2.3. em

Chuyện tình cảm giữa tôi và em sau khi trở thành người yêu của nhau, nói một cách thẳng thắn và hoàn toàn thành thật, là rất nhẹ nhàng. Phạm vi và giới hạn của tôi và em trong mối quan hệ rất giống nhau, giống nhau đến mức nếu vẽ thành hai cái biểu đồ theo tiến trình thì hình dạng của chúng sẽ tương tự nhau những 90%, chỉ khác là có lẽ vì tôi thương thầm em từ lâu và cũng hơi có tư tưởng thể diện đàn ông nên chủ động hơn. Suốt mấy năm, tôi và em không có bất cứ cuộc cãi vã nào, càng chẳng nói đến chuyện to tiếng với nhau, chiến tranh lạnh hay đòi chia tay, thi thoảng giận dỗi vu vơ cũng chẳng lần nào quá hai mươi bốn tiếng. Bởi vì em thực sự rất ngoan, không thích tranh cãi với ai cả, tính cách đôi lúc so với một thằng con trai lớn hơn tám tuổi như tôi thì còn bình tĩnh và lý trí hơn, còn tôi thì chẳng có gì phải bàn, làm sao nỡ.

Mấy đứa bạn thấy tôi chẳng hỏi han gì về vấn đề tình cảm trừ việc thi thoảng lễ tết thì xin ý kiến tặng quà hoặc gây bất ngờ, còn nói rằng "trình độ" của tôi trong việc yêu đương thăng cấp nên mới không cần cầu viện chúng nó. Sau khi biết căn bản là giữa tôi và em chẳng có vấn đề gì cần phải cầu viện, đứa nào đứa nấy bảo tôi là nhạt nhẽo thế mà mấy năm liền không chia tay thì đúng là kỳ tích.

Để giải thích về chuyện này, ngoại trừ do tính cách, thì còn là vì tôi và em có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn là dành thời gian tranh cãi. Chỉ là những chuyện đó không phải là loại chuyện có thể dễ hỏi ý kiến từ bên ngoài, kể cả bạn bè thân thiết, nên nếu có người khác không phải tôi và em biết chuyện này, từ phía tôi, thì là chị họ tôi và anh rể.

Nói một cách ngắn gọn, trực tiếp, đơn giản nhất, thì có thể dùng lại một câu tôi đã từng dùng.

Cô bé tôi thương có một chút vấn đề về tâm lý.


Lần đầu tôi và em nói chuyện về vấn đề này là vào cuối năm Hai của em. Ngay sau sinh nhật em.

Hôm ấy em đã đi ăn, xem phim và rồi ngồi ở quán cùng tôi, từ đầu giờ chiều đến tận qua hoàng hôn. Khi tôi đưa em về để đi ăn sinh nhật với cả nhà, thương tích duy nhất trên người em là vết đứt tay ở ngón trỏ bị từ hai ngày trước đó, lúc em gọt hoa quả và tôi bày trò quay sang thơm em một cái.

Vậy mà hôm sau, khi tôi đến trường đón em, trên cổ tay em đã có một vết thương. Một vết cắt mảnh, đỏ thẫm, giấu đằng sau những vòng dây bện phối tông màu lam thẫm.

Tôi đau lòng.

Tất nhiên.

Nhưng tôi giận.

Cái kiểu giận mà làm tôi muốn quay về quá khứ tự đập cho mình mấy phát ấy.

Bởi vì từ buổi tối hôm sinh nhật đó, sau khi tôi đưa em về, cho tới chiều hôm sau, khi tôi tới đón em, tôi và em vẫn nói chuyện với nhau. Buổi sáng tôi đi ăn sáng với em, còn nắm tay em đi bộ từ quán ăn đến trường của em, buổi trưa cả hai lại gọi video call để cùng ăn trưa, những lúc khác thì chẳng bao giờ quá một tiếng không nhắn tin, thế nhưng tôi lại không nhận ra em có gì không ổn, không biết đã có chuyện gì xảy ra, và không phát hiện vết thương trên cổ tay em xuất hiện vào lúc nào.

Vậy nên, tôi hỏi.

Tôi vẫn biết em từng có giai đoạn có dấu hiệu của việc tự gây thương tích, và tôi liên kết vấn đề này tới trầm cảm. Bởi vì tôi cũng chỉ biết như vậy thôi. Nhưng từ khoảng cuối lớp 11 trở về sau, tôi đã không còn thấy những vết thương xuất hiện trên cổ tay em nữa, tôi nghĩ rằng em đã ổn rồi, không muốn em nhớ lại chuyện không vui, nên cũng không có ý định hỏi.

