Tự luyện nội công thiếu lâm Sơn Đông(toàn tập)- GS. Hàng Thanh

Tự luyện nội công thiếu lâm Sơn Đông

MỤC LỤC



TỰA SÁCH



SÁCH NỘI CÔNG SƠN ĐÔNG





CHƯƠNG I:



1. Lịch Sử Môn Nội Công



2. Ai Là Người Có Thể Luyện Nội Công



3. Thành Quả của Việc Luyện Nội Công



4. Sự Thiếu Sót của Võ Thuật Ngày Nay





CHƯƠNG II:



1. Mười Khẩu Quyết Ghi Tâm



2. Bài Tập Thứ Nhất: Luyện Thân Thủ



a. Ngũ Bộ Tấn: Lập bộ, Kỵ Mã bộ, Đinh bộ, Chảo Mã bộ và Xả Tự Mã bộ.



b. Thập Bát Thế Thủ Tụ Lực:



1) Tiêu Thủ, 2) Câu Thủ, 3) Định Thủ, 4) Cổ Thủ, 5) Trầm Thủ, 6) Bổng Thủ, 7) Phân Thủ, 8) Phao Thủ, 9) Khấu Thủ, 10) Xuyên Thủ, 11) Đao Thủ, 12) Trảo Thủ, 13) Tiêu Chi Thủ, 14) Khai Cung Thủ, 15) Thác Phiên Phách Thủ, 16) Tháp Chủ Viên Hình, 17) Tang Quyền Thủ, 18) Tang Chưởng Thủ.





CHƯƠNG III:



1. Quán Tướng Khí Thần Hóa Lực



2. Bài Tập Thứ Hai: Thiết Tuyến Viên Hình Quyền (Nội Công đại thành)



3. Phép Chế Vòng Thiết Tuyến







HỘP THƠ GS. HÀNG THANH




Giải đáp các vấn đề: 



Võ Học, Y Lý, Đạo Học v…v…





TỰ LUYỆN NỘI CÔNG THIẾU LÂM SƠN ĐÔNG



GS. Hàng Thanh




LỜI TỰA





Nếu nói trong đời có những ngày đẹp vô cùng thì sáng hôm nay, đối với soạn giả, là một buổi sáng tràn đầy tươi vui hạnh phúc trong lòng. Vì, là một buổi sáng tiếng én reo vui và nắng vàng chan hòa trước cửa mừng đón bài tựa sách Nội Công và Bát Đoạn Cẩm, buổi sáng tạo hóa vui mừng vì có sự sanh ra.





Vui mừng khác chi người Cha thấy Mẹ sanh con trai đầu lòng…





Nội Công và Bát Đoạn Cẩm không phải là con đầu lòng của soạn giả, nhưng lần thai ngén nầy có trầm trọng khác thường. Khi ăn, lúc ngủ, giờ vui chơi, lòng soạn giả mênh mênh tưởng nhớ đến thai nhi (nội dung sách). Rồi sáng nay trời đẹp mới nẩy sanh một đứa con chiếu hào quang rực rỡ: “Nội Công Bát Đoạn Cẩm”, đứa con quí nhập thế, đi vào lòng người, trao trên tay người, vạn triệu tay người, cho người nâng niu trìu mến như đứa con, như đứa em…





Ai mà không thương con, ai mà không thương em, đứa con, đứa em sáng ngời như hòn ngọc quí.





Lần sanh đứa con nầy soạn giả quên mọi điều mệt nhọc, quên mọi công lao vì mở mắt ra đã thấy muôn vạn nụ cười tươi ngưỡng mộ.





Ai mà không sanh con, nhưng sanh được con quí mới là kỳ diệu. Nhưng dù kỳ diệu vẫn có người không nhận ra điều kỳ diệu. Như Phật Tổ xưa cầm Ngọc Như Ý đưa ra trước trăm chúng Thần Tăng liễu ngộ mà chỉ có mỗi Ca Diếp mỉm cười. Ca Diếp là người kế vị Phật, Phật cũng cười.





Mừng thay, vui thay. Một cũng đủ huống hồ. Phật còn khiêm tốn huống hồ.





Nay soạn giả đưa đứa con ra liền có vạn bàn tay đưa lên cười, bảo sao sáng nay trời không nắng đẹp, cỏ cây ngoài ngõ không trổ hoa đầy, chim én sao không reo vui chung quanh ghế ngồi. (Thật như thế chớ không phải hứng chí bịa chuyện hoang đường vì tịnh thất của soạn giả có trồng nhiều cây cảnh, chung quanh nhà chim yến làm tổ rất nhiều (trên mái nhà), tối chúng về, sáng chúng bay đi, nhưng sáng nay chúng vui nên ở muộn).





Nói chi xiết điều vui cho người nghe, cho bằng hữu nghe. Đạo lớn thường vui làm sao nói ra cho người cùng vui. Lão Tử xưa cỡi con trâu xanh lòng vui ngập mà chỉ có Trời hay. Trang Tử vui quá đỗi mà Khổng Tử là bậc Đại Sĩ cũng khó lòng chia nổi như ta chia nhau tách nước trà. Lọ là.





Nhưng nay thì bậc Cao Sĩ, học giả đông như sao trời, lòng như mây ngũ sắc nên đạo liễu ngộ không cần đến tuổi bạc đầu. Thế nên sách nầy ra bàn tay đón, tiếng cười vui truyền không dứt…





Vui rồi, mừng rồi, soạn giả đâu có tịch mịch, đâu có như Trang Lão ngày xưa mà phải cỡi trâu ra ngoài quan ải, đánh trống khi vợ bửa nắp quan tài (áo quan, hòm đựng xác Trang Tử giả chết, mấy cháu nhỏ cần mua sách Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh xem thêm cho hiểu đời, các cháu học lên đại học, cao học đủ biết, chưa biết cũng phải học thêm).





Nói cho rõ để người sơ sơ cũng hiểu là Tu Nội Công và Bát Đoạn Cẩm mà thành tựu thì thân thường được khỏe mạnh, tâm hồn thường được thảnh thơi nên vui thường và cảm ứng được thiên nhiên….nói cách khác là “Đắc đạo giữa đời” (Tu Thiên định đến mức cũng chỉ được như vậy).





Người xưa nói: “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, chư học giả tâm cơ linh mẫn hẳn đã rõ chỗ Nhất, Nhị, Tam tu đó. Nghĩa là ở nhà tu đắc đạo vui hơn ở chợ, tu ở chợ đắc đạo vui hơn ở chùa, (người chưa đắc đạo chỉ biết nghĩa tu ở nhà khó thành hơn ở chợ và chùa). Thế mà vạn kiếp lưu truyền mấy người đỉnh ngộ.





Bát Đoạn Cẩm, Nội Công là phép tu thân cho đắc đạo giữa đời chớ không phải chỉ là phép thần phụ trợ làm tăng tiến sức mạnh võ phu thường thức như nhiều bậc phàm phu lầm tưởng.





Hôm nay Trời mở ra đầy linh khí cho soạn giả nẩy sanh đứa con quí, sanh rồi liền trao cho chư hiền, học giả bốn phương trìu mến dưỡng nuôi làm con chung, sự tốt lành hay không sau nầy tùy nơi nuôi dưỡng mỗi người, còn soạn giả chỉ lưu lại trong lòng một kỷ niệm.





Nếu đứa con chúng ta lớn lên, nên thân như vầng nhật nguyệt thì soạn giả là người đầu tiên hưởng niềm vui trong sách ấy, mà người dưỡng nuôi đã hóa hợp đạo trời rồi, là đã sánh bạn cùng các bậc vô lâu cổ kim.





Phép nuôi con (tu luyện) đã sẵn ở trang kế sau đây rồi, mới học giả môn sinh nhẹ tay đỡ lấy. Soạn giả xin có lời thân mến chúc mừng sự hạnh ngộ hôm nay và thành công ngày mai.





SOẠN GIẢ



Gia Định Thành, mùa Hạ năm Giáp Dần, 1974, 24, 4

Chương 1.



I. LỊCH SỬ MÔN NỘI CÔNG SƠN ĐÔNG





Về nguồn gốc lịch sử các môn tuyệt học võ thuật Trung Hoa, các võ gia đương thời cũng như ngày xưa đều có hai khuynh hướng nhận định khác nhau. Một số người cho là mọi môn tuyệt học ngày nay còn lưu truyền đều do Tổ Sư Đạt Ma trước tác dùng huấn luyện các tăng tử đệ tử rồi lưu mãi cho đến ngày nay. Nếu có thiếu sót là do người đời quên lạc chánh bổn chớ khởi đầu không chỗ nghĩ bàn. Tức Tổ Sư đặt ra là đâu vào đó, đúng nguyên tắc, tinh vi, cao minh tối thượng, v…v… Lớp người nầy hoàn toàn tin nơi chân bổn cổ truyền, coi như giá trị bất di bất dịch.





Số người khác không tin là Tổ Sư trước tác tất cả tuyệt học công phu trong buổi sanh thời. Họ cho rằng một số bài bản và môn học tinh hoa thuộc môn phái Thiếu Lâm đều do các môn đồ ưu tú của Tổ Sư và sau nầy trước tác, chế biến. Người ta đưa ra những chứng minh cụ thể về các công trình nghiên cứu giá trị dưới thời vua Càn Long, thời đại võ học cực thịnh cũng như các triều đại trước đó, v..v… 





Nhưng dù bàn cãi sôi nổi đến đâu người ta vẫn để tâm nghiên cứu và luyện tập các môn học cao siêu mà lịch sử của nó còn trong bóng tối. 





Ngày nay văn minh khoa học tiến bộ đến nỗi các khoa học gia có thể khám phá ra những điều mà bộ óc con người thuở xa xưa không thể nghĩ tới và cũng khám phá được một vài điều để thẩm định thời đại phát triển những ngành học thuật, tư tưởng một cách chính xác nhờ dựa vào những dữ kiện lịch sử, tranh ảnh điêu khắc, v…v… mà ngành khảo cổ học đã khai quật được. Những di vật tìm thấy được đưa vào các máy điện tử phân tích và người ta tìm được câu trả lời, dù cho 5-10 ngàn năm máy vẫn trả lời được huống hồ có hơn ngàn năm từ ngày Tổ Đạt Ma trụ trì chùa Thiếu Lâm (sau năm 520 Tây Lịch, sau khi từ Ấn Độ vượt biển sang Quảng Châu được quan đầu tỉnh Quảng Châu đón tiếp rồi được vua Lương Võ Đế mời về triều hỏi đạo lý… nhưng vua nhà Lương không hạp nên Tổ Sư sang nước Ngụy ở Lạc Dương nhằm đời vui Hậu Ngụy Hiếu Minh Đế niên hiệu Chánh Quang, lúc bấy giờ đã 23 tháng 11 năm 520. Khi Tổ Sư đặt chân lên Tung Sơn chùa Thiếu Lâm thì chắc đã sang đầu năm 521 rồi). 





Những tài liệu, di vật còn rất nhiều nhưng hiện chưa có khoa học gia nào nghiên cứu nên chưa thẩm định rõ rệt. Các sử gia thì lờ mờ biên chép cho có lệ, còn các hệ phái Thiền Học thì thêm vào dư vị thần bí cho thêm phần long trọng, hậu học thì dốt nát dị đoan nên cũng không truy cứu được những gì chân thật của Tổ Sư để lại. Người hiếu sự và con buôn khai thác thị hiếu quần chúng bằng cách bày vẽ hoang đường, nhiều thiên cố sự về đời Tổ Sư được bày ra, v…v… để bán sách. Rốt cuộc đến đời nay mọi việc chúng ta đều phải suy nghĩ lại. Điều nầy không dễ, chắc chắn là không dễ khi đang thiếu nhiều phương tiện cần thiết để khảo cứu. Vỉệc nầy để rồi có dịp sẽ tính tới, bàn lại cho chánh lý, vì cuộc đời Tổ Sư là cả một huyền thoại ly kỳ nhất thời đâu dễ bàn suông. 





Riêng trong ngành võ học, quyền thế về Quyền Luận đã có lắm sự bày vẽ rất nhiều… Trong khoa Nội Công tu dưỡng Thần Lực cũng không thiếu sự vẽ vời: nào là Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh, Nội Công Đạt Ma, Kim Cang Nội Công, Kim Cang Thần Công, v…v… đủ thứ sách đều gán cho Tổ Sư trước tác, kể cả sách bậy bạ viết bừa về nội công không có căn bản gì cả như cái gì là Kim Cang Nội Công, Kim Cang Thần Công, v…v… người đời nghe danh từ Kim Cang (cương) là loại đá quý bán được nhiều tiền nên tưởng đặt tên là bán chạy, mà quả sách đó cũng bán chạy thiệt. Ở trình độ cao hơn có người trí tuệ xem qua bộ Kinh Kim Cang (tên Ấn Độ Va-j-ra Pra-j-na Paramita Su-tờ-ra, là bộ kinh do ngài A Nan Phật, đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca chép lại lời Phật giảng về cách loại bỏ phiền não một cách cấp tốc để thành Phật) nhận thấy sự hay quý của lời giảng dạy và sự tôn kính của nhiều chúng đệ tử của Phật mới đặt ra một loại phép luyện công gán cho tên Kim Cang. Kết quả sách bán chạy và được lưu truyền, sự luyện có thành công hay không đều chưa ai kiểm chứng nhưng vì tôn kính Phật nên người ta nễ luôn chữ Kim Cang, v…v… đó là trường hợp dựa hơi Phật của bọn buôn thần bán thánh đời nào cũng có rất nhiều. Kỳ dư sách dạy luyện Nội Công của Tổ Sư chắc chắn không có nhiều bộ như thế, nhiều lắm là một bộ. Với sự giác ngộ thành Phật của một vị Tổ Sư (ngài là học trò đời thứ 28 của Phật Tổ Thích Ca đã thành Phật tại Ấn Độ, nói theo võ học, ngài Bồ Đề Đạt Ma là sư điệt đời thứ 28 của Tổ Sư Thích Ca) thì ngài có thể viết một cuốn sách dạy về cách luyện cho thân tâm cường kiện linh mẫn tâm hồn hầu mau tinh tấn trong đường tu luyện giác ngộ chánh đạo thành Phật, sách dạy tu luyện thân tâm đó gọi là Nội Công được chia làm nhiều bậc, lớp tùy theo trình độ trí hóa mỗi người học trò, cái đó gọi là tùy duyên giáo hóa. Có khi nội công ẩn trong quyền thế, có khi trong động tác thể thao dạy cho các kẻ sĩ không thích luyện quyền, và phép tĩnh luyện dùng dạy cho các cao tăng không còn thích vọng động múa máy tay chân…Trong ba giới trên có thể viết riêng rẽ mỗi người một cuốn sách tùy theo sở học của mình, việc này như thể người mù sờ voi, người sờ (rờ) đựng đuôi thì nói lên cái đuôi, chỉ biết có cái đuôi, người khác rờ chân voi chỉ biết được chân, kẻ rờ đụng vòi biết vòi voi…. Rồi theo ý kiến riêng mà biên thành sách để đời. Sau có kẻ thông minh đọc cả ba sách mới tổng hợp, phân tích, v..v… rồi viết ra sách mới, v…v… sách mới ra vô số làm người kém trí hóa đâm ra như kẻ ở chợ lạc vào rừng sâu không khỏi ngơ ngác. Nhưng với người trí lực tất đã có chỗ suy nghĩ, có chỗ thấu lý. Chữ Tùy Duyên Giáo Hóa của Phật là ngọn đuốc cho bậc trí giả thượng thừa. 





Thế thì tới đây chắc học giả cũng giảm phần thắc mắc về lịch sử của môn Nội Công. Những phương pháp luyện không có nhiều, sở dĩ có ba phép là đều chỗ tùy duyên, tùy sở thích năng khiếu của người đệ tử mà bậc thầy dạy cho cách luyện vậy thôi. Cách nào cũng tới chỗ hiểu thấu lẽ đạo, tinh thần linh mẫn thân thể cương kiện… 





Nhưng học giả hỏi thêm là do đâu mà có ba phép luyện đó để ngài Đạt Ma huấn dạy đệ tử thì soạn giả xin thưa: 





- Tất cả ba phép luyện Nội Công đều nằm trong giáo lý của Phật Tổ, tiếng nói đời nay gọi là Phép Tu Thiền Định, nhưng có sự biến hóa một chút xíu để thích nghi duyên, đó là điều mà bậc Giác Ngộ Đạt Ma Tổ Sư đã mở ra một kỷ nguyên mới mẻ trong lãnh vực Thiền Học, cũng do sự sáng tạo tùy duyên đối cảnh đó mà ngài được tôn xưng là vị Thiền Tổ đời thứ nhất hay là vị Sáng Tổ Thiền Tông Trung Hoa trong khi tại Ấn Độ ngài đứng số 28. 





- Dù vậy cho đến nay những môn đồ Thiền Học của Tổ Sư đa số quên hết những giáo lý về Thiền Định cho thành Phật, cũng ít người biết cách luyện Nội Công. Nếu có người biết Thiền Định thì cũng chỉ biết thiền suông chớ không biết cách xài cái Thiền Công (công năng của Thiền định, tức sự kết quả do Thiền định mà có). Người luyện võ cho sự luyện Thiền là môn khác biệt xa vời, kẻ sĩ nhìn về hai phía cũng có chỗ ngờ vực…. cũng đều là ngu si ám chướng che lấp trí tuệ, việc nầy xưa kia Phật gọi là u mê, vô minh che lấp. Trong cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự soạn giả có viết người cao tăng đã đủ quả Thiền định được chỉ sơ yếu lý là thành quả nội công thường thừa, cái lý ấy là đây vậy. Nhưng tiếc thay đời nay ít ai luyện thiền cho đúng sách vở, mà đa số luyện theo sách Yoga tầm bậy bán ngoài chợ nên ai cố luyện đều bị bệnh trầm trọng mà chẳng thành được gì, soạn giả mất công chữa trị cho nhiều người bị trường hợp nầy có nói tới trong các mục trả lời thơ. 





Giờ đây chư học giả và quân tử, trí giả đều đã rõ chỗ tùy duyên của Tổ thì sự luyện nội công không còn chỗ ngi ngờ phân biệt nông cạn như kẻ mù sờ voi. Khi đã sáng trí thì tất biết, biết thì luyện được thành mà không có chỗ thất bại. Hiện nay nhiều vị Tăng Sĩ và Tu Sĩ, Linh Mục xin nghiên cứu nơi soạn giả bí quyết luyện nội công nầy, chắc chắn rồi đây sở học của các vị ấy sẽ tinh tiến không ít. Đạo lành mạnh thể chất linh mẫn tinh thần, sống vui giác ngộ sẽ lan rộng mãi ra không còn là bí truyền, số người chuyên bày vẽ hoang đường vì thiếu hiểu biết phải có dịp suy nghĩ lại. Chắc chắn họ phải suy nghĩ lại vì xưa nay họ nói hoang đường nhiều quá mà tự ngẫm lại bản thân thấy chẳng có thành quả gì ngoài mớ lý thuyết học thuộc lòng trong sách thánh hiền. Đến như tấm thân mang đầy bệnh tật, đau khổ thường xuyên mà cũng không biết làm sao cho được lành mạnh, khổ đầy trong bụng ăn ngủ chẳng vui mà làm sao mơ được lên thiên đàng, niết bàn để thường an lạc, bình an…. Các vị nầy thường thì có tâm cầu tiến nhưng vì không có ai giác ngộ để hướng dẫn nên gặp nẻo cùng đường rồi đâm ra tự lừa mình và thường tự hối, tự trách khi thần trí tịch mịch. Nếu quí vị có đọc qua sách nầy, suy nghĩ kỹ chắc sẽ tìm được lối sáng mà thân thường an vui cực lạc. Thiên đàng tại thế, đắc đạo giữa đời là chỉ cho người sống tại hiện tiền mà thân thường vô bệnh, thần trí thảnh thơi, vui tươi chân chánh. Ai còn câu nệ nầy, khác là chưa biết chỗ thiên đàng…. Dù cho chết đi cũng chẳng thấy được. 





