Chương 2: Tỷ muội đồng bệnh tương lân (1)

Sau bữa cơm, A Vụ theo Thôi Thị về tam phòng. Vinh Ngũ bước phía sau nàng, nói: "Lục muội, muội bị bệnh đã nhiều ngày, còn nhiều bài tập chưa làm, tỷ đã chép bài giảng vào đây, muội cầm về xem trước, có gì không hiểu thì đến hỏi tỷ và tứ tỷ."

"Cảm ơn ngũ tỷ." A Vụ cầm tờ giấy trong tay Vinh Ngũ xem rồi nói cảm ơn lần nữa.

Mấy hôm sau, Thôi Thị soạn sửa bút mực giấy nghiên cho A Vụ, rồi sai Tử Nghiên, Tử Phiến dẫn nàng đến học đường.

Học đường của các cô nương ở phủ Quốc Công chính là Dục Tú Các tọa lạc trong hoa viên, trợ giảng chính là Bạch Tố Tâm. Người con gái này cũng là kỳ nhân, từ nhỏ đã có tài, quyết tâm ở vậy không lấy chồng vì không muốn cúi đầu hầu hạ bọn nam nhân, kể ra thì nàng ta cũng có họ hàng xa với phủ Quốc Công.

Vì một đứa cháu gái có tài danh từ nhỏ như Vinh Ngũ, lão thái thái đã nhờ biết bao nhiêu người mới mời được Bạch Tố Tâm về trợ giảng.

A Vụ ngồi sau Vinh Tứ, Vinh Ngũ, hai tay chống cằm nhìn ra bờ tường xanh quấn đầy dây leo ngoài cửa sổ và nhớ đến Trưởng Công chúa – mẹ nàng, bà chỉ thích cỏ ghét hoa và yêu nhất là cây bạc hà. A Vụ bắt đầu thấy nhớ mẹ.

Bạch Tố Tâm mặc trang phục màu xanh, vén tấm rèm lụa mỏng nhanh nhẹn bước vào, đầu hơi ngoảnh về phía A Vụ rồi bước thẳng đến ngồi phía sau bàn, dáng lưng thẳng tắp, mắt cũng không nhìn A Vụ một cái, có thể thấy là cực kì coi thường học trò này.

Thường thì mời thầy dạy là nữ căn bản chỉ giảng Nữ tứ kinh, Nữ hiếu kinh, nhưng vì tính tình Bạch Tố Tâm phóng khoáng, tự nhiên, không phải là hạng "nữ nhi tầm thường" nên hôm nay sẽ giảng Mạnh Tử, có thể coi là bài học rất sâu sắc.

Đừng nói nữ nhi ở độ tuổi này, ngay cả nam nhi cũng chỉ đọc đến Đại học hoặc cùng lắm Luận ngữ là cùng. Trong Tứ thư, cuốn Mạnh Tử chỉ đứng sau Luận ngữ, với một đứa trẻ học vỡ lòng chưa bao lâu như A Vụ, học Luận ngữ còn khó, nói chi đến Mạnh Tử.

* Tứ Thư là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn. Chúng bao gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử .

Nhưng Bạch Tố Tâm chỉ để ý đến Vinh Ngũ, trước đó cô đã giảng Mạnh Tử rồi và cũng không để ý xem những học trò khác có theo kịp hay không.

Bạch tiên sinh giảng nửa canh giờ về "quyền để biết nặng nhẹ; độ để biết dài ngắn..." trong cuốn Lương Huệ Vương Thượng. Bạch tiên sinh ngắt từng câu rồi bảo ba học trò đọc lại vài lần, giảng giải từng câu một, sau đó gọi Vinh Ngũ đứng lên giải nghĩa, coi Vinh Tứ và A Vụ chỉ là đồ trang trí cho lớp học.

A Vụ vẫn điềm nhiên như không, riêng Vinh Tứ mười hai tuổi cảm thấy mù mờ, khó hiểu, cố gắng nghe được một lúc rồi bắt đầu mất tập trung, chỉ có Vinh Ngũ là vẫn chăm chú lắng nghe.

Bạch tiên sinh cho bài tập làm, sau đó bảo Vinh Tứ và A Vụ ra về, giữ Vinh Ngũ ở lại nói chuyện.

