Chương 8CHIẾN TRƯỜNG QUẢNG TRỊ - THỪA THIÊN 1972 - 1974.

1

Sau Tết Nguyên đán năm 1972, Sư đoàn bộ, các đơn vị trực thuộc cùng Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 - Sư đoàn 324 nhận lệnh hành quân cấp tốc từ miền tây Quảng Bình vào Quảng Trị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Đội hình hành quân sư đoàn đi qua làng Ho, vượt cầu Khỉ, Cổng Trời, Hướng Hóa; băng qua Đường 9 rồi về tập kết ở vùng động Cô Tiên, núi Đá Bàn.

Các đơn vị tới vị trí tập kết, vừa ổn định nơi trú quân vừa tổ chức nắm địch, chuẩn bị chiến trường, xây dựng phương án tác chiến. Bộ đội ta căng sức vận chuyển đạn, gạo, thực phẩm, thuốc men vào nơi quy định để đảm bảo hậu cần chiến dịch, bí mật an toàn. Chúng tôi đã cảm nhận được tình thế chiến trường ngày càng có lợi cho quân ta.

Về phía địch, tình hình có nhiều biến động đối với quân đội Sài Gòn. Chúng tôi nắm được Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 5 Bộ binh cơ giới của Mỹ là đơn vị lính Mỹ cuối cùng ở Đường 9 rút quân khỏi Mặt trận Trị Thiên vào giữa tháng 3 năm 1972. Cho nên ở Quảng Trị, sức ép chiến trường từ bây giờ sẽ đè nặng trên vai quân đội Sài Gòn.

Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Giải phóng Quảng Trị. Nơi đây có dòng sông Bến Hải - giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước làm hai miền, đồng thời cũng là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt nhất giữa ta và địch trong những năm qua. Quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị là rất táo bạo. Các Sư đoàn 304, 308, 324, 325 cùng các trung đoàn bộ binh độc lập, các đơn vị xe tăng thiết giáp, pháo binh, pháo phòng không và bộ đội địa phương đều được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch này.

Ngày 25-3-1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao nhiệm vụ cho các đơn vị:

- Sư đoàn 304 tiến công hướng chủ yếu, từ tây Cam Lộ, điểm cao 241, Động Toàn, Ba Hồ, Ái Tử vào thị xã Quảng Trị.

- Sư đoàn 308 đánh từ hướng bắc theo đường 1 vào Đông Hà.

- Sư đoàn 325 làm lực lượng dự bị.

- Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 3) thực hiện nhiệm vụ:

Bước 1: Tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch trên hướng tây nam Quảng Trị, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng.

Bước 2: Thọc sâu chia cắt, chặn đường rút lui của địch từ Quảng Trị vào và quân ứng cứu từ Huế ra; phối hợp cùng với các lực lượng khác tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị; sẵn sàng phát triển vào Thừa Thiên.

Địa bàn tác chiến của Sư đoàn 324 được xác định ở tây nam tỉnh Quảng Trị, chính diện từ điểm cao 365 (bắc sông Ba Lòng) đến bắc sông Mỹ Chánh. Đối thủ chính của Sư đoàn 324 là các đơn vị lính thủy đánh bộ và lực lượng Biệt động quân đội Sài Gòn. Chiều 27- 3-1972, Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới,cùng Chính ủy Nguyễn Xuân Trà triệu tập hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị:

- Trung đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ bao vây, tiến công tiêu diệt cứ điểm 365 (động Ngôn) ở Bắc sông Ba Lòng.

- Trung đoàn 2 bao vây, tiến công tiêu diệt cứ điểm 367.

Sau đó, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 tiến công đánh chiếm cứ điểm động Ông Do và các điểm cao có giá trị ở tuyến giáp ranh; đồng thời cả hai trung đoàn sẵn sàng thọc sâu chiếm đường 1, đoạn La Vang đến cầu Mỹ Chánh; thực hiện chia cắt chiến dịch, hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

- Các đơn vị trực thuộc và hỏa lực đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của sư đoàn, sẵn sàng chi viện cho các hướng tiến công.

- Trung đoàn 3 được trên giao thực hiện nhiệm vụ đánh địch trên đường 12 tây nam tỉnh Thừa Thiên.

Sau khi quán triệt nhiệm vụ, Trung đoàn 1 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 1 (được tăng cường 1 đại đội ĐKZ, 1 đại đội 12,7 ly), quá trình chiến đấu tiểu đoàn được 2 xe bọc thép lội nước phối hợp yểm trợ và được pháo binh của trên chi viện. Có nhiệm vụ bao vây tiến công tiêu diệt cứ điểm 365 mở màn chiến dịch.

Sau khi nhận nhiệm vụ Trung đoàn giao, Tiểu đoàn trưởng Trần Điểu cùng với Chính trị viên Lê Sĩ Thái đã tổ chức hội nghị cán bộ quán triệt, làm rõ tư tưởng chỉ đạo của trận đánh cứ điểm 365 là: "Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt".

Chấp hành chỉ thị của Chủ nhiệm Trinh sát Sư đoàn Nguyễn Văn Chương, tôi trực tiếp chỉ huy một phân đội trinh sát xuống Trung đoàn 1, giúp đơn vị điều tra địch, phục vụ cho trận tiến công tiêu diệt cứ điểm 365 mở màn chiến dịch rất quan trọng này. Cứ điểm 365 do Tiểu đoàn tám thuộc Lữ Đoàn 147 lính thủy đánh bộ của quân đội Sài Gòn đóng giữ. Cứ điểm này nằm cách bắc sông Ba Lòng chừng hai ki-lô-mét, và là một cứ điểm ngoại vi bảo vệ hướng nam căn cứ liên hợp Mai Lộc của địch thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.

Trinh sát chúng tôi nắm được cứ điểm 365 có 180 lô cốt và ụ súng. Công sự của chúng được xây dựng bằng tôn vòm, ghi sắt xếp bao cát và có từ một đến hai lớp hàng rào kẽm gai, xen kẽ hàng rào bằng gỗ cây bao bọc. Cứ điểm này có một đại đội bộ binh địch thường xuyên chốt giữ.

Sau hai ngày chuẩn bị, phương án bao vây tiến công tiêu diệt cứ điểm 365 của Tiểu đoàn 1- Trung đoàn 1 đã hoàn thành. Phương án này được Sư đoàn thông qua vào ngày 27-3-1972. Đêm 29 tháng 3, Tiểu đoàn 1 vào vị trí chiếm lĩnh trận địa bí mật an toàn.

Khoảng 11 giờ ngày 30-3-1972, pháo binh, súng cối và các loại hỏa lực đi cùng bộ binh đánh phá liên tục nhiều giờ vào cứ điểm 365. Nhiều lô cốt, ụ súng của địch bị bắn sập. Hai trực thăng địch cố tình xuống tiếp tế cho bọn địch ở cứ điểm 365 bị bắn cháy. Các hướng bao vây của Tiểu đoàn 1 đã đào hào lấn dần vào sát gần hàng rào dây thép gai của địch và lợi dụng tiếng nổ đạn pháo của ta để nổ bộc phá ống, mìn định hướng phá hàng rào của địch trên các đường mở đã dự kiến.

Địch phát hiện lực lượng ta áp sát, chúng đã tập trung hỏa lực bắn ra quyết liệt. Nhưng các đường giao thông hào của bộ đội ta vẫn tiếp tục nối dài, địch không có cách gì ngăn cản được. Buổi chiều hôm ấy, trinh sát nắm được địch ở 365 đã bị tổn thất nặng nề và chúng rất hoang mang. Thời cơ đánh chiếm cứ điểm 365 đã đến. Vào thời điểm đó, hai xe bọc thép lội nước cấp trên tăng cường cho Tiểu đoàn 1 bị chìm khi bơi dọc sông Ba Lòng cho nên không tham gia chiến đấu được. Tuy vậy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 1 vẫn hạ quyết tâm: Tập trung lực lượng của tiểu đoàn, chớp thời cơ hiếm có dứt điểm ngay cứ điểm 365. Quyết tâm của tiểu đoàn đã được trung đoàn thông qua.

Hỏa lực chuẩn bị dọn đường của ta vừa dứt. Được lệnh, bộ binh ta từ hệ thống chiến hào, theo đường mở đã chuẩn bị đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu tiền duyên của địch. Sau đó, các mũi phát triển vào trung tâm cứ điểm 365. Dựa vào hỏa lực không quân, pháo binh chi viện, bộ binh địch cố chống trả, nhưng chúng không thể cản được các mũi tấn công của quân ta.

Nắm chắc địch, Tiểu đoàn 1 đã đưa thê đội hai vào chiến đấu đúng thời cơ. Được hỏa lực cấp trên chi viện, bộ đội ta xung phong, đánh chiếm các mục tiêu còn lại rất nhanh. Mờ tối hôm đó, Tiểu đoàn 1 đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Ta tiêu diệt gọn một đại đội địch, bắt sống 34 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị của chúng.

Trận đánh mở màn chiến dịch đánh chiếm cứ điểm 365 thắng lợi. Ta đã phá vỡ một mắt xích quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ tây nam tỉnh Quảng Trị; tạo điều kiện thuận lợi cho những trận đánh tiếp theo. Sau trận đánh, Tiểu đoàn 1 đã được trung đoàn biểu dương và đề nghị cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Tiểu đoàn 3 phối hợp chiến đấu cũng giành thắng lợi giòn giã, tiêu diệt hai đại đội Lính thủy đánh bộ địch ở khu vực Ba Gơ.

Trên toàn mặt trận, ở các hướng khác, quân ta cũng thắng lớn. Chúng ta liên tiếp tiêu diệt nhiều căn cứ của địch. Trong đó có căn cứ miếu Bái Sơn, khu tàu thuyền Cửa Việt, điểm cao 241 và Động Toàn...

Ngày 02- 4-1972, Sư đoàn 324 nổ súng tiến công tiêu diệt quân địch trên toàn tuyến phòng thủ của chúng ở nam Quảng Trị. Trung đoàn 2 đánh chiếm cứ điểm 367. Trung đoàn 1 chiếm cứ điểm động Ông Do. Riêng cứ điểm Phượng Hoàng của địch bị hỏa lực ta đánh phá liên tục.

Từ ngày 06-4-1972, được hỏa lực mạnh chi viện, địch tổ chức phản kích quyết liệt. Liên đoàn Biệt động quân đội Sài Gòn cố đánh chiếm lại khu vực động Ông Do. Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369 tiến công cố chiếm lại khu vực điểm cao 367. Nhưng kẻ địch đều bị ta đánh bại.

Trong những ngày sau đó, Sư đoàn 324 tiếp tục đánh chiếm các điểm cao có giá trị trên tuyến giáp ranh phía tây đường 1, đoạn từ La Vang đến Bắc sông Mỹ Chánh. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Hỏa lực pháo binh và không quân địch chi viện tối đa, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52. Ta và địch giành đi giật lại từng điểm chốt, từng quả đồi, mỏm núi, bộ đội ta bị tiêu hao một phần lực lượng. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc tiến công, phản công, phản kích của địch đều bị ta đánh bại. Chúng buộc phải tổ chức chốt giữ các điểm cao còn lại ở tuyến giáp ranh để ngăn chặn quân ta.

Trên các hướng khác của chiến dịch, Sư đoàn 308, 304 đều giành thắng lợi lớn ở phía bắc và phía tây tỉnh Quảng Trị. Ngày 23-4-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho Sư đoàn 324 tập trung lực lượng thọc sâu chiếm đường 1, đoạn từ La Vang đến cầu Mỹ Chánh, thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến dịch được giao trước ngày 30-4-1972.

