Chương 9THAM GIA CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG MÙA XUÂN 1975


1

Cuối năm 1974, chiến trường miền Nam diễn biến theo chiều hướng ngày càng có lợi nghiêng về phía ta và ngày càng bất lợi cho giới cầm quyền Sài Gòn. Tình hình thế giới cũng có nhiều thuận lợi. Người dân Mỹ ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, đòi chính quyền Mỹ hoàn toàn chấm dứt cuộc chiến tranh, mang lại nền hòa bình đích thực cho Việt Nam. Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng dâng trào trong hàng triệu trái tim con người khắp mọi miền Tổ quốc.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị và chỉ rõ: Cần tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín mùi, tiến hành tổng công kích. Tiêu diệt và làm tan rã quân đội Sài Gòn, đánh đổ giới cầm quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam. Kế hoạch giải phóng miền Nam được tiến hành trong 2 năm, 1975 đến 1976. Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Quân đoàn 2 được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp tục tổ chức tiến công tiêu diệt địch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên, mà mục tiêu trọng điểm là thành phố Huế. Chuẩn bị chiến dịch mùa khô 1975, ban đầu Quân đoàn 2 dự định chọn hướng tây, theo đường 12 đánh thẳng vào thành phố Huế.

Do chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Thừa Thiên, Cơ quan Tham mưu Sư đoàn 324 chúng tôi đều thấy rằng, chọn hướng tiến công vào Huế theo trục đường 12 sẽ gặp vô vàn khó khăn, cả về triển khai lực lượng, phát triển chiến đấu lẫn đảm bảo hậu cần. Địa hình vùng này núi cao, rất hiểm trở và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Với lý do đó, Bộ Tư lệnh và Cơ quan Tham mưu Sư đoàn 324 đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nên chọn trục đường 14 (tây nam Huế) từ Nam Đông - Khe Tre đánh chiếm vùng đồng bằng nam Thừa Thiên, thực hiện chia cắt chiến dịch (giữa Huế và Đà Nẵng). Sau đó chúng ta tiến công giải phóng thành phố Huế thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Đầu tháng 02 năm 1975, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã chấp nhận phương án đề xuất của Sư đoàn 324 và giao cho Sư đoàn 324 đảm nhiệm tiến công địch trên hướng chủ yếu theo trục đường 14 vào thành phố Huế.

Năm 1975, Sư đoàn 324 ăn Tết Nguyên đán ở A Lưới cùng đồng bào Pakô và Vân Kiều rất vui và ấm tình quân dân. Riêng các đơn vị trinh sát được lệnh tổ chức ăn tết trước vào ngày 6-2-1975 để kịp thời gian lên đường thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngày 8 tháng 2 dưới sự chỉ huy của quyền Tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Phúc Thanh, tôi cùng hầu hết anh em trinh sát sư đoàn và trinh sát Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 lên đường hành quân về khu vực Nam Đông, Khe Tre nam Thừa Thiên. Đúng ngày 30 tết (ngày 10 tháng 2) năm ấy, các đơn vị trinh sát của Sư đoàn 324 đã bắt đầu trèo đèo, lội suối, tận dụng yếu tố bất ngờ tiến hành nghiên cứu địch, nghiên cứu địa hình dọc hai bên trục đường 14 để chuẩn bị cho chiến dịch theo phương án Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã xác định. Đồng thời tôi đã cử Trợ lý Trinh sát Sư đoàn Trần Cảnh Yên cùng Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn 1 Bùi Đức Hiệp về ngay Khe Sanh liên hệ với ban quản lý trại giam, xin khai thác tù binh, thu thập thêm tài liệu để phục vụ chiến dịch.

Tháng 02 năm ấy, vùng rừng núi nam Thừa Thiên, thời tiết không thuận lợi, mưa dầm dài ngày. Áo quần, tăng võng của bộ đội ẩm ướt khó chịu, nhưng tất cả không ngăn cản được ý chí và bước chân của cán bộ và các chiến sĩ trinh sát ta. Sau gần hai tuần nghiên cứu nắm vững địch và địa hình khu vực đường 14, cơ quan Trinh sát cùng Ban Tham mưu sư đoàn đã cẩn trọng xây dựng phương án chiến đấu, đề xuất với Bộ Tư lệnh Sư đoàn:

- Hướng tiến công chủ yếu của sư đoàn do Trung đoàn 2 đảm nhiệm. Từ đông Động Truồi, đánh chiếm sở chỉ huy của một tiểu đoàn địch ở điểm cao 224 rồi phát triển vào núi Nghệ.

2. Hướng tấn công thứ hai, Trung đoàn 1 (thiếu 1 tiểu đoàn) đảm nhiệm. Theo trục đường 14 ,đánh qua cao điểm 75, 76 rồi phát triển chiếm núi Bông.

3. Lực lượng luồn sâu có nhiệm vụ: Tiêu diệt chi đoàn xe tăng địch ở Đông Bắc núi Bông. Do đồng chí Nguyễn Xuân Lộc - Đại đội phó Trinh sát chỉ huy.

4. Hướng kiềm chế đánh vào điểm cao 303 do hỏa lực sư đoàn cùng lực lượng công binh đảm nhiệm.

5. Một tiểu đoàn của Trung đoàn 1 làm dự bị.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng tiến về đồng bằng giải phóng thành phố Huế.

Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã chuẩn y phương án đánh địch này. Công tác chuẩn bị được tiến hành ngay sau đó. Cán bộ các đơn vị tiếp tục nghiên cứu địch và địa hình bổ sung hoàn chỉnh phương án tác chiến.

Từ 20 tháng 2, Bộ đội trong toàn sư đoàn hối hả vận chuyển đạn và gạo, hai thứ thiết yếu nhất cho chiến trường vào vị trí quy định. Cuối tháng hai tôi trực tiếp tổ chức huấn luyện một tuần cho Phân đội Trinh sát về cách đánh tiêu diệt chi đoàn xe tăng địch tại một thao trường đã chọn. Sau một tuần, trở về cơ quan, tôi thật sự buồn vì sư đoàn đã thay đổi phương án chiến đấu ban đầu. Hướng chủ yếu lại đánh vào cao điểm 303 do Trung đoàn 2 đảm nhiệm. Hướng thứ yếu đánh theo trục đường 14 do Trung đoàn 1 đảm nhiệm. Lực lượng luồn sâu do Đại đội Trinh sát đảm nhiệm không thay đổi.

Như vậy, điểm cao 224, nơi sở chỉ huy của một tiểu đoàn địch đứng chân lại bỏ ngỏ. Nguy hiểm quá! Tôi thấy việc thay đổi phương án này rất bất lợi; sẽ gặp không ít khó khăn, tổn thất. Vì giữa hai hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu cách quá xa nhau, không thể hỗ trợ được cho nhau. Hơn nữa vị trí sở chỉ huy tiểu đoàn địch lại bị bỏ ngỏ.

Sau khi thống nhất trong cơ quan trinh sát và trao đổi với anh Trần Tâm, Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn, chúng tôi đã trực tiếp gặp Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn đề nghị đánh địch theo phương án ban đầu. Nhưng ý kiến đề xuất ấy không được chấp thuận.

- Phương án chiến đấu trên do Phòng Tác chiến cùng anh Đóa, Tham mưu phó Quân đoàn 2 đề xuất và đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn thông qua - Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn giải thích.

Ngày hôm sau, tôi tiễn Đội Trinh sát - công binh luồn sâu lên đường thực hiện nhiệm vụ diệt chi đoàn xe tăng địch ở đông bắc núi Bông trong tâm trạng lo lắng. Bởi vì tôi biết rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bọn địch ở điểm cao 224 nhất định sẽ chặn đường rút lui của ta.

Mờ sáng hôm ây, ở khu vưc Nam Đông - Khe Tre sương mù dầy đặc, pháo binh ta không quan sát được mục tiêu. Cho nên Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn đã quyết định lùi thời gian nổ súng lại mười phút so với kế hoạch. Đúng 5 giờ 45 phút ngày 08-3-1975, cuộc tiến công địch ở tây nam Huế bắt đầu. Sau loạt đạn B-41 đầu tiên của Phân đội Trinh sát luồn sâu bắn vào đội hình chi đoàn xe tăng địch ở bắc núi Bông. Tiếp đó pháo binh, súng cối của ta bắn cấp tập vào các vị trí đóng quân của địch 45 phút.

Hỏa lực pháo binh vừa chuyển làn, bộ binh ta đồng loạt xông lên tiến công địch. Khoảng 8 giờ sáng hôm ấy, Tiểu đoàn 1 và 3 của Trung đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Trương Văn Núp chỉ huy đã chiếm được các điểm cao 75, 76, 73. Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 2 do Trung đoàn Trưởng Nguyễn Đình Mai chỉ huy vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của địch ở điểm cao 303. Năm lần bảy lượt bộ đội ta xông lên đều bị địch đánh chặn lại. Đồng chí Thời - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 và nhiều chiến sĩ hy sinh. Trung đoàn 2 cử đồng chí Hảo - Tham mưu phó trung đoàn thay thế đồng chí Thời chỉ huy Tiểu đoàn 6 rất kịp thời nhưng vẫn không giải quyết được trận đánh. Trưa hôm ấy đồng chí Hảo đã anh dũng hy sinh ngay sát hàng rào của địch ở điểm cao 303. Mũi tiến công đánh địch ở đồi Yên Ngựa, giữa điểm cao 224 với điểm cao 303 cũng bị quân địch ngăn chặn, không thể phát triển được. Buổi chiều ngày 8-3-1975, Trung đoàn 2 được lệnh tạm dừng tấn công địch ở điểm cao 303 và lùi về phía sau để củng cố.

Phân đội Trinh sát Sư đoàn do đồng chí Nguyễn Xuân Lộc- Đại đội phó chỉ huy thực hiện nhiệm vụ luồn sâu đánh hiểm đã diệt được 11 xe tăng địch. Thật đáng tiếc! Mũi tiến công do đồng chí Tàm - Trung đội trưởng chỉ huy, đã tiếp cận đến sát mục tiêu thì một chiến sĩ bị rắn cắn rất đau đớn. Do lúng túng trong việc xử lý rắn cắn nên đã không diệt gọn được cụm xe tăng trên hướng này. Phát hiện được mục tiêu, một chiếc xe tăng địch đã dùng pháo và súng 12,8 ly bắn trực tiếp vào đội hình bộ đội ta làm cho một đồng chí hy sinh tại chỗ và năm đồng chí bị thương. Biết lực lượng ta ít, đang cố dìu nhau rút lui, chúng đã dùng bộ binh đuổi theo vây bắt. Do sức chiến đấu không còn nên năm thương binh của ta đã bị địch bắt gồm: Hai chiến sĩ công binh, Anh Tàm Trung đội trưởng, đồng chí Nông và đồng chí Hồng chiến sĩ trinh sát. Nhưng rất mừng là ngày 29-3-1975 ta đã giải thoát được cả năm đồng chí thương binh đang bị địch giam giữ ở thành phố Đà Nẵng.

Để tránh tổn thất tiếp, tôi đã ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Xuân Lộc đưa lực lượng còn lại của Phân đội luồn sâu - đánh hiểm, bí mật cắt rừng theo hướng bắc rồi men theo đường 14 qua đội hình của Trung đoàn 1 rút về đơn vị an toàn.

Tối hôm ấy, tôi cùng Trưởng ban Tác chiến Trần Tâm trực tiếp đề nghị sư đoàn tổ chức đánh chiếm điểm cao 224 càng nhanh càng tốt. Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn đã chấp nhận ngay phương án chiến đấu theo đề xuất của cơ quan tham mưu. Sư đoàn cũng cử đồng chí Nguyễn Phúc Thanh quyền Tham mưu trưởng cùng Phó Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dánh xuống Trung đoàn 2 trực tiếp chỉ huy trận đánh quan trọng này.

