Chương 2 - TÔI TRỞ THÀNH NGƯỜI CHIẾN SĨ
1
Tháng 10 năm 1963, có một đợt tuyển quân tại địa phương. Tôi xung phong vào bộ đội. Qua các vòng tuyển chọn, so với tiêu chuẩn, sức khỏe của tôi khá tốt, chiều cao đủ tiêu chuẩn, nhưng cân nặng chỉ có 41,5 ki-lô-gam (thiếu một ki-lô-gam, so với tiêu chuẩn nhập ngũ). Tôi đã trực tiếp xin các anh phụ trách cân đo ghi tăng thêm một ki-lô-gam, thành 42,5 một ki-lô-gam để đủ điều kiện trúng tuyển. Vì vậy, tôi đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và sẽ nhập ngũ vào đầu năm 1964.
Được tin tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đám thanh niên trong làng, trong xã kể với nhau thành những câu chuyện vui và ly kỳ. Nào là trước khi lên cân khám tuyển nghĩa vụ quân sự thằng Mai đã ăn thật no, uống rất nhiều nước, hoặc Mai đã bí mật thủ một cục đá ở trong người mà bộ phận khám nghĩa vụ quân sự không phát hiện ra... Bởi vì anh em thanh niên trong xóm, trong xã lúc bấy giờ đều biết tôi rất gầy và nhỏ nên không thể đủ cân nặng để đi bộ đội được.
Còn câu chuyện về tuổi đi bộ đội của tôi nữa cũng phải nhờ các chú ở Ủy ban nhân dân hành chính xã sửa giúp. Tôi sinh ngày 23-5-1946 mà lại xung phong đi bộ đội đợt cuối năm 1963 đầu năm 1964 nên thiếu mất mấy tháng. Vào thời điểm đó, khám và tuyển chọn đi bộ đội nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo tiêu chuẩn qui định nghiêm ngặt. Xét theo nguyện vọng muốn nhập ngũ của tôi, các chú cán bộ Ủy ban nhân dân xã Giao Tiến đã ghi vào hồ sơ của tôi là: Lê Huy Mai sinh ngày 15-12-1945. Lý do tôi tăng thêm 1 tuổi là như vậy. Cuối tháng 12 năm 1963, tôi có giấy gọi nhập ngũ.
Ăn Tết Nguyên Đán xong, ngày 24-02-1964, chính quyền và nhân dân xã Giao Tiến tổ chức đưa tiễn anh em thanh niên lên đường nhập ngũ. Chúng tôi nhận quà của gia đình, của đoàn thể, của bạn bè; có người còn được nhận quà của người yêu trước khi lên đường, rất vui...
Đợt nhập ngũ ngày 24-02-1964 của xã Giao Tiến có hơn 20 thanh niên, trong đó có anh Tống Nam Phong, quê Thái Bình, giáo viên trường cấp 1 (nay gọi là Tiểu học) xã Giao Tiến, anh là người lớn tuổi và từng trải hơn. Lúc bấy giờ, anh Tống Nam Phong được coi là chỗ dựa tinh thần của cả nhóm tân binh chúng tôi.
Sau này, anh Tống Nam Phong ở cùng một trung đoàn và cùng chiến đấu, công tác với tôi ở chiến trường Trị Thiên. Đến năm 1971, anh Phong được đi học rồi chuyển đi đơn vị khác. Hiện nay anh Phong nghỉ hưu ở quận 12 thành phố Hồ Chí Minh với quân hàm Trung tá. Những lần có dịp qua Sài Gòn, tôi vẫn đến thăm anh và gia đình.
Sau khi nhận đủ quân, các anh cán bộ khung tuyển quân do anh Lê Đồng phụ trách, đưa anh em chúng tôi hành quân bộ khoảng 10 ki-lô-mét về doanh trại đơn vị ở gần bến phà Lạc Quần, thuộc xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chúng tôi tạm thời được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 46, Quân khu 3. Anh Lê Đồng cùng ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, cùng chiến đấu với tôi ở chiến trường miền Nam và trên đất bạn Lào. Trong suốt thời gian ấy, anh Đồng đã luôn quan tâm, chăm sóc tôi như người em của mình. Sau này anh Đồng giữ chức Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 324. Hiện nay anh nghỉ hưu tại quê nhà - xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, khi có điều kiện tôi vẫn đến thăm gia đình anh.