Lúc đó, công tác bảo đảm hậu cần gặp rất nhiều trở ngại. Các đơn vị phải tổ chức lực lượng ra phía sau, nhận đạn và lương thực thực phẩm, ảnh hưởng nhiều đến sức chiến đấu. Để giải quyết khó khăn đó, lực lượng Hậu cần Sư đoàn đã có sáng kiến rất hay. Đó là dồn gạo, thực phẩm vào bao ni lông, rồi bọc bên ngoài bằng một lớp bao tải thật dày, thả trôi xuôi theo sông Ba Lòng. Các đơn vị cử người đón nhận ở các bến sông đã định. Do đó, đã giải quyết được khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi.

Công tác chuẩn bị đường hướng tiến quân của ta cũng được thực hiện rất nhanh. Để chạy đua với thời gian, nhiều đơn vị đã tổ chức tiến công trong hành tiến, mọi việc diễn ra thật nhộn nhịp, khẩn trương nhưng đầy hiệu quả. Đúng vào thời điểm ấy, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy một phân đội trinh sát luồn sâu, vượt qua sông Mỹ Chánh sang vùng núi Hồ Lầy, tây Cầu Nhi để nắm địch, nắm địa hình sẵn sàng phục vụ bộ đội ta phát triển chiến đấu.

Phân đội trinh sát chúng tôi từ Sở Chỉ huy sư đoàn đi qua điểm cao 367, tìm đường đi về hướng nam dãy núi Trường Phước, rồi tiếp cận bờ bắc sông Mỹ Chánh. Đêm 25-4, trinh sát ta bí mật vượt sang bờ nam sông Mỹ Chánh, đến đứng chân ở vùng núi Hồ Lầy (tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên). Ngày hôm sau, chúng tôi lập đài quan sát ở Đông núi Hồ Lầy, đã liên tục theo dõi nắm chắc mọi hoạt động của địch trên đường 1 và kịp thời báo cáo tình hình về sư đoàn.

Đêm 26 tháng 4, chúng tôi tiến hành điều tra đồn Cầu Nhi của địch và bí mật tiếp cận đường 1. Sau đó, chúng tôi đặt mìn đánh xe địch. Sáng hôm sau, một quả mìn nổ lật nhào một xe chở quân của địch, làm cho chúng vô cùng hoảng loạn.

Ngày 27-4-1972, Trinh sát nhận được mệnh lệnh đón Tiểu đoàn 2 bộ đội chủ lực tỉnh Quảng Trị từ khu vực điểm cao 367 vào Hồ Lầy để phối hợp đánh địch trên đường 1 đoạn Cầu Nhi - Phò Trạch. Nhưng không hiểu sao, chúng tôi chờ đến hai ngày sau, đơn vị này vẫn không thấy đến. Tối 29 tháng 4, chúng tôi bắt liên lạc được với du kích huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ngay đêm hôm đó, du kích huyện Phong Điền đã cùng Phân đội Trinh sát đánh ra đường 1 đoạn nam Cầu Nhi.

Khoảng chiều tối 30 tháng 4, cầu Mỹ Chánh bị địch đánh sập nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta. Hôm ấy, nhiều quân lính Sài Gòn, đầu không mũ, thậm chí có tên chỉ mặc chiếc quần đùi chạy trên đường 1, cố thoát thân vào phía nam. Anh em trinh sát cùng du kích đã chặn bắt được gần 100 tàn quân địch và thu được một số vũ khí. Số tù binh và vũ khí trên được giao cho du kích địa phương chịu trách nhiệm quản lý.

Từ ngày 27 đến 28-4-1972, các đơn vị của Sư đoàn 324 đã đồng loạt tiến công tiêu diệt địch; đánh chiếm địa hình có lợi trên tuyến giáp ranh phía tây đường số 1. Phát huy thắng lợi Trung đoàn 1 tiếp tục đánh chiếm khu vực Tân Téo, đêm 29 tháng 4 dốc toàn lực, chiếm và chốt giữ đoạn đường 1 từ La Vang đến cầu Bến Đá. Cùng thời gian ấy, Trung đoàn 2 cũng chiếm đươc dãy núi Trường Phước, sau đó, mờ sáng 30 tháng 4 đã tập trung lực lượng đánh chiếm được đoạn đường 1, từ nam cầu Bến Đá đến bắc sông Mỹ Chánh.

Từ đêm 29 đến chiều ngày 30 tháng 4, cuộc chiến giữa ta và địch trên đường 1 đoạn La Vang- Mỹ Chánh diễn ra vô cùng ác liệt. Các đơn vị trực tiếp chốt giữ cầu Bến Đá, cầu Nhùng, cầu Dài trên đường 1 bị thương vong nhiều, nhưng vẫn quyết giữ vững trận địa. Chiều 30 tháng 4 con đường rút lui quan trọng nhất của quân đội Sài Gòn đã bị cắt đứt hoàn toàn. Tình thế đó đã làm cho chúng vô cùng hoảng loạn, tan rã từng mảng. Trên đoạn đường 1 từ La Vang đến cầu Mỹ Chánh ngổn ngang xác binh lính địch cùng xe, pháo và trang thiết bị quân sự của chúng.

Ngày 01-5-1972, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Đó là một mốc son lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi vì tỉnh Quảng Trị được giải phóng làm cho chính quyền Mỹ và giới cầm quyền Sài Gòn rất lúng túng. Uy tín của chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được nâng cao trong hội nghị đàm phán 4 bên ở Pa-ri và trên trường Quốc tế.

Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, Sư đoàn 324 đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắt sống hàng trăm binh lính, thu hàng trăm xe, pháo các loại và rất nhiều trang bị vũ khí của quân đội Sài Gòn.

2

Chấp hành chỉ thị của sư đoàn, ngày 2-5-1972, Trinh sát chúng tôi đã đón và dẫn Trung đoàn 2 vượt sang phía nam sông Mỹ Chánh, triển khai đội hình ở vùng núi Hồ Lầy để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phát triển chiến đấu vào phía nam. Ngày 4-5-1972, chúng tôi lại nhận được chỉ thị của Sư đoàn trưởng, khẩn trương thu quân, rồi cùng Trung đoàn 2 hành quân gấp theo đường miền Tây để vào đường 12 (nam Thừa Thiên) làm nhiệm vụ.

Tôi được anh em du kích cho biết: "Tình hình thành phố Huế đang rất hỗn loạn, nạn cướp bóc tràn lan. Chợ Đông Ba đã bị lính quốc gia đốt cháy". Tôi biết, đây là cơ hội tiến công Huế tốt nhất. Nếu lực lượng ta cơ động theo đường miền Tây, từ Quảng Trị vào tây Huế thì cần tới mười ngày. Như vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ có một không hai này.

Do thông thuộc địa hình đồng bằng tỉnh Thừa Thiên từ 1968, nên tôi đã viết điện, xin sư đoàn cho phép Phân đội Trinh sát dẫn đường đưa Trung đoàn 2 theo đường giáp ranh đồng bằng để vào nam Thừa Thiên. Hành quân theo phương án này, chỉ cần hai đêm Trung đoàn 2 sẽ vào đến tây thành phố Huế. Nhưng đề nghị của tôi không được sư đoàn chấp thuận.

Chấp hành mệnh lệnh của sư đoàn, Phân đội Trinh sát chúng tôi đã cùng Trung đoàn 2 cơ động ngược núi theo hướng tây. Từ đó chúng tôi tiếp tục hành quân về hướng nam, rồi dừng lại vùng rừng núi tây thành phố Huế. Quân ta đi chín ngày đêm dưới làn đạn pháo và mưa bom B52 của địch. Thật may, đơn vị đến đích mà thương vong không nhiều.

Trong thời gian sư đoàn tham gia Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị thì Trung đoàn 3 đã cùng các đơn vị bạn đánh địch ở phía tây Huế. Cuối tháng 3 và tháng 4-1972, Trung đoàn 3 đã tiến công đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 54 và Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn. Sau đó quân ta bao vây chặt quân địch ở Động Tranh, một cứ điểm quan trọng của chúng trên đường 12 (tây thành phố Huế) do tiểu đoàn 2 Trung đoàn 54 quân đội Sài Gòn đóng giữ .

Trinh sát kỹ thuật của ta nắm được, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 54 quân đội Sài Gòn đã được lệnh bí mật rút khỏi Động Tranh vào đêm 29-4. Theo phán đoán của ta, địch sẽ rút theo đường 12B. Đồng chí Phạm Huy Chưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 quyết định để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục bao vây Động Tranh, lực lượng còn lại của Tiểu đoàn tổ chức phục kích, đón lõng địch trên đường 12B.

Khoảng 3 giờ ngày 29 tháng 4, quân ta phát hiện có một bộ phận nhỏ quân địch từ Động Tranh đi ra đồi Hạt Gạo, Bắc đường 12. Bị chặn đánh, kẻ địch chạy về hướng đường 12B. Có thể đó là lực lượng thăm dò của địch. Chừng 7 giờ hôm ấy, Tiểu đoàn 8 phát hiện địch đã lọt vào trận địa phục kích. Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng, bộ đội ta đồng loạt nổ súng vào đội hình Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 54 quân địch. Chúng chống trả yếu ớt rồi tan rã. Bộ đội ta truy lùng bắt được 238 tù binh, trong đó có Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 2 do tên Thiếu tá Hà Văn Khâm cầm đầu.

Mất cứ điểm Động Tranh, địch co về lập tuyến phòng thủ ở đèo Sơn Na- Lăng Minh Mạng để ngăn chặn quân ta. Khoảng giữa tháng 5 năm 1972, địch tổ chức phản kích quyết liệt cố chiếm lại những khu vực đã mất.

Ngày 22 tháng 5, đội hình Sư đoàn 324 đã tập kết ở tây Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên để chuẩn bị cho một đợt tiến công tiếp theo trên hướng đường 12. Nhưng tình hình lúc bấy giờ đã vô cùng khó khăn. Bởi vì địch đã chiếm lại Động Tranh và các khu vực điểm cao 372, 286, 246, 551, bình độ 100, núi Mái Nhà. Chúng lập tuyến phòng thủ mới và dùng không quân, pháo binh đánh phá rất ác liệt để ngăn chặn quân ta.

Ngày 02-6-1972, Đại đội Trinh sát Trung đoàn 2 trong quá trình đi chuẩn bị chiến trường ở khu vực đường 12 đã bị máy bay B52 đánh trúng đội hình lúc nghỉ đêm; 12 đồng chí đã hy sinh ở cao điểm 310 (tây Động Tranh). Đây là một tổn thất rất lớn của lực lượng trinh sát Sư đoàn 324 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ tháng 5 đến tháng 9-1972, các trung đoàn của Sư đoàn 324 buộc phải quần nhau với Sư Đoàn bộ binh 1 quân đội Sài Gòn dưới mưa bom, bão đạn của chúng ở các khu vực Động Tranh, 360, 372, 551, núi Mái Nhà, bình độ 100... Ta và địch giành đi giật lại từng cao điểm, từng quả đồi. Mặt trận đường 12, phía tây tỉnh Thừa Thiên đã trở nên rất ác liệt. Lực lượng ta bị tiêu hao, nhiều đại đội tổn thất tới 50% quân số, có đại đội chỉ còn từ 15 đến 20 tay súng.

Đầu tháng 8 năm 1972. Trong một trận đánh, anh Lê Hữu Thỏa - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 bị thương. Bộ Tư lệnh Sư đoàn cử đồng chí Thái Cán, Tham mưu trưởng sư đoàn xuống thay thế. Dịp ấy, tôi được cơ quan cử đi cùng anh Thái Cán - Tham mưu trưởng sư đoàn xuống giúp Trung đoàn 1. Sở chỉ huy Trung đoàn 1 đóng ở đông nam điểm cao 360, đối diện với núi Mái Nhà. Ngày hôm đó, địch đã chiếm điểm cao 286 và hầu hết núi Mái Nhà. Có một bộ phận quân địch tiến tới cách Sở Chỉ huy Trung đoàn 1 chừng 500 mét.

