Chương 7CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO


1

Từ giữa tháng 10 năm 1970, Sư đoàn 324 được lệnh rút quân về khu vực A Lưới, miền tây tỉnh Thừa Thiên củng cố. Sau khi ổn định vị trí đóng quân, Sư đoàn đã chỉ đạo cho các đơn vị rút kinh nghiệm chiến đấu, tiếp nhận tân binh, ổn định tổ chức biên chế, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống bộ đôi và tranh thủ huấn luyện bổ sung để nâng cao sức chiến đấu của đơn vị sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Tôi nhớ hồi đầu tháng 1 năm 1971, có lần Đội văn nghệ Sư đoàn xuống các đơn vị biểu diễn. Họ là những chàng trai trẻ, do các đồng chí Lê Hải Nhuận, Phạm Huỳnh Công và Bùi Công Sử làm hạt nhân nòng cốt, cùng với mười chiến sĩ "có năng khiếu" tham gia. Vở kịch "Đoàn kết quân dân" có vai nữ du kích do một chiến sĩ đẹp trai đóng, gây được ấn tượng mạnh mẽ, khiến bộ đội ta cười đến vỡ bụng. Lời ca tiếng hát của các anh vang dậy cả núi rừng, đúng là "tiếng hát át tiếng bom", đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta thật hiệu quả. Riêng cánh lính trinh sát và đặc công tâm đắc nhất bài thơ "Báng Gập" của Phạm Huỳnh Công. Bởi vì khẩu súng AK báng gấp thời chiến trận ấy đã gắn bó thân thiết với họ. Những lúc nghỉ ngơi, anh em Trinh sát - Đặc công thường ngâm nga bài thơ mộc mạc nhưng rất lạc quan này:

Oách thượng hạng chiến trường Lính AK báng gập Đặc công và Trinh sát Mũ tai bèo sụp tai. Năm hàng rào thép gai Thoắt đã sờ lô cốt *** Bộ binh thèm tập kích Không trinh sát? "Nghỉ vui". Giặc ngã nghiêng, ngã ngồi Báng gập vừa xuyên tái Tàng hình như yêu quái Võ đánh tựa xi-nê Thuộc địa hình miễn chê Ba lô đầy... "bí mật". Gương mặt lỳ men sắt Giọng nói hiền như thơ Gái đồng bằng... nằm mơ Chàng AK báng gập. *** Gặp sau mùa chiến dịch Báng gập toét miệng cười Chiến lợi phẩm chia vui Ngày mai đi tiền trạm. (Tây Thừa Thiên năm 1971).

Để thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Từ năm 1970, giới cầm quyền Sài Gòn tăng cường bắt lính, nâng quân số lên hơn 1 triệu. Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ và làm hậu thuẫn đắc lực cho quân đội Sài Gòn. Chúng đảm bảo hậu cần trực tiếp và gia tăng yểm trợ hỏa lực tối đa bằng không quân, pháo binh. Người Mỹ chủ trương: Đẩy quân đội Sài Gòn thực hiện các cuộc hành quân ngăn chặn và đánh phá các căn cứ kho tàng, trạm giao liên, đường vận chuyển chiến lược của ta ở cả Tây và Đông Trường Sơn.

Giữa tháng 01 năm 1971, địch chuyển quân ra thị xã Quảng Trị và thị trấn Đông Hà. Từ đó chúng nhanh chóng triển khai lực lượng theo đường 9, rồi lập căn cứ hành quân ở Khe Sanh (thời điểm đó Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 đang làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng đánh địch trên đường 12 Tây Nam Huế).

Ngày 08-02-1971 quân đội Sài Gòn rầm rộ kéo quân theo đường 9, vượt qua biên giới Việt - Lào. Đồng thời chúng dùng trực thăng đồng loạt đổ quân xuống chiếm lĩnh các điểm cao hai bên Đường 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông. Cuộc hành quân lớn mang tên Lam Sơn 719 từ Quảng Trị sang đất bạn Lào của kẻ địch bắt đầu. Mục đích của chúng là: Đánh phá hệ thống kho tàng hai bên đường 9, chiếm vùng thị trấn Sê pôn trên đất bạn Lào nhằm cắt đứt hoàn toàn con đường vận chuyển chiến lược quan trọng bậc nhất của ta từ miền Bắc vào miền Nam.

Ngày 09-02-1971, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 thay mặt quân dân Trị Thiên tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Sư đoàn có nhiệm vụ cùng các đơn vị chủ lực của Bộ bẻ gãy cánh quân phía nam Đường 9 và đánh tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch.

Nhận được mệnh lệnh, Trung đoàn 1 cấp tốc hành quân từ A Lưới ngược trở ra Mường Noòng. Theo lệnh của Trung đoàn trưởng, đoàn cán bộ cùng trinh sát chuẩn bị chiến trường đã cơ động bằng ô tô vượt lên trước để chuẩn bị phương án chiến đấu ở khu vực điểm cao 550, 619, Cô Rộc, Cha Ky và khu vực Binh trạm 19 rất nhanh.

Ngày 13-02-1971 Trung đoàn 1 đã hành quân đến vị trí tập kết ở Sa Đi - Mường Noòng, một vùng rừng núi rậm rạp trên đất bạn Lào đúng thời gian, địa điểm quy định sẵn sàng tấn công quân địch.

Vào thời điểm ấy, hầu hết lực lượng chiến dịch của địch vượt biên giới Việt - Lào đều bị các đơn vị chủ lực ta chặn đánh cho tơi tả, thiệt hại rất nặng nề. Sư đoàn bộ binh 1 của quân đội Sài Gòn được lệnh chiếm các điểm cao nam Đường 9 để ngăn chặn lực lượng ta. Chúng bố trí cụ thể như sau:

- Trung đoàn 1 chiếm giữ các điểm cao tây bắc Binh trạm 19.

- Trung đoàn 2 đóng chốt ở khu vực điểm cao 550.

- Trung đoàn 3 chiếm giữ khu vực Kô Rôc và điểm cao 619.

Địa hình vùng Nam Lào rất phức tạp, lại quá mới lạ với trinh sát ta cho nên việc nắm tình hình địch gặp nhiều khó khăn, trắc trở, tốn nhiều công sức. Cơ quan Trinh sát trung đoàn đã kịp thời tổ chức và chỉ đạo, nên các tổ, nhóm trinh sát đã tìm mọi cách bám sát, nắm chắc địch và địa hình, bảo đảm cho các đơn vị tấn công tiêu diệt chúng có hiệu quả.