Nếu lúc ấy bình tĩnh, có lẽ tôi sẽ không hỏi thẳng như thế. Nhưng chẳng biết là may hay rủi, lúc đấy tôi quá giận, vừa tức chính mình, vừa xót, lại vừa sợ - sợ rằng mình đã bỏ qua sự không ổn nào của người mình thương, sợ rằng sau này có thể sẽ bỏ qua sự không ổn lớn hơn nữa.

Tôi nhớ rất rõ, lúc đó em đang vui vẻ kể về việc có khả năng được học bổng, khi vừa nghe tôi hỏi xong, nụ cười trên môi em ngay lập tức biến mất, và em yên lặng cúi đầu, không tiếp tục nhìn tôi, cũng chẳng nói gì cả. Thế là tim tôi đập thót một cái, vội vàng suy nghĩ tìm cách để "chữa cháy", thì lại nghe tiếng em đáp rất khẽ:

"Là cách em giải toả áp lực."

Khi nói chuyện này, tôi và em vẫn đang ở trong xe, bên ngoài là một không gian mở rất nhiều người qua lại. Một nơi không có chút xíu cảm giác an toàn nào với những người đã, hoặc đang, hoặc đã và đang, mang thương tích.

Vậy nên tôi cố gắng bình tĩnh lại, nói với em:

"Mình tới chỗ khác nói chuyện đi. Em muốn tới quán, về nhà em, sang nhà anh, hay qua quán khác?"

Thực ra tôi khá chắc câu trả lời khi hỏi câu này. Suốt một thời gian không ngắn như vậy em mang những vết thương không được sơ cứu tử tế ra ngoài, khả năng là người nhà em chẳng biết gì, và có lẽ em cũng không muốn nói, nên em sẽ không chọn nói chuyện này với tôi ở nhà em. Quán cà phê, dù là quán của chị họ tôi hay quán khác, đều là chỗ công cộng, không hợp nói những chuyện thế này, chưa tính đến chuyện có thể bị người quen bạn bè vô tình nghe thấy. Còn nhà tôi thì riêng tư hơn, và em cũng thường vào nhà tôi những lúc cần một chỗ yên tĩnh mà không muốn ở nhà.

Vậy nên sau đó, tôi đưa em tới nhà tôi.


Suốt buổi nói chuyện ấy, em chẳng hề nhìn vào mắt tôi.

Em kể, vào khoảng đầu cấp 2 thì em bắt đầu thích viết lách, dần dần thì sự hào hứng dành cho việc học hành cũng giảm bớt. Vấn đề này không được thể hiện ra nhiều, bởi vì điểm số trên lớp của em bình thường vẫn rất tốt, đơn giản là vì bài học trên trường chẳng có gì khó khăn đối với em. Nhưng đến khi lớp 8, sự yêu thích của em dành cho viết lách quá nhiều, cộng với khủng hoảng trong việc triển khai ý tưởng và định hình phong cách viết, thành ra thời gian dành cho việc này trở nên nhiều hơn, chen lấn vào cả thời gian học, thì tình huống bắt đầu được thể hiện rõ ở việc thành tích ở các cuộc thi văn hoá giảm sút. Sự mất phương hưởng khi làm việc mình thích và áp lực kỳ vọng thất vọng từ người lớn trong nhà dồn vào một chỗ, lại thêm việc tâm lý tuổi mới lớn chưa ổn định, em bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực.

Sau khi kể đến đây, em hơi dừng lại. Vì vậy tôi đã nghĩ câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, và tự suy đoán rằng những suy nghĩ tiêu cực tích tụ lâu dần rồi khiến em tìm đến phương pháp tự gây thương tích để giải toả áp lực.

Nhưng một lát sau, em lại nói, vốn dĩ em không hề nghĩ đến chuyện đó, và thậm chí có lẽ sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó, nếu như không phải có người nói với em, con nhà người ta còn rạch tay để không ngủ quên mà học kia kìa.

Mà quan trọng hơn, đó còn là người nhà của em.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi về việc này là, thực sự có người làm như thế thật ấy hả?

Suy nghĩ thứ hai của tôi là, sao người lớn lại có thể nói như thế với con em nhà mình kia chứ?

