Chương 1 - QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ TUỔI THƠ


LÊ HUY MAI

                                         TỪ CHÂU THỔ SÔNG HỒNG ĐẾN SÔNG HƯƠNG - XỨ HUẾ

(bản thảo)

Mục lục:

- Lời giới thiệu

- Chương 1: Quê hương- gia đình và tuổi thơ 

- Chương 2: Tôi trở thành chiến sĩ 

- Chương 3: Chiến đấu ở Đường 9 - Bắc tỉnh Quảng Trị năm 1966 - 1967

- Chương 4: Tổng tấn công nổi dậy Mùa Xuâ năm 1968 

- Chương 5: Bí mật trở lại đồng bằng tỉnh Thừa Thiên làm nhiệm vụ đặc biệt

- Chương 6: Tiếp tục đánh Mỹ ở tỉnh Thừa Thiên năm 1969 – 1970 

- Chương 7: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 

-Chương 8: Chiến đấu ở Quảng Trị Thừa Thiên năm1972 - 1974 

- Chương 9: Tham gia cuộc tổng tấn công Mùa Xuân Năm 1975 

- Chương 10: Làm nhiệm vụ Quốc tế giúp bạn Lào.

- Chương 11: Tiếp tục học tập, công tác trong quân ngũ từ 1978 - 2007

- Thay lời kết.

Chương 1 - QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ TUỔI THƠ

1

Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Hoành Nha, (nay là xã Giao Tiến), huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, một miền quê bình dị như bao làng quê khác vùng Châu thổ sông Hồng. Miền đất huyện Giao Thủy ngày nay, thời Trần thuộc phủ Thiên Trường. Theo sách xưa để lại, các tác giả ghi rất rõ: Vùng đất ven biển cực Đông của tỉnh Nam Định hồi đời Trần còn hoang sơ lắm, hầu hết là đất sa bồi, bãi lau, bãi sú vẹt và đầm lầy nên dân cư rất thưa thớt. Việc khai hoang mở đất lúc bấy giờ chủ yếu do các quý tộc nhà Trần và cư dân tự do tiến hành. Đến thế kỉ XV, nhà hậu Lê chú trọng chính sách khuyến nông; tổ chức đắp đê trị thủy, khuyến khích khai hoang lập ấp nên đã tạo điều kiện cho việc mở đất nông nghiệp thuận lợi và phát triển mạnh mẽ. Do đó, vùng đất ven biển, ven sông của phủ Thiên Trường ngày ấy mới trở thành nơi hội tụ của hàng ngàn cư dân các vùng khác đến khai cơ lập nghiệp.

Theo sách cổ "Hòe Nha lục": Làng Hoành Nha định cư ở vùng đất ven biển miền cực Đông phủ Thiên Trường đầu tiên. Các làng đến sau đã lấy tên là Hoành Đông, Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ...

Làng Hoành Nha là một vùng đất thuần nông, người dân quê tôi cần cù, hiếu học, có tinh thần cách mạng và yêu nước rất cao. Từ ngày xưa đã có nhiều tú tài, cử nhân, có người đã trở thành Tri huyện, Tri phủ. Có người làm quan trong triều đình Huế thời nhà Nguyễn. Trong thời kì đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều cụ đã cáo quan về quê để phản đối triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, rồi tham gia các phong trào khởi nghĩa chống Pháp lúc bấy giờ.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã có nhiều gia đình nuôi giấu cán bộ. Đặc biệt khu quần thể đình, chùa của làng Hoành Nha trở thành nơi tập luyện của du kích, nơi họp bí mật của Việt Minh, nơi đưa đón cán bộ Đảng Cộng sản của địa phương và Trung ương về hoạt động. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện, Song Hào... đã từng về đây để chỉ đạo phong trào và hoạt động cách mạng. Chính vì vậy quần thể di tích đình, chùa làng Hoành Nha được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ đầu năm 1993.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hàng ngàn thanh niên đã lên đường trở thành bộ đội, thanh niên xung phong đi đánh giặc. Nhiều người đã trở thành sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hai cuộc kháng chiến ấy, hàng trăm thanh niên đã ngã xuống, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Nhiều bà mẹ đã trở thành Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Làng Hoành Nha quê tôi đông dân, có thời gian làng mang tên xã Hoành Nha. Trước năm 1969 làng Hoành Nha còn được chia làm 3 xã: Giao Tiến, Giao Thắng, Giao Hùng. Từ năm 1969 đến nay, làng Hoành Nha mang tên xã Giao Tiến (phía Đông giáp xã Hoành Sơn và Giao Châu, phía Nam giáp xã Giao Tân, Giao Yến huyện Giao Thủy, phía Tây và phía Bắc giáp xã Xuân Vinh và Thọ Nghiệp huyện Xuân Trường). Có thời kỳ, dân số Xã Giao Tiến lên tới trên 20 nghìn người. Sự đồng nhất của một làng xã đông dân phản ánh một truyền thống văn hiến lâu đời với mối liên hệ hữu cơ tự nhiên của các dòng họ cùng nhau xây dựng quê hương.

