Tu nu den hoa P1
Lời mở đầu
Cách đây ít lâu tôi có đến thuyết giảng tại một trường đại học. Thuyết trình viên trước tôi nói khoảng một
tiếng rưỡi đồng hồ, quá giờ quy định. Khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa hai buổi diễn thuyết của chúng tôi bị
thu hẹp lại, và tôi bị gọi lên bục giảng ngay sau đó. Ðể tỏ sự quan tâm đến những thính giả, tôi mở đầu
bằng câu hỏi: "Quý vị đã có thì giờ đi tiểu hết chưa?"
Cử tọa rõ ràng là bị bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Lại càng ngạc nhiên hơn nữa, khi họ thấy người đang
đứng trước mặt họ, nói về chuyện tiểu tiện, lại là một vị sư. Mọi người cười ầm lên.
Bắt đầu như vậy rồi, tôi lại tiếp tục lái vào tiêu điểm. "Tiểu tiện không phải là một việc người khác làm dùm
bạn được. Chỉ có mình mới tiểu cho chính mình được thôi." Câu này thật sự đã phá vỡ khoảng cách, và họ
cười còn tận tình hơn nữa.
Nhưng thực sự ta phải thấy rằng, "chỉ có mình mới đi tiểu cho chính mình được thôi, không ai khác có thể
làm thế được", là một nhận định hoàn toàn nghiêm túc.
Thời xa xưa bên Tầu, có một vị tăng nhập chúng tu nhiều năm trong thiền viện của thiền sư Ðại Huệ,
nhưng mặc dù đã hết sức tinh tấn, ông vẫn không giác ngộ được. Một hôm thầy ra lệnh cho ông đem một
lá thư đến một nơi xa xôi thuộc vùng Trường Sa. Chuyến đi này, vừa đi vừa về, có thể mất đến nửa năm
như chơi. Vị tăng nghĩ: "Tôi làm gì có thì giờ ở thiền viện này tu tập mãi mãi được! Ai mà rảnh rỗi đi làm
một công việc như thế này!" Tăng bèn hỏi ý kiến của sư huynh về vấn đề này.
Sư huynh bật cười khi nghe vị tăng nói đến vấn đề nan giải này. "Dù có đang đi du hành đệ cũng vẫn thiền
được cơ mà! Thôi được rồi, ta sẽ đi cùng với đệ.", ông đề nghị như vậy, và thế là hai người bắt đầu ra đi
trong cuộc hành trình.
Một hôm, khi họ đang đi trên đường, sư đệ bỗng bật lên khóc. "Em đã tu bao nhiêu năm nay rồi, mà tới giờ
vẫn chưa thấy đạt được gì cả. Rồi bây giờ, lang thang đi khắp nơi như thế này, làm sao mà em giác ngộ
được chứ," ông than thở.
Nghe vậy, sư huynh vận dụng hết sức lực để nói một cách thật mạnh bạo phũ phàng như tát nước: "Ta sẽ
làm tất cả những gì có thể làm được cho đệ trong chuyến đi này," "Nhưng có năm điều mà ta không thể
làm được thế cho đệ. Ðó là:
Ta không thể mặc quần áo thế cho đệ được. Ta không thể ăn thế cho đệ được. Ta không thể đại tiện cho
đệ được. Ta không thể tiểu tiện cho đệ được. Và ta không thể vác đệ lên vai mà sống cuộc đời của đệ thế
cho đệ được."
Khi nghe những câu nói này, vị sư đệ bỗng bừng tỉnh ra khỏi cơn mê và được đại ngộ.
Tôi hi vọng rằng, khi đọc những lời này, bạn sẽ nhận ra rằng những gì tôi nói ở đây không phải chỉ là về tôi
hay về những điều xẩy ra ở đâu đâu. Không phải như thế, những điều tôi nói đây chính là những vấn đề
khẩn thiết của các bạn .
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 5 of 52
Phần một: SA DI
Viễn tượng cái chết
Nếu tôi có thể tóm tắt lại bốn mươi năm cuộc đời của tôi, kể từ khi bắt đầu xuất gia, tôi phải nói rằng đó là
một sự tiếp diễn không ngừng những cái ngu dại. Khi nói về sự ngu dại của mình, tôi không có ý nói đến
một cái gì sẵn có từ cha sanh mẹ đẻ, mà phần lớn về những ấn tượng hư dối mà tôi đã huân tập, hết lớp
này qua lớp khác, trong trí tưởng tượng của tôi.
Bất cứ lúc nào đi du hành qua ngoại quốc để thuyết giảng, bao giờ tôi cũng được yêu cầu phải nhắm vào
một vấn đề chủ yếu: Ngộ (satori trong tiếng Nhật) là gì, thế nào là giác ngộ? Cái gọi là Ngộ này, tuy thế, là
một trạng thái mà người ta chỉ có thể hiểu được qua chứng nghiệm. Nó không thể được đem ra giải thích
hay nắm bắt chỉ bằng ngôn ngữ thuần túy.
Tỷ dụ, có một câu ngạn ngữ rằng, "Khi nào có con mới biết được lòng của cha mẹ." Dù bậc cha mẹ có cố
gắng diễn đạt tâm tư của cha mẹ đối với con đến thế nào, đứa con ấy cũng không thể nào hiểu được hoàn
toàn. Chỉ khi chính đứa con ấy trở thành cha mẹ, nó mới hiểu được đầy đủ tấm lòng của mẹ cha. Sự thông
hiểu ấy có thể ví như giác ngộ vậy, tuy rằng giác ngộ là một cái gì sâu xa hơn nhiều.
Bởi vì không có ngôn ngữ nào có thể diễn đạt được kinh nghiệm giác ngộ, ở đậy tôi sẽ chỉ bàn tới những
điều cốt yếu cho sự giác ngộ, những điều cốt yếu của sự tu tập Thiền.
Tu tập Thiền không phải là vấn đề nhớ nằm lòng những lời lẽ kỳ diệu trong kinh sách hay ngữ lục của các
vị tổ thời xưa. Thực sự ra, những lời lẽ này được xử dụng như một phương tiện để phá vỡ những ấn
tượng sai lầm trong trí tưởng tượng của con người. Mục đích của sự tu tập không phải để làm tăng thêm
kiến thức, mà để cạo bỏ những lớp vẩy che lấp mắt, để vứt ra ngoài những mũ chụp che tai.
