Chương 4 - TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY - MÙA XUÂN 1968

1

Từ cuối năm 1967, trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã xuất hiện một tình thế mới có lợi cho phong trào cách mạng. Uy tín chính trị và thế đứng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên cao. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích của ta giành thế chủ động trên các chiến trường, đẩy địch vào những tình huống bất lợi, bị động.

Quân ủy Trung ương đã xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968. Kế hoạch được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thông qua, đồng thời xác định: Mặt trận Đường 9 - bắc tỉnh Quảng Trị là một trong những hướng chiến lược quan trọng của nhiệm vụ tiêu diệt địch và thu hút, kìm giữ một bộ phận quan trọng lực lượng chủ lực cơ động của Mỹ và quân đội Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường trọng điểm của ta Tổng tiến công và nổi dậy, mà trực tiếp là khu vực Thưa Thiên - Huế.

Khoảng sau ngày 20 tháng 01 năm 1968. Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 đảm nhiệm mũi thọc sâu chiến dịch theo đường đồng bằng ven biển, từ bắc tỉnh Quảng Trị qua sông Cửa Việt đến bờ bắc sông Hương tỉnh Thừa Thiên để hỗ trợ cho mặt trận thành phố Huế.

Những ngày giáp Tết, đồng bào ta đang chuẩn bị ăn Tết, đón xuân. Bộ đội ngoài Bắc vào Nam chiến đấu trong những ngày giáp Tết thường nhớ nhà, nhớ quê, nhưng trong tâm trí chúng tôi lúc này chỉ tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, ở phía trước đang chờ.

Ngày 26 Tết năm 1968, Trung đoàn trưởng Từ Duyệt ra lệnh cho Đại đội Trinh sát bàn giao nhiệm vụ nắm địch ở khu vực Cồn Tiên cho Tiểu đoàn 2. Sau đó, hành quân gấp về xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 27 Tết, tại Trung đoàn Bộ ở xã Vĩnh Chấp,huyện Vĩnh Linh có một cuộc họp quan trọng. Thành phần tham dự bao gồm: Cơ quan trung đoàn và cán bộ chỉ huy từ cấp đại đội trực thuộc đến tiểu đoàn. Cuộc họp do Trung đoàn trưởng Từ Duyệt và Chính ủy Nguyễn Đàm đồng chủ trì. Trước tiên Trung đoàn trưởng phổ biến nhiệm vụ:

- Trung đoàn ta được giao nhiệm vụ rất quan trọng, đảm nhiệm một mũi thọc sâu chiến dịch. Chúng ta phải vượt sông Cửa Việt, băng qua vùng đồng bằng Quảng Trị, Thừa Thiên. Sau đó, nhanh chóng tiến vào bờ bắc sông Hương, đánh chặn con đường vận chuyển đường thủy của Mỹ và quân đội Sài Gòn từ cảng Thuận An theo sông Hương vào thành phố Huế và trụ vững ở vùng đồng bằng bắc Thừa Thiên để chia lửa và hỗ trợ cho mặt trận Huế.

Trung đoàn trưởng dừng lại, nhìn bao quát về phía chúng tôi rồi nói tiếp:

- Như vậy là chúng ta phải rất táo bạo, vừa đi vừa đánh địch dọc tuyến đồng bằng, ven biển. Các đồng chí nhớ là đồng bằng ven biển chứ không phải thực hiện nhiệm vụ thọc sâu ở vùng rừng núi quen thuộc như trước đây. Các đồng chí rõ không - Trung đoàn trưởng hỏi.

Cả hội nghị trầm xuống trong ít phút. Rõ ràng nhiệm vụ trung đoàn được giao, với chúng tôi là rất mới, rất nặng nề. Nhiệm vụ lại diễn ra vào thời điểm giáp Tết, rét mướt thế này. Chúng tôi chưa kịp đồng thanh hưởng ứng, Trung đoàn trưởng đã chỉ thị:

- Tiểu đoàn 2 tiếp tục bao vây cứ điểm Cồn Tiên. Khi có đơn vị bạn đến thay thế, tiểu đoàn sẽ bàn giao rồi bám theo đội hình trung đoàn.

- Báo cáo rõ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Nguyễn Văn Đức đứng dậy nhận lệnh.

- Tất cả các đơn vị chủ động cho bộ đội ăn Tết trước. Chậm nhất vào ngày 29 Tết (tức là ngày 28-1-1968) bộ đội ăn Tết xong. Như vậy, ta chỉ còn hai ngày nữa để hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng đợi lệnh xuất phát. Các đồng chí rõ chưa - Trung đoàn trưởng nhắc lại.

- Báo cáo rõ- chúng tôi đồng thanh hô tỏ rõ quyết tâm.

Sau hội nghị, Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn Trần Xuân Nghiễm yêu cầu tôi ở lại nhận nhiệm vụ cụ thể. Sau khi nêu rõ nhiệm vụ, anh căn dặn: "Trong quá trình làm nhiệm vụ, ngoài việc nắm địch, các đồng chí còn tìm mọi cách liên lạc với các lực lượng địa phương, xác định đường tiến quân của trung đoàn nhanh nhất, tốt nhất. Ngay ngày mai, các đồng chí cử một tổ trinh sát cùng tôi đi trước nghiên cứu chuẩn bị phương án cho trung đoàn vượt sông Cửa Việt.

- Tôi đã rõ nhiệm vụ, thưa đồng chí Chủ nhiệm.

Trở về đơn vị tôi cứ áy náy vì công việc quá gấp gáp nên một số đồng chí trinh sát của đại đội sẽ không còn kịp ăn Tết nữa. Ngay sáng hôm sau, đồng chí Hoàng Văn Cừ, Đại đội phó dẫn một tổ trinh sát cùng Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn đi trước, tiến về hướng sông Cửa Việt. Trong hai ngày tiếp theo, Đại đội Trinh sát tổ chức ăn Tết và chuẩn bị cho công việc chiến đấu khẩn trương, háo hức, hồi hộp. Không còn nỗi nhớ nhà, nhớ quê, chỉ mong giờ xuất phát hành quân thực hiện nhiệm vụ.

Chiều 30 Tết Mậu Thân, Đại đội trinh sát cùng các đại đội trực thuộc và cơ quan Trung đoàn 1 bí mật hành quân từ xã Vĩnh Chấp, qua thị trấn Hồ Xá rồi tiếp cận bờ bắc sông Bến Hải. Lúc ấy, dọc đường hành quân, nhân dân đang tổ chức Tất niên sum họp gia đình. Hương trầm cúng Tất niên tỏa mùi thơm thoang thoảng. Vào khoảng 20 giờ hôm ấy, các đơn vị lặng lẽ vượt sông Bến Hải. Kẻ địch không thấy có động tĩnh gì khác biệt. Đoàn quân chúng tôi tiếp tục tiến về hướng nam trong màn trời tối đen như mực. Chỉ thấy có ánh đèn le lói ở phía các làng mạc xa xa.

Tới khu vực phía tây đồn Nhị Hạ của địch ở huyện Gio Linh, đột nhiên pháo và súng cối địch bắn trúng vào đội hình hành quân của quân ta. Đồng chí Trứ, Đại đội trưởng Thông tin hy sinh tại chỗ. Một số chiến sĩ khác bị thương ngay từ loạt đạn đầu.

Đại đội Trinh sát được lệnh vượt lên nhanh để tránh các làn đạn pháo, cối của địch. Đến bắc cầu Lâm Xuân chừng 200 mét, đội hình hành quân của ta lại bị ùn tắc do pháo địch bắn chặn. Quan sát điểm rơi đạn pháo của địch, trinh sát chúng tôi rút ra quy luật: Khoảng 5 phút chúng trút một loạt pháo, đạn rơi rất chụm trong vòng bán kính 100 mét xung quanh cầu Lâm Xuân.

Trung đoàn trưởng Từ Duyệt cùng các trợ lý tham mưu và Đại đội Trưởng trinh sát họp bàn cách xử lý tình huống. Tôi đề xuất ý kiến: Đề nghị Thủ trưởng cho các đơn vị tổ chức đội hình lại thật chặt chẽ. Sau mỗi lần dứt loạt pháo, từng phân đội nhỏ vượt nhanh qua cầu Lâm Xuân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Như vậy sẽ tránh được thương vong khi vượt cầu.

- Các đồng chí thực hiện trước, rút kinh nghiệm. Sau đó quay trở lại hướng dẫn các đơn vị lợi dụng kẽ hở giữa hai làn đạn địch để qua cầu, Trung đoàn Trưởng chỉ thị.

- Rõ! Tôi đáp.

Đại đội Trinh sát ngay lập tức được chia thành hai tốp: Tốp một vào cách cầu Lâm Xuân gần 100 mét. Mọi người đeo ba lô trên lưng, vũ khí cầm trên tay, tư thế sẵn sàng. Chờ loạt pháo địch bắn vào cầu phát nổ, cả tốp lao nhanh vun vút qua cầu bất chấp khói đạn, bụi bay và những hố đạn lỗ chỗ trên đường. Tốp hai cũng theo cách này qua cầu an toàn. Chỉ phút chốc, tôi cùng một tổ trinh sát lợi dụng khoảng cách hai loạt pháo địch quay lại gặp Trung đoàn trưởng báo cáo kết quả.

- Các đồng chí có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến kỹ cho từng đơn vị, khẩn trương vượt qua cầu Lâm Xuân - Trung đoàn trưởng Từ Duyệt chỉ thị.

Sau khi nhận chỉ thị, chúng tôi quay trở lại đội hình hành quân triển khai mệnh lệnh của trung đoàn. Hai tiếng đồng hồ sau đó, đội hình hành quân của trung đoàn đã vượt cầu Lâm Xuân an toàn. Đoàn quân tiếp tục bí mật tiến về hướng nam. Riêng Tham mưu trưởng Vũ Thế Đào và Tiểu đoàn 1 ở lại vùng Lâm Xuân Đông để bảo vệ phía sau đội hình hành quân.

Phía cứ điểm Quán Ngang, pháo sáng địch bắn lên sáng rực một vùng trời. Đơn vị chúng tôi nối nhau vượt qua một vùng cát rộng, địa hình trống trải, hướng tới bờ bắc sông Cửa Việt. Đến giữa vùng cát mênh mông, pháo binh địch lại đột ngột bắn tới tấp vào đội hình hành quân của trung đoàn. Chúng bắn cả pháo chơm, loại đạn pháo nổ trên không, mảnh kim loại kéo dài thành những vệt sáng như những cái nơm (một loại dụng cụ bắt cá ở đồng bằng) từ trên cao chụp xuống. Máy bay địch thả pháo sáng, rải bom bi chặn đường.

Lúc này, đội hình hành quân của các cơ quan trung đoàn, các đơn vị trực thuộc và Tiểu đoàn 3 với gần một ngàn người đã bị ùn lại, phơi mình trên bãi cát. Mỗi lần bom bi hoặc pháo chơm của địch đánh trúng, các đơn vị hầu như không kiểm soát được đội hình hành quân của mình. Trong phút chốc chúng tôi biết được đã có tới gần 50 đồng chí của ta bị thương và hy sinh. "Lạc đường rồi", tin từ phía trước truyền xuống. Sau khi tin lạc đường được truyền về phía sau thì có lệnh truyền lên gọi tôi cùng Chính trị viên đại đội Nguyễn Bá Cự quay lại gặp Trung đoàn trưởng nhận nhiệm vụ. Vừa gặp chúng tôi, Trung đoàn trưởng Từ Duyệt đã giao nhiệm vụ:

- Hiện nay chúng ta đang bị lạc đường ở giữa bãi cát, rất nguy hiểm. Do đó các đồng chi phải khẩn trương tổ chức tìm đường đưa bộ đội vào chiếm lĩnh bờ bắc sông Cửa Việt trước khi trời sáng để tránh thương vong.

- Báo cáo thủ trưởng tôi đã rõ nhiệm vụ - Tôi đáp.

Sau đó, tôi đề nghị với Trung đoàn trưởng:

- Trong thời gian trinh sát tìm đường, ta nên cho bộ đội dừng lại và tản ra. Từng người đào hầm nhanh trên cát, rồi ngồi thụp xuống, lấy ba lô đội lên đầu. Như vậy sẽ đỡ được bom bi và mảnh đạn pháo chơm của địch. Mờ sáng nếu trinh sát chưa tìm được đường thì Thủ trưởng cho phép các đơn vị vận động nhanh chiếm lĩnh bất kỳ một làng nào ở gần nhất, hoặc một vùng cây xanh nào đó để tránh máy bay trực thăng Mỹ đánh vào đội hình ta

Ý kiến đề xuất của tôi được chấp thuận. Mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng được truyền tới các đơn vị và cán bộ chiến sĩ. Mọi người đều thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh của trung đoàn. Hiệu quả phòng tránh bom pháo địch có tác dụng rõ rệt.

Trung đoàn trưởng Từ Duyệt cử đồng chí Trần Hiếu Định, Trưởng tiểu ban cán bộ Trung đoàn đã từng qua lại vùng này đi cùng trinh sát chúng tôi tìm đường đến bờ bắc sông Cửa Việt. Lúc đó đã gần 3 giờ sáng. Thời hạn chót phải tìm được đường là 4 giờ 30 phút trước khi trời sáng và chúng tôi đã tìm được con đường hành quân đến làng Vinh Quang Hạ, Vinh Quang Thượng ở bắc sông Cửa Việt đúng thời gian qui định.

Theo đường trinh sát dẫn, các đơn vị đã nhanh chóng chiếm lĩnh làng Vinh Quang Hạ, Vinh Quang Thượng, bắc sông Cửa Việt đúng địa điểm đã định vào rạng sáng mùng một Tết Mậu Thân. Đúng là một đêm 30 Tết đầy cam go và thử thách với trung đoàn. Ở nơi tạm dừng trên bờ bắc sông Cửa Việt này, đồng chí Nguyễn Bá Cự, Chính trị viên đại đội thông báo: Đêm qua 30 Tết, đúng lúc chúng ta đang đội bom bi, pháo chơm của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết trên đài Tiếng nói Việt Nam:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".

- Các đồng chí ạ! Lời thơ chúc tết của Bác là hiệu lệnh mở đầu cuộc Tổng tiến công của quân Giải phóng trong mùa xuân này.

Sau khi đọc xong thơ Bác, anh Cự phân tích thêm bằng một giọng xúc động, Chính trị viên đã truyền cảm hứng tới cán bộ chiến sĩ đại đội trinh sát... Thì ra chúng tôi đang đón mùa xuân trên đường hành quân nóng bỏng cùng với khí thế tấn công và nổi dậy trên khắp các chiến trường miền Nam.

Tối mùng 1 tết, Trung đoàn bộ, các đại đội trực thuộc và Tiểu đoàn 3 vượt sông Cửa Việt an toàn. Tiểu đoàn 1 vẫn ở lại Lâm Xuân Đông làm nhiệm vụ. Trên đường hành quân, Tiểu đoàn 3 đã đánh chiếm đồn Gia Độ ở bờ nam sông Cửa Việt do một lực lượng bảo an quân đội Sài Gòn chốt giữ. Ta thu toàn bộ vũ khí, bắt sống hàng trăm tù binh giao cho bộ đội địa phương quản lý. Sáng hôm sau, các đơn vị của trung đoàn dừng chân ở vùng sáu thôn Gia Đẳng, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, , nam sông Cửa Việt chừng 5 ki-lô-mét, nơi này cách cảng Mỹ Thủy không còn xa. Ngày mùng bốn Tết, Tiểu đoàn 1 đánh một trận ở khu vực làng Lâm Xuân Đông, diệt nhiều thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng gần 100 cán bộ chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh, làm cho sức chiến đấu của tiểu đoàn giảm sút nhiều.

Vào thời điểm đó đội hình Trung đoàn 1 thiếu tới hai tiểu đoàn. Có lẽ Bộ Chỉ huy Mặt trận lường trước được những khó khăn cho nên đã cho phép trung đoàn dừng chân ở vùng sáu thôn Gia Đẳng để đợi Tiểu đoàn 1 về hội quân cùng đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.

Thời gian đơn vị dừng chân ở Gia Đẳng, tôi ở nhà mẹ Chiểu. Anh Chiểu con trai mẹ là cán bộ xã vừa bị giặc giết trước đó vài ngày. Mẹ buồn lắm, khăn tang con, mẹ vấn trên đầu, nhưng mặt mẹ đanh lại, tôi không nhìn thấy mẹ khóc lần nào... Riêng chị vợ anh Chiểu tay ôm con nhỏ, mắt sưng húp vì thương chồng, khóc nhiều. Anh em bộ đội chúng tôi tìm mọi cách động viên, nhưng không sao nguôi ngoai được nỗi đau to lớn của chị...Tôi đã nghe được cặn kẽ từng lời của mẹ Chiểu nói với con dâu: "Thôi! Đừng khóc nữa con ạ... có khóc nhiều hơn nữa, Chiểu nó cũng không thể sống lại được, con cần giữ sức khỏe, cố nuôi con khôn lớn để sau này chúng trả thù cho cha nó!... Rất tiếc, mẹ già rồi không thể sinh đẻ được nữa để có người trả thù cho con trai mẹ". Có lẽ mẹ Chiểu đã cố nén chặt nỗi đau vô cùng lớn ở trong trái tim và trút lòng căm thù giặc sâu sắc trong lời nói để căn dặn con cháu của mình không bao giờ quên mối thù này và không thể đội trời chung với quân giặc.

