Tự truyện Đàm Vĩnh Hưng

Tự truyện Đàm Vĩnh Hưng

"Tôi được sinh ra trong một gia đình khá giả. Mẹ tôi chỉ là vợ lẽ của ba. Mẹ được ba và gia đình nhà nội tôi cưới về bởi lý do người vợ trước của ba không có khả năng sinh nở. Và tôi là con trai cả - ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của ba và mẹ", Đàm Vĩnh Hưng viết trong tự truyện.

Chính vì vậy nên tôi được cưng chiều hết mực. Sau đó, mẹ tôi còn sinh thêm cho ba 3 người con gái nữa. Nhưng niềm hạnh phúc về gia đình nhỏ 6 người ấy không kéo dài được bao lâu. Hai đứa em sau cùng của tôi đã mất từ khi còn rất nhỏ, chỉ còn lại tôi và một người em gái. Sự ra đi của hai đứa em xấu số lại càng làm ba mẹ thương chúng tôi nhiều hơn. Cứ như thế, hai anh em tôi sống trong vòng tay yêu thương và tràn ngập tiếng cười...

Thế nhưng số phận dường như không để cho gia đình bé nhỏ của tôi được yên ổn lâu dài. Những biến cố liên tiếp xảy ra khiến cho mỗi thành viên trong gia đình tôi phải gắng gượng, gồng mình chống đỡ trước những sóng gió cuộc đời. Từng thứ tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cái giá trị nhất, thiết yếu nhất cho một tổ ấm là ngôi nhà mà chúng tôi cũng không tài nào giữ được. Cảm giác nhìn ba mẹ ngậm ngùi ôm đống đồ bước ra khỏi chính mái nhà của mình khiến một đứa trẻ như tôi phải bật khóc. Trong trí óc non nớt lúc ấy, tôi mơ hồ cảm nhận hình như mình sắp phải xa rời cái nơi từng ghi dấu thật nhiều kỷ niệm. Chẳng biết tôi có còn cơ hội trở lại đây hay không...

Tôi - thằng nhóc tên Huỳnh Minh Hưng hiền lành và hơi ngờ nghệch so với chúng bạn - được ba mẹ gửi vào tu viện để có cơ hội học hành. Tôi bắt đầu hát những bài thánh ca từ khi ấy, và trở thành một ca viên nhỏ tuổi trong ca đoàn của tu viện.

Rồi cũng đến lúc tôi phải rời xa tu viện để trở về nhà sống cùng ông bà ngoại. Năm đó tôi học lớp 6. Tôi còn nhớ trước hẻm nhà ông bà là nơi tập trung những quán hàng nho nhỏ. Ở đó có một gánh cháo huyết, người con gái của bác bán hàng tên Khánh Ly đã đàn, tập cho tôi hát ca khúc đầu tiên: Mặt trời bé con và Cám ơn mùa thu. Tôi đem bài Mặt trời bé con vào trường biểu diễn, thật bất ngờ tôi được học sinh và giáo viên hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi bắt đầu được chú ý, các anh chị lớp trên hay gọi tôi là "mặt trời bé con". Tôi vui mừng đem kể chuyện cho mẹ, và dĩ nhiên ngoài mẹ thì người chia vui với tôi nhiều nhất chính là chị Khánh Ly bán cháo.

Tôi lên cấp ba. Năm đầu tiên chẳng ai biết tôi là ai ngoại trừ vài người bạn ở trường cũ. Vì đây là trường tuyển, học sinh khắp nơi đổ về nên họ không biết tôi cũng phải. Đến năm thứ hai, bài hát Cô bé u sầu của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa tôi lên vị trí "hàng đầu" của trường về ca nhạc. Lớp tôi có Quốc Hùng (tác giả bài Trống vắng, Con gái bây giờ...) nên lớp tôi thường "bao sân" dàn ca nhạc mỗi khi trường tổ chức văn nghệ. Tôi xuất hiện như một... thần tượng vì cả trường chẳng ai dám hát nhạc người lớn như tôi.

Tôi mê hát kinh khủng. Cứ nghỉ hè, ngày nào tôi cũng đạp xe từ nhà đến sân khấu Phú Nhuận xem những thần tượng của mình hát. Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Bích, Thái Châu, Mỹ Lan, Ngọc Yến... mỗi lần họ xuất hiện y như rằng tôi đã biết các anh chị hát bài gì rồi. Mưa tôi cũng xem, xem xong rồi đạp xe về nhà một mình. Tôi không cần ăn uống nhiều, chỉ cần xem ca nhạc là đủ nên người ốm nhách như cò. Có điều này chắc không giống ai, đó là tôi đi xem ca nhạc chỉ thích đi một mình vì đi chung hay nói chuyện, không chú tâm được, bực lắm. Những người bán vé lúc đầu còn ngạc nhiên tưởng tôi bị... khùng, nhưng riết rồi cũng quen với cái sự "lạ đời" đó của tôi.

Năm cuối cùng của cấp ba cũng là năm tình hình kinh tế gia đình tôi suy sụp. Tuy vậy mẹ tôi cũng ráng mượn tiền để may cho tôi một bộ đồ trắng mặc đi hát. Sau vụ may đồ đó, mẹ tôi bị người ta chì chiết vì không có tiền trả nợ, nhưng mẹ vẫn không hề nói cho tôi biết. Đến lúc tôi biết thì đồ đã may xong, tôi ân hận vô cùng. Khi tôi được cử đi hát cho Sở giáo dục, được trả tiền lương tôi đem về cho mẹ. Mẹ tôi khóc rất nhiều, vì đó là số tiền đầu tiên trong đời do chính tôi làm ra đem về cho mẹ. Ngày nào cũng thế, tối đến là tôi tụ tập mấy nhỏ bạn lại, ra trước đường đàn hát tới khuya. Mẹ tôi phải chờ cửa và bị ông bà ngoại mắng hoài. Tôi thương mẹ tôi quá...

