Chương 3 - CHIẾN ĐẤU Ở ĐƯỜNG 9 BẮC TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 1966 - 1967

1

Đầu tháng 3 năm 1966, Trung đội 2 thuộc Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 do Chuẩn uý Ngô Xuân Hạp chỉ huy được giao nhiệm vụ: Vượt sang bờ nam sông Bến Hải; luồn sâu vào vùng địch ở phía tây huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu địa hình, điều tra địch, phục vụ đoàn cán bộ của trung đoàn vào nghiên cứu địch, địa hình, chuẩn bị phương án chiến đấu dọc Đường 9 từ ki lô mét 20 đến ki lô mét 41. Vì đây là nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường đặc biệt và rất khó khăn, nên Đại đội trưởng Hà Quang Minh trực tiếp đi cùng để chỉ đạo.

Sau khi quán triệt nhiệm vụ, chúng tôi bí mật luồn rừng, trèo núi, vượt sông liên tục năm ngày đêm mới đặt chân tới khu vực Khe Bông (tây bắc cứ điểm Cà Lu ở ki-lô-mét 41 Đường 9). Sau khi ổn định vị trí đứng chân, Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp đã triển khai toàn bộ lực lượng đi nghiên cứu địch và địa hình theo nhiệm vụ được giao.

Trung đội Trinh sát có 15 ngày chuẩn bị, sau đó đón đoàn cán bộ của trung đoàn vào chuẩn bị chiến trường, xây dựng phương án chiến đấu. Trước khi vượt sông Bến Hải, chúng tôi được cấp trên cho biết: Cách đây chưa đầy một tháng một đoàn cán bộ của trung đoàn đi chuẩn bị chiến trường ở khu vực Khe Sanh. Trong chuyến đi ấy, đồng chí Trần Cảm - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 bị thương do bị địch phục kích.

Mọi người đều biết, để cán bộ thương vong trong quá trình chuẩn bị chiến trường là trách nhiệm thuộc về trinh sát. Vì vậy, Trung đội trưởng đã xác định, đợt công tác này mọi người phải rất thận trọng, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối cho đoàn cán bộ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, trong quá trình nghiên cứu địch và địa hình, các tổ trinh sát xóa hết dấu vết, mọi thứ thải ra và những thứ không dùng nữa đều được chôn giấu kín đáo. Chúng tôi còn tìm mọi cách nghi binh đánh lạc hướng quân địch. Sau hơn hai tuần nghiên cứu địch, địa hình hai bên Đường 9 phía tây huyện Cam Lộ, Trinh sát đã đón được đoàn cán bộ hơn 30 đồng chí ở Khe Bông, do Trung đoàn trưởng Từ Duyệt chỉ huy từ Khe Sanh sang..

Sau khi bố trí nơi ăn, ở cho đoàn cán bộ, Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp đã giao nhiệm vụ cho các tổ trinh sát đưa cán bộ các cấp của trung đoàn đi thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường ở phía tây huyện Cam Lộ, từ Ki lô mét 20 đến Ki lô mét 41. Sau đó nghiên cứu tiếp địa hình khu vực Cù Đinh, Ba De, cao điểm 300 đất, 300 đá; đặc biệt là cứ điểm Cà Lu trên Đường 9 do quân đội Sài Gòn đang chiếm giữ.

Sau 10 ngày làm việc rất vất vả tại thực địa, đoàn cán bộ đã nghiên cứu địch, địa hình, dự kiến phương án chiến đấu theo đúng yêu cầu và kế hoạch đề ra. Đoàn hoàn thành nhiệm vụ, vượt sông Bến Hải về bờ Bắc an toàn. Đại đội trưởng Hà Quang Minh do sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng nên đã đi cùng đoàn cán bộ trung đoàn ra miền Bắc an dưỡng.

Trung đoàn trưởng Từ Duyệt giao nhiệm vụ cho Trung đội Trinh sát ở lại địa bàn phía tây Cam Lộ tiếp tục nắm địch, điều tra cứ điểm Cà Lu và các khu vực lân cận trên đường 9. Đại đội Vận tải Trung đoàn có nhiệm vụ đảm bảo lương thực thực phẩm, phương tiện chiến đấu và vận chuyển thương, bệnh binh cho Trung đội Trinh sát trong mọi tình huống.

Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp nhận thấy vị trí đóng quân của đơn vị ở Khe Bông tuy có thuận lợi về bố phòng và bí mật nhưng lại quá xa Đường 9 và cứ điểm Cà Lu. Trong khi đó, mục tiêu chính của lực lượng trinh sát là điều tra cứ điểm Cà Lu cho nên anh Hạp đã quyết định chuyển trung đội tới đóng quân ở Khe Cạn (phía đông nam cao điểm 490, cách Cà Lu chừng ba ki-lô-mét). Vị trí này vừa gần cứ điểm Cà Lu vừa cơ động ra Đường 9 nhanh hơn. Sau khi về nơi đóng quân mới, bộ đội nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, rồi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo cấp trên cho biết, cứ điểm Cà Lu do một tiểu đoàn quân đội Sài Gòn đóng giữ. Bọn chúng được trang bị hoả lực mạnh, hậu cần tốt và có sự chi viện, tiếp ứng từ các cứ điểm của quân Mỹ ở khu vực Cam Lộ- Khe Sanh. Sở chỉ huy tiểu đoàn địch cùng một đại đội bộ binh bố trí ở phía bắc Đường 9 trên một khu vực đồi cao, có thể khống chế một vùng rộng lớn dọc theo hai bên Đường 9. Ở nam Đường 9 cũng có một đại đội địch đóng giữ. Ngoài ra địch còn luân phiên tổ chức một đại đội cơ động sục sạo ở bên ngoài để bảo đảm an toàn cho cứ điểm Cà Lu.

Tiểu đội 2 của tôi được giao nhiệm vụ điều tra hướng tây cứ điểm Cà Lu. Địa hình hướng này rất thuận lợi. Ban ngày, trinh sát ta có thể lợi dụng những bụi sim, bụi mua rậm rạp, dễ dàng tiếp cận cách hàng rào của địch chừng 300 mét để đặt đài quan sát, nắm chắc mọi hoạt động của địch. Nhờ đài quan sát, chúng tôi đã chụp ảnh và vẽ được sơ đồ cứ điểm Cà Lu tương đối chính xác. Đặc biệt từ vị trí quan sát, trinh sát nắm rất chắc địch cho nên ban đêm, đã bí mật tiếp cận điều tra địch bên trong cứ điểm rất thuận lợi và an toàn.

Chỉ sau ba đêm điều tra, chúng tôi đã luồn qua năm lớp rào kẽm gai. Sau đó bí mật vào sâu trung tâm cứ điểm, xác định được vị trí sở chỉ huy tiểu đoàn, nơi bố trí trận địa cối 106,7 ly và đo được độ dầy bao cát của một số ụ súng và công sự của địch. Trên các hướng, Tiểu đội 1 và 3 cũng đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Khoảng hơn 1 tuần điều tra, trinh sát đã nắm chắc quân số, hoả lực, bố trí lực lượng của địch và đã vẽ được sơ đồ bố phòng chi tiết cứ điểm Cà Lu. Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp cử một tổ chuyển sơ đồ cứ điểm Cà Lu về báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trung đoàn trưởng ở bờ Bắc sông Bến Hải.

Nhận được báo cáo, Trung đoàn trưởng đã chỉ thị cho chúng tôi tìm mọi cách tổ chức bắt bằng được tù binh địch để khai thác thêm thông tin về địch. Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp giao nhiệm vụ bắt tù binh ở cứ điểm Cà Lu cho Tiểu đội 2 của tôi. Tiểu đội 1 cũng được giao nhiệm vụ tổ chức phục kích bắt bọn địch đi lẻ trên Đường 9. Tiểu đội 3 là lực lượng dự bị.

Sau mấy ngày theo dõi địch, tôi bàn với Tiểu đội phó Doãn Mạnh Hồng, người bạn đồng hương huyện Giao Thuỷ. Hai chúng tôi đã thống nhất chọn mục tiêu, chụp bắt tên lính gác câu lạc bộ sĩ quan của địch ở nam Đường 9. Vì trinh sát ta theo dõi thấy rất rõ, nơi này địch sơ hở nhất.

Ngày hôm sau, tôi và Doãn Mạnh Hồng dẫn một tổ trinh sát bí mật luồn rừng, vòng qua điểm đóng quân của địch rồi vượt sang nam đường 9, nơi có câu lạc bộ sĩ quan địch. Ban ngày, chúng tôi quan sát và nhận thấy rất rõ tên lính gác. Tối đến trinh sát tiếp cận, áp sát mục tiêu, nhưng bốt gác của chúng vắng teo. Không tìm được tên lính gác câu lạc bộ sĩ quan của địch, chúng tôi đành phải rút ra.

Lần thứ hai, vào buổi tối hôm sau, trinh sát lại tiếp cận, áp sát bốt gác của địch, nhưng kết quả cũng như đêm hôm trước. Lần thứ ba, tối hôm sau nữa, tình hình vẫn vậy, không có gì sáng sủa hơn. Quá tam ba bận chưa có kết quả, chúng tôi quyết định phải đột nhập vào sâu hơn nữa để bắt bằng được tù binh. Đêm thứ tư, trinh sát đột nhập câu lạc bộ sĩ quan của địch trong lúc đèn điện sáng choang. Tuy vậy, vùng đồi này có nhiều cây cối che khuất, nó tạo ra những khoảng tối có thể lợi dụng bí mật tiếp cận mục tiêu.

Mười giờ đêm, câu lạc bộ sĩ quan của địch vẫn vắng lặng. Tôi và Hồng bàn nhau đột nhập vào bên trong phòng khiêu vũ của địch. Các đồng chí trinh sát còn lại tìm địa hình có lợi để cảnh giới, sẵn sàng chi viện cho hai chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.

Trước khi tiếp cận vào bên trong phòng khiêu vũ của địch, hai chúng tôi phải lau chùi đôi chân (vừa luồn rừng) thật sạch sẽ, sao cho không để lại bất kỳ một dấu vết nhỏ nào. Lọt vào được bên trong phòng khiêu vũ của địch, tôi và Hồng nhìn thấy vỏ lon nước giải khát, vỏ đồ hộp, vỏ hoa quả vứt ngổn ngang. Bánh kẹo, gói to gói nhỏ bỏ lại rất nhiều, nhưng không thấy bóng dáng bất kỳ một tên sĩ quan, binh lính địch nào cả. Thế là tôi và Hồng đành phải quay ra.

Khi rút lui, Tiểu đội phó Doãn Mạnh Hồng đã thủ theo ít bánh kẹo. Tôi thấy không ổn nên đã nhắc nhở Hồng và cùng anh ấy quay lại để bánh kẹo vào chỗ cũ. Cho nên địch không thể phát hiện dấu vết trinh sát ta thâm nhập vào câu lạc bộ sĩ quan của chúng.

Tiểu đội 1 làm nhiệm vụ phục bắt tù binh trên đường 9 cũng không đạt kết quả. Mấy ngày sau chúng tôi nhận được điện của trung đoàn :

"Địch nắm được lực lượng ta xuất hiện ở tây huyện Cam Lộ. Do đó, chúng không dám đi tốp lẻ trên Đường 9 và câu lạc bộ sĩ quan của địch do một tư nhân thầu phục vụ không thường xuyên tổ chức, mà có tổ chức cũng chỉ chập tối, hàng ngày đến 20 giờ đã cấm trại lính. Vì vậy Phân đội Trinh sát tạm dừng bắt tù binh, tập trung lực lượng tiếp tục nghiên cứu địa hình, nắm địch ở vùng Động Toàn, Ba Hồ, Ba Tum nam Đường 9 và các nơi phụ cận". - Ký tên: Từ Duyệt

Sau khi nhận được điện của Trung đoàn trưởng, Trung đội Trinh sát đã chia thành từng bộ phận vượt sang nam Đường 9 nghiên cứu địa hình khu vực núi Ba Hồ, Ba Tum và điều tra địch ở cứ điểm Động Toàn.

Mùa hè về, muỗi nhiều vô kể. Lúc ngủ trong tăng võng còn đỡ, lúc đi làm nhiệm vụ, chúng tôi buộc phải để cho muỗi hoành hành. Nhiều chiến sĩ bị sốt rét nặng phải đưa ra miền Bắc điều trị. Hồi đầu tháng 3 năm 1966, Trung đội Trinh sát có 30 người, nhưng lực lượng mỗi ngày một vơi dần, chủ yếu là vì bệnh sốt rét. Đến giữa tháng 5, chúng tôi chỉ còn trụ lại ở chiến trường Đường 9 Bắc Quảng Trị vẻn vẹn 13 người. Không hiểu sao tôi lại vượt được những cơn sốt rét rừng quái ác của ngày ấy.

Biết lực lượng ta xuất hiện ở tây huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Từ tháng 5 năm 1966, quân đội Sài Gòn đưa lực lượng ra chốt chặn ở các cao điểm dọc Đường 9 và bờ nam sông Bến Hải. Mục đích của chúng là: Ngăn chặn lực lượng ta đột nhập qua sông Bến Hải và không cho ta vận chuyển vũ khí đạn dược, quân nhu, quân lương vào chiến trường miền Nam.

Đại đội Vận tải của Trung đoàn gặp khó khăn trong việc đảm bảo hậu cần cho bộ đội trinh sát. Nhiều ngày liền đơn vị tôi không nhận được tiếp tế. Gạo ít dần, rồi cạn hẳn. Theo lệnh của Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp, chúng tôi chia đều phần gạo ít ỏi cho từng bữa. Mỗi bữa mỗi người chỉ được nhận phần ăn một bát cháo loãng, chủ yếu là rau Môn Thục (một loại rau rừng có rất nhiều ở vùng rừng núi miền tây tỉnh Thừa Thiên). Đói lắm, đói mờ cả mắt. Sao lúc ấy thèm quá những bữa ăn rau cháo, cơm độn sung, độn củ ở quê nhà. Đói mà không được vào trong rừng để kiếm lấy cái ăn vì sợ không giữ được bí mật. Chúng tôi phải bằng mọi cách đảm bảo an toàn cho lực lượng trinh sát ít ỏi, mỏng manh trụ lại chiến trường.

Nhân dân địa phương cũng không giúp được bộ đội vì dân ở xa. Đồng bào lại nghèo, quá khó khăn thiếu thốn. Bữa ăn mỗi người chỉ 1 bát cháo loãng thôi nhưng bữa nào đáy nồi quân dụng cũng được bớt lại vài bát để đề phòng có đồng chí kiệt sức quá thì được bồi dưỡng thêm bát cháo đáy nồi còn lại ấy.

Lúc ấy tôi nghĩ thấy quý trọng sự sống và yêu thương đồng đội của mình quá chừng. Những con người không phải ruột thịt mà lại sống hết lòng vì nhau đến thế. Tình đồng đội, tình cảm người lính chung một chiến hào, thiêng liêng cao cả, đẹp đẽ và mạnh mẽ biết chừng nào. Tình đồng đội đã giúp chúng tôi vượt lên những cơn sốt rét rừng mệt lả, vượt lên cơn đói vật vã để sống trong vùng bom đạn địch trên Đường 9 - Bắc Quảng Trị ngày ấy.

Thời gian này, kẻ địch đổ nhiều toán biệt kích vào vùng rừng núi Đường 9 phía tây tỉnh Quảng Trị để dò la phát hiện mục tiêu, chỉ điểm cho máy bay, pháo binh đánh phá. Trung đội Trinh sát không được tiếp tế, chịu đói nhiều ngày. Sức khoẻ của tôi và Nguyễn Văn Cẩn còn khá hơn anh em, nên hai người đã xung phong đi đón gạo tiếp tế của trung đoàn ở rừng Khe Bông.

Hai ngày, hai lần đi đón gạo mà vẫn không nhận được, chúng tôi phải về tay không. Đói càng đói thêm, mệt càng thêm mệt. Đại đội Vận tải đã không vượt qua được các chốt chặn của địch và các trận ném bom ác liệt của máy bay Mỹ nên không thể đưa gạo tới rừng Khe Bông như đã hẹn.

Ngày thứ ba đi đón gạo. Đói quá rồi! Hai người chỉ mang nổi một khẩu AK với hai băng đạn buộc chéo nhau và mỗi người mang theo hai quả lựu đạn bên hông rồi lại lên đường. Thật may mắn, chúng tôi đến khu vực Khe Bông, tình cờ gặp tốp đồng bào người dân tộc Vân Kiều đi làm nương. Hai anh em "đánh liều" xin bà con gốc sắn. Thấy bộ đội "đằng mình", đồng bào vui vẻ cho ngay.

Tôi và Cẩn xúm tay nhổ một gốc sắn lên. Gốc sắn rất sai củ, củ nào cũng to dài và mập. Chúng tôi xin lửa bà con chất củi nướng sắn, sắn chín thơm phức. Tôi và Cẩn bàn nhau: Mỗi người ăn một ít gọi là để lót dạ chống đói, còn lại để dành cho anh em ở nhà mỗi người một khúc.

Cả hai chúng tôi luồn những khúc sắn nướng dành phần cho đồng đội vào bao đựng gạo, quấn quanh người rồi đến địa điểm đã định. Đợi mãi đến 15 giờ vẫn không thấy người mang gạo tới, tôi và Cẩn đều cho rằng: Bộ đội Vận tải trung đoàn chưa thể mang gạo tiếp tế đến được rừng Khe Bông. Mặt trời sắp xuống núi, hai chúng tôi buồn bã cùng nhau trở về vị trí đóng quân bằng con đường cũ.