Qua sự tu tập, người ta có thể thấy được sự thực. Và tuy nói rằng không có một thứ thuốc nào có thể chữa
được chứng bệnh khờ dại, điều làm cho người ta nhận ra được rằng "tôi đúng là một kẻ khờ dại" thực ra
lại chính là phương thuốc ấy.
Cũng có câu nói rằng "thuốc đắng giã tật", và buồn thay, thứ thuốc làm cho người ta nhận ra được sự ngu
dại của mình chắc chắn là rất cay đắng. Nhận thức ra được cái ngu của mình thường hay đi kèm với
những thử thách và rồi phải trả giá, bằng những trắc trở và buồn rầu. Tôi đã trải qua một nửa đời người bị
vật vã với những hậu quả cay đắng của phương thuốc này.
Tôi sinh ra ở thành phố Uozu, thuộc quận Toyama. Trong lúc Thế Chiến Thứ Hai đang sôi sục, tôi đang
học chuyên ngành văn chương, dưới chế độ giáo dục cũ của Nhật, tại trường trung học Toyama. Các học
sinh trung học, theo luật, được chính thức hoãn dịch cho đến khi tốt nghiệp xong đại học. Nhưng khi chiến
tranh leo thang, có lệnh ban xuống rằng những học sinh nào học về văn chương sẽ phải đi ra chiến
trường. Người ta thường giả dụ rằng những sinh viên khoa học sẽ tiếp tục những môn học về y khoa hay
khoa học và như vậy sẽ cung cấp được những nhiệm vụ hậu cần trong chiến tranh, trong khi những sinh
viên văn khoa thì chỉ đọc sách, đấu khẩu, và thường hay kích động tinh thần quốc gia.
Dù sao, những học sinh văn khoa, bị đối đãi như không phải là những học sinh, đã phải qua kỳ khám sức
khỏe để nhập ngũ vào lứa tuổi hai mươi và rồi bị đẩy vào quân đội, không có ngoại lệ. Ðã vậy, tuổi quân
dịch lại bị hạ thêm một tuổi nữa, và dường như vì nhu cầu nóng bỏng, tôi với tuổi mười chín đã bị lôi vào
quân đội một cách phũ phàng.
Chúng ta ai cũng biết rằng sớm hay muộn gì, mình sẽ chết. Cái chết có thể đến ngay ngày mai, hay có thể
đến hai mươi năm, ba mươi năm nữa. Chỉ vì không biết cái chết sẽ chờ đợi ta lúc nào trên con đường dài
sắp tới, ta mới có được một chút an bình nơi tâm, mới có thể tiếp tục đời sống bình thường. Nhưng với
tôi, sau khi đã qua kỳ khám sức khỏe và chờ đợi lệnh nhập ngũ đến bất cứ lúc nào, cái chết bỗng nhiên
hiện ra thật bất ngờ trước mắt. Tôi có cảm tưởng như mình đang di động qua một khoảng trống không,
ngày này qua ngày khác. Thức hay ngủ, tôi đều vẽ ra trong trí óc những cách chết khác nhau sẽ đến với tôi
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 6 of 52
trong chiến trường. Nhưng dù đang ở trong một cơn lốc mù mịt của những ý tưởng về cái chết, tôi vẫn
không có thì giờ để tìm hiểu vấn đề một cách triết lý hay tìm những phương tiện tu tập tôn giáo nào.
Những người đi vào quân đội thời ấy cắm đầu nhào đến phía trước, hăng say tin tưởng rằng đây là một
cuộc chiến công bằng, một cuộc chiến thật quan trọng để họ có thể hi sinh mạng sống không một chút
luyến tiếc. Từ trong tinh thần ấy, chúng tôi được trang bị với một biện giải tạm bợ cho viễn ảnh cái chết
trước mắt của mình hay ít nhất đó cũng là trường hợp của tôi.
Giữa những con người, có những kẻ chuyên bóc lột và những kẻ chuyên bị bóc lột. Ðiều đó cũng áp dụng
cho sự liên hệ giữa các quốc gia và các chủng tộc. Trong suốt lịch sử, những quốc gia phát triển về kinh tế
đã thống trị những nước kém phát triển hơn. Cuối cùng thì bây giờ, Nhật Bản đã vươn lên được và thoát ra
khỏi những xiềng xích của sự bóc lột đó! Vì thế, đây là một cuộc chiến tranh chánh đáng, một cuộc chiến
có ý nghĩa! Làm sao chúng tôi có thể tiếc rẻ cái mạng sống nhỏ nhoi của mình cho quốc gia, dù cho mạng
sống đó có bị nghiền ra thành từng mảnh đi nữa? Kiểu lý luận hồ đồ này đã cho phép chúng tôi đóng chặt
lại tâm trí của mình.
Và thế là những học sinh chúng tôi đi lên phi cơ, vũ trang chỉ với một cái chết chắc chắn và nhiên liệu cho
một chuyến đi không về, để một vài quyển sách triết lý đắc ý nhất hay một cuốn kinh Tịnh Ðộ bên cạnh tay
lái, những quyển sách chắc chắn sẽ không được đọc tới. Có nhiều người đã lao vào tầu chiến của địch,
cũng có nhiều người đã ngã xuống trong ngọn sóng biển cao ngất hay máy bay bị bắn rơi trước khi thi
hành được nhiệm vụ.
Thế rồi, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Cuộc chiến tranh mà tất cả chúng tôi
đã tưởng như là công chính, cuộc chiến mà chúng tôi sẵn sàng vui vẻ hi sinh mạng sống của mình, bỗng
phút chốc, chỉ trong một đêm, trở thành một cuộc chiến xâm lược, một cuộc chiến ác độc và những kẻ chịu
trách nhiệm cho cuộc chiến đó phải bị xử tử.