"Ngôi sao" Đàm Vĩnh Hưng hôm nay. Ảnh: damvinhhung.

Những khó khăn về kinh tế khiến tôi không còn điều kiện tiếp tục con đường học vấn. Gia đình không còn khả năng chu cấp cho tôi tham gia dự thi cũng như tiếp tục theo học đại học. Tôi buộc phải bước chân vào đời, theo nghề làm tóc để có cái nghề và kiếm tiền nuôi bản thân, dẫu chỉ đủ chu cấp một ngày ba bữa.

Ban đầu tôi chỉ là thợ phụ quét dọn, làm chân sai vặt và chỉ đứng nhìn thày - người thợ chính - cắt tóc cho khách để học nghề. Dẫu hằng ngày phải đối diện với dao kéo, xà phòng và phải ngửi đến chảy nước mắt cái mùi toát ra từ thuốc nhuộm tóc, nhưng niềm đam mê ca hát của tôi vẫn không hề giảm sút. Tôi tận dụng mọi cơ hội có thể, hễ cửa tiệm vắng khách là tôi hát ầm lên, và tôi cũng để ý thật kỹ những cuộc thi về ca hát. Một lần đọc trên tờ báo thấy có thông báo thi giọng hát hay của Nhà văn hóa Thanh Niên, tôi quyết định đăng ký tham gia...

(Theo Mực Tím)

Đàm Vĩnh Hưng - những ngày cơ cực

"Những ngày đầu tiên bước vào nghề hát với tôi thật vui và hạnh phúc. Tôi như lâng lâng trong một trạng thái bay bổng của cảm xúc. Thế là từ nay tôi trở thành... nghệ sĩ, có chỗ để hát và gặp gỡ đồng nghiệp", Mr Đàm kể lại trong tự truyện.

> Tự truyện Đàm Vĩnh Hưng (phần 1)

Trong đợt tuyển chọn ca sĩ của trung tâm ca nhạc nhẹ khi ấy có nhiều người sau này trở thành bạn đồng nghiệp yêu mến của tôi. Những người mà đến nay, giống như tôi, họ đã tạo dựng được cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ như Mỹ Tâm, Hoàng Thanh, Lâm Quang Vũ (Nhất Thiên Bảo), Vũ Hà...

Vì tôi là người ghi tên cuối cùng nên thực sự trong lòng có ít nhiều lo lắng. Dự thi hai bài Giọt nắng bên thềm và Bên em là biển rộng, tôi lại ra về trong tâm trạng của một chuyên gia đi thi và chuyên gia trượt. Vậy mà đến tuần sau, quay trở lại để xem kết quả... Thật tôi không thể tin vào mắt mình nữa rồi. Cuối cùng tôi cũng là một trong số những người được chọn lựa.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Những ngày đầu tiên đó với tôi thật vui và hạnh phúc. Tôi như lâng lâng trong một trạng thái bay bổng của cảm xúc. Thế là từ nay tôi trở thành...nghệ sĩ, có chỗ để hát và gặp gỡ đồng nghiệp. Cứ mỗi sáng thứ hai toàn trung tâm lại họp giao ban. Những hôm như thế, các ca sĩ thường tranh thủ thời gian còn sớm để ngồi quán trước cổng cơ quan uống cà phê, nói chuyện và gặp gỡ.

Tôi là người thích đám đông nên tất nhiên cũng không bỏ lỡ cơ hội được "nhập bọn", nghe họ kể chuyện hôm qua hát ở đâu, bài gì, lương bổng ra sao, chỗ này trả cao hơn chỗ kia 5-7 nghìn đồng... Tôi nghe mà phát thèm, vì lúc đó chưa ai mời tôi hát, cũng bởi tôi vẫn còn đang loay hoay với câu lạc bộ ca sĩ trẻ của Nhà văn hoá Thanh niên và thày giáo của mình.

Thật ra thày có giới thiệu tôi đến quán Bách Diệp hát hằng đêm, nhưng thực tế là ở đó, tôi phải ngồi chờ từ 7h tối tới tận 10h đêm, nếu có ca sĩ nào không đến kịp thì tôi mới được phép ra thế chỗ. Còn hôm nào ca sĩ đi đầy đủ, tôi lại phải tự động lẳng lặng ra về, ngày mai lại tiếp tục hành trình chờ đợi đến ê cẳng.

Lâu lâu có dịp đi "lưu diễn" tuốt tận Thủ Đức, tôi mừng lắm và thu xếp đóng cửa tiệm đi xuống đó từ lúc 6h chiều, tiếp tục ngồi chờ đến lượt. 15 nghìn đồng cho 2 ca khúc, vậy mà tôi hạnh phúc biết bao với công việc và số tiền còm cõi đó. Bất cứ nơi đâu kêu tôi hát là tôi có mặt liền, không cần trả lương tôi cũng hát.

Có lần tôi phải chấp nhận chia đôi số tiền lương vốn dĩ đã nhỏ bé với một MC, cũng chỉ để nhờ người đó giới thiệu cho tôi chỗ hát. Tôi gặp ai cũng năn nỉ họ giới thiệu dùm mình. Lúc bấy giờ những sân khấu như 126, Trống Đồng, Nhà hát Hòa Bình hay Bến Thành là thiên đường hằng đêm tôi vẫn ao ước. "Chắc sẽ có người vỗ tay cho mình", tôi cứ tự mỉm cười với ước vọng như thế.

Bạn bè ai cũng phản đối việc theo đuổi nghề hát của tôi, nhưng không ai có thể xoay chuyển điều đó. Tôi tự đi in card đề tên mình với chức danh ca sĩ (mắc cỡ lắm, không dám cho người thân nhìn thấy)... Trong trung tâm nhạc nhẹ chỉ có ca sĩ Vũ Hà chịu nói chuyện với tôi nhiều nhất. Nó cũng là người sáng sủa nhất, có nhiều sô diễn lòng vòng ở ngoài nhất. Thế là tôi kết thân và cũng nhờ Vũ Hà giới thiệu cho vài chỗ hát.

