Chương 10LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ GIÚP BẠN LÀO
1
Tháng 6 năm 1976, tình hình các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã ổn định hơn. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 công bố quyết định của Bộ Quốc phòng điều động Sư đoàn 324 trở về đội hình của Quân khu 4. Sau khi nhận được lệnh của trên, Ban Thường vụ và Đảng ủy Sư đoàn đã họp để ra Nghị quyết lãnh đạo đưa lực lượng ra miền Bắc, đảm bảo bí mật, an toàn. Chính ủy Sư đoàn giao cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm việc với các địa phương trong địa bàn đóng quân để ổn định tình hình và kiểm tra bộ đội trước khi rời miền Trung sao cho không để vướng mắc với dân; đối với dân chỉ được biết ta chuyển vị trí, không tiết lộ việc hành quân ra Bắc, bởi các thế lực thù địch vẫn theo dõi mọi hoạt động của ta.
Vào một ngày giữa mùa hè năm 1976, toàn sư đoàn hành quân bằng cơ giới ra miền Bắc. Các đơn vị được chia thành từng khối do từng trung đoàn trực tiếp chỉ huy; thực hiện các cung chặng đường hành quân và nơi tạm dừng theo đúng lộ trình đã được xác định. Khi về đến địa bàn Quân khu 4, Sư đoàn bộ đóng quân tại xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, các trung đoàn sẽ đóng quân tại các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An.
Chiếc xe Jeép chiến lợi phẩm chở vợ chồng tôi và anh Lương - Chủ nhiệm Thông tin không theo đội hình hành quân, mà được đặc cách đi độc lập trên đường ra Bắc. Lý do có được "ưu tiên" như vậy, bởi trên xe có Bình, vợ tôi cùng đi. Hôm ấy, sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi chia tay bà con nơi đóng quân, rồi vội vã lên đường. Lúc bấy giờ đường 1 còn rất xấu. Xe đi suốt buổi chiều mới được khoảng chừng 100 ki-lô-mét. Trời tối, chúng tôi dừng lại nghỉ đêm ở nhà mẹ Kiến tại thị trấn Diên Sanh, tỉnh Khánh Hòa, một gia đình đã tận tình giúp đỡ chúng tôi khi đơn vị hành quân tiến về thành phố Sài Gòn hồi tháng 4 năm 1975.
Mẹ Kiến và gia đình rất vui khi biết tin mọi người trong đơn vị sau chiến tranh đều an toàn, khỏe mạnh. Bữa cơm tối hôm ấy thật đầm ấm, mang nặng tình quân dân, thủy chung, son sắt. Tối khuya, mẹ Kiến giục chúng tôi đi ngủ lấy sức để ngày mai tiếp tục lên đường. Bình nghỉ với em Kiến, con gái mẹ cũng là giáo viên, là đồng nghiệp nên chị em tâm tình nhiều chuyện tới khuya... Sáng hôm sau, khi chúng tôi chào tạm biệt gia đình, bà cụ còn tặng vợ tôi mấy chiếc nón miền Trung, gia đình tự khâu mang ra miền Bắc để làm kỷ niệm. Thật cảm động!
Chắc Bình không thể quen ngay với "hành quân" đường dài bằng xe ô tô, cho nên ngày hôm sau, em say xe và em rất mệt. Tôi thương vợ quá... Bình cố chịu đựng tới Vinh thì tôi quyết định cùng em rời xe ô tô để lên tàu hỏa về ga Nam Định. Lên tàu, Bình vẫn rất mệt mỏi. Tàu chật chội, có lúc em phải nằm dưới sàn tàu sát gầm ghế để cố nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Rất may khi về đến ga Nam Định, em đã tỉnh táo hơn. Vợ chồng tôi về tới nhà vào một ngày đầu tháng 7 trong sự mong đợi của gia đình. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi biết tin ông bà sắp có cháu bế (chắc lý do này làm vợ tôi say tàu xe đến mức như vậy). Thật may, chuyến đi an toàn.
Một tuần sau, tôi trở vào nơi sư đoàn đóng quân. Ở đó là miền tây tỉnh Nghệ An thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn. Những ngày tiếp theo là thời kì sư đoàn củng cố lực lượng, ổn định vị trí đóng quân, tổ chức huấn luyện, nên những tháng cuối năm 1976, tôi chỉ về thăm nhà bằng chiếc xe Hon-đa được vài ba lần vào ngày chủ nhật. Giữa tháng 1 năm 1977 tôi mới được nghỉ tranh thủ một tuần. Những ngày nghỉ phép ít ỏi ấy, tôi không giúp được nhiều cho gia đình nhưng mọi người trong nhà đều cảm thấy mãn nguyện và rất yên tâm. Bố mẹ hai bên, vợ và các em tôi không còn phấp phỏng lo âu như hồi tôi còn đánh giặc nơi chiến trường miền Nam nữa.
Từ đầu năm 1977, tình hình nước bạn Lào có những dấu hiệu khó khăn, nhiều điểm nóng, bất an bất ổn do các tổ chức phản động trong nước và các thế lực từ bên ngoài gây ra. Chính phủ nước bạn Lào đã yêu cầu Quân đội ta sẵn sàng giúp đỡ. Do đó cơ quan trinh sát Sư đoàn 324 vừa tập trung huấn luyện bộ đội, vừa chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của bọn phản động ở nước bạn Lào nên rất bận.