Không có gì chắc chắn
Dù gì đi nữa, tôi cũng đã trở về sống sót từ quân ngũ. Qua làn sóng ngắn phát thanh của cái radio, một thứ
cực kỳ hiếm hoi vào thời bấy giờ, tôi lắng nghe số phận của những vị lãnh đạo Ðức Quốc Xã đã đầu hàng
chỉ trước Nhật có một bước. Khi nghe câu phán quyết được đọc to lên của tòa án Quốc tế Nuremberg
rằng, "Xử tử bằng cách treo cổ", chỉ một chữ -- treo cổ -- đã đập mạnh vào tai tôi khiến tôi vẫn còn nghe
được âm hưởng của nó. Và rồi (có lẽ qua chính sách của Quân đội Mỹ đang chiếm đóng?) một cuốn phim
tài liệu được chiếu lên. Tôi xem cuốn phim này ở một nơi hiện thời là một cửa hàng bách hóa, trên lầu năm
của một tòa nhà đổ nát đã tránh được không bị tiêu hủy trong khu phố chính đầy vết tích chiến tranh tàn
phá của Toyama.
Có một cảnh, một vị tướng lãnh người Ðức bị lôi lên đoạn đầu đài và rồi bị treo cổ trước một đám đông tụ
tập tại quảng trường. Trong một cảnh khác, vị lãnh đạo Ý Mussolini bị đám đông đập chết và rồi treo
ngược lên trên hàng rào giây thép gai cạnh xác người yêu của ông. Cuốn phim tiếp tục với cảnh những
xác người bị kéo lê trên đường phố trong khi đám đông kêu gào chửi rủa và ném đá lên họ.
Trong những bộ đồng phục quân đội bị phế bỏ , tôi và những bạn học lần lượt trở về trường. Chúng tôi trở
về, những thanh niên đã mất hết niềm tin và đầy khắc khoải với câu hỏi về thế nào là trái và phải. Tuy rằng
trên nguyên tắc lớp học đã bắt đầu lại, nhưng thực tế không ai học hành gì cả. Nếu có một vị giáo sư nào
bước vào lớp, sách vở trong tay, ông ta sẽ được yêu cầu ngồi vào một bên trong khi những thành viên của
quân đội trở về thay nhau lên nói trên diễn đàn.
"Dù may mắn hay không, chúng ta cũng đã trở về nhà, và chúng ta đã đi học lại được. Nhưng điều chúng
ta nghĩ là "phải" chỉ trong phút chốc đã biến thành "trái". Chúng ta có thể còn sống bốn mươi, năm mươi
năm nữa, nhưng có thể nào chúng ta còn tin tưởng được điều gì nữa không...thế nào là một điều "phải",
một điều "trái" mà không bị thay đổi, biến hóa đi? Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này, dù có
học nhiều đến đâu cũng sẽ không giúp chúng ta tin tưởng vào cái gì được nữa. Sao, các bạn nghĩ thế
nào?"
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 7 of 52
Cứ như thế, ngày này qua ngày khác.
Trong những ngày đó, chúng tôi có một vị giáo sư triết lý tên là Tasuku Hara, sau này trở thành giáo sư
khoa triết của trường Ðại Học Tokyo. Oâng là một giáo sư thật xuất sắc, và tôi thường luyến tiếc cho ông
đã chết thật trẻ. Một ngày nọ, vị giáo sư Hara này, mà chúng tôi thường coi như một người anh, đã đứng
lên và nhất định yêu cầu cho ông được lên tiếng.
Khi lên diễn đàn, ông nói với chúng tôi, "Kant, một triết gia người Ðức mà tôi đã nghiên cứu, có nói rằng:
Những con người chúng ta có thể suy nghĩ cả đời về ý nghĩa của "thiện" và "ác"; nhưng chúng ta sẽ không
bao giờ nghĩ ra được. Ðiều duy nhất mà người ta có thể làm được là dùng một cái thước để đo thiện và ác
mà thôi."
"Hãy nghĩ như thế này," ông tiếp tục, "nếu chúng ta dùng thước đo của người Nhật, cuộc chiến này là một
cuộc thánh chiến, trong khi với tiêu chuẩn của người Mỹ, đó là một cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế công
việc của chúng ta trong đời không phải là dán nhãn lên cái này là thiện, cái kia là ác, nhưng là tìm kiếm một
tiêu chuẩn nào có thể áp dụng được ở bất cứ nơi nào trên thế giới này. Nhưng cái tiêu chuẩn đo lường này
không phải là cái gì có thể bắt gặp được chỉ trong một ngày. Mỗi người trong các anh phải vượt qua thời
gian và không gian để tìm một tiêu chuẩn có ý nghĩa được đối với càng nhiều người càng tốt. Và để làm
được điều này, tôi đề nghị, trước hết là các anh hãy tiếp tục học chương trình trung học của các anh đi."
Sau khi nghe lời khuyên đầy trung thực và thiện chí này, chúng tôi học trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng
vẫn tiếp tục những cuộc thảo luận đầy tính cách lý thuyết. Và, riêng tôi, vẫn còn bị bế tắc trong câu hỏi về
thiện và ác này; vấn đề này đã nằm sâu ở trong tiềm thức của tôi.
Tôi nghĩ, thật ra đây là một vấn đề nan giải của thời cuộc Nhật Bản, không chỉ thường thấy trong giới thanh
niên như chúng tôi, mà còn với những vị trung niên và lão niên. Chúng tôi đã không còn biết được thế nào
là đạo đức bình thường. Tôi tin rằng Nhật Bản đã rơi vào một tình trạng trong đó người ta không còn biết
đem tiêu chuẩn nào để noi theo, kể cả trong việc nuôi dạy con cái.
Không những thế, trong cuộc đời riêng tư của tôi lại có những thay đổi lớn lao. Ðầu tiên là, năm trước khi
chiến tranh chấm dứt, tôi mất cả cha lẫn mẹ cùng một lúc: trong khi mẹ tôi đang hấp hối, cha tôi bị đứt
mạch máu não và mất ngay sáng hôm sau, ngày 24 tháng 8, trong cơn mê man mà không một lần tỉnh
dậy.
Tôi có ba người chị lớn, nhưng tất cả đều đã lập gia đình và ở xa. Họ sống ở Moji, Thượng Hải, và Mãn
Châu. Trong tình trạng di chuyển bất tiện của thời ấy, không một chị nào của tôi có thể về dự đám tang. Tôi
trở thành người duy nhất còn lại trong gia đình, phải lo việc ma chay, và tôi đã hoàn tất mọi việc trong hai
ngày với sự giúp đỡ của họ hàng thân thuộc. Thế rồi, trước khi tôi có thể sắp xếp được gì, lệnh nhập ngũ
tới và tôi phải ra đi vào quân đội.
