Tự tình
Hồ Xuân Hương là người đa tài, đa tình, tính cách phóng khoáng và giao thiệp rộng, có rất nhiều bạn văn chương. Tuy thế, đường tình duyên của nữ sĩ lại vô cùng lận đận, trắc trở, mấy lần lấy chồng đều không toại nguyện. Bởi lẽ đó, bà đã mang tâm trạng của một người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp những cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng gặp toàn dang dở bất hạnh gieo vào tác phẩm của mình. Nổi bật nhất, tiêu biểu nhất có lẽ là bài thơ Tự tình (bài II) nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba thi phẩm chữ Nôm theo thể thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ là lời giải bày về bi kịch và khát vọng của HXH đồng thời cũng là tiếng nói phản kháng của thân phận phụ nữ trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!"
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người phụ nữ đang đối diện với cái yên ắng, lạnh lùng của đêm khuya thanh vắng và tự xót đau cho cảnh ngộ trắc trở, éo le của chính mình.
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non"
Câu thơ đầu tiên mở ra một không gian khuya u buồn, tĩnh mịch và cũng rất trống trải, rộng lớn. Đây là khoảng thời gian, không gian nghệ thuật, khơi gợi nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của người phụ nữ. Trong bối cảnh ấy, không còn những tiếng ồn ào náo nhiệt của một ngày dài, mà chỉ có tiếng trống canh rất mơ hồ. Song tiếng trống mỗi lúc một dồn dập hơn, trôi theo từng khoảnh khắc của thời gian và rút ngắn tuổi xuân của một ng phụ nữ "hồng nhan" . Đến với câu thơ thứ hai, nổi bật nhất là từ "trơ". "Trơ" trước hết là tủi hổ, là bẽ bàng, thêm vào đó hai chữ "hồng nhan" là để nói về vẻ đẹp của người phụ nữ mà lại đi với từ "cái" thì thật là rẻ rúng, mỉa mai. "Trơ" còn có nghĩa là trơ trọi, cô đơn. Hình ảnh tương phản "cái hồng nhan" với "nước non" càng nhấn mạnh sự cô đơn trơ trọi của tác giả trước vũ trụ bao la. Nhịp thơ 1/3/3 và nghệ thuật đảo ngữ cũng góp phần khắc họa hình ảnh người phụ nữ tuy cô đơn nhưng không chấp nhận sự bé nhỏ, tuy bẽ bàng nhưng không chịu thua thiệt. Câu thơ toát lên sự thách thức, ngang tàng của nữ sĩ.
Trong cái không gian cô quạnh không bóng người của bầu trời đêm, người phụ nữ tìm đến những chén rượu để giải thoát mình khỏi nỗi sầu não của cuộc đời.
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"
Càng về khuya, khi tiếng trống canh dãn dài ra, thời gian bắt đầu chậm lại, thì cũng là lúc mùi hương nhè nhẹ của những chén rượu không còn tác dụng. Người phụ nữ chợt bừng tỉnh về phút giây hiện tại chan chứa nỗi buồn. Ba từ : "Say lại tỉnh" gợi nỗi chán chường, vô vọng, cô đơn đến tột cùng của người phụ nữ bị lạc trong vòng tình duyên quẩn quanh, bế tắc. Càng uống càng tỉnh, càng tỉnh lại càng cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau thân phận. Trong cái "Bóng xế khuyết chưa tròn" của vầng trăng tưởng chừng như êm đềm, phải chăng tác giả đang nghĩ về nhan sắc của mình đang tàn phai theo năm tháng, mà tình duyên vẫn chưa thể vẹn toàn? Thật vậy, vầng trăng là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho số phận của người đàn bà sắp già nua nhưng tình duyên vẫn còn dang dở, hạnh phúc vẫn còn xa vời. Có lẽ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương muốn đưa cái sự suy nghĩ về lẽ đời, về sự hạnh phúc mà tác giả đang mong đợi vào chính tâm trạng của nhân vật.
