Câu cá mùa thu

Nhắc đến mùa thu, không thể không nhắc đến chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến: Thu vịnh, Thu điếu và Thu ẩm. Chỉ với bầu trời "xanh ngắt" (Thu vịnh), với làn nước "trong veo" của ao cá (Thu điếu), và cái "lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, làn ao lóng lánh bóng trăng loe" (Thu ẩm), vị thi nhân tài năng này đã làm say lòng bao thế hệ! Mỗi bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu đặc sắc, song đặc biệt hơn cả là cảnh thu vùng làng quê Bắc Bộ trong Thu điếu được Xuân Diệu đánh giá là "điển hình hình cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam".


Nguyễn Khuyến tuy học giỏi, đỗ đạt cao nhưng chỉ sống gắn bó với vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ, vậy nên ông viết rất nhiều bài thơ về làng cảnh VN với tâm thế của người trong cuộc. Xuân Diệu từng gọi NK là nhà thơ của dân tình làng cảnh VN. Thơ ca của NK còn thể hiện nỗi u hoài trước thời cuộc và bi kịch của một nhà Nho yêu nước nhưng bất lực. "Thu điếu" là một minh chứng rõ nét nhất cho phong cách thơ ca NK. Thi phẩm được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với ngôn ngữ tinh tế và hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến. Bài thơ còn là tiếng lòng của một con người yêu nước có nhân cách cao đẹp nhưng bất lực trước thời cuộc .


Nếu như ở Thu vịnh, mùa thu được Nguyễn Khuyến đón nhận từ cái không gian thoáng đãng, mênh mông, bát ngát, với cặp mắt hướng thượng, khám phá dần các tầng cao của mùa thu để thấy được: " Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao", thì ở Thu điếu, nhà thơ không tả mùa thu ở một khung cảnh thiên nhiên rộng rãi, không phải là trời thu, rừng thu hay hồ thu, mà lại chỉ gói gọn trong một ao thu: ao chuôm là đặc điểm của vùng đồng chiêm trũng, vùng quê của Nguyễn Khuyến:


Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Câu thơ đầu tồn tại hai vần "eo", câu thơ thể hiện sự co lại, đọng lại không nhúc nhích, cho ta một cảm giác lạnh lẽo, yên tĩnh một cách lạ thường. Không có từ "lẽo" và từ "veo" cũng đủ cho ta thấy cảnh tĩnh, nhưng thêm hai từ này lại càng thấy cảnh tĩnh hơn nữa. Khung ao tuy hẹp nhưng tác giả lại không bị giới hạn mà mở rộng ra nhiều chiều, trong cái không khí se lạnh đó dường như làm cho làn nước ao ở độ giữa thu, cuối thu như trong trẻo hơn. Những tưởng trong "ao thu lạnh lẽo" ấy, mọi vật sẽ không xuất hiện, thế mà thật bất ngờ: Khung ao không trống vắng mà có "một chiếc thuyền câu bé tẻo teo". Có khung cảnh thiên nhiên và có dấu vết của cuộc sống con người, khiến cảnh thu thêm được phần nào ấm cúng. Chiếc thuyền "tẻo teo" trông thật xinh xắn. Câu thơ đọc lên, làm cho đối tượng miêu tả trở nên gần gũi và thân mật biết bao!Với hai câu mở đầu, nhà thơ sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh, tạo độ gợi cao: "lẽo", "veo", "tẻo teo" mang đến cho người đọc một nỗi buồn man mác, cảnh vắng vẻ, ít người qua lại. 

 Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là những nét vẽ tài ba làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:  

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Sự vật dường như chuyển động khẽ hơn, chỉ có gió mà lại rất nhẹ, làm cho chiếc thuyền câu "bé tẻo teo" chỉ hơi chòng chành đủ cho sóng chỉ hơi gơn tí. Khung cảnh mùa thu đượm buồn như im lìm lặng lẽ, chỉ có chiếc lá khẽ đưa mà thôi. Ngòi bút của tác giả tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Chỉ việc một từ "khẽ" đã miêu tả được miêu tả được cả âm thanh, đó là âm thanh tĩnh chứ không động, tả được cái trạng thái tĩnh lặng của mùa thu. Ngay cả từ "vèo" cũng vậy, không chỉ là bay qua của chiếc lá khi có làn gió mà nó còn thể hiện được tâm trạng của tác giả, một sự đau buồn trước cảnh đất nước rơi vào tay bọn thực dân Pháp. Màu "biếc" của sóng và màu "vàng" của lá đã vẽ nên một bức tranh làng quê thật thanh bình. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ "vèo" trong thơ Nguyễn Khuyễn. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được câu thơ vừa ý trong bài thơ "Cảm thu, tiễn thu":

Vèo trông lá rụng đầy sân

Quả là phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thật sâu sắc thì Nguyễn Khuyến mới có thể cảm nhận được những âm thanh tinh tế, tưởng chừng như chẳng ai để ý đến như thế! 

