Từ các sử liệu của Trung-Quốc và trong nước liên quan đến việc vua Quang Trung đại phá quân Thanh,

Từ các sử liệu của Trung-Quốc và trong nước liên quan đến việc vua Quang Trung đại phá quân Thanh, nhân đó đính chính một vài điều về lịch sử

Phiên dịch Cao Tông thực lục, chúng tôi rất lưu ý đạo dụ của vua Càn Long, liên quan đến việc quân Thanh bị tấn công tại thành Thăng-Long vào dịp đầu xuân Kỷ Dậu [1789]. Sự kiện lịch sử trọng đại này còn được chép trong các sách như Thanh thông giám, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, cùng Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái. Nhằm nhìn rõ vấn đề từ mọi hướng, xin chép lại các sử liệu nêu trên; để cuối cùng qua phần lời bàn, người viết cố gắng phân tích vấn đề, tìm tòi sự khác biệt đúng sai, với niềm hy vọng có thể thấy được sự thực.

Trận đánh thành Thăng-Long theo Cao Tông thực lục:

Ngày 25 tháng Giêng, năm Càn Long thứ 54 [19/2/1789]

Tổng-đốc Lưỡng-Quảng Tôn Sĩ Nghị tâu rằng sau khi thành nhà Lê được thu phục, vị trí dải đất về phía nam thành tiếp giáp với đất giặc. Theo lời Lê Duy Kỳ báo, vào ngày mồng hai tháng giêng năm nay quân lính của viên Quốc-vương phòng thủ nơi này bị giặc đánh đuổi, bọn chúng rêu rao rằng sẽ trả thù rửa hận. Thần sai quan binh đến tiễu trừ, đánh bại bọn giặc. Rồi Lê Duy Kỳ nghe tin Nguyễn Huệ thân tới, sợ hãi gan mật tê liệt, tay bế con nhỏ, cùng với mẹ chạy trốn qua sông Phú-Lương; khiến dân tình hoảng hốt, người trong nước rần rần chạy loạn. Thần cùng Ðề-đốc Hứa Thế Hanh lại đốc suất quan binh quyết tâm huyết chiến, nhưng không địch nổi, vì giặc quá đông, vây kín đại binh bốn phía. Từ đó Thần và Ðề-đốc Hứa Thế Hanh không thấy mặt nhau nữa, Thần phá vòng vây, tiến thẳng tới cầu nổi, ra lệnh Tổng-binh Lý Hóa Long qua sông để chiếm lấy bờ phía bắc. Lý Hóa Long đi đến giữa cầu, chẳng may trướt chân rơi xuống nước.Thần ra lệnh Phó-tướng Khánh Thành quay đầu bắn súng điểu thương chặn địch, rồi mang binh từ từ theo cầu nổi tới bờ phía bắc, đọan rút về sông Thị-Cầu trú đóng. Một mặt cho người chạy đến vùng Lạng-Sơn, ải Nam-quan tìm mẹ con Lê Duy Kỳ; tạm trú bọn họ tại quan ải. Thần mang trọng trách không làm xong việc sớm, lần này lại bị giặc đánh chặn, xin được cách chức trị tội về việc điều binh sai lầm để làm răn.

Nay dụ các Quân Cơ Ðại-thần: Trẫm trước kia đã cho rằng Lê Duy Kỳ mềm yếu không có khả năng, xem ra trời đã ghét họ Lê nên không thể hỗ trợ được, mà dân tình An-Nam lại phản phúc khó tin; nên đã giáng chỉ dụ lệnh Tôn Sĩ Nghị cấp tốc triệt binh. Nếu như Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ dụ bèn lập tức triệt hồi, thì ngày hôm nay đại quân đã về đến cửa quan ải rồi. Nay Nguyễn Huệ dám ra chặn đánh, nguyên do là Tôn Sĩ Nghị hy vọng Nguyễn Huệ sẽ hối lỗi đầu hàng để mọi việc được hoàn mỹ, nên chần chừ ngày giờ, mới xảy ra như vậy. Hiện tại vào tiết mùa xuân, tại nơi này mưa nhiều lắm chướng khí; nếu muốn cử đại binh cũng chưa phải lúc. Huống các tỉnh Quảng-Ðông, Quảng-Tây trước đây tiếp tục điều binh, thì đã ra lệnh đình chỉ; nay lại rầm rộ truyền hịch điều động, thì cũng không đáp ứng được tình hình khẩn cấp, mà lại khiến cho lòng người thêm kinh hãi. Nói tóm lại đem binh triệt hồi, vẹn toàn quốc thể là điều cốt yếu.