Hai ngày sau đó, đúng 16 giờ ngày 10 tháng 3, Tiểu đoàn 4 do Trung đoàn phó Nguyễn Thì Khoái quê ở Bắc Ninh và Chính ủy Trung đoàn Lê Văn Mẹo quê ở Thanh Hóa trực tiếp chỉ huy đã cùng các đơn vị hỏa lực của trung đoàn và sư đoàn tiến hành tấn công chiếm được điểm cao 224. Sở chỉ huy tiểu đoàn địch bị tiêu diệt. Mắt xích quan trọng trên tuyến phòng thủ đường 14 của chúng đã bị chặt đứt.

Trận đánh xe tăng ở bắc núi Bông của Phân đội Trinh sát và công binh diễn ra rất tốt, diệt được 11 xe tăng của địch. Tuy nhiên, sau khi kết thúc trận đánh, đồng chi Nguyễn Xuân Lộc tự đề nghị nhận kỷ luật vì chỉ huy chưa tốt nên đã để bộ đội thương vong nhiều (một chiến sĩ hy sinh, năm thương binh của ta bị địch bắt). Sư đoàn xét thấy lỗi trên là do khách quan nên đã đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai cho đồng chí Nguyễn Xuân Lộc.

Ngày 10-3-1975, chúng tôi nhận được tin Mặt trận Tây Nguyên nổ súng. Kẻ địch rất lúng túng bị động, chúng không thể ngờ đòn tiến công chiến lược của ta lại giáng vào Tây Nguyên. Bởi vì quân đội Sài Gòn vẫn cho rằng hướng tiến công chủ yếu của ta là chiến trường Trị Thiên.

Sư đoàn 324 nổ súng tiến công địch từ ngày 08 tháng 3 ở Thừa Thiên đã khiến địch tập trung lực lượng, căng sức chống đỡ. Ngoài ra chúng còn phải chống đỡ ở nhiều nơi khác nữa trên khắp các chiến trường miền Nam. Cho nên lực lượng của địch ở Buôn Ma Thuột, một mục tiêu quan trọng ở Tây Nguyên rất mỏng. Quân ta chiếm thị xã Buôn Ma Thuật rất nhanh gọn trong ngày 10 và 11-3-1975.

Tối 14-3-1975, tôi nhận được một thông báo từ Cơ quan Trinh sát Quân đoàn 2. Theo trinh sát ta nắm được, sáng 14 tháng 3, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Phú, Tư lệnh Vùng hai chiến thuật của quân đội Sài Gòn sử dụng máy bay trực thăng cùng thị sát chiến trường Tây Nguyên. Chúng đã đi đến quyết định " rút b Tây Nguyên".

Tôi đã báo cáo thông tin trên với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324. Các đồng chí chỉ huy trong Bộ Tư lệnh rất phấn khởi. Tình hình chiến sự ở tất cả các chiến trường miền Nam nóng lên từng ngày. Nó báo hiệu sự đột biến lớn cho một thời cơ lớn sắp xảy ra.

Hướng Trung đoàn 2, ta và địch giành đi giật lại điểm cao 224. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Đêm 16 tháng 3, tôi cùng một số cán bộ cơ quan sư đoàn lên điểm cao 224 kiểm tra. Chúng tôi chứng kiến trận địa của bộ đội ta không còn một ngọn cỏ. Khu vực điểm cao này bị bom đạn cày xới thành một lớp đất bột dày ngập mắt cá chân.

Chúng tôi thấy thương và vô cùng cảm phục anh em cán bộ chiến sĩ phòng ngự trên điểm cao 224. Các đồng chí của chúng ta thật vô cùng dũng cảm. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo, sư đoàn đã ưu tiên chi viện hỏa lực tối đa cho lực lương phòng ngự điểm cao 224 để tạo điều kiện cho bộ đội ta giữ vững trận địa.

Nhiều trận chiến đấu của Sư đoàn 324 trên trục đường 14 tuy bước đầu có khó khăn nhưng quân ta đã chiếm được các điểm cao có giá trị. Những điểm cao này đã làm bàn đạp rất thuận lợi cho quân ta tiến về đồng bằng. Tình thế mới đang mở ra trước mắt cho tất cả các đơn vị trong sư đoàn.

Tối 19 tháng 3, tôi nhận được tin các đơn vị dồn dập báo về những động thái khác thường của địch. Đồng chí Dư- trung đội trưởng phụ trách Đài quan sát ở Lương Điền, nam sông Truồi báo cáo: "Trong ngày có chừng 400 xe ô tô con chở hàng cồng kềnh, xuất phát từ Huế chạy vào hướng Đà Nẵng". Anh Giang chỉ huy Phó tỉnh đội Thừa Thiên cũng bất ngờ thông báo: "Chúc Mao, một cứ điểm mạnh của địch ở vùng giáp ranh Tây huyện Hương Trà không còn địch". Ngay sau đó, đội Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn báo tin: Trinh sát kỹ thuật nhận được tin, lính thông tin của địch kháo nhau rằng: "Xe tăng và lính Quốc gia hành quân từ hướng Quảng Trị qua cầu Mỹ Chánh đông lắm".

Căn cứ vào những tin tức trên cùng nhiều nguồn thông tin khác trên chiến trường, Cơ quan Trinh sát Sư đoàn đã họp đánh giá và dự đoán được tình hình khả năng diễn biến sắp tới của địch trên chiến trường. Sau đó, tôi lên ngay Trung tâm Chỉ huy báo cáo. Tại Trung tâm Chỉ huy lúc bấy giờ có Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan, Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn và Chính ủy Nguyễn Trọng Dần. Tất cả các thủ trưởng đang chờ, sẵn sàng nghe tình hình địch từ cơ quan trinh sát.

Sau khi nghe báo cáo cụ thể về diễn biến tình hình địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn yêu cầu tôi trình bày rõ về khả năng sắp tới của địch. Tôi mạnh dạn trình bày nhận định cá nhân:

- Theo tôi, địch sẽ rút bỏ khỏi Quảng Trị. Rất nhiều khả năng chúng chọn phía nam sông Ô Lâu để tổ chức tuyến phòng thủ mới. Sắp tới, có thể chúng còn rút bỏ tiếp một số cứ điểm ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Thừa Thiên để tập trung lực lượng về chiếm các điểm cao giáp ranh phía tây đường 1. Mục đích của chúng là ngăn chặn ta, cố giữ thành phố Huế. Hiện tại tướng Lâm Quang Thi trực tiếp chỉ huy tại Huế.

Phó Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn nhất trí với nhận định về địch của tôi.

- Đồng chí có biết 400 xe ô tô từ Huế vào Đà Nẵng chở những gì không? Phó Tư lệnh quân đoàn hỏi rõ thêm.

- Thưa Thủ trưởng, đài quan sát của ta ở cách đường 1 hơn một cây số. Chúng tôi chỉ quan sát biết được xe con chở hàng cồng kềnh, có vẻ hàng dân dụng hoặc hậu cần gì đó chứ không phải là vũ khí, khí tài quân sự- tôi trả lời.

- Đúng rồi! Hai tên Tướng Ngô Quang Trưởng và Lâm Quang Thi cùng lên tiếng quyết tâm tử thủ tại Huế. Nhưng rồi, cả tướng lẫn quân đều không tin quân đội Sài Gòn có thể giữ được Huế nên chúng dùng xe con, xe to, chở vợ con, đồ đạc vào Đà Nẵng trước đấy - Phó Tư lệnh quân đoàn Hoàng Đan nhận xét, rồi ông quả quyết - Thời cơ giải phóng thành phố Huế đã đến rồi. Không thể bỏ lỡ cơ hội này. Chậm nhất ngày 28-3-1975, bộ đội ta sẽ lấy được Huế.

Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan quê ở huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Ông là một cán bộ dũng cảm, thông minh, sâu sát cấp dưới, có tính quyết đoán cao. Trong những năm tháng bảo vệ biên giới phía Bắc, Thiếu tướng Hoàng Đan được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân Đoàn 14 rồi lên làm Phó Tư lệnh Quân khu 1, sau đó ông làm phái viên của Bộ Tổng tham mưu ở Mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Cuối đời quân ngũ, ông làm Cục trưởng Cục Nghiên cứu Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng rồi nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông từ trần sau một căn bệnh hiểm nghèo.

Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn cho phép tôi về cơ quan làm việc. Ông dặn tôi đúng 23 giờ đêm phải có mặt tại Trung tâm Chỉ huy Sư đoàn nhận nhiệm vụ. Tối hôm đó, tại Cơ quan Trinh sát sư đoàn, chúng tôi nóng lòng chờ đợi. Dự cảm của người lính đi trước nắm địch mách bảo chúng tôi một việc rất hệ trọng sắp diễn ra trên chiến trường. Tại hầm họp Cơ quan Trinh sát có các anh Cao Sỹ Nguyên quê ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, anh Phan Đình Hạ quê ở huyệnVĩnh Tường, Vinh Phúc, anh Lê Minh Duyệt quê ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An và anh Trần Cảnh Yên quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An...

Tất cả chúng tôi nghiên cứu kỹ tình hình chiến sự ở Tây Nguyên và những nhận định của Sư đoàn trưởng Duy Sơn, Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan. Sau đó, anh em chụm đầu bên tấm bản đồ, sôi nổi hào hứng bàn nhau tìm ra các phương án trinh sát, chuẩn bị đường để sẵn sàng đưa các trung đoàn tiến về đồng bằng, đánh sâu vào thành phố Huế.

Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn đã có cuộc họp khẩn cấp. Đúng 23 giờ, tôi có mặt ở Trung tâm Chỉ huy Sư đoàn. Vừa gặp tôi, Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn đã giao ngay nhiệm vụ: "Đồng chí khẩn trương tổ chức trinh sát chuẩn bị đường đưa Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 xuống đồng bằng ven biển chiếm cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Chậm nhất đêm 21 tháng 3 các đơn vị sẽ xuất phát tiến về đồng bằng.

- Rõ, thưa Thủ trưởng! - Một luồng suy nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu, khiến tôi mạnh dạn đề nghị - Với hai ngày một đêm, trinh sát chỉ đủ thời gian chuẩn bị đường đưa các đơn vị đến phía tây đường 1. Tôi đề nghị sau khi vượt đường, các đơn vị phải vừa đánh địch vừa tự tìm đường đến mục tiêu quy định.

- Được! Sư đoàn đã phân công anh Minh Long - Phó Tư lệnh Sư đoàn xuống Trung đoàn 2; anh Lê Văn Dánh - Phó Chính ủy cùng anh Nguyễn Phúc Thanh - quyền Tham mưu trưởng sư đoàn xuống Trung đoàn 1 để trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tiến về đồng bằng- Sư đoàn trưởng đồng ý đề nghị của tôi và cho biết thêm.

Biết rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên tôi xin phép Sư đoàn trưởng được trở về cơ quan ngay. Tại căn hầm họp, tôi cùng các đồng chí trong cơ quan trinh sát bàn bạc chuẩn bị phương án đưa các đơn vị xuống đồng bằng rất chi tiết. Tiếp theo chúng tôi triển khai nhiệm vụ cho các đồng chí Ban chỉ huy Đại đội Trinh sát và cơ quan Trinh sát các trung đoàn vào lúc trước khi trời sáng. Tôi phân công anh Lê Minh Duyệt đi cùng Sư đoàn phó Minh Long xuống giúp Trung đoàn 2. Anh Cao Sỹ Nguyên đi cùng quyền Tham mưu trưởng Phúc Thanh và Phó Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dánh xuống giúp Trung đoàn 1.

Để tăng sức chiến đấu cho Sư đoàn 324. Ngày 14 tháng 3 Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 3 - từ Thượng Đức tỉnh Quảng Nam cấp tốc hành quân trở về đôi hình Sư đoàn 324 tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Huế.