Đêm hôm ấy, pháo địch bắn phá rất ác liệt vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 1. Anh Thái Cán yêu cầu cơ quan tham mưu phải tổ chức di chuyển Sở Chỉ huy càng sớm càng tốt. Trong đêm, anh đã gọi tôi về hầm chỉ huy nhiều lần để bàn về việc di chuyển Sở Chỉ huy trung đoàn. Mỗi lần trên đường đi từ hầm trú ẩn của mình lên căn hầm chỉ huy để làm việc với anh Thái Cán, ít nhất tôi phải nằm xuống tránh pháo địch từ hai đến ba lần. Thật là nguy hiểm. Có lúc tôi tự xác định bản thân mình khó có thể qua được cái đêm đầy gian khó, ác liệt ấy!...

Tôi nghĩ nếu di chuyển trong đêm, Sở Chỉ huy trung đoàn sẽ bị tổn thất rất nhiều nên đã mạnh dạn thuyết phục Tham mưu trưởng Sư đoàn: "Mờ sáng ngày mai, chúng ta sẽ lợi dụng lúc bọn địch ăn sáng để tổ chức di chuyển Sở Chỉ huy về nơi an toàn. Mọi việc đã chuẩn bị chu đáo rồi. Anh cứ yên tâm. Nếu anh quyết định di chuyển trong đêm nay, thương vong sẽ rất nhiều. Chỉ huy và cơ quan chúng ta sẽ là người có tội. Hơn nữa, cả anh và tôi cũng chưa chắc đã được an toàn".

Tham mưu trưởng Thái Cán trầm ngâm suy nghĩ. Anh chưa trả lời ngay ý kiến đề đạt của tôi. Sau đó, tôi được biết Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 cũng có ý kiến đề xuất như vậy. Do đó, anh Thái Cán đã đồng ý theo phương án di chuyển Sở Chỉ huy Trung đoàn theo ý kiến đề xuất. Tôi thở phào nhẹ nhõm! Mờ sáng hôm sau, Sở Chỉ huy Trung đoàn 1 đã di chuyển đến một vị trí mới an toàn, đúng như dự kiến của tôi.

Anh Thái Cán là một cán bộ rất thông minh. Trong chiến đấu, anh biết lắng nghe ý kiến của mọi người trong cơ quan và đơn vị. Anh thường đưa ra nhiều ý kiến rất sắc sảo, giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn, giành thắng lợi, giảm tổn thất cho bộ đội ta. Nhưng đôi lúc anh chưa thật sự bình tĩnh, nhất là mỗi khi vị trí sở chỉ huy bị uy hiếp... Giữa những năm 1980, anh Thái Cán được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2. Sau đó, anh được phong quân hàm Thiếu tướng, giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 14. Cuối năm 1989, anh Thái Cán mất do căn bệnh hiểm nghèo.

Năm 1972, trong cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị và đánh địch ở mặt trận tây nam tỉnh Thừa Thiên, Sư đoàn 324 đã giành thắng lợi lớn. Sư đoàn đã tiêu diệt gần 9000 quân địch, bắt sống trên 1000 tên, trong đó có hơn 300 sĩ quan, bắn rơi 96 máy bay, thu và phá hủy hơn 1000 xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải quân sự cùng hơn 2 000 vũ khí các loại.

3

Giữa tháng 10 năm 1972, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên ra lệnh cho Sư đoàn 324 lật cánh ra phía tây bắc Huế, nhận nhiệm vụ giữ vững vùng giáp ranh thuộc các huyện Phong Điền và một phần huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Từ vị trí này, Sư đoàn có nhiệm vụ sẵn sàng cơ động đánh địch, giành thắng lợi cao nhất khi giải pháp chính trị- ngoại giao tại bàn đàm phán bốn bên ở thủ đô Paris thắng lợi.

Đầu tháng 11 năm 1972, Sư đoàn 324 đã vững vàng đứng chân trên địa bàn tây bắc thành phố Huế. Sở chỉ huy Sư đoàn ở dãy núi Phu-Rêch, Trung đoàn một triển khai lực lượng ở vùng Ca Puy, Cung Cáp, Núi Sơn, tây nam huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Trung đoàn hai bám trụ vùng động Chiêm Dòng, động Chuối, phía tây bắc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên và tây huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn 3 trấn giữ phía tây huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Suốt cả tháng 12 năm 1972, không ít người ngóng đợi tin thắng lợi từ bàn đàm phán hội nghị Pa-ri. Nhưng hội nghị chưa có kết quả! Thời gian ấy, Sư đoàn quyết tâm tiếp tục giữ vững và mở rộng vùng giải phóng ở miền tây Thừa Thiên, tạo lợi thế cho ta trên bàn đàm phán. Trung đoàn 2 ngoài nhiệm vụ giữ đất, bám dân còn thực hiện nhiệm vụ chi viện cho Sư đoàn 312 đánh chiếm lại những khu vực đã bị địch lấn chiếm ở miền tây tỉnh Quảng Trị. Những ngày này, khi được tin máy bay B52 Mỹ đánh phá miền Bắc, trút bom nhằm hủy diệt thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, chúng ném bom vào cả dân thường, cán bộ chiến sĩ sư đoàn vô cùng lo lắng và uất hận trước hành động điên cuồng của giặc Mỹ.

Để chia lửa với thủ đô, để trả thù cho đồng bào Hà Nội bị giặc Mỹ dùng bom B52 sát hại, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 giao cho Trung đoàn 2 bằng mọi giá tiêu diệt cứ điểm 367 ở tây huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Tôi may mắn được tháp tùng Tham mưu phó Sư đoàn Ma Vĩnh Lan trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 2 đánh chiếm cứ điểm 367 ở phía tây tỉnh Quảng Trị.

Đêm 25-12-1972, hỏa lực của Trung đoàn 2 đồng loạt đánh phá mãnh liệt vào cứ điểm 367. Sau đó, bộ binh ta đồng loạt xung phong đánh chiếm trận địa tiền duyên, rồi tấn công vào trung tâm cứ điểm. Địch chống trả quyết liệt, nhưng chúng không đủ sức chịu nổi áp lực tấn công của quân ta. Mờ sáng 26 tháng 12, Trung đoàn 2 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 367, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Chiến thắng 367 đã bóc dỡ một cứ điểm quan trọng của địch. Chúng ta đã mở rộng vùng giải phóng, tạo thành thế liên hoàn từ Quảng Trị đến Thừa Thiên.

Hiệp định Pa-ri được kí kết ngày 27-01-1973. Trên danh nghĩa, hòa bình đã được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo Hiệp định Pa-ri quy định, ở miền Nam Chính phủ Cách mạng lâm thời của ta và giới cầm quyền Sài Gòn giữ nguyên hiện trạng khu vực của mình kiểm soát. Các bên chờ đợi một cuộc hiệp thương hòa giải, hòa hợp dân tộc. Trên thực tế, chiến tranh ở miền Nam Việt Nam vẫn diễn ra rất quyết liệt. Trước ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, cả hai bên ta và địch đều đã có sự "chạy đua tranh chấp lãnh thổ". Mỗi bên đều kỳ vọng, khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực thì mọi việc được đặt trong thế đã rồi.

Về phía ta, khi Hiệp định Pa-ri đã được công bố nhưng chưa đến giờ có hiệu lực ngừng bắn, nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 324 đã "tranh thủ" chiếm đất, giành dân ở vùng giáp ranh phía Tây đường 1 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Theo các đồng chí Tiểu đoàn 1 kể lại, ngày 23-1-1973, Trung đoàn 1 ra lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Hợp cùng Chính trị viên Lê Sĩ Thái chỉ huy tiểu đoàn, bí mật luồn xuống đồng bằng thực hiện nhiệm vụ cắm cờ chiếm đất, giành dân. Trung đoàn cử Phó Chính ủy Trần Hiếu Định và Trung đoàn phó Trương Văn Núp đi cùng để chỉ đạo trực tiếp.

Chấp hành mệnh lệnh của trung đoàn, ngày 24 và 25-1-1973, Tiểu đoàn 1 đã bất chấp hiểm nguy, bí mật vượt qua tuyến phòng ngự của địch, ém sẵn lực lượng tại vị trí tập kết đúng thời gian quy định bí mật và an toàn. Đêm 26 tháng 1, Tiểu đoàn 1 đã bất ngờ tràn xuống chiếm lĩnh bốn thôn: Cổ Bi, Hiền Sĩ, Phò Ninh và Thượng An thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Sau đó, các đơn vị đã dàn mỏng đội hình để giữ đất, giành dân. Tiểu đoàn 1 đứng chân ở khu vực trên thực sự đã uy hiếp nghiêm trọng đường 1, đoạn bắc cầu An Lỗ, làm cho kẻ địch rất lúng túng. Đêm 27 tháng 01, sau khi xây dựng phương án chiến đấu, bộ đội ta đã xây dựng trận địa sẵn sàng đánh địch. Mờ sáng 28 tháng 1 Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Thu, qua điện thoại đã biểu dương Tiểu đoàn 1 vì chiếm lĩnh được khu vực bốn thôn an toàn và nhắc nhở: "Hiệp định Pa-ri khi đã có hiệu lực, ta là quân đội cách mạng cần phải chấp hành lệnh ngừng bắn nghiêm túc".

Thế nhưng, ngay sau đó là thời khắc kẻ địch dùng hỏa lực mạnh pháo binh, máy bay trực thăng bắn phá rất ác liệt vào làng Phò Ninh, Thượng An, Cổ Bi, Hiền Sĩ. Nhà cửa của dân bị đổ ngổn ngang, bốc cháy ngùn ngụt. Tiếp đó, chúng dùng xe tăng dẫn dắt bộ binh hình thành nhiều mũi liên tục đánh vào trận địa ta. Các đơn vị của Tiểu đoàn 1 đã nổ súng ngăn chặn, đánh bại nhiều đợt tiến công của bộ binh và xe tăng địch.

Tuy vậy, gần trưa hôm đó, Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Thu vẫn trực tiếp cầm điện thoại hỏi đồng chí Tiểu đoàn trưởng Hợp: "Sao giờ này tôi vẫn nghe tiếng súng ở dưới đó. Ta là quân đội cách mạng, việc ngừng bắn phải gương mẫu chấp hành". Thế nhưng suốt cả buổi chiều ngày 28-1, địch bất chấp lệnh ngừng bắn vẫn tiếp tục tràn lên tiến công vào trận của Tiểu đoàn 1; Tại khu vực bốn thôn, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra rất khốc liệt... Xác địch nằm ngổn ngang trước trận địa. Một xe tăng địch trúng đạn bốc cháy. Tuy nhiên, lực lượng ta cũng thương vong nhiều. Vào lúc đó, đại đội hỏa lực báo cáo:

- Đại đội cối 82 hết đạn!

- Các đồng chí tiếp tục chiến đấu bằng súng bộ binh, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh.

Khoảng 3 giờ chiều, bộ binh, xe tăng của địch đã chiếm được phần lớn làng Thượng An và một phần làng Phò Ninh. Đồng chí Chính trị viên Lê Sĩ Thái và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Trần Văn Hợp đã mang AK cùng trinh sát và lực lượng dự bị, từ làng Hiền Sĩ vượt qua cánh đồng nổ súng đánh vào bên sườn một đơn vị địch ở bìa làng Phò Ninh. Chúng buộc phải dạt sang cánh đồng bên cạnh. Sau đó, các anh đã vào ngay trong làng Phò Ninh để động viên bộ đội chặn địch.