Nói thì dông dài quả thật ra lịch sử môn Nội Công chẳng có gì xa vời huyền bí khó hiểu khó tìm. Nó là sở học bắt nguồn từ môn học Thiền Định của Phật học tại Ấn Độ, do sự sáng kiến tùy duyên của ngài Đạt Ma mà lập ra ba phép truyền dạy cho thiền chúng và cư sĩ ngoại đồ khi ngài trụ trì tại chùa Thiếu Lâm bên Tàu. Khoảng thời gian năm 521 sau Tây Lịch trở đi chưa rõ đích xác là năm nào ngài viết sách, nhưng môn Nội Công do ngài truyền ra là chánh lý. Từ đó về sau nhiều học giả sao chép, sáng tác thêm bớt, mãi cho đến nay hơn 14 thế kỷ rồi. Nhiều bản nội công được bày bán ngoài chợ không chắc chắn là nguyên tác của Tổ Sư, nhưng có thể cũng dùng luyện tập có kết quả được không nhiều thì ít. Có điều có lẽ khó tập luyện cho đặng thành công vì sự sao chép của người đời là những người chưa biết gì về nội công thì không tránh khỏi có chỗ sai trật, tối nghĩa, phải thông minh lắm mới học được các sách đó. 





Riêng sách nầy, cuốn sách do soạn giả biên soạn và quí vị đang cầm trên tay đây mang tên là Nội Công Sơn Đông cũng chắc chắn không phải là chân bổn của Tổ Sư. Có lẽ do một bậc học giả uyên thâm về Võ Học và Đạo Lý Thiền Định sáng tác truyền đời. Mặc dù có nhiều huyền thuyết ám chỉ nầy nọ nhưng soạn giả không tin nên cũng không biên vô đây làm bận mắt học giả và đôi khi còn có người để tâm huyền hoặc có hại cho tư tưởng chánh đạo chánh kiến. Chỉ biết đây là phép luyện Nội Công bằng quyền thế, gọi là động luyện, khác hơn tĩnh luyện của các cao tăng trong chùa, (các Thượng Tọa Đại Đức, tiểu nhỏ nhỏ cũng luyện môn nầy tức động luyện cho có sức khỏe và sự linh hoạt thân thể) dùng huấn luyện cho hạng ham võ tăng tiến thể chất sức mạnh đạt đến kinh người, khi khai hợp quyền thế kình lực phát ra không một đối thủ nào chịu nổi, cọp beo, trâu ngựa mà bị một đòn của bậc đại thánh cũng dập xương, nát ruột, tim, gan, tỳ, phế, v…v… là thứ nội công có sức phá hoại ghê gớm. Chính các võ gia bên Tàu thuở trước rất ham luyện tập môn nầy để biểu diễn trong các đoàn hát dạo bán thuốc mà người mình quen gọi là Sơn Đông Mãi Võ. Ngày nay bên Tàu, kể cả Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Nam Dương quần đảo đều có nhiều võ gia chuyên luyện và truyền bá sâu rộng. Tại Việt Nam mấy chục năm trước cũng có vài vị võ gia nổi danh ngoài Chợ Lớn có sức mạnh vô địch có luyện tập, nay vị ấy qua đời, các dụng cụ được con cháu chất đống coi chơi. Có lần soạn giả ghé thăm cố nhân không khỏi thương tâm phút giây, người hay như thế suốt đời cũng chỉ tạo dựng được một mái nhà trong con hẻm chật chội, chết đi tài năng tiêu tan, còn lại chỉ là tấm ảnh lọng kiếng trên bàn thờ sau bóng đèn điện đỏ lờ mờ… Quí vị võ sư cao niên đọc tới đây chắc động tâm nhớ tới vị bằng hữu tài danh nầy. Còn hiện nay không mấy người nghiên cứu rèn luyện ngoài soạn giả ra, cho nên phương pháp vẫn còn được coi như bí truyền. 





Vì chỗ dễ tập, dễ thành, dễ biểu diễn nên các võ gia thuộc ngành bán thuốc dạo ham mộ trình bày, mà người đời biết đến. Do đó soạn giả lấy tên là Nội Công Sơn Đông cho dễ hiểu, cho đại chúng hóa môn học. Kỳ dư cái tựa không thể đủ mang nội ý của sách, mà sách cũng không mang hết được ý của môn học. 





Nhưng dù sao thì cho tới câu nầy, học giả cũng đã biết được nguồn gốc môn học mà chúng ta sắp nghiên cứu tới một cách không có gì mơ hồ xa cách. Mời quí vị sang mục kế tiếp.

II. AI LÀ NGƯỜI CÓ THỂ LUYỆN NỘI CÔNG





Khác hơn môn nội công tỉnh luyện cần các điều kiện tuyệt đối về tâm trí và sinh lý, v…v… môn Nội Công Sơn Đông nầy ai tập cũng thành công và thành công một cách chắc chắn, mau chóng. Có thể nói đây là môn nội công đại chúng và cấp tốc, thực dụng. Đây là thứ nội công trung đẳng đủ thích nghi cho mọi môn sinh tục gia tuổi từ 15 cho đến cụ già 85, gái trai, thiếu phụ con cái đùm đề, trung niên rượu thịt yến ẩm thường luyện tập môn nầy để có sức mạnh hơn người, nhà sư hổ mang, sư rượu Lỗ Trí Thâm, sư phá giới cùng các bậc tăng sĩ dõng lực đều cũng học phép nầy. 





Sở dĩ ai tập cũng được cũng dễ thành mới truyền bá được rộng rãi, rộng rãi và dễ thì thường không được cao minh. Nhưng ở đây có điều khác hơn sự thường. Đạo lý của môn công phu nầy trong vòng 10 năm luyện tập trở lại không thể có môn khác sánh bì. Mười năm trở lên có thể sút kém hơn nội công chính tông thượng thừa, nhưng thời nay có ai luyện được 10 năm? Còn như luyện tập 3 tháng, một năm thì sức mạnh hiện rõ, lấn lướt người thường, bỏ xa quyền sư chuyên luyện quyền lực dù loại quyền gì cũng không tăng tiến bằng. Soạn giả dám đoán chắc như thế, ai có luyện qua cũng đồng ý như thế, học giả luyện vài tháng cũng thấy đúng như thế. 





Nói qua như thế nghe thật ngọt tai nhưng khi bắt tay vào việc luyện cũng phải tránh bớt vài điều: Chẳng hạn khi rượu thịt no thì không nên luyện tập, giao hoan với phụ nữ một đêm quá ba (3) lần sáng ra không nên luyện tập, thời tiết bất thường sanh bệnh thì không nên luyện tập phải đợi hết rồi một hai ngày sau mới luyện tập (người tập thành, cở sáu tháng trở lên không bị bệnh được dù thời tiết ra sao cũng chẳng sao), con gái trước ngày có kinh kỳ một (1) ngày nghỉ tập cho đến một ngày sau khi dứt kinh mới được tập, đàn bà có chửa tởi tháng thứ sáu thì nghỉ tập, sanh đẻ xong hai tháng sau thì tập được, đặc biệt là đàn bà dù giao hoan 3 lần một đêm sáng ra vẫn tập được, đó cũng là luật bù trừ của tạo hóa đặt để để bù lại những ngày kinh kỳ sanh đẻ của họ. Nhưng khi có chửa đến tháng thứ tư trước khi tập phải dùng tấm vải lớn rộng ba (3) tấc Tây quấn chung quanh bụng làm nhiều lần vừa vặn (đừng chặc quá) rồi mới tập, tập xong mở vải ra đem phơi. Nếu nhà giàu dùng vải lụa mềm êm xông (ủ) trầm để buộc bụng mà tập thì sau sanh con thông minh, mạnh khỏe không có đóng cái gì dơ trên đầu đứa con nít. Nhà nghèo thì phải giặt tấm vải cho sạch sẽ (vải trắng hay màu hồng) phơi khô, chớ để thấm mồ hôi lâu ngày dơ bẩn. Gút đai (tấm vải) để xéo bên hông trái, nếu chửa dạ dưới thì quấn đàng trước thấp sau lưng cao cho miếng vải nâng cái bụng lên hơi hơi đừng để cho thòng. Đàn bà chửa tập phải khoan thai (chậm chậm, nhẹ nhàng) hơn thời còn con gái hay đã sanh rồi. 





- Người già 65 tuổi đến 85 tuổi tập nhẹ như đàn bà chửa.





- Trẻ con 15 đến 20 tuổi tập như thiếu nữ đồng tuổi và đàn bà không có mang.





- Thanh niên 21 đến 45 tuổi tập nặng theo sự tinh tiến.





- Tuổi còn sồn sồn từ 46 đến 64 giảm bớt trọng lượng và lần tập tùy theo sức khỏe tiêu hao.





Người luyện võ và nội công đúng mức tuổi 65 hãy còn sung mạnh như tuổi 40 của người thường nói về các cơ quan sanh lý trong mình, chớ sức đánh đòn thì người thường đang tuổi trai tơ nằm mơ cũng không dám sánh với hàng bô lão, ngay như hạng có luyện tập mà thiếu kinh nghiệm nóng nảy cũng đều bị đòn khi nhảy lăn quăn trước mặt cụ già. Đời nay ít có được cụ già đáng giá như thế vì bảy tám chục năm rồi võ thuật bị bỏ quên phần giặc giả nên cái ăn chưa đủ còn giờ đâu luyện tập, cũng chẳng trách gì. Nhưng nếu người ta biết nghĩ nghèo mà có sức khỏe, sống lâu có phải là vui tươi hơn giàu mà chết yểu, bệnh hoạn như mấy ông tỷ phú đời nay thì tối tối thay vì uống rượu đế, nói dóc, cãi nhau, v…v… người ta tập vài miếng võ có phải đời thêm tươi đẹp không. Trăm sự cũng tại làm biếng, thiếu người dẫn dắt. Nay thì đời đổi khác rồi, dù 7-80 tuổi vẫn còn thích học hỏi thêm, vì người ta biết rằng càng học thì càng thấy đời tươi đẹp, đáng sống đáng yêu, càng học thì tuổi già chạy mất, gần với trẻ, biết vui cái vui tuổi trẻ tức là sống lại tuổi xuân và ngày mai chết cũng sướng rồi đâu có như thuở trước người mới 60 tuổi đã lo làm lễ Lục Tuần rồi sau đó tự coi như mình đã chết, quanh năm suốt tháng ngồi bó gối chờ chết, ăn hại rầy rà làm phiền con cháu, cản trở sự tiến bộ của đám trẻ đang vươn lên. Mấy tháng trước có tin một bô lão 89 tuổi, vị cha già của một dân tộc đông dân nhất thế giới khởi sự học Anh Văn nhằm ngày sinh nhật của ông ta, thay vì ngày đó yến ẩm linh đình… Gạt bỏ màu sắc chánh trị qua một bên ta thấy vị lão thành đó đáng cho thanh niên, bô lão thế giới kính phục cái tinh thần cầu học ấy. Sống mà như thế thì nên sống. 





Hạng đau yếu trầm kha nên tập Hô Hấp (điều tức) theo sách Nội Công Thiếu Lâm Tự. Cơ thể bạc nhược yếu như con gái thì tập như con gái. 





Con nít chưa tới 15 tuổi xương tay còn non lắm không thể tập được, vì cưỡng tập sẽ bị cong xương tay như càng con tôm hay sanh ra cán vá xấu lắm, mất oai phong. Người chân cong càng tôm tay cán vá, hay chân đi chữ bát chàng hảng chê hê, xấp xa xấp xảy hoặc vừa đi vừa nhún nhảy vừa bơi thì không thể là người học võ hay được, cũng không thể có oai. Trong kinh Phật có nói tới 32 tướng tốt của Phật mà chưa nói tới 32 tướng xấu của phàm phu, tưởng các tướng vừa nói tới trên nằm trong tam thập nhị xú tướng. 





Nói là nói như vậy nhưng dù có xấu tướng đến đâu mà chịu khó tập luyện cũng thay đổi tướng lần lần, không tốt như người căn số nhưng cũng hay hơn chính mình rồi vậy. Ai có tướng xấu chớ buồn, rán tu kiếp sau sẽ khá hơn lo gì. 





Soạn giả vui ý viết lung tung học giả theo dõi chắc hơi lan man, nhưng tựu chung soạn giả cốt trình bày các hạng tuổi, hạng người luyện tập được môn học nội công cho đặng đúng sách. Người ta nói làm chánh trị sai lầm làm hại một chế độ, một thế hệ, nhưng viết sách bậy bạ di hại tới mấy mươi thế hệ. Do đó soạn giả tự mình rất đỗi lưu tâm không khi nào dám khinh xuất hay ngẫu hứng nói càn, dù ví dụ vui chơi cũng không thiếu phân lượng cần thiết. 





Điều nầy thiệt tình đã lâu soạn giả vẫn giữ đúng y như thế. Ngay trong việc sống hàng ngày soạn giả vẫn không thể tự lừa mình thì việc bàn luận cùng bằng hữu, chư học giả, soạn giả nhất nhất giữ nguyên đạo lý. Có ai vì chỗ vô tình rổng bụng của soạn giả mà buồn soạn giả thì xin cho biết, soạn giả nhất định sẽ sửa đổi cho đặng như sự mong muốn chánh đáng của mọi người, nhưng phải chánh đáng mới sửa, sửa tầm bậy thì chắc là chẳng sửa đặng đâu. 





Khác hơn thiên hạ ưa bày vẽ điều nầy việc nọ cao minh, chải chuốt lời văn, từng câu từng chữ, soạn giả viết theo sách thường dụng ý, ý soạn giả đúng ý của chư học giả là vui rồi. Từng đoạn từng chương là cuộc bàn luận vừa vui chơi vừa mang lại vài ý kiến bổ khuyết cho học giả nào chưa nghĩ kịp. Do đó chư học giả đọc sách của soạn giả tức là đang nói chuyện chơi với soạn giả đó. Soạn giả suốt đời cũng chỉ muốn vui chơi với học giả để bổ khuyết cho nhau những điều lành mạnh, làm đời sống thật sự có ý nghĩa đáng sống đáng yêu, dù trong cảnh ngộ nào. Soạn giả lòng thảnh thơi nói chuyện thảnh thơi cùng chư học giả thảnh thơi thì mình đều ở chỗ thiên đàng, niết bàn rồi vậy. Võ học là con thuyền (ghe) đưa ta đến chỗ thảnh thơi giống hệt các triết lý tôn giáo lớn trên thế giới chớ chẳng phải quơ múa loạn xạ, đập nhau chảy máu mũi. Động tác đánh đập đá, v…v… chỉ là các động tác bơi thuyền, mà ý, thần tập trung toàn thiện là người ngồi khỏe trên thuyền. Việc luyện thành suốt đời vui tươi lành mạnh hay hóa ra hung ác cũng thể giống như cùng đi trên thuyền mà mỗi người một ý, có đứa định cắt túi ăn cắp tiền người, có đứa định qua sông tìm hại người, v..v… cũng có người ngắm dòng nước chảy, cây xanh in bóng bên bờ lòng phiêu diêu hồn xác thảnh thơi. Người được như thế thì không có gì xấu làm ấn tượng trong tâm, bậc thánh hiền xưa thường được như vậy. Tập luyện võ thuật, nội công ý dẫn khí triền miên vận lực, tâm hồn quên mọi ưu phiền, nghiệp ác, nghiệp tham, nghiệp sân si, v…v… đều bỏ đi tìm người khác mà tá túc. Thường luyện thường quán luyện thì đắc đạo vui tươi giữa đời là như vậy đó. Soạn giả được vui tươi như ngày nay cũng nhờ phép đó. 





Nay nói lại để hậu học có dịp suy gẫm. Xưa nay không khác đạo lý, có khác cách vận dụng biến hóa mà thôi. Khoa học có tiến nhưng tư tưởng đến chỗ cùng tột vui tươi thì hết rồi. Tới chỗ đó khỏi học gì thêm nữa, nói xưa nay cũng vậy thôi là ý như thế. Phật nói trước Phật có Cổ Phật (Phật xưa) đời Phật là Hiện Đại Phật, sau Phật có Tương Lai Phật, cộng lại từ vô thỉ (từ hồi tạo thiên lập địa) có hằng hà sa số Phật (tức Phật đông như cát sông Hằng bên Ấn Độ, nếu ở VN có thể nói Phật đông như cát biển Nha Trang, cát sông Đồng Nai) nghĩa là ai cũng rồi sẽ thành Phật nếu có tu luyện. Trong đạo nội công cũng vậy, ai cũng thành tựu công phu và an nhiên tự tại vui đẹp thảnh thơi trước sau không khác, từ vô thỉ đến đời hậu lai cũng vậy. Chư học giả biết như thế thì còn lo gì việc có tập mà không thành, người buồn khổ lo gì không có ngày vui. Tập đi rồi thấy kết quả hiện ra trước mắt. 



III. THÀNH QUẢ CỦA VIỆC LUYỆN NỘI CÔNG





Cái mộng lớn của mỗi giới trong thiên hạ đều khác nhau, nhưng có chỗ không khác được là khi thành rồi thì thơi thới tấc lòng, hả dạ vui tươi. Sau thời Đế Thuấn, Đế Nghiêu, mộng làm vua khi toại chí thì tấc lòng không được thơi thới chút nào mà còn phải nói quá đỗi khổ sở lo âu là khác, ngành làm giàu cũng chẳng hài lòng khi có của, có của rồi đè lên đầu như núi Ngũ Hành đè Tôn Ngộ Không trong chuyện Tây Du Ký, ăn cơm mà chẳng khác ăn sắt đá, uống nước mà chẳng khác uống dầu hôi… chung qui các hạng cũng tại lòng tham quá nặng, tội nghiệp chất chồng. Xưa nói càng cao danh vọng càng dày gian nan thiệt là đúng lắm thay.