Ngày 19 tháng 3, Trung đoàn 3 vừa về đến khu vực Nam Đông Khe Tre ( trên trục đường 14) đã được lệnh tổ chức lực lượng thay thế Trung Đoàn 1 và Trung đoàn 2 ở khu vực Núi Bông, Núi Nghệ, điểm cao 224... Hoàn thành vào ngày 21 tháng 3 trong điều kiện địch dùng bom pháo đánh chăn rất ác liệt... Để các đơn vị kịp chuẩn bị tiến về đồng bằng theo nhiệm vụ được giao.

Mờ sáng ngày 20-3-1975, hai phân đội trinh sát Sư đoàn tăng cường cho các trung đoàn làm nhiệm vụ cắt đường xuống đồng bằng lặng lẽ xuất phát. Cả hai phân đội đều có nhiệm vụ đến Sở Chỉ huy các Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 trực tiếp báo cáo lại kế hoạch của Cơ quan Trinh sát Sư đoàn. Sau đó dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ cắt đường đưa các đơn vị xuống đồng bằng.

Trưa hôm ấy, các phân đội trinh sát mới bắt đầu thực hiện cắt đường để chuẩn bị cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 tiến về đồng bằng theo nhiệm vụ được giao. Hướng của Trung đoàn 1 dự kiến phương án: Trinh sát từ bắc núi Bông cắt rừng men theo nam đường 14 đến đường 1, đoạn cách nam ngã ba La Sơn khoảng 1 ki-lô-mét. Sau đó bộ đội vượt đường 1, vượt phá Tam Giang tiến về cửa Thuận An. Hướng của Trung đoàn 2 dự kiến phương án: Trinh sát từ Sở Chỉ huy Trung đoàn 2 (đông nam Động Truồi) cắt đường men theo bắc sông Truồi đến đường 1, cách đoạn bắc cầu Truồi chừng 500 mét. Sau đó bộ đội vượt đường 1, vượt phá Tam Giang rồi tiến về cửa biển Thuận An và cửa biển Tư Hiền.

Thời gian phải hoàn thành nhiệm vụ là quá gấp. Địa hình lại trống trải. Bộ đội ta hoạt động ban ngày rất hạn chế nên trinh sát của ta buộc phải tổ chức cắt đường theo phương pháp sâu đo. Nghĩa là cắt đường đến đâu thì đưa bộ đội đến đó.

Đến gần sáng ngày 21 tháng 3, sau khi cắt được một đoạn đường khoảng 10 ki-lô-mét, trinh sát cả hai hướng Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 phải tính toán cho người quay về đón bộ đội. Từ sáng ngày 21 tháng 3, trong quá trình cắt đường, trinh sát ta phải chia thành từng tổ nhỏ, cắt từng chặng đường từ 2 đến 3 cây số, sau đó lại bố trí người quay lại đón bộ đội. Đúng vào đêm 21 rạng sáng 22 tháng 3, trinh sát đã đón và đưa Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 tiến xuống đồng bằng đúng thời gian quy định.

Sau một ngày hành quân theo những con đường trinh sát chuẩn bị, đêm 22 tháng 3, hầu hết các đơn vị của Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 đã vượt đường 1 an toàn tiến về hướng cửa Thuận An, cửa Tư Hiền. Ban đêm trời tối, đường lạ, địa bàn phức tạp, tốc độ tiến quân chậm. Gần 100 chiến sĩ của Trung đoàn 1 bị tụt lại ở tây đường 1. Vì trời đã sáng số quân này không thể mạo hiểm vượt đường. Tham mưu phó trung đoàn Hà Quang Đinh đã tổ chức cho bộ đội chiếm khu vực nam làng La Sơn, xây dựng công sự và trận địa bám trụ sẵn sàng đánh địch.

Trong cái rủi lại có cái may. Lực lượng của ta chốt giữ nam làng La Sơn cả ngày 23 tháng 3 khiến cho quân địch trong vùng lúng túng bị động. Kẻ địch ở đây báo cáo với cấp trên của chúng: "Cứ điểm La Sơn bị bao vây nên trận địa pháo không thể nào hoạt động được. Đoạn đường 1, nam làng La Sơn bị Việt cộng khống chế nên cũng không thể di chuyển đi được". Như vậy, lực lượng ta bị tụt lại ở phía tây đường 1 do anh Hà Quang Đinh chỉ huy đã lập chiến công lớn. Quân ta tạo được thế uy hiếp cả cứ điểm La Sơn và đường 1. Kẻ địch rơi vào tình thế rất lúng túng.

Trưa ngày 23-3-1975, chúng ta nhận được tin: Tướng Ngô Quang Trưởng đã ra lệnh cho các đơn vị của chúng rút khỏi Huế, tập trung về bảo vệ Đà Nẵng. Chiều hôm ấy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 đã ra lệnh cho Trung đoàn 3 cùng với các đơn vị xe tăng theo đường 1, đánh thẳng vào cố đô Huế. Tôi đã cử anh Phan Đình Hạ cùng một phân đội trinh sát xuống giúp Trung đoàn 3 tiến công chiếm thành phố Huế.

Tối 23 tháng 3, bộ đội ta ở nam làng La Sơn do đồng chí Hà Quang Đinh chỉ huy đã hành tiến qua đường 1 an toàn và đuổi theo kịp đơn vị. Được đồng chí Lê Văn Dánh Phó Chính ủy và đồng chí Nguyễn Phúc Thanh quyền Tham mưu trưởng Sư đoàn chỉ đạo trực tiếp, Trung đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Trương Văn Núp chỉ huy đã đưa lực lượng đi đầu của trung đoàn vượt phá Tam Giang, qua đoạn bắc bến đò Lương Viên vào lúc mờ sáng 24-3-1975. Đến đêm 24 tháng 3 hầu hết lực lượng Trung đoàn 1 đã vượt phá Tam Giang an toàn, rồi tiến về hướng cửa biển Thuận An.

Hướng Trung đoàn 2, được đồng chí Minh Long - Sư đoàn phó trực tiếp chỉ đạo cũng phát triển thuận lợi. Đêm 24, sáng 25 tháng 3, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Mai cùng Chính ủy Lê Văn Mẹo chỉ huy Trung đoàn 2 vượt phá Tam Giang qua đoạn nam bến đò Lương Viên. Sau đó Trung đoàn 2 tiến về hướng bắc cùng Trung đoàn 1 đánh chiếm khu vực cửa biển Thuận An. Riêng Tiểu đoàn 4, do Phó Chính ủy Trung đoàn - Trương Anh Dung chỉ đạo trực tiếp đã đánh chiếm khu vực bắc cửa biển Tư Hiền.

Đại quân của Sư đoàn 324 xuất hiện đồng loạt ở đồng bằng huyện Phú Lộc, và khu vực phía đông phá Tam Giang. Sau đó các đơn vị rầm rộ tiến về hướng cửa Thuận An và cửa Tư Hiền,quá nhanh, quá bất ngờ. Chính điều này đã làm cho quân địch ở thành phố Huế hoảng loạn, bỏ chạy về cửa biển Thuận An trong đêm 24-3-1975 để tìm cách thoát thân bằng tàu thuyền theo đường biển.

Thế nhưng hầu hết các loại tàu thuyền của địch đều bị pháo binh ta khống chế cho nên chúng không thể cập bến. Một số tàu của địch cập bến được ở cảng Thuận An thì cũng không đủ khả năng để chở hàng vạn quân đang hỗn loạn. Thực tế, chúng đã và đang bắn lẫn nhau để tranh lên tàu.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 24 tháng 3, Sở Chỉ huy Sư đoàn 324 rời Động Truồi theo đường 14 tiến về đồng bằng. Tôi được giao chỉ huy một phân đội trinh sát, một trung đội 12,7 ly và một trung đội công binh có nhiệm vụ đi trước, đánh dẹp địch để bảo đảm an toàn cho Sở Chỉ huy Tiền phương sư đoàn trong quá trình di chuyển. Nhớ lại, mờ sáng hôm ấy chúng tôi vượt qua điểm cao 75 và 76. Anh em trinh sát cắt đường tạt sang phía tay phải theo hướng đông nam, rồi vượt đường 1 vào tối 24-3-1975. Sau khi qua đường 1, lực lượng trinh sát đi đầu tiến vào một khu làng. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện những người dân nằm phủ phục rất đông hai bên đường. Họ cầu xin "các ông Giải phóng" đừng giết họ.

Chúng tôi phải cùng các cụ già trong làng giải thích về chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau đó mời dân "ai về nhà nấy để bộ đội Giải phóng làm nhiệm vụ". Khoảng 20 phút sau đám đông mới được giải tán. Chúng tôi đoán khu vực này do giới cầm quyền Sài Gòn kiểm soát lâu ngày, dân chúng bị chúng tuyên truyền xuyên tạc về hình ảnh bộ đội Giải phóng. Cho nên khi chúng tôi tiến vào làng, có thể người dân sợ quá, hoặc cũng có thể việc đó nằm trong kế hoạch của địch nhằm tổ chức cản đường tiến quân của ta nên họ mới hành động như vậy?

Tối muộn 24-3-1975, lực lượng trinh sát đã quay lại đón và đưa Sở Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn 324 vượt đường 1, đoạn bắc Cầu Truồi gần một cây số an toàn. Mờ sáng 25-3, Bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 324 đến bến đò Lương Viên. Lúc ấy, kẻ địch đã tháo chạy, bỏ lại đây hàng ngàn súng bộ binh và rất nhiều xe máy.

Trong đêm 24 tháng 3, Sư đoàn nhận được tin: Địch ở Huế đã tháo chạy về cửa biển Thuận An. Riêng đồn Mang Cá Nhỏ chúng vẫn chiếm giữ. Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn ra lệnh: "Ta phải khẩn trương đánh chiếm đồn Mang Cá Nhỏ để địch không còn bàn đạp phản kích như hồi năm 1968".

Đêm hôm ấy, đồng chí Trần Tâm - Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn đã viết điện khẩn, chuyển lệnh của Sư đoàn trưởng xuống Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3. Nhưng Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn vẫn chưa thật yên tâm. Ông đã chỉ thị cho tôi cùng một đồng chí liên lạc trực tiếp vào thành phố Huế, truyền đạt lại mệnh lệnh của Sư đoàn cho lực lượng Trung đoàn 1, hoặc Trung đoàn 3 ở Huế phải khẩn trương đánh chiếm và giữ chắc đồn Mang Cá Nhỏ để địch không còn bàn đạp phản kích. Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn vẫn thường cẩn trọng như vậy.

Do thời gian đòi hỏi rất khẩn trương, cho nên sau khi nhận lệnh, tôi bàn giao nhanh quyền chỉ huy lực lượng đi trước cho đồng chí Phân đội trưởng trinh sát, rồi cùng đồng chí Thông, chiến sĩ liên lạc vội vã lên đường, hướng thẳng về Huế bằng chiếc xe Mô tô Hon-đa nữ. Tôi trực tiếp cầm lái. Thông ngồi sau ôm súng AK sẵn sàng đánh địch khi có tình huống. Tuy biết là trên đường đi vào thành phố Huế, tàn quân địch ở trong các làng xóm, hoặc trong các lùm cây, mô đất dọc đường có thể xả súng bắn vào hai chúng tôi bất cứ lúc nào, nhưng mệnh lệnh chiến đấu là trên hết, bằng giá nào cũng phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Khoảng 8 giờ ngày 25 tháng 3, còn cách nội đô Huế gần 20 ki-lô-mét, chiếc xe hon-đa bỗng khựng lại. Chúng tôi đang loay hoay tìm cách khắc phục thì dân trong làng gần đó chạy ra vui mừng chào đón các anh bộ đội Giải phóng. Người thì mang xăng, người thì mang cờ lê, mỏ lết sẵn sàng giúp đỡ. Tôi còn nhớ, một bác đã tầm tầm tuổi trung niên, nhanh nhẹn kiểm tra xe rồi nói: "Hết xăng", sau đó bác ấy tự tay đổ đầy bình xăng và khởi động máy cho chúng tôi. Mọi người cùng chúc: "Tốt rồi, các anh đi may mắn nhé!"

