Quản ngục
Nếu như nhân vật Huấn Cao là biểu tượng về cái đẹp với sức mạnh hướng thiện của nó, thì nhân vật viên quản ngục được sáng tạo ra là để hiện thực hóa sức mạnh ấy. Có viên quản ngục thì ý đồ nghệ thuật của nhà văn mới thực hiện được. Nhưng vai trò cực kì quan trọng ấy của nhân vật quản ngục không dễ nhận ra, bởi vì nhân vật này dường như được Nguyễn Tuân “giấu” đi, ẩn xuống hàng thứ hai đằng sau nhân vật Huấn Cao. Cảm giác ban đầu khi đọc Chữ người tử tù, người đọc choáng ván, ngập trong ánh sáng tỏa ra từ hình tượng Huấn Cao uy nghi, rực rỡ. Từng dòng chữ, từng trang sách cứ lấp lánh Huấn Cao. Người đọc chẳng thiết nghĩ điều gì khác ngoài nghĩ về Huấn Cao. Nhưng đọc thêm một vài lần nữa, gấp trang sách lại, ngẫm nghĩ kĩ, thấy nhân vật quản ngục từ từ hiện lên, ngày một rõ nét và cuốn hút ta bằng một sức mạnh kì lạ. Ta càng thấm thía, cảm phục ngòi bút tài hoa, thâm thúy của Nguyễn Tuân. Khi được khám phá, phát hiện, nhân vật quản ngục sẽ đem lại cho ta nhiều khoái cảm thẩm mĩ mới mẻ, thú vị.
Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Mỗi trang viết của ông đều muốn thể hiện sự tài hoa uyên bác. Mọi sự vật, hiện tượng được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật. Ông thường đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời. Văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại. Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch”. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tìm cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thẳm, thác ghềnh dữ dội… Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu. Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả quần chúng nhân dân. Chất giọng khinh bạc vẫn được duy trì và chủ yếu để dành cho kẻ thù của dân tộc hay những khía cạnh tiêu cực của xã hội.
Là nhân vật phụ của truyện ngắn, nhưng nhân vật quản ngục lại có một sứ mệnh nghệ thuật không nhỏ. Nếu Huấn Cao là hình ảnh cảu những người có khả năng tạo ra cái đẹp thì viên quản ngục lại là biểu tượng của người biết thưởng thức và cảm nhận cái đẹp. Chính vì vậy, nhân vật này tạo thành một cặp tương đồng và tương xứng với Huấn Cao.
Ở phần đầu truyện ngắn, quản ngục đã nói về người tử tù Huấn Cao bằng những lời trầm trồ thán phục một cách chân thành. “Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao. Tôi nghe ngời ngợi. Huấn Cao? Hay là cái người mà tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”. Đó là một chuyện xưa nay chưa có kẻ coi ngục nào từng làm đối với người tù của mình. Tâm trạng chờ đợi, mong ngóng sự xuất hiện của Huấn Cao cũng là điều khó hiểu ở kẻ coi tù này. Với tư cách là người dẫn truyện, Nguyễn Tuân đã dành cho nhân vật quản ngục nhưng lời tốt đẹp, đầy trân trọng. Nếu xem cuộc đời như một dòng thác dữ thì viên quản ngục, trong những suy tư chìm đắm về ông Huấn, lại có gương mặt của một “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Nếu xem cuộc đời như một dòng thác dữ thì viên quản ngục, trong những suy tư chìm đắm về ông Huấn, lại có gương mặt của một “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kính đáo và êm nhẹ”. Nếu xã hội đương thời nhiễu nhương như “một bản đàn mà nhạc luật đề hỗn loạn, xô bồ” thì viên quản ngục, với “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người”, là một âm thanh trong trẻo “chen vào giữa bản đàn ấy”. Việc nhà văn tạo ra một nhân vật khác đời và khác người như thế, âu cũng là lẽ đương nhiên với một tính cách và phong cách như Nguyễn Tuân.
Viên quản ngục được nói đến trong tác phẩm là một người có “sở thích cao quý”. Để tạo ra thư pháp cần đến một tài năng siêu phàm, nhưng để hiểu và yêu nghệ thuật này thì lại cần đến một sở thích cao quý, một tấm lòng tri kỉ. Điều đáng nói là sở nguyện này lại có ở một con người phải hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc và chung sống với cái ác, cái xấu và những cặn bã trong xã hội. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sở thích của quản ngục được đẩy lên đến mức phi thường và viên quản ngục được nâng lên thành một kiểu tài hoa, nghệ sĩ. Vì tình yêu với cái đẹp, con người có nghiệm vụ thi hành pháp luật này đã bất chấp cả luật pháp, dám cả gan biệt đãi một kẻ tử tù, sẵn sàng mang cả tính mạng củ mình ra thế chấp để đổi lấy cái đẹp mà mình tôn thờ.
Nhân vật quản ngục bị đặt vào một thử thách khá gay go quyết liệt. Mấy ngày ngắn ngủi ông Huấn Cao tạm bị giam trong ngục tử tù của y, quản ngục luôn sống trong tình trạng vô cùng căn thẳng, hồi hộp. Y thừa biết tính cách của Huấn Cao “vốn khoảng, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất. Mặt khác, viên quản ngục luôn luôn phải dò xét, đề phòng cả bọn thuộc hạ, ông sợ “tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên”, ông phải “dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu”.