Có một kỷ niệm khi tôi và Mỹ Tâm lần đầu tiên hát song ca với nhau (Mà thực tế, tôi thích hát đơn ca cơ. Nhưng thôi kệ, miễn được hát là... ổn rồi). Không ngờ, sáng hôm sau hình hai đứa tôi được in trên trang bìa một tạp chí cuối tuần khá nổi tiếng. Trời ơi, tôi mừng muốn xỉu luôn. Chạy khắp các sạp báo mua hết những tờ còn lại, tôi đem tặng mọi người như là đang nhìn thấy tương lai rộng mở của mình vậy.

Cũng trong năm ấy, tôi tiếp tục tham gia thi Tiếng hát Truyền hình. Tôi tự nhủ: "Hưng à, lần này là lần thứ 8 rồi đó, còn 2 lần nữa là mày phải bỏ cuộc nhé". Thật may mắn, hay hình như tổ nghiệp thấy thương hại cho một thằng tôi vì quá đam mê nghề hát nên đã rộng tay ban một cơ hội. Cả trung tâm 7 người đi thi, đậu tới 6 người lận. Khủng khiếp của sự thành công. Giám đốc trung tâm rất vui, còn tôi được khán giả biết đến nhiều hơn. Bây giờ nhắc đến kỷ niệm ban đầu này, tôi vẫn cảm thấy vui lắm, giống y thời điểm đó, ngay cả bây giờ tôi cũng vẫn cứ cười một mình hoài.

Tôi bắt đầu được một vài quán bar xếp lịch hát. Khi ấy tôi còn nhớ mình đã nhảy tưng tưng lên vì sung sướng. Nhưng quả thật, chỉ sướng khi nhận được lời mời thôi, chứ trong lòng tôi rất lo ngại vì không biết đến khi nào họ sẽ đuổi mình đây... Nhưng thôi kệ, chuyện tới đâu tính tới đó.

Thời điểm ấy cũng đã có rất nhiều ca sĩ cạnh tranh, nhất là những ca sĩ trẻ như tôi. Tại các tụ điểm diễn, mỗi người chỉ được hát 2 đêm trong một tuần, và tôi không chấp nhận điều đó bởi nghĩ rằng họ xem thường mình quá. Nhưng đó là suy nghĩ ích kỷ của riêng tôi mà mãi đến sau này tôi mới hiểu nguyên nhân. Thực tế, còn biết bao nhiêu ca sĩ vẫn đang chờ xếp lịch được hát, kiếm tiền hằng đêm giống như tôi.

Tôi nhớ có lần được bầu sô tỉnh lẻ gọi tôi và Vũ Hà đi hát. Thật không gì vui hơn... Mỗi lần phải đi xa, tôi phải nhét vào miệng hàng đống thuốc ngủ và thuốc chống say xe, thế mà cứ nghe đến lời mời được diễn là y như rằng tôi rất hào hứng. Mọi việc cũng êm xuôi, tôi được đến Đà Lạt để hát.

Chúa ơi. Thành phố này là mơ ước to lớn của tôi. Nó đẹp, thơ mộng và kỳ vĩ biết bao. Cả nhóm nghệ sĩ trong đoàn hôm đó kéo nhau chạy lăng xăng hết chỗ này chỗ kia, nhí nhảnh kéo nhau đem máy ảnh chụp lấy chụp để. Chỗ nào cũng chụp, góc nào cũng chụp vì thật lạ, cái thành phố Đà Lạt này, nơi đâu cũng thấy đẹp. Mắc cười ghê lắm, đến sân golf của người ta cũng thi nhau chui vào mà chụp tới nỗi bị bảo vệ dí cho chạy gần chết.

Những ngày tháng này có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được...

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)

Đàm Vĩnh Hưng - tìm thấy ánh sáng tương lai

"Album đầu tiên, tôi cầm master đi nhờ một số hãng tên tuổi làm đại diện phát hành, nhưng nơi đâu cũng chỉ ném cho tôi cái nhìn đầy lạnh lùng và nghiệt ngã. Có vị còn phán: Cậu không có tướng trở thành một ngôi sao đâu", Mr. Đàm kể tiếp về đời mình.

> Tự truyện Đàm Vĩnh Hưng phần 1/ Phần 2

Tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, tôi cứ nhẫn nại chờ đợi. Thời điểm này, giọng hát của tôi ảnh hưởng nặng nề bởi phong cách thần tượng - ca sĩ Thanh Lam. Tôi ăn, ngủ và thở cũng có hình bóng của Thanh Lam. Mọi bài báo viết về Lam tôi đều sưu tập đầy đủ và đọc đi đọc lại không sót chữ nào. Tôi hạnh phúc với những gì người ta viết khen chị và nhiều lúc buồn đến bỏ cả ăn, mặt mày bí xị khi nghe tin không hay về thần tượng. Tôi "yêu" Thanh Lam một cách điên cuồng, và luôn khiến mình bằng mọi giá phải thật giống Thanh Lam.

Hình như tôi đã thực hiện được mong muốn này. Phong cách hát của tôi dập khuôn giống Lam đến nỗi không trung tâm nào dám mời tôi thu đĩa. Họ nói nếu mời tôi thì họ mời Thanh Lam thu luôn cho rồi. Thế mà tôi lại chẳng buồn, ngược lại còn có cảm giác... sướng vì "mình hát giống Thanh Lam dữ vậy sao?".

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Về bản chất, mỗi ngày diễn ra đều như nhau. Nhưng trong số phận con người, có những ngày dẫu chỉ vỏn vẹn 24 giờ vẫn khiến họ không thể quên được. Ngày đáng nhớ đó với tôi là khi tôi nhận được bàn tay của vị cứu tinh kéo tôi ra khỏi những gian nan, vất vả của bóng đêm u tối đầy chật vật, không biết phải xoay cựa ra sao trong nghề hát. Đó là nghệ sĩ hài Hoài Linh.