Sau mấy ngày chuẩn bị phương án chiến đấu, Tiểu đoàn 1, do Tiểu đoàn trưởng Dương Trọng Trầm chỉ huy (anh Võ Chót Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 chỉ đạo trực tiếp) đã cùng Đại đội Đặc công Trung đoàn 3 dùng chiến thuật vận động tấn công kết hợp chốt đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn của Trung đoàn 1 Sư đoàn Bộ binh 1 Sài Gòn ở khu vực Tây Bắc Binh trạm 19. Ngày 24 tháng 02, Sư đoàn 324 tập trung hỏa lực mạnh tập kích đội hình địch ở điểm cao 619. Cùng thời gian ấy, Trung đoàn 3 của ta cũng tiêu diệt gọn đại đội địch ở Bản Ngan. Bộ đội đặc công cũng phối hợp đánh địch ở Phu Khe Do diệt hàng trăm tên, buộc bọn tàn quân địch tháo chạy về khu vực điểm cao 619.

Sư đoàn bộ binh 1 Sài Gòn bị thiệt hại nặng buộc phải co cụm xung quanh điểm cao 619 và cứ điểm Kô Pen (điểm cao 550). Để cứu vãn tình thế, đầu tháng 3, Bộ Chỉ huy quân đội Sài Gòn buộc phải tung Sư đoàn thủy quân lục chiến vào thay thế Sư đoàn bộ binh 1 ở nam Đường 9. Kế hoạch thay thế của chúng cụ thể như sau:

- Lữ đoàn 147 được máy bay trực thăng vận chuyển đổ quân cấp tốc xuống cứ điểm Kô Pen thay thế cho Trung đoàn 2 Sư đoàn Bộ binh 1 Sài Gòn đang lâm vào thế tan rã từng mảng.

- Lữ đoàn 258 được trực thăng chở đến chiếm giữ vùng điểm cao 654, 640, Kô Rốc sát gần biên giới Việt Nam - Lào.

- Lữ đoàn 369 của chúng vẫn đứng chân ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị làm lực lượng dự bị.

Phía ta, Bộ tư lệnh Sư đoàn 324 giao cho Trung đoàn 1 cùng một phần lực lượng Trung đoàn 3 tập trung lực lượng tiêu diệt Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến ở khu vực 550 (cứ điểm Kô Pen) bằng cách: Bao vây, đánh chiếm các vị trí địch ở vòng ngoài. Sau đó, quân ta tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở căn cứ Kô Pen. Trung đoàn 2 làm nhiệm vụ cắt Đường 9 (đoạn từ Lao Bảo đến Bi Hiên) và kìm chân Lữ đoàn 258 quân đội Sài Gòn ở vùng Kô Rốc.

Sư đoàn thủy quân lục chiến Sài Gòn là một đơn vị thiện chiến, được trang bị vũ khí, khí tài và hậu cần rất tốt. Qua trinh sát nắm địch, địa hình, chúng tôi thấy rất rõ ý đồ của địch: Sư đoàn Thủy quân lục chiến tổ chức chiếm các điểm cao phía nam Đường 9 trên đất Lào, liên kết với các chốt của chúng trên tuyến Lao Bảo - Khe Sanh. Chúng muốn tạo thành một vành đai thép, ngăn chặn cánh quân phía nam của ta. Trong đó, cứ điểm Kô Pen là mắt xích quan trọng then chốt.

Kẻ địch sử dụng máy bay ném bom các loại, kể cả máy bay B52 cùng với pháo mặt đất chi viện hỏa lực tối đa cho Sư đoàn Thủy quân lục chiến. Chúng đánh phá liên tục vào nơi nghi có quân ta, nhất là những nơi ta có thể triển khai lực lượng tấn công hoặc bao vây chia cắt chúng. Mặt trận Đường 9 - Nam Lào trở nên rất ác liệt. Buổi chiều hôm ấy, tôi lên đài quan sát nằm ở phía đông cứ điểm Kô Pen chừng 5 ki-lô-mét để quan sát địch. Đài quan sát được đặt bí mật trên một cây to, cách mặt đất khoảng chừng trên 5 mét. Xung quanh chỗ ngồi quan sát có xếp nhiều bao cát nhỏ để bảo vệ. Chúng tôi phải lên xuống bằng thang tre.

Trong lúc tôi cùng đồng chí trinh sát trẻ đang theo dõi địch thì máy bay B52 ập tới. Chúng trút bom xuống nổ ầm ầm. Đất đá bay rào rào. Cây cối đổ răng rắc. Ba loạt bom, rồi tiếp ba loạt bom nữa nổ inh tai, long óc. Tôi nhìn thấy xung quanh đài quan sát là một biển lửa đỏ rực. Tôi cùng anh lính trẻ nằm ép mình xuống sàn đài quan sát có các bao cát xung quanh che chắn. Nhưng các bao cát thật mỏng manh trước sức ép của các loại bom. Nhiều mảnh bom cắm vào thân cây, găm vào bao cát phầm phập. Các cành cây bị mảnh bom phạt gẫy răng rắc, nghe mà rợn người. Dứt bom, tôi nhìn xuống thân cây, cái thang tre nối mặt đất với đài quan sát bị bom thổi bay đâu mất. Tôi gọi to:

- Các đồng chí ơi! dưới ấy có ai việc gì không...?

Không thấy tiếng đáp lại. Tôi gọi tiếp. Vẫn im ắng, tôi đành chờ đợi. Một lúc sau mới chợt nghe thấy tiếng người nói vọng lên:

- Chúng tôi không sao. Đất lấp cửa hầm, moi mãi mới ra được. Trên ấy có ai làm sao không?

- Bọn mình an toàn, nhưng mất thang rồi không xuống đất được- tôi trả lời và nhìn xuống.

Chúng tôi cùng cười vì đều còn sống sau trận bom B52 vừa rồi. Các đồng chí trinh sát vội làm tạm một cái thang mới. Phải mất một lúc tôi và cậu lính trẻ mới xuống đất được. Thật hú vía, mình lại thoát một trận bom B52 nữa rồi. Cánh lính trinh sát chúng tôi, ai cũng tự nhận là mình "cao số".

Theo lệnh Trung đoàn trưởng, chúng tôi đã tập trung lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra cứ điểm Kô Pen của địch. Sau ba ngày trinh sát điều tra, sơ đồ bố phòng của địch ở cứ điểm Kô Pen đã được vẽ hoàn chỉnh. Chúng tôi báo cáo Trung đoàn vào ngày 16 -3-1971.

Mặc dù được trung đoàn biểu dương, nhưng tôi vẫn chưa thật sự yên tâm về kết quả điều tra hướng nam cứ điểm Kô Pen. Hướng nam điểm cao này ít dốc, xe tăng ta có thể triển khai tiến công thuận lợi. Trong khi đó địch chỉ bố trí 3 lớp hàng rào kẽm gai bùng nhùng để bảo vệ thì chưa phù hợp lắm... Mấy hôm sau, tôi cho một tổ trinh sát tiếp tục điều tra bổ sung hướng này nhưng không thành công.