Có điều trong lãnh vực tu rèn thân xác, thần trí thì không có cái kết quả dày gian nan, buồn thê thảm, lo đến đau thần kinh, mà càng cao danh vọng càng giàu vui tươi. Việc nầy trong đời ai cũng thấy, người tu rèn thân tâm đến chỗ đại thành thân thường an lạc mà người đời khi nhìn thấy cũng lây phần hân hoan. Ví như các cao tăng, tu sĩ, võ gia đến hàng danh vọng thì trong lòng lúc nào cũng cười, môi cũng cười, mặt cũng cười. Cả hai phía đạt đến thành mà thân tâm đều khác là tại bởi người tích của ở ngoài kẻ tích của bên trong. Người có bên trong là thật giàu kẻ có bên ngoài là giàu giả. Giả mới khổ. Ở đời giả làm cái gì cũng nơm nớp sợ, làm giả cái gì cũng khổ đến gần, nay đầy tiền mai tay trắng thần trí hoang mang, nay có quyền mai mất chức tủi nhục ngập lòng tức giận tràn hông. Kẻ vô lại (người bại hoại, xấu, ăn hại xã hội, kẻ dữ, hung ác) thường kết bè đảng như chó hoang hợp đàn, chung đường nhưng cắn nhau, giết nhau thân chẳng khỏe, thần chẳng yên. Người mà khổ nhiều hơn vui thì hơn gì giống súc sinh. Tội thay. Tội nghiệp thay. Bể khổ mênh mông. 





Kẻ ngu để tiền bên ngoài, người khôn để tiền trong đầu. Nhân loại đời nay kẻ khôn không ít, cho con ăn học, lớn tuổi tự rèn…. Là cất của trong đầu, của trong đầu không mất, của trong đầu như đèn. Chữ ít đèn lu chữ nhiều đèn tỏ, ánh sáng là nguồn vui tươi. Của bên ngoài như lấy vách vây người, tới khi vách bít thì hết lối, tối tăm. 





Việc võ gia tu học nội công là cùng đạo lý, của trong đó. Người luyện võ khơi khơi đánh đá bậy bạ năm quyền một cước thì chẳng nói chi, vì ví thành quả cũng đấm đá qua loa, đỡ gạt sơ sài gân cốt chẳng mấy chi co dãn. Còn như người ham mộ võ công thật sự, hằng ngày rèn luyện không ngừng thì thân người, gân xương, da thịt, phế phổi, v…v… sao tránh khỏi hư lao. Xe chạy còn mòn bánh, hư máy, dầu hết, sơn phai… con người lao động tránh sao khỏi luật định. Bởi thế có bậc võ gia than dài, tuổi mới 50 mà gối dùn lưng mỏi… Tội nghiệp, ông ta là người chất phát, suốt đời cũng ham luyện võ công nhưng chỉ biết quơ múa sơ sài, nội công không biết, tuổi 50 mà đòn đánh không đau nổi trai tơ. Nếu như thế thì luyện quyền làm chi? Lại có bậc lão thành tuổi gần 80 mà võ gia cao đẳng, lưng gấu vai hùm bị vỗ một chưởng chân đà tê liệt, chịu trận hết đi. Nội công ngoạn mục, chỉ có thành quả nội công mới giữ sức con người trước giờ tắt thở còn đủ đánh một đòn trí mạng. 





Việc ca ngợi thành quả nội công kể ra không xiết (hết), biểu diễn mới lạ hoài hoài tùy nghi biến chế, tùy trình độ thấp cao, tiểu thành hay đại thành. Cái đó gọi là Nhất thành ứng vạn thành, nghĩa là thành tựu một công phu nội công có thể ứng phó với vạn trường hợp đều thành, suy rộng ra là biến hóa tùy nghi, giống như người biết lội (bơi) thì ở dưới nước muốn bơi kiểu nào cũng được, nào bơi ếch, lội bướm, lội sãi, thả ngửa, lặn, v…v… Bởi cái thành nội công đủ biến hóa như thế nên các vị thầy, học giả thành tựu nội công thường bày trò biểu diễn đặt tên đủ kiểu người đời vô học xem qua thấy toát mồ hôi sợ sệt, thoáng nụ cười ngưỡng mộ phục tài… mà ít ai biết đủ trò chung qui có một thành không khác. Khi cỡi được xe đạp rồ bắt qua cỡi xe máy dầu không khó, chỉ thêm mấy động tác vô ga, sang số, rồi tới đi xe hơi (ô-tô) còn khỏe hơn nhiều, thành nội công biến hóa vô lượng là giống như thế. Nhưng nói như thế sao tránh khỏi phiến diện vì cỡi xe, bơi lội, v…v… là các trò đơn giản còn nội công rất đỗi tinh kỳ đặc xảo dày công, nhất cử nhất động đều bao hàm nhiều tình nhiều ý. Phân tách từng chi tiết rất đỗi chi li không hết, nhưng cô đọng tập trung thì nội công hợp được Thân-Tâm duy nhất, người sẽ hóa thần, oai đức, khả năng vô hạn. Do đó người xưa gọi là luyện Thần Công. Thật vậy, chỉ có Thần mới làm nổi những điều người không làm được, có Thánh mới được các đức vị tha và bao dung. Người thành tựu nội công bao gồm các Đức trên nên Thần Thánh không xa người mà đều ở trong lòng phụ trợ, còn quỷ ma (kẻ vô lại với quỷ ma không khác) đều kiêng sợ nên cũng a tòng (theo). Câu xưa Đức trọng Quỷ Thần kinh là chỉ người tu luyện nội công ở mức đại thành. Các bậc danh y cũng đều công nhận vì người thành tựu nội công ngoại tà (ma, loại độc khí) không thể xâm nhập. Người nay hiểu câu trên có chỗ lầm lạc cần sửa lại. Thành tựu nội công thân tâm hợp nhất nên nghĩ tới là động tới, nghĩ cái gì tất được việc đó, ví nghĩ tới chém bể đá bằng cạnh bàn tay là bàn tay đủ lực chém xuống nát đá, nghĩ tới chưởng vỗ bể chum (lu bầu nơi hông) mái (lu lớn bầu nơi hông dùng đựng nước mưa, v…v… còn gọi là Mái vú). Đập nát trái dừa khô, tươi, mũi bàn tay đâm thủng ván, bốc tróc vỏ cây khi nghĩ tới, hàng cao đẳng cho xe cán, búa đánh, dao chem., v…v… đều là dụng ở Ý, vì chỗ hợp nhất vô địch mà tâm vững, tâm định, tâm sáng, tâm bác ái, tâm sanh từ bi thương người ấy là tình. Tình Ý đầy đủ thì không việc gì mà không dễ dàng thông sáng, hạnh phúc… Kết quả thấp của sự luyện nội công là thành tựu Thần Lực, thánh khiết thân tâm, để được mạnh khỏe sức lực vô địch, tránh mọi hư lao, hao mòn tự nhiên của luật trời, phát uy thể lực tới mức tận cùng của con người, tới chỗ Thần. Còn chỗ cao hơn hết trong nội công là tinh thần cô đọng, hợp nhất (định) nên trí hóa cùng mọi năng khiếu phát triển tới mức tối đa, làm việc gì cũng sáng suốt, do sáng suốt mà làm việc gì cũng thành công. Câu Sức khỏe là vàng cũng chỉ để phụ họa, diễn rõ thêm công năng của nội công. Vì thành tựu nội công thì thân tâm mạnh khỏe viên niên, trí hóa minh mẫn trường kỳ thì sự việc tranh đấu trong đời làm ít kết quả nhiều, làm nhiều có lợi vô lượng. Nhưng có điều thành gia nội công vì giác ngộ đạo lý đời nên chỉ để mắt qua loa vài việc rồi ngồi ung dung thảnh thơi vui sống trọn đời. Bởi chỗ đó, cái thiên đàng hằng ngày dùng đủ, là chỗ trẻ mãi không già, tuổi thọ chấm dứt mà hồn nhiên vui tươi. Các mối Đạo, mấy trăm triệu người theo đủ thứ đạo cũng cầu xin được điều đó, nhưng họ quên rằng không thể xin được, mà mình hãy tự giúp mình. 





Nội công dạy tập mà thành, tùy theo căn cơ, năng khiếu tiểu, đại mà thâu đạt kết quả nhỏ lớn, chớ không dạy cách đi ăn mày, há miệng chờ sung rụng hoặc ôm cây đợi thỏ. Bới thế ai học nội công cũng thành mặt mày tươi sáng tự nhiên, thân thể khang kiện thấy rõ, thần thái uy nghi cao thượng khác thường, nghi biểu đường bệ mà dáng cách ung dung, tâm tính trầm ổn, lương trí thuần hậu, khoáng đạt vui vẻ trọn đời. 





Cái thành quả nội công thật thích nghi cho đời sống hàng ngày trong mọi thời đại, mọi giới. Để tu thân, để kinh doanh, để lãnh đạo chỉ huy, làm thầy… thật là một môn khoa học cần ích và cần yếu cho nhân loại vậy. Từ đầu chương đến giờ soạn giả bàn luận về nhiều khía cạnh của sự thành nội công, dù nhiều trang rồi nhưng vẫn chưa hết được vì nội công là hạt kim cương dưới ánh mặt trời, soạn giả chỉ đứng một chỗ nên chỉ nhìn được vài đốm ánh sáng chớp lòe mà không đủ thấy mọi khía cạnh kỳ khu của toàn diện, sau nầy sẽ có bậc siêu phàm khác trình bày ở vị trí cảm quan khác chắc sẽ đặng đầy đủ hơn. 





Trở lại chủ đề cái thành quả của Nội Công Cấp Tốc khi tập cuốn sách nầy thì không cao minh chi cho lắm mà chỉ đủ giúp một võ gia bạc nhược trở thành cường kiện cấp tốc, giúp võ sư có căn bản vượt hàng thượng thừa cấp tốc, v…v… người thường luyện thì đau yếu lặt vặt biến mất, ăn ngon ngủ được, đầu óc minh mẫn thông sáng tự nhiên, thân thể ốm yếu hóa mạnh mẽ, mập phệ, phù thũng hóa ra cân đối tốt đẹp. Thiếu niên (con nít), thiếu nữ, lớn lớn, sồn sồn, già già, đàn bà, đàn ông tập đều tốt lành. Tập rồi sẽ rõ, sự tăng tiến cấp tốc từ thể chất đến tinh thần không thể ca ngợi tôn vinh cho hết được.

IV. SỰ THIẾU SÓT CỦA VÕ THUẬT NGÀY NAY



Đáng ra chẳng nên bàn tới chương nầy làm gì vì ai cũng biết võ thuật ngày nay hẳn là có những thiếu sót trầm trọng về mọi mặt. Mà chẳng phải chỉ có thời buổi nầy mới có sự thiếu sót đáng được nêu ra, ngay từ xưa vẫn chẳng hơn gì. Xưa nay vẫn thiếu sót, chẳng hơn gì nhau, mỗi thời có cái đặc biệt riêng của nó; rồi cứ cái đà thiếu thốn nhỏ nhoi ấy, Xưa bầy nay vẽ. Rốt cục mấy ngàn năm thiếu sót vẫn còn thiếu sót.



Người Việt ta vẫn thường ca ngợi tiền nhân là anh hùng, những bậc tài danh, giòng Tiên Rồng, bốn ngàn năm văn hiến,… kêu thật là kêu, nhưng có lẽ bên Tàu cũng còn dùng chữ kêu hơn. Chữ Rồng ở đây được nhiều thứ dân trên bán đảo Đông Dương nầy dùng, giới buôn bán (con buôn) tại Hồng Kông phân hạng Tàu 7 con rồng, Thái Lan 5 con rồng, Việt Nam 3 con rồng. Như vậy dân chúng quốc tế tại Hồng Kông coi nhẹ dân mình rồi. Sao lại chỉ có 3 con? Hạng bét? Nhưng cũng may thay con rồng đây được hiểu là xạo (gian dối, lưu manh, không đứng đắn, lừa đảo, bất tín). Vậy thời hạng bét hóa ra đỡ hơn, đáng mừng hơn. Thà hạng bét hay chẳng có hạng còn hơn. Nhược tiểu, cái gì cũng nhược tiểu, những tinh hoa xứ sở đã chạy ra nước ngoài hết rồi. Cái xạo của xứ sở ta chỉ có một số nhỏ người bảnh bao thế lực truyền đời đã mang ra ngoại quốc hết rồi, những cái hay họ cũng vô tình mang theo, bị ăn cắp, bị ăn cướp, qua các kỳ bị ngoại nhân xâm chiếm… Thế thì thiếu sót lại càng thiếu sót. May là người mình thấp cổ bé mắt nên chẳng mấy khổ tâm mà vẫn thường an vui giả tạm. Than ôi, con gà bên chảo nước sôi còn gân cổ gáy to, vỗ cánh, búng cựa… Người trí lự thấy thế luống những bùi ngùi, kẻ tu hành nhắm mắt miệng niệm kinh cứu độ. Nam Mô A Di Đà Phật, Cứu Khổ Cứu Nạn…. A Men. Xin Chúa hãy tha tội cho chúng nó vì chúng nó quá ngu dại… 



Rồi cũng chẳng ai làm gì cho lợi nước, giàu nhà, thiếu sót trong mọi lãnh vực vẫn hoàn thiếu sót. 



Về võ học bên Tàu ít ra có 7 môn phái lớn truyền đời từ trên ngàn năm, lan rộng ra tới Ngũ Đại Châu v…v.. Kỹ thuật tuyệt học nhân tài đông như rạ (gốc lúa đã gặt rồi, con nít ở thành thị không biết hỏi cha mẹ cho biết, có đứa tưởng cây lúa như cây cổ thụ trong sở thú hoặc cây me bên đường) như kiến cỏ (loại kiến nhỏ ở dưới gốc cỏ, nhiều lắm), nhờ có đông, có tranh nên nhân tài xuất hiện, nổi bậc nhân tài, sách vở có viết, trường ốc có bày ra… nhiều người thì phải còn tồn tại, còn phát triển. Do đó Tàu xưa mạnh nay cũng hườn mạnh, Việt ta yếu cứ việc yếu. Định luật tiên thiên là như vậy rồi, thiếu sót. 



Nghĩ lại con gà gáy và chảo nước sôi chi xiết đau lòng. Văn hóa mình, võ học mình? Anh hùng, liệt sĩ?! Dân tộc ta nghiêng mình, soạn giả lên liếc mắt nhìn mà rơi lệ? Bao đời rồi ông bà mình học sách Tàu, thi kiểu Tàu, ăn theo Tàu, mặc theo Tàu, phẩm bậc vua quan cứ y như hệt, hết Tàu tới Tây, hết Tây u rồi tới Mỹ… chẳng học cái hay, cái dở ở lại đầy. Tiểu thuyết Tàu, Tân Cổ, văn hóa Tây Mỹ (thứ dở) nhà nước có bài trừ nhưng cứ mọc ra…



Cái hay không ai hỗ trợ, cảnh chiêu hiền đãi sĩ ngày xưa bây giờ không còn. Buôn bán thì được. Ăn thì được. Chơi thì được. Văn hóa bỏ quên. 



Soạn giả đến một cơ quan hỏi mượn một tài liệu để viết cuốn sách thuộc về văn hóa võ học thì giới chức khó dễ đủ điều. Soạn giả viết gần trăm (100) cuốn sách rồi, ít ra cũng có lợi tối thiểu cho nước nhà dân tộc, nhưng người ta vẫn e dè. Soạn giả bỏ cả đời ra sao lục nghiên cứu văn hóa võ công thế giới, học tập rèn luyện đến ốm thân, mỏi gân, rêm xương….để chẳng ích gì? Muốn làm việc ích quốc thì người ngăn cản. Đây là trường hợp nhỏ nhoi, còn biết bao nhiêu trường hợp trọng đại hơn bị đình trệ từ nhiều đời rồi. Văn hóa bốn ngàn năm thiếu sót, thiếu sót đã bốn ngàn năm rồi…. Cầu cho quốc thái dân an. Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát… 



Có ngày nào đó soạn giả đối diện với người lớn nhất nước sẽ nói rõ cảnh tình khó dễ nầy, đố khỏi có người liên miên đọc kinh cứu khổ. Soạn giả vì việc lớn làm như thế chớ tuyệt không vì lợi riêng nên lòng vẫn thảnh thơi. Các vị nên biết cho là nếu các vị cản trở thì soạn giả chẳng những không soạn thêm mà con mang hàng trăm bản thảo ra chỗ công cộng mà đốt thì thử hỏi ai mang tiếng với thế giới. Các vị chớ lo cho cái bụng của soạn giả, vì lâu rồi soạn giả chỉ ăn ngày hai bữa cơm rau, ở chùa cũng được mà ở đình miếu cũng xong một đời mà. Không có sách con cháu quí vị như kẻ bị bịt mắt, người mù lòa, dẫu cho quí vị để lại kho tàng của cải, chúng ăn no mập xác cũng chẳng sướng gì. Mong quí vị thấy việc tệ hại, là tất cả người viết sách nhất tế đốt hết sách, bản thảo chỉ vì quí vị bóp chẹt thì quốc gia nó sẽ ra làm sao? 



Kính chúc quí vị có thẩm quyền sáng suốt. 



Qua một vài khía cạnh nho nhỏ mà soạn giả trình bày như trên nên thuở xa xưa cho đến ngày nay võ học Việt Nam ta (ở VN) chịu một thiếu sót trầm trọng. Soạn giả nhớ mấy mươi năm trước đây, khi mà soạn giả và một vài soạn giả khác chưa viết cuốn nào về bộ môn võ học thì quê hương VN ta thật nghèo nàn. Quí học giả môn sinh cả nước chẳng có tài liệu nào để tìm hiểu để so đo. Giờ đây trong tủ sách võ thuật đã có một số tác phẩm, nhưng vẫn còn thiếu sót rất nhiều, các môn võ mới du nhập thành phong trào, các môn cổ cựu bộc phát, các môn của ông bà xưa mới rụt rịt…nếu không có quốc sách thì rồi cũng mau tàn như chiếc nấm rơm. 



Bên Tây Phương có câu: “Để lại cho con một kho vàng không bằng một cuốn sách”, người ta đã làm như thế và ngày nay quí vị đã thấy địa vị của họ như thế nào trên hoàn cầu và khi họ bước chân đến xứ ta, trong mọi lãnh vực. 



Thư viện càng ngày có nhiều học giả đến, có thêm nhiều sách lành mạnh, có thêm nhiều tác giả mới là thứ ngân hàng giá trị vĩnh cửu; đối với học giả xa phố chợ, sách vẫn là niềm an ủi, nguồn vui sống trong đời. Thế nhưng trong mọi lãnh vực đều thiếu sót, riêng ngành võ thuật lại càng thiếu sót hơn. Giờ đứng trước sự thiếu sót đó người có trách nhiệm phải làm sao, phải làm gì? Hay chỉ đứng thỏng tay chờ, lỏ con mắt ngó, than thở cầu xin? 



Ca ngợi một huyền thoại anh hùng của tổ tiên không bằng bắt tay cầm viên gạch xây một bức tường làm căn nhà nhỏ. Hãy làm căn nhà nhỏ với tất cả nhiệt tâm, hãy hăng say xây dựng một thực tại huy hoàng, dù huy hoàng nhỏ bé. Hãy chớ nhìn quá xa vời một lời hứa hẹn ban ơn. Chớ sợ hãi, và mặc cảm nhược tiểu bằng lời đại ngôn văn hiến, tiên rồng… Thực tế, sung sướng hay đói khổ, mạnh hay yếu, cây có nẩy mầm chăng hay cằn cỗi, tư tưởng ta có phát kiến tân kỳ, có nghiên tập các điều cổ nhân ghi lại… Tất cả những ý ấy làm được là khỏi nói, khỏi gáy VN vẫn có địa vị lắm rồi, dân mình không bị người ta ăn hiếp trên khắp thế giới. 