Trở về nhà sau chiến tranh, tôi phải đương đầu với hai vấn đề một lúc, vấn đề bất động sản và thuế đất.
Gia tộc tôi từ lâu đời vốn là những địa chủ, và số đất ít ỏi mà chúng tôi có hiện giờ đang được cho thuê
mướn lại. Cha tôi luôn luôn dạy tôi là, "Không có gì bền vững hơn là đất. Dù cho có bị hỏa tai, đất cũng
không cháy được. Dù cho có bị lụt lội, đất cũng không trôi mất. Nếu có kẻ trộm vào, nó cũng không đem
đất đi đâu được. Dù con có làm gì khác trong đời, cũng không nên để mất miếng đất này."
Nhưng rồi, sự việc đã xẩy ra là, mặc dù tôi không làm gì cả, mảnh đất của gia đình tôi đã bị tịch thu trong
chương trình cải cách đầy tham lam của chính phủ. Bây giờ, cả đất cũng mất đi, tôi còn gì để tin tưởng vào
nữa? Tất cả những điều tôi cho là chắc chắn trước đây đã trở thành không còn chắc chắn nữa.
Cuộc chiến tranh tôi cho là thánh thiện đã trở thành một cuộc chiến xấu xa. Tôi không nghĩ là cha mẹ tôi sẽ
chết đi đột ngột như vậy, nhưng rồi họ đã ra đi, người nọ theo người kia ngay sau đó. Số tiền bảo hiểm mà
cha tôi đã để riêng ra để phòng hờ cho các con trong trường hợp có điều bất trắc xẩy ra cho ông đã bị
phong tỏa lại, và không một xu nào được đưa cho tôi cả. Và miếng đất vốn dĩ đã làm nền tảng cho gia
đình xưa nay bỗng chốc bị mất đi.
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 8 of 52
Ðồng thời trong lúc đó, vật giá lên cao liên tục. Cái mua với giá một yen ngày hôm nay tăng vọt lên thành
mười yen hôm sau, và trước khi người ta kịp biết, phải cần đến tờ giấy bạc 100 mới mua được! Trong thời
đó, thực tế là không hề có chuyện đi làm bán thời gian đối với các sinh viên học sinh. Do đó, tôi không có
một chút kinh nghiệm gì trong việc đem hai bàn tay trắng ra đi làm nuôi thân. Ngoài vấn đề tiêu chuẩn đạo
đức, còn có câu hỏi nan giải trước mắt là làm sao tôi có tiền để sinh sống được đây.
Nhìn lại những ngày ấy, tôi nhận ra rằng nếu lúc ấy tôi có gia nhập một đám băng đảng nào đó cũng không
phải là điều đáng ngạc nhiên. Và cũng không có gì lạ nếu tôi có nhẩy vào đường rầy xe lửa mà tự tử. Mỗi
buổi sáng tôi thức dậy cảm thấy thật thống khổ, mỗi một ngày qua đi trong sự vô vọng. Ðêm đến tôi thiếp
ngủ đi tinh thần xuống dốc hơn lúc nào hết, để rồi sáng hôm sau thức dậy càng cảm thấy đen tối hơn.
Cái vòng lẩn quẩn ác nghiệt này tiếp tục ngày này qua ngày khác, nhưng rồi tôi vẫn tốt nghiệp được trung
học. Tuy nhiên, vì không có một chút ý định nào muốn ghi tên vào một trường đại học hay học một ngành
gì cả, tôi chỉ vất vưởng qua ngày một cách lười biếng. Rồi, giữa lúc tinh thần đang đau khổ cao độ như
thế, một ngày kia tôi nhận ra rằng: từ xưa tới giờ, tôi chẳng làm gì cả ngoài việc chỉ biết đọc sách, thâu
thập kiến thức và xoay quanh những lý thuyết. Lý do khiến tôi không biết phải làm gì với tôi hiện nay, hóa
ra là, tôi chưa từng biết xử dụng thân mình một cách có kỷ luật bao giờ cả.
Cuộc gặp gỡ trong bước đường cùng
Thế rồi, sự kết hợp kỳ bí của những nhân duyên nào đó đã khiến tôi lê bước đến gõ cửa nơi các thiền viện.
Tôi vẫn còn cảm thấy thật biết ơn, là sau khi đến viếng thăm vài ba ngôi chùa, tôi đã được giới thiệu đến
chùa Daishuin ở Kyoto, mà ngày nay tôi vẫn còn ở, dưới sự hướng dẫn của Ðại Sư Zuigan Goto. Ðại sư
Zuigan trước đây đã trụ trì chùa Myoshin-ji (Diệu Tâm Tự) và lúc bấy giờ đang trụ trì chùa Daitoku-ji (Ðại
Ðức Tự), là một con người vĩ đại vô cùng.
Tôi xuất hiện nơi ngưỡng cửa của Ðại sư, mái tóc để dài bết lại, rối bời, một cái khăn vắt vẻo nơi bụng,
chân đi đôi guốc gỗ nặng nề . Câu đầu tiên con người vĩ đại này nói với tôi là:"Tại sao anh đến đây?"
Ðể trả lời, tôi nói lan man trong một tiếng rưỡi đồng hồ, kể lể hoàn cảnh của tôi từ trước tới giờ và tình
trạng hiện nay ra sao. Ðại sư im lặng lắng nghe, không tỏ vẻ muốn nói chen vào một tiếng nào.
Sau khi tôi đã nói xong, ngài nói: "Nghe anh nói từ nẫy giờ, tôi có thể thấy được rằng anh đã tới tình trạng
không còn tin tưởng được ở điều gì nữa. Nhưng trong việc học đạo, không thể nào làm được gì nếu không
tin tuởng nơi người thầy của mình. Anh có tin được tôi không?
Nếu anh tin được, tôi sẽ nhận anh ngay bây giờ, ngay trong tình trạng này. Nhưng nếu anh không thể tin
tưởng được tôi, thì anh có ở đây cũng chỉ phí thì giờ, và tốt hơn là anh nên trở về chốn cũ của mình."