Trong quá trình trinh sát điều tra cứ điểm Kô Pen, Trung đoàn 1 và một phần lực lượng Trung đoàn 3 đã tiến công đánh chiếm các điểm cao xung quanh để lập thế bao vây cứ điểm này. Từ ngày 14 đến 21-3-1971, Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 cùng Tiểu đoàn 3 Đặc công đã đánh thiệt hại nặng nề hai Tiểu đoàn vòng ngoài của Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến. Vòng vây cứ điểm Kô Pen ngày càng xiết chặt.

Thật may, đêm 21 tháng 3, trong một trận đánh, bộ đội Đặc công bắt được bốn tên tù binh. Tôi đề nghị trung đoàn lệnh cho đặc công bằng mọi cách đưa tù binh về Sở Chỉ huy để khai thác thêm tin tức. Khoảng 10 giờ ngày 22 tháng 3, cơ quan trinh sát nhận được bốn tù binh do đặc công giao cho, tôi đã trực tiếp khai thác, nhưng chúng vô cùng ngoan cố. Tình hình rất gấp, 17giờ 30 hôm nay trung đoàn đã bắt đầu tiến công cứ điểm Kô Pen rồi.

Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào ra lệnh cho tôi phải khẩn trương khai thác tù binh. Nếu chúng quá ngoan cố, phải dùng biện pháp mạnh để gây sức ép, buộc chúng phải mở miệng. Chỉ thị trung đoàn như vậy vì tình hình mặt trận đòi hỏi rất cấp bách. Tôi đã nghĩ ngay ra cách bắt tù binh phải khai ra sự thật. Thế rồi tôi ra lệnh cho mỗi chiến sĩ trinh sát giải một tên tù binh đi cách vị trí đang hỏi cung vài trăm mét. Tôi đã nhắc anh em : "Phải thực hiện đúng theo kế hoạch".

Mỗi tên tù binh bị chúng tôi trói vào gốc cây, rồi như thể để cho nó được nói lời cuối cùng. Nhưng tên thứ nhất vẫn im lặng ... Một loạt AK nổ lên trời, tên đó vẫn không khai. Đến lượt tên tù binh thứ hai, nó vẫn ngoan cố. Một loạt AK nữa lại nổ. Tên thứ ba cũng không chịu khai. Do ta phân tán mỗi tên ra một góc xa nhau nên chúng không thể nhìn thấy nhau, nhưng lại nghe rất rõ tiếng súng AK nổ từ hướng đồng bọn. Tên nào cũng nghĩ bạn mình đã bị bắn. Đòn cân não đó khiến tên tù binh thứ tư mặt mày xanh xám. Nó lắp bắp nói:

- Em xin khai, các ông đừng bắn nữa.

- Khai mau- tôi dồn hỏi.

- Em chỉ là y tá đại đội thôi. Em không cầm súng bắn các ông, bắn vào đồng bào, tên y tá run sợ nói.

- Được rồi! khai tiếp đi... Ở trong cứ điểm ấy thế nào?

- Em sợ lắm... Trong cứ điểm có gần ba trăm xác lính chết bọc trong ni lông. Trực thăng không thể xuống bốc đi được vì hỏa lực các ông khống chế. Đống xác chết này ở phía bắc điểm cao 550 nơi bãi đỗ trực thăng.

- Hàng rào kẽm gai bố phòng ở phía nam cứ điểm thế nào? Nói mau. Chúng tôi đã quan sát rồi-tôi hỏi tiếp.

- Thưa ông, ở hướng nam bên ngoài có ba lớp hàng rào kẽm gai bùng nhùng. Tiếp theo là một bãi mìn sâu tới 50 mét, có cả mìn chống tăng. Kế đến là một lớp kẽm gai bùng nhùng nữa mới tới công sự của tụi tôi.

Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Để chắc chắn, tôi hướng dẫn tên tù binh vẽ lại sơ đồ cách bố phòng cứ điểm 550 của địch theo trí nhớ và ý hiểu của tên tù binh y tá, rồi đối chiếu lời khai với kết quả trinh sát của ta.

Thông tin khai thác từ tên tù binh này thật là quí giá. Bãi mìn và hàng rào bùng nhùng cuối cùng của địch thật nguy hiểm. Suý‎t nữa chúng nó đã lừa được trinh sát của ta. Kinh nghiệm của người lính trận đã giúp tôi vượt qua được sai sót lớn của trinh sát trong một trận đánh rất quan trọng ấy. Ngay sau đó, bốn tên tù binh được giải về nơi giam giữ, được ta đối xử tử tế.

Tổ trinh sát điều tra hướng nam cứ điểm 550 của ta do đồng chí Tịnh chỉ huy rất ân hận về sai sót của mình. Nếu không có tin tức khai thác tù binh, quân ta cứ thế đánh vào, chắc chắn bộ đội sẽ tổn thất không nhỏ, nhiệm vụ khó mà hoàn thành. Tin tức quan trọng do tù binh khai đã được báo cáo ngay với Thủ trưởng trung đoàn Vũ Thế Đào. Đồng thời nó cũng được thông báo cho anh Võ Chót - Tham mưu trưởng Trung đoàn trực tiếp chỉ huy đánh hướng nam cứ điểm Kô Pen. Nhờ đó trung đoàn đã kịp bổ sung, điều chỉnh kế hoạch chiến đấu.

Trận tiến công cứ điểm Kô Pen, theo kế hoạch sẽ mở màn vào hồi 17 giờ 30 ngày 22 tháng 3, nhưng vào lúc 14 giờ hôm ấy, máy bay địch đánh trúng vị trí tập kết xe tăng của ta đang chờ lệnh xuất phát tiến công, khiến cho hai xe đứt xích, một chiếc bị lật nghiêng. Mặc dù vậy, Đại đội xe tăng của ta vẫn xuất kích đúng thời gian quy định. Trong quá trình cơ động vào vị trí xuất phát tiến công, có hai chiếc bị sa xuống hố bom. Như vậy ta chỉ còn 6 xe tăng xung trận.

Đúng 17 giờ 30 ngày 22-3, trận tiến công vào cứ điểm Kô Pen bắt đầu. Sau 40 phút hỏa lực chuẩn bị, pháo binh ta chuyển làn. Sáu xe tăng của ta dẫn dắt bộ binh theo đường mở công binh đã chuẩn bị, bất ngờ xông thẳng vào cứ điểm địch. Trong quá trình tấn công, hai chiếc xe tăng bị trúng đạn. Những chiếc xe còn lại vẫn dẫn bộ binh ta đánh chiếm từng lô cốt, ụ súng của địch ở cứ điểm Kô Pen.

Trên hướng chủ yếu, hướng đông bắc cứ điểm Kô Pen quân ta gặp phải khó khăn. Vì lớp hàng rào trong cùng chưa phá được, nên khi được lệnh vượt qua cửa mở, bộ đội ta bị lớp hàng rào ấy và hỏa lực bộ binh địch chặn lại, thương vong nhiều. Hướng thứ yếu do anh Võ Chót, Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 chỉ đạo. Tiểu đoàn 2 được xe tăng yểm trợ, từ hướng nam đánh lên, chiếm được mục tiêu đã định, rồi tiếp tục phát triển về phía bắc điểm cao 550.