Lúc bấy giờ, Trung đoàn 2 đã vào sâu trong chiến trường Nam bộ, sát biên giới Campuchia. Trung đoàn 335 đóng quân ở huyện Kỳ Sơn và Con Cuông tỉnh Nghệ An, do Trung đoàn trưởng Lại Thế Cường, và Chính ủy Lò Văn Nhài chỉ huy được trên điều động về đội hình Sư đoàn 324. Đó là một đơn vị có nhiều năm hoạt động ở tây bắc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào.
Để thuận tiện cho việc chỉ huy tác chiến, Sở Chỉ huy Sư đoàn 324 đã chuyển về đóng quân ở gần thị trấn huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An. Thời gian ấy, Sư đoàn đã tổ chức cho cán bộ các cấp lần lượt đi chuẩn bị chiến trường trên đất Bạn và xây dựng kế hoạch cho các đơn vị sẵn sàng giúp bạn Lào rất chu đáo.
Tháng 3 năm 1977, tôi được thăng quân hàm Thiếu tá, khi đó tôi sắp tròn 31 tuổi, là một trách nhiệm lớn hơn đến với tôi. Đang ở miền tây tỉnh Nghệ An, tôi nhận được tin vui. Con trai đầu lòng mà vợ chồng tôi mong mỏi, ngóng đợi đã ra đời ngày 11-3-1977, khỏe mạnh và rất kháu khỉnh. Cái tên Lê Hải Trung mà vợ chồng tôi và gia đình đã chọn đặt cho cu cậu là để nhớ mãi kỉ niệm vùng Duyên hải miền Trung. Nơi mà sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, vợ tôi đã vượt hơn ngàn cây số vào thăm tôi ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Thời gian này cơ quan Sư đoàn tập trung chuẩn bị cho các đơn vị đi trước sẵn sàng hành quân sang Lào giúp bạn. Cho nên mãi tới cuối tháng tư tôi mới có dịp tranh thủ ít ngày về thăm cậu con trai bé bỏng. Tôi mừng vui khôn xiết khi mình đã được làm bố. Đứa con đã đặt trên đôi vai tôi trọng trách mới đối với gia đình. Trách nhiệm ấy thiêng liêng, gần gũi và ấm áp đến lạ kì. Có con để rồi xa con tôi nhớ. Cái nhớ nhung quay quắt của tình phụ tử. Ở nhà mấy ngày, tôi không giúp vợ được gì nhiều. Tôi bế con còn vụng về nhưng tôi được nhìn con cười, con khóc, con ăn, con ngủ, con lớn lên trong vòng tay và bầu sữa mẹ hằng ngày. Trong những ngày nghỉ phép ngắn ngủi ấy, vợ chồng tôi cùng bố mẹ hai bên đều rất vui.
Về đơn vị, tôi nhận ra nỗi nhớ vợ, nhớ con của người lính có những dư vị khác với những người thường và đời thường. Người lính nhớ vợ, nhớ con nén chặt vào tim và nỗi nhớ làm họ rắn rỏi hơn, vững vàng hơn và bước chân của họ càng tiến về phía trước.
Tôi thầm cảm ơn người vợ của mình đã lặng lẽ nuôi con từ khi con mới chỉ là một giọt máu. Chín tháng mười ngày mang nặng, rồi đẻ đau mà không có tôi ở bên cạnh để sẻ chia, nâng niu, chiều chuộng. Bây giờ vợ tôi lại lặng lẽ nuôi con đợi chờ chồng trở về trong đôi ba ngày phép ít ỏi giữa khoảng cách đợi chờ dài dằng dặc...
Làm vợ bộ đội, vợ tôi yên tâm, tự tin có pha chút tự hào, để tự mình vượt lên trong cuộc sống dẫu còn vô vàn khó khăn thiếu thốn. Trong công tác chuyên môn, vợ tôi vẫn tận tụy, nhiệt tình, khiêm tốn học hỏi, say mê giảng dạy, yêu nghề, mến trẻ nên được đồng nghiệp và học sinh cùng phụ huynh quý mến.
2
Thực hiện yêu cầu của chính phủ nước bạn Lào, đầu tháng tư năm 1977, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định cử một số đơn vị của Sư đoàn 324 sang hoạt động ở chiến trường bên đó. Vào giữa tháng tư năm ấy, Trung đoàn 335, Tiểu đoàn xe tăng, Tiểu đoàn Pháo 122 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ đi trước sang Lào giúp bạn. Mọi công tác chuẩn bị được các đơn vị tiến hành rất khẩn trương. Ngày 24 tháng tư, cánh quân đi đầu giúp bạn Lào thuộc Sư Đoàn 324 đã từ huyện Kỳ Sơn và Con Cuông tỉnh Nghệ An hành quân bằng cơ giới theo đường 7. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 324 lập "Sở Chỉ huy Tiền phương" do Phó Tư lệnh Nguyễn Minh Long chỉ huy gồm: Các đồng chí Lê Sĩ Thái, Phó trưởng ban Tổ chức; Cao Xuân Đại Trợ lý Tác chiến; một bộ phận hậu cần do đồng chí Dinh phụ trách cùng một phân đội trinh sát và một trung đội vệ binh hành quân trong đội hình Trung đoàn 335.