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là trong công cuộc đổi mới, làng Hoành Nha có nhiều thay đổi, nhà ngói, nhà mái bằng mọc lên san sát. Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đến từng gia đình. Hạ tầng cơ sở phát triển, có bệnh xá, có nước sạch, có điện, có các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở.

Đến nay, làng Hoành Nha đã có nhiều người thành đạt có chức vụ, học hàm, học vị cao trong xã hội và có hàng ngàn người tốt nghiệp đại học với nhiều ngành nghề khác nhau. Tất cả đã và đang đóng góp có hiệu quả trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước trên mọi miền của Tổ quốc. Tôi tin rằng, những người con của quê hương làng Hoành Nha (xã Giao Tiến) đều có quyền tự hào về quê hương mình. Đồng thời luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương mà rèn luyện phấn đấu vươn lên để đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

2

Từ phả hệ, tôi được biết: Đức thái tổ họ Lê Huy của chúng tôi là Lê Huy Quảng, tới ấp Hòe Nha\ (làng Hoành Nha)- lập nghiệp vào khoảng nửa đầu thế kỷ 17. Đến nay, từ một con người giàu nghị lực ấy đã sinh sôi thành dòng họ Lê Huy với truyền thống văn hiến và hậu duệ đông đúc. Gia tộc chúng tôi sinh cơ lập nghiệp tại miền quê thuần nông nghiệp, nhưng đã có nhiều người tu trí theo nho học.

Cụ nội tôi là Cử nhân Lê Quả Dục, sinh năm 1833, mất năm 1899. Cụ là con trai của cụ tổ Lê Huy Lân đời thứ 7 thuộc cành Trung của dòng họ Lê Huy ở làng Hoành Nha. (Họ Lê Huy của chúng tôi có 3 cành: cành Cả, cành Trung, cành Qúy). Cụ Lê Quả Dục là một nhà Nho có uy tín trong làng được mọi người quí trọng. Cụ lều chõng vào Huế thi ba lần, dự thi hương đỗ tú tài năm 1864. Sau đó cụ đỗ cử nhân vào năm 1867 và được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri huyện Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) đồng Tri phủ Nho Quan (tỉnh Ninh Bình ngày nay). Sau một thời gian làm quan, Cử nhân Lê Quả Dục thấy rằng triều nhà Nguyễn ngày càng nhu nhược với người Pháp cho nên đã cáo quan về dạy học tại quê nhà. Trong quá trình dạy học, cụ hưởng ứng phong trào Cần Vương, tuyên truyền chống Pháp, tham gia việc mộ nghĩa của Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị và vận động nhân dân ủng hộ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở đồng bằng trung du Bắc Bộ lúc bấy giờ.

Trong cuốn HÒE NHA LỤC (lịch sử làng Hoành Nha) có đoạn ghi: ..."Lê Quả Dục- cử nhân (1867), tự là Toàn Thanh, hiệu Dưỡng chánh Trai, sinh năm 1833. Khoa Đinh Mão 1867 niên hiệu Tự Đức thứ 20, Tú tài Lê Quả Dục đỗ cử nhân thứ 17 trong 23 vị cử nhân trúng cách, mở đầu hương giải thời Nguyễn. Lê Quả Dục mồ côi bố từ nhỏ, gia đình bấn bách nhưng tư chất thông minh, đĩnh ngộ, học lực có tài. Ông chỉ mượn sách mà học, cũng không cần giữ sách vở. Khoa thi đỗ năm ấy ông vừa tròn 32 tuổi"...

..."Trong phong trào Văn thân, có nhiều sĩ phu yêu nước hưởng ứng. Ví như Cử nhân Lê Qủa Dục, năm 1885 nghỉ quan trường về quê sống ẩn dật làm nhiều thơ ca yêu nước, ông là 1 trong 14 tác giả nhà nho yêu nước của Hà Nam Ninh. Xin trích 01 bài: Do Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị xướng đề, khi về xã mộ nghĩa quân, Lê Qủa Dục họa vần.

Đề: Thần, Nhân, Quân, Thần, Chân

(Họa thơ: Dịch ra Quốc âm) Thẳm thẳm ngôi cao chủ mọi nhà Vua ta là chủ nước non ta Tài năng hội gặp đua mây gió Ơn đức, ai không thấm mốc mưa Sâu sắc Tiên sinh lo kế trước Dọc ngang hào kiệt thỏa lòng xưa Sáng ngời chính khí non sông Việt Không để giặc Tây lộn chính tà.