Mấy ngày sau, tôi được các đồng chí địa phương cho biết: Hôm ấy, bọn lính bảo an tổ chức càn quét khu vực Gia Đẳng. Không may anh Chiểu, một cán bộ xã bị địch bắt, chúng đưa anh về chi khu huyện Triệu Phong để tra hỏi. Địch đã dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man, nhưng anh Chiểu vẫn không khai. Cuối cùng, chúng đã dùng búa đinh đập nát hai bàn tay, hai cánh tay rồi đập nát cả hai chân anh Chiểu cho đến chết. Thật là một bầy thú!

2

Sau Tết Mậu Thân khoảng gần một tuần, Tiểu đoàn 1 đã vượt sông Cửa Việt theo kịp đội hình trung đoàn. Đơn vị chúng tôi rời Gia Đẳng tiếp tục hành quân về hướng sông Hương. Riêng Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 3 được tăng cường một trung đội B41 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thông chỉ huy (đồng chí Thiếp phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn trực tiếp chỉ đạo) có nhiệm vụ: Trụ lại ở khu vực huyện Triệu Phong (nam sông Cửa Việt) giữ địa bàn để đón Tiểu đoàn 2 vào hợp quân cùng trung đoàn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch.

Một đêm trước ngày 10 tháng Giêng, Trung đoàn 1 dừng chân ở làng Long Quang, và Linh Yên xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Các đơn vị vừa đặt chân tới địa bàn trú quân đã nhanh chóng xây dựng phương án chiến đấu, rồi làm công sự trận địa, sẵn sàng đánh địch.

Ngày hôm sau, khi trời sáng rõ, máy bay trực thăng địch ập tới, quần đảo trên đầu, vòng đi vòng lại rồi phóng rốc két, xả đạn súng đại liên, tiểu liên AR15 xuống trận địa ta ở Long Quang, Linh Yên. Quân ta không được đánh trả bởi vì mệnh lệnh không được nổ súng, cho dù bất cứ tình huống nào để giữ bí mật đã được phổ biến trước đó.

Nhiều lần máy bay trực thăng địch rà sát trên các ngọn tre, ta nhìn thấy rõ những tên lính đứng ở cửa máy bay chĩa nòng súng xuống. Nếu quân ta được lệnh bắn hạ gục chúng thì rất dễ. Bộ đội ta rất tiếc và không hiểu vì sao lại có lệnh "bất động" lạ lùng như vậy.

Trực thăng vũ trang của địch tập trung đánh phá nên Đại đội Phòng không 12,7 ly của trung đoàn bị thương và hy sinh nhiều. Các đơn vị cũng có một số người bị thương. Vào buổi tối hôm ấy, theo lệnh của trung đoàn, đồng chí Cừ - Đại đội phó đã chỉ huy một số chiến sĩ trong đại đội trinh sát cơ động về làng Tài Lương, xã Triệu Tài (cách làng An Hưng chừng 2 ki-lô-mét). Tôi cùng Chính trị viên Nguyễn Bá Cự chỉ huy lực lượng trinh sát còn lại cùng Đại đội Vận tải đưa toàn bộ thương binh về bệnh xá trung đoàn ở làng An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hôm ấy, bộ phận cáng thương cuối cùng của Đại đội Trinh sát về đến làng An Hưng thì trời đã sáng rõ. Trao đổi với chỉ huy bệnh xá, chúng tôi mới biết vào thời điểm ấy, ở làng An Hưng đã có hơn 50 thương binh đang điều trị nhưng không có lực lượng nào bảo vệ. Địch có thể đổ quân càn quét bất cứ lúc nào và nếu tình huống ấy xẩy ra, nhiều khả năng thương binh sẽ rơi vào tay chúng.

Không liên lạc được với trung đoàn nên chúng tôi đã bàn bạc với nhau và tự quyết định ở lại làng An Hưng để bảo vệ thương binh bằng lực lượng của mình. Chúng tôi chỉ có bốn người: Đồng chí Nguyễn Hữu Tứ quê ở Hà Tĩnh, Trần Văn Nẩy, Nguyễn Văn Xương quê ở Thanh Hóa và tôi. Tiếp theo, chúng tôi hội ý nhanh và thống nhất nhận định: "Hôm nay kẻ địch rất có thể lần theo dấu vết vận chuyển thương binh của bộ đội ta, từ làng Long Quang qua làng Phù Lưu để đánh sang làng An Hưng".

Đồng chí Trần Văn Nẩy (bên phải) là người cùng tác giả bảo vệ an toàn bệnh xá Trung đoàn 1 (có 50 thương binh) ở làng An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đầu tháng giêng 1968. Ảnh chup tháng 8 năm 2017 tại thành phố Hải Phòng.

Sau khi thống nhất phương án chiến đấu xong, tôi và Tứ tranh thủ nghỉ ít phút lấy sức; còn Nẩy và Xương cảnh giới đề phòng địch tiến công bất ngờ. Hai chúng tôi vừa chợp mắt, bỗng nghe hai loạt AK nổ rất đanh.

Tôi và Tứ bật dậy như lò xo, lao ra trận địa.

- Một toán lính Mỹ từ làng Phù Lưu qua cầu mò sang An Hưng. Chúng tôi đã tiêu diệt một tên tại cầu Phù Lưu, số còn lại đã bỏ chạy - Trần Văn Nẩy báo cáo.

- Nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa - Tôi ra lệnh.

Chúng tôi vừa cảnh giới, vừa củng cố công sự sẵn sàng đánh địch. Tôi nghe thấy có tiếng động ở phía trước. Một tên lính Mỹ to cao đang tiến đến trước mặt, chỉ cách trận địa ta chừng mười mét. Tôi nhanh tay chụp khẩu K54 nhấn cò. Trúng đạn, tên Mỹ ôm bụng loạng choạng nhưng vẫn lao về phía trận địa ta. Tôi bồi thêm một viên K54 nữa. Tên lính Mỹ này ngã vật xuống ngay trước công sự trận địa. Tôi nhoài người giật lấy khẩu súng AR15 cùng mấy hộp đạn của nó để tự trang bị cho mình.

Bên cạnh tôi không xa, tiếng súng AK của đồng đội cũng đều đặn điểm xạ từng loạt ngắn về phía bọn Mỹ. Bọn địch dùng đạn M79, súng đại liên bắn rất mạnh vào trận địa của ta. Sau đó chúng dùng pháo binh, súng cối đánh phá vào làng An Hưng rất ác liệt.

Pháo bắn vừa dứt, bộ binh Mỹ lại lao lên đánh chiếm trận địa ta. Nhưng mỗi lần tiến công, chúng lại bị các tay súng trinh sát ta đẩy lùi lại. Sau mỗi lần tiến công thất bại, địch lại gọi pháo bắn dồn dập vào làng An Hưng. Pháo dừng bắn, bọn chúng lại gọi máy bay trực thăng vũ trang nã rốc két, xả đạn đại liên vào từng căn nhà, từng bụi cây, mô đất. Nhiều nhà dân trong làng bốc cháy ngùn ngụt.

Được hỏa lực pháo binh và nhiều trực thăng vũ trang chi viện, bộ binh Mỹ lại hò hét thúc nhau liều mạng xông vào làng An Hưng. Chúng tôi lại đánh bật ra, chúng tháo chạy về làng Phù Lưu. Chắc chắn, lực lượng Mỹ đánh vào làng An Hưng tối thiểu là 1 đại đội, được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện rất mạnh. Nhưng địa hình địa vật ở đây khá phù hợp với khả năng tác chiến của bộ đội ta.

Giữa hai làng Phù Lưu và An Hưng là một con mương, có một cây cầu nhỏ bắc qua. Quanh làng có nhiều bụi tre rậm rạp, gai góc. Bộ binh Mỹ không thể triển khai cùng lúc nhiều lực lượng được. Hướng bắc của làng là con sông, các hướng khác là ruộng nước lầy lội. Thành thử muốn tiến công sang làng An Hưng, chúng phải triển khai đội hình từ làng Phù Lưu chật hẹp.

Còn phía bộ đội ta, có lũy tre quanh làng che chắn rất lợi hại. Suốt buổi sáng, bốn lần địch tiến công, cả bốn lần đều bị bẻ gãy trong sự lồng lộn của máy bay trực thăng vũ trang và pháo bầy tầm xa chi viện. Những cố gắng của chúng đều bất lực. Kẻ địch chắc ngỡ rằng chúng đang phải đối diện với cỡ một trung đội hay một đại đội Quân Giải phóng.

Đến gần trưa, một quả M79 bất ngờ nổ ở bụi tre, cách công sự của tôi chừng vài ba mét. Dẫu có tre gai dầy đặc che chắn nhưng nhiều mảnh đạn M79 vẫn găm được vào người tôi. Thật may các mảnh đạn nhỏ trúng vào đầu, vào trán, vào vai, vào tay tôi đều nằm ở phần mềm nên băng bó lại vẫn còn tiếp tục chiến đấu được.

Chiều hôm ấy, có máy bay trực thăng vũ trang, pháo binh yểm trợ, bộ binh Mỹ lại tiếp tục tấn công vào làng An Hưng, nơi có hơn 50 thương binh được bảo vệ với bốn tay súng trinh sát. Cuộc chiến đấu thật gay go ác liệt, nó diễn ra không cân sức. Tôi nói với đồng đội: "Mình còn thì thương binh còn. Mất trận địa là mất tất cả thương binh và mạng sống của chính mình. Chúng ta không có đường lùi".

Nhìn nhau thấy rõ quyết tâm trong ánh mắt, cả bốn tay súng chúng tôi lại chống trả địch quyết liệt. Trận địa vẫn được giữ vững. Khoảng 14 giờ hôm ấy, anh Nguyễn Hữu Tứ bị một mảnh đạn pháo găm trúng bụng. Máu chảy ra ít, anh Tứ dùng tay trái bịt vết thương. Anh em chúng tôi vội đổ xô tới băng giúp, anh Tứ từ từ bỏ tay vén áo lên thì ruột phòi ra, không thể nào băng bó và cầm máu được. Loay hoay mãi, chúng tôi phải lấy cái bát sắt ăn cơm chụp vào bụng để băng. Nhưng cũng từ lúc đó, anh Tứ không còn đủ sức chiến đấu được nữa.

Ba tay súng còn lại gồng mình chống trả quân địch. Chừng 15 giờ hôm đó, lợi dụng lúc im tiếng súng, tôi chạy vào làng tranh thủ gặp Ban Chỉ huy Bệnh xá trao đổi và đề nghị các anh ấy cố sắp xếp đưa người ra trận địa cùng chúng tôi chặn đánh địch. Nhưng các y, bác sỹ đều đang cấp cứu thương binh, không thể rút người ra được.

Trên đường quay lại trận địa, tôi bị một máy bay trực thăng "cán gáo" của Mỹ phát hiện. Nó bay rất thấp đuổi theo và bắn như vãi đạn về phía tôi. Bí quá, tôi đành chạy vào một ngôi nhà dân để đánh lạc hướng. Chiếc trực thăng "cán gáo" lao qua căn nhà. Tôi biết nhất định nó sẽ quay lại bắn phá, thậm chí đốt bỏ căn nhà này. Vì vậy tôi rời khỏi căn nhà ngay sau đó, rồi quay lại một bụi tre gần đó để ẩn nấp trước lúc chiếc trực thăng "cán gáo" kịp vòng lại. Đúng như dự đoán, chiếc trực thăng "cán gáo" lập tức quay lại, bay vòng lượn, dùng súng đại liên bắn xối xả vào ngôi nhà. Không thấy người từ ngôi nhà chạy ra, chiếc trực thăng hạ xuống rất thấp, thả lựu đạn cháy vào căn nhà, cách nơi tôi ẩn nấp vài ba chục mét. Nhà cháy, hơi nóng hầm hập hắt vào mặt tôi như cháy da cháy thịt. Chiếc trực thăng "cán gáo" vẫn quần lượn quanh ngôi nhà cho đến khi căn nhà cháy sập xuống.

Rất tiếc, lúc bấy giờ trong tay tôi chỉ có khẩu súng K54 nên không thể bắn cháy chiếc máy bay này. Chắc bọn Mỹ trên máy bay cho rằng tôi đã bị chết cháy trong căn nhà đó nên cho máy bay, bay đi. Tôi định rời bụi tre để về trận địa nhưng vừa cố đứng dậy thì bỗng vùng đùi trái đau nhói. Nhìn xuống tôi thấy máu ướt đẫm ống quần. Xem kỹ mới biết một viên đạn AR15 đã găm vào đùi chân trái của tôi lúc nào không biết. Có lẽ viên đạn ấy từ máy bay trực thăng "cán gáo" bắn xuống. Tôi đoán, viên đạn vào đến gần xương nên cử động rất đau. Bò về trận địa, tôi nhận ra tình hình lúc này cực kỳ khó khăn. Chúng tôi chỉ còn lại hai tay súng lành lặn. Tuy tinh thần, ý chí chiến đấu của anh em vẫn cao nhưng lực lượng quá mỏng. Liệu ta có thể còn đủ sức để cầm cự với địch được đến tối hay không?

Tôi bàn với anh em:

- Với tình thế này chúng ta cần phải vừa đánh địch, vừa tìm mọi cách cứu thương binh.

Sau khi trao đổi, chúng tôi thống nhất theo phương án khả thi là: Bàn với Ban Chỉ huy Bệnh xá khẩn trương đưa thương binh nặng xuống hầm bí mật, phân tán thương binh nhẹ tản ra cánh đồng Tài Lương ở bên cạnh. Nếu trận địa bị vỡ anh em thương binh sẽ không rơi vào tay giặc. Tôi đã phải cố bò vào làng trực tiếp trao đổi với đồng chí Bảo, Chính trị viên Bệnh xá trung đoàn về ý định của nhóm trinh sát. Đồng chí Bảo nhất trí đồng ý và đã tổ chức cho bệnh xá và thương binh hành động theo phương án.

Sau khi triển khai sơ tán thương binh, cố bò về đến trận địa, tôi không thể lê nổi cái chân của mình nữa. Thế là chỉ còn Xương và Nẩy đánh chặn quân địch.

- Đại đội trưởng và đồng chí Tứ cũng phải thoát khỏi làng An Hưng ngay.

- Không sao đâu, nghỉ một chút mình lại khỏe ngay thôi mà - Tôi trả lời.

- Các anh bị thương nặng thế này mà vẫn ở lại trận địa, chúng tôi không thể nào yên tâm được - Xương và Nẩy nhiều lần khẩn khoản nói với tôi và Tứ.

Suy nghĩ hồi lâu, tôi tự thấy nếu mình và Tứ ở lại trận địa thì chỉ là gánh nặng cho Xương và Nẩy. Bốn anh em ôm lấy nhau. Chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau. Phải ra đi, tôi và Tứ, nước mắt chảy giàn giụa. Tôi nghẹn ngào căn dặn:

- Chúng tôi đặt tính mạng của hơn 50 thương binh vào hai đồng chí đấy!

- Chúng tôi sẽ giữ vững trận địa cho đến lúc người thương binh cuối cùng ra khỏi làng An Hưng an toàn - Xương và Nẩy cùng hứa.

- Các đồng chí ở lại cố gắng chặn địch rồi về đơn vị sau ... An toàn nhé.

Sau khi nói lời chào Xương và Nẩy tôi hướng dẫn cho anh Tứ vào nhà dân tìm quần áo ngụy trang. Ít phút sau đó tôi thấy anh Tứ khoác cái áo tơi trên người lững thững đi trên con đường hướng về phía làng Tài Lương. Anh đã đóng giả người dân địa phương đang thoát khỏi vùng bom đạn. Bởi vì với vết thương của anh, nếu bò qua cánh đồng lúa về làng Tài Lương thì sẽ chết dọc đường hoặc vô phương cứu chữa do bị nhiễm trùng.

Nhìn đồng đội Nguyễn Hữu Tứ lê từng bước trên con đường giữa cánh đồng lúa, tôi thương anh vô cùng. Nhưng không còn cách nào khác, trực thăng Mỹ vẫn quần lượn trên bầu trời quanh làng An Hưng. Chắc chắn chúng thấy Nguyễn Hữu Tứ cũng như bao người dân đang chạy loạn. Hy vọng rằng anh cải trang như thế sẽ an toàn.

Sau khi Nguyễn Hữu Tứ đi rồi, tôi lại cố bò sâu vào làng An Hưng để biết thương binh của mình sơ tán ra sao. Trên đường bò vào làng, tôi đã gặp nhiều anh em thương binh nhẹ đang đi ra phía cánh đồng lúa giữa làng An Hưng và Tài Lương. Vậy là chắc chắn thương binh của ta đã được sơ tán theo kế hoạch .

Tôi yên tâm rời làng An Hưng, nghiến răng bò ra cánh đồng hướng về phía làng Tài Lương. Máu ra nhiều khiến tôi mệt quá, nên phải cố gắng bò từng đoạn ngắn, rồi cứ lần bò tiếp, đến 20 giờ mới tới nơi ở của đơn vị.

