng vậy không?

- Còn quá bình thường ấy chứ. Tôi thấy ông công tố rất hiền, - cô ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: - Sau đây sẽ thế nào, anh?

- Tòa hoãn việc xét xử để chờ tìm thêm dấu hiệu. Khoảng nửa tháng nữa, thậm chí đến khi nào tìm ra được lai lịch của nạn nhân.

- Theo anh thì liệu họ có tìm ra được tung tích ông ta không?

- Tất nhiên là tìm được, chẳng phải chuyện khó khăn gì lắm.

- Hôm nay trời lạnh quá, - Sheila run rẩy.

Cô ta nói không đúng. Hôm nay phải gọi là nóng thì mới đúng.

- Cô nghĩ sao, nếu tôi mời cô đi ăn trưa? Hai giờ chiều cô mới phải đến Trung tâm kia mà?

- Vâng, đúng thế.

- Nếu vậy ta đi ăn. Cô thích món ăn Trung Hoa không? Theo tôi nhớ thì cuối phố này có một quán ăn nhỏ của người Hoa.

- Không được đâu. Tôi còn phải đi mua sắm vài thứ.

- Mua bán để sau cũng được chứ sao?

- Không được, vì nhiều cửa hiệu đóng cửa trong khoảng một rưỡi đến hai giờ.

- Vậy ta hẹn gặp nhau tại chỗ này sau đây nửa giờ.

Sheila gật đầu.

Để tránh gió, tôi ra ngồi bên cạnh bờ biển. Vào giờ này, chỉ có một mình tôi.

Tôi muốn suy nghĩ. Bao giờ cũng là điều uất giận khi thấy mọi người biết về mình nhiều hơn là chính mình biết về bản thân. Tuy nhiên, cả thanh tra Hardcastle, thám tử Poirot, lẫn ông Đại tá già Beck đều đã thấy rõ điều mà bản thân tôi lúc này buộc phải thừa nhận.

Là tôi thấy mến cô gái kia, mến hơn là tất cả những cô gái tôi đã gặp trước đây.

Không phải vì nàng đẹp: nàng có đẹp, nhưng không phải chỉ vì thế. Cũng không phải vì nàng có thân hình gợi cảm. Nhưng ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, chưa biết gì về nàng, tôi đã hiểu ngay rằng nàng là người con gái dành cho tôi, người con gái tôi hằng mơ ước.

Sau 14 giờ một chút, tôi đến đồn cảnh sát thị trấn gặp Hardcastle. Tôi thấy anh ta ngồi trước bàn giấy chất đầy giấy tờ và đang tìm tòi gì đó. Thấy tôi vào, Hardcastle ngẩng đầu lên hỏi tôi cảm tưởng về phiên thẩm vấn sáng nay.

Tôi nói:

- Tiến hành rất tốt và được điều khiển khôn ngoan.

- Thứ đó thì dân ta thạo rồi, một phẩm chất mang tính quốc gia đấy. Cậu thấy bản tường trình của pháp y thế nào?

- Đúng là một quả bom. Tại sao cậu không cho mình biết từ trước?

- Lúc đó cậu đã đi London rồi. Cậu đã hỏi ý kiến vị chuyên gia của cậu chưa?

- Tất nhiên là hỏi rồi.

- Mình hơi nhớ lờ mờ về ông ta. Một hàng ria mép rậm rì, đúng không nhỉ?

- Phải gọi là một bụi cây rậm rạp thì đúng hơn,

- Tôi nói. - Đấy là niềm kiêu hãnh của ông ta đấy.

- Hẳn ông ta già rồi?

- Nhưng chưa lẫn.

- Cậu tìm gặp ông ta làm gì? Lòng từ thiện Cơ- đốc chăng?

- Cảnh sát các cậu có lối nghĩ đến là kỳ cục! Kể ra thì cậu nói cũng đúng một phần đấy. Nhưng mình rất tò mò muốn biết ý kiến ông ta về vụ này.

- Ông ta có đọc biên bản không?

- Có.

- Thế ông ta nghĩ sao? - Hardcastle tò mò hỏi.

- Ông ta bảo vụ án rõ như ban ngày, Quá đơn giản.

Thanh tra Hardcastle nảy người lên:

- Đơn giản? Thế nào mà ông ta dám bảo đơn giản?

- Theo mình thì ông ta nhìn thấy đây là một vụ dàn cảnh rất ranh ma.

- Mình không hiểu, - thanh tra Hardcastle nói. - Có thể là bọn chúng rất ranh ma, nhưng mình chưa nhận ra. À, bọn mình tìm thấy hung khí rồi. Từ hôm qua.

- Thật à? Ở đâu thế?

- Trong cái hố dành cho mèo. Có lẽ hung thủ giấu trong đó.

- Hẳn là không còn vết tay?

- Đúng thế. Con dao được lau rất kỹ. Đấy là loại dao thái thịt rất bình thường, không còn mới, và mới được mài lại cho nhọn: con dao có thể của bất kỳ ai.

- Cậu bảo chúng dàn dựng rất khéo! Mình có cảm giác nạn nhân bị chúng đánh thuốc mê rồi chở đến số nhà 19. Bằng ô tô chăng? Hay bằng cách nào?

- Có thể chúng chuyển từ một trong mấy ngôi nhà giáp ranh sang. Những nhà có chung vườn với số nhà 19.

- Như thế, rủi ro có quá lớn không?

Thanh tra Hardcastle gật đầu:

- Hẳn chúng phải táo tợn lắm. Và tất chúng phải biết rất rõ tính chất các gia đình xung quanh. Nhưng có nhiều khả năng hơn, là chúng chuyển nạn nhân đến bằng ô tô.

- Cũng rất nguy hiểm. Rất dễ lộ.

- Nhưng đã không ai nhìn thấy. Mình công nhận là hung thủ không thể không tính toán đến khả năng có một người nhìn thấy. Người qua đường rất dễ nhận thấy có một xe ô tô đỗ trước cửa số nhà 19 ngày hôm đó.

Tôi nói:

- Mình thì lại không nghĩ như thế. Người đi đường sẽ không chú ý đâu. Trừ phi đó là một chiếc xe hình dạng đặc biệt. Mà hung thủ không đời nào dùng một chiếc ô tô như thế, để người ta chú ý.

- Hơn nữa, lúc đấy là giờ ăn trưa. Cậu thấy không, Colin, là tình huống này sẽ lôi cả ba Pebmarsh vào vòng nghi vấn, bởi nếu nạn nhân đã bị đánh thuốc mê, thì một người mù vẫn có thể đâm y được...

- Nói theo bà Hemmings đâm thành đúng, y đến đây để bị giết. Hung thủ hẹn y đến đây, mời y một ly gì đó. Y chủ quan, không đề phòng thế là bị mê. Khi đó bà Pebmarsh hạ thủ! Sau đó bà ta rửa chiếc ly, xếp thi thể nạn nhân cho ngay ngắn, và sau khi giấu con dao vào vườn nhà bên cạnh, lại đi làm mọi thứ như bình thường.

- Dọc đường, bà ta gọi điện đến Trung tâm Cavendish...

- Nhưng tại sao lại bà ta lại chỉ đích danh cô Sheila Webb? Dụ cô ta đến nơi xảy ra vụ án mạng nhằm mục đích gì?

- Đấy chính là khâu hiện nay đang bế tắc nhất,

- Thanh tra Hardcastle chăm chú nhìn tôi. - Hay cô ta biết trước chuyện này?

- Cô ta khẳng định với mình là xác chết đối với cô ta là điều hoàn toàn bất ngờ.

- Cô ta khẳng định, cô ta nói thế này, cô ta nói thế nọ... Nhưng còn cậu, thì cậu nghĩ sao, Colin?

Tôi lúng túng. Tôi nghĩ sao à? Tôi đã bị dồn đến chân tường. Sự thật bao giờ cuối cùng cũng lộ ra. Và nếu Sheila đúng là người như tôi nghĩ, thì cô ta không dính dáng gì đến vụ này.

Tôi thọc tay vào túi, lấy ra một tấm bưu thiếp, ném xuống mặt bàn, trước mặt anh bạn thanh tra cảnh sát.

Bưu điện vừa chuyển đến cho Sheila thứ này đây

Thanh tra Hardcastle cầm lấy xem rất kỹ. Tấm bưu ảnh chụp cảnh một phiên tòa đại hình tại thủ đô London. Mặt sau để gửi "Cô R.S. Webb, 14 phố Palmerston, thị trấn Crowdean". Bên trái chỉ có ba chữ: "Hãy nhớ lấy!" Dưới góc có con số "4.13".

- 4.13, - Thanh tra Hardcastle nhận xét. Đấy là giờ hôm đó đã được vặn trên bốn chiếc đồng hồ quái quỷ kia.

Rồi anh ta gật đầu, nói tiếp:

- Tấm ảnh tòa nhà trên phố Old Bailey này và ba con số hẳn phải có ý nghĩa gì đó.

- Sheila bảo cô ta không hiểu tấm bưu thiếp định nói gì, và mình tin cô ta nói thật.

- Cậu cho mình giữ tấm bưu thiếp này, biết đâu nó có thể giúp ích cho bọn mình.

- Mình hy vọng như thế.

Chuông điện thoại reo. Thanh tra Hardcastle nhấc máy.

- Vâng. Cái gì? Ai phát hiện ra cô ta? Biết tên cô ta không? Cậu đến đó ngay đi.

Hardcastle gác máy, quay sang tôi. Tôi thấy mặt anh ta lộ vẻ kinh hoàng và uất giận.

- Vừa phát hiện xác một. cô gái trong trạm điện thoại công cộng trên phố Wilbraham Crescent.

Tôi sửng sốt:

- Cậu bảo sao? Lại một người nữa bị giết?

- Bị thắt cổ bằng chính chiếc khăn quàng của cô ta.

Đột nhiên tôi rùng mình. Hardcastle nhìn tôi bằng cặp mắt rõ ràng có ý chê bai tôi.

- Cậu đừng sợ, không phải cô gái của cậu đâu, mà là một trong số cô bạn cùng làm với cô ấy. Cô này tên là Edna Brent.

- Ai phát hiện ra cô ta? Cảnh sát hay sao?

- Không, một phụ nữ bên số nhà 18, bà Waterhouse. Máy điện thoại nhà bà ta trục trặc, bà ta định ra gọi bằng máy công cộng ngoài phố, và thấy một cô gái nằm chết còng queo trong góc.

Cửa mở, một nhân viên cảnh sát bước vào:

- Bác sĩ Riggs vừa gọi điện, nói ông sẽ đến hiện trường ngay, và chờ ông thanh tra ở đó.

Chương mười bảy

Nửa giờ sau, một nhân viên cảnh sát trẻ tuổi, vẻ mặt xúc động, bước nhanh vào phòng giấy của thanh tra Hardcastle.

- Xin ông thanh tra thứ lỗi, nhưng tôi thấy cần báo cáo điều này ngay với ông.

- Chuyện gì vậy?

- Sau phiên tòa thẩm vấn, tôi đứng canh gác ngoài cửa hội trường. Cô gái vừa rồi bị giết ấy đã... đến hỏi tôi. Cô ấy muốn gặp ông thanh tra để nói điều gì đó.

Đột nhiên chú ý, thanh tra Hardcastle dướn người lên nhìn anh chàng cảnh sát viên.

- Gặp tôi? Cô ấy có nói về chuyện gì không?

- Không, thưa ông thanh tra. Tôi rất lấy làm tiếc, giá như lúc ấy tôi hỏi kỹ hơn thì phải. Tôi chỉ bảo cô ta là có cần nhắn ông thanh tra điều gì thì tôi nhắn cho... hoặc cô đi đâu một lúc rồi quay lại.

Bởi lúc đó ông đang hội ý với ông chủ tọa phiên tòa và ông công tố, tôi nghĩ không nên quấy rầy ông...

- Con khỉ! - Viên thanh tra văng tục. - Lẽ ra cậu phải báo ngay cho tôi biết chứ!

- Tôi rất ân hận, xin ông thanh tra tha thứ. Nếu tôi biết sau đó cô ấy bị thế này thì tôi đã không do dự mà đưa cô ấy vào gặp ông ngay. Với lại lúc ấy, cô ta bảo tôi rằng việc không quan trọng lắm, cô ấy chỉ nói rằng có một điều làm cô ấy áy náy.

- Làm cô ấy áy náy... - thanh tra Hardcastle lẩm bẩm.

Rồi ông ta suy nghĩ một lúc lâu.

Cô Edna này chính là cô gái Hardcastle đã gặp đi ngược chiều với ông hôm nọ, lúc ông trên đường đến gặp bà dì của Sheila. Và bà dì kia kể rằng cô Edna này đã đến tìm cháu gái bà, nhưng không gặp.

Viên thanh tra nói:

- Cậu hãy kể tỷ mỷ, không được bỏ sót một chi tiết nào. Chuyện này hết sức quan trọng đấy.

Mắt cậu nhân viên cảnh sát ánh lên một vẻ biết ơn sâu sắc.

- Thưa ông thanh tra, toàn bộ sự việc là thế này. Khi mọi người đã ra về hết cả rồi, cô gái kia nhìn xung quanh nhự thể tìm ai, rồi cuối cùng cô ấy đến bên cạnh tôi, ngỏ ý muốn gặp ông thanh tra, cô ấy nói là cái ông lúc nãy được thẩm vấn ấy. Tôi nhìn vào trong hội trường, thấy ông đang hội ý gì đó có vẻ quan trọng với ông chủ tọa phiên tòa và ông công tố. Tôi bèn bảo cô ta rằng hiện giờ ông thanh tra đang bận, và nếu cô cần nhắn gì thì cho biết, tôi sẽ chuyển lời. Hoặc nếu không, cô có thể đi đâu một lát rồi quay lại. Tôi nghe thấy cô ấy lẩm bẩm câu gì, đại loại là "cũng được". Tôi còn hỏi thêm, chuyện có quan trọng lắm không...

- Thì cô ấy bảo sao?

- Cô ấy bảo cũng không quan trọng lắm. Cô ấy có nói rằng sự thật không như người ấy khai.

- Không như người ấy khai? - viên thanh tra nhắc lại.

- Vâng, nguyên văn cô ấy nói đúng như thế. Và khi nói câu ấy, tôi thấy trán cô ấy cau lại. Nhưng khi tôi hỏi, chuyện ấy có quan trọng lắm không, thì cô ta lại trả lời rằng không.

"Không quan trọng lắm!" - cô gái bị kẻ nào thắt cổ chết đã nói như vậy trước lúc bị giết chỉ một giờ đồng hồ, trong một trạm điện thoại công cộng!

- Có ai thấy cô ấy nói chuyện với cậu không?

- Lúc ấy mọi người vẫn đang đi ra, bao nhiêu người có thể nhìn thấy.

- Nhưng có ai ở gần đấy có thể nghe được cô ấy nói những gì với cậu không?

- Không. Thưa ông thanh tra, tôi rất tiếc là đã xảy ra như vậy.

- Thôi được, cậu báo cáo như thế là rất tốt. Nếu cậu nhớ thêm được chi tiết gì thì báo cho tôi biết ngay.

Nhân viên cảnh sát trẻ ra rồi, thanh tra Hardcastle bỗng thấy trào lên một nỗi uất hận với bản thân mình. Cô gái ấy có dáng sợ sệt, cô ấy biết một điều gì đó, cô ấy đã nhìn thấy hoặc nghe thấy một điều gì làm cô ấy áy náy, và khi dự phiên tòa thẩm vấn xong, nỗi áy náy đã tăng lên. Hay lời khai của một nhân chứng đã làm cô ấy thấy không đúng? Rất có thể liên quan đến lời khai của Sheila Webb, chính vì thế mà cách đây hai ngày cô Edna này đã đến tìm Sheila ở nhà bà dì của cô ta. Rất có thể cô ấy đã thấy một "chuyện" gì đó ở Sheila, và muốn tranh luận riêng với bạn chứ không muốn công khai ra cho mọi người khác biết. Rất có thể là như thế.

Thanh tra Hardcastle nhấc máy điện thoại gọi cho Colin.

- Hardcastle đây. Cậu ăn trưa với cô Sheila lúc mấy giờ?

Colin ngập ngừng rồi đáp:

- Ai bảo cậu là mình ăn trưa với cô ấy?

- Mình đoán thế. Không đúng sao?

- Cậu không tán thành việc ấy chăng?

- Không phải. Mình chỉ muốn biết vào giờ nào thôi. Ngay sau phiên thẩm vấn chứ?

- Không. Sau đấy, cô ta còn đi mua sắm. Hai đứa mình hẹn gặp nhau ở quán ăn của người Hoa lúc 13 giờ.

- Được.

Thanh tra Hardcastle đưa mắt nhìn vào cuốn sổ: cô Edna bị giết trong quãng thời gian từ 12 rưỡi đến 13 giờ.

- Cậu muốn biết cô ta và mình ăn những món gì chăng? - Colin mỉa mai hỏi.

- Cậu đừng cáu. Mình muốn biết giờ chính xác để đưa vào báo cáo, có vậy thôi.