Sau 6 ngày vượt chặng đường dài 700 ki-lô-mét, các đơn vị của ta vào vị trí tập kết ở sâu trong lãnh thổ nước bạn Lào. Đồng bào địa phương trong vùng cánh đồng Chum, Xa La Phu Khum, Mường Ka Xỉ, cùng lãnh đạo của bạn đón tiếp bộ đội Việt Nam rất nồng nhiệt. Sở Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn 324 cùng Trung đoàn 335 đến ngã ba Huội Mọ, ngược đường lên dốc rồi dừng lại đóng quân tại khu vực Bản Son, Mường Chà, gần Phu Bia - một căn cứ quan trọng của lực lượng phỉ Vàng Pao. Ngày 29-4-1977 đồng chí Xổm Xắc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào đến thăm Trung đoàn 335 thể hiện sự quan tâm của bạn đối với Quân tình nguyện Việt Nam.
Sau khi ổn định vị trí đóng quân, Trung đoàn 335 đã hỗ trợ bạn tiêu diệt một số nhóm phỉ Vàng Pao và các lực lượng phản động khác ở khu vực đường 13, đoạn Phôn Hồng, Huội Mọ. Bạn cho biết hiện nay, lực lượng phỉ Vàng Pao ở khu vực này do hai tên Xay Xua và Dong Dua Hờ cầm đầu. Chúng đang hoạt động rất mạnh ở khu vực Mường Chà, Phu Bia và đó là trung tâm chỉ huy chống phá cách mạng Lào. Lực lượng của chúng trà trộn trong các bản làng, thường xuyên bắt lính, uy hiếp chính quyền cách mạng. Mục tiêu của chúng là lật đổ chính quyền cơ sở ở khu vực này.
Bạn đã lập "Mặt trận 11A" do Thiếu tướng Bun Chăn làm Tư lệnh để tiêu diệt địch ở đây và yêu cầu Trung đoàn 335 tham gia chiến đấu. Phó Tư lệnh Sư đoàn Minh Long cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn 335 đã họp xây dựng phương án phối hợp cùng lực lượng bạn truy quét bọn phỉ ở Mường Chà, Phôn Hồng, Văng Viêng.
Từ tháng tư đến tháng 10 năm 1977, Trung đoàn 335 đã liên tục dùng các phân đội nhỏ, cỡ tiểu đội, trung đội đến đại đội truy lùng vào sâu trong các khu vực rừng núi hiểm trở. Các đơn vị đã tiếp cận các bản làng hẻo lánh, tiếp xúc và vận động nhân dân giúp đỡ, tìm phỉ để tiêu diệt. Thời gian ấy, có trận ta dùng một tiểu đoàn bộ binh, đánh vào căn cứ ở vùng sâu của lực lượng phỉ Vàng Pao diệt được một số tên, làm chúng hoảng sợ chạy toán loạn và phân tán vào trong những bản làng sâu trong núi. Trong thế địch hỗn loạn, ta sử dụng lựu pháo 122 bắn mạnh vào căn cứ Phu Bia. Bọn phỉ phải rời khỏi căn cứ này, dạt ra phía ngoài để bảo toàn lực lượng. Nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn chúng lại quay về Phu Bia tiếp tục chống phá Cách mạng.
Thực tế khó nhất của bộ đội ta là địch không ở tập trung, mục tiêu không rõ ràng. Chúng thường trà trộn trong dân nên nơi nào cũng có địch hoạt động. Mỗi lần gặp ta nổ súng, những nhóm phỉ nhỏ đều bỏ chạy "dạt như bèo" vào rừng. Vì vậy, ta chưa đánh tiêu diệt được từng đơn vị địch. Nhưng do ta truy quét mạnh và liên tục ở khu vực Mường Chà nên có một số tên đã ra đầu thú. Chính vì vậy ta nắm được lực lượng chính và sào huyệt của lực lượng phỉ Vàng Pao đã co cụm về căn cứ Phu Bia.
Mấy tháng qua đi, Trung đoàn 335 và các đơn vị đã cùng lực lượng của bạn truy quét bọn phỉ Vàng Pao ở vùng Phu Bia, Phôn Hồng, Văng Viêng liên tục dài ngày nhưng kết quả chưa cao. Lực lượng phỉ Coóng Xừ ở khu vực Xa La Phu Khun và Mường Ka Xỉ hoạt động rất mạnh. An ninh chính trị nhiều nơi trên đất nước Lào ngày càng diễn biến phức tạp. Bộ đội ta luôn phải cơ động ứng phó, hỗ trợ giúp bạn xử lí tình huống đột xuất và giải quyết những điểm nóng do phỉ Vàng Pao và bọn phản động gây ra. Tình hình nóng lên hàng ngày, tuy rằng chưa nổ ra chiến sự lớn và chưa hình thành một cuộc chiến tranh. Nhưng các thế lực phản động chống đối đã gây cho chính quyền non trẻ của nước bạn Lào gặp vô vàn khó khăn.