Bài thơ ghi lại cảnh Phạm đại nhân hội ước với thân hào địa phương trong việc mộ nghĩa binh ở khu vực này"...

Thời gian cử nhân Lê Quả Dục làm Tri huyện Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) đã được nhân dân địa phương ca ngơi bằng căp câu đối

"- Huyện thành thiên tỷ bất thường, đích vi Ninh Bình tỉnh, kim vi Nam Định tỉnh.

- Ấp tể tuần lương giả tỷ, tiền hữu Hoành Nha Lê, hậu hữu Cổ Am Lê."

Dịch nghĩa:

"- Huyện thành ta thay đổi bất thường, xưa thuộc Ninh Bình tỉnh, nay thuộc Nam Định tỉnh.

- Quan huyện tốt mấy ai sánh kịp, trước có Lê Công Hoành Nha, sau có Lê Công Cổ Am." ( Lê Công Hoành Nha chính là cử nhân Lê Quả Dục làng Hoành Nha)

Các cụ già trong làng kể lại: Cụ Lê Quả Dục là một ông quan thanh liêm, yêu nước, thương dân. Khi cụ mất, người con út là ông Năm Chuân mới hai tuổi. Nhà nghèo, cụ bà phải tìm mọi cách rau cháo nuôi con và nhờ các bạn bè của chồng giúp đỡ trong việc học hành.

Tuy nhà rất nghèo, nhưng cụ bà thương người nên đã dành hẳn một gian nhà dưới cho những người hành khất qua đường nghỉ đêm. Để con có thể học bài trong khi không có tiền mua dầu mỡ thắp đèn, có đêm bà cụ phải dùng lá cây bàng phơi khô ngồi cạnh đốt dần từng lá, để lấy ánh sáng cho con học bài tới khuya. Gương lo cho con học của cụ và gương chăm học của ông Năm Chuân mãi mãi soi sáng cho các ông bố, bà mẹ và con cháu dòng họ các thế hệ mai sau.

Ông nội tôi là nhà Nho Lê Huy Bào, sinh năm 1882, là con trai thứ tư của cụ cử nhân Lê Quả Dục. Do nhà nghèo cho nên khoảng năm 1920 ông phải lên vùng Tuyên Quang, Yên Bái dạ y học, làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân ở vùng cao để mưu sinh. Vì đường sá xa xôi cách trở nên từ khi xa quê đến khi về với tổ tiên (vào năm 1929), ông nội tôi chỉ về thăm nhà được vài ba lần. Hài cốt của ông nội tôi đã được bác Lê huy Bao (anh trai bố tôi) và bố mẹ tôi đưa từ Yên Bái về an táng tại nghĩa trang quê nhà từ những năm 60 của thế kỉ trước.

Bà nội tôi là Vũ Thị Nhủ (1887 -1961), là thứ nữ của Cử nhân Vũ Đức Hợp, một nhân sỹ yêu nước cùng cụ nội Lê Quả Dục treo ấn từ quan về ở ẩn để phản đối triều đình phong kiến nhà Nguyễn can tâm để thực dân Pháp đô hộ nước ta. Tôi được các cụ trong làng kể lại: Thời thiếu nữ bà nội tôi khá xinh đẹp, thường được ngồi vị trí "Tướng cờ" (mỗi khi có hội làng lớn). Bà là người phụ nữ hiền lành nhân hậu, hết lòng vì con cháu. Những năm tháng ông nội tôi đi dậy học ở Tuyên Quang, Yên Bái ít có điều kiện giúp đỡ gia đình. Ông nội lại mất sớm, cho nên bà nội tôi một mình chịu thương chịu khó vất vả nuôi con và đã nuôi dậy bố tôi, các bác các cô trưởng thành yên bề gia thất. Bà là một người con dâu được trân trọng trong dòng họ Lê Huy làng Hoành Nha.

Tôi rất thương bà nội, nhưng tuổi còn nhỏ quá nên chỉ biết thương mà chẳng làm được gì. Khi tôi lớn lên một chút, thì bà nội tôi đã vội theo tiên tổ về cõi vĩnh hằng vào một ngày cuối của năm 1961(ngày 29 tháng chạp âm lịch). Đó là một ngày buồn nhất thời thơ ấu của tôi.

Trên cái nôi làng Hoành Nha ấy, tôi sinh ra vào ngày 23-5-1946 (tức ngày 23 tháng 4 năm Bính Tuất) trong một gia đình thuần nông. Bố tôi là ông Lê Huy Rung, sinh năm 1915, mất năm 1999. Mẹ là bà Nguyễn Thị Tý, sinh năm 1924, mất năm 1993. Bố mẹ tôi sống bình dị, siêng năng, hướng thiện; các cụ sinh được 8 người con (có 2 cô em gái mất hồi nhỏ), còn lại 6 người con (2 trai, 4 gái) trưởng thành. Tôi là con thứ hai trong gia đình.