Đi được nửa quãng đường, mặt trời đã khuất sau dẫy núi phía tây. Lúc đó khoảng gần 17 giờ, tôi bỗng nghe phía bên phải trong bụi rậm, cách chừng vài chục mét có tiếng động lạ, tiếng sột soạt rất khác thường. Tôi vẫy tay ra hiệu cho Cẩn lại gần và ghé vào tai thì thào: "Hình như có con thú rừng Cẩn ạ. Khẽ chứ không nó chạy mất. Cậu lùi ra xa một tí cho an toàn. Tớ liều bắn con thú này kiếm chút thịt rừng cứu đói cho anh em".

Hiểu ý tôi, Cẩn nhanh chóng lùi lại phía sau. Tôi nhẹ nhàng tiếp cận bụi lau, nơi mà tôi nghĩ con thú đang ở đó. Khẩu súng AK được mở khoá an toàn. Tay trái tôi cầm súng, tay phải khẽ vạch bụi lau. Ôi! Không phải thú rừng mà là toàn lính Mỹ. Chúng đang ngồi nghỉ, rất đông; lố nhố tới một trung đội ở cách tôi chừng 10 đến 15 mét. Tôi đoán, chắc địch đã phát hiện được tiếng động lạ, vì đã có tên xách súng đứng dậy, nhìn ngó.

Thoáng nghĩ, rút lui tránh bọn chúng bây giờ thì khó lòng mà thoát. Chỉ còn cách nổ súng mới có thể cứu được chính mình. Trong giây lát, tay trái tôi đưa súng lên, hướng nòng về bọn địch. Tay phải đưa ngón tay chỏ vào vòng cò, xiết chặt. Bọn lính Mỹ hứng trọn vẹn 1 băng đạn AK. Lăn vài vòng để đánh lạc hướng địch, tôi nằm ngay xuống cạnh lối mòn thay băng đạn khác, rồi móc hai quả lựu đạn ném liên tiếp vào bọn chúng. Tiếng nổ sau chụp lên tiếng nổ trước chát chúa, khói bụi bao trùm cả khu vực lùm cây.

"Vi xi, Vi xi", tiếng bọn Mỹ kêu la, vang cả khu rừng sau tiếng lựu đạn nổ. Sau vài phút, hoàn hồn trấn tĩnh lại, địch bắt đầu bắn trả về phía tôi. Một quả lựu đạn mỏ vịt rơi bịch xuống trước mặt. Nguy hiểm quá! Tôi nhanh tay chụp lấy quả lựu đạn ném trả lại phía bọn chúng. Quả lựu đạn rời tay tôi, trong nháy mắt đã phát nổ. Nó nổ ở trên cao ngay trên đầu bọn Mỹ.

Dứt tiếng lựu đạn nổ, lợi dụng địa hình với băng đạn còn lại, tôi bắn từng loạt ngắn. Mỗi lần bắn là một lần di chuyển đánh lạc hướng địch. Một quả lựu đạn của địch lại nổ phía sau tôi một quãng không xa. Mảnh lựu đạn cắt ngang đế dép cao su, chạm tới phần mềm gan bàn chân phải của tôi. Máu chảy ra đầm đìa.

May quá tôi chỉ bị thương nhẹ. Nhờ có chiếc đế dép lốp dầy đỡ mảnh đạn, nếu không thì bàn chân tôi không biết sẽ ra sao. Địch vẫn bắn rát về phía tôi. Kiểm tra, chỉ còn có 4 viên đạn AK, không thể thi gan với địch được, tôi lợi dụng các mô đất, cây rừng để tránh đạn. Không có cách nào liên lạc được với Cẩn, tôi tụt xuống lòng Khe Cạn rồi lặng lẽ cắt rừng tìm đường về đơn vị.

Pháo địch bắn dồn dập khắp cánh rừng. Máy bay Mỹ quần đảo gầm rú trên bầu trời rồi thi nhau thả bom xuống khu rừng Khe Bông. Ngừng tiếng pháo, tiếng bom dọn đường, một bầy máy bay trực thăng vũ trang của Mỹ vù vù kéo đến bắn rốc két, xả đạn đại liên xối xả xuống cánh rừng phía sau.

Chắc bọn biệt kích Mỹ ngỡ là vừa chạm trán với một đơn vị của đối phương nên đã yêu cầu pháo bầy, máy bay ném bom và trực thăng vũ trang đến ngăn chặn. Chúng không thể ngờ rằng, chỉ chạm trán đối đầu với một chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam.

Nhiều máy bay trực thăng của Mỹ hạ cánh xuống mỏm đồi sát gần nơi vừa giao chiến. Chắc bọn chúng bốc quân và thu gom bọn lính Mỹ thương vong. Cho đến tối muộn, dù pháo sáng trên máy bay Mỹ liên tiếp tung xuống khu vực điểm cao 490. Bầu trời tây huyện Cam Lộ sáng rực như sao sa. Hết đợt này tới đợt khác, hết pháo rồi lại đến lượt máy bay quần đảo trút bom.

Sau trận đụng độ, khoảng 20 giờ hôm ấy, tôi mới về tới đơn vị. Mừng quá vì đồng chí Cẩn đã về trước báo cáo tình hình với Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp. Và được biết, Anh Hạp đã dẫn một tổ trinh sát đến chi viện cho tôi. Các anh tới được gần nơi vừa giao tranh thì bọn biệt kích đang lên trực thăng rút về căn cứ. Các anh còn nhìn thấy chúng đưa 11 cáng thương đưa lên trực thăng. Không biết những tên lính Mỹ nằm trên cáng, băng trắng khắp thân thể, bị thương hay đã chết.

Thấy tôi trở về chỉ bị thương nhẹ ở bàn chân, anh em mừng lắm. Ăn sắn nướng xong, tôi báo cáo diễn biến trận đánh vừa diễn ra với Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp. Báo cáo xong, tôi đề xuất: "Ta nên lợi dụng ánh sáng soi đường của pháo sáng địch cho toàn đơn vị chuyển về Khe Bông, nơi đóng quân cũ để bảo toàn lực lượng". Cứ tưởng anh Ngô Xuân Hạp đồng tình với đề xuất chuyển vị trí đóng quân. Nào ngờ Trung đội trưởng sững lại, rồi nhìn thẳng vào tôi, nói giọng gay gắt:

- Mới có thế mà đã sợ rồi hay sao? Ý chí, tinh thần của đồng chí để đâu?

Tôi hoàn toàn bất ngờ với ý kiến vội vàng, có phần chụp mũ của Trung đội trưởng Hạp, nhưng tình hình lúc ấy không cho phép tôi tự ái. Tôi vẫn kiên trì nói tiếp:

- Sợ hay không sợ và ai sợ địch, xin anh để chúng ta nói chuyện ấy sau. Bây giờ theo tôi, ta phải tính toán kỹ những gì cần thiết, cần làm ngay. Ý tôi là phải tránh thương vong cho bộ đội. Tôi đề nghị Trung đội trưởng cân nhắc kỹ quyết định sớm, hành động nhanh, vì thời gian không còn nữa.

Về hầm trú ẩn nằm nghỉ, tôi cứ suy nghĩ miên man. Không hiểu sao, lúc ấy, lần lượt diễn biến trận đánh biệt kích Mỹ hồi chiều lại lướt qua trong đầu tôi... Làm sao mà mình lại dám chụp quả lựu đạn mỏ vịt trong giây lát để ném về phía bọn Mỹ nhỉ? Chẳng hiểu được? Nghĩ lại mà tôi thấy lạnh toát cả người!

Vết thương của tôi vẫn chảy máu, nhưng tôi bật dậy đi đến hầm của Tiểu đội trưởng, kiêm tổ trưởng Đảng Nguyễn Văn Hiệt trình bày ý kiến đề xuất của mình. Tôi kể lại chuyện bị Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp bác bỏ ý kiến đề xuất di chuyển vị trí đóng quân. Anh Hiệt lắng nghe rồi nhẹ nhàng động viên:

- Cậu cứ về hầm, yên trí nghỉ ngơi cho lại sức.

Sau đó, anh Hiệt đã triệu tập họp tổ Đảng của Trung đội Trinh sát gồm ba người: Anh Hiệt, anh Hạp và anh Viết- Tiểu đội phó. Tổ Đảng đã tiến hành họp, quán triệt tình hình, lường hết mọi khả năng và đi đến biểu quyết việc chuyển quân gấp trong đêm. Kết quả có hai ý kiến đồng ý. Riêng đồng chí Hạp, Trung đội trưởng vẫn bảo lưu ý kiến để đơn vị ở lại. Tuy nhiên, theo đa số, tổ Đảng đã quyết nghị: "Phải khẩn trương di chuyển vị trí đóng quân về Khe Bông". Theo nguyên tắc, đồng chí Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp đã chấp hành nghiêm chỉnh.

Trong đêm đó, lợi dụng ánh đèn pháo sáng của địch, chúng tôi đã hành quân về vị trí cũ ở Khe Bông, xa Đường 9 hơn, bí mật, an toàn hơn. Lúc đó, trời đã bắt đầu ửng sáng. Đến khoảng 9 giờ, nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ thi nhau trút bom xuống san phẳng vị trí đóng quân ở khu vực Khe Cạn, nơi mà trinh sát ta vừa rút đi chưa đầy nửa ngày. Khu vực ấy, đất bị cày xới, cây cối cháy trụi, hầm trú ẩn cũng bị san phẳng... Nếu chúng tôi chần chừ không di chuyển thì chắc chắn đã phải trả giá đắt.

Chiều hôm ấy, Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp báo cáo tình hình về trung đoàn và đề nghị xin tiếp tế gạo, thực phẩm gấp. Nếu không được tiếp tế, bộ đội đói lả, dẫn đến kiệt sức, sẽ rất nguy hiểm. Thời điểm này, địch vẫn ngăn chặn ở nam sông Bến Hải, bộ đội vận tải trung đoàn không thể luồn sâu tới khu vực hoạt động của trinh sát được. Ngay từ khi ta đấu súng với trung đội biệt kích Mỹ, tiếp đó là máy bay Mỹ ném bom dữ dội, đồng bào trong khu vực nghĩ là sắp có đánh nhau to nên đã rủ nhau đi sơ tán, tránh xa tên bay đạn lạc. Làng buôn bây giờ chỉ còn vườn không nhà trống. Không có cách nào gặp được dân để xin vay lương thực. Nương sắn, nương ngô của dân dù chưa đến mùa thu hoạch, nhưng cũng có thể lấy ăn tạm được. Nhưng kỷ luật quân đội không cho phép đụng chạm tới cái kim sợi chỉ của dân.

Chúng tôi đói quá rồi. Khẩu phần cháo loãng cầm hơi cũng ngày một vơi đi. Tình hình thật đáng lo ngại. Trong lúc sức cùng lực kiệt, anh chiến sĩ thông tin của trung đội nhận được bức điện khẩn của trung đoàn từ bờ Bắc sông Bến Hải:

"Cho phép Trung đội Trinh sát lấy sắn của dân để chống đói. Khi dân về cần nói rõ lí do với dân ngay. Ít ngày nữa đường thông vận tải vào, Trung đoàn sẽ thanh toán với dân bằng muối". - Ký tên: Nguyễn Đàm

Nhận được điện của Chính ủy trung đoàn, tất cả anh em trong trung đội vui mừng không tả được. Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp đích thân dẫn một tổ trinh sát cắt rừng tìm nương rẫy của đồng bào Vân Kiều để lấy sắn cứu đói bộ đội. Sắn đào về cất giữ trong hầm Trung đội trưởng Hạp, chỉ khi có lệnh của anh mới được xuất ra nấu cháo. Bữa đầu anh Hạp chỉ xuất ra mấy củ, anh em bóc vỏ, luộc sắn. Vỏ sắn được chôn giấu cạnh hầm trong tầm canh coi của anh Hạp.

Ai cũng đói, nghĩ sẽ được ăn sắn luộc thoải mái. Nhưng không, sắn luộc chín lại được lấy hết lõi, rồi bỏ vào nồi quân dụng nấu thành cháo loãng. Đến bữa ăn mỗi người cũng chỉ được húp có mỗi một bát mà thôi. Vì đói quá, mọi người thì thầm to nhỏ, có một số ý kiến nhận xét:

- Ông Hạp ác quá.

- Ông ấy bóp mồm bóp miệng anh em như thế để làm gì nhỉ.

- Chả nhẽ lại xin ông ấy đòi ăn thêm...

Bữa đầu chịu đói, cứ tưởng sau đó chúng tôi sẽ được ăn cháo hoặc sắn luộc no. Nào ngờ Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp vẫn tiếp tục quản lí chặt chẽ như thế. Chỉ khác là bữa tiếp theo được ăn nhích dần từ một bát nâng lên hai bát. Sang bữa thứ ba mới nâng khẩu phần lên ba bát.

Đúng là bộ đội được cho ăn theo cách này, chả bõ bèn gì. Nhưng may mà không bị đói lả và mọi người đều tỉnh táo trở lại. Bữa thứ tư anh Hạp mới cho anh em chúng tôi được ăn bình thường đủ no và có thêm việc lấy rau rừng, măng rừng về độn sắn.

Mấy hôm sau, anh Hạp mới giải thích với mọi người rằng: Khi lấy sắn tươi về, đói nhiều ngày cứ ăn quá no vào, không bội thực cũng ngộ độc sắn, say sắn mà chết. Cơ thể đói dài ngày, chưa dễ quen ngay với no, mà ăn đẫy sắn vào có khi bục ruột, thủng dạ dày chết cũng nên.

- Sao Trung đội trưởng không giải thích sớm cho chúng tôi - Có người hỏi.

- Lúc bấy giờ có giải thích các cậu cũng chẳng tin - Anh Hạp trả lời.

Vào lúc ấy, mọi người mới ngớ ra và khâm phục "Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp thế mà giỏi". Và rồi ai cũng quên cái chuyện anh ấy bảo lưu ý kiến, không di chuyển nơi đóng quân hôm trước.

Anh Ngô Xuân Hạp quê ở Ninh Bình. Sang đầu năm 1967 anh được đi học, rồi chuyển sang đơn vị khác. Năm 1984, tôi gặp anh Ngô Xuân Hạp ở Quân khu 7 vào một buổi chiều thứ bảy. Lúc bấy giờ anh là Thiếu tá chính trị viên Trường Hạ sĩ quan Quân khu. Anh em gặp nhau mừng vui, ôm lấy nhau như không muốn dứt.

- Thế là cậu trở thành Thủ trưởng của tớ rồi đấy, Trung tá rồi cơ mà - Anh Hạp nói vui.

- Nhưng lúc nào anh cũng là thủ trưởng của em - Tôi đáp lời.

Hôm ấy, hai anh em chúng tôi tâm sự hết cả buổi chiều. Bao nhiêu kỷ niệm ùa đến. Anh Ngô Xuân Hạp đã nhắc lại chuyện chuẩn bị chiến trường, chuyện bị đói và đánh biệt kích Mỹ ở miền tây huyện Cam Lộ rất say sưa. Đó là những kỷ niệm sâu sắc của những ngày đầu đánh Mỹ của cả hai chúng tôi. Từ hôm đó đến nay, hai chúng tôi chưa gặp lại nhau, nên không biết hiện nay anh Hạp ở đâu.

Sau mấy ngày tạm lắng tiếng súng, tiếng bom, dân ở các buôn làng lục tục kéo về. Biết bộ đội ta là người đã đánh đuổi lũ biệt kích Mỹ hôm trước, lại có người bị thương, bị đói nữa, nên bà con mang gạo, ngô, cá, gà, và cả thịt lợn đến tặng chúng tôi. Một già làng người Vân Kiều còn mang vào mớ lá thuốc để chữa vết thương cho tôi nữa. Thuốc lá cây của già làng hiệu quả thật, chỉ dăm ngày đắp thuốc, chân tôi gần như khỏi, đi lại dễ dàng hơn. Sau này, dù đi đâu tôi vẫn nhớ tới lòng tốt và tài chữa vết thương của ông.

Đầu tháng 6 năm 1966, lực lượng vận tải của trung đoàn đã chuyển được gạo, muối và thực phẩm cho Phân đội Trinh sát ở Khe Bông. Đúng vào thời điểm đó, Lê Huy Mai và Tiểu đội phó Trần Văn Viết được lệnh về trung đoàn nhận nhiệm vụ. Khi nhận lệnh ra bờ bắc sông Bến Hải, hai chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc bắt cá ở ngã ba sông Cam Lộ. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị mamg theo một quả lựu đạn US của Mỹ (lấy được ở cứ điểm Cà Lu), anh Viết mang theo chừng một ki-lô-gam muối và xoong, nồi để thực hiện "kế hoạch" bắt cá ở nơi đã định.