Zuigan đại sư, ngay từ đầu, đã khẳng định một cách kiên quyết về điều luật phải tin tưởng hết lòng nơi thầy
của mình, nhưng tôi lúc đó chưa có đủ hiểu biết để có thể nói một cách sẵn sàng và thành thực rằng: "Dạ
được!"
Ðại sư lúc đó đã bẩy mươi tuổi, và tôi tự nhủ thầm. "Ông già lẩm cẩm! Ông ấy là hòa thượng trụ trì chùa
Diệu Tâm hay chùa Ðại Ðức thì đã sao. Thiếu gì "nhân vật quan trọng" trên đời này cũng chẳng ra cái gì.
Nếu tin tưởng dễ dàng, không điều kiện như vậy được một người tôi mới chỉ gập lần đầu, thì tôi đã tin
được vào một cái gì trước khi tôi đến đây rồi! Chẳng phải là tôi đến đây chỉ vì tôi không thể nào tin tưởng
dễ dàng được cái gì sao?"
Tất cả những ý tưởng kia chạy băng ngang qua trí óc tôi, nhưng ngay từ đầu tôi đã biết là nếu tôi nói ra,
tôi sẽ bị trả lời thẳng thừng là: "Nếu vậy thì anh đến đây chỉ mất thì giờ vô ích. Hãy trở về đi."
Tôi tự nghĩ, dù cho tôi có nói láo, nhưng miễn là tôi có nói những lời ấy ra, vị thầy sẽ cho tôi được ở lại,
nên bèn nói: "Con tin tưởng nơi thầy. Xin thầy hoan hỉ nhận con."
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 9 of 52
Lúc ấy, tôi không hề biết chút gì về sức nặng của chữ "Con tin tưởng", nhưng đó là một bài học mà tôi
được dạy ngay sau đó, trước khi hết ngày.
Không có gì là rác
"Hãy đi theo ta," đại sư ra lệnh, và ngài giao cho tôi công việc đầu tiên, đó là quét dọn vườn. Ði cùng với
lão sư bẩy mươi tuổi ra ngoài vườn, tôi bắt đầu làm việc quét dọn với một cây chổi tre. Những vườn thiền
trong khuôn viên các chùa thường được bố trí cẩn thận với những loại cây cho lá rụng quanh năm. Không
những mùa thu những cây phong lá rụng đầy, mùa xuân đến những cây sồi và cây khuynh diệp cũng thay
lá luôn. Khi tôi vừa đến đó vào tháng tư, mảnh vườn đã rải rác đầy lá rụng khắp nơi.
Con người (hay có lẽ là tâm tôi thì đúng hơn) thật sự ra rất là xấu tính. Tôi đứng đây, trong tâm đang rủa
thầm "ông già lẩm cẩm" này và chống lại ngay cả cái ý tưởng là có thể tin tưởng dễ dàng được một điều gì
như vậy; nhưng cùng lúc đó, tôi lại muốn ông già này chú ý tới tôi, nên tôi cầm chổi lên quét lia quét lịa.
Chẳng mấy chốc tôi đã vun đám lá rụng thành một đống lớn. Hăng say tỏ ra vẻ chăm chỉ, tôi hỏi: "Ðại sư,
con vứt đống rác này đi đâu?"
Lời nói vừa mới ra khỏi miệng tôi, ông đã mắng ngay:
"Không có rác gì hết!"
"Không có rác à.. thế sao, thầy xem cái đống này," tôi gắng chỉ cho ông thấy đống lá trước mặt.
"Vậy là mi không tin ta hả! Có phải không?"
"Không phải thế.. nhưng.. con phải vứt mấy cái lá này đi đâu bây giờ?" Tôi chỉ còn biết nói như vậy.
"Mấy cái lá ấy không vứt đi đâu cả!" Ông lại gầm lên.
"Vậy con phải làm gì?" Tôi hỏi.
"Ði ra nhà kho đàng kia lấy cho ta cái túi đựng than", thầy ra lệnh.
Khi tôi trở lại, thầy đang cắm cúi cào cái núi lá kia, sàng cho những lá nhẹ lên trên mặt, và đất cát, sỏi đá
nặng hơn cho rơi xuống dưới. Sau đó ông bắt đầu nhồi lá vào trong cái túi tôi đem ra từ nhà kho, lấy chân
dậm cho chúng xẹp xuống. Sau khi đã nhét chặt tới chiếc lá cuối cùng vào trong túi rồi, ông nói: "Ðem cái
này ra nhà kho. Mình sẽ dùng nó để đun nước tắm."
Trong lúc đi ra nhà kho, tôi thầm công nhận rằng cái túi lá tôi đang mang trên vai này có lẽ chẳng phải là
rác; tôi cũng nhủ thầm rằng cái đống còn lại ngoài vườn kia rõ ràng chỉ là rác, và không có gì khác hơn là
rác cả. Nhưng khi trở lại, tôi thấy Thầy đang ngồi xổm trên cái đống còn lại, lượm ra từng viên đá. Sau khi
Thầy đã cẩn thận nhặt lên viên đá cuối cùng, ông nói: "Lấy mấy đá sỏi này ra trải ở dưới ống máng nước
mưa."
Khi tôi trải những viên đá trộn lẫn với sỏi đã có sẵn ở đó, và lấp đầy những chỗ bị xoáy bởi nước mưa, tôi
nhận thấy những lỗ này không những được lấp đầy, mà trông còn đẹp hẳn lên. Tôi lại phải công nhận rằng
những viên đá này cũng không xếp loại là rác được. Nhưng chưa hết: vẫn còn những miếng đất, những
mảnh rêu sót lại từ cái đống hồi nẫy. Ai có thể làm gì được với những thứ đó, tôi tự hỏi.
Tôi thấy Thầy đang lúi húi nhặt những miếng này lên và để chúng vào trong lòng bàn tay, từng cái một.
Ông đảo mắt tìm kiếm những cái khe, những chỗ lõm trên mặt đất, rồi trám chúng vào đó và đập chân lên
cho bằng. Rốt cuộc, chẳng còn lại một chút gì từ đống lá hồi nẫy cả.
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 10 of 52
"Sao?" ông hỏi. "Mi có hiểu hơn được một chút nào chưa? Từ nguyên thủy, dù là người hay vật, chẳng có
cái gì là rác cả."