Soạn giả nghĩ rằng nhà nước phải có một tổ chức đứng đắn để chọn những tác phẩm có ích của các tác giả Việt Nam mà giúp đỡ một cách tận tình trong việc in ra cũng như phổ biến, để làm sống các tài năng và lợi ích quốc dân. Chớ trong tình cảnh tác giả vay tiền Tàu in sách, bị phát hành bóp chẹt v..v…thì tác giả cùn mằn tư tưởng, quốc gia ta rồi con cháu cứ gáy vang 4.000 năm… 5.000 năm văn hiến, con rồng cháu tiên… cũng đều y hệt thuở ban đầu: Thiếu sót. Thê thảm. 



Trước tình thế sách vở thiếu sót thê thảm, soạn giả dù có nhiệt tâm đến đâu cũng chẳng thể đơn côi làm được việc gì, nay viết nên lời nầy không khỏi mất nhiều tâm lực, sự an tâm của việc tịnh tu, thật cũng chỉ vọng tâm muốn cho nhà nước đoái hoài tới những tinh hoa của xứ sở, linh hồn của dân tộc – những người cầm bút (viết) – mà có sự dễ dãi trong việc phát triển tư tưởng của họ. 



Được như thế thì trong tương lai rất gần sẽ giảm bớt sự thiếu sót, nghèo nàn văn hóa, hầu có dịp bình đẳng với thế giới, nhân loại…. Và các bậc kỳ tài, những tâm hồn lớn của dân tộc tránh được sự phí thì giờ đối phó những chi tiết thường thức nhỏ mọn làm giảm tinh thần sáng tác hữu ích cho thế hệ mai sau. 



Đối với giai cấp võ gia, việc luyện tập, nghiên cứu là cần dù hiện nay có thiếu sót sách vở nhưng so với mấy mươi năm trước vẫn còn hơn, vậy cũng chớ nên phiền muộn. Mà nên nhớ việc tập luyện mới thật là điều tối cần thiết. 



Còn chư võ gia, học giả môn sinh của soạn giả chớ vì nghe lời soạn giả đòi đốt trăm cuốn sách tài liệu trân quý đã sưu tầm được….mà buồn phiền hay đâm xao lãng việc rèn luyện cá nhân. Soạn giả sẽ không đốt các tài liệu ấy đâu, nếu có đốt sẽ giữ mấy bản gởi ra ngoại quốc lưu trữ trong các thư viện vĩ đại thì cũng chẳng mất hết được. Học giả nào có điều kiện tham cứu thì soạn giả cho biết tên các thư viện đó không lo gì. Ngày nay văn minh, sự đi lại cũng dễ, có tiền nhiều đi lại càng dễ hơn, nếu không đi được thì thư từ cũng đi lại dễ. Biết là tất có chìa khóa trong tay rồi. 



Soạn giả xin chúc chư học giả, môn sinh thành công và nghiên cứu sâu rộng để góp phần xây dựng xứ sở, làm của hồi môn cho con cháu chúng ta sau nầy.

__________________

Chương 2 




I. MƯỜI KHẨU QUYẾT GHI TÂM 





Mỗi môn nội công đều có tâm pháp riêng biệt, tùy sự cao siêu hay tầm thường, đủ thích hợp với sự diệu dụng các động tác hướng dẫn nguồn lực lượng (khí lực) của châu thân để thi triển (làm cho được) các đòn thế hoặc các động tác trong việc huấn luyện thành công. Nói một cách dễ hiểu hơn là 10 chữ tích chứa các ý nghĩa về sự luyện tập nội công. Muốn tập nội công cần phải nhớ 10 chữ nầy, không nhớ là không thành công. Nhưng nhớ không cũng chưa đủ, mà phải hiểu rõ mỗi chữ ý nghĩa ra làm sao, và khi thi hành đúng như khẩu quyết thì mới có kết quả… 





Trong môn Nội Công Thiết Tuyến (vòng sắt, tập bằng vòng sắt, soạn giả có chỉ cách chế vòng sắt để tập ở Mục Ba, Chương Ba) có 10 khẩu quyết cần được ghi nhớ. Đây cũng là bài học đầu tiên bằng lý thuyết về khoa nội công nầy. Mười chữ khẩu quyết lại chia làm hai hành (hai cách làm) là Thức Hành và Ý Hành. Thức thì làm thành hình thức thấy được qua các động tác tay, chân, hơi thở, v…v… còn Ý thì chỉ tưởng tượng mà không biểu diễn được, nhưng sự điều khiển ý lâu dần làm quen thành hợp với Thức mà hóa ra mỗi động tác diễn tập Nội Công Thiết Tuyến đều bao gồm cả Thức lẫn Ý, nhiều Thức nhiều Ý. Khi đã thuần thục muốn sao thành vậy thì nội công đã thành tựu rồi vậy. Sau đây là 10 khẩu quyết: 





Năm khẩu quyết thấy được: 





1. Tiêu; 2. Câu; 3. Định; 4. Cổ; 5. Trầm. 





Tiêu là đâm, xỉa, ra với mũi bàn tay hay các đầu ngón tay bằng nhiều cách và nhiều chiều hướng khác nhau. 





Câu là các đầu ngón tay chum lại rồi co cổ tay cho mũi các ngón tay chum câu vào phía cổ tay, câu đủ hướng trước sau, trên dưới và ngang. 





Định là đẩy chưởng tới, xuống có gằn và giữ yên. 





Cổ là lấy sức ở ngực điều khiển cánh tay ôm vào hoặc đẩy ra gọi là Cổ Nhập và Cổ Xuất. 





Trầm là dồn sức xuống hai cánh tay đưa ra chưởng nén xuống thảng tay, hai hoặc một cánh tay, mũi bàn tay hướng lên. 





Trên là 5 hình thức thấy được qua cách biểu diễn bằng động tác. Khi luyện tới bài tập chính thì còn thêm nhiều động tác phụ khác không được coi như khẩu quyết. 





Năm khẩu quyết không thấy được: 





Đây là cách vận dụng tâm hợp với ý. 





1. Bách; 2. Nhu; 3. Chế; 4. Cương; 5. Cường. 





Bách là (Ý) nhanh, lẹ cấp kỳ (tùy theo động tác có chỉ rõ trong bài). 





Nhu: Mềm dịu, chậm đều. 





Chế: Biến đổi theo…(để kiềm chế đối thủ). 





Cương: Cứng mạnh, gồng cứng. 





Cường: Mạnh, dụng lực. 





Trên là 5 khẩu quyết hay 5 yếu quyết dùng áp dụng thích nghi với từng động tác bài tập sẽ học tới. Tùy thế mà có sự biến hóa thay đổi khẩu quyết, dụng ý mà điều khiển đôi tay và phát uy toàn bộ nội lực. Khi đã được như ý mà biến hóa thì gọi là thành công. Các ý niệm nầy phải phối hợp với 5 động tác hữu hình trên và các động tác phụ sẽ học sau để tạo nên những động tác liên tục: đẩy ra, ôm vào, trầm xuống, định lại, câu lên, đâm tới, v…v… với tốc độ gấp rút, chậm đều, khi gồng khi buông, lúc mạnh lúc yếu, biến đổi cấp kỳ… hơi thở điều hòa khi hô khi hấp đúng pháp đúng môn, tập lâu thành tựu nội lực không thể đo lường được. Khi thành công mỗi diêu động của quyền chưởng lanh lợi khôn ngoan mà lực phát không cần lấy trớn đánh tới như các quyền thế thông thường. Do đó quyền gia nội công đánh người dễ trúng, trúng dễ mà chịu nổi đòn thật không dễ có người. Ví như thông thường một quyền đánh ngay be sườn đối thủ chưa chắc thọ thượng, nhưng thành gia nội công để bàn tay áp nhẹ trên sườn rồi lắc cạnh bàn tay một cái rụp là sườn gãy lìa rồi. Bởi vậy khi giao đấu với những người già cả, cao niên hoặc những võ gia điềm đạm, tay chân chậm chạp rù rờ như mỏi như mệt, làm biếng cử động thì hẫy coi chừng kẻo hung hăng mà họa vào thân. Ông bà xưa bảo con cháu học võ bệnh chết là có ý rầy bọn trẻ học lóm mấy miếng võ rồi đâm hung hăng gặp người lớn giáo huấn mà khổ thân, chuyện ấy không phải là vô lý. Xưa nay không khác coi đó làm gương. Câu Nghé con không biết sợ cọp là để chỉ hạng trai tơ đời nay đó. Liệu hồn.

* Bài tập thứ nhất luyện thân thủ


Tưởng không cần hướng dẫn phần nầy, vì đa số học giả môn sinh bây giờ đã biết qua các thế tấn cùng các đòn thuộc bộ tay gọi là Thủ Pháp, nhưng để lập lại cũng như giúp người chưa biết võ luyện tập ngay nội công trước khi bắt đầu học quyền nên soạn giả trình bày đủ bộ thân thủ cần thiết cho bài học nội công trong sách nầy. Vì là bài luyện Động Nội Công nên phải có di chuyển, mà di chuyển thì phải biết cách đi cho đúng mới hô hấp đúng, hô hấp đúng thì khí lực thu phát mới vẹn toàn. Biết được như thế thì coi như đi gần phân nửa đoạn đường rồi… 





A/ Ngũ Bộ Tấn: 





Để có đủ chân đứng diễn tập hết bài Nội Công Thiết Tuyến, học giả phải thực hành đúng nguyên tắc 5 thế tấn sau: Lập Bộ, Kỵ Mã, Đinh Bộ, Chảo Mã, Xà Tự Mã Bộ. Học giả phải đứng đúng nguyên tắc từng bộ một, sau biến đổi theo thứ tự từ trên xuống rồi đảo ngược lại, sau hết là tùy nghi từ thế nào biến qua thế nào cũng được. Khi động thì nín hơi, khi tịnh bộ thì hô hấp. 



Lập Bộ: Thân người đứng thẳng, hai tay buông xuôi hai bên hông, đoạn thu tay lên nắm lại thành quyền hai bên hông.






Kỵ Mã Bộ: Hai chân nhảy banh sang hai bên cho hai bàn chân cách nhau một khoảng cách bằng 6 tấc Tây, người to con phải 7 tấc, kế rùn gối xuống, lưng vẫn thẳng, hai chỏ vẫn kẹp sát hai bên nách sau. Mắt nhín thẳng.






Đinh Bộ: Bàn chân phải khép mũi bàn chân vô cho ngay giữa bàn chân trái, uốn gối chân phải cho thẳng lên như cây trụ chịu vách tường sắp đổ vậy, hông cũng xoay theo với bàn chân khép, mắt nhìn về hướng trái.






Chảo Mã Bộ: Bàn chân phải mở mũi về bên phải trong khi hông xoay theo về bên phải, đồng thời chân phải rút về gần chân trái bằng một vai và chân phải co lên chỉ có mũi bàn chân chạm mặt đất.






Xà Từ Mã Bộ: Đặt bàn chân phải xuống và mũi bàn chân xoay qua cho hai bàn chân song song nhau, đoạn chân trái bước qua trước chân phải và đặt bên kia chân phải, hai chân tréo nhau.









Tập đủ bộ rồi đặt chân trái về vị trí sát bàn chân phải, hai bàn chân khít nhau, thân thẳng đứng là thế Lập Bộ Tấn như ban đầu. Để sau đó tập lại 1 – 2 – 3 – 4 – 5. Và khi nào thành thục liền tập nghịch lại.

__________________

B/ Thập Bát Thế Thủ Tụ Lực: 





Thập Bát Thế Thủ Tụ Lực là 18 thế diễn tập căn bản để biết cách phát huy sức lực trong người sẵn có vào các bộ phận theo ý muốn hầu có ứng dụng lợi ích tối đa khi muốn sử dụng đòn thế áp chế đối phương khi dụng võ. Thông thường một người luyện thuần thục một vài bài quyền cũng có đôi chút sức lực khi khởi động quyền thế, nhưng nói là có đủ sức hạ thủ trong một đòn thì chuyện đó ít có được, ngay như các võ gia, võ sư ngày nay khi muốn đánh bại đối phương còn phải tháo mồ hôi và tốn nhiều thì giờ… (coi võ đài thì biết). Đối với các hạng, môn võ khác cũng không khác gì, ngày nay ít ai luyện nội công, một sức mạnh tiềm ẩn trong người, nên khi lâm trận tốn nhiều đòn nhiều thế, người xưa không luyện quyền suông như ngày nay. Cái ngày nay nầy dùng chỉ các nước nhược tiểu vùng Đông Nam Á, Mên, Mọi Thái Lan, Lào, Việt Nam, v…v… chớ người Nhật Bổn đã biết áp dụng phương pháp luyện nội công sơ đẳng trong cách phình bụng cho đối thủ vô đòn ngay từ khi học đòn thế thứ nhất, nên dù nội công người Nhật Nhỉ Man không cao thâm cho lắm nhưng Nhu Đạo (tại Nhật) mà lên tới 7-8 đẳng rất là đáng ngại. Các nước nhỏ nhỏ thiếu uy tín dù có mang đẳng cấp nào, tước hiệu gì cũng chỉ là vẽ bùa cho nhau đeo hưởng chút danh dự địa phương mà thôi. Đường có đi mới biết. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ra nước ngoài mới thấy người ta luyện tập mà ham, mà tủi cho thân phận mình. Mọi lãnh vực, nói hoài không hết… sách nầy in ra, ngày mai kia hy vọng có nhiều nhân tài phát hiện trong lớp thiếu niên văn võ song toàn mới mong nở mặt nở mày với các nước tiền tiến. Soạn giả viết tới đây cảm thấy buồn quá vì nghĩ rằng ông bà mình hồi xưa hay quá, số một trong Bách Việt khi còn ở bên Tàu, sau di dân tới Việt Nam cũng còn uy tín võ công hàng ngàn năm: nào đánh bại nhà Hán, nhà Thanh, nhà Minh, quân Hung Nô Mông Cổ, các nước phên dậu Mên, Mọi Thái Lan, Lào v…v… phải chầu hầu triều cống cây chuối Sứ, con voi bằng đồng trong sở thú là chứng tích còn lại. Thế mà bây giờ cái gì cũng còn lu mờ cũng thua sút người ta. Có những thằng mọi ông bà nó ngày xưa quì gối tung hô ông bà mình mà giờ nầy chúng cũng oai hơn mình, phương tiện hơn mình… 





Võ công là phương tiện rèn đúc chí khí của người nam tử, trượng phu, kẻ sĩ, văn công là phương tiện mở mang trí hóa, tài thao lược trị bình, v…v… nếu người thanh niên không chịu học luyện thì biết bao giờ mới giữ được tiếng thơm danh dự của tổ tiên mình vốn là giống tinh hoa nhất hồi xưa (sách sử bên Tàu cũng ghi chép như vậy). Tới đây soạn giả xin quí vị võ sư vui lòng nghĩ ngợi chút ít, xa xăm… để huấn luyện cho em cháu của mình ngoài các miếng võ cường thân, thêm được đôi phần tư tưởng lành mạnh hầu sau nầy chúng có dịp phụng sự nước nhà cho đặng đắc lực tao nên vẻ vang xứ sở. Có như thế tiếng thơm của quí vị không nhỏ. 





Đời mình lớn tuổi rồi, đã hỏng, thì cố gắng đào tạo cho học trò tài giỏi hơn mình thời hậu lai mới có sự ghi ơn rạng rỡ. Chớ nên tự mãn với vốn hiểu biết sơ sài, địa phương rồi cứ ngồi bó gối cười đời tự mãn trong gian nhà lá vách đất của mình, hoặc ấm ức cứ nhè hạ, dìm lũ trẻ con cháu đương lên. Người phu xích lô có con cho ăn học thành luật sư (hồi xưa gọi là Quan Trạng Sư), bà bán chè đậu đen, bán cá, rau hàng bông ngoài chợ nuôi con cho ăn học đậu bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, cử nhân (nhơn), tiến sĩ, người nông dân (làm ruộng rẫy) cho con ăn học tới nơi tới chốn làm thầy người ta ngày nay là chuyện ai cũng thấy. Đó là điều đáng ca ngợi. Con sãi sẽ hết quét lá đa. Nước sẽ tiến…. Các vị võ gia quân tử biết nâng đỡ phát triển học trò của mình cho được thành tài thì mới là một ông thầy biết tự trọng, là một ông thầy đáng được ca ngợi, chết mới nhắm mắt. 





Trở về với bài học…. 18 thế căn bản làm thành một bài diễn tập liên tục ngừng nghỉ đều theo phép tắc, hít thở cũng có nhịp điệu cho hòa hợp với các động tác hầu có mang lại kết quả mong muốn, tạo dựng một sức mạnh tối đa. Bài tập theo nguyên tắc vận động (đòn đang diễn) thì hô hấp, đòn ngưng thì hơi ngưng. Nói rõ ràng cho đặng dễ hiểu thì hễ đòn phát ra (lưu ra), tức trong ý muốn đánh, đỡ thì Hấp tức là hít hơi từ từ vào theo tay lưu ra tới chỗ tay phải dừng lại thì ngưng hơi, và khi tay thu về bên hông hoặc hậu thân, tức động tác thu tay về để làm động tác khác thì Hô tức thở ra từ từ, khi tay về tới chỗ thì hơi vừa cạn trong phổi. Kế lại lưu ra hơi được hít vào… hít vào thì trầm hơi xuống bụng dưới (dưới rún), thở ra thì thóp bụng chút xíu cho uế khí ra nhiều, đồng thời ngực cũng thóp. Tập lâu thành quen làm rất dễ. Hễ hai tay cùng vận động ra trước ra sau thì khí để bình (phân nửa) trong bụng, mũi miệng ngậm kín. Các động tác khác đã chỉ rõ trong bài. Điều nên nhớ là khi vận động đòn thế tới đây hơi thở phải đúng như sách dạy và sức vận (tưởng tượng) tập trung tại đó. Nhờ có vòng động nặng nên vận sức dễ dàng. Khi đã vận động đúng nguyên tắc, sức muốn tới đã tới, từ vai, chỏ, cánh tay trong, tay ngoài, cườm tay, cổ tay, khuỷu tay, gang bàn tay, cạnh bàn tay, mũi bàn tay, toàn cánh tay, v…v… thì gọi là kết quả. 





Nếu nói phương pháp nầy dùng luyện Khí Công cũng đúng, nhưng người đời hay mơ hồ, bậc sơ căn chưa lãnh hội ý Đạo Võ hay hiểu tầm bậy lời giảng dạy của bậc thầy nên soạn giả khỏi nói dài dòng, luận cứ phân tách, v…v… mà nói là dồn sức nội công tới chỗ muốn tập, nhờ vòng đồng làm nặng chỗ đó tùy động tác tay chúc xuống, bật lên, dang ra,….mà sức lực trong người được vận động đối phó thích ứng. Sư nín hơi tưởng (tập trung tư tưởng) vào động tác là vận khí đó. Tập quen khi nghĩ tới thì sức đã tới, đánh trúng thì thọ thương liền, cái đó thành quen không còn tưởng tượng lâu lắc gì, ví như ăn cơm, đũa gắp theo ý muốn, cá, thịt, đậu, khoai, rau, dưa v…v… trăm gắp trăm trúng không miếng nào trật, đũa đưa miệng hả, hàm nhai cổ nuốt, bao tử tiêu hóa nào ai có để ý vận động gì. Đó là nhờ quen rồi, Nội Công nầy phép tắc cũng như ăn cơm rất dễ hiểu, dễ làm. Soạn giả nói chỉ có người mất trí thì mới không luyện được nội công nầy mà thôi, kỳ dư ai cũng luyện thành, mà luyện thành mau chóng, vì ai cũng biết ăn cơm, gắp đồ ăn thiệt lẹ. 