Hôm ấy, khoảng 9 giờ, chúng tôi đến sông Cam Lộ, rồi vượt sang bờ bắc và tiến hành mọi công tác chuẩn bị cho việc bắt cá. Sau đó, tôi thận trọng ném quả lựu đạn US xuống sông, nơi mà chúng tôi cho là nhiều cá nhất. Sau tiếng nổ rất nhỏ, "ịch", cá nổi lên rất nhiều, trắng cả mặt sông. Tôi cùng anh Viết lập tức nhảy xuống sông vớt cá ném lên bờ. Sau khoảng 30 phút, hai chúng tôi đã vớt được trên 50 ki-lô-gam cá, trong đó có những con nặng tới năm ki-lô-gam. Phấn khởi quá, hai anh em quyết định dừng lại nghỉ đêm ở bờ bắc sông Cam Lộ để chế biến cá. Từ chiều hôm ấy cho đến tối khuya, tôi cùng anh Viết đã luộc cá, gỡ bỏ xương rồi hì hục chế biến thành hàng chục cân ruốc cá. Chúng tôi dồn ruốc cá vào tấm ni lông, gói thật kỹ rồi xếp dưới đáy ba lô.

Mờ sáng hôm sau, hai chúng tôi tiếp tục hành quân theo kế hoạch.

Về đến đơn vị được ít ngày, tôi được triệu tập lên Trung tâm Chỉ huy gặp Chính uỷ trung đoàn. Hôm ấy, gặp tôi Chính uỷ rất phấn khởi, vì Phân đội Trinh sát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra địch và địa hình khu vực tây huyện Cam Lộ. Đặc biệt là thành tích dũng cảm tiêu diệt biệt kích Mỹ trong tình huống bất ngờ, bảo toàn được lực lượng.

Sau khi bắt tay tôi thật chặt, Chính ủy biểu dương thành tích của Phân đội Trinh sát rồi chậm rãi thông báo và trao cho tôi cùng một lúc hai quyết định của Thủ trưởng Trung đoàn 1. Quyết định một: Thăng quân hàm Hạ sĩ Lê Huy Mai lên Thượng sĩ. Quyết định hai: Bổ nhiệm Thượng sĩ Lê Huy Mai giữ chức Trung đội trưởng, Trung đội 3 Đại đội Trinh sát Trung đoàn.

Sau khi nhận quyết định, tôi cảm ơn Chính ủy, hứa với ông sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, rồi xin phép trở về đơn vị. Tôi thật sự xúc động về việc cấp trên đánh giá và tin tưởng mình. Tôi thầm cảm ơn đơn vị và đồng đội đã giúp tôi từng bước rèn luyện trưởng thành trong những ngày tháng đầu ở chiến trường đầy gian khổ và ác liệt.

Những ngày sau đó, bữa ăn của bộ đội trinh sát được cải thiện phần nào, vì được bổ sung thêm món "ruốc cá". Cả đơn vị đang vui thì Đại đội nhận đươc chỉ thị của Chính ủy Trung đoàn:

"Đại đội Trinh sát tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các đồng chí Lê Huy Mai và Trần Văn Viết về việc dùng lựu đạn ném cá ở sông Cam Lộ, báo cáo ngay về Trung đoàn". Chắc rằng từ một thông tin nào đó, Chính ủy đã biết rõ việc tôi và anh Viết dùng lựu đạn đánh cá ở sông Cam Lộ.

Tối hôm ấy, tôi và anh Viết đã phải đọc bản tự kiểm điểm của mình trước toàn thể cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Chúng tôi tự nhận thấy, mình đã vi phạm điều lệnh Quân đội. Nhận rõ khuyết điểm nên tôi và anh Viết sẵn sàng chấp hành mọi hình thức kỷ luật do trên quyết định. Trong cuộc họp hôm ấy, nhiều ý kiến phân tích rất sâu, có những ý kiến gay gắt, nhưng có nhiều ý kiến đề nghị nên kiểm điểm nội bộ vì tôi và anh Viết vi phạm lần đầu nhưng đã tự giác nhận rõ khuyết điểm ...

Cuối cùng hội nghị đã biểu quyết: Kiểm điểm nội bộ và phê bình tôi và anh Viết trước đơn vị với số phiếu rất tập trung. Chúng tôi cảm ơn và hứa trước hội nghị sẽ sửa chữa khuyết điểm của mình. Khoảng một tuần sau, tôi nhận được tin Chi bộ quyết định lui thời gian kết nạp tôi vào Đảng ít nhất 3 tháng. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ của tôi trong năm đầu ở chiến trường. Sau này, khi tôi đã là Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn 1, trong môt lần nói chuyện với Chính ủy Nguyễn Đàm, nhắc lại chuyện cũ Ông nói giọng Huế rât thân mật: "Hồi ấy, choa không mầm rứa, mi hư mất". Tôi thật sự cảm động.

2

Giữa tháng 6 năm 1966, Sư đoàn 324 được cấp trên giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị bạn tìm mọi cách kéo cho được quân chủ lực Mỹ ra bắc Quảng Trị để tiêu diệt. Kế hoạch được dự kiến như sau: Trận khơi ngòi nổ, nhử quân Mỹ ra Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị là tiến công cứ điểm Đầu Mầu và ép địch ở khu vực Cùa, điểm cao 241 và thị trấn Cam Lộ. Nếu chúng không ra, ta sẽ tiêu diệt đồn Cà Lu (ki lô mét 41 Đường 9) và khi cần ta sẽ tấn công sân bay Tà Cơn ở Khe Sanh. Lúc ấy, chắc chắn buộc quân chủ lực Mỹ phải ra ứng cứu, phơi mình lộ diện.

Quân Mỹ tiếp tục đổ những toán biệt kích ra phía tây Cam Lộ để thăm dò và nghiên cứu địa hình chuẩn bị cho các cuộc hành quân lớn của chúng. Đúng 4 giờ 30 ngày 26-6-1966, Trung đoàn 3 (E90) dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Thái Cán tiến hành đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu trên Đường 9. Trung đoàn 2 do Trung đoàn trưởng Tống Sĩ Nguỳ chỉ huy, tiến công một số vị trí địch ở Cùa và thị trấn Cam Lộ; đồng thời đưa lực lượng áp sát cứ điểm 241 phía tây huyện Cam Lộ ( Sau này đồng chí Tống Sĩ Ngùy đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 ở Quảng Trị).

Kẻ địch cay cú bị mất vị trí xung yếu trên Đường 9 trong trận đầu đụng độ. Chúng đã điều động Sư đoàn Bộ binh 1 - quân đội Sài Gòn tổ chức phản kích nhiều lần nhằm đẩy ta ra xa. Nhưng mọi âm mưu thủ đoạn của chúng đều thất bại. Cho nên ngày 15-7-1966, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam buộc phải mở cuộc hành quân Hacstin để đối phó tình huống bị động trên chiến trường. Chúng dùng bảy tiểu đoàn Lính thuỷ đánh bộ Mỹ cùng hai Chiến đoàn quân đội Sài Gòn đổ bộ bằng trực thăng xuống vùng Cù Đinh, Ba De, Bản Hiệu, Ô Giang, làng Tre và các điểm cao 300 đất, 300 đá, 402, 425. Mục tiêu cuộc hành quân rầm rộ, chớp nhoáng này là ngăn chặn và tiêu diệt bộ đội chủ lực ta.

Chúng không thể ngờ hành động như vậy là trúng với dự kiến chiến dịch của ta, kéo quân Mỹ ra Đường 9 - bắc Quảng Trị để quân chủ lực ta dễ bề tiến công tiêu diệt. Lực lượng quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong cuộc hành quân Hacstin, vừa được trực thăng đổ bộ xuống vùng rừng núi tây huyện Cam Lộ, đứng chân chưa vững, đã bị pháo binh, bộ binh ta chủ động tiến công, chia cắt, cô lập và bị tiêu diệt hàng trăm tên.

Những ngày tiếp theo, địch tập trung hầu hết các trận địa pháo binh ở bắc Quảng Trị, kể cả pháo từ biển bắn vào và hàng trăm lần chiếc máy bay, trong đó có cả B52 đánh phá liên tục vào đội hình quân ta. Chiến trường tây Cam Lộ lúc bấy giờ vô cùng ác liệt. Bộ đội ta thương vong nhiều, chủ yếu do pháo binh và không quân của địch. Bởi vì quân ta còn thiếu kinh nghiệm, đội hình chiến đấu của các đơn vị chưa phù hợp, quá dầy đặc, công sự trận địa và hầm trú ẩn của ta lại sơ sài và chưa được ngụy trang kín đáo.

Do ra trận lần đầu và chiến trường quá ác liệt, một số cán bộ, chiến sĩ ta dao động. một cán bộ đại đội thuộc Trung đoàn 2 đầu hàng địch. Nhị đã khai báo nhiều nội dung quan trọng với địch, gây cho ta rất nhiều khó khăn. Đại đội phó trinh sát Trung đoàn 1 - bất ngờ rời khỏi đơn vị. Cấp trên cho rằng Đặng Ngọc Dương đào tẩu theo địch. Vì vậy, đồng chi Mai Hào, Chính trị viên Đại đội Trinh sát chịu trách nhiệm liên đới "không quản lý được tư tưởng cán bộ" nên đã bị kỷ luật: Cách chức Chính trị viên đại đội, chuyển sang Trung đoàn 2 làm Trợ lý Trinh sát.

Đồng chí Mai Hào Chính Trị viên Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 năm 1965 - 1966 (người bên phải) chụp ảnh cùng tác giả tháng 7 năm 2017 tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Sau chiến dịch, xác định được Đặng Ngọc Dương đào ngũ ra miền Bắc. Cho nên, cán bộ chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 1 cũng bớt đi những băn khoăn, suy nghĩ. Còn Thượng úy Mai Hào nghỉ hưu từ năm 1986. Hiện nay anh sống cùng gia đình ở huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An. Có dịp qua Nghệ An, tôi đã đến thăm gia đình anh.

Sau khi được bổ sung lực lượng và củng cố quyết tâm, Trung đoàn 1 đã đánh thắng nhiều trận, tiêu diệt nhiều lính thủy đánh bộ Mỹ.

Trong suốt quá trình chiến dịch tây Cam Lộ, Trung đội 3 Trinh sát chúng tôi không quản ngày đêm, hiểm nguy để nắm chắc địch, nắm địa hình khu vực Cù Đinh, cao điểm 300 đất, 402, 425, làng Tre phục vụ cho Tiểu đoàn 1 và một bộ phận Tiểu đoàn 2 tiến công tiêu diệt địch. Anh em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tôi còn nhớ mãi chuyện Trung đoàn 1 bắt được tên tù binh Mỹ đầu tiên. Hôm ấy, tôi ở đài quan sát tại điểm cao 402, đang theo dõi địch thì nhận được tin, một đơn vị bộ binh phòng ngự ở một quả đồi gần đó bắt được một tên tù binh Mỹ.

Câu chuyện xảy ra với nhiều chi tiết thú vị. Sau một lần đánh bại đợt tấn công của địch, bộ đội ta phát hiện có một lính Mỹ chết trước tiền duyên trận địa phòng ngự của ta. Anh em cùng nhau kéo tên lính ấy vào trận địa để tận mắt xem lính Mỹ nó như thế nào và được trang bị những gì. Mấy phút sau, chiến sĩ ta phát hiện hắn vẫn còn thở, nhưng lay mãi tên này vẫn giả vờ chết. Có một đồng chí nghĩ ra sáng kiến, kéo khóa nòng khẩu AK để dọa hắn. Sáng kiến đó rất hiệu nghiệm. Nghe tiếng kéo khóa nòng lên đạn, hắn tưởng mình sắp bị bắn nên đã ngồi bật dậy cầu Chúa. Thế là tên lính Mỹ ấy bị ta bắt làm tù binh. Hắn bị thương, vết thương làm gẫy cánh tay trái, được bộ đội ta sơ cứu băng bó, buộc nẹp cẩn thận.

Được tin Trung đoàn 1 bắt được tù binh Mỹ, Sư đoàn trưởng ra lệnh giải ngay tên Mỹ ấy về phía sau để khai thác thông tin. Tên tù binh Mỹ bị thương ở tay, không bị ta trói, nên trên đường đi về phía sau, hắn đi rất nhanh. Bộ đội ta sợ tù binh chạy trốn nên đã cởi bỏ giầy vất xuống vực để tên lính Mỹ không thể chạy trốn được.

Đúng là sau khi bị tháo giầy, tên tù binh này đi rất chậm, rồi bàn chân bị sưng lên, không thể đi được nữa. Trung đoàn ra lệnh: "Bằng mọi cách phải nhanh chóng đưa tên tù binh Mỹ về tuyến sau". Tên tù binh ấy nặng tới trên 100 ki-lô-gam cho nên phải bốn người mới khênh nổi. Bộ đội ta phải vất vả thay nhau, cáng tên tù binh này gần một ngày mới về đến địa điểm quy định.

Trong quá trình lấy lời khai, tên tù binh Mỹ hỏi ta rất nhiều lần: "Tại sao các ông không giết mà lại cứu tôi". Các đồng chí cơ quan binh vận của ta đã phải giải thích rõ chính sách khoan hồng đối với tù, hàng binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi đưa tên tù binh Mỹ về tuyến sau điều trị. Sau khi lành vết thương, tên tù binh ấy đã tự nguyện nói trên loa phát thanh, binh địch vận của ta: Kêu gọi lính Mỹ phản chiến, yêu cầu chính quyền Mỹ phải rút quân về nước. Sau này, anh ta đã được trao trả.

Đến giữa tháng 8 năm 1966, cuộc hành quân Hacstin của Bộ Chỉ huy quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bị bẻ gẫy hoàn toàn. Chúng buộc phải thu quân và điều chỉnh lại tuyến phòng ngự từ Khe Sanh đến bắc thị trấn Cam Lộ nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta xuống đồng bằng bắc Quảng Trị.

Trong chiến dịch tây Cam Lộ, Sư đoàn 324 đã diệt hàng ngàn tên địch, bắt sống hàng trăm tên trong đó có 1 lính Mỹ, bắn cháy hàng chục máy bay, hàng chục xe bọc thép và thu nhiều vũ khí trang bị của chúng. Chiến công này làm nức lòng đồng bào bắc Quảng Trị và quân dân Trị Thiên.

Theo lệnh của cấp trên, cuối tháng 8 năm 1966, Sư đoàn 324 rút lực lượng chủ yếu về hậu phương củng cố. Các đơn vị đều để lại một lực lượng nhỏ cài cắm, ở khu vực Cùa, phía tây thị trấn Cam Lộ và vùng Hồ Khê, Tân Kim, tiếp tục nắm chăc mọi hoạt động của địch và cùng lực lượng địa phương ngăn chặn, tiêu hao quân địch, không cho chúng lấn ra vùng giải phóng của ta.

Sau khi ổn định vị trí đóng quân ở nam Quảng Bình. Các đơn vị đã tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm chiến đấu, sau đó, Ban chỉ huy trung đoàn đã thống nhất rút ra kết luận." Bộ đội chủ lực ta có khả năng đánh thắng Mỹ".

Nhưng do hỏa lực pháo binh, không quân của chúng quá mạnh cho nên lực lượng ta bị tổn thất không nhỏ. Cho nên muốn đánh thắng Mỹ, trước hết ta phải tìm mọi biện pháp bảo toàn lực lượng bằng cách:

- Bố trí lực lượng phân tán, ngụy trang kín đáo, đảm bảo bí mật, cơ động linh hoạt, kết hợp với nghi binh, đánh lừa địch, sao cho hầu hết bom, pháo của chúng đánh vào nơi không có lực lượng ta.

- Cần xây dựng hầm chữ A, có hai mái như hình mái nhà bằng những đoạn tre hoặc gỗ cứng, đắp đất dầy trên một mét để trú ẩn đồng thời xây dựng công sự trận địa vững chắc, chống được rốc két, đạn pháo 105 ly, hạn chế được sức công phá của bom và các loại đạn pháo khác.

- Nắm chắc địch, đặc biệt là, mặt mạnh, mặt yếu và quy luật hoạt động của chúng. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án chiến đấu chính xác và phù hợp với từng trường hợp cụ thể trên chiến trường.

Từ kinh nghiệm được rút ra trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở tây huyện Cam lộ (năm 1966), các đơn vị của Sư đoàn 324 đã kịp thời khắc phục những sai sót, yếu kém của mình. Do đó, những năm sau này chúng ta đã hạn chế được sức mạnh bom pháo, trực thăng vũ trang của kẻ địch. Bộ đội ta cũng giảm hẳn những trường hợp thương vong không đáng có.

Kết thúc Chiến dịch tây Cam Lộ, tôi được các đảng viên trong chi bộ, và anh em trong đơn vị trinh sát tín nhiệm và được kết nạp vào Đảng ngày 15-10-1966. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm mới trong cuộc đời tôi.

3

Cuối tháng 10 năm 1966, Trung đội 3 Trinh sát được trung đoàn giao nhiệm vụ tìm vị trí đặt đài quan sát theo dõi hoạt động của địch trên Đường 9, đoạn từ Đầu Mầu đến khu vực Cà Lu. Sau khi làm công tác chuẩn bị, tôi chỉ huy Phân đội Trinh sát mang theo máy thông tin 2W lên đường. Suốt ba ngày luồn rừng, trèo đèo, lội suối, lách qua nhiều vị trí chốt của địch, chúng tôi đến được bờ bắc sông Cam Lộ trong lúc trời mưa tầm tã.

Mưa trắng trời bắc Quảng Trị. Nước sông Cam Lộ chảy xiết, xoáy dữ, ngập tràn bờ. Có ý kiến cho rằng đợi ngớt mưa nước rút trinh sát mới vượt sông. Bằng kinh nghiệm hai năm chiến trường, tôi quyết định sang sông gấp, không chần chừ. Đây chính là thời cơ địch dễ sơ hở ở mặt đất và lơ là ở trên không, lợi dụng thời tiết xấu cản trở che mắt địch mà tiến.

