Cô Tô sơ tuyết - Tuyết đầu mùa ở Tô Châu
"Đêm qua Ngô Trung gió tàn cây lặng
Sớm nay trong vườn mai tuyết chợt kinh
Hoa quỳnh rơi xuống cháo ấm
Giai nhân nhẹ nghiêng cổ ngọc
Nơi đình Thương Lang
Mượn trang "Phù sinh" ký tình."
(Trích "Lạc tuyết")
🌸🌸🌸
Hôm qua, Tô Châu đón trận tuyết đầu mùa, và có lẽ cũng là đợt tuyết cuối cùng trong năm.
Thầy nhắn cho tôi, bảo: "Tô Châu có tuyết rồi."
Có lẽ thầy vẫn còn nhớ năm trước tôi háo hức chờ tuyết Tô Châu rồi thất vọng ra sao, thế nên năm nay hiếm khi Tô Châu có tuyết lớn, thầy bèn báo cho tôi hay.
Ở những nơi khác như Bắc Kinh, tuyết đã rơi từ đầu mùa đông. Ngay cả Dương Châu hay Nam Kinh ở sát bên cạnh, tuyết cũng đã rơi trước rồi. Còn với Tô Châu, đây mới là trận tuyết đầu mùa. Một trận tuyết bất chợt đầy kinh hỉ.
Có người nói, trời vừa đổ tuyết, Tô Châu phút chốc đã hóa thành Cô Tô. Màn tuyết trắng mờ ảo như cầu nối giữa quá khứ và thực tại, giữa Cô Tô ngàn năm xưa cũ với Tô Châu hiện đại bây giờ. Khẽ đi nền trên tuyết lạnh, thoáng chốc như bước qua chiếc cầu thời gian, thấy Tống, Nguyên, Minh, Thanh, mấy ngàn năm thịnh suy thăng trầm lướt qua trước mắt.
Thầy nói: "Đợi em sang đây, tôi sẽ đưa em đi ngắm tuyết."
Còn nhớ, giờ này năm trước tôi còn đang háo hức chờ Tô Châu có tuyết, chờ ngày lên máy bay đến Tô Châu. Chớp mắt một năm trôi, đông đi rồi đông lại đến, qua ngày mai là năm 2020 đã khép lại. Chỉ có ước hẹn với Tô Châu mãi vẫn chưa tròn.
Thầy gửi cho tôi hai câu thơ: "Tha triêu nhược thị đồng lâm tuyết, thử sinh dã toán cộng bạch đầu." (Nếu có một ngày cùng nhau dãi sương tuyết, đời này xem như đã bên nhau đến bạc đầu.)
Thật ra cái tứ thơ này cũng không mới. Trong một truyện tôi từng viết, nữ chính cũng đã từng cùng nam chính đứng dưới tuyết lạnh, nói rằng: "Tuyết rơi đầy tóc cũng xem như bên nhau bạc đầu."
Tôi nhớ mình từng nghe một bài hát, ấn tượng mãi không quên, câu nói này cũng lấy ý từ lời bài hát ấy.
Có điều, tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ có ai nói với mình lời này.
Đời người quá rộng dài, thế sự vốn vô thường, tình cảm cũng vô định, ước hẹn bên nhau đến bạc đầu quá đỗi xa xăm. Chỉ cầu được cùng nhau ngắm một trận tuyết rơi, đời này đã xem như mãn nguyện.
Tuy rằng chưa biết đến ngày nào tháng nào mới hoàn thành được lời hẹn ước này, tôi vẫn cứ hi vọng.
Thật ra, có đôi lúc, tôi từng nghĩ rằng, tôi và thầy kết thúc rồi, không thể nào đi tiếp được nữa. Không phải lỗi ở thầy, mà là do bản thân tôi.