Trong một lần về nước biểu diễn, Hoài Linh tình cờ nghe qua giọng hát của tôi. Bằng những nhận xét chân tình, anh chỉ cho tôi biết thế mạnh bản thân tôi đang có để phát huy. Anh nhận lời giúp đỡ tôi thực hiện CD đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ sĩ. Trời ạ. Tôi làm sao dám nghĩ sự thật may mắn đó lại có lúc đến với mình, bởi chuyện này đối với tôi lúc đó quả thực là một mong ước xa vời.

Sau lần gặp gỡ đó, anh Hoài Linh quay lại Mỹ nhưng không quên thường xuyên gọi điện thoại về Việt Nam hỏi tôi thực hiện công việc chuẩn bị cho album đầu tay tới đâu rồi. Trời! Tôi đào đâu ra tiền để thuê nhạc sĩ hòa âm phối khí, mướn phòng thu... nên không dám nói thật mà chỉ ừ hữ cho qua chuyện.

Mãi đến khi anh Linh về lại Việt Nam, cầm tiền giao tận tay tôi thì tôi mới có điều kiện hiện thực hóa mơ ước mà tôi luôn nghĩ là xa vời đó. Cầm cục tiền quá lớn với mình khi ấy, tay chân tôi run muốn quỵ xuống. Những đồng tiền là vật vô tri, nhưng đúng là nó đang giúp cho tôi thực hiện hoài bão ấp ủ bấy lâu... Và tôi bắt tay vào công việc

Trong khoảng thời gian ấy, tại phòng tập mà tôi thường lui tới rèn luyện sức khoẻ, tôi nghe thấy bản nhạc Caravan của Kitaro - ca khúc sau này trở thành nhạc phẩm Tình ơi xin ngủ yên làm thay đổi số mệnh và sự nghiệp của tôi.

Giống như linh tính, tôi thích Caravan ngay từ lần đầu tiên. Tôi đã cố công và cuối cùng tìm được bản gốc của ca khúc đó. Khi nhờ người dịch ra, nội dung bài hát kể về một cuộc viễn du, rất xa... Và tôi thấy bóng dáng của mình vì đôi khi, chính bản thân tôi cũng muốn được một lần bỏ đi đâu đó thật xa... Nhưng khi đặt bút chuyển sang lời Việt, tôi lại bị chi phối bởi cảm xúc bản thân. Thế là tôi áp đặt cho nó những gì đã diễn ra trong các cuộc tình từng xảy đến với tôi. Những lời lẽ chúng tôi vẫn thường hay nói với nhau giờ đây trở thành câu hát, tiếng nhạc.

CD đầu tay được phát hành tại Mỹ, khán giả khắp nơi cứ nghĩ tôi là ca sĩ hải ngoại vì lúc đó chưa ai biết đến Đàm Vĩnh Hưng đầu cua tai nheo ra sao. CD thắng lớn ngoài sự mong đợi, ông chủ trung tâm vui mừng, mời tôi quay hình cho hai ca khúc nằm trong album là Tình ơi xin ngủ yên và Say tình.

Tôi lao vào như một kẻ tham công tiếc việc vẫn với nỗi sợ mơ hồ rằng biết đâu ngày mai không còn được quay nữa. Tôi gặp không biết bao nhiêu khó khăn khi phải vật lộn, lênh đênh trên biển để thực hiện 2 ca khúc đó. Không có quần áo đẹp, tôi phải mượn ca sĩ Hoàng Thanh một chiếc sơ mi trắng...

Chi phí ăn ở đều do anh Hoài Linh hỗ trợ. Tôi nhớ rất rõ lúc quay xong trở về, tiền anh Hoài Linh cho vẫn còn dư, tôi gửi lại thì anh ấy bật cười lớn vì không nghĩ tôi thật thà đến thế... Vất vả đi xe lửa, sinh hoạt, ăn ở lăn lóc với đoàn quay hết một tuần chỉ để lấy 5 phút cho mỗi ca khúc mà thôi.

Nương theo đà thắng lợi, ông chủ yêu cầu tôi bắt tay vào làm album thứ 2. Tôi xin được phát hành vol.1 tại Việt Nam, vì thực tế là nguyên cái album đầu tiên ấy tôi ghi âm 2 tháng và quay hình cả tuần mà không nhận được một đồng cắc nào. Nhưng tôi chấp nhận tất cả chỉ với niềm hy vọng chờ đợi đến một ngày...

Cuối cùng album cũng được cấp phép tại Việt Nam. Tôi cầm master đi nhờ một số hãng tên tuổi làm đại diện phát hành, nhưng cay đắng thay chẳng ai thèm để ý đến tôi dù chỉ bằng nửa con mắt. Có vị còn lạnh lùng phán: "Cậu không có tướng trở thành một ngôi sao đâu. Trông đợi viển vông làm gì, chỉ có ca khúc mới là ngôi sao thôi".

Cầm master đi hết hãng này đến hãng khác, nơi đâu cũng chỉ ném cho tôi cái nhìn đầy lạnh lùng và nghiệt ngã. Tôi ức lắm nhưng vẫn ráng nhịn để đứa con tinh thần được cơ hội ra đời... Tôi phải nói với họ hàng trăm thứ điều mà tôi có thể làm được, miễn sao họ chịu phát hành mà thôi. Thậm chí tôi và Vũ Hà còn nghĩ ra việc tặng phiếu cắt tóc miễn phí trên mỗi CD...

Chờ mãi, cố gắng mãi trong vô vọng cho đến một chiều cuối năm tôi vô tình gặp chị Hạnh - Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng. Tôi tâm sự và chị Hạnh nhận lời sẽ giúp. Lúc ấy, dù không tin tưởng vào may mắn tình cờ đó nhưng tôi vẫn vội vàng tiến hành ngay. Thật không ngờ kết quả hơn cả ước mơ, số lượng CD bán ra vượt mức khủng khiếp. Các trung tâm khác thấy hiện tượng lạ thì liên tục điện thoại hỏi xem Đàm Vĩnh Hưng là ai và tại sao lại "rơi vào tay" Lạc Hồng.

