Chương 5 - BÍ MẬT TRỞ LẠI ĐỒNG BẰNG THỪA THIÊN LÀM NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT
1
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn. Nhưng thời gian kéo dài, vào giai đoạn cuối quân ta gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất không nhỏ. Do điều kiện quá khó khăn, khi rút quân lên miền tây, Trung đoàn 1 đã phải gửi lại cho đồng bào và chính quyền địa phương ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền tỉnh Thừa Thiên gần 300 thương binh. Tuy được sự chở che đùm bọc ân tình của nhân dân trong lòng địch, nhưng thương binh của ta ở đồng bằng vẫn đang phải chịu đựng cuộc sống đầy gian khó và mọi hiểm nguy. Đây cũng chính là nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi của lãnh đạo chỉ huy và cán bộ chiến sĩ Trung đoàn.
Sau khi ổn định vị trí đóng quân ở vùng rừng núi Khe Mễ, miền tây tỉnh Thừa Thiên được mấy ngày, tôi cùng đồng chí Hoàng Văn Cừ, Đại đội phó được triệu tập lên trung đoàn nhận nhiệm vụ. Chiều hôm ấy, tại căn hầm họp của trung tâm Chỉ huy, Chính ủy trung đoàn giao quyết định cấp Đại đội bậc Phó và quyết định bổ nhiệm Lê Huy Mai từ Đại đội trưởng Trinh sát lên giữ chức Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Trung đoàn 1. Đồng chí Cừ, Đại đội phó được giao đảm nhiệm quyền Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn.
Sau khi chúc mừng tôi được phong cấp và bổ nhiệm cương vị mới, Chính ủy trung đoàn nói:
"Trên 100 ngày đánh địch liên tục ở đồng bằng, trung đoàn ta đã lên miền tây tỉnh Thừa Thiên an toàn. Nhưng trung đoàn đã phải gửi lại gần 300 thương binh ở dưới đồng bằng... Xót xa lắm!".
Chính ủy nhấn mạnh rồi giao nhiệm vụ cho tôi:
"Trung đoàn quyết định giao cho đồng chí Lê Huy Mai, chỉ huy một Phân đội Trinh sát tinh gọn, xuống đồng bằng ngay ngày mai. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đưa thương binh lên núi bằng mọi cách, càng nhiều càng tốt. Gần 300 thương binh gửi nằm lại rải rác ở các xã thuộc hai huyện Phong Điền, Quảng Điền là số lượng rất lớn. Việc thu gom anh em thương binh đưa lên miền tây không dễ dàng. Các đồng chí phải nhờ lãnh đạo các huyện và du kích xã hỗ trợ thêm. Các đồng chí còn có nhiệm vụ trực tiếp điều tra, nắm tình hình địch càng sâu càng cụ thể càng tốt để đảm bảo cho trung đoàn trở lại đồng bằng khi có lệnh của cấp trên. Các đồng chí mang theo một máy 2W để giữ liên lạc với Trung đoàn. Nếu gặp tình huống không thể liên lạc được bằng vô tuyến điện thì liên lạc với trung đoàn qua con đường giao liên của địa phương".
Tiếp theo, Trung đoàn trưởng nói rõ thêm: "Ngoài ra các đồng chí còn một nhiệm vụ nữa là cùng với du kích địa phương đánh địch. Đánh nhỏ thôi nhưng mà phải đánh trúng, đánh hiệu quả. Phải dùng tiếng súng của ta để gây niềm tin cho nhân dân và cơ sở ta sau Tết Mậu Thân. Đồng chí cần nhớ dù khó khăn đến mấy cũng phải chấp hành thật nghiêm mệnh lệnh của trung đoàn. Còn thương binh ở dưới đồng bằng có nghĩa là các đồng chí còn nhiệm vụ".
- Rõ! Thưa Chính ủy, thưa Trung đoàn trưởng. Tôi nhận nhiệm vụ.
Chính ủy và Trung đoàn trưởng yêu cầu tôi nán lại trao đổi, xác định trên bản đồ con đường trinh sát phải đi, những nơi cần tiếp cận, những chỗ sẽ bắt liên lạc, những tình huống cần hỗ trợ chi viện từ trung đoàn. Tôi đề nghị lui thời gian xuất phát của Phân đội Trinh sát 1 ngày để làm công tác chuẩn bị. Ý kiến của tôi được các thủ trưởng chấp nhận.
Tối muộn, về nơi trú quân của đơn vị, tôi phác họa kế hoạch đi xuống đồng bằng, tính toán mọi việc cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi, rồi tranh thủ chập mắt lúc trời gần sáng. Ngày hôm sau trong cuộc họp Ban Chỉ huy, tôi bàn giao Đại đội Trinh sát cho đồng chí Cừ chỉ huy. Từ hôm ấy,( 26 tháng 5 năm 1968) tôi chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Trung đoàn 1 và nhận nhiệm vụ chỉ huy một Phân đội Trinh Sát xuống đồng bằng thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhưng đầy khó khăn ở phía trước.
Chúng tôi chỉ có một ngày chuẩn bị. Tất cả đều hết sức khẩn trương với bao nhiêu công việc.
- Thứ nhất tôi phải nhanh chóng tổ chức đội hình, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm, thông qua phương án bí mật luồn sâu và kế hoạch hoạt động của Phân đội Trinh sát ở vùng đồng bằng Thừa Thiên nơi mà kẻ địch đã và đang làm chủ.
- Thứ hai tôi phải chuẩn bị các thủ tục liên lạc với lãnh đạo các địa phương ở trong vùng địch, chọn phương án đường đi tốt nhất để tiếp cận đồng bằng an toàn, bí mật.
- Cuối cùng tôi lại còn phải lo liệu cả việc xin một du kích dẫn đường ở phía đông đường 1 nữa.
Những đồng đội cùng tôi thực hiện nhiệm vụ mới là các trinh sát trẻ tuổi đời nhưng dạn dày kinh nghiệm gồm: Bùi Công Nuôi, Nguyễn Xuân Nhâm, Đào Công Khoan, Hoàng Văn Kiệm, Phan Văn Khai, Nguyễn Văn Hiến, y tá Trần Tử Bình, 2 chiến sĩ thông tin vô tuyến điện 2W - Bùi Ngọc Hành, Trần Xuân Quang và một đồng chí du kích huyện Phong Điền dẫn đường. Tất cả đều đã sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới thầm lặng nhưng nóng bỏng tại đồng bằng Thừa Thiên sau cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968.
Tờ mờ sáng 28 tháng 5, lúc đồng đội đang ngủ ngon giấc, Phân đội Trinh sát rời vị trí đóng quân tại động Khe Mễ để lên đường. Lúc đó, tôi nghe thấy tiếng chim rừng bắt đầu hót líu lo. Trong màn sương thấp thoáng tôi cũng thấy những ánh mắt của các chiến sĩ canh gác đưa tiễn chúng tôi đi.
Con đường mòn nhỏ xuống núi ẩn khuất trong rừng, men theo những hẻm núi, sườn dốc, khe suối, đưa Phân đội Trinh sát đi về hướng đồng bằng. Đích đến gần nhất được xác định là xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Chúng tôi phải kiên trì thực hiện cách đi không tiếng, nấu không khói, hành quân đi qua không để lại dấu vết...
Buổi chiều ngày hôm sau, Phân đội Trinh sát dừng lại ở quả đồi cách đường 1 khoảng 5 ki-lô-mét; cách căn cứ Đồng Lâm của địch không xa để nắm tình hình. Quan sát kỹ ta đã phát hiện địch chốt chặn nhiều điểm cả đông và tây đường số 1. Máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ rà rà quần lượn kiểm soát rất kỹ các lối mòn vùng giáp ranh. Tôi nghĩ, nhất định sẽ có nhiều ổ phục kích của địch hai bên đường 1 để đón lõng bộ đội, du kích ta xâm nhập!
Để tránh các ổ phục kích của quân địch, tôi cho anh em trinh sát cắt đường xuyên rừng áp sát đường 1 trước lúc trời chưa tối hẳn. Khi mặt trời vừa xuống sát dãy núi phía tây, chúng tôi đã tiếp cận cách đường 1 chừng nửa cây số, chọn một vị trí quan sát theo dõi, nắm chắc địch hoạt động qua lại trên đường 1 và cả ở phía đông đường.
Tôi hội ý với đồng chí du kích. Hai người thống nhất chọn cách băng qua đường 1 rồi bí mật cắt qua cánh đồng trống, đi về hướng xã Phong Chương. Đây là cách táo bạo, nhưng tránh được các lối mòn, các bìa rừng, bụi cây, bờ suối. Đó là những nơi dễ chạm vào ổ phục kích của địch.
Trời tối mịt, anh em Trinh sát đều bí mật ém sát tây đường 1 khoảng 50 mét, im lặng chờ thời cơ vượt sang phía đông con đường. Không hiểu sao, buổi tối hôm đó, đoạn đường chúng tôi chọn để vượt qua lại có quá nhiều xe ô tô và lính bộ binh địch qua lại. Bộ đội ta vẫn ém quân bí mật kiên trì chờ đợi.
Đêm về khuya, xe cộ, lính địch đi lại cứ thưa dần. Do nắm chắc quy luật hoạt động ban đêm của địch nên chúng tôi quyết định chọn thời cơ vượt đường 1 sau 23 giờ và trước lúc 24 giờ. Lợi dụng lúc một toán địch vừa qua khỏi, đi khuất, anh em trinh sát bò sát mép đường rồi tháo dép lốp, lau sạch chân, nhẹ nhàng lướt từ phía tây qua phía đông đường 1. Qua đường chúng tôi lại cùng nhau đi dép cao su vào, bước nhẹ tới cánh đồng lúa, không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Đồng chí du kích dẫn đường rất thông thuộc địa hình phía đông đường 1. Đêm khuya, sương dầy, anh vẫn nhận diện rõ từng bờ ruộng, bờ mương, bờ cây, xóm nhỏ. Anh đã khéo léo dẫn chúng tôi luồn lách qua kẽ hở giữa hai xóm nhỏ nghi ngờ có bọn lính bảo an, dân vệ canh gác.
Trời sắp sáng, chúng tôi cũng đến được địa bàn xã Phong Chương, nơi Huyện ủy Phong Điền thiết lập cơ sở bí mật bám trụ ở đó. Bắt liên lạc được với cơ sở bí mật của du kích xã, các anh mừng mừng tủi tủi như bắt gặp người thân lâu ngày xa cách. Việc đầu tiên là nhận mặt, nhận tên nhau, thống nhất ám hiệu liên lạc. Sau đó du kích địa phương hướng dẫn từng trinh sát đi nhận hầm bí mật, nơi trú ẩn để tránh địch khi có tình huống nguy hiểm ban đêm và giấu quân lúc ban ngày.
Buổi chiều, chúng tôi đã liên lạc được với Huyện ủy Phong Điền hoạt động bí mật trong lòng địch. Đồng chí Phan Ngô, Bí thư Huyện ủy chủ trì ngay cuộc họp với Phân đội Trinh sát biệt phái của Trung đoàn 1. Tôi trình bày với các đồng chí lãnh đạo địa phương về nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị. Tôi cũng đề nghị huyện ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, du kích, các cơ quan kinh tế, tài chính huyện phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ đưa thương binh lên núi cũng như nắm địch và đánh địch.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Phong Điền sau khi nhất trí với đề xuất của tôi rồi phân tích rõ thêm tình hình địa phương và tình hình địch:
- Sau khi Trung đoàn 1, đơn vị bộ đội chủ lực cuối cùng của ta rút lên rừng núi phía tây. Ngay lập tức, bọn địch tập trung lực lượng hoành hành càn quét dữ dội. Chúng đánh phá ác liệt vào nhiều làng mạc, hủy diệt những nơi có lực lượng ta hoạt động. Bước đầu chúng gây cho ta tổn thất đáng kể. Nhiều cơ sở cách mạng bị bóc gỡ. Lực lượng du kích, bộ đội địa phương của ta thương vong nhiều. Chúng đang chuyển từ chiến thuật "Bủa lưới phóng lao" sang chiến thuật "Tát nước bắt cá". Âm mưu thâm độc của địch là dồn hết dân vào vùng chúng kiếm soát; dùng xe ủi đất lần lượt san phẳng các làng mạc, nơi chúng không đủ khả năng kiểm soát. Mọi hoạt động của chúng nhằm mục đích đánh bật hoàn toàn lực lượng của ta ở đồng bằng Thừa Thiên bằng mọi giá. Chắc chắn, nơi đây sẽ trở thành chiến trường máu lửa, ác liệt nhất - Đồng chí Bí thư huyện Phong Điền nhận định.
Sau đó anh hỏi tôi
- Các đồng chí hoạt động ở đây trong bao lâu?
- Sẽ không phải là ngày một, ngày hai, mà trong nhiều ngày, nhiều tháng. Bao giờ hoàn thành nhiệm vụ, trung đoàn ra lệnh trở về, chúng tôi mới rời địa bàn này - Tôi trả lời.
- Huyện ủy sẽ triển khai kế hoạch phối hợp hoạt động đưa đón thương binh, nắm địch, đánh địch tới các xã, các đơn vị liên quan và bộ đội địa phương huyện để cùng các đồng chí vào cuộc ngay. Cơ quan sẽ thông báo chữ ký của đồng chí Mai tới những nơi cần thiết để Phân đội Trinh sát tiện liên hệ, bắt liên lạc. Ban kinh tế của huyện sẽ bảo đảm kinh phí và lương thực cho các đồng chí- đồng chí Bí thư Huyện uỷ nói tiếp.
Tôi cảm ơn và siết chặt tay đồng chí Bí thư Huyện ủy Phong Điền. Chúng tôi hiểu rằng, sắp tới sẽ là chặng đường vô cùng ác liệt đối với Phân đội Trinh sát ở vùng đất lửa này. Làm việc xong với lãnh đạo huyện Phong Điền, hôm sau chúng tôi nhờ du kích địa phương dẫn đường tiếp tục đi về huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Hôm ấy, khoảng nửa đêm, Phân đội Trinh sát đã tới làng Đông Hồ xã Quảng Thái. Du kích xã bố trí cho chúng tôi ở những căn hầm bí mật, kín khuất. Tối hôm sau, tôi trực tiếp gặp và làm việc với lãnh đạo huyện Quảng Điền và đã được đồng chí Trần Hữu Nam, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết:
- Giai đoạn hiện nay, huyện Quảng Điền khó khăn không kém huyện Phong Điền, nhưng chúng tôi thuận lợi hơn là có chỗ dựa ở phá Tam Giang. Nơi đây quân ta có thể lên thuyền xuống nước hòa vào cư dân chài lưới. Lực lượng du kích và cơ sở cách mạng ở Quảng Điền còn trụ vững được ở nhiều nơi, mặc dù kẻ địch chà đi xát lại...
Phó Bí thư Trần Hữu Nam đưa ra một số ví dụ rổi nói tiếp:
- Huyện Quảng Điền nhất định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và làm hết sức mình để cùng Phân đội Trinh sát Trung đoàn 1 hoàn thành nhiệm vụ - đồng chí Phó bí thư huyện ủy Quảng Điền khẳng định.
2
Trong hai ngày nằm lại làng Đông Hồ xã Quảng Thái huyện Quảng Điền, tôi đã dành thời gian xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng và tổ chức hoạt động của Phân đội Trinh sát trong những ngày sắp tới.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, tôi quyết định tổ chức Phân đội Trinh sát thành 3 tổ và chọn làng Cao Bang, xã Phong Nhiêu (nay là xã Phong Hiền) huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên để bố trí tổ trinh sát trung tâm. Bộ phận này gồm: Trinh sát viên Nguyễn Xuân Nhâm, Hoàng Văn Kiệm, y tá Trần Tử Bình và 2 chiến sĩ thông tin vô tuyến điện 2W- Bùi Ngọc Hành, Trần Xuân Quang do tôi trực tiếp chỉ huy. Tổ trinh sát thứ hai sẽ hoạt động ở thị trấn Sịa và khu vực An Xuân, Kim Đôi, Phò Nam Phe, Thụy Lập, Quảng Thái, huyện Quảng Điền gồm 2 đồng chí, do Bùi Công Nuôi chỉ huy cùng Nguyễn Văn Hiến đảm nhiệm. Tổ trinh sát thứ ba do đồng chí Đào Công Khoan chỉ huy cùng đồng chí Phan Văn Khai hoạt động ở làng Bao La, Xuân Tùy và khu vực dọc bờ Bắc sông Bồ chạy dài từ làng Niêm Phò đến giáp Cầu Kẽm.
Sau khi xây dựng xong kế hoạch bố trí lực lượng và tổ chức hoạt động, chúng tôi được các đồng chí du kích xã Quảng Thái dẫn đường về xã Phong Nhiêu, huyện Phong Điền. Đêm hôm ấy, lực lượng trinh sát đã được các đồng chí du kích địa phương bố trí nơi ăn ở chu đáo và bí mật. Sau đó, tôi đã trao đổi những nội dung cần thiết với đồng chí Thân Ngọc Trung - Bí thư Chi bộ xã. Rất mừng là, bộ đội, du kích và lãnh đạo địa phương, cùng quán triệt sâu sắc nhiệm vụ: Bí mật, tìm cách tránh địch bảo toàn lực lượng để đánh địch; điều tra nắm địch và tìm mọi cách đưa được nhiều thương binh lên tuyến trên điều trị an toàn.
Các đồng chí lãnh đạo xã Phong Nhiêu rất phấn khởi, tin tưởng khi bộ đội chủ lực về nằm vùng tham gia chiến đấu. Tối hôm sau, du kích xã Phong Nhiêu dẫn đường đưa Tổ Trinh sát do Bùi Công Nuôi phụ trách đến được địa bàn khu vực Sịa, bắt liên lạc được với cơ sở của ta trong lòng địch. Cũng cùng thời điểm đó, Tổ Trinh sát của đồng chí Đào Công Khoan cũng tiếp cận được với cơ sở du kích của ta ở làng Bao La, phía bắc sông Bồ.
Tác gỉa ( bên phải hàng sau) về huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Thăm gia Đình Chị Cưu ( hai người ngồi ghế) - Cơ sở của ta năm 1968, Anh Thân Ngọc Trung Bí thư chi bộ xã Phong nhiêu năm 1968 (bên trái hàng sau). Ảnh chụp năm 2002 tại xã Phong Hiền huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Lúc bấy giờ địch đã bốc hầu hết dân xã Phong Nhiêu vào ấp Chiến lược nên tình hình rất khó khăn. Ở làng Cao Bang ,còn duy nhất gia đình chị Cưu cố bám trụ để tìm cách giúp đỡ du kich và bộ đội.
Tổ Trinh sát trung tâm của chúng tôi ở xã Phong Nhiêu được các đồng chí địa phương bố trí ở phân tán cùng du kích xã ở làng Cao Bang và Sơn Tùng. Tôi được sắp xếp ở chung hầm bí mật tại làng Cao Bang với đồng chí Khanh. Anh ấy bị địch bắt vào giữa năm 1967, bị giam ở nội thành Huế. Trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Khanh được bộ đội ta cứu ra khỏi nhà tù của giới cầm quyền Sài Gòn, rồi về bám trụ tại xã Phong Nhiêu.
Hai đồng chí thông tin Bùi Ngọc Hành và Trần Xuân Quang được sắp xếp riêng một hầm bí mật ở làng Sơn Tùng, cách làng Cao Bang gần một cây số để tiện cho công việc liên lạc. Các đồng chí Kiệm, Nhâm, y tá Bình cũng được sắp xếp ở chung hầm bí mật với anh chị em du kích ở làng Cao Bang.
Chỉ hơn một tuần lễ kể từ ngày rời trung đoàn ở vùng núi rừng Khe Mễ, Phân đội Trinh sát đã triển khai được lực lượng của mình trong lòng địch. Chúng tôi đóng quân phân tán, đảm bảo an toàn, bí mật ở đồng bằng Thừa Thiên. Bước đầu trinh sát đã phối hợp được với chính quyền và du kích địa phương, thực hiện suôn sẻ nhiệm vụ được trung đoàn giao cho.