- Nếu chỉ như thế thì được...

Im lặng. Rồi thanh tra Hardcastle đấu dịu bằng cách đề nghị:

- Nếu tối nay cậu không có việc gì thú vị hơn, thì...

- Mình sắp đi xa, - Colin ngắt lời. - Mình hiện đang khóa va li. Lúc về đến đây, mình nhận được một lá thư. Mình phải ra nước ngoài ngay bây giờ.

- Hôm nào cậu về Anh?

- Sau đây khoảng một tuần lễ. Mà có thể lâu hơn. Thậm chí có thể không bao giờ.

- Vậy ư? Cậu bi quan thế kia à? Xoàng thế?

- Sự đời ai mà biết trưóc được? - Colin lên giọng triết lý, rồi bỏ máy.

Chương mười tám

Thanh tra Hardcastle đến số nhà 19 đúng lúc bà Pebmarsh đang sắp đi.

- Bà biết tin rồi chứ? - ông hỏi.

- Tin gì?

- Tôi tưởng bà đã biết. Một cô gái vừa bị giết trong trạm điện thoại công cộng ở góc phố Crescent này.

- Bị giết? Bao giờ vậy?

- Cách đây khoảng hai tiếng rưỡi.

- Không thấy ai nói gì với tôi. Không một ai, - bà nói giọng chua chát, như thể đột nhiên bà thấy hết tai hại tình trạng tàn tật của bà ta. - Nhưng cô gái nào vậy?

- Edna Brent, một nhân viên khác của Trung tâm Cavendish.

- Lại vẫn nhân viên cái trung tâm lạ kỳ đó. Nhưng cô này có bị dụ đến chỗ đó giống như cô kia, cô Sheila Webb không?

- Tôi chưa biết. Liệu có phải cô Edna này định đến gặp bà không?

- Gặp tôi? Chắc chắn là không đâu.

- Vào giờ đó, bà có ở nhà chứ?

- Có lẽ thế. Cụ thể là vào giờ nào?

- Khoảng 12 rưỡi.

- Giờ ấy thì tôi ở nhà. Tôi về từ trước đó.

- Sau khi ở tòa ra, bà đi đâu?

- Tôi về thẳng nhà, - bà Pebmarsh im lặng một chút rồi nói thêm. - Căn cứ vào đâu ông nghĩ rằng có thể cô gái ấy định đến gặp tôi?

- Bởi sáng nay cô ấy có đến dự xem phiên tòa, và tất nhiên có nhìn thấy bà. Vậy trưa nay cô ấy đến phố Wilbraham Crescent, nếu không định gặp bà thì để làm gì?

- Tại sao cô ấy lại muốn gặp tôi chỉ vì nhìn thấy tôi tại tòa án?

- Vì... - Viên thanh tra định nở một nụ cười xí xóa, nhưng chợt nhớ qua đường dây điện thoại, nụ cười đó hoàn toàn vô dụng, ông bèn dùng giọng nói để thể hiện. - Vì tính nết các cô gái trẻ nhiều khi rất khó đoán được. Rất có thể cô ấy đến gặp bà để xin một chữ ký kỷ niệm.

- Một chữ ký kỷ niệm? - đột nhiên giọng bà Pebmarsh khinh bỉ.- Mà có thể ông nói có lý đấy. Bây giờ người ta sính xin chữ ký của những người có đôi chút đặc biệt để làm kỷ niệm. Nhưng trong trường hợp này thì không đâu, thưa ông thanh tra. Từ lúc tôi về đến nhà, không có ai đến đây gặp tôi cả.

- Cảm ơn bà nhiều, thưa bà Pebmarsh. Bà hiểu cho, trong nghề chúng tôi, chúng tôi phải kiểm tra mọi dấu hiệu, mọi giả thuyết.

Bà Pebmarsh hỏi:

- Cô gái bị giết ấy khoảng bao nhiêu tuổi?

- Tôi đoán là mười chín.

- Mười chín? Trẻ quá!

Giọng bà ta nhuốm chút thương cảm.

- Lạy Chúa! Sao có kẻ tàn nhẫn đến thế, nỡ giết một cô gái quá trẻ như vậy?

Thanh tra Hardcastle nói:

- Khốn nỗi chuyện đó thường xảy ra không ít,

Rồi ông lịch sự cáo từ, trong lòng bị ấn tượng rất mạnh về bản lĩnh bà giáo mù này.

Bà Waterhouse cũng có nhà. Theo tác phong quen thuộc, khi nghe tiếng gõ cửa, bà ta mở cánh cửa ra rất mạnh, mục đích để "bắt quả tang" người gõ.

- Ôi, chào ông thanh tra. Tôi đã kể cho các nhân viên của ông mọi thứ gì tôi biết rồi.

- Tôi cũng tin là như thế, - Hardcastle nói. - Nhưng có vài vấn đề nảy sinh và tôi cần biết thêm một số chi tiết.

- Nếu vậy thì mời ông vào. Mà nhanh lên, đừng đứng mãi trên tấm thảm ấy nữa. Và ngồi xuống. Như tôi đã kể với các nhân viên của ông rồi, tôi ra đó định gọi điện thoại. Vừa mở cánh cửa trạm, tôi nhìn ngay thấy một cô gái nằm co quắp trong góc. Từ thuở bé, chưa bao giờ tôi hoảng sợ đến như thế. Tôi vội chạy đi tìm một nhân viên cảnh sát. Có vậy thôi.

- Trước đây, bà đã gặp cô gái đó lần nào chưa? Đấy là một trong số các nhân viên của Trung tâm Cavendish.

- Chưa bao giờ tôi nhờ đến một cô thư ký đánh máy hoặc tốc ký. May ra thì ông anh tôi có lần nào làm việc với họ, ý ông định nói thế chứ gì?

- Không đâu, - Viên thanh tra nói. - Tôi đến đây chỉ định hỏi bà xem, trước lúc bị giết, cô ấy có ghé vào đây gặp bà không?

- Gặp tôi? Không. Mà sao ông lại nghĩ đến khả năng ấy nhỉ? Mà cô ta đến đây gặp tôi để làm gì?

- Làm gì thì chúng tôi hiện chưa biết. Còn về chuyện điện thoại, thì bà bảo máy nhà bà trục trặc, nhưng bưu điện lại cho biết máy của bà không làm sao cả.

- Bưu điện họ nói lung tung. Lúc quay số, tôi không nghe thấy tiếng chuông bên kia reo theo như mọi khi, mà chỉ thấy tiếng rì - rì rất lạ tai. Thế là tôi gác máy, ra ngoài phố định gọi máy công cộng.

- Bà tha lỗi đã làm phiền bà, thưa bà Waterhouse. Nhưng qua các dấu hiệu, chúng tôi thấy rõ, cô gái bị giết kia đến phố Wilbraham Crescent này định để gặp ai đó, ở quanh đây thôi.

- Nếu ông nghĩ thế thì ông phải hỏi lần lượt tất cả những người sống trong khu vực này vậy, - bà Waterhouse nói.

° °

°

Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, thanh tra Hardcastle thấy còn đủ thời giờ ghé vào gặp những người trong Trung tâm Cavendish.

Thấy ông vào, một cô nhân viên đứng lên.

- Chào ông thanh tra, bà Giám đốc đang chờ ông.

Rồi cô dẫn thanh tra Hardcastle vào căn phòng dành cho giám đốc. Nhìn thấy ông, bà Martindale tấn công ngay:

- Thật là tồi tệ, thưa ông thanh tra. Hết sức tồi tệ! Các ông phải làm rõ vụ này ngay đi chứ! Phải làm ngay! Càng kéo dài thì càng xảy ra lắm vụ án mạng! cảnh sát các ông ăn lương để làm gì, nếu không phải để che chở chúng tôi? Các ông phải làm nhiệm vụ của các ông đi chứ! Tôi xin thay mặt các nhân viên và cá nhân tôi, yêu cầu các ông che chở chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ kêu lên chính phủ!

- Bà nói rất đúng, thưa bà Martindale.

- Trong số các nhân viên của chúng tôi, có hai nạn nhân rồi! Đúng là có một tên điên khùng, chuyên giết người, và hắn lại bị mắc chứng thích giết các nữ thư ký văn phòng. Chính vì thế mà hắn nhắm vào Trung tâm chúng tôi. Thoạt đầu là cô Sheila, bị rơi vào một cái bẫy chăng hết sức tinh vi, gặp ngay phải một cái xác chết. Từ hôm đó, cô ấy như người mất hồn, chẳng là cô ấy có tính đa cảm, dễ bị kích động. Bây giờ hắn lại giết một nhân viên khác của chúng tôi, một cô gái ngoan ngoãn, làm việc tốt, hiền lành. Mà giết ở đâu? Trong một trạm điện thoại công cộng! Thưa ông thanh tra, tôi yêu cầu ông làm tròn bổn phận nhà nước trao cho ông!

- Bà nói rất đúng, thưa bà Martindale, và đấy cũng là mong muốn tha thiết nhất của tôi. Bà thấy tôi có mặt ở đây lúc này, chính là do tôi hy vọng tìm thấy sự giúp đỡ của bà.

- Giúp ông? Nhưng ông thanh tra tội nghiệp ơi, nếu tôi biết được một dấu hiệu nhỏ nào, tôi đã chạy ngay đến để kể ông nghe!

Bà ta nói hùng hổ, như con "hùm" trong cơn giận dữ. Hai mắt bà tóe lửa.

- Bà hãy cho chúng tôi thời gian, thưa bà Martindale.

- Thời gian! Thời gian! Hay cô gái đáng thương của chúng tôi vừa bị giết, bây giờ ông thanh thản cho rằng, không cần phải vội vã nữa? Nhưng ông phải hiểu rằng tất cả các nữ nhân viên của tồi ở đây đều nơm nớp; họ đang có nguy cơ thành nạn nhân của gã hung thủ tàn bạo kia!

- Không đâu, không có chuyện ấy đâu! Nhưng tôi cần hỏi bà một câu. Gần đây bà nhận thấy cô Edna có điều gì băn khoăn không? Cô ấy có đến gặp bà hỏi ý kiến không?

- Không đâu! Và tôi tin rằng cô ấy không bao giờ hỏi ý kiến tôi về bất cứ chuyện gì đâu. Nhưng theo ông thi Edna có thể băn khoăn về điều gì?

Chính đó là câu hỏi thanh tra Hardcastle muốn đặt ra, tất nhiên không phải cho bà Martindale rồi, vì ông thừa biết chẳng hy vọng ở bà ta một câu trả lời cho vấn đề này, mà ông muốn đặt ra cho các cô nhân viên khác ở đây.

Thanh tra Hardcastle nói:

- Tôi muốn nói chuyện với các cô nhân viên của bà, được không thưa bà Martindale? Cô Edna không dám thố lộ với bà, nhưng rất có thể cô ấy thổ lộ điều gì đó với bạn.

- Có thể, - bà Martindale nói.- Các nữ nhân viên của tôi suốt ngày có chịu làm gì đâu, chỉ nói chuyện phiếm. Hễ thấy tôi bưóc vào là gõ máy ra vẻ thế thôi,- bà giận dữ nói, rồi trấn tĩnh lại.- Lúc này chỉ có ba đứa trong văn phòng. Những đứa khác đi phục vụ khách bên ngoài, nhưng nếu ông cần, tôi có thể cho ông biết họ tên và địa chỉ của chúng.

- Cảm ơn bà.

- Tốt nhất là ông nói chuyện với họ không có mặt tôi, họ sẽ thoải mái hơn.

Bà ta đứng lên, bước ra mở cửa phòng giấy.

- Các em! - bà nói to.- Thanh tra cảnh sát Hardcastle muốn nói chuyện với các em. Các em có thể nghỉ làm việc trong một lúc. Các em hãy kể ông thanh tra nghe tất cả những gì các em biết, biết đâu có thể giúp ông thanh tra trong việc khám phá vụ án bạn Edna Brent.

Ba khuôn mặt non nớt lộ vẻ ngạc nhiên, quay về phía thanh tra Hardcastle. Đưa mắt quan sát rất nhanh, ông có thể đoán được tính cách của mấy cô gái trẻ này.

Cô cao lớn tóc vàng, đeo kính cận, có vẻ tốt bụng nhưng chậm hiểu. Cô tóc đen dáng nhanh nhẹn, có đôi mắt sợ sệt kia, hẳn đã mường tượng ra lắm điều quái đản xung quanh vụ án mạng. Còn cô thứ ba, mặt tròn trĩnh, tươi vui rõ ràng là ít suy nghĩ và ông tính sẽ hỏi sau cùng.

Lấy giọng dịu dàng, thanh tra Hardcastle nói:

- Tôi chắc các cô đã biết cô bạn Edna của các cô vừa gặp tai họa chứ?

Cả ba cô gật đầu.

Ba cô gái đưa mắt nhìn nhau, rồi cô tóc vàng, tên là Janet nhanh nhẩu lên tiếng trước.

- Chúng em biết, vì lúc hai giờ không thấy Enda quay lại trung tâm.

Cô Maureen tóc đen nói:

- "Hùm Cái" lồng lộn lên, quát tháo ầm ĩ! Chết, em xin lỗi, đấy là biệt danh chúng em đặt cho bà giám đốc.

- Bà Martindale, thưa ông thanh tra, cô thứ ba giải thích.

Maureen nói thêm:

- Chẳng là vì bà ta suốt ngày cáu kỉnh, hơi một tí là gầm lên như con hổ cái, như thể muốn xé xác chúng em ra. Sau khi hỏi chúng em rằng Edna có báo trước gì không, bà ta quát ầm lên, là nếu bận việc gì không đi làm được thì cũng phải báo chứ.

Cô tóc vàng nói:

- Em bảo bà ta rằng lúc tòa thẩm vấn, nó vẫn còn ở đấy, nhưng sau nó đi đâu mất tăm, không ai còn nhìn thấy nó nữa.

Maureen nói:

- Em có rủ nó đi ăn trưa, Edna bảo nó không có thời gian, có lẽ sẽ chỉ mua một khoanh bánh mì kẹp thức ăn rồi đem về văn phòng ăn thôi. Em thấy nó có vẻ băn khoăn điều gì đó.

Thanh tra Hardcastle nói:

- Như thế có nghĩa cô Edna có định về làm việc chiều nay?

- Vâng, đúng thế! Số kiếp bọn chúng em là thế, chúng em đâu còn sự lựa chọn nào khác.

Thanh tra Hardcastle hỏi:

- Trong mấy ngày gần đây, các cô có thấy cô Edna Brent có biểu hiện gì khác thường không? Cô ấy có chuyện buồn hoặc chuyện băn khoăn gì, và thổ lộ ra với bạn bè không? Nếu cô nào thấy có một dấu hiệu gì không bình thường ở cô Edna Brent thì cho tôi biết ngay.

Cô Maureen kêu lên:

- Edna là đứa hay suy nghĩ, chỉ một chuyện rất nhỏ cũng làm nó băn khoăn mãi. Đầu óc nó lúc nào cũng rối mù, và lắm khi làm những chuyện rất hấp tấp, rồi sau lại ân hận.

Cô gái mặt tròn trĩnh tiếp lời:

- Bạn ấy lại luôn gặp chuyện này chuyện nọ. Hôm nọ, hẳn thanh tra còn nhớ, bạn ấy hấp tấp thế nào vấp phải cái nắp cống, làm gẫy gót giầy, rồi cứ than vãn mãi.

Cô Janet giọng nghiêm trang nói:

- Trưa nay, lúc hai giờ, khi thấy Edna không quay lại làm việc, em đã lập tức đoán, bạn ấy gặp phải chuyện gì đặc biệt rồi.

Viên thanh tra đưa mắt bực mình thấy mấy cô gái này chỉ nói để tự đề cao bản thân. Ông lái các cô vào vấn đề cụ thể:

- Lúc nào thì các cô biết tin Edna bị ám sát?

Ba cô gái đưa mắt nhìn nhau, rồi nhăn mặt đưa mắt về phía phòng giám đốc. Cô có khuôn mặt tròn trĩnh nói:

- Lúc em tranh thủ chạy vội ra hiệu bánh ngoài phố mua mấy chiếc bánh ngọt để hết giờ đem về nhà, vì đợi đến lúc tan tầm thì họ bán hết mất rồi, em vào hiệu bánh, thấy bà bán hàng gọi lại, nói: "Có phải cô ta làm ở chỗ cô không?" Em hỏi "Bà bảo cô nào?" - "Cái cô người ta phát hiện thấy bị giết, nằm còng queo trong trạm điện thoại công cộng ấy!" Em kinh hoàng, vội chạy thẳng về đây báo tin này cho các bạn! Chúng em bàn nhau định vào báo cho bà giám đốc biết, thì thấy bà ta mở cửa bước ra, quát: "Có chuyện gì thế? Sao tôi không nghe thấy tiếng gõ máy chữ nữa?"

Cô tóc vàng tiếp lời:

- Em bèn bảo bà Martindale: chúng em vừa được tin con Edna gặp một tai họa khủng khiếp!