Cơn lốc Tình ơi xin ngủ yên bắt đầu khuynh đảo thị trường băng đĩa. Khắp nơi mở nhạc của tôi, từ các xe kẹo kéo dạo, xe bus, taxi, các quán cà phê vỉa hè tới máy lạnh, thậm chí cả vũ trường cũng mở để out nhạc. Đi đến đâu tôi cũng chỉ nghe thấy Tình ơi xin ngủ yên. Ngay cả những nơi tỉnh lẻ xa xôi, các em bé đủng đỉnh trên lưng trâu cũng nghêu ngao: "Mãi rời xa, tình còn nghe xót xa, mãi rời xa...". Tôi được mời hát, báo chí liên tục đưa tin, còn tôi thì quen dần với việc liên tục ngồi trên xe thực hiện các sô diễn tỉnh. Một tia sáng rực rỡ cho tương lai của tôi xuất hiện từ phía xa, và tôi chạy đến.

Năm đó, báo chí mệnh danh tôi là "hiện tượng Đàm Vĩnh Hưng" hay "hiện tượng Tình ơi xin ngủ yên".

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)

Đàm Vĩnh Hưng - những cuộc chạy đua

"Đừng nghĩ làm ngôi sao sẽ sung sướng lắm. Không hẳn đâu. Tôi là người chịu nhiều kiểu đối xử chẳng ra gì của người xung quanh: từ bầu sô, đồng nghiệp đến khán giả...", Mr. Đàm viết tiếp.

> Tự truyện Đàm Vĩnh Hưng phần 1/ phần 2/ phần 3

Cuộc chiến tranh lạnh giữa những người trong giới nghệ thuật cũng bắt đầu manh nha xuất hiện với mũi tên chĩa về phía tôi. Hầu như họ đều ác cảm với điều mà tôi đang làm được. Rất nhiều chương trình biểu diễn mà tôi bị "chơi hội đồng". Họ tuyên bố với nhà tổ chức rằng nếu có tôi thì cả nhóm đồng loạt bỏ diễn, và dĩ nhiên vì tôi "thấp cổ bé họng" nên bị cho nghỉ xả hơi liên tục. Chỉ trong năm đó, tôi bị mất tới 60 sô lớn vì kiểu chơi xấu ấy.

Trong chuyến lưu diễn tại châu Âu, một nhóm người đi lượt trước, tôi cùng vài người nữa phải đợi đợt sau đó vài ngày. Họ lại tuyên bố nếu Đàm Vĩnh Hưng cũng đi, cả nhóm sẽ bay về Việt Nam ngay lập tức. Tôi tiếp tục bị cho ở nhà...

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Vui ít, buồn nhiều nhưng tôi vẫn cố công miệt mài theo đuổi sự nghiệp yêu thích. CD vol.2 cũng đến ngày phát hành. Lần này thành công còn lớn hơn, vang dội hơn lần trước. Đó là cú knock-out mà Bình minh sẽ mang em đi thực hiện, nó đưa tôi lên thẳng đài danh vọng, vượt qua tất cả ganh ghét và đố kỵ. Tôi đến gần hơn với thứ ánh sáng diệu kỳ le lói nhìn thấy từ Tình ơi xin ngủ yên...

Bầu sô rất nhanh nhạy, họ tận dụng tôi hết công suất, sử dụng tôi đến chóng mặt, các tỉnh thành ngóc ngách đều có dấu chân của tôi. Thế nhưng... tiền lương vẫn thấp, "gà" mới đang nổi nên bầu sô tận thu được mẻ lớn. Lúc đó tôi không biết tính toán hay hét giá cho xứng đáng với bản thân, chỉ biết hát là hát.

Chiếc xe tôi thuê để chạy sô tỉnh trở nên quen thuộc giống như ngôi nhà vậy. Dần dần, tôi chính thức trở thành người công chúng. Cuộc sống của tôi rẽ sang con đường khác. Tôi bắt đầu ý thức sự nổi tiếng của mình với những người xung quanh, nhưng tôi luôn tự căn dặn mình không được thay đổi tính nết, không ngủ quên trên chiến thắng, lúc nào cũng phải như ngày đầu mới bước chân lên sân khấu: khiêm tốn và không chảnh chọe. Tôi tự nhủ: "Hưng ơi, cứ yên tâm đi, những điều không có trong máu của mày thì làm sao nó hiện hữu được".

Lúc này đây tôi không thể kể chi tiết chuyện buồn, nỗi bực bội, chán nản và khó khăn trong nghề mà tôi đã gặp, bởi nó đụng chạm đến rất nhiều người. Chúng gần như xảy đến hằng ngày, mà tôi thuộc tuýp người tôn trọng sự thật nên nếu kể ra sẽ không vui. Thôi thà không viết còn hơn cố nói những điều bịa đặt, tô hồng.

Đừng nghĩ làm ngôi sao sẽ sung sướng lắm... Không hẳn đâu. Tôi là người chịu nhiều kiểu đối xử chẳng ra gì của người xung quanh: từ bầu sô, đồng nghiệp đến khán giả... Có những đêm đang hát, tôi bị ném đồ linh tinh rác rưởi lên sân khấu, bị nói những câu vô ý thức hay tệ hơn là gửi thư hăm doạ, chửi bới, miệt thị. Vì đã dặn mình trước rồi nên tôi không cảm thấy ngạc nhiên lắm. Có điều, nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng vì đâu có lỗi lầm gì ngoài việc tự giúp mình trở nên nổi tiếng nhờ năng lực bản thân. Vậy mà những kẻ đó muốn chửi gì thì chửi, muốn ném cái gì về phía tôi cũng được là sao?