Thời điểm ấy, địch và ta giành giật nhau từng căn nhà, từng con ngõ. Anh Hợp và anh Thái đã lợi dụng từng căn nhà, từng lũy tre làng, sử dụng súng AK chiến đấu như các chiến sĩ. Đồng chí Hân - Chính trị viên Đại đội 2 bị mắc kẹt dưới hầm do xe tăng địch cán sập. Anh vừa được đồng đội cứu lên, lại tiếp tục dẫn các chiến sĩ xông lên đánh địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta dù bị thương nhưng vẫn ở lại đơn vị chiến đấu.

Vào cuối buổi chiều hôm ấy, trinh sát ta phát hiện ở phía cánh đồng hướng đường 1 có nhiều xe tăng cùng bộ binh địch chia thành nhiều mũi đang tiến vào khu vực bốn thôn, hình thành thế bao vây lực lượng ta. Tình thế rất bất lợi cho Tiểu đoàn 1. Trong khi đó, sức chiến đấu của các đơn vị đã bị suy giảm nghiêm trọng, đạn dược thiếu. Đội hình quân ta lại dàn quá mỏng để "giành đất" nên không có khả năng chi viện cho nhau.

Trước tình hình cấp bách và rất nguy hiểm, Tiểu đoàn Trưởng Trần Văn Hợp cùng Chính trị viên- Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 1 Lê Sĩ Thái đã hội ý nhanh và đi đến kết luận: Địch sẽ dùng lực lượng lớn bao vây đánh chiếm khu vực bốn thôn. Lực lượng ta đã bị tổn thất nặng, không còn đủ sức ngăn chặn địch, giữ mục tiêu được giao. Vì vậy lãnh đạo và chỉ huy tiểu đoàn đã quyết định ra lệnh cho các đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng.

Trong đêm 28-1-1973, lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1 bắt đầu rút lên sườn đông núi Sơn, cách khu vực bốn thôn khoảng 5 cây số về phía tây. Đến sáng 29 tháng 01, các đơn vị của chúng ta mới thu hết quân về vị trí. Do điều kiện rất khẩn trương và quá khó khăn nên có một đại đội chưa kịp an táng hết số liệt sĩ theo chính sách. Tệ hơn nữa, một số thương binh của ta đã bị địch bắt. Đó là điều trăn trở, day dứt nhất của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1.

Sáng hôm ấy, Đảng ủy Tiểu đoàn 1 họp bất thường với nội dung: Tập trung lãnh đạo củng cố tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho bộ đội, ổn định tổ chức, xốc lại lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đồng thời Đảng ủy Tiểu đoàn cũng xác định yêu cầu tập trung sức lực của tiểu đoàn, tìm mọi cách giải quyết chính sách sau chiến đấu. Trong hội nghị này, đồng chí Lê Sỹ Thái xin nhận kỷ luật cách chức Chính trị viên Tiểu đoàn; đồng chí Trần Văn Hợp cũng xin nhận kỷ luật cảnh cáo về trách nhiệm của mình. Phó Chính ủy Trung đoàn - Trần Hiếu Định trong buổi họp kết luận: "Thất bại của Tiểu đoàn 1 không phải là do thiếu ý chí quyết tâm, mà là do ta xuống quá sâu, rải quân dàn quá mỏng để chiếm đất. Vì vậy, khi địch tập trung lực lượng mạnh tấn công liên tục, dẫn đến việc ta bỏ khu vực 4 thôn là điều khó tránh khỏi"....

Thời điểm ấy đồng chí Lê Sỹ Thái đã có quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1. Nhưng sau khi xem xét và phân tích kỹ, cấp trên vẫn quyết định dừng trao quyết định Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn và cách chức Chính trị viên Tiểu đoàn đối với đồng chí Lê Sĩ Thái. Các đồng chí Trần Hiếu Định - Phó Chính ủy trung đoàn, Trương Văn Núp - Trung đoàn phó và Trần Văn Hợp - Tiểu đoàn trưởng cũng đều phải nhận các hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức tùy theo khuyết điểm và trách nhiệm của mình.

Tuy vậy, cấp trên đánh giá cán bộ rất khách quan nên cuối năm 1973, đồng chí Lê Sĩ Thái đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1. Sau thời gian hoạt động tranh thủ chiếm đất, giành dân, tháng 01 năm 1973, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 324 đã mạnh dạn chỉ ra cái yếu của mình là không đánh giá hết sự tráo trở của kẻ địch. Hiệp định Pa-ri được ký kết là một thắng lợi to lớn của ta. Nhưng đối với sư đoàn, vào thời điểm quan trọng đó đã chủ quan, đánh giá sai địch, mất cảnh giác, không ứng phó kịp với những hành động liều lĩnh của chúng... Đến giờ Hiệp định Paris có hiệu lực, Nguyễn Văn Thiệu vẫn chủ trương: "Tràn ngập lãnh thổ". Chúng liên tục đưa quân ra đánh chiếm khu vực chúng ta kiểm soát, làm cho một số đơn vị lúng túng trong những ngày đầu. Hậu quả là bộ đội thương vong nhiều. Một số đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ phải nhận kỷ luật.

Để bảo vệ vùng giải phóng, cuối tháng 1, Sư đoàn 324 đã điều động Trung đoàn 3 (thiếu 1 tiểu đoàn) vào thay thế Trung đoàn 1 ở khu vực núi Sơn, Thanh Tân, Sơn Quả. Trung đoàn 1 được lệnh cơ động về khu vực đường 12 làm nhiệm vụ. Sau Tết Nguyên Đán 1973, chiến trường khu vực tây huyện Phong Điền trở nên vô cùng ác liệt. Bộ đội ta thương vong nhiều nhưng Trung đoàn 3 đã đánh bại nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của địch và chủ động tiến công chiếm lại một số điểm cao có giá trị chiến thuật ở vùng giáp ranh phía tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên.

4

Đầu tháng 02 năm 1973, tôi được Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên giao quyết định đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324. Khi đó, tôi mới tròn 27 tuổi. Đó là trách nhiệm quá lớn so với tuổi tác và bề dầy kinh nghiệm của tôi.

Sau Hiệp định Pa-ri, thế trận trên chiến trường miền Nam chuyển sang hướng mới. Ta vừa phải đấu lực vừa phải đấu trí với địch. Tôi đã cùng cơ quan trinh sát sư đoàn bắt tay ngay vào nhiệm vụ nắm địch, nghiên cứu kỹ lưỡng thủ đoạn mới của chúng; tìm ra các giải pháp xử lí tình huống để đánh thắng địch trong mọi tình huống.

Từ cuối quý 1 năm 1973, phía trước trận địa phòng ngự của đại đội, tiểu đoàn, bộ đội ta đã cùng quân đội Sài Gòn xây dựng một ngôi nhà "hòa hợp dân tộc". Đây là nơi bộ đội ta gặp gỡ giao lưu với binh lính Sài Gòn. Thời gian ấy ta đã triệt để tận dụng thời cơ để làm công tác binh vận, địch vận.

Khi hai bên gặp gỡ nhau, ta giải thích rõ cho họ mục tiêu chiến đấu cao cả của phía bên ta là giành độc lập, hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Đất nước ta không lệ thuộc vào ngoại bang, không để thế lực bên ngoài biến ta thành tay sai, chư hầu và là công cụ chiến tranh của họ. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam chủ trương hòa hợp dân tộc, xây dựng hòa bình, khoan hồng với bất cứ ai muốn trở về với nhân dân và Tổ quốc.

Thời gian ấy, quân đội Sài Gòn liên tục sử dụng nhiều toán biệt kích đổ xuống vùng giải phóng của ta. Âm mưu của chúng là tìm mọi cách dò la, phát hiện các kho tàng, bệnh viện, vị trí đóng quân của ta. Chúng chỉ điểm cho máy bay, pháo binh bắn phá vào các vị trí, gây cho ta nhiều tổn thất. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh bại thủ đoạn chiến tranh biệt kích của địch vào vùng giải phóng của ta được đặt lên hàng đầu đối với cơ quan trinh sát sư đoàn.

Chúng tôi đã phát huy tối đa hiệu quả cách nắm địch của Đội Trinh sát Kỹ thuật do đồng chí Hồ Thế Luận chỉ huy. Hàng ngày, vào 20 giờ ta đã nắm chắc mọi vị trí đứng chân của địch trên chính diện trận địa phòng ngự và trong khu vực địa bàn sư đoàn đảm nhiệm. Trinh sát ta còn nắm được kế hoạch hỏa lực, kế hoạch hoạt động trong đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau của địch. Chúng tôi xác định, địch ở bên cạnh ta. Còn ta dường như ở ngay trong lòng địch. Khoảng 21 giờ mỗi ngày, các cơ quan, đơn vị đều được trinh sát sư đoàn thông báo tình hình địch rất cụ thể. Trên cơ sở nắm được địch, các đơn vị có kế hoạch hoạt động rất chủ động và chính xác, đánh thắng địch và phòng tránh bom đạn của địch, giảm được nhiều xương máu của bộ đội.

Cơ quan Trinh sát chúng tôi chủ trương khai thác tin tức phải đi đôi với sử dụng tin tức. Tìm ra thời cơ để đánh địch là nghề nghiệp của cơ quan trinh sát. Chúng tôi quyết đánh bại chiến thuật đổ biệt kích của địch. Không cho chúng luồn sâu vào hậu phương của ta tìm mục tiêu chỉ điểm cho máy bay, pháo binh đánh phá vùng giải phóng. Thời gian ấy, Phân đội Trinh sát Kỹ thuật đã theo dõi nắm rất chắc mọi hoạt động của các toán biệt kích địch. Cơ quan trinh sát sư đoàn đã huy động một nửa đại đội trinh sát, chia nhỏ thành các tổ, các nhóm để tìm, diệt biệt kích.

Một đêm cuối tháng 4 năm 1973, dựa vào thông báo của trinh sát kỹ thuật, Phân đội Trinh sát do Nguyễn Văn Thắng - Đại đội trưởng chỉ huy đã bí mật đột nhập vào vị trí ngủ đêm của một toán biệt kích của quân đội Sài Gòn. Ta bất ngờ nổ súng bắn chết tên lính gác. Kẻ địch không kịp trở tay, cũng không còn cơ hội tháo chạy nên 7 tên đã bị bắt. Trong số 7 tên có tên Toàn là chỉ huy. Chúng ta thu được toàn bộ vũ khí và trang bị của chúng. Bộ đội ta nghĩ rằng đã bắt gọn cả toán biệt kích, thu hết súng đạn, máy thông tin liên lạc. Nhưng khi kiểm tra mới biết, một lính thông tin tên là Đình đã lợi dụng đêm tối trốn thoát mà ta không phát hiện được.

Ngay trong đêm, tù binh được giải về nơi quy định để khai thác lấy tin tức. Đây là toán biệt kích do trưởng phòng nhì - Vùng 1 chiến thuật trực tiếp chỉ huy. Chúng tôi đã thuyết phục được tên Toàn, nhóm trưởng biệt kích hợp tác với ta. Sau đó chúng tôi cho phép tên Toàn sử dụng máy thông tin của nó báo về chỉ huy cơ quan phòng nhì của chúng là cả toán biệt kích vẫn hoạt động bình thường, vì vậy địch không nghi ngờ có điều gì bất thường.

Hôm sau, chúng tôi cho tên Toàn, nhóm trưởng biệt kích điện báo về phòng nhì vùng 1 chiến thuật yêu cầu pháo binh đánh vào một vị trí không người và nói rằng đó là kho vũ khí quan trọng của "Việt cộng". Địch bị đánh lừa, chúng đã tập trung ném bom, bắn pháo tới tấp vào khu vực đó.