Ðấy là bài pháp đầu tiên mà tôi được nghe từ Ðại sư Zuigan. Tuy bài pháp đó có gây cho tôi một ấn tượng,
nhưng tiếc thay, tôi không có đủ trí tuệ để đạt ngộ khi nghe những lời lẽ đó.
"Từ nguyên thủy, dù là người hay vật, không có cái gì là rác cả." Những lời lẽ này chỉ thẳng tới chân lý căn
bản của Ðạo Phật, một chân lý tôi chưa thể nhận ra được trong những ngày tháng đó.
"Kỳ diệu thay! Mọi chúng sanh vốn là đều là Phật, đều có sẵn trí huệ và đức hạnh nơi mình. Chỉ vì chấp
chặt nơi những vọng tưởng sai lầm mà chúng sanh mới không thể nhận ra điều đó được." Ðức Phật Thích
Ca Mâu Ni đã thốt lên điều đó trong giây phút ngài được giác ngộ. Nói một cách khác, mọi chúng sanh
nguyên thủy vốn đã toàn hảo, nhưng bởi vì bám víu vào những khái niệm si mê, nên họ không thể nhận
thức được Phật tánh có sẵn nơi mình.
Trong giây phút chớp nhoáng, màn sương che phủ trước mắt ngài tan biến đi, và Ðức Phật Thích Ca Mâu
Ni đã thấy được chân lý hiện tiền. "Từ đó tới giờ, ta đã nghĩ rằng tất cả chúng sanh trong thế giới này chỉ
sống trong sự đau khổ và khốn cùng, trong những bất hạnh sâu xa. Nhưng thực ra, chẳng phải là tất cả
mọi chúng sanh, ngay nơi hiện thân của họ, đều đang sống trong tánh Phật, đều đang có sẵn sự toàn hảo
tuyệt đối đó sao? Và chẳng phải là điều này không chỉ áp dụng cho những người đang khỏe mạnh an vui
nơi thân và tâm, mà còn với những kẻ mù lòa, những kẻ tật nguyền không có tay chân, phải kéo lê thân
xác mình một cách khó khăn đó sao? Chẳng phải là mỗi người trong chúng ta, ngay trong trạng thái hiện
tại của mình, đều là một thực thể toàn hảo, không khiếm khuyết đó sao?" Lòng đầy cảm kích và kinh ngạc,
Ðức Phật đã thốt lên như vậy trong giây phút giác ngộ của ngài.
Mỗi năm, tôi đều đi Hokkaido để thuyết giảng, và có một năm, sau khi nghe tôi nói chuyện, một thiếu phụ
xin đến gặp tôi. Thiếu phụ này, vốn là người rất sùng mộ đạo Thiên chúa, đã nói như sau: "Nghe thầy nói
chuyện hôm nay, con thấy rằng tất cả những điều Ðạo Phật muốn khuyên người ta làm chỉ là buông bỏ hết
đi những dục vọng. Trong khi đó, đạo Thiên Chúa nói rằng: "Hãy hỏi xin, ngươi sẽ được cho. Hãy tìm kiếm,
ngươi sẽ được thấy. Hãy gõ cửa, cửa sẽ mở ra cho ngươi. Những lời dạy đó đáp ứng được những kỳ
vọng của giới thanh niên trẻ tuổi như con đây. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?"
Tôi trả lời cô ta bằng một câu hỏi khác. " Nói như thế có nghĩa là không cần biết cô gõ cửa như thế nào,
tìm kiếm ra sao, cô cũng sẽ được ban bố, cũng sẽ được mở cửa ư? Chẳng phải là trừ khi người ta tìm
kiếm và gõ cửa cách nào để có thể cảm ứng được với Tâm của Thượng đế, cửa mới mở ra được, và điều
ước nguyện mới được ban cho sao?"
Tôi đã nghe nói đến câu nói của đạo Thiên chúa rằng: "Ta làm ra con đường của mình, nhưng Chúa sẽ
định hướng những bước đi trên đó." Một cách tóm tắt, ta có quyền ước muốn và lựa chọn, tìm kiếm tha hồ,
nhưng Thượng đế mới định đoạt những nguyện vọng của ta có thể thành tựu được hay không.
Cũng vậy, Ðạo Phật không chỉ nói là phải vứt bỏ hết mọi ước muốn, dẹp hết mọi tìm kiếm. Nhất là ở trong
sự tu tập Thiền, chúng ta gõ vào cánh cửa ấy qua sự hành trì thật gắt gao, hầu như là có thể mài dũa tới
tận xương tủy của mình vậy. Tuy nhiên, đạo Phật chỉ ra rằng, sau khi đã tìm kiếm hết tất cả, điều chúng ta
đạt được lại là sự nhận thức rằng những gì ta tìm kiếm vốn đã luôn luôn có sẵn nơi ta, rằng sau tất cả
những công phu miên mật, chúng ta thức tỉnh thấy được rằng thật ra là cửa đã sẵn mở từ trước khi chúng
ta bắt đầu gõ vào đó.
Như vậy, các bạn thấy rằng, Ðại sư Zuigan đã chỉ ra sự thật căn bản nhất từ đầu khi ngài nói, "Từ nguyên
thủy, dù cho ở người hay vật, không có gì là rác cả." Ðáng tiếc là tôi đã không hiểu được ngài. Tôi tiếp tục
làm ra vẻ như mình là một đệ tử đang tin tưởng hết mình vào Thầy, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn thường
chê bai và chống đối lại. Nói trắng ra là, gần như hầu hết những lời thầy nói đều làm cho tôi cảm thấy bực
bội.
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 11 of 52
Chỉ còn biết lau chùi
Nhiều người thường khinh rẻ những hoạt động cần thiết cho nhu cầu căn bản hàng ngày, nhưng đối với
tôi, những việc đó không được xem là lam lũ chân tay. Nếu bạn muốn nhìn phong cảnh bao quát toàn diện
ở ngoài, bạn phải trèo lên một địa điểm cao mới thấy được rõ. Nhưng nếu bạn muốn thấy tâm con người,
bạn phải bước xuống mà nhìn từ một chỗ thấp.
Ngay sau khi vào thiền viện, tôi đã phải làm điều đó qua công việc lau dọn hàng ngày. Từ sáng đến tối, tâm
trí tôi không còn có gì khác hơn là chỉ biết đến lau chùi. Ðiều đó dẫn đến một kinh nghiệm oái ăm, phát hiện
ra một khía cạnh gai góc trong sự tu tập.
Nếu có người nào đó biết rằng họ sẽ hiểu được phần nào chân lý qua việc quét dọn lau chùi, họ có thể bị
vướng mắc trong sự thực hành này và rồi nhận ra rằng thực ra họ đang đi xa rời khỏi sự nhận thức chân
lý ấy. Tâm của họ đã bị chướng ngại bởi chính sự thực hành này.
Một buổi sáng, sau khi tôi đã dọn bữa điểm tâm và mời ngài ra dùng, Zuigan đại sư chậm rãi bước ra
phòng ăn nói rằng: "Này, đi vào phòng của ta, đứng ở chỗ cái bàn nhìn về phía bệ thờ xem."
Thường thường, tai của một sa di mới nhập viện hay nghe thấy giọng nói của thầy mình như là đang tức
giận. Vì thế, khi nghe Thầy nói vậy, tôi giật mình nghĩ thầm: "Chết rồi, mình lại quét dọn hỏng gì nữa đây"
và rồi lập tức chạy vào trong phòng thầy.
Phòng của thầy rất nhỏ hẹp, chỉ độ bốn chiếu rưỡi (diện tích chừng 3m x 4m). Khoảng cách giữa bàn của
ông với bệ thờ chưa đầy hai mét, nhưng mặc dù tôi đã xem xét cẩn thận khu vực này, tôi cũng không tìm
ra được một vết bụi hay một giọt nước nào nhỏ xuống. Tôi bò ra sàn nhà tìm khắp nơi, nhưng chẳng thấy
chỗ nào có vẻ có vấn đề cả.
Tôi ngồi thừ người ở đấy, cố tìm hiểu tại sao Thầy lại giận dữ với mình, nhưng không thể nào nghĩ ra
được. Thôi cũng đành, lại phải ra chịu đựng sự mắng mỏ thôi, tôi vừa nghĩ vừa đi trở lại phòng ăn. "Con
không hiểu con đã làm gì sai trong việc quét dọn phòng thầy," tôi bứt rứt nói, "Xin thầy dạy cho con biết."
"Ðồ ngu!" Ông quát lại. "Ai bảo là mi làm gì sai trong việc quét dọn đâu? Sáng nay ta vừa cắm một bông
hồng Sharon ở trong cái lọ. Trông nó thật hài hòa với tấm liễn ở trên, thật là đẹp mắt, nên ta bảo mi đi vào
đó xem. Mi có thấy cái bông hồng chứ?"
Tôi chợt nhận ra rằng, sự thực là tôi chẳng để ý thấy cái bông hồng nào cả. Tôi trở lại phòng Thầy để
nhìn. Bệ thờ được đặt trước một bức tường xưa đã đứng đó từ hơn 250 năm nay, mầu sắc đã sẫm lại.
Trên bức tường mờ tối đó, một tấm liễn treo dọc xuống, vẽ theo kiểu thư pháp một chữ "Lộ" (sương) duy
nhất.
Khi một vị thiền tăng viết chữ "Lộ", ông không có ý muốn nói đến một hiện tượng thiên nhiên, mà ngụ ý
đến sự hiển lộ trực tiếp. Không có gì có thể che dấu ở đâu được. Chân lý, hay Pháp, đều lộ ra ở khắp mọi
nơi, khắp mọi vật. Phật tánh đều lộ ra trong tất cả vạn pháp. Nếu ta để cho những lớp vẩy che mắt chúng
ta rơi xuống, ta sẽ nhận ra rằng tất cả mọi thứ, trong tất cả mọi nơi đều hàm chứa chân lý tràn đầy; mọi thứ
mọi nơi đều tràn đầy tính Phật, mọi thứ mọi nơi đều có chân giá trị của chúng. Ðó là ý nghĩa chữ "Lộ" của
tấm liễn treo tường kia.
Bên dưới tấm liễn, một đóa hoa lớn mầu trắng tinh khiết dường như đang nổi lên từ bức tường vôi cổ,
chan hòa một vẻ đẹp huyền diệu trước mắt người xem.
Chỉ mấy phút trước đây thôi, tôi đã không thấy được đóa hoa đó. Mắt của tôi đã đóng chặt lại không thấy
nó. Ðó chính là cái khó khăn gặp phải trong sự tu tập.
Sự bỏ xót ấy của tôi trở thành một đề tài cho những bài giảng dạy của thầy. Sau khi tôi đã phạm phải lỗi
lầm này, Zuigan đại sư thường hay nói trong những câu chuyện là: "Nếu tâm ta bị vướng mắc, bị chướng
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 12 of 52
ngại, ta sẽ không thể thấy được ngay cả những vật mà mắt ta đang nhìn đến. Có biết không, hôm trước
đây, có một tên ngu muội ngồi kia..."
Lời răn dạy của Khổng Tử
Vị lão sư bẩy mươi tuổi của tôi đã học hành chuyên cần ở Trường Ðại học Tokyo và đã tốt nghiệp thủ khoa
trong khóa; ông đã thấu tỏ con đường Thiền đang đi và rồi đã là viện trưởng của hệ thống các thiền viện
Ðại Ðức. Ðó là tiểu sử thân thế của ông, trong khi tôi đây ... tuổi sấp xỉ đôi mươi, chẳng có gì để phô
trương ngoài học vấn trung học của thời xưa cũ, chẳng bao giờ lên đại học ... tôi đã là đệ tử của ông. Với
vị trí thấp kém của mình, tôi ngưỡng vọng lên Thầy như một người ở dưới ngước lên nhìn núi Hi Mã Lạp
Sơn.
Và thế là tôi, trong những ngày mới vào tu tập đó, chưa chi đã thấy tuyệt vọng khi nghĩ đến tương lai, cảm
thấy như là chẳng có ích lợi gì đểø tiếp tục, và tự hành hạ mình với ý tưởng là không thể nào mình xứng
đáng để có ngày bước thế vào bước chân của Thầy được. Thỉnh thoảng, khi tiếp được một vài sự ngợi
khen của Thầy, tôi thấy mình như bay vút lên trên mây cao, nhưng rồi sau đó lại rơi ngay xuống vực sâu
của tuyệt vọng.