Trong lúc suy tư đó, mà đối với những bạn trẻ đang hạnh phúc là vầng trăng cổ tích, còn đối với người phụ nữ là ánh trăng suy tư, tác giả đã đánh động người đọc ra khỏi sự suy nghĩ về nỗi đau của phái đẹp trong xã hội phong kiến lạc hậu bằng hai câu thơ luận :
"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn"
Hai câu thơ sử dụng biện pháp đảo ngữ để nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên cũng là tâm trạng của con người – câu thơ như muốn nói lên nổi buồn phẩn uát của tác giả . Các động từ mạnh: xiên, đâm kết hợp với những bổ ngữ: ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, phẫn uất, một tâm trạng khác thường, khác người, sự vật bình thường nhưng có những hành động phi thường . Thiên nhiên trong mắt nhà thơ tiềm ẩn một sức sống đang bị đè nén và đang vươn lên mãnh liệt. Ta thấy rõ được tác dụng của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở hai câu thơ này, dường như có một điểm giống nhau giữa tâm hồn thơ và những hình ảnh thiên nhiên ấy. Rêu và đá bé nhỏ là thế nhưng chúng giống nhau ở sức sống mạnh mẽ vô cùng và tác giả cũng vậy. Hai câu thơ thể hiện sự bướng bỉnh, ngang tàng của nữ sĩ XH, một nhà thơ phụ nữ đầy bản lĩnh, không chấp nhận số phận, luôn khát khao vươn lên để khẳng định sự tồn tại của chính mình và khát khao hạnh phúc. HXH đã thổi hồn vào tạo vật, bà đem đến cho những vật nhỏ bé một sức sống mạnh mẽ ngay trong tình huống bi thương.
Những câu thơ trên giúp ta hiểu được tâm trạng, tiếng thở dài của HXH ở hai câu cuối.
"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!"
Từ "ngán" cho thấy một tâm trạng chán chường, mệt mỏi bởi sự thật phũ phàng. Vòng tuần hoàn của đất trời vẫn cứ lặp đi lặp lại, mùa xuân của thiên nhiên sẽ vẫn mãi tồn tại. Vậy mà tuổi xuân của người phụ nữ đã đi thì có bao giờ trở lại? Mùa xuân cứ mãi tràn đầy sức sống trong khi nhan sắc của người đàn bà đã phai tàn. Điều này khiến HXH không tránh khỏi một tiếng thở dài. Càng chua xót hơn, giữa vòng tuần hoàn thời gian ấy, mảnh tình duyên không trọn vẹn của người phụ nữ còn bị san sẻ, chỉ còn lại trong nhà thơ một "tí con con". Nghệ thuật tăng tiến tô đậm sự thiếu hụt hạnh phúc, nhưng càng thiếu hụt bao nhiêu, người phụ nữ lại khát khao bấy nhiêu. Hai câu thơ cuối vừa thể hiện nỗi chán chường, xót xa cho duyên phận chính mình, vừa bộc lộ khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của nữ sĩ.
Nhà thơvới tác phẩm Tự Tình là mtộ trong những bản thơ Nôm hay nhất, diễn tả chân thực đời sống bất hạnh của người Phụ nữ Việt Nam xưa, đồng thời thể hiện được tài năng, sự ngang tàng của bà chúa thơ Nôm này. Tác phẩm xứng đáng đứng trong bộ thơ Nôm hay nhất nền văn học trung đại Việt Nam. Ngoài ra tác phẩm cũng thể hiện được ước nguyện cháy bỏng của tất cả phụ nữ của mọi thời đại. Giá trị của bản thơ vẫn còn, thậm chí là rất được đánh giá cao sau hơn 200 năm sáng tác. Hi vọng xã hội này sẽ không còn người phụ nữ nào phải chịu nỗi đau, nhục nhã, để không còn ai phải viết lên những nỗi đau thương về số phận đáng thương, như nhà thơ Hồ Xuân Hương cách đây 200 năm nữa ...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top