3
Cơ quan trinh sát sư đoàn hàng ngày vẫn liên lạc với Sở Chỉ huy Tiền phương sư đoàn, qua anh Minh Long và cơ quan Tham mưu để nắm chắc diễn biến địch và ta ở trên đất nước bạn. Từ cuối tháng 10 năm 1977, tình hình ở nước bạn Lào diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy Trung tướng Lê Quang Hòa - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4 đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 đưa lực lượng còn lại sang Lào giúp bạn. Ngay lập tức mọi công tác chuẩn bị được các đơn vị trong sư đoàn thực hiện khẩn trương nghiêm túc trong suốt tháng mười một để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Vào buổi chiều một ngày cuối tháng 11 năm 1977, Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Trọng Dần gọi tôi lên trung tâm chỉ huy. Gặp tôi, ông bắt tay rồi nói:
- Theo quy hoạch thời gian tới, đồng chí có thể được đi học để nâng cao trình độ phục vụ quân đội lâu dài. Nhưng sư đoàn đã được lệnh hành quân sang Lào giúp bạn nên kế hoạch đó tạm hoãn lại. Bên nước bạn Lào tình hình rất khó khăn, bất ổn ngày càng lan rộng. Nhiệm vụ tiễu phỉ hiện nay rất quyết liệt. Sư đoàn biết đồng chí có kinh nghiệm đánh biệt kích, thám báo trong nhiều năm chiến tranh. Nhiệm vụ chiến đấu tiễu phỉ bên nước bạn có nhiều điểm tương đồng với trận chiến chống thám báo biệt kích. Cho nên Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn quyết định giao cho đồng chí làm Phó Chỉ huy đoàn hành quân đi trước cùng Trung đoàn 1 sang Lào giúp bạn, đồng chí có ý kiến gì không?
- Thưa Chính ủy, tôi chấp hành quyết định của Thường vụ Đảng ủy - Không chần chừ, tôi trả lời rất nhanh.
- Vậy tốt rồi. Ta nhất trí với nhau thế nhé - Chính ủy kết luận.
Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi về chuẩn bị gấp để ba ngày nữa kịp lên đường sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ. Tôi được giao phụ trách các đơn vị trực thuộc và bộ phận cơ quan sư đoàn đi cùng đội hình Trung đoàn 1; đồng thời tôi cũng được giao làm Phó chỉ huy đoàn hành quân giúp đồng chí Trung đoàn trưởng Trương Văn Núp.
Ngày 30 tháng 11 tôi vội viết thư báo tin cho vợ:
Em và con!
Chỉ vài ba ngày nữa anh sẽ lên đường ...Lần thứ hai trong đời anh lao vào nơi gian khổ, ác liệt...Ra đi, tất cả mọi người cùng hoàn cảnh như anh đều ngậm ngùi, buồn, thương và nhớ...
Thế là ý định của anh về thăm con và em ít ngày trước khi lên đường không thực hiện được nữa rồi... lệnh ra đi đột ngột quá. Ra đi anh cũng chưa biết được thời gian nào sẽ về công tác trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc, nhưng có lẽ một hoặc hai năm gì đó anh sẽ được về thăm em và con một lần...Có lẽ trong khoảng thời gian xa cách, việc trao đổi thư từ cũng gặp nhiều khó khăn... Khi lâu ngày không thấy thư anh, em đừng buồn và đừng lo. Tất nhiên ra đi lần này anh cũng phải lao vào gian khổ ác liệt, nhưng so với ngày còn chiến tranh thì chẳng thấm vào đâu...Ra đi anh chỉ mong em và con khỏe, vui...em cố gắng động viên thầy mẹ hai bên, cố gắng chăm sóc Hải Trung thay anh....
Thế em nhé! Em cho anh thăm sức khỏe của thầy mẹ bên nhà, anh Kháng, các em Cường, Chính, Quang, Chinh....
Em cho anh thăm các bạn của em.
Anh.- Lê Huy Mai.
Ngày 3-12-1977, tôi cùng đơn vị lên đường hành quân bằng xe cơ giới theo đường 7 sang nước bạn Lào. Trong quá trình hành quân, tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu gồm: Trinh sát, Công binh, 12,7 ly sẵn sàng đánh địch trên đường để bảo đảm an toàn cho đội hình hành quân. Sau năm ngày, đoàn quân chúng tôi đã đi qua hơn 700 ki-lô-mét trên đất bạn Lào mà không đụng độ với lực lượng phỉ. Có lẽ do ta hành quân cơ giới quá nhanh, bất ngờ nên bọn phỉ chưa kịp ra tay quấy phá. Cũng có thể chúng còn dè chừng chưa vội lộ liễu đối đầu với ta.
Đến giữa tháng 12 năm 1977, đội hình chiến đấu Sư đoàn 324 đã triển khai xong theo kế hoạch. Sở Chỉ huy Sư đoàn và các cơ quan bố trí ở Văng Viêng. Trung đoàn 1 đóng quân ở Phôn Hồng. Trung đoàn 335 sang trước đang tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét phỉ ở Mường Chà, Phu Bia... Trung đoàn Pháo binh đã triển khai trận địa ở khu vực Phôn Hồng ba cây số. Mấy ngày sau, Trung đoàn 3 cũng đã triển khai xong lực lượng ở khu vực Mường Ka Xỉ. Nhân dân các Bộ tộc Lào mừng vui thấy sự hiện diện của bộ đội Việt Nam bảo vệ cuộc sống bình yên cho họ. Thời gian ấy, các đơn vị vừa ổn định nơi đóng quân vừa nắm địch xây dựng phương án chiến đấu.