- Bà ta nói sao? - Viên thanh tra hỏi.

- Thoạt đầu bà ấy không tin. Bà ấy một mực: "Chuyện đồn đại vớ vẩn. Các cô cả tin quá đấy. Không có chuyện ấy đâu!" Rồi bà ta quay vào bàn giấy. Nhưng sau đó bà ta lại gọi điện báo cảnh sát.

Cô Janet mơ màng nói:

- Em không sao hiểu nổi, người ta giết con Edna để làm gì nhỉ?

Cô tóc đen nói:

- Hay chuyện ghen tuông.

Cả ba cô chăm chú nhìn viên thanh tra cảnh sát, chờ câu trả lời.

Thanh tra Hardcastle buồn rầu thầm nghĩ, hiện cảnh sát chưa biết nguyên nhân tại sao. Các cô bạn này ít nhiều còn biết rõ hơn chứ. Riêng cô Sheila Webb hẳn biết nhiều nhất.

- Cô Edna có thân với cô Sheila không?

Ba cô gái lại đưa mắt nhìn nhau, rồi đáp.

- Không thân lắm.

Thanh tra Hardcastle hỏi:

- Sao tôi không thấy cô Sheila ở đây?

- Nó làm cho một khách hàng tại Khách sạn Curleu, tên là Giáo sư Purdy.

Chương mười chín

Giáo sư Purdy giận dữ quát vào máy điện thoại:

- Ai đấy? Cái gì? Ông ta đang ở dưới nhà à? Bảo ông ta mai hãy đến. Thôi được, cho ông ta lên đây!

Vị Giáo sư quay sang cô thư ký đánh máy Sheila Webb, nhăn nhó:

- Cứ chốc chốc lại phải ngưng lại! Kiểu thế này thì làm việc sao được? Cô Sheila, ta đến chỗ nào rồi nhỉ?

Sheila chưa kịp trả lời thì đã có tiếng gõ cửa. Vị Giáo sư khảo cổ học phải cố dứt khỏi dòng suy nghĩ đang hướng về ba ngàn năm về trước.

- Mời vào! - Ông gắt. - Vâng, mời vào! Có chuyện gì thế?

- Xin giáo sư tha lỗi tôi đã làm giáo sư phải tạm ngừng công việc. Chào cô Sheila!

Cô gái đã đứng lên, và thanh tra Hardcastle cảm thấy hình như trong mắt cô ta có thoáng một chút lo âu. "Hay mình tưởng tượng?" Ông tự nhủ.

- Có chuyện gì vậy? - Vị giáo sư khảo cổ sẵng giọng hỏi.

- Tôi là thanh tra cảnh sát Hardcastle. Cô Sheila đây đã biết tôi.

- Tôi hiểu, tôi hiểu, - Vị giáo sư nói.

- Tôi muốn được nói chuyện với cô thư ký của ông.

- Vội thế kia à? Đúng lúc tôi đang cần cô ấy. Đến đúng cái đoạn quan trọng nhất. Thôi đành, tôi nhường cô Sheila cho ông trong mười lăm phút, thôi được, có thể hơn một chút, nhưng tối đa là nửa giờ. Ôi, sáu giờ rồi này!

- Tôi vô cùng lấy làm tiếc, thưa giáo sư Purdy,- Viên thanh tra nhắc lại lần nữa.

- Không sao, không sao. Nhưng có chuyện gì vậy? Hẳn là một tai nạn giao thông?

- Nghiêm trọng hơn, thưa giáo sư.

- Mà phải rồi, cô Sheila không có ô tô riêng nên không thể đâm vào ai, - Vị giáo sư nói và nhìn cô gái vẻ thông cảm. - Tôi nhớ rồi, đến đây cô ấy phải đi xe buýt. Vậy là chuyện gì đấy, ông thanh tra?

- Về một cô gái, tên là Edna Brent, - viên thanh tra quay sang Sheila. - Cô đã biết tin rồi chứ?

Ông có cảm giác mắt cô gái giống mắt một người nào đó ông đã gặp. Vầng trán nhăn lại, cô nói:

- Vâng, Edna Brent thì tôi biết rất rõ. Bạn ấy có chuyện gì vậy, thưa ông?

- Vậy là cô chưa biết, tôi thấy rõ như vậy. Trưa nay, cô đi ăn ở đâu, cô Sheila?

Cô gái đỏ mặt.

- Ông thanh tra hơi tò mò quá đấy. Tôi ăn trưa với một người bạn trai, tại một quán ăn của người Hoa.

- Sau bữa ăn, cô không quay về Trung tâm phải không?

- Có chứ. Tôi quay về đấy, nhưng người ta bảo tôi rằng Giáo sư Purdy đợi tôi ở khách sạn Curlew vào hai giờ rưỡi.

- Cô Sheila nói đúng, - Vị giáo sư gật đầu. - Và chúng tôi làm việc từ lúc đó đến giờ.

- Vậy là cô không biết chuyện xảy ra với cô Edna Brent?

- Edna gặp phải chuyện gì ạ? - Sheila lo lắng hỏi. - Edna bị tai nạn gì? Bị ô tô cán phải không?

- Đúng là cô ấy gặp tai nạn,

Viên thanh tra ngưng lại, chăm chú nhìn Sheila để dò xét thái độ.

- Cô ấy bị giết. Kẻ nào đã thắt cổ cô ấy trong một trạm điện thoại công cộng.

- Trạm điện thoại công cộng?

Vị giáo sư kêu lên, bắt đầu quan tâm đến sự việc.

Cô Sheila thì há hốc miệng, trong một lúc không thốt lên được lời nào, mắt mở to nhìn viên thanh tra, và ông này càng thấy cặp mắt rất giống mắt một người nào đó mà ông chưa nghĩ ra. Tuy nhiên, ông vẫn thầm nghĩ: "Cô em đóng kịch tài lắm!"

Vị giáo sư thì miệng vẫn lẩm bẩm:

- Lạy Chúa tôi! Bị thắt cổ chết trong một trạm điện thoại công cộng... Sao tôi nghe cứ có vẻ khó tin thế nào ấy, rất khó tin! Chưa bao giờ tôi lại nghĩ, người ta có thể gây án mạng trong một trạm điện thoại công cộng. Và tội nghiệp cô gái kia!

- Edna bị giết? Sao có thể như thế được? Tại sao người ta lại giết nó kia chứ?

- Cô Sheila! Cô biết hôm kia, cô Edna có đến nhà tìm cô không? Cô ấy đến nhà bà dì cô, và đã ngồi đấy đợi cô khá lâu, sau không chờ thêm được nữa mới đi.

Vị giáo sư vội nói:

- Lỗi tại tôi! Bao giờ cũng là lỗi tại tôi! Hôm ấy, tôi nhớ rồi, tôi đã giữ cô Sheila làm việc thêm với tôi rất lâu. Tôi rất tiếc. Cô nhớ phải nhắc tôi về giờ giấc đấy. Kẻo khi làm việc là tôi không còn nhớ gì nữa. Tôi thành thật nói điều đó với cô.

- Dì tôi có kể chuyện Edna đến. Nhưng tôi chủ quan, cho rằng chuyện chẳng quan trọng. Có lẽ hôm đó Edna rất cần gặp tôi. Hẳn nó đang có chuyện rất buồn hoặc rất lo.

Viên thanh tra nói:

- Hiện chúng tôi chưa biết gì, và hẳn chúng tôi sẽ không bao giờ biết, nếu như cô không thành thật kể ra với chúng tôi, thưa cô Sheila Webb!

- Tôi ư? Nhưng tôi có biết gì đâu mà kể?

- Cô ít ra cũng đoán được cô Edna muốn gặp là về chuyện gì chứ?

- Hoàn toàn không, - Sheila nói.

- Trong lúc cùng làm việc ở Trung tâm, chẳng lẽ cô Edna không thổ lộ chút nào với cô sao?

- Không, hoàn toàn không! Mà tôi nghĩ có lẽ bản thân Edna cũng không ngờ câu chuyện lại diễn ra như thế này. Hôm qua tôi không đến Trung tâm. Tôi được cử đến làm việc cả hai buổi cho một nhà văn, ông ta là khách hàng quen biết của Trung tâm chúng tôi. Tôi tuyệt đối không hề có một ý nghĩ nào về vấn đề Edna có thể thổ lộ ra với tôi. Sau khi dì tôi nói, chính tôi cũng rất ngạc nhiên, Edna đến tận nhà dì tôi tìm tôi để làm gì?

- Rất có thể cô Edna muốn nói riêng với cô, chứ không muốn nói công khai ở cơ quan. Một chuyện gì đó hết sức tiêng tư, chỉ có thể nói giữa hai cô với nhau? Cô có nghĩ như thế không?

Sheila run rẩy đáp:

- Hẳn là thế, thì Edna mới cất công tìm tôi như vậy.

- Cô Sheila, cô không thể giúp chúng tôi được sao?

- Tôi rất tiếc là không biết gì để có thể kể ông nghe. Và tôi cũng rất đau đớn thấy Edna Brent gặp tai họa. Quả thật tôi không biết tí gì hết.

Vị giáo sư nói:

- Tôi thấy cô run rẩy, tôi rót một ly sherry cô uống xong sẽ trấn tĩnh lại được đấy.

Chương hai mươi

LỜI KỂ CỦA COLIN LAMB

DDến London, tôi tới gặp Đại tá Beck ngay.

Ông vung vẩy điếu xì gà về phía tôi, nói:

- Giả thuyết của cậu về "Trăng Lưỡi Liềm" suy cho cùng thì chưa phải đã tồi đâu, - ông nhượng bộ.

- Tôi đã phát hiện ra được một con cáo già đấy, Đại tá công nhận chứ?

- Ta chưa nói đến chuyện ấy vậy. Nhưng lão kỹ sư công chính ở số nhà 62 phố Wilbraham Crescent, hay gọi là phố"W-Trăng Lưỡi Liềm" như giả thuyết của cậu, lão ta không phải không có vấn đề. Cách đây năm tuần lễ, hắn đã rời khỏi nước Anh. Để sang Rumani. Bây giờ thì cậu có thể đẩy nhanh tốc độ điều tra được rồi đấy. Ta đã chuẩn bị sẵn một tấm hộ chiếu mới toanh, xinh xắn. Và tất cả những thị thực xuất nhập cảnh cần thiết. Lát nữa, khi trao cho cậu những thứ đó, ta sẽ cho cậu biết tên người của ta gài ở đó để cậu bắt liên lạc. Sang đó cậu hay thu thập tất cả những thông tin có thể thu được về lão kỹ sư Ramsay ấy. Nhưng ta thấy hình như cậu không phấn khởi lắm làm nhiệm vụ ta giao, đúng thế không? - Đại ta nói rồi chăm chú nhìn tôi qua làn khói thuốc lá mù mịt.

° °

°

Máy bay cất cánh vào 10 giờ đêm. Tôi tranh thủ đến gặp ông bạn thân của cha tôi, thám tử tư Hercule Poirot.

Lần này đến, tôi thấy ông ta đang nhấm nháp lý cassis, ông mời tôi nhưng tôi khước từ. Sau đấy, anh chàng giúp việc George của ông ta mang đến cho tôi một ly whisky. Anh ta biết tính tôi.

- Trông anh bạn trẻ có vẻ rầu rĩ, - ông Poirot nhận xét.

- Quả có thế. Tôi có việc phải rời khỏi nước Anh. Còn ông, công việc văn chương của ông đến đâu rồi?

- Tôi đã đọc hết các ghi chép của anh bạn, và đọc hết sức thích thú, - Poirot nói.

- Toàn những chuyện vớ vẩn, chẳng có giá trị gì, không hơn những chuyện ngồi lê đôi mách, - tôi nói.

- Anh bạn lầm to, rất to! Chí ít thì cũng có hai người kể anh bạn nghe những điều quan trọng, rọi sáng vụ án.

- Những điều gì, thưa ông? Và hai người đó là những ai?

Nhà thám tử tư nổi tiếng khinh bỉ quẳng trả lại tôi mớ giấy ghi chép của tôi.

- Vậy anh bạn hãy đọc lại cho kỹ. Anh bạn sẽ thấy ngay. Vì chúng rành rành ra đấy! Còn con đường anh bạn cần đi tiếp là tiếp tục la cà, trò chuyện phiếm với các hàng xóm khác.

- Đấy là tất cả rồi. Không còn hàng xóm nào nữa, thưa ông Poirot.

- Còn đấy. Bao giờ cũng vẫn còn những người đã nhìn thấy gì đó. Đấy là lý thuyết của tôi.

- Nhưng lý thuyết đó không áp dụng được trong vụ án này. Mà xin báo ông một sự kiện nữa: lại có thêm một vụ án mạng.

- Thật à? Nhanh thế ư? Chà, lý thú đấy.

Tôi kể ông nghe toàn bộ. Poirot đưa ra cho tôi hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, đòi tôi phải đi vào mọi chi tiết. Tôi kể ông nghe cả tấm bưu thiếp mà tôi đã đưa cho thanh tra Hardcastle.

- "Hãy nhớ lấy! 4.13... hoặc 4 giờ 13" - ông ta lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại. Đúng là vẫn nằm trong vụ án kia.

Tôi ngạc nhiên nhìn ông.

- Ông nói thế là nghĩa làm sao?

Poirot nhắm mắt, nói:

- Thứ còn thiếu trên tấm bưu thiếp đó, là một vết ngón tay vấy máu.

Tôi lo lắng hỏi:

- Nghĩa là sao, thưa ông Poirot?

- Mọi thứ đang lộ dần. Hung thủ đã không còn kiểm soát được các hành động của hắn nữa rồi.

- Nghĩa là sao?

- Hắn đã buộc phải làm những việc hắn rất khôngmuốn làm.

- Nhưng "hắn" là ai?

Thám tử Poirot đâu phải dại dột để trả lời câu tôi hỏi.

- Trong thời gian anh bạn trẻ ra nước ngoài công cán, anh bạn cho phép tôi tiến hành một cuộc điều tra nhỏ, được không?

- Điều tra gì ạ?

- Viết thư cho một ông bạn luật sư già, ông Enderby, nhờ ông ấy lục lọi các sổ đăng ký kết hôn còn lưu trữ trong Viện Lưu tữ Somerset. Ngoài ra tôi đánh vài bức điện ra nước ngoài.

- Tôi tưởng ta đã quy ước với nhau rồi, ông chỉ ngồi nhà nghiên cứu và suy nghĩ.

- Thi tôi cũng chỉ làm cái công việc ấy. Nhưng tôi muốn thẩm tra kết quả nghiên cứu của tôi xem có đúng hay không. Những việc kia không phải là thu thập tài liệu, mà chỉ là tiến hành thẩm tra những điều tôi suy nghĩ.

- Tôi e ông nói khoác, thưa ông Poirot, bởi tôi không tin ông đã đoán ra được hung thủ. Bởi cho đến giờ, còn chưa ai biết được tung tích nạn nhân.

- Tôi đã biết.

- Tên thật ông ta là gì?

- Hiện tôi chưa biết tên. Nhưng điều đó có gì quan trọng đâu? Anh bạn trẻ nên biết, vấn đề không phải ai, mà là thuộc loại người thế nào.

- Một kẻ chuyên tống tiền?

Thám tử Poirot lại nhắm nghiền mắt.

Tôi hỏi tiếp:

- Một thám tử tư?

Poirot mở mắt:

- Cũng như lần trước, lần này tôi kết thúc cuộc gặp gỡ với anh bạn trẻ bằng một câu trích dẫn: "Cậu bé, cậu bé, cậu bé... cậu đến đây là để nộp mạng".

Chương hai mươi mốt

Thanh tra Hardcastle đọc thấy trên tấm lịch treo tường trong phòng giấy của ông: Hai Mươi tháng Chín. Từ hôm xảy ra vụ án mạng đến nay, mới mười ngày trôi qua. Cuộc điều tra không nhích thêm được một bước như ông đã hy vọng, bởi còn vướng khâu đầu tiên: tung tích nạn nhân! Người bị giết đâm thành "người bí mật"! Tuy nhiên, sau khi báo đăng tấm ảnh chụp khuôn mặt tử thi, kèm theo câu hỏi "ai biết người này không?" thì không biết bao nhiêu cú điện thoại, bao nhiêu bức thư đổ xô đến đồn cảnh sát thị trấn. Và đến nay, thanh tra Hardcastle vẫn thở dài. Tất cả những bà vợ, những chị em gái tin rằng họ đã nhận diện ra được người trên tấm ảnh, ở Lincolshire, Devon, London... Họ bảo đã gặp ông ta ngồi trên xe buýt, dưới xe điện ngầm, đứng trong bóng tối tại một góc phố hoặc đang lẩn nhanh trưóc cửa một rạp chiếu bóng...

Nhưng ngày hôm nay, thanh tra cảnh sát Hardcastle cảm thấy thấp thoáng có được niềm hy vọng, khi ông ta đọc lá thư vừa mới gửi đến. Bức thư có giọng văn không sôi nổi, cũng không quả quyết. Tác giả lá thư, tự xưng là "Bà Rival", chỉ cho biết rất có thể người bị giết chính là chồng cũ của bà ta, người chồng đã nhiều năm nay bà không gặp lại.