Tôi và Thông chỉ biết cảm ơn rồi vội vã lên đường. Can xăng thật quí giá, tiếp xăng còn hơn tiếp máu lúc này. Được nhân dân hướng dẫn, chỉ đường rất tỉ mỉ, hai người tiếp tục tiến về hướng bắc theo những con đường nhỏ qua các làng xóm, cánh đồng, bãi trống để vào thành phố Huế.

Hơn 9 giờ hôm ấy, hai anh em mới tới ngoại ô thành Huế. Cả thành phố im ắng không tiếng súng. Đường phố vắng bóng người. Nhà nhà đóng kín cửa. Khắp nơi ngổn ngang các loại trang thiết bị chiến đấu của quân đội Sài Gòn bỏ lại.

Đang lúng túng tìm đường về đồn Mang Cá, tôi và Thông may mắn gặp được hai người dân mặc bộ đồ lao động đang đi trên hè phố. Khi chúng tôi hỏi, họ vui vẻ: "chào bộ đội Giải phóng" rồi chỉ đường rất nhiệt tình cho hai anh em đi đến đồn Mang Cá Nhỏ. Một người còn nói với theo:

- Lính Quốc gia ở đó đã bỏ chạy về Thuận An từ đêm rồi. Thành phố không còn lính nữa mô!

Khoảng 10 giờ 30 ngày 25-3-1975, tôi và Thông đã đến đồn Mang Cá Nhỏ. Đúng là địch đã rút chạy, bỏ lại ngổn ngang bao nhiêu thứ đồ đạc nhà binh. Và cả đồn Mang Cá Lớn cũng không còn bóng giặc. Vậy là quân đội Sài Gòn đã bỏ Huế rút chạy và Thành phố Huế đã được giải phóng từ sáng ngày 25-3-1975. Không biết tôi và Thông có phải là những người lính đầu tiên tiến vào nội thành Huế trong ngày giải phóng hay không? Hôm ấy, hai chúng tôi còn đi một số nơi để xem xét tình hình trong nội đô thành phố Huế, rồi lên Hon-đa quay trở lại báo cáo Sư đoàn trưởng.

Trưa ngày 25-3-1975 Trung đoàn 3 tiến quân vào thành phố Huế. Ngay sau đó, đã nhanh chóng phát triển về phía đông cùng Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 làm chủ cửa biển Thuận An vào chiều muộn hôm ấy. Quân ta bắt được rất nhiều tù binh địch, thu nhiều vũ khí, quân trang và xe quân sự.

Nhận được tin Huế đã được giải phóng. Chiều ngày 25-3-1975, đồng chí Sư đoàn Trưởng Nguyễn Duy Sơn cùng cơ quan Sở Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn 324 đã về đứng chân ở phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Tại đây Bộ Tư lệnh Sư đoàn tiếp tục chỉ huy các đơn vị gấp rút truy lùng tàn quân địch ở vùng bãi cát từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền. Đêm hôm ấy, tất cả cơ quan Sư đoàn và một số đơn vị trực thuộc sư đoàn cũng hành quân từ làng Bàng Môn huyện phú Lộc về đến phường Vĩ Dạ thành phố Huế..

Ngày 26-3-1975 là một ngày vô cùng bận rộn của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324. Bộ đội ta tiếp tục truy lùng bắt hết số tù binh còn lại, rồi vừa phân loại tù binh, vừa thu gom các loại vũ khí, trang bị của địch.

Đặc biệt các đơn vị có nhiệm vụ chọn một số tù binh quân đội Sài Gòn biết sử dụng các loại xe con, xe vận tải để chuẩn bị cho nhiệm vụ phát triển chiến đấu tiếp theo. Tôi còn nhớ anh Phan Đình Hạ, Trợ lý Trinh sát sư đoàn kể lại. Sáng ngày 26 tháng 3, anh Hạ cùng một tổ trinh sát xuống khu vực giam giữ tù binh ở gần phường Vĩ Dạ để chọn 50 binh sĩ Sài Gòn biết lái xe.

Đến nơi, sau khi trao đổi với lực lượng quản giáo, anh tập trung khoảng 500 tù binh rồi hỏi: "Anh nào biết lái xe giỏi thì giơ tay?". Lập tức hàng trăm cánh tay giơ cao. Anh Hạ chọn trong số đó lấy khoảng 60 người, đưa ra một khu vực riêng để quán triệt nhiệm vụ của người lái xe. Anh đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề an toàn và thành thực. Sau đó anh phát giấy bút cho họ viết cam đoan, yêu cầu phải ghi rõ chức vụ, nghề nghiệp, quê quán và những ý kiến đề nghị.

Chưa đến một giờ, 60 tờ giấy cam đoan được nộp đầy đủ. Trong đó có 17 người nêu nội dung tố cáo và phản ánh (ta đã nắm được 12 tên ác ôn có nợ máu, những tên là sĩ quan quân đội Sài Gòn và năm người có tay nghề lái xe yếu). Qua đó, chúng ta đã xác minh, sàng lọc lấy đủ số lượng lái xe định chọn.

Anh Hạ cùng các chiến sĩ trinh sát dẫn 50 tù binh ra bãi xe địch bỏ lại ở gần đó để chọn những chiếc xe tốt nhất. Anh em tù binh chọn xe có trách nhiệm và rất nhanh. Khoảng một giờ sau đó, 45 xe tải và 5 xe con đã xếp thành hàng trên đường, sẵn sàng về đơn vị. Được phục vụ Quân Giải phóng, anh em tù binh tỏ ra rất vui.

Trên đường lái xe về nơi quy định, gặp các bạn tù binh đang được ta giải đi trên đường, hầu hết các anh bạn lái xe ấy đều vẫy tay chào và nói với các bạn rất to: "Chúng mày ơi, bọn tao có ánh sáng rồi". Ngẫm cũng lạ, chính những người tù binh ở bên kia chiến tuyến lại lái xe chở chúng tôi tiến đánh Đà Nẵng và thực hiện nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh an toàn, kịp thời gian quy định. Thế là chúng ta đã tạo cho họ góp công sức với đất nước, dù có muộn mằn. Trong số họ, có những người được khen thưởng. Sau này hầu hết số tù binh đó đều được giảm hoặc miễn đi học tập cải tạo.

Tối 26-3-1975, một ngày sau khi ta làm chủ thành phố Huế, Bộ Tư lệnh Sư đoàn có một cuộc họp quan trọng. Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan cũng dự cuộc họp này. Trong cuộc họp, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn báo cáo tình hình khó nhất hiện nay là việc đảm bảo lương thực cho tù binh. Chỉ riêng gạo cho chúng ăn tính ra mất khoảng gần 20 tấn một ngày. Không lẽ chúng ta bỏ đói họ. Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn chỉ thị:

- Ta phải triệt để thực hiện nghiêm chính sách nhân đạo với tù binh. Các đồng chí lệnh cho các đơn vị thả tù binh địch, giao cho địa phương quản lí, cấp giấy chứng nhận cho họ. Ta chỉ giữ lại sĩ quan và bọn ác ôn. Làm như vậy, ta vừa thực hiện được chính sách nhân đạo, vừa làm được công tác binh vận.

Giải quyết xong vấn đề tù binh, Sư đoàn trưởng đề cập đến vấn đề cốt lõi:

- Bây giờ trinh sát cho tôi biết tình hình địch ở Đà Nẵng như thế nào?

- Thưa các thủ trưởng, hiện nay Đà Nẵng có khoảng sáu vạn tên địch. Trong đó có gần bốn vạn tên ở tại chỗ, số còn lại chúng chạy từ Tây Nguyên xuống và từ Huế vào - Tôi báo cáo.

- Theo đồng chí, lực lượng địch ở Đà Nẵng có mạnh không - Phó Tư lệnh Hoàng Đan hỏi thêm.

- Thưa... Quân địch ở các nơi chạy về gieo rắc thêm tâm lý hoang mang. Bọn địch tuy có đông nhưng ô hợp nên không thể mạnh - Tôi trả lời.

- Ta nên đánh bằng cách nào - Sư đoàn trưởng quay sang hỏi Trưởng ban Tác chiến.

- Bây giờ ta đánh theo cách của Nguyễn Huệ thì thắng, theo cách của Nguyễn Trãi chắc thua. Có phải không các đồng chí - Trưởng ban Tác chiến Trần Tâm chưa kịp trả lời, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan hóm hỉnh nói.

Cả cuộc họp cười sảng khoái. Tôi thấy cách ví von so sánh của Phó Tư lệnh Quân đoàn rất sâu sắc. Nó chỉ ra được phương thức chỉ đạo giải quyết chiến trường thật tuyệt vời. Tôi hiểu đánh như cách của Nguyễn Huệ tức là hành quân thần tốc vào Đà Nẵng nhanh như cơn lốc. Ngày xưa Nguyễn Huệ đã đưa quân từ xứ Huế ra Thăng Long rất nhanh và đánh thắng quân Thanh thật tài tình. Còn đánh theo cách của Nguyễn Trãi, Phó Tư lệnh mượn ý câu thơ trong Đại cáo bình Ngô: "Lại cho quân bốn mặt vây thành, đợi đến giữa tháng 10 diệt địch". Nếu chúng ta tiến vào Đà Nẵng theo lối chậm chắc thì đó là cách đánh mất thời cơ, bỏ lỡ lợi thế.

- Ngày mai 27 tháng 3, Sư đoàn 324 khẩn trương tiến vào Đà Nẵng. Các cơ quan sư đoàn lên kế hoạch và chuẩn bị thật tốt cho cuộc hành quân gấp rút này - Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn ra lệnh.

Hội nghị kết thúc, rất căng thẳng nhưng đầy phấn chấn. Sau cuộc họp, tất cả cán bộ chiến sĩ sư đoàn chuẩn bị hành quân, gần như suốt đêm không ngủ. Mới mờ sáng ngày 27-3-1975, các đơn vị của Sư đoàn 324 sử dụng xe ô tô chiếm được của địch ở Huế do tù binh lái, cùng xe của người dân tự nguyện chở bộ đội, các đơn vị lần lượt hành quân tiến sâu vào phía Nam.

Trung đoàn 3, Trung đoàn pháo binh 78 cùng Sở Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn đi trước. Tiếp theo là Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 hành quân theo đường 14 B qua núi Đồng Đen, rồi qua huyện Hòa Vang, vào vị trí triển khai sẵn sàng đánh chiếm thành phố Đà Nẵng, thủ phủ miền Trung của quân đội Sài Gòn. Chính tại nơi này, mấy ngày trước đó, viên Tướng Ngô Quang Trưởng của giới cầm quyền Sài Gòn còn gào thét, hô hào binh sĩ "tử thủ" - Quyết giữ thành phố Đà Nẵng đến cùng.

Tôi nhớ mãi hình ảnh hàng trăm người dân Hòa Vang tập trung, hò nhau đẩy xe của chúng tôi qua bãi lầy. Nhân dân còn đem nhiều vật dụng, kể cả cánh cửa của nhà mình ra đường chống lầy cho xe của quân ta tiến vào Đà Nẵng. Thật là cảm động!

Khoảng 17 giờ ngày 28 tháng 3, đồng chí Phùng Ngọc Bảo, Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn 2 đã trực tiếp thông báo cho tôi một tin quan trọng: Ta vừa mới nhận được cuộc điện đàm giữa tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Nội dung cuộc trao đổi như sau:

- Bao giờ Đà Nẵng bị tiến công - Nguyễn Văn Thiệu hỏi Ngô Quang Trưởng.

- Việt cộng muốn tấn công Đà Nẵng phải cần một lực lượng tương đương bốn quân đoàn, mà muốn cơ động được từng ấy lực lượng đến Đà Nẵng phải mất ít nhất 20 ngày - Ngô Quang Trưởng trả lời.