Theo lệnh Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào, tôi cùng đồng chí Trợ lý tác chiến và một tổ trinh sát đã bất chấp hiểm nguy trong đêm tối, lên đường tiến vào hướng chủ yếu cùng Trung đoàn phó Lê Hữu Thỏa tìm cách tháo gỡ khó khăn. Gần đến nơi, chúng tôi gặp anh Dương Trọng Trầm - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 đang cùng bộ đội đưa anh Đỗ Xuân Chi - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 bị thương về phía sau. Tôi liền hỏi:

- Anh bị thương thế nào, anh Trầm ơi!

- Hướng này hàng rào trong cùng chưa mở được, bộ đội ta xung phong cố tìm cách vượt qua cửa mở đẫ bị lớp hàng rào trong cùng và hỏa lực của địch bắn chặn, cho nên thương vong quá nhiều, anh Chi bị thương nhẹ thôi - anh Dương Trọng Trầm cho chúng tôi biết.

Tôi cùng đồng chí sĩ quan tác chiến đến vị trí chỉ huy của trung đoàn Phó Lê Hữu Thỏa vào lúc nửa đêm. Sau khi nắm lại tình hình, hai chúng tôi đã bàn với anh Thỏa, phải bằng mọi cách mở cho được lớp hàng rào trong cùng. Có như thế thì chúng ta mới giải quyết được khó khăn.

Anh Lê Hữu Thỏa ngay lập tức cầm máy điện thoại ra lệnh cho công binh phải tìm cách mở lớp hàng rào trong cùng bằng mọi giá... Chỉ ít phút sau, lực lượng công binh trung đoàn đã phá được lớp hàng rào trong cùng, cửa mở đã thông. Chúng tôi và anh Lê Hữu Thỏa cùng đề nghị đưa thê đội hai (lực lượng dự bị) vào chiến đấu. Đề nghị đó được Trung đoàn Trưởng chấp thuận.

Thê đội hai của trung đoàn vào trận đúng thời cơ đã phát huy được tốt sức mạnh, đã cùng lực lượng còn lại của thê đội một trên hướng chủ yếu tiến công đánh chiếm được các mục tiêu; phối hợp nhịp nhàng với các mũi, các hướng của các đơn vị tiêu diệt nốt mục tiêu còn lại ở điểm cao 550.

Khoảng 4 giờ ngày 23-3-1971, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Chúng tôi cùng anh Lê Hữu Thỏa vào ngay trung tâm cứ điểm Kô Pen, trực tiếp chỉ huy bộ đội truy quét bọn địch còn lại và thu dọn chiến trường. Trên điểm cao 550, xác địch nằm la liệt. Tàn quân địch lũ lượt đầu hàng, nhiều đứa quỳ xuống xin ta cứu chữa vết thương.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bộ đội ta được lệnh rời khỏi trận địa trước khi trời sáng. Chúng tôi vừa xuống tới một hang đá nhỏ phía đông bắc cứ điểm Kô Pen, thì các trận địa pháo của địch trong vùng đã đồng loại bắn trùm lên điểm cao 550. Pháo vừa ngừng bắn, máy bay của chúng lại nhào tới trút bom, bom đào, bom phá, bom cháy thi nhau đổ xuống khu vực điểm cao 550 hàng giờ đã hủy diệt cứ điểm Kô Pen.

Khoảng 10 giờ ngày 23 tháng 3, tôi về đến Sở Chỉ huy trung đoàn trong lúc các cơ quan, đơn vị đang giải quyết hậu quả trận B52 của địch vừa đánh trúng vị trí trú quân cách đó vài giờ. Toàn bộ Trung tâm Thông tin của trung đoàn bị thiệt hại nặng. Hệ thống vô tuyến điện bị phá hỏng hoàn toàn. Đường dây hữu tuyến cũng bị đứt, không thể liên lạc được với sư đoàn.

Đúng lúc ấy, tôi nhận được tin từ đài quan sát báo cáo: "Địch ở điểm cao 619 và vùng lân cận có hiện tượng rục rịch tháo chạy". Tôi nhanh chóng báo cáo với trung đoàn diễn biến tình hình địch. Sau đó trình bày đánh giá, nhận định của Cơ quan Trinh sát với Trung đoàn trưởng và Chính ủy trung đoàn. Các thủ trưởng trung đoàn cùng các cơ quan đều thống nhất cao với nhận định của Cơ quan Trinh sát là kẻ địch có thể sẽ rút chạy vào chiều nay. Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn họp gấp để quyết định việc truy kích đánh địch trong lúc vắng đồng chí Hân, Ủy viên Thường vụ Phó Chính ủy Trung đoàn vì không có cách gì liên lạc được.

Thật khó tin, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào và Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Thành Lựu không thống nhất được ý kiến. Chính ủy Trung đoàn cho rằng: Muốn truy kích địch phải có lệnh của sư đoàn, vì đây là vấn đề lớn, liên quan đến toàn mặt trận, toàn chiến trường. Trung đoàn trưởng thì vẫn kiên quyết: Truy kích là nguyên tắc tác chiến khi địch rút chạy. Ông xin chịu trách nhiệm trước Thường vụ Đảng ủy và trước sư đoàn về quyết định này. Sau đó ông viết điện báo cáo ngay quyết tâm truy kích địch lên sư đoàn; đồng thời ra lệnh cho các đơn vị tập trung lực lượng truy kích địch.

Trưa ngày 23 tháng 3, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào chỉ huy bộ đội ta truy kích đánh thẳng vào đội hình tháo chạy của địch. Sau đó, quân ta đuổi chúng tới tận thị trấn Lao Bảo, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Trưa ngày 24-3-1971, Mặt trận Đường 9 - Nam Lào sạch bóng quân thù. Chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào của chúng ta kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

Tuy lực lượng của ta có bị tổn thất ít nhiều, nhưng trận đánh cứ điểm Kô Pen đã đi vào lịch sử vẻ vang của Sư đoàn 324. Đó là một chiến công oanh liệt. Sư đoàn 324 đã đánh quỵ Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn, tiêu diệt gần 1000 tên, bắt sống hàng trăm tên địch. Tuy nhiên cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 1 của ta vẫn còn tiếc vì không bắt sống được Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, trong đó có tên Đại tá lữ đoàn trưởng Hoàng Tích Thống. Bọn chúng đã chạy thoát trong mớ hỗn quân, hỗn quan lúc cuối trận đánh.

2

Sau khi Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc ít ngày, Sư đoàn 324 được lệnh ra miền tây Quảng Bình củng cố xây dựng và huấn luyện để chuẩn bị cho những trận chiến đấu mùa khô năm tới. Chúng tôi đã qua một mùa chiến dịch gian nan nhưng cũng nhiều chiến công lừng lẫy. Trở về miền Bắc hậu phương thật là thân thương gần gũi, nghĩa tình.

Các đơn vị được lệnh dừng chân ở một vùng rừng núi phía tây Quảng Bình để tập trung xây dựng và huấn luyện. Toàn Sư đoàn đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng Bộ từ dưới lên trên. Đồng thời trung đoàn cũng bố trí cho một số cán bộ tranh thủ nghỉ phép về thăm nhà. Và nhiều gia đình ở hậu phương cũng đến thăm thân nhân của mình tại các đơn vị.

Có thể nói cán bộ, chiến sĩ ta có thời gian, có cơ hội nghỉ dưỡng phục hồi sức chiến đấu và chuẩn bị cho trận chiến mới. Tuy vậy, cơ quan Trung đoàn 1 cũng rất bận rộn. Nào là tổng kết chiến đấu, bố trí cho cán bộ chiến sĩ đi tranh thủ, tiếp nhận quân bổ sung, nào là tổ chức huấn luyện cơ quan và đơn vị...

Một hôm, tôi lên sư đoàn dự một cuộc họp, rồi ở lại làm việc tại Cơ quan Trinh sát sư đoàn tới khuya. Sau khi giải quyết xong công việc, tôi quay về đơn vị theo một lối mòn xuyên qua khu rừng thấp. Hôm ấy, trời tối đen như mực nên tôi phải dùng đèn pin để soi đường. Sau khoảng một giờ đi bộ, đến một bãi cỏ tranh, bất ngờ tôi nhìn thấy một con vật cao to, chạy vút qua trước mặt tôi chừng mười mét. Đuôi và mông của nó màu xám trắng. Sau đó tôi ngửi thấy mùi hôi, khét của lông con thú. Tôi giật thót mình và linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành. Lập tức tôi chuyển đèn pin sang tay trái, rồi rút khẩu K54 lên đạn. Tay phải tôi lăm lăm khẩu súng K54, thận trọng tiếp tục tiến về phía trước.

Tôi đi được chừng 200 mét, lại thấy con vật ấy chạy vượt qua trước mặt tôi như lần trước. Trong chớp mắt, tôi nhấn cò bắn một viên K54 về hướng nó vừa chạy. Không hiểu sao lúc bấy giờ tôi bủn rủn chân tay và cảm thấy người lạnh toát, vã mồ hôi, giống như lần tôi bất ngờ gặp hổ ở đường 14, gần địa đạo Tam Bôi miền tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên hồi năm 1969.

Để tránh nguy hiểm, tôi đành vào một bản làng gần đó, xin nghỉ qua đêm. Gặp già làng, tôi kể lại câu chuyện gặp con vật lạ hai lần vọt qua trước mặt tôi. Nghe xong, già làng nói:

Con hổ đấy! Hổ tưởng anh là thợ săn, cho nên nó muốn rình bắt con chó của người thợ săn đấy.

Tôi hỏi lại:

- Thế sao nó không vồ người hả ông?

Ông trả lời:

- Số anh hổ không bắt được. Thôi anh đi ngủ đi cho khỏe. Yên tâm nhé! Nếu anh đang ngủ hổ có đến, nó thèm nhỏ nước dãi cũng không dám bắt anh đâu mà sợ. Tôi sẽ cho đám thanh niên đi lấy con hổ đó về...

Sáng hôm sau tôi xin phép già làng và bà con dân bản để về đơn vị. Già làng vui vẻ nói với tôi: Đêm qua đám trai làng không lấy được con hổ về đâu. Có lẽ nó sợ anh nên đã chạy đi xa rồi.

Tôi nhớ lại hồi cuối năm 1969 đã có lần gặp hổ ở miền tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Hôm ấy, tôi cùng anh Lượng - Chủ nhiệm Công binh Trung đoàn và một tổ trinh sát đi nghiên cứu địa hình. Chúng tôi đang đi trên đường 14, đoạn gần địa đạo Tam Bôi, chợt nghe thấy tiếng động cơ ô tô nhè nhẹ ở phía trước. Chắc là tiếng xe Gát 69 của ta đi vận chuyển gạo trong đêm trên đường về nơi ẩn nấp. Khi chúng tôi vừa đến đoạn đường dốc, hai bên đều là sườn núi dựng đứng, một con hổ chừng trên 100 ki-lô-gam phi như bay theo đường ô tô về hướng chúng tôi. Qúa bất ngờ, tất cả chúng tôi lúng túng đến mức không kịp có phản ứng gì để đối phó với nó. Có lẽ con hổ ấy nghe tiếng xe ô tô phía trước nên chạy ngược lại, tìm cách chạy vào rừng.

Con hổ thấy chúng tôi ở phía trước. Nó dừng lại trong giây lát rồi phi thẳng lên sườn núi dốc đứng phía bên phải để thoát vào rừng, nhưng nó bị tụt xuống đường, rồi lại lao lên lần thứ hai nhưng vẫn không qua được. Tất cả chúng tôi lúc bấy giờ đều mất bình tĩnh. Người nào người nấy dường như bị đông lạnh, không ai nghĩ đến việc bắn con hổ ấy nữa. Rất may con hổ đổi hướng, nó phi thẳng lên sườn núi bên trái thoát vào rừng. Về đến cơ quan tôi kể lại câu chuyện gặp hổ đêm trước, ai cũng nói: "ông là người may mắn đấy"!

3

Thật bất ngờ, một ngày đầu tháng 7 năm 1971, tôi được Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào giao nhiệm vụ thay mặt cán bộ chiến sĩ lực lượng trinh sát ra Hà Nội dự Hội nghị Tổng kết công tác trinh sát nắm địch, kết hợp với nghỉ phép thăm nhà. Đó là niềm vui sướng vô bờ bến. Tôi nghĩ rằng đây là phần thưởng qu‎ý giá với tôi sau gần 6 năm lăn lộn nơi chiến trường máu lửa Trị Thiên.

Sau khi kết thúc Hội nghị Tổng kết công tác trinh sát do Cục 2 tổ chức. Từ Trạm khách 66 của bộ Quốc phòng ( 51 Phan Đình Phùng), tôi ra thẳng ga Hàng Cỏ bắt tàu chợ về Nam Định, rồi lên xe ô tô về quê. Xuống xe, tôi cuốc bộ thẳng một mạch về tới nhà. Bố mẹ tôi và các em trong gia đình đều bất ngờ, vỡ òa niềm vui. Cả nhà bận rộn như thể ngày Tết đến đột ngột, ngoài sự mong đợi. Bà con trong họ, hàng xóm láng giềng, bạn bè thủa trước cũng vui mừng khôn xiết, đón mừng một người lính chiến ở mặt trận phía Nam trở về lành lặn, rắn rỏi, trưởng thành hơn hẳn ngày nhập ngũ 6, 7 năm về trước.