° °

°

Nhìn thấy bà ta bước vào, thanh tra Hardcastle đứng lên bắt tay.

"Trạc năm mươi tuổi" - Viên thanh tra thầm đoán. Nhưng nếu nhìn thật xa thì bà này trông chỉ tưởng ba mươi. Bà ta trang điểm một cách vội vã: làn tóc mầu sẫm được buộc túm lại một cách đơn giản. Chiều cao trung bình, không đội mũ, mặc tấm áo măng tô mầu tối. Viên thanh tra thầm nghĩ, có vẻ là một phụ nữ bản chất tốt, tuy không biết khéo léo, tế nhị, nhưng dễ gần và dễ cả chung sống.

Viên thanh tra nói:

- Rất mừng thấy bà đến đây, thưa bà Rival. Tôi hy vọng bà sẽ giúp được chúng tôi có kết quả.

Bà khách vội né tránh:

- Tôi chưa dám chắc, thưa ông thanh tra. Tôi đến đây chỉ là vì khi nhìn tấm ảnh in trên báo, tôi thấy rất giống ông Harry, thậm chí giống đến mức không ngờ. Nhưng đã quá lâu rồi tôi không gặp ông ấy. Hình như trong thư tôi nói là đã chín năm, thật ra là mười lăm năm, thậm chí có thể lâu hơn.

- Nghề nghiệp của ông Harry ngày xưa là gì, thưa bà Rival?

- Nhân viên giao dịch của một công ty Bảo hiểm,

Bà ta dừng lại một lát. - Thật ra cũng chỉ là ông ấy nói với tôi như thế.

Viên thanh tra chăm chú nhìn bà khách:

- Và bà đã phát hiện ra là ông ấy nói dối?

- Không, không hẳn như thế... Hồi đó tôi chưa nghi ngờ gì. Chỉ đến bây giờ tôi mới thấy hồ nghi. Xin ông thanh tra hiểu cho, bây giờ nghĩ lại, tôi đoán rằng ông ấy bảo tôi là làm nghề ấy để có có thường xuyên vắng nhà.

- Nghĩa là ông chồng bà hiếm khi ở nhà, thưa bà Rival?

- Đúng thế, và lúc đầu tôi không nghi ngờ gì cả...

- Nhưng về sau thì bà hiểu ra?

Bà khách không trả lời thẳng vào câu hỏi. Bà ta nói tiếp:

- Tôi nghĩ ông thanh tra hãy cho tôi kết thúc công việc này ngay. Bởi nếu không phải ông Harry...

Giọng bà nói đượm chút lo lắng, thậm chí chút xúc động. Không biết lúc này bà ta đang nghĩ gì?

- Được thôi, thưa bà, - Viên thanh tra nói.- Càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, đúng thế. Vậy ta đến đó chứ? Xin mời bà.

Thanh tra Hardcastle dẫn bà khách ra ô tô. Bà ta có vẻ hồi hộp, nhưng không hồi hộp hơn những người đến nhận diện tử thi trước đó. Viên thanh tra nói vài câu quen thuộc để trấn an bà khách.

- Bà đừng lo lắng gì cả. Không có gì đáng sợ đâu. Vả lại cũng chỉ hai phút là xong thôi mà.

Quan tài được kéo trong ngăn đựng ra. Một nhân viên nhà xác lật tấm khăn phủ. Trong vài giây đồng hồ, bà khách như ngưng thở, rồi đột nhiên bà ôm mặt khóc nức nở, mặt quay về phía viên thanh tra.

- Đúng Harry rồi! Chính là ông ấy! Già đi nhiều, nhưng các nét vẫn y nguyên. Và vẫn giữ thói quen xưa kia của ông ấy: râu ria nhẵn nhụi, dáng thanh lịch. Thưa ông thanh tra, Harry xưa kia bao giờ cũng rất lịch sự, râu tóc, áo quần rất chững chạc. Chính vì thế mà phụ nữ rất dễ bị lầm, không ai có thể ngờ là bản chất ông ấy hoàn toàn trái ngược lại.

- Phụ nữ dễ bị mắc vào ông ấy lắm hay sao, thưa bà Rival? - viên thanh tra hỏi, giọng thông cảm.

- Phụ nữ nào gặp ông ấy cũng có cảm tình ngay,

Bà khách nói,

- Họ đã ban cho Harry bao nhiêu khoảnh khắc sung sướng, những khoảnh khắc sung sưóng nhất trong cuộc đời ông ấy.

- Có thật là ông ấy lợi dụng các phụ nữ không?

- Tôi tin là đúng như thế, - bà khách nói.

- Do đâu bà phát hiện ra được?

Bà Rival nhún vai:

- Một hôm, ông ấy đi vắng một tháng liền, hình như đi Newcastle, nhưng đó là do ông ấy nói thì tôi biết thế, vả lại đi đâu thì có gì quan trọng? Khi về đến nhà, ông ấy bảo tôi là ông ấy cần phải chạy trốn khỏi đây cho mau! Rằng ông ấy đang gặp rắc rối to. Harry dan díu với một cô giáo, và bây giờ cô giáo ấy có thai... Đến lúc ấy ông ta mới kể ra với tôi, giọng rất đơn giản, vì ông ấy đinh ninh tôi đã biết hết cả rồi. Bấy giờ tôi mới biết tất cả những phụ nữ kia đều bị ông ấy lừa. Họ đều bị lầm một cách hết sức dễ dàng, giống như tôi! Harry trao nhẫn đính hôn cho họ, và sau khi làm lễ đính hôn, ông ấy mới đề nghị với họ chuyển vốn liếng sang tên ông ấy. Và nói chung, mọi phụ nữ đều tin và thế là họ trao tiền cho ông ấy.

- Với bà, ông ấy không làm thế?

- Có chứ. Nhưng tôi không chịu.

- Tôi không cả tin như nhiều phụ nữ khác. Ông Harry làm trò lừa đảo như thế mà không bị cảnh sát sờ đến hay sao?

- Không, - bà Rival nói. - Harry biết đánh trúng tâm lý phụ nữ là không phụ nữ nào muốn lộ chuyện họ bị lừa, không ai muốn làm đầu đề cho mọi người chế giễu. Nhưng lần này, cái hôm ông ấy về gặp tôi và bảo ông ấy cần phải trốn đi ngay, thì tình hình lại không như mọi khi. Lần này, cô gái bị Harry lừa là người có học thức, cô ta hiểu biết, và không chịu nhịn như mọi phụ nữ khác.

- Cô ấy đã có thai?

- Đúng thế.

- Và đã sinh con?

Bà Rival cay đắng nói:

- Tôi đoán là như thế.

- Hồi ấy, bà yêu chồng chứ? - Viên thanh tra dịu dàng hỏi, - Thưa bà Rival?

- Chính tôi cũng không biết nữa. Chắc yêu, cho nên tôi mới lấy ông ấy.

- Và bà đã làm thủ tục kết hôn chính thức với ông ấy?

- Vâng. Hai chúng tôi đã thành hôn chính thức. Làm lễ cưới dân sự, và ở nhà thờ nữa. Nhưng làm sao tôi biết được, ông ấy còn làm lễ kết hôn với những người nào khác, dưới một cái tên giả? Với tôi, tên ông ấy là Castleton. Nhưng tôi nghĩ, chắc đấy là tên thật của ông ấy.

- Harry Castleton? Thế chứ gì?

- Vâng.

- Ông Harry có dấu vết nào đặc biệt không? Một cái sẹo chẳng hạn?

Bà khách lắc đầu.

- Lúc nãy bà bảo, ít ra là trong mười lăm năm qua, ông ta không hề bắt liên lạc với bà?

- Thậm chí tôi nghĩ, ông ấy không cả biết tôi ở đâu nữa. Sau khi ông ấy đi, tôi không dùng họ chồng "Castleton", mà lấy lại họ thời con gái, là "Rival". Từ ngày đó, tôi là Merlina Rival.

- Merlina? Hình như đấy là bút danh?

Bà khách gật đầu, khẽ nở một nụ cười:

- Tên ấy do tôi bịa ra. Tên thật của tôi là Flossie: Flosie Gap. Cái tên đó nghe không hay, đúng thế không, thưa ông thanh tra?

- Hiện nay bà làm gì, thưa bà Rival? Bà vẫn biểu diễn trên sân khấu đấy chứ?

- Thỉnh thoảng thôi. Khi nào có dịp thuận tiện, tôi cũng lên sân khấu cho vui,- bà khách hờ hững đáp.

- Thôi được, cảm ơn bà,- Viên thanh tra nói, rồi kín đáo ra hiệu cho nhân viên nhà xác có thể đưa thi thể vào ngăn.

Lúc trên xe trở về, thanh tra Hardcastle nói:

- Nhân đây, tôi xin hỏi bà một việc nữa.

- Việc gì, thưa ông?

- Bà vui lòng chờ một chút.

° °

°

Về đến đồn cảnh sát, thanh tra Hardcastle mời bà khách vào một gian phòng nhỏ, chỉ kê một chiếc bàn phủ vải bạt. Bằng một cử chỉ gọn, ông đưa tay lật tấm bạt. Trên bàn là ba chiếc đồng hồ. Tất nhiên bà Rival ngắm nghía chúng một cách thích thú.

- Đẹp quá!

Bà ta nói, rồi đưa ngón tay sờ vào lớp sơn bóng của chiếc đồng hồ treo tường phủ sơn mài.

- Bà có nhận ra một chiếc nào bà đã thấy ở đâu không?

- Sao ông hỏi thế? Để làm gì? Câu ông hỏi rất khó trả lời.

- Điều chúng tôi chưa hiểu là tại sao, kim của cả mấy chiếc đồng hồ này đều chỉ 4 giờ 13 phút?

Bà Rival bật cười, nói vui:

- Chắc để nhắc rằng sắp đến giờ bữa ăn phụ buổi chiều?

Thanh tra Hardcastle bỗng thấy mệt mỏi lạ thường.

- Thôi được, thưa bà Rival. Chúng tôi rất cảm ơn bà. Sang ngày kia, tòa tiếp tục cuộc thẩm vấn. Tôi đề nghị bà đến dự để khẳng định lai lịch của nạn nhân, được không thưa bà?

- Tất nhiên là được,- bà khách nói:

Rồi bà ta đứng dậy, cáo từ. Liền sau đó, trung sĩ Craig chạy vào.

- Có gì mới không ạ?- anh ta hỏi.

Viên thanh tra đáp:

- Bà ta nhận diện được đấy là chồng cũ của bà ta, tên là Harry Castleton. Tuy nhiên đấy cũng có thể là một tên giả, dùng để kết hôn với bà ta. Bây giờ ta tiến hành điều tra về lai lịch người có họ tên như thế. Tôi có cảm giác số phụ nữ muốn trả thù ông ta không chỉ một bà này.

Chương hai mươi ba

LỜI KỂ CỦA COLIN

Mười giờ sáng hôm sau, tôi gọi điện cho Trung tâm Cavendish, đề nghị cử đến tôi một thư ký đánh máy kiêm tốc ký, lấy cớ tôi cần thảo một số thư từ. Liệu cô Sheila Webb có thể đến được không? Một người bạn đã giới thiệu với tôi về cô ấy, bảo rằng cô ấy rất có năng lực. Tên tôi là: ông Weatherby, tại khách sạn Clarendon (xin độc giả lưu ý cho rằng, khách sạn càng tồi, càng lấy tên rất kêu).

May thay, cô Sheila đi được.

Tôi đứng chờ ở chân cầu thang. Khi nhìn thấy cô, tôi tiến lên:

- Xin tự giới thiệu, tôi là Douglas Weatherby.

- Chính anh đã gọi đến đến Trung tâm?

- Vâng, chính tôi.

- Sao anh dám làm thế?

Cô có vẻ tự ái.

- Tại sao tôi lại không được làm thế, tôi sẵn sàng thanh toán phí tổn cho Trung tâm về một buổi làm việc kia mà. Họ cần gì quan tâm đến chuyện cô sử dụng thời gian quý báu này làm gì? Họ chỉ cần thời gian đó được thanh toán đầy đủ và ở mức cao. Cô có thảo những bức thư mở đầu bao giờ cũng nhàm chán y hệt nhau: "Kinh thưa ông! Phúc đáp lá thư của quý ông đề ngày...", hay thay vào đó là ngồi với tôi trong quán Buttercup Cafe, thì đối với họ có gì khác đâu? Bây giờ ta hãy kiếm một quán nhỏ yên tĩnh, uống một ly gì đó.

Lát sau, khi đã đặt cô hầu bàn những thức uống và ăn cần thiết, hai chúng tôi ngồi hai bên bàn, nhìn nhau.

Tôi hỏi:

- Mọi sự yên ổn chứ, Sheila?

- Anh nói "yên ổn" nghĩa là sao?

Tôi thấy cặp mắt cô thâm quầng.

- Cô phải trải qua nhiều lúc căng thẳng lắm phải không?

- Không phải đâu... mà có lẽ anh nói đúng. Nghe nói anh đi đâu xa kia mà?

- Đúng thế. Tôi vừa mới về, và đến đây ngay.

- Để làm gì?

- Cô thừa biết để làm gì rồi.

Sheila hơi cúi xuống, im lặng một lúc lâu. Rồi cô nói:

- Ông ấy làm tôi sợ!

- Ai?

- Bạn anh... ông thanh tra. Ông ấy tin rằng chính tôi giết người đàn ông kia và giết cả Edna nữa, Ông ấy cho rằng chính tôi gọi điện yêu cầu Trung tâm cử tôi đến đấy, và mạo danh là bà Pebmarsh. Con Edna nhận được giọng nói của tôi trong máy điện thoại nên tôi giết luôn cả nó để bịt đầu mối.

- Nhưng đúng đấy là giọng nói của cô chứ gì?

- Không! Không phải tôi gọi điện thoại.

- Cô Sheila này, cô muốn nói với người khác thế nào tùy ý, nhưng với tôi, cô phải nói thật.

- Nghĩa là anh cũng không tin tôi?

- Tôi chưa biết ai là thủ phạm, nhưng tôi thấy cô còn giấu tôi một điều gì đó. Tôi rất muốn cô tin tôi. Dù cô làm gì đi nữa, Sheila, thì tôi vẫn đi theo cô mãi mãi.

Lấy hết dũng cảm, tôi nói:

- Tại sao cô lấy trộm chiếc đồng hồ có dòng chữ mạ vàng "Rosemary"?

- Anh nói sao? Tôi lấy để làm gì?

- Thì chính tôi muốn hỏi cô câu đó.

- Tôi không đụng đến chiếc đồng hồ ấy.

- Cô lấy cớ quên đôi găng tay, chạy vào phòng khách. Tôi thừa biết hôm ấy là một ngày tháng Chín nóng nực, cô không đem theo găng. Cô đồng ý chưa nào? Cô vào và nhét chiếc đồng hồ nhỏ ấy vào xắc tay! Cô đừng nói dối tôi nữa. Đúng vậy không?

Sheila ngồi im lặng, tay lơ đãng bẻ vụn mẩu bánh.

- Thôi được,- Cô nói rất khẽ, giọng đau đớn.- Tôi công nhận là chính tôi. Tôi lấy chiếc đồng hồ ấy, và nhét vào xắc tay, rồi đi ra.

- Nguyên nhân?

- Do tên cái đồng hồ ấy là "Rosemary". Đấy là tên của tôi.

- Vậy tên thật của cô là "Rosemary", không phải "Sheila?

- Tên tôi gồm cả hai: Rosemary và Sheila.

- Và chỉ vì tên cô như thế nên chiếc đồng hồ mới được in chữ mạ vàng lên đó?

Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, nhưng cô vẫn khăng khăng.

- Tôi đã nói rồi, nhìn thấy tên tôi mạ vàng trên chiếc đồng hồ, tôi xúc động quá.

Cô gái tôi đã chọn lựa, đã mong ước chung sống suốt đời, Sheila của tôi, thì ra như thế đó. Bây giờ thì tôi không còn ảo tưởng gì về cô ta nữa: đó là một cô gái đã có lần dối trá, và có lẽ chuyên môn dối trá. Đối với cô ấy, dối trá là một cách để chống chọi trong cuộc đời, dối trá đã thành một thói quen, giống như hít thở. Thứ vũ khí thường được người ta dùng khi còn là trẻ con, nhưng Sheila thì lại giữ nó cho đến lúc đã thành người lớn! Kể ra ai cũng có thói xấu: tôi cũng có, thậm chí nhiều thói xấu rất nghiêm trọng.

Tôi quyết định tấn công, chiến thuật duy nhất tôi có thể áp dụng lúc này.

- Cái đồng hồ ấy là của cô? Trước kia đó là của cô, nhưng đã bị thất lạc?

Sheila nghẹn ngào:

- Ai nói với anh mà anh biết?

- Vậy cô hãy kể hết ra với tôi đi.