Hai câu luận mở rộng không gian miêu tả. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời "xanh ngắt" với "những tầng mây lơ lửng" trôi theo chiều gió nhẹ.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

"Xanh ngắt" là xanh mà có chiều sâu, gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Trên nền trời xanh ngắt ấy, những áng mây không trôi nổi bay khắp bầu trời mà "lơ lửng". Ở đây từ "lơ lửng" còn là tâm trạng của tác giả về một vấn đề gì đó chưa thể quyết định rõ ràng. Từ trời thu, tác giả nhìn xuống, nhìn ra xa ngõ trúc. Cảm hứng Nguyễn Khuyến lại trở về với khung cảnh làng quê quen thuộc cũng vẫn hình ảnh tre trúc, vẫn ngõ xóm quanh co...tất cả đều thân thương và nhuốm màu sắc thôn quê Việt Nam. Chỉ đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta mới thấy được những nét quê tĩnh lặng, êm ả như vậy. Trời sang thu, không khí giá lạnh, đường làng cũng vắng vẻ. "Ngõ trúc quanh co" cũng "vắng teo" không bóng người qua lại.

Bài thơ cho đến đây, đã hết sáu câu, vẫn chưa thấy xuất hiện con người. Đến hai câu cuối của bài thơ, con người hay là chính tác giả mới xuất hiện. Trong bức tranh thu, con người dường như ẩn kín sau cảnh vật, hòa mình vào thiên nhiên, đất nước. Sự xuất hiện này tạo sự bất ngờ cho bài thơ nhưng tranh thu không vì thế mà thay đổi, vẫn cái vắng vẻ, tĩnh lặng ấy.

Tựa gối buông cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Tư thế "tựa gối" một phần vì tiết thu, nhưng một phần còn bởi lòng người câu cá. Ta thường biết, khi câu cá thì con người ta cảm thấy thoải mái nhất nhưng tựa gối là một tư thế thể hiện sự mệt mỏi, buông xuôi và chán chường. Phải chăng tác giả đang trăn trở, trầm ngâm một điều gì đó. Trong lúc suy tư, ông câu cá chợt giật mình sực tỉnh bởi cái âm thanh "cá đâu đớp động", nhất là từ "đầu" gợi lên sự mơ hồ, xa vắng . Âm thanh tiếng cá "đớp động dưới chân bèo" đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc vàng của lá thu, ở màu "xanh ngắt" của bầu trời thu, ở làn "sóng biếc" trên mặt ao thu "lạnh lẽo"... Song, âm thanh cá đớp phải chăng là những vang vọng của thời cuộc. Bởi thế, NK đi câu để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn nhưng ông ko đủ thờ ơ, lãnh đạm để phớt lờ hiện thực tàn khốc của dân tộc. Sự bất lực của NK trên hành trình tìm lấy sự thanh nhàn thể hiện tấm lòng yêu nước kín đáo và nhân cách của ông.

Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần "eo" đi vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo – bé tẻo teo – đưa vèo – vắng teo – chân bèo. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết: "Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu xanh vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi..."  

Tóm lại, qua Thu điếu, ta phần nào thấy được tấm lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đối với cuộc sống: chỉ có những ao nhỏ, những "ngõ trúc quanh co", màu xanh của bầu trời, cũng đã làm say đắm lòng người. Thì ra mùa thu ở thôn quâ chẳng có gì là xa lạ, mùa thu ở thôn quê chính là cái hồn của cuộc sống, cái duyên của nông thôn. Câu cuối này là thú vị nhất, vừa gợi được cảm giác, vừa biểu hiện đựơc cuộc sống ngây thơ nhất với sự việc sử dụng những âm thanh rất trong trẻo có tính chất vang ngân của những cặp vần, đã chiếm được cảm tình của độc giả, đã đọc qua một lần thì khó mà quên đựơc.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thơ-ca