Có những lần không kiềm chế được, tôi nổi xung lên. Đang hát, tôi cũng dừng lại xử lý vài trường hợp láu cá, vô ý thức... Thậm chí tôi bực bội tới mức nổi đóa ngay tại sân khấu, tính dạy cho kẻ ăn nói vô văn hóa đó một bài học đích đáng cho hả giận... Nghệ sĩ cũng là con người, cũng biết giận hờn, buồn tủi và đau khổ. Thậm chí những phần đó còn nhiều hơn người bình thường gấp nhiều lần. Không lẽ ai muốn vặt lông, xé cánh hay nhục mạ cũng cứ tự do mà làm sao?

Trong tâm niệm của tôi, đi hát có 3 mục đích: vì yêu nghề, vì khán giả và vì mưu sinh. Vì thế tôi tự phải biết dung hòa và sống đúng những gì mình đam mê. Tôi ít khi đếm số lượng ca khúc mà mình biểu diễn, thường hay xin được hát thêm vì tôi rất mê hát. Có nhưng buổi vui chơi hoặc đến nơi có âm thanh, đàn trống là tôi phải leo lên sân khấu cho bằng được, mê mải hát mười mấy bài liền. Mặc dù với số lượng ca khúc và sự xuất hiện đó, tôi cũng có thể nhẩm ra một khoản tiền không nhỏ đâu. Vậy mà tôi cứ hát, hát miễn phí, hát điên dại... hát cho chính mình và cho những người chịu nghe mình... đâu cần nhất thiết phải vì cái gì.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)

Những người phụ nữ trong đời Đàm Vĩnh Hưng

"Lọ Lem Mỹ Tâm như một huyền thoại bước ra từ vỏ kén, thăng hoa thành loài bướm xinh đẹp. Những cảm xúc đặc biệt chỉ mình tôi biết. Những kỷ niệm hồn nhiên của hai đứa tôi cũng sẽ giữ mãi...", nam ca sĩ nói về người để lại ấn tượng trong anh.

> Tự truyện Đàm Vĩnh Hưng phần 1/ phần 2/ phần 3/ phần 4

Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm. Ảnh: damvinhhung.

Người đầu tiên là ngoại. Tôi bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm tháng được sống với ngoại. Bà dạy tôi nhiều điều về cách xử sự, suy nghĩ, đạo đức, lễ nghĩa, kể cả những kiểu làm trò cho người khác cười.

Người thứ hai là má. Có thể tôi chưa được gặp các bà mẹ tuyệt vời khác để so sánh, nhưng với tôi má là người quan trọng nhất cuộc đời. Má sẵn sàng hy sinh cho tôi hết những gì bà có, kể cả mạng sống... Còn nhớ hồi nhỏ, tôi thường hay chui vào lòng má, nũng nịu như một đứa trẻ nít lần tìm vú mẹ và nói hoài một câu: "Hưng thương má nhất. Dù ai đem vàng chất đầy cái nhà mình Hưng cũng chẳng đổi má cho người đó đâu". Và bản thân tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, dẫu đó là trái tim, chỉ để mãi mãi được ở bên cạnh má tôi.

Người thứ ba là quân sư của riêng tôi. Chị đã dạy cho tôi bản lĩnh ngày hôm nay, cùng tôi chia giọt nước mắt, nhân đôi nụ cười, xẻ đôi chén cơm trong sự sinh tồn của một con người nhỏ bé. Ngày đó tôi mới chỉ 19 tuổi và cho đến giờ, hai đứa tôi không hề thay đổi, vẫn có thể ngồi cùng nhau nói chuyện từ sáng tới tối đêm không biết chán.

Người thứ tư, một mối tình học trò. Tôi nhớ cô ấy tên là Huỳnh Hoàng Ngọc Lan. Tôi thích cô bé này lắm nên từng giả vờ trực sao đỏ, trực vệ sinh trường học để có cơ hội gặp người ta. Nhưng... Lan đã không còn trên đời.

Người thứ năm là "bà hoàng nhạc nhẹ" Thanh Lam - người đàn bà hát - ảnh hưởng quá nặng đến giọng hát và sự nghiệp của tôi. Đối với tôi, đến giờ có quá nhiều thứ trong cuộc đời đã thay đổi gần như hoàn toàn, duy chỉ có thần tượng đó vẫn tồn tại như ban đầu.

Hồng Ngọc - người thứ sáu, một cô em gái đúng nghĩa. Tôi rất tin tưởng nhỏ này và luôn an tâm về khả năng chịu đựng của nó. Tôi và Ngọc thời gian bên nhau không nhiều, nhưng hắn đã cho tôi thứ tình cảm thật nhất mà tôi biết được.

Cô bé Lọ Lem thời đại mà tôi xếp vào vị trí người phụ nữ thứ bảy trong cuộc đời mình, đó là Mỹ Tâm. Cô ấy như một huyền thoại bước ra từ vỏ kén, thăng hoa thành loài bướm xinh đẹp ngay trước mắt tôi. Những cảm xúc đặc biệt của tôi chỉ mình tôi biết. Những kỷ niệm hồn nhiên của hai đứa tôi cũng sẽ giữ mãi... Có những khi, thực tế giống như giấc mộng tuyệt đẹp khiến tôi nghĩ mình vừa ngủ dậy đã thấy một nàng công chúa xuất hiện bên cạnh...

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)

Đàm Vĩnh Hưng không tránh khỏi 7 tội lỗi loài người

"Tôi đặt danh dự, danh tiếng của mình lên trên hết, chứ không phải sắc dục. Dùng cái trước đè nén cái sau. Phải hết sức dè dặn, cẩn trọng, giữ an toàn là tiêu chí hàng đầu", ca sĩ họ Đàm nói về tội lỗi thứ bảy.

- Nghe nói gia đình anh theo đạo Thiên Chúa, lúc nhỏ anh được gửi vào trường dòng học một thời gian. Sự thực ra sao?