Vất vả lắm chúng tôi mới căng được một sợi dây thừng qua sông. Chật vật lắm các chiến sĩ trinh sát mới bám được dây lội qua dòng nước xiết để sang bờ nam sông Cam Lộ. Tuy có tốn công sức và nguy hiểm, nhưng cả Phân đội Trinh sát đều vượt sông trót lọt và an toàn.

Sau hai ngày tìm kiếm rất vất vả, chúng tôi mới xác định được vị trí đặt đài quan sát ở một núi đá có độ cao trên 200 mét, cách Đường 9 chừng 2 ki-lô-mét, cách bản của dân khoảng 1 ki-lô-mét. Vị trí đặt đài quan sát lại gần dân, đạt được yếu tố bí mật bất ngờ và quan sát được mọi hoạt động của địch trên Đường 9, đó là vị trí lí tưởng nhất so với địa hình hiểm trở ở khu vực này.

Anh em trinh sát đã tiến hành cấu trúc đài quan sát rất khẩn trương, rồi tổ chức theo dõi nắm chắc mọi hoạt động của địch trên Đường 9 và các vùng lân cận. Cuối ngày, tôi đã viết điện báo cáo đều đặn tin tức hoạt động của địch về trung đoàn qua máy vô tuyến điện.

Dịp ấy, chúng tôi lợi dụng hang đá làm nơi trú quân để tránh bom đạn của địch. Mùa đông năm 1966, ở miền tây quảng Trị mưa dầm kéo dài, tiết trơi quá lạnh. Mỗi chiến sĩ trinh sát chỉ có chiếc vỏ chăn mỏng nên ban đêm rét qúa không sao ngủ được. Trong thời điểm khó khăn ấy, chúng tôi đã suy nghĩ và tìm ra cách khắc phục vừa đơn giản, vừa hiệu quả. Dù pháo sáng của Mỹ có thể làm chăn đắp được- một chiến sĩ trinh sát đã nghĩ ra điều đó.

Thế rồi, ở đài quan sát các chiến sĩ đã phát hiện dù pháo sáng của Mỹ mắc ở trên cây trong các khu rừng xung quanh gần nơi chúng tôi hoạt động rất nhiều. Có lẽ những chiếc dù ấy, Mỹ đã dùng để mang đèn chiếu sáng cho binh sĩ trong cuộc hành quân HasTin ở tây Cam Lộ hồi tháng 7 vừa qua. Tôi đã cử hai chiến sĩ lặng lẽ, thận trọng, bí mật đi thu hàng chục chiếc dù pháo sáng ấy mang về cho anh em sử dụng.

Các chiến sĩ trinh sát của tôi rất khéo tay, họ đã dùng dao, kéo, kim chỉ được trang bị, tự cắt, khâu những mảnh dù pháo sáng mỏng tang ấy thành những tấm dù dài chừng 2,5 mét, rộng 2 mét làm chăn đắp thêm cho bộ đội để chống rét trong những đêm đông. Những chiếc chăn vải dù pháo sáng do Mỹ cung cấp vo tròn lại rất gọn (chỉ bằng nắm tay) và nhẹ (khoảng 2 đến 3 lạng) nên bộ đội có thể mang theo dễ dàng và nó đã ủ ấm người chiến sĩ suốt những năm tháng chiến trường.

Một thời gian sau đó, anh em trinh sát còn thiết kế chiếc chăn dù đó thành chiếc bọc võng để chống rét trong mùa đông khi phải treo võng ngủ trong rừng rất tốt. Có lẽ chỉ có những chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mới nghĩ ra được những vật dụng đơn giản và hữu ích này.

Thật đơn giản, bộ đội chúng tôi chỉ việc khâu hai đầu chiếc chăn dù pháo sáng lại, sao cho có thể luồn được sợi dây vào đó. Sau khi mắc võng xong, chỉ còn việc buộc hai đầu bọc võng vào hai đầu võng. Sao cho bọc võng ôm được bên ngoài chiếc võng và khi ta nằm trên võng mà đáy chiếc bọc võng không sát vào đáy võng để tạo ra một khoảng đệm không khí. Chính khoảng đệm không khí ấy đã giữ nhiêt của người nằm võng tự tỏa ra để sưởi ấm cho mình. Một thời gian sau, kinh nghiệm trên đã được lan tỏa đến nhiều đơn vị trinh sát trong sư đoàn và một số đơn vị bộ binh, đã giúp bộ đội ta chống được phần nào cái rét trong những mùa đông lạnh giá.

Riêng việc nấu ăn, chúng tôi phải thực hiện vào ban đêm trong hang đá được che kín không để phát ra ánh sáng nên địch không thể nào phát hiện được.

Mấy ngày sau đó, chúng tôi tìm gặp được dân bản người Vân Kiều. Bản của họ nằm ở vị trí kín khuất trên lưng chừng núi đá. Người Vân Kiều theo cách mạng, họ tự nhận là con cháu Bác Hồ. Bản chỉ có năm hộ dân, vài chục nhân khẩu. Nói chuyện với trưởng bản, tôi mới biết đồng bào đang gặp khó khăn thiếu muối ăn, thiếu lửa. Chạy giặc về, xăng không còn, đá lửa hết, trời lại mưa ẩm ướt không thể dùng đá hoặc cây nứa để lấy được lửa. Vì vậy bà con trong bản ăn ngô, sắn sống đã mấy ngày liền và nhịn muối đã mấy tháng nay. Trẻ con bụng ỏng, gầy gò, nước da xanh tái. Người lớn mặt mày xạm lại. Bốn bề địch đóng, tiến thoái lưỡng nan. Họ chỉ còn biết kêu Yàng (trời), đấng linh thiêng tối thượng của họ. Bà con căm thằng Mỹ, thằng lính quốc gia lắm. Chính chúng nó bắn phá dồn đẩy bà con tới nông nỗi này. Họ cũng không thể liên lạc được với các bản khác trong vùng để nhờ giúp đỡ cho nên đang lâm vào tình cảnh khốn cùng. Chúng tôi đem tặng bà con một ki-lô-gam muối, một chiếc bật lửa, năm viên đá lửa và một lọ xăng. Nhận những thứ ấy, bà con mừng quá. Tôi nhìn trong mắt họ, có người đã ngấn lệ.

- Gặp được bộ đội Cụ Hồ là sống rồ - ông trưởng bản thốt lên.

Thật bất ngờ, hôm sau, ông Trưởng bản đem con lợn nhỏ chừng vài ba chục cân tặng lại bộ đội. Chúng tôi viện nhiều lí do để không nhận con lợn đó, mặc dù đối với đơn vị, đó là nguồn thực phẩm tươi sống quý giá.

- Bộ đội không nhận là không tốt với dân đâu... Nếu không nhận bà con không về cứ ngồi ở đây đợi - Một giọng khàn khàn trong nhóm người nói như hờn dỗi.

Bí quá, chúng tôi nghĩ ra một cách, đề nghị với Trưởng bản cho thịt con lợn để dân bản và đơn vị cùng ăn chung. Trưởng bản vui vẻ đồng ý. Bữa liên hoan ấm tình quân dân diễn ra giữa rừng không xa các điểm chốt của địch là mấy. Thật là vui.

Suốt trong quá trình làm nhiệm vụ ở đây chúng tôi được dân bản bảo vệ và cung cấp nhiều tin tức về địch rất có giá trị. Cho đến tháng 12 năm 1966, Phân đội Trinh sát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được lệnh thu trang thiết bị rút về đơn vị an toàn.

Theo số liệu trong cuốn lịch sử Sư đoàn 324: Năm 1966, quân và dân Đường 9 - bắc Quảng Trị đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn bốn ngàn tên địch, bắn cháy 32 xe tăng, xe bọc thép và 61 máy bay các loại; phá hủy 14 khẩu pháo, bắt sống được tù binh Mỹ. Sư đoàn 324 đã góp phần rất quan trọng trong chiến công đó.

Đặc biệt, Sư đoàn 324 đã trở thành đơn vị quân chủ lực miền Bắc đầu tiên đánh thắng quân đội viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đường 9 - bắc Quảng Trị. Đó lại là lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ thiện chiến, được trang bị vũ khí, khí tài tối tân đầy đủ và có sự yểm trợ hoả lực pháo binh, không quân rất mạnh.

Cuối năm 1966, Trung đoàn 1 đóng quân ở các xã thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Bộ đội được nghỉ dưỡng một thời gian, sau đó các đơn vị nhận tân binh, rồi tiến hành huấn luyện bổ sung chuẩn bị cho mùa ra trận mới.

Đầu tháng 1 năm 1967 tôi được thăng quân hàm Chuẩn uý và được giao nhiệm vụ về làm Mũi trưởng mũi 4 Đại đội Đặc công Trung đoàn do anh Thường quê ở Nam Bộ làm Đại đội trưởng, anh Thuyết quê ở Vĩnh Phúc làm Chính trị viên. Khoảng một tháng sau đó, Đại đội Đặc công Trung đoàn 1 được lệnh về Bộ Quốc phòng để chuẩn bị thành lập Binh chủng Đặc công vào tháng 3 năm 1967. Trước khi Đại đội Đặc công lên đường ra Bắc, tôi được bổ nhiệm làm Trợ lí Trinh sát- Đặc công Trung đoàn 1 (có lẽ trung đoàn làm như vậy là để giữ tôi lại).

Để hoàn thành nhiệm vụ Trợ lý Trinh sát - Đặc công được giao, tôi đã giành thời gian tập trung nghiên cứu, học hỏi cách thu thập tin tức, tổng hợp tình hình địch. Sau đó học cách phân tích, đánh giá kết luận chính xác về địch. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất với cấp trên phương án chiến đấu hoặc cách giải quyết tốt nhất... Đó là những công việc mới và rất khó khăn đối với tôi. Rất may là, ở cơ quan lúc bấy giờ, có chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn Lê Minh Chánh và trợ lý Trần Xuân Nghiễm đều là những người dạn dầy kinh nghiệm và tận tình giúp đỡ; cho nên dần dần tôi đã đảm nhiệm được công việc theo chức trách của mình.

Giữ cương vị Trợ lý Trinh sát - Đặc công Trung đoàn chưa được bao lâu, tôi lại được điều động và bổ nhiệm giữ chức Đại đội phó - Đại đội 17 Trinh sát. Cương vị mới, trách nhiệm mới sẽ nặng nề hơn, khó khăn hơn. Tôi nghĩ mình phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng tầm chỉ huy bao quát hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến trường và nhiều thử thách đang chờ phía trước... Dịp ấy, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 1 bất ngờ nhận được tin, từ nay các trung đoàn sẽ do Mặt trận B5 trực tiếp chỉ huy. Bởi vì trên cho rằng, thời gian sắp tới ta đánh Mỹ theo đội hình sư đoàn không còn thích hợp. Nhận được tin ấy cán bộ chiến sĩ chúng tôi cảm thấy hơi buồn.

Thời gian ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, Đại đội Trinh sát ở làng Phú Hòa. Mọi người đều tranh thủ viết thư về nhà, ai nấy đều nóng lòng háo hức đón nhận thư nhà gửi vào. Tôi cũng nóng lòng mong tin và nhớ nhà lắm, nhưng tôi vẫn quyết định không viết thư về nhà.

Anh em đơn vị thắc mắc hỏi sao vậy? Hay có gì tự ái bất bình với gia đình chăng? Tất cả đều không phải. Chiến trường ác liệt nay đây mai đó. Tôi nghĩ cứ bặt tin, có khi gia đình còn yên tâm vững tin hơn. Thư đi, thư về bập bõm có lúc thất lạc, người ở nhà lại thêm lo lắng. Mình giữ im lặng, nếu sau này còn trở về được thì vui nào vui hơn. Tôi tâm sự ý nghĩ đó cùng với đồng đội. Có người cho là đúng. Có người bảo là sai. Cũng có người cho là gàn. Tôi chỉ cười xòa với những lời nhận xét ấy của mọi người.

Ngày nghỉ dù hiếm hoi, nhưng cũng có lúc được thảnh thơi. Mấy bạn lính trẻ mười tám đôi mươi rủ nhau đi vào các làng quê Lệ Thuỷ. Ở đó các o du kích, thanh niên rất mến bộ đội ngoài Bắc. Tính tình các o dễ chịu, giọng nói các o lại ngọt ngào, quyến rũ. Nhiều anh lính trẻ đã thầm yêu, trộm nhớ các o! Cánh lính trẻ vào làng í ới cười nói. Tôi ở lại đơn vị, nghe đài tiếng nói Việt Nam. Một bài hát trầm hùng vang lên: "Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt Đế quốc Mỹ, đánh tan bè lũ bán nước..." (Giải phóng miền Nam- Huỳnh Minh Siêng). Bài hát làm tôi nhớ lại các trận đánh Mỹ, diệt quân đội Sài Gòn ở miền tây Cam Lộ; nhớ tới những gian nan, vất vả của bà con Vân Kiều trong vùng chiến sự. Tôi mong đến ngày miền Nam được giải phóng, để nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc trên quê hương mình.

4

Tháng 5 năm 1967, bộ đội chủ lực ta hình thành thế trận gây áp lực rất lớn đối với cứ điểm Dốc Miếu, Cồn Tiên, hai chiến luỹ thép vững chắc trên phòng tuyến Hàng rào Điện tử Mác Na-ma-ra của Mỹ ở nam sông Bến Hải. Vào đêm mồng 7 tháng 5, bộ đội đặc công cùng Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 2 tiến công cứ điểm Cồn Tiên, diệt nhiều địch, chiếm được một phần trận địa của chúng. Lúc ấy, cấp trên ra lệnh cho Tiểu đoàn 4 ở lại cứ điểm Cồn Tiên giữ phần trận địa ta vừa chiếm được.

Mờ sáng hôm sau, địch ở cứ điểm Cồn Tiên dùng hỏa lực rất mạnh chi viện cho thủy quân lục chiến Mỹ cùng quân đội Sài Gòn phản kích liên tục. Tiểu đoàn bộ binh 4 của ta trong cứ điểm Cồn Tiên chiến đấu rất dũng cảm, quyết liệt nhưng bị tổn thất nặng nề. Trên 170 cán bộ chiến sĩ ta hy sinh, trong đó có anh Khương Tiểu đoàn trưởng. Địch đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Cồn Tiên vào chiều muộn hôm ấy. Ngày 8-5-1967 là một ngày buồn của Trung đoàn 2 và của cán bộ chiến sĩ ta... Những ngày sau đó, pháo binh của ta liên tiếp tập kích vào các cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, 241... gây cho địch nhiều thiệt hại.

Để giảm áp lực cho các cứ điểm trên tuyến phòng thủ nam sông Bến Hải, đầu tháng 6 quân Mỹ mở cuộc hành quân ở bắc huyện Gio Linh, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào và cố đẩy lực lượng của ta ra xa. Một tiểu đoạn Lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở phía đông băc Cồn Tiên, được xe tăng yểm trợ tiến hành lùng sục rất hung hăng, tiến sâu vào vùng giải phóng của ta. Từ ngày 02 đến 06-7-1967, Trung đoàn 3 (E90) cùng Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 1 do Trung đoàn Trưởng Thái Cán chỉ huy đã đồng loạt tấn công đánh quỵ tiểu đoàn địch ấy, tiêu diệt hàng trăm tên Lính thuỷ đánh bộ Mỹ, bắt sống nhiều tù binh địch ở khu vực Gio An.

Chiến thắng Gio An đã tô thêm truyền thống oai hùng của Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị và là nguồn cảm hứng của những bài thơ, bài hát đi cùng năm tháng. Sau chiến thắng Gio An, pháo binh ta tiếp tục tập kích mãnh liệt nhiều lần vào các cứ điểm của địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, điểm cao 241. Lực lượng của chúng phải chui lủi ngày đêm trong hầm, vừa căng thẳng vừa hoang mang.

5

Để cứu vãn tình thế bị động trên chiến trường bắc Quảng Trị, ngày 28 tháng 7 năm 1967, quân địch sử dụng một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ đổ bộ xuống vùng nam bến vượt Cấm Sơn (bến Tắt). Chúng phối hợp với lực lượng bộ binh và xe tăng từ cứ điểm Cồn Tiên hành quân ra, tổ chức tiến công đánh chiếm khu vực đồi 52, đồi Không tên, bình độ 30, 40, (hai bên đường Chiến lược) nam bến vượt Cấm Sơn chừng 2 ki-lô-mét. Có thể địch lấy nơi đó làm bàn đạp tiến công chiếm bến vượt sông Bến Hải của ta ở khu vực Cấm Sơn. Được trung đoàn giao nhiệm vụ, Phân đội Trinh sát do tôi chỉ huy, đã chủ động theo sát, nắm rất chắc mọi diễn biến chuyển quân và các động thái của địch trong khu vực này.

Vì được chuẩn bị trước cho nên Trung đoàn 1 hạ quyết tâm chiến đấu rất nhanh. Ta đánh địch bằng hình thức chiến thuật vận động tiến công. Tiểu đoàn 1 tiến công trên hướng chủ yếu từ hướng bắc qua bến vượt Cấm Sơn, đánh thẳng vào đội hình địch ở, bình độ 40, 30 phía bắc đường chiến lược. Tiểu đoàn 3 từ hướng đông đánh chiếm khu vực đồi 52, đồi không tên phía nam đường chiến lược. Tiểu đoàn 2 làm lực lượng dự bị.

Khoảng 1 giờ ngày 29 tháng 7, Phân đội Trinh sát trung đoàn đã đón được Tiểu đoàn 1 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Huy (anh quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ huy tại bến vượt Cấm Sơn. Sau đó chúng tôi đưa bộ đội vào triển khai ở khu vực khe Cạn, cách bắc bình độ 30, 40 chừng 500 mét bí mật an toàn, đúng thời gian, địa điểm quy định.

Đúng 5 giờ sáng ngày 29 tháng 7, pháo binh, súng cối ta đồng loạt bắn cấp tập vào đội hình đóng quân của địch. Căn cứ vào mức độ chính xác của hoả lực chuẩn bị, bộ đội ta nhích lên, nhích dần tiến sát vào vị trí địch. Pháo binh, súng cối vừa dứt, bộ binh ta từ Khe Cạn, sát chân đồi xông lên đánh chiếm trận địa địch. Phát hiện bộ đội ta tiến công quyết liệt, địch dùng súng AR15, đại liên, cối 60 và M79 bắn trả dữ dội. Bộ binh ta bị chặn lại. Một số cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương. Bộ đội ta không thể tiến lên được. Thế trận đôi bên giằng co, căng như dây đàn.

Trước tình hình đó, trinh sát chúng tôi cùng các đồng chí cán bộ trung đội, tiểu đội đã hướng dẫn bộ đội vận động nhanh, áp sát trận địa địch, lợi dụng sườn đồi dốc để tránh hỏa lực bắn thẳng của chúng. Ngay lúc ấy, Đại đội trưởng Đại đội 3 Đỗ Xuân Chi đã tổ chức hoả lực cối 60 ly, đại liên chi viện kịp thời cho bộ đội ta xông lên. Khoảng 30 phút sau ta chiếm được mỏm đồi thứ nhất. Rồi thừa thắng chiếm luôn mỏm đồi thứ hai. Trận địa ngổn ngang xác lính Mỹ và vũ khí, trang bị của chúng.

Bọn địch hoảng loạn tháo chạy theo đường Chiến lược về phía sau. Đồng chí Lê Văn Mẹo - Chính trị viên Đại đội 3 chỉ huy một trung đội đánh chặn đường rut lui của chúng, bắn cháy một xe tăng, tiêu diệt thêm một số tên lính thuỷ đánh bộ nữa. Đã làm cho đội hình tháo chạy của lính Mỹ càng thêm rối loạn.

Lê Huy Mai (bên trái). Đại tá Lê Văn Mẹo (thứ ba từ trái sang). Ảnh chụp năm 2015 cùng đoàn MIA của Hoa Kỳ đi tìm hài cốt lính Mỹ chết trong trận đánh 29-7-1967 ở Cấm Sơn huyện Do Linh tỉnh Quảng Trị.

Đại đội 1, Đại đội 2 cũng đánh rất tốt, chiếm được các mục tiêu quy định. Phía nam đường chiến lược, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 1 được hoả lực mạnh yểm trợ đồng loạt tiến công chiếm được một số mục tiêu được giao. Chiến sĩ B-41 Lê Sĩ Thái, lực lượng tăng cường cho Đại đội 3 đã bám sát địch, tiêu diệt một xe bọc thép M113. Chớp thời cơ, quân ta tổ chức đánh chiếm các mục tiêu còn lại. Bộ binh và xe tăng địch bỏ chạy, ta truy kích diệt thêm một số tên nữa.

Để tránh bị tiêu diệt, địch dùng pháo binh, máy bay ném bom đánh phá rất ác liệt vào đội hình truy kích của quân ta, rất nguy hiểm. Cho nên trung đoàn đã ra lệnh dừng trận đánh, các đơn vị đưa bộ đội rút về vị trí đã định. Lực lượng còn lại của tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ rút chạy theo đường chiến lược về cứ điểm Cồn Tiên. Một số tên được trực thăng đến cứu. Khoảng 12 giờ hôm ấy, trận đánh địch ở bình độ 30, 40 và khu vực đồi 52, đồi không tên (nam Cấm Sơn) kết thúc.

Đây là trận đánh hợp đồng tác chiến điển hình trong loại hình chiến thuật vận động tiến công của bộ đội chủ lực ta với sự chi viện của hoả lực mạnh pháo binh. Bộ đội ta đánh nhanh, thắng nhanh. Hàng trăm tên lính thủy đánh bộ Mỹ bị tiêu diệt. Hàng chục xe bọc thép, xe tăng, máy bay của Mỹ bị bắn cháy.

Sau trận đánh địch ở nam Cấm Sơn, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn không một lần nào dám bén mảng tới bờ nam sông Bến Hải nữa. Vùng giải phóng của ta mở rộng nối liền bắc Quảng Trị với miền Bắc hậu phương. Việc chuyển quân và vận chuyển tiếp tế của ta vào miền Nam đã thuận lợi hơn trước rất nhiều.

6

Thời gian này, lực lượng nòng cốt của mặt trận vẫn tiếp tục bám đất, trụ vững, tìm mọi cách tấn công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực của địch ở vùng Gio Linh và Cam Lộ. Đầu tháng 8 năm 1967, Trung đoàn 1 được lệnh của Mặt trận B5 sử dụng một phần lực lượng, cùng các đơn vị bạn tiến hành bao vây đánh lấn Cồn Tiên, một cứ điểm quân sự đặc biệt quan trọng nằm trên tuyến hàng rào Điện tử Mác Na-ma-ra của Mỹ ở Bắc Quảng Trị.

Cứ điểm Cồn Tiên rất rộng (khoảng gần 2 ki-lô-mét vuông)­, có hệ thống công sự trận địa vững chắc và được bảo vệ bằng nhiều lớp rào dây kẽm gai. Xen kẽ các lớp rào dây kẽm gai là các bãi mìn cùng nhiều phương tiện, thiết bị điện tử hiện đại nhất của Mỹ để phát hiện đối phương xâm nhập cả ban ngày lẫn ban đêm. Quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn đều cho rằng, Cồn Tiên là cứ điểm liên hợp hiện đại nhất, bất khả xâm phạm trên phòng tuyến hàng rào Điện tử Mác Na-ma-ra của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhưng trên thực tế, Hàng rào Điện tử Mác Na-ma-ra của Mỹ bị nhiễu loạn bởi quá nhiều loại động vật gặm nhấm của vùng nhiệt đới qua lại ngày đêm ở khu vực này.

Đại đội Trinh sát Trung đoàn được giao nhiệm vụ điều tra cứ điểm Cồn Tiên. Hôm ấy, nắng chiều đã ngả, từ vị trí đóng quân cách Bắc Cồn Tiên khoảng 2 ki-lô-mét, lực lượng trinh sát lặng lẽ lên đường. Tổ Trinh sát cùng đi với tôi có Nguyễn Hữu Tứ quê ở huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Cậy quê ở Hà Nam và hai chiến sĩ nữa có nhiệm vụ điều tra trên hướng tây bắc cứ điểm Cồn Tiên. Lợi dụng địa hình có rừng cây lúp xúp, chúng tôi tiếp cận điểm cao 126 (Cồn Hụ), cách tây bắc cứ điểm Cồn Tiên chưa đầy 1000 mét rồi chọn vị trí quan sát, theo dõi mọi động tĩnh của địch.

Mờ tối, chúng tôi rời Cồn Hụ bí mật tiếp cận cứ điểm Cồn Tiên. Rồi Tổ Trinh sát lần lượt bí mật luồn qua những lớp rào kẽm gai, đến quá nửa đêm chúng tôi đã luồn qua nhiều lớp rào và làm mất tác dụng một số mìn của địch. Đêm hôm ấy, cứ điểm Cồn Tiên yên ắng lạ thường, đèn điện trong cứ điểm vẫn sáng trưng, các vệt đèn pha soi chéo ngang dọc rõ mồn một. Lúc đó, chúng tôi gặp một bãi đất trống. Bằng cảm nhận của người lính trinh sát, tôi đoán đây là bãi mìn hỗn hợp, có thể ngăn chặn được bộ binh và xe tăng ta. Do có kinh nghiệm tháo gỡ các loại mìn, tôi đã trực tiếp dò tìm, gỡ những quả mìn đầu tiên; còn đồng đội làm nhiệm vụ quan sát cảnh giới. Vào sâu khoảng mươi mét chúng tôi thấy lựu đạn mỏ vịt (gài kép từng cặp 2 quả). Nếu ta vướng vào dây hoặc cắt dây, mìn đều nổ. Trong só đó có cả mìn nhảy M14 vọt cao tầm đầu người mới phát nổ. Rất nguy hiểm! Lại còn mìn díp, mìn chiếu sáng, mìn chống tăng, gỡ không xuể.

Đêm khuya sương lạnh, trinh sát càng lạnh lưng, lạnh gáy bởi bãi mìn phức tạp này nên không dám gỡ tiếp nữa, mà có gỡ cũng không xong. Tay tôi thấy run, mồ hôi toát ra đẫm trán. Chúng tôi không thể tiếp tục đùa dỡn với tử thần được nữa. Chỉ sẩy tay sểnh chân một chút là bãi mìn sẽ xé nát tổ trinh sát. Trấn tĩnh tinh thần, tôi quyết định cho anh em xóa hết dấu vết rồi rút ra ngoài, chấp nhận thất bại lần đầu khi đột nhập sâu vào cứ điểm Cồn Tiên.

Tang tảng sáng chúng tôi rút qua chốt Cồn Hụ rồi luồn rừng khẩn trương về đến đơn vị khi trời vừa sáng rõ. Khoảng 9 giờ, tôi trực tiếp lên báo cáo Tham mưu trưởng Trung đoàn Vũ Thế Đào. Tôi rất lo lắng vì mình chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, chờ đợi nét mặt không vui, sẵn sàng nổi nóng của Tham mưu trưởng Trung đoàn. Nhưng thật bất ngờ. Nghe báo cáo tình hình xong, Tham mưu trưởng trung đoàn không nói một lời nào. Ông trầm ngâm một lát rồi vui vẻ mời tôi ăn cháo thịt gà đóng hộp. Đói và mệt cả đêm, bát cháo gà nóng rất ngon làm tôi tỉnh người, nhưng mà vừa ăn tôi vừa suy nghĩ, vì nhiệm vụ chưa làm tròn. Bữa ăn kết thúc, Tham mưu trưởng thân mật vỗ vai tôi: "Tối hôm nay, tổ chức cho anh em vào Cồn Tiên tiếp Mai nhé"!

Khoảng 14 giờ hôm ấy, tổ trinh sát do tôi chỉ huy tiếp tục lên đường hướng tới Cồn Tiên. Đêm đến, chúng tôi bí mật đột nhập cứ điểm Cồn Tiên theo đường cũ cho nên đã nhanh chóng luồn qua các lớp rào kẽm gai và vô hiệu hoá gần một trăm quả mìn. Với lựu đạn mỏ vịt và mìn chiếu sáng của địch, chúng tôi dùng dây buộc chặt mỏ vịt lại bắt chúng câm miệng. Mìn díp, mìn chống tăng thì xoay chốt về vị trí an toàn. Các loại mìn khác đều được tháo kíp nổ khiến chúng không còn tác dụng nữa.

Qua bãi mìn, trinh sát tiếp tục bí mật luồn sâu qua ba lớp hàng rào dây kẽm gai bùng nhùng, rồi tiếp cận con đường ô tô. Đó hẳn là đường tuần tra xung quanh cứ điểm của địch. Vượt qua đường tuần tra, chúng tôi đã tiếp cận qua các ụ súng, lô cốt vành ngoài. Đây chính là cái vỏ thép của cứ điểm địch. Rồi trinh sat đã vào được trung tâm cứ điểm Cồn Tiên. Anh em đã quan sát, đo đạc các lô cốt, ụ súng chủ yếu, rồi nhanh chóng xoá sạch mọi dấu vết trước khi rút ra ngoài.

Ra khỏi đường tuần tra của địch chừng vài chục mét, một chiến sĩ trinh sát báo cáo mình đã làm rơi mất một cái nắp quả lựu đạn cán gỗ. Tôi ra lệnh cho đồng chí ấy cùng tôi quay lại tìm ngay tức khắc. Nếu để lại nắp lựu đạn cán gỗ trong cứ điểm địch tức là làm lộ bí mật có trinh sát đột nhập căn cứ của chúng. Thật nguy hiểm khôn lường! Nó sẽ gây ra bao khó khăn chồng chất cho những ngày sắp tới. Rất may mắn, chúng tôi đã tìm được cái nắp quả lựu đạn cán gỗ ở ngay rãnh thoát nước đường tuần tra của địch. Sau khi kiểm tra đủ cả hai nắp đôi lựu đạn cán gỗ, tôi mới cho anh em bí mật rút lui. Trên đường rút ra ngoài, chúng tôi tiếp tục xoá rất kĩ dấu vết. Nếu quan sát ban ngày, địch cũng không tài nào phát hiện ra đã có một cửa mở qua các hàng rào và bãi mìn của chúng.

Trong đêm đó, trinh sát các hướng khác cũng đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi cùng đồng đội phấn chấn, bởi mình đã vượt qua được thử thách khó khăn, đột nhập được vào một cứ điểm phòng thủ kiên cố và hiện đại nhất của Mỹ ở bắc Quảng Trị. Một ngày sau đó, chúng tôi đã vẽ hoàn chỉnh sơ đồ cứ điểm Cồn Tiên, báo cáo và chuẩn bị cho đoàn cán bộ của trung đoàn tiếp cận mục tiêu, nghiên cứu địa hình, chuẩn bị phương án đánh địch...

Hai ngày sau, Đại đội Trinh sát được lệnh đưa cán bộ các cấp của Trung đoàn đi trinh sát thực địa. Đêm đầu tiên vào cứ điểm Cồn Tiên của đoàn cán bộ Trung đoàn 1 thật không may. Lúc ấy, trinh sát và đoàn cán bộ đang luồn qua hàng rào kẽm gai bùng nhùng thứ nhất. Một sơ suất của ai đó đã để cho một phương tiện trinh sát điện tử của địch phát hiện có lực lượng ta đột nhập. Toàn cứ điểm Cồn Tiên báo động. Địch bắn ra xối xả vào đội hình đoàn cán bộ của ta. Đại liên và súng máy 12,8 ly, 20 ly từ các lô cốt, ụ súng của địch bắn ra vung vãi. Đạn cối câu cầu vồng chụp xuống. Đèn pha cảnh giới của chúng quét qua quét lại rà rà bám sát đội hình ém quân của đoàn cán bộ. Tất cả nằm im không động đậy, tìm mọi cách che mắt địch. Soi chán, bắn chán rồi đèn pha cũng tắt. Đại liên, súng cối cũng thưa dần. Có chăng chỉ còn những loạt đạn vu vơ, cầm canh hú hoạ xa xa, thưa thớt. Tôi bò ngược trở lại kiểm tra đội hình đoàn cán bộ đang nằm sát hàng rào ngoài cùng của cứ điểm Cồn Tiên. Đồng chí Nguyễn Anh Tìm - Chủ nhiệm Pháo binh Trung đoàn bị thương ở bắp chân. Tôi báo cáo cụ thể tình hình với Tham mưu trưởng Vũ Thế Đào và Chính uỷ Nguyễn Đàm.

- Bây giờ mần răng? Rút chứ, Chính ủy hỏi bằng giọng Huế.

- Rút ngay bây giờ sẽ tiếp tục bị thương vong - Tôi nói.

- Răng hè? Mần răng cậu biết? Vẫn giọng Huế ông hỏi.

- Thủ trưởng thấy không, pháo và súng cối địch bắn xa dần ở phía sau chúng ta. Vì chúng đoán ta đang rút ra nên bắn đuổi theo. Ta rút, vừa không hoàn thành nhiệm vụ trinh sát thực địa, vừa chấp nhận đòn hoả lực địch. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới là đòn bất ngờ Thủ trưởng ạ! - Tôi giải thích.

- Đồng chí khẩn trương tổ chức giải quyết thương binh. Sau đó ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ - Chính uỷ trung đoàn chỉ thị.

- Rõ, thưa Chính uỷ! - Tôi nhận lệnh.

Ngay lập tức, tôi cử hai chiến sĩ trinh sát đưa đồng chí Nguyễn Anh Tìm - Chủ nhiệm Pháo binh Trung đoàn bị thương lui về phía sau. Khoảng 23 giờ, mọi người sốt ruột muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Tôi yêu cầu đoàn cán bộ nằm im đợi thêm một giờ nữa. Khoảng 24 giờ đêm hôm ấy, trinh sát lại tiếp tục hướng dẫn đoàn cán bộ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu địch, khảo sát thực địa ở cứ điểm Cồn Tiên theo đúng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Gần sáng, đoàn chúng tôi rút ra ngoài về đơn vị an toàn.

Khoảng gần một tuần sau đó, phương án bao vây đánh lấn cứ điểm Cồn Tiên trên hướng chính, hướng quan trọng đã được vạch ra. Có thể nói kế hoạch của Trung đoàn rất tỉ mỉ, chi tiết và cẩn trọng. Kế hoạch bao vây, đánh lấn cứ điểm Cồn Tiên của Trung đoàn 1 đã được Mặt trận B5 nhanh chóng thông qua.

7

Đầu mùa thu năm 1967, đất trời Quảng Trị đã giảm bớt những cơn gió lào nóng bỏng. Thời tiết dịu đi kèm với những cơn mưa mỏng từ phía biển dạt vào. Thật dễ chịu. Tuy nhiên, chiến trường bắc Quảng Trị lại nóng lên từng giờ, từng ngày.

Từ giữa tháng 8, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 do anh Nguyễn Văn Đức chỉ huy cùng các đơn vị của Mặt trận B5 đã đánh chiếm các điểm cao và những khu vực địa hình quan trọng, hình thành thế bao vây, rồi xây dựng công sự chiến đấu và đào giao thông hào lấn dần, áp sát hàng rào kẽm gai cứ điểm Cồn Tiên. Hỏa lực pháo binh tầm xa, ĐKZ, súng cối tầm gần cùng mìn phóng của công binh ngày đêm đánh phá dữ dội vào Cồn Tiên. Chúng ta đã phá sập nhiều lô cốt, ụ súng làm cho địch tổn hao nhiều lực lượng.

Địch ở cứ điểm Cồn Tiên căng sức, gồng mình cố thủ trong công sự kiên cố. Đích thân Tướng William Wesmorelan, Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã đến úy lạo, động viên binh sĩ Mỹ ở Cồn Tiên. Vì vậy, sau hơn 1 tuần bị bao vây, kẻ địch vẫn chưa chịu tung bộ binh ra giải tỏa. Những ngày ấy địch dùng pháo binh, máy bay, kể cả B52 tập trung đánh phá khu vực phía tây và phía bắc cứ điểm Cồn Tiên. Chiến trường khu vực Cồn Tiên trở nên rất ác liệt. Mùa mưa miền Trung ập đến đã gây vô vàn khó khăn cho bộ đội ta. Hầu hết công sự trận địa và hầm tru ẩn của ta bị nước tràn vào. Nhiều ngày bộ đội phải dầm mình trong mưa, trong công sự ngập nươc để quyết bao vây chặt cứ điểm Cồn Tiên. Nhiều đêm, bất chấp bom đạn địch, chúng tôi phải vừa ngủ, vừa thay nhau múc nươc ở trong hầm trú ẩn đổ ra ngoài để chống ngập.

Quân Mỹ trụ vững, chúng ta sẽ khó kéo được Sư đoàn Lính thuỷ đánh bộ Mỹ ra ngoài công sự để dễ bề tiêu diệt. Tình hình này nếu kéo dài sẽ rất bất lợi cho ta.

Bộ Chỉ huy Mặt trận chỉ đạo: Phải đánh thẳng vào cứ điểm Cồn Tiên. Nếu có thời cơ và điều kiện chúng ta chiếm giữ một phần trận địa của địch. Chúng ta phải chủ động khiến cho kẻ địch bị động, điều lực lượng quân Mỹ ra Bắc Quảng Trị để tạo thời cơ cho các sư đoàn chủ lực của ta tiêu diệt chúng.

Trung đoàn 1 giao cho Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm tiến công hướng chủ yếu, từ Cồn Hụ theo hướng tây bắc đánh sâu vào bên trong cứ điểm Cồn Tiên. Các hướng còn lại từ phía tây và nam do các đơn vị bạn đảm nhiệm. Quân ta hình thành một thế trận lấn sâu, đánh hiểm. Khi có thời cơ ta sẽ chiếm giữ một phần trận địa địch như ý đồ của mặt trận.

Căn cứ vào tình hình thực tế lúc bấy giờ, Trung đoàn giao cho Đại đội Trinh sát làm nhiệm vụ mở cửa trên hướng tiến công chủ yếu, từ hướng tây bắc vào cứ điểm Cồn Tiên. Tôi được phân công làm Đội trưởng. Đại đội 59 và Đại đội 60 Đặc công của Mặt trận B5 sẽ đảm nhiệm mở trên các hướng còn lại.

Trong quá trình trinh sát điều tra, chúng tôi đã phát hiện hướng tây bắc cứ điểm Cồn Tiên có tới 16 lớp hàng rào dây kẽm gai. Ở giữa các lớp hàng rào có một bãi mìn rộng khoảng 50 mét. Chỉ cần qua một lớp hàng rào kẽm gai mà bị phát hiện, quân ta sẽ nếm đủ đòn hỏa lực mạnh của kẻ địch trong Cồn Tiên cũng như hỏa lực vòng ngoài chi viện tới. Xâm nhập bãi mìn, nếu quân ta sơ suất kích hoạt một quả mìn có thể sẽ châm ngòi cho nhiều quả mìn cùng nổ. Nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường và thương vong lớn cho lực lượng ta là điều không tránh khỏi.

Theo cách đánh thông thường khi mở cửa đánh địch trong công sự vững chắc như thế này, ta đều phải dùng sức mạnh bộc phá ống, mìn định hướng để lần lượt phá dỡ từng lớp rào kẽm gai và bãi mìn. Mở theo cách ấy, đối với việc cửa mở trên hướng chủ yếu vào cứ điểm Cồn Tiên phải cần 35 quả bộc phá ống cùng một số giá mìn định hướng ĐH10 cùng với 40 chiến sĩ tham gia mới đủ sức. Nhưng nếu như thế thì sẽ rất mạo hiểm, bởi vì lực lượng đội mở cửa quá đông, tổn thất lớn rất có thể xảy ra và khả năng mở cửa chưa chắc thắng.

Sau khi nhận nhiệm vụ làm Đội trưởng mở cửa đảm bảo cho Tiểu đoàn 2 đánh vào cứ điểm Cồn Tiên, tôi suy nghĩ rất nhiều. Làm thế nào để đạt được các yêu cầu: Bí mật, chớp nhoáng, hiệu quả mà ít thương vong và đỡ tốn vũ khí đạn dược. Ban Chỉ huy Đại đội Trinh sát đã trao đổi, bàn bạc rất kỹ. Chính trong cái khó đã ló cái khôn.

Về phần cá nhân, tôi mạnh dạn đề xuất: Muốn thông cửa mở trên hướng này, ta phải bí mật rà phá mìn và cắt gỡ những lớp hàng rào dây kẽm gai đơn giản. Đó là hàng rào đơn, hàng rào vướng chân. Các loại hàng rào còn lại sẽ dùng bộc phá ống và mìn định hướng ĐH10 để phá đồng loạt theo phương pháp bí mật liên kết. Ta sẽ điểm hỏa mở cửa đồng thời với loạt pháo đầu tiên của ta bắn vào vị trí địch. Ngay sau đó, trinh sát xử lí tiếp các công đoạn mở cửa còn lại. Cách làm này thay cho việc điều động 40 trinh sát, ta chỉ cần sử dụng 15 trinh sát, và như vậy trinh sát nhất định sẽ giảm thương vong và việc mở thông cửa mở sẽ khả thi hơn.

Ban Chỉ huy Đại đội Trinh sát cân nhắc kĩ và đã tán thành phương án mở cửa bằng bộc phá, mìn định hướng bí mật liên kết đồng loạt. Phương án mở cửa trên đã được trung đoàn thông qua.

- Các cậu bàn kỹ thực hiện "ba đúng" với từng anh em trong đội mở cửa: Đúng người, đúng việc, đúng thao tác. Đặc biệt bí mật khi đặt bộc phá và mìn định hướng. Nếu lộ sớm là chấp nhận đối đầu không cân sức với hỏa lực mạnh của địch. Khi đó nhiệm vụ mở cửa sẽ rơi vào tình huống cực kì nan giải - Tham mưu trưởng căn dặn.

- Rõ, thưa thủ trưởng! - Chúng tôi nhận lệnh, rồi lên đường về đơn vị.

Chấp hành mệnh lệnh của trên, Đại đội Trinh sát đã nhanh chóng thành lập Đội mở cửa. Có thể coi đây là "Đội xung kích cảm tử" mở đường đầy máu lửa vào cứ điểm Cồn Tiên. Đội mở cửa có 15 người, tôi là Đội trưởng, đồng chí Thỉ Trung đội trưởng làm Đội phó. Các chiến sĩ còn lại được chọn lựa kỹ và chia làm nhiều tổ để thực hiện từng nhiệm vụ được phân công.

Toàn đội tiến hành ngay một cuộc thảo luận phương án mở cửa, dân chủ lấy ý kiến của tất cả mọi người. Họp một lần thấy chưa ổn, lại tổ chức thêm một cuộc họp nữa. Anh em trinh sát trong đội đóng góp thêm nhiều sáng kiến hay. Nhất là cách thức bí mật vận chuyển, tập kết bộc phá và mìn định hướng vào trận địa từ trước; cách phá những hàng rào còn sót lại sau khi đã sử dụng bộc phá và mìn định hướng liên kết đồng loạt mà chưa có kết quả.

Đúng là nhiều người như rết nhiều chân. Ý kiến và sáng kiến của đồng đội làm cho phương án mở cửa ban đầu ngày càng hoàn thiện hơn, sát với thực tiễn và khả năng chiến đấu của quân ta hơn. Thống nhất được kế hoạch hành động, cả Đội mở cửa đều phấn khởi, tin tưởng và sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ cấp trên giao cho. Nhất trí được phương án mở cửa, nhưng chọn vị trí mở cửa lại là vấn đề đặt ra không hề đơn giản. Làm sao cửa mở phải là nơi thuận lợi nhất cho các đơn vị hỏa lực, bộ binh ta triển khai và thực hiện tiến công vào cứ điểm Cồn Tiên. Chọn hướng mở cửa phải là nơi hạn chế tối đa nhất việc phát huy hỏa lực mạnh của kẻ địch. Phía ta phải giảm được thương vong và dễ phát triển tiến vào trung tâm căn cứ của địch.

Sau khi nghiên cứu kĩ địa hình và địch, Trinh sát chúng tôi đã chọn đường mở cửa vào cứ điểm Cồn Tiên lệch sang phía phải chốt Cồn Hụ khoảng 50 mét. Căn cứ vào vị trí đường mở đã xác định, trinh sát lại tiếp tục điều tra kĩ các lớp hàng rào dây kẽm gai, bãi mìn, lô cốt, ụ súng ở hướng này. Tiếp theo chúng tôi đưa đón đoàn cán bộ của Tiểu đoàn 2 vào trinh sát thực địa để xác định vị trí triển khai bộ binh, triển khai hỏa lực, đặc biệt là để nhận rõ đường mở.

Trước đêm tiến hành mở cửa, anh em trinh sát đã bí mật tháo gỡ hết các loại mìn của địch bố trí xen kẽ trong 13 lớp hàng rào bên ngoài và bãi mìn rộng chừng 50 mét của địch theo đường mở dự kiến, sau đó ngụy trang lại thật kỹ để che mắt địch. Đồng thời Đội mở cửa đã bí mật vận chuyển bộc phá ống, mìn định hướng vào nơi tập kết đã định, sát gần với hàng rào cứ điểm Cồn Tiên bí mật và an toàn.

Buổi chiều hôm ấy. Đội mở cửa chúng tôi bí mật lên đường vào vị trí quan sát, theo dõi, nắm chắc mọi động thái canh gác, bố phòng của địch thêm một lần nữa. Tối mịt anh em chúng tôi lặng lẽ tiến vào cứ điểm Cồn Tiên. Khoảng 22 giờ, 15 chiến sĩ trinh sát cảm tử đã đưa bộc phá ống, mìn định hướng ĐH10 và các trang thiết bị tiếp cận chân hàng rào dây kẽm gai thứ nhất bí mật, an toàn.

Cứ điểm Cồn Tiên vẫn lạnh tanh như một khối thép nhưng tiềm tàng sức nóng chảy và có thể bốc lửa bất cứ lúc nào. Trời tối như mực. Tiếng côn trùng vẫn âm vang ra rả một vùng. Đôi lúc các cặp đèn pha địch quét lia qua lia lại dò xét cảnh giới. Vào lúc ấy, Đội Trinh sát mở cửa trên hướng chủ yếu tiến vào Cồn Tiên, lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tổ rà phá mìn đi trước, vừa đi vừa đánh dấu, mở đường cho cả đội mở cửa tiến vào. Tổ cắt phá hàng rào kẽm gai đơn và hàng rào vướng chân cũng theo ngay sau để thực hiện nhiệm vụ. Tổ vận chuyển, đặt bộc phá ống và mìn định hướng ĐH10 cũng vào việc ngay không chậm trễ một giây, phút nào. Gần như suốt đêm, toàn Đội mở cửa chúng tôi đã rất vất vả bóc gỡ hàng chục mét hàng rào kẽm gai đơn và vướng chân vòng ngoài, rồi khiêng vác hai giá mìn định hướng ĐH10 nặng và cồng kềnh qua các lớp rào kẽm gai vào đúng nơi đã định. Mồ hôi các chiến sĩ vã ra như tắm. Vừa hồi hộp lại vừa thấy lo lo. Nhưng rồi mọi việc cũng đã hoàn thành đúng mốc thời gian theo kế hoạch.

Trước khi trời sáng, toàn đội mở cửa đã rút lui ra ngoài, cách hàng rào kẽm gai đầu tiên chừng vài ba chục mét. Lợi dụng địa hình thoai thoải, toàn đội ẩn nấp vào vị trí an toàn. Tổ làm nhiệm vụ điểm hỏa bằng máy chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng nhấn nút khi có lệnh.

Cứ điểm Cồn Tiên chìm trong sương đục. Phía chân trời có những vệt mờ của ánh sáng hắt lên báo hiệu đã đến thời khắc sắp sáng. Bỗng từ phía chân trời xa ba phát pháo hiệu đỏ vụt sáng bay lên. Pháo binh của ta cùng lúc bắn cấp tập vào Cồn Tiên. Chỉ sau vài giây, đạn pháo gầm thét trùm lên căn cứ địch. Tổ điểm hỏa bộc phá bắt đầu nhấn nút điều khiển. Một dẫy dài bộc phá ống và dàn mìn định hướng đồng loạt nổ bung ra. Bụi khói mịt mù chạy dài theo hướng đường mở.

Pháo ta vừa chuyển làn, trinh sát chúng tôi xông lên kiểm tra cửa mở, cắm cờ hiệu làm tiêu cho bộ binh. Tổ bộc phá dự bị theo tôi xông lên phía trước. Hiệu quả mở cửa của bộc phá và mìn định hướng liên hoàn theo chiều dọc thật tuyệt vời. Con đường tiến vào cứ điểm Cồn Tiên đã được rộng mở. Trinh sát ta cắm cờ trắng thành hai hàng đánh dấu cửa mở với khoảng rộng chừng 5 mét, rồi tiếp tục vào sâu hơn. Đến lớp hàng rào bùng nhùng cuối cùng, thật không may một giá mìn định hướng ĐH10 của ta không nổ và không còn tác dụng nữa.

Hai chiến sĩ trinh sát nhanh nhẹn khênh đặt giá mìn định hướng ĐH10 dự bị đặt vào vị trí. Tôi ra lệnh điểm hỏa trực tiếp. Một chiến sĩ đã giật nụ xùy trong nháy mắt, rồi tất cả chạy nhanh theo đường cửa mở ra phía ngoài chừng 20 mét, nằm xuống tránh sóng xung kích do mìn ĐH10 của ta nổ thổi về phía sau... Giá mìn ĐH10 nổ tung, điểm nổ giá mìn quá gần, tôi ngất đi không biết bao lâu. Tỉnh lại đã thấy bộ binh ta đang ào ạt xông vào sâu trong cứ điểm của địch.

- Thủ trưởng Mai ơi! Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ mở cửa rồi! - Một trinh sát thấy tôi tỉnh lại mừng quá reo lên.

- Thu quân!... Về vị trí quy định nhanh lên - Tôi bật dậy ra lệnh.

Đội mở cửa ngược con đường đã mở để ra bên ngoài cứ điểm địch. Bên trong cứ điểm Cồn Tiên, tiếng súng đang rộ lên. Chắc chắn quân Mỹ quá bất ngờ và choáng váng trước đòn tấn công mãnh liệt. Có lẽ sau ít phút, chúng mới cố gắng chống trả...

Ra tới vị trí tập kết, tôi kiểm tra lại quân số. Đội mở cửa chúng tôi chỉ có một chiến sĩ trinh sát bị thương ở chân do đạp phải mìn díp lúc rút ra và thiếu trinh sát Nguyễn Hữu Tứ. Tôi thoáng nghĩ có thể Tứ đã bị lạc hay bị thương hiện còn ở trong hàng rào cứ điểm. Một tổ trinh sát bất chấp trong làn đạn địch đã quay trở lại hướng cửa mở để tìm kiếm. Các anh theo đường mở, lục soát bới tìm từng bụi cây, mỏm đá, đoạn hào. Không thấy vết tích trinh sát Nguyễn Hữu Tứ đâu cả. Các anh buồn bã quay trở ra. Trong thâm tâm ai cũng mong anh Tứ không bị hy sinh. Hy vọng anh vẫn còn dù là mong manh.

CCB Sư đoàn 324 về thăm gia đình thương binh Nguyễn Hữu Tứ (ngồi thứ hai hàng trên bên phải) là đội viên Đội mở cửa tiến công đánh lấn cứ điểm Còn Tiên, tháng 8 năm 1967. Ảnh chụp năm 2015.