Tôn Sĩ Nghị là người thống suất toàn quân, không thể làm việc mạo hiểm; viên Tổng-đốc phá vòng vây để ra, hành động này rất đúng. Thứ đến, Hứa Thế Hanh là viên chức lớn với cấp bực Ðề-đốc cũng rất quan hệ; hiện nay chưa có tin tức, đang hết sức trông ngóng. Hai người phải lưu tâm thận trọng, đốc suất quan binh đến quan ải gấp. Theo lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh thì Lê Duy Kỳ đến quan ải vào ngày mồng 7 tháng giêng, hiện cho trú tại Nam-Ninh. Bàn về việc hành quân từ trước tới nay không phải mỗi lần ra quân đều thuận lợi, như các cuộc hành quân tại Tân-Cương, Tây-Lộ, cho đến Lưỡng Kim-Xuyên đều có những tổn thất nhỏ rồi mới thành công. Lần nầy Tôn Sĩ Nghị mang quân đến An-Nam đánh giặc thành công quá dễ, nay có sự tổn thất biết đâu đây chính là Nguyễn Huệ tự mang lấy mầm diệt vong vậy. Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh hãy mang quân ra cho vẹn toàn, đừng làm tổn thương quốc thể; tương lai có liệu biện việc này hay không do chính Trẫm thao túng, rồi sẽ từ từ quyết định. Còn việc Tôn Sĩ Nghị tâu xin cách chức trị tội; thì việc tổn thương này ngoài ý muốn, không phải do viên Tổng-đốc lầm lỡ mạo muội, tại sao lại tâu như vậy! Viên Tổng-đốc phải gia tăng trấn tĩnh để lo liệu việc triệt thoái, chớ nên hoang mang ý loạn, đó là điều hết sức quan trọng. Chắc bọn Nguyễn Huệ cũng không dám xâm phạm biên giới của Thiên triều, tuy nhiên dọc theo quan ải cần dàn binh lực để làm mạnh thanh thế và chuẩn bị việc tiếp ứng. Hiện theo lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh đã điều 1 ngàn quân tiến trước hợp với quân phòng thủ gồm 3 ngàn tên [1] , sẽ lo điều động thêm. Nay dụ Tôn Vĩnh Thanh hãy tính toán kỹ, nếu số binh lính không đủ dùng, thì có thể một mặt tiếp tục điều tại các doanh, một mặt tấu lên. Quân Quảng-Tây hiện đang triệt hồi, còn đạo quân Vân-Nam do ngã Tuyên-Quang An-Biên cũng phải triệt thoái gấp. Quân lính tại các doanh đồn trú tại Vân-Nam tương đối nhiều, nếu quân số dưới quyền của Phú Cương và Ô Ðại Kinh hiện nay không đủ dùng, thì đừng ngại lấy thêm quân từ các doanh để phòng thủ dọc biên giới, khiến cho thanh thế càng thêm mạnh mẽ. (Cao Tông thực lục quyển 1321 tờ 868-869).

Trận đánh thành Thăng-Long theo Thanh thông giám

Ngày mồng 5 tháng giêng:

Quân Thanh bị bại, Tôn Sĩ Nghị mang tàn quân chạy về bắc.

Vào cuối năm năm ngoái, quân của Nguyễn Huệ nước An-Nam vượt sông Gián-Thủy đánh bại quân phòng thủ của Lê Duy Kỳ [Lê Chiêu Thống]; lại bắt toán quân Thanh tuần thám giết sạch. Ngày mồng hai, Tôn Sĩ Nghi được tin hoảng hốt ngự địch; ra lệnh Tổng-binh Trương Triều Long mang 3000 quân tăng cường cho các đồn Hà-Hồi, Ngọc-Hồi để chống cự, lại ra lệnh cho Ðề-đốc Hứa Thế Hanh mang 1500 tên, tự đốc suất 1200 tên để tiếp ứng. Quân Nguyễn Huệ tiến tới đông như ong, vây đồn 4 phía, đánh nhau một ngày một đêm, quân Thanh bị đánh tan bèn bỏ chạy.

Vào canh năm ngày này [mồng 5] Nguyễn Văn Huệ mang đại binh tiến đánh, thân tự đốc chiến, dùng 100 thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân Thanh cho kỵ binh nghênh địch, ngựa bị voi quần kinh hãi bỏ chạy, quân rút lui vào trại cố thủ. Phía ngoài trại, lũy đầy chông sắt, bên trong bắn súng ra cự địch. Vào giờ Ngọ quân Nguyễn bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau, trước ngã sau tiến lên một lòng quyết chiến, tại các trại quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém giết, quân Thanh tử thương quá nửa.

Ðề-đốc Hứa Thế Hanh thấy thế lực nhiều ít rõ ràng, bảo gia nhân đem ấn triện Ðề-đốc mang đi, rồi ra sức đánh, bị chết tại trận. Lúc này quân địch càng bị giết càng nhiều, chia cắt quân Thanh từng nhóm rồi vây kín. Thống-soái Tôn Sĩ Nghị mất liên lạc với Hứa Thế Hanh và các đại viên Ðề,Trấn; bèn ra lệnh Phó-tướng Khánh Thành, Ðức Khắc Tinh Ngạch mang 300 quân đoạt vây chạy về phía bắc. Khi tàn quân của Tôn Sĩ Nghị chạy đến bờ sông, thì số quân Thanh 3000 tên trú đóng tại bờ phía nam đã được Tổng-binh Thượng Duy Thanh mang đi tiếp ứng cho Hứa Thế Hanh, bèn ra lệnh cho Tổng-binh Lý Hóa Long vượt qua cầu nổi chiếm cứ bờ phía bắc, để tiện việc yểm hộ qua sông. Không ngờ Lý Hóa Long đi đến giữa cầu, trượt chân rơi xuống nước chết, số quân mang đi kinh hãi không biết làm gì. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh Khánh Thành yểm hộ mặt sau bằng cách bắn súng điểu thương vào quân Nguyễn Văn Huệ đang truy kích, riêng mình tự mang quân theo cầu nổi lui về bờ phía bắc; rồi lập tức cho chặt đứt cầu nổi, cùng với bọn Khánh Thành rút lui về sông Thị-Cầu.

Quân Thanh tại phía nam sông thấy cầu đã bị đứt chìm, không có đường về, bèn đánh trở lại thành nhà Lê. Các Tổng-binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Phó-tướng Na Ðôn Hành, Tham-tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm đều tử trận. Tri-châu Ðiền-Châu Sầm Nghi Ðống không được viện binh đành tự tử, số thân binh tự tử cũng đến hàng trăm. Quốc-vương An-Nam Lê Duy Kỳ vào lúc binh thua tới dinh Tôn Sĩ Nghị họp bàn, thấy Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, bèn hoảng hốt vượt sông chạy lên phương bắc, đến đây nhà Lê diệt vong.

Nguyễn Văn Huệ xua quân tiến vào thành, chiến bào mặc trên người nhuốm đen, do bởi thuốc súng. Ðề-đốc Ô Ðại Kinh mang đạo quân Thanh tại Vân-Nam xuất phát từ Mã-Bạch quan vào ngày 20 tháng 11 năm ngoái, đến Tuyên-Quang vào ngày 21 tháng 12; khi đến sông Phú-Lương thấy cầu nổi bằng tre đã bị chìm đứt, nhìn sang bên kia bờ thấy lửa rực bốn phía, bèn triệt hồi Tuyên-Quang, rồi lập tức lui vào trong nước. (Thanh thông giám, quyển 146, trang 4565-4567).