Bức điện đầu tiên của chúng tôi được các chiến sĩ thông tin chuyển về báo cáo trung đoàn:
"Từ khi bộ đội chủ lực của ta rút khỏi đồng bằng Thừa Thiên, Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ chỉ xuất hiện trong các đợt hành quân, các trận càn quét lớn. Chúng tập trung dùng hỏa lực pháo binh, trực thăng vũ trang chi viện cho quân đội Sài Gòn liên tục càn quét bắt bớ, lùng sục, xăm hầm bí mật để tiêu diệt lực lượng của ta trong vùng.
Chiến thuật của địch là "Tát nước bắt cá", dồn dân vào ấp chiến lược. Chúng tìm mọi cách tiêu hao, tiêu diệt lực lượng bộ đội, du kích của ta ở cơ sở. Hầu hết dân các xã Phong Nhiêu, Phong Sơn, Phong Thu, Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa (Phong Điền) Quảng Hưng, Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền) đều bị địch dồn vào ấp chiến lược.
Các làng xóm ở các xã trên đều là mục tiêu của pháo binh,trực thăng vũ trang, bộ binh địch tự do đánh phá, tiến công bất cứ lúc nào cả ban ngày và ban đêm. Thương binh của trung đoàn đang ở các làng xã, có sự lãnh đạo của cán bộ địa phương đã được chuyển một số rất ít lên tuyến trên. Nhiều đồng chí được nuôi giấu trong hầm bí mật. Khi bị lộ, có đồng chí đã chiến đấu quyết tử hy sinh anh dũng, có một số ít bị địch bắt.
Số đông thương binh còn lại phân tán ở cùng hầm bí mật với du kích địa phương. Có nhiều thương binh được nhân dân bí mật che chở, nuôi giấu trong hầm, trong nhà ở ngay trong vùng địch kiểm soát. Ta rất khó tiếp cận"...
Sau khi nhận được báo cáo ,Tham mưu trưởng Trung đoàn chỉ thị: "Phân đội Trinh sát tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đươc giao".
Chấp hành chỉ thị, tôi đã khẩn trương liên hệ với các xã trong cả hai huyện Phong Điền, Quảng Điền để tìm kiếm, nắm chắc thương binh nằm rải rác trong dân và trong các đơn vị du kích địa phương. Đồng thời tìm mọi cách cùng địa phương tổ chức đưa thương binh lên núi.
Nhóm thương binh đầu tiên gồm bảy đồng chí được chúng tôi bàn giao cho đồng chí Trần Đức Lượng, Trợ lý Tác chiến Trung đoàn đưa từ xã Phong Chương về đơn vị an toàn. Cũng trong dịp ấy, chúng tôi biết sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ đã đổ quân lên vùng động Khe Mễ, đã và đang tổ chức các cuộc hành quân nhỏ để tiếp tục thực hiện chiến thuật "Tìm diệt" của chúng. Nhiều đơn vị của Trung đoàn 1 đã chạm trán với lực lượng này.
Đại tá Trần Đức Lượng (bên trái). Người nhận và đưa nhóm thương binh đầu tiên ở đồng bằng Thừa Thiên lên miền Tây hồi tháng 6-1968. Ảnh chụp lưu niêm cùng tác giả tại (Quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh ) năm 2017.
Tôi cũng nhận được một tin buồn: Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 3 - Vũ Hải Hồng, người cùng quê đã ngã xuống trong trận đánh không cân sức với lực lượng kỵ binh bay của Mỹ trên đồi Yên Ngựa ở Động Khe Mễ, phía tây huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Nhận được tin Vũ Hải Hồng hy sinh, tim tôi đau nhói. Thế là tôi lại mất thêm một đồng đội thân thương nữa rồi...
Thời điểm ấy, Đại đội của Vũ Hải Hồng chỉ còn lại 10 tay súng. Trong một trận đánh, anh đã trực tiếp dùng trung liên bắn chặn bộ binh địch. Chính trị viên Đại đội Lê Sỹ Thái dùng AK bắn máy bay trực thăng quần đảo trên các tán cây rừng. Không may một trái lựu đạn Mỹ từ chiếc máy bay trực thăng vũ trang thả xuống nơi anh Hồng đang chặn địch, Vũ Hải Hồng đã anh dũng hy sinh ngày 07-6-1968. Trải qua rất nhiều trận đánh gan dạ, mưu trí, anh Hồng thật xứng đáng phẩm chất của một người anh hùng.
Nhập ngũ cùng nhau, Hồng với tôi cùng đơn vị và thành đôi bạn thân trong chiến trường miền Nam. Tuy ở hai vị trí khác nhau nhưng cùng đội hình chiến đấu trong một trung đoàn. Chúng tôi quý nhau như thể anh em, thường vẫn gửi cho nhau khi bao thuốc, hộp thịt, khi bánh lương khô. Từ đầu năm 1968 đến nay chiến trường đồng bằng Thừa Thiên rất ác liệt, hai anh em chúng tôi mỗi người chiến đấu mỗi ngả, không gặp nhau được lần nào.
Anh Hồng hy sinh rồi, tôi thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Anh Lê Sỹ Thái, Chính trị viên đại đội đã cùng anh em bám địch bảy ngày mới tìm được thi thể anh Hồng. Đồng đội an táng anh ở một căn hầm trú ẩn trên đồi Yên Ngựa động Khe Mễ với niềm xót thương như cắt da, cắt thịt. Tôi như chết lặng trước sự ra đi của một người bạn đồng hương, một người đồng đội yêu quý. Anh Hồng hơn tôi vài tuổi lúc nhập ngũ, cũng chưa có người yêu. Từng ấy năm chiến trường cũng rất ít nhận được thư nhà. Như vậy là anh đã lặng lẽ nằm xuống trong cánh rừng xa thẳm trên đất Trị Thiên khói lửa.
3
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đưa thương binh lên miền tây, trinh sát chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Bởi vì địa hình đồng bằng trống trải, địch càn quét liên tục, buộc trinh sát phải hoạt động vào ban đêm, mà lực lượng lại rất mỏng. Tuy vậy, có sự phối, kết hợp của cán bộ ở các cơ sở thôn, xã và trinh sát ta có quyết tâm cao cho nên công việc dần dần đi vào nề nếp. Ai cũng mong muốn đưa được nhiều thương binh lên núi.
Bằng các biện pháp linh hoạt, đồng thời biết dựa vào địa phương nên các nhóm trinh sát của chúng tôi lần lượt nắm được số thương binh ở các xã có lãnh đạo, có du kích của ta và ở một số nơi tranh tối, tranh sáng. Có những xã chúng tôi chỉ nắm được số lượng thương binh qua lãnh đạo địa phương mà không có điều kiện tiếp cận trực tiếp. Vì vậy tôi đã bàn bạc thống nhất và thông báo với cán bộ lãnh đạo địa phương:
Trung đoàn 1 và Quân khu Trị Thiên đã bố trí các trạm tiếp nhận thương binh ở tuyến giáp ranh từ khu vực động Khe Mễ đến dốc Ồ. Cho nên khi có thời cơ, nhờ các đồng chí lãnh đạo ở từng địa phương chủ động bố trí thương binh nhỏ lẻ đi cùng với các đoàn cán bộ lên công tác ở miền tây tỉnh Thừa Thiên. Tổ chức như vậy, vừa đảm bảo có giao liên dẫn đường vừa được bảo vệ chu đáo và đưa được thương binh lên miền Tây nhiều hơn.
.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Kiều - trợ lý Hậu cần Trung Đoàn 1 năm 1968 (bên trái),là một trong hai người của đội phẫu thu dung Trung đoàn 1 ở đồng bằng Thừa Thiên còn lại sau trận đánh phá ác liệt của địch ở khu vực Tràm Ngang, thôn Nam Giảng xã Quảng Thái huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên hổi tháng 6 năm 1968. Nguyễn Xuân Kiều chụp ảnh Lưu niệm cùng tác giả tại Hà Nội năm 2017.
Vào giữa tháng 6 năm 1968, chúng tôi được tin, Đội phẫu dã chiến của Trung đoàn đã bị địch phát hiện ở khu vực Tràm Ngang - Nam Giảng xã Quảng Thái Huyện Quảng Điền. Theo các đồng chí địa phương kể lại: Sau khi phát hiện được lực lượng ta ở Tràm Ngang, địch đã dùng trực thăng quây chụp, đánh phá rất ác liệt trong nhiều giờ. Anh em trong đội phẫu chiến đấu rất dũng cảm và hầu hết đã anh dũng hy sinh, chỉ còn sống sót hai người, trong đó có anh Nguyễn Xuân Kiều, Trợ lý Hậu cần Trung đoàn. Anh Kiều sau này là Đại tá công tác ở Ban Cơ yếu Chính phủ, nay đã nghỉ hưu, sống cùng gia đình tại phường Kim Giang quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội. Chúng tôi vô cùng xót xa và thật đáng tiếc là Phân đội Trinh sát chúng tôi chưa kịp bắt liên lạc và đã không cứu được Đội phẫu dã chiến của trung đoàn.
4
Hoạt động trong lòng địch ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên tuy thầm lặng, nhưng thực ra lại rất, khẩn trương và vô cùng ác liệt. Trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, trinh sát chúng tôi đã cùng du kích các địa phương vừa đánh địch vừa bố trí kết hợp đưa được trên 50 thương binh đi cùng các đoàn công tác băng qua vùng địch kiểm soát lên tuyến trên điều trị. Thời gian ấy, chúng tôi vừa liên hệ với các cơ sở địa phương tìm kiếm thương binh đang nằm rải rác trong dân vừa tiến hành điều tra các đồn bốt của địch ở Cầu Kẽm, Nam Dương, Phò Trạch và đồn Sịa. Đồng thời luôn bám sát cơ sở để nắm chắc tình hình địch đóng giữ ở khu vực Đồng Lâm, Huế, Hiệp Khánh, Tứ Hạ... thường xuyên báo cáo về trung đoàn.
Kẻ địch biết thương binh ta vẫn còn nằm lại trong địa bàn 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền. Chúng tổ chức càn quét, vây ráp, lùng sục, xăm hầm, truy tìm đẩy, đuổi, diệt thương binh ta bằng bất cứ giá nào. Một số hầm bí mật cất giấu thương binh bị lộ. Nhiều chiến sĩ ta đã dùng lựu đạn xông lên đánh địch và anh dũng hy sinh.
Phân đội Trinh sát có mười người, lấy nhiệm vụ đưa đón thương binh là chính. Nhưng việc nắm địch và đánh địch cũng quan trọng không kém. Bởi vì nếu không đánh địch chúng sẽ rảnh tay tìm diệt lực lượng ta, rất nguy hiểm. Thời gian ấy, các tổ trinh sát đã cùng du kích phục kích, tập kích nhỏ vào bọn lính tuần tra trên đường, hoặc bọn địch càn quét vào trong làng, có trận chúng tôi đánh mìn lật xe của chúng.
Một hôm, trinh sát ta cùng du kich là xã Phong nhiêu gài một bãi mìn ở đầu làng Cao Bang, chúng tôi cho anh em chuẩn bị một lối đi an toàn riêng cho mình qua bãi mìn. Sáng hôm sau, khoảng một đại đội quân đội Sài Gòn, có cả lính Thiên Nga (nữ) đi cùng vào làng Cao Bang càn quét, chúng hò hét rất to. Lực lượng của ta đã chờ địch ở trước bãi mìn. Khi chúng vào đến đầu làng, ta đồng loạt nổ súng diệt một số tên rồi rút qua bãi mìn theo đường đã chuẩn bị sẵn. Bọn địch lập tức đuổi theo, vướng bãi mìn của ta nhiều tên chết và bị thương. Trong lúc đó lực lượng ta an toàn và đã yên tâm ngồi dưới hầm bí mật.
Do lực lượng ít nên trinh sát ta chỉ có thể đánh địch ở quy mô nhỏ. Tiêu diệt, tiêu hao lực lượng của chúng không nhiều. Chúng tôi suy nghĩ, cần tổ chức một trận đánh tập kích vào đơn vị cấp trung đội địch. Như vậy mới vượt ra khỏi cách đánh quy mô du kích. Đánh lớn một chút thì mới gây tiếng vang, mới xứng tầm cỡ bộ đội chủ lực và uy hiếp tinh thần của địch.
Chúng tôi nắm được tình hình địch ở vùng Sịa, bọn địa phương quân có khoảng một trung đội, thường vào những ngày cuối tuần, chúng để lại trong bốt vài tên gác. Số còn lại rủ nhau ra đồng bắt cá.
Bùi Công Nuôi nhóm trưởng cùng với Nguyễn Văn Hiến là hai tay súng giỏi. Họ là những chiến sĩ trinh sát cừ khôi được giao thực hiện nhiệm vụ đánh bọn lính địa phương này. Sau khi nhận nhiệm vụ, Nuôi và Hiến đóng giả người dân đi làm đồng. Hai người mang theo súng AK, khoác áo tơi chờ địch ở cánh đồng gần thị trấn Sịa. Nhưng đã hai tuần trôi qua mà bọn địa phương quân không ra ngoài nên hai anh về làng Cao Bang báo cáo và đề nghị tìm cách khác. Tôi nhận định tình hình và ra mệnh lệnh:
- Địch ăn đồ hộp cả tuần liền. Thể nào ngày một, ngày hai chúng cũng mò đi kiếm cá. Lúc đó ta sẽ thực hiện được kế hoạch, cần kiên nhẫn chờ cơ hội.
- Chúng tôi sẽ tìm cách hoàn thành nhiệm vụ - Nuôi và Hiến đều cùng thể hiện quyết tâm của mình.
Đúng vậy, vào một buổi chiều cuối tuần kế tiếp, các anh Nuôi và Hiến đóng giả làm dân đi bắt cá. Phát hiện được một trung đội bảo an của địch ở Bắc bến Sịa. Bọn chúng đang hò nhau bắt cá tại một hồ nhỏ đã cạn nước gần phá Tam Giang. Lúc đó, Bùi công Nuôi và Nguyễn Văn Hiến còn đang cách hồ nước ấy vài trăm mét, các anh tìm cách tiếp cận địch, đến cách chúng khoảng 30 mét, chiếm địa hình có lợi, bất ngờ nổ súng diệt tên cảnh giới rồi xả hai băng AK vào đội hình lố nhố, nhốn nháo, hoảng loạn đang ngoi ngóp dưới hồ. Chúng không còn cách nào trở tay chống đỡ.
Trận đánh diễn ra rất nhanh. Sau chừng hai phút nổ súng, Bùi Công Nuôi và Nguyễn Văn Hiến rút nhanh theo bờ Phá Tam Giang về bến Sịa, xuống một thuyền đánh cá của dân tránh địch. Nửa giờ sau cả một đại đội địch đến ứng cứu. Các anh đã yên trí ở trên một chiếc thuyền chài của dân lướt nhẹ trên phá Tam Giang mênh mông. Mãi đến khuya các bác dân chài mới chở Nuôi và Hiến quay lại bờ để về cơ sở của mình ở một làng nhỏ gần thị trấn Sịa. Các anh lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới của mình.
Bọn địch đến ứng cứu chỉ còn cách vớt những xác chết và những tên bị thương lên khỏi hồ nước. Hôm ấy, trung đội lính bảo an Sài Gòn chết và bi thương rất nhiều, bọn còn lại rất hoang mang. Chúng không hiểu bộ đội ta xuất quỷ nhập thần kiểu gì mà bất ngờ diệt cả trung đội bảo an, khiến chúng không kịp trở tay.
Tin bọn địch bị đánh loan truyền đi rất nhanh. Bà con rỉ tai nhau bộ đội đằng mình đâu có rút hết lên rừng như quân đội Sài Gòn tuyên truyền. Có bộ đội chủ lực, bộ đội Giải phóng ở lại đồng bằng mới đánh được như vậy chứ!
5
Thời gian ấy, kẻ địch liên tục tổ chức các cuộc càn quét vào các xã ở huyện Phong Điền. Riêng xã Phong Nhiêu địch tập trung càn quét ráo riết nhất. Thủ đoạn của chúng là bao vây chốt, chặn mọi ngả đường. Dùng trực thăng vũ trang kiểm soát từ trên cao. Ở dưới mặt đất, chúng sử dụng chó béc giê đánh hơi và thường dùng thuốn sắt săm soi tìm hầm bí mật.
Có điều lạ là địch phát hiện được rất nhiều hầm bí mật ở xã Phong Nhiêu. Sau ta mới biết lính Sài Gòn rất gian ngoan, xảo quyệt. Chúng đã dùng gián điệp cài cắm, chỉ điểm những nơi có hầm bí mật, nhằm chống phá ta từ bên trong.
Gần hết số hầm bí mật cũ ở Phong Nhiêu bị chó béc giê đánh hơi và lính địch dùng thuốn sắt dài xăm trúng. Nhiều đồng chí cán bộ, du kích ta khi hầm bí mật bị lộ đã dùng lựu đạn, rồi dùng súng bộ binh đánh trả quân địch đến hơi thở cuối cùng. Trước khi hy sinh, các đồng chí của ta đã gây cho địch không ít thương vong. Có một số ít thương binh, du kích chưa kịp nổ súng thì bị địch bắt.
Chỉ trong hơn 10 ngày đầu tháng 7 năm 1968, chúng ta bị thương vong, tổn thất quá nhiều. Theo các đồng chí địa phương cho biết: Riêng xã Phong Nhiêu đã có tới gần 30 du kích, bộ đội địa phương, cán bộ cơ sở hy sinh và bị bắt trong những trận càn quét đẫm máu của địch.
Ở xã Phong Nhiêu, tôi vẫn tránh địch cùng chung hầm bí mật với Khanh, một cán bộ cơ sở. Những ngày đầu hoạt động trong vùng địch hậu tuy xa đơn vị, nhưng có cán bộ của địa phương bên cạnh, tôi thấy vững tâm. Nhưng trong những ngày vừa qua, nhiều lần địch càn quét ở làng Cao Bang, Sơn Tùng. Tôi nhận thấy Khanh xuống hầm chậm chạp và khi địch vừa rút, Khanh lại bật lên, ra khỏi hầm rất sớm. Thấy vậy, tôi hỏi Khanh:
- Tại sao anh lại phải mạo hiểm như vậy?
- Như vậy mới theo dõi được địch anh Mai ạ!- Khanh đáp lại.
Tôi đã thấy có điều hơi khác lạ ở con người này. Tôi cảnh giác và lục lại trí nhớ. Mấy ngày trước, quá nhiều đồng đội hy sinh khiến tôi đau đớn, xót xa. Thái độ của Khanh cũng cố tỏ ra đau đớn nhưng linh tính của tôi thấy Khanh gờn gợn điều gì mơ hồ, khó hiểu... Tôi cảm nhận thấy có điều gì đó không ổn!
Hai ngày sau, tôi đã bí mật gặp riêng anh Thân Ngọc Trung - Bí thư Chi bộ xã Phong Nhiêu để phản ánh hiện tượng này. Anh Trung nói nhỏ với tôi: Ta sẽ bí mật cho cơ sở ta ở trong nội thành Huế xác minh cụ thể rồi sẽ xử lý. Bây giờ chúng ta cần bí mật theo dõi, giám sát Khanh thận trọng hơn.
Những tổn thất nặng nề, đau xót ở Phong Nhiêu, chưa kịp nguôi ngoai. Ngày 21 tháng 7 năm 1968 địch lại huy động một cuộc càn quét lùng sục mới không kém phần hung hãn ở làng Sơn Tùng, chỉ cách vị trí hầm bí mật của tôi và Khanh chưa đầy 1 cây số. Vẫn ngón đòn càn quét, lùng sục cũ nhưng lần này chúng ập đến nhanh hơn và hành động cũng chớp nhoáng hơn, bất ngờ dữ dội hơn để chúng ta không kịp trở tay. Hôm ấy, hầm bí mật của hai chiến sĩ thông tin Bùi Ngọc Hành và Trần Xuân Quang của Phân đội Trinh sát bị địch xăm trúng. Biết không thể thoát được bàn tay, họng súng địch, cả hai anh đã chọn phương án quyết tử hy sinh để giữ bí mật cho nhiệm vụ trinh sát.