Một lần, chúng tôi cho phép tên Toàn yêu cầu trực thăng lên tiếp tế ở bãi đáp đã chuẩn bị trước. Kẻ địch cũng đáp ứng đòi hỏi đó của Toàn. Nhưng khi trực thăng chuẩn bị hạ cánh, ta bắt tên Toàn phát tín hiệu không an toàn, yêu cầu hôm sau tiếp tế ở vị trí khác. Cấp trên của chúng không mảy may nghi ngờ nên đã chấp thuận. Chiếc trực thăng bay về căn cứ của chúng.

Như vậy là phía ta vẫn giữ được bí mật. Căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi đã đề xuất với Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Thu kế hoạch tương kế, tựu kế. Chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở tổ chức bắt sống một chiếc máy bay trực thăng của địch. Phương án bắt sống máy bay trực thăng đã được chuẩn bị và trình bày cụ thể, Sư đoàn đã chuẩn y. Tôi giao cho anh Phú - Trợ lý Trinh sát Sư đoàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Đại đội trưởng trinh sát Sư đoàn - Nguyễn Văn Thắng chỉ huy 7 chiến sĩ, cải trang đóng giả toán biệt kích địch với đầy đủ mọi trang thiết bị, vũ khí chúng ta thu được. Chúng tôi chọn một bãi đáp để mai phục bắt sống chiếc trực thăng địch; đồng thời bố trí 1 Trung đội 12,7 ly yểm trợ. Phân đội Trinh sát chúng tôi đã nhanh chóng luyện tập theo phương án đánh địch đã được chuẩn bị rất kỹ này.

Theo kế hoạch, ngày hôm sau chúng ta sẽ tổ chức bắt sống chiếc máy bay trực thăng địch. Không hiểu sao Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Thu lại quyết định điều một đại đội pháo cao xạ 37 lên phối hợp, cho nên kế hoạch phải lùi lại thêm một ngày. Sang ngày thứ 2, kể từ khi bắt được toán biệt kích, mọi việc gần như vẫn diễn ra theo ý định của chúng ta. Đột nhiên đến tối, tên Trưởng phòng Nhì - Vùng 1 chiến thuật của địch bắt đầu nghi ngờ. Nó đòi gặp nói chuyện qua máy thông tin với từng tên trong toán biệt kích.

Anh Phú ra hiệu cho tên Trưởng nhóm biệt kích, triển khai thực hiện theo ý của tên trưởng phòng nhì. Hắn lần lượt nói chuyện đến tên thứ năm thì phiên liên lạc dừng lại. Tôi nín thở chờ đợi, nhưng kế hoạch của ta hình như vẫn giữ được bí mật...

Ba ngày đêm liền tôi và anh Phú - Trợ lý Trinh sát thức trắng, bám sát bọn tù binh, xử lí mọi tình huống diễn ra kịp thời. Mờ sáng ngày thứ tư, Đại đội Pháo cao xạ 37 ly đến yểm trợ đã chiếm lĩnh trận địa. Phân đội Trinh sát đóng giả biệt kích cũng bố trí xong đội hình ở bãi đáp trực thăng được chọn trước. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng- Đại đội trưởng Trinh sát sư đoàn quê ở Hà Tĩnh vào vai tên Toàn (toán trưởng biệt kích) rất đạt.

Theo phương án của ta, khi máy bay trực thăng địch hạ cánh xuống, trinh sát ta đóng giả biệt kích nhảy lên diệt gọn những tên lính bảo vệ. Sau đó một số anh em trinh sát khống chế buộc tên phi công địch đưa máy bay về vùng Giải phóng, nằm trên đường 14 đã được ta chuẩn bị.

Khoảng 9 giờ sáng, tôi và anh Phú điều khiển tên Toàn trưởng nhóm kiệt kích, yêu cầu trực thăng đến tiếp tế ở bãi đáp nơi ta phục kích. Một máy bay trực thăng HU-1A từ hướng nam bay tới. Nó quần lượn quanh bãi đáp chuẩn bị hạ cánh. Cũng lúc đó, ở phía Đông cách chừng 10 ki-lô-mét, gần cao điểm 673, một chiếc máy bay trực thăng khác đang dừng lại rất thấp. Nó thả thang dây, kéo một người lên rồi bay thẳng về hướng đông nam.

Tất cả mọi người đều nhìn thấy. Một ai đó thốt lên:

- Hỏng rồi! Thế là toi công mất rồi!

Chiếc máy bay trực thăng chuẩn bị hạ cánh tiếp tế cho nhóm biệt kích cũng đột ngột quay về hướng đông nam, chuồn thẳng, bỏ mặc cho tên trưởng nhóm biệt kích khẩn khoản yêu cầu hạ cánh tiếp tế gấp.

Chúng tôi xác định kế hoạch đã bị lộ. Trinh sát, tù binh và các đơn vị yểm trợ được lệnh rút nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm đề phòng địch ném bom và bắn pháo hủy diệt.

Ta vừa rút xong ít phút, máy bay và pháo địch thay nhau đánh phá liên tục vào khu vực bãi đáp trực thăng cho tới chiều mới chấm dứt. Nhưng chúng một lần nữa lại đánh vào chỗ không người. Thật đáng tiếc; Kế hoạch bắt sống máy bay trực thăng địch của ta không thực hiện được. Nguyên nhân không thành công được rút ra là: Công tác chuẩn bị của ta kéo dài tới ba ngày. Trong khoảng thời gian đó, tên biệt kích lọt lưới đã đủ điều kiện dùng ám hiệu, kí hiệu thô sơ bắt liên lạc với máy bay trực thăng đến cứu. Sau khi lên được máy bay trực thăng tên biệt kich đó, đã trực tiếp dùng vô tuyến điện báo cáo với Trưởng phòng Nhì - Vùng 1 chiến thuật, thông báo nhóm biệt kích của hắn đã bị ta bắt. Và ngay lập tức chuyến trực thăng tiếp tế đã bị hủy bỏ. Thay vào đó là những trận ném bom, bắn pháo hủy diệt vào khu vực bãi đáp trực thăng mà ta đã chuẩn bị.

Cũng từ hôm ấy, việc săn lùng biệt kích trở thành một phong trào trong sư đoàn. Quân ta đã làm cho chiến thuật đổ biệt kích vào vùng giải phóng, chỉ điểm cho máy bay, pháo binh của địch bắn phá bị phá sản hoàn toàn. Song song với nhiệm vụ diệt biệt kích, tôi cùng cơ quan trinh sát sư đoàn vẫn miệt mài nghiên cứu địch, phục vụ công tác chỉ huy chiến đấu trong thế trận mới. Trinh sát phải thực hiện bằng đươc chủ trương của sư đoàn là: Vừa giữ vững vùng giải phóng, vừa điều tra nắm chắc địch trong điều kiện "hòa hợp với địch"...theo tinh thần Hiệp định Pa-ri.

Chiến trường Thừa Thiên giữa mùa khô năm 1973, ta và địch vẫn ở thế giằng co. Lợi thế của ta là có vùng giải phóng rộng lớn, vững vàng. Sư đoàn ra lệnh cho các đơn vị dịch chuyển đội hình về đứng chân ở khu vực A Lưới để rút kinh nghiệm chiến đấu và tranh thủ mọi điều kiện củng cố, huấn luyện bổ sung lực lượng, cơ sở vật chất để chuẩn bị cho bước phát triển mới. 

Thời gian này, toàn Đảng bộ Sư đoàn 324 được quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để hiểu và nhận thức đúng tình hình cách mạng nước ta sau khi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết. Mọi đảng viên, cán bộ chiến sĩ phải "Nắm vững quan điểm bạo lực, tư tưởng cách mạng tiến công" để tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

5

Cuối tháng 7 năm 1973, tôi được lệnh ra thủ đô Hà Nội dự Hội nghị Tổng kết công tác Quân báo -Trinh sát toàn quân, do Cục 2 chủ trì. Lúc đó Hà Nội đã cuối Hạ đầu thu, sau khi ký hiệp định Pa-ri, không còn cảnh chiến tranh. Tôi được tận hưởng không khí hòa bình lập lại ở hậu phương miền Bắc. Mặc dầu vậy, vết tích đau thương của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ vẫn còn hằn sâu trên mọi miền đất nước và thủ đô Hà Nội. Nhưng những người lính trận như tôi, từ khói lửa chiến trường trở về đã phần nào được thảnh thơi ngơi nghỉ sống và làm việc trong những ngày hòa bình trên đất Thủ đô yêu dấu.

Lần đầu tiên, hầu hết chủ nhiệm trinh sát các cấp trung đoàn, sư đoàn, tỉnh đội, quân khu được hội tụ về Hà Nội để đánh giá, đúc rút những bài học kinh nghiệm trong chiến đấu, trong công tác tổ chức nắm địch. Tôi và các bạn, cùng đồng đội đều rất phấn khởi, học hỏi nhau được rất nhiều điều bổ ích và thiết thực. Chúng tôi tích lũy thêm được kinh nghiệm, củng cố thêm được bản lĩnh chỉ huy và phương pháp làm việc của cơ quan ngành Quân Báo - Trinh Sát.

Thời gian ở Trạm 66 (51B - Phan Đình Phùng) thoải mái hơn cả sự mong đợi đối với những người lính từ chiến trường ra miền Bắc. Ngoài sinh hoạt phí dồi dào hơn so với thời ấy, chúng tôi còn được Tổng cục Hậu cần bán giá cung cấp cho một chiếc xe đạp Phượng hoàng, là phương tiện cá nhân quí giá đối với cán bộ sĩ quan lúc bấy giờ. Có được chiếc xe đạp tốt là điều mà ngày ấy nhiều người mơ ước.

Chiếc xe đạp đó được coi như là một tài sản lớn. Với tôi, trước mắt sẽ không phải chờ đợi chuyến tàu chợ đi Nam Định. Tôi có thể đạp xe đẫy buổi sáng, vượt hơn trăm cây số là về tới quê. Rồi chỉ cần đến một ngày, tôi có thể đạp xe khắp các huyện trong tỉnh mang thư, quà đến tận tay các gia đình, người thân của đồng đội.

Vui nhất là chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều cô gái trẻ Hà Nội và các tỉnh. Họ là những nhóm bạn nữ đến thăm người thân từ chiến trường ra ở Trạm 66. Các cô gái đều xinh đẹp, tươi trẻ và khéo léo. Đặc biệt, các cô gái đều rất nhiệt tình và quý mến các anh bộ đội ở chiến trường mới ra miền Bắc!

Hội nghị diễn ra trong vòng một tuần lễ. Sau đó chúng tôi tiếp tục làm việc theo những chuyên đề cụ thể với các cơ quan Cục 2, Bộ Tổng Tham mưu và các Trường Sĩ quan Quân đội. Trong khoảng thời gian ấy, tôi và đồng đội vừa có thời gian củng cố sức khỏe, vừa có thời gian tranh thủ về quê thăm gia đình.

Với chiếc xe đạp Phượng hoàng, như con ngựa chiến, nó đã cùng tôi về thăm quê nhà... Gia đình tôi, ai cũng mừng vui khi thấy tôi lành lặn khỏe mạnh, chững chạc hơn so với lần nghỉ phép năm 1971. Sau niềm vui hân hoan của mọi người, câu chuyện lặp đi lặp lại lần về nhà này của tôi vẫn là chuyện cưới vợ!