Vì người đương thời trọng nhân tài, dù là nữ nhi khuê các cũng bị so sánh học vấn cao thấp, thế nên cầm kì thi họa là môn học bắt buộc của các tiểu thư ở mỗi phủ, tiểu thư của phủ An Quốc Công cũng không ngoại lệ.

Do vậy, Vinh Tứ dẫn A Vụ chậm rãi bước đến Thinh Lan Châu học cổ cầm. Lúc dời Dục Tú Các, Vinh Tứ thỉnh thoảng lại ngoảnh đầu lại, A Vụ nhìn cái cằm nghiêng và ánh mắt đố kị của Vinh Tứ, trong lòng thầm nghĩ nàng đã nhìn lầm tứ cô nương, ngẫm ra cô ta cũng là người có chí tiến thủ, chỉ e cô ta không biết mình biết người sẽ chỉ càng làm khổ mình khổ người mà thôi.

Thầy dạy đàn nghe nói là thầy giáo tiền nhiệm của phường nhạc, họ Cốc tên Ngọc.

Cách đánh đàn một ngón của thầy khiến người ta khâm phục. A Vụ cũng là người thích chơi đàn, kiếp trước đã sưu tầm không ít bản nhạc cổ, lúc thấy trong người đỡ mệt, nàng cũng hay gảy đàn để giải tỏa nỗi lòng. Chỉ vì sức khỏe yếu nên nàng cũng không thể chơi đàn hay, có điều khả năng thưởng thức và bình phẩm lại rất giỏi.

Nói chung người tài thường kiêu ngạo. Cốc Ngọc có làn da mịn như ngọc, gương mặt thanh tú, dáng vẻ thùy mị tự nhiên, cằm hơi vểnh lên kiêu hãnh, so về phong thái thì hơn Bạch Tố Tâm đến vài phần.

Lúc Vinh Ngũ vội vàng bước vào, Cốc Ngọc tỏ ra không vui lườm cô ta một cái rồi mới nói: "Hôm nay ta dạy bản nhạc mới là Hán cung thu nguyệt." Nói xong cũng không cần biết mấy học trò thế nào, ngồi vào gảy đàn ngay.

* Hán cung thu nguyệt là một trong mười tác phẩm nổi tiếng của cổ nhạc Trung Hoa.

Đầu ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn, tiếng nhạc du dương vang lên, lúc gảy xong, thấy mặt Vinh Tứ và A Vụ cứ nghệt ra, còn Vinh Ngũ thì miễn cưỡng đàn theo được mấy điệu ban đầu, Cốc Ngọc bực bội quét mắt nhìn về phía bọn họ. "Được rồi, được rồi, ta đàn lại lần nữa."

A Vụ cảm thấy buồn cười, Cốc Ngọc có tài đánh đàn, kỹ thuật điêu luyện, nhưng không biết dạy học trò.

Nghe đến lần thứ hai thì A Vụ cũng biết đánh. Cốc Ngọc để ba người họ tự luyện tập, Vinh Tứ thì lóng ngóng, mới đánh một chút đã sai ba âm, Vinh Ngũ cũng không khá hơn là bao. Chỉ có A Vụ không cần xem bản nhạc, tự tin gảy đàn, tiếng đàn êm dịu như nước chảy mây trôi, khiến ba người đều quay lại nhìn nàng với ánh mắt kinh ngạc. Thấy vậy, A Vụ vội vàng gảy nhầm ba âm, cố tỏ ra luống cuống.

Lúc này ba người họ mới thu lại ánh mắt ngạc nhiên. Cuối cùng, Cốc Ngọc nhìn sang A Vụ gật đầu, mặc dù phần sau vì bối rối đánh sai, nhưng đoạn đầu cũng không tệ, còn khá hơn cả Vinh Ngũ.

Sau khi tan học, Vinh Tứ liếc A Vụ một cái, không vui nói: "Bản nhạc hôm nay cũng không khó, chẳng qua là muội chú ý hơn mà thôi."

Mặc dù cầm kì thi họa là môn học, chữ "cầm" đứng đầu, nhưng người đương thời đều coi trọng chữ nghĩa hơn, đánh một bản nhạc hay không bằng làm một bài thơ hay, nghề cầm ca chỉ là để mua vui cho mọi người, thế nên người ta xếp lại "cầm" đứng cuối cùng.