Tác giả chụp ảnh cùng Anh Lê Đồng (bên trái) ở tỉnh Quảng Trị năm 1967.
Chúng tôi nhập ngũ được bốn ngày, đơn vị tổ chức khám lại sức khỏe, tôi được một anh cán bộ khung rỉ tai nói rằng: "Cậu không đủ sức khỏe nên bị loại trong đợt này". Tôi buồn lắm. Nếu phải quay về thì rất ngượng, bởi vì tôi vừa được gia đình và bà con trong thôn, trong xã tiễn đưa lên đường nhập ngũ mới được mấy ngày. Tôi đã tìm đến anh y sỹ tiểu đoàn hỏi cho ra nhẽ. Được anh ấy cho biết lý do tôi bị loại là vì gần bốn tháng, kể từ khi khám tuyển nghĩa vụ quân sự tháng 10 năm 1963 đến lúc đó, cân nặng của tôi vẫn là 42,5 ki-lô-gam (không tăng). Anh y sỹ nói:
- Chắc sức khỏe của cậu có vấn đề cho nên đơn vị sẽ trả về địa phương.
Bí quá, tôi đành kể sự thật cho anh y sỹ tiểu đoàn về câu chuyện xin thêm một ki-lô-gam trọng lượng cơ thể trong đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi muốn chứng minh rằng trong mấy tháng qua, thể lực của mình vẫn tăng chứ không phải dừng lại. Anh y sỹ cười tủm tỉm rồi nói:
- Cậu về đơn vị đi, chuyện này tôi sẽ báo cáo với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn.
Sáng ngày 29-02-1964, tiểu đoàn thông báo 30 tân binh có quyết định trả về địa phương do không đủ sức khỏe. Trong đó không có tên tôi. Gần trưa hôm đó, đồng chí y sỹ nói với tôi:
- Các thủ trưởng tiểu đoàn sau khi nghe tôi báo cáo đã quyết định để cậu ở lại đơn vị. Sau ba tháng khám lại, nếu không tăng cân, cậu vẫn bị loại đấy.
- Cảm ơn anh!- Tôi đáp lời.
Tôi phấn khởi quá, về đơn vị kể lại tường tận câu chuyện này cho bạn bè nghe. Mọi người đều đã hiểu, cảm thông cùng chia vui. Sau khi khám sức khỏe, mỗi chúng tôi được cấp đầy đủ quân trang: 1 ba lô, 3 bộ quần áo dài, 3 bộ quần áo lót, 1 áo rét đông xuân, 1 đôi giầy cao cổ, 1 đôi giầy thấp cổ, 1 đôi dép cao su, 1 chăn bông, 1 chiếu, 1 màn, 1 khăn mặt, 1 bát sắt, 1 đôi đũa ăn cơm và 1 tấm ni lon che mưa... riêng súng thì khi tâp luyện mới được cấp, xẻng cuốc mỗi tổ ba người được cấp một chiếc. Đặc biệt, mỗi chiến sĩ mới còn được nhận 5 đồng (tháng phụ cấp tiêu vặt đầu tiên). Sau đó, chúng tôi được đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thành hướng dẫn xuống căng tin của đơn vị mua vài thứ nhu yếu phẩm cần thiết như xà phòng, bàn chải và thuốc đánh răng. Hồi ấy, trong quân đội từ sĩ quan cấp trung úy trở xuống được ăn tiêu chuẩn Đại táo: 7 hào/ngày/người. Từ sĩ quan cấp thượng úy đến trung tá được ăn tiêu chuẩn Trung táo: 9 hào/ngày/người. Từ sĩ quan cấp thượng tá trở lên được ăn tiêu chuẩn Tiểu táo: 1 đồng 2 hào/ngày/người.