Nhiệm vụ của Sư đoàn 324 là vừa đánh địch ở khu vực Phu Bia, Mường Ka Xỉ vừa giúp bạn thực hiện các phương án bảo vệ chính quyền cách mạng ở thủ đô Viên Chăn. Lúc bấy giờ, do thiếu cán bộ, tôi là Chủ nhiệm Trinh sát lại được giao kiêm Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn nên rất bận. Mãi đến đầu tháng 02 năm 1978, đồng chí Phạm Huy Chưởng - Trung đoàn phó Trung đoàn 3 về giữ chức Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn, tôi không phải kiêm nhiệm nữa.
Dịp ấy tôi tranh thủ viết thư về cho vợ.
Văng Viêng 8-1-1978.
Em và con của anh!
Trước khi xa đất nước và ngay sau khi đến vị trí trú quân tại mảnh đất Triệu voi này anh đã tranh thủ ghi thư cho em và con. Không biết những lá thư ấy đã đến tay em chưa.
Hôm nay có anh Hạ cùng ở với anh về nước, anh lại ghi tiếp lá thư này... Chắc rằng lá thư này sẽ đến tay em trong dịp em và con cùng gia đình đang chuẩn bị đón xuân... Trước hết anh mong em cùng con mạnh khỏe, vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Tết này anh không về được, em chuyển lời chúc sức khỏe nhân dịp Xuân mới tới thầy mẹ hai bên, tới các bác, các chú , các thím, các anh các chị cùng bà con chòm xóm và các bạn của em...Chắc rằng năm nay gia đình ta ăn tết vui lắm. Anh Diêm chị Yên, em Tỵ, Thìn, anh Kháng, chị Tuyết, các em Cường, Chính, Hoàn, Hiền, Hệ, Phồn đều được về thì phải. Gía mà anh cũng được về trong dịp tết này thì hay quá...Bao nhiêu năm xa nhà, anh cố mong được ăn một cái tết thật vui với gia đình. Anh tưởng cái điều mong muốn ấy sẽ đến với anh trong dịp Tết này... Thế rồi anh lại đi xa...Không biết đến khi nào mới có điều kiện thực hiện được cái điều mong muốn cỏn con ấy.
Em nhớ kể chuyện tết quê nhà cho anh nghe nhé... và rồi anh sẽ kể chuyện đón Xuân của các anh ở đất nước Triệu voi cho em và con nghe. Chắc rằng tết ở đây cũng vui không kém ở nhà đâu. Các anh đã bắt đầu chuẩn bị tết từ bây giờ. Các anh định tổ chức 1 cái Tết thật to. Việt Nam mùa Xuân có hoa Đào, có bông Mai vàng, còn ở đất nước Triệu voi này có hoa Chăm Pa hương thơm ngào ngạt, trắng như tuyết. Ở nước ta có những tối liên hoan văn nghệ, còn ở đây có những đêm quây quần bên đống lửa nhảy múa lăm vông rộn ràng...
Anh không được về ăn tết chắc rằng em, con và thầy mẹ buồn. Anh biết vậy nhưng chẳng làm sao được.
Em nhớ đồng viên thầy mẹ nhé!...Anh nhớ con quá,nhớ da diết và anh lại mong ngày về .Nhiều lúc anh mong có một tấm ảnh đứa con trai đầu lòng của mình...
... Mong em và con khỏe vui.
Anh . - Huy Mai.
Vào cuối tháng 02 năm 1978, bọn phản động ở Lào có sự hỗ trợ từ nước ngoài đã bí mật chuẩn bị thực hiện âm mưu tấn công thủ đô Viên Chăn để gây khó khăn cho chính quyền cách mạng Lào. Tôi được lệnh bàn giao Cơ quan Trinh sát Sư đoàn cho đồng chí Phan Đình Hạ phụ trách. Sau đó, tôi nhận nhiệm vụ cùng một Phân đội Trinh sát Đặc nhiệm gồm 30 chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Xuân Lộc, Đại đội trưởng chỉ huy về bố trí ở cây số 6 (khu vực Trường Đại học Viên Chăn ngày nay) để sẵn sàng giúp bạn khi có tình huống bất trắc xảy ra. Vị trí này nằm sát với nơi làm việc của các cơ quan nhà nước Lào.
Chúng tôi có nhiệm vụ nắm địch, đánh địch và cùng lực lượng bạn bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào. Sư đoàn tổ chức 2 bãi đỗ trực thăng ở phía Tây cách cây số sáu khoảng ba ki- lô-mét. Máy bay trực thăng của ta sẵn sàng hạ cánh xuống đó để giúp bạn khi có tình huống bất lợi xảy ra. Cuối tháng ba năm ấy, hoạt động của phân đội trinh sát đặc nhiệm đã đi vào nền nếp. Tôi được lệnh về sư đoàn nhận nhiệm vụ gấp. Tôi giao công việc cho đồng chí Nguyễn Xuân Lộc, chỉ huy Phân đội Trinh sát rồi về Văng Viêng ngay buổi tối hôm đó.
