nam muoi ngan dong cua thay toi
Năm mươi ngàn đồng của thầy tôi
TTO - Nếu không có 50.000 đồng của thầy, chắc hẳn tôi chẳng có được nghề nghiệp, cuộc sống ổn định như hiện tại. Câu chuyện trôi qua 13 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in như mới xảy ra hôm qua, hôm kia…
Đó là vào mùa hè 1996, tôi đang học những ngày cuối cùng của lớp 12. Trường của tôi là Trường phổ thông cấp II-III Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, giờ là Trường THPT Lê Minh Xuân - một ngôi trường xa xôi của huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Nhà tôi lại ở một xã xa nhất, nghèo nhất của huyện - xã Bình Lợi. Nếu xã tôi là xã xa nhất của huyện Bình Chánh thì nhà tôi lại là ngôi nhà xa nhất của xã (ở sâu trong một cánh đồng, ráp ranh với xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Nhắc đến Bình Lợi - người ta nghĩ ngay đến những đứa trẻ người nhỏ thó, đen nhẻm, quen lội sông, lội đồng mò cua, bắt ốc nhiều hơn là cắp sách đến trường. Tuổi thơ tôi cũng không ngoại lệ với những đứa trẻ ấy - cũng mò cua bắt ốc, cũng xúc tép làm mắm, phụ ba má đổi lấy manh áo, chén cơm. Con gái những ngày hành kinh cũng không kiêng nước, cũng trầm mình dưới những vũng bùn đen ngòm, cũng lội bì bõm dưới những con kênh nước xâm xấp chảy xiết…
Giờ nghĩ lại tôi còn thấy rùng mình, ớn lạnh. Có lẽ vì thế mà sau này tôi bị bệnh phụ khoa, phải chữa trị gian khổ lắm mới dứt và suýt chút nữa tôi mất khả năng làm mẹ (lấy chồng gần 5 năm chạy chữa mãi mới có con).
Tuổi thơ tôi gian khổ như thế vì nhà tôi nghèo, rất nghèo, ba má tôi phải chạy ăn từng bữa. Các anh chị học hành dở dang. Chưa một ai trong chín anh chị em tôi dám mơ ước vào đại học. Cánh cửa đại học lúc đó như một món hàng xa xỉ nhất đối với chị em tôi. Các chị tôi lớn lên, có chị học xong cấp I, có chị học xong cấp II, ở nhà phụ ba má cày sâu cuốc bẫm.
Phụ má được vài mùa gặt, đủ tuổi kết hôn là các chị “thoát ly” khỏi gia đình - thực hiện biện pháp “xoá đói giảm nghèo” cho ba má - lấy chồng. Tôi còn nhớ mỗi lần gả chồng cho các chị, mẹ tôi cứ khóc ròng. Tôi biết má thương con gái rồi số phận sẽ giống mình - lặp lại cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - nhưng má không biết phải làm sao.
Là đứa con gái út của ba má nên tôi được ba má chăm sóc nhiều hơn. Ba tôi thường vuốt tóc tôi bảo: Con cố học, ba sẽ ráng lo cho con. Quả thật, ba rất chăm lo cho việc học của tôi. Suốt 3 năm học cấp III, nhà xa trường gần 7km, sáng ba chèo xuồng đưa tôi ra lộ, chiều lại kẻo kẹt tay chèo đón con gái về (bởi nhà tôi ở tận trong đồng sâu, không có lối đi, phải lội ruộng, băng đồng). Tôi đến trường có bước chân ba theo đi. Và tôi nhìn sâu vào đôi mắt ba, tôi biết đôi mắt ấy luôn rực cháy một khát vọng… Thế nhưng có lẽ ba cũng chẳng dám mơ tôi vào đại học. Tất cả chỉ vì cơm áo gạo tiền ở mảnh đất phèn chua nước mặn này cứ đè nặng lên đôi vai ba…
Những ngày cuối cùng của năm học lớp 12 - cũng là lúc gần hết hạn nộp hồ sơ dự thi đại học - tôi không có lấy một đồng trong túi. Cả nhà không còn một hạt gạo, ba má tôi phải chạy vạy từng lon gạo để nấu cháo ăn qua ngày, đợi mùa giáp hạt. Tôi cũng có một khao khát được thoát ly gia đình, được thoát khỏi cái nghèo đói, cơ cực nhưng không phải là lấy chồng mà là vào đại học.
Tôi cứ suy nghĩ trong cái vòng luẩn quẩn: không có tiền mua hồ sơ dự thi thì không thể thi đại học, mà không thi đại học thì không thể nào thay đổi được cuộc sống.
Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi nghĩ đến thầy tôi - thầy Đoàn Tấn Phương - thầy giáo dạy môn vật lý của tôi. Tôi nghĩ đến thầy bởi có lần tình cờ trong một buổi sinh hoạt lớp, thầy bảo: Thầy thương nhất là các em từ Tân Nhựt, Bình Lợi (xã Tân Nhựt, xã Bình Lợi) ra, các em đi học vất vả quá.