Gắp cao lương mỹ vị lẹ làng thì gắp Nội Công cũng phải được như vậy. Học giả thử gắp coi. Nếu có sự chậm chạp thì vị tất phải lo vì chưa quen đũa đó thôi, đũa bằng xương, ngà trơn láng nên mới trơn tuột khó gắp, gắp vài lần quen tay. Ai cũng vậy đừng mắc cở, cái bụng mình mới chính là nguồn hạnh phúc chân chính của mình. 





Khởi đầu thực hành món cao lương 18 vị xem sao; Mời:





LẬP BỘ




Hai chân đứng thẳng, bàn chân khít nhau, thân thẳng, hai nắm tay thu về hai bên hông.



SONG ĐỊNH CHƯỞNG:







Động tác: Chân trái bỏ sang trái xuống tấn Kỵ Mã, song quyền từ từ xoay vào trong cho úp xuống rồi từ từ đẩy song tới đồng thời mở nắm tay ra thành song chưởng dựng đứng. Mũi hít từ từ theo chưởng đẩy ra tới khi hai tay thẳng thì phổi đã đầy hơi. 





(Xem hình 8) 




PHÂN THỦY CHƯỞNG:


Động tác: Tiếp theo thức thứ nhất…. 





Song chưởng từ từ đưa tréo qua, chưởng trái trong chưởng phải ngoài rồi hít hơi vào đè song chưởng xuống trước hạ bộ, xong gạt ra hai bên, đoạn thở ra bằng miệng. Xem hình 9. Tấn bộ xuống thấp, cằm cúi xuống. 





YẾU LÝ: Động tác đua tréo chưởng là thở ra, kế hít vào đè xuống trước hạ bộ, banh hai tay ra cũng còn hơi hít vào vận khí xuống bụng dưới, tới khi thu tay vào mới thở ra bằng miệng… trước khi bắt đầu động tác thứ ba, hay thức thứ ba. Ban đầu mới tập tập một vòng đồng mỗi tay sau tăng dần trọng lượng tới mỗi tay 4 – 5 vòng là đã tới hàng cao đẳng rồi. Ở trình độ thượng đẳng như trong hình, (9 vòng mỗi vòng 2 ký 2) thì mỗi tay mang một trọng lượng tới 20 ký lô coi như không thể tiến bộ hơn được nữa vì cánh tay đã đầy vòng rồi. Quan trọng là ở chỗ các vòng linh động gây chấn động trên tay, vòng như quả cân trên cây cân đòn. Các võ sư giỏi bên Hồng Kông hiện nay chỉ tập mỗi tay 4 vòng. 








TẢ ĐỊNH CHƯỞNG:





Động tác: Song chưởng xoay vào trong cho chưởng tâm (lòng bàn tay) ngửa lên trời rồi thu về hai bên hông đồng thời nắm lại thành quyền và thở ra từ từ bằng miệng như thổi hơi. Kế chưởng trái từ quyền biến ra đẩy thẳng tới ngang vai, đẩy chậm chậm, miệng ngậm, mũi hít vào từ từ… chân không đổi tấn. Xem hình 10. 








HỮU ĐỊNH CHƯỞNG:





Động tác: Chưởng trái xoay ra phía ngoài trong khi cánh tay không di động, chỉ vận dụng cổ, tay, đến khi bàn tay ngửa lên thì thở ra trong lúc rút chưởng từ từ về biến thành quyền bên hông chưởng phải đẩy ra, mũi hít vào… Hình 11. Khi động tác tới đích dừng lại một thời gian vài giây đồng hố trước khi thu về hoặc diễn tiếp động tác kế. 








BỔNG CHƯỞNG:


Động tác: Chưởng phải xoay ra ngoài rồi đưa vòng xuống trước hạ bộ, lật ngửa chưởng tâm lên, trong lúc chưởng trái từ quyền biến thành chưởng từ hông trái đưa ra trước xoay lên cho chưởng tâm hướng lên rồi cả hai chưởng đồng nâng lên, co chỏ, cúi cằm vận lực tụ khí đầy bụng. Tấn bộ cũng nhón lên từ từ, tưởng tượng như hai tay nâng bao gạo lên vậy. Xem hình 12. Hai cánh tay song song nhau và song song với mặt đất. 








ĐƠN CỔ CHƯỞNG (Hữu):





Động tác: Chưởng trái nắm lại thành quyền từ từ thu vào bên hông, thở ra, kế hít vào, chưởng phải co nơi chỏ gạt vào trước ngực. Mắt nhìn xuống cổ tay. Hình 13. 








ĐƠN CỔ CHƯỞNG (Tả):





Động tác:… Chưởng phải gạt từ từ cho về vị trí thẳng ra rồi thu về bên hông phải nắm lại thành quyền, thở ra. Kế chưởng trái từ quyền mở ra đưa thẳng tới ôm ngang vào trước ngực vừa hít vào. Hình 14. 








SONG CỔ CHƯỞNG:



Động tác:… Xoay cổ tay trái đẩy chưởng ra thẳng cánh tay rồi thu về bên hông trái biến thành quyền, thở ra. Kế song quyền biến thành song chưởng xoay ngược xuống đẩy từ trong ra, chưởng tâm chiếu tới, hai mũi bàn tay giao nhau, lưng hai bàn tay chiếu vào trước ngực (gọi là Cổ xuất tức đẩy ra), kế xoay cho lòng bàn tay úp vào phía ngực đoạn từ từ kéo chưởng vào, hít hơi vào. Tưởng tượng đang ôm chặt cái lu lớn vừa nặng lại vừa trơn… Hình 15. Cuối cùng thở ra. 








ĐƠN TRẦM CHƯỞNG (Hữu):





Động tác: Xoay người qua bên trái chân chuyển thành tấn Chảo Mã chân trái trước, chưởng trái biến thành quyền thu về bên hông trái chưởng phải xoay úp lòng chưởng xuống đẩy xuống mặt đất trước gối trái, trong lúc hít hơi đầy bụng dưới… Hình 16. 








ĐƠN CHƯỞNG (Tả): 





Động tác:… Chuyển thành Chảo Mã Tấn chân phải trước về bên phải, loa tròn cổ tay phải thu chưởng thành quyền về bên hông phải, thở ra. Kế chưởng trái từ quyền trái biến thành bên hông trái đẩy xuống bên gối phải, hít đầy hơi, mắt nhìn theo… Hình 17. 





YẾU LÝ: Động tác Song Cổ Xuất và Nhập làm đều tay và hơi thở cũng giữ đều đặn, đẩy ra và ôm vào sức treo ở cổ tay giữ cho thăng bằng không lay động. Trầm chưởng tả hữu. Chuyển tấn từ từ, chân tới hướng nào thì chưởng chiếu hướng nấy không chút chậm trễ hay gián đoạn thở, hít. Làm được như thế thì đúng yếu lý của bài tập rồi vậy. 








SONG TRẦM CHƯỞNG:



Động tác:…. Xoay hông chuyển thành Kỵ Mã Tấn như trước, đồng thời chưởng trái thu về bên hông trái, thở ra. Kế song quyền từ hai bên hông biến thành song chưởng đẩy xuống trước hai gối, tay thẳng, chưởng tâm song chưởng úp xuống mặt đất, hít vào, mắt nhìn theo giữa hai chưởng, khí trầm xuống bụng dưới, cằm cúi xuống, lực tụ nơi hai gốc bàn tay (Chưởng căn). Hình 18. 








GIAO TRẦM CHƯỞNG:





Động tác:… xoay cổ tay cho song chưởng giao nhau vào trước hạ bộ, chưởng trái trên phải dưới, hơi co tay nơi chỏ, kế đẩy thẳng cánh tay mà hai chưởng vẫn chồng lên nhau, sức tụ nơi bên ngoài hai cánh tay. Đẩy ra thì hít vào, buông lỏng thì thở ra. Mắt nhìn trên lưng hai bàn tay. Hình 19. 








LUÂN CHƯỞNG TRẦM THIÊN ĐỊA:



Động tác 1: Chưởng phải xoay úp lòng chưởng xuống mặt đất, kế đưa sang phải xuyên vòng lên khi tới ngang đầu thì lật ngửa lòng chưởng lên trời, đâm mũi chưởng về bên trái, trong lúc chưởng trái vẫn để ở vị trí cũ. Lúc tay xuyên đi thì hít hơi vào, tới nơi thở ra. Hình 20. 





CHÚ Ý: Lực lượng tập trung nơi cổ tay, treo lên như đòn cân và trái cân, bàn tay dưới phải xòe ra cho các vòng khỏi rơi khỏi tay. Mắt phân ra nhìn trên dưới. 







Động tác 2: Chưởng trái xoay ngửa lên rồi đưa ra bên trái đoạn xuyên vòng lên đỉnh đầu, lên tới ngang đầu thì xoay ngửa chưởng tâm lên trời rồi mới đẩy mũi chưởng sang bên phải. Trong lúc chưởng phải lăn cổ tay (xoay cổ tay) vừa gặt xuống trước mặt theo chiều thẳng đứng rồi đẩy chưởng xuống trước hạ bộ. Hình 21 và 22. 





Động tác 3: Kế, lại xuyên chưởng phải lên như động tác 1, chưởng trái gạt xuống rồi đẩy xuống trước hạ bộ như động tác hai… hình 23. 





YẾU LÝ: Thức nầy luân đảo bốn lần, tức mỗi tay hai lần xuyên lên và hai lần đẩy xuống. Khi trên đường đi chưa hoàn tất thì hít hơi vào, khi tới tử điểm (đích) thì thở ra. Trọng lực trên hai cánh treo lúc nào cũng như cây cầu treo, vòng đồng xoay tròn quanh cổ tay tạo những va chạm nhẹ nhưng chấn động phần cổ tay ngoài. Do đó ngoài phần tạo sức treo của đôi tay, mạnh gang bàn tay, còn làm cứng cổ tay ngoài cùng cánh tay ngoài làm sự va chạm khi đấu luyện hoặc chiến đấu rất tốt đẹp. Các môn võ khác không có cách nào luyện cho tốt hơn, dù luyện với các trụ tập vẫn không thể đều hơn và hợp lý hơn phương pháp nầy. 





Có người luyện nội công nầy nhiều năm mà chưa có dịp giao đấu với ai, ngày kia vô tình chạm trán với đối thủ, qua một đòn đỡ của nội gia, đấu thủ bỏ ngang cuộc đấu vì bị hư tay, ông ta nói lại với soạn giả điều nầy coi như một việc lạ, nhưng soạn giả đã giảng rõ cho ông… chẳng có chi là lạ cả. Còn về sức mạnh của gang bàn tay, ngay soạn giả vào một chiều nọ đưa tay cho một quan viên trong Tòa Đại Sứ ngoại quốc bắt trong dịp gặp gỡ… ông ta tỏ vẻ nhiệt tình nên cố bắt mạnh, nồng nhiệt, soạn giả phản ứng tự nhiên tăng thêm ba phần cân lực mà chẳng hề bóp bàn tay lại. Nhưng sau đó vị quan viên bị sưng bàn tay và rêu rao rằng soạn giả chơi khâm…. Thật tình soạn giả chẳng hề có ý ti tiện như thế. Việc nầy có một võ gia biết chớ chẳng phải bày đặt vui chơi. 





Ngay việc vô tình như thế mà người đời còn chưa hiểu tìm chuyện phao vu thì nghĩ làm sao có sự thông cảm với nhau ở trình độ thấp hơn trong nhơn loại. Than ôi là than ôi. Soạn giả tôi đôi khi đành ngửa cổ cười dài. Đời xưa, đời nay, đời sau, đời sau nữa mấy người hiểu được nhau để tạo nên hòa khí xây dựng cuộc hòa bình…. 








SONG CHƯỞNG KHAI MÔN:


Động tác:… Như hình 22, thu hai tay về hai bên hông, rồi từ hông quyền biến thành chưởng, xuyên thẳng lên trước mặt, vừa hít vào như hình 24, kế xoay cổ tay cho chưởng tâm xoay ra phía ngoài, đoạn gạt băng sang hai bên phải – trái, lực tự hai vai, hơi chứa ở ngực trên. Mắt nhìn thẳng tới trước. Hình 25. Thở ra. 








TẢ HỮU ĐƠN PHÁCH CHƯỞNG:

Động tác 1:…. Thu tay trái về bên hông trái, tay phải co vào ngang mang tai, lòng bàn tay ngửa lên trời. Hình 26. 





Động tác 2:… Chưởng phải vỗ bằng ngang xuống ngang vai, vỗ chậm chậm và giữ treo trọng lượng trong vài giây đồng hồ mới chuyển sang động tác khác… Mắt nhìn theo tay vỗ, hơi giữ đầy ngực. Hình 27. 





Động tác 3: Đưa tay phải xuống hông phải, trong lúc co chưởng trái lên ngang mang tai, bàn tay úp xuống phía vai. Hình 28 – Mắt quay nhìn sang hướng trái. 





Động tác 4: Tay trái vỗ lưng bàn tay xuống thẳng ngang vai lòng bàn tay ngữa lên trời, tay thẳng. Mắt nhìn lòng bàn tay. Hình 29. 





YẾU LÝ: Từ thức Song Chưởng Khai Môn đến thức Tả Hữu Phách Chưởng, hai tay liên động (động tác liên tục) như một sợi dây, luồn lỏi, uốn nắn cho thật khéo léo. Giữ treo tay ngang bằng, từ từ uyển chuyển không nên làm mau. Hơi thở nhịp nhàng nhẹ và đầy theo từng cử động. Thức Khai Môn chú trọng luyện lực cánh tay trong và phần vai, đến thức Phách thì cả cánh tay phải chịu đựng trọng lực kéo xuống chẳng khác cây cầu, cùi chỏ là chỗ nặng nề nhất, vai tụ lực như chỗ tiếp giáp của cây và nhánh. Hơi không giữ đầy trong phổi và bụng thì thức nầy coi như chưa đúng yếu lý. Đặc biệt thức nầy tay không đặt bên hông mà hơi buông xuống để cân bằng cơ thể. Phần trọng lượng lưu giữ ngay cổ tay lên đến 20 ký lô như thế thì khi dụng võ, phất trái xuống đỉnh đầu đối phương khi hắn tọa thấp bộ để hở thượng đỉnh, thì đỉnh đầu hắn sẽ dập nát rồi. Khi luyện thành tựu sức mạnh vượt bực, học giả chớ bạ đâu thử đó vô tình gây nhiều phiền toái có hại cho đường giao thiệp hàng ngày. Ngay như soạn giả là người khoáng đạt chẳng thường để ý tiểu tâm thế mà vẫn bị người đời hiểu lầm như thế huống hồ. Người đời ngoại giao hay nghi kỵ lắm thay. 








TẢ HỮU KHẤU THỦ:

Động tác 1:… Thu chưởng trái về bên hông trái nắm lại thành quyền, quyền phải đấm móc ngửa tới trước. Đấm cũng từ từ thôi. Mắt nhìn theo đòn đấm tay phải. Hình 30. 





Động tác 2:… Thở ra, thu quyền phải về, quyền trái móc tới, hít vào. Đánh chậm chậm mà thôi. Lúc đánh hơi nghiêng vai tới. Hình 31. 





YẾU LÝ: Đánh tới thì nghiêng vai tới, cánh tay trong kẹp sát nách, cánh tay ngoài ngửa lên và ngang bằng với mặt đất. Hơi dồn đẩy xuống bụng dưới, mắt nhìn theo tay quyền, nắm tay nắm thật chặc. 








TẢ HỮU XUYÊN THỦ:





Động tác 1:… Quyền trái xoay cổ tay xuống đất, mở chưởng ra đưa xéo lên về hướng trái, quyền phải từ hông đâm xéo lên trên cổ tay trái. Mắt nhìn thẳng tới ngang bằng. Động thì hít vào, ngưng thở ra. Kế hai tay đều từ từ rút về hai bên hông. Hình 32. 





Động tác 2:… Cả hai tay đều rút về bên hông rồi kế tiếp quyền phải đưa lên xéo qua trái, quyền trái đấm xiên lên trên cổ tay phải, gọi là Tả Xuyên Thủ. Thở hít theo phương pháp đã học ở trên. Hình 33. 








TẢ HỮU CƯƠNG ĐAO TRẢM CHÁNH DIỆN:



Động tác 1:… Tiếp theo động tác trên, quyền trái thu về bên hông trái, quyền phải biến thành cương đao chém đứng cánh tay tới, cùi chỏ tạo góc 90 độ thì dừng, vai phải nghiêng tới hướng chém, chân phải chuyển theo vai nghiêng về trước mà không phải đổi tấn. Hình 34. 





Động tác 2:… Chưởng phải nắm lại thành quyền thu về bên hông phải thở ra, quyền trái mở ra thành chưởng xuyên xéo lên hướng bên phải vai rồi chém cắt ra, vai nghiêng tới theo bộ xoay của chân trái trong lúc hít khí vào đầy bụng. Mắt nhìn theo tay chém ra. Hình 35. 





YẾU LÝ: Hai động tác Xuyên Thủ, hai tay quyền đấm ra và rút về phải thực hiện đều đều tốc độ, hết tay phải rồi tới tay trái không cho đứt quãng, hơi thở không dứt trong phổi, phần dưới bụng phải tụ khí cho đầy. Tả Hữu Cương Đao, phải làm liền theo động tác trước cánh tay Xuyên Thủ, chém tới phải nghiêng vai tới, hông xoay theo mà chân ứng phó liền. Như thế thì chẳng những bàn tay chém mà cả thân mình hỗ trợ, đổ dồn lực lượng tới trên bàn tay, coi như cả sức nặng thân người dồn lên cạnh bàn tay vậy. Tay phải chém xong liền theo như sợi dây dùn (không thẳng) tay trái xiên lên chém ra. Chém thì vai nghiêng theo tức thời, vai tay, thân eo và chân như liền một khối chớ không phải chỉ có bàn tay bổ ra mà thôi đâu. Nếu phải ví dụ cho dễ hiểu thì giốg như động tác ấn lò xo, hễ tay ấn lò xo vừa buông ra thì lò xo theo liền với tay. Thì ở đây, tay trước làm xong liền theo tay sau không cho có thời gian cách biệt mà động tác phải đều đều không được cà giựt cà giựt, hơi thở cũng đều. 








TẢ HỮU LONG TRẢO THỦ:



Động tác 1:…. Tiếp theo trên, cương đao trái nắm lại thành quyền thu về bên trái, thở ra thì liền theo, quyền phải từ hông phải mở ra thành trảo (móng rồng trong nghề võ ưa dùng móng rồng, móng cọp, móng chim ưng và các loài có bộ móng khéo léo mạnh mẽ nhất) rồi xoay cổ tay vừa đưa lên ngang mặt chụp tới, cánh tay đứng thẳng (không chụp thẳng). Hình 36. 