- Đúng vậy, tôi là con chiên. Nhưng phải nói ngay là con chiên ghẻ, không ngoan đạo, tôi hay bỏ lễ chủ nhật vì thường phải đi lưu diễn vào cuối tuần. Như vậy nghĩa là bị quỷ cám dỗ đấy. Nên mỗi lần đi nhà thờ tôi đều đọc kinh cầu nguyện: "Xin Chúa luôn ở bên con, đừng để cho con bị quỷ cám dỗ".

- Là con chiên, hẳn anh có nghe nói đên "7 tội lỗi nguy hiểm nhất của loài người" theo lời Chúa: kiêu hãnh, ghen tỵ, giận dữ, lười nhác, tham lam, tham ăn và nhục dục. Bản thân anh tự thấy mình mắc phải những tội lỗi nào?

- Làm sao tránh được. Làm sao vẫn là người mà không mang đầy đủ đặc điểm của loài người?

Kiêu hãnh

- Nhiều năm đứng trên đỉnh danh vọng, sự kiêu hãnh của anh đã dâng cao đến mức nào?

- Tôi chưa bao giờ cho phép mình nghĩ mình đứng trên đỉnh cao, còn mọi người ở dưới thấp. Ngày xưa mình ở dưới mặt đất, bị nhiều người coi khinh, nghe giới thiệu tên mình họ quay mặt đi, khi có cơ hội thì chà đạp mình. Rồi đến một ngày, chính những kẻ đó lại phải bắc ghế cho mình ngồi (cười khẩy). Bởi vậy, đâu ai biết ngày mai ai sẽ ra sao để mà khinh khi hay kiêu hãnh.

- Biểu hiện cao nhất của sự kiêu hãnh nơi anh, trong trường hợp này là gì?

- Là bất cần, đạp đổ, có thể tỏ thái độ xem như họ là kẻ vô hình, dù họ ngồi ngay trước mặt tôi.

- Đâu là niềm kiêu hãnh lớn nhất của anh về bản thân mình?

- Hôm nay là lần đầu tiên có người hỏi đến và buộc tôi phải nghĩ đến... Xem nào... Tôi kiêu hãnh với gia đình, dòng họ của tôi, rằng tôi bước xuống cuộc đời năm 18 tuổi và một tay gầy dựng sự nghiệp như ngày hôm nay. Tôi kiêu hãnh về sức chịu đựng của mình, sức chịu đựng trước sự thua cuộc tạm thời chứ không bao giờ coi đó là thất bại. 8 lần đi thi Tiếng hát truyền hình của tôi là một ví dụ. Tôi không để cho ai 1-0 với tôi hết, phải 1-1 hoặc 0-0.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: damvinhhung.

Ghen tỵ

- Còn một người đứng trên đỉnh kiêu hãnh thì sẽ có nhiều người khác đứng ở vị trí thấp hơn. Và họ thèm muốn vị trí cao quý đó nhưng không đạt tới, thế là ghen tỵ. Anh ghen tỵ với ai?

- Ngay cả trong việc nhỏ nhất như hồi còn bé, mẹ hôn mình một cái mà hôn em hai cái đã không đồng ý rồi. Khi lớn, thấy một người khởi điểm cùng mình mà họ thành công hơn, là ghen tỵ. Nhưng tôi không biểu hiện điều đó ra bên ngoài, mà giữ trong lòng và biến thành tranh đua. Nói cho cùng, khi mình đang ghen tỵ với người khác thì đồng thời cũng có người khác như thế với mình. Như bây giờ, tôi là tâm điểm của sự ghen tỵ.

- Sự ghen tỵ thường trực nhất trong anh là gì, trước đây hoặc bây giờ?

- Thường trực à? Xưa thì có, nhưng tủi thân nhiều hơn và mơ ước chiếm lấy cho được cái mình ao ước. Trong gia đình, tôi có một người cậu bằng tuổi. Cậu được bà ngoại cưng nhiều hơn, ít phải làm việc nhà hơn, được ưu tiên mọi thứ, tôi rất tủi thân và ghen tỵ với cậu.

Khi đi hát, tôi với một nữ ca sĩ khởi hành cùng thời điểm, sau đó mình được biết tới trước, nhưng rồi họ lại thành sao và qua mặt mình vù vù. Nỗi ghen tỵ ấy cắn rứt tôi một thời gian dài, cho tới khi tôi bắt kịp được cô ta và bây giờ thì đôi khi qua mặt luôn.

- Cùng với ghen tỵ, sinh ra từ ghen tỵ còn có nhỏ nhen, ích kỷ. Anh nghĩ sao về hệ quả này?

- Đã ghen tỵ rồi, đã ghét rồi thì xin một cây tăm còn không muốn cho mà. Tôi nhớ giải thưởng âm nhạc Làn Sóng Xanh, tôi thấy tôi hát rất hay, được khán giả ưa thích mà lại không được giải, trong khi những ca sĩ khác mình thấy rõ ràng họ ít hay hơn mà lại có tên. Tức tối lắm. Ngày nào đi ngang qua cái danh sách có tên những người đoạt giải mà không có tên mình, tôi cũng lườm một cái.

Giận dữ

- Ghen tỵ như một khối u ác tính, có thể làm tâm hồn bùng nổ vì giận dữ. Việc gì khiến anh giận dữ nhất?

- Lúc nhận sự khinh bỉ, coi thường, bị chà đạp là khi tôi uất ức nhất. Khi tôi còn nghèo, cần tiền, chạy tứ phương, nhưng chạy vào đâu cũng va vào tường. Lúc ấy, tôi thường xuyên nhận được sự thương hại. Tôi thù ghét sự thương hại đó. Ngay lúc đó tôi muốn trả thù, mày làm cho tao điều gì, tao sẽ phải trả lại cho mày đúng điều đó và con hơn vậy nữa khi tao có cơ hội.

