CHƯƠNG 4
Nhà xe của trường học vào ban đêm tối thui, mọi người chỉ có thể nương theo ánh đèn đường từ bên ngoài hắt vào để tìm chiếc xe đạp. Đám con trai nhao nhao lấy xe chạy về để kịp ăn cơm, trong phút chốc chỉ còn lại mình tôi. Tôi không vội, thong thả mở khóa cổ, thong thả dắt xe, nhìn xuống thì nhận ra lốp sau đã xẹp lép.
Ai đi xe đạp thì cũng gặp phải chuyện này, tôi thở dài chán chường. Giờ này tiệm vá xe đạp ngoài cổng trường cũng đóng cửa rồi, tiệm tiếp theo thì không biết cách đây bao xa nữa. Tôi nhìn quanh xem có còn sót lại đứa bạn nào chưa về không thì thấy có một chiếc xe nằm tít ở trong góc khuất, nếu không để ý kỹ thì rất dễ bỏ qua.
Đó là một chiếc xe đạp thể thao của thương hiệu có tiếng, hẳn là sẽ không rẻ. Người giàu nhất trong đám chơi bóng rổ là Quân, tôi hình như cũng chưa thấy cậu ta từ nãy đến giờ.
Tôi bấm số của Quân, điện thoại được bắt rất nhanh.
"A lô, chuyện gì đấy?"
"Tui thấy xe cậu ở dưới nhà xe, chưa về à?"
Đầu bên kia ngừng mấy giây, sau đó nói:
"Tui đi vệ sinh. Sao cậu cũng chưa về?"
Tôi nói bằng giọng ngán ngẩm:
"Xe thủng lốp. Tiệm sửa xe trước cổng chắc cùng đóng cửa rồi, cậu biết tiệm nào khác không?"
"Tui chỉ biết có một tiệm gần nhà tui thôi, cách đây cũng mấy cây số... Gọi nhà cậu đến đón được không?"
"Ờm... không được đâu, họ bận cả rồi."
Nhà hai đứa ở ngược hướng nhau, dắt xe tới tiệm gần nhà cậu ta vá chi bằng đi dọc đường về nhà tôi, biết đâu còn gặp tiệm gần hơn. Tôi chuẩn bị chấp nhận số mệnh phải đi bộ nhiều cây số liền thì Quân nói:
"Đứng đấy chờ chút tui chạy ra."
Lát sau cậu ta chạy tới, quẳng cho tôi một chiếc chìa khóa cổ xe đạp. Tôi ngạc nhiên:
"Gì đây?"
Quân hất đầu:
"Lấy xe tui về đi, mai lại chạy lên. Sáng mai tiệm chú Hùng mở thì đem xe ra sửa."
Tôi thắc mắc:
"Thế cậu về bằng cái gì?"
Nãy cậu ta có nói nhà mình cũng không ở gần đây, chả lẽ lại hảo tâm đến mức đưa xe cho tôi rồi tự mình đi bộ về? Nhà cậu ta lại còn ở hướng lên núi, đường xá hẻo lánh hơn đường Quốc lộ hướng về nhà tôi nhiều. Quân đáp:
"Người nhà tui tới đón."
Tôi lắc lắc cái chìa khóa, cười trêu chọc:
"Không sợ tui đem bán à?"
Cậu ta dửng dưng:
"Thì mua lại cái khác."
"..."
Được rồi, nhà cậu nhiều tiền, cậu lợi hại.
"Vậy tui đợi chung với cậu, người nhà cậu đón xong tui về." Tôi chưa vô lương tâm tới mức để mặc người vừa giúp mình bơ vơ đứng chờ trước cổng trường.
Quân lộ vẻ hơi khó xử:
"Không cần, cậu về sớm ăn tối đi, tui chỉ cần đợi chút xíu thôi."
Thấy cậu ta nói vậy tôi cũng không dây dưa nữa, lấy xe cậu ta chạy ra cổng. Lúc đi ngang qua phòng bảo vệ tôi còn cẩn thận dặn bác bảo vệ lâu năm của trường là đừng vội khóa cổng, còn người bên trong, đột nhiên cảm thấy sau khi trẻ lại bản thân đột nhiên tử tế hơn rất nhiều.