Động tác 2: Long Trảo phải thu về bên hông phải thì liền theo Long Trảo trái đưa lên chụp tới….Hình 37. 





YẾU LÝ: Động tác 1 và 2 Long Trảo có thể giữ nguyên bộ tấn Kỵ Mã hoặc có thể di động biến hóa như trên thức cương đao, nghĩa là khi trảo bấu tới thì vai nghiêng theo, hông xoay, chân chuyển tới… Cách nào cũng được, miễn thở hút cho đúng, đòn thế ra liên miên tròn gọn là được. Khi tập mà thấy tay lưu ra có chỗ ngập ngừng (sượng) là không đúng rồi cần luyện lại chỗ đó. Đến khi toàn bài đánh ra một mạch không vấp không quên thì coi như thuộc rồi. Khi thuộc thì thường xuyên luyện tập, ý tứ tập trung tìm hiểu từng cái chuyển động của chân tay. Khi thấu đáo lý của toàn bài là thành công rồi, có thể đứng ra dạy lại cho người khác. 








SONG CHỈ TIÊU THỦ:





Động tác:…. Thu Long Trảo trái về hông trái, trảo phải biến thành song chỉ (co các ngón lại chừa hai ngón trỏ và giữa chỉa ra như hình chữ V) xuyên lên phía vai trái, tới ngang vai thì xoay cổ tay ra ngoài đâm song chỉ thẳng ra như hình 38-39. 








SONG SUẤT THỦ (Thác Thiên Phách Thủ)




Động tác:… Song chỉ phải thu lại thành quyền rồi cùng với quyền trái đưa ra sau như hình 40, quyền tâm (lòng nắm tay) ngửa lên trời. Kế đập tới trước vừa xoay cổ tay cho đến khi xuống tới ngang vai thì lưng nắm tay chiếu xuống đất. Hai cánh tay song song nhau. Hình 41. 





YẾU LÝ: Khác hơn các động tác trước, riêng động tác nầy cố súc tích lực treo ở cườm tay, nên khi đập (suất) hai nắm tay xuống thì đập nhanh và dừng mau chính xác. Khi dừng thì dừng liền tay không rung động. Kịp đến lúc mở bàn tay ra thì lấy gân mà mở từ từ chớ không phải mở đại một cách hời hợt mà được. Nói cho dễ hiểu hơn là khi mở bàn tay ra thì gồng các ngón tay, nói theo võ nghệ thì khi mở các ngón ra phải tụ lực. Hơi thở đã bế từ trước giữ đầy trong bụng không khinh mà cũng không trầm, miệng ngậm chặc, mũi nín kín không cho thoát hơi ra. Ở độ tập thứ hai, tức là khi nào thuần rồi thì khi đánh tới thế nầy, lúc bàn tay mở ra thì lún bộ xuống (xuống bộ thấp thêm) độ một tấc Tây, bàn tay vừa mở vừa gắn. Nói tới chỗ phân thế thì ví như ta đang đánh đối thủ đòn Suất Song Thủ, đối thủ bắt được hai cổ tay ta mà giằng co, ta bèn lún bộ xuống đem cả lực lượng toàn thân đè lên hai hổ khẩu hắn tức hắn chịu không nổi té khuỵu xuống, nếu hắn buông tay tức thì hai bàn tay ta lật úp vào theo cái lún thân xuống mà cắt trên hai bên xương quay sanh của đối thủ thì nhất định phải gảy lìa. Đòn nầy chỉ dùng khoảng cách có một tấc Tây. Khi gặp đấu thủ hay giằng co nắm áo như môn vật Nhật Bổn, đòn nấy rất thích dụng. Nhưng tập giao hữu chớ dùng đòn nhiệt nầy, vì dùng tới là đại họa tới cho bạn mình rồi vậy. 








TẢ HỮU KHAI CUNG THỦ:


Động tác 1:…. Tiếp theo thế trên, hai bàn tay nắm lại thành quyền, xoay chân qua phải chuyển chân thành tấn Chảo Mã chân phải trước, nắm tay phải xoay lật úp xuống vừa gạt ra hướng bên phải, cánh tay trái co về hướng sau lưng. Tay gạt ra và tay co phải cực lực và tự nhiên như động tác dương cung vậy. Mắt nhìn theo tay phải. Nín hơi. Hình 43. 





Động tác 2:… Thở ra bằng miệng đồng thời co cánh tay phải ngang trước ngực, chuyển chân, xoay hông về hướng trái nghịch chiều kim đồng hồ thành tấn Chảo Mã chân trái trước. Hít hơi vào đầy rồi tay trái gạt về bên trái, tay phải kéo ra sau như lên dây cung. Mắt nhìn theo quyền trái. Hình 44. 





YẾU LÝ: Khi dương cung nín hơi và giữ yên trong vài giây đồng hồ. Tay trước tay sau phải thẳng. 








ĐỀ KHÍ:





Động tác:… Tiếp theo động tác trên, song quyền mở ra thành song chưởng các ngón thẳng tự nhiên, xoay về chánh diện, chân trái đưa về sát chân phải, hai bàn chân song song nhau đứng thẳng dậy, hai tay hơi khuỳnh nơi chỏ mà lòng chưởng thì úp xuống đất, ngang bằng với vai. Thóp bụng, nín hơi, khí dồn lên phần trên phổi. Phần dưới chân bây giờ coi hư không, hễ hai bàn tay nhích lên là thân muốn bay lên theo (tưởng tượng như thế) Hình 45. Khi bàn tay kéo lên gót chân lên theo. 





YẾU LÝ: Trong suốt bài tập, ngoài phần chú trọng vận lực nơi tay và các phần, chân là phần trụ chịu đựng, dù không nói tới nhưng sự thật đã có sự mỏi mệt nặng nhọc, nên sau cùng phải có động tác làm cho đôi chân thảnh thơi. Các bắp thịt chân trở lại điều hòa. 








TRẦM KHÍ:





Động tác:… Xoay hai cổ tay cho lòng song chưởng trở lên, hai cùi chỏ ép vô hai bên nách, hít đầy hơi trầm xuống bụng dưới. Tưởng tượng phần dưới chân nặng hơn bán thân trên. Lún gót chân xuống tưởng tượng thủng sâu xuống đất, hai tay đè xuống, bụng dưới phình ra. Hình 45. Kế thở ra bằng mũi nhẹ nhàng. 








TANG QUYỀN, THU THỨC



Động tác: Thu hai chưởng về hai bên hông nắm lại thành quyền. Thở hít đều hoà tự nhiên, rồi buông xuôi hai bàn tay ra song song hai bên đùi. Hình 47-48. 



YẾU LÝ: Đây là bài tập nội công thứ nhất, chủ luyện Tụ Lực nơi các phần của tay, xoay hông, vai, cách trầm và đề khí. Đồng thời cũng luyện cho đôi chân có sức chịu đựng mạnh mẽ, bởi thế chỉ dùng đại khái có một thế tấn duy nhất là Kỵ Mã, đôi lần có đổi thành Chảo Mã nhưng ít thôi. Đó là dụng ý của bài tập chớ không phải sự nghèo nàn biến hóa. Người tập võ thường ít chú trọng tới tôn pháp luyện cước lực, tưởng chỉ có giỏi quyền thế là đủ rồi, thật ra nghĩ như vậy là rất đỗi sai lầm. Tấn ví như gốc rễ cây, quyền thế như cành tàng cây, phần trên tươi tốt rợp bóng mà gốc không vững thì gió mạnh thổi qua cây đã đổ nhào. Một người trình độ võ công cao trước nhất tấn pháp phải vững vàng. Luyện tấn không gì khác hơn đứng tấn Kỵ Mã mà dồn trọng lực xuống chân. Người xưa có bậc đã đứng dạng chân cho mươi người xô đẩy không nhúc nhích, nay ngẫm hạng ấy có được là bao. 



Xưa nay có cái tiến có cái lùi không nói không biết, nói ra đã rõ lắm thay. Hậu học đọc sách nầy nhất định luyện tập là không thể dở được. Đọc mà không luyện thì cái miệng cũng giỏi rồi. 



Có học giả lanh trí vừa học tới đây đã có ý kiến ngay, là tại sao đề Thập Bát Thế lại tới 24 thức? mà lại có thức không có tên trong bản mục lục, lại Thức có tên trong bản mục lục lại chưa thấy trình bày? 



Hay lắm, học giả nầy thật là thông minh, có óc nhận xét mau lẹ, nhất định trong tương lai sẽ là người trí lực. Thành quả nội công không có gì xa vời… 



Soạn giả xin nói rõ về điểm nầy, mục lục chẳng sai mà bài tập số một cũng cứ đúng. Nguyên mục lục ghi thứ tự của mỗi tên thế căn bản cần tập luyện, các thế chánh yếu. Các số là số đánh cho biết là có 18 thế chớ chẳng theo thứ tự đó. Trong bài 24 thức là tại có nhiều thức biến hóa mà thành nhiều, kỳ dư còn Câu, Phao, Tháp Thủ Viên Hình cùng Tang Chưởng chưa tập đến mà phải tới bài thứ hai mới có cơ hội. Cái đó không có gì là sai với đề mục mà tại chưa tới đó thôi. Học tới bài II thì có đủ. 



Học giả cũng cần hiểu thêm trong mọi môn võ, ngoài các thế căn bản cần học thường xuyên luyện tập, một số đòn phụ bổ túc cho đòn căn bản cũng được luyện tập xen kẽ trong các bài quyền. Việc nầy ví như cây lớn có nhánh lớn, nhánh nhỏ đều được coi là chánh, chồi tược ít ai nói tới bao giờ, mà chồi tược đôi khi làm tăng thêm phần thẩm mỹ của cây. Thậm đến sự xanh tốt của cây cũng đều do chồi tược lá hoa tô điểm. Trong xã hội cũng thế, người lớn được nhắc đến luôn coi như căn bản, kẻ nhỏ đâu ai nói tới, nhưng sự thịnh suy của một nước chính nhờ những người vô danh trong bóng tối vậy. Bài võ cũng thế, thế phụ thường tô điểm cho bài quyền được nổi bật cũng như sự hùng mạnh của một quốc gia. 



Người học võ giác ngộ, biết việc Đời việc Đạo nên chi việc gì, nơi mô (đâu) cũng thích dụng (ứng dụng được), không ham lớn bỏ nhỏ, không kính lớn khinh trẻ hay thái quá bất cập mà luôn luôn có công tâm nhìn nhận mọi sự ở đời. Hay thay.

__________________

Chương 3




Quý học giả đã luyện hết Bài I của sách nầy hoặc dã đã đọc qua phần căn bản trên có lẽ đã lãnh hội được đầy đủ chân yếu của bài. Là tập cho có lực tụ nơi các phần cổ tay, và chân thì có sức chịu đựng lâu dài. Động tác đơn sơ, lời giảng cũng gọn gàng dễ hiểu, nhằm hướng dẫn các động tác hữu hình rất dễ dàng nhận định, chẳng khác một vài môn thể thao mới ngày nay bên Âu Mỹ La Tinh, nhưng có chỗ khác là ở đây bài học thâm thúy tinh tiết hơn nhiều. Ngoài Hình còn có Ý, Ý dẫn Hình đi. Tập trung mà thành cái mong muốn. Tập trung lâu hóa thần tức có sức lực phi thường không nói được bàn được. Người thường có mắt mà cũng chẳng thể thấy được, có trí mà chẳng phân được nên tôn là Thần. Mà sự việc chẳng có chi là huyền hoặc, học là biết liền, đây là thứ khoa học hòa hợp sức mạnh của châu thân để đạt đến một kỷ lục cao nhất. Cũng một khối đá to, một người nào đó không thể đẩy lăn đi được, nhưng nếu đứng trong tư thế sẵn sàng rồi hô lên một tiếng lớn đồng thời đẩy mạnh thì khối đá lăn đi, v..v… Sự tập trung sơ đẳng của ý chí đã giúp người đẩy đá, ngoài Bắc Việt nước Nam ta hồi xưa kéo gỗ trên rừng có Hò-Dô-Ta, người trưởng toán hô lên hò-dô-ta, liền theo đó đám đông hò theo: Dô-ta nhất tề đồng lúc đẩy tới; thế là cây súc (loại gỗ to) lăn đi nhẹ nhàng. Cái hợp ý nhất tề ấy là một hình thức nội công sơ đẳng. Trong bài một có dạy cách hít thở tùy theo động tác diễn tập nhằm khai thác ưu điểm của ý và khí trong người trong phạm vi thấp. 



Trong bài II soạn giả sẽ trình bày cách điều hợp của khí lực một cách khéo léo hơn. 



I. QUÁN TƯỞNG KHÍ THẦN HÓA LỰC



Đọc câu nầy (tiết mục trên) nhiều bậc danh Nho không khỏi nực cười, nhiều vị lương y cảm thấy khó chịu, lắm bậc võ gia không khỏi lấy làm lạ… Người ta thường nói: Luyện Tinh hóa Khí rồi tự Khí hóa Thần, chớ có ai nói ngược ngạo như soạn giả đâu? Soạn giả vẫn biết là Luyện Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, cái đó là căn bản ai mà không biết. Nhưng biết như thế nào thì ai dám chắc chưa mấy ai cho thật là biết dù là lương y hay danh Nho. Còn các vị thầy thuốc mới (bác sĩ) không thể hiểu được nếu chỉ chuyên khoa Tây học. Vì xưa ai cũng cố theo học sách thuộc lòng mà ít ai thực nghiệm coi nó ra làm sao nên ít ai hiểu đến chân lý. Đa số chỉ thông lý thuyết nói chơi khi đình đám, giỗ chạp trong nhà, ngoài họ, v…v… chuyện học thuật chân chính giá trị mà hóa ra để nói chơi. 



Soạn giả thì cũng thích nói chơi cho vui ngày tháng, ngày tháng nào cũng vui, nhưng việc hệ trọng như thế nầy thì không thể nói chơi được, phải nói thật mới được. Nhưng ở đời nói thật không dễ mà cũng không gì dễ bằng nói thật. Chỉ có linh mục trong giờ tín đồ xưng tội mới nghe được sự thật. Ở chỗ công đường muốn biết sự thật phải xài tới cụ hình (tra tấn đánh đập) mà thường lâu lắm mới nghe lời nói thật. Trong nhà vợ, con, tôi tớ cũng dối lời v..v… Đời xưa đời nay ít có sự thật, ít có người thật là người…. Việc học hành cũng chí là học giả mà thôi, vì thường chỉ biết cái chẳng cần ích gì, cái gì chẳng cần ích thì học rồi sau đó lại quên. Cái không quên đó mới tạm thật, cái học dùng được tạm thật (đừng hiểu lầm sự việc với Thật Chân như của Đức Phật). Ngay như sách đủ thứ bán ngoài chợ, ngoài đường đủ loại thì đa số là sách giả tức sách viết chưa tới chỗ thân tình. Người kém trí lực làm sao biết được. 



Soạn giả khác hơn thiên hạ là nói thật, nói chân tình dù nói hay, hay chẳng hay cũng chẳng sửa đổi chải chuốt, nói thật là vui rồi. Ngay các sách của soạn giả đã xuất bản dù dở dù hay cũng có chỗ chân thật chí tình. Đề mục Quán Tưởng cho Khí Thần hóa Lực cũng là sự thật, dù mới nghe qua rất đỗi mơ hồ sai từ điển. Nhưng sự thật thì cứ sự thật, lại còn sự thật quá đơn giản nữa là khác, khi soạn giả nói rõ ra để chư học giả học tập chứng nghiệm. Sở dĩ soạn giả dám nói chắc như vậy vì chính bản thân soạn giả đã học qua và chứng nghiệm rồi, thực nghiệm rồi thì nói thật mới thật là thật. Thật là như vậy. 



Thế nào là quán tưởng Khí Thần Hóa Lực? 



Nhóm chữ trên đây đem phân tách giảng giải thì có nhiều đường lối không tránh khỏi rườm rà, dài dòng mà chưa chắc ai cũng hiểu vì phải dùng nhiều chữ chuyên môn, mà sách nầy viết ra cốt phổ biến trong lớp thanh thiếu niên, nên cách giảng giải dài dòng chữ nghĩa là không hợp. 



Vậy, nói vắn tắt là tập trung tư tưởng vào một việc duy nhất bằng cách nín hơi ngưng thở để tạo nên sức mạnh. Chữ Khí ở đây được hiểu là thể hơi mũi hít được vào phổi không cần phân tích, Thần được hiểu là cái điều khiển mọi hoạt động của con người. Nó làm sáng tỏ, giá trị cho từng phần sanh hoạt sống động thân xác, nó mất đi người ta sẽ ngu ngơ. Nó được hiểu như phần trong sáng, quý báu nhất của con người mặc dù không thấy bằng hình tướng rõ rệt, nhưng cũng có thể biết được qua sự hình dung trên các phần nó thường ẩn trú: Thần sắc huy hoàng, chỉ người có sắc mặt sáng sủa phát ra vẻ rực rở chứng tỏ có tu dưỡng, những người có thần sắc như thế dù đứng giữa đám đông vẫn nổi bật dễ nhận ra. Nói cách dễ hình dung, Thần là cây đèn của mỗi người, Thần của người có tu dưỡng thì như cây đèn lớn, Thần của kẻ thường nhân như cây đèn nhỏ. Đèn nhỏ đứng gần đèn lớn thì lu mờ. Thần dễ tụ mà cũng dễ tán. Tinh Khí đầy thì Thần tụ hiện, tinh khí cạn thì Thần tan hay tán. Nhìn khuôn mặt một trang thanh niên sau một đêm giao hoan quá độ thấy mặt tối sầm ấy bởi tại tinh đã cạn giống đèn hết dầu lấy gì mà sáng. Cũng thanh niên đó, cho ăn uống tẩm bổ vài ngày mặt mày tươi sáng lại là Thần đến vì Tinh có đầy. Tinh nuôi Thần, do đó có chữ Tinh Thần, thật ra Tinh muốn nuôi Thần phải hóa thành Khí mới tới được…. Muốn hiểu rõ việc nầy cũng cần một cuốn sách, có dịp soạn giả sẽ bàn đến. 