Nhưng bản tính tôi lại mau quên. Bây giờ, tôi đi hát với kẻ thù nhiều chứ, trong khi quyền sinh quyền sát nằm trong tay tôi. Tôi muốn họ không được hát là họ không được hát. Đi sô nước ngoài, tôi muốn họ ở nhà là họ phải ở nhà, như ngày xưa họ đã làm vậy với tôi. Nhưng tôi chưa làm thế với ai bao giờ.

- Anh biểu hiện sự giận dữ của mình ra ngoài như thế nào?

- Khi giận dữ tôi la hét om sòm, la lớn, đập phá đồ đạc, không tiếc gì hết đâu. Tôi cũng phá bỏ nhiều mối quan hệ trong cơn giận dữ. Nhưng chỉ cần người đó xuống nước năn nỉ, làm lành thì tôi lại nguôi và quên.

Lười nhác

- Lười nhác cuộn tròn như một con trăn no mồi, rồi trở nên bảo thủ, chậm tiến, ngu muội. Anh nghĩ sao về hình ảnh của mình khi so sánh với con trăn no mồi?

- Chưa bao giờ tôi như thế. Tôi phải mắc tội quá siêng mới đúng Ngày nào tôi cũng nói chuyện với mình, vận động không ngừng để giữ hot. Ngủ quên trên chiến thắng không có trong tôi, vì tôi muốn đứng lâu trên đỉnh vinh quang. Nằm im là đã để cho người ta băng qua mình rồi. Chỉ bị một cái lười đi lễ và lười ăn thôi.

- Bây giờ danh tiếng đã có, "tiền làm ra nhiều đến mức đôi khi phát hoảng", đã khi nào anh tự ra giá như siêu mẫu Linda Evangelista từng tuyên bố: "Dưới 100 nghìn USD không ra khỏi giường"?

- Không hề, không có đồng nào tôi cũng hát, giá nào tôi cũng hát, miễn có thời gian và vui. Gì chứ hát thì tôi siêng lắm, siêng nhất trong các loại siêng. Ở Việt Nam người ta sống bằng tình cảm, xử lý mọi việc bằng tình cảm thì tôi cũng phải sống như vậy. Ai mà lười biếng, chảnh chọe là tự đào hố chôn sâu, chết dần trong lòng khán giả thôi.

Tham ăn

- Anh nói anh lười ăn nên có thể bỏ qua tội lỗi này, nhưng vì sao vậy?

- Ngay từ bé, ngày nào tôi cũng nghe mẹ nói "miếng ăn là miếng tồi tàn". Nếu cái miếng mình ăn khiến người ta nhìn mình bằng ánh mắt đáng ngờ thì rất dễ sợ. Tốt nhất là không ăn hoặc khạc ra ngay.

Ảnh: damvinhhung.

Tham lam

- Lòng tham thì vô đáy. Còn lòng tham của riêng anh?

- Nói trắng ra ai cũng tham lam hết. Cái tôi thực sự tham, và vô đáy, là tham công tiếc việc, là ôm đồm, là tham hát. Trong hợp đồng, người ta chỉ ký với mình hát một, hai bài, nhưng mình cứ nài hát thêm. Một cái tham nữa là tôi tham yêu. Tôi yêu rất nhiều và yêu ai cũng nhiệt tình.

- Anh đã bao giờ vì tham lam mà phạm tội chưa?

- (Suy nghĩ). Có một lần, hồi nhỏ, tôi ăn cắp tiền của ba. Tôi thấy ba đi làm về cởi áo treo trên móc, và tôi thấy cái tờ tiền đó "bò" ra. Chính xác là tờ tiền mới "bò" ra khỏi miệng túi ba, tôi đã diễn đạt vậy mà ba tôi không tin, đánh tôi một trận tơi bời. Lần đó tôi lấy tiền ba đi đặt bầu cua cá cọp. Muốn một đồng thành hai, hai đồng thành bốn mà.

- Đấy chỉ là một cái lỗi trẻ con, phổ biến. "Tột cùng tội lỗi" của anh vì lòng tham không lẽ chỉ tới đó?

- Đó là sự thật. Những chuyện này nhạy cảm thật đấy, không khéo tôi tự mình thịt mình như chơi.

Sắc dục

- Những chuyện bê bối sắc dục của anh, không có hay vì anh khéo léo thu xếp?

- (Ngân nga) Sắc dục làm sao tránh khỏi ai ơi. Lúc mới học lớp 3, tôi đã biết thích gái đẹp rồi, là cô bạn học Cẩm Hồng xinh xắn. Lớn lên, cũng có khi vì nó mà tôi vượt qua những giới hạn về luân lý, đạo đức thông thường, dù chỉ là trong ý nghĩ.

- Anh có bao nhiêu cuộc đấu tranh nội tâm giữa cái được phép và không được phép?

- Nhiều. Đây là bản năng mạnh nhất mà. Có những cái mình muốn lắm nhưng phải dừng lại vì biết nó mà bể ra thì sẽ rất lớn chuyện. Có nhiều lần thấy không nên, nhưng rồi vẫn dấn thân vào, xong việc lại ân hận. Mà khổ cho tôi, tính tôi lại rất thích được người khác tấn công. Bị tấn công, tôi không chống đỡ nổi.

- Anh đặt ra giới hạn nào cho mình với sắc dục?

- Phải có giới hạn chứ. Sau khi nổi tiếng thì giới hạn này càng chặt. Lỡ có chuyện gì mình bị công luận mang ra đấu tố ngay, phải biết sợ chứ. Phải hết sức dè dặn, cẩn trọng, giữ an toàn là tiêu chí hàng đầu.

Tôi đặt danh dự, danh tiếng của mình lên trên hết, chứ không phải sắc dục. Dùng cái trước đè nén cái sau. Đó là cuộc đấu tranh giữa bản năng, ham muốn và danh dự, lý trí căng thẳng vô cùng. Còn chuyện thắng bại, chúng vẫn thường luân phiên hoán đổi vị trí cho nhau (cười).

(Theo Thanh Niên Tuần San)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #damvinhhung