Khâm định Việt sử thông giám cương mục:

Hồi trống canh năm sớm hôm sau (mồng 5 tháng giêng), Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc [2] lại lùa voi xông đến: quân Thanh trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút trong lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc dùng những bó rơm to để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân lính tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và đều chạy. Giặc đuổi đến đồn Nam-Ðồng, thừa thắng ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương đến quá nửa. Thế Hanh, Tiên-phong Trương Sĩ Long và Tả-dực Thượng Duy Thăng đều chết. Sầm Nghi Ðống đóng đồn tại Loa-Sơn (tục gọi Ðống-Ða) bị một tướng khác của giặc đánh, quân cứu không có, Nghi Ðống phải tự thắt cổ mà chết. Toán thân binh của Nghi Ðống cũng tự ải chết theo đến vài trăm người. (Bản dịch của Viện sử học, tập 2, trang 846).

Hoàng Lê nhất thống chí:

Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức. Ðoạn kén loại lính khỏe mạnh, cứ 10 khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ "nhất"; vua Quang Trung cưỡi ngựa voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc-Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra chẳng trúng người nào cả. Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân Thanh lại tự làm hại mình.

Vua Quang Trung liền sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên phía trước. Khi gươm giáo hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái-thú Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại (Bản dịch của Nguyễn Ðức Vân và Kiều Thu Hoạch, trang 223-224).

Lời bàn của người dịch (Cao Tông thực lục):

Duyệt qua các tài liệu lịch sử từ các nguồn khác nhau giúp người đọc có một cái nhìn mới về trận đánh của vua Quang Trung vào thành Thăng-Long với những điều đáng lưu ý sau đây:

1. Ðánh trước mặt và ngang hông cùng một lúc:

Báo cáo của Tôn Sĩ Nghị trong Cao Tông thực lục không cho biết chi tiết về trận đánh, chỉ nói rằng "Quân giặc quá đông, vây kín đại binh bốn phía". Ðây là lời báo cáo của một kẻ hoảng hốt, thấy có tiếng súng chung quanh rồi tưởng rằng đã bị vây chặt, thực ra chỉ là nghi binh mà thôi. Căn cứ vào Thanh thực lục và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì lực lượng chính của vua Quang Trung như hai quả đấm vung lên cùng một lúc để đánh gục đối phương, đó là các trận Ngọc-Hồi và Ðống-Ða. Rạng ngày mồng 5 tết, trận Ngọc-Hồi bùng nổ tại phía nam thành Thăng-Long, trong lúc quân Thanh đang dồn nỗ lực tiếp cứu, thì mặt trận phía tây bùng nổ tại Ðống-Ða. Quân Thanh bị đánh bất ngờ ngang hông, không có quân tiếp viện, Tri-phủ Ðiền-Châu Sầm Nghi Ðống phải thắt cổ tự vẫn. Sau khi chiến thắng tại Ngọc-Hồi và Ðống-Ða, quân ta "chia cắt quân Thanh từng nhóm rồi vây kín", quân giặc lớp chết, lớp đầu hàng; thành Thăng-Long được giải phóng trong ngày.

2. Ðính chính lịch sử về chiến thuật hành quân tại trận Ngọc-Hồi:

Trong Hoàng Lê nhất thống chí, một bộ tiểu thuyết lịch sử của Ngô Gia Văn Phái viết theo lối chương hồi, đoạn văn trích dẫn ở phần trên nằm trong chương 14 với nhan đề:

Ðánh Ngọc-Hồi quân Thanh bị thua trận

Bỏ Thăng-Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài

Trong đoạn văn này, không kể đến chi tiết sai lầm về nơi chết của Sầm Nghi Ðống (y tự tử tại Ðống-Ða chứ không phải tại Ngọc-Hồi), Hoàng Lê nhất thống chí mang lỗi lầm chung của tiểu thuyết lịch sử [3] là viết hấp dẫn, nhưng nhiều khi không đúng với sự thực. Những người có chút kiến thức sơ đẳng về quân sự đều biết rằng đoàn quân "dàn trận hình chữ nhất " rầm rộ tiến vào, mà "Quân Thanh nổ súng bắn ra chẳng trúng người nào cả" là một việc khó có thể xảy ra. Ngoài ra, chi tiết "Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức. Ðoạn kén loại lính khỏe mạnh, cứ 10 khiêng một bức, lưng dắt dao ngắn. Hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ "nhất"; vua Quang Trung cửi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc-Hồi". Chúng ta tự hỏi rằng 10 người khiêng một bức, cho dù đồn giặc bằng phẳng như một sân đá banh (mà thực tế không thể có như vậy) cũng phải nhắc tấm ván lên khỏi mặt đất vài chục phân mới di chuyển được, giặc trang bị đầy đủ súng điểu thương, ống phun lửa; cứ nhắm chân mà bắn ắt phải có người bị thương, ngã xuống không khiêng được. Một bức ván với 30 quân sĩ (kể cả 20 quân tháp tùng) đã gặp khó khăn như vậy, thì toàn bộ 20 bức ván gặp khó khăn đến nhường nào, và làm sao có thể xung phong mạnh mẽ, chế ngự đồn giặc được!

Nhà quân sự giỏi về "công đồn" có thể thấy được ở chỗ: lập kế hoạch sát với thực tế, gây sự bất ngờ, thi triển đồng loạt, ít tổn thất, hiệu năng cao, hỏa lực phía trước mạnh. Sử liệu do hai bộ sử Thanh thực lục và Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn nước ta đã mô tả rõ nét thiên tài của vua Quang Trung về chiến thuật công đồn với đủ những yếu tố nêu trên. Thanh thực lục chép:

"Vào canh năm ngày này (mồng 5) Nguyễn Văn Huệ mang đại binh tiến đánh, thân tự đốc chiến, dùng 100 thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân Thanh cho kỵ binh nghênh địch, ngựa bị voi quần kinh hãi bỏ chạy, quân rút lui vào trại cố thủ. Phía ngoài trại, lũy đầy chông sắt, bên trong bắn súng ra cự địch. Vào giờ Ngọ quân Nguyễn bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau (Ngọ thời Nguyễn quân loạn phóng hỏa tiễn, hỏa châu, tịnh dĩ hòa cán tác đại thúc, loạn cổn nhi tiền, khinh binh tùy chi), trước ngã sau tiến lên một lòng quyết chiến, tại các trại quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém giết, quân Thanh tử thương quá nửa."

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép tương tự:

"Hồi trống canh năm sớm hôm sau (mồng 5 tháng giêng), Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc lại lùa voi xông đến: quân Thanh trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút trong lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc dùng những bó rơm to để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân lính tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy."

Hai sử liệu từ hai nước Hoa, Việt đều xác nhận vua Quang Trung dùng voi để chống lại kỵ binh. Ngựa sợ voi là chuyện tự nhiên, lính tháp tùng trên lưng voi từ trên cao khống chế quân kỵ một cách dễ dàng, lại còn có sức mạnh đàn áp tinh thần địch về mặt tâm lý. Việc sử dụng voi đúng chỗ hiện diện của kỵ binh, chứng tỏ đạo quân vua Quang Trung hơn hẳn về mặt tình báo.

Việc dùng rạ (hòa cán) bó thành bó lớn như bánh xe lăn khổng lồ (dùng để cán sửa đường lộ), bó nọ nối liền bó kia cùng lăn đều, tạo thành bức tường di động giúp quân lính núp đằng sau tương đối an toàn, vừa tiến lên vừa bắn, để đánh chiếm đồn giặc là một sáng kiến tuyệt diệu; xin được phân tích như sau:

* Vật liệu lấy tại chỗ: Bấy giờ vào đầu tháng giêng, nhà nông tại vùng xung quanh Ngọc-Hồi có thể còn phơi rạ ngoài đồng, hoặc làm đụn rạ trong vườn để dành dùng đun nấu, cho bò ăn, hoặc đánh tranh lợp nhà. Rạ là vật liệu rất cần thiết cho nông dân, ở nhà quê đâu đâu cũng có. Còn dây buộc là tre non chẻ ra, hoặc cây mây; hầu như có sẵn trong mọi vườn.

* Dễ bó thành bó tròn lớn: Dịch giả lớn lên từ nhà quê, đã nhiều lần thấy nông dân bó rạ với cung cách dùng hai đòn xọc cắm sâu xuống đất, cách nhau khoảng 1 mét làm điểm tựa, chất rạ vào giữa hai đòn xóc lên cao đến đỉnh đầu, đứng lên trên đống rạ nén chặt, khi đã ưng ý, kéo những sợi dây đã đặt sẵn dưới đống rạ lên rồi buộc chặt. Những nông dân có kinh nghiệm bó những bó rạ chắc chắn, lăn cách nào cũng không tung ra. Dịch giả cũng thấy tận mắt tại nông trại ở Mỹ, có những bó cỏ cho ngựa ăn, bó chặt cao quá đầu người; lính Việt-Nam phần lớn xuất thân từ nông dân, nếu ba bốn người hợp lực có thể bó những bó lớn như vậy.

* Khi khai triển đội hình hàng ngang, những bó rạ được lăn đều, nhanh chậm tùy theo hiệu lệnh của cấp chỉ huy.

* Nếu bó rạ lớn được nhúng nước, có khả năng ngăn cản đạn nhỏ của súng điểu thương, là loại súng quân Thanh được trang bị. Quân ta khom lưng tiến sau bó rạ tương đối an toàn, ngoài việc lăn rạ còn có khả năng bắn phủ đầu đối phương.

* Hãy tưởng tượng hàng trăm bó rạ tạo thành bức thành di động, dù súng bắn vẫn lăn đều lên; lại còn có khả năng bắn trả lại; lúc lăn đến gần, quân Thanh ắt phải kinh hoàng mà bỏ chạy.

Ngoài ra cần phải nhắc thêm, trong buổi sáng vua Quang Trung cho voi quần khiến kỵ binh giặc tháo chạy, rồi quân ta dùng "hỏa châu, hỏa tiễn" bắn tới tấp lúc xung phong vào giờ ngọ, thật đúng bài bản "tiền pháo, hậu xung", có thể ứng dụng bài học này cho ngay cả chiến tranh trong thời hiện đại!

Rất tiếc những bộ sử ngày nay như Việt-Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim [4] và Ðại cương lịch sử Việt Nam [5] của nhà xuất bản Giáo dục Hà-Nội vẫn dùng sử liệu "ghép ván có phủ rơm" của bộ tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí, mà không đề cập đến "bó rạ lăn tròn"được chép trong sử nhà Thanh và sử triều Nguyễn. Thiết tưởng lịch sử là một bộ môn trong khoa học nhân văn, cần được nghiên cứu một cách khoa học không thiên kiến; lại được biết trong nước có Viện Lịch sử Quân sự, nếu Viện này cho trắc nghiệm bằng cách tập trận về hai chiến thuật nêu trên, thì sẽ thực sự thấy được đáp án.

3. Chặt đứt cầu nổi bắc qua sông Hồng

Ðể cầu sự an toàn cho bản thân, trong lúc hoảng hốt Tôn Sĩ Nghị ra lệnh chặt cầu phao bắc qua sông Hồng-Hà, khiến hầu hết các Ðề Trấn và quân lính dưới quyền kẹt lại tại thành Thăng-Long rồi bị giết, bị bắt. Vua Càn Long không trực tiếp đưa vụ này ra ánh sáng. Vị vua già có hơn nửa thế kỷ cầm quyền hiểu rằng công khai việc làm đớn hèn của Tôn Sĩ Nghị, khiến quân lính nổi giận làm loạn, thì hậu quả sẽ không lường được. Hơn nữa Càn Long, tác giả cuốn Thập toàn võ công ký, tự khoe mình võ công vô địch, vướng phải vết nhơ này, thì còn đâu là thập toàn nữa.

Xét ra, những thảm họa về việc phá cầu không phải chỉ xảy ra một lần trong lịch sử chiến tranh. Khi chiến tranh bùng nổ tại bán đảo Triều-Tiên vào ngày 25 tháng 6 năm 1950, chính phủ Nam Triều-Tiên có kế hoạch phá cầu bắc qua sông Hán để bảo vệ thủ đô Hán-Thành ở phía nam. Nhưng vì quân Bắc Triều-Tiên tiến công quá nhanh, trong cơn hoảng hốt cho giật mìn cây cầu quá sớm, khiến hơn một vạn quân nam Triều-Tiên bị kẹt không rút lui được, nên tinh thần quân dân Nam Triều-Tiên lúc bấy giờ bị suy sụp mau chóng.

4. Trút tất cả lỗi lầm lên đầu Lê Chiêu Thống

Sau khi thất bại, Tôn Sĩ Nghị tìm cách đổ lỗi cho Lê Chiêu Thống, y tố cáo với vua Càn Long rằng:

"Lê Duy Kỳ nghe tin Nguyễn Huệ thân tới, sợ hãi gan mật tê liệt, tay bế con nhỏ, cùng với mẹ chạy trốn qua sông Phú Lương; khiến dân tình hoảng hốt, người trong nước rần rần chạy loạn. Thần cùng Ðề-đốc Hứa Thế Hanh lại đốc suất quan binh quyết tâm huyết chiến, nhưng không địch nổi, vì giặc quá đông, vây kín đại binh bốn phía."

Càn Long thua trận, muốn bỏ cuộc nhưng sợ dư luận chê cười, nhân đó về hùa với Sĩ Nghị để lên án Lê Chiêu Thống. Sự thực các sử sách Hoa Việt đều xác nhận Tôn Sĩ Nghị đã chạy trước Lê Chiêu Thống. Thanh thông giám chép:

"Quốc-vương An-Nam Lê Duy Kỳ vào lúc binh thua tới dinh Tôn Sĩ Nghị họp bàn; thấy Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, bèn hoảng hốt vượt sông, chạy lên phương bắc, đến đây nhà Lê diệt vong."

Hoàng Lê nhất thống chí cung cấp thêm chi tiết như sau:

"Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhắm hướng bắc mà chạy. ...Vua Lê trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa Thái-hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bờ sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi-Tàm thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc. Trưa ngày mồng 6, vua Lê và những người tùy tùng chạy đến núi Tam-Tằng, nghe nói Tôn Sĩ Nghị đã đi khỏi nơi đó." (trang 226).

Vua tôi nhà Thanh cảm thấy hài lòng vì đã tìm cách trút mọi lỗi lầm lên đầu Lê Chiêu Thống, để dọn đường cho việc thân tiện với vua Quang Trung trong tương lai.

© 2005 talawas

[1]Sử nhà Thanh cố tình nói bớt quân số. Theo Thanh thông giám, lúc bấy giờ dân Trung-Quốc tại vùng biên giới Quảng-Ðông, Quảng-Tây nghe tin quân Nguyễn Huệ sẽ sang trả thù rửa hận, nên đều bỏ chạy để nhà cửa trống không; tình hình như vậy mà chỉ có vài ngàn quân phòng thủ biên giới, thì chắc số lính này cũng không có gan ở lại để phòng thủ! Tham khảo với các sách khác, về quân số nhà Thanh thường nói bớt khoảng mười lần!

[2]Nhà Nguyễn gọi nhà Tây Sơn là giặc, hoặc ngụy Tây.

[3]Thông lệ chung các bộ tiểu thuyết lịch sử thường cường điệu để câu chuyện thêm đậm đà, như Tam quốc chí diễn nghĩa kể chuyện Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi đánh Lữ Bố (Tam anh chiến Lữ Bố) hết sức hấp dẫn; nhưng đây là những sự kiện được tiểu thuyết hóa; còn sử Tam quốc chí của Trần Thọ không chép chuyện này. Ngoài ra, những sự việc như các tướng thách đánh nhau, tướng đánh tướng, là chuyện trong tiểu thuyết, tuồng kịch; còn thực tế, chiến tranh thời xưa cũng không có như vậy

[4]Việt-nam sử lược, Quyển 2, trang 133.

[5]Ðại cương lịch sử Việt-Nam, Tập 1, trang 425.

kangtakhoa

Copyrights © 2006 - TRE TODAY - wwww.tretoday.com

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top