Theo nhân dân và anh em du kích kể lại: Địch khui bật nóc hầm. Chúng chưa kịp gọi hàng, dụ ra chiêu hồi, một đồng chí đã tung lựu đạn vào đội hình địch rồi vọt lên khỏi hầm, dùng AK quét trọn băng. Nhiều tên địch chết và bị thương. Quân địch nháo nhác chống trả. Chúng ỷ thế vào số đông, hỏa lực mạnh để khống chế anh chiến sĩ thông tin đơn phương độc mã. Một mình anh đương đầu với số đông kẻ thù. Cuộc chiến không cân sức diễn ra không được lâu...
Trước khi hy sinh, người chiến sĩ ấy đã kìm chân địch được trong một thời gian ngắn. Thời gian ấy đủ cho người đồng đội dưới hầm đốt hết mọi tài liệu, mật mã và phá hủy chiếc máy thông tin vô tuyến điện 2W vũ khí lợi hại của các anh. Người chiến sĩ thông tin còn lại cuối cùng trong căn hầm bí mật ấy cũng đã hy sinh anh dũng. Anh đã không để lọt vào tay địch phương tiện và tài liệu của mình. Đêm xuống, địch rút. Trinh sát và du kích tìm đến căn hầm bí mật của hai chiến sĩ thông tin -. Thi thể các anh bị găm quá nhiều vết đạn. Chắc các anh hy sinh rồi, kẻ địch vẫn chưa dám đến gần. Chúng còn tiếp tục xả đạn, găm vào thi thể hai người chiến sĩ anh hùng. Mọi người nhận thấy chiến sĩ thông tin Trần Xuân Quang hy sinh trong hầm bí mật có nhiều vết đạn địch bắn vào nhưng không thấy có vết máu chảy. Có thể người đồng đội này đã hy sinh trước khi bọn địch đến xả súng vào hầm. Rất có thể anh hy sinh trong lúc phá hủy máy thông tin vô tuyến điện 2W. Hoặc anh chết ngạt do khói khi đốt cháy hết tài liệu trong căn hầm bí mật. (Như vậy Bùi Ngọc Hành là người đẩy nóc hầm bí mật, tung lựu đạn rồi xông lên chặn địch đến hơi thở cuối cùng).
Tôi cùng anh em trinh sát kính cẩn nghiêng mình trước anh linh hai người đồng đội. Các anh đã lựa chọn cách hy sinh thật kính phục, thật trọn nghĩa vẹn tình với nhiệm vụ và những người đồng đội của mình trong vùng đồng bằng Thừa Thiên vô cùng ác liệt sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Rõ ràng kẻ thù đã rất khiếp sợ nên chúng phải bắn xả đạn vào hai chiến sĩ của ta dù họ đã hy sinh.
Trong lúc giải quyết hậu quả trận càn, băng bó thương binh, an táng liệt sĩ tôi không còn nhìn thấy Khanh đâu nữa. Đến khuya, anh Trung - Bí thư Chi bộ xã Phong Nhiêu cùng tôi trao đổi một số công việc. Sau đó anh thông báo cho tôi biết:
- Cơ sở bí mật trong nội thành Huế báo ra, tên Khanh khi bị địch bắt, ở trong tù đã chiêu hồi. Anh ta viết giấy cam kết làm điệp viên cho địch. Trong lúc thất thủ, dịp Tết Mậu Thân 1968, địch đã cài cắm Khanh lại trong nhà tù, đợi chúng ta đánh vào, giải phóng tù binh. Nhờ vậy Khanh có được cái vỏ bọc một cán bộ cách mạng trung kiên, được bộ đội Giải phóng cứu ra khỏi nhà lao Huế trong dịp Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Anh Trung tiếp tục lên án với giọng uất hận:
- Khanh là kẻ phản bội nhục nhã, là đứa chiêu hồi hèn nhát, là tên gián điệp lợi hại của kẻ địch cài cắm vào nội bộ chống phá ta. Hắn đã gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề. Trong số gần 50 cán bộ, bộ đội, du kích ở xã Phong Nhiêu, Phong Hiền hy sinh và bị địch bắt, rõ ràng có bàn tay tội ác của tên phản bội này. Tên Khanh đã bị lực lượng an ninh của ta bắt giữ giải đi sau trận càn của địch chiều nay rồi.
Tôi lặng người bởi mình đã ở chung hầm bí mật cả tháng trời với một tên điệp viên của địch cài cắm vào đội ngũ của chúng tôi. Thật là nguy hiểm! Nếu tổ chức của ta không kịp thời, chắc chắn tôi cũng bị tên Khanh nộp mạng cho kẻ địch trong một trận càn nào đó.
Anh Trung nhận xét:
- Cũng chính vì chung hầm bí mật với tên Khanh mà anh Mai thoát nạn trong trận càn lần trước đấy. Hắn chưa muốn nộp mạng một cán bộ quan trọng cho địch vội vì còn muốn dựa vào anh để có điều kiện gây thêm tội ác. Khi có thời cơ thuận lợi, chắc chắn nó cũng sẽ không để cho đồng chí được sống đâu.
Chuyện đau lòng này giúp tôi nhận thức rõ hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến đấu quyết liệt, sống còn ở đồng bằng Thừa Thiên trong thời kỳ sau Tết Mậu Thân. Bài học phải cảnh giác, tỉnh táo là vô cùng cần thiết đối với các chiến sĩ trinh sát nằm vùng. Chúng tôi không được phép sao nhãng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chiều đến, lẽ ra như thường lệ, tôi ngồi viết điện đưa cho hai chiến sĩ thông tin báo cáo tình hình về trung đoàn. Nhưng nay phải bó tay vì các anh ấy đã hy sinh. Từ đây, Phân đội Trinh sát của tôi không còn phương tiện vô tuyến điện để liên lạc với trung đoàn nữa.
Tất cả mọi báo cáo và nhận chỉ thị từ trung đoàn bây giờ trở đi chúng tôi phải bằng con đường giao liên của địa phương. Tôi biết khả năng hoàn toàn mất liên lạc với trung đoàn có thể xảy ra trong những ngày sắp tới. Một thách thức mới lại đến với lực lượng trinh sát Trung đoàn 1 làm nhiệm vụ đặc biệt ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên.
Phần mộ hai chiến sĩ thông tin Bùi Ngọc Hành và Trần Xuân Quang, được mai táng trên bãi cát rộng ngay sát phía đông làng Sơn Tùng. Đồng đội đã kịp đắp mộ cát, thắp hương và nói lời từ biệt xót thương vô hạn. Các anh nằm lại nơi này nhé, có gió lộng vùng duyên hải miền Trung ru giấc ngủ các anh ngàn năm.
Còn lại vài giờ nữa trời mới hửng sáng. Tôi không thể nào chợp mắt ngủ được. Cảm giác trĩu nặng cứ lơ lửng trong tôi. Còn bao nhiêu thử thách lớn lao khác đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước...
So với tổn thất của địch thì thương vong của chúng tôi như thế không phải là nhiều. Nhưng với lực lượng trinh sát găm xuống đồng bằng hiếm hoi, lại trụ được sau gần hai tháng thì đó là tổn thất vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp nổi. Tôi đã viết nhiều báo cáo về tình hình đưa đón thương binh lên núi; tình hình địch ở đồng bằng Thừa Thiên; kết quả những trận đánh nhỏ của ta. Tôi đã đề xuất đơn vị tăng cường nhân lực thông tin thay thế hai đồng chí đã hy sinh. Các đồng chí giao liên của huyện Phong Điền, Quảng Điền nhận báo cáo chuyển đi bao nhiêu lần thì cũng bấy nhiêu lượt không có hồi âm. Chắc đường dây giao liên đã không thể tới được Trung đoàn 1 của chúng tôi! Mọi liên lạc với trung đoàn đều bị cắt đứt. Trinh sát xuống đồng bằng lại nằm trong thế bao vây của địch. Tôi thấy thấp thoáng sự cô đơn, trống vắng và lo lắng. Chiến trường vào lúc này sao cam go quyết liệt thế! Có lúc tôi đã nghĩ đến việc tự quyết định đưa anh em trinh sát còn lại lên miền tây để bảo toàn lực lượng rồi nhận kỷ luật trước các thủ trưởng trung đoàn.
Nhưng còn nhiều thương binh đang cần chúng tôi, lãnh đạo cơ sở và nhân dân đồng bằng Thừa Thiên lúc này cũng đang rất cần chúng tôi. Vì vậy Phân đội Trinh sát không thể tự động rút quân lên núi. Chúng tôi vẫn cố bám trụ trong lòng địch để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đang còn ở phía trước. Trên hết, nhiệm vụ các thủ trưởng trung đoàn giao cho trước lúc quay lại đồng bằng, vẫn là mệnh lệnh duy nhất, không thể thay đổi đối với chúng tôi.
Lúc bấy giờ, lực lượng trinh sát Trung đoàn 1 chỉ còn lại 8 người, nhưng vẫn chia nhỏ thành ba nhóm, bám trụ ở các hầm bí mật tự đào tại các làng, xóm địch đã bốc hết dân vào ấp chiến lược, hoặc bám trụ trong dân ở những vùng tranh tối tranh sáng. Kể từ đầu tháng 8 năm 1968, một sự thận trọng cần thiết được đặt ra để bảo toàn lực lượng trinh sát ở trong vùng địch. Đó là: Đào hầm bí mật dự phòng ở nhiều nơi, tuyệt đối giữ bí mật và nêu cao cảnh giác trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Vào một buổi tối cuối tháng 7 năm 1968, anh Thân Ngọc Trung - Bí thư xã Phong Nhiêu đưa đến làng Cao Bang gửi Phân đội Trinh sát - một cháu gái tên là Hoài Thu, người trong nội thành Huế mới ra. Được ở với bộ đội Giải phóng, "cô bé 16 tuổi" tóc chấm ngang vai, mảnh mai, xinh xắn, dễ thương tỏ ra rất thích thú.
Ba má Hoài Thu hoạt động bí mật ở nội thành Huế, do cơ sở cách mạng của ta bị lộ, nên đã bị địch bắt...Trước khi địch bắt, ba má dặn Thu cố gắng đi tìm và theo bộ đội Giải phóng... Vào dịp Tết Mậu Thân (tháng 2 năm 1968) nghe theo lời dặn của ba má, Hoài Thu đã đi theo bộ đội Giải phóng và đã được học một lớp y tá ngắn ngày, rồi được quay về đồng bằng huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để phục vụ chiến đấu. Tuy vậy Hoài Thu còn chưa hiểu nhiều về quân Giải phóng, có lần tôi hỏi vui Hoài Thu:
- Thế cháu thích ai nhất?
- Cháu thích nhất bộ đội Giải phóng - Hoài Thu hồn nhiên trả lời.
- Thế cháu ghét ai nhất?- Tôi hỏi tiếp.
- Cháu ghét nhất là Việt cộng và lính quốc gia - Hoài Thu trả lời tiêp.
- Các chú là Việt cộng đấy! - Tôi nói.
Hoài Thu tròn mắt ngạc nhiên. Mọi người chúng tôi đều cười.
- Cháu nhầm to rồi! Những người đi đánh Mỹ, đánh lính quốc gia Giải phóng miền Nam là bộ đội Giải phóng mình đây đều bị giặc gọi là Việt cộng, kể cả ba má cháu là cán bộ cách mạng cũng bị chúng gọi là Việt cộng đấy - Tôi giảng giải (chắc trước đó chưa ai giải thích kỹ cho Thu về chuyện này)
- Ủa, bộ đội Giải phóng là Việt cộng. Cán bộ cách mạng là Việt cộng. Thế mà... . Ở Huế, cháu được nghe nhiều chuyện về "Việt cộng"- sợ lắm, cháu cứ tưởng - Hoài Thu thốt lên - xin lỗi các chú, cháu nhầm!
Hoài Thu có giọng ca Huế rất hay, thỉnh thoảng lại se sẽ ca giọng hò Mái nhì, giọng Lý Mười thương cho chúng tôi nghe.
Tôi nói với Hoài Thu:
- Nếu sau này được ra Bắc, cháu nên đi học ở Trường Văn nghệ Quân đội. Khi nào trở về cháu hát cho các chú nghe nhé.
- Cháu cảm ơn các chú bộ đội Giải phóng - Hoài Thu thích thú đáp lời.
- Cháu phải cảm ơn Việt cộng, đúng không - Tôi nói vui.
Hoài Thu mang theo một chiếc Radio nhỏ xíu. Pin để lâu ngày còn rất yếu. Anh em trinh sát cố dò tìm sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Chiếc đài chỉ ọ ẹ, sột soạt. Chúng tôi cố tìm một đoạn dây điện nhỏ, nối dài với cần ăng ten. Thật kỳ diệu, chiếc đài nhỏ bỗng cất lên tiếng nói chỉ vừa đủ nghe... Rồi một bài thơ vang lên:
"Hoan hô anh Giải phóng quân ! Kính chào Anh con người đẹp nhất Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất Sống hiên ngang bất khuất trên đời Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu hỡi chàng dũng sĩ! Cả năm châu chân lý đang nhìn theo Bóng Anh đi và vành mũ tai bèo Của anh đó! Ơi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh Mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả lầu Năm góc"...
(Bài ca Xuân 68 - Tố Hữu)
Anh em chúng tôi cùng lặng đi trong xúc động, pha chút tự hào... Ôi tiếng nói Việt Nam! Tiếng nói thân thương vang lên từ Thủ đô Hà Nội vọng tới, nơi chúng tôi đang bám đất, bám dân đối mặt ngày đêm với kẻ thù trên miền đất lửa Thừa Thiên. Thật đáng tiếc, tiếng phát ra từ chiếc đài nhỏ dần, nhỏ dần... vì pin đã cạn.
Phân đội Trinh sát bí mật trụ lại đồng bằng Thừa Thiên lúc bấy giờ vẫn chủ yếu hoạt động vào ban đêm, cố tìm mọi cách lần ra các đầu mối đồng bào, đồng chí đang bí mật nuôi giấu thương binh. Khi tìm được thương binh, trinh sát chúng tôi lại liên hệ gửi các đồng chí lãnh đạo cơ sở địa phương, bố trí kết hợp đưa thương binh lên miền tây cùng đoàn với các đồng chí du kích và cán bộ địa phương lên "Cứ" (nơi trú quân bí mật của lực lượng địa phương) ở miền tây công tác.
Thời gian này, quân đội Sài Gòn tiếp tục tổ chức càn quét liên miên. Ban ngày trinh sát tránh địch trong hầm bí mật, tối không còn rõ mặt người, mới đội nắp hầm lên làm nhiệm vụ suốt đêm. Có đồng chí cả tháng, có khi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Thời gian ấy, tôi, Hiến và anh Nguyễn Xuân Nhâm ở chung 1 hầm bí mật ở làng Cao Bang. Tôi nhớ lại, một lần anh Nhâm có cái nhọt to ở sau bàn tay trái (ta thường gọi là mụn càng cua) đau lắm. Lúc bấy giờ, thuốc kháng sinh thiếu, cho nên mụn càng cua ở bàn tay anh Nhâm cứ to dần lên rồi vỡ ra và nhiễm trùng. Những ngày ấy, địch lại tổ chức càn quét, lùng sục liên tục khu vực có căn hầm bí mật của chúng tôi. Ở chung hầm với anh Nhâm, mấy anh em cũng phải hít thở mùi tanh, mùi hôi thối suốt ngày rất khó chịu, nhưng chẳng có cách nào khác. Rất may, thời gian căng thẳng ấy chỉ kéo dài khoảng ba, bốn ngày, sau khi chiếc nhọt của anh Nhâm dần dần tự khỏi, ba anh em thở phào nhẹ nhõm. Lúc bấy giờ, để có thể ở được dưới hầm bí mật suốt ngày, anh em trinh sát chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ cơm để ăn, nước để uống và chai, hộp tuí ni lông dùng vào việc đi vệ sinh tại hầm, miễn sao giữ được bí mật. Riêng việc đi đại tiện, anh em chúng tôi phải luyện tập "cố nhịn" để đi vào ban đêm, hoặc đánh liều lên khỏi hầm bí mật, khi ở những nơi kín khuất, trường hợp đặc biệt, đành phải dùng tấm vải dù che cho nhau ở góc hầm - đi vào hộp rồi bỏ vào túi ny lông buộc kín lại.
Tình hình đồng bằng Thừa Thiên ngày càng khó khăn và rất ác liệt hơn nhưng bộ đội ta còn trụ bám, nên cán bộ và nhân dân địa phương vẫn vững tin. Thời gian này, Phân đội Trinh sát Trung đoàn 1 trụ lại đồng bằng, thật sự là chỗ dựa tinh thần cho lực lượng địa phương đánh địch và xây dựng cơ sở ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Biết lực lượng ta ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên vẫn còn, kẻ địch tăng cường đánh phá và chúng đẩy mạnh việc tuyên truyền chống phá Cách mạng. Hệ thống đài phát thanh của địch đêm ngày ra rả đề cao liên quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chúng dùng loa phóng thanh, (loa nén công suất lớn), oang oang ở khắp các làng mạc, ấp chiến lược ,xuyên tạc, nói xấu bộ đội ta. Chúng cũng không ngớt kêu gọi chiêu hồi, dụ dỗ bộ đội, cán bộ, du kích ta ra đầu hàng. Chúng tìm mọi cách khai thác tin tức, khoét sâu chỗ yếu của ta nhằm lay chuyển niềm tin, lung lay tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong vùng.
6
Một đêm giữa tháng 8 năm 1968, tôi và Kiệm rời xã Phong Nhiêu đến kiểm tra thực tế và điều chỉnh phương án đánh địch, nắm địch, đón đưa thương binh lên núi của các nhóm trinh sát. Tối khuya, chúng tôi mới gặp được nhóm trưởng trinh sát Đào Công Khoan ở làng Bao La. Sau khi nắm tình hình, chúng tôi đã trao đổi và đã thống nhất với nhau : Để bảo toàn lực lượng, ta phải dựa vào địa phương và nhân dân. Nhưng ta phải chủ động tự đào hầm bí mật riêng cho mình để xử lý các tình huống ngoài dự kiến. Bởi vì cuộc chiến này quá khốc liệt và khó lường, một số ít cán bộ, du kích, bộ đội địa phương của ta dao động, hoang mang, đầu hàng địch. Tình huống đó có thể sẽ xẩy ra. Hiện nay liên lạc với trung đoàn tạm thời bị gián đoạn. Chúng ta đang độc lập làm nhiệm vụ. Mọi người phải xác định quyết tâm thật tốt để cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngày hôm sau, tôi ở lại làng Bao La trong một căn hầm bí mật với anh em du kích. Vào mùa mưa hầm ướt át, ẩm mốc nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ hơi ấm của nghĩa tình đồng đội ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Trời vừa tối, tôi và Kiệm lại rời làng Bao La về đến làng Thụy Lập xã Quảng Hưng vào lúc nửa đêm. Trao đổi tình hình với đồng chí Hiến trinh sát viên và cán bộ cơ sở xong, đồng chí Thu nữ du kích xã dẫn ba chúng tôi đến nơi nghỉ đêm và nhận hầm bí mật.
Cố chợp mắt chốc lát. Khoảng bốn rưỡi sáng, một đồng chí du kích đến báo, địch đã bao vây làng Thụy Lập. Cả ba trinh sát bật dậy xách súng AK, vọt ra phía rìa làng. Lợi dụng gồ đất, chúng tôi nằm xuống quan sát. Ở bãi cát phía tây làng Thụy Lập, chừng 200 mét lố nhố rất nhiều tên địch đang dàn đội hình. Đúng là địch sắp đánh vào làng Thụy Lập rồi. Nữ du kích Thu bò lại gần tôi thì thầm:
- Chúng đông lắm. Ta phải rút xuống hầm bí mật thôi.