Thế là Sheila kể tóm tắt lai lịch của chiếc đồng hồ. Một buổi sáng, trước khi xảy ra vụ án mạng chừng một tuần, cô đem chiếc đồng hồ báo thức đến chữa ở cửa hiệu gần Trung tâm, nơi cô làm việc. Nhưng đến nơi thì cô không thấy đâu. Chắc cô để quên trên xe buýt hoặc trong quán nơi cô vào ăn lót dạ một chiếc bánh mì kẹp thức ăn. Sheila không tiếc gì lắm, bởi chiếc đồng hồ báo thức này đã cũ và chạy không còn tốt nữa. Cô tính nhân dịp này mua một chiếc khác.

- Thế rồi, đúng lúc tôi phát hiện ra xác chết, tôi bỗng thấy chiếc đồng hồ bị mất ấy đứng sừng sững trên lò sưởi: đúng là chiếc đồng hồ của tôi... Vừa lúc ấy, bà già mù về... Tôi hoảng sợ đâm quên sạch... tôi chỉ lo bà già giẫm lên cái xác. Và tôi hốt hoảng bỏ chạy ra đường. Mãi sau, khi đã trấn tĩnh lại, suy nghĩ về tất cả những thứ đó, tôi chợt nhớ là Pebmarsh có nói rằng bà ấy không hề gọi điện đến Trung tâm, và tất nhiên không có chuyện bà ấy yêu cầu đích danh tôi... Nếu vậy thì ai? Ai đã dụ tôi đến đây? Ai đã đặt chiếc đồng hồ có chữ "Rosemary" kia lên mặt lò sưởi?... Tôi bèn bịa chuyện quên găng tay... tôi chạy vào, nhét chiếc đồng hồ kia vào xắc tay. Đúng là một hành động ngu ngốc, phải không anh?

- Hết sức ngu ngốc, cô Sheila ạ. Trong một số việc cô rất không tỉnh táo.

- Nhưng người ta đã lôi tôi vào cuộc, để đổ tội lên đầu tôi. Anh thấy tấm bưu thiếp rồi đấy. Kẻ gửi tấm bưu thiếp ấy hẳn đã biết chính tôi lấy chiếc đồng hồ kia. Y lại còn dùng tấm bưu thiếp in ảnh phiên tòa ở Old Bailey. Hay cha tôi ngày xưa là một kẻ giết người?

- Cô biết gì về cha mẹ cô nào?

- Tôi thỉ biết cả hai cha mẹ tôi đều qua đời trong một tai nạn. Bà dì tôi luôn nhắc lại với tôi như thế. Nhưng dì tôi chưa hề nói gì thêm về cha mẹ tôi. Thậm chí một đôi lần, dì tôi còn nói những câu không phù hợp với giả thuyết kia. Vì vậy, tôi vẫn luôn nghĩ rằng có một điều gì đó không ổn, khiến dì tôi giấu tôi.

- Tôi thấy óc tưởng tượng của cô đi quá xa đấy. Vì sự thật có thể rất đơn giản: cô là con ngoài giá thú chẳng hạn.

- Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng ấy. Bao nhiêu người giấu kín con cái của họ chuyện đó. Phi lý! Thời nay, chuyện đó đâu còn quan trọng lắm nữa! Nhưng anh thấy không, tấn bi kịch của tôi là không hiểu người ta giấu tất cả những chuyện đó để làm gì? Nếu tên tôi là "Rosemary" thì đã sao? Chữ ấy có nghĩa là "hồi tưởng" phải không nhỉ?

- Và là một cái tên rất hay.

- Đúng thế, nhưng tôi lại không nghĩ được như thế. Dù sao thì sau tất cả những câu hỏi ông thanh tra đặt ra cho tôi, tôi bắt đầu suy nghĩ. Tại sao người ta lại dụ tôi đến chỗ họ gây án? Hay chính nạn nhân đã hẹn tôi đến đó, trước lúc ông ta bị giết? Khó hiểu quá! Hay là... người chết chính là cha tôi và cha tôi đã gọi tôi đến để cứu người, nhưng tôi chưa kịp đến thì người đã bị chúng giết? Hay hung thủ bầy ra tất cả những chuyện đó để vu tội cho tôi? Rồi Edna, không biết nó định nói với tôi điều gì? Không thể có chuyện nó nghi tôi có dính líu vào vụ án mạng!

- Rất có thể cô ấy nghe thấy một điều gì đó khiến cô ấy không hiểu, có thể như thế chăng?

- Không đâu. Chịu! Tôi không hiểu gì hết.

Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết nghi ngờ. Bất chấp tất cả những điều Sheila đã thú nhận với tôi, tôi vẫn chưa đánh tan được nỗi nghi ngờ là cô vẫn còn giấu tôi điều gì đó.

Câu chuyện Sheila kể quá ly kỳ và khó tin là lại có thật. Rồi những con số kia: 4.13, viết trên tấm bưu thiếp, kèm theo câu "Hãy nhớ lấy''. Hoàn toàn khó hiểu. Hay mấy con số đó dành riêng cho người nhận bưu thiếp, và chỉ cô ta hiểu được thôi?

Tôi trả tiền, buồn rầu đứng lên. Tôi nói với Sheila:

- Cô đừng vội hoang mang quá! "Hãng Mật vụ Colin Lamb" xin phục vụ cô tuyệt đối tận tình. Mọi thứ rồi sẽ yên ổn: chúng ta sẽ lấy nhau và sống hạnh phúc không cần một xu. Mà nhân đây, tôi hỏi cô một câu nữa: cái đồng hồ có chữ "Rosemary" đó hiện ở đâu?

- Tôi đã quẳng nó vào sọt rác của nhà bên cạnh.

Đơn giản và khôn ngoan biết bao! Ra trước đây tôi chưa đánh giá hết được khả năng cô Sheila.

Chương hai mươi bốn

LỜI COLIN KỂ

Sau khi chia tay với Sheila, tôi khóa vali lại, đem gửi bác bảo vệ khách sạn. Rồi tôi đến đồn cảnh sát thị trấn Crovvdean tìm Hardcastle... Tôi thấy anh ta đang cầm một tờ giấy, vẻ mặt đăm chiêu.

- Tối này mình đến London, Hardcastle ạ.

Anh ta ngước mắt nhìn tôi, vẫn đăm chiêu.

- Cậu đọc thử cái này xem

Anh ta đưa tôi lá thư người ta gửi anh ta. Tôi đọc thấy:

Thưa ông,

Tôi thấy có điều cần nói với ông. Hôm trước, ông hỏi chồng tôi có dấu vết gì đặc biệt không, tôi đã trả lời rằng không. Nhưng tôi lầm. Tôi nhớ ra rồi, ông ấy có một vết sẹo sau tai trái: một vết cứa của dao

cạo thì phải, rất nhỏ cho nên tôi ít quan tâm và quên bẵng mất.

Xin kính chào,

MERLINA RIVAL

Tôi kêu lên:

- Một bằng chứng tuyệt vời để ta có thể dựa vào. Nhưng sao cậu vẫn băn khoản thế kia?

- Vụ này quá quái đản, - Thanh tra Hardcastle nói.- Quá mù mịt!

° °

°

Đồng hồ nhà bên cạnh gõ báo mười giờ mười lăm phút, lúc tôi gõ cửa số nhà 62, phố Wilbraham Crescent. Người ra mở cửa là bà Ramsey, cặp mắt không nhìn thẳng vào tôi. Bà ta nói:

- Ông hỏi gì?

- Tôi muốn gặp bà một lát.

Bà ta dẫn tôi vào phòng khách, rồi vẻ cáu kỉnh, mời tôi ngồi.

- Chồng bà vẫn chưa về?

Tôi hỏi.

- Chưa.

- Hình như lần này ông nhà đi hơi quá lâu, đúng vậy không thưa bà? - Tôi lại hỏi.

- Sao ông biết?

- Liệu ông ấy có đang ở bên kia "tấm màn sắt" 1 không đấy?

Bà ta im lặng một lúc rồi khẽ đáp:

- Vâng, đúng thế.

- Bà biết hiện ông ấy ở chỗ nào chứ?

- Biết,

Bà ta im lặng một lúc rồi mới nói tiếp.

- Ông ấy muốn tôi sang đó với ông ấy.

- Ông ấy đã tính việc ấy từ lâu rồi chứ?

- Tôi đoán thế. Nhưng mãi lần vừa rồi, khi sắp đi, ông ấy mói nói thật với tôi.

- Bà đồng quan điểm với ông ấy chứ?

- Trước kia thì có. Nhưng... chắc chắn tôi không cung cấp gì thêm cho ông được điều gì khác đâu.

- Bà có thể cung cấp cho tôi những thông tin rất có ích.

- Không! Tôi không thể. Không phải tôi giấu, mà thật ra tôi không biết chính xác.

- Chồng bà có dính vào vụ tên gián điệp Larkin, đúng vậy không?

- Tôi không biết. Ông ấy không hề nói gì với tôi. Và tôi cũng không muốn hỏi.

Đột nhiên bà ta run lẩy bẩy, nói tiếp, rất khẽ:

- Tôi xin khai thật ra với ông, thưa ông Colin Lamb. Tôi rất yêu chồng tôi. Dù tán thành hay phản đối quan điểm chính trị của ông ấy, thì tôi cũng đã có lần đi cùng ông ấy sang Moskva, bởi tôi quá yêu. Nhưng ông ấy lại đòi tôi đem cả hai đứa con sang. Yêu cầu này của ông ấy thì tôi không chịu. Tất cả chỉ có vậy. Tôi muốn ở lại đây với các con. Bây giờ chính tôi cũng không biết liệu tôi còn được gặp ông ấy nữa không? Hai vợ chồng đã mỗi người đi theo một ngả đường. Riêng tôi, có một điều tôi đã khẳng định: tôi muốn các con tôi được dạy dỗ trên miền đất của tổ quốc tôi. Tôi muốn lớn lên chúng thành những công dân tốt của nước Anh, giống như mọi công dân khác.

Lát sau, tôi ra khỏi nhà bà ta, vẫn chưa tìm ra được thêm điều gì.

Tôi đi dọc theo phố Wilbraham Crescent, đến đại lộ Albany, tôi gặp ông Bland, quần áo bảnh bao.

- Chào ông! Thế nào? Mấy tên hung thủ vẫn bình yên chứ? Hôm trước tôi không thấy ông dự phiên thẩm vấn ở Tòa.

- Hôm đó tôi đang ở nước ngoài.

- Tôi cũng vậy, ông bạn trẻ ạ, tôi cũng vậy,

Bland nói và nheo mắt cưới láu lỉnh.

- Hôm trước tôi sang Pháp, nghỉ lại ở Boulogne một ngày. Tất nhiên là đi một mình, bà vợ tôi ở nhà. Tôi cặp theo một cô bồ trẻ măng, tóc vàng nhé! Còn thân hình thì... hết ý!

- Chà! Đấy là kiểu "đi công cán" của cánh đàn ông chúng mình đấy!

Và cả hai chúng tôi cùng cười phá lên khoái trá, như hai "chiến hữu" thân thiết.

Lát sau, chúng tôi chia tay nhau, tôi đi về phía đại lộ Albany, còn Bland đi về phía ngôi nhà số 61.

° °

°

Đột nhiên, đang đi, tôi bỗng nhớ đến câu của thám tử Poirot luôn miệng nhắc tôi: anh bạn trẻ chưa biết khai thác hàng xóm láng giềng. Và tôi thấy tự giận mình.

Tôi nhìn sang bên kia đường. Chẳng lẽ bên đó không có ai? May thay tôi nhìn thấy trên tòa nhà bê tông cao vút, có rất nhiều cửa sổ: có nghĩa có rất nhiều gia đình.

Đột nhiên, tôi thấy có ánh sáng ở một cửa sổ trên tầng nằm khoảng giữa. Tôi bèn "chấm" căn hộ ấy. Trong cửa sổ mở rộng của căn hộ đó có một bóng người đang nhìn ra ngoài. Khuôn mặt y bị một vật gì che mất phần trên. Tôi lục túi lấy ra chiếc ống nhòm một mắt kiểu thông dụng.

Tôi nhìn lên, thấy đó là một đứa trẻ đang dùng ống nhòm quan sát tôi. Tôi định vị rất cẩn thận căn hộ có cái cửa sổ đó. Bên ngoài, ta tưởng đấy chỉ là một căn hộ thông thường trong một tòa nhà chung cư, nhưng khi vào bên trong thì hết sức rối rắm. Cuối cùng tôi vẫn tìm ra được đúng cánh cửa cả hộ đó. Căn hộ số 77. Và tôi hy vọng mình không lầm. Bấm chuông xong, tôi đứng tránh sang một bên, chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Chương hai mươi lăm

LỜI COLIN KỂ

Một phút sau, có người ra mở cửa. Đó là một cô gái Bắc Âu cao lớn, tóc vàng, hai má đỏ hây, mặc bộ váy áo sặc sỡ, nhìn tôi vẻ dò hỏi.

- Xin lỗi, - Tôi nói.- Nhà ta có một đứa trẻ gái nhỏ phải không? Cháu đánh rơi một thứ ra ngoài cửa sổ, xuống đường.

Cô ta nói tiếng Anh rất kém, nên chỉ cười. Rồi nói:

- Xin lỗi. Tôi chưa hiểu.

- Đứa trẻ nhỏ. Con gái.

- Có đấy.

- Đánh rơi xuống đường.

Tôi vừa nói vừa ra hiệu:

- Tôi nhặt được cái này đem lên trả.

Tôi chìa con dao díp nhỏ bằng bạc. Cô gái tóc vàng cao lớn tròn xoe mắt nhìn.

- Tôi không biết.

Tôi thân mật hỏi:

- Cô đang nấu ăn à?

Cô ta lắc đầu rất mạnh.

- Tôi không muốn làm phiền cô. Tôi muốn gặp đứa trẻ để trả cái này.

- Xin lỗi, ông nói gì?

Đột nhiên cô ta hiểu ra, mắt sáng lên. Cô vội dẫn tôi vào một phòng khách thanh nhã. Trên chiếc đi văng kéo sát cửa sổ, một đứa trẻ bó bột một bên chân đang ngồi.

- Ông này bảo em đánh rơi...

May thay, đúng lúc đó dưới bếp đưa lên một mùi khét lẹt. Cô gái cao lớn kêu khẽ một tiếng hoảng hốt, chạy vội ra ngoài.

- Xin lỗi ông... xin lỗi ông!

- Cô cứ xuống bếp đi, mặc tôi.

Tôi vào phòng khách, nhẹ nhàng khép cửa lại, tiến đến chỗ đi văng.

- Chào cháu!

- Chào chú, - đứa trẻ gái nhìn tôi từ đầu đến chân, làm tôi đâm lúng túng.

Hai bím tóc mỏng, trán dô, cằm nhỏ, đứa trẻ không đẹp nhưng trông rất thông minh.

- Chú tên là Colin, còn cháu?

- Cháu là Gerry.

Tiếp xúc với trẻ con, ta gặp một thuận lợi lốn là chúng không cần đến nghi thứcử Giá như người lớn thì họ đã hỏi tôi: "Ông hỏi gì?", nhưng Gerry đang ngồi buồn một mình, thấy tôi em vui hẳn lên, sẵn sàng huyên thuyên với tôi đủ chuyện.

- Ba em đâu?

Em liến thoắng:

- Nhà máy Cơ khí Cartinghaven, thị trấn Reaverbridge, cách đây đúng 18 cây số rưõi.

- Mẹ?

- Chết rồi, - Gerry đáp bằng giọng nói dường như hớn hở. - Lúc cháu mới hai tháng. Máy bay bị tai nạn, tất cả đều chết.

Em nói như thể đấy là một vinh dự, được có bà mẹ dính vào một vụ tai nạn máy bay nổi tiếng.

- Chú hiểu. Thế cháu ở với ai?

Tôi đưa mắt ra phía cửa.

- Cô Ingid đấy. Cô ấy là người giúp việc, người Na Uy. Mới đến đây được nửa tháng. Cô ấy chưa biết tiếng Anh. Cháu đang dạy cô ấy.

- Cô ấy dạy cháu tiếng Na Uy chứ?

- Không. Chỉ vài chữ thôi.

- Cháu yêu cô ấy không?

- Yêu ít thôi. Cô ấy nấu những món ăn rất lạ. Cô ấy ăn cá sống đấy.

- Chú ăn thứ ấy rồi, ở Na Uy. Chú lại thấy rất ngon.

Gerry có vẻ không tin.

- Hôm nay cô ấy làm bánh tác-tin.

- Chà, ngon đấy.

- Cháu thì không thích. Chú ăn ở đây không?

- Không. Chú đi dưới đường, thấy một con dao nhỏ rơi xuống, chú ngẩng đầu lên, đoán là nhà cháu.

Tôi chìa ra con dao díp nhỏ bằng bạc:

- Có phải của cháu không?

- Dao để gọt táo đây mà.

- Đúng thế.

- Không phải của cháu,

Gerry thở dài vẻ tiếc rẻ.