Gặp được đồng đội tôi mừng quá. Trong phút chốc, tôi được anh em cáng vào trong nhà dân. Sau đó tôi được y tá đại đội lau rửa vết thương và sát trùng, rồi băng bó lại. Lúc bấy giờ, toàn thân tôi đau ê ẩm trong những lớp băng trắng toát. Chân tay tôi cứng đờ, không sao cử động được. Nhưng vẫn cố nuốt những thìa cháo do anh em đồng đội xúc cho để có sức chống chọi với vết thương. Khoảng 22 giờ, Chính trị viên đại đội Nguyễn Bá Cự đến thăm tôi. Anh cầm chặt lấy tay tôi, nhìn vào mắt tôi như không muốn rời. Một lúc sau anh xúc động nói:

- Có 5 thương binh hy sinh vì trúng một quả đạn pháo địch bắn vào giữa hầm. Số còn lại đã được đưa về bệnh xá trung đoàn ở địa điểm mới. Các anh thật dũng cảm, ngoan cường. Các anh đã bảo vệ được thương binh, bảo vệ được bệnh xá dã chiến cho đến phút cuối cùng. Các đồng chí Tứ, Xương và Nẩy đã về tới đơn vị lúc 18, 19 giờ rồi. Mọi người đều rất lo cho anh! Bị thương thế này mà anh vẫn có thể tìm về được đơn vị.

- Trinh sát Nguyễn Văn Xương và Trần Văn Nẩy mới xứng đáng là những người có công lớn trong trận đánh này anh ạ - Tôi nói với Chính trị viên.

- Đơn vị đang chuẩn bị hành quân tiếp. Chỉ huy Đại đội thống nhất để anh và Tứ ở lại. Chúng tôi đã giao cho địa phương và nhờ địa phương tìm đường đưa hai anh đến một trạm phẫu hay bệnh viện tuyến trên - Chính trị viên đại đội nói với tôi.

Kinh nghiệm trinh sát và linh tính người lính trận mách bảo cho tôi, ngày mai đơn vị đi xa, tôi và Tứ sẽ đối đầu với kẻ thù ở nơi đây. Chúng đã thất bại hôm nay, nhất định ngày mai chúng sẽ lại càn quét. Tôi nắm tay anh Cự và đề đạt:

- Tôi ở lại, xin anh cho thêm một băng đạn K54 cùng 2 quả lựu đạn để ứng phó khi cần thiết.

- Chúc anh, anh Tứ chữa lành vết thương rồi cùng trở lại đơn vị vào một ngày gần đây nhất - Chính trị viên Nguyễn Bá Cự trao thêm đạn và lựu đạn cho tôi rồi nói lời chia tay.

Đồng đội hành quân xa rồi. Đất trời sao mà yên tĩnh thế. Hai giờ đã trôi qua nhưng tôi không thấy một bóng người nào. Tôi nghĩ ngay tới những phương án chiến đấu, hạ quyết tâm ngày mai sẽ phải quyết tử với kẻ thù. Tôi được ở nhà dân mà không có dân. Mọi ngươi đều chạy giặc. Người địa phương chưa thấy tới đón chúng tôi. Chẳng lẽ đồng đội, địa phương lại bỏ rơi mình? Ngày mai sẽ đối đầu với giặc từ hướng nào đây? Tôi suy nghĩ vẩn vơ đến quá nửa đêm, bỗng nghe có tiếng người nói lao xao ngoài ngõ.

Lắng nghe tôi nhận thấy giọng Bắc chứ không phải giọng Nam, càng không phải tiếng của quân địch. Thì ra anh Trần Xuân Nghiễm, Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn và một số anh em trinh sát đến đón tôi và Tứ. Phút giây mừng rỡ thật bất ngờ đến với chúng tôi. Gặp tôi và Tứ, anh Trần Xuân Nghiễm nói ngắn gọn:

Sau khi nắm tình hình các đơn vị, Tham mưu trưởng Trung đoàn Vũ Thế Đào biết Lê Huy Mai- Đại đội trưởng trinh sát bị thương đang ở làng Tài Lương. Anh ấy đã ra lệnh cho chúng tôi quay trở lại đón các anh. Chúng ta đi ngay kẻo trời sáng.

Tôi thầm cảm ơn Tham mưu trưởng Trung đoàn Vũ Thế Đào. Tôi cũng thầm cảm ơn đơn vị và anh em đồng đội đã không quên chúng tôi trong lúc đơn vị đang ở thời điểm nước sôi lửa bỏng, phải giải quyết bao nhiêu công việc gấp gáp. Tôi càng thấu hiểu thế nào là tình đồng chí, thế nào là tình đồng đội.

3

Tôi và anh Tứ được đưa tới làng Thẩm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi Đội phẫu thuật dã chiến của trung đoàn đóng quân. Bác sỹ quân y Đội phẫu thuật dã chiến đã tháo băng mở vết thương, gắp ra 1 viên đạn AR15 và nhiều mảnh đạn nhỏ găm trong người tôi. Vẫn còn một số mảnh quá khó không thể gắp ra được. Sau đó các vết thương đã được khâu, băng bó xử lý lại.

Trong đêm hôm ấy, Đội phẫu cũng mổ cắt đi nửa mét ruột có khả năng hoại tử, rửa ổ bụng rồi khâu vết mổ cho anh Nguyễn Hữu Tứ. Ca mổ may mắn thành công trong điều kiện không có thuốc gây mê, chỉ có thuốc tê. Anh Tứ đã chịu đựng vượt qua được những cơn đau đớn cắt ruột. Quả là điều kỳ diệu cho cả hai phía thương binh và bác sỹ Đội phẫu dã chiến trung đoàn 1.

Tôi và anh Tứ được xử lý vết thương xong xuôi. Chưa được yên tĩnh nghỉ bao lâu thì pháo địch lại dồn dập bắn vào làng Thẩm Khê. Có quả đạn pháo nổ rất gần. Đất đá, mảnh đạn bay rào rào rơi xuống nơi thương binh đang nằm. Nguy hiểm quá! Tôi cùng anh Tứ tự động bò xuống hầm, bất chấp nguy hiểm từ vết thương và đạn pháo. Mọi người dành cho anh Tứ một chỗ nằm tránh đạn, anh đau đớn quằn quại nhưng không một lời kêu la. Dứt loạt pháo, mọi người lại đưa anh ra khỏi hầm để bác sỹ xử lý tiếp vết mổ. Mấy ngày sau, vết mổ của anh Tứ tấy đỏ, bụng anh chướng lên, các y, bác sỹ phải phẫu thuật lại để hút máu và dịch ở ổ bụng ra. Quanh vết mổ của anh đã hoại tử không sao khâu kín được. Nhìn anh Tứ đang chống chọi với tử thần, chúng tôi những người đồng đội thấy như ai xát muối vào chính nơi gan ruột mình vậy.

Mấy ngày tiếp theo, những cuộc càn qua quét lại của địch vào nơi trú quân của Đội phẫu dã chiến của trung đoàn thường xuyên hơn. Khi giặc đến, thương binh nặng được du kích cùng nhân dân đưa xuống hầm bí mật. Anh em thương binh còn lại và đội phẫu được di chuyển ra bãi cát giữa làng Thẩm Khê và làng Kim Dao xã Thanh Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để tránh địch.

Mỗi khi địch càn qua làng, lùng sục bãi cát, hoặc trực thăng "cán gáo" Mỹ nhòm ngó xăm soi, thương binh, y bác sỹ đều vùi người trong cát rồi phủ lá cây bụi cỏ lên trên để che mắt địch. Đây là sáng kiến của du kích huyện Hải Lăng, được phổ biến nhanh tới thương binh và đội phẫu. Nó đã được mọi người áp dụng kịp thời. Anh em thương binh phải vùi mình trong cát nóng để tránh địch, nhưng khi nghe tin quân ta chiếm giữ được thành phố Huế trong những ngày qua ai cũng mừng khấp khởi. Chỉ tiếc mình không được trực tiếp tham gia trận này.

Tin tức từ trung đoàn báo về cho biết Trung đoàn trưởng Từ Duyệt vì lý do sức khỏe đã ra miền Bắc an dưỡng kể từ sau trận đánh ở làng Long Quang, Linh Yên. Tham mưu trưởng Vũ Thế Đào được giao chức quyền Trung đoàn trưởng.

Vào đúng thời khắc rằm tháng giêng, thương binh chúng tôi được lệnh lên vùng rừng núi tây tỉnh Quảng Trị. Tối hôm ấy đoàn thương binh bùi ngùi chia tay các bác sỹ, y sỹ, y tá đội phẫu dã chiến, chia tay đồng bào, du kích làng Thẩm Khê yêu quý và đầy tình nghĩa. Đoàn chúng tôi có hai thương binh nặng phải cáng, còn lại mọi người gắng đi suốt đêm, dù vết thương đau nhức nhưng không ai kêu rên. Tất cả đều cố bước theo đồng đội. Khi vượt mương, lúc lội ruộng, các đồng chí thương binh còn yếu được anh chị em du kích người dìu, kẻ dắt để vượt qua...

Vượt đường 1 là một thử thách. Nơi này dễ đụng độ với biệt kích, thám báo và lực lượng tuần tra của địch. Nhờ du kích địa phương dẫn đường thông thạo, lại nắm vững quy luật hoạt động của địch, nên đã chọn đúng thời cơ và thời điểm tốt nhất, đưa được đoàn thương binh vượt qua đường 1 trót lọt trước khi trời sáng.

Chiều hôm đó, đoàn thương binh chúng tôi tới Bệnh viện Hà Đông, một bệnh viên dã chiến của mặt trận đóng ở vùng núi giáp ranh phía tây huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thương binh được ở nhà lán lợp lá giữa rừng, được ngủ giường tre có vách nứa bốn bề che chắn. Giường nằm được lót vải, lót lá rất êm. Ổn định xong chỗ ăn ở, chúng tôi được kiểm tra sức khỏe, thăm khám xử lý vết thương rất tỉ mỉ chu đáo. Trong những ngày điều trị, thương binh được uống các loại thuốc vitamin, thời ấy thứ thuốc này rất quý hiếm. Sức khỏe của nhiều anh em thương binh đã nhanh chóng hồi phục.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra chưa được vài tuần tôi lại bị thương, chưa được đặt chân đến bờ sông Hương, chưa được vào đến cố đô Huế. Những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Hà Đông, tôi nhớ đơn vị, nhớ đồng đội vô cùng và nóng lòng mong ngày trở về đơn vị, chiến đấu bên đồng đội của mình.

Bệnh viện Hà Đông đóng ở huyện Hải Lăng, phía bờ bắc sông Mỹ Chánh (nam tỉnh Quảng Trị). Bệnh viện nằm trong cánh rừng kín khuất che phủ bởi tán cây, có dòng suối chảy qua róc rách suốt ngày đêm. Cách chiến trường không xa, nhưng bệnh viện và thương bệnh binh nơi đây vẫn an toàn, bởi ta giữ bí mật tuyệt đối. Tất cả rác thải bệnh viện đều không để rơi xuống suối. Bệnh viện đã ở đây khá dài ngày, nhưng địch không phát hiện được.

Hơn một tuần ở Bệnh viện Hà Đông chữa trị vết thương, có tới bốn lượt cán bộ Tỉnh đội Quảng Trị vận động tôi về nhận công tác ở các đơn vị phục vụ chiến đấu của bộ đội địa phương. Tôi đều từ chối, chỉ mong sao vết thương của mình chóng lành để về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Nhiều thương binh, bệnh binh của Trung đoàn 1 đang điều trị tại đây cũng như tôi ngày đêm hướng ra chiến trường phía trước. Có người vết thương chưa lành hẳn, sốt rét vừa cắt cơn đã xin ra viện.

Trong thời gian tôi điều trị vết thương, Trung đoàn 1 đánh nhiều trận, diệt nhiều địch trên địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Các đơn vị của trung đoàn đã bắn chìm tàu chiến địch trên sông Hương. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn đang tiếp diễn trên khắp các đô thị và vùng giáp ranh trên toàn miền Nam. Tin chiến thắng từ trung đoàn liên tiếp vọng về, thương binh thêm nức lòng, hồ hởi. Ai cũng thấy vết thương như mau lành. Sức khỏe hồi phục nhanh. Tôi và nhiều anh em thương, bệnh binh đều rất mong ngày ra viện để sớm được trở về đơn vị chiến đấu.

4

Sau hai tuần điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hà Đông, rồi ngày ra viện cũng đến. Thương binh xuất viện được chia thành nhiều nhóm lên đường trở về đơn vị. Nhóm bộ đội địa phương được Tỉnh đội Quảng Trị đến đón. Nhóm về Trung đoàn 2 đi theo hướng chiến trường khác. Nhóm về Trung đoàn 1 rất đông. Các anh là những người của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 và các đại đội trực thuộc 14, 16, 15, 18... Mỗi người lên đường về đơn vị được cấp 5 bò gạo, một ít muối và 1 hộp thịt xay. Vậy là yên tâm đủ lương ăn để hành quân tìm đường về đơn vị rồi. Rất may trong nhóm thương binh tìm về đơn vị có đồng chí Lương Ngôn quê ở Cao Bằng. Anh là cán bộ chỉ huy Phân đội phòng không 12,7 ly thuộc Đại đội 16, Trung đoàn 1, người có trách nhiệm cao. Anh đã chủ động đôn đốc anh em làm công tác chuẩn bị (cuối năm 1968 anh Ngôn trở thành Chính trị viên Đại đội 16). Đoàn còn có một đồng chí nuôi quân- anh nhanh nhẹn xin đem theo được mấy cái nồi niêu, xoong chảo làm dụng cụ nấu ăn dọc đường hành quân. '

Đồng chí Lương Ngôn (bên trái) quê huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, chụp ảnh cùng tác giả tại sân bay Tà Cơn tỉnh Quảng Trị tháng 6 năm 2017.

Trước ngày lên đường, cả nhóm hơn 60 người tiến hành cuộc họp chuẩn bị. Tôi được bầu làm chỉ huy nhóm, một đơn vị tự nguyện hành quân bao gồm các chiến sĩ bị thương và bệnh binh đã bình phục, tình nguyện trở lại chiến trường ác liệt đang chờ họ ở phía trước. Tôi rất xúc động khi phải chia tay với thương binh nặng Nguyễn Hữu Tứ, quê ở Hà Tĩnh, người đồng đội thân thương từng chia lửa trên chiến hào nóng bỏng ác liệt, cùng nhau chiến đấu mấy năm qua.

Anh Tứ nằm miết, nhiễm trùng ổ bụng dội lên những cơn đau nhưng vẫn tỉnh táo đến đáng sợ. Nhận ra tôi, Tứ hấp háy đôi mắt và đôi môi như muốn nói gì đó. Hình như có đôi giọt nước mắt ứa ra. Tôi không dám tin là Tứ có thể sống nổi được vài hôm nữa. Thương quá, người trinh sát dũng cảm, người đồng đội thân yêu.

Hôm đó, tôi triệu tập cả nhóm lại kiểm tra công tác chuẩn bị và thống nhất những công việc chính trong khi hành quân trước lúc chia tay bệnh viện để lên đường ra chiến trường phía trước. Tôi nói với anh em:

- Tôi là Lê Huy Mai, Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn 1. Tôi tin sẽ tìm được đường đưa anh em về lại đơn vị cũ với ba điều kiện. Một là, mọi người đều phải tự giác giữ bí mật. Hai là, ai cũng phải bám sát đội hình hành quân. Ba là, từng người đều phải chấp hành người chỉ huy, chủ động cùng nhau tự lo lấy công tác bảo đảm ăn, ngủ, nghỉ cho bản thân mình. Các đồng chí rõ chưa?

- Rõ !- Tiếng nói đồng tình vang lên.

Theo kinh nghiệm của trinh sát, tôi đi đầu đội hình hành quân, bỏ đường lớn, theo con đường mòn nhỏ luồn rừng tiến về hướng Nam. Đó là con đường mà lực lượng vũ trang địa phương vừa bí mật mở ra phục vụ chiến trường. Con đường này đi rất gian nan, lúc đi dọc sống núi, lúc qua yên ngựa, khi luồn lòng khe cạn, rồi lại men theo sườn núi rất hiểm trở. Các bến vượt sông đều kín khuất, dễ dàng cho bộ đội đi qua. Có lẽ đây là một trong những con đường giao liên "dài theo đất nước", tỏa xuống các địa phương mà tôi được đi qua trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Thời kỳ này, quân Mỹ cùng quân đội Sài Gòn đang oằn lưng căng sức chống đỡ các đòn đánh của ta ở đồng bằng, đô thị nên ở vùng rừng núi, chúng đánh phá có phần thưa hơn. Sức ép thám báo, biệt kích, pháo kích, ném bom lên đội hình đoàn thương binh hành quân tìm đường trở về đơn vị giảm nhiều.

Từ trên đỉnh núi cao nhìn về hướng đông nam, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhận ra những cột khói lớn cao và tiếng nổ lụp bụp, xa xôi đâu đó phía đồng bằng... Vào ban ngày, trên đường hành quân, lúc nghỉ giải lao hoặc chiều xuống anh em chúng tôi đều tranh thủ hái rau rừng, hoa chuối, măng le chuẩn bị cải thiện bữa ăn.

Gần tối, đoàn quân thương bệnh binh dừng lại nấu cơm. Tôi luôn nhắc nhở anh em: Nấu không khói, lấy củi không tiếng động và hoạt động không để phát lộ ra ánh sáng trong đêm. Tại nơi trú quân đêm từng nhóm nhỏ tự giác thay nhau canh gác, cảnh giới tứ phía như thể chúng tôi là một đơn vị chiến đấu thực thụ.

Hằng ngày, từng nhóm nhỏ, anh em tự phân công nhau dậy sớm nấu ăn và nắm cơm cho bữa trưa. Những người chiến sĩ tự nguyện tập hợp thành đội ngũ tìm đường trở về đơn vị, nên tính tự giác và kỷ luật rất cao. Thật may mọi việc diễn ra trên đường hành quân thuận lợi. Không dính pháo, dính bom, không vướng mìn, vướng lựu đạn gài. Chúng tôi cũng không chạm trán thám báo, biệt kích địch...