Bố tôi mồ côi cha từ năm 15 tuổi. Gia đình nghèo cho nên không được đi học nhiều, nhưng ông đã tự học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Sau 1954, ông là giáo viên xóa mù chữ và có thời gian là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp. Trong kháng chiến chống Pháp, bố tôi đã tham gia vận chuyển đạn, gạo, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Một cân gạo từ đồng bằng Nam Định chuyển được lên vùng núi tây bắc là cả một quá trình gian nan, đổ nhiều mồ hôi, xương máu. Nhưng những người tình nguyện đi dân công tải đạn, tải lương như bố tôi vẫn tin vào ngày thắng lợi.

Ông ngoại tôi mất sớm cho nên mẹ tôi cũng không được đi học. Lên 9 tuổi mẹ đã phải theo bà ngoại bôn ba khắp các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái để kiếm sống. Mẹ tôi kể lại: Do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn cho nên năm 9 tuổi bà làm con nuôi cho một gia đình ở bản Chu, huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 12 tuổi, mẹ tôi trốn bố mẹ nuôi, tìm về vùng Chợ Mới tỉnh Thái Nguyên sinh sống cùng bà ngoại.( Bà ngoại tôi đã phải về bản Chu xin lỗi gia đình nuôi mẹ tôi). Bố mẹ tôi xây dựng gia đình từ khi mẹ tôi mới 15 tuổi. Sau nhiều năm lao động vất vả, dành dụm, chắt chiu và được sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, bố mẹ tôi đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc, có một cơ ngơi đầy đủ, khang trang. Không được đi học, chỉ làm nông nghiệp ở quê, nhưng bố mẹ tôi vẫn tìm mọi cách cho các con đi học. Tư tưởng hiếu học, trọng thầy, của văn hóa Nho giáo từ cụ nội đã qua mấy thế hệ vẫn tác động tích cực đến anh em tôi.

Cụ nội của vợ tôi tên là Nguyễn Thanh Liêm- là một ông quan thanh liêm trong Triều đình Huế thời nhà Nguyễn, (đúng như tên của cụ). Khi đến tuổi nghỉ Quan trường, cụ đem số tiền giành dụm được phát bần cho dân nghèo tại quê nhà. Việc làm từ thiện đầy nhân nghĩa ấy vẫn còn được lưu truyền đến bây giờ. Ông nội của vợ tôi là cụ Nguyễn Văn Đạm đã xây dựng nên một đại gia đình gia phong, nền nếp. Bác Nguyễn Văn Hán tham gia hội Việt Minh theo lời kêu gọi của cụ Hồ Chí Minh rất sớm. Chú Nguyễn Văn Tư và bố vợ tôi đều xung phong đi bộ đội từ hồi kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các con của cụ là Đảng viên và là viên chức nhà nước.

Bố vợ tôi là ông Nguyễn Văn Thiệp sinh năm 1924, mẹ vợ tôi là bà Hoàng Thị Rõi sinh năm 1927. Các cụ sinh được 6 người con trưởng thành. Sau nhiều năm cần cù lao động gian nan vất vả, các cụ đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, đầy đủ và một gia đình nền nếp, hiếu học, cần cù lao động tại làng Hoành Nha (xã GiaoTiến) huyện GiaoThủy tỉnh Nam Định.

Vợ tôi là Nguyễn Thị Bình, là con thứ hai trong gia đình, là giáo viên trung học cơ sở, nay đã nghỉ hưu. Đến nay bố, mẹ vợ của tôi đều đã trên 90 tuổi, nhưng các cụ vẫn sống vui, sống khỏe cùng con cháu ở thành phố Hà Nội.

Theo các cụ lão thành trong xã kể lại: Trước Cách mạng tháng Tám, xã Giao Tiến có ông Cả Âu,(ông Vũ Đức Âu) một cán bộ Việt Minh, được giác ngộ từ rất sớm. Ông Cả Âu đã về quê hương vận động, hướng dẫn thanh niên trong xã tham gia cách mạng. Ông có công lớn trong việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của làng Hoành Nha và chỉ đạo giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở vùng này. Rất vinh dự cho làng Hoành Nha của chúng tôi, ông Cả Âu đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

Chú Lê Tích Rựng (em con chú bố tôi) là một thanh niên được ông Cả Âu dìu dắt tham gia kháng chiến. Chú Rựng đã trở thành một trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản xã Giao Tiến khi được thành lập năm 1947 và trở thành Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Giao Tiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện lời kêu gọi: Toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo làng Hoành Nha đã tổ chức nhân dân rào làng, đắp lũy xây dựng làng chiến đấu, ngoan cường, cầm cự với giặc Pháp tới 2 năm 4 tháng (từ năm 1949 đến 1951). Những năm tháng ấy, bố tôi là tổ trưởng du kích cùng nhân dân bám trụ, rào làng đánh giặc.