Ngày hôm sau, vì còn phải dắt xe ra tiệm để sửa nên tôi rời nhà từ rất sớm, lúc đến cổng trường chỉ thấy lác đác vài học sinh. Ông bác bảo vệ vừa thấy tôi đã mắng:
"Thằng kia hôm qua nói bậy cái gì, trường còn ai đâu mà mày bảo bác chờ. Làm tau chờ đến gần chín giờ mới được về đấy."
Tôi ngơ ngác:
"Còn bạn cháu mà, hay là nó đi qua lúc bác không thấy?"
"Tau ngồi ngay đây cả tiếng đồng hồ, gián chạy qua tau còn thấy huống chi là người!"
Tôi định cãi lại là rõ ràng còn người, nhưng kinh nghiệm nhiều năm đi làm đã rèn cho tôi cái đức tính lười đôi co với người khác, hơn nữa trông bác bảo vệ có vẻ là không nói dối.
Vậy thằng Quân đi đâu rồi, nó trèo rào để về sao?
Tôi vội cười làm hòa với bác bảo vệ, lúc đưa xe đi sửa về còn mua cho ổng một ly cà phê đá tạ lỗi, thế là không bị mắng nữa còn được khen là biết điều.
Tôi mang một bụng tò mò leo ba tầng cầu thang đi đến lớp học. Lớp tôi là một trong những phòng áp dụng cải cách giáo dục mới, được trang bị thêm vài thiết bị điện tử như tivi hay máy đọc đĩa CD để luyện nghe tiếng Anh nên phòng học cũng được khóa kỹ để phòng trộm cắp. Thường thì bảo vệ và giáo viên chủ nhiệm giữ một chìa, còn ba chìa còn lại được giao cho cán bộ lớp. Như vậy cán bộ lớp sẽ phải đi sớm một chút để mở cửa cho những người còn lại. Trong trí nhớ của tôi, Quân cũng giữ một chìa, cậu ta cũng là người thường xuyên đi sớm nhất, vậy nên hẳn là giờ này đã có mặt ở lớp rồi.
Thực ra điều này khá là trái ngược với tính cách của Quân. Cậu ta không phải kiểu nổi loạn, nhưng cũng không giống học sinh gương mẫu. Lúc cậu ta xung phong làm lớp phó lao động, ai cũng ngạc nhiên tròn cả mắt. Và ngoài việc đó ra, Quân chưa bao giờ tỏ ra hứng thú với mấy hoạt động đoàn đội gì của lớp cả.
Khi tôi bước vào lớp, ngoài mấy người đến phiên trực nhật thì Quân đã có mặt ở đó rồi. Tôi đưa chìa khóa xe cho cậu ta rồi nói cảm ơn, sau đó không hỏi thẳng mà thử thăm dò:
"Tối qua mấy giờ mới về thế?"
Quân nói với vẻ thản nhiên:
"Sau cậu một chút thôi."
"Người nhà cậu đón tận cổng chứ hả?"
"Ừ, anh họ tới đón."
Nói láo, tôi thầm nghĩ, nếu đón ngay cổng thì không thể nào bác bảo vệ không thấy được. Chẳng lẽ cậu ta có ẩn thân chi thuật à? Nhưng sao lại phải nói dối, nếu không đi bằng đường cổng chính thì cậu ta đi đường nào, sao phải lén lút như thế?
Nội tâm tôi đột nhiên có một cảm giác đấu tranh khá kỳ lạ, tôi vừa tò mò lại vừa phải cố giằng cái sự tò mò đó xuống. Cuộc sống cơm áo gạo tiền sau năm hai mươi tuổi đã tập cho tôi cái tính an phận, không chĩa mũi vào chuyện của người khác thì mới không gặp rắc rối. Nhưng một phần nào đó trong con người tôi vẫn khát khao sự kích thích khám phá những câu hỏi bí ẩn.