Phía trong cứ điểm Cồn Tiên địch bắt đầu kháng cự rất mạnh. Lực lượng bộ binh Tiểu đoàn 2 đánh chiếm được các mục tiêu phía tây bắc Cồn Tiên theo đúng kế hoạch. Rất tiếc hai hướng còn lại của đơn vị bạn, không mở thông được cửa không vào tới các mục tiêu ở sâu trong cứ điểm của địch. Đội mở cửa trên các hướng đó và bộ binh ta bị thương vong đáng kể.

Trước tình thế ấy, Bộ Chỉ huy Mặt trận lệnh cho Tiểu đoàn 2 phải rút quân ngay khỏi vị trí đã chiếm giữ trong căn cứ Cồn Tiên trước khi trời sáng để tránh tổn thất.

Những ngày sau đó, trận địa bao vây cứ điểm của ta vẫn tiếp tục siết chặt. Trung đoàn đã sử dụng ĐKZ và các loại hỏa lực của đơn vị, cùng pháo binh thuộc mặt trận ngày đêm đánh phá liên tục rất hiệu quả vào Cồn Tiên.

Mấy ngày sau, đội trinh sát mở cửa nhận được tin: Du kích Do An đã tìm thấy chiến sĩ trinh sát Nguyễn Hữu Tứ. Anh bị thương vào đầu nhưng vẫn mang theo súng tìm đường về đơn vị. Du kích địa phương đã đưa Nguyễn Hữu Tứ ra Vĩnh Linh điều trị vết thương. Được tin anh còn sống, anh em trong đại đội mừng lắm. Mọi người như trút bỏ được bao nỗi lo âu, phấp phỏng. Cảm ơn các đồng chí du kích xã Gio An đã cứu được đồng đội của chúng tôi. Sau một tháng điều trị vết thương, trinh sát Nguyễn Hữu Tứ lại về với đơn vị tiếp tục chiến đấu trong niềm vui chung của tình đồng đội.

Nhiệm vụ mở cửa hoàn thành, Đội mở cửa của Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 được đánh giá rất cao. Một số chiến sĩ được tặng Huân chương Chiến công. Giữa tháng 9 năm 1967, tôi được thay mặt anh em Đội mở cửa cứ điểm Cồn Tiên của Đại đội Trinh sát Trung đoàn đi báo cáo điển hình tại Đại hội mừng công Mặt trận Đường 9 lần thứ nhất. Trong đại hội, Tiểu đội trưởng nuôi quân Trần Văn Tạ của Đại đội Trinh sát Trung đoàn, cũng báo cáo điển hình về thành tích nuôi quân trong chiến đấu. Trung đoàn 2 còn có đồng chí Nguyễn Hồng Ngân báo cáo điển hình thành tích dùng B-40, B-41 diệt được nhiều xe tăng địch. Nhiều phóng viên phỏng vấn tôi về kinh nghiệm chiến đấu. Trường Quân chính Quân khu IV, Trường Sĩ quan Lục quân tìm hiểu về phương pháp mở cửa táo bạo và sáng tạo khi đánh vào cứ điểm Cồn Tiên, nơi địch bố phòng vững chắc nhất trên chiến trường Đường 9- Bắc Quảng Trị.

Tôi đã trình bày rất đầy đủ và tỉ mỉ cách thức mở cửa. Không phải vì tôi muốn kể thành tích mà ngày ấy những trận đánh công sự vững chắc, Đội mở cửa của ta thường bị thương vong nhiều, nên cần phải nghiên cứu kỹ cách mở cửa. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị bạn trên chiến trường tiến hành mở cửa trong đánh công sự vững chắc, giảm bớt thương vong tổn thất.

Giữa tháng 10 năm 1967, Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 1 là anh Nguyễn Văn Hiệt bị thương nặng được đưa ra miền Bắc điều trị. Anh Hiệt là người có bản lĩnh, là Tổ trưởng Đảng hồi năm 1966. Anh đã cùng tổ Đảng ra nghị quyết chuyển vị trí đóng quân của Phân đội Trinh sát ra vùng Khe Bông theo đề xuất của tôi và đã bảo toàn được lực lượng. Anh là người đã gieo vào tôi niềm tin và chí hướng phấn đấu trở thành Đảng viên trên chiến trường Quảng Trị. Anh Nguyễn Văn Hiệt cũng là người cùng với Đại đội trưởng Hà Quang Minh giới thiệu tôi vào Đảng hồi tháng 10 năm 1966.

Dự đại hội mừng công trở về đơn vị được một ngày, tôi được Chính ủy trung đoàn giao quyết định giữ chức Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn thay cho đồng chí Nguyễn Văn Hiệt. Thời điểm ấy, Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 do anh Nguyễn Bá Cự làm Chính trị viên. Anh Khang quê ở Thanh Hóa làm Chính trị viên phó. Anh Cừ quê ở Ninh Bình làm Đại đội phó.

Đồng chí Nguyễn Bá Cự ,nguyên Chính trị Viên - Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 từ năm 1966 - 1968 (bên phải)) chụp ảnh cùng tác giả tháng 7 năm 2017 tại xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An.

Tôi vẫn thường gọi anh Nguyễn Bá Cự là thủ trưởng, vì anh hơn tôi gần 10 tuổi và hồi năm 1965, đơn vị đóng quân ở huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, anh Cự là Chính trị viên phó đại đội. Anh cũng là người đã trực tiếp nhận tôi về làm chiến sĩ Đại đội Trinh sát Trung đoàn. Cũng chính vì vậy, trong quá trình tôi làm Đại đội trưởng, Chính trị viên Nguyễn Bá Cự không những giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ mà trong chiến đấu, anh còn quan tâm, chăm sóc tôi như người em trong nhà. Tôi nhớ lại một buổi tối tháng 3 năm 1968, tại làng Sơn Tùng, huyện Phong Điền Tỉnh Thừa Thiên, anh Nguyễn Bá Cự nói với tôi: "Anh Mai tranh thủ nghỉ ngơi cho khỏe để có sức tập trung chỉ huy bộ đội chiến đấu cho tốt; còn mọi việc,kể cả đốc gác, công tác hậu cần để tôi lo". Anh Cự thương tôi vất vả, muốn làm thay một phần việc của Đại đội trưởng để tôi dành sức chỉ huy bộ đội. Anh Cự đã thể hiện tấm lòng của một người anh trong suốt thời gian dài chiến đấu ác liệt ở đồng bằng Thừa Thiên cho đến khi anh rời đơn vị đi nhận nhiệm vụ mới. Đến bây giờ, trong tim tôi vẫn in đậm những tháng ngày chiến tranh đầy máu lửa nhưng cũng đầy ắp tình đồng đội, tình người ấy.

Lê Huy Mai, nguyên Đại đội trưởng - Đại đội Trinh sát Trung đoàn 1 từ năm 1967 đến năm 1968. Ảnh chụp tháng 10 năm 1967 tại Gio An, Gio Linh ,Quảng Trị.

Thế là sau gần bốn năm chiến đấu, công tác đầy gian nan trên chiến trường, được rèn giũa, tôi luyện, và được đồng đội giúp đỡ, tôi đã trở thành Đại đội trưởng Trinh sát Trung đoàn. Tôi tự thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao và nhiệm vụ thật nặng nề. Cảm ơn đơn vị và đồng đội đã giúp tôi trưởng thành theo năm tháng ở chiến trường Đường 9 - bắc Quảng Trị.

8

Một ngày đầu tháng 11 năm 1967, đơn vị đóng quân ở làng An Nha, nam sông Bến Hải. Anh em trinh sát có một ngày nghỉ dưỡng sức. Gọi là nghỉ thôi nhưng cũng không thể mất cảnh giác với máy bay Mỹ đến thình lình quăng bom, bắn rốc két vào bất cứ lúc nào... Ngồi bên cửa hầm trú ẩn, quan sát bầu trời, tôi thấy một tốp máy bay AD6 của Mỹ. Không vòng vo, quần lượn, chúng chúi đầu lao xuống cắt bom đánh thẳng vào vị trí trú quân của một đơn vị thuộc Tiểu đoàn hai, cách vị trí đóng quân Đại đội Trinh sát chừng 1 ki-lô-mét. Sau mấy loạt bom nổ ở hướng Tiểu đoàn hai, một chiếc AD6 bất ngờ choảng bom trúng vào đội hình đơn vị của chúng tôi. Bom nổ ở cự ly rất gần, hất tôi văng xuống cửa hầm trú ẩn. Toàn thân đau điếng. Trời đất tối sầm lại. Mảnh bom, đất vụn, đá vỡ bay vèo vèo.

Tôi cố trồi lên khỏi hầm. Không biết mình có bị thương chỗ nào không nhỉ? Tôi nghĩ thế và tự kiểm tra thân thể mình. Sau đó tôi hô to lên:

- Các đồng chí ơi, có ai việc gì không?

Mấy chiếc AD6 là máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ. Chúng cắt bom xong rồi chuồn thẳng ra ngoài biển. Tôi cố dụi và căng mắt quan sát xung quanh. Nhìn sang bên phải, cách vài ba chục mét, tôi phát hiện hầm anh Quyến Đại đội phó bị trúng bom. Tôi lao đến nơi có hố bom, thấy y tá Ánh cũng tới đó.

- Mũi và tai anh chảy máu rồi kìa - Nhìn tôi, Ánh la to.

- Không sao đâu, huy động anh em đến cứu anh Quyến ngay đi - Tôi nói.

Y tá Ánh chạy đi. Vài phút sau anh quay lại cùng mấy chiến sĩ trong đơn vị. Tôi ghé sát và áp tai xuống mặt đất. Không nghe rõ tiếng gì, nhưng dường như tôi cảm nhận có tiếng người đang rên, kêu cứu.

- Đào ngay, dưới ấy có người còn sống đang gọi chúng ta! - Tôi ra lệnh.

Mọi người hối hả đào bằng xẻng, bới bằng tay. Nhanh đến cuống cuồng nhưng cũng nhẹ nhàng vì sợ va chạm vào đồng đội nằm dưới đất. Độ mươi phút đào bới, anh em chạm phải những cây gỗ, mái hầm chữ A. Căn hầm không còn nguyên vẹn, chúng tôi vội vàng lật mấy cây gỗ mái hầm và tìm được Trung đội trưởng Đinh Minh Chúng quê ở Quảng Bình bị thương vào vai và hai chiến sĩ bị sức ép.

Đào bới tiếp, lát sau chúng tôi mới tìm thấy Đại đội phó Nguyễn Văn Quyến. Chúng tôi vội đưa anh Quyến từ trong lòng đất ra ngoài. Tim anh ấy dường như đã ngừng đập nhưng cơ thể anh vẫn mềm, vẫn còn hơi nóng ấm tuy khó nhận ra nhịp thở. Y tá Ánh liên tục ấn bóp tim, hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo. Vẫn chưa thấy anh Quyến tỉnh lại, tôi lo lắng ra lệnh:

- Đưa gấp đồng chí Quyến về ngay Bệnh xá Trung đoàn.

- Không thể kịp đâu. Bây giờ ngừng động tác cấp cứu lúc nào là hết ngay hy vọng lúc đó - Y tá Ánh buồn bã trả lời.

Mồ hôi y tá Ánh túa ra bết tóc trên mặt, trên trán.

- Còn cách nào nữa không? - Tôi hỏi gấp.

- Còn một cách duy nhất có thể! - Ánh đáp ngập ngừng.

- Sao không thực hiện cách ấy nhanh lên! - Tôi giục.

- Chỉ còn cách tiêm thuốc trợ tim trực tiếp! - Ánh nói.

- Làm ngay còn chần chừ gì! - Tôi thúc giục y tá Ánh.

- Thưa anh, chỉ có bác sĩ mới được phép thực hiện cách ấy. Em chỉ là y tá... Không ai cho phép em làm vậy - Ánh nói giọng lúng túng.

- Nếu không làm cách ấy, vài phút nữa là vô phương cứu chữa. Trong trường hợp này Ánh thực hiện đi. Tôi quyết, tôi chịu trách nhiệm. Đây là trường hợp sinh tử của đồng đội, không cho phép ai do dự! - Tôi nói hơi gay gắt.

Y tá Ánh làm công tác chuẩn bị rất nhanh với bộ xi lanh đầy thuốc có cây kim tiêm 7cm. Anh cắm thẳng cây kim vào ngực trái Đại đội Phó Quyến, rồi bơm thuốc hỗ trợ phục hồi nhịp đập vào trái tim lúc ấy đã quá yếu. Tất cả mọi người lặng đi! Cứ ngỡ rằng thời khắc vĩnh viễn ra đi của Đại đội phó Quyến đã đến...

Nước mắt tôi đã ứa ra. Đồng đội vây quanh ai cũng ngậm ngùi... Nhưng lạ thay, điều kì diệu lại xuất hiện đúng lúc đó. Khoảng một phút sau, Anh Quyến động đậy tay chân và từ từ mở mắt. Nhịp tim, hơi thở dẫu còn rất yếu nhưng đang dần dần hồi phục. Ít phút sau, cơ thể Đại đội phó Trinh sát như hồi sinh trở lại.

- Thành công rồi! thành công rồi! - Y tá Ánh reo lên.

Mọi người hết ôm anh Quyến lại ôm y tá Ánh. Tất cả đều cảm phục sự kì diệu của cả hai anh trong phút chốc. Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng nữa, anh em mới vội đưa thương binh về bệnh xá trung đoàn. Anh Quyến sau đó ra Bắc an dưỡng. Y tá Ánh được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đơn vị vượt qua được một tổn thất. Lực lượng trinh sát vẫn còn sung sức sẵn sàng cho các trận đánh lớn tiếp theo. Năm 1968, y tá Ánh được điều về Bệnh xá Trung đoàn, rồi đi học Đại học y ngoài Hà Nội. Từ ngày ấy đến nay, tôi không gặp lại anh bạn y tá tài năng này nên không biết bây giờ Ánh ở đâu?

9

Những ngày cuối năm 1967, chiến trường bắc Quảng Trị ngày càng ác liệt. Đại đội Trinh sát vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điều tra bổ sung, phục vụ các đơn vị bao vây đánh lấn cứ điểm Cồn Tiên.

Giữa tháng 11, tổ trinh sát bốn đồng chí gồm: Tỉnh (quê ở Ninh Bình), Nẩy, Duyên (quê ở Thanh Hóa) và Cậy (quê ở Hà Nam) do đồng chí Tỉnh phụ trách được giao nhiệm vụ điều tra bổ sung phía tây bắc cứ điểm Cồn Tiên. Hôm ấy khoảng nửa đêm, tổ trinh sát đã bí mật luồn qua nhiều lớp hàng rào kẽm gai thì gặp bãi mìn. Sau khi làm mất tác dụng được gần 20 quả mìn các loại, đồng chí Tỉnh đã cho anh em rút lui vì không còn đủ thơi gian vào sâu hơn nữa. Tổ trinh sát của Tỉnh quay ra đến hàng rào thứ hai, do sơ suất, một chiến sĩ trinh sát đè phải quả mìn M-14. Mìn nổ, Tổ trưởng Tỉnh và đồng chí Duyên hy sinh tại chỗ. Thân thể đồng chí Tỉnh không còn nguyên vẹn. Cậy thì bị thương nhẹ, chỉ còn Trần Văn Nẩy an toàn.

Mấy hôm sau, tổ trinh sát thứ hai của đại đội gồm bốn đồng chí cũng bị vướng mìn khi đã chui qua hàng rào thứ nhất cứ điểm Cồn Tiên hai đồng chí hy sinh, bị thương một, chỉ còn đồng chí Thoa (quê ở thanh Hóa) an toàn.

Mỗi lần mìn nổ, địch trong cứ điểm Cồn Tiên đã dùng đại liên, 12,8 ly, cối 60 ly bắn như vãi đạn hàng giờ vào đội hình trinh sát ta. Sau khi địch dừng bắn, không biết bằng cách gì, lấy hơi sức ở đâu mà đồng chí Trần Văn Nẩy và đồng chí Thoa đã đều đưa được hai liệt sĩ, một thương binh cùng toàn bộ vũ khí luồn qua hàng rào dây thép gai của địch ra ngoài cứ điểm Cồn Tiên, rồi mang vác thi hài đồng đội và đưa được thương binh ra cách cứ điểm của địch khoảng một ki-lô-mét trước khi trời sáng.

Sau khi tìm nơi an toàn cất dấu thương binh liệt sĩ, các anh ấy đã về đơn vị báo cáo. Nhờ hành động dũng cảm ấy, đơn vị chúng tôi đã kịp thời đưa thương binh về bệnh xá trung đoàn cứu chữa và đưa liệt sĩ về nơi an táng chu đáo. Cán bộ, chiến sĩ Đại đôi Trinh sát kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn những đồng đội đã anh dũng hy sinh và rất ngưỡng mộ tinh thần và nghị lực của các đồng chí Thoa và Nẩy.

Thời điểm ấy, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 cùng lực lượng của mặt trận tiếp tục bao vây cứ điểm Cồn Tiên ngày càng chặt hơn. Pháo binh từ bờ bắc sông Bến Hải và các đơn vị ĐKZ, cối 82, 12,7 ly bắn phá cứ điểm ngày càng mãnh liệt. Các loại hoả lực của ta tìm mọi cách, ở mọi thời điểm để bắn vào Cồn Tiên nhằm tiêu diệt địch ở mức cao nhất. Lô cốt mẹ và hàng loạt lô cốt con, ụ súng của địch bị san phẳng. Trên hướng Cồn Hụ, lực lượng công binh do đồng chí Ân - Trung đội trưởng chỉ huy đã làm nhiều bệ phóng tự tạo, dùng bộc phá đẩy hàng loạt bom mìn vào trong cứ điểm Cồn Tiên, làm cho địch hoảng loạn, khốn đốn.