Thời kỳ chín năm đánh Pháp, quê tôi là vùng giặc tạm chiếm. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những bà mẹ trẻ, những cô, những chị gái xinh đẹp, nhưng mặt mũi, chân tay, quần áo bôi đầy nhọ nồi, bùn đất (tự làm cho mình thật xấu) tập trung chật nhà cụ Lộc (hàng xóm) mỗi khi có tin lính Pháp sắp đến càn quét. Khi chúng đến lùng bắt phụ nữ hòng thực hiện hành vi xâm hại thì các bà, các chị, các cô gái bám chặt lấy nhau kêu khóc và bấm véo cho trẻ con khóc ầm lên, làm chúng khiếp sợ bỏ chạy.

Sau này lớn lên, tôi mới biết cách đó là do Chi hội Phụ nữ Việt Minh lúc bấy giờ tổ chức, hướng dẫn cho chị em. Đó là cách duy nhất có hiệu quả chống lại hành vi xâm hại của quân đội viễn chinh Pháp, nhằm bảo vệ chị em phụ nữ làng quê Việt Nam thời bấy giờ.

Thời gian ấy, bố mẹ tôi bí mật nuôi chị Sỡi, một cán bô Việt Minh nằm vùng để xây dựng phong trào phụ nữ. Một lần giặc càn vào làng. Chúng bắt được một du kích của ta liền đưa tới nhà ông Chánh Bật để đánh đập, tra khảo. Nhà ông Chánh Bật lại ở sát nhà ông Năm Chuân, chỉ cách nhà tôi chưa đầy 100m. Đây là cách bố trí táo bạo của Việt Minh, khiến quân giặc không thể ngờ, cán bộ nằm vùng lại ở sát nách nhà một chức sắc của địch trong vùng tạm chiếm.

Giặc đến quá bất ngờ, bố tôi cùng bác Bao đánh liều giấu chị Sỡi vào trong đống rơm ở vườn trước nhà. Một lúc sau, bà vợ ông Chánh Bật lật đật chạy sang hốt hoảng nói với ông Năm Chuân (ông trẻ của tôi) rằng: Không chịu nổi đòn đau, người du kích đã khai ra nhà ông Rung, ông Bao đang nuôi giấu nữ cán bộ Việt Minh nằm vùng trong nhà. Được tin báo, bố tôi cùng bác Bao vội lật đống rơm đưa chị Sỡi chạy ra phía sau nhà, lẩn vào vườn dong riềng, cách nhà tôi chưa đầy 100m để xuống căn hầm bí mật kín khuất.

Ngay sau đó, giặc đã ập vào nhà tôi. Khi thấy bóng một phụ nữ chạy vụt qua ra phía sau nhà, chúng la hét, sục sạo, đuổi theo bắt nhầm chị Phúc con dâu cụ Lộc nhà hàng xóm (chị Phúc có nước da trắng trẻo, bọn giặc hí hửng tưởng bắt được cán bộ nằm hầm bí mật lâu ngày). Trong khi chạy giặc, chị Sỡi có đánh rơi cuốn sổ ghi chép, chắc trong cuốn sổ ấy có nhiều điều bí mật. Anh Nguyễn Văn Cơ- người anh họ của tôi (lúc bấy giờ chưa tới 15 tuổi) đã nhanh trí vùi nó vào đống tro trấu đang nghi ngút khói. Chẳng những anh Cơ mà tất cả anh em chúng tôi cũng sẽ làm được như vậy vì bố mẹ đã dặn dò chúng tôi rất kỹ về việc giữ bí mật việc nuôi giấu chị Sỡi trong nhà...

Dấu vết bị xóa, không bắt được người, bọn giặc không có chứng cớ để gây sự nên đã phải thả chị Phúc ra. Sau ngày hòa bình được lập lại ở Miền Bắc, chị Sỡi công tác ở Hội Phụ nữ huyện Giao Thủy, chị thỉnh thoảng vẫn đến thăm bố mẹ tôi.

Tôi nhớ nhất hồi giữa năm 1954, vào một buổi chiều, nhiều tốp máy bay cánh quạt của Pháp bất ngờ ném những loạt bom xuống thôn Toàn Thắng và chợ Hoành Nha quê tôi. Chúng làm hơn 50 người chết và nhiều người bị thương. Bom giặc còn đào cả một vùng ruộng lúa, cách nhà tôi chừng 500 mét thành nhiều cái ao lớn gọi là ao bom. Mãi đến những năm 70 những hố bom ấy mới được người dân trong làng san lấp làm ruộng cấy lúa.