Tôi biết, mình thật tệ. Bạn bè thường bảo tôi có tính tình rất "văn nghệ sĩ", sớm nắng chiều mưa, cả thèm chóng chán, lúc thích thì mù quáng cuồng nhiệt, đến khi cảm xúc nhạt dần thì cũng khó duy trì được lâu. Đã từng có lúc, tôi chủ động tìm thầy trò chuyện mỗi ngày, nhiệt tình thăm hỏi đủ thứ. Vào học rồi, tôi bị cuốn vào guồng quay bận rộn, vùi mình trong núi sách cổ văn, có khi cả mấy ngày chẳng nói câu nào. Người ta thường nói: "Xa mặt cách lòng", có lẽ cũng chẳng sai. Khi cả hai sống ở hai nơi cách xa vạn dặm, cuộc sống chẳng có điểm chung, tựa như hai thế giới hoàn toàn tách biệt, chủ đề trò chuyện chung trở nên ít ỏi, dần dần cũng chẳng biết nói gì với nhau nữa. Cứ thế, sự bận rộn và khoảng cách địa lý khiến tôi càng lúc càng xa cách thầy. Tôi không muốn đùa giỡn với tình cảm của thầy, chỉ là bản thân tôi cũng chẳng thể kiểm soát được mình. Có khi, tôi đã từng áy náy nghĩ rằng, mình nên thẳng thắn thành thật mở lời chấm dứt mọi chuyện, không nên im lặng mãi như thế.
Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu vì sao thầy có thể kiên nhẫn như thế với mình. Hay là đúng như bạn tôi từng nói, người được theo đuổi trước lại thường là người sâu nặng khó dứt tình hơn chăng? Tôi cũng chẳng rõ, nhưng thầy thật sự rất nhẫn nại và bao dung cho tôi, đến mức khiến tôi áy náy.
Trước kia, tôi thường là người chủ động nhắn trước cho thầy hỏi han đủ điều. Thầy ít khi mở lời trước, nhưng bất kể lúc nào tôi nhắn, thầy cũng trả lời thật nhanh. Sau này, tôi im lặng cả mấy ngày dài chẳng nói câu nào, cuối cùng thầy nhắn cho tôi, nói: "Em không chủ động tìm tôi nói chuyện nên tôi đành tự đi tìm em vậy."
Trong câu nói này, chẳng biết là than thở hay là giận dỗi, tôi đọc xong chỉ thấy áy náy.
Tôi cứ nghĩ mình im lặng lâu như thế, thầy sẽ mất hết kiên nhẫn, cuối cùng block luôn tôi đi cho khuất mắt. Nhưng thầy vẫn kiên nhẫn chủ động nhắn tin hỏi thăm tôi. Có đôi khi, rõ ràng là chẳng có gì để nói, thầy cũng cố tìm chuyện để hỏi han.
Dạo gần đây, dường như thầy bắt đầu học tiếng Việt. Thầy thường nhắn cho tôi, hỏi những câu ngô nghê buồn cười như: "'Tớ nhớ em' có nghĩa là gì vậy?"
Tôi đọc câu hỏi mà cười đến đau ruột, đáp: "Không thể dùng 'tớ' đi kèm với 'em' đâu, có thể nói là 'anh nhớ em', hay 'tôi nhớ em'."
Thầy vẫn cố chấp hỏi: "Nhưng mà nó có nghĩa là gì?"
Tôi đáp: "就是我想你." (Có nghĩa là tôi nhớ bạn.)
Thầy bảo: "嗯,我也是." (Ừ, tôi cũng vậy.)
"..."
Dường như tôi cảm thấy mình vừa ngờ nghệch rơi vào bẫy. ( ;∀;)
Mấy ngày sau, thầy nhắn cho tôi bằng tiếng Việt, bảo: "Chỉ muốn nói là 'Anh nhớ em'."
Tôi giật mình. Lẽ ra, tôi phải đáp lại bằng một câu tương tự. Thế mà tôi chỉ giả vờ không hiểu gì, khen: "Tiếng Việt của thầy tốt hơn rồi đó."