Về đến Sở Chỉ huy sư đoàn tôi được biết: Trung đoàn 3 đang gặp khó khăn trong nhiệm vụ đánh bọn phỉ Coóng Xừ ở khu vực Mường Ka Xỉ. Sau hơn hai tháng hoạt động liên tục, bộ đội ta thương vong tới gần 60 đồng chí mà vẫn chưa có trận đánh phỉ nào thành công. Vì vậy tôi được giao nhiệm vụ cùng Thượng tá Lê Văn Dánh, Phó Chính ủy Sư đoàn cùng một số cán bộ cơ quan và một phân đội trinh sát xuống giúp Trung đoàn 3 tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Anh Lê Văn Dánh là một cán bộ chính trị xông xáo, vững vàng trong mọi tình huống, tính tình thẳng thắn, nóng nảy nhưng hết lòng vì cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Những năm sau này anh Lê văn Dánh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, rồi được phong hàm Thiếu tướng, giữ chức Tư lệnh Phó Chính trị Quân khu 4. Anh mất năm 1992 do căn bệnh hiểm nghèo.
Hôm ấy, trên đường đi đến Trung đoàn 3, bọn phỉ ở trên dãy núi đá hiểm trở ba lần bắn tỉa vào đội hình hành quân của đoàn cán bộ và trinh sát ta. Tuy chưa có thương vong nhưng rất nguy hiểm, nên tôi đã chủ động bàn với Phó Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dánh cho tất cả cán bộ cất bao súng ngắn vào ba lô và không ai được chống gậy. Bọn phỉ Coóng Xừ rất ranh mãnh, các họng súng bắn tỉa của chúng trước hết nhằm vào các cán bộ chỉ huy của ta. Phát hiện người đeo súng ngắn, chống gậy ra dáng cán bộ là chúng nhằm vào đó.
Đến Sở Chỉ huy Trung đoàn 3, Trung đoàn trưởng Đinh Xuân Bài, Chính ủy Trung đoàn Phan Đân cho biết tình hình phỉ Coóng Xừ ở vùng Mường Ka Xỉ rất phức tạp. Chúng trà trộn trong dân và thường lén lút tổ chức phục kích, gài rất nhiều mìn trên đường. Có đơn vị đã bị chúng gài mìn ở sát các chốt và nơi đóng quân của ta. Bộ đội thương vong nhiều, khiến một bộ phận quân ta hoang mang không dám rời vị trí chốt và nơi đóng quân để truy đuổi địch. Sau khi nghe báo cáo, Phó Chính ủy Sư đoàn đã xác định rõ hướng lãnh đạo đơn vị. Ông chỉ thị:
- Trước tình hình như vậy, việc đầu tiên chúng ta phải làm là tìm mọi cách động viên, củng cố quyết tâm cho bộ đội "dám đánh phỉ, quyết đánh phỉ và đánh thắng phỉ".
Tiếp theo lời Phó Chính ủy, tôi mạnh dạn đề xuất:
- Theo tôi, Trung đoàn 3 cần nhanh chóng thay đổi cách đánh cho phù hợp. Muốn đánh được phỉ ta phải tổ chức thật nhiều bộ phận nhỏ, để truy tìm, đẩy đuổi địch quanh chốt và nơi trú quân của ta, rồi bám địch đẩy chúng ra xa dần đến tận sào huyệt của bọn chúng. Trước mắt ta tương kế tựu kế, có thể phục kích ngay sát vị trí quanh chốt của đơn vị để diệt địch, gây khí thế cho bộ đội. Làm như vậy nhất định ta sẽ đẩy được phỉ ra xa, tạo điều kiện cho bộ đội truy quét tiêu diệt chúng.
Sau đó đoàn cán bộ, trinh sát sư đoàn cùng với lãnh đạo Trung đoàn 3 đã xây dựng phương án chiến đấu và hướng dẫn cách đánh phỉ cụ thể cho các đơn vị. Mấy ngày hôm sau, Trung đoàn 3 đồng loạt mở các đợt phục kích, truy lùng, tập kích, đánh phỉ rất hiệu quả. Các đơn vị đều đánh nhỏ, đánh lẻ nhưng đánh chắc, đánh thắng. Chỉ sau gần một tháng hoạt động theo phương án đánh địch mới, ta đã diệt hàng trăm tên phỉ, bắt sống nhiều tù binh. Và đã làm cho kẻ địch lúng túng, bị động, thiệt hại nặng nề, buộc bọn phỉ phải co lại để đối phó.
Thừa thắng, Trung đoàn 3 tổ chức lực lượng tấn công vào tận sào huyệt của bọn phỉ Coóng Xừ. Trước sức mạnh của ta, bọn phỉ Coóng Xừ tan rã từng mảng lớn. Chúng bị bóc tách ra khỏi địa bàn, trở thành tàn quân trốn lủi trong rừng, không dám hoạt động hung hăng như trước nữa. Sau gần một tháng tham gia đánh địch ở khu vực Mường Ka Xỉ, tôi rời Trung đoàn 3 trở về Viên Chăn cùng với trinh sát ta và lực lượng của bạn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cán bộ lãnh đạo Trung ương của bạn.
Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Viên Chăn, lực lượng trinh sát đặc nhiệm của ta đã nắm chắc địch, cùng các đơn vị của bạn ngăn chặn không để bọn phỉ và các tổ chức phản động thực hiện các cuộc tập kích, gài mìn ở nội đô và xung quanh thủ đô Viên Chăn. Đồng thời ta cùng với bạn ngăn chặn kịp thời những âm mưu hoạt động phá hoại của các tổ chức phản động Lào.
