Chương 1: Tâm tư của nữ nhi thường khác biệt (4)

Một lúc sau, Vinh Giới mười ba tuổi cùng Vinh Ngân mười tuổi học xong, đến chỗ Thôi Thị vấn an làm cả căn phòng trở nên náo nhiệt.

Mặc dù đồ đạc của Tam phòng khá sơ sài, xấu xí nhưng ba người con của họ, hai trai một gái lại vô cùng xinh xắn, đáng yêu. Vinh Giới là người tính tình phóng khoáng, chân thành, Vinh Ngân thì ngây thơ, hồn nhiên, vừa nhìn đã có cảm tình.

"Muội trông khá hơn rồi đấy, ta và ngũ ca vừa bảo nhau đến thỉnh an mẫu thân xong là sẽ đi thăm muội." Người nói câu này là Vinh Ngân, thất ca của A Vụ. Cậu giơ cái ống đựng bút bằng trúc khắc hình ông Thọ từ sau lưng ra. "Ta nhìn thấy thứ này sau khi tan học nên mua đấy, muội có thích không?"

Hộp bút thủ công trông thô sơ, xấu xí, trúc thì non, chỉ có hình ông Thọ là ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đồ chơi này làm sao mà lọt vào mắt của A Vụ được, nhưng vì nhìn thấy vẻ mặt chờ đợi của Vinh Ngân, trong lòng nàng thoáng xúc động nên mới cầm lấy. "Trông ông Thọ này đáng yêu quá!"

Vinh Giới nghe thấy thế thì bật cười, biết thế là A Vụ không thích rồi.

Vinh Ngân gãi đầu mỉm cười. "Ở đấy chẳng có gì hay, hôm nào ta sẽ chọn cho muội cái khác đẹp hơn."

Đúng lúc này, Tư Họa mang hộp cơm về, Thôi Thị mỉm cười nhìn ba huynh muội dùng cơm, sau khi sắp xếp thật chu đáo cho các con, bà lại thu xếp lên thượng phòng hầu hạ lão thái thái.

"Mẹ dùng cơm cùng chúng con rồi hãy đi, nếu đi hầu hạ lão thái thái luôn thì không biết bao giờ mẹ mới được dùng bữa." A Vụ quan tâm nói.

A Vụ vừa nói xong, Thôi Thị cùng Vinh Ngân, Vinh Giới liền kinh ngạc nhìn nàng. Lúc này, A Vụ mới vỡ lẽ mình lắm lời và nói sai cái gì đó rồi. Đợi Thôi Thị đi khỏi, A Vụ mượn cớ mình còn nhỏ nói bóng gió vài câu với hai ca ca, sau đó mới biết, An Quốc Công lão thái thái không lương thiện, hiền từ như lúc tiếp khách, mà ở nơi riêng tư, bà luôn đối xử với mấy nàng dâu vô cùng hà khắc. Bà chưa dùng cơm thì đố cô con dâu nào dám dùng cơm trước!

Dùng xong bữa, Vinh Giới, Vinh Ngân về phòng làm bài tập. A Vụ thấy một mình buồn chán nên đi theo họ. Nàng cũng không muốn làm phiền Vinh Giới, Vinh Ngân nên tự lấy bút mực giấy nghiên ra luyện chữ.

Nói về việc viết chữ, đây lại là điều đáng tiếc vô cùng lớn của A Vụ. Kiếp trước, vì cơ thể suy nhược, tay yếu, nên tâm tư dư thừa mà lực không đủ, nét chữ thiếu cốt cách, cái hồn cần có. Đối với một người luôn theo đuổi sự hoàn mĩ như A Vụ thì đó là thất bại lớn nhất trong cuộc đời, muốn trở thành tài nữ bậc nhất kinh thành mà một chữ cùng không viết ra hồn thì quả là đáng tiếc.

Hồi lâu, Vinh Giới thấy A Vụ vùi đầu chăm chú luyện chữ thì rất tò mò. Vinh Giới biết rất rõ vị muội muội chẳng có chút thiên phú nào về đọc sách luyện chữ, hằng ngày luyện chữ cũng là để đối phó mà thôi. Hôm nay trời đẹp hay sao mà muội ấy lại có thể yên tĩnh tập trung đến thế nhỉ!

Vinh Giới đứng bên cạnh thầm quan sát A Vụ tô chữ, thấy nàng đã tô được cả một trang chữ Ngu Thế Nam [1], một trang chữ Âu Dương Tuân [2], lại một trang chữ Nhan Chân Khanh [3], bây giờ đang tô chữ Liễu Công Quyền [4].