Bên cạnh đó, quản ngục còn là một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. “Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”. Mặc dù bị ông Huấn nói những lời ra lệnh và có vẻ “khinh bạc đến điều”, “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng đặt chân vào đây”, nhưng ông vẫn không tự ái, mà lại còn chấp nhận “Xin lĩnh ý”, làm theo đầy nhịn nhục. Những bữa cơm với rượu và thịt vẫn tiếp tục được mang đến có phần nồng hậu hơn. Bởi ông có con mắt tinh đời để thấu hiểu và lí giải cái nguyên cớ bên trong của thái độ, của hành động kiêu ngạo ấy. Lầ nào xuất hiện trước mặt Huấn Cao, ông cũng có vẻ khúm núm, khép nép. Đó không phải là biểu hiện của sự sợ hãi mà là thái độ quy phục. Sự nhịn nhục của con người này không đồng nghĩa với sự hạ mình. Đó chỉ là cái nghiêng mình kính cẩn trước một tấm lòng, một nhân cách của kẻ biết yêu cái đẹp, biết trọng cái tài.
Ông là người đứng đầu bộ máy đàn áp, là kẻ có thừa mánh khóe và luôn cẩn trọng trong công việc mẫn cán của một viên quan coi ngục. Ông đã “cắt lời” của thầy thơ lại khi dò xét cấp dưới của mình: “Chuyện triều đình quốc gia, chúng ta biết gì mà bàn bạc cho thêm lời. Nhỡ ra lại vạ miệng thì khốn”, cái tính cẩn trọng của ông lại một lần nữa thể hiện khi ông vào ngục hỏi tâm nguyện cuối cùng của Huấn Cao: “Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm”. Có phải chăng cái cảnh phải tra tấn con người hằng ngày và cuộc sống chốn nhà lao đã dạy cho viên quản ngục như thế?
Viên quản ngục là người hết lòng theo đuổi mục đích. Ông hiểu những người như Huấn Cao nên “Viên Quảng Ngục không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn”, mà ngược lại, Quản ngục mong ước ông Huấn dịu bớt tính nết để xin chữ: "Quản Ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho... mấy chữ". Quản ngục là người có tâm hồn cao thượng, là nghệ sĩ biết thưởng thức cái đẹp. Ngoài ra, ông còn là một con người có niềm tin, tin tưởng vào tương lai, cuộc sống, dù điều đó ông biết được nó rất mỏng manh.
Tác phẩm khép lại bằng một cuộc đổi ngôi kì lạ từ màn cho chữ quản ngục của Huấn Cao. Trước những lời di huấn của tử tù, “Ngục quan cảm độg, vái người tù một cái, chấp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh””. Không phải ông cố tình hạ thấp mình mà là một cách chân thành nhất, ông tự nhận thấy mình là một “kẻ mê muội”. Cái cúi đầu của quản ngục trước Huấn Cao là cái cúi đầu đầy ý nghĩa. Nó không làm cho ông thấp hèn đi mà nó tôn vinh một nhân cách, một tấm lòng, một sở thích, tất cả đều rất cao quý.
Là một nhà văn của Chủ nghĩa Lãng mạn, người suốt đời coi cái đẹp và nghệ thuật là tôn giáo của mình, tất yếu, Nguyễn Tuân sẽ say mê hướng vào những vẻ đẹp vừa mới lạ, độc đáo, vừa dữ dội, phi thường. Với ông, “sự tầm thường là cái chết của nghệ thuật” (V.Huy-gô). Vậy nên, bút pháp tương phản, phóng đại được khai thác tối đa cùng với những thủ pháp nghệ thuật của hội họa, điêu khắc và điện ảnh được huy động triệt để đã làm nên những trang văn tuyệt bút.
Có thể nói, xây dựng nhân vật quản ngục – một kẻ chỉ biết thưởng thức cái đẹp, tôn thờ cái tài hoa, khí phách, Nguyễn Tuân đã tạo nên một đối tượng tương xứng với nhân vật chính Huấn Cao, từ đó gửi gắm những triết lí, thông điệp sâu xa: “Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ chỉ biết tiếc, biệt trọng người có tài, hẳn không phải là một kẻ xấu hay vô tình”. Thậm chí, với những con người như quản ngục và thơ lại, họ càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi họ như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bằng một vài nét phát họa chân dung, cử chỉ, đi vào tâm tư, suy nghĩ của nhân vật,ngòi bút Nguyễn Tuân đã lưu lại một gương mặt độc đáo trên những trang viết của Chữ người tử tù.
Nhân vật viên quản ngục là một sáng tạo rất mực sinh động của Nguyễn Tuân, để vừa tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật Huấn Cao, lại vừa thể hiện vẻ đẹp của một con người đang được dắt dẫn bởi cái đẹp và cái thiện. Đây là kiểu sáng tạo nhân vật rất mới trong văn học hiện đại Việt Nam, cái cách để cho nhân vật tự tạo tính cách. Tác phẩm khép lại nhưng gieo vào lòng người đọc sự vững tin rằng cái đẹp là cái vĩnh hằng và bất khả chiến bại, tin rằng “cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới” (Đốp – xtôi – ép – xki). Đàng sau lớp màn sương huyền thoại về những nhân vật lịch sử một thời vang bóng của Chữ người tử tù là bóng dáng của nhà văn. Đó là một tinh thần đậm đà kín đáo gửi gắm vào những nhã thú văn hóa thẩm mĩ truyền thống của dân tộc, là thái độ bất hòa với chế độ xã hội đương thời và sự kính trọng những con người tài hoa, khí phách, thiên lương. Đó cũng chính là cái tâm đáng quý trọng của nhà văn tài hoa độc đáo Nguyễn Tuân.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top