Bố mẹ, cô bác, chú thím, bên nội, bên ngoại giới thiệu cho tôi nhiều cô gái trẻ. Nhưng các cụ đâu biết rằng "cô gái nhà bên" đã in đậm trong trái tim tôi từ những lần gặp gỡ vào năm 1971. Dịp này em cũng đang nghỉ hè tại quê nhà, em sắp trở thành cô giáo! Tôi sang nhà chơi, Bình vẫn hồn nhiên, xinh tươi, dịu dàng như ngày nào... Em nói chuyện với tôi như nói chuyện với người anh đi xa mới về... Những ngày sau đó, hình ảnh gặp em, kể chuyện chiến trường cho em nghe, rồi cả hình ảnh em khéo léo sắp xếp ba lô gọn gàng cho tôi trước ngày quay lại chiến trường hồi năm 1971 nữa,... cứ tự nhiên lần lượt hiện ra rất nhiều lần trong tôi... Tôi nghĩ. Đúng! Một nửa của tôi đây rồi...

Từ hôm ấy, tôi tìm mọi cơ hội sang nhà Bình chơi để nói chuyện với em... Có những lần, hình như em có ý ngại ngùng nhưng tôi vẫn cứ sang chơi ...

Những ngày sau đó. Mỗi lần tôi sang nhà, bố mẹ Bình và mọi người đều để hai chúng tôi gặp nhau nói chuyện tự nhiên.

Tôi biết bố mẹ cùng mọi người trong gia đình đôi bên đều tạo điều kiện cho Bình và tôi gặp gỡ, tôi rất vui. Những lần tôi nói với em về tình cảm của mình, em từ chối, em đưa ra nhiều lý do: Nào là em còn ít tuổi, nào là em chưa có ý định xây dựng gia đình, nào là em còn học tiếp... Có lần bí quá, em cười rất tươi rồi nói với tôi: "Em sẽ giới thiệu cho anh một chị rất xinh". Tôi đành cười xòa rồi lảng sang chuyện khác ...

... Nhưng sau nhiều lần tâm sự, Bình đã đồng ý nhận lời tỏ tình của tôi vào một buổi tối mùa thu tháng Tám. Hai người chụm mái đầu to nhỏ tới tận đêm khuya. Trận mạc chiến trường đã dạy cho tôi những điều lớn lao. Tình yêu lại mách bảo tôi những điều thật bình dị!

... Bố của Bình là bộ đội chống Pháp từ những năm 1947 và đã từng làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp trong những ngày đầu thành lập. Mẹ em làm nội trợ trong gia đình, kết hợp buôn bán nhỏ tại chợ xã nhà. Cho nên, các cụ rất hiểu và thông cảm với điều kiện của tôi, một chiến sĩ quân đội thời chiến tranh.

Nhiều lần sang chơi nhà người yêu, bố em kể cho tôi nghe chuyện tình nguyện đi bộ đội của ông. Tôi được biết, năm 1947, sau khi rời quê hương, ông về đầu quân ở Đại đội Lê Bình, rồi chuyển sang Đại đội Ký Con. Đó là những đơn vị nổi tiếng gan dạ, lập được nhiều chiến công, đã đánh thắng giặc Pháp trên đường năm và trong chiến dịch Tây Nam - Ninh Bình, Chiến dịch Biên Giới. Đến năm 1952, ông bị sốt rét nặng, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng nên phải rời quân ngũ về địa phương. Từ hai bàn tay trắng, sau mấy chục năm cần cù lao động, chắt chiu dành dụm, ông bà đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, xây dựng được một gia đình gia phong, nền nếp... Anh chị em của Bình đều học rất giỏi.

Thật may mắn, tôi đã gặp được cô gái nhà bên, người bạn đời tương lai tươi trẻ, dịu hiền của một gia đình nền nếp, gia giáo, giàu truyền thống. Bình mới bắt đầu bước vào nghề nghiệp. Em đang ở tuổi có nhiều hoài bão. Em đã từng làm cán bộ đoàn, cán bộ lớp, là đối tượng Đảng ngay ở trong trường Sư phạm. Em có nhiều người con trai đem lòng yêu mến. Nhưng em cần thời gian cho sự vững vàng, chững chạc với công việc nên em chưa nhận lời ai.

Tôi từ chiến trường trở về chưa đầy ba tháng. Tình yêu đôi lứa giữa chúng tôi mới vừa chạm tới. Thế rồi, tôi đã bàn với Bình về việc tổ chức đám cưới trong lần nghỉ phép này. Chắc em suy nghĩ rất nhiều... nhưng cuối cùng thì em đồng ý! Thì ra em đã thương yêu và cảm thông với điều kiện người lính chiến của tôi nhiều hơn tôi tưởng. Tôi thấy trong lòng mình rộn ràng bao niềm vui!

Tôi vội vàng lên Hà Nội. Cầm theo bản Sơ yếu lý lịch của Bình, tôi báo cáo với Thượng tá Lê Văn Dánh, Phó Chính ủy Sư đoàn 324 đang tập huấn tại Học viện Quân sự cấp cao. Anh Dánh vui mừng chấp nhận việc kết hôn của chúng tôi. Anh còn "tự nguyện" giúp tôi mua bánh kẹo, thuốc lá để tiếp khách trong tiệc cưới. Sau này tôi biết anh Dánh đã dành phần tiêu chuẩn mua hàng tại căng tin Học viện Quân sự cấp cao của anh trong mấy tháng liền. Anh còn gom góp xin thêm tiêu chuẩn của bạn bè trong lớp tập huấn để giúp tôi.

Ngày ấy, đám cưới không có tiệc mặn, chỉ có bánh kẹo, chè thuốc nhưng rất vui. Hôm cưới, tôi mặc bộ quân phục mới, Bình mặc chiếc áo sơ mi trắng, quần lụa đen. Buồng cô dâu - chú rể có chiếc gối đôi do Bình tự tay may thêu và chiếc vỏ chăn vải hoa Trung Quốc mà anh trai tôi tặng là có màu sắc của đám cưới.

Anh Lê Minh Tuy là người bạn chiến đấu cùng đơn vị, quê ở Nghệ An đã về dự cưới chúng tôi. Anh đến Nam Định muộn, hết xe về huyện Giao Thủy, anh đã cuốc bộ hơn bốn ki-lô-mét suốt cả đêm để sáng hôm sau kịp dự đám cưới. Thật là cảm động. Còn bạn bè của Bình thì ở khắp các huyện trong tỉnh, mọi người đã về từ mấy hôm trước để cùng Bình chuẩn bị.

Lễ cưới được tổ chức vào buổi sáng ngày 20-10-1973 tại Hội trường Ủy ban hành chính xã Giao Tiến. Người dẫn chương trình là ông Trưởng ban văn hóa xã. Đám cưới được tổ chức theo Đời sống mới đầu tiên và đông vui nhất ở hội trường mới của xã. Tham dự lễ cưới có đại diện chính quyền, đoàn thể địa phương, hai bên gia đình, bà con trong họ và rất đông bạn bè của hai chúng tôi đến chúc mừng. Sau đó là tiệc ngọt và liên hoan văn nghệ. Những bài hát về chiến trường, hậu phương về người lính và nhà giáo vang ngân theo nhịp vỗ tay hòa đồng của mọi người. Tôi còn nhớ, Trần Thúy Vinh bạn đồng nghiệp của Bình hát tặng hội hôn bài "Em là hoa Pơ Lang" rất hay... Vợ chồng tôi thật sự xúc động và cảm kích trước tấm lòng mà mọi người dành cho mình... Qùa cưới là những chiếc xoong Liên Xô, xoong Hải Phòng nhỏ, những chiếc phích đựng nước, những quyển sổ tay kèm theo những chiếc bút Trường sơn, bút Ba vì và đặc biệt là những đôi khăn mùi soa có thêu đôi chim Bồ câu rất đẹp,...rất ý nghĩa. Sau ngày cưới vợ chồng tôi cùng người chị gái con bác Lê Thị Hường còn đưa nhau ra phố huyện dạo chơi, chụp ảnh kỷ niệm... rất vui và hạnh phúc.

Theo kế hoạch, sau khi cưới bốn ngày, tôi sẽ lên Hà Nội cùng đoàn cán bộ trinh sát dự lớp tập huấn chuyên ngành. Nhưng một tình huống thật khó xử lý đã đến với tôi. Do nhà trai ở Thanh Hóa đã xem ngày trước nên sau đám cưới của chúng tôi hai ngày, em gái tôi cũng đi lấy chồng. Nhà trai ra ăn hỏi và xin đón dâu luôn. Do điều kiện anh em chúng tôi đều đi công tác xa không thể bố trí được người đưa em tôi về nhà chồng cho nên cô dâu mới của tôi cùng em gái Lê Thị Tỵ được cử đi trong đoàn nhà gái do thím Rựng làm trưởng đoàn vào dự cưới. Chúng tôi vừa mới tổ chức lễ thành hôn, nhưng biết làm thế nào! Chị dâu đưa em gái về nhà chồng là hợp lẽ thường tình... Sau này, tôi được biết, tiệc cưới của em tôi ở Thanh Hóa rất vui. Vợ tôi đã thay mặt nhà gái có lời cảm ơn gia đình họ nhà trai và dặn dò, chúc phúc hai em trong ngày cưới. Bình nói năng nhẹ nhàng ý nhị, tình cảm, trách nhiệm và chân thành nên được mọi người cảm mến, khen ngợi.

Bình đi theo đoàn vào Thanh Hóa. Ở lại nhà một mình, tôi nghĩ vẩn vơ như thấy mình có lỗi vì đã để cho vợ đi xa nhà ngay sau ngày cưới... Ngày thứ năm, ngày nghỉ phép cưới vợ cuối cùng, tôi hồi hộp đợi chờ, mong ngóng vợ về. Nhưng vợ tôi đã không về kịp để đưa tiễn chồng trả phép.

Mờ sáng ngày 24-10-1973, tôi lặng lẽ lên Trạm 66 Bộ quốc phòng trả phép để tiếp tục làm việc theo kế hoạch. Tôi biết các bạn trẻ sẽ không thể tưởng tượng ra tình thế này, chắc các bạn vừa ngạc nhiên và không thể nào tin được. Nhưng thực tế hồi ấy, thế hệ chúng tôi là như thế đấy!... Trĩu nặng niềm thương nỗi nhớ, tôi viết mấy dòng nhắn gửi để lại cho vợ:

21 giờ 23-10-73.

Bình em thương nhớ!

Anh có để lại mấy thứ lặt vặt, khi về em cất đi cho anh với nhé. ( Nhất là 30 cây chì dầu đen).

Ngày mai 24 tháng 10, đúng 04 giờ anh lên đường... Để đỡ nhớ, anh đã tự động mang theo hai tấm ảnh của em...

Anh - Lêhuy Mai

Đầu tháng 11 năm 1973, tôi về dự lớp tập huấn chuyên ngành Trinh sát ở Yên Sở tỉnh Hà Tây do Cục II tổ chức. Tại lớp tập huấn này tôi rất vui vì đã được trang bị thêm những kiến thức cơ bản về công tác tổ chức trinh sát nắm địch và học được nhiều kinh nghiệm của các đơn vị bạn.

Theo chương trình, cuối tháng 11 lớp tập huấn chuyên ngành Trinh sát ở Hà Tây kết thúc. Sau đó, chùng tôi chỉ được tranh thủ qua nhà năm ngày rồi quay lại chiến trường nên ai cũng bức xúc... Nhưng Trước khi lớp tập huấn chuyên ngành Trinh sát kết thúc, đoàn cán bộ Trinh sát Sư đoàn 324 rất vui khi nhận được tin Cục cán bộ thông báo:

"Tình hình chiến trường tây Thừa Thiên tương đối ổn định. Cho nên thủ trưởng Sư đoàn 324 đã quyết định cho đoàn cán bộ Trinh sát kết hợp đi chữa bệnh và nghỉ phép vào cuối đợt công tác này".