Theo sự hướng dẫn của nữ du kích Thu, các chiến sĩ trinh sát quay trở lại phía hầm bí mật. Gần tới nơi, chúng tôi nhận ra khu vực có hầm bí mật đã bị địch chiếm. Nữ du kích Thu nói dứt khoát như ra lệnh:
- Theo phương án hai, cơ động sang bên xã Quảng Thái.
Chúng tôi chẳng còn cách nào khác nên đành "chấp hành mệnh lệnh" của o du kích trẻ tuổi xã Quảng Hưng. Theo du kích dẫn đường, chúng tôi rút về phía bắc làng Thụy Lập. Chạm chân tới rìa làng, chúng tôi nhìn sang thôn Cổ Tháp, phía trước là bãi đất trống. Nhiều du kích Thụy Lập cũng đang chạy về hướng đó. Ai cũng nghĩ sắp vượt khỏi vòng vây địch, qua được cơn nguy hiểm. Đột ngột, cùng lúc hai hỏa điểm đại liên địch từ Cổ Tháp đồng loạt bắn xối xả vào đội hình ta.
- Tất cả nằm xuống, tôi hô to.
Tôi nằm xuống ẩn nấp sau một mô đất. Nhưng anh chị em du kích vẫn chạy về hướng xã Quảng Thái. Nhiều du kích bị đại liên địch bắn trúng ngã gục giữa bãi đất trống. Phải kiềm chế hỏa lực địch cho du kích mình đỡ thương vong. Tôi nghĩ thế, nên đã dùng súng AK của mình bắn trực tiếp vào khẩu đại liên địch bên tay trái. Khẩu đại liên đó im bặt.
Khẩu đại liên bên cánh phải vẫn nhả đạn tới tấp. Từ vị trí của tôi không thể bắn dập tắt nó được nó. Không còn đường rút, tôi quay lại làng Thụy Lập để tìm nơi ẩn nấp. Dọc đường, tôi gặp anh du kích có tên là Bồi. Anh Bồi bị thương ở tay, ở chân và ở cả sau lưng. Máu ra nhiều quá. Vội băng bó cho Bồi xong, tôi cõng anh vào làng ẩn nấp trong bụi cây rậm để tránh địch. Ở đó chúng tôi dễ bề quan sát địch ở xung quanh.
Nửa giờ sau, tôi phát hiện ra bọn lính Sài Gòn rầm rộ dùng dao quắm đang cố phát quang các bụi rậm, cách nơi chúng tôi ẩn nấp chưa đầy 100 mét. Súng cối 60 của địch vẫn bắn vào các bụi cây xung quanh. Thật nguy hiểm. Tôi vội dìu Bồi rời ngay bụi cây. May quá, tôi tìm thấy chiếc hầm chữ A nửa chìm nửa nổi đã cũ. Cõng du kích Bồi vào đó và cố xóa dấu vết nhưng không xóa hết được. Vết đi trên mặt đất cát vẫn còn hằn rõ.
Tiếng nói nhí nhố của địch mỗi lúc một gần hơn. Ngồi trong hầm, trống ngực tôi dội thình thịch. Thoát một mình lúc này đã khó, còn anh du kích bị thương nữa lại càng khó hơn. Tôi lướt nhanh qua những tình huống dự kiến có thể xảy ra. Nếu địch đến xung quanh hầm, đến sát hầm, cần kiên nhẫn giữ yên lặng đến phút chót. Chắc gì chúng đã phát hiện ra mình. Nếu địch ném lựu đạn vào hầm chỉ còn cách bắt lấy quả lựu đạn ném ra thật nhanh. Không loại trừ khả năng địch chui vào hầm. Phải sử dụng AK tiêu diệt rồi xông ra khỏi hầm đánh trả đến cùng. "Chấp nhận hy sinh, nhưng trước lúc mình ngã xuống, kẻ địch phải đánh đổi bằng sinh mạng của nhiều đứa! Nhưng rồi tôi thoáng nghĩ "Không, mình quyết phải sống... sống để thực hiện nhiệm vụ được giao, sống để được trở về quê hương sau ngày hòa bình". Sự sống cái chết lúc đó chỉ tính được bằng phút, bằng giây.
Lúc bấy giờ đạn cối 60 của đich đang nổ rất nhiều xung quanh khu vực hầm chữ A nơi chúng tôi ẩn nấp... Oàng. Tiếng nổ rất gần. Một quả đạn cối 60 nổ chói tai trên cửa hầm chữ A. Khói bụi bay mù mịt. Thế là đạn cối địch đã xóa đi sạch mọi dấu vết trước cửa hầm. Tôi và Bồi tìm ngay chỗ ẩn nấp trong ngách hầm. Ở vị trí này, nếu địch bắn lọt qua cửa hầm thì vẫn an toàn.
Khói bụi đạn súng cối địch vừa tan, một tốp lính Sài Gòn đã đến xung quanh căn hầm chữ A. Tôi nghe tiếng bọn chúng nói cười rôm rả. Chứng tỏ chúng chưa phát hiện ra dấu vết bộ đội và du kích ẩn nấp trong hầm. Vài phút sau, một tên lính chĩa AR15 quét một băng vào miệng hầm nơi hai chúng tôi ẩn nấp. Khói bụi mịt mù. Tôi và Bồi tưởng như ngạt thở.
Tôi ra hiệu cho Bồi: "Cứ nằm yên, mặc kệ chúng nó, không sao đâu". Rồi tôi tự nghĩ "nó buồn tay, bắn hú họa cho có lệ ấy mà". Sợ gì! Tiếp theo ba hay bốn tên lính khác đi qua cửa hầm. Chúng bắt chước thằng đi trước, mỗi thằng quét đại vào trong hầm một loạt AR15. Đạn găm vào vách hầm phầm phập. Đất rơi lả tả. Khói bụi mịt mù rải dày thêm trên người chúng tôi, nhưng chúng vẫn không hay biết có người trong hầm.
Cả hai chúng tôi, cùng cố tìm cách để không bị ngạt khói. Mũi tôi để sát đất, tránh khói đạn có hiệu quả hơn. Tôi cố gắng không để cổ họng bật ra tiếng ho khùng khục. Cuối cùng chúng tôi đã chịu đựng được như thế hàng giờ liền. Trời gần về trưa, Chúng tôi nghe tiếng nói cười của địch thưa dần rồi im hẳn. Làng Thụy Lập lại rộn tiếng côn trùng mùa hè. Có lẽ đó là tiếng ve ran não nề sốt ruột nhất tôi từng được nghe.
- Chúng ta an toàn rồi sao?
Anh Bồi bỗng hỏi tôi như thể không thể tin nổi vào sự thật là chúng tôi đã vượt qua nguy hiểm. Khoảng 15 giờ hôm ấy, trời ngả sang chiều, tôi vẫn nghe thấy tiếng súng ở đâu đó vọng về. Trong lòng như có lửa đốt, tôi nói với anh Bồi:
- Cậu cứ nằm yên đây, nhớ đừng đi đâu khỏi căn hầm này. Mình đi nắm tình hình địch và bắt liên lạc với đồng đội rồi về đưa cậu đến y tá sơ cứu. Bồi im lặng, chỉ gật đầu. Tôi biết một mình anh ở lại hầm cũng ngại nhưng chẳng còn cách nào khác. Ra khỏi hầm không lâu tôi gặp một nữ du kích Thụy Lập có tên là Hoa. Cô cũng đang đi bắt liên lạc với các đồng đội sau trận càn. Cô cho biết may mắn thoát chết trong gang tấc khi gặp kẻ địch. Cô đã tìm được cách lọt qua tai mắt địch trong tình huống bất lợi nhưng cũng rất ly kỳ.
Hai người chúng tôi, một trinh sát, một nữ du kích lợi dụng địa hình địa vật, bí mật tiến chậm về phía nam làng Thụy Lập để theo dõi tình hình địch. Khoảng 17 giờ, tiểu đoàn quân đội Sài Gòn đã rút hết về phía vùng thị trấn Sịa sau một ngày ròng rã gây ra bao tội ác ở làng Thụy Lập.
Tôi cùng Hoa bắt liên lạc được với 19 du kích khác. Gặp nhau rất phấn khởi, biết mỗi người tránh thoát được địch bằng mỗi một cách khác nhau. Người thì kịp xuống hầm bí mật, người thì tránh dưới ao bèo ngâm nước cả ngày. Có mấy người cũng vào được hầm chữ A cũ kĩ bỏ hoang đã lâu như tôi. Đồng chí Hiến trinh sát nằm trong số người tránh địch ở dưới ao bèo...
Chúng tôi cùng trở lại đưa du kích Bồi bị thương nằm ở hầm chữ A về nơi tập kết để y tá đơn vị xử lí vết thương. May mà vết thương của anh không nặng lắm. Cuộc tìm kiếm đồng đội thật hối hả. Ai còn sống? Ai bị thương? Ai đã hy sinh? Tất cả đang nằm ở đâu? Phải tìm kiếm cho ra sau mỗi trận đánh... Có thêm năm đồng chí bị thương mới được đưa tới nơi băng bó, tiêm thuốc rửa vết thương cùng với anh Bồi. Riêng trinh sát Kiệm, người cùng đi với tôi vẫn chưa thấy về.
Ra cánh đồng trống phía bắc tiếp giáp hai làng Thụy Lập với Cổ Tháp. Một cảnh tượng đau thương tang tóc trùm lấy trận địa, nơi các anh chị em du kích nằm lại. 12 du kích ngã xuống trên bãi đất trống lạnh lẽo này. Dẫu đã lường trước mọi mất mát hy sinh, nhưng mọi người vẫn cảm thấy đột ngột, không nén nổi lòng mình. Uất hận trào dâng, thương xót đến tột cùng.
Quân thù thật man rợ. Trước lúc rút đi chúng lột sạch áo quần trên thi hài các anh, các chị. Những người đã chết rồi, bọn chúng cũng không từ mọi hành động bỉ ổi. Như thế nghĩa là sao? Tội ác của chúng trời không dung, đất không tha! Sao buổi tối hôm ấy tiếng ve kêu rên đến xé lòng! Gạt nước mắt, bộ đội, du kích, những người còn đang sống san sẻ áo quần của mình cho những người đồng đội đã hy sinh.
An táng 12 liệt sĩ ngay trong đêm đó, ai cũng cảm thấy có vật gì đè nặng lên chính bản thân mình. Thôi... Các chị, các anh yên lòng, yên nghỉ nhé. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà các anh, các chị còn đang dang dở...
Chôn cất xong đồng đội hy sinh, những người còn sống lại tiếp tục bủa đi tìm kiếm những đồng đội chưa về. Chúng tôi bắt liên lạc với các đồng chí bên Đông Hồ, Đông Cao xã Quảng Thái để cùng phối hợp liên lạc. Riêng tôi cùng Hiến tiếp tục lần tìm trinh sát Kiệm, đến nửa đêm rồi mà vẫn không tìm thấy anh. Chẳng lẽ Kiệm đã hy sinh ở đâu đó trong làng Thụy Lập? Có thể anh bị địch bắt?...
Chúng tôi cùng nhau vỡ òa khi Kiệm quay trở về. Áo quần anh bê bết bụi đất, rách ướt tả tơi. Trông anh rã rời mệt mỏi. Anh cứ chậm rãi lê từng bước một. Gặp chúng tôi anh kể vắn tắt trong hơi thở gấp gáp:
- Địch ập đến. Không kịp xuống hầm bí mật... Tìm được chiếc hầm chữ A cũ để ẩn nấp. Địch ném lựu đạn nổ ở cửa hầm... tôi ngất đi... Bọn chúng không chui vào hầm và bỏ đi... Tỉnh lại tôi tìm về đây...
Đêm hôm ấy, tôi làm việc với lãnh đạo huyện Quảng Điền. Các anh ở đây cho biết: "Trận vừa qua ở làng Thụy Lập, du kích xã Quảng Hưng tổn thất thật nặng nề. 13 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương. Mất tới một phần ba lực lượng mà bao năm qua mới gây dựng được".
Tôi đã trao đổi lại thẳng thắn: Các anh cho du kích ở tập trung theo kiểu bộ đội địa phương mà lại không có phương án chuẩn bị đánh trả địch tập kích về ban đêm. Đấy chính là sơ hở lớn nhất để địch lợi dụng, bí mật bất ngờ đánh vào du kích. Đề nghị các anh có biện pháp chỉ đạo khắc phục ngay hạn chế này.
Tối hôm ấy, tôi đã gặp được chiến sỹ Bùi Công Nuôi và Hiến ở làng Thụy Lập. Chúng tôi thống nhất nhận định tình hình, dự kiến tình huống và triển khai nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo. Sau đó, tôi trở về làng Cao Bang, xã Phong Nhiêu trước khi trời sáng.
7
Vào thời điểm ấy, lực lượng ta trụ bám ở xung quanh thành phố Huế và đồng bằng Thừa Thiên còn lại rất mỏng. Đây đó du kích ta hoạt động thưa thớt. Lực lượng Phân đội Trinh sát chúng tôi vẫn lặng lẽ vừa ẩn nấp tránh địch, vừa kiên trì thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và tìm cách đưa thương binh lên miền tây.
Nhóm trinh sát do Đào Công Khoan chỉ huy, bám trụ ngay trong nhà dân. Nơi ẩn nấp khi thì các anh ở trên gác xép, khi thì ở trong chum đựng lúa. Đêm tối, các anh ra bám dân, nắm địch, lựa thời cơ thực hiện nhiệm vụ. Các anh được dân nuôi trực tiếp nhưng cũng rất nguy hiểm. Cho nên khi biết trước tin địch vào làng vẫn phải chủ động xuống hầm bí mật riêng của mình để đề phòng bất trắc.
Khu vực do Bùi Công Nuôi và Hiến thì bám trụ trên vùng gần đầm Phá Tam Giang. Ban ngày ở nơi xóm Chài, trên thuyền chài của dân hoặc tránh địch trên những vùng sình lầy có bèo tây dầy đặc trên Phá Tam Giang. Khi có trực thăng bay lượn bên trên hoặc gặp tàu xuồng tuần tra của địch đến gần, các anh phải tụt xuống ngâm mình dưới nước, đắp bèo kín đầu, kín mặt để tránh địch. Phá Tam Giang đã bảo vệ cho các anh. Khi địch rút, các anh lại ngoi lên phơi mưa, nắng, gió. Đợi cho đến tối, dân đón về làng Chài, các anh mới đi làm nhiệm vụ.
Sau mỗi chuyến công tác, tôi lại về làng Cao Bang. Thời gian này, bộ đội ta và lực lượng địa phương ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên gặp vô cùng khó khăn. Địch càn quét, vây ráp liên miên, làm cho lực lượng ta thương vong ngày càng nhiều. Việc tổ chức đưa thương, bệnh binh lên miền tây ngày càng hạn chế.
Dịp ấy, anh Côi du kích xã Phong Nhiêu bị thương vào chân trong một trận chống càn. Đồng chí Trần tử Bình và Nguyễn Thị Lý cùng Hoài Thu (y tá) đã tìm mọi cách chăm sóc, chữa trị, nhưng thuốc kháng sinh không đủ nên vết thương ở chân của Côi bị nhiễm trùng uốn ván rất nặng. Nếu không nhanh chóng tìm cách chữa trị thì sẽ không thể sống được. Anh Trung bí thư chi bộ trao đổi với tôi: Ta phải dùng giấy tờ giả, nhờ cơ sở của ta đưa gấp Côi vào bệnh viện ở thành phố Huế thì mới cứu được. Nhờ có quyết định táo bạo đó, anh Côi du kích đã được cứu sống.
Thật may, năm 2001 trong chuyến gia đình tôi đi du lịch qua thành phố Nha Trang, bất ngờ chúng tôi gặp lại anh Côi. Khi đó, anh đang phụ trách một công trình xây dựng ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa. Vết thương ngày ấy nhiễm trùng quá nặng vì thế anh bị cắt một bàn chân. Nhưng do rèn luyện tốt nên anh vẫn đi lại, lao động bình thường. Hôm ấy, bao nhiêu chuyện kỷ niệm hồi chiến tranh cùng ùa đến với chúng tôi. Cuộc hội ngộ thật vui...
Vào buổi sáng một ngày cuối tháng 8, pháo địch bắn dồn dập vào làng Cao Bang. Sau đó bộ binh Mỹ và quân đội Sài Gòn, có cả xe bọc thép cùng xe ủi đất từ đường 1 tiến vào làng. Trinh sát và du kích đánh chặn tốp đi đầu rồi cho toàn bộ lực lượng rút xuống hầm bí mật an toàn. Tiếng xích sắt của xe ủi đất kêu ken két. Lính Mỹ, lính Sài Gòn la hét ở bên trên, dưới hầm nghe rất rõ. Tình huống rất nguy hiểm. Cuộc càn quét này của địch kết hợp máy ủi đất, chúng định san bằng làng Cao Bang để thực hiện kế hoạch "tát nước bắt cá" của chúng.
Chiếc hầm bí mật của chúng tôi và cháu gái Hoài Thu ẩn kín dưới bụi tre gốc to, rậm rạp ở trong làng Cao Bang. Hôm ấy, chúng hè nhau san ủi tuốt tuột mọi thứ trong làng Cao Bang để "Việt cộng" hết đường chui ra, chui vô. Chiếc máy ủi gầm gầm, rú rú như xe tăng. Nó cán lướt băng băng tất cả nhà cửa, cây cối, gò đống, bụi rậm. Cuối cùng chiếc máy ủi đến san nốt bụi tre còn lại.
Nguy hiểm quá! Tôi đã nâng nắp hầm đứng thẳng người ở cửa hầm bí mật, tay ôm khẩu AK sẵn sàng xả đạn vào quân địch. Chiếc máy ủi lù lù tiến sát bụi tre nơi có hầm bí mật của chúng tôi 30 mét, rồi 20 mét!...Ba tên lính Sài Gòn tay lăm lăm súng AR15 đứng trước chiếc máy ủi. Nhưng chúng vẫn không hay biết gì, vì bụi tre rậm rạp của làng Cao Bang che kín khu vực căn hầm ấy. Trong hầm bí mật, mọi người, cả cháu Hoài Thu rất căng thẳng. Ai cũng tay cầm súng AK, tay cầm lựu đạn. Nếu máy ủi đến san khu vực hầm bí mật, chúng tôi sẽ đẩy tung nắp, ném lựu đạn, rồi cùng xông lên, xả AK vào quân địch, mở đường máu tìm cơ hội thoát sang làng Gia Viên.
Thời khắc nguy kịch ập sắp đến... Bỗng nhiên gió nổi lên ầm ầm. Mây kéo đến đen kịt, rồi đổ ụp xuống một cơn mưa rào xối xả. Nước ướt sũng cả một vùng đất mà máy ủi vừa san gạt. Chiếc máy ủi vẫn rú ga chồm lên phỉa trước, khi còn cách bụi tre nơi chúng tôi ẩn nấp chừng 10 mét nữa thì chiếc máy ủi to bè nặng chịch ấy bị sa lầy. Càng rú ga lồng lộn nó càng bị lún sâu xuống vũng bùn. Bọn lính làm nhiệm vụ san ủi thấy vậy đành bỏ cuộc. Chúng phải dùng xe cứu hộ đến kéo chiếc xe ủi đất thoát khỏi bãi lầy rồi cùng nhau rút về đồn An Lỗ.
Đúng là trời đã cứu chúng tôi!