- Không phải cháu đánh rơi. Nhưng sao chú lại tưởng của cháu?

- Vì chú ngẩng đầu lên thấy cửa sổ nhà cháu mở. Cháu ngồi nhà một mình thế này có buồn không?

- Buồn lắm. May mà ba đem về cho cháu đủ các thứ đồ chơi: bút chì mầu, búp bê các loại. Rồi cái này nữa.

Cô bé giơ lên chiếc ống nhòm.

- Thứ này cháu thích nhất. Cháu nhìn ra ngoài, thấy được cả những thứ ở xa, mà vẫn rất rõ.

- Cho chú xem thử, - tôi nói.

Tôi đỡ chiếc ống nhòm, xoay núm điều chỉnh rồi nhìn ra xa.

- Ống nhòm này tốt lắm đấy.

Mà đúng thế, ống nhòm rất tốt. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy rõ tàng chi tiết nhỏ của số nhà 19 và các nhà xung quanh.

- Ba bảo không phải ống nhòm trẻ con mà là ống nhòm người lớn đấy, - cô bé nói.

- Ba nói đúng. Chú nhìn rất rõ.

- Cháu còn có cả một cuốn sổ, cháu ghi vào đấy tất cả những gì cháu nhìn thấy, cháu ghi cả giờ nữa. Ba cháu bảo các chú cảnh sát giao thông cũng ghi số những xe chạy qua trạm kiểm soát giống như cháu. Bạn Dick ở nhà bên cạnh cũng sang đây cùng với cháu ghi các số xe ô tô chạy qua ở dưới phố đấy. Bắt đầu từ số 1, bây giờ đã lên đến số ba trăm mười lăm rồi.

- Thú đấy nhỉ!

- Rất thú. Chỉ tiếc phố này ít ô tô chạy đến quá. Mỗi ngày chỉ có vài chiếc. Bây giờ cháu không ghi xe ô tô nữa.

- Chắc cháu biết rõ các ngôi nhà bên kia đường phố?

Tôi hỏi giọng làm như tình cờ, không có dụng ý.

- Đúng thế! Cháu không biết tên của họ, nhưng cháu đặt cho mỗi người bên ấy một cái tên.

- Cháu làm thế là rất thú. Cháu sáng kiến lắm.

Gerry trỏ ra ngoài cửa sổ, đồng thời nhìn theo.

- Kia là nhà nữ hầu tước Carrabas, cây cối um tùm lộn xộn, giống như nhà lão hầu tước trong truyện cổ tích Con mèo đi hia ấy. Mà bà chủ nuôi nhiều mèo lắm nhé. Mấy chục con đấy.

- Hôm nọ chú có nói chuyện với một con, con mèo hung ấy.

- Cháu có nhìn thấy chú, - Gerry nói.

- Cháu có óc quan sát tốt đấy. Cháu không bỏ qua thứ gì. Cháu giỏi lắm.

Gerry cười sung sướng.

Cửa phòng mở, cô gái Na Uy vào, thở hổn hển.

- Cháu có sao không?

- Không sao. Cô cứ làm đi, cháu chơi với chú Colin là được rồi. Cô cứ xuống bếp đi, Ingrid.

- Vậy cô đi nhé. Ngồi đây chơi với chú.

- Mỗi khi làm một món ăn mới, bao giờ cô ấy cũng hồi hộp thế đấy.

- Ta nói chuyện tiếp về các nhà bên kia đường đi. Còn ngôi nhà sạch sẽ tinh tươm kia là của ai?

- Của một bà già mù. Nhưng nhìn bà ấy đi thì không ai biết là người mù. Mới đầu cháu cũng có biết đâu, sau bác Harry góc cổng kể cháu mới biết bà ấy mù. Cũng chính bác Harry kể cháu nghe về vụ án mạng.

- Án mạng?

Tôi làm ra vẻ sửng sốt.

- Đúng đấy. Lần đầu tiên cháu nhìn thấy một vụ giết người.

- Ly kỳ đấy! Thế cháu nhìn thấy như thế nào?

- Lúc ấy là buổi trưa, phố xá vắng tanh. Bỗng một cô chạy hốt hoảng trong nhà ra, hét lên. Cháu biết ngay là trong nhà vừa xảy ra chuyện gì ghê gớm lắm.

- Ai hét?

- Một cô. Trẻ và đẹp lắm. Cô ấy chạy vụt trong nhà ra. Đúng lúc ấy có một người đàn ông đi ngang qua bên ngoài. Cô ấy vọt ra khỏi cổng, bấu chặt lấy người đàn ông, như thế này này, - em nói rồi túm ống tay áo tôi.

Đột nhiên em nhìn tôi:

- Người đàn ông ấy rất giông chú.

Tôi cười:

- Không phải chú đâu. Giống lắm à?

- Rất giống chú.

- Rồi sau đấy thế nào?

- Sau đấy nhiều chuyện lắm. Người đàn ông vào nhà rồi chạy ra, gọi điện thoại ở trạm điện thoại công cộng chỗ góc phố kia kìa.

- Cháu thường ăn trưa lúc mấy giờ, Gerry?

- Mỗi hôm một khác, tùy theo cô Ingrid. Cô ấy nấu xong là ăn.

- Hôm xảy ra vụ án mạng, cháu ăn sớm à?

- Hôm ấy, cô Ingrid phải chuẩn bị để đi đâu ấy.

- Sáng hôm ấy, cháu có nhìn ra cửa sổ chứ?

- Vâng. Chỉ thỉnh thoảng cháu mới bỏ ông nhòm xuống thôi.

- Cái người bị giết ấy, cháu có thấy ông ta vào nhà không?

- Không. Cháu không thấy ông ấy đến và bấm chuông cửa gì hết.

- Có khi ông ấy đi lối sau, qua vườn? Với lại cháu dễ nhầm ngày này với ngày khác lắm.

Gerry tự ái:

- Cháu lầm thế nào được? Ngày nào cháu cũng ghi vào sổ đây này. Thí dụ cháu có thể kể chú nghe bà Cua đến lúc nào và về lúc nằo?

- Sao lại gọi là "bà Cua"?

- Bà ấy đi giạng hai chân như con cua ấy. Bà ấy giúp việc cho số nhà có người bị giết ấy.

- Hay quá nhỉ! Thì ra hôm ấy cháu cũng dùng ống nhòm quan sát mọi thứ ở các nhà bên kia đường!

- Vâng, có chứ.

- Cháu thấy người nào lạ không? Có thấy xe ô tô nào đến phố này hôm ấy không?

- Mỗi tuần hai lần có xe chở sữa đến đưa các nhà, vào Thứ hai và Thứ năm. Xe đến vào tuổi sáng, từ 8 giờ đến 8 rưỡi.

Chà, cô bé nhớ rõ mọi thứ!

Gerry nói tiếp:

- Ngoài ra còn xe tải nhỏ của xưởng giặt là nữa. Chỉ có điều, hôm ấy, xe chở quần áo giặt không phải của hãng "Southern Laundry" mà lại của hãng khác, tên là hãng "Snowflake Laundry". Đấy là lần đầu tiên cháu nhìn thấy xe của hãng "Snowflake" đấy.

- Xe đến lấy quần áo để giặt là à?

- Hôm đó xe chỉ trả hàng thôi, cháu không thấy họ lấy thứ gì đem đi.

- Sao lại thế?

- Hôm ấy chắc bà mù thuê giặt thứ gì đặc biệt, bởi lúc họ đem trả, cháu thấy họ bê một cái giỏ to lắm, to hơn những cái giỏ mọi khi nhiều.

- Và bà mù ra nhận?

- Lúc đó bà ấy đi chợ.

- Lúc ấy là mấy giờ, Gerry?

- Để cháu xem sổ, - em mở cuốn sổ tìm. - Đây rồi, cháu ghi rất rõ: 13 giờ 35. Xe hãng giặt là trả hàng cho số nhà 19.

- Cháu kể chú nghe tỷ mỷ, họ trả thế nào?

- Bình thường thôi. Bác thợ giặt xuống xe, mở khoang xe tải, bê cái giỏ to đùng. Bác ta đi loạng ngoạng, vì cái giỏ rất nặng. Bác ta bê vào chỗ cửa sau. Lấp cho nên cháu không biết bác ta có vào nhà hay không. Lát sau thấy bác ta ra. Chắc không vào vì cửa khóa.

- Cháu thấy bác thợ giặt mặt mũi ra sao?

- Bình thường thôi,- Gerry nói.

- Loại tuổi chú?

- Già hơn chú.

- Xong việc, bác ấy đi?

- Chú quan tâm đến chuyện ấy à?

- Chuyện án mạng bao giờ cũng lý thú. Chú nghe cháu kể chú rất thích.

Đúng lúc ấy, cửa mở, cô gái Na Uy đẩy xe chở thức ăn vào.

- Gerry! Cháu chuẩn bị ăn trưa nhé!

- May quá. Cháu đang đói cồn cào cả bụng đây này.

Tôi đứng dậy, nói:

- Chú về đây. Chào cháu Gerry.

- Chào chú. Chú quên con dao kìa! Tiếc quá, giá cháu có một con dao như thế!

- Chú chẳng biết của ai mà trả. Cháu cầm lấy.

Chương hai mươi sáu

Một buổi tối, bà Rival về đến nhà, hơi say, sau khi ngồi ở nhà hàng Peacock Arm ăn uống no nê. Bà ta sắp mở cửa thì một tiếng người dưới hầm vọng lên:

- Có một ông khách đang đợi bà chủ trong phòng khách đấy.

- Có khách à? - bà Rival ngạc nhiên.

Bà lúng túng tra khóa vào ổ, phải loay hoay một lúc mới mở được. Trong nhà nồng nặc mùi bắp cải muối, mùi cá ướp. Bấu lấy lan can cầu thang để khỏi loạng choạng, bà leo lên đến tầng trên, mở cửa phòng khách. Bỗng bà hốt hoảng lùi lại:

- Thì ra ông?

- Chào bà Rival,

Thanh tra Hardcastle đứng dậy, nói.

Bà Rival nói ngay, thái độ sấn sổ khác hẳn lần bà đến đồn cảnh sát gặp ông:

- Thưa ông thanh tra, chuyện ông Harry là chuyện quá lâu rồi, tôi hoàn toàn không muốn nhớ lại nữa.

Bà ta nói giọng líu lại, và thở ra toàn mùi rượu.

- Tôi yêu cầu ông đừng nhắc lại chuyện ấy nữa. Tôi muốn quên cái chuyện nhơ nhuốc ấy đi.

- Tôi hiểu, thưa bà Rival. Tôi đến gặp bà chỉ để hỏi về một chi tiết. Trong lá thư bà viết cho tôi, bà cung cấp một chi tiết bổ sung, đó là một vết sẹo, hình như thế.

- Vâng, đằng sau tai trái,- bà Rival nói và trỏ vào vị trí đó trên gáy bà.

- Lần ông Harry cứa dao cạo vào đấy là bao giờ?

Bà Rival cố nhớ lại.

- Vào khoảng sáu tháng sau khi hai chúng tôi cưới nhau.

- Nghĩa là khoảng tháng Mười hoặc tháng Mười Một năm 1946? Phải thế không, thưa bà?

- Vâng, khoảng đó.

- Vậy thì rất lạ, rất lạ, - Thanh tra Hardcastle nói.- Theo bác sĩ pháp y và một bác sĩ phẫu thuật chúng tôi mời đến để xác nhận, thì vết sẹo đó chỉ cách đây năm, đến sáu năm là cùng.

- Vớ vẩn! Tôi không tin... Ngoài tôi ra, không ai

có thể biết được chuyện ông Harry nhà tôi lỡ làm đứt da.

- Bà đã không gặp ông ấy từ năm 1950, phải không nhỉ? Vậy làm sao bà biết được là ông ấy có vết sẹo đó, vết sẹo do một thương tích chỉ mới gần đây thôi?

- Harry đã có vết sẹo đó từ trước, điều này tôi biết rất rõ,- bà Rival nói.

Viên thanh tra đứng dậy.

- Thưa bà Rival, tôi thiết nghĩ, trước khi khai ra điều gì, bà nên suy nghĩ cho chín. Hẳn bà không muốn luật pháp gây rắc rối cho bà, tôi nói thế có đúng không thưa bà?

- Luật pháp? Ông nói gì lạ vậy?

Viên thanh tra nói giọng buồn rầu:

- Nhân chứng khai man trước tòa, có thể bị phạt tù đấy. Bà nên cẩn thận.

- Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy những thứ ngu xuẩn ấy,

Bà Rival đứng lên, mắt tóe lửa, nói tiếp.

- Tôi chỉ muốn làm tròn phận sự là giúp các ông. Tôi kể ra hết những gì tôi nhớ được. Nếu tôi nhớ sai đôi chút thì có gì quan trọng? Đấy là chuyện bình thường. Sau ngần ấy năm trời. Và từ ngày ấy, tôi đã ăn nằm với bao nhiêu đàn ông, tôi lẫn người này với người nọ là chuyện có gì lạ đâu?

Viên thanh tra nói:

- Chào bà, thưa bà Rival. Tôi chỉ khuyên bà một câu: hãy nghĩ cho chín. Có vậy thôi.

Hardcastle vừa quay ra thì mặt bà Rival méo xệch đi. Bà ta rất lo. Rất lo. Nửa giờ sau, bà ta đã đứng trong một trạm điện thoại công cộng.

- Alô! Ông đấy à? Tôi đã bị ông mê hoặc, ông không cho tôi biết trước là có thể có rủi ro. Tôi không hề ngờ rằng tôi lại đang nhúng tay vào một vụ giết người. Tôi bị ông mê hoặc, tôi nhắc lại... Cái sẹo đó lão ta mới chỉ có vài năm nay thôi, vậy mà tôi dám khai rằng lão ta có từ trước khi bỏ tôi... Không!

- Giúp ông à? Thế thì được... Tôi biết... tôi biết chứ... ông đã chi cho tôi rất hậu hĩ... Thôi được, tôi tuân theo lời ông, nhưng tôi không muốn... Được... được, tôi sẽ không nói gì nữa... Cái gì? Mấy giờ?... Đồng ý, tôi sẽ đến.

Bà ta tươi cười bước ra khỏi trạm điện thoại công cộng.

Với một khoản tiền lớn như thế thì có bị cảnh sát lôi thôi cũng vẫn bõ. Bà Rival đã bắt đầu tính sẽ dùng số tiền lớn đó mua những gì.

Chương hai mươi bảy

LỜI COLIN KỂ

Trong lúc đi dọc theo đại lộ Charing Cros, tôi nghĩ đến Sheila và rất buồn cho nàng. Đến ga, tôi mua một tờ báo, đọc thấy tin, tối hôm qua vào giờ cao điểm nhất, trong lúc mọi người chen chúc nhau vào ga Victoria, có một phụ nữ đột nhiên khuỵu xuống. Mọi người tưởng chị ta bị ngất. Khi đưa đến bệnh viện, thì ra chị ta bị đâm lén sau lưng. Và cho đến khi tắt thở, chị ta không tỉnh lại được một lúc nào. Tên người phụ nữ đó là Merlina Rival.

Tôi gọi điện cho thanh tra Hardcastle, thì anh ta khẳng định tin đó là có thật.

- Đúng thế đấy,

Hardcastle nói giọng buồn bã.

- Chiều qua mình đến nhà chị ta, chứng minh rằng chuyện vết sẹo sau tai của nạn nhân mà chị ta khai là không ăn khớp với thực tế. Có vết sẹo, nhưng chỉ mới gần đây thôi. Cậu thấy cuộc đời lạ chưa? Mình muốn làm tốt cho người ta, thì đâm lại mang tai họa cho họ. "Bọn chúng trả tiền để chị ta khai cái xác đó là của ông chồng cũ. Chị ta đã thực hiện chuyện đó một cách xuất sắc. Mình cảnh báo chị ta là chị ta đã khai bậy về vết sẹo, lần sau đừng dại dột thế. Bọn kia hóa ra còn khôn hơn mình. Chúng an ủi chị ta là khai sai như vậy chẳng tội tình gì mấy, một vết sẹo nhỏ xíu và lại qua ngần ấy năm không gặp nhau rất có thể chị ta nhớ lầm. Vậy là câu chuyện về chị ta kết thúc. Giá như ngay từ đầu chị ta đến gặp bọn mình, có phải tốt không.

- Nhưng khi gặp chị ta chiều hôm qua, cậu đã nói với chị ta những gì?

- Mình dọa chị ta. Và đúng như mình dự đoán, sau đấy chị ta bắt liên lạc ngay với bọn chúng. Tất nhiên bọn mình có bố trí bám theo. Nhưng không thấy chị ta đi gặp ai... Cho đến tối hôm qua.. Chị ta ra ga Victoria mua vé để đi Crovvdean. Lúc ấy là 6 giờ tối, giờ đông đúc nhất. Hẳn chúng hẹn chị ta đến gặp chúng ở Crowdean, chị ta không nghi ngờ gì hết. Nhưng tên khốn kiếp đã đón đường. Giữa đám đông chen lấn nhau, hắn lén đâm một nhát trúng tim.