Dịp ấy, tôi ở lại Hà Nội ít ngày để giải quyết Chính sách hậu phương quân đội và lo liệu cho anh em cán bộ Trinh sát sư đoàn 324 đi phép, đi chữa bệnh, tôi đã nhắn tin về cho vợ và em đã sắp xếp thời gian lên Hà Nội với chồng. Vợ chồng tôi thật không thể ngờ có dịp may mắn bên nhau hưởng "tuần trăng mật" muộn, ở một căn phòng nhỏ được cô em họ Cao Thị Thanh cho mượn, tại Khu tập thể Văn Chương Hà Nội. Thật hạnh phúc!...

Sau khi đưa vợ trở về quê nhà, ngày 6 tháng 12 tôi lên Hà Nội để giải quyết nốt những việc còn lại...Mùa đông năm ấy, ở Hà Nội trời rất lạnh nên tôi bị viêm họng và ho nhiều. Ngày 12 tháng 12 các đồng chí quân y của trạm khách 66 Bộ quốc Phòng đã đưa tôi vào khu B Viện Quân y 108 ở Hà Đông khám và điều trị, thế là tôi trở thành bệnh nhân từ hôm ấy. Lần đầu tiên được điều trị ở một bệnh viện lớn, tôi vừa phấn khởi vừa bỡ ngỡ. Sau khi kiểm tra, các chỉ số về sức khỏe của tôi đều tốt, riêng họng bị viêm "A" rất nặng, theo chỉ định của bác sỹ Bệnh viện 108 là nên mổ ngay để giải quyết căn bệnh viêm họng kéo dài. Tôi đồng ý ngay, vì bệnh viêm họng đã gây phiền toái cho tôi quá nhiều rồi.

Ngày 14 tháng 12, tôi được các bác sỹ cắt "A" an toàn. Đến ngày 28 tháng 12 khi sức khỏe đã trở lại bình thường tôi mới viết thư báo tin cho vợ. Lá thư ấy có đoạn viết:

"... Từ 12 tháng 12 đến nay anh nằm điều trị tại Bệnh viện 108 (khu B) tại Hà Đông... Nói là nằm viện thì nghe to tát lắm, có lẽ ai cũng thương hại và lo. Nhưng đối với anh vào viện điều trị thì chẳng có gì đặc biệt đâu. Anh đã kiểm tra lại toàn bộ tình hình sức khỏe rồi. Nói chung không có gì đáng lo cả. Nhưng anh vẫn vào viện để sửa cái họng và cái mũi quý hóa của anh ấy mà...Hôm 14-12 anh bắt đầu sửa họng (cắt Amiđan). Cái họng này đã bắt anh ăn nước đường, ăn sữa, ăn cháo bột mất gần một tuần... Khốn khổ cái bụng cứ biểu tình suốt ngày nhưng cái họng không sao mà nuốt vào được. Mà có nuốt tý nước cháo vào thì chỉ ấm bụng được vài giờ thôi... Đến nay anh đã ăn cơm được gần hai tuần rồi... có thể nói anh cắt Amiđan ra ít máu nhất (chỉ mất khoảng 10cc). Hôm thứ năm vừa qua chị Hường và em Khiêu đến thăm còn khen anh béo ra đấy.....Cho nên khoảng đầu tháng 1- 1974 anh ra viện..."...

Sau khi ra viện tôi được nghỉ phép ít ngày... Rất vui là nhà bố mẹ vợ tôi ở cạnh nhà tôi và là 1 một trong bốn nhà đã tạo thành "Khối Liên Gia đặc biệt" (gồm gia đình tôi, bác tôi, chú tôi và gia đình bố mẹ vợ tôi). Những ngày tôi nghỉ phép năm ấy, đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên sân nhà tôi đã trở thành nơi hội tụ của các anh, các chị, các em của bốn nhà trong hầu hết các buổi tối như ngày nào...làm tôi nhớ lại những ngày tuổi thơ của tôi, của vợ tôi (người em gái nhỏ) và các anh, các chị, các bạn, cùng trang lứa ngoài giờ học và tối - tối, dưới ánh trăng vàng vẫn thường tụ tập chơi các trò chơi dân gian như: kéo co, trốn tìm, bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, ... các bài đồng dao vùng châu thổ sông Hồng được vang lên ở sân nhà bác tôi,... và chính trên mặt sân nhỏ bé này. Đó là những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi không bao giờ quên. Tôi được biết, những trò chơi dân gian ấy còn đươc nối tiếp, nối tiếp mãi đến những năm tháng tôi ở ngoài mặt trận và những năm tiếp theo... Những năm sau này, vợ tôi, các con tôi đều được các ông bà, cô, dì,chú, bác và mọi người trong "Khối Liên Gia đặc biệt" và bền vững ấy, đã đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ trong lúc tôi công tác xa nhà...

Hết phép tôi lại về Hà Nội dự cuộc họp bất thường và làm việc với Cục II từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2, sau đó xây dựng kế hoạch đón, đưa anh em cán bộ Trinh sát Sư đoàn 324 trở lại chiến trường.

Vào một ngày giữa tháng 2 năm 1974 tôi về quê tạm biệt gia đình và hôm sau, trên chiếc xe đạp Phượng hoàng vợ chồng tôi đã đi chặng đường dài gần năm chục cây số từ quê nhà lên thành phố Nam Định. Chuyến tàu hỏa chở anh em cán bộ trinh sát trở lại chiến trường xuất phát từ Hà Nội đã về đến ga Nam Định vào chiều hôm ấy, nó từ từ dừng lại... Tôi vội vã chia tay vợ rồi lên tàu trong tiếng chào và tiếng trêu đùa vui vẻ của đồng đội. Vợ tôi cùng tươi cười chào hỏi và chúc mọi người lên đường mạnh khỏe, may mắn...

Trong giờ phút chia tay lưu luyến ấy, tôi cố giữ vẻ bình thản. Chắc vợ tôi cũng cố giấu đi những giọt nước mắt, không muốn để chồng trước khi ra trận nhận thấy sự yếu đuối của mình. Bình đã thật sự kìm nén để cho chồng cảm nhận sự vững vàng ở người vợ bộ đội thời chiến.

Đây là lần thứ ba tôi vào chiến trường xa. Khác với hai lần trước đó, lần này trong trái tim tôi có hình bóng người vợ trẻ hậu phương thân thương, trìu mến. Và hậu phương với tôi lúc đó là bao nghĩa, bao tình để tôi nhớ, tôi thương... Con tàu bắt đầu chuyển bánh rồi chầm chậm rời ga Nam Định quê hương tiến về phía Nam. Tôi ngoái đầu ra bên ngoài cửa sổ con tàu, nhìn rõ bàn tay nhỏ nhắn của vợ mình vẫy mãi, vẫy mãi... đến khi đoàn tàu khuất hẳn...

Tôi biết người ra trận phải đương đầu với biết bao gian khổ, hiểm nguy. Nhưng đôi khi lao vào công việc, người lính dường như đã quên đi tất cả. Người ở hậu phương ngoài tầm đạn bom, nhưng luôn quằn quặn niềm thương và nỗi nhớ người thân yêu của mình nơi chiến trường xa đầy hiểm nguy và gian khổ. Lúc đó trong trái tim tôi luôn tâm nguyện một điều: Chiến tranh có thể cướp đi của chúng tôi những năm tháng tuổi trẻ, nhưng nó quyết không thể cướp đi sự thủy chung son sắt của tình yêu. Tôi tin chúng tôi sẽ đợi chờ nhau cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Xuống ga Vinh, điểm cuối cùng của tuyến đường sắt miền Bắc, đoàn cán bộ trinh sát lên ô tô vận tải quân sự qua phà Bến Thủy vượt sông Lam, sông Gianh, sông Bến Hải, thị xã Đông Hà. Đến thị trấn Mai Lộc thì gặp xe vận tải của đơn vị, rồi chúng tôi ngược lên miền tây Quảng Trị, sau đó vượt qua nhiều đèo dốc hiểm trở trên tuyến đường Trường Sơn Đông ròng rã ba ngày liền; đến ngày 22-2-1974 mới tới thung lũng A Lưới. Chiều hôm ấy, được tin tôi về, em Nguyễn Sĩ Nam một nhân viên của cơ quan trinh sát sư đoàn mừng lắm đã ra tận bãi xe đón, mang ba lô cho tôi - thật cảm động. Về đến cơ quan, anh em đồng đội đến đón tôi rất đông, mọi người đều chúc mừng tôi có một gia đình hạnh phúc và đòi ăn cỗ cưới... Những người lính chiến hôm ấy, bên cạnh đĩa kẹo Hải Hà, bao thuốc lá Điện biên, ấm nước chè rừng, chuyện trò rôm rả tới tận khuya, thật là vui.

Lúc bấy giờ, Đại tá Nguyễn Trọng Dần làm Chính ủy Sư đoàn 324. Đại tá Nguyễn Duy Sơn làm Sư đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng Nguyễn Duy Sơn quê ở huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người vừa có tâm vừa có tài. Ông rất cẩn trọng nhưng quyết đoán. Những năm sau này, ông được phong hàm Thiếu tướng giữ chức Phó giám đốc Học viện Chính trị, rồi nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông mất vào đầu những năm 2000 do tuổi già.

Thời gian này, giới cầm quyền Sài Gòn vẫn điên cuồng chủ động chống phá việc thực thi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Chúng xuất quân liên tục lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Cuộc chiến đấu mới vừa đấu trí vừa đấu lực với quân đội Sài Gòn ở đây vẫn đang tiếp diễn trong một trạng thái mới.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 vừa giữ vững vùng giải phóng vừa chuẩn bị chiến trường để sẵn sàng tham gia chiến dịch sắp tới.

6

Về đơn vị được ít ngày tôi được Chính ủy Sư đoàn giao quyết định thăng hàm Tiểu đoàn bậc trưởng ký tháng 12 năm 1973. Tôi nhận thức được đây là một trách nhiệm mới lớn lao hơn cùng đến với quyết định này.

Từ đầu năm 1974, Sư đoàn 324 bàn giao trận địa chống lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng cho lực lượng vũ trang địa phương hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên. Toàn bộ sư đoàn cơ động về phía Tây huyện Hương Trà củng cố huấn luyện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Sở Chỉ huy sư đoàn đóng tại dãy núi Tre Lít trong thung lũng A Lưới. Người dân Pa Cô ở vùng A Lưới rất vui được đón Bộ đội Cụ Hồ về với bản làng. Thời gian ấy, đời sống cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 được nâng lên nhiều, nên mọi người đều phấn khởi.

Ngày 10 tháng 3 năm 1974 tôi viết thư cho vợ có đoạn: "...Đời sống sinh hoạt ở trong này khá hơn trước (nhờ vận chuyển thuận lợi và phong trào tăng gia lên cao). Ở đây tăng gia được rau các loại...Lợn, gà cũng nuôi được. Nên không phải ăn rau rừng như hồi xưa nữa, mà thỉnh thoảng còn có bữa liên hoan tươi nữa là khác. Ở chỗ anh công tác còn có điện nữa... Đấy em xem có kém gì Hà Nội đâu nào. Chỉ có một điều xung quanh vẫn là rừng với núi...ra khỏi nhà là phải leo dốc và một điều buồn nhất thường đến với anh là, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân...Niềm thương, nỗi nhớ ấy, có lẽ không ai có thể quên nó đi được"...

Thực hiện Quyết định của Quân ủy Trung ương ngày 17-5-1974, Lễ thành lập Quân đoàn 2 tại Chiến khu Ba Lòng được tổ chức rất trọng thể. Lực lượng Quân đoàn 2 gồm có các Sư đoàn: 304, 324, 325, 673 và một số trung, lữ đoàn trực thuộc.