4
Đại hội Đảng bộ Sư đoàn giữa năm 1978 đã tổng kết và đề ra được những chủ trương lãnh đạo phù hợp và định hướng cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ Quốc tế giúp bạn Lào trong những năm tới đó là: Sư đoàn 324 đóng quân trên đất bạn có nhiệm vụ giúp bạn trấn áp bọn phản động, bảo đảm an ninh chính trị, đồng thời xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.
Để xây dựng chính quyền cơ sở của bạn, lúc đầu sư đoàn tổ chức một đội công tác vận động quần chúng làm thí điểm. Đội này gồm có 13 cán bộ do đồng chí Cao Ngọc Oánh chỉ huy, hoạt động tại khu vực thị trấn Văng Viêng. Vượt qua khó khăn do ngôn ngữ bất đồng, mọi người trong tổ công tác chăm chỉ học tiếng Lào, bám sát dân bản, phân tích làm cho nhân dân hiểu rõ mối quan hệ Việt- Lào, không nghe lời bọn phỉ Vàng Pao. Đồng thời giúp chính quyền các thôn bản tổ chức các đoàn thể và cùng nhau xây dựng cuôc sống mới. Sau một thời gian ngắn, Phòng Chính trị chủ trì rút kinh nghiệm, khẳng định rõ hiệu quả của đội công tác xây dựng cơ sở, nên đã chỉ đạo các trung đoàn tổ chức thêm 19 đội công tác xây dựng cơ sở ở các bản làng của bạn.
Tình hình an ninh chính trị nước bạn Lào, đặc biệt là ở thủ đô Viên Chăn dần dần ổn định. Tháng 7 năm 1978, Phân đội Trinh sát Đặc nhiệm do tôi chỉ huy được lệnh thu quân về đơn vị.
Ngày 28-7-1978, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Sắc lệnh số 63/LTC về việc thành lập Binh đoàn 678 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Binh đoàn 678 thành phần gồm: Mặt trận 379, Sư đoàn 968, Sư đoàn 324, Lữ đoàn 176 và một số đơn vị trực thuộc do Trung tướng Trần Văn Quang làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Tiến Phục làm Chính ủy. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Lào có một tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam lớn mạnh như vậy.
Những năm sau này, các đội công tác của các đơn vị trong sư đoàn đã hoạt động thành nền nếp, hiệu quả và được lãnh đạo của bạn và nhân dân ca ngợi. Trong địa bàn đóng quân của sư đoàn, nhiều bản đã có chính quyền, đoàn thể. Đồng bào các bộ tộc Lào phấn khởi tin tưởng yêu mến bộ đội Quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều người đã chủ động giúp đỡ bộ đôi Việt Nam. Do đó lực lượng ta làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào thuận lợi hơn trước rất nhiều.
5
Giữa tháng 8 năm 1978, trong niềm vui chiến thắng từ các mặt trận trên đất bạn Lào, tôi nhận được quyết định về nước học tập để nâng cao trình độ để đủ điều kiện phục vụ quân đội lâu dài theo quy hoạch của Bộ Quốc phòng. Lúc bấy giờ, Sư đoàn 324 cùng lực lượng của bạn đã thống nhất trong mùa khô phải cùng nhau phối hợp hành động giải phóng Phu Bia. Trinh sát chúng tôi đã chủ động "đi trước một bước" cho nên phương án giải phóng Phu Bia của sư đoàn đã được xây dựng rất chi tiết, cẩn trọng, tính khả thi cao và đã được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 678 thông qua.
Thế là tôi sắp phải xa Sư đoàn 324 thân yêu của tôi sau hơn 13 năm gắn bó, sống chết cùng đồng đội trên các nẻo đường chiến dịch đầy máu lửa. Xúc động trào dâng! Những kỷ niệm trong 13 năm lại lần lượt ùa về. Với tôi, đó là những năm tháng gian khổ, hiểm nguy đầy hy sinh nhưng đó là những năm tháng hào hùng, oanh liệt của một thời trai trẻ, đã rèn giũa tôi trưởng thành...
Tôi có một tuần lễ để chia tay đồng đội trên đất bạn Lào. Những ngày chia tay ấy, đầy tình cảm, xúc động , bịn rịn và lưu luyến... Các đơn vị, Phòng Tham mưu và các thủ trưởng sư đoàn đều tổ chức những bữa cơm liên hoan thân mật và rất vui để chia tay tôi trước khi về nước học tập. Trước ngày lên đường, Đại tá Nguyễn Trọng Dần - Chính ủy Sư đoàn còn mời tôi cùng ăn với ông bữa cơm tối ấm áp tình anh em, tình đồng chí. Trong bữa cơm, Đại tá Chính ủy còn động viên tôi về học viện, nhà trường quân đội học tập thật tốt. Mong sao sau này lại được trở về sư đoàn với trách nhiệm cao hơn, làm việc tốt hơn. Tôi rất cảm kích tấm lòng của Chính ủy. Tôi đã hứa sẽ thực hiện trọn vẹn những điều thủ trưởng căn dặn...
Lúc tôi lên xe ô tô đi Viên Chăn để về nước, các thủ trưởng sư đoàn cùng các đồng chí trong cơ quan, đơn vị đến tiễn chân tôi rất đông. Ai cũng chúc tôi thành công và may mắn trong những năm tháng học tập, cũng như công tác sau này. Đích thân Chính uỷ Sư đoàn đã chỉ thị:
- Sư đoàn cho phép lái xe ở lại đưa anh Mai đi thăm thú Viên Chăn, đến tận khi lên máy bay mới quay về đơn vị.