Sau 3 ngày hành quân, vào buổi chiều cuối cùng của tháng 2 (dương lịch) năm 1968, đoàn quân chúng tôi nhìn lên phía trước, ở phía bên phải là ngọn núi cao có đỉnh nhọn trọc lóc. Mọi người mừng quá, nhớ lại trước lúc lên đường, anh em bộ đội địa phương Quảng Trị dặn đi dặn lại: "Khi nhìn thấy quả núi có hình thù kỳ dị như vậy là các anh đã đi đúng đường. Nơi đó sắp tới dốc Ồ . Từ dốc Ồ có đường xuống huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đi đến đây phải tìm cách bắt liên lạc với địa phương để họ cử giao liên dẫn đường mới tìm tới đơn vị được".

Anh em đang loay hoay tìm vị trí thuận lợi để dừng chân nghỉ qua đêm thì tôi nhận được tin báo: "Đoàn đi còn thiếu đồng chí Tới, chiến sĩ Tiểu đoàn 1". Tôi quen biết Tới khi cùng nằm điều trị vết thương ở Bệnh viện Hà Đông. Tới còn quá trẻ, mới khoảng 19 hoặc 20 tuổi đời và rất hiền lành. Tôi quý mến chiến sĩ trẻ này ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên.

Tôi cầm lấy bi đông nước và túi cơm khô rang (chuẩn bị được ở Bệnh viện Hà Đông), rồi vội vã cùng một đồng chí nữa quay ngược đường trở lại tìm, chừng nửa giờ đồng hồ thì bất ngờ gặp Tới. Chàng lính trẻ măng ngồi lặng im trên tảng đá bên một bờ suối có vách đá dựng đứng. Trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ không đẹp một chút nào: "Có lẽ Tới định chọn vực sâu, gieo mình xuống để giải quyết khó khăn chăng?".

Biết có người quay lại tìm mình, Tới quay mặt đi rồi khóc tu tu như đứa trẻ mắc lỗi:

- Làm sao thế Tới ơi? - Tôi hỏi nhẹ nhàng.

- Em chết mất thôi anh ơi! Em đói quá không thể chịu được nữa rồi! - Tới trả lời đứt đoạn trong tiếng khóc.

- Sắp về tới đơn vị rồi, mình khắc có đủ gạo. Em sẽ được ăn no. Chúng mình đã tới dốc Ồ , đường rẽ về đồng bằng Thừa Thiên-Huế rồi đấy. Đơn vị đóng quân ở vùng này. Em yên tâm đi! - Tôi động viên Tới.

Sau đó tôi lấy cơm khô rang và bi đông nước ra. Cả ba người chúng tôi cùng ăn, cùng uống hết khẩu phần dự trữ cuối cùng của tôi. Sau khi bình tĩnh lại, Tới lấy lại được tinh thần, em ấy phấn chấn hẳn lên, bám theo chân cánh lính đàn anh đi nhanh về vị trí dừng chân của đoàn.

Thực tình mấy ngày hành quân trèo đèo vượt dốc, lội suối băng sông, khẩu phần ăn mỗi người chỉ vẻn vẹn một bò gạo chia ba bữa thì đói vẫn hoàn đói là phải. Mọi người trong đó có tôi cũng phải chịu cảnh đói cơm, đuối sức, chứ không riêng gì chiến sĩ Tới đang ở tuổi ăn, tuổi lớn như vậy.

Sáng hôm sau, tôi quyết định cho bộ đội nghỉ lại, rồi cử một tổ cùng tôi đi trước tìm con đường đến dốc Ồ. Chúng tôi cố gắng tìm mọi cách bắt liên lạc với quân ta. Theo đường mòn, chúng tôi tiếp tục đi về hướng nam. Sau một giờ dò dẫm thận trọng nghe ngóng quan sát và lần tìm, tổ đi trước chúng tôi chợt nghe thấy phía trước có tiếng nói lao xao. Đến gần hơn, chúng tôi nghe rõ cả tiếng cười nói rôm rả, giọng miền Trung pha cả giọng miền Bắc. Tiếp cận gần hơn nữa, tổ đi trước phát hiện có một con đường mòn khác lớn hơn, cắt ngang lối cũ đang đi từ phía tây sang phía đông và thấy nhiều người đang đi trên con đường ấy. Anh em trinh sát nhận ra bộ đội của mình. Chúng tôi vội vã đi ra đường mòn, đuổi theo họ. Đó là đơn vị vận tải của Trung đoàn 1. Mừng đến trào nước mắt.

- Sống rồi! Sống rồi anh em ơi! Tôi reo lên.

- Trung đoàn tổ chức trạm thu dung ở chân dốc Ồ (thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) vừa tiếp tế quân lương, vừa đưa đón bộ đội, các anh đi xuống đó nhé! Một người lính vận tải nói cho tôi biết.

Chúng tôi lập tức quay lại vị trí dừng chân, báo tin vui cho đồng đội. Mọi người đều phấn khởi. Ngay sau đó, tại nơi nghỉ, anh em trong đoàn tổ chức liên hoan bữa cơm no hơn các bữa khác bằng cách vét hết số gạo còn lại để nấu. Vì vậy đoàn thương binh có một bữa ăn trưa hoan hỉ, không phải bằng cơm vắt mà là cơm còn nóng hổi.

Đến 3 giờ hôm ấy đoàn thương bệnh binh chúng tôi hành quân tới trạm thu dung của Trung đoàn . Các anh bên bộ phận quân lực ra tiếp đón chúng tôi hồ hởi, chu đáo, cùng chia sẻ niềm vui sau những ngày vất vả đói khát, luồn rừng đi tìm đơn vị.

Chiều hôm sau chúng tôi được chia thành nhiều tốp nhỏ theo đơn vị cũ. Mỗi người nhận mang thêm từ 2 đến 3 quả đạn B-40, B-41, ĐKZ, hoặc cối 82 để tăng cường sức chiến đấu cho đơn vị. Mỗi nhóm chúng tôi đều có người dẫn đường xuống núi trở về với đơn vị của mình.

Hôm ấy, Đại đội Trinh sát Trung Đoàn dừng chân ở làng Tây Hoàng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau khi xuống núi, chúng tôi phải đi qua một cánh rừng bằng rất rộng rồi vượt qua đường 1, nơi thường có quân địch qua lại kiểm soát, rồi tiếp tục luồn qua mấy làng mạc, xen kẽ đồng lúa và phải băng qua một bãi cát rất rộng, đi suốt một đêm. Rạng sáng hôm sau tôi mới về tới đơn vị của mình.

Đại đội trưởng trở về, anh em trong đơn vị mừng lắm. Mọi người cùng nhau đem bao chuyện vui buồn, dốc bầu tâm sự. Trao đổi với Chính trị viên Nguyễn Bá Cự tôi nắm được trong gần 3 tuần tôi điều trị vết thương, Đại đội Trinh sát hy sinh 3 đồng chí; 9 đồng chí bị thương, nhưng thành tích của đại đội cũng thật đáng nể trọng.

Đại đội Trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ nắm tình hình địch; tìm đường đưa trung đoàn vào tỉnh Thừa Thiên trót lọt; tìm ra quy luật hoạt động của tàu chiến địch, phục vụ đơn vị đánh tàu trên sông Hương thắng lợi. Đại đội cũng nắm chắc tình hình kẻ địch, bảo đảm cho trung đoàn tập kich nhiều đồn địch và đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch, diệt hàng trăm tên Mỹ.

Một chiến công lớn nữa là Đại đội Trinh sát đã chiến đấu liên tục trong điều kiện rất khó khăn, ác liệt; cùng các đơn vị trực thuộc diệt được nhiều quân địch, bảo vệ an toàn Sở Chỉ huy Trung đoàn trong thời gian chiến dịch suốt một tháng qua. Tôi thầm cảm phục anh em đồng đội. Tôi cũng cảm nhận được tình hình cam go và quyết liệt của đơn vị sau Tết Mậu Thân 1968.

Về đơn vị được ít ngày, tôi được các thủ trưởng cơ quan Tham mưu cho biết:

Từ giữa tháng 2 năm 1968 Trung đoàn làm nhiệm vụ ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên, vừa khó khăn, vừa ác liệt. Nhưng bộ đội ta đã được lãnh đao, nhân dân, lực lượng du kích, các đơn vị vũ trang địa phương phối hợp hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, đều thành lập ban kinh tế riêng để cung cấp gạo, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội ta. Nhờ vậy Trung đoan 1 đã vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiêm vụ được giao.

Cuối tháng 2, bộ đội chủ lực của ta trong nội thành Huế đã được lệnh lần lượt rút lên miền tây củng cố. Riêng Trung đoàn 1 được lệnh trụ lại đồng bằng Thừa Thiên để kìm chân địch. Cho nên địch tập trung lực lượng càn quét, đánh phá khu vực tác chiến của Trung đoàn 1 rất ác liệt. Đại đội 3, Tiểu đoàn 3 độc lập chiến đấu hơn một tháng ở khu vực nam sông Cửa Việt để thực hiện nhiệm vụ đón Tiểu đoàn 2 vào hợp quân với trung đoàn. Trong khoảng thời gian ấy, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đơn vị đã có cách đánh rất phù hợp nên đã trụ lại vững vàng.

Tổ Trinh sát của trung đoàn do đồng chí Lan phụ trách cùng du kích địa phương nắm chắc địch, dẫn đường rất giỏi và hợp lý cho nên Đại đội 3 đã liên tục di chuyển vị trí, từ làng xã này sang làng xã khác, làm thất bại chiến thuật "Tìm diệt" của địch... Khi đến địa điểm mới, lãnh đạo đại đội xây dựng phương án chiến đấu khẩn trương. Sau đó, bộ đội ta triển khai làm công sự trận địa trước khi trời sáng để sẵn sàng chờ địch.

Suốt thời gian ấy, hầu như ngày nào Đại đội 3 cũng nổ súng đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch bảo toàn được lực lượng. Mỗi khi đến vị trí dừng chân mới, anh Thiếp, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1 đều sử dụng một số cán bộ làm công tác dân vận, tiếp cận với nhân dân để nắm tình hình địch và tuyên truyền về Chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đặc biệt Đại đội 3 đánh trận Nho Lý, một trận đánh nổi tiếng. Hôm đó, Đại đội 3 đã phải đương đầu với một tiểu đoàn quân đội Sài Gòn và một đại đội lính Mỹ, có máy bay, pháo binh và nhiều xe tăng, xe bọc thép yểm trợ. Trước khi tiến công vào làng Nho Lý, địch sử dụng máy bay ném bom, trực thăng và pháo binh đánh phá vào trận địa ta rất ác liệt. Sau đó chúng dùng xe tăng dẫn dắt bộ binh thành nhiều mũi xông vào chiếm làng Nho Lý. Cứ như vậy, ngày hôm ấy, cán bộ chiến sĩ Đại đội 3 đã đánh lui 5 đợt tiến công của địch.

Trong trận chiến đấu ấy, Trung đội hỏa lực B-41 (phối thuộc) do đồng chí Lê Sĩ Thái chỉ huy đã bắn cháy 2 xe bọc thép; góp phần quan trọng cùng Đại đội 3 lập công, đánh bại trận càn quy mô lớn của chúng tại làng Nho Lý. Cũng trong dịp đó, một lực lượng của Đại đội 3 bí mật phục kích ở bờ nam sông Cửa Việt, các chiến sĩ đã dùng súng B-41 bắn chìm tàu của địch.

Khoảng sau rằm tháng giêng Tết Mậu Thân, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 1 đã bàn giao nhiệm vụ bao vây cứ điểm Cồn Tiên cho Trung đoàn 27. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Đức chỉ huy đơn vị hành quân gấp, theo đường đồng bằng về đội hình trung đoàn, nhưng các đơn vị đã bị địch ngăn chặn, không thể mạo hiểm vượt sông Cửa Việt. Vì vậy, Tiểu đoàn 2 đã được lệnh hành quân theo đường miền tây để kịp vào đồng bằng Thừa Thiên, cùng trung đoàn tiếp tục chiến đấu.

Cũng chính vì thế cho nên Đại đội 3 đã được lệnh cơ động về vùng An Xuân, Kim Đôi (Bắc sông Hương) vào đầu tháng 3 năm 1968. Đại đội đã cùng với Tiểu đoàn 3 tiếp tục làm nhiệm vụ của trung đoàn giao. Rất tiếc, đồng chí Thiếp Phó chủ nhiệm Chính tri Trung đoàn, một cán bộ chính trị mẫu mực, dũng cảm, sau khi bị thương anh đã được đưa về xã Phong Chương, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên điều trị. Nhưng anh Thiếp đã hy sinh anh dũng khi bị địch xăm trúng hầm bí mật trong một trận càn quét của quân đội Sài Gòn.

5

Từ đầu tháng 3 năm 1968, Sư đoàn Kị binh bay số 1 của Mỹ liên tục tổ chức các cuộc hành quân quy mô vừa và nhỏ, nhằm "tìm diệt" bộ đội chủ lực ta. Đại đội Trinh sát đã tìm ra quy luật hoạt động của địch là: Khi phát hiện mục tiêu, không dùng bộ binh tiến công ồ ạt, rầm rộ như trước mà chỉ dùng lực lượng nhỏ đánh thăm dò phát hiện lực lượng ta. Sau đó, chúng gọi pháo binh và không quân đánh phá ác liệt, nhằm tiêu hao dần lực lượng của đối phương.

Do đó, Trung đoàn 1 xác định phương châm đánh địch là: "Lực lượng phân tán, cơ động liên tục làm cho địch không thể xác định được cụ thể đâu là mục tiêu "tìm diệt" của chúng. Ban ngày địch đến, ta chặn đánh quyết liệt. Ban đêm các đơn vị dùng các phân đội bộ binh, hỏa lực gọn nhẹ, tập kích vào vị trí đóng quân của địch".

Để phá vỡ chiến thuật "tìm diệt" của quân Mỹ, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào, đã ra lệnh cho các đơn vị chủ động tấn công địch bằng súng cối, ĐKZ, B-40, B-41. Nhiều vị trí đồn bốt của chúng như cầu Kẽm, Nam Dương, An Thành, Phò Trạch, Sịa bị ta tập kích thường xuyên. Các đơn vị của Trung Đoàn đã gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc địch phải tăng quân đồn trú, tăng lực lượng càn quét lùng sục xung quanh đồn bốt, nhằm đẩy lực lượng chiến đấu của ta ra xa. Với cách đánh ấy, ta đã khiến cho địch phải bị động đối phó.

Cuối tháng 3-1968, Tiểu đoàn 2 hành quân theo đường miền Tây đã về đội hình trung đoàn. Do đó, sức chiến đấu của trung đoàn cũng mạnh hơn.Thời gian ấy, Trung đoàn 1 của chúng tôi hoạt động trên địa bàn không rộng, bao gồm huyện Quảng Điền và vùng phía Đông đường 1 của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Địa hình đồng bằng vùng này rất trống trải, thuận lợi cho kẻ địch phát huy sức mạnh hỏa lực của chúng.

Tuy vậy, cơ quan trung đoàn cùng các đơn vị đã xây dựng được kế hoạch cơ động liên tục và bố trí lực lượng, bài binh bố trận khoa học. Do đó, Trung đoàn đã từng bước phá vỡ chiến thuật "tìm diệt" của Sư đoàn Kị binh bay số 1 Mỹ và quân đội Sài Gòn. Trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1968, các đơn vị của Trung đoàn 1 đã cơ động liên tục đến hầu khắp các làng xã hai huyện Phong Điền, Quảng Điền. Có nơi, lực lượng ta qua lại nhiều lần. Kẻ địch không thể xác định được đâu là mục tiêu, đâu là nghi binh, đâu là thực, đâu là giả, chúng trở nên lúng túng. Chiến thuật tìm diệt của chúng bị hạn chế, kém hiệu quả rất nhiều.

Từ băc tỉnh Quảng Trị tiến vào đồng bằng Thừa Thiên hồi đầu tháng 2 năm 1968 đến nay, Trung đoàn 1 đã liên tục đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch ở: Cao Bang, Sơn Tùng, Gia Viên, Hiền Lương, Đông Hồ, Đông Cao, Cổ Tháp, Tây Hoàng, Xuân Tùy, Niêm Phò, An Xuân, Kim Đôi, Thụy Lập, Phò Nam Phe và các xã Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương,... thuộc hai huyện Phong Điền, Quảng Điền. Trong những trận đánh này, hàng trăm lính Mỹ bị tiêu diệt, hàng chục xe bọc thép và nhiều máy bay chiến đấu của chúng bị bắn cháy... Biết bao tên đất tên làng nơi đây đã in đậm chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, đó cũng là những vùng đất thiêng liêng thấm máu đồng bào, đồng đội của chúng tôi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968...

Hơn hai tháng nay, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 1 không có đêm nào được ngủ đẫy giấc. Bởi vì hầu như ngay nào họ cũng đánh quân giặc càn quyét, đêm đến họ lại hành quân từ làng này sang làng khác, rồi xây dựng công sự trận địa để sẵn sàng đánh bại chiến thuật "tìm diệt" của đối phương.