Tinh, Khí, Thần dễ thấy, dễ biết nhưng vô cùng kỳ diệu, người ta sống hay thác chỉ liên quan ba chữ nầy thôi. Nhưng ở đây ta hiểu Thần trong phạm vi hữu dụng hơn, nghĩa là ta phải dùng cái Thần như một vật thấy được. Ai cũng có thần, trừ người điên khùng và người sắp chết thì Thần tán, để xài được cái Thần ta phải biết cách luyện nó, cách luyện duy nhất mau chóng là tập trung tư tưởng vào một việc duy nhất. Có nhiều phương pháp tập trung tư tưởng vào một việc duy nhất. Có nhiều phương pháp tập trung phát triển Thần trong khoa học thôi miên hoặc các giáo phái lớn dạy cũng đều hay, nhưng võ gia luyện Thần có hiệu quả thích hợp nhất là Quán Tưởng Dẫn Khí trong Vòng Châu Thiên (coi cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của soạn giả đã xuất bản), ở đây trình độ nội công thấp hơn, chúng ta có cách luyện khác chút ít là nín hơi đứng tấn Kỵ Mã. Phương pháp đơn giản là đứng tấn Kỵ Mã hai tay thu thành Tang Quyền để hai bên hông, cứ hít đầy hơi dồn xuống bụng dưới rồi trụ tấn đến khi chịu không nổi thì miệng từ từ thổi hơi ra nhẹ nhàng thật cạn kế hít hơi vào bằng mũi từ từ…tập trung mọi ý nghĩ vào sự ra vào của Khí và trụ Thần vào đan điền, khi ngưng thở đừng nghĩ tới việc gì khác. Ban đầu hơi thở ngắn sau hơi thở dài hơn, khi hơi thở dài chừng 3 đến 5 phút thì mạnh lắm rồi. Nên nhớ khi tấn, tay nắm chặc kẹp sát chỏ vào hai bên nách toàn thân bất động, tâm tưởng dồn khí và sức xuống hai chân như bám mặt đất, thủng vô đất…làm như vậy mới khởi đầu độ 3 phút tấn là mồ hôi đổ đầy người, chớ ngại, cứ bình tỉnh luyện độ 10 phút hãy đứng dậy xoa chân thở điều hòa. Thời gian lâu dần tăng lên 15-20 phút… đến 30 phút là khá rồi, tức 30 chỉ thở có 6 hơi, lúc nầy Thần đã ở trong Khí rồi, mỗi đòn đánh ra hội đủ Khí Thần là lực mạnh kinh người. Đây là phép luyện hỗ trợ hai bài Luyện Nội Công Thiết Tuyền trong sách nầy. Người không luyện nội công luyện phép nầy cũng kết quả mạnh khỏe vô cùng. 



Soạn giả đã nói, chuyện nghe thì cao siêu mà biết rõ thì cách luyện thật tầm thường, thế mà cho đến ngày nay vẫn có người khư khư ôm lấy bí quyết đơn giản đó làm bí truyền. Tội nghiệp, thế giới văn minh quá rồi, mà các vị ấy chưa hay. 



Soạn giả nói thêm là khi luyện như vậy sự tăng tiến thời gian đều đều là quan trọng, chớ nên ngừng nghĩ. Tránh sự giao hoan để có đầy Tinh hầu nuôi Thần mà luyện cho mau kết quả. Tinh cạn, Thần kiệt không luyện tăng tiến được, đứng tấn đầu gối run thì có luyện cũng chẳng tới đâu, hoặc có đứng được mà suy nghĩ đâu đâu, Thần không hiệp với hơi thở cũng vô ích. 



Nên luyện phép nầy trước mỗi buổi tập bài nội công; khi luyện trước mặt có để đồng hồ để xem giờ phút tăng tiến hơi thở, sau quen khỏi cần đồng hồ. 



Quán Tưởng Khí Thần Hóa Lực là như vậy, rất dễ hiểu, dễ tập và dễ thành, ai tập cũng có kết quả. Học giả xem qua luyện tập chắc chắn sẽ thành công, ngày mai thần thái rạng rỡ, mặt mày sáng sủa tinh anh, ai nhìn qua cũng đều ngưỡng mộ, chẳng những nữ nhân, thanh niên mà thiếu phụ, bô lão cũng đều có cảm tình. Điều chắc chắn dễ thấy hơn hết là học giỏi, mau thuộc bài và lúc nào cũng lành mạnh vui tươi. 



Tập vài tháng mới thấy lời soạn giả là đúng sự thật.

__________________

II. THIẾT TUYẾN VIÊN HÌNH QUYỀN





Đây là bài luyện nội công thứ hai và cũng là bài cuối cùng của môn nội công tập bằng vòng sắt đeo ở tay. 





Phần bài I học giả đã trải qua, nghiễm nhiên đã thâu đạt được kết quả khích lệ đủ khởi hứng dẫn đường đến bài này. Kỹ thuật bài hai này biến hóa hơn đủ huấn luyện học giả đạt trình độ hữu dụng trong đấu trường hàng ngày. Nghĩa là khi học xong bài nầy có thể đấu với võ gia thiên hạ mà không có chỗ thất bại. 





Học tới đây học giả đã lãnh hội được nhiều điều hay rồi, tưởng không cần nói thêm về các đấu pháp nghề võ nữa, cũng chẳng phải bàn luận phương thức… vì ai cũng thông thạo nhiều môn phái và bài bản… 





Có điều cần nên nhắc lại là bài tập nầy đủ ứng dụng cho mọi đòn thế của bất cứ bài bản nào. Tức trước khi chưa học nội công dù thuộc bài bản đủ thứ nhưng đánh không đau người, nay đánh người chịu không nổi, ấy bài nội công nầy chủ huấn luyện học giả được như thế. Đơn giản và chắc chắn như vậy. 





Về kỹ thuật đòn thế toàn bài cũng do 18 thế căn bản mà kết hợp nhưng có biến hóa tùy nghi với bộ thủ pháp chiến đấu và cước pháp di chuyển cho đặng sự linh hoạt thích hợp với cuộc giao đấu trong đời. Gồm 36 thức liên hợp với các tấn pháp lập tấn, Kỵ Mã, Đinh Tấn và Chảo Mã, cùng tọa bộ. 





Cách luyện cũng điều hợp động tác và hơi thở theo từng bước chân đi, từng diêu động của tay quyền, chỉ, chưởng, v…v… hợp nhất Thần Khí phát triển lực lượng tới mức tối đa. Cả hai bài mỗi ngày chỉ nên tập hai lượt trong một buổi tập, và tập buổi sáng sớm hoặc chiều tối mát trời là tốt nhất. Nên chọn sân rộng, thoáng khí, mát mà tập, nếu không được như thế thì tập trong phòng mở cửa sổ cũng hay. Quan trọng là tập đúng và tập đều. 





Sau ba tháng tập bài một với 1-2 vòng sắt (mỗi tay từ 2 đến 4 ký lô 4) thì tay đã mạnh khá lắm rồi, đánh đau lắm rồi, tay gồng chuyển đã có đường nét thấy rõ. Bây giờ tập tới bài thứ nhì cũng chỉ mang hai vòng vì số động tác của bài 2 dài hơn bài một. Tập độ một tháng thì tăng lên thêm mỗi tay một vòng. Ở trình độ nầy tập cho đến khi thuần thục, mỗi bài đi hai lượt thì cũng đến 6 tháng luyện tập. Tới đây sức mạnh đáng kể, bắp thịt, gân đã lộ ra, tay chân cứng cáp, đỡ đòn đấu thủ đã thấy đau rồi, đau lắm là khác. Tập đến một năm tăng lên bốn vòng mỗi tay thì mỗi tay gần 9 ký lô, hai tay 18 ký luyện hai lượt mỗi bài trong buổi tập không biết mệt thì đánh người chịu không nổi. Đánh trúng là bị thương phải uống thuốc rồi đó. Bắt đầu từ đây đấu với bạn phải thận trọng lắm mới khỏi gây tai nạn. 





Người thanh niên có sức vóc và có trình độ võ công kha khá thì chỉ trong vòng 3 đến 4 năm có thể tập đến 9 vòng là mức tối đa của môn học. Trình độ nầy hai tay mang trọng lượng gần 40 ký lô mà thu phát kình lực nhẹ nhàng như ý thì đòn đánh ra bò, ngựa cũng gảy sườn dập bụng huống hồ da thịt người ta. 





Biết nhiều mà không tập chỉ giỏi miệng mà chẳng lợi thân, vậy mời học giả thực hành bài tập sau cho được vẹn toàn.





THIẾT TUYẾN VIÊN HÌNH QUYỀN









TANG QUYỀN, BÁI TỔ 





Động tác 1:… Đứng thẳng người, hai bàn chân khít nhau, hai nắm tay thu lại hai bên hông, chỏ khép vào, mắt nhìn thẳng tới trước. 





Động tác 2:…. Chân trái đưa tới trước, mũi bàn chân chạm nhẹ mặt đất, gót nhón lên, chân sau co gối, quyền trái mở thành chưởng từ hông đưa lên trước ngực, ngang vai, chưởng tâm chiếu tới trước, quyền phải đưa vòng lên, quyền tâm úp xuống mặt đất, đầu quyền đối ngón cái bàn tay trái và cách nhau độ 5 phân Tây. Mắt nhìn thẳng tới như hình 49-50. 

Lúc đưa chưởng và quyền lên đồng đưa một lượt, từ từ, hơi thở được hít vào từ từ, đến khi tay vừa làm xong thì bụng đầy hơi, ngưng thở. 









1. 



SONG THỦ HẬU PHAO (Hai tay ném ra sau)





Động tác:… Đang ở thế Bái Tổ, quyền phải mở ra thành chưởng dựng lên như tay trái, kế rút chân trước về khít bàn chân phải sau, hai tay cùng lúc ném ngược về sau. Hình 51. (Hình 52 thế Song Thủ Hậu Phao nhìn từ một bên). 





YẾU LÝ: Ném về sau, các ngón tay phải mở ra để các vòng khỏi tuột khỏi tay, đồng thời chưởng câu lên, mắt nhìn thẳng tới trước, thân trên hơi chồm tới trước giữ thăng bằng. Động tác nầy khi ném phải hít hơi cùng lúc với tay ném ra, khi hơi đầy thì tay ném hết sức rồi, lúc đó hai tay dừng ở đó chịu đựng trong vài giây đồng hồ. Lúc nầy nếu rờ cánh tay thấy cứng, mà phần bụng cũng cứng. Như vậy động tác nầy chủ tập lực sức hai cánh tay phần phía sau và toàn bộ phận bụng trước. Tập lâu ngày bụng để người đấm chẳng ăn nhằm gì, mà tay ném ra sau lực sức cũng tăng tiến quan trọng. Cần nhất là nín hơi giữ cho tay ở độ ném lâu chừng nào tốt chừng nấy. Giữ càng lâu chứng tỏ vai càng mạnh, khí lực tích chứa có nhiều.








SONG CHƯỞNG PHÂN THỦY


Động tác: Tiếp theo động tác trước, chân trái bước tới, song chưởng đưa tới theo chân bước tới trước gối trái, thân khom tới trước. Hình 53, tiếp tục đưa đưa vào cho hai chưởng chạm nhau mới xoay cổ tay cho lòng chưởng xoay ra ngoài hai bên rồi vừa hít đầy hơi vừa banh song chưởng ra hai bên như hình 54. 





YẾU LÝ: Lúc chân bước tới, đưa song chưởng tới trước thì thở ra, khi banh song chưởng thì hít vào, chân trước gập, chân sau thẳng, người cúi xuống. 








PHÁP THỦ VIÊN HÌNH





Động tác: Đứng thẳng dậy, song chưởng đưa vào trước gối, tréo nhau, chưởng trái ngoài, phải trong rồi theo động tác lưng thẳng dậy đưa tréo hai tay lên đỉnh đầu thành chưởng tâm song chưởng chiếu thẳng tới trước và chưởng phải ngoài chưởng trái trong. Hình 55. Kế gạt thẳng hai cánh tay thành vòng cung từ trên xuống hai bên đùi… 





YẾU LÝ: Từ động tác phân thủy, khi chuyển thân đứng lên thời song chưởng đưa lên theo với động tác đứng và quay thành vòng tròn liền. Đứng lên thì thở ra, nhưng khi quay thì hít vào. Chuyển động uyển chuyển khi quay thì dịu dàng, hai tay như hai cánh quạt. Quay tự nhiên không được gồng bất cứ phần nào trong cơ thể. 








SONG CHƯỞNG BỔNG NGƯU

ộng tác 1:… Tọa thấp tấn xuống, song chưởng vẫn đưa sang hai bên như hình 56. Kế câu chưởng vào như ôm lấy trâu con, đoạn đạp chân sau đứng dậy, như hình 57-58. Mắt cúi xuống nhìn khoảng giữ mũi song chưởng. 





YẾU LÝ: Động tác tọa chân xuống thì thở ra, khi song chưởng xúc vào đứng lên thì hít vào, trí tưởng tượng như đang ôm con trâu lên vậy. Vai mềm mà cánh tay ngoài thời thật cứng chắc. 





Động tác 2: Đứng thẳng lưng dậy thì song chưởng đưa ra như bồng (bổng) con trâu lên. Hình 59. 








SONG ĐỊNH CHƯỞNG





YẾU LÝ: Động tác xoay cổ tay phải giữ cánh tay bất động chỉ có phần cổ tay xoay mà thôi. Tới khi đẩy chưởng tới thì cùi chỏ mới thẳng, bàn tay phải dựng đứng, các ngón khít nhau. 








SONG TIÊU THỦ





Động tác:… Chân phải bước tới, cổ tay đập xuống, song chưởng biến thành song tiêu đâm tới, khí vẫn giữ đầy trong bụng. Hình 61. 





YẾU LÝ: Thở ra lúc đập chưởng xuống, khi bước chân lên đâm tới thì hít hơi đầy, mũi tiêu cũng vận cứng lên. 








SONG TRẦM CHƯỞNG





Động tác:… Thở ra, lùi chân phải về sau, song chưởng trầm (đè) xuống trước hai bên gối, mũi chưởng cất lên trong lúc hít đầy hơi dồn xuống đan điền. Hình 62. 








SONG CÂU THỦ

Động tác:… Thở ra, đưa tay lên đồng thời hít hơi vào, chưởng co lại thành câu, hai tay song song nhau và song song mặt đất. Mắt nhìn thẳng. Hình 63. 





YẾU LÝ: Đưa song chưởng lên dịu dàng, hai tay như hai cây đòn có treo hai quả cân. Không nên đưa giựt lên. 








SONG CỔ NHẬP (Ôm vào)





Động tác:… Thở ra, song câu xoay vào bật mũi bàn tay lên, hít vào và chân phải bước tới đồng thời co chỏ lại thành tư thế ôm vật. Hình 64. 





YẾU LÝ: Lúc xả hơi ra thì cổ tay mềm để xoay mũi bàn tay lên, nhưng xoay xong thì hít hơi vào, cổ tay vận sức cứng co chỏ đồng thời bước tới như hứng lấy vật người ta quăng tới vậy. Co chỏ ít tí thôi. 








TANG QUYỀN (Thu quyền)





Động tác:… Thở ra, co chỏ lại thu quyền về hai bên hông sau khi chưởng biến thành song quyền. Chân phải rút về sát chân trái đứng lập tấn hơi thở điều hòa. Hình 65-66. 





YẾU LÝ: Động tác Tang Quyền là tạm nghỉ ngơi để xuất thức khác kế tiếp. Khi mới tập chỉ nên tập tới đây rồi nghỉ. Khi nào thuộc thuần thục hãy tập thêm. 








SONG KHẤU THỦ



Động tác:… Hít hơi đầy, chân phải tiến lên, song quyền từ hai bên hông đấm tới nhưng hai chỏ kẹp sát hai bên hông, hai cánh tay song song với mặt đất. Mắt nhìn xuống song quyền. Hình 67. 








TẢ HỮU CỔ NHẬP




Động tác 1:… Thở ra, chân trái bước sang trái ngang chân phải một khoảng rộng xuống tấn Kỵ Mã, quyền phải rút về hông, hít vào, quyền trái biến thành câu ôm vào ngang trước ngực. Hình 68. 





Động tác 2:…Thở ra. Hít hơi vào đưa chân phải về sau đồng thời rút quyền trái về bên hông trái, quyền phải biến thành câu đưa tới trước ôm vào như hình 69. 





YẾU LÝ: Lúc chuyển tấn bộ từ Đinh tấn sang Trung bình (Kỵ Mã), và từ Kỵ Mã về Đinh bộ cao không thay đổi, tức không được nhấp nhô. Nhịp thở ra khi lui bước hoặc theo các động tác lui về, thu lại của quyền chưởng. Hít vào khi vận lực ra thế. 








TẢ HỮU SONG TIÊU CHỈ







Động tác 1:… Thu câu thủ phải về thở ra, quyền trái biến thành song chỉ rồi hít hơi vào đâm tới (xoay cổ tay), vai mềm mà tay ngoài cùng chỉ thì cứng. Hình 70. 





Động tác 2:… Xòe các ngón tay trái ra thành chưởng, quyền phải biến thành song chưởng đưa lên phóng tới, chưởng thủ trái nằm bên trong tiêu thủ. Hình 71: chân phải theo tay xỉa tiến bước lên. 





YẾU LÝ: Tả hữu tiến làm mau trong một nhịp thở, Hữu Tiêu thì giữ tả chưởng yểm trong để tiếp theo thức Long Trảo. 








TẢ LONG TRẢO





Động tác:… Thở ra, thu chỉ thành quyền về bên hông phải, chưởng trái xoay cổ tay biến thành trảo chụp tới trước vừa hít hơi vào, chân sau chuyển thẳng cứng. Hình 72. 





YẾU LÝ: Long Trảo nầy dùng chụp vào mặt đối thủ, nên cánh tay phải xiên. 








CƯƠNG ĐAO THỦ

Động tác 1:… Thở ra, chân phải lui về sau, trảo trái biến thành cương đao xắt xuống trước gối trái, hít hơi vào, trong lúc quyền phải từ hông phải cũng mở ra thành cương đao đưa lên ngang mang tai rồi chém vét về sau, cạnh bàn tay thẳng đứng. Mắt nhìn thẳng tới hưởng trước. Hình 73. Chân tấn Chảo Mã. 





Động tác 2:… Thở ra, chân trái lùi về sau tấn Chảo Mã chân phải trước, kế hít hơi vào, bàn tay phải từ trên chém vạt xuống trên cánh tay trái dừng lại trên gối phải. Đồng thời chưởng trái chém vét thẳng đứng về hướng sau như Hình 74. Mắt nhìn tới trước. Khí giữ bình trong bụng. 





YẾU LÝ: Hai động tác chém tiền trảm hậu này thực hiện như quơ nghĩa là đều tốc độ. 








TRẮC XUYÊN THỦ (Dấm nghiêng một bên)





Động tác:… Thở ra. Xoay cổ tay phải nắm thành quyền, quyền tâm hướng lên đồng thời hít vào đấm ngửa nắm tay tới hướng trước thẳng cánh tay, thân nghiêng theo, tấn chuyển thành Kỵ Mã. Cương đao trái biến thành quyền thu về bên hông trái. Mắt nhìn theo quyền phải. Hình 75-76. Nín thở giữ yên vài giây đồng hồ trước khi diễn tới thế sau. 








SONG THỦ HẬU PHAO





Động tác:… Thở ra, đồng thời xoay lưng lại, song quyền biến thành song câu ném về sau, chân chuyển thành Đinh tấn chân trái trước. Hình 77. Thân khom về trước (tức hướng sau của thức 16). 








HỔ TRẢO



Động tác:… Thở ra. Xoay người trở lại hướng tiến ban đầu, thuận chiều kim đồng hồ, câu phải biến thành quyền đưa úp trước ngực, câu trái biến thành trảo đưa ngoài quyền phải. Chân đứng tấn Đinh, chân phải trước (thế trung gian của Hổ Trảo), lúc nầy vẫn còn thở ra. Hình 78. 





Quyền phải thu về bên hông phải, hít hơi vào, chưởng trái biến thành Hổ Trảo chụp từ trên xuống (chụp trên đỉnh đầu đối thủ). Hình 79. Chụp thẳng cánh tay. 