Những đêm vui như đêm hội khi bộ đội ta về làng. Những ngày chị Sỡi cán bộ phụ nữ huyện bí mật ở trong nhà tôi, nằm vùng xây dựng phong trào kháng chiến. Những lần đại bác và súng cối của giặc Pháp ở đồn Bùi Chu, Ngô Đồng và Yên Cư bắn vào làng, bố mẹ kéo vội anh em chúng tôi vào chiếc hầm sâu ở giữa nhà và có mảnh đạn găm vào cánh cửa nhà... Tất cả vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Cuộc sống ở khắp các làng quê đều chuyển động, đời sống của mọi nhà đều từng bước bớt khó khăn hơn.

3

Giữa năm 1955 tôi được đi học lớp vỡ lòng của cụ Hương Kỳ (một ông giáo làng). Lúc bấy giờ giáo viên quá thiếu, cụ Hương Kỳ phải đảm nhiệm dạy cả lớp vỡ lòng, lớp 1, lớp 2, và hình như cả lớp 3 nữa. Tôi thấy cụ Hương Kỳ lúc thì hướng dẫn lớp tôi, lúc thì hướng dẫn lớp học của các anh chị lớn hơn. Năm 1956 tôi vào lớp 1. Lúc bấy giờ, kinh tế gia đình quá khó khăn nên một buổi tôi đi học, một buổi phải giúp đỡ bố mẹ lao động như xay thóc, giã gạo, nấu cơm, hái rau, làm cỏ lúa, cỏ vườn. Tôi thường tranh thủ làm bài tập tại lớp, tối về học lí thuyết và làm những bài tập còn lại bên ngọn đèn Hoa Kỳ nhỏ xíu.

Tôi còn nhớ: Hồi học lớp 4 (lúc bấy giờ chưa có máy xay xát gạo), vào một buổi chiều, mẹ giao cho tôi xay 2 thùng thóc (mỗi thùng chừng 12kg). Do sức tôi còn quá yếu nên kéo cối xay thóc mệt lắm (quê tôi gọi hạt lúa là hạt thóc). Tôi cố sức kéo cối xay thóc đến khoảng 16 giờ mà vẫn chưa xong việc mẹ giao. Sắp đến giờ bạn bè hẹn nên tôi đã "đánh liều", cứ vài phút lại nâng thớt trên của cối xay lên cho thóc tụt bớt xuống, mong sao cho nhanh xong việc để kịp đi đá bóng cùng các bạn.

Tối hôm ấy, đi làm đồng về, mẹ tranh thủ sàng gạo (là phương pháp thủ công truyền thống để tách được gạo, thóc, trấu). Nhìn thấy thóc nguyên hạt còn nhiều quá, mẹ tôi xem kỹ những hạt thóc và dễ dàng phát hiện ra "mẹo lười biếng" của con trai mình. Tôi đã bị mẹ mắng cho một trận "lên bờ xuống ruộng". Sau đó tôi còn bị mẹ quất cho 3 roi!

Khi lên học cấp 2, xã Giao Tiến chưa có trường, nên tôi phải học ở mãi tận nhà thờ Thức Khóa thuộc xã Giao Hoan, (nay là xã Giao Thịnh), huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cách nhà tôi gần 10 ki-lô-met. Chúng tôi phải học nhờ ở dãy nhà ngang của nhà thờ.

Những năm tháng đi học, tôi vẫn thường xuyên giúp bố mẹ những việc vặt trong nhà. Những ngày nghỉ hè, nghỉ chủ nhật tôi còn cùng đám bạn đi bắt cá ở sông, ở những cánh đồng, mót cá của dân chài lưới ở bờ biển và bắt cua biển, lấy củi ở bãi sú vẹt (bãi sú vẹt là khu rừng nước mặn ven biển ở quê tôi) và những trò chơi tinh nghịch với bạn bè cùng trang lứa.

Về mùa hè, tôi cùng mấy bạn Nguyễn Hào Quang, Lê Nguyên Chất, Lê Bá Hữu phải cuốc bộ từ 4, 5 giờ sáng, quá 7 giờ mới đến trường. Trưa lại cuốc bộ một mạch về nhà. Đến mùa đông thì chúng tôi phải ở trọ vì không thể đi về được. Lúc bấy giờ kinh tế mọi gia đình đều khó khăn cho nên mỗi tuần đi học trọ, chúng tôi chỉ mang theo mỗi người vài ký gạo, còn thức ăn, bố mẹ cho thứ gì thì mang theo thứ đó. Vì đói, chúng tôi thường phải đi xin quả sung về giã ra để trộn nấu với cơm. Có một lần bà chủ nhà thương quá, đãi chúng tôi một bữa thịt trâu nấu khế sao mà ngon thế, tôi còn nhớ mãi. Lúc bấy giờ, cuộc sống rất thiếu thốn, nhưng học trò chúng tôi vẫn không cảm thấy khổ. Có lẽ vì ham thích học tập và được đi học là niềm vui. Khó khăn như thế nào chúng tôi vẫn cố gắng học tập. Hầu hết chúng tôi đều học khá, nhất là các môn tự nhiên.