Những ngày tháng ấy, bộ đội trinh sát của tôi cũng quá thèm giấc ngủ, anh em tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ngủ. Tôi nhớ lại... Một đêm tháng tư, Đại đội Trinh sát hành quân từ làng Sơn Tùng xã Phong Nhiêu, huyện Phong Điền Sang xã Quảng Thái huyện Quảng Điền. Khoảng 2 giờ sáng hôm ấy, giữa bãi cát mênh mông, đơn vị chúng tôi được lệnh dừng nghỉ giải lao. Vừa dừng lại nghỉ chưa đầy 5 phút, hầu hêt bộ đội của tôi đã dựa lưng vào ba lô ngủ một giấc ngon lành. Nhìn bộ đội ngủ ngon, tôi thương, nước mắt tự nhiên chảy ra. Anh em mệt quá rồi! Ít phút sau đơn vị được lệnh hành quân theo kế hoạch. Ngay lập tức mệnh lệnh ấy được chuyền bằng cách, người trước chuyền cho ngươi sau. Lúc chuyền lệnh, ai cũng phải thực hiện: Miệng nói thật nhỏ để giữ bí mật, nhưng hai tay thì đều bám vào vai, vào đầu đồng đội "lắc mạnh" để đánh thức nhau dậy (cách chuyền lệnh hành quân ban đêm đã được huấn luyện trước). Hôm ấy, vì sợ bộ đội ngủ quên, tôi đã cùng chiến sĩ liên lạc chạy ngược lại cuối hàng quân để đôn đốc anh em thức dậy. Sau đó mới về vị trí chỉ huy của mình rồi cho đơn vị xuất phát. Khoảng 4 giờ, đơn vị tôi đến dừng chân ở làng Đông Hồ chuẩn bị triển khai đội hình sẵn sàng đánh địch. Sau khi kiểm tra sơ bộ, tôi nắm được, đại đội còn thiếu gần một nửa quân số. Chỉ huy chúng tôi đã hội ý nhanh đi đến kết luận: "Các chiến sĩ ta ngủ quên ở giữa bãi cát, nơi đơn vị vừa nghỉ giải lao ".

- Nguy hiểm quá! Phải đưa được bộ đội về đơn vị trước khi trơi sáng. Nếu không, trực thăng của Mỹ phát hiện anh em ta ở bãi cát trống giữa ban ngày thì khó còn người sống sót! - Tôi nói.

- Tôi đi đón bộ đội, các anh cho đơn vị triển khai đội hình, đào công sự chiến đấu ngay! - Tôi phân công.

Sau đó, ngay lập tức, tôi cùng 2 chiến sĩ xách AK chạy ngược đường hành quân. Tang tảng sáng, đến giữa bãi cát mênh mông, chúng tôi nhìn thấy bộ đội ta vẫn ngủ ngon lành, nên đã vội vàng đánh thức anh em dậy rồi cùng nhau chạy một mạch về đến vị trí đóng quân của đơn vị ở làng Đông Hồ, khi mặt trời đã lên quá ngọn tre. Đúng lúc ấy nhiều tốp trực thăng của Mỹ đã đến thay nhau quần đảo vùng bãi cát, nơi bộ đội ta vừa hành quân qua. Chắc chúng đã phát hiện được dấu vết của quân ta còn để lại trên cát. Thật hú vía!

Đánh địch liên tục từ Tết Mậu Thân đến tháng tư, sức chiến đấu của Trung đoàn 1 giảm sút vì hy sinh và bị thương nhiều. Thêm vào đó đạn dược lại thiếu nghiêm trọng vì vậy Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào chỉ thị cho các đơn vị: "Triệt để tiết kiệm đạn. Khi dùng đạn cối 82 ly và đạn ĐKZ phải được Tiểu đoàn trưởng, hoặc Tham mưu trưởng Trung đoàn cho phép".

Thành phố Huế từ cuối tháng 2 năm 1968 đã im tiếng súng. Nhưng với Trung đoàn 1, Tết Mậu Thân năm 1968 đã qua hơn 2 tháng rồi nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục quần nhau với quân thù ở đồng bằng tỉnh Thừa Thiên. Chiến trường đồng bằng Quảng Trị - Thừa Thiên ngày càng khó khăn. Địch và ta đan xen cài thế ăn miếng trả miếng, giằng co nhau hết sức quyết liệt.

Mọi người cần biết: Trung đoàn 1 chúng tôi ở lại đồng bằng Thừa Thiên-Huế trong những tháng ngày đầy hy sinh gian khó này là để thu hút, kìm chân địch; đối đầu với Sư đoàn Kị binh bay số 1 của Mỹ và quân đội Sài Gòn; đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực ta rút về vùng rừng núi an toàn và có điều kiện cùng với địa phương cứu được nhiều thương, bệnh binh ở đồng bằng lên miền tây điều trị.

6

Trong thế trận liên tục cơ động quần nhau với Sư đoàn kị binh bay số 1 của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Khoảng đầu tháng tư, Trung đoàn 1 bí mật, bất ngờ dời Sở Chỉ huy về đứng chân ở làng Xuân Tùy, Bắc sông Bồ tỉnh Thừa Thiên. Hôm ấy, Đại đội Trinh sát bố trí ở một xóm nhỏ ven sông nằm ở phía Nam làng Xuân Tùy. Đơn vị được Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ: "Chốt chặt, tạo thế phòng ngự vững chắc mạn phía nam, nơi rất nhạy cảm về khả năng xâm nhập bất ngờ của địch. Đơn vị cần tạo ra mối liên kết với các đơn vị bạn để bảo vệ bằng được Sở Chỉ huy Trung đoàn".

Một buổi sáng, mặt trời chưa lên qua ngọn tre làng, máy bay Mỹ đã tới giội bom ác liệt vào làng Xuân Tùy. Sau những đợt bom, rồi đến những loạt đạn pháo cấp tập trút xuống làng vừa dứt, trong làn khói bom mù mịt, bộ binh Mỹ từ hai hướng đông bắc và tây bắc hùng hổ tiến công vào làng. Trận địa phòng ngự bảo vệ Trung đoàn Bộ đã giăng sẵn. Bộ đội ta nhanh chóng bẻ gãy cùng lúc cả hai hướng tiến công của bộ binh Mỹ, bất chấp sự yểm trợ hỏa lực của máy bay và pháo binh của chúng.

Hướng nam nơi Đại đội Trinh sát phòng ngự im ắng lạ thường. Dường như không có tiếng bom, tiếng súng. Sự im lặng đáng sợ của thời khắc chiến tranh ấy làm chúng tôi bồn chồn lo lắng. Bằng cảm nhận của người lính trinh sát, chúng tôi biết bọn Mỹ không bao giờ bỏ qua hướng nam này. Trận địa phòng ngự của Đại đội trinh sát bố trí dọc theo lũy tre ken dày chạy dài theo bờ sông.

Từ mép nước ở bờ sông vào xóm nhỏ trên hướng này chỉ có mấy lối dân đi, lách qua khe hở hàng tre. Ta bố trí lực lượng mai phục sẵn sàng chờ địch ở đó. Chúng tôi lợi dụng lũy tre để đào công sự chiến đấu vừa vững chắc vừa rất kín đáo, bí mật. Bọn địch bay trên trời hay bộ binh ở bên kia bờ sông không thể ngờ có một lực lượng của ta đang ở đó chờ chúng tới.

Khoảng 14 giờ hôm ấy, khi tiếng súng địch ở hướng bắc làng Xuân Tùy vẫn nổ ran thì phía bờ nam sông gần xóm Chuối có địch xuất hiện. Ban Chỉ huy Đại đội chúng tôi phân tích tình hình và đi đến thống nhất: Địch có thể bí mật vượt sông bằng thuyền, bất ngờ áp thuyền vào bờ nơi có những khoảng trống nhỏ, theo lối dân đi để lách qua lũy tre làng này, rồi đánh tập hậu phía nam làng Xuân Tùy. Vì vậy ta phải tập trung quan sát nắm chắc tình hình địch. Bộ đội ta phải luôn ở tư thế sẵn sàng để chờ thuyền địch vào thật gần bờ, cách chừng mười lăm đến hai mươi mét mới đồng loạt nổ súng.

Buổi chiều, mặt trời đã xuống gần ngọn tre. Đúng như dự kiến, bộ binh Mỹ từ khu vực xóm chuối, dùng thuyền nhỏ của dân nhẹ nhàng bí mật vượt sông, hướng tới các lối mở lũy tre làng của dân thường đi lại ở phía bắc bờ sông. Bốn tổ trinh sát của ta đã phục sẵn, lặng lẽ chờ địch. Khi chúng đến gần bờ chừng mười mét, anh em trinh sát đồng loạt tung lựu đạn vào hầu hết thuyền của địch.

Lựu đạn nổ tung, lính Mỹ trên thuyền hoảng loạn. Chúng chưa kịp chống trả thì đạn B-40, B-41 và AK lại xối xả bắn tiếp vào thuyền. Cả đại đội lính Mỹ bị nhấn chìm chỉ trong mười phút. Một số tên sống sót bỏ vũ khí, bơi lóp ngóp vào phía nam bờ sông. Chúng tôi dùng AK và M79 tiêu diệt tiếp.

Lực lượng đánh vu hồi của đại đội Mỹ vào phía nam làng Xuân Tùy bị Đại đội Trinh sát Trung đoàn đánh cho đại bại. Ngay tức khắc, toàn trận địa ta chìm trong khói lửa của đạn pháo địch. Dứt tiếng pháo, trực thăng vũ trang của Mỹ lại thi nhau bắn đạn rốc két xuống trận địa ta ở khu vực lũy tre làng ven sông nam làng Xuân Tùy. Rất may, chỉ có hai trinh sát bị thương nhẹ, nên anh em vẫn còn đủ sức ở lại đơn vị chiến đấu tiếp.

Trời tối, Trung đoàn trưởng ra lệnh cho Đại đội Trinh sát rút quân về phía xã Phong Nhiêu huyện Phong Điền an toàn. Nhưng cả đêm hôm đó, máy bay địch vẫn thả đèn dù sáng rực trời. Đạn pháo và rốc két của địch vẫn tiếp tục đánh phá làng Xuân Tùy. Lũy tre làng ven sông nam làng Xuân Tùy trơ trụi, cháy suốt đêm.

Trận đó ta bắn chìm 8 thuyền địch. Hầu hết bọn địch trên thuyền đều chết và bị thương. Mấy ngày hôm sau, đồng bào trong vùng cho hay bọn lính Mỹ mất cả đêm và ngày hôm sau nữa vẫn chưa vớt hết xác những tên chết trận. Rất nhiều vũ khí đạn dược của chúng đã bị chôn vùi dưới lòng sông.

Bộ đội ta không ngờ một trận đánh nhỏ lại thắng lớn, hiệu suất chiến đấu cao như vậy. Yếu tố bí mật bất ngờ, triệt để lợi dụng địa hình, cùng với sự sáng tạo, dũng cảm và còn cả sự may mắn nữa đã làm nên chiến thắng đó.

Thời gian ấy, các đơn vị của Trung đoàn vừa cơ động chuyển quân nghi binh đánh lừa địch vừa tiếp tục sử dụng các lực lượng nhỏ tìm thời cơ tập kích các đồn bốt của chúng. Nhiều đại đội trong trung đoàn còn lập được những chiến công tương tự hoặc lớn hơn so với trận đánh của Đại đội 17 Trinh sát.

7

Tháng 4 năm 1968 trời đã chớm vào hè. Dải đất hẹp miền Trung bắt đầu nóng bỏng do thời tiết và đạn bom quân thù. Chiến thuật "tìm diệt" của địch không phát huy hiệu quả. Sư đoàn Kị binh bay số 1 của Mỹ buộc phải thay đổi cách đánh. Chúng chủ trương áp dụng kế sách mang cái tên mới rất kêu, chiến thuật "bủa lưới phóng lao".

Với chiến thuật này, nếu phát hiện lực lượng bộ đội ta ở đâu, địch sẽ tập trung lực lượng lớn, đông hơn, rồi tổ chức bao vây chặt. Sau đó chúng dùng hỏa lực mạnh, sử dụng máy bay từng bầy, pháo binh từ nhiều trận địa đánh dồn dập liên tục nhiều giờ, nhiều ngày. Chúng sử dụng hỏa lực cho đến khi lực lượng ta bị tiêu hao, mất sức chiến đấu, chúng mới tổ chức bộ binh có xe tăng yểm trợ đánh chiếm trận địa, tiêu diệt lực lượng còn lại của ta. Mục đích của chúng là dùng bom đạn tiêu hao, vắt kiệt sức chiến đấu của đối phương. Lúc đó chúng mới sử dụng bộ binh Sư đoàn Kị binh bay Mỹ tấn công giải quyết chiến trường theo hướng có lợi cho chúng.

Chúng tôi coi đây là chiến thuật, là cái bẫy lợi hại của địch trên chiến trường Trị Thiên sau Tết Mậu Thân. Nắm được chiến thuật mới của kẻ địch, trinh sát chúng tôi đã đề xuất cách đối phó của ta là: "Bí mật lực lượng, cơ động liên tục, bố trí đội hình có thế chi viện cho nhau và chủ động tiến công kết hợp với nghi binh đánh lừa địch."

Đương nhiên không phải ban đầu ta không bị rơi vào bẫy của chúng.

Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 90 từ miền tây Thừa Thiên luồn sâu xuống hướng đồng bằng phía nam sông Bồ làm nhiệm vụ chiến đấu. Theo anh em Tiểu đoàn 8 kể lại: Một ngày cuối tháng tư, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 8 chọn làng Thành Lương và làng Phước Yên xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền để triển khai lực lường. Nơi ấy, có con sông bao bọc, chỉ có một khoảng đồng trống chừng gần một cây số ở phía nam. Bộ binh địch chỉ có thể tiến công vào làng Thành Lương, làng Phước Yên bằng hướng này. Đúng như vậy, ngày hôm sau, lực lượng Sư đoàn kị binh bay số một của Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tập trung triển khai tiến công theo hướng độc đạo này. Hai ngày đầu chiến đấu, Tiểu đoàn 8 thắng giòn giã. Ta đã bẻ gãy liên tục các cuộc tấn công của địch, tiêu diệt hàng trăm tên thu nhiều vũ khí.

Sang ngày thứ ba không thấy địch tiến công, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 8 cứ ngỡ rằng do ta trụ vững, địch rút lui. Nhưng không phải, chúng bí mật triển khai lực lượng lớn hơn ở bờ bắc sông, hình thành thế bao vây khép chặt hai làng Thành Lương và Phước Yên. Khoảng đồng trống, duy nhất rộng gần 1 ki-lô-mét bị địch thả hàng tấn dây kẽm gai bùng nhùng ngăn vít cứng lại. Vòng ngoài bộ binh địch áp sát án ngữ chặt không còn lối nào thoát ra được nữa.

Như vậy là Tiểu đoàn 8 nằm gọn trong vòng vây bốn bề của quân địch. Đêm, ngày máy bay địch, pháo địch từ nhiều hướng khác nhau trút đạn xuống trận địa của Tiểu đoàn bộ binh 8 của ta. Cả hai làng Thành Lương, Phước Yên suốt ngày, đêm chìm trong biển lửa.

Mấy ngày liên tiếp, cứ mờ sáng, máy bay Mỹ thay nhau trút hàng trăm loạt bom xuống trận địa và các vị trí, ẩn nấp của ta. Bom chưa ngớt, pháo bầy, pháo cụm lại thi nhau dập xuống cày đi xới lại. Mặt trận thông báo, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 90 của ta bị địch bao vây ở làng Thành Lương, Phước Yên thiệt hại nặng . Hiện còn trên 50 đồng chí thương binh trong vòng vây địch. Mặt trận cũng chỉ thị cho Trung đoàn 1 cùng các đơn vị tìm mọi cách giải vây cho Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 90.

Sau khi nhận được lệnh, Trung đoàn 1 dùng Tiểu đoàn 1 và một phần Tiểu đoàn 3 tìm mọi cách giải vây cho Tiểu đoàn 8 nhưng đều không thành công. Có lần, một đại đội của Tiểu đoàn 1 đánh chiếm được một đoạn bờ bắc sông Bồ vào ban đêm nhưng không bắt liên lạc được với Tiểu đoàn 8 trong vòng vây... Đành phải rút quân trước lúc trời sáng vì lực lượng quá mỏng. Cho đến đêm hôm sau được Trung đoàn 1 yểm trợ và lực lượng địa phương giúp đỡ, Tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 90 mới mở đường máu rút ra ngoài vòng vây của địch, trên đường rút lui bộ đội ta thương vong quá nhiều.

Trung đoàn 1 đón đưa được 56 đồng chí trong đó có anh Lương - Tham mưu phó Trung đoàn 90 và anh Viễn - Tiểu đoàn trưởng (anh Lương sau này là Đại tá, giáo viên khoa Chiến lược Học viện Quốc Phòng còn anh Viễn nghe đâu về làm công tác hậu cần ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi nghỉ hưu). Chắc rằng còn nhiều đồng chí của Tiểu đoàn 8 thoát được vòng vây giặc. Có thể một số đồng chí được đồng bào cưu mang, che chở hoặc bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên đón, đưa ra ngoài.

Thời gian ấy, Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 cũng bị quân Mỹ cùng quân đội Sài Gòn bao vây ở làng Kim Đôi huyện Quảng Điền. Trong ba ngày liên tục chúng giội hàng trăm tấn bom và đạn pháo vào làng Kim Đôi làm cho Đại đội 3 thiệt hại nặng. Rất may là Đại đội 3 đã được Tiểu đoàn chi viện, nên trong đêm thứ ba lực lượng còn lại của đơn vị đã bí mật luồn theo con mương nhỏ (chảy qua làng) thoát vây an toàn.