Bất giác tôi hỏi:

- Cậu đã kiểm tra tất cả những trường hợp ngoại phạm rồi chứ?

Câu trả lời đến ngay lập tức:

- Hôm qua bà Pebmarsh đi London để giải quyết chuyện dạy học, mãi 7 giờ 40 mới về đến Crowdean,

Anh ta dừng lại một lúc lâu rồi mới nói tiếp.

- Cô Sheila Webb thì vào giờ đó đang làm cho một khách hàng nước ngoài, đánh máy một số trang bản thảo đã sửa lại của ông ta. Năm giờ rưỡi, xong việc, cô ấy đi một mình vào rạp xem phim, xem xong thì về thẳng nhà.

- Này, Hardcastle,- tôi nói.

- Mình có một nguồn tin cho cậu đây. Bảo đảm chính xác. Một người đã nhìn thấy hắn. Vào 13 giờ 35 phút, một xe tải nhỏ của hãng giặt là đã đỗ lại trước cửa số nhà 19 phố Crescent. Gã lái xe bê một sọt to đem vào cửa phía sau nhà. Đó là một gã đàn ông!

- Cậu không bịa đấy chứ, Colin?

Viên thanh tra hỏi lại tôi, vẻ nghi ngờ.

- Không đâu. Mình đã nói rồi. Có một nhân chứng hẳn hoi. Nếu cần, cậu có thể kiểm tra.

Không đợi anh ta nói thêm gì, tôi gác máy.

Ra khỏi trạm điện thoại công cộng, tôi nhìn đồng hồ. Tôi đang còn chuyện khác quan trọng hơn là giúp Hardcastle. Toàn bộ tương lai của tôi phụ thuộc vào công việc đó.

Chương hai mươi tám

LỜI COLIN KỂ

Năm ngày sau, tôi trở về thị trấn Crowdean lúc 11 giờ đêm. Như thường lệ, tôi đến nghỉ ở khách sạn Clarenton.

Hôm sau, lúc điểm tâm, người hầu bàn bưng đến thức ăn và cà phê, kèm theo một chiếc phong bì dài.

Bên trong chỉ có một tờ giấy, viết bằng chữ in hoa:

Khách Sạn Curletv.11 giờ 30

Phòng 413

Gõ ba tiếng

Tôi lật mặt sau không thấy gì. Tôi đọc lại mặt trước một lần nữa. Thế nghĩa là sao? Phòng 413! Lại 413! Hay 4.13, 4 giờ 13 phút! Lại vẫn con số tai họa! Chính là giờ kim đồng hồ trên những cái đồng hồ kia đã chỉ, vào lúc xảy ra vụ án mạng đầu tiên. Và cũng là con số ghi trên tấm bưu thiếp khó hiểu kia gửi cho cô Sheila Webb! Chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên rồi.

Chà, nghĩa là tôi đã nằm trên đường ngắm của bọn chúng.

Cạo râu và mặc quần áo chỉnh tề xong, tôi đến khách sạn Curlew.

Đứng trước cửa số phòng 413, tôi ngập ngừng một lát. Nhưng thấy mình ngớ ngẩn, tôi gõ ba tiếng.

- Mời vào!

Bên trong có tiếng vọng ra.

Tôi xoay nắm cửa. Cửa không khóa trong. Tôi bước vào và sững người.

Trước mặt tôi là người tôi ít ngờ nhất: ông Hercule Poirot đang nhìn tôi, cười rũ rượi.

- Một sự bất ngờ nhỏ, đúng vậy không, anh bạn trẻ?- Ông nói.

- Tôi hy vọng anh bạn trẻ tán thành chứ?

Tôi kêu lên:

- Ông Poirot, ông lớn tuổi rồi mà tinh nghịch như con nít vậy! Ông đến thị trấn này làm gì? Thì ra ông gửi cho tôi lá thư này?

Tôi vung lá thư trước mặt ông.

- Không tôi thì còn ai, hả anh bạn trẻ?

- Số phòng 413 là ngẫu nhiên trung hợp hay sao?

- Không phải ngẫu nhiên đâu. Tôi yêu cầu người ta bố trí cho tôi số phòng đó. Chà, xem chừng anh bạn trẻ không thú cái trò đùa nhỏ của lão già này đấy nhỉ! Anh bạn không muốn gặp tôi sao?

- Nếu ông ở vào địa vị tôi, ông thấy thế nào?

- Tôi thấy lý thú! Nhưng thôi, ta không đùa nữa. Bàn chuyện nghiêm túc. Tôi nghĩ có thể giúp được anh bạn trẻ. Tôi đã gặp Chỉ huy trưởng cảnh sát thị trấn. Và hiện giờ tôi đang chờ thanh tra Hardcastle.

- Để làm gì?

- Để cả ba chúng ta cùng trao đổi.

Tôi bật cười nhìn ông thám tử già. Tôi hiểu ông dùng chữ "trao đổi" là với nghĩa để tôi ngồi nghe ông giảng giải cho thanh tra Hardcastle.

° °

°

Ngay khi vào, làm xong các nghi thức chào hỏi, thanh tra Hardcastle hắng giọng, thông cổ họng, bắt đầu dè dặt nói:

- Thưa ông Poirot, tôi đoán ông muốn xem mọi thứ, nhưng như thế hơi khó. Dù sao tôi cũng...

Tôi ngắt lời anh bạn:

- Ông Poirot không cần xem gì hết. Cách của ông Poirot là chỉ cần ngồi trong ghế bành suy luận là sẽ giải đáp được mọi vấn đề. Đúng thế không, thưa ông Poirot?

° °

°

Đưa tay xoắn hàng ria mép, thám tử lừng danh Poirot vênh mặt. Tôi cười thân thiện với ông, nói:

- Bây giờ xin ông cho lời giải đáp, tất nhiên nếu ông đã có.

- Dĩ nhiên là tôi đã có!

Thanh tra Hardcastle không còn tin vào đôi tai của anh ta nữa.

Hercule Poirot nói:

- Khi nghe cậu Colin kể câu chuyện, tôi thấy vụ án này gần như hoang đường, quái đản. Bốn chiếc đồng hồ đều nhanh một tiếng, lại ở trong một phòng mà chủ nhà không hề biết có chúng, chí ít thì cũng là bà ta nói như thế.

"Dưới sàn, một xác chết, một người đàn ông dáng vẻ khả kính, và cũng không ai biết ông ta là ai. Trong túi áo ông ta, một tấm danh thiếp đề tên R.H. Curry, Công ty bảo hiểm Metropolis, một công ty không hề tồn tại trên đời, cũng giống trên đời không hề có ai tên là Curry.

Vào 13 giờ 50 phút, người ta gọi điện đến Trung tâm dịch vụ đánh máy chữ và văn phòng: một bà tên là Pebmarsh yêu cầu cử một thư ký đánh máy đến làm việc cho bà, vào 15 giờ, tại số nhà 19 phcí Wilbraham Crescent, tốt nhất là nếu được cô Sheila Webb.

"Cô này đến nơi sớm vài phút, và theo đúng lời đã được thỏa thuận trước, tự đi vào phòng khách. Tại đây cô phát hiện trong đó có xác chết, hốt hoảng lao chạy ra ngoài kêu cứu, rồi rơi vào vòng tay một chàng trai...

Poirot ngừng nói, nhìn tôi.

Tôi bèn cúi chào rất thấp, như diễn viên trên sân khấu cúi chào khán giả:

- Diễn viên nam thủ vai chính xin bắt đầu vào kịch!

- Thấy chưa?

Thám tử Poirot nói.

- Nghe câu chuyện này, không một ai, kể cả các ông, không thể không lấy giọng bông phèng để biểu lộ thái độ của mình. Bởi vụ án nghe như một câu chuyện trong một cuốn tiểu thuyết hình sự tồi, các chi tiết quái đản chồng chất nhau mà không có lấy một lo gích nào nối chúng lại. Vụ án quá phi lý! Hệt như những cốt truyện hình sự của Garry Gregson vậy.

Thú thật với hai ông bạn trẻ, suốt sáu mươi năm qua tôi chuyên nghiên cứu các truyện hình sự trên đời. Kết quả là tôi tập được cách nhìn các vụ án có thật trong cuộc sống bằng cặp mắt của tác giả viết truyện hình sự.

"Và tôi thấy vụ án này mới đúng là một truyện bịa đặt của một tác giả hình sự... Ta thử phân tích nhé! Người bị giết rõ ràng là một người có tuổi, đáng kính, không có vẻ gì đặc biệt. Đột nhiên tôi nghĩ, biết đâu ông ta đúng là như thế thật. Ông nghĩ sao, ông thanh tra?

Thanh tra Hardcastle dè dặt đáp:

- Vâng, có thể là như thế.

- Vậy là chúng ta có một nhân vật có tuổi, đáng kính, không làm điều gì khuất tất, nhưng lại có kẻ muốn hủy diệt ông ta. Vậy kẻ nào? Chính vì thế mà tôi đã khuyên anh bạn trẻ Colin của tôi: phải la cà, gợi chuyện với hàng xóm... phải gợi chuyện để họ thoải mái cung cấp cho chúng ta các thông tin. Nhưng nói chung, phải trò chuyện cởi mở, thân tình, kiểu nói chuyện phiếm, không có dụng ý nào cả. Bởi trong lúc nói chuyện con cà con kê như thế, họ sẽ để lộ ra những điều họ không định trước.

Tôi nói:

- Một phương pháp tuyệt vời. Rất tiếc là không đem lại kết quả trong vụ án này.

- Sao lại không đem lại kết quả, anh bạn trẻ thân mến? Chỉ một câu nhỏ thôi mà ra bao nhiêu điều.

Tôi ngạc nhiên.

- Thưa ông, câu nào ạ?

- Lát nữa, trong khi nghe, anh bạn sẽ thấy. Nếu chúng ta khoanh một vòng tròn xung quanh số nhà 19 phố Wilbraham Crescent, bất cứ ai trong cái vòng tròn đó cũng có thể là hung thủ. Nổi lên trên hết là những người có mặt tại chỗ: bà Pebmarsh rất có thể giết ông ta, trước khi bà ta ra khỏi nhà lúc 13 giờ 35 phút. Hoặc cô Sheila Webb, có thể hẹn ông ta đến đây, rồi giết ông ta, sau đó mới chạy ra ngoài và kêu ầm lên.

- Chúng tôi cũng đang nghĩ là như thế.

Quay sang anh ta, ông Poirot nói tiếp:

- Tôi suy nghĩ và nhận thấy vụ án mạng này thật ra rất đơn giản. Tạm thời ta gạt sang một bên, khoan hảy nói đến những chiếc đồng hồ kia, và cách bố trí để có người phát hiện ra xác chết. Những thứ đó chỉ là vật trang trí, giống như "những con tầu, những chiếc giầy..." trong truyện Cô bé Alice tại xứ sở thần tiên.

"Một người đàn ông có tuổi, đáng kính, mà bị giết! Đấy mới là cái lõi. Ông ta từ đâu đến? Cái gì khiến ông ta đến số nhà 19 phố Crescent này? Về chuyện này, chúng ta hãy nhớ lại một câu rất có ý nghĩa của bà hàng xóm Hernmings: "Bà ta kêu lên: dường như ông ta đến đây cốt để bị giết! Đúng là lạ!" Quả là ông Curry kia đến số nhà 19 này cốt để bị giết! Chỉ có vậy thôi.

- Tôi cũng đã chú ý đến câu nói ấy!

Nhưng ông Poirot không quan tâm đến câu tôi nói, mà vẫn tiếp tục:

- Nhưng không phải chỉ có thế. Hung thủ cần để không ai biết nạn nhân là ai. Muốn vậy, hắn cần tạo cho ông ta một căn cước giả. Thoạt đầu, tôi đã nghĩ, thế nào cũng sẽ có một thân nhân của nạn nhân đến nhận diện, không sớm thì muộn.

"Và đã có một người: bà vợ cũ của ông ta. Khốn nỗi bà Rival kia lại dùng một cái tên rất dễ gây nghi ngờ. Tôi đã có lần đến quận Somerset, và cùng mấy người bạn nghỉ trong một làng có cái tên giống như thế: Curry Rivel - chỉ khác e đổi thành a. Hung thủ chọn chọn hai cái tên đó "Curry" và "Rival" là do hạ ý thức, chứ không nghiên cứu kỹ. "Ông Curry" và "Bà Rival"!

"Cho đến lúc này hung thủ vẫn giữ được sự yên ổn trong bóng tối, tuy nhiên tôi nghĩ: tại sao hắn lại tin rằng không ai tìm ra được tung tích của nạn nhân? Ông ta không có gia đình sao? Nhưng ít nhất cũng có người bảo vệ tòa nhà ông ta cư trú biết ông ta chứ?

"Từ nhận xét không ai biết được tung tích nạn nhân, tôi phán đoán nạn nhân không phải người Anh, mà là người nước ngoài, có việc đi ngang qua nước Anh mà thôi. Giả thuyết của tôi được khẳng định, do hàm răng giả của ông ta không phù hợp với bất cứ một phiếu làm răng giả nào ở nước Anh.

"Từ đó, tôi hình dung lờ mò ra được hung thủ và nạn nhân. Vụ án mạng này được chuẩn bị và tiến hành rất chu đáo. Nhưng hung thủ làm sao tính trước được các ngẫu nhiên?

- Thí dụ ngẫu nhiên nào, thưa ông? - thanh tra Hardcastle hỏi.

- Ta hãy nói đôi chút về cái Trung tâm dịch vụ Văn phòng và đánh máy kia. Tại đấy có tám nữ nhân viên. Ngày 9 tháng Chín, ngày xảy ra án mạng, bốn cô nhân viên bận làm cho khách hàng ở ngoài, và không về cơ quan lúc nghỉ trưa. Bốn cô này được bố trí ăn trưa kíp trước: từ mười hai giờ đến một giờ rưỡi. Bốn cô còn lại: Sheila, Edna, Maureen và Janet được bố trí ăn trưa kíp sau, từ một rưỡi đến hai rưỡi.

Không may. Vừa ra khỏi cơ quan, cô ấy bị gãy gót giày, đành mua tạm một khoanh bánh mì kẹp thức ăn đem về cơ quan ăn.

"Chúng ta đã biết cô Edna này có điều gì băn khoăn. Cô ta tìm gặp Sheila nhưng không được. Và hôm ra tòa, nghe xong các nhân chứng, cô ấy có nói câu: "Tôi không hiểu tại sao người ta lại khai như thế!" Hôm đó có ba người khai: bà Pebmarsh, cô Sheila và bà Martindale.

- Nhưng bà Martindale khai trong có hai phút!

- Đúng thế. Bà ta chỉ khai là có người gọi điện thoại yêu cầu, và người đó xưng tên là bà Pebmarsh.

- Hay cô Edna biết người gọi không phải bà Pebmarsh? Ông định nói thế chứ gì?

- Tôi cho rằng vấn đề đơn giản hơn nhiều. Theo tôi, không có ai gọi điện thoại đến xin thư ký.

Thám tử Poirot nói tiếp:

- Bà Martindale ngồi trong phòng giám đốc, không biết cô Edna đã về cơ quan, đang ngồi ở ngoài. Bà ta tưởng chỉ có một mình bà ta. Bà ta chỉ cần khai rằng bà Pebmarsh gọi điện đến lúc 13 giờ 49 phút. Thoạt đầu, cô Edna không chú ý đến tầm quan trọng của lời khai đó. Bà Martindale gọi Sheila vào, giao nhiệm vụ đến làm cho bà Pebmarsh. Không ai nói chuyện đó cho cô Edna.

"Đến hôm ra tòa, trước mặt tất cả các cô nữ nhân viên, bà Martindale nhắc lại lời khai kia. Lúc đó, cô Edna mới thấy bà giám đổíc khai man, vì vào giờ đó cô ngồi trong cơ quan có thấy ai gọi điện thoại đâu? Cô bèn gặp nhân viên cảnh sát, xin nói chuyện với ông thanh tra, nhưng lại không nói được.

"Khi đi giữa đám người ra khỏi hội trường, cô Edna bị bà Martindale theo dõi, rất có thể bà ta đã nghe thấy câu than phiền kia của cô. Bà ta đi theo Edna đến phố Crescent. Nhưng tôi lại nghĩ, cô Edna đến phố ấy làm gì?

Thanh tra Hardcastle thở dài nói:

- Có thể, giống như bao người khác, cô ấy muốn nhìn lại ngôi nhà có án mạng.

- Có lẽ thế. Bà Martindale đi theo, và khi thấy cô Edna thật thà đưa ra ý kiến của mình, bà ta quyết định hành động, càng sớm càng tốt.

Đến chỗ trạm điện thoại công cộng, bà ta hẳn đã giục cô: "Em vào gọi cho cảnh sát ngay đi. Chuyện ấy rất quan trọng đấy, báo cho họ rằng chúng ta sẽ đến gặp họ ngay bây giờ". Cô Edna vào, vừa nhấc ống nói thì, từ phía sau bà ta dùng chiếc khăn quàng thắt cổ cô ấy...