Không những địch hoang mang vì đòn hoả lực mạnh của pháo binh, mà chúng còn hoảng hồn, mất ăn mất ngủ bởi súng bắn tỉa của quân ta. Cả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn nấp trong lô cốt boong ke, công sự kiên cố mỗi lần thò đầu lên hoặc liều mạng di chuyển vị trí, lập tức chúng bị các tay súng bắn tỉa thiện xạ của ta tiêu diệt. Bộ đội ta thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo: "Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt".

Kẻ địch trong cứ điểm tăng cường các hoả điểm mới để đối phó, chống đỡ. Hoả điểm nào của địch xuất hiện, ĐKZ, đại liên, 12,7 ly của ta lập tức tập trung dập tắt. Đặc biệt Khẩu đội ĐKZ 82 của Đại đội 4, Tiểu đoàn 3 (lực lượng tăng cường) đã bám trụ trên hướng làng Xuân Hòa Nam suốt mười ngày, luôn áp sát cứ điểm Cồn Tiên. Mỗi ngày khẩu đội bắn từ ba đến năm quả đạn rất chính xác vào các hỏa điểm địch mới xuất hiện, làm cho chúng càng hoảng sợ.

Để cố gỡ thế bị động, địch đã sử dụng nhiều tốp máy bay đến chi viện đánh phá vào trận địa vây lấn của ta rất ác liệt. Các đơn vị phòng không 12,7 ly của ta khống chế tầm thấp. Pháo phòng không mặt trận ở vòng ngoài khống chế tầm cao, tầm trung. Tất cả đã làm cho địch gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tế, chi viện cho Cồn Tiên.

Trong những ngày vây ép cứ điểm Cồn Tiên, hàng chục cuộc phản kích của địch đều bị lực lượng ta bẻ gẫy. Chúng bị tiêu hao nhiều sinh lực. Đến thời điểm ấy, chúng ta đã kéo được hầu hết Sư đoàn thủy quân lục chiến của Mỹ ra bắc Quảng Trị. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 1 đã tiêu diệt hàng trăm tên lính thủy đánh bộ Mỹ ở vùng đồng bằng ven biển huyện Gio Linh. Nhưng theo ý định của mặt trận ta phải tiếp tục kéo bằng được toàn bộ Sư đoàn thủy quân lục chiến và cả Sư đoàn Dù, lực lượng dự bị chiến lược của Mỹ ra Đường 9 để giảm áp lực cho các chiến trường phía trong, chuẩn bị cho nhiệm vụ tấn công địch trong mùa khô năm 1968.

Mặt trận B5 ra lệnh cho các đơn vị: "Ép Cồn Tiên mạnh hơn nữa, kéo bằng được Sư đoàn Dù của Mỹ ra bắc Quảng Trị để tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường bạn". Để thực hiện nhiệm vụ trên, Trung đoàn chỉ thi cho Đại đội Trinh sát tiếp tục điều tra bổ sung, đảm bảo cho các đơn vị đánh lấn sâu, vây ép chặt hơn nữa cứ điểm Cồn Tiên.

Chiều ngày 14- 01-1968, tôi đi cùng tổ trinh sát tiếp tục điều tra bổ sung trên hướng tây bắc cứ điểm Cồn Tiên. Chốt Cồn Hụ vẫn là bàn đạp quan trọng số một của lực lượng trinh sát trên hướng này. Tổ trinh sát gồm tôi, Nguyễn Văn Vẻ người Ninh Bình, Lê Văn Kim người Thanh Hoá và một chiến sĩ mới. Chúng tôi đến chốt Cồn Hụ quan sát tình hình địch. Mờ tối, trinh sát bắt tay chào anh em bộ binh chốt Cồn Hụ để lên đường vào cứ điểm Cồn Tiên. Khoảng 4 giờ hôm sau, trong lúc tổ trinh sát chúng tôi đang trên đường từ Cồn Tiên rút ra thì pháo địch dồn dập bắn vào chốt Cồn Hụ. Trận pháo kích kéo dài tới mờ sáng. Pháo địch vừa dứt, anh em chúng tôi vội vã quay trở về Cồn Hụ. Cảnh tượng thật kinh hoàng, vắng lặng. Khói trên mặt đất bốc lên nghi ngút. Bụi bay vẫn chưa tản hết. Mùi thuốc đạn vẫn bốc lên nồng nặc, khét lẹt. Công sự của ta trên chốt Cồn Hụ hầu như bị san phẳng.

Mọi lần khi trinh sát đến chốt, các đồng chí bộ binh đều ra đón chúng tôi. Lần này Cồn Hụ im lặng vắng ngắt đến rợn người. Chẳng nhẽ các đồng chí ấy rút ra trước trận pháo kích của địch? Các chiến sĩ trinh sát bới tìm từng đoạn giao thông hào, từng căn hầm đã bị phá sập vùi lấp nham nhở... Trong hai căn hầm trú ẩn trên chốt Cồn Hụ bị sập do pháo của địch bắn trúng, anh em trinh sát tìm thấy hai đồng chí hy sinh và bốn đồng chí bị thương. Chúng tôi còn tìm thấy một chiến sĩ ta hy sinh ở chiến hào tiền duyên. Chắc anh ấy hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ cảnh giới.

Cả tiểu đội bộ binh chiến đấu ở chốt Cồn Hụ nhiều ngày qua, hôm nay bị thương và hy sinh tất cả. Chúng tôi lặng người xót xa. Nét mặt anh em trinh sát ai cũng căng thẳng. Buổi sáng hôm ấy, không khí trên chốt Cồn Hụ thật nặng nề. Tôi chưa bao giờ gặp tình huống pháo địch đánh vào trận địa chốt trên điểm cao mà ta bị thương vong tất cả như vậy. Phải báo ngay về Tiểu đoàn 2 và Sở Chỉ huy phía trước của Trung đoàn. Nhưng mọi phương tiện thông tin trên chốt Cồn Hụ đều bị phá hỏng. Không thể bỏ chốt Cồn Hụ, một vị trí quan trọng nằm trong thế trận bao vây Cồn Tiên. Bỏ chốt đồng nghĩa với mất chốt. Mất chốt là bỏ mất thế trận bao vây. Càng không thể bỏ được cùng một lúc cả bốn thương binh và ba liệt sĩ nằm lại nơi này. Phải quyết giữ chốt Cồn Hụ. Ý nghĩ và quyết tâm ấy đã được truyền tới cả tổ trinh sát và trở thành mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chúng tôi.

Sau khi băng bó cho anh em thương binh và bó gói các đồng chí liệt sĩ xong, anh em trinh sát đã khẩn trương củng cố giao thông hào, hầm trú ẩn và công sự chiến đấu để sẵn sàng đối đầu với cả kẻ thù trên trời lẫn kẻ thù dưới mặt đất. Linh tính người lính trinh sát đã mách bảo sau trận pháo kích dữ dội có tính chất huỷ diệt này, nhất định bộ binh địch sẽ đánh lên. Kẻ thù quyết tâm nhổ bằng được chốt Cồn Hụ quan trọng này của ta.

Chúng tôi còn rất ít thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới không cân sức, không dễ dàng này. Khoảng 7 giờ 30 hôm ấy, pháo và cối của địch lại cấp tập vào chốt Cồn Hụ khoảng 10 phút. Dứt loạt pháo, cối, khoảng một đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ chừng một trăm tên từ hướng đông nam và hướng đông ào ạt xông lên chiếm chốt...

Tổ trinh sát bốn tay súng đã sẵn sàng, mặc dù lực lượng mỏng, vũ khí ít, đạn không còn là bao. Cuộc đọ sức này là tình thế bắt buộc, phải đối đầu không còn cách lựa chọn nào khác. Địch đến vừa tầm bắn, chúng tôi vẫn chưa nổ súng. Địch đến gần hơn nữa, chúng tôi đồng loạt xả đạn vào quân Mỹ. Bọn Mỹ bị đánh vỗ mặt, chúng bỏ chạy tán loạn. Hàng chục lính Mỹ bị bắn gục trước công sự trận địa ta vài ba chục mét. Tiếp theo đó, không biết bao lần pháo cối của địch cày xới như lật đi, quật lại, vần vò trận địa chốt Cồn Hụ của ta. Cứ mỗi lần hỏa lực địch dừng bắn, bộ binh Mỹ lại liều lĩnh xông lên chốt. Lại những loạt đạn và lựu đạn từ chiến hào chúng tôi bung ra. Bọn Mỹ lại kéo nhau lùi xuống. Có một số tên chết gục dọc đường. Trong lúc đó, hai trong số bốn đồng chí bộ binh dù bị thương nhưng vẫn gượng dậy hỗ trợ trinh sát đánh địch. Thêm hai tay súng dù cơ động không nhanh nhưng hỏa lực cũng mạnh thêm một phần đáng kể để giữ chốt.

Lúc ấy, súng cối của Tiểu đoàn 2 phía quân ta bắt đầu bắn sang, găm thẳng vào đội hình Lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Được hỏa lực chi viện, chúng tôi càng đánh càng hăng, bẻ gãy nhiều đợt tấn công đánh chiếm chốt của kẻ địch...

Do địch không nắm được lực lượng của ta và đã tiến công cả buổi sáng không chiếm được chốt, buổi chiều chúng thay đổi cách đánh. Bộ binh Mỹ lùi ra xa chốt Cồn Hụ chừng 500 đến 700 mét. Máy bay trinh sát L19 của Mỹ vè vè dùng đạn khói chỉ điểm cho máy bay ném bom đào, bom cháy, bom lân tinh hủy diệt chốt Cồn Hụ. Trận bom thù rền rĩ chụp xuống Cồn Hụ kéo dài khoảng 1 giờ.

Đồng chí Nguyễn Văn Vẻ bị thương nặng vào đùi, vào bụng. Tôi cố gắng cầm máu băng bó nhưng không thể nào cứu anh được. Vết thương của anh Vẻ quá nặng, lại ra nhiều máu. Anh lả đi trong vòng tay tôi. Trước khi tắt thở anh còn thều thào:

- Anh Mai ơi! Em không sống được nữa rồi... Không được đi trinh sát với các anh... anh!

Giọng anh Vẻ đuối dần rồi tắt lịm. Anh nhắm nghiền đôi mắt, thanh thản như người đi vào giấc ngủ bình yên. Bất chấp bên ngoài đạn bom vẫn đang nổ, tôi đặt người đồng đội thân yêu vừa ra đi của mình nằm ngay ngắn trong căn hầm, rồi ôm khẩu súng lao ra chiến hào chặn địch.

Đến khoảng 15 giờ, hai đồng chí bộ binh bị thương đã cùng trinh sát chúng tôi đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của địch. Các anh cũng đến lúc sức cùng lực kiệt. Không còn đủ sức chiến đấu vì đã mất nhiều máu, các anh đã ngất xỉu biết bao lần. Biết đồng đội và trận địa rất nguy nan nhưng lực bất tòng tâm, các anh không thể gắng gượng được nữa.

Chốt Cồn Hụ chỉ còn lại ba tay súng. Dứt pháo, bọn lính thuỷ đánh bộ Mỹ lại hò hét xông lên. Ba tay súng lại hợp đồng tác chiến mau lẹ. Chúng tôi chặn đứng cả hai hướng tiến công, đánh bật chúng quay lui xuống chân đồi. Trong lần đánh chặn địch ấy, chiến sĩ trinh sát mới của chúng tôi bị thương vào tay và vào chân, không thể chiến đấu được nữa. Trên chốt Cồn Hụ chỉ còn lại hai tay súng, tôi và đồng chí Kim.

Hai chúng tôi đều nhận ra, buổi chiều kẻ địch đã thay đổi cách đánh. Hầu hết các đợt tấn công của lính Mỹ lên chốt cứ thấy ta còn nổ súng đánh trả thì chúng lại lùi ra xa. Chúng gọi pháo binh và máy bay đánh phá để tiêu hao lực lượng ta. Cứ như vậy, sẽ đến lúc ta không còn người để mà đánh chặn, giữ chốt. Nếu không có lực lượng bộ binh lên chi viện, trận địa sẽ lọt vào tay địch. Thương binh sẽ bị bắt. Liệt sĩ không được hưởng các thủ tục và an táng theo quy định. Lúc ấy thật là xót xa. Vì vậy, tôi đã quyết định cử đồng chí Kim bí mật về Sở chỉ huy Tiểu đoàn 2 (cách Cồn Hụ chừng 1 ki-lô-mét) xin chi viện, càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là làm sao giữ vững cho được chốt Cồn Hụ quan trọng này.

Đồng chí Kim nhận lệnh xuất phát ngay. Trước khi rời trận địa, Kim còn ngoái lại nhìn tôi một lần nữa. Kim lo có thể mình bị nằm lại dọc đường không về tới đơn vị. Cũng có thể anh về được tiểu đoàn đưa được lực lượng cứu viện của ta lên chốt, chắc gì tôi còn sống để đón anh lên nữa. Mắt đồng chí Kim ngấn lệ! Đôi chân dày dạn của trinh sát Kim đã vững bước dẫn dắt anh vượt qua bao làn đạn bom. Anh thật khéo léo lợi dụng địa hình, địa vật tìm mọi cách che mắt địch để luồn lách đi về hướng Tiểu đoàn 2 xin cứu viện...

Khoảng 16 giờ địch lại xông lên chốt Cồn Hụ. Một mình tôi một trận địa, cơ động bắn trả địch ở ba vị trí khác nhau và đã đánh lừa được chúng. Gần 17 giờ địch lại tiếp tục xông lên chốt một lần nữa. Vẫn một mình tôi nhả đạn vào đội hình quân Mỹ, buộc chúng phải quay xuống chân đồi. Sau đợt đánh chặn quân Mỹ ấy, đồng chí Kim đã quay trở lại cùng với bộ binh tiểu đoàn 2 lên chi viện cho trận địa chốt Cồn Hụ. Thương binh, liệt sĩ được đưa gấp về tuyến sau. Mờ tối, sau khi bàn giao trận địa chốt Cồn Hụ cho bộ binh nắm giữ, tôi trở về đơn vị.

Trời tối mịt, tôi đi ngang qua lán quân y, bỗng nghe y tá Ánh thất thanh:

- Anh Mai! Anh bị dính lân tinh rồi kìa. Cởi ngay áo quần vứt đi.

Bấy giờ tôi mới hốt hoảng, thấy áo quần đang phát sáng. Thứ ánh sáng xanh len lét. Lửa không ra lửa, điện không ra điện. Nó giống như thứ ánh sáng ma trơi, đom đóm rừng, con giời leo. Tôi vội vàng cởi toang trút bỏ mọi thứ trên người, vứt ra đất. Nhìn thấy chất lân tinh dính vào quần áo mà rợn người. Y tá Ánh nhanh nhẹn lấy nước sun phát đồng pha loãng, dội rửa nhiều chỗ trên cơ thể tôi. Tắm xong nước sun phát đồng pha loãng, tôi mới được mặc áo quần anh em vừa mang tới. Thật là một phen hú vía. Chậm một chút nữa tôi sẽ bị thương vì bom lân tinh rồi.

- Còn ai nữa cùng anh bị bom lân tinh không? Y tá Ánh hỏi tiếp.

- Còn một số đồng chí thương binh trên chốt Cồn Hụ vừa được đưa về Bệnh xá Trung đoàn - Tôi trả lời.

Y tá Ánh cùng tôi vội vã điện ngay xuống Bệnh xá Trung đoàn yêu cầu họ xử lý lân tinh cho thương binh trên chốt mới về. Nhưng không kịp cho nên mắt của một số đồng chí bị thương dính bom lân tinh đã không thể cứu chữa được nữa. Anh Kim về đến đơn vị hơi muộn nhưng được y tá Ánh tắm nước sun phát đồng như tôi nên được an toàn.

Từ giữa tháng 01 năm 1968, ta vây ép cứ điểm Cồn Tiên hiệu quả hơn và đã đánh bại lực lượng phản kích tại chỗ của kẻ địch. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 đánh thắng nhiều trận ở Nhị Thượng, Lâm Xuân huyện Gio Linh.

Vào ngày 20 tháng 1, một đơn vị bạn đánh vào điểm cao 881, mở màn Chiến dịch Khe Sanh ở huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, buộc lực lượng còn lại của Sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ phải đổ bộ xuống khu vực Khe Sanh. Lính Mỹ đã bị lực lượng của ta chờ sẵn, đánh thiệt hại nặng ngay từ khi đứng chân chưa vững. Trước tình thế đó, Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lúc bấy giờ đã phải tập trung lực lượng và hỏa lực pháo binh, không quân chi viện tối đa cho chiến trường bắc Quảng Trị.

Như vậy, chúng ta đã lừa được địch, kéo được quân Mỹ ra bắc tỉnh Quảng Trị theo kế hoạch của mặt trận. Và đương nhiên chúng ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường phía nam tiến công tiêu diệt địch trong mùa xuân năm 1968. Trong chiến công chung đó, Trung đoàn 1 của chúng tôi cùng các đơn vị bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mặt trận giao cho. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top