Tổn thất lớn của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 90 và Đại đội 3 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 đã để lại một bài học kinh nghiệm xương máu trên chiến trường Trị Thiên khói lửa thời kỳ đánh Mỹ. Trong những ngày cuối tháng 4 và tháng 5 năm 1968, chiến trường đồng bằng Thừa Thiên vô cùng ác liệt. Nhưng Trung đoàn 1 đã tìm mọi cách bảo vệ và đưa được 56 đồng chí cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 lên miền tây tỉnh Thừa Thiên an toàn.

8

Cuối tháng 4 năm 1968, Trung đoàn điều động và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Bá Cự, Chính trị viên Đại đội Trinh sát giữ chức Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn quê Quảng Ngãi từ cơ quan Quân khu Trị Thiên về thay thế đồng chí Cự. Đêm 30-4-1968, Sở chỉ huy Trung đoàn 1 về dừng chân ở một xóm nhỏ phía đông làng Sơn Tùng xã Phong nhiêu huyện Phong Điền. Gần 300 chiến sĩ của các đại đội trực thuộc có nhiệm vụ bảo vệ Sở Chỉ huy Trung đoàn. Hôm ấy, Đại đội Trinh sát cùng Đại đội cối 82 ly bố trí ở làng Sơn Tùng. Nơi đây, từ sau tết Mậu Thân, Đại đội Trinh sát chúng tôi cùng các đơn vị đã ba lần đánh bại các cuộc càn quét của địch, cho nên rất thông thạo địa hình. Đại đội Thông tin bố trí ở làng Gia Viên, Đại đội ĐKZ bố trí ở xóm Chùa để sẵn sàng đánh địch từ hướng tây tới.

Sau khi xây dựng phương án chiến đấu, các đại đội trực thuộc trung đoàn đã nhanh chóng xây dựng trận địa phòng ngự, hình thành thế trận vững chắc, tạo ra một vành đai bảo vệ Sở Chỉ huy Trung đoàn 1. Mờ sáng 01 tháng 5, tiếng súng và lựu đạn nổ dồn dập ở hướng nam làng Sơn Tùng. Biết địch bất ngờ tập kích ở hướng xóm Chùa, tôi xách súng chạy ra vị trí chiến đấu.

- Đồng chí Hoàng Tưởng, Tiểu đội trưởng làm nhiệm vụ cảnh giới phía xóm Chùa, bị địch tập kích đã hy sinh - Một chiến sĩ trinh sát báo cáo với tôi.

- Ở gần cây khế, cách đây gần100 mét có địch! - Liên lạc Trần Văn Nẩy báo cáo.

Tôi cùng tổ trinh sát dự bị cơ động rất nhanh về hướng cây khế để đánh chặn quân địch. Chúng tôi tiến đến cách cây khế chừng 50 mét, bất ngờ một ổ đại liên của địch quét như vãi đạn về phía ta. Chiến sĩ Trần Văn Loan quê Thanh Hóa bị thương vào đùi không thể chiến đấu được nữa. Như vậy là địch đã chiếm khu vực cây khế làng Sơn Tùng để khống chế lực lượng ta. Tình thế này rất nguy hiểm. Tôi nhanh chóng nhận định tình hình và đi đến quyết tâm phải đánh bật chúng ra khỏi làng, không để cho chúng tiến sâu thêm nữa. Lúc này đội hình chiến đấu của Đại đội Trinh sát đã bị chia cắt làm đôi. Trung đội của đồng chí Lê Minh Hùng bố trí ở nam làng Sơn Tùng (gần xóm Chùa) phải độc lập tác chiến.

Tổ trinh sát dự bị đã dùng hỏa lực chặn đứng bước tiến của lực lượng địch đội nhập, buộc chúng phải dừng lại ở khu vực cây khế. Tôi lùi lại hội ý Ban Chỉ huy Đại đội. Lúc bấy giờ tại hầm chỉ huy có đồng chí Toàn, Chính trị viên và đồng chí Cừ, Đại đội phó. Chúng tôi thống nhất nhận định: "Địch đã đột nhập vào làng Sơn Tùng. Chúng đang triển khai đội hình trên mặt đất trống trải. Chúng không dám xuống hầm hào vì sợ ta gài mìn dưới ấy. Ta phải chớp thời cơ tiêu diệt bọn này mới bảo vệ được mình. Cần sử dụng một lực lượng nhỏ nhưng tinh, luồn sâu vào sát địch, bất ngờ tiêu diệt chúng".

Thế rồi chúng tôi phận công nhau: Do thuộc địa hình nên tôi nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy tổ trinh sát, tinh gọn, luồn theo giao thông hào tới sát địch, bất ngờ tiêu diệt khẩu đại liên của chúng. Lực lượng dự bị thực hiện nhiệm vụ tiến công chính diện do đồng chí Cừ trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Toàn chỉ huy lực lượng phòng ngự của đại đội.

Để đánh thắng địch và tránh bắn vào nhau, tôi đã thống nhất hợp đồng với lực lượng dự bị tiến công chính diện. Khi tổ luồn sâu bất ngờ tung lựu đạn và nổ súng vào bọn địch ở khu vực gốc cây khế, một phút sau đó, chúng tôi sẽ xuống giao thông hào để tránh đạn. Vào lúc ấy, lực lượng chính diện mới được nổ súng, rồi xung phong.

Vốn thông thuộc từng đoạn hào, căn hầm, gốc cây, mô đất ở làng Sơn Tùng nên tôi cùng tổ trinh sát luồn sâu lợi dụng địa hình, cây cỏ mọc hai bên hào rậm rạp kín khuất, tiến sát nơi địch bố trí hỏa lực rất nhanh. Bọn địch mải cảnh giới bốn phía xung quanh khẩu đại liên, không thể ngờ có lực lượng ta luồn theo giao thông hào đã áp sát chúng.

Khi tới gần khẩu đại liên, chúng tôi quan sát thấy địch lố nhố, có tới một tiểu đội. Tổ trinh sát luồn sâu từ giao thông hào đã ném chùm 2 quả lựu đạn, xả AK vào bọn chúng, rồi rút xuống giao thông hào tránh đạn theo đúng hiệp đồng. Vào đúng lúc đó, lực lượng trinh sát trên hướng chính diện cũng xả súng vào đội hình địch. Bị bất ngờ, địch hoảng loạn tháo chạy. Chúng kéo theo những xác chết, bị thương về hướng xóm Chùa... Ít phút sau, tổ trinh sát luồn sâu bắt liên lạc được với lực lượng tiến công chính diện.

Chúng tôi rất vui vì đã đánh bật được địch sang hướng xóm Chùa mà lực lượng vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi chiếm lại được trận địa, ta đã liên lạc được với Trung đội trưởng Lê Minh Hùng ở nam làng Sơn Tùng. Rất may, trung đội của Hùng vẫn được giữ vững trận địa và an toàn.

Riêng trường hợp đồng chí Hoàng Tưởng hy sinh, có một tình tiết đặc biệt. Theo anh em tổ cảnh giới kể lại, khi phát hiện địch đột nhập vào gần vị trí cảnh giới của ta, đồng chí Hoàng Tưởng đã chủ động bấm mìn định hướng KorayMo (loại mìn lấy được của Mỹ). Mìn nổ. Đồng chí Hoàng Tưởng hy sinh ngay tại chỗ. Lực lượng cảnh giới của ta nổ súng, địch bỏ chạy về hướng xóm Chùa.

Kiểm tra kỹ, chúng tôi phát hiện ra đồng chí Tưởng bị rất nhiều viên bi mìn định hướng găm vào người. Như vậy, chắc rằng trước khi tiến công, địch đã bí mật tiếp cận quay mìn định hướng về phía ta. Cho nên khi địch xuất hiện trước trận địa, đồng chí Hoàng Tưởng bấm mìn định hướng để tiêu diệt chúng. Nhưng rất có thể anh Tưởng hy sinh do chính mìn định hướng của mình.

Sau trận đánh, Ban Chỉ huy Đại đội hội ý, trao đổi với nhau: Bọn địch vừa bị ta đẩy lui chắc không phải lính Sư đoàn Kị binh bay số 1 của Mỹ, vì cách đánh và trang bị của chúng khác lắm. Có thể chúng đã điều động, tăng cường thêm một đơn vị Mỹ khác tới đây. Ý kiến này được báo cáo nhanh về trung đoàn.

- Các đồng chí tiếp tục nắm chắc và bằng mọi giá đánh bại bọn địch này - Trung đoàn trưởng chỉ thị.

- Địch đã chiếm xóm Chùa, Đại đội ĐKZ bị thiệt hại nặng, lực lượng còn lại đã được lệnh rút về Sở chỉ huy Trung đoàn - Trung đoan trưởng thông báo.

Sau khi đánh bật địch ra khỏi làng Sơn Tùng, toàn trận địa lại tiếp tục theo dõi địch, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công tiếp theo của chúng. Khoảng 8 giờ, pháo binh, súng cối của địch bắn phá dồn dập vào trận địa ta. Khi pháo, cối địch dừng bắn thì đại liên và 12,8 ly của chúng lại bắn quét liên hồi. Chúng bắn sát mặt chiến hào tiền duyên trận địa phòng ngự của Đại đội Trinh sát, làm cho bộ đội ta phòng ngự ở trận địa chính, không thể nào quan sát, phát hiện được hành động của bộ binh, xe tăng địch ở phía trước tiền duyên.

Lúc đó, bộ binh quân địch bò sát mặt ruộng, tiếp cận trận địa phòng ngự của ta. Đến cách tiền duyên trận địa ta khoảng 20 đến 30 mét, pháo hiệu đỏ của địch bắn lên. Hỏa lực 12,8 ly và đại liên của chúng dừng bắn, đồng thời bộ binh quân địch đồng loạt tung lựu đạn vào trận địa ta rồi xung phong.

Rất may, đúng vào thời điểm ấy, một tiểu đội trinh sát bố trí ở trận địa phụ, dưới thấp, sát mặt ruộng, không bị hỏa lực bắn thẳng của chúng khống chế nên đã đồng loạt nổ súng vào bên sườn đội hình tiến công của địch. Bị thương vong nhiều, chúng buộc phải tạm dừng lại để củng cố đội hình. Chính vì vậy, toàn đơn vị trinh sát chúng tôi đã có đủ thời gian kịp ra vị trí chiến đấu, đánh bại hoàn toàn đợt tấn công có quy mô lớn, kỳ công của địch.

Trong lần đánh chặn quân địch này, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Xương đã hy sinh anh dũng ở chiến hào tiền duyên trận địa phòng ngự. Máu anh đỏ loang, nhuộm thẫm một đoạn đường hào trận địa. Chúng tôi vừa mới đặt anh trong một căn hầm vào lúc khoảng 10 giờ thì quân địch lại tiến công dữ dội một đợt nữa. Hỏa lực chúng mạnh hơn, tập trung hơn và lực lượng bộ binh địch cũng đông hơn. Đại đội Trinh sát chúng tôi đã bắn cháy 1 xe tăng địch và lại một lần nữa bẻ gãy các mũi tiến công của chúng.

Trong lần đánh bại địch lần thứ 2 này, đồng chí Phạm Ngọc Minh, liên lạc đại đội đã hy sinh trong khi cùng tôi đi kiểm tra trận địa phía trước. Một viên đạn 12,8 ly của kẻ thù đã xuyên qua ngực Minh. Tôi ôm Minh trong vòng tay của mình. Em nhìn tôi như muốn nói điều gì đó. Em không còn hơi sức nữa và đã trút hơi thở cuối cùng... Thương quá! Thế là Minh không thể đưa tôi về thăm quê em ở chân đèo Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình theo ý nguyện nữa. Đặt Minh ngay ngắn trong một căn hầm, tôi lao ra trận địa tiếp tục chiến đấu. Từ sau ngày miền Nam được giải phóng tôi đã hai lần về đèo Lý Hòa quê hương Minh, lần gần nhất vào năm 2015 nhưng vẫn chưa tìm được gia đình của Minh. Có thể gia đình của Minh đã chuyển đi nơi khác ...

Trận chiến bắt đầu tạm yên lắng, Đại đội Trinh sát thương vong không nhiều, nhưng với ta đó lại tổn thất rất lớn. Xót xa biết bao khi một số đồng đội của mình ngã xuống trên chiến hào máu lửa.Trưa hôm ấy, trời tháng 5 oi nồng. Khói đã tan dần, ta quan sát kỹ quân địch, thấy trên hướng chính diện trận địa có khoảng một tiểu đoàn bộ binh và mấy chục xe bọc thép loại nhỏ và xe tăng . Xem trang bị, cách ăn mặc trinh sát ta nhận ra, rất có thể chúng là lính Đại Hàn hoặc Đài loan, (quân đồng minh của Mỹ).

Đúng là lính đánh thuê, cách đánh của chúng khác với cách đánh của quân đội Mỹ. Tôi đã báo cáo Trung đoàn trưởng rất kỹ về tình hình địch và nhận định ban đầu về một kẻ địch mới xuất hiện trên chiến trường. Trung đoàn trưởng đã chỉ đạo cho chúng tôi tiếp tục quan sát tìm hiểu kỹ, nắm chắc thủ đoạn của bọn địch này để có cách đánh hợp lý và chuẩn bị gấp rút hơn cho những trận chiến đấu mới.

Buổi trưa, cơm nắm vẫn được đưa đến tận tay từng chiến sĩ trên chiến hào, trên từng hố công sự. Tổ nuôi quân của đồng chí Trần Văn Tạ có lúc vừa nấu ăn vừa chiến đấu bảo vệ bếp, thật vất vả. Vậy mà bữa ăn nào cũng đảm bảo kịp thời, đầy đủ cho bộ đội... Bữa ăn tại trận địa buổi trưa thật chóng vánh, đơn giản. Làm gì có nước để rửa, có thuốc để sát trùng đôi bàn tay giữa hai trận đánh. Bùn đất chiến hào và máu đồng đội còn dính vào tay chưa khô, thế mà nắm cơm trên tay của tôi và đồng đội vẫn được bẻ ra ăn hết để lấy sức chiến đấu. Vừa ăn chúng tôi vừa cảnh giới trông chừng quân địch. Cuộc chiến đấu vẫn còn đang tiếp diễn. Cái chết, cái sống thật mong manh rình rập ở phía trước chiến hào.

Đúng thế! 14 giờ, địch lại bắt đầu cuộc tiến công mới. 9 chiếc máy bay AD6 ném bom dữ dội xuống trận địa phòng ngự của ta ở làng Sơn Tùng và nơi Trung đoàn Bộ đứng chân trong khoảng thời gian 30 phút. Bom vừa dứt, pháo bầy của quân địch rót xuống tới tấp đến 10 phút. Một ngôi làng nhỏ ở đồng bằng mà kẻ địch đánh phá như vậy là chúng sử dụng sức mạnh hỏa lực tối đa trên một phạm vi tối thiểu. Bom chồng lên bom, đạn vãi lên đạn nên rất ác liệt.

Cứ ngỡ sau 30 phút gần như san bằng làng Sơn Tùng, chúng sẽ đẩy bọn lính đánh thuê liều lĩnh xông vào. Nhưng chưa! Nhiều tốp trực thăng vũ trang lại đến bắn đạn Rốc Két, xả đại liên vào tiền duyên trận địa phòng ngự của ta. Tôi đã dùng AK cùng các chiến sĩ đã đánh trả trực thăng rất quyết liệt, một chiếc trực thăng địch bốc cháy, bay về hướng tây rồi mất hút sau rặng tre.

Từ hướng tây, cách làng Sơn Tùng chưa đầy một cây số, bộ binh địch được hàng chục xe bọc thép M113 làm lá chắn hùng hổ tiến vào theo hai mũi. Mũi thứ nhất, chúng đánh vào trận địa Đại đội 17 trinh sát. Mũi thứ hai, bên cánh phải, chúng xông vào khu vực Đại đội cối 82 do đồng chí Đỗ Hữu Xướng chỉ huy.

Cối 82 của ta lập tức bắn vào đội hình tiến công của địch. Bọn chúng vào gần khoảng chừng 300 mét, B-41 của Đại đội Cối 82 nhằm từng chiếc xe thiết giáp của chúng mà bắn. Tiếp đó hỏa lực từ các tay súng AK, CKC, đồng loạt trút đạn vào đội hình của địch. Trên hướng Đại đội trinh sát, bộ đội ta dùng B-40, B-41, bắn cháy liên tiếp 2 xe M113. Địch chùn lại củng cố đội hình rồi lại xông vào, nhưng chúng vẫn bị ta chặn lại.

Bên phải đội hình Đại đội Trinh sát trên hướng Đại đội Cối 82 phòng ngự, xe bọc thép cùng bộ binh địch đột nhập sâu được vào trận địa của ta. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra rất ác liệt. Nhiều hầm chiến đấu của ta bị xe bọc thép đè sập, nhiều đoạn chiến hào bị xe bọc thép cán lướt. Nhưng Đại đội trưởng Đỗ Hữu Xướng vẫn chỉ huy bộ đội kiên quyết bám trụ, chốt giữ phần còn lại của trận địa để ngăn chặn địch, cùng các đơn vị bảo vệ bằng được Sở Chỉ huy Trung đoàn.