Sang niên khóa 1961-1962, cả bốn anh em chúng tôi được chuyển về Trường phổ thông cấp 2 huyện Giao Thủy (nay là thị trấn Ngô Đồng). Về học ở đây, dù là nhà tranh vách đất, nhưng tường được quét vôi trắng, trường, lớp tươn tất, lại cách nhà có hơn 5km. Đặc biệt lớp 6Đ chúng tôi được cô giáo Nguyễn Kim Quy quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An làm chủ nhiệm. Cô coi học trò như các em trong nhà. Cô chỉ bảo chúng tôi từ cách học bài đến cách chăm sóc bản thân, cách ứng xử trong mối quan hệ với bạn bè, với mọi người... Môn văn tôi học không tốt lắm, nhưng nhờ cô giáo Nguyễn Kim Quy tận tâm giúp đỡ nên cũng khá dần lên.

Năm 1961, lúc bấy giờ tôi đang học lớp 6. Có một sự kiện nghiêm trọng xẩy ra trong đời học trò của tôi. Hôm ấy, sau buổi học, trên đường từ trường về nhà, nhóm bạn "nối khố" chúng tôi bàn nhau qua chợ Bể để hái quả bàng chín. Chợ Bể là chợ to, nổi tiếng ở quê, chỉ họp 6 phiên vào ngày 4, ngày 8, hàng tháng. Thời gian ấy, ở chợ Bể có rất nhiều cây bàng quả chín mọng.

Đến chợ Bể, tôi cùng các bạn Nguyễn Hào Quang, Lê Nguyên Chất, Lê Bá Hữu và một số bạn nữa để cặp sách gọn gàng ở gốc cây bàng, rồi trèo lên hái quả. Ít phút sau, các bạn phát hiện một cành bàng hơi nhỏ, ở độ cao chừng hơn năm mét, có nhiều quả chín. Chúng tôi bàn cách leo trèo, cố hái bằng được. Tôi là người trèo cây khá hơn, cho nên đã xung phong làm nhiệm vụ này. Tất cả các bạn của tôi đều đồng ý. Lập tức tôi tìm cách trèo tới cành bàng nhỏ ấy bằng tư thế gần như nằm ngửa. Hai tay và hai chân tôi ôm lấy cành bàng. Đầu tôi nhô ra phía trước. Tôi cố lần dần ra để hái những quả bàng chín mà chúng tôi đã nhìn thấy. Khi gần tới chùm bàng chín, cành bàng nhỏ tôi đang leo oằn cong hẳn xuống. Tôi buông tay phải khỏi cành bàng, với ra xa để cố hái chùm quả bàng đã định. Đúng lúc ấy, cành bàng gẫy "rắc". Tay phải tôi vội chụp lấy cành bàng cùng tay trái và hai chân quàng chặt lấy cành bàng cùng rơi "rầm" xuống đất.

Khi tỉnh lại, tôi thấy một người phụ nữ khoảng 40 tuổi đang ôm tôi vào lòng. Người phụ nữ ấy đã xoa dầu bạc hà vào trán và ngực tôi... Thấy tôi mở mắt, người phụ nữ ấy reo lên "Thằng bé đã tỉnh rồi". Toàn thân đau ê ẩm nhưng tôi cố chịu, không hề kêu rên. Chắc rằng cành bàng nhỏ đã như cái dù cứu tôi thoát cái chết. Tự nhiên nước mắt tôi chảy ra. Những giọt nước mắt ấy dường như thay lời cảm ơn của tôi với người phụ nữ, người mẹ ấy... Rất tiếc, cho đến hôm nay tôi chưa một lần gặp lại người phụ nữ đầy lòng nhân ái ấy.

Lúc bấy giờ, nhóm bạn của tôi có mặt đông đủ. Bạn Nguyễn Hào Quang (trưởng nhóm) đã cảm ơn người phụ nữ tốt bụng, rồi cùng mọi người đưa tôi về nhà. Trên đường, thấy sức khỏe của tôi tạm ổn, cho nên Nguyễn Hào Quang đã nhắc đi, nhắc lại "nhiệm vụ": Không ai được nói cho bố mẹ tôi và các thầy cô giáo biết chuyện này. Mệnh lệnh ấy, đã được chấp hành rất nghiêm. Mấy ngày hôm sau, tôi đau ê ẩm khắp cơ thể, nhưng vẫn cố chịu đau để đi học đều và vẫn phải làm những việc lặt vặt giúp đỡ bố mẹ. Trưởng nhóm Nguyễn Hào Quang đã cắt cử các bạn hàng ngày đến tận nhà đón, đưa tôi đi học, cho tới khi tôi khỏe hẳn. Đến khi tôi đi bộ đội, bố mẹ tôi mới biết chuyện hồi học lớp 6 tôi đã bị ngã rất đau khi trèo cây bàng ở chợ Bể.