Cũng như bao người lính khác từ chiến trường về, tôi dành non nửa thời gian nghỉ phép đi đến các huyện trong tỉnh để chuyển thư, chuyển quà và cũng nhận nhiều thư và quà của các gia đình gửi vào chiến trường cho anh em đồng đội. Trong khi đó nhiều bà con họ hàng, làng xóm cũng muốn tôi đến chơi nhà và muốn được nghe kể chuyện đánh giặc ở chiến trường miền Nam. Ở nhà, tôi lúc nào cũng tất bật tiếp khách vào ra thăm hỏi. Ngày ấy, ai ai cũng quan tâm và hướng về miền Nam đang đánh Mỹ. Ai cũng quí mến bộ đội chiến đấu từ chiến trường xa trở về.

Phiền phức nhất là bố mẹ tôi động viên, thuyết phục tới mức gò ép tôi phải lấy vợ. Bố mẹ tôi có nhiều lý do: nào là con đã cứng tuổi, 25 tuổi rồi mà chưa xây dựng gia đình là muộn lắm rồi, ( con trai ngày ấy thường kết hôn ở tuổi 21, 22) nào là con đi chiến trường xa... và ông bà cũng cần có cháu bế! Tôi đã phải tìm mọi cách chối quanh rất nhiều lần. Có lúc tôi thật lúng túng trước những lời phân tích, thuyết phục của bố mẹ! Bố mẹ tôi và các bác, các cô đã giới thiệu cho tôi nhiều cô gái trong làng, trong xã nhưng tôi đều từ chối. Bởi vì tôi vẫn nghĩ: chiến tranh chưa biết lúc nào kết thúc, sự hy sinh mất mát nơi chiến trường ác liệt không biết đâu mà lường. Nó có thể đến với bất cứ ai, bất kì ở đâu, bất kì lúc nào trên chiến trường. Tôi đã hạ quyết tâm với chính mình từ rất lâu, ngay từ hồi mới vào chiến trường. Chiến tranh chưa kết thúc, chưa yêu ai, nhất quyết chưa lấy vợ. Tôi không muốn bất kỳ ai phải đau khổ vì mình một khi không may nằm lại mãi mãi nơi chiến trường trong cuộc chiến.

Thời gian nghỉ phép tuy ngắn, nhưng tôi vẫn dành nhiều thời gian thăm hỏi chú, bác, cô, dì và bà con xóm giềng lân cận. Đến nơi nào tôi cũng được mọi người quan tâm, đón tiếp rất nhiệt tình và vui vẻ. Tôi rất vui khi biết Bình, người em gái nhỏ nhà bên, nay đã là cô sinh viên Sư phạm. Nhớ lại, hồi tôi còn là học sinh, nhiều lần Bình và các chị, các em, các bạn rủ nhau cùng đi xem, mỗi khi tôi thả diều ở Cánh Đầm (cánh đồng) gần nhà, nơi có đồng lúa xanh tốt và thường có đàn cò trắng lượn quanh. Khi cánh diều của tôi theo gió bay lên cao, sáo diều kêu vi vu, em tỏ ra thích thú, dõi theo chăm chú và đã cùng các bạn reo mừng, cổ vũ rất say sưa, khiến cho tôi rất vui...

Tôi về phép đúng dịp nghỉ hè. Bình đã trở thành một thiếu nữ hồn nhiên, xinh đẹp trong mắt tôi. Em sang nhà tôi chơi đôi ba lần, chăm chú nghe tôi kể chuyện chiến trường, chuyện đánh Mỹ. Hồi ấy, ra trận đánh giặc, đối đầu với cái chết là lẽ sống của lớp lớp thanh niên và mọi người đều rất quan tâm đến tình hình chiến trường ác liệt.

Bình hỏi tôi những chuyện về người chiến sĩ Giải phóng quân, về chuyện đánh giặc ở chiến trường miền Nam mà em đã được đọc và được học trong những bài thơ và trên những trang sách. Tôi đã kể cho Bình nghe những chuyện vui thường nhật hàng ngày ở ngoài mặt trận. Về những trận đánh, về cuộc sống của người lính ở chiến trường, và cả những chuyện lạc quan của người lính... Em lắng nghe chăm chú. Thỉnh thoảng em lại cười rất vui! Trò chuyện cùng em tôi cảm thấy thoải mái như bạn bè thân nhau đã từ lâu. Bình cũng vậy, chút ngại ngùng ban đầu chỉ thoáng qua, rồi em kể cho tôi nghe nhiều chuyện về làng quê, chuyện học tập và cả chuyện bạn bè của em hăng hái lên đường đánh Mỹ nữa...

Hai mươi ngày nghỉ phép trôi đi thật nhanh. Tôi khoác ba lô lên đường. Họ hàng, bạn bè, hàng xóm đến chia tay tôi rất đông. Chỉ có một người không đến đưa tiễn, tôi cũng cố ý nán lại ít phút để chờ đợi, nhưng cô sinh viên Sư phạm nhà bên đã không đến...

Không hiểu sao trên đường về đơn vị, nhất là khi sống ở miền tây Quảng Bình, hình ảnh "cô em gái nhà bên" tóc tết hai bên cùng chiếc áo xanh hòa bình cứ ẩn hiện trong tâm trí của tôi. Hình ảnh Bình khéo léo sắp xếp và buộc ba lô gọn gàng giúp tôi trước ngày lên đường quay lại chiến trường khiến tôi không thể nào quên được. Cũng thật là kì lạ! Vào lúc mà tôi phản đối kịch liệt nhất với gia đình về chuyện lấy vợ thì lại gặp em. Trong tôi đã chớm nở một thứ tình cảm hoàn toàn mới mẻ, khác lạ mà trước đó tôi chưa hề có...

Về đến đơn vị, tôi lại bắt tay ngay vào công việc bận rộn của một Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công trung đoàn. Công việc chiến trường trước khi về phép thường choán hết tâm trí tôi. Nhưng sau chuyến đi phép này, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân và nhớ cô sinh viên - cô gái nhà bên cứ vương vấn trong lòng tôi...

Khoảng giữa tháng 9 năm ấy, tôi được triệu tập về Sư đoàn dự lớp tập huấn quân sự. Mục đích của lớp tập huấn là để nâng cao trình độ chính trị và công tác chỉ huy- tham mưu cho cán bộ cơ quan và đơn vị. Lớp tập huấn này do đồng chí Mai Hiền, Phó tư lệnh Sư đoàn phụ trách, nhưng giáo viên lại là các thầy ở trường của Bộ và cơ quan Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm.

Dịp ấy, đoàn văn công Giải phóng của Khu ủy Trị Thiên về biểu diễn tại Sư đoàn bộ. Thật bất ngờ và rất vui khi tôi gặp lại Hoài Thu, giờ Hoài Thu đã trở thành cô văn công thực thụ. Gặp lại tôi, Hoài Thu ôm chầm lấy tôi rồi hồ hởi nói:

- Ôi, đúng anh Mai đây! Vẫn anh Mai hôm nào. Em ngỡ tưởng anh không còn nữa. Gặp lại anh, em mừng vô cùng!

- Chào Hoài Thu, chú Mai chứ - Tôi nói đùa.

- Em lớn tuổi rồi đó, vì em nhỏ người cho nên hồi năm 1968 các anh cứ gọi Thu là cháu.

- Hoài Thu đã thành cô văn công vừa xinh đẹp vừa chững chạc rồi đấy - Tôi cười và nói.

- Nhờ "các chú" trinh sát Giải phóng quân đấy. Cảm ơn anh Mai! Cảm ơn các anh! Anh cho em gửi lời hỏi thăm các anh hồi ấy nhé. Tối hôm nay, các anh nhớ đi xem chúng em biểu diễn đấy, Hoài Thu đùa lại và mời chúng tôi.

- Nhất định rồi! - Tôi đáp lời.

Mấy ngày hôm sau, thỉnh thoảng Hoài Thu lại tranh thủ đến nơi ở lớp tập huấn chơi để thăm tôi. Hoài Thu cho tôi biết: Hồi cuối năm 1968, sau khi được anh em trinh sát đưa lên núi, anh chị em du kích thời gian ấy vất vả lắm, Mỹ đổ quân xuống càn quét liên tục. Bom pháo chúng đánh phá liên miên. Du kích bị thương vong nhiều. Gạo, thực phẩm thiếu nghiêm trọng cho nên rất đói. Nhiều người đói lả phải đi cấp cứu. Đầu năm 1969, Hoài Thu được điều về đoàn văn công Giải phóng của Khu ủy Trị Thiên ở miền tây tỉnh Thừa Thiên. Em vừa học làm văn công vừa biểu diễn. Thế là em trở thành văn công từ lúc nào không biết nữa.

Tôi đã kể lại cho Hoài Thu nghe những ngày gian khổ, ác liệt cuối năm 1968 của Phân đội Trinh sát Trung đoàn 1. Những hy sinh mất mát của chúng tôi mà chính Hoài Thu cũng có lần chứng kiến. Sau khi biết các chiến sĩ trinh sát hoạt động ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên đã hy sinh anh dũng, chỉ còn lại bốn người là tôi, Nguyễn Xuân Nhâm, Phan Văn Khai và y tá Trần Tử Bình, mắt Hoài Thu ngấn lệ...

Không biết trong những ngày đoàn văn công lưu lại biểu diễn tại sư đoàn Hoài Thu nói với Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Xuân Trà những gì mà nhiều ngày sau, mỗi lần gặp tôi Chính ủy thường nói:

- Chú Mai làm sao mà Hoài Thu nó bảo gặp lại anh Mai cháu mừng lắm, nhưng cháu xấu hổ.

Tôi cười trừ và đáp lại :

Thủ trưởng cứ hỏi Hoài Thu sẽ biết ạ!

Chắc Hoài Thu đã kể hết cho Chính ủy nghe chuyện hồi năm 1968, ngày đầu tiên gặp bộ đội trinh sát, Hoài Thu đã hồn nhiên trả lời câu hỏi cháu thích ai nhất và ghét ai nhất: Cháu thích nhất bộ đội Giải phóng. Cháu ghét nhất "Việt cộng" và lính quốc gia...

Thời gian đoàn văn công biểu diễn ở sư đoàn không dài. Mấy ngày sau đó, Hoài Thu đến chào chúng tôi để cùng đoàn lên đường đi phục vụ đơn vị khác. Em lần lượt bắt tay mọi người và chúc:

- Chúc các anh vui, khỏe, lập nhiều chiến công và gặp nhiều may mắn.

- Chúc Hoài Thu thành công trong sự nghiệp nhé! - Tôi chúc Hoài Thu.

Năm 2004, trong một chuyến đi công tác, tôi gặp lại Hoài Thu ở thành phố Huế. Sau khi nghỉ hưu, Thu cùng gia đình sống hạnh phúc ở thành phố Huế. Dịp ấy, Hoài Thu đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt tiếp theo ở chiến trường Tri - Thiên mà em đã trải qua. Đặc biệt; Năm 1972 em là một diễn viên đội xung kích của Đoàn văn công Giải phóng Khu ủy Trị - Thiên đã bám sát chiến trường, dùng tiếng hát của mình để động viên bộ đội trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và suốt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Sau khi Hiệp định Pa-ri ngày 28 tháng 1 năm 1973 về Việt Nam được ký kết, Hoài Thu lại cùng đồng đội không sợ hiểm nguy, gian khổ đến tận từng nhà "Hòa hợp dân tộc" giữa hai trận tuyến phòng ngự "Ta và địch" dùng lời ca tiếng hát và khả năng thuyết phục của mình để vận động binh lính Sài Gòn trở về với dân tộc. Thật đáng trân trọng...

Tại lớp tập huấn lần này, chúng tôi được học rất sâu về tình hình nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới và nhiệm vụ của đơn vị. Sau đó, chúng tôi được học về nguyên tắc chiến thuật tiến công, phòng ngự của tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh ở địa hình rừng núi. Cuối cùng anh em cán bộ được phân thành nhiều nhóm để thực tập đề mục: "Trung đoàn bộ binh tăng cường tấn công kẻ địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa hình rừng núi".

Lần đầu tiên tham gia thực hành bài tập chiến thuật, tôi bỡ ngỡ nhưng lại rất phấn khởi. Được các thầy hướng dẫn, chỉ bảo, tôi đã hoàn thành tốt "vai diễn" Tiểu đoàn trưởng. Nhiều năm ở chiến trường, chúng tôi đánh thắng giặc chỉ bằng kinh nghiệm thực tiễn của các đồng chí cán bộ đàn anh đi trước truyền cho. Lần này về sư đoàn tập huấn, vừa được học nguyên tắc chiến thuật vừa được thực hành những bài tập có nhiều tình huống sát với chiến trường, rất bổ ích và thiết thực.

Trong buổi đánh giá kết quả lớp tập huấn, đồng chí Mai Hiền - Phó tư lệnh Sư đoàn, người từng trải, giầu kinh nghiệm chiến đấu đã phân tích rất kỹ những thủ đoạn hoạt động của địch, những mặt mạnh, mặt yếu của ta của từng trận đánh trong những năm qua. Ông đã chỉ ra những việc chúng tôi và các đơn vị cần phải làm tiếp trong thời gian tới. Ông còn động viên cán bộ phải tích cực học tập hơn nữa để chỉ huy bộ đội đánh thắng giặc mà tốn ít xương máu nhất. Những lời ông nói thật chân tình! Tôi còn nhớ mãi. Sau lớp tập huấn đặc biệt này, tôi thấy mình trưởng thành hơn, vững vàng tự tin hơn để sẵn sàng bước vào trận chiến mới.

Vào đầu tháng 10 năm 1971, trong một chuyến công tác, tôi đã tranh thủ về làng Hoành Phổ thăm lại bà con nơi đơn vị đóng quân năm trước. Tôi muốn gặp o Khê để cảm ơn người con gái Quảng Bình đã chăm sóc tôi trong lúc vật lộn với những cơn sốt rét rừng hồi năm 1969. Tôi gặp lại anh chị Nùng và mấy người trong làng nhưng họ đều không rõ o Khê ở đâu. Có người nói o đi thanh niên xung phong vào sâu mãi trong chiến trường Tây Nguyên. Gia đình O cũng đi sơ tán xa ở một vùng rừng núi nào đó ở phía Tây Nghệ An. Không ai rõ địa chỉ...

Vào một ngày cuối tháng 11 năm 1971. Tôi nhận được quyết định điều động về làm Trợ lý Trinh sát Sư đoàn. Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào cũng được bổ nhiệm và điều động lên làm Tham mưu phó Sư đoàn 324. Anh Lê Hữu Thỏa được bổ nhiệm làm Trung đòan trưởng Trung đoàn 1.

Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào chỉ huy Trung đoàn 1 từ năm 1968 đến năm 1971. Trong chiến đấu, ông luôn gương mẫu, dũng cảm, kiên quyết và rất linh hoạt. Ông đã chỉ huy đơn vị vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách. Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào là người to cao, tính tình nóng nảy, nhưng rất thương bộ đội. Ông đã chỉ huy Trung đoàn 1 đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 3 Sư Dù 101 của Mỹ ở khu vực cứ điểm 935 - Dốc Mây (miền tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên) tháng 7 năm 1970, làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ.

Cuối năm 1971 Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào được bổ nhiệm làm Tham mưu Phó Sư đoàn 324. Nhưng đầu năm 1972, ông lại được giao thêm nhiệm vụ kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3. Trên tất cả các cương vị, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những năm cuối đời quân ngũ, ông giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338 rồi Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 4. Hiện Thủ trưởng Vũ Thế Đào mang quân hàm Đại tá, nghỉ hưu tại thành phố Hải Dương. Tôi cùng anh em cựu chiến binh Trung đoàn 1 vẫn thường xuyên đến thăm Trung đoàn trưởng của mình với tấm lòng vừa kính trọng vừa yêu quý.

Chia tay cán bộ chiến sĩ các đơn vị trinh sát, đặc công, cơ quan và Thủ trưởng Trung đoàn 1 thật lưu luyến. Sáu năm trời tôi đã sống, chiến đấu và trưởng thành ở đơn vị này.

Từ giữa năm 1969 đến cuối năm 1971, Cơ quan Trinh sát - Đặc công Trung Đoàn 1 gồm: Tôi phụ trách chung, đồng chí Phan đình Hạ (quê ở Vĩnh Phúc) là cán bộ chuyên ngành Trinh sát và Nông Văn Ngự (quê ở Bắc Kạn) là cán bộ chuyên ngành Đặc công. Anh em chúng tôi trở thành bộ ba gắn kết làm việc ăn ý, hiệu quả đã hoàn thành xuất sắc chức năng, trách nhiệm và mọi nhiệm vụ của cơ quan Trinh sát - Đặc công Trung Đoàn được giao. Tôi cũng rất mừng là thay thế cương vị của tôi là Thượng úy Phan Đình Hạ, một cán bộ trinh sát lão luyện dạn dày kinh nghiệm. Rời vị trí để nhận nhiệm vụ mới, tôi rất vững tin vào những đồng đội thân thuộc, từng gắn bó sống chết bao năm với mình.

Thời điểm ấy, Sư đoàn 324 do Đại tá Chu Phương Đới, người Tày, quê ở huyện Cao Bình tỉnh Cao Bằng là Sư đoàn trưởng. Ông thuộc lớp cán bộ quân đội cựu trào. Năm 1958, ông đã được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao quân hàm Thượng tá và bổ nhiệm chức Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 tại Sơn La. Ông là người dũng cảm, gương mẫu, quyết đoán và sống rất tình cảm, được mọi người nể trọng và yêu quý.

Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới là người hai lần chỉ huy Sư đoàn 324 đánh bại Lữ đoàn 3 Sư đoàn Dù 101 của quân đội Mỹ ở khu vực A Bia (Đồi Thịt băm) năm 1969 và khu vưc điểm cao 935 - Dốc Mây (Đồi Cối xay thịt) năm 1970 trên chiến trường Thừa Thiên. Đây là hai trong năm trận đánh được người Mỹ xác định là những trận đánh kinh điển, ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà các tướng tá, binh sĩ Mỹ không bao giờ quên. Ông còn được kẻ thù, Thiếu tướng Ben Ha-ri-sơn, nguyên chỉ huy Lữ đoàn 3 Sư đoàn Dù 101 "tôn vinh, kính trọng, chiêm ngưỡng như là một chiến binh lỗi lạc". Đầu những năm 1980 ông Chu Phương Đới được phong hàm Thiếu tướng, làm Tư lệnh Binh đoàn 678. Sau khi hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, ông nghỉ hưu và mất tại quê nhà do tuổi già.

Chính ủy Sư đoàn là đồng chí NguyễnXuân Trà quê ở Phú Thọ. Ông là người to cao, nhưng điềm đạm, tình cảm, giọngnói ấm áp có sức thuyết phục lòng người. Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới và Chínhủy Nguyễn Xuân Trà là bộ đôi gắn kết, cùng với cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324 vượtqua rất nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong nhữngnăm đánh Mỹ ở chiến trường Trị Thiên và các chiến trường khác. Sau này Chính ủyNguyễn Xuân Trà được phong hàm Thiếu Tướng, giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 1.Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Trà nghỉ hưu rồi mất tại quê nhà

Cơ quan Trinh sát Sư đoàn lúcbấy giờ do anh Nguyễn Văn Chương quê ở xã Phong Chương huyện Phong Điền tỉnh ThừaThiên làm Trưởng ban. Anh Định quê Hà Tĩnh, anh Phú quê Ninh Bình làm Trợ lý.Các anh ấy đều là những cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu địchvà tổ chức chỉ đạo quân báo - trinh sát. Được các anh trong cơ quan giúp đỡ rấttận tình cho nên sau một thời gian không dài tôi đã quen dần với công việc. Tôibiết, cơ quan trinh sát sưđoàn là cơ quan nắm địch trên cấp cơ sở, vừa mang chức năng phục vụ chiến thuậtvừa mang chức năng phục vụ chiến dịch. Ở vị trí này rất cần thiết tư duy phântích phán đoán đúng, đề xuất nhanh, tham mưu chính xác. Cho nên tôi xác định mình cần phải ra sức học tập, nghiên cứu học hỏi, đúc kết kinh nghiệm nhiều hơn nữa.Tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ mới. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top