Buổi chiều còn có môn thư họa và môn nữ công, lịch học kín mít cả ngày khiến A Vụ không khỏi kêu thầm, làm tài nữ quả không dễ dàng chút nào. Nhớ hồi xưa vì ốm yếu, các môn nghệ thuật này chỉ khi nào có hứng nàng mới học, mà học cũng chỉ như thêu hoa trên gấm, dù sao không cần học thì thân phận nàng cũng đã cao quý rồi. Giờ mới thấy học mấy môn này đúng là muốn hành hạ người ta mà.

Mấy ngày trôi qua, đối với tất cả các môn học A Vụ đều tỏ ra bình thường, đã có tiến bộ chút ít, sau này giỏi từ từ mới không làm người khác kinh ngạc. Còn Vinh Ngũ, rõ ràng rất xuất sắc về đường học vấn, nhưng nữ công lại không thể bằng Vinh Tứ, vậy cũng có thể coi là mỗi người một sở trường.

Ngày hôm sau, người tỷ tỷ Vinh Cẩn, giờ là phu nhân thế tử được gả vào phủ Tĩnh An Hầu, dẫn hai con về thăm phủ. Lão thái thái đặc biệt cho phép ba vị tiểu thư trong phủ không phải đi học hôm đó.

"A Uyển, đến đây tỷ ngắm cái nào!" Vinh Cẩn nhìn thấy Vinh Ngũ thì thân thiết kéo tay, ngắm nghía từ đầu đến chân. "Trông nhanh nhẹn, xinh đẹp hơn lần trước tỷ về phủ, hôm qua, lão thái thái ở Hầu phủ còn hỏi thăm về muội đó." Vinh Ngũ và Vinh Cẩn là tỷ muội ruột thịt nên có phần tình cảm hơn người khác.

Vinh Tứ nhìn thấy Vinh Cẩn, nở nụ cười ngọt ngào gọi "đại tỷ tỷ". Vinh Cẩn lạnh nhạt đáp lại một tiếng, rồi tiếp tục kéo tay Vinh Ngũ hỏi han, nói chuyện.

Về phần A Vụ, Vinh Cẩn chỉ liếc nhìn nàng một cái, thầm tiếc cô nhóc có dung mạo xinh đẹp thế kia lại sinh ra ở tam phòng. Hai đứa trẻ con lén nhìn ngắm A Vụ, thì thầm với nhau: "Tỷ ấy xinh đẹp thật đấy!"

A Vụ yên lặng không nói gì, khóe miệng khẽ cong lên mang theo ý cười, cảm giác không cô đơn vì bị người khác coi nhẹ, cũng không đố kị khi thấy người khác thân thiết với nhau.

Với dáng vẻ đó, cho dù người không muốn chú ý đến nàng nhất cũng không kìm được nhìn ngắm nàng. Nàng thướt tha đứng đó, khiến người ta muốn nảy ý thơ: "Lá sen mới nhú như sừng nhọn. Có chú chuồn chuồn đến đậu chơi."(*) Nàng vốn đã có nước da trắng nõn nà như ngọc, lại mang gương mặt ngây thơ nên trông càng đáng yêu. 

* Trích trong bài thơ Tiểu trì (Ao nhỏ) của nhà thơ Dương Vạn Lý, Trung Quốc.

"Tuyền nhãn vô thanh tích tế lưu,

Thụ âm chiếu thuỷ ái tình nhu.

Tiểu hà tài lộ tiêm tiêm giác,

Tảo hữu tinh đình lập thượng đầu."

"Nước lạnh dường đang tiếc gợn trôi

Hàng cây êm tạnh bóng im soi

Lá sen mới nhú như sừng nhọn

Có chú chuồn chuồn đến đậu chơi"

(Dịch thơ Vũ Minh Tân)

Vinh Cẩn vốn không thích, nhưng cũng không thể căm ghét A Vụ.

"Mùng Mười là sinh thần của lão thái thái ở Hầu phủ, mẹ đưa A Uyển đến sớm nhé!" Nói xong Vinh Cẩn ngoảnh sang nói với nhị phu nhân: "Nhị thẩm cũng đến sớm nhé." Sau đó hơi nghiêng đầu sang Thôi Thị, nói: "Đến sớm nhé!"

Dù thái độ của Vinh Cẩn thế nào, A Vụ cũng thấy rất vui, vì cuối cùng nàng cũng có thể bước ra khỏi phủ An Quốc Công, vì không chừng có thể gặp lại được người quen và bạn thân ở kiếp trước.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top