Ngô Quang Trưởng và bộ tham mưu của hắn cho rằng 20 ngày nữa Đà Nẵng mới bị tiến công. Mà theo kế hoạch Bộ Tư lệnh Mặt trận của ta thì 5 giơ 30 ngày mai (29 tháng 3) là giờ nổ súng tiến công Đà Nẵng. Như vậy, kẻ địch đã nhận định sai về thời gian bị ta tiến công tới bốn mươi lần. Tôi báo cáo ngay tin tức trên với Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn và Chính ủy Nguyễn Trọng Dần.

- Ngô Quang Trưởng đã đến ngày tận số rồi - Chính ủy Nguyễn Trọng Dần nói.

Đêm 28-3-1975, các trung đoàn, lữ đoàn pháo binh của ta đã vào vị trí chiếm lĩnh trận địa. Hầu hết lực lượng bộ binh của ta đã ở vị trí xuất phát tiến công, sẵn sàng đánh chiếm thành phố Đà Nẵng. Đúng 5 giờ 30 ngày 29-3-1975, pháo binh của ta đồng loạt đánh phá các vị trí quan trọng của địch ở Đà Nẵng. Thành phố biển Đà Nẵng phút chốc chìm trong biển lửa và khói đạn của pháo binh ta.

Các đơn vị của Quân đoàn 2 tiến quân theo hai hướng:

- Sư đoàn 324 từ vùng rừng núi phía tây tiến công căn cứ Phước Tượng (Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn) rồi vượt qua ngã ba Huế đánh vào trung tâm thành phố Đà Nẵng; chiếm Sở Chỉ huy Vùng 1 chiến thuật của chúng.

- Sư đoàn 325 theo đường 1 tiến vào đánh chiếm cảng Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và một số mục tiêu quan trọng ở trung tâm thành phố.

Ở hướng nam - tây nam, lực lượng Quân khu 5 và Sư đoàn 304 cũng bất ngờ phối hợp tiến công đánh chiếm căn cứ Hòa Cầm, sân bay cùng nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Một trận hợp đồng tác chiến vô cùng ngoạn mục của bộ đội ta kết hợp với bước tiến quân nhanh như chớp, với sức mạnh như bão táp, ập xuống trung tâm thành phố. Hàng vạn quân địch ở Đà Nẵng bị tách ra từng mảng, đội hình rối loạn. Chúng chống trả rất yếu ớt. Cảnh tượng hỗn quân, hỗn quan, kéo đàn, kéo lũ tháo chạy theo kiểu tùy nghi di tản thật thảm hại.

Như vậy là chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, buổi sáng ngày 29-3-1975 quân ta nổ súng tiến công, buổi chiều ngày 29-3-1975 thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Có lẽ trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chưa có một chiến dịch nào lại diễn ra nhanh như thế. Từ sáng đến chiều khoảng sáu vạn quân của địch, với trang thiết bị hiện đại cùng với hàng chục cụm căn cứ phòng ngự kiên cố của chúng đã hoàn toàn tan rã.

Khoảng 9 giờ ngày 29 tháng 3, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một phân đội trinh sát bảo vệ các tướng lĩnh của ta cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 tiến vào Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, trên đường phố còn rất đông binh lính Sài Gòn đi lại rất lộn xộn, nhưng thành phố đã hoàn toàn im tiếng súng. Các đồng chí trong Cơ quan Binh vận của ta phải dùng loa để kêu gọi, hướng dẫn tàn quân địch xếp súng vào hè đường rồi tự tìm đến chính quyền địa phương và các đơn vị Quân Giải phóng trình diện.

Nhân dân đứng thành hàng dài hai bên đường tay cầm cờ hoa rực rỡ vẫy chào đón đoàn quân chúng tôi tiến vào giải phóng thành phố. Trưa hôm ấy, các đồng chí tướng lĩnh cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 đều có mặt tại sở Chỉ huy vùng 1 chiến thuật quân đội Sài Gòn an toàn. Các thủ trưởng cùng cơ quan tiếp tục chỉ huy các đơn vị của mình truy quét tàn quân địch. Ngày hôm sau, hàng ngàn sĩ quan, hàng vạn binh lính địch kéo ra sân vận động Chi Lăng và một số địa điểm khác để trình diện Chính quyền địa phương và các đơn vị Quân Giải phóng.

Chiến thắng vang dội trên chiến trường Huế - Đà Nẵng đã hoàn toàn lật ngược thế cờ trong cuộc chiến ở miền Nam. Trong hơn 20 ngày tháng 3 nam 1975 lịch sử, giới cầm quyền Sài Gòn đã mất Tây Nguyên, mất Trị Thiên- Huế, và lại mất nốt Đà Nẵng, Quảng Nam. Đến thời điểm đó, quân đội Sài Gòn đã tổn thất trên 50% thực lực quân sự. Tình thế đã đặt ta vào thế thắng. Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Không một thế lực nào có thể đảo ngược được. Tôi cảm nhận cũng như hiểu sâu sắc những diễn biến chóng mặt trên chiến trường trong niềm vui "chờ đón thời cơ".

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 được dự báo sẵn sàng xuống tàu, cùng lực lượng Đặc công Hải quân tiến ra biển Đông giải phóng Quần đảo Trường Sa. Nhưng kế hoạch trên bị hoãn lại vì cấp trên quyết định dùng lực lượng khác.

Quân đoàn 2 giao cho Sư đoàn 324 cùng lực lượng Quân khu 5 tiếp quản thành phố Đà Nẵng, giữ vững vùng mới giải phóng và làm lực lượng dự bị cho quân đoàn sẵn sàng giải phóng các tỉnh Duyên hải miền Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong quá trình dừng chân ở Đà Nẵng, một số đơn vị của sư đoàn đã hành quân vào Quảng Ngãi rồi quay lại để nghi binh địch theo chỉ thị của cấp trên. Dừng chân ở Đà Nẵng được ít ngày, Sư đoàn 324 đã long trọng tổ chức đón đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đến thăm. Hôm ấy, sư đoàn triệu tập cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn và tất cả cán bộ các cơ quan sư đoàn tới căn cứ Phước Tượng, nơi Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn vừa bỏ chạy để nghe Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nói chuyện. Ông đã nói nhiều về chính sách hòa hợp dân tộc khi ta giải phóng hoàn toàn miền Nam với niềm tin mãnh liệt vào thế thắng của Cách mạng Việt nam. Đây cũng là dịp hội ngộ hiếm có của đội ngũ cán bộ trong sư đoàn qua những ngày máu lửa, tay nắm tay nhau mừng vui, như được tăng thêm sức mạnh để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Thực hiện mệnh lệnh: "thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận..." của Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong hai mươi ngày đầu tháng 4-1975, Quân đoàn 2 cùng với lực lượng Quân khu 5, Quân khu 6 và nhân dân miền Trung đã lần lượt giải phóng các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Như vậy là Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung đã được hoàn toàn giải phóng. Gần 10 năm đời quân ngũ, tôi chưa từng thấy có bao giờ chiến thắng của ta lại to lớn, lại nhanh đến thế và bước phát triển của các chiến dịch đánh địch lại nhảy vọt như lúc bấy giờ.

Tại Đà Nẵng tôi tranh thủ thời gian viết thư báo tin vui cho vợ.

Đà Nẵng 18-4-75

Em thương yêu!

Bữa trước nhận được thư em, anh chỉ kịp ghi vài chữ báo tin để em và thầy mẹ hai bên yên tâm... Hôm nay, anh viết tiếp thư này để kể chuyện chiến trường cho em nghe đấy...Em có thích nghe anh kể chuyện không nào!

Trước tiên anh kể chuyện tết chiến trường cho em nghe nhé...

Em ạ! Tết vừa qua anh và các bạn của anh phần lớn đều không được về thăm nhà. Các anh định tổ chức ăn tết thật to, thật vui để bớt nhớ nhà, nhớ người thân..Các anh chuẩn bị tết từ trước tháng Chạp, nào là trồng rau, nào là nuôi gà, nuôi lợn, chuẩn bị nếp để gói bánh chưng... Nói chung các anh đã sắm tết đầy đủ. Nhưng các anh học tập cụ Quang Trung...Các anh đã ăn tết trước (ngày 6-2) để lên đường. Tuy ăn tết trước nhưng cũng vui lắm. Không những vui đón xuân mà còn kèm theo không khí của một ngày xuất trận... Về vật chất cũng chẳng thiếu thứ gì. Cũng "thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh"... Sau đó là những ngày vất vả, gian khổ lại đến với anh (anh cũng không nhớ những ngày gian khổ ấy nó đến với anh lần này là lần thứ bao nhiêu nữa)... Gian khổ để chiến thắng em ạ! Ngày mùng 1, mùng 2 đến mùng 5 tết, anh cùng đồng đội liên tục leo đèo lội suối để chuẩn bị cho chiến dịch... Thế rồi anh của em đã tham gia chiến dịch Trị Thiên.....Ngày 25-3 anh đã có mặt ở thành phố Huế và tiếp đó anh đã đi thăm cung vua, lăng Tự Đức......Ngày 29-3 anh đã có mặt ở thành phố Đà Nẵng, một thành phố soi mình bên bờ biển...Anh đã đi thăm bán đảo Sơn Trà, anh đã dạo chơi bên bờ sông Bạch Đằng và anh đã đi thăm hầu hết các phố xá ở thành phố đặc biệt này... Nhân dân đã đón tiếp các anh chẳng khác gì người thân đi lâu ngày mới về, nhiều má mừng đến rơi nước mắt,các em thiếu nhi, các bạn thanh niên nam nữ quần áo đủ màu, mang cờ, mang hoa đứng chật hai bên đường vẫy chào đoàn quân Giải phóng. Bọn lính ngụy thì ngược lại, thấy các anh mặt chúng nó tái mét, chân tay run lật bật lần lượt ra hàng đông như bầy kiến.....Bọn ngụy ở miền Nam rã nhanh quá. Chính anh cũng không tưởng tượng được. 2-3 miền Nam được giải phóng rồi. Từ chỗ anh ở hiện nay muốn vào vùng địch tạm kiểm soát phải đi theo quốc lộ 1, 700 ki-lô-mét nữa. Một ngày gần đây chắc rằng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam sẽ được giải phóng. Ngày đó anh sẽ về thăm em và nếu có điều kiện anh sẽ đưa em đi thăm những nơi đẹp nhất trêm mảnh đất miền Nam mà anh đã đặt chân tới. Chắc lúc đó em nhất trí dành thời gian đi chơi với anh chứ.....

... Em Cường nghe nói đi bộ đội rồi phải không, hiện nay em ở đâu cho anh biết địa chỉ nhé.

Thế thôi em nhé! mong em thật vui, thật khỏe công tác thật tốt, hẹn thư sau anh sẽ tâm sự nhiều.

Anh của em - Lê Huy Mai.

2

Gần 3 tuần sư đoàn ở lại làm nhiệm vụ tại miền Trung vô cùng bận rộn. Nào là cùng lãnh đạo địa phương tổ chức, xây dựng chính quyền xã, phường. Nào là trấn áp bọn phản động; động viên, ổn định đời sống nhân dân, bước đầu giải quyết hậu quả chiến tranh. Nào là tổ chức cho các đơn vị hành quân vào Nha Trang rồi lại hành quân ra để nghi binh địch ...Tất cả cứ bấn lên, bộn bề.

Ngày 22-4-1975, Sư đoàn 324 được lệnh hành quân gấp, bám theo đội hình Quân đoàn 2 để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Vẫn những người tù binh lái xe và bằng những phương tiện xe của quân đội Sài Gòn ta chiếm được (đã sử dụng ở Huế) cùng với xe chở khách huy động của dân, trong ba ngày, Sư đoàn 324 đã cơ động trên quãng đường dài gần 600 cây số vào vị trí đứng chân ở Diên Sánh tỉnh Khánh Hòa, Phan Rang tỉnh Ninh Thuận và Phan Thiết tỉnh Bình Thuận an toàn.