Một Trung đội cối 82 của ta bị địch chia cắt, không thể bắt liên lạc được với đại đội của mình nữa, các anh đã tự nguyện xin nhập vào đội hình Đại đội Trinh sát để tiếp tục chiến đấu. Lúc đó đồng chí Nghĩa, một chiến sĩ trinh sát, tay xách súng AK, tay ôm đầu đầy máu, chạy vào hầm chỉ huy báo cáo:

- Báo cáo Đại đội trưởng. Xe tăng, bộ binh địch tràn lên trước trận địa ta... Nhiều lắm... Tôi bị thương... Đồng chí cho người ra thay thế vị trí ấy ngay để kịp chặn địch, Nghĩa nói ngắt quãng trong hơi thở khó khăn.

Tôi yêu cầu đồng chí y tá đại đội băng bó ngay vết thương cho đồng chí Nghĩa, nhưng tôi biết vết thương của Nghĩa quá nặng. Một viên đạn AR15 của địch đã xuyên vào trán Nghĩa. Ôi! Người lính chiến của chúng tôi là như vậy. Cái chết đến nơi rồi vẫn còn nghĩ đến trận địa, lo người thay thế vị trí bỏ ngỏ...

Sau khi chiếm được một phần trận địa Đại đội Cối 82 của ta, địch tập trung hỏa lực chi viện cho bộ binh, có xe tăng dẫn dắt tiến công vào trận địa Đại đội Trinh sát. Đường dây điện thoại liên lạc với trung đoàn và các đơn vị bạn đều bị cắt đứt. Tôi lệnh cho Trung đội cối 82 bắn thẳng vào đội hình bộ binh địch.

Bọn lính đánh thuê đang lố nhố tiến vào, bị cối 82 ta đánh trúng đội hình, buộc chúng phải dừng lại giải quyết hậu quả. Ngay từ lúc bị chia cắt đội hình, Trung đội cối 82 chỉ còn lại 16 viên đạn và viên đạn cối cuối cùng đã trút xuống đầu địch. Trung đội trưởng cối 82 lập tức báo cáo: Chúng tôi đã hết đạn!

- Các đồng chí sẵn sàng đánh địch bằng súng bộ binh! - Tôi ra lệnh, rồi cùng chiến sĩ liên lạc Trần Văn Nẩy chạy ta tiền duyên trận địa để kiểm tra bộ đội.

Lúc bấy giờ địch đã vào tầm bắn, các loại súng B-40, B-41, AK... của bộ đội ta bắn rất mạnh vào đội hình bộ binh, xe tăng của chúng. Nhưng 2 chiếc M113 của địch đã xông vào sâu trong làng Sơn Tùng khoảng 100 mét. Lúc ấy, tôi đang ở chiến hào tiền duyên trận địa phòng ngự. Đồng chí Cừ - Đại đội phó cùng với tổ trinh sát dự bị kịp thời đánh chặn 2 chiếc xe M113 của chúng. Tôi đã chỉ huy bộ đội kịp thời dùng hỏa lực chặn đánh Bộ binh địch, chúng không thể vào được làng Sơn Tùng. Đơn thương độc mã, buộc 2 chiếc M113 phải quay đầu tháo chạy ra khỏi trận địa phòng ngự của ta. Trên đường rút lui, một chiếc M113 bị B-41 của ta bắn cháy cách tiền duyên trận địa phòng ngự chừng 200 mét. Trong lần đánh bại đợt tiến công quy mô của địch này, đồng chí Thuyết chiến sĩ trinh sát đã anh dũng hy sinh. Tôi bị thương nhẹ ở mắt cá chân, tự băng bó xong, tìm một đôi giày cao cổ của địch bỏ lại để đi. Không ngờ tôi cảm thấy vết thương dịu đi, dễ chịu hơn lúc trước. Tôi vẫn đi lại được, trong đơn vị không ai biết Đại đội trưởng bị thương.

Địch rút lui, nhưng cuộc chiến đấu với chúng vẫn còn có thể tiếp tục. Lúc ấy, đạn cối 82 đã hết. Đạn chống tăng B-40, B-41 sắp cạn. Cán bộ chiến sĩ lo lắng bởi xe tăng, xe bọc thép địch còn nhiều. Chúng tiến công nữa thì ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Dưới làn pháo địch, Ban Chỉ huy Đại đội hội ý nhận định tình hình, thống nhất nhiệm vụ. Tôi trực tiếp xốc lại lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí Cừ - Đại đội phó lên báo cáo trung đoàn và xin thêm đạn chống tăng. Đồng chí Toàn - Chính trị viên trực tại hầm chỉ huy.

Theo nhiệm vụ được phân công, tôi cùng với hai chiến sĩ mang B-40, B-41 bò đến từng căn hầm, từng đoạn hào tiền duyên trận địa phòng ngự tìm cách động viên bộ đội đồng thời cho mọi người biết đạn B-40, B-41 vẫn còn đủ để đánh địch và tin tưởng nhất định ta sẽ giữ vững trận địa ... Lúc đó vào khoảng 16 giờ, trên trận địa vẫn còn nồng nóng, khét mùi đạn bom và sức ép từ phía địch. Tôi trở về hầm chỉ huy và đau đớn biết tin: Đồng chí Toàn- Chính trị viên Đại đội Trinh sát đã hy sinh do đạn AR15 từ trực thăng địch bắn trúng.

Đau buồn và thương anh Toàn quá! Anh đi bộ đội từ thời chống Pháp. Lớn hơn tôi tới mười tuổi. Chững chạc, đàn anh về mọi sự đường đời. Nhưng kinh nghiệm chiến đấu trực tiếp của anh thì chưa nhiều, lại về làm Chính trị viên đại đội đúng vào thời điểm khó khăn ác liệt nhất. Mới đánh địch trận đầu, anh Toàn đã hy sinh bởi một loạt đạn AR 15 từ trực thăng địch quét xuống.

Trong một ngày chiến đấu, Đại đội Trinh sát hy sinh sáu đồng chí. Đơn vị xót xa nghiêng mình trên chiến hào nóng bỏng trước sự ra đi của các anh: Chính trị viên Nguyễn Văn Toàn quê Quảng Ngãi, Tiểu đội trưởng Hoàng Tưởng quê ở Nho Quan, Ninh Bình, Trung đội phó Xương, hai chiến sĩ trinh sát Thuyết, Nghĩa quê Thanh Hóa, liên lạc Phạm Ngọc Minh quê Quảng Bình.

Đại đội còn 7 đồng chí nữa bị thương. Trận đánh hôm ấy, đơn vị tổn thất gần 20% lực lượng. Mặc dù chúng tôi đã lập công tiêu diệt hàng trăm bộ binh địch, bắn cháy 4 xe bọc thép M113, bắn cháy 1 máy bay trực thăng, nhưng với Đại đội 17 Trinh sát thì không thể nào bù đắp nổi những tổn thất phải gánh chịu khi đồng đội thương vong nhiều như vậy.

Kẻ địch cay cú lồng lộn vì thất bại nặng nề của bộ binh và thiết giáp. Suốt cả ngày chúng không làm gì nổi trận địa phòng ngự của Đại đội Trinh sát. Chúng đã dội bom, bắn pháo cấp tập mang tính hủy diệt làng Sơn Tùng cho đến quá 17 giờ mới chấm dứt.

Chiều muộn, khi mặt trời gần khuất sau dãy núi phía tây, cũng là lúc ngớt bom pháo địch. Anh Tống Nam Phong - Trợ lý Chính sách cùng cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần trung đoàn đến Đại đội Trinh sát giúp đỡ đơn vị giải quyết khắc phục hậu quả.

Tôi được triệu tập lên trung đoàn báo cáo tình hình. Sau khi trình bày tỉ mỉ, chi tiết diễn biến trận đánh, phân tích lối đánh của đối tượng địch mới này với Chính ủy Nguyễn Đàm và Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào, tôi đã đề nghị cấp trên xin nhận kỷ luật vì đã ra lệnh bắn 16 quả đạn cối 82 cuối cùng còn lại của đơn vị mà không có lệnh của trung đoàn và đã chỉ huy đơn vị chưa tốt để bộ đội thương vong quá nhiều trong một ngày chiến đấu.

- Răng lại kỷ luật!... khen chứ... giỏi quá, đánh giỏi. Bảo vệ được Trung đoàn Bộ, giữ vững được trận địa - Chính ủy Trung đoàn nói.

Chính ủy Nguyễn Đàm quê ở thành phố Huế, người tầm thước, có giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi, khúc chiết. Trong chiến đấu, Chính ủy rất bình tĩnh, kiên quyết cho nên gặp khó khăn đến mấy trung đoàn vẫn vượt qua. Những năm sau này, ông làm Phó Chính ủy Sư đoàn 324, Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Sau ngày miền Nam giải phóng, ông chuyển ra ngoài làm Trưởng ty Thủy Sản, Phó chủ tịch tỉnh Bình Trị Thiên. Ông nghỉ hưu tại quê nhà. Mỗi lần có dịp qua Huế, tôi vẫn đến thăm ông.

Tôi cảm ơn các thủ trưởng rồi xin phép trở về đơn vị. Tuy nhiên trong lòng vẫn băn khoăn suy nghĩ, cảm thấy nhiệm vụ chưa được làm tròn. Hôm sau, được tin từ cơ quan Chính trị trung đoàn, tôi và Đại đội Trinh sát được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất trong trận chiến đấu ngày 1 tháng 5 năm 1968, đánh bại bọn lính đánh thuê ở làng Sơn Tùng xã Phong Nhiêu, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên

9

Sau khi giải quyết hậu quả trận đối đầu với đội quân lính đánh thuê ở làng Sơn Tùng, đêm 1-5-1968, Trung đoàn bộ cùng các đơn vị trực thuộc đã cơ động đến trú quân ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền hai ngày, rồi di chuyển tới xã Quảng Hưng (nay là xã Quảng Lợi). Sau đó cơ động về các xã Phong Bình, Phong Hòa huyện Phong Điền để vừa đánh, vừa nghi binh, lừa địch... quyết tâm phá bằng được chiến thuật "bủa lưới phóng lao" của chúng.

Tối ngày 10 tháng 5 năm 1968, Trung đoàn bộ và Tiểu đoàn 2 hành quân về làng Hiền Lương, xã Phong Nhiêu (nay là xã Phong Hiền), huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, cách cầu An Lố chừng 3 ki-lô-mét. Đặt chân tới làng Hiền Lương lúc nửa đêm, bộ đội ta tranh thủ xây dựng phương án chiến đấu, rồi khẩn trương đào công sự trận địa sẵn sàng đánh địch.

Sáng sớm hôm sau, pháo binh của địch ầm ầm bắn vào làng Hiền Lương như thể địch đã tăm tia chính xác vị trí đứng chân của ta. Khoảng 7 giờ, pháo binh địch đồng loạt đánh phá để dọn bãi đổ bộ. Sau đó chúng dùng máy bay trực thăng ồ ạt đổ quân Mỹ xuống cánh đồng, cách phía tây làng Hiền Lương chưa đầy 1 ki-ô-mét.

Vừa chạm chân tới mặt đất, chúng đã hình thành ngay các mũi, hướng chuẩn bị tiến công vào làng Hiền Lương. Cùng lúc đó, pháo của địch tới tấp bắn vào làng để dọn đường. Máy bay trực thăng vũ trang của chúng rầm rầm kéo tới yểm trợ cho bộ binh địch khi pháo vừa dứt loạt.

Buổi sáng hôm ấy địch đã tiến công vào làng Hiền Lương hai lần nhưng đều bị Tiểu đoàn 2 của ta do đồng chí Nguyễn Văn Đức chỉ huy đánh chặn quyết liệt buộc chúng phải lùi ra xa. Đến gần trưa, địch đã hình thành thế bao vây chặt đội hình chiến đấu của ta ở làng Hiền Lương. Bỗng có chuông điện thoại, đồng chí chiến sĩ thông tin gọi tôi đến nghe máy:

- Địch đã bao vây làng Hiền Lương. Trung đoàn giao cho Đại đội Trinh sát nắm chắc địch, tìm đường đảm bảo cho trung đoàn bộ và các đơn vị bí mật rút ra ngoài vòng vây của chúng càng sớm càng tốt - Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào chỉ thị cho tôi.

- Rõ, chúng tôi thực hiện ngay - Tôi nhận lệnh rồi đặt ống nghe xuống.

Ngay lúc đó, Ban Chỉ huy Đại đội Trinh sát đã hội ý để triển khai nhanh nhiệm vụ. Chúng tôi biết, Hiền Lương là một làng nhỏ dài hơn 2 ki-lô-mét, rộng khoảng 400 đến 500 mét. Diện tích khu vực chưa đầy 1 ki-lô-mét vuông, là địa điểm thật khó cho việc đối đầu của ta với một lực lượng đông gấp bội của địch. Phía tây làng Hiền Lương khoảng 3 ki-lô-mét là Đường 1. Phía nam khoảng chừng 1 ki-lô-mét giáp đường ô tô từ An Lỗ đi thị trấn Sịa. Nơi này địch dễ bề cơ động bằng xe cơ giới, xe bọc thép. Phía đông nam làng giáp đồn Nam Dương, có một đại đội bảo an chốt giữ. Cách đồn địch không xa là xóm Chùa địch đã chiếm đóng. Giữa xóm Chùa và làng Nam Dương là cánh đồng dài và rộng gần 1 ki-lô-mét, nằm trong tầm ngắm của hỏa lực bắn thẳng của địch.

Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn Trần Xuân Nghiễm cùng ba cán bộ đại đội chúng tôi chụm đầu bàn soạn kế sách tìm đường rút lui. Chúng tôi khái quát địa hình và thấy rõ hướng đông, hướng tây là bất khả kháng, chỉ còn hướng nam, hướng đông bắc là còn hy vọng. Rút lui ở hướng nam ta phải luồn qua đoạn giữa đồn Cầu Kẽm và các chốt của địch trên đường Cầu Kẽm đi Sịa. Nếu tới được bờ sông Bồ thì đó là vùng hoạt động của Tiểu đoàn 3 của ta. Rút lui ở hướng đông bắc ta phải bí mật luồn qua cánh đồng lúa giữa xóm Chùa với làng Nam Dương.

Lực lượng của ta vẫn đánh trả các đợt tiến công, kìm chân địch để chờ thời cơ phá vây. Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã tung hết lực lượng trinh sát để nắm địch và tìm đường cho đơn vị bí mật thoát ra ngoài vòng vây. Chúng tôi nhận thấy hướng nam địch chốt chặt dày đặc, không thể qua nổi. Hướng đông bắc, là cánh đồng lúa hẹp nằm trong tầm hỏa lực bắn thẳng của địch ở xóm Chùa và đồn Nam Dương nên vô cùng nguy hiểm.

Lực lượng ta trong vòng vây địch gồm Sở Chỉ huy Trung đoàn, 5 đại đội trực thuộc và toàn bộ Tiểu đoàn 2 tổng cộng vào khoảng trên 700 người. Bộ đội ta đông nên không thể mạo hiểm rút ra ngoài theo các hướng đã chọn. Kế hoạch bí mật rút lui trong đêm không thành.

Cũng trong đêm ấy, Ban Tham mưu Trung đoàn cùng Đại đội trưởng Trinh sát tính toán, lên kế hoạch báo cáo với Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào và Chính ủy trung đoàn Nguyễn Đàm. Chúng ta chỉ còn một phương án khả thi duy nhất để thoát khỏi vòng vây quân địch là sử dụng sức mạnh tiến công mở đường về hướng bắc-đông bắc. Ta phải đánh chiếm bằng được vị trí xóm Chùa, nơi địch đang chiếm giữ. Đó là cửa mở, là con đường rút lui tốt nhất và duy nhất có thể của quân ta ra khỏi làng Hiền Lương.

Phương án lập tức được chấp nhận. Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào ra lệnh cho Tiểu đoàn 1 về giải vây. Nhận được lệnh, ngay trong đêm đồng chí Võ Chót, Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn từ làng Cổ Tháp, Thụy Lập, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Điền cơ động về chiếm gọn hai làng Sơn Tùng và Gia Viên. Trên thực tế, Tiểu đoàn 1 đã tạo thế thuận lợi cho nhiệm vụ giải vây ở làng Hiền Lương.

Bước sang ngày thứ 2, kẻ địch vẫn hình thành thế vây hãm và ngày càng xiết chặt thế bao vây cô lập bộ đội ta. Chúng ném bom, dội đạn pháo yểm trợ cho lực lượng mặt đất. Đồng thời, bộ binh của chúng chia thành nhiều mũi nhỏ tiến công ta từ nhiều hướng để thăm dò.

Khi bị quân ta đánh chặn, chúng lại lùi ra, gọi máy bay, pháo binh đánh phá dữ dội vào làng Hiền Lương. Buổi sáng hôm ấy, Tiểu đoàn 2 của đồng chí Nguyễn Văn Đức ở vòng trong, Tiểu đoàn 1 của đồng chí Võ Chót ở vòng ngoài cùng lúc đánh chiếm xóm Chùa, mở đường cho đơn vị thoát vây, nhưng cả hai hướng đều không có tiến triển.

Gần trưa Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn, anh Trần Xuân Nghiễm xuống Đại đội Trinh sát nắm tình hình. Anh cùng tôi và mấy chiến sĩ ăn cơm nắm tại chiến hào. Ăn xong anh nói với tôi:

- Tình hình nguy gấp lắm rồi. Anh em bộ đội đã bị thương và hy sinh tới mấy chục người. Trong đêm hôm nay, bằng bất cứ giá nào ta cũng phải phá vây thoát ra ngoài. Sau đó anh Nghiễm vội đi sang đơn vị khác.