Tối hôm đó, căn cứ vào tình hình địch, tôi trao đổi với anh Trung - Bí thư xã Phong Nhiêu rồi quyết định đưa cả nhóm trinh sát di chuyển ra Cồn Bệ (gần Làng An Lỗ) để tạm tránh địch. Theo anh Trung - Bí thư chi bộ xã cho biết, ở Cồn Bệ hiện có lực lượng của Đại đội Vũ trang huyện Phong Điền do Đại đội trưởng Trần Đình Lâm chỉ huy.
Cháu Hoài Thu được anh Trung đón về làng Gia Viên. Ngay tối hôm ấy, chúng tôi rời Cao Bang di chuyển ra Cồn Bệ, tìm gặp anh Lâm Đại đội trưởng Đại đội Vũ trang huyện Phong Điền. Tôi liên hệ cho anh em trinh sát ở nhờ hầm bí mật của các anh ấy trong mấy ngày.
Những đêm sau đó, lực lượng trinh sát đã tự đào hầm bí mật ở Cồn Bệ. Khó nhất là khuôn nắp hầm bí mật đã được anh Trung Bí thư Chi bộ xã Phong Nhiêu cho người làm giúp. Hôm ấy, chúng tôi tìm được một bụi cây rậm rễ chùm ken dày rất thuận lợi cho việc làm hầm bí mật... Cho nên anh em chỉ việc đào một hố nhỏ sâu sao cho vừa một người có thể ngồì để nhẹ nhàng moi từng xẻng đất khoét dần vào phía dưới khu vực rễ chùm của bụi cây. Chúng tôi phải cho từng xẻng đất thải vào bao thật gọn gàng rồi mang đi nơi khác. May mà Mỹ đã đào sẵn cho chúng tôi mấy cái ao bằng bom nên rất tiện cho việc phi tang đất thải khi đào hầm bí mật. Tang tảng sáng anh em trinh sát lại khéo léo ngụy trang khu vực đào hầm bí mật của mình. Tối đến chúng tôi lại miệt mài đào sâu hơn nữa vào gầm bụi cây và thay nhau khuân vác đất thải. Sau hai đêm lao động vất vả chúng tôi đã hoàn thành phần đào của căn hầm bí mật mà bụi cây rậm vẫn nguyên như cũ. Nhưng vấn đề bố trí lỗ thông hơi và đặt khuôn nắp hầm bí mật lại không đơn giản. Rất may, anh Lâm cán bộ đại đội vũ trang huyện Phong Điền đã nhận lời giúp đỡ. Đêm thứ ba, anh Lâm đã khéo léo khoét một lỗ hình chữ nhật (30 x 50 cen ti mét) ở trên nóc căn hầm giữa bụi cây rậm rồi anh đặt chiếc khuôn nắp hầm bí mật váo đó rất vừa vặn. Sau khi gia cố khuôn nắp hầm thật chắc chắn anh Lâm đã đậy thử nắp hầm bí mật rồi dùng lá cây khô ngụy trang lại. Thật tuyệt vời. Tôi dùng đèn pin (đã dược ngụy trang) soi thử thì không thể phân biệt được đâu là nắp hầm nữa. Tiếp theo anh Lâm xuống căn hầm dùng chiếc dao nhọn khéo léo khoét bốn lỗ thông hơi chêch khoảng 30 độ sát các thành hầm để có thể hút được nhiều không khí... Đêm hôm ấy anh em chúng tôi chăm chú theo dõi cố học để lần sau đào hầm bí mật không phải nhờ các anh địa phương nữa. Công đoạn cuối cùng là, anh Lâm hướng dẫn chúng tôi bịt lấp chiếc hố nhỏ đào ban đâu rồi ngụy trang thật kỹ. Anh Lâm cho rằng nơi chúng tôi chọn để đào hầm bí mật rất tốt, nhưng còn nhiều cách đào hầm bí mật khác nữa các anh cần học thêm. Và ngày thứ tư, lực lượng trinh sát chúng tôi đã có hầm bí mật riêng của mình... Khoảng gần một tuần sau, Phân đội Trinh sát đã có chiếc hầm bí mật thứ hai ở cồn Bệ. Thời gian ở Cồn Bệ, anh em trinh sát vẫn hoạt động như bình thường.
Những ngày hoạt động ở khu vực thị trấn Sịa, lực lường trinh sát ta gặp rất nhiều khó khăn, địch vây ráp, lùng sục rất ác liệt. Nhiều lần Bùi Công Nuôi, Nguyễn Văn Hiến phải hóa trang thành dân chài lưới để thoát thân. Theo cơ sở ta cho biết, địch đã đánh hơi phát hiện có tổ trinh sát của ta bí mật hoạt động ở vùng thị trấn Sịa huyện Quảng Điền. Chúng đã và đang tăng cường lực lượng vây bắt.
Không còn con đường nào khác, hai anh đã nhiều lần xuống thuyền đánh cá của dân chài lưới vùng đầm phá Tam Giang để tránh địch. Bà con ở nơi này thật tốt bụng và trung thành với quân Giải phóng. Con thuyền chở hai anh chạy miết ra bãi sình lầy, cỏ cây rậm rạp. Các anh phải lặn ngụp dưới đám rong bèo, rều rác chỉ hở cái mũi lên để thở. Bọn địch cho ca nô ra bám lấy thuyền ngư dân. Bọn chúng không tìm thấy mảy may dấu tích bộ đội ở đâu. chúng đành hầm hè dọa nạt bà con mấy câu rồi chuồn thẳng. Có lần bà con còn đánh bạo hù dọa với theo:
- Nếu mà trên thuyền có mấy ông Việt cộng thật thì ca nô các ông lính quốc gia đã ăn đạn và lựu đạn rồi.
Tối đến thuyền của dân làng chài đầm phá Tam Giang lại ra đón các anh vào bờ. Nhờ nhân dân làm nghề chài lưới và phá Tam Giang mênh mông bảo vệ, Nuôi và Hiến nhiều lần thoát được hiểm nguy. Trao đổi với cán bộ chỉ huy du kích địa phương và Bùi Công Nuôi, tôi thấy tình hình ở khu vực thị trấn Sịa, quá nguy hiểm nên quyết định rút nhóm trinh sát ở khu vực thị trấn Sịa về Cồn Bệ. Nhiệm vụ ở khu vực thị trấn Sịa, Quảng Hưng, Quảng Thái, Quảng Lợi sẽ triển khai hoạt động theo từng đợt.
8
Từ cuối tháng 5 năm 1968, Phân đội Trinh sát chúng tôi hoạt động trong vùng địch tạm chiếm ở đồng bằng đều phải dựa vào dân. Chúng tôi sống được cũng là nhờ dân. Cơm gạo, thức ăn, đồ uống, thuốc men đều do nhân dân và cơ sở địa phương cung cấp.
Khó khăn nhất là việc cất giữ bảo quản các vật dụng và vũ khí khi phải cơ động chiến đấu. Nhiều sáng kiến được đưa ra để giải quyết. Chúng tôi sử dụng các thùng đựng đạn đại liên của Mỹ, làm phương tiện trữ lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men... Rất hiệu quả
Trinh sát chúng tôi thu gom, nhặt nhạnh được mấy chục chiếc thùng đựng đạn đại liên của địch làm nhà "kho hậu cần dã chiến" bí mật trong lòng địch. Ngoài lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và cứu thương ra những thùng đạn đại liên Mỹ còn được trinh sát cất giấu cả thuốc nổ, đạn AK, lựu đạn... Các "kho hậu cần dã chiến" cơ động này có thể cất ở dưới hầm bí mật, chôn trong đất, vùi trong cát, thậm chí thả chìm nghỉm dưới ao hồ, đầm phá đều không bị thấm nước, không bị ẩm mốc. Kẻ địch không thể biết được chúng đã cung cấp cho chúng tôi những kho chứa dễ cơ động, dễ phân tán và bảo quản vừa tốt lại vừa bí mật. Thật ít ai có thể ngờ tới! Đúng là cuộc sống chiến đấu đầy khó khăn gian khổ đã cho chúng tôi thêm nhiều kinh nghiệm mới phong phú. Đúng là " cái khó ló cái khôn".
Ngay từ đầu tháng 7 năm 1968, Phân đội Trinh sát xuống đồng bằng Thừa Thiên đã thiếu đạn nghiêm trọng. Chúng tôi tìm kiếm trong các trận địa cũ, các hầm chiến đấu bỏ quên lâu ngày, các hầm bí mật đã lâu không sử dụng để bòn mót đạn AK, lựu đạn bộ đội ta bỏ sót lại trong chiến dịch Xuân Mậu Thân. Thật may, anh em Trinh sát đã thu dọn được một cơ số kha khá đạn AK, lựu đạn, thuốc nổ TNT có cả kíp nổ và giây cháy chậm ở làng Sơn Tùng, Hiền Lương, Xuân Tùy, Niêm Phò, Đông Hồ, Đồng Cao, Nam Giảng trong các trận chiến đấu mà bộ đội ta bỏ lại. Số vũ khí này, chúng tôi đã cất giấu trong các thùng đạn đại liên của Mỹ để tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu khi trung đoàn không có điều kiện cung cấp.
Khoảng đầu tháng 9, chúng tôi về công tác ở làng Đông Cao xã Quảng Thái thì gặp đúng lúc địch mở cuộc càn quét. Tôi không xác định được đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay địch đã tăm tia, đánh hơi thấy bộ đội về làng. Địch đến bất ngờ, tổ trinh sát theo sự hướng dẫn của đồng chí du kích địa phương được đưa xuống tránh địch ở một căn hầm bí mật, kín đáo. Hôm ấy thật không may, nơi ấy lại là khu vực bị bọn địch săm soi kỹ nhất. Tôi đã tính đến tình huống xấu nhất sẽ xẩy ra!
Đúng như vậy. Một con chó béc giê của bọn lính Sài Gòn đem theo chạy tới đánh hơi dưới lòng đất, ngay ở phía trên căn hầm bí mật của chúng tôi. Con chó dũi mũi và hít hít, miệng rít lên. Từ dưới hầm nhìn qua lỗ thông hơi, chúng tôi thấy rõ cả cái mũi của con chó vừa hít vừa rít. Nguy hiểm ập đến ngay trên đầu mình. Giây phút đó chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, mọi người đều hiểu ý, đưa tay nhẹ nhàng nắm lấy súng AK, sờ lựu đạn chờ đợi thời khắc sống mái với kẻ thù.
Vào đúng giây phút căng thẳng đó, một anh du kích ở cùng hầm bình tĩnh rút ra một ống tre nhỏ như chiếc xe điếu. Anh nhúng một đầu vào lọ ớt bột, thứ mà trong hầm bí mật thường trộn với muối để chấm cơm nắm ăn hằng ngày. Sau đó, anh du kích đưa đầu ống tre chấm ớt lên miệng lỗ thông hơi. Thấy động, con chó béc giê càng chúi mũi sâu vào đó để đánh hơi. Anh du kích chỉ chờ có thế rồi ngậm miệng vào ống thổi thật mạnh. Bột ớt bắn vào mũi chó. Nó cay quá quên mất nhiệm vụ đánh hơi tìm hầm bí mật và chạy lảng xa ra chỗ khác. Thế là bọn địch chạy đi theo hướng chó béc giê.
- Chậm tí nữa là chết đấy. Chó nó đã chạy. An toàn rồi anh em ơi, anh du kích nói nhỏ với mọi người ở trong hầm.
- Cảm ơn đồng chí du kích, anh giỏi quá và cũng thật nhanh trí. Thật hú vía, tôi thốt lên.
Đây là một bài học rất quý giá. Trinh sát chúng tôi học thêm được cách chống chó nghiệp vụ của địch khi ở trong hầm bí mật từ các anh du kích ở làng Đông Cao. Tôi thật cảm kích, siết chặt tay người du kích làng Đông Cao xã Quảng Thái. Chắc rằng các anh đã nhiều lần thoát khỏi kẻ địch với "cái chiêu này".
Làm xong nhiệm vụ ở làng Đông Cao, tôi cùng đồng đội tiếp tục lên đường đến địa bàn hoạt động của đồng chí Đào Công Khoan ở làng Bao La. Lại một ngày chứng kiến trận càn quét, lùng sục gắt gao của địch. Tôi thầm nghĩ, lính trinh sát xuống đồng bằng Thừa Thiên thật "có duyên" với những trận càn quét, khủng bố bắt bớ của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Làng Bao La theo hai cách gọi của cả hai phía ta và địch là địa bàn tranh tối tranh sáng; còn gọi là cái răng lược hay vùng chồng lấn. Ban ngày địch kiểm soát, ban đêm ta làm chủ. Địch thường càn quét bất ngờ không theo quy luật bài binh bố trận gì cả. Hôm ấy địch ập đến quá bất ngờ. Trinh sát Đào Công Khoan không kịp rút xuống hầm bí mật nữa. Má Nấng ở làng Bao La, vội vàng đưa Khoan vào trong một cái chum đựng thóc để trán0h địch.
Theo Đào công Khoan kể lại:
" Hôm ấy, sau khi má đậy xong cái mẹt chụp nắp chum thì địch ập và nhà. Má Nấng nhanh trí mắng bọn lính Sài Gòn sa sả:
- Người ta đang làm ăn cớ sao tụi bây lại vô nhà mà hạch sách, hành dân.
- Tụi con là lính Quốc gia đi bắt Việt cộng mà má ơi! - bọn lính đáp lại.
Má Nấng tiếp tục mắng:
- Lính Quốc gia không xông ra trận mạc mà đánh đấm, lại đi chui rúc vô làng, vô nhà người dân để làm gì? Mò gà hay mò gái?
- Già rồi mà còn làm dữ vậy má! - Chúng sượng sùng, chống chế trả lời.
- Tụi bây gây khó cho dân vừa vừa chứ. Nếu biết điều thì ngồi xuống uống nước chơi, lùng sục bậy bạ làm gì, khéo ăn đạn của mấy ổng Việt cộng đó. - Má Nấng dọa.
Tụi lính vâng dạ rồi uống nước ừng ực, nhớn nhác nhìn ngó xung quanh. Một lát sau, chúng rút quân chuồn thẳng theo hướng đồn Cầu Kẽm ".
Mờ sáng hôm ấy, phát hiện có địch vào làng, các anh du kích cũng vội vàng đưa anh em trinh sát chúng tôi xuống hầm bí mật. Tôi xuống ẩn nấp trong một căn hầm bí mật cùng với một du kích nam và ba du kích nữ. Căn hầm nhỏ chứa năm người quá chật chội. Tránh địch càn trong hầm vài giờ, tôi cảm thấy bức bối, ngột ngạt rất khó thở. Anh du kích cũng bứt rứt đứng ngồi không yên. Mồm anh há to như cố hút không khí vào cơ thể mình. Khi tôi cảm thấy dường như là mình sắp ngất vì hoa mắt chóng mặt thì anh du kích nọ xỉu hẳn.
Hốt hoảng, ba nữ du kích buộc phải bật hé nắp hầm bí mật và quạt lấy quạt để cho không khí lưu thông. Đây chỉ là giải pháp tình thế, liều lĩnh nhằm cứu sống người bị ngạt. Cũng thật may, bọn địch đang lùng sục ở khu vực cách hầm bí mật một quãng khá xa nên chúng không phát hiện ra. Khi địch rút khỏi làng Bao La, mọi người vội vã lên hầm, khoan khoái hít thở khí trời dịu mát. Tôi đem chuyện này trao đổi với du kích địa phương.
- Ở trong hầm bí mật mà những ba nữ hai nam thì mất cân bằng âm dương. Nữ đông, nam ít, là nữ lấn át nam. Nam giới bị ngạt thở là đúng rồi. - Đồng chí du kích làng Bao La vừa cười vừa giải thích.
- Sao vậy hở anh, tôi chưa hiểu, thắc mắc.
- Nữ giới họ hít thở tốt hơn, bởi khả năng trao đổi chất của cơ thể nữ tốt hơn nam giới. Họ hấp thụ ôxy trong hầm kín, ít không khí tốt hơn, nhiều hơn, vì vậy mấy anh con trai bị ngạt là đúng thôi, anh du kích giải thích cặn kẽ.
- Chà, quả là một kinh nghiệm tốt được đúc kết từ thực tế chiến đấu ở vùng này. -Tôi khen các anh du kích.
- Khi đào xong hầm bí mật, ta phải thử xem hầm có thể chứa được mấy người. - Anh du kích làng Bao La nói thêm.
- Có phải căn cứ vào kích thước khối không khí bên trong của hầm không? - Tôi hỏi.
- Không hẳn là như vậy. Còn phụ thuộc vào độ thông thoáng của tầng đất và lỗ thông hơi của căn hầm nữa. Tính dung tích hầm chưa chắc đã chuẩn vì mới chỉ dựa vào lí thuyết mà thiếu đi tính thực tiễn .- Anh du kích vừa nói vừa lắc đầu.
- Các anh xác định bằng cách nào - Tôi hỏi tiếp.
- Đơn giản thôi. Đào xong hầm bí mật, chúng tôi thắp ở dưới đấy một số ngọn đèn dầu hạt đỗ. Sau đó, đậy kín nắp hầm một đêm. Sáng hôm sau đếm số ngọn đèn dầu còn cháy sáng. Đó chính là số người có thể ở được trong hầm mà không bị ngạt - Anh du kích diễn giải.
Thật đúng là một kinh nghiệm quý giá nữa về việc sử dụng hầm bí mật. Chúng tôi đều trầm trồ thán phục những kinh nghiệm đã đúc kết của các đồng chí du kích. Qủa thật chuyến công tác này chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ich từ nhân dân, cán bộ, du kích địa phương ở vùng đồng bằng hai huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Phân đội Trinh sát Trung đoàn 1 xác định còn phải công tác lâu dài tại những địa bàn kẻ địch luôn càn quét, lùng sục. Cái sống cái chết mong manh trong gang tấc. Chính vì vậy chúng tôi đã dành ra nhiều thời gian tiếp tục đào hầm bí mật riêng của mình ở các làng Cao Bang, Sơn Tùng, Gia Viên, Hiền Lương... Có những căn hầm chúng tôi phải sử dụng ngay, có những hầm để làm dự bị.
9
Cồn Bệ giống như một quả đồi thấp ở đồng bằng, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Chiều dài khoảng 1000 mét, chiều rộng khoảng 600 mét. Du kích, cán bộ, bộ đội đã bí mật đào nhiều hầm để ẩn mình giấu lực lượng trong đó dài ngày. Trú quân nơi Cồn Bệ thì việc sinh hoạt giữa mặt đất và hầm bí mật linh hoạt hơn. Các phương án đánh địch từ nhiều hướng khi chúng tấn công Cồn Bệ đều đã được triển khai, chuẩn bị tỉ mỉ để ứng phó với nhiều tình huống xảy ra.
Khi thấy người lạ, có tín hiệu là mọi lực lượng đều xuống hầm. Xóa sạch mọi dấu vết trước khi xuống hầm bí mật trong lòng đất. Còn việc nấu ăn ở Cồn Bệ, chúng tôi đều thực hiện nấu không khói, nấu vào ban đêm ở trong các bụi cây. Nấu xong xóa sạch dấu vết. Lương thực, thực phẩm đều do nhân dân cung cấp.
Đồng bào ở trong các ấp chiến lược, khi đi làm đồng, bị bọn ấp trưởng và dân phòng kiểm tra gắt gao. Người dân phải tìm nhiều cách để qua mắt địch như mang vắt cơm to, giấu thêm lon gạo. Nếu bí quá, không mang thêm được thì người dân nhịn bữa cơm trưa, dành phần cơm và phần gạo ấy, giấu ở trong bụi cây, bờ ruộng, gò đất ... Bằng tất cả mọi cách sáng tạo, nhân dân đã tiếp tế đủ lương thực cho bộ đội, du kích chúng ta ở Cồn Bệ.
Từ Cồn Bệ nếu đi sang các xã ven sông Bồ phải vượt qua đường ô tô (từ An Lỗ đi Sịa), nơi địch tuần tra với mật độ dày. Cơ sở của ta và du kích ở đây có nhiều sáng kiến để báo hiệu cho nhau. Chẳng hạn như có ngọn đèn dầu ở đầu làng Bao La thắp sáng là dấu hiệu báo an toàn cho bộ đội, du kích.