Và suy nghĩ thứ ba, đó là chẳng lẽ em tin thật à? Tôi từng chỉ bài cho em, tốc độ hiểu bài và cách suy nghĩ của em rõ ràng là kiểu học tốt do thông minh sẵn chứ không chỉ dựa vào cần cù bù thông minh, sao lại có thể tin một kiểu câu "con nhà người ta" dở hơi như thế chứ?

Thế nhưng em nói, khi đó em tin.

Em kể lại, lúc đó em đang trong giai đoạn áp lực vì khủng hoảng viết lách và khủng hoảng thành tích, mà nhiều khi áp lực quá nên tư duy không vận hành được một cách bình thường, nên khi "nhận" được một "gợi ý" như thế, em đã thử.

Tôi nghe tới đó thì vừa xót người vừa tức cười, không nghĩ nhiều mà bảo với em:

"Cách đấy mà có hiệu quả thì anh đi đầu xuống đất."

Tất nhiên, tôi không phải đi đầu xuống đất, bởi vì em thừa nhận là nó chẳng có hiệu quả gì với năng suất viết lách hay học hành của em cả. Thế nhưng, em lại nhận ra việc đó khiến cảm giác khó chịu vì áp lực của em tiêu biến đi, và thế là em cứ tiếp tục, lâu dần thành quen. Chắc là nhìn thấy vẻ mặt của tôi đúng kiểu in lên bốn chữ "Em bị ngốc à?" một cách rất nghiêm túc, em mới cười bảo là, tính ra em giấu cả nhà cho tới tận bây giờ, thế mà khi đó chỉ mới đến lần thứ ba thì đã nhận được bông băng của tôi rồi.

Tôi đoán là em định xoa dịu không khí, nhưng tôi nghe xong thì lại càng bực. Khoảng thời gian đó tôi rất rảnh, suốt ngày ở quán để ngóng em, em cứ tới quán là tôi đứng trong quầy lén nhìn em như thằng cuồng theo dõi, chị họ còn sợ tôi làm liều gì cơ đấy, thế mà tôi lại vẫn không nhận ra những hai lần.

Sau đó, em kể tiếp, đến tầm cuối giai đoạn lớp 11, em xác định được hướng học tập và việc làm, phong độ viết lách cũng trở lại nhịp độ ổn định, không còn áp lực nữa, nên đương nhiên cũng không viện đến hành vi "giải toả áp lực" kia, ngoại trừ một lần trước hôm thoả thuận xuất bản tác phẩm đầu tiên. Đến đây thì tôi hết cả sức để bực. Tôi không hề phát hiện ra lần đó, cứ tưởng từ cuối năm lớp 11 thì lần này mới là lần đầu tiên.

Câu chuyện tiếp theo thì không có gì bất ngờ nữa. Chừng gần hai tháng sau khi thoả thuận thì tác phẩm của em chính thức được xuất bản thành sách, hôm đó em từ hiệu sách về, lúc đi xe trên đường không cẩn thận quệt phải người ta, rồi dẫn đến lần nói chuyện đầu tiên của tôi và em, kéo theo tất cả những chuyện sau đó cho tới mối quan hệ này.

Tôi vẫn hơi sợ trong suốt giai đoạn sau đó có thêm lần nào trên tay em có vết thương mà tôi không biết, nên hỏi đi hỏi lại mấy lần, đến khi em đảm bảo tới lần thứ tư là không có nữa thì tôi mới chuyển sang hỏi chuyện vết thương lần này.

Kỳ thực, tuy rằng rất muốn biết đáp án, tôi cũng rất sợ biết đâu áp lực của em là do tôi gây ra. Nhưng may là không phải, cũng không may là không phải.

Em nói, bởi vì em chạy sự kiện ở câu lạc bộ. Tôi biết dạo này em tương đối bận việc câu lạc bộ, các buổi hẹn đa số là tôi ngồi một bên nhìn em chạy deadline hoặc giúp em ôn thi nếu có thể, dù sao giai đoạn thi hết năm cũng thường là thời gian mà các câu lạc bộ chuyên môn tập trung tổ chức chung kết các cuộc thi của mình. Thế nhưng thường ngày em lúc nào cũng biểu hiện rất bình tĩnh, mệt lắm thì mới than vãn với tôi vài câu, sau đó đòi tôi đi chạy deadline với em, làm tôi còn tưởng em cố tình lấy cớ hoặc làm nũng đôi chút để hai đứa gặp nhau.