Thầy nói: "Không, tôi chỉ học mỗi câu này thôi."
Rồi thầy quote lại câu "Anh nhớ em" vừa nãy, bảo: "Đây mới là trọng điểm."
Đến đây, tôi tiếp tục im lặng. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình tồi tệ thật.
Một hôm khác, thầy lại kiên trì hỏi tôi: "'Mình' trong tiếng Việt dùng như thế nào?"
Tôi đáp: "'Mình' có thể dùng để tự xưng bản thân hoặc tập thể có bao gồm bản thân. Còn khi gọi người khác là 'mình' thì có thể là xưng hô thân mật giữa vợ chồng."
Thầy nói: "Ừ, 'mình' là Dao Dao."
Tôi không biết nói gì, lại giả vờ nghiêm túc giảng giải ngữ pháp, nói lảng đi. Thầy vẫn nhẫn nại lắng nghe.
Thật ra, thầy chưa bao giờ ép tôi phải làm gì, cũng không nỡ làm tôi phải khó xử.
Tôi vốn là đứa thích viết hơn là nói, ngại gọi điện thoại, chỉ thích nhắn tin. Còn nhớ có một lần, thầy tỏ vẻ lơ đãng nói: "Lâu rồi không nghe giọng em nhỉ." Tôi vờ như không hiểu, bảo: "Đâu có lâu, mới tháng trước có gọi mà." Thầy cũng thôi, không gạn ép gì.
Đến cả tôi còn thấy mình thật quá đáng.
Bảy giờ sáng, thầy nhắn hỏi tôi: "Tiểu Dao Dao đã dậy chưa?"
Tôi không trả lời.
Tám giờ sáng, thầy lại hỏi:
"Mèo con vẫn chưa dậy hả? Có phải là trời lạnh nên em không nỡ rời ổ đúng không?"
Tôi vẫn không trả lời.
Mười hai giờ, tôi mới đọc tin, nhắn lại mấy dòng, thầy vẫn vui vẻ trả lời ngay.
Thầy giúp đỡ tôi, chưa từng có một điều kiện gì, cũng không cần báo đáp. Cho dù tôi vô tâm lạnh nhạt đến đâu, thầy vẫn luôn quan tâm tôi. Những lần thầy hỏi tôi ăn cơm chưa, hôm nay ăn gì, hễ tôi đáp ăn mì gói, thầy đều lo tôi hết tiền ăn, vội chuyển tiền cho tôi, bảo tôi đi mua gì đó mà ăn, đừng ăn mì gói không tốt.
Tôi chẳng có mặt mũi nào nhận tiền của thầy cả, thế nên cho dù có cạn tiền rỗng túi thật, tôi cũng một mực bảo mình thích ăn mì gói, ăn mì gói vì đam mê. Có lẽ là thầy không tin tôi đâu, nhưng cũng không vạch trần.
Thật lòng mà nói, có lẽ lúc này, tình cảm của tôi đối với thầy không còn cuồng nhiệt mãnh liệt như ban đầu. Nhưng tôi vẫn thật sự biết ơn, vì thầy vẫn luôn ở đây. Dù cho tôi thật tệ, vừa vô tâm, vừa thiếu trách nhiệm, lại lắm tật xấu, thầy vẫn thật kiên nhẫn, thật bao dung.
Tương lai vốn dĩ rất vô định, chẳng ai biết trước mình sẽ đi được đến đâu, nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn khi gặp được thầy, và trân trọng duyên phận này.
Hẹn một ngày nào đó, cho dù không thể bên nhau đến bạc đầu, cũng có thể cùng nhau đi dưới trời tuyết Tô Châu.
.....
"Tuyết đã rơi
Trong chớp mắt, người xưa quay về, Cô Tô bừng tỉnh
Một thoáng lơ đãng, mơ màng bước qua Tống Nguyên, lại đến Minh Thanh."
(Trích "Lạc tuyết")
.....
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top