Ở làng Bao La, có một ngọn đèn của bà cụ ngoài 70 tuổi được thắp trên bàn thờ của nhà mình. Khi đèn sáng trong đêm thì đó là tín hiệu an toàn. Nếu đèn tắt thì đó là tín hiệu không bình yên. Cứ như thế bà cụ đã mật báo tin cho cán bộ, bộ đội, du kích hoạt động trong vùng biết. Đã không biết bao nhiêu đêm ngọn đèn trên bàn thờ của bà mẹ làng Bao La không thắp. Lực lượng ta quay trở lại hoặc tìm cách chuyển hướng đi nơi khác vì làng Bao La có địch đang phục kích, phải dè chừng.
Nhiều lần đèn sáng, chúng tôi cùng nhau ghé lại thăm mẹ. Mẹ nắm rất chắc tình hình địch hoạt động trên địa bàn. Mẹ kể vanh vách từng nơi, từng vụ việc kẻ địch gây ra và từng thủ đoạn của chúng. Bao giờ mẹ cũng dặn dò chúng tôi phải giữ cảnh giác, cẩn thận, an toàn. Hôm nào có giỗ, mẹ giữ bộ đội, du kích ở lại ăn cùng mẹ hoặc chia phần gửi cho anh em bộ đội và du kích ở Cồn Bệ.
Các đồng chí địa phương cho biết: Nhiều hôm không phải ngày tuần tiết, nhưng vì muốn báo hiệu cho phía bên ta, mẹ vẫn làm mâm cơm chong đèn dâng hương ngồi đợi. Có lần, bất ngờ bọn địa phương quân của quân đội Sài Gòn nhào tới, mẹ vẫn thản nhiên, chủ động ứng xử mọi tình huống như không có việc gì xẩy ra. Một tên lính Sài Gòn hăm dọa:
- Bà dùng mâm cơm cỗ này để nuôi Việt Cộng phải không? Bữa nào cũng thấy cúng hoài như thế.
- Cộng sản nào cần tới ta cái trò cúng bái này. Tui cúng ổng nhà tui... Tui cúng xong rồi đó- dứt lời mẹ đứng dậy mang ngọn đèn trên bàn thờ xuống để ở cái phản kín khuất, rồi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nói- Tụi bây đi lùng sục hoài. Có đói thì mời ngồi xuống đây cùng tui thụ lộc. Chứ Việt Cộng thì tìm đâu ra.
Nghe vậy bọn lính địa phương quân vái bà cụ rồi chuồn thẳng. Thật may bộ đội du kích chúng tôi đã nhận ra tín hiệu tắt đèn nên vòng qua lối khác.
Thế là lũ lính Sài Gòn, thấp mưu thua trí cụ bà. Chúng tôi càng thấm thía câu nói của Bác Hồ: "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong".
Có một đêm, tôi cùng các đồng chí : Nguyễn Xuân Nhâm, Hoàng Văn Kiệm từ Cồn Bệ đi về xã Quảng Vinh làm nhiệm vụ. Hôm ấy ngọn đèn dầu của bà mẹ làng Bao La không thắp sáng. Do công việc quá gấp, nên chúng tôi quyết định cắt qua cánh đồng để vào làng Bao La nắm tình hình địch rồi tiếp tục đi về xã Quảng Vinh theo kế hoạch. Qúa nửa đêm hôm ấy, tổ trinh sát đã tới nhà bà mẹ làng Bao La an toàn. Sau khi nhận đúng tín hiệu liên lạc mẹ đã mở cửa kéo vội chúng tôi vào trong nhà.
- Sao các con liều lĩnh thế ? - Mẹ đã tắt đèn để báo cho các con biết trong làng Bao La có địch; Bọn chúng tổ chức bốn, năm ổ phục kích xung quanh làng đó, nguy hiểm quá, mần răng bây chừ ? - Giọng mẹ nói nhỏ trách khéo chúng tôi.
- Xin lỗi mẹ, việc gấp quá, nhưng chúng con vẫn sai rồi - Tôi lúng túng trả lời.
- Chừ thế này nhé! - Các con phải thoát khỏi làng trước khi trời sáng, vào đường nào thì ra theo đường đó nhé... Thật nhẹ nhàng và khéo léo để giữ bí mật chắc chắn sẽ an toàn - Mẹ nói thầm như ra lệnh và dặn dò chúng tôi rất cặn kẽ.
- Cảm ơn mẹ! - Tôi nói, rồi xin phép lên đường quay ra theo kế hoạch của mẹ.
Tổ trinh sat chúng tôi đã dùng các động tác kỹ thuật "bí mật tiếp cận địch qua các loại địa hình" theo con đường cũ để thoát ra ngoài: Khi qua ruộng lúa, chúng tôi dùng động tác đi khom thấp, khi qua bãi đất trống chúng tôi phải nhẹ nhàng trườn qua... Đêm hôm ấy trong lúcTổ Trinh sát đang trườn qua một bãi đất trống, tôi đi đầu phát hiện ở bên trái có một vật lạ trùm bạt. Tổ trinh sát dừng lại quan sát tiếp thì đích thực, đó là một khẩu đại liên của địch chỉ cách chúng tôi chừng 15 mét, nòng súng hướng về phía chúng tôi. Đúng là trận địa phục kích của địch rồi! Thế mà cách đây vài giờ, trên đường trinh sát tiếp cận vào làng, cả ta và địch đều không phát hiện ra nhau... Tôi quyết định cho cả tổ bí mật dừng lại tại chỗ theo dõi địch để tìm phương án thoát hiểm. Quan sát thật kỹ, chúng tôi biết hầu hết nhóm địch phục kích đã trùm lưới chống muỗi ngủ rất say, tên lính ngồi canh khẩu đại liên cũng đang ngủ gật. Nhìn trang bị chúng tôi biết nhóm địch phục kich này là bọn Mỹ.
Nhớ lại lời dặn của bà mẹ làng Bao La và thời cơ cho phép, tôi quyết định cho anh em tiếp tục trườn theo đường cũ để thoát ra ngoài an toàn... Nhưng mờ sáng, Tổ Trinh sát chúng tôi mới đến nam đương ô tô từ An Lỗ đi thị trấn Sịa.Trời đã sáng rõ, không thể liều lĩnh đi tiếp được nữa nên chúng tôi buộc phải vào một chiếc cống vòm nhỏ xuyên qua đường ô tô đã có nhiều cỏ mọc hầu như che kín hai cửa cống để tránh địch. Suốt cả ngày hôm đó, xe bọc thép, xe ô tô và binh lính địch đi lại rầm rập trên đường từ An Lỗ đi thị trấn Sịa. Nhưng chúng không hề hay biết ngay ở chiếc cống nhỏ, dưới mặt đường có một tổ "Việt cộng"... mãi đến tối khuya hôm ấy, chúng tôi mới về tới Cồn Bệ...Thật hú vía!
10
Chúng tôi ém quân, tránh địch ở Cồn Bệ được hơn ba tuần. Cuối tháng 9 năm 1968, anh em trinh sát phát hiện có nhiều người dân vào chặt củi ở Cồn Bệ giữa ban trưa. Chúng tôi cho đó là hiện tượng không bình thường. Khi trao đổi với anh Lâm, Đại đội trưởng bộ đội địa phương huyện Phong Điền và Chỉ huy Du kích xã Phong Nhiêu, các anh ấy cho rằng điều đó không có gì đáng ngại vì người dân vẫn hay vào rừng Cồn Bệ chặt đốn củi. Tuy nhiên tôi vẫn bàn bạc rất kỹ với Bí thư Chi bộ Thân Ngọc Trung và Đại đội trưởng Lâm. Tôi cho rằng tình hình ở Cồn Bệ có hiện tượng bất ổn cho nên "chúng ta cần đưa lực lượng của ta đi nơi khác để đề phòng bất trắc". Ý kiến của tôi đã thuyết phục được anh Trung và anh Lâm đồng tình.
Ngày hôm sau, lực lượng trinh sát chúng tôi rời Cồn Bệ đến tránh địch ở cánh đồng nam làng Gia Viên, nơi tôi đã cho trinh sát đào thêm hầm bí mật dự phòng bên ngoài Cồn Bệ từ tuần trước. Chắc chắn bọn địch không thể ngờ ở cánh đồng trống lại có hầm bí mật. Bởi chúng quen săm soi, lùng sục, tìm hầm bí mật ở những bụi rậm gò đồi và rìa làng. Chính vì thế hầm bí mật của trinh sát chúng tôi vừa tránh được máy đào, máy xúc san gạt và bọn lính cũng không để ý đến những nơi ấy.
Lực lượng trinh sát đã rời Cồn Bệ được hai ngày. Không hiểu sao Đại đội Vũ trang huyện Phong Điền vẫn còn ở lại đó. Một hôm, từ mờ sáng, quân đội Sài Gòn đã triển khai lực lượng bao vây chặt Cồn Bệ rồi dùng bom pháo đánh phá Cồn Bệ suốt 2 ngày đêm rất ác liệt. Lực lượng của đại đội vũ trang huyện Phong Điền bị tổn thất nặng nề.
Sang ngày thứ ba, bộ binh cùng xe tăng địch tấn công vào Cồn Bệ. Các chiến sĩ bộ đội địa phương cùng du kích chiến đấu rất quyết liệt. Nhưng lực lượng ta quá mỏng, nên chiều hôm ấy và những ngày hôm sau địch đã chiếm và san phẳng Cồn Bệ. Trong những ngày chiến đấu quyết liệt, nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Một số đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn rất dã man nhưng vẫn quyết không đầu hàng giặc. Trong trận chiến đấu ấy có ba chiến sĩ của ta thoát được vòng vây địch.
11
Phân đội trinh sát tránh địch ở cánh đồng nam làng Gia Viên được khoảng 1 tuần lại gặp một tình huống hi hữu rất nguy hiểm... Đã mấy ngày liền, một tốp lính Mỹ chốt ở gần hầm bí mật của tôi và Hiến. Chúng tập trung cảnh giới, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ ủi phá, san gạt làng Gia Viên, mà vẫn không hay biết là cách chúng chưa đầy 20 mét có 2 chiến sĩ trinh sát của ta đang ở dưới lòng đất. Nhiều lần bọn Mỹ đi lại trên nắp hầm của chúng tôi. Tôi và Nguyễn Văn Hiến đều thống nhất đánh giá, bọn lính Mỹ chốt ở đó, hầm bí mật của ta càng an toàn. Bởi vì máy ủi sẽ không đến để ủi 1 bãi đất trống, cũng chẳng lực lượng nào đến xăm hầm bí mật nằm ở đó. Cho nên chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục ẩn nấp tại căn hầm bí mật này.
Trước khi trời sáng, hai chúng tôi xuống hầm bí mật, tối mịt mới lên mặt đất, về vị trí tập trung để thực hiện nhiệm vụ. Cứ như vậy cho đến một hôm quá trưa, trời đổ mưa rất to, và trận mưa ấy kéo dài nên nước đã thẩm thấu vào căn hầm bí mật nơi tôi và đồng chí Hiến ẩn nấp. Dự đoán trời mưa địch sẽ rút sớm, nhưng cho đến 16 giờ vẫn còn nghe thấy tiếng nói của những tên lính Mỹ làm nhiệm vụ cảnh giới; Chúng nói chuyện xì xồ rất to. Lúc ấy, nước ở dưới hầm đã ngập đến vai chúng tôi rồi. Gay quá! Nước cứ dâng lên cao dần ... Tôi và Hiến buộc phải ngửa mặt lên sát lỗ thông hơi để thở.
Tiếng máy ủi vẫn gầm rú. Tiếng hò hét ầm ĩ của lính Mỹ nghe vẫn rất gần... Có lẽ máy ủi của chúng bị sa lầy đang kéo nhau chăng? Nước tiếp tục dâng trong hầm, chỉ dâng thêm chừng 10 cem ti mét nữa, chúng tôi sẽ tắc thở vì ngập nước! Bí quá, tôi buộc phải nhẹ nhàng nâng nắp hầm, đẩy sang một bên rồi khe khẽ kéo sập khuôn của nắp hầm xuống để lấy chỗ đủ cho hai người thò đầu lên hít thở.
Bầu trời đầy mây đục và trời vẫn còn mưa nhỏ. Nơi chúng tôi đào hầm cao hơn xung quanh một chút nên mặt đất không bị ngập nước. Hai anh em chúng tôi đứng dưới hầm bí mật, thò đầu lên khỏi mặt nước để thở. Có lẽ đầu tôi và Hiến vừa bằng mặt đất, nên bọn Mỹ cảnh giới không phát hiện ra.
Lắng tai nghe, chúng tôi biết chúng đang hò hét kéo chiếc xe ủi bị sa lầy ở làng Gia Viên. Tổ lính Mỹ chốt ở gần hầm chúng tôi thỉnh thoảng vẫn nói chuyện to nhỏ với nhau, không hay biết chuyện gì ở đây. Tuy vậy, tôi vẫn lo lắng bởi vũ khí đã bị ngâm nước mấy giờ rồi nên không thể sử dụng được nữa. Thoáng nghĩ, nếu bọn địch phát hiện chỉ còn một cách duy nhất là vọt lên khỏi hầm thật nhanh chạy về hướng làng Cao Bang. May ra thì thoát.
Chúng tôi không thể nhô đầu lên cao hơn nữa để quan sát vì sợ địch nhìn thấy. Cho nên chỉ nghe và phán đoán địch, chứ không quan sát được hoạt động của chúng...Trời gần tối, tiếng xe máy ủi của địch cũng xa dần... Bọn lính Mỹ ở gần hầm bí mật của chúng tôi lặng tiếng. Cả khu vực làng Gia Viên, Cao Bang chìm trong tiếng mưa rơi nhè nhẹ lẫn với tiếng côn trùng kêu ra rả trong mùa mưa nghe não nuột. Có lẽ địch đã rút rồi! Tôi từ từ thò đầu lên khỏi mặt đất quan sát. Không thấy toán lính Mỹ nữa. Kẻ địch rút thật rồi. Thế là thoát...
Tôi và đồng chí Hiến sau gần 5 giờ ngâm nước thật căng thẳng! Chúng tôi nhẹ nhàng ôm súng lên khỏi hầm, vừa theo dõi địch, vừa trườn xuống con mương bên cạnh để về làng Cao Bang. Trong lúc tắm, gội, kì cọ cho nhau, tôi và Hiến đều thấy hình như mình đã bị bong đi một lớp da, rồi nhìn nhau cùng cười. Chắc là do hai chúng tôi bị ngâm nước lâu quá!
Phân đội Trinh sát hoạt động trong lòng địch ở đồng bằng thường gặp nhiều tình huống hiểm nguy... nhưng hầm bí mật vẫn là phương cách ẩn nấp tốt nhất. Mấy tháng ở lại đồng bằng, lực lượng trinh sát chúng tôi đã di chuyển qua lại nhiều làng xã, ẩn nấp trong nhiều căn hầm bí mật riêng của mình để bảo toàn lực lượng.
Thời gian ấy, lực lượng Trinh sát còn quá mỏng. Tôi quyết định rút đồng chí Khai ở làng Bao La về xã Phong Nhiêu, cài lại một mình đồng chí Khoan tiếp tục bám trụ ở Bao La dựa vào cơ sở để nắm địch ở vùng bắc sông Bồ, từ Xuân Tùy đến Cầu Kẽm. Nhiệm vụ tìm và chuyển thương binh của ta ngày càng khó khăn hơn. Bởi vì địch càn quét gắt gao hơn và mùa mưa đã đến, nên trinh sát ta đi lại, hoạt động rất hạn chế. Trong khi đó Phân đội Trinh sát ở đồng bằng Thừa Thiên vẫn không liên lạc được với trung đoàn. Nhưng chúng tôi vẫn cố tìm mọi cách để đưa thương binh lên núi và cũng cố tìm mọi cách để bắt liên lạc với đơn vị.
Vào một ngày đầu tháng 10 năm 1968, tôi cử đồng chí Kiệm thực hiện nhiệm vụ: Đưa 20 đồng chí cán bộ, du kích địa phương và thương binh lên miền tây huyện Phong Điền, sau đó tìm về đơn vị báo cáo và nhận sự chỉ đạo của Trung đoàn. Nhưng đến hơn một tuần sau vẫn không có tin tức...
Sau này chúng tôi mới biết: Anh Kiệm đã đưa đoàn cán bộ và thương binh vượt tuyến ngăn chặn của địch lên núi an toàn, về được Sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn ở miền tay huyện Phong Điền và đã chuyển được báo cáo của Phân đội Trinh sát tới thủ trưởng cơ quan Tham mưu. Biết tình hình trinh sát nằm vùng dưới đồng bằng các huyện Phong Điền , Quảng Điền rất khó khăn, trung đoàn đã cử một tổ công tác cùng đồng chí Kiệm xuống đón trinh sát về đơn vị nhưng không thành công...
Theo các đồng chí địa phương kể lại: tổ công tác ấy trên đường về đồng bằng, gặp địch phục kích ở khe Ác Ôn. Tất cả các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh! Chờ đợi lâu, sốt ruột quá; Đến giữa tháng 10 năm 1968, tôi lại cử tiếp hai đồng chí Nguyễn Xuân Nhâm và Phan Văn Khai đưa trên 60 cán bộ, du kích địa phương và thương binh lên núi, tiếp tục bắt liên lạc với đơn vị. Cháu Hoài Thu cũng được gửi đi theo trong chuyến này.
Khoảng 3 giờ sáng hôm sau, anh Nguyễn Xuân Nhâm cùng anh Khai đã dẫn đoàn cán bộ, du kích và thương binh vượt qua đường 1 trót lọt. Tới vùng rừng núi giáp ranh giữa ta và địch thì trời hửng sáng. Mọi người đang nghỉ lấy sức thì bất ngờ địch bắn pháo dồn dập vào sát gần nơi dừng chân của anh em ta. Đất đá vung vãi tung tóe, khói bụi mù mịt cả một vùng. Sau đó chúng dùng trực thăng đổ quân xuống bãi đất trống nơi chúng vừa bắn pháo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Nhâm (người đội mũ mềm) là một trong mười chiến sĩ Trinh sát Trung đoàn 1 , bí mật quay lại đồng bằng tỉnh Thừa Thiên thu gom thương binh sau Tết Mậu Thân 1968. Ảnh chup cùng CCB Sư đoàn 324 tại Sân bay Tà Cơn năm 2015.
Anh Nhâm bình tĩnh chỉ huy đoàn thương binh và du kích ta bí mật ẩn nấp trong các bụi cây rậm rạp. Thật may, bọn lính Sài Gòn vừa được trực thăng đổ xuống chỉ là một đơn vị huấn luyện, luyện tập hằng ngày. Chúng bắn vu vơ loạn xạ một hồi vào các lùm cây, rồi lại lên trực thăng chuồn thẳng. Ngay sau đó, đoàn cán bộ và thương binh đã vượt vùng giáp ranh lên "Cứ" miền tây của huyện Phong Điền an toàn. Sau đó Nhâm và Khai về tới Sở Chỉ huy tiền phương của Trung đoàn ở một khu rừng giáp ranh tây huyện Phong Điền trong niềm vui vô bờ bến của mọi người... Các anh đã nhận được lệnh của trung đoàn cho phép Phân đội Trinh sát thu quân về đơn vị. Ngay lập tức, Tổ trinh sát do đồng chí Nguyển Xuân Nhâm chỉ huy đã quay lại đồng bằng Thừa Thiên chuyển lệnh của trung đoàn theo nhiệm vụ được giao.