Sự khó khăn của tôi không phải là riêng biệt. Có lẽ gần như tất cả mọi người, từ thời xa xưa cho tới nay,
khi bắt đầu học đạo đều phải trải qua những tình huống như vậy. Một thí dụ là Tử Lộ, học trò của Khổng
Tử ở Trung Hoa ngày xưa. Tử Lộ đã sống một cuộc đời phóng đãng cho đến khi ông tình cờ đâm bổ vào
một lớp học trong đó Ðức Khổng Tử đang dạy Ðạo cho đệ tử của ngài. Bị thu hút bởi cá tính của vị Thầy,
Tử Lộ đã trở thành học trò của ngài. Tử Lộ vốn là một người rất tự tin nơi sức mạnh thể lực của mình,
nhưng rồi ông sớm nhận ra rằng Khổng Tử không những là một người dạy Ðạo bằng sự ôn hòa và đức
hạnh của mình, mà còn có một sức mạnh mà Tử Lộ không thể nào sánh bằng. Khổng Tử thông hiểu sâu
xa tâm lý của tầng lớp dân chúng hạ lưu, khiến Tử Lộ phải tự hỏi không biết trước đây Ngài đã có đời sống
như thế nào. Kiến thức của Khổng Tử sâu rộng đến nỗi các đệ tử của Ngài đều không ai hiểu được ngài
như thế nào cả. Tuy là một đệ tử rất chuyên cần, Tử Lộ cũng e ngại rằng mình sẽ không thể nào bắt kịp
được Thầy.
Trong một dịp, Ðức Khổng Tử buông lời khen ngợi một trong những đệ tử của ngài là Nhan Hồi, nói rằng:
"Hay thay Hồi sinh! Chỉ sống với một cái bát tre, một ngụm nước, ở trong một ngõ hẻm chật hẹp. Những
người khác chắc sẽ thấy đời sống đó buồn chán không chịu nổi, nhưng Hồi lúc nào cũng vẫn lạc quan, vẫn
giữ vững tinh thần như thường. Thật là đáng ca ngợi!"
Ý của Khổng Tử muốn nói là:,"A, thằng đệ tử Hồi đó của ta, nó thật là một người phi thường. Nó ăn thức
ăn tồi tàn nhất, uống nước lạnh không thôi" -- ở bên Tầu vì nước xấu, cho nên uống trà là một sự thường
tình, mà nếu trong cuộc sống chỉ có uống nước lạnh không thì quả là một điều đáng chú ý! -- "và ở trong
một căn nhà lụp xụp. Hầu hết mọi người sẽ thấy đó là một điều khổ hạnh không chịu nổi và sẽ cảm thấy
tuyệt vọng. Nhưng Nhan Hồi thì không thế! Dù cho có cuộc sống như vậy, cũng không có gì ngăn cản
được anh ta hoan hỉ đi theo con đường Ðạo. Thật là một con người kỳ diệu thay!"
Lúc đó, Jan Yu, một đệ tử đang có mặt, đã nêu lên rằng: "Không phải là con không tin vào Ðạo mà thầy và
các vị sư huynh tiền bối như Nhan Hồi đã thực hành. Nhưng có điều là có những người trong chúng con
không đủ khả năng để làm được như vậy."
Khổng Tử khi ấy, thật khác với lúc thường, đã trách mắng Jan Yu một cách nặng nề về sự giải đãi này,
"Thiếu khả năng là một cái cớ cho những người ít nhất đã từng thử một lần, đã đi được một phần nào
đường. Nhưng ngươi! Ngay trước khi ngươi bắt đầu thử cái gì đã tự giới hạn khả năng của mình rồi!"
Khổng Tử đã răn dạy cho Jan Yu một bài học đích đáng.
Tất cả mọi người chúng ta đều có những lúc muốn thốt lên những lời như vậy, muốn trốn tránh trách nhiệm
của mình. Ngay cả tôi, khi đang kể lại câu chuyện răn dạy Jan Yu này, cũng đã từng cảm thấy y như ông ta
khi còn là một đệ tử. "Không thể nào được. Thầy làm được những điều ấy vì ngài thông hiểu Phật pháp, vì
Từ Nụ Đến Hoa Thiền sư: Soko Morinaga
Page 13 of 52
ngài là một con người vĩ đại. Nhưng tôi, tôi chỉ là một con người tầm thường ..." đây không phải là sự
khiêm nhường, mà là sự bào chữa vì đã tự nuông chiều mình!
Và bây giờ, tôi nhận ra rằng các đệ tử của tôi sẽ có những hình ảnh thế nào về tôi. Có thể là họ không
ngưỡng vọng tôi như tôi đã ngưỡng vọng Zuigan đại sư, nhưng họ dường như vẫn nghĩ rằng không thể
nào họ có khả năng sánh bằng với tôi được.
Nếu thực là như vậy, từ đó tới giờ tôi đã hoàn thành được những gì? Tôi không có hứng khởi muốn vào
học trường Ðại học Tokyo và tốt nghiệp ở đó ra như đại sư Zuigan. Tôi cũng không trở thành Viện trưởng
một thiền viện nào. Ðiều tôi làm được chỉ là: khi đến lúc phải làm việc trong bếp, tôi đã dùng hết sức mình
để làm việc trong bếp.
Trên đời này bạn không thể nỗ lực làm gì mà không kể đến giá trị của chính sự nỗ lực đó. Trong mỗi thứ
và trong tất cả đều thể hiện tâm của mình trong đó, đều là sự hiển lộ của Phật, sự biểu thị của Pháp. Khi
tôi mới bắt đầu bước vào tu viện, đại sư Zuigan, đang đứng quét vườn bên cạnh tôi, đã chỉ ra cho tôi điều
đó khi ngài nói rằng: "Sao, mi đã hiểu chưa? Từ nguyên thủy, dù ở người hay vật, cũng không có gì là rác
cả." Tuy vậy, tôi đã phải mất thời gian đi một đường vòng xa thực hành tu tập mới hiểu được điều này.
"Khi cầm chổi lên, hãy trở thành cái chổi ; khi bưng bát cơm, hãy trở thành bát cơm." Ðó là những câu nói
thông thường ở trong Thiền, nhưng vấn đề là: làm sao thực hành được trong đời sống hàng ngày đây?
Việc phải lo
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top