Ngày 25 tháng 4, Sư đoàn 324 được giao nhiệm vụ làm lực lượng dự bị cho Quân đoàn 2 tiến công giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Sư đoàn 324 lực lượng dự bị cho chiến dịch vẫn bám sát đội hình của Quân đoàn 2, một quả đấm thép ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Trưa 30-4-1975, Sở Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn 324 cùng lực lượng đi đầu đã có mặt ở Thủ Đức, ngoại ô Sài Gòn. Đúng thời điểm ấy, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 rất vui mừng, đón nhận tin Sài Gòn đã được giải phóng.

Trong thời khắc lịch sử ấy, Đài phát thanh ta từ thủ đô Hà Nội liên tục đưa tin: Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. miền Nam đã hoàn toàn giải phóng; Đồng thời chúng tôi cũng nghe tuyên bố của Ban Chỉ huy Quân Giải phóng và lời đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh.

Bài tráng ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"vang lên, thực sự tưng bừng và náo nhiệt, bay xa tới mọi miền Tổ quốc và lan tỏa đến muôn nơi... Đã thỏa lòng ước mong của người lính thắng trận với khát vọng mang lại hòa bình cho dân tộc.

Tối 30-4-1975, tôi cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 đều có mặt tại dinh Độc Lập. Tôi rất tự hào được cùng đồng đội chứng kiến ngày tan rã hoàn toàn của giới cầm quyền Sài Gòn. Tâm hồn tôi lâng lâng hòa chung vào không khí tưng bừng, xúc động trào dâng trong ngày Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình.

Trong niềm vui vô bờ bến của những người lính trận, tất cả chúng tôi lại nhớ đến Bác Hồ! Những tướng lĩnh bạc đầu chinh chiến cùng tôi và đồng đội đều không nén nổi giọt nước mắt vui sướng trào dâng. Chúng tôi cùng hòa vào lời bài hát: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", lời bài ca cứ vang lên, bay cao, bay xa, khắp thành phố Sài Gòn và mọi nẻo đường của đất nước trong niềm vui của tất cả người dân Việt Nam...

3

Ngày 1-5-1975 Sở Chỉ huy Tiền phương của Sư đoàn 324 cùng lực lượng đi trước hành quân quay ra thị trấn Diên Sanh tỉnh Khánh Hòa. Khoảng giữa tháng 5 Sư đoàn được lệnh về đóng quân ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, để trấn áp các tổ chức phản động, củng cố vùng giải phóng, hỗ trợ thiết lập chính quyền, duy trì trật tự xã hội và an ninh chính trị, giữ yên cuộc sống cho nhân dân.

Từ cuối tháng 5 năm 1975, đội hình Sư đoàn 324 được bố trí như sau: Sư đoàn bộ ở Phan Rang - Tháp Chàm. Trung đoàn 1 ở Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Trung đoàn 2 ở Đức Trọng tỉnh Tuyên Đức. Trung đoàn 3 đóng quân ở huyện Ninh Sơn, Trung đoàn Pháo binh 78 ở huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.

Đóng quân nơi vùng duyên hải cát trắng miền Trung sau ngày đất nước giải phóng, chúng tôi chứng kiến dòng người trong ra, ngoài vào nhộn nhịp. Biết bao người đã lần lượt trở về quê hương. Biết bao người đã có tin tức về gia đình. Trong tôi gợn lên nỗi nhớ bố mẹ, nhớ vợ, nhớ nhà, nhớ quê. Tất cả cứ cồn lên trong tôi như sóng dậy và ào ào không dứt.

Đầu tháng tư năm 1975, sau ngày giải phóng Đà Nẵng, tôi đã viết thư về nhà. Khi đơn vị dừng chân ở Nha Trang, tôi lại viết tiếp lá thư nữa. Đầu tháng năm, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi tiếp tục viết tiếp lá thư thứ ba để báo tin cho mọi người trong gia đình biết tôi vẫn an toàn, khỏe mạnh.

Suốt mấy tháng hè nóng bỏng, cả Sư đoàn 324 dốc sức cùng địa phương xây dựng các cơ sở làng xã. Nhiều cán bộ của các cơ quan sư đoàn, trong đó có Phó Chủ nhiệm Chính trị Trương Lại được cấp trên điều động ra tăng cường làm cán bộ dân sự tại tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, sư đoàn còn phải tập trung lực lượng truy quyét FULRO và trấn áp các tổ chức phản động ngấm ngầm chống phá chính quyền mới của ta.

Khi các hoạt động đã thành nếp, sư đoàn bắt đầu chỉ đạo cho các cán bộ thay nhau về nghỉ phép thăm nhà. Thế rồi, điều mà tôi mong muốn, ngày đoàn tụ gia đình cũng đã tới. Giữa tháng 8 năm 1975, tôi nhận giấy nghỉ phép trong niềm vui khó tả, rồi hòa mình trong dòng người từ miền Nam đi ra Bắc. Hầu hết người lính ở chiến trường trở về, lưng mang ba lô cùng khung xe đạp, tay cầm búp bê, tuy da còn xanh nhưng mắt đượm niềm vui vì quê hương và người thân đang chờ đón.

Sau gần hai năm xa nhà với những sự kiện lớn lao, từ thị xã Phan Rang- Tháp Chàm tôi đi xe ô tô vận tải quân sự của đơn vị đến thành phố Vinh. Đoạn đường ấy phải đi mất năm ngày ròng rã. Tôi sốt ruột, nhanh chóng mua bằng được chiếc vé tàu về Nam Định, sau đó đi ô tô khách đến dốc Hoành Nha, rồi đi bộ thẳng về nhà.

Hành trang về phép của tôi cũng không khác bao người lính trở về từ chiến trường miền Nam. Ngoài chiếc ba lô căng phồng, còn kèm theo con búp bê bé gái tóc vàng, mắt xanh. Quà từ phương Nam chỉ có vậy... Mẹ và vợ tôi, các em gái thì có mấy mảnh vải hoa, vài ba mảnh vải dù. Với người lính chiến trường về phép, như thế là tạm ổn. Trong ba lô của tôi còn có một chiếc máy ảnh, một cái đài cát-xét, mấy cái đĩa sứ khá đẹp mua bằng tiền phụ cấp của mình để tặng gia đình.

Về đến đầu làng, thấy tôi, mọi người đều reo mừng. Một số người ùa ra đón, đưa tôi về tới tận nhà. Bà con tíu tít gọi mọi người trong gia đình tôi, coi đây là sự kiện lớn của làng quê mỗi khi đón ai đó từ chiến trường trở về sau ngày miền Nam được giải phóng.

Mấy ngày sau, tôi được biết tất cả những lá thư tôi gửi sau ngày miền Nam được giải phóng đã không về tới gia đình. Vậy là, hơn ba tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình vẫn bặt tin về tôi. Cả nhà đã mong mỏi sốt ruột đứng ngồi không yên, chạy đôn chạy đáo hỏi dò tin tức đây đó đều không có kết quả. Chiến trường miền Nam rộng thế, biết tôi ở đâu mà tìm... Vợ tôi băn khoăn lo âu, nhưng vẫn hy vọng, đợi chờ thấp thỏm. Bình đã đạp xe đến nhiều nhà đồng đội của tôi ở huyện Xuân Trường, huyện Hải Hậu để hỏi tin chồng.

Mọi người ở hậu phương cứ ngỡ sau chiến thắng, kết thúc chiến tranh là những người lính từ chiến trường đều được về nhà ngay. Thật khó biết hết được sự vất vả, gian nan của người chiến sĩ sau chiến tranh. Bộ đội phải tiếp quản địa bàn mới giải phóng; tổ chức, xây dựng củng cố chính quyền cơ sở; giải quyết vấn đề tù binh, hàng binh địch; xác định người có công, kẻ có tội; trấn áp tàn quân, các lực lượng chống phá ta; xử lí những vấn đề trong nội bộ cán bộ, chiến sĩ; đối phó với nguy cơ từ phía các thế lực thù địch... Đó chính là nhiệm vụ hậu chiến đối với bộ đội ta sau ngày giải phóng.

Các đơn vị phải cắt cử cán bộ, chiến sĩ luân phiên, lần lượt nghỉ phép. Nhiều cơ quan, đơn vị có khi tới nửa năm trời vẫn chưa thể thu xếp hết lượt. Ai có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất mới được sắp xếp ưu tiên, nghỉ phép trước.

Riêng thư từ lại có sự trục trặc do hệ thống bưu điện ở miền Nam mới hình thành. Nhân viên hầu hết từ miền Bắc vào, khi kiểm thư có tem mới chuyển. Đó chính là lý do thư của các chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam không về tới gia đình. Sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều tháng sau, rất nhiều gia đình bộ đội lo lắng thắt ruột, thắt gan vì không nhận được tin của con em mình là như thế.

Bao ngày mong mỏi gặp lại người thân, mọi người trong gia đình vỡ òa trong niềm vui sum họp. Bố mẹ hai bên và vợ tôi cùng mọi người đều mừng, rơi nước mắt. Ai cũng bảo do hồng phúc của tổ tiên để lại và may mắn nên tôi mới vượt qua mọi hiểm nguy, ác liệt nơi chiến trường trở về bình an...

Nồi nước vối nấu vội. Đĩa kẹo lạc, kẹo vừng bày ra bàn, ra chiếu. Bà con họ hàng, làng xóm vào ra thăm hỏi rất đông. Ai cũng muốn được nghe tôi kể chuyện chiến trường, quân ta đánh giặc, giải phóng miền Nam. Mọi người đều chăm chú nghe chuyện giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và rất cảm động, cảm phục, trầm trồ khen ngợi tinh thần chiến đấu của những người con quê hương ra đi bảo vệ non sông, bảo vệ đất nước và đã chiến thắng trở về. Tối muộn, mọi người ra về. Trong căn buồng nhỏ, vợ chồng tôi mới có thời gian nói chuyện. Em cầm tay tôi, như sợ tôi sẽ đi biệt tăm biệt tích một lần nữa. Bình thổn thức nói:

- Từ ngày 30 tháng 4 đến nay, không nhận được tin anh, cả nhà đều lo lắng... sợ anh bị làm sao rồi! Anh về mọi người mừng như trút đi được một gánh nặng...

- Mình được như thế này là tốt lắm rồi em ạ- tôi nói với vợ.

Đêm hôm ấy và nhiều hôm sau, vợ chồng tôi tâm sự tới khuya. Chuyện vui thì nhiều, chuyện không vui cũng có. Nói chuyện với vợ và những chị em có chồng ra tiền tuyến, tôi càng hiểu đâu chỉ người cầm súng đối mặt với đạn bom kẻ thù, mới chịu sự hy sinh to lớn mất mát. Mà những người vợ bộ đội và những người ở hậu phương cũng phải gánh chịu những nỗi lo, những hy sinh, chịu đựng không hề nhỏ. Công lao, sức lực của họ cũng chẳng kém phần to lớn so với người ở nơi tuyến đầu Tổ quốc. Tôi càng hiểu thêm đức tính nhân hậu, chịu thương, chịu khó của vợ mình.

Được biết trong khi chờ đợi công tác, vợ tôi ở nhà làm công việc đồng áng như đi cấy, đi gặt, làm cỏ, bón phân, đào đắp thủy lợi như mọi xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Bình còn năng nổ tham gia công tác đoàn xã, dạy văn hóa góp phần bổ túc kiến thức cho các anh, các chú cán bộ lãnh đạo trong xã và nhiều công tác xã hội khác. Tối đến sau khi xong công việc gia đình và xã hội, vợ tôi còn cùng chị em đồng trang lứa trong chòm xóm tập văn nghệ, ca hát, trò chuyện tâm tình để xua tan nỗi mệt nhọc của mỗi ngày lao động và tạo niềm vui trong cuộc sống... Đến năm học 1974-1975, vợ tôi được nhận công tác tại trường phổ thông cấp 2 xã nhà.