Trước đó, cuối tháng 4 năm 1974, Trung đoàn 3 do Phó Tư lệnh Sư đoàn 324- Minh Long cùng Phó chủ nhiệm Chính trị - Trương Lại và Trợ lý Tác chiến - Cao Xuân Đại trực tiếp chỉ đạo đã cơ động vào Quảng Nam chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 304. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1974, Trung đoàn 3 cùng các đơn vị bạn đánh chiếm thị trấn Đắc Pét. Sau đó, Trung đoàn 3 đã giành thắng lợi to lớn rất đáng khích lệ ở khu vực điểm cao 1062, thuộc thị trấn Thượng Đức tỉnh Quảng Nam.

Theo mệnh lệnh của Quân đoàn 2, để phối hợp với mặt trận Thượng Đức, Sư đoàn 324 thiếu Trung đoàn 3 cùng với các lực lượng vũ trang Thừa Thiên gấp rút mở chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu trên đường 14, ở tây nam thành phố Huế 40 ki-lô-mét.

Tôi nhớ lại, Sư đoàn đã giao cho tôi tổ chức một bộ phận trinh sát bí mật chuẩn bị chiến trường khu vực La Sơn - Mỏ Tàu từ tháng 7 đến giữa tháng 8 năm 1974. Chúng tôi nắm được ở khu vực này, một trung đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn đã lập tuyến phòng ngự hai bên trục đường 14 với chính diện 20 ki-lô-mét, chiều sâu gần 12 ki- lô-mét. Chúng rải quân trên 14 điểm chốt, chiếm lĩnh tất cả các điểm cao có giá trị về quân sự. Căn cứ kết quả điều tra địch, nghiên cứu địa hình, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã xây dựng phương án chiến đấu, được Quân đoàn thông qua rất nhanh. Sau đó Sư đoàn trưởng Duy Sơn giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:

- Trung đoàn 1 đánh địch trên hướng chủ yếu, theo trục đường 14 tiêu diệt địch ở cao điểm 75, 76, 224 và núi Bông.

- Trung đoàn 2 (thiếu một tiểu đoàn) tiến công hướng thứ yếu từ Đông Động Truồi đánh chiếm điểm cao 303, bình độ 300, 273 và Núi Nghệ.

- Lực lượng dự bị của Sư đoàn do một tiểu đoàn của Trung đoàn 2 đảm nhiệm.

Ta giữ được bí mật đến phút chót. Đêm 27 tháng 8, các đơn vị đã vào vị trí chiếm lĩnh trận địa an toàn. Ngày 28-8-1974, Chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu bắt đầu. Mờ sáng hôm ấy, pháo binh ta bất ngờ bắn cấp tập vào điểm cao 75, 76, núi Bông, điểm cao 224, núi Nghệ, điểm cao 303... Sau 30 phút, pháo ta chuyển làn bắn vào các trận địa pháo địch. Bộ binh ta từ các hướng đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu.

Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Thanh chỉ huy đã nhanh chóng đánh chiếm điểm cao 75, 76, 224. Ở hướng thứ yếu, Trung đoàn 2 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Mai chỉ huy cũng chiếm gọn điểm cao 303, 273, bình độ 300. Trong 3 giờ chiến đấu, quân ta làm chủ trận địa, chiếm được các điểm cao 75,76, 224, 303, 273 và bình độ 300. Hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 54 Sư đoàn 1 của địch bị tiêu diệt gọn. 300 tên địch bị bắt sống. Ta thu nhiều vũ khí trang bị của chúng. Với chiến thắng này, cánh cửa tiến xuống đồng bằng phía tây nam thành phố Huế đã mở toang. Bất ngờ và choáng váng, kẻ địch dùng máy bay, pháo binh đánh phá, ngăn chặn các cánh quân ta rất ác liệt. Đồng thời chúng sử dụng lực lượng dự bị của Sư đoàn bộ binh 1, phản kích liên tục để cố chiếm lại những khu vực đã mất.

Thừa thắng quân ta liên tiếp tiến công. Chúng ta đã đánh bại các cuộc phản kích của địch, chiếm tiếp các điểm cao 211, 31, đồi Không tên, núi Bông, núi Nghệ; diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu rất nhiều vũ khí trang bị; giải phóng thêm một vùng đất đai rộng lớn hai bên trục đường 14 vào sâu gần 10 ki-lô-mét. Có đơn vị còn truy kích địch tới sát đường 1, làm cho quân địch hoảng loạn và đối phó rất lúng túng. Riêng núi Mỏ Tàu là cứ điểm rắn nhất của địch. Vị trí này chúng cố giữ. Ta quyết đánh, nhổ bằng được cứ điểm. Trọng trách này sư đoàn giao cho Trung đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Thanh chỉ huy.

Anh Nguyễn Phúc Thanh là một cán bộ trẻ dũng cảm, xông xáo, chân tình và rất quan tâm đến cán bộ chiến sĩ. Những năm sau này anh Nguyễn Phúc Thanh được giao đảm nhiệm quyền Tham mưu trưởng Sư đoàn 324, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Tư lệnh Quân đoàn 2, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần rồi được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thời gian ấy, trinh sát sư đoàn cùng trinh sát Trung đoàn 1 đã chủ động điều tra địch từ trước nên phương án đánh địch hoàn thành sớm hơn dự định. Cứ điểm Mỏ Tàu do tiểu đoàn 1 - trung đoàn1 bộ binh quân đội Sài Gòn chiếm giữ. Địa hình núi Mỏ Tàu rất dốc, công sự kiên cố, có hàng rào kẽm gai bảo vệ chắc chắn. Ngoài ra cứ điểm còn được hỏa lực không quân, pháo binh mạnh chi viện.

5 giờ 30 hôm đó, trận đánh cứ điểm Mỏ Tàu bắt đầu. Lường trước được khó khăn của trận đánh, Phó Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn 324, Phó phòng Quân báo Quân đoàn và Cơ quan Tham mưu Sư đoàn trực tiếp ở đài quan sát theo dõi, chỉ đạo trận đánh quan trọng, quyết định này.

Được lệnh nổ súng, pháo binh ta bắn cấp tập 40 phút vào cứ điểm Mỏ Tàu. Pháo vừa dứt, bộ binh ta đồng loạt xung phong. Lực lượng tiến công của ta trên hướng chủ yếu bị địch chặn lại trước cửa mở. Lực lượng trên hướng thứ yếu chiếm được mỏm đồi thứ nhất, nhưng cũng không phát triển tiếp được.

Sư đoàn quyết định dùng hỏa lực mạnh chi viện. Nhưng sang buổi chiều hôm ấy, Tiểu đoàn 3 tổn thất tới trên 30% lực lượng mà vẫn không giải quyết được trận đánh. Mọi người đều rất căng thẳng, đều nghĩ tới trận đánh khó khăn và phải giúp đơn vị tìm cách tháo gỡ. Đúng lúc ấy, Phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan ra lệnh:

Tất cả nghỉ giải lao mười phút. Riêng cơ quan tác chiến và trinh sát tiếp tục nắm tình hình.

Trong giờ giải lao, các thủ trưởng thi nhau kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe rồi ôm bụng cười sảng khoái như không hề quan tâm tới trận đánh ác liệt đang diễn ra cách đó vài cây số. Trong khi đó, những viên đạn pháo của địch chốc chốc lại bay vèo vèo qua đầu chúng tôi.

- Đã hết giờ giải lao. Các cậu kể tiếu lâm hay đấy nhưng chưa bằng các cây tiếu lâm ở các sư đoàn khác mà tớ được nghe - Thủ trưởng Hoàng Đan nói.

Chính trong ít phút thư giãn ấy, Cơ quan Tham mưu Sư đoàn 324 và Ban Chỉ huy Trung đoàn 1 đã tìm ra được cách giải quyết trận đánh ở phía trước: Trung đoàn phó Trương Văn Núp xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 3 và ta sẽ tổ chức một lực lượng nhỏ do Tiểu đoàn trưởng Hà Quang Đinh chỉ huy. Lực lượng này sẽ bí mật luồn sâu, vòng phía sau lưng địch, rồi bất ngờ đánh thẳng lên đỉnh núi Mỏ Tàu, làm cho địch rối loạn, tạo thế cho bộ đội các hướng tiến công đánh chiếm cứ điểm.

Phương án chiến đấu trên được các thủ trưởng chấp thuận. Trung đoàn 1 đã triển khai phương án ngay trong đêm. Bộ đội trên các hướng tạm dừng lại củng cố đội hình, bổ sung đạn và quán triệt cách đánh mới đã được thông qua. Lực lượng luồn sâu tìm cách bí mật tiếp cận địch.

Mờ sáng hôm sau, Tiểu đoàn trưởng Hà Quang Đinh chỉ huy một lực lượng nhỏ gọn, đã luồn vào ém sẵn phía đông cứ điểm Mỏ Tàu. Đến giờ nổ súng, bộ đội ta đã tận dụng đường mòn xuống suối lấy nước của địch, bất ngờ xông thẳng vào trận địa địch, dùng B-41 bắn sập lô cốt mẹ, làm cho quân địch hoảng loạn. Chớp thời cơ, lực lượng trên các hướng chủ yếu và thứ yếu của ta phối hợp đồng loạt tiến công. Bị bất ngờ, địch không kịp trở tay, bộ binh của chúng chống đỡ yếu ớt, nhưng hỏa lực mạnh của địch vẫn đánh phá rất ác liệt vào đội hình quân ta. Đến 10 giờ 30, sau nhiều đợt tiến công áp đảo, chia cắt địch, quân ta đã làm chủ cứ điểm Mỏ Tàu. Tiểu đoàn địch ở núi Mỏ Tàu bị tiêu diệt. Ta bắt sống gần 40 tù binh, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng của chúng. Với chiến công này, cùng với bề dày thành tích trong quá trình chiến đấu, đồng chí Hà Quang Đinh đã trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau gần 40 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch La Sơn- Mỏ Tàu đã kết thúc thắng lợi giòn giã. Sư đoàn 324 đã tiêu diệt hơn hai ngàn tên địch, bắt sống gần 600 tù binh, đánh quỵ Sư đoàn Bộ binh 1 quân đội Sài Gòn; giải phóng một vùng đất đai rộng lớn hai bên trục đường 14 từ Nam Đông, Khe Tre đến gần sát đường 1, làm cho tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh vùng 1 chiến thuật của địch rất lúng túng.

Kết thúc chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu khônglâu. Chấp hành mệnh lệnh của Quân đoàn 2, Sư đoàn 324đã bàn giao toàn bộ trận địa và vùng giải phóng hai bên trụcđường14, tây namthànhphố Huế cho Trung đoàn 6 -Quân khu Trị Thiên chốt giữ. Giữatháng 10 năm 1974, Sư đoàn 324 (thiếuTrung đoàn 3) hành quân về khu vực A Lưới huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Ở đây các đơn vị được bổ sung lực lượng, vũ khí trang bị, củng cố tổ chức,xây dựng huấn luyện đơn vị theoyêu cầu mới của chiến trường. Toàn Sưđoàn nóng lòng chờ đợi được tham gia vào các trận đánh lớn mang tính quyết địnhtrong mùa khô sắp tới.

Thế là lại thêm một năm nữa tôi xa quê hương, rong ruổi trên các nẻo đường hành quân và chiến đấu. Xa gia đình, xa người vợ hiền, nhiều lúc, nỗi nhớ khôn nguôi... đến cháy lòng. Nhưng tôi vẫn thấy mình thanh thản, vững niềm tin ở người vợ trẻ nơi hậu phương. Tôi đã đặt trọn tình yêu trong tim mình và tình yêu lớn lao ấy đủ sức mạnh để tôi chiến thắng những xa xôi cách trở và hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt. 


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top