Khoảng 13 giờ, Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào gọi tôi lên Sở Chỉ huy nhận nhiệm vụ. Tôi thấy nét mặt ông có vẻ gì đó thật nghiêm trọng. Giọng nói ông trầm xuống, kìm nén sự xúc động:

- Đồng chí Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn Trần Xuân Nghiễm của chúng ta vừa trúng đạn pháo địch, anh đã hy sinh rồi.

Sau khi nghe Trung đoàn trưởng thông báo, tim tôi bỗng nhói đau. Trán tôi lấm tấm mồ hôi. Nước mắt tôi ứa ra. Anh Nghiễm là người chỉ huy trinh sát dạn dày kinh nghiệm, xông xáo mọi điểm nóng trên chiến trường. Anh thật sự là người anh thân thiết của đại đội và của cá nhân tôi. Thật đau xót! Hai anh em vừa bẻ đôi nắm cơm ăn với nhau chưa đầy vài giờ. Bi đông nước tôi chưa kịp đưa mời anh uống. Thế mà... Tôi lặng người đi!

- Kể từ hôm nay, đồng chí phải thực hiện thêm cả nhiệm vụ của đồng chí Trần Xuân Nghiễm để lại. Sáng nay, chúng ta đã tổ chức nhiều đợt tiến công kẻ địch ở xóm Chùa nhưng chưa chiếm được mục tiêu- Trung đoàn trưởng tiếp tục nói. Trung đoàn giao cho Đại đội Trinh sát nhiệm vụ cùng các đơn vị đánh chiếm xóm Chùa bằng mọi giá, bằng mọi cách trong buổi chiều hoặc chậm nhất là tối nay. Có như vậy, các đơn vị của trung đoàn mới thoát vây được. Nếu không thì hậu quả cũng không thể lường hết được - Trung đoàn trưởng nhấn mạnh.

Hôm ấy, sau khi nhận nhiệm vụ, tôi vô cùng lo lắng, băn khoăn vì nhiệm vụ thật khó khăn, nặng nề, quá sức tôi và Đại đội Trinh sát. Nhưng chúng tôi phải hoàn thành, không còn cách nào khác. Về đến đơn vị, tôi quán triệt nhiệm vụ, thống nhất ý kiến với Ban Chỉ huy Đại đội rồi lập tức lên đường. Đi cùng tôi là một số anh em trinh sát do Trung đội trưởng Vi Văn Mới chỉ huy. Anh Mới người dân tộc Mường ở miền tây tỉnh Thanh Hóa, sống mộc mạc, giản dị nhưng giàu nghị lực, dạn dày bom đạn.

Chúng tôi thận trọng đi về hướng xóm Chùa để quan sát địch ở cự ly gần vài trăm mét. Giữa làng Hiền Lương và xóm Chùa được ngăn cách bởi một con mương rộng khoảng 20 mét có cây cầu xây bằng gạch rộng chừng 3 mét bắc ngang qua. Tiếp cận bờ mương, trinh sát chúng tôi nắm được: Dưới mương nước bèo tây ken dày đặc. Đây chính là chướng ngại vật lớn nhất khi ta đánh chiếm xóm Chùa.

Cả buổi sáng bộ binh ta nhiều lần đánh chiếm xóm Chùa không thành công, vì bị con mương dày đặc bèo tây và cây cầu này cản trở. Mương nước và cây cầu vô tình làm lá chắn phòng thủ cho địch khi bị tiến công.

Bên bờ nam, cách cầu chừng gần 100 mét, lực lượng Tiểu đoàn 2 của ta vẫn chiếm giữ. Bên bờ bắc cây cầu địch đang chiếm có hai khẩu đại liên bố trí cách cầu 15 mét, chếch về phía tay phải. Nếu chúng ta liều lĩnh đánh qua cầu là hứng trọn đạn hỏa lực hai khẩu đại liên của địch. Chúng tôi phải có một cách nào đó? ... Trong đầu tôi chợt lóe lên phương án đánh chiếm cây cầu này... Khi nhóm trinh sát lùi về vị trí ẩn nấp, tôi và Trung đội trưởng Vi Văn Mới trao đổi với nhau:

Chiếm được cầu xóm Chùa, thì việc đánh chiếm xóm Chùa của ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi và Mới thống nhất với nhau đánh chiếm cầu xóm Chùa bằng cách đánh của đặc công.

Phương án chiến đấu cụ thể là: chờ tối đến, trinh sát chúng tôi sẽ lợi dụng đêm tối, bí mật tiếp cận qua các loại địa hình, áp sát địch rồi bất ngờ nhét thủ pháo vào hầm trú ẩn và tung thủ pháo vào các ụ súng, công sự trận địa của kẻ địch. Sau đó trinh sát sử dụng AK bắn găm, bắn gần tiêu diệt những tên địch còn sống sót. Nếu chiếm được bờ bắc cầu xóm Chùa, là chúng tôi đã mở được cửa cho lực lượng Tiểu đoàn 2 từ hướng nam cùng Tiểu đoàn 1 từ hướng bắc đánh chiếm xóm Chùa ngay sau đó. Thực hiện được kế hoạch này, chắc chắn chúng ta sẽ mở đường thoát vây cho bộ đội ta ngay trong đêm 12-5-1968.

Hôm ấy, tôi báo cáo phương án đánh chiếm xóm Chùa của nhóm trinh sát vào lúc 16 giờ. Phương án này đã được Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào cân nhắc kỹ và thông qua. Ông nhìn vào mắt tôi và nhắc nhở:

- Chú ý hợp đồng chặt chẽ với lực lượng Tiểu đoàn hai của ta. Nên nhớ bí mật tiếp cận được kẻ địch sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của trận đánh này.

Tôi cảm ơn Trung đoàn trưởng rồi về ngay đại đội để tổ chức trận đánh quan trọng, phá vòng vây của địch vừa được thông qua. Chúng tôi bố trí một tổ trinh sát đặt đài quan sát ở phía bắc làng Hiền Lương để theo dõi nắm chắc diễn biến quân địch đóng ở xóm Chùa. Đặc biệt là theo dõi tình hình quân địch ở cầu xóm Chùa. Vấn đề tiếp theo là việc phối hợp chiến đấu với Tiểu đoàn 2 ở phía nam cầu xóm Chùa. Làm sao bộ binh và trinh sát không nhầm lẫn bắn vào nhau khi xung trận. Chúng tôi đã thống nhất hợp đồng với Tiểu đoàn 2 ba ý vô cùng quan trọng:

- Kí hiệu nhận nhau: Tay trái xắn áo lên quá khửu tay.

- Ám hiệu khi gặp nhau: Vỗ nhẹ vào báng súng 2 cái, đáp lại là vỗ nhẹ vào báng súng 1 cái.

- Trinh sát chúng tôi dùng lối đánh đặc công tiêu diệt chốt địch ở cầu xóm Chùa. Khi thủ pháo nổ, bộ binh ta vượt cầu ngay để chiếm các vị trí nhưng chỉ được nổ súng khi đã bắt liên lạc được với trinh sát ở đầu cầu xóm Chùa bên kia bờ mương.

Mờ tối hôm ấy, nhóm trinh sát do Trung đội trưởng Vi Văn Mới chỉ huy bí mật tiếp cận bờ mương xóm Chùa ở phía cánh đồng Nam Dương. Lúc bấy giờ, trời nóng nực, không gian yên tĩnh, có lẽ địch đang ăn cơm. Anh em trinh sát nhẹ nhàng bí mật vượt qua mương nước cách cầu xóm Chùa 200 mét về phía đông, vào lúc trời tối hẳn.

Sau đó, Phân đội trinh sát tiếp tục sử dụng các động tác kỹ thuật tiếp cận địch. Khoảng 23 giờ, trinh sát ta đã bí mật áp sát vị trí địch đóng chốt bảo vệ cầu xóm Chùa. Bọn địch vẫn không hay biết gì. Chúng không thể ngờ được sự táo bạo, áp sát của ta vào lúc đó. Thời cơ thuận lợi xuất hiện. Vi Văn Mới ra lệnh đồng loạt tung thủ pháo vào vị trí chốt của quân địch. Thủ pháo dồn dập bất ngờ nổ vang dậy một vùng.

Bọn địch ở cầu xóm Chùa hoảng loạn. Chúng không kịp trở tay. Trong khói bụi mịt mùng, anh em trinh sát thừa cơ xông lên quét AK diệt nốt những tên địch còn sống sót lóp ngóp bò dậy chưa rõ chuyện gì xảy ra. Sau ít phút, trinh sát liên lạc được với bộ binh Tiểu đoàn 2 vượt qua cầu xóm Chùa rồi đánh thẳng vào trung tâm xóm. Từ hướng bắc, cánh quân Tiểu đoàn 1 từ làng Sơn Tùng cũng nổ súng phối hợp đánh vào xóm Chùa theo đúng kế hoạch hợp đồng chiến đấu đã đặt ra.

Bị đánh bất ngờ trên nhiều hướng, bọn địch trụ bám xóm Chùa bỏ chạy. Ta nhanh chóng chiếm xóm Chùa. Vòng vây kẻ địch đã mở. Ngay trong đêm, Sở Chỉ huy Trung đoàn, các đại đội trực thuộc và Tiểu đoàn 2 vượt vòng vây qua cửa mở xóm Chùa và qua cánh đồng Nam Dương để tới xã Quảng Hưng, huyện Quảng Điền an toàn.

Sáng hôm sau địch ném bom, bắn pháo ác liệt mang tính hủy diệt rồi thúc quân tiến sâu vào làng Hiền Lương, xóm Chùa. Nơi ấy chỉ còn là những trận địa trống không... Sau trận phá vây ở làng Hiền Lương thành công, Trung đội trưởng Vi Văn Mới được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Tôi nghĩ chiến công của Mới rất lớn. Không biết cấp trên xét khen thưởng cho anh ở mức nào mới thật sự xứng đáng.

10

Sau đêm phá vây ở làng Hiền Lương, các đơn vị của Trung đoàn 1 chúng tôi cơ động liên tục hầu khắp các làng xã thuộc 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền, đã làm cho kẻ địch không thể xác định được mục tiêu để thực hiện chiến thuật "bủa lưới phóng lao". Quân địch còn bị hỏa lực ta liên tục tập kích vào các vị trí đóng quân của chúng.

Đêm 18-5-1968, hầu hết lực lượng của Trung đoàn 1 hành quân về xã Quảng Thái huyện Quảng điền tỉnh Thừa Thiên. Trung đoàn Bộ và Tiểu đoàn 1 về đứng chân ở làng Đông Cao. Tiểu đoàn 2 đóng quân ở làng Đông Hồ. Tiểu đoàn 3 trụ lại ở Tây Hoàng. Ba làng này đều thuộc xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Địa hình khu vực này rộng, địch rất khó bao vây lực lượng ta. Suốt đêm các đơn vị xây dựng phương án chiến đấu rồi xây dựng công sự trận địa, củng cố hầm hào trú ẩn.

Mờ sáng 19-5-1968, pháo địch từ ba bề bốn bên đã đánh phá rất ác liệt vào các vị trí trú quân của ta. Khoảng 8 giờ, pháo binh địch đồng loạt trút đạn xuống nhiều nơi để dọn bãi đổ bộ ở trước trận địa phòng ngự của ta. Được máy bay trực thăng chiến đấu yểm trợ, lực lượng Sư đoàn Kị binh bay số 1 Mỹ ồ ạt đổ quân xuống khu vực cánh đồng phía bắc, tây bắc làng Đông Cao và làng Tây Hoàng. Trên cánh đồng xuất hiện nhiều tốp xe bọc thép M113 của địch. Khoảng 10 giờ, địch sử dụng xe bọc thép yểm trợ cho bộ binh Mỹ đánh vào làng Tây Hoàng. Các mũi tiến công của chúng bị Tiểu đoàn 3 chặn đánh quyết liệt. Chúng lại dùng pháo binh, máy bay đánh phá rất ác liệt vào trận địa của ta. Để đề phòng thiếu đạn chống tăng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Lê Minh Chánh cử đồng chí Bùi Đức Hiệp từ Tây Hoàng sang Đông Cao xin "vay đạn" chống tăng B40, B41 của Đại đội Trinh sát.

Đông chí Bùi Đức Hiệp ( bên phải ) chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả tại Huế năm 2015.

Đúng lúc ấy, kẻ địch đang dọn bãi chuẩn bị đổ quân xuống trước trận địa của đại đội chúng tôi. Lúc bấy giờ Đại đội Trinh sát còn quá ít đạn chống tăng, tôi nghĩ, không hỗ trợ đạn cho đơn vị bạn lúc này là không được.. Nên tôi đã quyết định điều cho đồng chí Bùi Đức Hiệp 3 quả B-40 và 2 quả đạn B-41.

Đồng chí Bùi Đức Hiệp vừa vác đạn B40, B41 rời khỏi trận địa Đại đội Trinh sát thì trực thăng Mỹ rầm rộ đổ quân xuống khu vực chúng vừa dọn bãi. Cùng lúc ấy chúng còn đổ quân xuống các vị trí phía bắc, phía đông hình thành 3 mũi đánh vào làng Đông Cao, nơi đứng chân của Trung đoàn Bộ, Tiểu đoàn 1 và các đại đội trực thuộc của ta.

Trận địa phòng ngự của Đại đội Trinh sát mịt mù khói bom, đạn. Một đại đội bộ binh Mỹ xông vào làng Đông Cao bị trinh sát ta đánh bật ra, hàng chục tên Mỹ phải bỏ xác... Lôi được xác lính Mỹ chết và bị thương ra khỏi trận địa, bọn Mỹ lại dập pháo, dội bom. Suốt ngày, trận địa không ngớt tiếng súng.

Hôm ấy, địch tiến công nhiều đợt vào đội hình Trung đoàn, nhưng chúng đều bị đẩy lùi. Các đơn vị của ta hiệp đồng tác chiến linh hoạt nên các thủ đoạn của địch đều bị quân ta chặn đứng. Do đó, dù đông quân, nhiều bom đạn, có thiết giáp, trực thăng, pháo binh yểm trợ rất mạnh, nhưng Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ vẫn không thể bao vây được các lực lượng của trung đoàn 1.

Bất lực, quân địch chỉ còn có một bài quen thuộc là dùng bom, dùng hỏa lực pháo binh cùng trực thăng vũ trang đánh phá để tiêu hao lực lượng ta. Để đối phó lại, các đơn vị của Trung đoàn 1 đều có cách phòng tránh, di chuyển rất linh hoạt, bố trí phân tán, vì vậy đã bảo toàn được lực lượng.

Tối 19-5-1968, Tiểu đoàn 2 về dừng chân ở xã Phong Nhiêu. Lực lượng còn lại của trung đoàn chuyển quân về hai xã Phong Chương và Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đây là nơi dừng chân để lực lượng ta chuẩn bị rút quân lên vùng núi phía tây theo lệnh của cấp trên. Ngay trong đêm, các đơn vị đều đã triển khai đội hình theo phương án chiến đấu. Sau đó đào hầm, hào, củng cố trận địa vững chắc đón đánh địch. Đêm 20 tháng 5 trinh sát ta cùng du kích địa phương huyện Phong Điền cố tìm đường đưa Trung đoàn vượt Đường 1 lên miền tây nhưng không thành.

Chiều 21- 5-1968, địch sử dụng 16 trận địa pháo binh trong vùng và nhiều tốp máy bay ném bom đánh phá khốc liệt hàng giờ liền vào các làng, xóm của hai xã Phong Chương, Phong Bình huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Chúng đánh phá mang tính chất hủy diệt nơi đóng quân của ta. Nhưng lực lượng của Trung đoàn bố trí trên một phạm vi rộng, bố trí phân tán trong các hầm hào, công sự vững chắc nên thương vong không đáng kể.

Trong đêm hôm đó, trinh sát cùng du kích địa phương đi trước tìm đường, rồi trở lại dẫn lực lượng của các đơn vị trung đoàn bí mật, bất ngờ vượt qua đường 1 để hành quân về vùng rừng núi miền tây tỉnh Thừa Thiên. Riêng Tiểu đoàn 2, từ xã Phong Nhiêu bí mật vượt đường 1 rồi qua các xã Phong An, Phong Sơn theo đường dốc Ồ lên miền tây hợp quân với trung đoàn.

Ngày 24-5-1968, toàn bộ lực lượng Trung đoàn 1 đã về triển khai ở vùng Động Chuối, Khe Mễ tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên an toàn. Như vậy là hơn 100 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chịu đựng gian khổ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 (từ 31-1 đến 21- 5- 1968) ở đồng bằng Trị - Thiên của Trung đoàn 1 đã kết thúc. Với tài chỉ huy chiến đấu thao lược và ý chí kiên cường của Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào cùng Chính ủy Nguyễn Đàm - hai điểm tựa tinh thần vững chắc cho tất cả cán bộ và chiến sĩ, Trung đoàn 1 đã vượt qua mọi khó khăn, ác liệt để tồn tại và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch được giao.

Sau khi ổn định vị trí đóng quân, Quân khu Trị Thiên giao nhiệm vụ cho Trung đoàn tru lại vùng giáp ranh tây huyện Phong Điền tiếp tục đánh địch, hỗ trợ cho đồng bằng Thừa Thiên và giữ địa bàn để đón thương binh ta từ đồng bằng lên miền tây điều trị. Một thời kì gian khó ác liệt tiếp theo nữa laị đến với Trung đoàn 1 ...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top