12
Mùa mưa ở vùng đồng bằng Phong Điền, Quảng Điền, Thừa Thiên sùng sũng nước. Có thể coi đây là cái bồn chứa nước mưa từ biển Đông ập vào, gặp sườn núi phía Đông Trường Sơn rồi dừng lại để trút nước xuống. Có những cơn mưa cứu được trinh sát thoát chết khi trận mưa ấy làm cho xe ủi đất của địch bị sa lầy cách cửa hầm bí mật của chúng tôi trong gang tấc. Nhưng cũng có những cơn mưa đã gây ra nhiều trận lụt lớn, gây khó cho trinh sát, cán bộ và du kích địa phương nằm vùng ở đồng bằng. Hầm bí mật bị nước mưa ngập chìm không thể sử dụng được. Vũ khí dầm nước nhiều giờ cũng không còn để chiến đấu được nữa.
Trinh sát, du kích và lực lượng vũ trang địa phương phải nhào lên tìm các lùm cây, bụi cây rậm nhỏ nhoi còn nhô lên trên mặt biển nước lũ mà ẩn nấp. Có vũ khí trong tay nhưng đành chịu. Đạn, lựu đạn ướt sũng không thể phát hỏa được. Làm sao có thể đánh trả địch khi bị chúng tiến công? Biết rõ cái yếu thế bất lợi của ta trong thời tiết xấu do mưa lũ gây ra, kẻ địch dùng máy bay trực thăng vũ trang quần lượn liên tục. Chúng soi mói lùng sục, cứ nhè chỗ có lùm cây, bụi rậm nhô lên trên mặt nước là trực thăng Mỹ bay thấp, lượn vòng hẹp, có khi máy bay trực thăng dừng hẳn lại. Chúng dùng sải cánh quạt rộng, quay tốc độ cao xẻ dạt các bụi cây, làm tan tác các tán cây.
Nếu có người ẩn nấp trong lùm cây, lập tức chúng xả súng như vãi đạn vào đó. Cho nên mỗi khi trực thăng vè vè nhao đến, có Tổ Trinh sát phải lặn một hơi dài để tránh địch. Những khi gặp tình huống như thế, chúng tôi phải nằm ngửa, chìm sâu dưới mặt nước. Mồm ai nấy đều ngậm ống thở ứng dụng đã chuẩn bị sẵn bằng đoạn nứa nhỏ. Một đầu ống nứa nhô lên trên mặt nước để lấy không khí thở đã đươc buộc chặt vào thân cây từ trước. Một tay giử ống thở, một tay bám chặt vào gốc cây để người không bị nổi lên mặt nước. Cứ thế chờ cho máy bay trực thăng bay đi, lại ngoi lên vào bụi cây ẩn nấp.
Mỗi trận lũ lụt như vậy, trực thăng của địch đến săn lùng, quạt bay các lùm cây chỉ còn phất phơ trên mặt nước. Các chiến sĩ bộ binh, du kích ta ẩn nấp trong đó thì làm sao thoát khỏi cái chết được. Vì họ đâu có biết sử dụng ống thở để lặn được lâu ở dưới nước như trinh sát chúng tôi. Cứ như thế mỗi trận lụt kéo dài hàng tuần liền, bọn Mỹ diễu dương trò trực thăng vũ trang nhào lượn trên không bắn vãi đạn vào các lùm cây phất phơ trên mặt nước lũ. Chúng đã gây cho lực lượng địa phương tổn thất rất lớn.
Nước lũ rút, nhưng hầm bí mật vẫn còn nhiều nước nên chưa sử dụng được. Trinh sát buộc phải lợi dụng bờ cây, bụi rậm còn sót lại dọc bờ mương hoặc bìa làng làm nơi ẩn nấp, tránh địch. Một hôm, bốn anh em chúng tôi ẩn mình trong một dải cây thấp rậm trên bờ mương nhỏ giữa hai làng Cao Bang và Gia Viên. Thật hú vía, một đại đội lính Mỹ hành quân qua đó. Đứa nào đứa nấy vai khoác ba lô, tay lăm lăm súng AR15, sẵn sàng bắn vào bất cứ chỗ nào khi chúng khả nghi.
Tổ Trinh sát bốn người nhanh chóng tản ra, chọn vị trí ẩn nấp thuận lợi, ôm súng AK sẵn sàng nhả đạn. Chúng tôi đã thống nhất phương án: Nếu chúng đi vào đội hình của ta, không còn cách nào giữ được bí mật nữa, tất cả sẽ đồng loạt nổ súng tiêu diệt toán đi đầu rồi theo dọc con mương rút lui ngược sang làng Sơn Tùng. Lúc bấy giờ, ai nấy đều hồi hộp theo dõi. Bọn lính Mỹ vẫn đi thẳng về phía chúng tôi. Ở nơi ẩn nấp, tôi nhìn rõ mặt cả mấy chục tên lính Mỹ tay lăm lăm cây súng AR15. Mặt mũi, dáng điệu của chúng có vẻ rất căng thẳng.
Tôi nghĩ cuộc chiến đấu sắp sửa bắt đầu rồi đây. Nhưng khi chỉ còn cách chúng tôi vài chục mét nữa, bọn chúng lại bất ngờ đổi hướng vượt qua con mương đi sang làng Gia Viên. Tôi quyết định để bộ đội bí mật nằm yên tại chỗ chờ đêm đến sẽ đi tìm nơi ẩn nấp phù hợp hơn để tránh địch bảo toàn lực lượng.
Sau trận càn quét ấy của địch, lực lượng trinh sát ở xã Phong Nhiêu chia thành hai nhóm để tránh địch. Nuôi và Hiến ém quân né địch ở bờ dứa dại trên bãi cát phía đông làng Sơn Tùng. Lúc bình thường các anh ấy tránh địch trong các bụi dứa dại, gai góc rậm rạp. Khi địch tuần tra, lùng sục hoặc dùng trực thăng xăm xoi, Nuôi và Hiến phải tự chôn vùi mình trong cát, dùng lá dứa khô ngụy trang che mặt chúng. Thật may, bọn địch chủ quan cho khu vực đó là vùng đất trống nên bỏ qua không lùng sục vào những bụi dứa dại ấy.
Tôi cùng y tá Trần Tử Bình chọn bức tường đổ của nhà thờ làng Cao Bang do xe ủi của Mỹ san gạt đẩy đổ làm nơi ẩn nấp tránh địch. Bức tường đổ ấy sập xuống nhưng chưa bị vỡ vụn. Dưới gầm bức tường có khoảng trống vừa đủ hai người ẩn nấp, có thể ngồi lom khom và có thể xoay xở được. Xung quanh bức tường được ngụy trang bằng đá vụn, gạch vỡ. Chúng tôi còn tự tạo lối chui ra chui vào, công phu, kín đáo. Ở vị trí này, có nền đất cao hơn xung quanh tới một mét. Cho nên, nơi đây vẫn khô ráo thuận lợi cho chúng tôi ẩn nấp. Tuy nhiên nơi đây cũng là nơi nghỉ chân, mỗi lần lính Mỹ, lính Sài Gòn lùng sục càn quét đi qua.
Những lúc đó hai bên chỉ cách nhau có một bức tường đã rạn nứt dầy chừng 30 cen ti mét. Chúng tôi nghe rất rõ tiếng nện gót giầy ở trên đó; nghe không sót nhiều câu chuyện phiếm và những lời bàn tán với đủ lời lẽ tục tĩu của tụi lính Sài Gòn; có ngày lại nghe tiếng xì xồ giọng ồm ồm và cười hô hố của bọn lính Mỹ rất chối tai. Tôi và y tá Bình không dám ho, không dám thở mạnh. Lúc nào tay cũng lăm lăm súng AK và lựu đạn sẵn sàng đánh trả quân địch. Thật may mắn, suốt cả một tuần địch không hề hay biết ngay dưới chỗ chúng thường ngồi tán dóc lại tồn tại hai chiến sĩ trinh sát của đối phương.
Sau này, các đồng chí địa phương cho biết: Từ Tết Mậu Thân đến hết mùa mưa năm 1968, vùng đồng bằng Thừa Thiên vô cùng ác liệt. Lực lượng của ta ở Phong Điền, Quảng Điền bị thiệt hại nặng nề. Hầu hết cơ sở cách mạng bí mật ở trong dân đều bị địch bóc dỡ. Có nhiều xã tổn thất lên tới 70, 80% du kích và cán bộ thôn, xã.
13
Vào cuối tháng 10, hai đồng chí Nhâm và Khai đã về đến làng Cao Bang xã Phong Nhiêu để tìm chúng tôi, không may lại gặp đúng trận càn quét của địch. Thời điểm ấy, Phân đội trinh sát đã di chuyển sang vị trí mới để bảo toàn lực lường. Nơi đặt hòm thư bí mật tại cây nhãn ở cánh đồng đầu làng Cao Bang để liên lạc khi cần thiết đã bị địch đóng chốt ở đó. Vì vậy hai anh phải ẩn nấp gần ba ngày ở cánh đồng phía tây làng Cao Bang.
Địch rút, các anh Nhâm, Khai mới tiếp cận được hòm thư bí mật và xem thư, biết địa điểm mới, các anh mới bắt được liên lạc với Phân đội Trinh sát. Chúng tôi gặp nhau trong niềm vui trào nước mắt của tình đồng đội... Sau khi gặp nhau ít phút, anh Nhâm đã truyền đạt mệnh lệnh của trung đoàn:
- Tham mưu phó Trung đoàn Nguyễn Khắc Huy chỉ thị:
Phân đội Trinh sát phải khẩn trương thu quân trở về đơn vị. Và anh Nhâm cho biết thêm: Trung đoàn đã bắt đầu di chuyển lên miền tây để củng cố...
Nhận được lệnh thu quân, anh em chúng tôi rất mừng và như trút đi được một gánh nặng... Đúng là, anh Nhâm, anh Khai quay lại được đồng bằng Thừa Thiên lúc này là một kỳ tích.
Nhận được lệnh thu quân, chúng tôi đã phân công nhau tiến hành ngay mọi công tác chuẩn bị để sãn sàng trở về đơn vị. Đúng vào thời điểm ấy, tôi nhận được tin đồng chí Đào Công Khoan đã hy sinh anh dũng trong một trận vây ráp, khi địch khui trúng hầm bí mật. Thật xót xa! chúng tôi lại mất đi một chiến sĩ kiên trung, quả cảm. Như vậy là lực lượng trinh sát Trung đoàn 1 hoạt động ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên chỉ còn lại 6 người.
Hồi Tết Mậu Thân, Trung đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch từ Vĩnh Linh vào Bắc sông Hương theo đường ven biển. Nay Phân đội Trinh sát lại tìm đường về đơn vị theo đường miền tây, núi rừng hiểm trở. Nếu không có bản đồ địa hình thì sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, đầu tháng 11 năm 1968, chúng tôi phải tìm mọi cách phục kích đánh một trận. Mục tiêu của trận đánh này là lấy cho được một tấm bản đồ Thừa Thiên để sử dụng trong quá trình tìm đường về đơn vị. Bùi Công Nuôi và Nguyễn Văn Hiến được giao nhiệm vụ này. Địa điểm trận đánh được chọn ở làng Cao Bang hoặc làng Sơn Tùng.
Một hôm, bọn địch lùng sục mọi ngõ ngách trong làng Cao Bang. Tốp lính Mỹ đi đầu lọt vào nơi phục kích của ta. Anh Nuôi, anh Hiến tung lựu đạn, quét AK diệt gọn tốp lính Mỹ đi đầu rồi xông ra thu được một súng AR15, một tấm bản đồ vùng Thừa Thiên và một chiếc địa bàn đúng như kế hoạch. Sau khi hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, các anh Nuôi và Hiến đã rút sang làng Gia Viên xuống hầm bí mật trú ẩn an toàn. Bọn Mỹ bên làng Cao Bang bị một trận đánh đau, chúng lồng lộn cả ngày không tìm ra dấu vết du kích, bộ đội. Trời tối, chúng đành kéo nhau rút lui.
Có được trong tay tấm bản đồ quân sự tỉnh Thừa Thiên cùng chiếc địa bàn của kẻ địch, anh em trinh sát rất phấn khởi. Mấy hôm sau, tôi trao đổi với lãnh đạo hai huyện Phong Điền, Quảng Điền và xã Phong Nhiêu phương án thu quân rút về miền Tây và đã được các đồng chí địa phương hết lòng ủng hộ. Các anh ấy đề nghị chúng tôi kết hợp chuyển số thương binh còn lại lên rừng và xin gửi một số du kích, cán bộ cơ sở lên "Cứ" của huyện Phong Điền ở miền tây tỉnh Thừa Thiên. Thời gian đó, mùa mưa ở đồng bằng Thừa Thiên đang qua đi. Nhiều căn hầm bí mật được sửa lại, đào mới và đưa vào sử dụng. Nhưng lực lượng cán bộ, du kích địa phương tổn thất nặng nề, còn lại rất mỏng. Địch vẫn càn quyét, truy lùng lực lượng ta rất gắt gao.
Đội hình thu quân lên núi của chúng tôi gồm 6 trinh sát, 6 thương binh và một số du kích, cán bộ cơ sở của huyện Phong Điền. Trang bị của mỗi người trong đoàn đi gồm súng đạn, quần áo, một chiếc võng, một mảnh ni lông, một đôi dép lốp, 7 ki-lô-gam gạo và hai lạng muối. Cả đoàn chỉ có một gói mì chính và đầy đủ xoong nồi để nấu ăn trên đường.
Đêm 7-11-1968, mọi người hầu như không ngủ để làm công việc chuẩn bị cho chuyến đi về đơn vị dự kiến xuất phát vào 20 giờ ngày hôm sau.
Mờ tối ngày 8 tháng 11, tôi cử Nuôi và Hiến đi sang làng Gia Viên liên lạc với anh Thân Ngọc Trung - Bí thư xã Phong Nhiêu để đón một số anh em cán bộ, du kích địa phương về làng Cao Bang chuẩn bị cho chuyến đi.
Khoảng 19 giờ, một tiếng nổ chát chúa phía bờ mương nam làng Cao Bang. Tôi thoáng nghĩ chẳng lẽ địch lại đánh hơi ta chuẩn bị chuyển quân mà lùng sục vây bố? Tôi cử người chạy về hướng có tiếng nổ kiểm tra xem xét sự thể ra sao. Một cảnh tượng đau xé lòng hiện ra trước mắt. Bùi Công Nuôi, một tổ trưởng trinh sát gan dạ xuất sắc và trinh sát Nguyễn Văn Hiến đã hy sinh vì vướng phải lựu đạn mỏ vịt bọn Mỹ cài lại sau trận càn của chúng.
Thương quá, các anh lăn lộn bám dân, bám đất, chịu đựng bao nguy nan, gian khổ từ Tết Mậu Thân đến nay ròng rã trên 300 ngày đêm không nghỉ. Vậy mà chỉ còn vài giờ nữa đơn vị rút lên núi tìm về trung đoàn thì các anh đột ngột hy sinh! Tổn thất quá lớn, quá bất ngờ, quá xót đau. Chúng tôi an táng hai anh ở gần bờ mương phía nam làng Cao Bang và cầu cho linh hồn các anh siêu thoát. Anh Nuôi, anh Hiến ơi! Các anh nằm lại đồng bằng Thừa Thiên này nhé! Đồng đội cùng ở lại với các anh có anh Khoan, anh Kiệm và hai chiến sĩ thông tin Bùi Ngọc Hành, Trần Xuân Quang của chúng ta nữa! Xin các anh yên nghỉ trên mảnh đất yêu thương đầy máu lửa này.
Ngày nhận nhiệm vụ xuống đồng bằng Thừa Thiên cách đây gần 6 tháng, lực lượng Trinh sát Trung đoàn 1 có mười người. Thật tiếc, bây giờ, được lệnh trở về đơn vị, đội ngũ chỉ còn bốn người thôi. Đó là: Tôi, hai trinh sát Phan Văn Khai, Nguyễn Xuân Nhâm và y tá Trần Tử Bình. Chúng tôi xin vĩnh biệt những người đồng đội thân yêu đã ngã xuống đồng bằng Thừa Thiên từ Tết Mậu Thân đến nay! Xin vĩnh biệt những người anh hùng!
Không còn thời gian liên lạc với anh Trung bên làng Gia Viên, cho nên chúng tôi đành phải để một số cán bộ và du kích kẹt lại. Ngay trong đêm 08-11-1968 đoàn cán bộ, bộ đội, du kích địa phương gồm 25 người trong đó có 4 trinh sát, 6 thương binh, 15 cán bộ, du kích địa phương huyện Phong Điền lặng lẽ, bí mật hành quân xuyên qua vùng địch tạm chiếm đóng, hướng về miền tây Thừa Thiên. Khoảng 2 giờ sáng ngày hôm sau, chúng tôi vượt đường 1, nơi địch thường kiểm soát tuần tra rất chặt chẽ. Nhưng đêm đó thật yên ắng, tĩnh lặng. Chờ một đoàn xe cơ giới địch đi khỏi, bộ đội, thương binh, cán bộ và du kích mau lẹ băng qua đường, tản nhanh vào cánh rừng thưa lúp xúp phía tây đường 1.
Trời mờ sáng, đội hình hành quân của chúng tôi dừng chân trong một cánh rừng, cách đồn Bồ nơi địch đóng quân chừng 2 cây số về phía bắc. Để tránh máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ quần đảo nhòm ngó phát hiện, ban ngày anh em Trinh sát tìm chỗ ẩn nấp kín đáo, án binh bất động. Đêm đến chúng tôi mới lần tìm đường đi tiếp. Mọi người cố gắng không để lại dấu vết trên đường và tìm mọi cách tránh máy bay trực thăng, máy bay do thám Mỹ trên trời. Chúng tôi cũng tìm mọi cách tránh thám báo, biệt kích địch ở dưới đất và còn phải tránh không để những "cây nhiệt đới" của Mỹ phát hiện. Đó là những thiết bị điện tử do thám tự động mà máy bay địch thả xuống để kiểm soát vùng rừng rậm phía Đông Trường Sơn.
Tấm bản đồ, địa bàn thu được của lính Mỹ thật quý giá. Nó giúp rất nhiều cho đoàn chúng tôi xác định hướng đi và đường đi. Suốt một đêm luồn rừng trèo núi, sáng ngày 10 tháng 11năm 1968 đoàn chúng tôi đã về tới được "Cứ" huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. "Cứ" này nằm trong một khu rừng sâu rậm rạp thuộc xã Phong Sơn.
Các đồng chí địa phương ở "Cứ" miền tây huyện Phong Điền tiếp đón chúng tôi chu đáo, hồ hởi nhưng ở đây cũng rất thiếu thốn, gian khổ nên không hỗ trợ được nhiều cho đoàn. Tôi đã bàn giao 15 cán bộ cơ sở và du kích địa phương cho "Cứ" kháng chiến của huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Được bổ sung thêm lực lượng, các đồng chí lãnh đạo ở đây mừng lắm.
Cứ ngỡ chúng tôi hành quân đôi ba ngày là tới đơn vị. Nhưng các đồng chí địa phương cho biết: Trung đoàn đã hành quân lên miền tây được 15 ngày về hậu phương để củng cố. Tôi nghĩ, nơi ấy ở rất xa... Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, hậu cần thiếu thốn, rừng núi điệp trùng, nhiều sông lắm suối, chắc rằng còn rất nhiều trắc trở đang chờ đoàn trinh sát và thương binh ở phía trước.
Các đồng chí lãnh đạo "Cứ" địa phương còn cung cấp cho chúng tôi biết thêm tình hình: Địch đã tổ chức nhiều điểm chốt chặn trong vùng rừng núi tiếp giáp giữa ta với địch và vùng giáp ranh giữa đồng bằng với miền núi. Mục đích của chúng là ngăn chặn, không cho lực lượng ta qua lại hoạt động, nên hầu hết các con đường mòn trong rừng, địch đều tổ chức nhiều ổ phục kích và gài mìn dày đặc.