Những ngày tiếp sau đó, trên đường đi học, hàng tuần liền các bạn đã lần lượt "kể tội" nhau là: Khi tôi bị ngã từ trên cây bàng rơi xuống đất, bất tỉnh. Sợ quá nên Lê Bá Hữu, Lê Nguyên Chất cùng một số bạn nữa, mặt tái mét, tụt từ trên cây bàng xuống đất xước hết cả da bụng, quên cả cặp sách bỏ chạy ... Bạn Nguyễn Hào Quang (trưởng nhóm) phải đuổi theo, rồi vượt lên, mãi gần đến cầu Ông Chúng (cách chợ Bể chừng 2 ki-lô-mét), mới kịp giữ được cả nhóm quay lại cứu bạn và quán triệt mệnh lệnh "giữ bí mật". Ở tuổi học trò, thời đó chúng tôi cũng chơi những trò mạo hiểm, tai hại như thế đấy, đúng như các cụ nói: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò".

Lớp 7A (khóa 1)Trường cấp II xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định họp mặt hàng năm. Lê huy Mai (đứng giữa- hàng sau). Lê Bá Hữu (đứng bên phải hàng sau). Ảnh chụp năm 2003 tại quê nhà.

Đến nay, mọi người đều đã lên ông lên bà, nhiều người là Tiến sĩ, Giáo viên, Kỹ sư, Bác sỹ, Sĩ quan quân đội... Nhưng hàng năm, cứ đến tháng 9, cựu học sinh lớp chúng tôi lại gặp nhau ở quê. Trong những ngày ấy, bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò lại ùa về. Khi nhắc đến chuyện tôi bị ngã ở cây bàng chợ Bể, các bạn tôi đều nói: "lão Mai" trèo cây giỏi và gan lỳ như thế, cho nên trong chiến tranh làm trinh sát giỏi là đúng thôi, phải không các ông, các bà... Tất cả chúng tôi cùng cười vui.

Năm 1962, quê tôi mới có trường phổ thông cấp hai và anh em chúng tôi được về học lớp 7, khóa đầu tiên của Trường cấp hai xã Giao Tiến. Phải xa cô Kim Quy, mọi người vẫn còn nhớ mãi. Rất may năm ấy, lớp 7 của tôi được thầy giáo Nguyễn Phúc Trình dạy môn toán làm chủ nhiệm. Thầy Phúc Trình nóng tính, nhưng mọi người vẫn quý, vì thầy quan tâm học sinh và đặc biệt thầy dạy dễ hiểu. Có lần, thầy Nguyễn Phúc Trình tổ chức đưa cả lớp đi tham quan núi Non Nước ở thị xã Ninh Bình. Hôm ấy, cả thầy và trò cùng đi bộ lên Nam Định rồi được đi tàu hỏa, được leo núi đá, được nghe chuyện chiến sĩ Giáp Văn Khương dũng cảm đánh Pháp như thế nào. Những chuyện vui và đẹp như thế đối với học sinh nông thôn thời bấy giờ khiến chúng tôi nhớ suốt đời. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi cùng anh bạn Hoàng Thế Hùng đã đến thăm cô Nguyễn Kim Quy ở thị xã Thái Bình. Gặp chúng tôi, cô mừng lắm. Riêng thầy Nguyễn Phúc Trình hiện nay đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi có điều kiện qua thành phố, chúng tôi vẫn đến thăm thầy. Chúng tôi mong các thầy cô luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.

Kết thúc năm học 1963, tôi tốt nghiệp cấp hai hệ 7/10. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện cho con học lên cấp 3. Nên tôi thi vào Trường Trung cấp Đường sắt, nhưng rồi lại không muốn học trường ấy mà ở nhà làm ruộng cùng bà con hợp tác xã nông nghiệp. Tuổi học trò của tôi kết thúc sớm kể ra cũng tiếc, nhưng thời điểm lúc bấy giờ học hết cấp hai cũng là tốt lắm rồi. Không hiểu sao tôi vẫn mơ ước và tin rằng mình sẽ được đi học tiếp. Tương lai tôi sẽ học hết cấp 3, vào đại học và sẽ đi đến những miền đất xa xôi và trưởng thành ở đó.

Sau khi nghỉ học, hàng ngày tôi đi làm cùng bà con hợp tác xã nông nghiệp tại quê nhà. Là học trò mới đi làm, nhưng xuất thân từ con nhà lao động nên việc làm cỏ, bón phân, tát nước, cuốc đất, đi bừa, gặt lúa tôi vẫn làm được như mọi xã viên thời ấy. Trong quá trình lao động, tôi luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình cho nên được bà con tôn trọng, thương yêu và quý mến.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top