Đầu tháng 3 năm 1964, đơn vị tôi bước vào huấn luyện. Những ngày đầu chúng tôi học chính trị, chủ yếu là truyền thống quân đội, nhiệm vụ đơn vị. Sau đó, học điều lệnh kỷ luật, điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ, thể dục, thể thao, bắn súng và kỹ thuật, chiến thuật cá nhân.
Trong ba tháng huấn luyện, chiến sĩ mới rất vất vả, nhiều đồng chí to khỏe nhưng không chịu được phải trả tiếp về địa phương. Riêng tôi đã vượt qua khá nhẹ nhàng, vì sức khỏe của tôi đã tăng hơn nhiều so với trước khi nhập ngũ.
Quá trình huấn luyện, tôi đều hoàn thành các môn học. Có một số môn tôi đạt loại khá, giỏi nên được đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thành và đồng chí Trung đội trưởng Lâm Chương, động viên bằng cách biểu dương trước trung đội.
Kết thúc ba tháng huấn luyện, đơn vị tổ chức khám lại sức khỏe. Tất nhiên lần này tôi vượt qua một cách dễ dàng. Vì thể lực, sức bền và sức bật của tôi đã tăng lên (tôi đã cao 1, 58 mét, nặng 51 ki-lô-gam).
Có người cho rằng quân đội nuôi quân, ăn uống kham khổ thiếu thốn. Nhưng với tôi, trong ba tháng quân đội nuôi dưỡng, luyện rèn đầy đủ cho nên đã tăng chiều cao gần 2 cen ti mét và nặng thêm 8,5 ki-lô-gam, thật là kỳ diệu. Đầu tháng 6 năm 1964, nhiều đồng chí được điều động về các đơn vị thông tin, phòng không 12,7 ly, súng cối. Anh Lê Duy Luật người cùng thôn được đi học lớp tiểu đội trưởng. Riêng tôi vẫn ở lại đơn vị cũ.
Cũng từ tháng 6 năm 1964, đơn vị bước vào huấn luyện nâng cao. Tôi được học chuyển loại vũ khí AK, trung liên, B-40, cối 60... Sau đó được học chiến thuật tiểu đội, trung đội, đại đội phòng ngự, tiến công; học hành quân xa và có thời gian đi giã ngoại làm công tác dân vận ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 05-8-1964, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh ném bom miền Bắc. Quân và dân ta đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ chuyển từ thời bình sang thời chiến. Đơn vị chúng tôi được học thêm cách bắn máy bay bay thấp, đào hầm trú ẩn và phòng ngự bờ biển. Mùa mưa năm 1964, chúng tôi đi chống lụt, đắp đê Hoàng Long ở Gia Hưng, Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Bất cứ môn học nào, nhiệm vụ gì tôi cũng đều cố gắng hoàn thành tốt.
Đến cuối tháng 11 năm 1964, đơn vị nhận nhiệm vụ huấn luyện sát với chiến trường, đồng thời rèn luyện sức khỏe dẻo dai để sẵn sàng lên đường vào miền Nam chiến đấu. Thời gian đợt huấn luyện này kéo dài ba tháng, bộ đội được ăn chế độ đặc biệt 2,5 đồng/người/ngày (gấp gần 4 lần mức ăn bình thường) và thực hiện giữ bí mật nghiêm ngặt. Bộ đội không được ra khỏi doanh trại, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", kể cả những ngày nghỉ trong ba tháng luyện quân. Chúng tôi được ăn đầy đủ thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, rau củ quả các loại. Ngoài ra còn có hoa quả tráng miệng nữa. Với tôi, đến thời điểm ấy, chưa bao giờ được ăn ngon và đầy đủ như thế.
Trong ba tháng luyện quân, đơn vị được học chính trị, học kỹ thuật và chiến thuật phân đội. Đặc biệt cán bộ đại đội còn chú trọng rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng. Ngày nào bộ đội cũng tập luyện hành quân tối thiểu 2 giờ, có hôm hành quân suốt cả đêm. Lúc đầu chúng tôi mang theo 10 viên gạch mộc cùng với súng đạn, dần dần mang được 12, 15, 17 rồi 20 viên gạch mộc cùng với súng đạn để hành quân rèn luyện. Lúc bấy giờ, ai cũng tưởng rằng rèn luyện như thế thì khi hành quân vào miền Nam chiến đấu sẽ không có khó khăn gì. Nhưng sau này thực tế hành quân trong chiến trường còn gian khổ hơn rất nhiều.
Kết thúc ba tháng huấn luyện đặc biệt, vào cuối tháng 02 năm 1965, tất cả cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn đều được về phép một tuần để thăm gia đình trước khi hành quân vào miền Nam chiến đấu. Những ngày nghỉ phép rất vui nhưng cũng bận rộn. Suốt ngày tôi đi thăm ông bà, chú bác, anh em, rồi lại thăm bè bạn, đến đâu tôi cũng được đón tiếp và dự những bữa cơm liên hoan chia tay vui vẻ ấm áp tình quê.
Trong mấy ngày nghỉ phép ngắn ngủi, tôi dành nhiều thời gian nói chuyện với ông trẻ, cụ Năm Chuân. Ông nội mất từ năm 1929, khi tôi chưa ra đời, nhưng lại có ông trẻ Năm Chuân, là em ruột ông nội. Anh em chúng tôi rất quí ông và ngược lại ông cũng quan tâm đến anh em chúng tôi không khác gì ông nội. Thời còn nhỏ, ông thường nhắc nhở chúng tôi về rèn luyện đạo đức, chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, hiếu thảo với ông bà và cha mẹ, biết kính trên nhường dưới...
Những ngày tôi nghỉ phép để chuẩn bị vào miền Nam chiến đấu, ông Năm Chuân nói nhiều về truyền thống quê hương, dòng họ và gia đình, về tội ác của giặc Pháp, giặc Mỹ và nhắc tôi vào trận phải cẩn thận, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông còn nói chuyện nhiều về chú Lê Huy Năng con út của ông, hồi chống Pháp đã xung phong đi bộ đội, có nhiều thành tích. Cho nên sau ngày hòa bình 1954, chú Năng được chọn về học khóa một trường Đai học Bách Khoa ở Hà Nội và chú đã trở thành sinh viên suất sắc của trường. Ông mong tôi gặp may mắn, được trở về sau ngày hòa bình và cũng được đi học tiếp... Tôi đã làm theo lời dặn dò ấy của ông trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ và cho đến bây giờ. Rất tiếc, nghỉ phép xong, vừa lên đơn vị được một ngày thì nhận được tin ông trẻ của tôi đột ngột qua đời, tôi đã xin phép đơn vị được về quê một ngày để tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng. Chiều hôm ấy, mẹ tôi mua một con cá chép to để đãi con trai. Nhưng tôi phải về đơn vị ngay, theo đúng thời gian quy định, nên không kịp thưởng thức món cá của mẹ nấu, chắc mẹ tôi rất buồn...Kỷ luật Quân đội là như vậy! Và hai ngày sau đó, Tiểu đoàn 2 của tôi lên đường vào miền Nam chiến đấu.
2
Một ngày đầu tháng 3 năm 1965, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 chúng tôi hành quân bộ lên ga Nam Định. Tối hôm ấy, bộ đội lên tàu hỏa rồi lặng lẽ tiến về hướng Nam. Khoảng 4 giờ ngày hôm sau, đoàn tàu quân sự tới ga Yên Lý; Sau đó chúng tôi được lệnh xuống tàu, rồi hành quân bộ chừng 15 ki-lô-mét về đóng quân ở xã Rộc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, Tiểu đoàn 2 được biên chế vào Trung đoàn 1 (E803) thuộc Sư đoàn 324. Trung đoàn này là một trung đoàn có truyền thống đánh Pháp giỏi ở chiến trường Nam Trung Bộ năm xưa.
Vào một ngày cuối tháng 5 năm 1965, tôi được điều về Đại đội Trinh sát 17 của Trung đoàn, và tôi trở thành chiến sĩ trinh sát từ ngày ấy. Lúc bấy giờ Đại đội Trinh sát do Trung úy Hà Quang Minh, quê ở Thanh Hóa làm Đại đội trưởng. Trung úy Mai Hào quê ở Phú Yên làm Chính trị viên. Thiếu úy Đặng Ngọc Dương quê ở Quảng Nam làm Đại đội phó và Thiếu úy Nguyễn Bá Cự quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An làm Chính trị viên phó.
Tôi được biên chế về Tiểu đội 3, Trung đội 2 do anh Ngô Xuân Hạp quê ở Ninh Bình làm Trung đội trưởng, anh Phan Đình Hạ quê ở Vĩnh Phúc làm Trung đội phó. Tiểu đội 3 do anh Hoàng Ngọc Rong quê ở Ninh Bình làm Tiểu đội trưởng. Sau này, anh Hoàng Ngọc Rong hy sinh ở Gio Linh, tỉnh Quảng Trị năm 1967.
Từ ngày về Đại đội Trinh sát, tôi được huấn luyện khác hoàn toàn với bộ binh. Tôi được học cách sử dụng bản đồ, ống nhòm, rồi học võ, học cách đặt đài quan sát; học quy luật hoạt động của quân đội Mỹ, của quân đội Sài Gòn; học cách phát hiện, dò gỡ mìn và làm mất tác dụng của các loại mìn; học chui luồn hàng rào dây thép gai; học cách đào hầm bí mật; phục kích bắt tù binh; bí mật tiếp cận địch qua các loại địa hình; học hóa trang; học bơi và cách đi, cách bơi ngầm dưới mặt nước bằng ống thở sao cho địch không phát hiện được; rồi học cả một số câu tiếng Anh nữa...
Phải nói rằng, chiến sĩ trinh sát phải học rất nhiều môn so với bộ binh. Thời gian đầu, đơn vị tôi huấn luyện ở huyện Yên Thành. Sau đó, chuyển về vùng chợ Kè huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An, rồi về huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Đại đội trinh sát Trung đoàn 1 lúc bấy giờ vừa huấn luyện vừa sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Cuối tháng 7 năm 1965, Phân đội Trinh sát đầu tiên của Trung đoàn đã cùng với cán bộ các cấp đi chuẩn bị chiến trường ở Đường 9 tỉnh Quảng trị. Chiến sĩ Trinh sát Nguyễn Văn Tứ, đã anh dũng hy sinh ở gần đồi Động Tri - Khe Sanh vào cuối tháng 8 năm 1965 do bị địch tập kích. Đồng chí Mai Hào, Chính trị viên Đại đội đã kể cho cán bộ chiến sĩ trong đại đội nghe lại hành động dũng cảm của đồng chí Nguyễn Văn Tứ. Chúng tôi vô cùng xúc động, thương tiếc anh Tứ và đều nguyện học tập theo gương anh.
Tháng 9 năm 1965, tôi cũng được đi chuẩn bị chiến trường ở tây huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Lần ấy, đoàn cán bộ đi trinh sát thực địa không đông lắm cho nên được đi ô tô từ Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh đến một khu rừng cao su ở miền tây huyện Vĩnh Linh. Sau đó, đoàn đi bộ mấy ngày mới đến khu vực làm nhiệm vụ. Chúng tôi nghiên cứu địa hình và các điểm chốt của địch dọc theo Đường 9, trong đó có Cứ điểm Đầu Mầu. Khoảng một tuần sau đó, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường đã hoàn thành nhiệm vụ và được lệnh quay về đơn vị.
Thời gian đóng quân ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ trinh sát cùng với công binh đi cắt tuyến đường mới, từ khu vực gần đập Cẩm Mỹ sang gặp đường 15 thuộc huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Trong quá trình cắt đường, chúng tôi gặp voi mấy lần, có lần gặp cả đàn voi hàng chục con. Khi gặp chúng tôi, chúng chỉ dừng lại nhìn ít phút rồi bỏ đi. Nhưng mọi người vẫn sợ đụng độ với bầy voi cho nên có đêm phải tìm cây to, làm thang trèo lên cao, mắc võng để ngủ. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tổ trinh sát cùng với công binh chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuyến đường chúng tôi cắt trở thành con đường mòn, sau này được nâng cấp thành đường ô tô để vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí vào chiến trường miền Nam. Sau chuyến công tác ấy, Đại đội Trinh sát được lệnh chuyển về xã Đức Lĩnh huyên Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục huấn luyện.
3
Giữa tháng 01 năm 1966, Trung đoàn 1 được lệnh hành quân vào tỉnh Quảng Trị. Trước khi lên đường, tôi được Đại đội trưởng giao nhiệm vụ làm Tiểu đội phó. Sau khi quán triệt nhiệm vụ, bộ đội được nhận bổ sung nhiều trang bị cá nhân như: súng đạn, lựu đạn, ba lô con cóc, tăng, võng, ăng gô, bi đông, dao găm, mũ tai bèo, túi thuốc câp cứu cá nhân và xẻng hoặc cuốc... Được nhận bổ sung trang bị, anh em trong đơn vị rất vui. Ai cũng háo hức chuẩn bị sẵn sàng lên đường vào miền Nam chiến đấu.
Đúng dịp Tết Nguyên Đán năm 1966, đơn vị tôi bắt đầu hành quân từ xã Đức Lĩnh huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, theo đường sắt qua huyện Hương Khê rồi tới tỉnh Quảng Bình. Đến đâu cũng được nhân dân giúp đỡ tận tình. Người dân Hương Khê còn cho bộ đội ăn Tết, có cả bánh chưng, giò chả, rất thịnh soạn. Đây là đợt hành quân bộ dài ngày đầu tiên của cả đơn vị.
Mỗi chúng tôi đều mang theo súng đạn, tất cả đồ đạc cá nhân và 7 ki-lô-gam gạo. Bình quân mỗi người phải mang tới trên 30 ki-lô-gam . Sau khoảng một tuần hành quân, nhiều người chân phồng rộp, đau rát, không theo kịp đơn vị. Có đồng chí phải nhờ nam nữ thanh niên địa phương đeo ba lô giúp.
Thời gian ấy, ở vùng rừng núi miền Trung, tiết trời vừa lạnh giá, vừa mưa phùn. Những ngày đầu, khi dừng nghỉ đêm trong rừng, chúng tôi đều treo võng trực tiếp vào các thân cây để ngủ. Trước khi đi ngủ, những chiếc tăng (tấm ni lông dài rộng khoảng 2,5x2,0m) đã được căng rất cẩn thận, để che mưa nơi mắc võng của từng người. Bộ đội ta nằm trên võng đều ngủ ngon lành khi trời đẹp, nhưng nếu trời mưa thì phút chốc đáy võng đều ướt sũng, nên ai cũng phải dậy vì không thể ngủ được. Mọi người cố tìm nguyên nhân, tại sao chiếc tăng che mưa không bị thủng mà đáy võng vẫn bị ướt... Hàng giờ sau, chúng tôi đã phát hiện ra, nước mưa từ thân cây rừng theo dây mắc võng chảy vào làm ướt võng, mà không thể tìm ra cách khắc phục.