Trong năm 1974, bố mẹ cùng vợ tôi đã hai lần giúp đoàn cán bộ tuyển quân của Tỉnh đội Nam Định ở trong căn nhà không rộng lắm của gia đình làm nơi nấu ăn và sinh hoạt của cả đoàn. Mỗi đợt tuyển quân khoảng 15 ngày, em Oanh nữ chiến sĩ nuôi quân của đoàn tuyển quân đều ngủ chung với vợ tôi trong căn buồng cưới của chúng tôi. Đêm đêm, hai chị em tâm sự chuyện trò vui vẻ...

Những ngày nghỉ phép tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã sắp xếp thời gian tranh thủ đi thăm gia đình các đồng đội của tôi và thăm bạn bè, đồng nghiệp xa, gần của Bình bằng chiếc xe đạp Phượng hoàng "quý giá" ngày ấy.

Tháng nghỉ phép đoàn tụ gia đình, thỏa lòng bao ngày xa cách đã hết. Tôi có cảm giác sao nó qua đi nhanh quá. Bao nhiêu điều muốn bù đắp cho nhau sau hai năm xa cách đâu đã đủ ... Vợ tôi ngày hai buổi vẫn đến trường với trang giáo án và những giờ giảng. Tôi cũng cần thời gian để mang tin tức và quà cho gia đình những đồng đội còn chưa có may mắn về được phép như tôi. Ngày nào tôi cũng bận tiếp khách và kể chuyện chiến trường với nhiều người trong họ, ngoài làng...

Trong thời gian nghỉ phép, vợ chồng tôi cũng mới được cùng nhau hai lần lên phố huyện sắm sửa đôi ba thứ mình thích. Cũng là cái cớ để được thêm thời gian bên nhau dọc đường đi về, còn biết bao nhiêu điều chưa nói được với nhau.

Vào một ngày giữa tháng 9, sau ngày khai trường, vợ tôi tiễn chồng trở về đơn vị. Hai người đèo nhau trên chiếc xe đạp Phượng hoàng, y hệt lần tôi trở lại chiến trường hai năm trước. Vẫn dáng vẻ hồn nhiên, dịu dàng, nhưng lần tiễn đưa này, vẻ mặt, ánh mắt Bình rạng rỡ niềm hạnh phúc và niềm tin... Rồi con tàu chuyển bánh rời ga Nam Định rời quê nhà tiến về hướng nam. Từ một ô cửa sổ toa tàu, bàn tay tôi chìa ra vẫy mãi, vẫy mãi... Vợ tôi nhìn theo tới khi con tàu khuất hẳn...

4

Đất nước đã thống nhất nhưng còn nhiều nơi vẫn chưa thật sự bình yên. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, địa bàn Sư đoàn 324 hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức chống đối như Phục Quốc, FULRO và tàn quân chế độ Sài Gòn vẫn hoạt động chống phá chính quyền ta rất mạnh.

Từ cuối tháng 8 năm 1975, Trung đoàn 1 đã cơ động từ Bình Thuận về vùng Đơn Dương, Tiêng Liêng, tỉnh Tuyên Đức cùng các đơn vị bạn truy quét lực lượng FULRO Tây Nguyên ở vùng này.

Hết đợt nghỉ phép giữa tháng 9 năm 1975, tôi trở về đơn vị đúng vào thời điểm cơ quan Trinh sát Sư đoàn tập trung chỉ đạo nắm địch và tổ chức lực lượng phục vụ các đơn vị trấn áp bọn FULRO Chăm, FULRO Tây Nguyên và các tổ chức phản động của giới cầm quyền Sài Gòn để lại ở hai tỉnh Ninh Thuận và Tuyên Đức.

Vào tháng 10 năm 1975, bọn phản động ở tỉnh Ninh Thuận, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo tổ chức một cuộc biểu tình chống đối chính quyền ở khu vực nhà thờ Thái Bình trên đường 11, thuộc huyện Ninh Phước. Do nắm được tình hình kẻ địch từ trước, nên lực lượng trinh sát sư đoàn do đồng chí Hồ Thế Luận - Chính trị viên phó đại đội chỉ huy đã triển khai lực lượng rất nhanh. Sau đó, trinh sát ta sử dụng biện pháp nghiệp vụ hợp lý, cùng địa phương giải tán cuộc biểu tình bất hợp pháp rất nhanh, bọn cầm đầu phải chạy trốn.

Sau nhiều ngày, truy đuổi, được nhân dân hỗ trợ, trinh sát Sư đoàn 324 đã bắt gọn nhóm cầm đầu cuộc biểu tình tại núi Ba Ngòi (Bắc tỉnh Ninh Thuận). Khai thác cha Bang (một linh mục) cầm đầu nhóm phản động, ta đã nắm được kế hoạch phá hoại của tổ chức Phục Quốc, một tổ chức chống đối chính quyền mới của ta. Bọn chúng có mưu đồ sử dụng lực lượng phản động tại chỗ, tập kích một số đơn vị thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ta đã ngăn chặn kịp âm mưu này, bảo đảm an toàn cho bộ đội. Đồng thời phối hợp cùng lực lượng địa phương truy bắt hàng trăm tên phản động hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Lúc bấy giờ, lực lượng công an ta còn mỏng, bọn cướp nổi lên đe dọa trật tự xã hội trên đường 1. Đặc biệt trên đoạn đường Kà Ná (tỉnh Bình Thuận), có toán cướp do tên Trung úy quân đội Sài Gòn cầm đầu, chúng phục cướp tiền bạc của dân đi trên xe khách, xe tải đã nhiều lần.

Trinh sát Sư đoàn 324 tổ chức phục kích, truy đuổi liên tục nhiều ngày. Buộc chúng phải di chuyển địa bàn hoạt động từ khu vực Kà Ná về vùng núi Ba Ngòi, (vùng ranh giới hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận). Tuy nhiên, chúng vẫn bị trinh sát ta bám theo, truy đuổi gắt gao, buộc bọn cướp này phải ra đầu thú.

Vào một buổi tối đã khuya cuối năm 1975, tôi nhận được tin từ trực ban của Trung đoàn Pháo binh 78 ở Ninh Phước báo cáo: "Lúc 22giờ 30 phút địch đã phá kho lấy hết vũ khí của Huyện đội Ninh Phước. Đơn vị đã bắt được một thanh niên còn trẻ nhưng rất ngoan cố không chịu khai".

Tôi cùng anh Cao Sỹ Nguyên, Trợ lý Trinh sát, ngay lập tức, lên chiếc xe Jeep xuống Trung đoàn 78 làm nhiệm vụ. Đến nơi, tôi cùng anh Cao Sỹ Nguyên đã dùng biện pháp nghiệp vụ phù hợp khai thác tên "tù binh" rất nhanh. Chúng tôi nắm được, buổi chiều hôm đó, tên Dư, "Bí thư xã đoàn" tổ chức một bữa liên hoan cho thanh niên trong xã ra mắt Tiểu đoàn FULRO Chăm huyện Ninh Phước. Chúng mời Ban Chỉ huy Trung đoàn Pháo binh 78 đến dự để đánh lạc hướng ta. Trong bữa tiệc, chúng trao đổi công việc với nhau bằng tiếng Chăm nên ta không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Sau đó chúng đã tổ chức cướp kho súng của Huyện đội Ninh Phước, rồi trang bị cho một tiểu đoàn FULRO Chăm. Bọn chúng hành quân lên hướng Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức với âm mưu tìm nơi lập căn cứ chống phá cách mạng. Sau khi biết rõ sự việc, tôi hỏi tên tù binh:

- Tiểu đoàn FULRO đi đường nào?

- Họ đi tắt đường đồi, nhưng em biết họ sẽ vượt đường 11 (cách phía Đông nhà máy điện Đa Nhim 5 ki-lô-mét), vào khoảng 4 giờ sáng ngày mai - Tên tù binh khai.

Tôi cùng anh Cao Sỹ Nguyên hội ý nhanh rồi đi đến quyết tâm: Khẩn trương tổ chức lực lượng trinh sát phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn FULRO Chăm trên đường 11, đoạn chúng dự định vượt qua. Chúng tôi cử 1 phân đội trinh sát sư đoàn do Đại đội phó - Nguyễn Xuân Lộc chỉ huy đi làm nhiệm vụ. Anh Cao Sỹ Nguyên trực tiếp chỉ đạo. Bộ đội đã cơ động bằng ô tô theo hướng dẫn của tên tù binh đến triển khai đội hình phục kích bí mật, an toàn tại đoạn đường 11, nơi dự kiến (bọn PLRO Chăm sẽ đi qua) vào lúc 3 giờ sáng hôm sau.

Khoảng gần 4 giờ sáng hôm ấy, Tiểu đoàn FULRO Chăm do tên Dư chỉ huy đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Bộ phận chặn đầu của trinh sát ta nổ súng. Bọn chúng tán loạn chạy về phía sau lại gặp bộ phận khóa đuôi của ta chặn đánh. Chúng không kịp chống trả. Toàn bộ đội hình tiểu đoàn FULRO Chăm tan rã rất nhanh. Chúng vứt bỏ vũ khí, phân tán thành từng tốp nhỏ ẩn nấp trong các bụi cây rậm rạp tại khu rừng xung quanh nơi trinh sát ta phục kích. Trời sáng ta truy quyét bắt được gần 150 thanh niên người Chăm, thu được gần 200 khẩu súng. Anh em trinh sát đã giao vũ khí và số thanh niên này cho địa phương. Mấy ngày sau, chúng tôi nhận được thông tin từ địa phương cho biết: "Tên Dư cùng mười đồng bọn đã về vùng rừng núi miền tây huyện Ninh Phước. Chúng đang tìm cách móc nối cơ sở để tổ chức chống phá chính quyền".

Được lệnh của Tham mưu trưởng Sư đoàn chúng tôi tổ chức một phân đội trinh sát do đồng chí Trần Cảnh Yên, Trợ lý Trinh sát sư đoàn chỉ huy truy lùng, tìm nhóm FULRO Chăm do tên Dư chỉ huy ở vùng rừng núi miền Tây huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Phân đội Trinh sát của đồng chí Yên đã tổ chức truy tìm phục kích hơn 1 tuần liên tục, thấy rất nhiều dấu vết trú quân của địch để lại nhưng vẫn chưa tìm được mục tiêu. Chắc là cơ sở của bọn phản động ở trong làng gần đó, nắm được những khu vực có lực lượng ta truy lùng đã mật báo cho chúng. Cho nên bọn FULRO Chăm do tên Dư chỉ huy đã kịp thời di chuyển làm cho trinh sát ta mất mục tiêu.

Phán đoán được tình hình địch, đồng chí Trần Cảnh Yên đã công khai cho các chiến sĩ của Phân đội Trinh sát rút về làng giữa ban ngày để nghi binh, rồi đêm đến bí mật hành quân trở lại địa bàn mai phục. Ngày hôm sau, trinh sát ta đã bắt được một phụ nữ tên là Hán Thị Nhị mang theo một bao tải chừng 10kg gạo và nhiều loại thực phẩm trên đường đi vào rừng.

Đồng chí Trần Cảnh Yên hỏi:

- Gạo và thực phẩm chị mang lên rừng cho ai?

Hán Thị Nhị tỏ ra rất lúng túng nhưng nhất quyết không khai. Đồng chí Trần Cảnh Yên buộc phải dùng biện pháp dọa :

- Chị không khai? Úp mặt vào tảng đá kia và cầu nguyện đi.

Lập tức người phụ nữ này quay về hướng mặt trời cầu khấn gì đó, lẩm nhẩm trong miệng. Sau đó chị ta nói: "Các ông giết tôi cũng được nhưng để cho tôi nguyên thây".

- Chúng tôi không muốn giết chết chị, nhưng nếu chúng tôi đã giết thì sẽ để đầu một nơi thân một nẻo- Đồng chí Trần Cảnh Yên dọa tiếp.