Việc này làm tôi vừa xót vừa bực, nên tôi hỏi em sao lại không chia sẻ gì với tôi, có chuyện không ổn mà lại giấu thì người yêu như tôi để làm cảnh à. Không biết có phải thái độ của tôi lúc ấy có vẻ không vui hay không, nên em im lặng mất một lúc, độ chừng mười phút sau em mới cười cười kiểu qua chuyện mà nói:

"Mấy chuyện này kể mãi thì người nghe cũng thấy phiền mà."

Lúc ấy tôi cáu thật sự.

Nhưng mà nhìn vẻ mặt của em, tôi cảm thấy nếu tôi tỏ thái độ cáu giận ra mặt thì chắc chúng tôi sắp chia tay được rồi.

Nên tôi chìa tay trái của tôi ra trước mặt em, cố gắng dùng tông giọng bình tĩnh nhất có thể, nói một câu đơn ngắn gọn:

"Anh sẽ không thấy phiền."

Tôi thấy nụ cười không rõ thái độ trên môi em ngay lập tức biến mất.

Nhưng em không nói gì cả, chỉ ngẩng lên nhìn tôi, và tôi đọc được sự kinh ngạc trong mắt em.

Rồi tôi nói tiếp:

"Cho nên, sau này cứ kể cho anh."

Trên cổ tay em có rất nhiều vết sẹo mảnh, chồng chéo lên nhau, không lặn đi, nhưng tương đối mờ, bởi vì em cũng nói vốn dĩ chẳng có cái nào trong số đó mang ý tứ tự sát.

Trên tay tôi thì không như vậy.

Chỉ có một vết. Đủ dài. Đủ rõ.

Và đủ để chết khi nó được tạo ra.


Tôi kể cho em chuyện quá khứ của mình khi chúng tôi ở trong bệnh viện.

Vì em bị tai nạn.

Nói đi thì cũng phải nói lại, lý do mà yêu nhau gần hai năm trời đến tận lúc tình huống xảy ra thì tôi mới hỏi chuyện những vết thương của em cũng là vì, bản thân tôi chẳng lành lặn gì, và tôi sẽ cực kỳ khó chịu nếu có bất cứ ai hỏi tôi về chuyện đó, kể cả những đứa bạn thân hiện giờ biết chuyện của tôi cũng là do tôi chủ động nói trong một lần cả đám chơi "Never have I ever". Vậy nên tuy nói cho em, song tôi cũng chỉ bảo rằng do hồi đi học tôi stress vì thi đội tuyển. Một phần là vì tôi không muốn mình trông có vẻ mong manh dễ vỡ như thế trước mặt cô gái tôi thương, một phần nữa thì là tôi thấy câu chuyện đúng là chỉ có thế, còn gì để kể đâu, tôi cũng không có một niềm đam mê đặc biệt như cách em yêu thích viết lách. Ít nhất là không có cho đến khi gặp em.

Song, hôm ấy tôi đã đổi ý.

Có lẽ là vì đã không yên tâm suốt một khoảng thời gian dài khi thấy người yêu mình - một người rõ ràng là rất hướng nội - dành cả quãng đời sinh viên của em ở một môi trường hướng ngoại đến độ không thể hướng ngoại hơn. Hồi còn đi học, tôi có một lần tham gia làm sự kiện, do khoa tổ chức và mấy đứa bạn thân rủ đi với mục đích kiếm điểm rèn luyện khi chúng nó thấy tôi mất học bổng chỉ vì điểm rèn luyện không đủ tiêu chuẩn. Một lần, và chỉ có một lần. Bởi vì sau đó tôi phải quay lại điều trị trầm cảm và bác sĩ yêu cầu tôi cố gắng tránh những tác nhân có hại cho tình trạng tâm lý của mình.

Điều kiện gia đình của cả tôi và em đều không ở cái mức phải có học bổng thì mới đi học được, vậy nên quan điểm của tôi là thấy hợp thấy thích thấy đem lại nhiều lợi ích thì làm, còn không có thì thôi. Hơn nữa, kể cả nếu em thích việc được học bổng thì cũng có nhiều phương pháp, nên không ít lần sau khi em kết thúc hoạt động với tình trạng mệt mỏi đến mức muốn trốn cả thế giới, tôi đã lựa lời này chọn lời kia khuyên em thôi sau này đừng làm nữa.

Em gật gật, lúc thì nói "vâng", lúc thì "em biết rồi", sau lại tiếp tục.

Cho đến lần này.