[1] Ngu Thế Nam (558 - 638) tên chữ Bá Thi, là nhân vật chính trị, nhà văn học gia, thi nhân, nhà thư pháp đời Đường. Ông là người Dư Diêu, Việt Châu (nay là tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).

[2] Âu Dương Tuân (557 - 641) người Hán, tên tự là Tín Bản, sinh ra ở Hàng Châu. Ông là một trong bốn nhà Khải thư. Thời Tùy, ông đỗ tiến sĩ, làm quan Thái Thường. Đến đời Đường, được phong làm thái sư Suất Canh Lệnh, cho nên còn được gọi là "Âu Dương Suất Canh". Ông còn được mệnh danh là Khải thư số một đời Đường, chữ của ông được nhiều người bình luận.

[3] Nhan Chân Khanh (709 - 785) là chính trị gia thời Đường, tên tự Thanh Thần, người Vạn Niên, Kinh Thiệu (nay là Tây An, Thiểm Tây). Ông còn là nhà thư pháp nổi tiếng chuyên viết chữ Khải.

[4] Liễu Công Quyền (778 - 865). Ông là nhà thư pháp lớn thời Đường. Ông được phong hàm Hà Đông quận công, nên về sau còn được gọi là Liễu Hà Đông. Ông là người kế tục Nhan Chân Khanh, hậu thế gọi là "Nhan Liễu", trở thành bản mẫu thư pháp qua nhiều thế hệ.

Vinh Giới khẽ lắc đầu. "Người ta bảo ăn nhiều thì nuốt không trôi, sao muội không luyện tô một người để lấy sự tinh túy?"

A Vụ tô nét cuối cùng rồi mới dừng bút rửa mực, sau đó lấy khăn tay lau mồ hôi trên trán, nhìn đã thấy dụng tâm như thế nào. A Vụ ngoảnh đầu lại, mỉm cười nói với Vinh Giới: "Các danh gia thời cổ đại như họ Hi, Hiến, Âu, Ngu, Nhan, Liễu, mỗi nét bút chính là một bức họa, nét chữ đều có sự khác biệt, cốt cách cũng hoàn toàn không giống nhau. Có thể thấy, những người xuất chúng trong môn thư pháp này đều phải có tinh thần và cốt cách đặc biệt, mới được ca tụng là bậc thầy thư pháp. Đỗ Phủ từng nói, thay đổi nhiều thầy có ích chính là để hiểu thầy, muội chỉ muốn tập hợp cái hay của các danh gia lại để học hỏi mà thôi." A Vụ nói nửa đùa nửa thật.

"Ồ, khẩu khí lớn lắm, xem ra nhà chúng ta sắp xuất hiện Vệ phu nhân thứ hai rồi!" Vinh Giới không tin lời muội muội nói.

Luyện chữ không phải ngày một ngày hai là có thể thành công, A Vụ không muốn tranh luận với ca ca của mình, chỉ cần vài năm nữa nhìn lại chữ của nàng, lúc đó ca ca sẽ phải kinh ngạc thán phúc thôi.

"Có thể tô chữ của tứ gia Âu, Ngu, Nhan, Liễu sao?" Vinh Ngân học xong bài cũng bước đến hỏi.

"Theo muội thấy, tứ gia này thần diệu hơn cả bốn nhà thơ họ Lý, Đỗ, Hàn, Tô trong làng thi ca và bốn loài hoa may mắn là mai, lan, cúc, trúc."

"Ngũ ca, huynh nghe khẩu khí của muội ấy kìa, mới tí tuổi đã dám nói xấu người ta." Vinh Ngân có vẻ không phục, nói tiếp: "Ta chỉ thích nhà thơ Hoàng Sơn Cốc thôi." Vinh Ngân ngây thơ bướng bỉnh, nhưng lại rất thích tỏ ra mình là một đại nhân.

" Mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau mà." Vinh Giới là huynh cả nên tự biết dung hòa hai người. "Chỉ cần biết lần này lục muội đã tiến bộ rất nhiều."

A Vụ nghe hai ca ca nói xong thì biết hỏng bét rồi, cũng tại cái tính thích phô trương nàng. Tuy nhiên, hai ca ca của nàng lại không có ý gì khác, chỉ cảm thấy A Vụ bỗng hiểu biết hơn, chứ không có suy nghĩ sâu xa gì.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top