Một hôm, đơn vị tôi lại được lệnh dừng nghỉ đêm ở một khu rừng gần đường, có nhiều dấu vết của đơn vị bạn đi trước đã nghỉ ở đó. Quan sát xung quanh, chúng tôi đều thấy rất nhiều chiếc cọc nhỏ gần bằng cổ tay, cao chừng hơn một mét, được cắm thẳng đứng, bên cạnh các cây rừng khoảng 0,5 mét đến một mét. Những chiếc cọc ấy đều được buộc bằng một sơi dây cách mặt đất chừng một mét và cũng sợi dây ấy được buộc vào một thân cây cạnh đó, mà những chiếc cọc ấy vẫn đứng thẳng ở nơi chúng đã được cắm từ trước. Hôm đó, anh em chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu và đã tìm ra được tác dụng quý giá của những chiếc cọc vô tri ấy. Chúng chính là những chiếc cọc phụ để mắc võng chống mưa của bộ đội ta ở rừng Trường Sơn. Võng của bộ đội được treo ở phía trên sợi dây buộc cọc phụ. Mắc võng theo cách đó, khi trời mưa, nước từ trên thân cây rừng theo dây buộc và cọc phụ sẽ chảy trực tiếp xuống đất nên võng không bị ướt.
Từ hôm ấy, chúng tôi đã thoát được nạn nước mưa chảy vào võng trong lúc đang ngủ say. Đêm hôm ấy, trời vẫn mưa, nhưng bộ đội vẫn ngủ ngon lành. Một thời gian sau đó, cách mắc võng qua cọc phụ đã lan tỏa đến hầu hết các đơn vị trong trung đoàn, sư đoàn và bộ đội ở rừng Trường Sơn.
Mấy ngày tiếp sau, do địa hình trống trải, nên đơn vị được lệnh hành quân ban đêm để giữ bí mật. Một đêm, bộ đội đang hành quân trên Đường 15, thuộc huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, mọi người đều nghe nhiều tiếng nổ cùng với chớp sáng liên tiếp ở trên không. Các đồng chí cán bộ đại đội, trung đội đều nói với chúng tôi, đó là máy bay trinh sát của Mỹ chụp ảnh. Chỉ sau khoảng 1 giờ, một tốp máy bay phản lực của Mỹ đã đến bắn rôc két, đạn 20 ly và ném bom trúng vào đội hình Đại đội Trinh sát. Nhiều tiếng nổ chát chúa, đất đá bay rào rào, khói mù mịt. Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều lợi dụng địa hình để ẩn nấp. Hôm đó, tôi nằm tránh đạn gần Chinh trị viên Mai Hào ở rãnh thoát nước Đường 15. Máy bay Mỹ vừa đi khỏi, khói bụi làm cho chúng tôi nôn nao, tức thở.
- Tìm xem có ai hy sinh hoăc bị thương không, cấp cứu anh em ngay! - Chính trị viên đại đội hô to.
Tất cả chúng tôi bật dậy đi tìm kiếm đồng đội. Thấy đồng chí Trần Văn Viết bị thương ở tay, đang ở trong bụi tre gai, tôi dùng dao găm chặt bớt những cành tre rậm rạp, rồi tìm cách đưa anh Viết ra ngoài. Sau khi băng bó cẩn thận, tôi đưa anh Viết đến gặp y tá xử lý tiếp vết thương. Thật may mắn, hôm ấy Đại đội Trinh sát chỉ có ba người bị thương nhẹ. Đơn vị thu quân gọn gàng và nhanh chóng rời khỏi vùng nguy hiểm.
Mấy hôm sau, tôi được Đại đội trưởng giao làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 thuộc Trung đội 2, vì đồng chí Tiểu đội trưởng được điều đi làm nhiệm vụ khác. Chắc rằng đồng chí Mai Hào- Chính trị viên đại đội thấy tôi là người năng nổ, bình tĩnh và có tinh thần trách nhiệm với đồng đội nên đã giao nhiệm vụ mới.
Sau gần hai tuần hành quân, đơn vị dừng lại ở khu rừng cao su của Nông trường Quyết Thắng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cách sông Bến Hải chưa đầy mười ki-lô-mét. Ổn định vị trí trú quân được mấy hôm, Đại đội Trinh sát được lệnh tổ chức huấn luyện bổ sung hai tuần, sát với thực tế chiến trường hơn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top