- Cảm ơn Thủ trưởng! - Tôi đáp lời.
Nhìn sâu vào đôi mắt ông, tôi thấy được ở trong đó còn chứa đựng bao nhiêu điều chưa nói ra và bao nhiêu những tình cảm tin yêu chan chứa trong con người Chính ủy. Chính ủy Nguyễn Trọng Dần, quê ở huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Ông về Sư đoàn 324 từ năm 1973, người tầm thước, mộc mạc, quyết đoán, nóng tính, nhưng rất tình cảm. Những năm sau hòa bình, ông làm Phó Tư lệnh Quân khu 4 rồi nghỉ hưu tại Thành phố Huế. Những khi có điều kiện qua Huế tôi vẫn đến thăm gia đình ông. Ông Nguyễn Trọng Dần mất tại Huế vào giữa những năm 2000.
Hơn 13 năm xa quê, đi chiến đấu ở miền Nam, giúp bạn Lào và ở Khu 4, đó là một khoảng thời gian dài. Xa để mà nhớ, xa để mà trưởng thành, xa để mà trở về sum họp trong niềm vui của bạn bè gia đình, dòng họ. Đúng là được trở về nước học tập tôi rất vui, nhưng vẫn có cái gì đó níu kéo tôi. Nhìn lại những bước đường đã qua, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi đã có gần mười năm sống, chiến đấu, trưởng thành ở tỉnh Quảng Trị và vùng sông Hương xứ Huế oai hùng. Tôi biết ơn những người dân trên miền đất mộng mơ nhưng đầy máu lửa ấy đã nuôi tôi, cưu mang tôi, bảo vệ và dành cho tôi những tình cảm thắm thiết nhất trong suốt những năm tháng cam go, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chắc rằng trong suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được vùng đất thân thương ấy. Và tôi cũng có gần một năm trong đội ngũ bộ đội tình nguyện Việt Nam trên đất nước Triệu Voi, gian nan, nguy hiểm nhưng cũng rất vẻ vang... Sau ngần ấy năm xa quê, tôi được trở về với miền quê thân yêu, Vùng Châu thổ sông Hồng.
Buổi sáng hôm ấy, chiếc máy bay quân sự chở tôi ổn định độ cao. Từ trên không trung tôi nhìn xuống núi non trùng điệp của nước bạn, rồi dải Trường Sơn hùng vĩ của đất nước thân yêu, bao nhiêu cảm xúc lại ùa tới. Tôi nghĩ đến thời gian gắn bó trên đất nước Triệu Voi đầy gian nan, nguy hiểm, nhớ tới công lao của những người đồng đội, những người đồng chí của mình đã ngã xuống nơi này. Chính họ đã không tiếc xương máu của mình để xây nên mối quan hệ quốc tế đặc biệt, thủy chung son sắt Việt - Lào như hôm nay! Rồi tôi lại nghĩ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đầy gian khó, hy sinh mất mát của quân và dân ta... và nhớ lại ngày vui khi miền Nam được giải phóng, đất nước tron niềm vui... rồi tôi được về thăm nhà... rồi sẽ được đi học...
... Tôi được biết, từ chiến trường nước bạn Lào, nhiều cán bộ đã từng chiến đấu công tác tại Sư đoàn 324 trong đó có tôi đã được lãnh đạo Sư đoàn 324, Quân khu 4 và Binh đoàn 678 gửi đi học tại các trường quân sự, với ý định đào tạo cán bộ phục vụ quân đội lâu dài. Sau này về công tác tại các sư đoàn, quân đoàn, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chiến lược. Do đó, tôi tự thấy trách nhiệm của mình trong thời gian tới phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
Thời gian nhanh chóng trôi qua. Chiếc máy bay thông báo hạ thấp độ cao rồi hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm.
Hà Nội đây rồi! Sông Hồng của tôi đây rồi! Một số anh em phi công quen biết ở Trung đoàn Không quân Vận tải quân sự ra tận cầu thang máy bay đón tôi và đã đưa tôi ra ga Hàng Cỏ để lên tàu về Nam Định. Chiều hôm ấy, tôi đã về đến nhà giữa niềm vui của mọi người.
Từ chiến trường nước bạn Lào trở về, tôi có được ít ngày tranh thủ thăm quê nhà yêu dấu. Vợ tôi, bố mẹ hai bên nội, ngoại của tôi và mọi người ai cũng vui mừng sau gần một năm xa nhà, xa quê, xa Tổ quốc. Cậu con trai đầu lòng bé bỏng của tôi đã 16 tháng tuổi. Cu cậu đã đi lại vững vàng và chạy khắp nhà, khắp sân. Miệng trẻ thật dễ yêu bi bô nói suốt cả ngày. Thấy bố, con trai của tôi tròn xoe mắt vì chưa biết là ai nên lắp bắp gọi bác, bác rất ngộ nghĩnh. Mấy ngày sau mẹ dạy mãi, con mới biết bập bẹ gọi bố nhưng lại hay quên. Lần đầu tiên trong đời nghe thấy tiếng con trai mình gọi lên tiếng bố, bố! Tôi rất vui. Một niềm hạnh phúc lâng lâng khó tả...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top