Dù không còn thân thiết nhưng tôi cũng đã làm bạn với Quân được gần mười lăm năm rồi, và cậu ta chưa bao giờ để lại cho tôi ấn tượng là một kẻ nói dối. Là tại cậu ta nói dối quá tốt, hay là tại tôi quá dễ lừa? Điều này khơi dậy lòng tò mò của tôi, phải chăng tôi đã bỏ lỡ điều gì ở cậu ta trong suốt ngần ấy năm qua?
Quân có vẻ không muốn trò chuyện sâu hơn về vấn đề này, vì vậy tôi không vặn hỏi nữa. Cậu ta chuyển đề tài:
"Đưa xe đi sửa chưa?"
"Rồi."
"Chiều đánh bóng nữa không?"
"Để hỏi mấy đứa kia xem."
Chúng tôi nói mấy câu vu vơ, sau đó còn dò đáp án bài tập với nhau. Kiến thức thì tôi đã quên gần hết, nhưng đầu óc thì vẫn còn xài được nên làm sai không quá nhiều. Quân thì không phải nói, cậu ta luôn ở trong nhóm đứng đầu lớp, sau này thi đỗ vào trường Bách Khoa mà tôi ước ao, khi đi làm thì liền thăng tiến rất nhanh trong một công ty công nghệ đa quốc gia.
Giờ nghĩ lại, hình như thằng bạn này của tôi có hơi hoàn hảo quá. Cao ráo đẹp trai như thế, học lại giỏi, nhà còn giàu, chơi thể thao cũng tốt. Người như thế này hẳn phải trở thành hot boy của trường mới đúng.
Mà hình như cậu ta vốn là hot boy của trường thật.
Con gái lớp tôi thích cậu ta chắc đếm đủ một bàn tay, hình như năm lớp 12 cậu ta còn tham gia cái cuộc thi "Miss and Mister" gì đó của trường rồi được ủng hộ nhiệt liệt. Nhưng vì tính cậu ta nếu không thân thiết thì sẽ thấy hơi lạnh nhạt, thậm chí nhiều lúc còn trông hơi cao ngạo, nên mấy bạn gái cũng chỉ có thể ngắm nhìn từ xa.
Trong mười mấy năm sau này, dù trong mối quan hệ của tôi và cậu ta thì Quân thường là người chủ động liên lạc trước, nhưng thái độ lại rất chi là khách sáo xa lạ, nên tôi cũng chẳng rõ rốt cuộc cậu ta có thật sự nhiệt tình hay không nữa.
Giờ ra chơi, đám con trai hẹn nhau đến chiều tối sẽ chơi bóng rổ. Tôi lười không muốn về nhà liền hẹn Quân chiều đến thư viện học, cậu ta đồng ý không chút do dự. Buổi trưa. trước tiên tôi đi lấy chiếc xe đạp đã được vá của mình, sau đó cùng Quân xuống căn tin giải quyết qua loa bằng hai ổ bánh mì.
Thư viện trường Ngọc Hà không lớn, nhưng là bởi vì cũng không có nhiều học sinh đam mê với việc đến thư viện học cho lắm. Quân kéo tôi vào một góc khuất, chỉ chỉ ổ cắm điện gần đó:
"Ngồi đây đi, tui muốn sạc điện thoại."
Nói rồi rút dây sạc từ trong ba lô ra, vừa sạc vừa chơi game. Tôi không có vấn đề gì với việc cậu ta ngồi chơi Subway Surfers ở thư viện, nhưng sao cậu ta có vẻ hơi... tự nhiên như ở nhà thế nhỉ? Giống như đã từng tới nơi này ngồi chơi game rất nhiều lần rồi ấy. Tôi cũng để ý thấy ba lô của cậu ta có nhiều sách vở hơn bình thường rất nhiều, có cả những môn mà hôm nay không có tiết.
Tôi há mồm định hỏi, sau đó lại nhịn xuống. Người trưởng thành không hỏi thẳng thừng như thế, người trưởng thành sẽ đi stalk để tìm ra sự thật!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top