Bất chấp khó khăn, sáng sớm hôm sau đoàn quân tìm về đơn vị của mười trinh sát và thương binh lại tiếp tục lên đường. Cuộc hành quân này đối với chúng tôi đầy gian truân và thử thách. Có trong tay tấm bản đồ Thừa Thiên và chiếc địa bàn, với mọi người lúc này thực sự là bảo bối. Xem trên bản đồ để phỏng đoán những nơi địch có thể phục kích mà tránh né. Dựa vào địa bàn và bản đồ để cắt đường, luồn rừng che mắt địch. Chúng tôi phải căng thẳng xác định trên thực địa các điểm chốt, các ổ phục kích, nơi địch có thể bố trí các bãi mìn... để lựa chọn con đường đi an toàn, hợp lí nhất.
Trước khi cắt đường rừng tiến về phía trước, kinh nghiệm trinh sát đã dạy chúng tôi phải chọn một điểm cao để quan sát, theo dõi nắm địch, xác định các vị trí nghi ngờ có địch. Chúng tôi cũng tỉ mỉ đối chiếu giữa thực địa với bản đồ để chọn đường đi, vừa tránh được tai mắt địch vừa đúng phương hướng. Nhờ vậy chúng tôi đã tìm được lối đi ít hiểm trở nhất và an toàn nhất để vượt qua đèo dốc, sông suối trong vùng.
Khó khăn nhất là chặng đường từ khu vực rừng núi dốc Ồ, xã Phong Sơn huyện Phong Điền đến thượng nguồn sông Ô Lâu. Đây là vùng giáp ranh, địch bố phòng chốt chặn, phục kích, kiểm soát gắt gao. Bộ đội, du kích, cán bộ địa phương, từ đi đoàn đến đi lẻ vượt qua vùng này đều coi đây là cửa tử vì đã đụng độ kẻ địch nhiều lần. Đôi khi sống chết nhờ may rủi vì khoảng cách giữa hai điểm chốt của địch nhiều chỗ chưa đầy vài trăm mét. Tất cả khu vực địa hình giữa hai điểm chốt đều trong tầm khống chế của súng bộ binh địch nên khi bộ đội ta vượt qua nơi ấy rất nguy hiểm.
Phải cảnh giác và giữ gìn bí mật hành quân nên chúng tôi thống nhất vượt qua khu vực này vào ban đêm hoặc chọn thời cơ địch sơ hở và lơ là tuần tra nhất. Cũng như trinh sát, cả sáu thương binh đều rất thành thạo thực hiện các động tác bí mật vượt qua các loại địa hình khi sát gần vị trí địch đang chốt giữ. Từ Tết Mậu Thân đến nay, gần 10 tháng các anh được dân nuôi giấu trong hầm bí mật. Có đồng chí nhiều ngày đêm bất chấp thương tật đã sát cánh cùng du kích chiến đấu tự bảo vệ mình, bảo vệ cơ sở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Các anh được tôi luyện, sàng lọc trở nên những con người bình tĩnh, dũng cảm, sáng tạo. Có thể nói các thương binh cùng trinh sát tìm đường về đơn vị trong chuyến cuối này vừa gặp may mắn, vừa xứng đáng với sự trông đợi, tin yêu của đồng đội. Để bảo đảm an toàn, đêm đến anh em chúng tôi dừng nghỉ ở những nơi kín khuất và cũng thực hiện mọi việc nhẹ nhàng, nấu ăn không phát ra ánh sáng.
Đoàn chiến sĩ trinh sát và thương binh, hành quân 10 ngày đêm qua vùng Khe Mễ, Động Chuối, Cốc Be Lai, tỉnh Thừa Thiên tiếp giáp vùng núi rừng tây huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị mà vẫn chưa thấy dấu vết của đơn vị. Nếu trung đoàn còn ở trên đất Quảng Trị hoặc Thừa Thiên thì anh em chúng tôi đã tìm về đơn vị không đến mức khó khăn như vậy. Nhưng đơn vị đã cơ động khỏi địa bàn này chắc cũng lâu rồi. Cuộc "rượt đuổi theo" trung đoàn của chúng tôi sẽ còn rất gian nan, nguy hiểm.
Bộ đội hành quân tới bờ sông Đắc Krông phía nam núi Đá Bàn. Theo bản đồ thì đây là vùng ta kiểm soát. Mọi người rất mừng nhưng vùng này quá xa dân, cũng không gặp bộ đội, thanh niên xung phong của ta đi lại hoạt động. Trời mưa quá to. Những cơn mưa vét cuối mùa phía Đông Trường Sơn dữ dội trút nước xuống mọi cánh rừng. Nước sông Đắc Krông đỏ ngầu cuộn réo dâng lên ngập bờ. Phía bên là vách đá, ở dưới là vực sâu ngày đêm gầm thét. Trinh sát và thương binh chúng tôi tìm mọi cách vượt sông nhưng không qua nổi.
Tôi đành quyết định "hạ trại" trú quân bên bờ đông sông Đắc Krông. Mọi người tìm chỗ mắc võng, căng mảnh ni lông mỏng vừa đủ chỗ nằm. Ai nấy đều cố giữ cho áo quần khô, được chỗ nào hay chỗ ấy. Thật gay go, sờ đến bao gạo, ai cũng sửng sốt, bởi lương thực dùng đã cạn kiệt. Nước lũ chắn đường, cứ nghĩ sẽ sớm vượt sông tìm được cái ăn, nhưng mãi ba ngày sau nước sông vẫn cuồn cuộn. Bữa ăn rút xuống, cả ngày mỗi người chỉ còn một lạng gạo. Nấu cháo phải độn rau rừng. Sau năm ngày, hạt gạo cuối cùng cũng cạn. Bộ đội chỉ còn có rau rừng, măng tre lồ ô chấm muối ăn thay cháo loãng. Gặp một ngày không may mắn, vẫn là thứ măng rừng, ít ai ngờ thứ măng rừng bữa đó lại chứa nhiều chất độc là vậy. Bộ đội bị say măng, đúng hơn là ngộ độc măng rừng. Ai cũng ôm bụng đau quằn quại. Lúc đầu còn gượng dậy được, sau rồi cứ thế miệng nôn trôn tháo đầm đìa ra võng, ra nơi nằm, hầu hết anh em đã kiệt sức, lịm... Y tá Trần Tử Bình tìm mọi cách giải độc cứu anh em nhưng đều vô hiệu. Nhiều người đã mê man, lịm người, lả đi...Sáng hôm sau, thấy hơi tỉnh lại một chút, nắm chặt tay y tá Bình tôi nói:
Y tá Trần Tử Bình chụp ảnh cùng tác giả ở tỉnh Phú Thọ tháng 9 năm 2017.
- Nguy hiểm quá rồi! Không chết vì bom đạn địch... Chẳng lẽ lại chịu chết vì ngộ độc măng rừng hay sao? Cậu mở ba lô mình lấy bộ quần áo, gần đây có bản Chòi Con Hoa của người dân tộc Vân kiều, cậu cố cắt rừng tìm đến đổi gạo về nấu cháo cứu đói, giải độc.
Tôi trông chờ vào sự cố gắng của Bình.
Chẳng hiểu sức mạnh gì và lấy hơi sức ở đâu ra mà y tá Bình lại làm được một điều kỳ diệu như thế. Anh đi đến quá trưa sang đến đầu giờ chiều thì mang về được mấy lon gạo. Anh nấu ngay nồi cháo và lần lượt cạy răng, đổ cháo vào mồm từng người một. Quả là thuốc tiên. Đến chiều, mọi người tỉnh lại. Chập tối có người đã lội được xuống bờ sông rửa chân tay, gột quần áo. Chúng tôi giúp nhau khắc phục hậu quả... Vậy là tai qua nạn khỏi!
Hai ngày sau, nước lũ sông Đắc Krông vơi dần. Khả năng vượt sông lộ rõ. Tôi quyết định "nhổ trại", vượt sông tiếp tục hành quân tìm đường về đơn vị. Trước ngày lên đường, chúng tôi đã thống nhất với nhau, trên đường hành quân sẽ đổi mọi thứ cho đồng bào để lấy thức ăn. Thế là mười chiến sĩ, mỗi người chỉ giữ lại một bộ quần áo trên người, một đôi dép lốp, một áo chống mưa, một mũ che đầu và toàn bộ vũ khí. Còn lại trên đường hành quân chúng tôi đã đổi hết mọi thứ mình có. Tất cả đều được quy ra gạo, ngô, khoai, sắn. Thấy bà con dân tộc thích các vật phẩm, anh em trinh sát đổi tuốt gương lược, ảnh bìa lịch tay, ảnh cất trong ví, kể cả ảnh những cô gái cắt trên báo cũng đánh đổi lấy những thứ gì đó để ăn. Những thứ ấy, bà con thường đổi cho bộ đội một con gà, mấy cân ngô hoặc sắn. Chúng tôi gom lại dự trữ để ăn trên đường tìm về đơn vị.
Vượt qua sông Đắc Krông an toàn, chúng tôi lên đường tiếp tục đi về phía trước. Đến ngày thứ ba, được nhân dân địa phương cho biết ở khu vực làng Ho, Hướng Hóa, Quảng Trị, kề cạnh biên giới Việt - Lào có nhiều bộ đội ta đang ở đó. Đối chiếu trên bản đồ, tôi dự tính chỉ còn một ngày đường thôi là tới nơi ấy. Tôi dự đoán, có thể Trung đoàn đóng quân ở đây? Đội hình bốn trinh sát, sáu thương binh phấn khởi tiếp tục hành quân về hướng tây... Sau hai ngày hành quân, chúng tôi đã tới khu vực làng Ho, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nhưng vẫn chưa gặp được đơn vị! Mấy anh em nói với nhau: "Chắc trung đoàn đã đi tiếp sang đất bạn Lào chăng?".
Lại một ngày nữa trôi qua. Khi mặt trời xuống khuất các ngọn cây rừng, chúng tôi bỗng nghe thấy có tiếng người phía trước. Thì ra chúng tôi đã đặt chân tới vị trí đóng quân Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn. Đa số anh em đồng đội đều là những người đã quen biết nhau trong các trận đánh. Lâu ngày mới gặp lại nhau, tất cả chúng tôi mừng vui ôm lấy nhau. Nước mắt mọi người đều chảy ra, thật cảm động. Mọi người cứ ngỡ trinh sát, thương binh ở dưới đồng bằng Thừa Thiên, bặt tin tức gần sáu tháng rồi thì làm sao còn hy vọng trở về với đồng đội được!
Các đồng chí Tiểu đoàn 1 coi anh em chúng tôi còn quý hơn cả anh em ruột thịt, đi xa lâu ngày mới trở về. Trong chốc lát, chúng tôi được liên hoan bằng bữa cơm lính chiến trường: Có cơm trắng, thịt tươi, ăn ngon, ăn no, nói cười vui vẻ sảng khoái. Chẳng giống như thời gian chúng tôi phải "đi không dấu, nấu không khói, nói đủ nghe, che đủ kín, nhịn đủ mọi thứ"... Ngay trong đêm hôm ấy, tin Phân đội Trinh sát còn bốn đồng chí trở về cùng với sáu thương binh được lan nhanh đến các đơn vị trong trung đoàn.
Ngày hôm sau chúng tôi được đón về Trung đoàn Bộ trong niềm vui mừng của biết bao đồng chí, đồng đội. Sau gần 6 tháng trời độc lập hoạt động đơn lẻ giữa lòng địch ở vùng đồng bằng Thừa Thiên, lực lượng trinh sát chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về được đơn vị, mọi người coi đó là một kì tích. Tôi được cơ quan Tham mưu Trung đoàn bố trí ở một gian lán nhỏ khung bằng tre, lợp lá nón để ở và làm việc.
Suốt ba năm qua chiến đấu ở Đường 9 - Bắc Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đến nay, tôi cùng đồng đội sống dưới mưa bom, bão đạn, cho nên hầu như suốt ngày đêm đều gắn bó với những chiếc hầm trong lòng đất. Hôm nay trên đất bạn Lạo, lần đầu tiên tôi được sống và làm việc ở một gian lán nhỏ xinh xinh nên tôi rất vui.
Một buổi chiều, ngay tại cơ quan Trung đoàn Bộ, trên đất bạn Lào, tôi thay mặt Phân đội Trinh sát báo cáo tình hình hoạt động trong gần nửa năm ở đồng bằng Thừa Thiên. Dự hội nghị có Chính ủy cùng thủ trưởng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần. Tôi báo cáo: ... Phân đội Trinh sát đã "lọt xuống" đồng bằng Thừa Thiên nằm vùng, bám trụ hoạt động được gần sáu tháng. Hai tháng đầu còn giữ được thông tin liên lạc với trung đoàn. Bốn tháng sau liên lạc, tiếp tế bị cắt đứt hoàn toàn. Đường giao liên địa phương cũng không khai thông được... Chúng tôi đã cùng địa phương đưa được khoảng 100 thương binh cùng trên 80 cán bộ, du kích địa phương lên núi an toàn. Tôi dự tính còn khoảng trên 100 đồng chí thương binh nữa Trinh sát không thể tiếp cận được, anh em đã tự tìm đường hoặc di chuyển theo nhiều cách khác nhau để lên rừng. Có lẽ còn gần 100 thương binh khác đã hy sinh vì vết thương quá nặng và do chiến đấu chống càn; ngoài ra, một số đồng chí bị địch bắt.
Với lời lẽ rõ ràng tôi kết luận:
- Thưa Thủ trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa thật tốt!
Nói đến đây, nước mắt tôi ứa ra... Bao xúc động, bồi hồi với biết bao biến cố đã trải qua! Bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy rình rập thế mà chúng tôi vẫn còn sống! Tôi vẫn còn sống! Và đã được trở về với đồng đội!
Bao nhiêu thương binh và trinh sát đã hy sinh! Bao nhiêu bộ đội địa phương, cán bộ, dân quân du kích đã hy sinh! Sự hy sinh, mất mát là quá nhiều, nối tiếp thêm những hy sinh mất mát trong cuộc Tổng tiến công nổi và dậy Tết Mậu Thân 1968. Tất cả mọi người trong hội nghị đều xúc động, lặng lẽ nhìn về phía tôi.
Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1 ghé sát tai Chính ủy để thống nhất một vấn đề gì đó. Chính ủy gật đầu rồi ông cầm quyển sổ tay, lật vội mấy trang giấy, rồi nói:
"Có nhiều người băn khoăn ai thắng, ai thua trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân mùa xuân 1968. Cần hiểu rằng, lần đầu tiên hệ thống phòng thủ trên toàn miền Nam của địch với lực lượng 1 triệu 20 vạn quân của địch bị chọc thủng, bị phá vỡ. Hậu cứ địch, đô thị của địch trở thành bãi chiến trường trong hàng tháng trời. Gọng kìm bình định nông thôn của địch bị bẻ gãy. Đây là một trận đọ sức mang tính lịch sử, đẩy Chiến tranh Cục bộ của Mỹ đến chỗ phá sản. Buộc Mỹ phải tính đường rút quân khỏi Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với ta, ngừng ném bom phá hoại ở miền Bắc... Chiến lược tìm diệt hung hăng của Mỹ và quân đội Sài Gòn thất bại hoàn toàn, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh...
Trước những tổn thất trong chiến tranh Việt Nam, đêm 31-3-1968, Tổng thống Mỹ johnson, người chủ trương phát động Chiến tranh Cục bộ ở miền Nam và ra lệnh ném bom leo thang phá hoại miền Bắc đã phải đơn phương tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam, cử đại diện tham gia đàm phán lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vậy thì ai thắng, ai thua đã rõ ràng rồi...
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dây mùa Xuân 1968, Trung đoàn 1 cũng đã làm nên nhiều kỳ tích trên chiến trường Trị Thiên, trong đó có thành tích không nhỏ của các đồng chí"... Ông nhìn tôi và nói như truyền thêm lửa cho các đồng chí cấp dưới. Tất cả số cán bộ có mặt dự họp hôm đó vẫn ngồi lặng lẽ, chăm chú lắng nghe những nhận định đánh giá của Chính ủy. Cuối cùng ông kết luận:
- Đảng ủy, lãnh đạo và chỉ huy Trung đoàn đánh giá rất cao tinh thần, nghị lực vượt khó khăn, chiến đấu hy sinh của các đồng chí trinh sát và thương binh. Trung đoàn đề nghị cấp trên khen tặng và truy tặng xứng đáng cho các đồng chí đã lập công xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những chiến công chung đó có công sức lớn của đồng chí Lê Huy Mai.
- Cảm ơn Chính ủy! Nếu không có sự giúp đỡ, phối hợp hoạt động của lãnh đạo, du kích, nhân dân địa phương hai huyện Phong Điền, Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên thì anh em trinh sát chúng tôi không thể hoàn thành được nhiệm vụ - Tôi nói và nhấn mạnh thêm.
- Đúng rồi! - Sau đó Chính ủy phân tích rõ thêm:
Về phía ta, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chúng ta ở trong thế thắng, thế chủ động. Nhưng do phải dốc toàn lực cho tổng tiến công đánh vào khắp đồng bằng, đô thị miền Nam nên năm 1968 lực lượng hậu cần của chúng ta không đủ sức đảm bảo. Đạn dược thiếu. Lương thực không đủ nuôi quân, bộ đội đói trầm trọng...Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, địch ra sức tập trung phản kích. Lực lượng ta bị tiêu hao phải lùi dần từng bước, bật khỏi những địa bàn chiến lược đã từng chiếm giữ. Địch kiểm soát trở lại thành phố, đồng bằng và vùng giáp ranh. Chúng đã tổ chức những đợt hành quân vào rừng, lên núi đánh phá kho tàng, ngăn chặn hành lang chiến lược của ta. Hậu phương chiến trường Trị Thiên bị chúng uy hiếp nghiêm trọng. Trong năm 1968, lực lượng của ta bị tổn thất lớn. Riêng Trung đoàn 1 hy sinh trên 700 đồng chí và hàng ngàn đồng chí bị thương, phải rời vị trí chiến đấu. Nhưng thế chiến trường đã chuyển hướng sang thời kỳ mới đầy triển vọng và cũng là thời kỳ đầy gian khổ, hy sinh, khó khăn và khốc liệt hơn đang chờ ở phía trước.
Kết thúc cuộc họp, tôi chào các thủ trưởng, rồi về đơn vị. Tối hôm ấy và mấy ngày hôm sau, gian lán nhỏ lợp lá nón nơi tôi ở, lúc nào cũng tấp nập người. Bạn bè, đồng đội của tôi liên tục đến thăm hỏi, nghe chuyện đồng bằng Thừa Thiên sau Tết Mậu Thân và chúc mừng tôi còn sống. Thật cảm động!
Mấy ngày sau đó, đồng chí Trợ lý Chính sách Trung đoàn cho tôi biết: Sau hơn hai tháng không nhận được tin tức của lực lượng Trinh sát, trung đoàn đã phái người xuống đồng bằng tìm kiếm nhưng không có kết quả. Việc "mất tích" của các anh trở nên bí hiểm đối với đơn vị. Hết hy vọng tìm kiếm, trung đoàn nghĩ đến tình huống xấu xảy ra, nên đã quyết định thông báo tin các anh mất tích về địa phương vào cuối tháng 9 năm 1968. Ba lô tư trang, Huân chương Chiến công của mọi người đã được chuyển ra ngoài Bắc, gửi về gia đình...
Nhận được tin ấy, tôi lúng túng không biết xử lý ra sao. Bởi vì tôi biết rằng "tình huống" nhận tin tôi mất tích và hiện vật của con từ đơn vị gửi về, chắc bố mẹ tôi sẽ rụng rời chân tay, vô cùng đau đớn... Chắc là cả nhà ai cũng xác định là tôi đã hy sinh rồi. Chiến trường miền Nam quá xa xôi và ác liệt, biết dò tìm, hỏi thăm tin tức ở nơi nào. Và ngay bản thân tôi cũng không biết làm thế nào để thông tin sớm cho bố mẹ biết rằng mình vẫn còn sống. Nghĩ mà thương các cụ quá, có lẽ ý định không viết thư về gia đình của mình sai rồi...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top