Giờ ra chơi hôm ấy, tôi lấy hết can đảm đến gặp thầy… Thầy bảo tôi cuối giờ hãy ghé lại văn phòng. Thế nhưng cuối buổi học hôm đó tôi không gặp được thầy. Có lẽ vì tủi thân, vì xấu hổ nên bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra trong đầu: hay thầy không muốn giúp mình? Hay thầy ghét mình? Hay mình không xứng đáng nhận sự giúp đỡ của thầy?
Nghĩ đến đó nước mắt tôi tuôn rơi. Mơ ước vào đại học của tôi coi như không thể thực hiện. Trong tôi có cả niềm tủi hổ của đứa học trò nghèo và cả giận thầy nữa. Thế nhưng, đến ngày thứ hai đầu tuần, tôi thật bất ngờ nhận từ tay thầy một phong bì, trong đó có 50.000 đồng (số tiền quá thừa để làm hồ sơ dự thi và quá lớn với tôi) và một tờ giấy gấp đôi với những dòng chữ: “Lúc trước em hỏi thầy. Lúc đó thầy chỉ có hai ba chục. Thầy sau đó lên văn phòng lãnh bảo trợ. Lúc ra về không thấy em lên kiếm. Nay thầy đưa em bao nhiêu đây. Nếu cần thêm thì hỏi thầy”.
Đọc những dòng chữ của thầy, nước mắt tôi cứ chảy dài. Thì ra lúc đó thầy cũng không có sẵn tiền trong túi và có lẽ thầy cũng rất ít tiền bởi đồng lương giáo viên eo hẹp khi đó. Tôi thương thầy và thương cho chính mình.
Tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng học thật tốt để thi đậu, để không phải hổ thẹn với thầy. Nhưng thật trớ trêu, năm ấy không những tôi không đậu đại học mà tôi rớt cả tốt nghiệp THPT. Rớt tốt nghiệp phổ thông với mọi người đó là chuyện bình thường bởi vì những đứa học trò nông thôn chúng tôi thời gian làm đồng, làm ruộng, mò cua bắt ốc nhiều hơn thời gian đến trường. Ba má tôi không trách tôi. Thầy cô không trách tôi. Nhưng tôi thấy lòng mình se thắt, đau đớn, xấu hổ.
Ba má tôi an ủi: Thôi, con học như thế là tốt hơn các chị nhiều rồi, ở nhà làm đồng phụ ba má rồi đi lấy chồng, sanh con đẻ cái. Ban đầu tôi cũng nghĩ thế như chấp nhận một số phận - vì tôi nghĩ không có cách nào khác hơn thế. Nhưng rồi hình ảnh của thầy tôi - thầy Đoàn Tấn Phương và 50.000 đồng của thầy cho tôi làm lòng tôi quặn thắt. Thế rồi tôi vừa phụ ba má làm đồng và vừa âm thầm ôn tập để thi lại.
Mùa hè năm 1997, tôi đậu tốt nghiệp THPT. Tôi dự thi vào Trường đại học Sư phạm như mơ ước. Và tôi đậu đại học vào năm đó. Mùa thu 1997, tôi vui mừng trở thành sinh viên của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, khoá 23 (1997-2001).
Sau đó, tôi có trở về trường cũ, mong muốn gặp lại thầy tôi. Nhưng thầy đã chuyển trường - một trường phổ thông ở quận 9. Thế là tôi không gặp lại thầy nữa. Tôi chỉ biết nhà thầy ở quận Bình Thạnh nhưng tôi không thể tìm được. Bốn năm đại học cũng kết thúc. Những dòng chữ và tờ giấy úa nhoà của thầy tôi và cả cái phong bì đựng nó 13 năm qua tôi vẫn còn giữ.
Bất ngờ, tháng 3-2009 tôi gặp lại thầy bởi thầy đã chuyển công tác về Trường Trần Quang Khải (quận 11) từ tháng 9-2008, trong khi đó trường tôi dạy Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11 kề bên trường thầy. Đúng là quả đất tròn, tôi gặp lại thầy ngay trước cổng ngôi trường mình.
Giờ thỉnh thoàng tôi mời thầy đi uống nước, dùng cơm với tôi. Hai thầy trò nói với nhau biết bao nhiêu chuyện buồn vui trong thời gian qua. Có thể thầy chẳng còn nhớ 50.000 đồng thầy cho tôi mượn. Nhưng tôi thì không bao giờ quên được món nợ ấy. Nhờ nó mà tôi có đủ ý chí, nghị lực để học tập và thi đậu đại học.
Ngồi nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ gian khó, tôi biết ơn thầy tôi, thầy Đoàn Tấn Phương, vô hạn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top