Khoảng thời gian đó em cực kỳ bận rộn, rất nhiều deadline môn học, rất áp lực thành tích vì các môn chuyên ngành nặng, gần như kiệt sức vì những hoạt động ngoại khoá và cộng đồng ngày ngày rút cạn đi năng lượng của một người mang tính cách thiên hướng nội. Tôi rất lo người tôi thương sẽ không chống đỡ được, nên mỗi khi em rảnh thì tôi đều tạm ngừng công việc một chút để nói chuyện với em, cố gắng hẹn em workdate dù công việc của hai đứa chẳng liên quan gì đến nhau, cũng thường nhắn tin lảm nhảm nhiều hơn, em không trả lời gì cũng được, một chữ "seen" là đủ để tôi biết người tôi thương vẫn còn ở đó rồi.

Rất may, điều tôi lo lắng nhất không xảy ra, nhưng chuyện xảy ra thì cũng chẳng đáng mừng chút nào. Khi tôi hỏi chuyện, em kể lại ngắn gọn là đang đi trên đường, trong nhóm sự kiện có tin nhắn gấp tag em vào nên em mở điện thoại xem, nhưng chủ quan nên không dừng xe lại. Thế là có mấy thanh niên phóng tới giật điện thoại, rồi em ngã xe, bị gãy tay và rạn xương chân.

Tuy rằng nằm viện, nhưng tôi có cảm giác em nhẹ nhõm hơn. Tôi sợ em lại đang nghĩ chuyện gì tiêu cực, nên vòng vo dò hỏi một lúc, đại ý là tại sao bị tai nạn nhưng em lại có vẻ vui.

Em nói, bởi vì có nguyên nhân chính đáng để rời khỏi những hoạt động kia rồi.

Khi nghe em nói như vậy, tôi mới hỏi ra điều mà mình vẫn thắc mắc, rằng hiệu quả xuất bản của em đủ tốt để em theo đuổi sở thích viết lách, và dù em không xuất bản tác phẩm được nữa thì ngành học của em vẫn có không ít công việc phù hợp với sở thích và tích cách của em, cũng rõ ràng em chẳng thích thú gì những hoạt động không phù hợp với bản thân đó, sao cứ phải lao vào?

Em trả lời tôi bằng một câu:

"Bởi vì xã hội này là một xã hội hướng ngoại."

Ban đầu, tôi cho rằng bởi vì mọi người thường dễ đề cao những người mang cá tính tự tin, hoạt bát, năng nổ, lạc quan, và em bị điều đó gây áp lực thành tích. Nhưng khi về tôi nói chuyện bóng gió với chị họ, chị - với kinh nghiệm "giải cứu" thần kỳ hai con người trầm cảm mà chẳng có bằng cấp nào - lại bảo tôi là, bởi vì con người luôn sống trong rất nhiều các mối quan hệ từ thân quen tới xã giao, nhưng vẫn sẽ có một số ít người cảm thấy ngột ngạt khi có quá nhiều mối quan hệ như vậy, và đặc điểm của xã hội khiến cho những người xung quanh cảm thấy họ bất thường, quái dị, hoặc chính họ cảm thấy bản thân như vậy. Một số sẽ càng ngày càng tránh xa, một số - ngược lại - sẽ đâm thẳng vào đó, cố gắng hoà nhập.

Cuối cùng thì chị kết luận, tôi là loại thứ nhất, người tôi thương là loại thứ hai.

Tôi hỏi chị có cảm thấy như thế là bất thường không, thì chị bảo là, nó giống như việc chị và mẹ tôi đều rất thích hoa. Mẹ tôi cực kỳ cực kỳ thích hoa cỏ, cảm tưởng như nếu bước vào một khu vườn trồng một ngàn một vạn loài hoa thì mẹ tôi có thể cho bố con tôi ở ngoài tự chăm nhau nốt phần đời còn lại vậy. Chị thì ngược lại, chỉ thích chừng chưa đến mười loài, và nếu bước vào khu vườn kia thì chị sẽ về nhà ôm chồng cho đỡ choáng.

Hôm sau tới viện, tôi kể chuyện này cho em. Mục đích chính của tôi là để an ủi, rồi thuận tiện khuyên em không cần thấy áp lực, nếu không phù hợp thì đừng cố tham gia, còn nửa thật nửa đùa bảo em là sau này có tôi nuôi rồi, nhưng em lại hỏi:

"Tại sao anh lại là loại thứ nhất?"

Vậy là tôi kể cho em chuyện của tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top