Người phụ nữ ấy sợ quá đã khai hết với đồng chí Trần Cảnh Yên vị trí đóng quân của nhóm FULRO Chăm do tên Dư chỉ huy ở vùng rừng núi miền Tây huyện Ninh Phước Tỉnh Ninh Thuận (sau này chúng tôi mới biết người Chăm ở đây họ rất sợ khi chết thân thể không còn được nguyên vẹn). Ngay buổi chiều hôm ấy trinh sát ta đã tập kích vào vị trí trú quân của nhóm FULRO, diệt một số tên trong đó có tên Dư. Số còn lại hầu hết bị bắt sống.

Các đồng chí công an cho biết Hán Thị Nhị là vợ ba của tên Ni Cô Lai, Tham mưu trưởng Vùng 4 của tổ chức FULRO. Chúng tôi đã giao chị ta cho chính quyền địa phương quản lý tại gia. Tiểu đoàn FULRO Chăm do tên Dư chỉ huy bị tan rã hoàn toàn. Sau này một nhà văn nào đó đã hư cấu thêm sự kiện trên thành câu chuyện "Cơn lốc rừng thông" rất hay. Tất nhiên không phải nói về Trinh sát Sư đoàn 324 mà thay vào đó là sự việc của lực lượng vũ trang Quân khu 6 và lực lượng địa phương tỉnh Ninh Thuận.

Sau Tết Nguyên đán năm 1976, trinh sát sư đoàn nhận nhiệm vụ phục vụ Trung đoàn 2 hoạt động ở vùng Đức Trọng tỉnh Tuyên Đức. Khoảng một tháng sau trinh sát cùng các đơn vị của Trung đoàn 2 đã đánh tan Trung đoàn Pông Gua, một đơn vị quan trọng, nguy hiểm của tổ chức FULRO Tây Nguyên tại đây. Chúng đã thường xuyên đe dọa an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng.

Thừa thắng, ta đã tập kích diệt gọn tiểu đoàn Đồng Khởi của tổ chức Phục Quốc Tây Nguyên. Qua khai thác tù binh, trinh sát đã nắm được tin tên Hùng chủ tịch đảng Phục quốc tỉnh Tuyên Đức đi nhận tiền ở Sài Gòn bằng xe khách. Hắn sẽ về đến bến xe Đức Trọng vào 12 giờ ngày hôm sau. Chúng tôi liền tổ chức một tổ trinh sát đóng giả dân thường, mai phục ở bến xe Đức Trọng và đã bắt sống được tên Hùng cùng một va li tiền giả. Đây là một đối tượng phản cách mạng rất nguy hiểm.

Tôi đã trực tiếp khai thác tên Hùng, biết được nhiều nguồn tin quan trọng, trong đó ta nắm được bọn phản cách mạng có cơ sở in tiền ở nhà thờ Vĩnh Sơn- Sài Gòn. Cơ sở in tiền ấy đã cung cấp tài chính cho các tổ chức phản động. Nhờ tin tức ấy, cùng các nguồn tin các đơn vị thu thập được, lực lượng ta ở thành phố Hồ Chí Minh đã phá được cơ sở in tiền giả tại đây, làm cho bọn phản động gặp nhiều khó khăn. Kết thúc lần khai thác cuối, Hùng nói với tôi: " Nếu sau này có khai báo thêm điều gì nữa tôi cũng sẽ chỉ khai với ông". Tối hôm ấy, chúng tôi đã giao tên Hùng, chủ tịch đảng Phục Quốc tỉnh Tuyên Đức cho công an tỉnh giam giữ. Rất tiếc, bên công an đã sơ suất để tên Hùng trốn thoát vài ngày sau đó. Năm 1980, khi được về học tại Học viện Đà Lạt, tôi rất phấn khởi được tin công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt lại được tên này.

Như vậy là sau ngày miền Nam giải phóng, tính đến giữa năm 1976, các đơn vị trong Sư đoàn 324 đã truy qu‎ét, xóa sổ nhiều tổ chức phản động trong vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức; góp phầm không nhỏ đảm bảo an ninh chính trị trong một địa bàn rộng lớn.

5

Nhanh thật, mới đó mà đã một ngàn ngày tôi có cuộc sống vợ chồng. Nhưng tổng số thời gian vợ chồng tôi bên nhau chỉ tính ngày, tính tháng. Thời gian thật ngắn ngủi khi tôi nghỉ phép, về thăm nhà. Hai lần về phép trước, đều chưa mang lại tin mừng cho gia đình tôi. Nghĩ đến đó, tôi thấy hơi buồn và rất thương vợ.

Một năm sau ngày giải phóng, tình hình an ninh chính trị ở các tỉnh nơi sư đoàn đóng quân đã từng bước ổn định, chuyển biến tốt. Đời sống nhân dân cũng đã khá hơn trước. Lúc ấy sắp đến dịp nghỉ hè của vợ, tôi muốn được đưa Bình vào Nam, phần để em biết đó biết đây, nhưng phần quan trọng nhất là hy vọng lần này vợ chồng được gần nhau để có được điều mong muốn. Tôi nung nấu ‎ý định này trong nhiều ngày đêm. Và tôi chợt nhớ tới Thượng tá, Phó Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dánh. Hồi năm 1973, anh đã xác nhận lí lịch của Bình và đồng ý cho tôi cưới vợ. Anh còn dành và xin tiêu chuẩn thuốc lá, bánh kẹo của nhiều người để cho tôi làm đám cưới. Tôi đã tâm sự ý định của mình với Phó Chính ủy Lê Văn Dánh. Được biết anh sắp ra miền Trung công tác và anh đã gợi ý, cho phép vợ tôi kết hợp đi cùng xe với anh từ Vinh vào Nam khi anh ấy quay vào đơn vị. Được anh Dánh đồng ý giúp đỡ, tôi đã viết thư về báo tin cho vợ tôi và bố mẹ hai bên để chuẩn bị cho chuyến đi thăm miền Nam đặc biệt này.

Đầu tháng 6 là lúc giáo viên được nghỉ hè. Vợ tôi được mẹ chồng đưa tiễn vào mãi tận Vinh, Nghệ An, tìm đến điểm hẹn, (nơi xe ô tô của Thủ trưởng Dánh trên đường vào Nam sẽ đến đón). Sau một ngày chơ đợi. Thật may, sau khi kết thúc đợt công tác trở về đơn vị, xe ô tô chở Thượng tá Lê Văn Dánh đã đón được vợ tôi và cháu Loan, con gái Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Trọng Dần cùng vào đơn vị.

Những ngày đi đường về đơn vị, anh Dánh cho phép đoàn đổi lương khô cho dân để lấy thức ăn. Anh em, cô cháu tự nấu ăn trên đường đi. Tối đến mọi người nghỉ nhờ ở nhà dân hoặc ở doanh trại bộ đội. Đường dài, chuyến đi tuy vất vả nhưng Bình cho biết nó thật đẹp, đầy ý nghĩa và rất vui. Sau hơn một tuần, xe anh Dánh đã vào tới thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, nơi đơn vị đóng quân. Biết tin anh Dánh về, tôi vội vã, hăm hở rời nơi làm việc đến bãi xe để đón vợ. Đây rồi, chiếc xe con lượn nhanh trước dãy nhà Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324, nó từ từ dừng lại giữa sân. Cửa xe phía trước mở, anh Dánh từ trên xe bước xuống, vừa nhìn thấy tôi, anh nói to:

- Các cậu hợp đồng hò hẹn với nhau thế đếch nào mà chờ mãi ở Vinh cánh tớ không đón được vợ cậu rồi.

Tôi thoáng buồn, chưa kịp phân bua. Anh Dánh mỉm cười rất vui rồi nói tiếp:

- Đây này, tớ giao cái Bình cho cậu đây. Dánh này đã hoàn thành nhiệm vụ với đồng đội rồi chứ?

Bình xuống xe. Em xấu hổ đỏ mặt, nhưng miệng lại cười rất tươi. Tôi mừng quá, ôm chầm lấy anh Dánh cảm ơn...Chào và nói chuyện với mọi người rồi vợ chồng tôi vui vẻ về phòng khách đơn vị đã chuẩn bị sẵn từ trước. Đó là căn nhà ống nho nhỏ mái lợp tôn, đơn vị mượn của một người dân chưa có nhu cầu sử dụng. Với vợ chồng tôi, như thế cũng là quá tốt rồi.

Anh em trong đơn vị nhận được tin có vợ của Chủ nhiệm Trinh sát Sư đoàn từ ngoài Bắc vào thăm, kéo đến chơi rất đông. Mọi người cười nói tếu táo rôm rả. Đôi lúc khiến vợ tôi đỏ mặt vì ngượng. Anh em đến chơi mang theo nhiều quà. Nào là hoa quả, bánh trái, nào là nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa. Có anh còn tặng cả đồ chơi trẻ nhỏ như con búp bê rất bắt mắt. Có người còn tán thêm đó là quà cưới. Họ bảo tôi "cưới vợ chui" ở ngoài ấy, giờ vào đây bắt cưới lại.

Tôi và Bình đều rất vui, cái cảm giác vui như thể bây giờ chúng tôi mới thật sự là cô dâu chú rể trong con mắt thân thương qu‎ý mến của anh em đồng đội. Bình ở bên tôi gần trọn vẹn tháng nghỉ hè. Vợ tôi cũng không ngờ mình lại có dịp hưởng những ngày hè ở phương Nam xa xôi, nơi đơn vị của tôi đóng quân. Ở đây, Bình đã khám phá thêm bao điều mới lạ về vùng đất, về con người, sản vật địa phương. Cái mà em trân trọng nhất đó là tình cảm của những người lính dành cho nhau, rất tế nhị, đậm đà, bình dị nhưng lại rất sâu sắc.

Ở Phan Rang - Tháp Chàm ít ngày, Bình đã làm quen với gia đình anh Trần Hiếu Định - Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn và nhiều gia đình quân nhân có vợ đến thăm. Chị em cùng nhau đi chợ miền Nam mua sắm thực phẩm mang về tự chế biến, nấu ăn cho gia đình mình. Bình đã nấu những món mà tôi ưa thích như: canh chua cá lóc, cá biển, thịt kho tàu và nhiều món ăn ngày xưa mẹ và bác tôi thường nấu rất ngon... Cuộc sống thật vui, êm đềm và thật hạnh phúc.

Những ngày ở phương Nam, tôi đưa em đi thăm mọi nơi ở vùng Phan Rang - Tháp Chàm, tham quan nhà của Nguyễn Văn Thiệu ở Ninh Chữ huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận,... và vào thành phố Sài Gòn hoa lệ vừa được mang tên Bác. Chúng tôi đã đến tham quan dinh Độc Lập, hồ Con Rùa, Đầm Sen, chợ Bến Thành, chợ Lớn... Vợ chồng tôi đã chụp ảnh kỷ niệm ở Thảo Cầm Viên của thành phố Sài Gòn. Đó là những ngày đầy ắp kỷ niệm, vừa ngọt ngào vừa vui vẻ và ý nghĩa. Nó sẽ đi theo mãi cuộc đời chúng tôi theo năm tháng và mãi mãi không thể nào quên

Tôi rất vui khi đã thực hiện được nguyện vọng của mình như đã viết thư cho vợ ngày 18-4-1975 tại Đà Nẵng: " Một ngày gần đây chắc rằng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam sẽ được giải phóng. Ngày đó anh sẽ về thăm em và nếu có điều kiện anh sẽ đưa em đi thăm những nơi đẹp nhất trêm mảnh đất miền Nam mà anh đã đặt chân tới. Chắc lúc đó em nhất trí dành thời gian đi chơi với anh chứ".....

Vào những ngày nghỉ phép cuối cùng, vợ chồng tôi định sẽ đi Đà Lạt thì nhận được tin Sư đoàn 324 chuẩnbị hành quân ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Thếlà vợ chồng tôi lỡ hẹn một chuyến đi thăm xứ sở mộng mơ, hoa dã quỳ vàng rực, với thông reo và sương mù mát mẻ. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top