TẢ ĐƠN CÂU



Động tác:… Thở ra. Hít hơi vào trảo biến thành Câu câu xuống (gập cổ tay xuống) Hình 80. 








TẢ HỮU ĐỊNH CHƯỞNG





Động tác 1:… Giữ nguyên hơi thở trong bụng, bật cổ tay lên biến Câu thành Chưởng. Hình 81. 





Động tác 2:… Thở ra chưởng biến thành quyền thu về bên hông trái, đồng thời xoay hông biến thành Kỵ Mã tấn, quyền phải biến thành chưởng đẩy tới thẳng cánh tay thế Hữu Định Chưởng. Hình 82. Mắt nhìn theo chưởng. 








TẢ ĐƠN CỔ NHẬP


Động tác:… Thở ra. Xoay hông thuận chiều kim đồng hồ về hướng tiến lên thành Đinh tấn chân phải trước, chưởng phải biến thành quyền thu về bên hông phải, quyền trái đồng thời biến thành chưởng đưa lên ngang ngoài trước ngực ôm vào, hình 83. Hít hơi vào vừa ra sức ôm vào cánh tay sát vào trước ngực. Hình 84. 





YẾU LÝ: Động tác xoay trở thân eo phải giữ mềm dẻo tự nhiên, tay quyền chưởng mềm dẻo linh động không nên làm cứng bật ra bật vào như người máy. Lúc nào thở ra là tay buông lỏng không có lực, lúc nào hít hơi vào thì lực vận lên vừa đủ, chỉ khi nín hơi bất động thì phần chủ định phải vận lực cho cứng mà thôi. Mọi thức trong bài luyện tập nội công nầy đều phải theo nguyên tắc nầy mà tập. Tập đúng thì sự tăng tiến mau theo từng buổi tập, nhược bằng tập sai thì sự tiến bộ sẽ đến chậm chạp. Vậy chư học giả, võ sư, võ sinh khá tự lưu ý cho đúng phép tắc. 








SONG PHÁCH CHƯỞNG

Động tác:… Thở ra, đưa song quyền ra sau trong lúc chân trái bước tới trước. Hình 85. Hít hơi đầy bụng, mở rộng quyền thành song chưởng rồi vỗ xuống trước, hai bàn tay song song nhau, mắt nhìn thẳng. Hình 86. 





YẾU LÝ: Từ thức Cổ Nhập, chân bước lên, cây biến thành quyền rồi song quyền đưa ra sau, hơi thở nhẹ nhàng. Đến khi thân đã vững bộ thì hơi được hít vào và tay quyền biến thành chưởng từ sau vỗ tới ngang bằng vai. Giữ tay ngang (lực treo), hơi thở ngưng để khí trầm trong bụng. 








SONG CỔ XUẤT


Động tác:… Thở ra. Hai tay đưa tréo nhau trước ngực, xoay cổ tay cho lòng song chưởng úp vào, chưởng trái trong, chưởng phải ngoài. Hình 87. Hít hơi đầy, đẩy song chưởng sang hai bên tả hữu, mũi chưởng dựng đứng, hai cánh tay thẳng ngang, thân người thẳng đứng. Hình 88. 





YẾU LÝ: Hai tay đang ở thức Phách chưởng, co chỏ là tự nhiên song chưởng úp vào tréo nhau. Kế đẩy sang hai bên. Sức đẩy chưởng ra giống như hai bàn tay cầm sợi dây rồi giăng ra vậy, khí trầm, ý tưởng đặt tại đan điền. Một nội gia khi luyện công đã đến hàng khá khá thì trong khi luyện ý tưởng lúc nào cũng đặt tại đan điền nên dù ai đi gần cũng không hay biết. Ở trình độ thấp thì dễ phân tâm, ở trình độ cao hơn đang luyện có thể biết mọi động tịnh chung quanh mà hơi thở và lực đạo vẫn không bị gián đoạn. 








ĐỀ KHÍ







Động tác:… Thở ra từ từ, trong lúc đưa tay vào giữa như động tác hình 86, kế xoay cổ tay cho chưởng tâm song chưởng ngửa lên trời. Đoạn hít hơi vào từ từ và thóp bụng thu tay vào, cùi chỏ ngang bụng. Tưởng tượng khí ở ngực trên, thân nhẹ nhàng muốn bay lên. Hình 89. 








TRẦM KHÍ


Động tác: Thở ra rồi lại hít vào trong khi song chưởng tiếp tục thu vào sát ngang hai bên hông, vẫn ngửa, đầu gối sau mở ngang, gối trước gập xuống thành Chảo Mã. Nín hơi, dồn khí xuống bụng dưới (đan điền). Tưởng hai bàn chân lún xuống đất. Hình 90. 





YẾU LÝ: Hai thức Đề Trầm đi liền với nhau, tay còn ngoài xa thì khí nhẹ lâng lâng, khi rút tay về sát bên hông thì khí nén xuống nặng trầm trọng. Hơi thở được nối tiếp nhẹ nhàng: hít vào thở ra lại hít vào trầm xuống. 








KỴ MÃ SONG ĐỊNH CHƯỞNG





Động tác:… Chân trái bỏ sang trái thần tấn bộ Kỵ Mã, mở hai mũi bàn chân ra trong lúc thở ra. Hít vào trầm khí xuống đan điền, vận lực xuống hai gót chân (nhờ mở mũi bàn chân nên khí dễ xuống tới gót), song chưởng ở bên hông từ từ xoay úp xuống rồi bật chưởng đứng thẳng, đẩy tới song song nhau, khoảng cách giữa song chưởng rộng hơn vai. Cánh tay thẳng mắt nhìn thẳng mà thấy đan điền (quán tưởng nơi đan điền). Hình 91. 








THÁP THỦ VIÊN HÌNH (Hai tay quay thành vòng tròn)





Động tác:… Thở ra, hạ song chưởng xuống trước hạ bộ, lòng chưởng úp vào, lòng chưởng trái úp trên lưng chưởng phải, cằm cúi xuống, mắt thấy đan điền. Kế hít hơi vào, hai tay khoát lên thành vòng tròn, rồi hoành về vị trí cũ. Hình 92. 





YẾU LÝ: Khi hít hơi thì đưa song chưởng sát ngực mà lên, lòng chưởng úp vào, hai cánh tay tréo nhau. Đưa lên tréo nhau nơi cổ tay, thẳng cánh tay rồi mới quay vòng trở xuống. Khi quay thì ngước mắt nhìn theo lên, lúc tay xuống mắt theo nhìn xuống như cũ. Khi đưa tay lên thì gót hơi nhón, khi tay xuống thì gót đã trầm sát đất. 








KHẤU THỦ TẢ BIÊN (Đấm móc về bên trái)

Động tác:… Thở ra, hít vào từ từ song chưởng biến thành song quyền, quyền trái thu về hông trái, quyền phải co lên đấm móc qua hướng trái, nắm tay úp vào trước ngực, đồng thời chuyển sức nặng thân mình tới chân trái bằng cách mở đầu gối chân nầy sang hướng trái. Hình 93. Vai phải nghiêng tới. 








TẢ KHAI CUNG THỦ





Động tác:… Thở ra, hít vào, mở mũi bàn chân trái sang trái thành tấn bộ Chảo Mã chân trái trước, quyền trái đồng thời dương thẳng tới hướng trái, quyền phải kéo về hướng phải sau. Hai tay thẳng hàng. Cả hai nắm tay đều úp xuống đất. Nín hơi khí trầm. Tưởng tượng đang dùng sức hai tay kéo sợi dây cung có lắp tên. Hình 94. 








HỮU KHAI CUNG THỦ





Động tác:… Thở ra, hít vào trong lúc xoay mặt về hướng phải tấn Chảo Mã chân phải trước, tay phải giương thẳng về hướng phải, trong lúc quyền trái co lại dương ra hướng sau nín hơi. Mắt nhìn theo quyền phải. Hình 95. 





YẾU LÝ: Hai thức Khai Cung thực hiện liền lạc nhau, quay qua trái kế qua phải. Tưởng tượng thấy con chim bay ở hướng trái dương cung bắn thì nó bay tới hướng phải rồi nên phải lắp tên bắn qua hướng phải. Khi dương cung hơi thở thở hít phải đúng tư cách, mới lặp tên thì thở ra, hít vào thì dương cung, bắn thì nín hơi. Làm đúng như thế, từ tư thế đến ý tưởng thì động tác mới có giá trị. Khi dương cung phải vận sức ở hai cánh tay như thể có cây cung thật chớ không phải chí dương hời hợt lấy có. 








TRẦM SONG CHƯỞNG


Động tác:… Thở ra, xoay mặt về chánh diện, song quyền biến thành song chưởng, chưởng phải co vào đối diện chưởng trái rồi xuống tấn Kỵ Mã (hai mũi bàn chân khép vào, sức dồn tới các đầu ngón chân), đẩy song chưởng trầm xuống, hai tay song song, thẳng ức bàn tay (chưởng căn) nặng trĩu bàn tay bật lên, nín hơi dồn khí xuống đan điền. Hình 96. 








SONG TIÊU THỦ





Động tác:… Thở ra, nhón lên cao hai tấc tây, song chưởng lật nghiêng thành song tiêu. Hít hơi vài khí lực vận vào tay (gồng mũi bàn tay) theo đà nhỏm đít lên, song tiêu từ dưới cất mũi lên đấm tới thẳng cánh tay, hai bàn tay cách nhau khoảng cách bằng một vai. Mắt nhìn thẳng. Nín hơi. Hình 97. 





YẾU LÝ: Thức song tiêu làm liền theo Trầm chưởng, nhóm đít lên là song tiêu theo liền đâm tới. Mũi tiêu linh động, cất lên như đầu hai con rắn mổ tới. Nghĩa là đi theo đường gợn sóng chớ không vuông góc. 








TẢ HỮU ĐƠN TIÊU





Động tác 1:… Thở ra, hít vào, tiêu thủ trái biến thành quyền thu về bên hông trái, tiêu thủ phải đang nghiêng lật úp vào, đồng thời chân phải bước tới. Mắt nhìn theo tiêu. Hình 98. 





Động tác 2:… Tiếp theo, tiêu thủ phải thu lại thành quyền bên hông phải, quyền trái mở ra thành tiêu đâm tới úp, vừa đâm vừa xoay cổ tay. Mắt nhìn theo tiêu, chân không đổi tấn. Hình 99. 





YẾU LÝ: Hai thức đơn tiêu nầy làm nhanh như con thoi, mà tay lưu ra đề như quăng một sợi dây, làm cùng một hơi thở. 








TIẾN CHƯỞNG HẬU CÂU THỦ

Động tác:… Thở ra, hít hơi vào, lùi chân trái về hướng trái tấn Đinh chân phải trước, tiêu trái đồng thời biến thành Câu câu về sau song song với chân sau, quyền phải biến thành chưởng đưa lên trước ngực rồi xoay cổ tay đẩy cạnh chưởng lên khỏi trán, cánh tay nghiêng 45 độ. Mắt nhìn thẳng tới. Nín hơi. Hình 100. 








TIỀN CHƯỞNG HẬU CÂU THỦ





Động tác:… Thở ra, xoay trở qua trái nghịch chiều kim đồng hồ thành Đinh tấn chân trái trước, câu thủ trái co lên trước ngực rồi biến thành chưởng gạt lên trước trán. Chưởng phải từ trên cao biến thành Câu thủ câu sát bên hông xuống song song với đùi chân sau. Mũi câu hướng lên. Ngưng thở, mắt nhìn thẳng tới trước. Hình 101. 





YẾU LÝ: Hai thức nầy giống nhau, xoay qua trái, qua phải chân không nhấp nhô, lực phát đều trước sau hai hướng. Đỡ trên câu ra sau. Hơi đầy ở ngực. 








TANG QUYỀN


Động tác:… Thở ra, chân sau bước lên sát chân trước hai bàn chân khít nhau lập tấn đứng thẳng, chưởng câu đều biến thành quyền thu về hai bên hông. Mắt nhìn hướng về hướng trái. Hơi thở điều hòa. Kế xoay về hướng chánh diện (hướng tiến lên ban đầu) Hình 102-104. 






TANG CHƯỞNG (Thâu Thức)



Động tác:… Song quyền mở ra thành song chưởng, mũi song chưởng hướng sang hai hướng trái phải, hít hơi đầy nén xuống bụng dưới đồng thời đẩy song chưởng từ từ xuống hai bên đùi thẳng cánh tay. Giữ yên vài giây đồng hồ, kế thu chưởng lên thở ra nhè nhẹ. Chấm dứt bài luyện thứ hai. Hình 104.

__________________

III. PHÉP CHẾ VÒNG THIẾT TUYẾN



Dùng chữ Phép Chế nghe qua tưởng như ghê gớm lắm, cầu kỳ và công phu như luyện phép luyện kiếm đời xưa hoặc giả khó khổ như luyện linh đơn (chế thuốc) của các đạo gia, v..v… 



Thật ra không có gì khó khăn đến như thế, ở đây, dụng cụ của môn học rất là đơn giản: chỉ có một chiếc vòng làm bằng kim loại (sắt đồng, gang, kẽm, chì, v..v..) đường kính 10 phân tây và cân nặng tùy sự chế luyện có thể từ 1 ký lô rưỡi đến 2 ký rưỡi mỗi vòng. Điều quan trọng hơn hết là vòng phải tròn, láng, cạnh ít gợn sóng càng tốt vì tránh được sự xây xát cổ tay khi luyện. Và nếu có thể được thì dùng loại kim loại có tánh nặng nhất mà chế vòng thì đõ phải cồng kềnh. Thường người ta chế vòng bằng đồng hay thao, cũng có thể hợp kim đồng và kim loại khác. Gang và sắt đều nhẹ hơn đồng, thao. Chì là kim loại nặng hơn đồng nhưng mềm quá lại có chất độc làm mất máu. Nếu có dùng chì đúc vòng tập thì nên phải thêm kim loại khác như kẽm, nhôm. Và khi tập thì vòng chì phải bọc vải hoặc da láng để tránh chất phóng xạ của chì cũng ngừa trầy da tay, đời nay văn minh có băng cao su dùng quấn chung quanh vòng chì rất tốt (loại băng vẫn thường quấn tay cầm xe gắn máy). Người xưa, các nhà phú hộ thường đúc vòng bằng bạc hoặc vàng để luyện tập cho tăng sự quý phái. Vàng thì có pha bạc cho cứng thêm. Tưởng ngày nay ít ai có đủ tiền mua vàng 14K để đúc mươi vòng luyện tập dù người võ gia là một tỷ phú trong nước. Thế mới biết đường ăn chơi, đường thao luyện xưa nay tuy giống mà có khác vậy. Sự giàu sang ngày nay chỉ có cái vẻ bên ngoài chớ thật sự chẳng thể so sánh ngày xưa, càng văn minh con người càng hời hợt, càng hời hợt thì càng chẳng còn giá trị gì. Các tư tưởng gia như Phật, Chúa, Lão Tử, Khổng Tử cũng cách nay tới mấy ngàn năm rồi, đến nay chẳng có ai theo kịp nói chi chuyện vượt qua. 



Ngay như môn học vòng đồng nầy có đã lâu rồi mà nay cũng chẳng có gì tân tiến hơn để luyện tập con người. May thay soạn giả trong nhiều năm tham khảo và rèn luyện nội công vừa tìm được phương pháp tổng hợp có thể huấn luyện nội công cấp tốc cho học giả đạt đến kết quả trong vòng ba năm thay vì 10 năm khổ luyện như ngày xưa. Âu đây cũng là điều hạnh ngộ trời cho. Với phương pháp phối hợp mới dựa vào căn bản khoa học, soạn giả huấn luyện môn sinh đủ sức chịu đựng cho xe hơi cán, búa đánh, dao chém, nằm trên hầm chông, v…v… mà không phương hại gì đến sức khỏe mà mỗi ngày sức lực càng gia tăng. Điều nầy có thể chứng minh qua sự thành công của soạn giả, năm 1972, 73 cho đủ loại xe hơi cán qua đủ chỗ trong mình, năm 1974 đã đủ nội lực chịu đựng cho xe tăng hạng nặng cán qua (soạn giả sẽ phối hợp tổ chức biểu diễn chung với một Bộ, Phủ thuộc văn hóa thành quả nầy để lấy tiền cứu giúp đồng bào nghèo trong những ngày tới đây, công việc đang tiến hành. Quý học giả ở Sài Gòn Gia Định nhớ đón coi chơi cho biết. Có đài truyền hình ngoại quốc quay phim). 



Ở đời, người không học thấy cái gì cũng ghê gớm nhưng khi đã học qua thì mọi sự chỉ là trò chơi giải trí, kiếm tiền hoặc lợi thân đạt đạo, khôn và dốt chỉ cách nhau tờ giấy mỏng. 



Trở lại cách tạo cái vòng đồng thì, ngày nay có đủ máy móc tối tân ở các tiệm tiện, đúc, rèn học giả có tiền thì đến đó bảo họ làm cho cái gì cũng được. Vẽ kiểu đưa ra bữa sau có liền, mang về tập vài tháng thấy đời vui đẹp hơn xưa, ăn ngon ngủ được, làm việc gì cũng mau cũng vui ấy là sức khỏe tăng tiến rồi đó. Nếu không có tiệm điện, đúc, rèn thì nhờ các tiệm làm đồ sắt, hàn cửa sổ, cửa sắt uốn các vòng sắt cũng đều tốt. Các học giả ở nhà quê có thể dùng sợi dây sắt bằng chiếc đũa ăn uốn thành vòng rồi lấy kẽm nhỏ quấn chung quanh cho đều, lớn dần đến khi đủ trọng lượng mong muốn. Hoặc dùng chì nấu chảy làm khuôn tròn dưới đất mà đổ, rồi dùng dũa mà dũa cho tròn, sau đó dùng kẽm quấn chung quanh thật đều khít thì cũng có vòng Thiết Tuyến để luyện tập. 



Trên đây là cách tạo chiếc vòng đồng, sắt, v…v… để luyện nội công, từ cách làm bằng máy móc đến cách chế biến thô sơ, cách nào cũng tốt. Quan trọng không phải hoàn toàn ở chiếc vòng đẹp, quí mà ở chỗ biết cách tập luyện. Biết tập luyện thì có hạnh phúc rồi vậy. 



Soạn giả viết cuốn sách nầy dành cho người trẻ, tuổi đang lên nhưng không hẳn vì thế mà người có tuổi không tìm thấy điều thích hợp trong sách nầy. Mà ngược lại người có tuổi sẽ tìm thấy ý nghĩa về đời sống nhiều hơn, thấy phấn khởi hơn trong nhịp sống hàng ngày khi bắt tay rèn luyện môn quyền thuật nầy. Bởi ý ấy mà chữ hạnh phúc mới được nói đến, còn trẻ tuổi chỉ đúng nghĩa với từ ngữ vui tươi mà thôi. 



“Sức khỏe là vàng”. Quý vị đều có kho vàng vô tận, tại sao cứ mãi chịu nghèo nàn. Cuốn sách quý vị đang cầm trên tay đây là bí quyết giúp quý vị hưởng kho vàng của quý vị một cách trọn vẹn. Chúc quý vị hạnh phúc và vui tươi.


Hết !!!

_______________

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: