Chương 6: TIẾP TỤC ĐÁNH MỸ Ở TÂY THỪA THIÊN1969 - 1970

1

Khoảng đầu tháng 1 năm 1969, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 được lệnh hành quân từ Mường Noòng trên đất bạn Lào về huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình để củng cố, chuẩn bị cho các trận đánh lớn và các chiến dịch tiếp theo. Trên đường hành quân ra Quảng Bình, tình cờ tôi gặp một tốp bộ đội đồng hương Nam Định trên đường vào chiến trường. Trong đó có anh Lê Duy Luật người cùng thôn, nhập ngũ cùng ngày.

Đêm hôm ấy, hai đơn vị của chúng tôi cùng ngủ ở bãi khách (khu vực nghỉ đêm ngoài rừng) của một trạm giao liên. Thời gian ấy, anh Luật đang làm Trợ lí Tác chiến Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 8. Anh Luật đang trên đường hành quân vào miền tây Thừa Thiên. Anh Tành Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 8 (Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 hiện nay) là bạn, nên tôi xin cho Luật sang đơn vị mình nghỉ một đêm để tâm sự.

Mừng rỡ quá, hai anh em tôi ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi cảm nhận thấy hơi ấm nồng nàn tình quê hương của những người đồng đội cùng chiến đấu xa quê. Một lúc sau, người bạn đồng hương của tôi mới nói được nên lời:

- Mai hả! Thế là đích thị mày còn sống thực rồi. Ở nhà được báo tin Mai mất tích, ai cũng nghĩ là đã hy sinh. Mẹ mày đã khóc hết nước mắt ...Viết thư về nhà ngay đi cho mọi người mừng...

Tôi lặng người, nỗi thương cha mẹ, nỗi nhớ anh em ở quê nhà cứ ùa đến... Thì ra, người ra trận có thể nhẹ lòng để chiến đấu, nhưng người ở nhà thì nặng trĩu chờ mong, ngóng tin từng giờ, từng phút; chịu bao nỗi đau mất mát. Thật quá vô tâm, "trẻ con quá", tôi quyết không viết thư về nhà, để bố mẹ và gia đình bao nhiêu năm trời khắc khoải, đợi chờ tin con ở ngoài mặt trận.

Đêm hôm ấy hai chúng tôi thức trắng đêm, cùng vui một bữa liên hoan nhỏ: Một ăng gô cơm, một bánh lương khô 701 trộn vào cơm thành "xôi vò" và một hộp thịt lợn xay. Thời gian còn lại chúng tôi dành để tâm sự về quê hương, về chiến tranh, về những trận chiến đấu của bản thân, của đơn vị mình...

Mùa xuân năm 1968, Luật chỉ huy một trung đội tiến công đánh chiếm Cố đô Huế. Dịp ấy, trung đội của Lê Duy Luật hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng đến những ngày cuối tháng 2-1968, địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt. Trong một trận đánh vô cùng ác liệt ở thành phố Huế, trung đội của Lê Duy Luật bị tổn thất nặng nề. Sau chiến dịch, anh Luật được ra Bắc an dưỡng một thời gian. Sau đó anh được trên điều động về giữ chức Trợ lí Tác chiến Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 8 từ cuối năm 1968.

Trời sáng, anh em chúng tôi chia tay nhau vô cùng xúc động. Tôi bàn giao cho Luật tấm bản đồ tỉnh Thừa Thiên cùng chiếc địa bàn, chiếc bật lửa và cả lọ xăng dự trữ... Chúng tôi siết chặt tay nhau, chúc nhau mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ và an toàn. Thế là Lê Duy Luật lại lên đường vào trận chiến đấu mới.

Hành quân ra Bắc, dù rằng mới chỉ tới phía nam Quân khu 4, nhưng chúng tôi đã thấy cảnh vật rất thân thuộc. Ai cũng tràn ngập niềm vui như thể về chính quê hương mình sau thời gian dài đánh giặc trên đất Trị Thiên khói lửa. Trung đoàn Bộ đóng quân ở làng Hoành Phổ, xã An Ninh. Các tiểu đoàn đóng quân ở Hiền Ninh, Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sau khi ổn định vị trí đóng quân ở làng Hoành Phổ, tôi nhận được quyết định phong cấp Đại đội bậc trưởng.

Tối hôm ấy, tại Ban Tham mưu trung đoàn, tôi ngồi viết lá thư rất ngắn gọn gửi về nhà: ... "Con vẫn khỏe mạnh, bình thường. Hiện nay con được ra Quảng Bình an dưỡng một thời gian. Thầy mẹ và mọi người đừng lo. Con mong gia đình bình an, mạnh khỏe là con mừng lắm rồi"...

Hôm sau gửi thư đi rồi, tôi mới nhớ ra mình quên chưa nói rõ với bố mẹ lí do không viết thư gửi về nhà. Lúc lên đường vào miền Nam chiến đấu, tôi đã có ý định không gửi thư về cho ai. Tôi nghĩ làm như vậy, nếu có hy sinh, người thân ở quê nhà cũng đỡ đau xót. Nếu sống sót trở về niềm vui sướng vỡ òa đột ngột mới thích. Chả hiểu sao ngày ấy tôi lại có ý nghĩ ngây ngô, trẻ con như thế.

Tôi cũng không thể ngờ, lá thư mập mờ không rõ địa chỉ nơi gửi của tôi đã làm vất vả mẹ mình rất nhiều...

Tháng 2 năm 1969 chúng tôi được thông báo một tin rất vui, Sư đoàn 324 đã được tái lập gồm: Trung đoàn 1, Trung đoàn 2, Trung đoàn 3 (E8 sông Lô) và các đơn vị trực thuộc (Tiểu đoàn 33 Cối 120 ly, Tiểu đoàn 54 - 12,7 ly, Tiểu đoàn 17 Công binh, Tiểu đoàn 18 Thông tin, Tiểu đoàn 25 Vận tải, Tiểu đoàn 24 Quân y, Đại đội 61 Trinh sát, đại đội 23 Vệ binh).

Vào một ngày đầu tháng 3, tôi nhận được tin từ điện thoại cơ quan hành chính trung đoàn báo cho biết "Đồng chí Lê Huy Mai, Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn đến ngay phòng tiếp dân đón mẹ đến thăm". Rời ống nghe, tôi không thể tin nổi tai mình vừa nghe được điều kỳ lạ đó. Làm sao mẹ tôi lại có thể vượt qua quãng đường dài 500-600 cây số, không hề có phương tiện giao thông công cộng, ngay giữa thời chiến mà vào tận tuyến lửa và đến đúng đơn vị để thăm tôi được. Chắc là có sự nhầm lẫn nào đó? Mẹ tôi hay mẹ ai? Chẳng lẽ các cậu cơ quan hành chính trung đoàn bày ra trò đùa?

Thời chiến, theo nguyên tắc giữ bí mật nơi các đơn vị bộ đội đóng quân, tôi có gửi địa chỉ cụ thể về nhà đâu mà mẹ tôi biết chỗ đi thăm được? Suy nghĩ là thế, nhưng tôi rất phấn khởi, chân nhảy như bay tới ngay phòng tiếp dân của Trung đoàn. Đến cửa, đúng thật mẹ tôi rồi! Tài thật! Mẹ như có phép lạ. Tôi thấy mình trẻ con lại như ngày xưa, tôi sà vào lòng mẹ. Gặp tôi mẹ vui lắm. Mẹ tôi vuốt từ đầu đến mặt, từ chân đến tay tôi. Mẹ xem có thật con mình, thằng Mai bằng xương bằng thịt do mẹ dứt ruột đẻ ra hay không? Mẹ muốn xem tôi có còn lành lặn không? Có thương tật mất mát gì không sau ngần ấy năm xa cách .

Gặp được con là mẹ tôi thấy toại nguyện lắm rồi. Mẹ càng mừng hơn khi thấy con trai mình rắn rỏ, trưởng thành, được đồng đội, chỉ huy yêu mến, tin cậy. Mẹ đến đơn vị, anh em quý lắm, mừng lắm. Mọi người đều coi mẹ như mẹ của mình vậy. Bạn bè, đồng chí tới thăm mẹ chật cả nhà anh chị Nùng, nơi tôi đang ở.

Ở chơi được đúng một ngày rưỡi mẹ tôi đã nằng nặc đòi quay trở về nhà. Giữ cách nào mẹ cũng không ở thêm. Mẹ bảo phải về nhà ngay để còn báo tin cho bố, báo tin cho anh Diêm và mấy đứa em cùng bà con, họ tộc, làng xóm được mừng là tôi còn sống, khỏe mạnh, tiến bộ.

Hôm ở Quảng Bình mẹ kể lại cho tôi nghe rất cụ thể về chuyến đi của mẹ:

Nhận được thư con, mẹ đã nhất quyết vào Quảng Bình tìm cách thăm con. Bất chấp sự can ngăn của mọi người trong gia đình. Mẹ đòi đi trước Tết, ngay sau ngày nhận được thư. Mẹ bảo, nhận được thư con, nét chữ rành rành nhưng mẹ còn bán tín bán nghi. Biết đâu thư ấy con viết từ trước khi bị mất tích rồi đề lùi ngày tháng lại thì sao. Mẹ phải vào tận nơi, cầm tận tay, xem tận mặt cho chắc con trai mẹ còn sống thật sự, mẹ mới tin. Mọi người trong nhà can ngăn để sau Tết, ra Giêng ngày rộng tháng dài hãy đi, lúc đó kiếm tìm sẽ dễ hơn. Mẹ đã đồng ý.

Mẹ chuẩn bị làm quà cho con cân bột sắn dây, biết thứ ấy ngày còn ở nhà con rất thích, thêm vài cân đậu xanh, cân đường, cái bắp cải, vài củ su hào. Mẹ nghĩ trong ấy chiến trường trận mạc làm gì có rau tươi mà ăn.

Từ làng Hoành Nha mẹ cuốc bộ lên huyện lị Giao Thủy xếp hàng đón xe chở khách đi Nam Định. Đến đó mẹ vào ga xếp hàng mua vé tàu đi Vinh. Đến Vinh mẹ hỏi đường đi Quảng Bình. Nghe chuyện ai cũng lắc đầu, lè lưỡi bởi một bà mẹ nói tiếng Bắc một thân một mình, đi vào nơi tuyến lửa Vĩnh Linh - Quảng Bình đầy bom đạn, tìm thăm con.

Thế rồi từ đấy, từng ngày, từng chặng một, mẹ vẫy xe ô tô đi nhờ được đoạn nào hay đoạn đó. Mẹ quyết cuốc bộ đường trường để gặp được con trai, cho dù vất vả hiểm nguy mấy mẹ cũng cam chịu.

Ngồi trên xe tải bộ đội, biết mẹ tìm vào Quảng Bình thăm con, một anh lái xe sửng sốt bảo mẹ to gan, liều lĩnh. Đi mà không biết rõ đích xác địa chỉ nơi mô, Quảng Bình dài rộng từ rừng xuống biển, quân đi rầm rập đêm ngày, tìm con khác nào tìm kim đáy bể.

Mẹ lại được gặp một anh lái xe bộ đội vừa nhanh trí lại tốt bụng cho mẹ đi nhờ chặng đường từ Đèo Ngang tới Đồng Hới. Anh đã bày cho mẹ tìm đến bưu điện Đồng Hới Quảng Bình rồi đưa cái phong bì thư con trai mẹ mới gửi về, nhờ họ hướng dẫn mẹ cách đi tìm con trai.

Xuống xe, mẹ cuốc bộ liền mạch đến bưu điện Đồng Hới nhờ hướng dẫn. Cô bưu điện xem phong bì thư nói với cụ là lá thư này từ đây chuyển đi. Họ cho mẹ hay, cứ vài ngày lại có người của các đơn vị bộ đội tới gửi thư và nhận thư, báo, đưa về đơn vị . Thế là mẹ ăn chực nằm chờ ở đây.

Gặp được anh quân bưu nào mẹ cũng chìa bì thư của con gửi, nhờ tìm đơn vị của con trai mẹ. Thật may anh quân bưu nào cũng vui tính, động viên mẹ cách tìm như vậy là đúng đường hướng rồi, nhưng con mẹ không phải người đơn vị họ.

Sáng hôm sau, thật may mẹ hỏi đúng ngay anh quân bưu của Trung đoàn 1. Lại thêm một anh quân bưu vui tính tốt nết nữa. Anh ấy nói với mẹ: " Đúng rồi! Con trai mẹ ở đơn vị con đấy". Anh quân bưu nói rồi chở mẹ trên cái xe đạp cà tàng của mình với thư báo về tới làng Hoành Phố nơi đơn vị đóng quân"...

Vậy là tôi đã được gặp mẹ nơi tuyến lửa Quảng Bình. Tôi chưa một lần nghỉ phép về quê trong suốt mấy năm chiến trận. Gặp mẹ tôi coi như được một lần về phép, như được về quê. Tôi lâng lâng sung sướng như mình vừa được nhận một hình thức khen thưởng rất lớn đối với người lính sau Tết Mậu Thân 1968.

Mẹ tôi lên đường về quê được ít ngày, một niềm vui lớn nữa đã đến với tôi. Anh Nguyễn Hữu Tứ, người bạn chiến đấu, người thương binh dũng cảm năm 1968 bỗng dưng xuất hiện. Anh đã vượt qua cái chết (tưởng chừng không thể nào qua nổi), về thăm tôi và đơn vị trong con mắt thán phục, đầy vui sướng của mọi người. Do thương tật nặng, anh Nguyễn Hữu Tứ được về phục viên. Hiện nay, gia đình anh sống ở thị trấn Nghèn huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh.

Ngót một năm ròng rã chiến đấu trong lòng địch, lúc ngủ hầm, khi luồn rừng, lúc chịu đói, đối đầu giữa sự sống và cái chết, tôi tưởng mình đã bị vắt kiệt sức lực; có những lúc tôi nghĩ rằng mình không thể vượt qua được và nằm lại nơi chiến trường. Vậy mà, sức chịu đựng của con người thật dai dẳng, bền bỉ đến không ngờ...

Sau hơn hai tháng được cùng đơn vị nghỉ dưỡng ở hậu phương Quảng Bình, được sống trong tình đồng đội, nghĩa đồng bào, vật chất tương đối đầy đủ, tinh thần phấn chấn, cơ thể hồi phục nhanh chóng. Ấy thế mà sức khỏe của tôi lại bỗng gặp sự cố lớn. Một cơn sốt rét ập đến. Nếu sốt rét ác tính thì lưỡi hái tử thần đang rình rập tôi khó mà thoát được. Sau thời gian điều trị tại đơn vị gần hai tuần, bệnh tình không thuyên giảm, tôi được đưa đến bệnh xá trung đoàn ở làng Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, cách làng Hoành Phổ nơi tôi ở chừng 2 ki-lô-mét. Ở bệnh xá trung đoàn tôi và thương binh, bệnh binh vừa được quân y chạy chữa vừa được dân làng chăm sóc. Dân nơi đây quen với chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đã nhiều năm rồi nên cũng rất quen với việc phục vụ chiến đấu, phục vụ thương, bệnh binh.

Trước khi đi bệnh xá, tôi ở gia đình anh chị Nùng, một gia đình nông dân chất phác tốt bụng, qu‎ý mến, chăm sóc tôi như người thân trong nhà. Ốm nặng xa gia đình, nhưng ấm áp tình quân dân đã làm tôi dịu đi những cơn sốt rét quái ác và vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Đã từng bị sốt rét ở chiến trường nhiều lần, nhưng lần này tôi thấy cơn sốt rét thật quái ác, nó quăng quật dằn dữ. Miệng tôi đắng ngắt, nhạt khô, dường như không còn tiết ra nước bọt. Đầu tóc tôi bơ phờ, nước da xanh tái. Mỗi ngày những cơn sốt khủng khiếp hành hạ tôi đến hai, ba lần. Nhiều lần sốt cao quá, tôi đã mê man bất tỉnh... Có lúc không gượng dậy nổi, động tay động chân rất khó nhọc. Vậy mà tôi cứ phải gồng mình lên theo bản năng đòi lại sự sống.

Khi tỉnh dậy, tôi biết mình phải cố uống những viên thuốc kí ninh vàng, đắng ngắt do quân y cấp phát. Sau đó, tôi được ăn món cháo trứng gà tươi bỏ nhiều hành, nóng hổi. Tôi cứ nghĩ, không biết ở tuyến lửa Quảng Bình bom đạn, kiếm đâu ra những thứ hiếm hoi này?

Khi thấy người đã tỉnh lại, tôi rất lạ. Đồ đạc của tôi xếp rất gọn ghẽ và sạch sẽ. Quần áo được giặt phơi ngoài hiên. Tôi lại thấy chị Nùng cười, gật đầu chào, rồi bưng bát cháo, cất tiếng dịu dàng:

- Ăn đi em, rồi còn uống thuốc. Thuốc đắng giã tật mà em.

Tôi chỉ gật đầu, thầm cảm ơn lòng tốt của anh chị Nùng. Nghĩ mình đang sống trong địa ngục của những cơn sốt rét, nhưng lại may mắn được hưởng đặc ân của thiên đường tình người ở đây...

Gần nửa tháng nằm bệnh xá đã trôi qua, sức khỏe của tôi dần dần hồi phục. Trở về ngôi nhà thân thương của vợ chồng anh chị Nùng ở làng Hoành Phổ tôi thấy ấm áp vô cùng. Tôi biết nhà anh chị Nùng nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Vậy mà anh chị vẫn dồn sức chăm sóc tôi lúc ốm đau rất tận tình. Tôi không biết lấy gì để đền ơn anh chị đây?

Thế rồi tôi dồn góp ít tiền sinh hoạt phí của mình để đưa cho anh chị Nùng, gọi là của ít lòng nhiều, cốt là ở tấm lòng. Thấy tôi dúi vào tay một ít tiền, chị Nùng cười to lên, lắc đầu, xua tay quầy quậy. Tôi khẩn khoản nói với anh chị Nùng:

- Chị cầm lấy, nay mai vào chiến trường em có tiêu pha gì đâu.

- Tui nỏ có lấy tiền của bộ đội mô. Mần rứa răng được - Chị Nùng tỏ thái độ rất quyết đoán.

Nói xong, anh chị kể chuyện o Khê đã chăm sóc tôi mỗi khi lên cơn sốt rét. O Khê vào rừng lấy lá thuốc, sắc cho tôi uống phối hợp với thuốc kí ninh để hạ cơn sốt, cắt cơn co giật. O còn đi lùng mua trứng gà về tẩm bổ cho tôi lấy sức chống chọi với cơn sốt rét rừng...

Thảo nào, hôm tôi nằm ở bệnh xá, bà con Hoành Phổ đến thăm tôi, trong đó có cả o Khê. Mắt Khê đỏ hoe, chắc vì em thương các anh bộ đội đang gồng mình chịu đựng những cơn sốt rét rừng. Một hôm theo tay chỉ của anh chị Nùng chủ nhà, tôi ra ngõ tìm gặp o Khê. O đang đứng đó đợi tôi. Vừa thấy tôi, o khẽ hỏi:

- Anh về đơn vị, rồi vào ngay chiến trường, phải không anh Mai?

- Cám ơn em. Những ngày qua em thật vất vả. Anh sắp lên đường rồi - Tôi trả lời.

- Anh chỉ nói vậy thôi à - Khê tiếp tục nhỏ nhẹ.

Sẵn tập tiền mỏng, anh chị Nùng không nhận, tôi dúi vào tay Khê. Em rụt tay lại như chạm vào lửa, rồi bưng mặt khóc. Chắc em khóc vì giận tôi đã trả tiền công em chăm sóc tôi qua cơn sốt rét?

Bỗng Khê vùng vằng bỏ chạy. Không hiểu sao tôi không đuổi theo Khê, chỉ nhìn theo cho đến khi bóng em mất hút trong làng... Tôi rất áy náy bởi sự vụng về của mình. Tôi đã định nói lời cám ơn tự đáy lòng với o, người đã chăm sóc tôi, trong những ngày tôi bị sốt rét, nhưng chưa kịp nói nên lời... Tôi biết mình có lỗi với người con gái Quảng Bình thân thương này.

Mấy ngày sau, từ câu chuyện của anh chị Nùng, tôi được biết thêm nhiều về o Khê. O Khê học xong cấp hai, nhưng o không đi học trung cấp, ngành nghề mà bám trụ quê hương phục vụ chiến đấu, giúp đỡ bộ đội trên vùng đất lửa. O chăm sóc thương binh, dẫn đường cho bộ đội, đảm bảo thông cầu, thông đường, thông xe cho quân ta ra tiền tuyến. O đã trải qua nhiều trận mưa bom bão đạn của kẻ thù. Không hiểu sao, riêng với tôi o Khê đã thể hiện cái gì đó thật tế nhị... Tôi thầm cảm ơn người con gái ấy.

2

Đầu mùa hè năm 1969, Trung đoàn 1 lặng lẽ rời Quảng Bình, bí mật hành quân xuyên qua vùng núi non trùng điệp của dải đất hẹp bắc Trung Bộ đi về hướng chiến trường. Đoàn quân nhanh chóng qua Thạch Bàn, Khe Bang huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau đó chúng tôi vượt qua vùng rừng núi phía tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị rồi tiến về hướng Thừa Thiên.

Nắng lửa, gió Lào và những cơn mưa đầu mùa hè bất chợt ào đến. Thời tiết khắc nghiệt cùng với đèo dốc, khe sâu hiểm trở nhanh chóng vắt kiệt sức lực của bộ đội ta. Nhiều chiến sĩ tụt lại phía sau. Trung đoàn buộc phải tổ chức lực lượng thu dung, đón các chiến sĩ yếu sức phía sau đội hình hành quân.

Một hôm, vào mờ sáng, tôi cùng đồng đội chạm tới chân điểm cao 1001. Có người nào đó hứng khởi cảm tác câu thơ lục bát, nó vang lên như câu hò động viên, cổ vũ bộ đội vào trận tuyến mới:

"Ơ hò...Mặc cho nắng núi mưa ngàn

Bom thừa gạo thiếu chẳng sờn chí trai"...

Ơ hò...Sau đó nhiều câu hò đối, nối tiếp câu hò, câu thơ, câu hát lại ngân vang...

Đoàn quân bỗng chốc sôi nổi hẳn lên. Đường đèo tưởng như ngắn lại. Những câu chuyện tếu táo pha trò được dịp truyền từ tốp này sang tốp khác. Nhưng khi trời về trưa, mồ hôi ai nấy đầm đìa nhễ nhại, những câu hò, câu hát, câu chuyện tán dóc của lính tráng lắng dần. Chỉ còn lại những bước đi lặng lẽ và hơi thở dồn dập...

Đơn vị ra lệnh dừng nghỉ 10 phút trên một đoạn đường đèo thoai thoải. Tôi ngồi tựa vào một tảng đá để nghỉ ngơi. Chợt nhận ra phía trước trên hòn đá nhô cao có phủ mấy cái lá nón còn tươi, tôi bước lại, lật mấy tàu lá nón lên. Lạ thật! Có hai bánh lương khô 701, một hộp sữa đặc kèm một mảnh giấy ghi mấy dòng chữ: "Tao tiếc chúng mày lắm nhưng nặng quá. Sức tao còn lại để mang vũ khí và những thứ khác quan trọng hơn nhiều. Xin lỗi nhé! Tao để lại đây may ra chúng mày còn có ích cho một ai đó".

Phía dưới mảnh giấy có chữ ký, một chữ ký loằng ngoằng, không nhận ra họ tên thật của tác giả bức thư gửi lại nơi mỏm đá giữa rừng sâu. Tôi vừa thương, vừa vui về những lời tự sự rất hài hước trong bức thư của chàng lính trẻ nào đó. Có lẽ khi để lại những vật phẩm trên đường hành quân, vì nặng quá không mang nổi nữa, chàng trai ấy, vẫn mong muốn những bánh lương khô và hộp sữa đó có ích cho người khác.

Bộ đội, mang theo những vật dụng vào chiến trường là rất cần thiết. Nhưng hành quân bộ, vác nặng, đường dài với bao thứ thiết yếu thì những người lính dày dạn như chúng tôi đem thêm "một chiếc cúc áo" nữa cũng phải tính toán. Vậy mà tôi cùng các anh trong cơ quan đã tự chia nhau mỗi người mang thêm một thứ, để những bánh lương khô và hộp sữa bị bỏ lại đó thật sự có ích như mong muốn của người chiến sĩ thân thương nào đó. Xin cảm ơn chàng lính trẻ đã nhường lại những khẩu phần ăn quý giá này cho chúng tôi.

Qua đèo 1001, đơn vị dừng chân một ngày ở bãi khách trạm giao liên để bổ sung lương thực thực phẩm. Sau đó, lại hành quân tiếp tới các trạm giao liên khác. Những ngày cuối của cuộc hành quân, đơn vị tiếp tục xuyên rừng mà đi, mở lối mòn mà tiến. Hôm ấy, chúng tôi qua một chặng đường hành quân đầy vất vả. Đến một cánh rừng già, đơn vị dừng lại nghỉ đêm. Một bác sĩ mới về đơn vị bỗng hỏi tôi:

- Anh Mai ơi! Anh hành quân như thế này mấy lần rồi?

- Đơn vị ta hành quân như thế này năm lần rồi anh ạ - Tôi trả lời.

- Tôi phục các anh. Gian khổ và vất vả quá. Theo tôi các anh xứng đáng tuyên dương anh hùng năm lần rồi đấy! - Người bác sĩ quân y nói một cách nghiêm túc.

- Anh cũng xứng đáng được tuyên dương Anh hùng rồi đấy - Tôi đùa với bác sĩ.

Cả hai chúng tôi cùng cười rất vui, xóa tan cả sự mệt nhọc sau một ngày hành quân. Tôi biết với những người lần đầu hành quân vác nặng như người lính quân y này thì đó là một sự thử thách không nhỏ. Sau gần 20 ngày hành quân gian khổ, đơn vị chúng tôi tới vị trí tập kết chiến đấu ở vùng rừng rậm bắc A Bia. Mặt trận chiến đấu chỉ còn cách đó vài giờ đi bộ.

Ổn định vị trí đóng quân xong, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào triệu tập cán bộ chỉ huy đơn vị và các cơ quan về sở chỉ huy để quán triệt nhiệm vụ:

- Địch đang tổ chức cuộc hành quân lớn ở khu vực đường 12, đường 14. Lực lượng của chúng bao gồm Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Dù 101 của Mỹ cùng với một lực lượng quân đội Sài Gòn. Mục tiêu của chúng là: Đánh bật lực lượng ta sang bên kia biên giới Việt Lào; cắt đứt con đường chiến lược, không cho ta vận chuyển tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam. Quân khu Trị Thiên đã sử dụng toàn bộ lực lượng tại chỗ đánh chặn nhằm tiêu hao sinh lực của địch dọc hai con đường này. Trung đoàn 3 (được tăng cường Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 9) đã gấp rút xây dựng trận địa, lập phương án quyết chiến với địch ở vùng rừng núi A Bia. Chỉ trong vòng hơn một tuần chiến đấu, Trung đoàn 3 của ta đã giáng cho Lữ đoàn 3 Sư đoàn Dù Mỹ những đòn chí mạng. Gần 1000 tên Mỹ đã bị tiêu diệt và bị loại khỏi vòng chiến đấu. Chiến thắng A Bia của chúng ta đã làm cho kẻ địch bối rối - Trung đoàn trưởng dõng dạc nói.

- Trung đoàn 1 được Sư đoàn giao nhiệm vụ sẵn sàng thay thế Trung đoàn 3 tại vùng núi A Bia. Cho nên chúng ta phải tiến hành làm mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trong thời gian ngắn nhất để thực hiện thật tốt nhiệm vụ trên giao - Trung đoàn trưởng nói tiếp.

Sau khi hội nghị kết thúc, ngay chiều hôm ấy, tôi đã tổ chức lực lượng trinh sát khẩn trương nắm địch, nghiên cứu địa hình, phục vụ các đoàn cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn chuẩn bị chiến trường. Chúng tôi nghiên cứu địa hình, xây dựng phương án tác chiến trong điều kiện địch đã đổ quân xuống chiếm đường 12, đường 14. Các trận giao chiến giữa Trung đoàn 3 với sư đoàn dù Mỹ đã và đang diễn ra rất ác liệt trên khu vực này. Cho nên hoạt động của trinh sát và cán bộ chuẩn bị chiến trường A Bia lúc đó cực kì khó khăn, nguy hiểm.

Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ trinh sát thực địa, đoàn cán bộ của Trung đoàn 1 đã bị tổn thất lớn. Đồng chí Dũng - Chủ nhiệm Hậu cần, đồng chí Phương - Chủ nhiệm Thông tin hy sinh bởi một loạt bom tọa độ từ máy bay B57 Mỹ trút xuống vùng núi A Lê Thiêm.

Mấy ngày sau, anh Lê Minh Chánh - Tham mưu phó Trung đoàn hy sinh ngay tại sườn núi Tây Bắc A Bia vì trúng đạn pháo địch. Anh Lê Minh Chánh quê ở tỉnh Bến Tre, năm 1954 tập kết ra Bắc. Anh để lại ở quê nhà người vợ trẻ cùng đứa con gái nhỏ yêu quý của mình ...và luôn mong ngày miền Nam được giải phóng để được trở về quê hương...Thế là anh Chánh không còn thực hiện được ước nguyện của mình nữa rồi!...Thương anh quá.

Hồi đầu năm 1967, khi còn làm Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn 1, anh Chánh đã hướng dẫn tôi phương pháp ghi chép, tổng hợp, phân tích đánh giá - kết luận địch...Nhờ vậy tôi nhanh quen với công việc và đã hoàn thành chức trách Trợ lý Trinh sát Trung đoàn của mình. Tôi còn nhớ hình ảnh anh Lê Minh Chánh cần mẫn đi lượm nhặt những hạt cơm của từng nhóm lính trẻ bỏ lại ở các gốc cây rừng...rửa sạch, phơi khô rang thật kỹ, dồn vào túi ni lông rồi cất trong ba lô. Những ngày hành quân đường dài, vào lúc đói bụng, anh thường đãi bộ đội món "lương khô" bằng cơm khô rang thơm lựng. Lúc ấy, những chàng lính trẻ tấm tắc khen ngon... Sau khi bộ đội ăn xong, anh chậm rãi nói: " Cơm khô vừa ăn là cơm tớ lượm được của các cậu bỏ lại ở gốc cây bữa trước đấy, lần sau nếu còn cơm thừa đưa cho tớ nhé." Anh đã dạy cho chúng tôi một bài học nhớ mãi không quên... Tôi còn được anh em trong cơ quan kể lai: Cuối năm 1968, Trung đoàn 1 đóng quân ở miền Tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Do thiếu gạo nghiêm trọng, cho nên cán bộ chiến sĩ trong thời gian ấy chỉ được ăn mỗi người một ngày hai lạng gạo. Xét thấy Tham mưu phó Trung đoàn Lê Minh Chánh là người to cao mà mỗi ngày ăn hai lạng gạo sẽ bị kiệt sức, cho nên thủ trưởng Trung đoàn đã quyết định cho anh Chánh được ăn hai suất, nhưng anh đã kiên quyết không nhận phần ưu tiên đó để nhường cho bộ đội... Anh thật là một con người mẫu mực đáng kính.

Khó khăn, tổn thất như vậy nhưng đoàn cán bộ cùng trinh sát của Trung đoàn 1 đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát thực địa, xây dựng phương án chiến đấu đúng kế hoạch được giao. Vào một ngày tuần thứ ba của tháng 5, nắng mùa hè chói chang, gió lào đổ lửa xuống vùng núi Trị Thiên. Trung đoàn chúng tôi nhận lệnh lên tuyến một để thay thế Trung đoàn 3 của ta lui về phía sau củng cố.

Nhiệm vụ của Trung đoàn 1 là:

Cùng với các đơn vị bạn tiếp tục tiến công tiêu diệt địch tại vùng núi A Bia và tiêu hao sinh lực địch trên đường 12 và đường 14.

- Sở Chỉ huy Trung đoàn 1 đặt ở sườn bắc điểm cao 490 gần bờ tây sông Đáp Lin.Tiểu đoàn 1 đảm nhiệm tiến công địch ở tây nam A Bia. Tiểu đoàn 3 đảm nhiệm chiến đấu ở vùng tây bắc A Bia. Tiểu đoàn 2 là lực lượng dự bị. Một lực lượng công binh, ĐKZ, cối 82 thực hành luồn sâu, đánh cắt giao thông trên đường 12 và đường 14.

Thời gian này, địch đang tập trung lực lượng có hỏa lực mạnh chi viện. Chúng tìm mọi cách phản kích đẩy bộ đội chủ lực của ta ra xa. Chúng quyết chiếm lại vùng núi A Bia và cố giữ bằng được khu vực đường 12 và đường 14, đoạn A Lưới - Bốt Đỏ - Động Tranh.

Các trận đánh diễn ra liên miên. Khi thì ta đụng độ nhỏ lẻ, khi thì ta chủ động tập kích, phục kích. Ta đã đánh bại nhiều cuộc phản kích của kẻ địch. Chúng bị tổn thất nặng nề, hàng trăm tên bị tiêu diệt.

Quân đội liên quân Mỹ và Sài Gòn dùng hỏa lực pháo binh, không quân, kể cả máy bay chiến lược B52 đánh phá rất ác liệt để ngăn chặn ta. Sau hơn một tháng chiến đấu, lực lượng của các đơn vị bị tiêu hao đáng kể. Sức chiến đấu của các đơn vị trong trung đoàn giảm sút nghiêm trọng. Việc tiếp tế cho các đơn vị tuyến trước gặp rất nhiều khó khăn.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1969, Sở Chỉ huy Trung đoàn ở điểm cao 490 thiếu nước sinh hoạt do nắng lửa, gió Lào. Nhiều ngày không có mưa, các "mỏ nước", khe lạch đều cạn khô. Bộ đội phải xuống dốc đi bộ hàng giờ mới lấy được nước mang về. Sáng hôm đó, tôi tụt dốc xuống một khe nước nhỏ để tắm giặt. Vừa mới cởi trần để vả nước vào người, rất may, tôi lại nhìn lên không trung, thấy ba dải khói trắng song song trên bầu trời không một gợn mây, đó là ba chiếc máy bay B52 của Mỹ. Đúng lúc ấy, tốp B52 nghiêng cánh đổi hướng bay. Từ kinh nghiệm, tôi biết máy bay B52 đã cắt bom. Không còn kịp mặc lại áo quần, tôi vội nhảy lên bờ, lao vào căn hầm cá nhân ven bờ suối, ngồi cúi sát đáy hầm, hai tay bịt chặt tai. Mấy giây chờ đợi căng thẳng lướt trôi. Tiếng bom nổ rầm rầm. Khói bụi, đất đá, mảnh bom bay rít lên. Lưỡi hái thần chết đong đưa cứ tích tắc qua lại trên miệng hầm cá nhân không có nắp, nơi tôi đang ẩn nấp.

Trời đất tối sầm. Đất đá phủ kín, đè nặng lên người tôi. Ba loạt bom nữa lại nổ. Tôi nghĩ mình vẫn còn thở được, còn nhận biết những loạt bom rơi, như thế là mình còn sống. Loạt bom cuối nổ sát gần, chát chúa như búa tạ đập vào mang tai...

Bom dứt. Tôi cố cựa quậy cái đầu mà không được; cố cựa mạnh đôi chân, đất đá đã chèn chặt gần như không thể xê xích. May mà hai bàn tay tôi còn cựa quậy được. Lúc đó, tôi trấn tĩnh rất nhanh. Nghĩ tới đồng đội, Sở Chỉ huy Trung đoàn ở điểm cao 490, tôi lo không biết có bị trúng bom không?

- Cứu tôi với!... Cứu tôi với!... Có ai trên mặt đất không?

Tôi nhận thấy tiếng kêu của mình như bị vùi lấp. Tôi giữ yên trạng thái cơ thể để đỡ mất sức và tiếp tục tĩnh tâm lại. Quê hương, gia đình, đồng đội, tất cả lướt nhanh trong tâm trí tôi.

Dồn sức, tôi cố cử động hai bàn tay. Tay nọ hỗ trợ tay kia... Rồi trong chốc lát, đôi bàn tay tôi đã thoát ra được khỏi lớp đất. Tôi lần lần, lựa đẩy những viên đá, những hòn đất ra xa. Cứ thế, cứ thế... dần dần đầu và hai cánh tay của tôi đã nhô lên khỏi đám đất đá vùi lấp. Thật tuyệt vời, hai bàn tay của tôi làm việc chật vật nhưng hiệu quả.

Khi đầu và hai cánh tay nhô khỏi đám đất hỗn độn cũng là lúc tôi mệt bã toàn thân. Phần thân thể phía dưới mỏi nhừ, ê ẩm và bị tê dại. Có thể không thoát ra được nữa chăng? Nghỉ một lúc, tôi cảm thấy đỡ mệt hơn và cơ hội sống lại lóe lên. Thật kì diệu, khi bị dồn vào bước đường cùng, đôi tay con người lại khéo léo đến thế, hai bàn tay tôi thi nhau làm việc, dỡ từng hòn đất, mẩu đá, dịch chuyển và ném chúng ra xa xung quanh miệng hầm.

Sau một hồi vật lộn với những hòn đất, hòn đá, cơn khát giày vò, sức tôi yếu dần, nên nhiều hòn đất, đá ném lên lại rơi xuống làm tôi đau điếng... Nghỉ một lúc để lấy sức, tôi lại nhặt, lại gạt đất đá sang một bên, tìm cách đưa một chân ra khỏi thế bị chôn chặt... Và sau khi thoát được một chân rồi, tôi lại tìm cách gỡ chân còn lại ra khỏi lớp đất đá vụn ở đáy hố cá nhân...Vậy là tôi đã thoát chết!

Tôi không nhớ rõ phải mất bao lâu? Có lẽ rất nhiều giờ mới thoát ra khỏi cái hố cá nhân đã cứu tôi thoát khỏi những quả bom B52, và cái hố ấy lại như muốn chôn sống tôi ở dưới đó... Thế là tôi vẫn còn sống! Thật khó tả cảm xúc của tôi vào lúc đó. Biết rằng đây là nơi không có bộ binh địch, tôi bình thản nằm xuống, nghỉ ngơi một chút cho lại sức. Không lâu sau, tôi ngược dốc trở về đơn vị.

Điểm cao 490 may mắn ở ngoài tầm rải thảm bom B52. Tham mưu phó trung đoàn Hải Quảng đang tổ chức anh em vệ binh đi dọc theo hướng đường mòn xuống suối và các bãi bom B52 để tìm tôi. Mọi người đều rất lo ngại khi nhìn thấy đoạn suối nhỏ nơi bộ đội thường tắm đã bị bom B52 đánh trúng, hố bom rất nhiều, cây rừng gẫy nát, đất đá ngổn ngang. Bộ đôi ta đã bới đất và lần tìm rất kĩ hai bên bờ đoạn suối, nhưng không thấy dấu vết của đồng đội. Các đồng chí ấy đành phải quay về báo cáo để đơn vị tổ chức đi tìm tiếp trên các hướng khác...

Tôi trở về sau trận mưa bom. Từ lòng đất chui lên, khắp người tôi sây sát, bầm dập. Chỗ thì vết thâm bầm tím. Chỗ thì nhiều vết xước tụ máu thâm đen... Biết tin tôi còn sống trở về, anh em cơ quan đơn vị đều chạy đến chia vui. Ai cũng lấy làm lạ, bởi bom B52 trùm trên đầu, chỉ có một chiếc hầm cá nhân không nắp để ẩn nấp. Đất đá lấp vùi lấp là thế mà sao tôi vẫn còn sống? Các đồng chí quân y cơ quan vội vã lau rửa, sát trùng các vết trầy xước, bầm tím trên cơ thể của tôi. Nghỉ ngơi mấy ngày tại đơn vị, sức khỏe của tôi dần dần trở lại bình thường.

Trong những ngày đầu tháng 7 năm 1969, địch chi viện tối đa bằng không quân, pháo binh cho các đợt phản kích của Sư đoàn Dù Mỹ ở phía tây và nam A Bia. Chúng chiếm được một số vị trí quan trọng. Một hôm tôi cùng các đồng chí sĩ quan tác chiến và một tổ trinh sát, dưới sự chỉ huy của Tham mưu trưởng trung đoàn Võ Chót đi kiểm tra các đơn vị phía trước để nắm tình hình và cùng các đơn vị tháo gỡ khó khăn.

Anh Võ Chót quê ở Khánh Hòa, vào bộ đội rồi tập kết ra miền Bắc sau năm 1954 khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi biết anh Võ Chót vào khoảng cuối tháng 10 năm 1967 trong dịp đi dự Đại hội mừng công Mặt trận Đường 9 lần 1 tại miền tây tỉnh Quảng Bình. Sau khi đại hội kết thúc, tôi là người được cơ quan cán bộ Quân khu 4 nhờ đưa anh Võ Chót về Trung đoàn 1 nhận công tác.

Dịp ấy, vừa mới nhận chức Tham mưu phó Tiểu đoàn 2 được mấy ngày, anh Võ Chót đã xung phong chỉ huy một Phân đội Trinh sát bí mật luồn qua nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai ở cứ điểm Cồn Tiên. Anh có nhiệm vụ tìm vị trí thuận lợi, tổ chức phục kích bắt tù binh Mỹ để khai thác tài liệu phục vụ cho chiến dịch. Chiều hôm đó, kẻ địch phát hiện lực lượng của anh Chót trong hàng rào nên đã co cụm lực lượng ở gần đó lại, rồi dùng pháo binh, không quân đánh phá rất ác liệt. Anh Chót chỉ huy bộ đội rất linh hoạt, di chuyển kịp thời để tránh bom đạn địch, bảo toàn được lực lượng. Tuy lần ấy, bắt tù binh không thành, nhưng anh đã để lại trong lòng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 1 chúng tôi hình ảnh một cán bộ, một con người xông xáo và dũng cảm.

Trong suốt quá trình ở Sư đoàn 324, anh Chót luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cho nên sau hơn 1 năm công tác, từ Tham mưu phó Tiểu đoàn 2 (tháng 10 năm 1967) anh đã được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 vào cuối năm 1968. Những năm tháng sau này, anh Chót làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, rồi được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 4 và được phong hàm Thiếu tướng. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc và gặp nhau luôn. Hiện nay, anh nghỉ hưu, cùng gia đình ở thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Anh vẫn khỏe, xông xáo và quan tâm đến đồng đội như thời còn trẻ...

Hôm ấy, anh Võ Chót trực tiếp đi kiểm tra hướng Tiểu đoàn 3. Tôi được anh giao nhiệm vụ cùng đồng chí trợ lý tác chiến và một tổ trinh sát trực tiếp kiểm tra hướng Tiểu đoàn 1. Khi đến vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 1, chúng tôi được Tiểu đoàn phó Nguyễn Quí, Chính trị viên Phạm Đình Vinh cùng Chính trị viên Phó Nguyễn Bá Cự cho biết tình hình diễn biến chiến đấu rất cụ thể của tiểu đoàn. Tiểu đoàn phó Qúi thay mặt ban chỉ huy nói:

- Sau khi địch chiếm được một số điểm cao quan trọng, chúng đã bị ta chặn lại. Các đơn vị đã và đang thực hiện phương án phòng ngự tích cực, giữ chắc trận địa, đồng thời dùng hỏa lực kết hợp với bộ binh liên tục tập kích để triệt phá các đợt phản kích của địch.

- Hiện nay, ý chí quyết tâm của bộ đội vẫn được giữ vững. Tiểu đoàn 1 quyết giữ trận địa và sẽ chủ động tấn công địch mạnh hơn nữ - Chính trị viên Phạm Đình Vinh bổ sung thêm khi nhận xét về tinh thần của anh em trong đơn vị.

- Công tác chính sách của tiểu đoàn đã được thực hiện rất tốt. Thương binh đã được đưa về tuyến sau điều trị. Liệt sĩ đã được an táng chu đáo - Chính trị viên phó bổ sung về công tác chính sách.

Sau khi ở lại Tiểu đoàn 1 một ngày cùng các đồng chí cán bộ tiểu đoàn đi kiểm tra các đơn vị đã nắm được tình hình thực tế ở trận địa; chúng tôi nhận thấy Tiểu đoàn 1 thực hiện phương án phòng ngự tích cực, đã và đang đánh địch có hiệu quả; đẩy được địch ra xa trận địa của ta. Đoàn công tác chúng tôi đã thống nhất với cách đánh địch của Tiểu đoàn 1 và đóng góp thêm nhiều ý kiến quan trọng. Sau khi làm việc xong với Tiểu đoàn 1, đoàn trở về Chỉ huy sở Trung đoàn tại sườn bắc điểm cao 490 vào lúc nửa đêm. Tôi báo cáo ngay tình hình với Thủ trưởng trung đoàn. Biết Tiểu đoàn 1 đã chặn được địch và đánh địch có hiệu quả, các thủ trưởng trung đoàn rất phấn khởi. Sau đó, Chính ủy Trung đoàn đã chỉ thị cho cơ quan chính trị viết điện biểu dương để động viên cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 1.

Từ Trung tâm Chỉ huy, tôi về ngay cơ quan để tranh thủ nghỉ ngơi sau chuyến công tác. Căn hầm trú ẩn của tôi đêm hôm ấy có anh Chương - Chủ nhiệm Trinh sát Sư đoàn và một trinh sát viên của đơn vị. Rút kinh nghiệm trận B52 trước đó, các cơ quan và đơn vị đã gấp rút củng cố hầm ẩn nấp. Hầm của chúng tôi có cửa chính và cửa phụ để dễ bề thoát hiểm. Ở cửa hầm phụ còn được đặt hai ống tre đã đục thủng, dựng thẳng đứng, nhô cao hơn nóc hầm khoảng một mét, để thông hơi chống ngạt khi bị vùi lấp.

Gần sáng 13-7-1969, máy bay B52 ập đến trút bom trúng Sở Chỉ huy Trung đoàn 1. Tôi nghe rõ tiếng bom rơi, rít rợn người và tiếng nổ chụp xuống chát chúa ù tai tưởng chừng long óc. Sau từng loạt bom nổ, tiếng cây rừng đổ gãy răng rắc. Đất, đá bay rào rào, rơi huỳnh huỵch trên nóc hầm. Hai cửa hầm của chúng tôi đều bị đất đá vùi lấp một lớp dày. Thật may, hai ống tre thông hơi với mặt đất nhô cao vẫn tồn tại để dẫn khí xuống cho mọi người nên cả ba người dưới hầm đều không bị ngạt thở.

Dứt những loạt bom của các tốp máy bay B52, cả ba chúng tôi nhanh chóng dùng xẻng, tự đào bới thoát lên hướng cửa hầm chính. Rất may, lớp đất đá vùi lấp chỗ đó chỉ có bề dày chừng nửa mét cho nên khoảng nửa giờ sau, chúng tôi đã thoát được ra ngoài. Mọi người vẫn an toàn, khỏe mạnh.

Chúng tôi tá hỏa đi tìm đồng đội. Ai còn, ai mất sau trận bom thù? Bộ phận cơ yếu và các chiến sĩ thông tin hy sinh gần hết. Anh Huyên - Trung đoàn phó hy sinh ngay trong hầm chỉ huy. Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào bị thương. Các đồng chí trong cơ quan và đơn vị có nhiều người bị thương và hy sinh.

- Anh Mai giúp tôi nhanh chóng điều động lực lượng đưa ngay thương binh về bệnh xá và tổ chức chôn cất anh em liệt sĩ chu đáo. Có thể sáng nay địch tiếp tục ném bom, bắn pháo nữa đấy! - Tham mưu phó Trung đoàn Hải Quảng chỉ thị.

- Rõ! - Tôi nhận lệnh.

Ngay lập tức, tôi đã điều động lực lượng vệ binh cùng Đại đội Vận tải đưa ngay hơn 30 thương binh về bệnh xá trung đoàn cách đó vài cây số. Sau đó, tôi cùng các cán bộ chính sách trung đoàn và lực lượng các đơn vị tổ chức mai táng cho hơn 20 liệt sĩ ở một cánh rừng được xác định là nghĩa trang. Tiễn đưa anh em đồng đội, trong thâm tâm ai cũng mong bom kẻ thù không cày xới nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh. Chúng tôi hy vọng linh hồn các anh siêu thoát. Mọi người đều không cầm được nước mắt...

Hôm đó là một ngày không thể nào quên với các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 1. Nhiều người không thể ngủ được trong cả đêm hôm sau và nhiều đêm nữa... Đó là nỗi buồn đau, mất mát lớn nhất về sự hy sinh to lớn của anh em đồng đội trong trận bom B52 của Mỹ vào ngày cuối chiến dịch đồi A Bia, miền tây tỉnh Thừa Thiên năm 1969.

Giữa mùa thu, mùa mưa bắt đầu, áp lực của quân Mỹ ở khu vực chiến trường A Bia giảm dần. Trung đoàn 1 được lệnh rút ra phía sau để củng cố, chuẩn bị cho những trận đánh lớn vào mùa khô năm tới. Một bộ phận trinh sát, đặc công, công binh, ĐKZ, cối 82 của Trung đoàn 1 vẫn cài cắm lại, phân tán hoạt động trong vùng địch. Bộ đội ta vẫn phục kích, tập kích, đánh những trận nhỏ lẻ trên đường 12 và đường 14, tiêu diệt nhiều xe cơ giới và bộ binh địch.

Tổng kết lại trong năm 1969, Trung đoàn 3 và Trung đoàn 1 - Sư đoàn 324 đã cùng các đơn vị đã làm nên chiến thắng A Bia lịch sử, chấn động cả Lầu Năm Góc. Đặc biệt Trung Đoàn 3 đã lập chiến công lừng lẫy. Binh lính Mỹ và báo chí Mỹ đã đặt tên đồi A Bia là "Đồi Thịt băm". Người Mỹ cho rằng trận chiến trên đồi A Bia là một trong năm trận đánh ác liệt nhất trong Lịch sử chiến tranh Việt Nam.

3

Sau khi Trung đoàn 1 ổn định vị trí đóng quân và đươc bổ sung tân binh, các đơn vị tập trung lực lượng vận chuyển đạn, lương thực và thực phẩm vào vị trí quy định để chuẩn bị cho trận đánh mới. Lúc bấy giờ, chiến trường tây Thừa Thiên gặp rất nhiều khó khăn. Mùa mưa đã tới đường lầy lội, quân số thiếu nghiêm trọng, Mỹ lại dùng pháo binh, không quân đánh phá liên tục, rất ác liệt vào hậu phương và đường vận chuyển của ta.

Thời gian ấy địch dùng máy bay B52 tập trung đánh phá mười ngày liên tục. Ngày ít nhất chúng cũng huy động tới 6 tốp gồm 18 chiếc, có ngày chúng dùng tới 15 tốp gồm 45 chiếc B52 rải thảm đánh phá vào đội hình bộ đội ta đang vận chuyển vũ khí, đạn dược vào nơi tập kết. Mỗi chiếc B52 của Mỹ mang được 29 tấn bom. Như vậy trong thời gian mười ngày ấy, trên đường vận chuyển của Trung đoàn 1 chúng tôi, bom chồng lên bom không biết bao nhiêu lần. Trong đó, đoạn đường vận chuyển của Tiểu đoàn 3 bị địch đánh phá ác liệt hơn. Bộ đội ta bị thương vong nhiều. Một số chiến sĩ dao động, hiện tượng đào ngũ, bỏ ngũ đã xuất hiện ở một số đơn vị.

Tôi nhớ mãi trong một buổi giao ban trung đoàn, Chính ủy Nguyễn Đàm phê bình Tiểu đoàn 3 để bộ đội bỏ ngũ nhiều. Ít phút sau, đồng chí Trương Văn Núp - Tiểu đoàn trưởng đã không bình tĩnh, phản ứng gay gắt:

- Báo cáo Chính ủy, nếu địch nó đánh B52 như vậy thêm mười ngày nữa, có khi tôi cũng bỏ ngũ ...

Đồng chí Núp nói như vậy vì tự ái, nhưng cũng có ý trách Chính uỷ không thông cảm với Tiểu đoàn 3 trong thời điểm quá ác liệt và khó khăn. Anh Núp là người dân tộc Mường, quê ở Thanh Hóa. Anh là một cán bộ có trách nhiệm cao và chiến đấu rất dũng cảm, có cá tính nên Chính ủy và mọi người đều thông cảm. Không ai nghĩ phản ứng của anh là thật. Vì thế cho nên Chính ủy vẫn tỏ ra bình tĩnh, chậm rãi phân tích:

- Chúng tôi biêt thời gian vừa qua Tiểu đoàn 3 có nhiều cố gắng, nhưng vấn đề bộ đội bỏ ngũ nhiều chúng ta phải tìm mọi cách ngăn chặn. Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm đấy.

Vào một ngày đầu tháng 9, giữa rừng rậm, núi cao ở Thừa Thiên cả đơn vị lặng đi. Không một ai kìm được nước mắt khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo: Hồ Chủ Tịch đã mất vào ngày 3-9-1969. Các đại đội, các tiểu đoàn và các cơ quan trung đoàn đều treo ảnh Bác làm lễ tưởng niệm. Tất cả cán bộ chiến sĩ đều rưng rưng nước mắt. Nhiều đồng chí không ăn nổi cơm... Từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi cùng đồng đội lòng nhủ lòng sẽ mãi mãi đi theo con đường của Bác đã chọn. Nguyện biến đau thương thành hành động thực tế, thành ý chí quyết tâm chiến đấu của đơn vị, thành tinh thần quyết chiến, quyết thắng của trung đoàn.

Thời gian này công tác bảo đảm hậu cần của ta gặp rất nhiều khó khăn. Tuyến đường Trường Sơn đoạn từ Quảng Bình đến Khu 5, bi máy bay đich đánh chặn quyết liệt. Máy bay AC - 30 của địch quần đảo suốt đêm dọc tuyến đường Trường Sơn, chúng dùng súng 20 ly, điều khiển bằng la de bắn như vãi đạn, làm cho xe vận tải của ta bị cháy nhiều. Để giảm bớt khó khăn, Quân khu Trị Thiên đã dùng xe GAT 69 (loại xe nhỏ mỗi chuyến chở được 500 ki-lô-gam) để bí mật vận chuyển gạo nhưng vẫn không khắc phục được. Tình trạng thiếu lương thực ở chiến trường Thừa Thiên ngày càng nghiêm trọng hơn. Bộ đội ta chỉ được ăn hai lạng gạo/người/ngày có độn thêm sắn khô kéo dài. Cho nên sức khỏe cán bộ chiến sĩ giảm dần, ốm đau nhiều, rất nguy hiểm.

Tiểu đoàn 1 được lệnh chuẩn bị tiến công tiêu diệt cứ điểm Khe Đoác ở tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau khi đã chuẩn bị xong phương án tiến công cứ điểm Khe Đoác, bộ đội đã vào vị trí tập kết an toàn. Nhưng chỉ vì thiếu hai tấn lương thực mà tiểu đoàn phải dừng trận đánh và được lệnh rút quân ra. Khi đưa quân vào để triển khai đội hình chuẩn bị đánh Khe Đoác, Tiểu đoàn 1 chỉ mất một ngày hành quân. Thế mà lúc hành quân ra, vì đói, bộ đội xuống sức nghiêm trọng nên sau hai ngày vẫn chưa thu hết quân... Trên đường rút quân, nhiều chiến sĩ đói lả, phải cấp cứu khẩn cấp. Tôi còn nhớ rất rõ cảnh tượng đáng sợ đó... Mờ sáng hôm ấy, cơ quan Tham mưu trung đoàn được lệnh cử người cùng cơ quan Hậu cần khẩn trương đi cứu đói bộ đội Tiểu Đoàn 1 đang trên đường hành quân từ Khe Đoác ra. Anh em cán bộ trong Ban Tham mưu được phân công vội vàng xuống khu vực bếp ăn. Mỗi người nhận từ hai đến ba bi đông cháo nấu bằng lương khô 701, rồi theo người dẫn đường, cùng trợ lý chính sách Tống Nam Phong và anh em cơ quan trung đoàn chạy ngược theo đường hành quân của Tiểu đoàn 1. Chúng tôi đi được khoảng 3 giờ thì gặp bộ đội ta nằm rải rác dọc đường. Hầu hết các đồng chí ấy đều gầy gò, mặt ai nấy đều tái xanh vì đói. Có đồng chí lả đi, hơi thở rất yếu.

Không ai bảo ai, chúng tôi lần lượt nâng anh em dậy, lấy bát sắt ăn cơm trong ba lô, đổ cháo lương khô vào bát rồi động viên các anh ấy cố ăn. Sau khi các đồng chí ấy ăn hết bát cháo, chúng tôi tiếp tục đi cứu các đồng chí khác... Có đồng chí yếu quá, chúng tôi phải xúc từng thìa, từng thìa cháo, đổ trực tiếp vào miệng rồi đồng chí y tá phải tiêm thuốc trợ lực, đồng chí ấy mới tỉnh lại được. Rất may là đến tối, tất cả những chiến sĩ bị đói lả của Tiểu đoàn 1 đều được đưa về đơn vị an toàn.

Vào những tháng cuối năm 1969, đầu năm 1970, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 9 đóng quân cách nhau chừng 3 ki-lô-mét. Theo thỏa thuận, hàng tuần hai đơn vị đều cử cán bộ tham mưu sang dự giao ban của nhau để có điều kiện trao đổi và tham khảo thông tin về địch. Trung đoàn giao cho tôi thực hiện nhiêm vụ này. Trong thời gian ấy, được Trung đoàn trưởng Đệ, Chính ủy Lê Khả Phiêu và các đồng chí ở cơ quan Trung đoàn 9 giúp đỡ, tôi đã nắm được nhiều tin tức về địch có giá trị. Chính những tin tức đó đã giúp cho Trung đoàn 1 chủ động phòng tránh, giảm được thương vong và có điều kiện nghiên cứu địch sâu hơn, xây dựng phương án chiến đấu tốt hơn.

4

Tôi được phong hàm Tiểu đoàn bậc phó ngày 01- 01-1970. Đó là một phần thưởng đối với tôi và đồng thời tôi cũng tự thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn.

Trung đoàn 1 của tôi đón xuân năm 1970 ở vùng rừng núi Xê Côi, miền tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau Tết vài ngày, vào một buổi chiều, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào cho gọi tôi lên Trung tâm Chỉ huy giao nhiệm vụ:

- Tình hình địch trong vùng đồng chí đã rõ rồi. Nhiệm vụ của trung đoàn ta bây giờ một mặt chuẩn bị đánh lớn, mặt khác phải tổ chức lực lượng luồn sâu điều tra địch; kết hợp với đánh hiểm, đánh nhỏ. Như vậy ta vừa tạo được thế vừa tiêu hao lực lượng và đánh lạc hướng địch. Trung đoàn giao cho đồng chí chỉ huy một lực lượng gộm: Phân đội Trinh sát, cùng Trung đội Đặc công, Tiểu đội Công binh và một tổ quân y bí mật luồn sâu xuống vùng Tam Dần, Khe Đoác, điểm cao 550, Ca Puy, Cung Cáp ở tây huyện Phong Điền. Các đồng chí tìm mọi cách đánh địch, nắm địch. Đại đội Vận tải trung đoàn sẽ đảm bảo hậu cần cho các đồng chí .

- Rõ! - tôi nhận lệnh rồi xin phép được về cơ quan làm công tác chuẩn bị.

Ngay chiều hôm ấy, tôi đã trực tiếp triển khai nhiệm vụ cho Đại đội Trinh sát và Đại đội Đặc công. Sau đó, hợp đồng với Đại đội Công binh, Ban hậu cần trung đoàn chuẩn bị lực lượng đi làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng.

Vào một ngày đầu xuân năm 1970, lực lượng luồn sâu đánh hiểm của Trung đoàn 1 bí mật lên đường. Đồng chí Nguyễn Xuân Kiều, Trợ lý Hậu cần trung đoàn và một cán bộ thuộc Đại đội Vận tải đi cùng để xây dựng phương án vận chuyển tiếp tế. Gần trưa hôm ấy, đoàn quân chúng tôi đang vượt suối Rào Trang thì một chiếc trực thăng "cán gáo" của địch bất ngờ bay dọc theo dòng suối. Tôi nhanh chóng ra lệnh cho bộ đội ẩn nấp. Một số anh em đang vượt suối trong đó có tôi và anh Nguyễn Xuân Kiều buộc phải lặn xuống, ngâm mình trong dòng nước để che mắt địch. Rất may, trực thăng của chúng không phát hiện được mục tiêu nên đã bay thẳng về phía thượng nguồn. Đơn vị chúng tôi nhanh chóng củng cố đội hình rồi tiếp tục hành quân theo kế hoạch. Sau hai ngày băng rừng, vượt núi, lách suối, luồn khe, chúng tôi đã tới được vị trí tập kết. Nơi ấy nằm cách phía tây nam điểm cao 550 chưa đầy 1 ki-lô-mét. Bộ đội bắt tay ngay vào việc đào công sự tại vị trí trú quân, xây dựng phương án chiến đấu tại chỗ để tự bảo vệ mình. Và sau hơn 2 tuần làm việc vất vả, chúng tôi đã điều tra, nghiên cứu xong toàn bộ địa hình ở Tam Dần, Ca Puy, Cung Cáp và điều tra xong cứ điểm Khe Đoác.

Địch ở cứ điểm Khe Đoác khá mạnh. Nơi này kẻ địch bố trí một đại đội bộ binh Mỹ, một đại đội pháo binh 105 ly, một trận địa cối 106,7 ly. Xung quanh cứ điểm của chúng có bao bọc 3 lớp hàng rào dây thép gai bùng nhùng. Sơ đồ cứ điểm Khe Đoác được chúng tôi vẽ đầy đủ, chi tiết rồi cử người mang về trung đoàn báo cáo. Trong thời gian ấy, đồng chí Lê Chí Phả chỉ huy Trung đội Đặc công đánh một trận vào trung đội địch ngoài công sự ở Tam Dần, diệt 15 lính Mỹ. Chúng buộc phải dùng trực thăng bốc bọn này về hậu cứ.

Đầu tháng 4 năm 1970, Trung đoàn phó Lê Hữu Thỏa cùng cán bộ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 Đặc công đã vào tới khu vực tây huyện Phong Điền. Các anh cùng trinh sát nghiên cứu thực địa, xây dựng phương án tiêu diệt cứ điểm Khe Đoác. Tôi còn nhớ hôm ấy, đã quá nửa đêm, chúng tôi cùng cán bộ đại đội đặc công trên hướng chủ yếu do tôi trực tiếp chỉ huy luồn qua ba lớp hàng rào kẽm gai bùng nhùng, rồi vào trung tâm cứ điểm Khe Đoác, đã nắm chắc địa hình, lực lượng và bố phòng của chúng. Địch vẫn không hay biết gì. Trên đường quay ra, tới hàng rào kẽm ngoài cuối cùng, không may đồng chí Lê Đình Đề, Chính trị viên Đại đội 1 Tiểu đoàn 7 Đặc công (quê ở huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình) đụng phải quả mìn sáng. Mìn phát nổ; đại liên, cối 60 của địch bắn xối xả vào đội hình đoàn cán bộ trinh sát của ta. Anh Đề bị thương ở trong hàng rào ngoài cùng. Phải khéo léo, gan dạ, liều lĩnh lắm mọi người mới đưa được anh Đề ra ngoài.

Tôi đưa anh Đề tới một gốc cây to để tránh đạn. Anh bị thương vào đầu, vào vai, máu ra nhiều nên bất tỉnh. Đồng chí Cậy, trinh sát viên quê ở Hà Nam bị thương nhẹ. Băng vết thương cho đồng đội xong, tôi cho anh em rút lui ngay. Lúc đó trời tối, không thể tiếp cận được nơi cất giấu võng để cáng thương binh. May quá, anh em tìm được chiếc dù pháo sáng nửa đỏ nửa trắng của địch để làm võng cáng anh Đề.

Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, mặt trời vừa nhô lên qua dãy núi, tôi nghe thấy bọn lính Mỹ la hét, hò nhau ở rất gần nơi tổ trinh sát đang rút lui. Tôi thoáng nghĩ: Chắc bọn chúng lần thấy dấu vết nên truy đuổi chúng tôi. Cũng có thể chiếc dù pháo sáng màu trắng, đỏ, đã làm mục tiêu cho chúng chăng?

Tiếng la hét của địch mỗi lúc một gần hơn. Đúng là chúng truy đuổi theo chúng tôi. Lúc bấy giờ tôi cùng một chiến sĩ trinh sát vừa cáng đồng chí Đề, vừa dìu đồng chí Cậy thương binh đang đi trên một con suối nhỏ lắp xắp nước. Hai bên bờ suối có nhiều tảng đá to và những hốc đá. Không thể chạy thoát vì bọn lính Mỹ ở rất gần, đang gấp gáp truy đuổi mình. Trong đầu tôi lóe lên ‎một ý định táo bạo: Phải khẩn trương cất giấu thương binh và đánh lạc hướng địch. Chúng tôi vội vã đưa thương binh Đề giấu vào một hốc đá kín khuất ven bờ suối, ngụy trang thật kĩ, xóa hết mọi dấu vết. Sau đó, hai chúng tôi dìu thương binh Cậy lội xuôi dòng suối vài trăm mét, cố ý tạo ra nhiều dấu vết, rồi quay lại một đoạn để đánh lạc hướng bọn Mỹ và khéo léo rời con suối. Chúng tôi vừa đi vừa xóa dấu vết, bí mật vòng trở lại ẩn nấp ở sườn đồi, đối diện với hốc đá vừa giấu thương binh Đề. Tôi dự tính tình huống: Nếu chúng phát hiện ra anh Đề, chúng tôi nổ súng tiêu diệt địch để cứu bằng được thương binh, rồi tìm cách rút lui khỏi nơi nguy hiểm.

Vài chục phút sau, khoảng một trung đội lính Mỹ lội bì bõm dưới lòng suối. Qua khu vực hốc đá giấu thương binh, bọn địch vội vàng đi theo dấu vết trinh sát ta tạo dựng và chúng vẫn cứ xuôi theo dòng suối để tìm kiếm "Việt cộng". Tuy nhiên, chúng tôi không thấy chúng quay trở lại.

Chờ đến gần trưa, chắc chắn đã hết nguy hiểm, ba chúng tôi đón anh Đề rồi cùng nhau trở về đơn vị. Trên đường đi, tôi quan sát thấy nhiều máy bay trực thăng Mỹ cẩu pháo 105 ly và cẩu các cuộn dây thép gai di chuyển từ cứ điểm Khe Đoác đổ xuống điểm cao 550, cách nơi trú quân của chúng tôi chưa đầy một cây số. Tôi thầm nghĩ thấy lạ. Tại sao chúng vội vã di chuyển cứ điểm nhanh thế?

Quá trưa, ai nấy đều mệt lả, tay chân rã rời. Thương binh Đề vẫn bất tỉnh, hơi thở rất yếu ớt. Tôi chợt nhớ ra ba củ sâm Triều Tiên được cấp để trong túi ni lông ở ngực áo và quyết định dùng bảo bối này. Thế là hai củ sâm dành cho bốn người, mỗi người nửa củ ngậm lấy lại sức. Với anh Đề, tôi phải nhai nhỏ nửa củ, dùng nắp bi đông hòa với nước đổ vào miệng anh từng giọt. Thật mừng, anh Đề còn nuốt được ít nước sâm. Quả là thần dược. Nửa giờ sau ai nấy đều thấy khỏe ra. Chúng tôi tiếp tục đưa hai thương binh về đơn vị.

Vào khoảng 15 giờ, vừa đặt chân tới vị trí trú quân, chưa kịp báo cáo tình hình, tôi đã nghe giọng nói Trung đoàn phó Lê Hữu Thỏa:

- Các anh đáng mất đầu. Tại sao các anh làm lộ. Chúng nó chuồn sạch rồi. Thật uổng công sức trinh sát nắm địch, anh Thỏa mắng như tát nước vào mặt chúng tôi.

- Tất nhiên không may chúng tôi bị vướng mìn, để lộ ý đồ đánh địch là khuyết điểm to rồi. Sự việc đã lỡ vậy. Chúng tôi ai cũng muốn đánh giặc chứ. Thủ trưởng nóng với chúng tôi phỏng ích gì? Theo tôi ta phải chớp thời cơ, tìm cách tiêu diệt địch ở điểm cao 550, nơi chúng vừa di chuyển tới- tôi đáp lại và đề nghị.

Trong đầu tôi thoáng nghĩ, kẻ địch lập cứ điểm mới ở điểm cao 550 là thuận lợi hơn cho ta. Chúng gần ta hơn, lại chưa xây dựng được công sự, hàng rào vững chắc. Như vậy chẳng khác gì tự đến chìa lưng cho ta đấm. Cứ gì phải đánh Khe Đoác. Thấy tôi có vẻ hơi gay gắt, Trung đoàn phó Lê Hữu Thỏa bình tĩnh trở lại. Xoay tấm bản đồ, anh nhìn vào điểm cao 550 như thể nhìn ra thế trận của địch, của ta. Tôi thấy Trung đoàn phó gật đầu. Đề nghị của tôi đã được chấp thuận.

- Ngay đêm nay, cán bộ cùng trinh sát sẽ đi điều tra địch ở điểm cao 550- tôi khẩn khoản đề nghị với Trung đoàn phó.

- Đồng chí tổ chức làm ngay đi - Anh Thỏa chỉ thị.

- Vâng, tôi nhận mệnh lệnh.

Tôi biết Trung đoàn phó Lê Hữu Thỏa là người rất dũng cảm và trách nhiệm. Anh đã biết và hiểu tôi từ vài năm nay. Hai người từng là chỗ bạn bè từ mấy năm trước, khi tôi làm Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn 1, anh Thỏa làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 11A Trinh sát, Quân khu Trị Thiên. Anh là người nóng tính nhưng rất can đảm.

Đầu năm 1970, anh Thỏa về Trung đoàn 1 làm Trung đoàn phó. Cuối năm 1971 anh được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Những năm sau này, anh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 327, Phó tư lệnh Quân đoàn 14 Quân khu 1, rồi làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị. Anh Lê Hữu Thỏa được phong hàm Thiếu tướng năm 1994, hiện nay anh nghỉ hưu tại Xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.

Chiều hôm ấy, khẩu phần ăn của mỗi người chỉ có một bánh lương khô 701. Anh em "nhắm" với một bát nước suối rồi hối hả lên đường đi điều tra cứ điểm 550 của địch. Và vào nửa đêm hôm ấy, đoàn cán bộ và trinh sát của ta trên các hướng đều đã vào được trung tâm cứ điểm 550 , nắm được khu thông tin, nơi bố trí vị trí chỉ huy, trận địa pháo 105 ly , hệ thống công sự trận địa và hàng rào bảo vệ của địch.

Sau khi về đến vị trí trú quân an toàn, phương án đánh địch cũng bắt đầu được hình thành. Sáng hôm sau, tôi viết điện báo cáo Trung đoàn trưởng kế hoạch tiêu diệt cứ điểm 550. Sau đó, sơ đồ cứ điểm 550 được gấp rút hoàn thành.

Trung đoàn phó Lê Hữu Thỏa rất phấn khởi mang theo tấm sơ đồ cứ điểm 550 về Sở Chỉ huy Trung đoàn báo cáo trực tiếp. Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào không do dự đã phê duyệt ngay phương án tấn công tiêu diệt cứ điểm này. Ông cũng giao cho tôi trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Hai ngày sau, Đại đội 1 - Tiểu đoàn 7 Đặc công do đồng chí Trần Viết Huy, Đại đội trưởng chỉ huy và Trung đội cối 82, Trung đội 12,7 ly do đồng chí Điệt, Trợ lý Phòng không phụ trách cùng với Đội phẫu dã chiến và một số cán bộ cơ quan trung đoàn đã vào vị trí tập kết an toàn. Đêm hôm ấy, một tình huống hy hữu xẩy ra. Không hiểu tại sao, một đàn voi rừng lại bất ngờ đi qua vị trí trú quân của Đội phẫu dã chiến. Anh em y bác sỹ buộc phải đi sang khu rừng khác. Trời sáng, anh em Đội phẫu quay lại vị trí trú quân thì đàn voi đã đi xa. Chúng chỉ dẫm đạp nát mất mấy chiếc xoong, nồi và vài ba thứ lặt vặt. Nhưng để tránh tâm lý sợ voi, tôi đã quyết định di chuyển Đội phẫu sang một địa điểm khác ở gần đó.

Sáng hôm ấy, tôi triệu tập cán bộ chủ trì của các đơn vị hội ý, thống nhất phương án, nhắc lại nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận. Tôi yêu cầu lực lượng đặc công phải tổ chức quán triệt nhiệm vụ thật sâu, bàn bạc thật kĩ để từng người hiểu nhiệm vụ và cách đánh. Cũng trong buổi sáng đó, Đại đội 1 đặc công còn hội ý Chi ủy, họp tổ Đảng quán triệt nhiệm vụ lãnh đạo. Các đơn vị 12,7 ly, cối 82 cũng tranh thủ quán triệt rõ nhiệm vụ chiến đấu tới từng người, bàn bạc dân chủ, xây dựng quyết tâm cao cho cán bộ, chiến sĩ.

Gần tối, rừng núi thật yên tĩnh. Các đơn vị lặng lẽ, bí mật tiếp cận cứ điểm 550. Tất cả các bộ phận triển khai đội hình tấn công đúng thời gian, địa điểm quy định.

Đúng 4 giờ sáng hôm sau, bộc phá lệnh phát nổ. Bộ đội đặc công từ các hướng đồng loạt tung thủ pháo vào công sự địch. Các chiến sĩ ta dùng B-40, B-41 tiêu diệt các ụ súng; dùng AK bắn găm, bắn gần diệt bộ binh địch. Sau đó, chúng ta dùng bộc phá, phá hủy từng khẩu pháo, khẩu cối của chúng. Bị ta đánh bất ngờ, đồng loạt và mãnh liệt, kẻ địch chống trả yếu ớt. Sau 40 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Một đại đội lính Mỹ, một trận địa pháo 105 ly, một trận địa cối 106,7 ly của địch đã bị ta tiêu diệt và phá hủy hoàn toàn.

Sáng hôm đó, quân ta còn tiếp tục lập thêm chiến công. Trung đội cối 82 đánh trúng mục tiêu, diệt nhiều tên địch khi chúng đổ quân ứng cứu giải quyết chiến trường. Đồng chí Điệt, Trợ lý Phòng không Trung đoàn trực tiếp chỉ huy Trung đội 12,7 ly bắn rơi một máy bay trực thăng Mỹ.

Trận đánh này, phía ta hy sinh 5, bị thương 7 chiến sĩ. Đồng chí Tống Nam Phong, Trợ lý Chính sách Trung đoàn 1 cùng các đơn vị đã tổ chức an táng liệt sĩ chu đáo và đưa thương binh về phía sau nhanh gọn. Đến chiều hôm ấy, lực lượng ta rút về vị trí trú quân an toàn. Lực lượng luồn sâu đánh hiểm của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

5

Sau khi tiêu diệt lực lượng Mỹ tại điểm cao 550 ở miền tây huyện Phong Điền không lâu, cuối tháng 4 năm 1970 lực lượng luồn sâu đánh hiểm của chúng tôi được lệnh thu quân về đơn vị nhận nhiệm vụ, chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo.

Về cơ quan được ít ngày, tôi lại bắt tay ngay vào nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo trinh sát tiến hành chuẩn bị chiến trường ở khu vực cứ điểm 935 và các điểm cao 805, 902, Dốc Mây miền tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Cứ điểm 935 rộng khoảng gần một cây số vuông. Quân Mỹ cùng quân đội Sài Gòn đã chiếm điểm cao 935 và lập cứ điểm từ tháng 8 năm 1968, chúng thường bố trí ở đây một tiểu đoàn bộ binh Mỹ và các trận địa pháo 155 ly, 105 ly, 85 ly và một trận địa cối 106,7 ly.

Cứ điểm 935 còn được bảo vệ bằng một hệ thống công sự kiên cố, chống được đạn pháo của ta và nhiều lớp hàng rào kẽm gai bùng nhùng, xen kẽ các bãi mìn. Đây là một cứ điểm quân sự quan trọng trên phòng tuyến ngăn chặn lực lượng của ta tiến về đồng bằng Thừa Thiên do Lữ đoàn 3 Sư đoàn Dù Mỹ đảm nhiệm. Từ nơi này quân Mỹ có khả năng yểm trợ đắc lực cho lực lượng của chúng hoạt động ở thung lũng A Sầu và miền tây các huyện Phong Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên và Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Cũng từ cứ điểm này chúng có thể uy hiếp, khống chế cả một khu vực hậu phương rộng lớn của ta ở Thừa Thiên.

Những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1970, trinh sát Trung đoàn đã đưa Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới cùng cán bộ các cấp của trung đoàn đi trinh sát địa hình, nghiên cứu địch, xây dựng phương án tác chiến tại khu vực 935, 902, 805, Dốc Mây an toàn. 

Trong đợt công tác ấy, một sự kiện hi hữu đã xẩy ra. Hôm ấy, sau khi nghiên cứu địa hình, dự kiến phương án chiến đấu ở khu vực Dốc Mây, đoàn cán bộ về dừng nghỉ đêm tại một hang đá lớn ở tây điểm cao 805. Hang đá này ở trên sườn núi cao, cách lòng suối chừng 20 mét, rộng rãi, trần cao, cửa hang kín đáo. Đoàn cán bộ và trinh sát trên 30 người ở đây rất thoải mái.

Khoảng nửa đêm hôm ấy, tôi đang ngủ say. Bỗng giật mình khi nghe tiêng gầm ào ào đến rợn người của dòng nước suối xen lẫn tiếng đá lăn lộc cộc nặng nề... Đúng lúc đó, tôi nghe một người nói rất to - Nước ngập vào cửa hang rồi!

- Lũ ống ở thượng nguồn đang tràn về đấy! Dậy ngay, dậy ngay...Bình tĩnh...bình tĩnh - Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới nói như thét lên.

Mọi người chẳng hiểu chuyện gì đang xẩy ra, đều dùng đèn pin soi để chạy về hướng cửa hang cố thoát ra ngoài. Nhưng, lại gặp anh em ở cửa hang chạy vào.

- Cửa hang bị nước ngập không ra được nữa rồi, nguy hiểm quá!- Mấy người cùng nói như vậy.

Tôi cùng mọi người đang lo lắng và rất lúng túng không biết xử lý ra sao. Tự nhiên tôi nhìn thấy ánh sáng đèn pin quay tròn rồi nghe tiếng Thủ trưởng Đới nói.

- Các anh khẩn trương theo tôi!

Không còn cách nào khác, tất cả cán bộ và chiến sĩ trinh sát bỏ tất cả đồ đoàn, ngay lập tức xách súng, bám theo Sư đoàn trưởng của mình. Chúng tôi đi sâu vào hang đá, leo lên cao rồi lần lượt thoát ra ngoài qua một cửa hang nhỏ trên lưng chừng núi. Rất may cả đoàn đều an toàn.

Lúc bấy giờ, nước vẫn tiếp tục dâng cao, chảy cuồn cuộn, gầm rú ầm ầm trên dòng suối mà chính nó, hồi chiều thật nhỏ bé, hiền hòa, yên ả, trong veo.

Sáng hôm sau, nước rút, chúng tôi vào hang đá để lấy những thứ còn bỏ lại khi chạy lũ đêm qua. Gạo, ba lô, chăn, võng và đồ dùng của mọi người đều sũng nước. Nhưng rất may là, tổn thất không nhiều. Tất cả cán bộ chiến sĩ đều khẩn trương thu dọn trang bị và đồ dùng của mình, rồi nhanh chóng đến vị trí tập trung, cùng đoàn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.

Mấy hôm sau, tôi được các anh cơ quan sư đoàn cho biết: Chiều hôm đoàn cán bộ đến hang đá 805, thủ trưởng Đới đã một mình đi khắp mọi ngõ ngách của hang đá và tìm được con đường thoát hiểm cứu đoàn cán bộ lúc nguy nan. Tôi biết ơn và kính trọng người Sư đoàn trưởng đức độ, kiên cường, môt người từng trải đã cho mọi người một kinh nghiệm quý, một bài học nhớ mãi không bao giờ quên.

Giữa tháng 6 năm 1970, Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới giao nhiệm vụ cho các đơn vị:

- Trung đoàn 1 đảm nhiệm hướng chủ yếu bao vây, tấn công trên hướng tây Nam cùng với lực lượng bạn tiêu diệt cứ điểm 935. Đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch đến giải tỏa ứng cứu ở khu vực điểm cao 902, 805, Dốc Mây.

- Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 6 có nhiệm vụ bao vây hướng bắc cứ điểm 935.

- Trung đoàn 3 có nhiệm vụ đánh địch ngoài công sự ở khu vực Cô Pung, Cóc Muộn, điểm cao 1478, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 1 bao vây, tiêu diệt địch ở khu vực điểm cao 935, Dốc Mây.

Từ ngày 15 tháng 6, các đơn vị của trung đoàn tiếp tục làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ngày 20 tháng 6, Trung đoàn 1 đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị theo đúng kế hoạch. Sau đó, các đơn vị đã lặng lẽ đưa bộ đội vào vị trí tập kết và triển khai đội hình tấn công bí mật, an toàn vào những ngày cuối tháng 6 năm 1970.

Đúng 6 giờ ngày 01-7-1970, các trận địa hỏa lực của ta trong đó có cả cối 120 ly đồng loạt đánh đòn phủ đầu vào cứ điểm 935 của Mỹ. Sở chỉ huy và các trận địa pháo của địch đều bị trúng đạn. Khu vực hậu cần của chúng cũng bốc cháy dữ dội.

Khoảng 9 giờ hôm ấy, kẻ địch tức tốc dùng trực thăng đổ một đại đội lính dù Mỹ xuống cao điểm 805, cố giữ sườn phía tây nam cứ điểm 935. Chúng không ngờ bộ đội ta đã phục sẵn, bốn máy bay trực thăng địch bị ta bắn cháy. Đại đội Mỹ vừa đổ xuống, đứng chân chưa vững bị bộ binh của ta tấn công làm chúng tổn thất nặng nề.

Hôm sau, hỏa lực pháo cối mạnh của ta tiếp tục cấp tập giáng xuống đầu quân địch ở cứ điểm 935. Bọn chỉ huy Mỹ lại điều trực thăng đổ một tiểu đoàn lính Dù Mỹ xuống 902, Dốc Mây để giải nguy cho 935. Chúng hoảng loạn khi ta đã giăng sẵn thế trận, bắn cháy 10 máy bay trực thăng chở đầy lính Mỹ. Sau đó chúng bị quân ta tiến công liên tục nên bị tổn thất đáng kể.

Từ ngày 5-7-1970 trở đi, sợ bị ta tiến công cho nên bộ binh Mỹ bên ngoài công sự đã cho quân liên tục di chuyển vị trí để đối phó. Cho nên quân ta bị mất mục tiêu, đánh hụt chúng nhiều lần. Nghiên cứu kỹ thủ đoạn của địch, trinh sát chúng tôi rút ra quy luật: Cứ khoảng 4 giờ, lính Dù Mỹ lại di chuyển một lần. Khi trời tối hẳn, chúng mới vào vị trí trú quân đêm.

Nếu chúng ta cứ theo cách đánh cũ, trinh sát bám sát nắm tình hình bọn lính Mỹ, sau đó quay về dẫn cán bộ đi trinh sát thực địa, xây dựng phương án chiến đấu, rồi về đón bộ đội lên triển khai đội hình tiến công thì mất khoảng 10 giờ. Trong thời gian đó, binh lính Mỹ đã di chuyển vị trí ít nhất hai lần. Như vậy là bộ đội chúng ta luôn mất mục tiêu và đánh hụt địch.

Căn cứ vào tình hình thực tế đó, cơ quan trinh sát chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp với trung đoàn. Chúng tôi đề nghị cán bộ chỉ huy đơn vị cơ sở phải cùng trinh sát đi nắm địch, xây dựng phương án đánh địch. Đồng thời cán bộ chỉ huy đơn vị cũng phải đưa bộ đội nhích dần đội hình lên gần địch, rút ngắn thời gian chuẩn bị xuống dưới 4 giờ. Có như vậy chúng ta mới đánh được chúng.

Đề xuất của chúng tôi được chấp nhận ngay và trung đoàn đã tổ chức hội nghị cán bộ bàn cách đánh địch ngoài công sự. Theo phân công, trong hội nghị ấy, Chính trị viên Đại đội Trinh sát Trần Văn Nẩy đã phát biểu: "Nếu ta tổ chức nắm địch, chuẩn bị phương án đánh địch theo cách hiện nay thì hàng tháng nữa cũng không đánh được chúng. Muốn đánh được địch, cán bộ chỉ huy cần đi cùng trinh sát nắm địch; đồng thời bộ đội cũng phải nhích lên gần địch hơn, rút ngắn thời gian chuẩn bị xuống bốn giờ thì chúng ta mới đánh được chúng".

Trong cuộc họp, Chính ủy Nguyễn Đàm, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào đã nhấn mạnh lợi thế của ta khi kéo Mỹ ra ngoài công sự để tiêu diệt. Các thủ trưởng chỉ rõ nhược điểm của chúng ta về những trận đánh hụt quân Mỹ, đánh giá cao ý kiến của trinh sát đề xuất, và yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện ngay.

Trung đoàn yêu cầu Cơ quan Chính trị kịp thời viết điện biểu dương tinh thần chiến đấu của các cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn. Trung đoàn cũng yêu cầu Cơ quan Tham mưu phổ biến kịp thời cách nắm địch, dịch chuyển đội hình chiến đấu kịp thời. Các đơn vị kiên quyết không để đơn vị mình đánh hụt kẻ địch nữa.

Tiểu đoàn 3 là đơn vị đầu tiên thực hiện cách đánh địch theo phương pháp mới. Hôm ấy, Đại đội 11 được tăng cường hai chiến sĩ trinh sát Trung đoàn do đồng chí Nguyễn Văn Bút ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phụ trách đi thực hiện nhiệm vụ tìm địch để tiêu diệt. Thời điểm ấy, đồng chí Trần Đức Lượng là Đại đội trưởng, đồng chí Lê Sĩ Thái là Chính trị viên. Đồng chí Dương Trọng Trầm, Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ đạo với quyết tâm "lần này không đánh hụt", phải tiêu diệt thật nhiều lính Mỹ.

Hôm ấy vào khoảng 10 giờ. Trời nắng nóng. Bộ đội ta đang trên đường dịch chuyển dần đội hình lên để sẵn sàng đánh địch. Trinh sát cùng cán bộ đại đội đi trước, phát hiện tại một quả đồi thấp, phía tây nam cứ điểm 935 có quân Mỹ. Ngay lập tức, Đại đội 11 được lệnh dừng lại ở một khe cạn có nhiều hang đá trên sườn núi. Trinh sát và cán bộ ta tiếp tục bám sát địch, xác định được vị trí và đội hình dừng chân của một trung đội Mỹ.

Phương án đánh địch được hình thành rất nhanh. Bộ đội ta được lệnh triển khai đội hình tấn công tiêu diệt bọn lính Mỹ này. Sau 30 phút, quân ta đã áp sát địch, triển khai thành hai mũi tiến công (1 trung đội làm dự bị). Sau đó ta dùng Cối 60 bắn chế áp vào đội hình quân địch. Hỏa lực chế áp ngắn vừa dứt; B-40, B-41, trung liên của ta đồng loạt bắn tiêu diệt các hỏa điểm tiền duyên của chúng để chi viện trực tiếp cho hai mũi bộ binh của ta đồng loạt xung phong.

Các chiến sĩ ta dùng AK bắn găm, bắn gần tiêu diệt tại chỗ 5 tên Mỹ, bọn còn lại kéo nhau tháo chạy sang mỏm đồi bên cạnh, thừa thắng quân ta đã đuổi theo diệt thêm một số tên nữa.

Bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu nhiều chiến lợi phẩm: Súng, đạn, quân trang, quân dụng của Mỹ. Sau ít phút, quân địch dùng trực thăng vũ trang đến chi viện. Bộ binh của ta bắn trả quyết liệt, một trực thăng bốc cháy, nên những chiếc trực thăng còn lại buộc phải lảng ra xa.

Trận đánh kết thúc nhanh, gọn. Đại đội 11 được lệnh di chuyển nhanh về khu vực hang đá ở sườn đồi gần đó để tránh phi pháo của địch. Nhưng do một sơ suất nào đó, kẻ địch đã phát hiện được mục tiêu. Chúng cho máy bay ném bom dữ dội, rồi rải chất độc hóa học khói màu trắng và hơi cay trúng vào đội hình của ta, làm cho bộ đội bị ngạt thở. Có lẽ, chúng muốn đánh bật quân ta ra khỏi hang đá để dùng hỏa lực trực thăng vũ trang tiêu diệt. Nhưng cán bộ chiến sĩ chúng ta đã kịp thời dùng các phương tiện thô sơ như bông băng, vải thấm nước bịt vào mồm, vào mũi để chống độc. Và rất may là lúc bấy giờ giông gió nổi lên đã xua tan khí độc rất nhanh nên quân ta vẫn an toàn.

Chiều hôm ấy, Đại đội 11 đã hành quân về vị trí tập kết gọn gàng. Đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, bổ sung trang bị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên giao. Trận đánh Mỹ ngoài công sự của Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 tuy nhỏ, nhưng đã khẳng định cách nắm địch, tổ chức đánh địch mới là đúng. Từ kinh nghiệm này, chúng ta đã mở ra một triển vọng là bộ đội ta sẽ đánh trúng và diệt được quân Mỹ ở ngoài công sự khi chúng dùng thủ đoạn di chuyển liên tục để tránh bộ binh ta tiến công.

Những ngày kế tiếp, với phương pháp chuẩn bị và tổ chức đánh địch mới, các đơn vị của trung đoàn đã đánh thắng liên tục nhiều trận. Hàng trăm tên lính Mỹ bị tiêu diệt. Hàng chục máy bay trực thăng địch bị bắn cháy. Chúng ta thu được khá nhiều vũ khí trang bị của chúng.

Bọn Mỹ lại tiếp tục đổ quân ra các điểm cao 902, 805, Dốc Mây. Đồng thời chúng tập trung hoả lực pháo binh, không quân chi viện rất mạnh, nhưng chúng vẫn không ngăn cản được quân ta. Cứ điểm 935 vẫn bị bao vây và bị cô lập hoàn toàn. Những ngày tiếp theo, Trung đoàn 1 vừa tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự, vừa tập trung hỏa lực bắn phá rất mạnh vào cứ điểm 935. Trong thời gian đó, bộ binh của ta tiếp tục áp sát, siết chặt vòng vây xung quanh cứ điểm theo phương châm "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt".

Khoảng ngày 20 tháng 7, trinh sát chúng tôi nắm được kẻ địch ở cứ điểm 935 rất hoang mang, dao động. Chúng đang chuẩn bị rút chạy. Trung đoàn 1 cùng các đơn vị bạn tiếp tục dùng các loại hỏa lực, đặc biệt là cối 120 bắn rất trúng mục tiêu. Sở chỉ huy, khu vực kho đạn của địch trúng đạn phát nổ bốc cháy. Khói đạn bốc lên mù mịt. Cả khu vực rung chuyển dữ dội. Quân ta tiếp tục bao vây cứ điểm 935 ngày một chặt hơn.

Ngày 22 và 23-7-1970, địch sử dụng pháo binh, máy bay, trong đó có cả máy bay B52 ném bom, đánh phá rất ác liệt và rải chất độc hóa học CS (hơi cay) mù mịt vào trận địa ta xung quanh cứ điểm 935 để yểm trợ cho binh lính Mỹ ở đây tháo chạy. Buổi sáng 23-7, địch tập trung trực thăng liều mạng xuống cứ điểm 935 bốc quân về căn cứ. Chúng đã bị lưới lửa súng máy 12 ly 7 của ta bắn cháy 10 chiếc.

Quá trưa ngày 23-7-1970, cứ điểm 935 không còn bóng một tên giặc. Chúng bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị và đồ dùng quân sự. Ta nhanh chóng thu dọn chiến trường, tận thu chiến lợi phẩm rồi rút quân về vị trí đã định an toàn. Khoảng 14 giờ hôm ấy cho đến gần tối, pháo binh và máy bay của Mỹ đã đánh hủy diệt toàn bộ cứ điểm 935 và xung quanh đó.

Trong gần 1 tháng tiến công địch ở 935 và các khu vực Dốc Mây, 805, 902, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn lính dù Mỹ. Chúng ta bắn rơi 97 máy bay, thu và phá hủy 16 khẩu pháo và súng cối cùng nhiều quân trang, quân dụng. Báo chí Mỹ đã gọi điểm cao 935 (căn cứ Ripcord) của chúng là "Đồi cối xay thịt". Chiến dịch 935 là trận đánh Mỹ cuối cùng ở chiến trường Trị Thiên. Đó là vinh dự và là niềm tự hào cho cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 324! Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 324 là sư đoàn mở đầu đánh Mỹ (Thủy quân lục chiến Mỹ) ở chiến trường Trị Thiên và cũng là sư đoàn cuối cùng khép lại việc đánh Mỹ cũng ở chiến trường Trị Thiên.

Theo người Mỹ, trong cuộc chiến tranh Việt Nam có năm trận đánh kinh điển mà các tướng, tá và binh sĩ trong quân đội Mỹ không thể nào quên. Đó là: Trận đánh ở Ia Đrăng. , trận đánh ở Đắc Tô - Tân Cảnh, trận đánh ở Khe Sanh Quảng Trị năm 1968, trận đánh ở khu vực đồi A Bia (Đồi Thịt băm) tây tỉnh Thừa Thiên năm 1969, trận đánh ở khu vực cứ điểm 935, phía tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa thiên năm 1970.

Rất đáng tự hào cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 chúng tôi là lực lượng chủ yếu, cùng với các đơn vị bạn đã làm nên chiến thắng ở cứ điểm 935 lịch sử. Trung đoàn 1 đã đánh bại lữ đoàn 3, Sư đoàn dù của Mỹ, một đội quân được coi là niềm kiêu hãnh của quân đội nhà nghề Mỹ.

6

Sau Chiến dịch 935, Trung đoàn 1 được lệnh rút về phía sau củng cố. Trung đoàn 3 được giao nhiệm vụ phát triển chiến dịch, thực hiện bao vây tiến công tiêu diệt cứ điểm Cốc Bai do một tiểu đoàn của Trung đoàn 54 quân đội Sài Gòn chiếm giữ. Bộ tư lệnh Sư đoàn 324 đã cử đồng chí Mai Hiền- Phó tư lệnh Sư đoàn trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 3 thực hiện nhiệm vụ. Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, phương án bao vây tiến công cứ điểm Cốc Bai hình thành và được Sư đoàn thông qua vào một ngày đầu tháng 8 năm 1970. Đêm 05 tháng 8, các đơn vị của Trung đoàn 3 đã vào chiếm lĩnh trận địa, bao vây cứ điểm Cốc Bai bí mật an toàn, đúng thời gian quy định.

Đúng 16 giờ ngày 06 tháng 8, hỏa lực của ta đồng loạt bắn phá cứ điểm Cốc Bai. Ngay từ loạt đạn đầu, hàng chục tên địch bị tiêu diệt. Trận địa pháo 105 ly của địch bị hư hỏng, khu kho hậu cần bốc cháy. Để cứu nguy cho Cốc Bai, địch đã dùng pháo binh, máy bay, kể cả B52 đánh phá rất ác liệt xung quanh cứ điểm. Sau đó, chúng đổ quân xuống điểm cao 884, 665 (nam Cốc Bai) để cố đẩy quân ta ra. Nhưng nhiều đơn vị của địch đã bị lực lượng ta tiến công liên tục, thiệt hại nặng nên buộc chúng phải cố thủ tại chỗ. Đến cuối tháng 8, ta tiếp tục siết chặt vòng vây cứ điểm Cốc Bai. Các loại hỏa lực của ta liên tục bắn phá diệt từng mục tiêu của địch trong cứ điểm, làm cho địch rất căng thẳng. Do lực lượng Trung đoàn 54 quân đội Sài Gòn ở Cốc Bai bị thiệt hại nặng nề cho nên ngày 02-9-1970, Sư đoàn bộ binh 1 quân đội Sài Gòn buộc phải đưa Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 3 lên thay thế. Ngay trong quá trình chúng thay quân, ta đã tập trung hỏa lực đánh đòn phủ đầu rất hiệu quả, làm cho bọn địch mới đến rất hoang mang.

Tôi còn nhớ anh em Trung đoàn 3 kể lại: Hồi tháng 9-1970, quân ta tiến hành bao vây cứ điểm Cốc Bai trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Do mưa lũ và địch ngăn chặn cho nên việc vận chuyển tiếp tế rất khó khăn. Gạo thiếu, đạn lại càng thiếu.

Hôm ấy, ngay từ sáng sớm, Sư đoàn đã thông báo:

"Hôm nay 16-9-1970 Nguyễn Văn Thiệu sẽ đáp máy bay trực thăng xuống cứ điểm Chiêm Rồng, sát gần Cốc Bai để trấn an tinh thần binh sĩ. Trung đoàn 3 bằng mọi cách phải dùng hỏa lực bắn vào Chiêm Rồng khi máy bay của Nguyễn Văn Thiệu hạ cánh".

Đại đội bộ binh bao vây trên hướng chủ yếu được giao nhiệm vụ: Dùng khẩu đội cối 82 ly được tăng cường bắn vào bãi đậu trực thăng khi máy bay của Nguyễn Văn Thiệu hạ cánh. Theo báo cáo, khẩu đội cối 82 ly còn 10 viên đạn. Nhưng khi trực thăng của Nguyễn Văn Thiệu hạ cánh xuống cứ điểm Chiêm Rồng (gần Cốc Bai), khẩu đội cối 82 ly đã không thực hiện được nhiệm vụ, vì tại trận địa không còn đạn. Nguyên nhân là, vì đói quá, hai chiến sĩ ta đã bỏ lại 10 viên đạn cối 82 ly ở dọc đường, cán bộ ta thiếu kiểm tra nên đã không nắm được. Đại đội trưởng bộ binh và Trung đội trưởng cối 82 ly đã bị kỷ luật cách chức vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ giữa tháng 9 đến tháng 10 năm 1970, trời mưa tầm tã suốt ngày đêm. Hầm hào, công sự đều sụt lở. Chiến sĩ ta dầm mình trong mưa và ở dưới hầm ngập nước suốt ngày đêm rất gian khổ. Lúc bấy giờ, gạo, đạn tiếp tế không kịp, bộ đội vừa đói vừa rét, có những ngày hết gạo, phải ăn rau rừng thay bữa để lấy sức đánh giặc. Đúng vào thời điểm đó, địch lại phản kích điên cuồng. Thật đau xót khi đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Trợ lý Pháo binh Trung đoàn 3 hy sinh vì mảnh pháo phá vỡ ổ bụng. Đồng đội thấy trong dạ dầy của anh chứa đầy rau Môn Thục. Sau khi an táng anh Nghĩa, anh Hồ Hữu Lạn đã xúc động làm bài thơ viếng đồng chí của mình:

"Từ tháng tám, qua tháng mười Ba tháng trời bao vây đồn địch Mưa tầm tã ngày đêm không ngớt Gạo chẳng còn, rau rừng cạn kiệt Bám trận địa không rời một tấc Ngày đêm địch phản kích cuồng điên Tiếng nổ đoàng, mảnh pháo cắt sườn Dạ dầy vỡ, một màu xanh lai láng Mắt nhìn Anh - tim tôi đau nhói Ôi! Nắm rau rừng... Nuôi tôi - bạn... Những mùa mưa!..."

(Bài thơ trích trong hồi ký của Đại tá Hồ Hữu Lạn)

Gần 3 tháng ròng rã Trung đoàn 3 bao vây cứ điểm Cốc Bai. Phó Tư lệnh Sư đoàn Mai Hiền đã bám sát đơn vị đồng cam, cộng khổ cùng bộ đội. Ông sâu sát chỉ đạo từng trận đánh của các đơn vị. Nhờ kinh nghiệm quý trong bao vây, đánh lấn cứ điểm địch từ thời đánh Pháp để lại, Phó Tư lệnh Sư đoàn Mai Hiền đã giúp các đơn vị của Trung đoàn 3 đánh thắng nhiều trận trong suốt quá trình bao vây, tấn công cứ điểm Cốc Bai.

Đầu tháng 10 năm 1970, quân ta tập trung hỏa lực đánh phá rất quyết liệt và vòng vây ngày càng áp sát cứ điểm Cốc Bai. Để tránh bị tiêu diệt, kẻ địch đã dùng pháo binh và máy bay đánh phá rất ác liệt vào đội hình quân ta để yểm trợ cho trực thăng của chúng hạ cánh xuống Cốc Bai, bốc quân tháo chạy về căn cứ Đồng Lâm. Một lực lượng quân địch không nhỏ ở ngoài cứ điểm Cốc Bai cũng bí mật luồn rừng về hướng đông rồi gọi trực thăng đến cứu. Trong quá trình địch bốc quân rút chạy, quân ta đã bắn rơi hàng chục máy bay trực thăng của địch. Đến chiều ngày 07-10-1970, khu vực Cốc Bai sạch bóng quân thù. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top