- Không ai nhìn thấy?

Hercule Poirot nhún vai:

- Tất nhiên nếu có người đi ngang qua. Nhưng vào giờ ăn trưa, mọi người đều lo đi ăn, nếu có đi ngang qua thì cũng mải chăm chú ngắm ngôi nhà số 19. Với loại phụ nữ như bà ta thì nguy cơ kia không đáng phải quan tâm nhiều.

Thanh tra Hardcastle có vẻ chưa chịu.

- Bà Martindale? Nhưng bà ta có lý do nào để dính vào vụ này?

Thám tử Poirot quay sang phía tôi, trỏ tay như trỏ đứa trẻ hư, nói:

- Qua những cuộc la cà trò chuyện với hàng xóm, anh bạn trẻ không phát hiện ra gì thêm hay sao? Tôi đã chú ý đến một câu rất có giá trị của bà Bland. Bà ta nói rằng bà không muốn đi đâu bởi tại thị trấn Crowdean này bà ta có một người chị. Đúng ra bà ta không thể có chị, bởi cách đây một năm bà ta được thừa kế một gia tài kếch xù, nhờ bà ta là đứa cháu duy nhất của một người ông họ ở Canada, em ông ngoại của bà ta.

Thanh tra Hardcastle vùng đứng lên:

- Vậy ông cho rằng...

Thám tử Poirot chắp hai tay.

- Ông thanh tra thử tự đặt địa vị ông vào vị trí một người không từ một hành vi tàn bạo nào, hiện lại đang gặp khó khăn khủng khiếp về tài chính, đến mức sắp phá sản. Bỗng một hôm, nhận được thư báo tin vợ mình được hưởng thừa kế một gia tài kếch xù của một họ hàng bên Canada...

"Bức thưa đó gửi cho "Bà Bland". Không may là lại cho bà Bland khác, vợ trước của ông ta, chứ không phải cho bà Bland bây giờ. Ông thanh tra thử tưởng tượng xem nỗi thất vọng lớn biết chừng nào. Thất vọng và uất giận nữa chứ!

"Nhưng ông ta đã nghĩ ra được một cách. Ai biết rằng người được hưởng thừa kế không phải bà Bland này? Dân trong thị trấn Crowdean không ai biết tý gì về người vợ trước của ông Bland, bởi hồi đó hai người làm phép cưới ở nước ngoài, trong thời gian chiến tranh, cách đây hàng chục năm rồi. Thậm chí rất có thể bà vợ trước của ông ta đã chết.

"Ông ta tiến hành các thủ tục, và bây giờ ông ta giàu ghê gớm, hoàn toàn không phải lo chuyện tài chính nữa.

"Nhưng một năm sau đó, có chuyện gì xảy ra? Theo tôi đoán thì thế này. Một người từ Canada sang Anh, một người nào đó biết rất rõ bà vợ trước của ông Bland, và ông ta rất có thể sẽ vạch trần sự nhập nhằng kia.

- Có nghĩa cần phải thủ tiêu ông ta?

- Đúng thế. Và theo tôi thì trong vụ này, bà chị của bà Bland đóng vai trò hàng đầu. Chính bà ta nghĩ ra toàn bộ kịch bản kia.

- Theo ông, bà Martindale và bà Bland là hai chị em ruột?

- Nếu đúng như thế thì mọi sự đã rõ ràng.

- Nhưng họ không sợ lộ sao? Một người bỗng nhiên mất tích, nhà chức trách hẳn phải tiến hành điều tra...

Thám tử Poirot nói:

- Nếu tôi là hung thủ, tôi sẽ bay một chuyến sang Pháp hoặc Bỉ để đánh cắp giấy tờ căn cước của người kia rồi hủy đi cho không ai biết ông ta là ai.

Tôi bất giác nhảy cỡn lên, khiến ông Poirot chú ý-

- Anh bạn trẻ thấy sao?

- Lão Bland có kể tôi nghe rằng gần đây lão có bay một chuyến sang thành phố Boulogne bên Pháp, đem theo một cô gái tóc vàng, trẻ đẹp. Hẳn là...

- Tất cả những chuyện đó mới chỉ là giả thuyết,

Thanh tra Hardcastle phản đối.

Thám tử Poirot lấy ngay tờ giấy có tiêu đề khách sạn, chìa ra cho anh ta.

- Ông vui lòng viết thư cho ông Enderby theo địa chỉ này. Ông ấy đã hứa với tôi là sẽ tiến hành một cuộc điều tra nhỏ bên Canada. Đấy là một thẩm phán có uy tín quốc tế.

- Còn những chiếc đồng hồ kia thì sao?

- Phải rồi, những chiếc đồng hồ!

Thám tử Poirot cười.

- Ông sẽ khám phá ra rằng bà Martindale chính là người bố trí những chiếc đồng hồ đó. Vì như tôi đã nói với ông rồi, đây là một vụ án hết sức đơn giản, cho nên bà ta cần ngụy trang nó dưới dạng một vụ án bí hiểm. Chiếc đồng hồ báo thức bọc da có chữ "Rosemary" rất có thể bị cô Sheila bỏ quên trong phòng giấy của bà ta, và bà ta đã cất đi để sử dụng trong vụ án mạng này. Mà có thể chính vì chữ "Rosemary" đó, mà bà ta nghĩ đến chuyện dùng cô ta làm người phát hiện ra xác chết.

- Vậy theo ông thì tất cả đều do óc tưởng tượng của bà Martindale?

- Không, không phải do óc tưởng tượng của bà ta. Chính đây là điều lý thú. Ngay từ đầu, tôi đã ngửi thấy vụ án này được bố trí giập theo một vài vụ án tôi đã đọc thấy trong truyện hình sự của vài tác giả nào đó. Chắc anh bạn trẻ của tôi đây, Colin, đã kể với ông rồi, là tuần vừa qua tôi có dự một cuộc bán những bản thảo cũ. Trong đó có một số bản thảo của Garry Gregson. Lúc đầu tôi cũng không ngờ, nhưng nhờ đọc mấy bản thảo kia, tôi chợt hiểu, tác giả vụ án có đọc truyện hình sự của Gregson.

Nói đến đây, nhà thám tử lạ lùng này lôi trong ngăn kéo bàn ra vài cuốn vở dầy cộm, quăng lên mặt bàn.

- Trong này có cả một số đề cương chưa được Gregson sử dụng. Nhưng bà Martindale vốn từng làm thư ký cho ông ta một thời gian, hẳn đã được đọc. Bà ta chỉ cần áp dụng một trong những đề cương đó vào thực tế.

Nói đến đây, nhà thám tử thu lại những cuốn vở, bỏ vào ngăn kéo. Rồi ông giật tờ giấy trong tay tôi. Tôi vừa ngắm nghía tờ giấy có tiêu đề khách sạn, mặt sau là địa chỉ ông Enderby. Xem tờ giấy đó xong, tôi bỗng thấy sao mình ngu dốt đến thế.

Thanh tra Hardcastle nói:

- Thưa ông Poirot, quả ông đã đưa ra những giả thuyết đáng cho tôi suy ngẫm. Chưa biết những giả thuyết đó liệu có ích gì cho cuộc điều tra của chúng tôi không...

- Tôi rất mong giúp ích được ông đôi chút, thưa ông thanh tra,- thám tử Poirot nhũn nhặn nói.

- Tôi cần thẩm tra lại một số chi tiết...

- Tất nhiên rồi. Tất nhiên rồi...

Thanh tra Hardcastle chào rồi ra về.

° °

°

Lại một lần nữa tôi quay lại phố Wilbraham Crescent. Tôi bấm chuông số nhà 19. Người ra mở cửa là bà Pebmarsh.

- Tôi là Colin Lamb. Tôi muốn nói chuyện với bà. Được không thưa bà?

- Tất nhiên là được.

Tôi đi theo bà vào phòng khách.

- Hình như hồi này ông hay đến đây, thưa ông Colin? Lúc trước tôi cứ đinh ninh ông làm ở đồn cảnh sát thị trấn. Thì ra không phải.

- Bà nói đúng. Tôi lại cứ tưởng ngay từ lúc gặp nhau lần đầu tiên, bà đã biết tôi là ai rồi đấy.

- Ông nói gì tôi chưa hiểu?

- Tôi đã quá đần độn. Thì ra người tôi cần tìm chính là bà. Vậy mà hôm đầu tiên gặp bà, tôi chưa nghĩ ra.

- Do ông bị cuốn theo vụ án mạng, chắc thế?

- Đó mới chỉ là một phần. Nhưng điều ngu xuẩn hơn của tôi là tôi đã đọc ngược một mảnh giấy. Tôi đi tìm số nhà 81, đáng ra là phải tìm số nhà 19 mới đúng.

- Nghĩa là sao, thưa ông?

- Nghĩa là vở kịch đã hạ màn, thưa bà Pebmarsh. Tôi đã khám phá ra đầu não của vụ hoạt động gián điệp. Các phiếu theo dõi, các tài liệu mật đều được cất giữ ở nhà bà, dưới dạng những tài liệu bằng chữ nổi, chữ của người mù.

"Tên gián điệp Larkin ranh ma đã cho chuyển đến bà những tài liệu bí mật hắn chụp trộm được ở thành phố hải cảng Portlebury. Bà chuyển cho ông Ramsay, rồi Ramsay chuyển đến cơ quan mật vụ của quốc gia đang là đối thủ chính trị của nước Anh. Không có gì dễ dàng hơn, đêm khuya đi ngang qua một khu vườn nhỏ, từ nhà bà sang nhà y, và ngược lại.

Tôi nhìn đồng hồ.

- Tôi cho bà hai tiếng đồng hồ, thưa bà Pebmarsh. Đúng hai tiếng đồng hồ nữa, người của cơ quan phản gián chúng tôi sẽ đến đây.

- Tôi không hiểu gì hết. Nhưng tại sao ông lại đến đây trước, và đến một mình? Để báo trước cho tôi biết mà chạy trốn chăng?

- Quả đấy là một nguyên nhân. Tôi đến đây trước để bảo đảm không kẻ nào đem các tài liệu mật kia đi đâu. Riêng bà có thể trốn khỏi đây. Tôi đã nói rồi, tôi cho bà hai tiếng đồng hồ, nếu bà muốn rời đi.

- Nhưng tại sao? Tại sao lại thế?

- Bởi vì...

Tôi cố giữ điềm tĩnh nói:

- Bởi vì có rất nhiều khả năng bà sẽ trở thành mẹ vợ tôi... trừ trường hợp tôi lầm.

Im lặng. Bà Pebmarsh đứng lên, ra chỗ cửa sổ. Tôi không rời mắt khỏi bà. Và tôi đã không lầm. Bà là người tôi có thể tin cậy.

- Ông lầm hay không... không phải tôi là người xét đoán... Nhưng ông căn cứ vào đâu mà tin rằng giữa tôi và vợ chưa cưới của ông có mối quan hệ...

- Tôi căn cứ vào cặp mắt của bà.

Lại im lặng. Rồi tôi hỏi:

- Hôm đó, bà đã biết cô ấy... là ai chưa?

- Hôm ấy thì chưa. Mãi đến khi tôi biết tên nó, tôi mới hiểu. Nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình của nó.

- Thời gian đang thu hẹp dần, thưa bà Pebmarsh.

Tôi nhìn đồng hồ, nhắc.

Bà ta đi về phía bàn giấy.

- Tôi đang giữ một tấm ảnh... của con bé hồi nó còn nhỏ.

Tôi đã đứng sau lưng bà ta lúc bà ta mở ngăn kéo. Trong đó không phải khẩu súng, mà là một con dao, tuy nhỏ nhưng đủ sức kết liễu tính mạng một con người. Bà ta vừa nhấc con dao, đã bị tôi nắm chặt cổ tay, tước mất.

- Tuy tôi hơi đa cảm, nhưng tôi không dại đâu. Bà ta loạng choạng ngã phịch xuống đi văng.

Bà ta nói:

- Tôi sẽ không nhận sự ban ơn của ông. Để làm gì kia chứ? Tôi sẽ ở lại đây đợi người ta đến bắt. Con người ta vẫn có thể tiếp tục hoạt động, dù ngồi trong tù.

- Bằng cách vận động, tuyên truyền chứ gì?

- Thí dụ thế.

Hai chúng tôi ngồi đối diện nhau, nhìn nhau bằng cặp mắt thù địch, tuy nhiên cả hai đều hiểu nhau.

- Tôi cũng sắp từ chức trong cơ quan Phản Gián,

Tôi báo tin cho bà biết.

- Theo tôi thì ông làm thế là rất khôn ngoan. Tính cách con người của ông không hợp với loại công việc nghiệt ngã này đâu.

Rồi bà ta và tôi, cả hai đều tin rằng người kia là sai. Tuy nhiên cả hai đều im lặng.

KẾT THÚCHai lá thư của thanh tra cảnh sát Hardcastle gửi thám tử Hercule Poirot.

° °

°

Lá thư thứ nhất:

Thưa ông,

Hiện chúng tôi đã có trong tay những bằng chứng, mà chúng tôi tin rằng ông quan tâm.

Một người tên là Quentin Duguesclin đã rời thành phố Quebec (Canada) sang Châu Âu, cách đây chừng bốn tháng. Ồng ta không có gia đình và cũng không ấn định ngày trở về. Tấm hộ chiếu của ông được chủ một khách sạn nhỏ tại thành phố Boulogne (Pháp) nhặt được.

Ông Duguesclin là bạn lâu năm của gia đình ông Montrsor, tại Quebec. Ông Montresor này đã chết cách đây mười tháng, để lại một gia tài kếch sù của ông cho cô cháu gái, cháu ngoại của anh ông. Người cháu gái ông ta là Valerie, vợ ông Josaiah Bland, cư trú tại thị trấn Croiudean, nước Anh.

Theo nhiều nguồn tin khác, thì do bà Valerie cương quyết kết hôn với ông Bland cho nên từ ngày đó mối quan hệ giữa bà ta và gia đình của bà ta bên Canada bị cắt đứt hoàn toàn, vì gia đình phản đối cuộc hôn nhân đó.

Trước khi rời Canada, ông Duguesclin có nói với một trong số bạn bè thân, rằng ông rất quý bà Valerie, và dự định thời gian lưu lại ở Anh sẽ đến ở nhà bà ta.

Xác chết trước kia bị coi là của Harry Castleton, nay được chính thức xác định là của ông Quentin Duguesclin.

Tại một chỗ khuất trong công trường xây dựng của ông Bland, người ta đã tìm thấy một số tấm bảng quảng cáo được sơn vẽ lại. Sau khi cạo lớp sơn bên ngoài, người ta thấy bên dưới có sơn dòng chữ rất rõ: "Xí nghiệp Giặt Là Snowflak".

Tôi miễn kể ông nghe những chi tiết vụn vặt, nhưng Tòa án đã đồng ý ký lệnh bắt giữ Josaiah Bland.

Đúng như ông dự đoán, bà Martindale là chị ruột của bà Bland. Tuy tôi tán thành quan điểm của ông, nhưng việc bà ta tham dự vào vụ án mạng sẽ rất khó chứng minh. Bà ta là người phụ nữ không vừa, điều này đã rõ ràng. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng ở bà Bland. Bà ta thuộc loại rất dễ thú nhận mọi thứ.

Cái chết của vợ đầu ông Bland tại Pháp và việc ông ta tái hôn với Hilda Martindale (bà Bland hiện giờ), củng tại Pháp, hẳn chúng tôi sẽ dễ dàng tìm ra bằng chứng, mặc dù một số hồ sơ đã bị hủy.

Tôi rất hân hạnh được quen biết ông và cảm ơn ông về những gợi ý rất bổ tích ông đã cho tôi. Tôi hy vọng việc sửa sang và bài trí lại căn hộ của ông làm ông hài lòng.

Kính chào ông,

Richard Hardcastle

Lá thư thứ hai:

Xin báo ông một tin vui!

Bà Bland đã thú nhận toàn bộ!

Bà ta đổ mọi tội lỗi lên đầu bà chị và chồng.

Theo bà ta thì

"Khi tôi biết ra thì đã quá muộn. Tôi tưởng hai người đó chỉ đánh thuốc mê ông ấy, để ông ta không nhận ra tôi là người ông ấy quen biết ngày xưa!"

Có thể tin như thế được không?

Còn bà Martindale, thì mấy người bán hàng ở chợ trời Portebello đã nhận ra: chính là bà ta, cái bà "người Hoa Kỳ" đã mua hai chiếc đồng hồ treo tường của chúng tôi!

Bây giờ thì bà McNaughton đã khẳng định ông Duguesclin chính là người mà Bland đã đem vào nhà để xe của bà ta.

Có đúng thật như vậy không?

Anh bạn trẻ của chúng ta, Colin, vừa làm lễ thành hôn với cô gái kia.

Theo tôi nhận xét thì cậu ta đã làm một chuyện dại dột.

Kính chào ông với lòng ngưởng mộ sâu sắc,

Richard Hardcastle

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: