tu ban hau cn

Tư bản hậu công nghiệp

Gửi email Bản in

09:30' AM - Thứ hai, 28/07/2008

Khi nghiên cứu kinh tế trong thời đại của mình, Mác, Ăng ghen, Lênin đã chỉ ra được những đặc trưng của loại tư bản chiếm ưu thế trong mỗi thời đại mà các ông sống. Chúng ta hãy xem xét những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin nghiên cứu các loại tư bản trong thời đại của mình như thế nào, đặc biệt sự phát triển của Lênin đối với chủ nghĩa Mác trong thời đại của ông và qua đó thấy được những gợi ý về phương pháp trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin để nghiên cứu về các loại tư bản thời đại ngày nay. Khi nghiên cứu về nền kinh tế hiện đại và những vấn đề nổi lên trong đó, việc tìm hiểu những vấn đề nổi lên trong các thời đại trước và cách giải quyết có một vai trò quan trọng để thấy được những vấn đề được đặt ra với thời đại hiện nay và cách thức giải quyết.

Tư bản hậu công nghiệp thời đại của Mác và Lênin

Trong thời đại của Mác, khi nghiên cứu về quá trình sản xuất hàng hoá, mà hàng hoá là vật thể, Mác đã thấy rằng tạo phẩm phi vật thể là giá trị thặng dư chi phối toàn bộ hành động của các nhà tư bản, chi phối sự vận động của xã hội tư bản. Người ta đã tạo ra được giá trị thặng dư thông qua việc sản xuất ra hàng hoá. Giá trị thặng dư có nhiều hình thái cụ thể khác nhau: lợi nhuận công nghiệp, lợi nhuận thương nghiệp, lợi nhuận ngân hàng, lợi tức cho vay, địa tô tư bản chủ nghĩa...

Động thái vận động của tư bản theo tỷ suất lợi nhuận, từ ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp sang ngành có tỷ suất lợi nhuận cao. Mác giả định rằng chủ nghĩa tư bản phát triển theo hình mẫu của nước Anh. Vì tư bản không biên giới nên theo sự phát triển của tư bản, tư bản sẽ chuyển sang các nước khác thông qua thương mại, nên hình mẫu của nước Anh sẽ trở nên phổ biến. Nhưng Mác đã dự đoán cạnh tranh tự do sẽ dẫn đến độc quyền, nhưng trong thời của ông, hiện tượng độc quyền mới lác đác xảy ra và có quy mô không đáng kể nên Mác không thể có cơ sở thực tiễn để nghiên cứu đầy đủ.

Bằng việc phát hiện ra giá trị thặng dư, Mác đã chứng minh rằng trong thời đại của ông, tư bản công nghiệp chiếm vai trò chi phối, thống trị tư bản nông nghiệp và tư bản thương mại. Lô gic của tư bản là gì? Tư bản không hề phát minh ra giá trị thặng dư, nhưng tư bản đã biến việc sản xuất ra giá trị thặng dư trở thành điều phổ biến trong xã hội, và một khi dạng phi vật thể giá trị thặng dư vận hành thì nó biến đổi xã hội về mặt vật thể lẫn các mối quan hệ xã hội với tốc độ nhanh chóng, cuốn tất cả các quốc gia và các dân tộc vào vòng xoáy của nó. Lô gíc của tư bản là sự phát triển của dạng phi vật thể là giá trị thặng dư dẫn tới sự ra đời và phát triển của đại công nghiệp mà sản xuất các vật thể thiên nhiên không hề có ở mức đại quy mô, với đủ loại vật thể, dẫn tới sự hình thành các mối quan hệ xã hội mới. Khi theo đuổi giá trị thặng dư trở thành sức mạnh buộc xã hội phải tham gia vào, buộc mỗi thế hệ mới lớn lên và thế hệ kế tiếp phải chấp nhận luật chơi, chấp nhận sức mạnh do nó áp đặt, tạo nên luật chơi của xã hội, thu hút tất cả các nguồn lực của xã hội và làm cho xã hội đạt đến những trạng thái mới, đẩy đến những mâu thuẫn đòi hỏi phải huỷ bỏ chính việc chạy theo giá trị thặng dư đó một cách vô tổ chức mà dẫn đến các hình thức xã hội hoá việc sản xuất vật thể ở mức độ nào đó, nhưng nó lại làm cho xuất hiện những hình thái hoàn toàn mới để có thể tạo nên các dạng phi vật thể khác mà đem lại giá trị thặng dư, một giá trị thặng dư của các tạo phẩm phi vật thể. Thặng dư này luôn sống, luôn sinh ra và được tái tạo khi nó được hoàn thành, vẫn tiếp tục tạo ra thặng dư tiếp khi có người nào đó khai thác.

Lênin đã thấy rằng mỗi thời kỳ có loại tư bản nào đó chiếm ưu thế, chi phối, thậm chí thống trị các loại tư bản khác. Ông đã thấy rõ ràng vai trò của công nghiệp nặng ở việc khẳng định địa vị của nó.

"...ngành công nghiệp nặng bắt tất cả các ngành công nghiệp khác phải nộp cống cho mình" (V. I. Lênin Toàn tập, Tập 27, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, trang 424)

Khi sức sản xuất trở nên rất hùng hậu, sự tập trung trở nên cao độ, tư bản "thừa" trở nên phổ biến, hàng rào bảo hộ giữa các nước trở nên mạnh mẽ, quan hệ giữa các nước đã có thể bảo đảm cho việc vay vốn và hoàn trả, thì việc xuất khẩu tư bản trở nên phổ biến. Lênin thấy rằng thời đại của mình, chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn độc quyền, khi mà có thêm những tạo phẩm phi vật thể khác có sức mạnh thống trị tư bản công nghiệp. Ông thấy được vai trò của tư bản tài chính và đó là sự vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác trong tình hình mới. Trong thời đại tập trung sản xuất dẫn đến độc quyền, Lênin đã thấy rằng tư bản tài chính hình thành và thống trị tư bản công nghiệp.

"Như vậy là thế kỷ XX đánh dấu một bước ngoặt từ chủ nghĩa tư bản cũ sang chủ nghĩa tư bản mới, từ sự thống trị của tư bản nói chung sang sự thống trị của tư bản tài chính" (V. I. Lênin Toàn tập, Tập 27, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, trang 436).

Hoạt động xuất khẩu tư bản thừa, là một hiện tượng kinh tế mang tính tất yếu khách quan, khi quá trình tích tụ và tập trung sản xuất đã đạt đến một mức độ rất cao, khi sức sản xuất đã phát triển đến độ vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của một quốc gia, hình thành nên quy mô sản xuất trên phạm vi quốc tế. Lênin đã chỉ ra rằng vấn đề xuất khẩu tư bản là một thuộc tính của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Ông chỉ ra rằng trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền, mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa các tư bản độc quyền đã có những bước phát triển để đạt được các thoả ước có giá trị bắt buộc với các bên tham dự, để xuất khẩu tư bản có thể thực hiện được và trở thành sự cần thiết của chủ nghĩa tư bản. Và tính chất độc quyền, bạo lực, xâm lược là gắn liền với nhau trong giai đoạn này, nơi mà cuộc đấu tranh phân chia lại thế giới trở nên gay gắt và người ta đã dùng đến những thủ đoạn không phải là thủ đoạn hoà bình. Mâu thuẫn được giải quyết bằng vũ lực. Chính Lênin chỉ ra rằng trong thời đại đó, người ta có rất nhiều phương tiện để tác động đến nền kinh tế.

"Tổ chức độc quyền một khi đã hình thành và thao túng hàng tỷ, thì tuyệt đối cần thiết là nó phải xâm nhập vào hết thảy các lĩnh vực trong đời sống xã hội bất kể chế độ chính trị và mọi "chi tiết" khác" (V. I. Lênin, Toàn tập, Tập 27, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, trang 451).

Vì sự tích tụ của tư bản tài chính với những nghiệp vụ đặc biệt của nó khiến cho nó có một sự gia tăng phải được nhìn nhận theo quan điểm mới, trong quá trình phát triển đã xuất hiện cái gọi là "tư bản thừa". Lênin cho rằng: "Sở dĩ cần phải xuất khẩu tư bản là vì trong một số ít nước, chủ nghĩa tư bản đã "quá chín", và tư bản thiếu địa bàn đầu tư "có lợi" (trong điều kiện nông nghiệp lạc hậu, quần chúng nghèo khổ)" (V. I. Lênin Toàn tập, Tập 27, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, trang 457).

Xuất phát từ tính chất tập trung của sản xuất dẫn tới độc quyền, ông chỉ ra điều kiện độc quyền của sản xuất chi phối xã hội và làm nổi bật lên vai trò của sự gắn kết của tư bản công nghiệp và tư bản tài chính trở thành giới đầu sỏ tài chính.

Trong thời đại của mình, Lênin thấy rằng: "Điểm tiêu biểu của chủ nghĩa đế quốc chính lại không phải là tư bản công nghiệp, mà là tư bản tài chính". (V. I. Lênin Toàn tập, Tập 27, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, trang 492).

Giai đoạn sau Lênin, nền kinh tế trên nền tảng tư bản công nghiệp và tư bản tài chính đã dẫn đến những hậu quả là bản thân các nước tư bản chủ nghĩa cũng thấy cần phải quốc hữu hoá nhiều doanh nghiệp, hình thành phổ biến tư bản nhà nước. Sự xuất hiện của kinh tế vĩ mô và những nhận thức mới về các sức mạnh xã hội là biểu hiện rằng có những sức mạnh mới có thể chi phối nền kinh tế, làm được việc chi phối nền kinh tế.

Các học thuyết về kinh tế vĩ mô xuất phát từ đơn đặt hàng của xã hội, mỗi thời kỳ có những vấn đề kinh tế xã hội mới và một số quan niệm về cái gì đó nổi bật lên, xuất hiện những loại tư bản mới phát huy vai trò tác động to lớn của chúng mà người ta mới dần dần nhận thức được từng mảng một. Các nhà kinh tế đã dày công nghiên cứu về nền kinh tế thị trường hiện đại và đã có những thành quả rất to lớn, đem lại cái nhìn rõ hơn về kinh tế vĩ mô của nền kinh tế thị trường, về những chiều hướng phát triển thời gian tới.

Vận dụng kim chỉ nam của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc nhìn nhận tình hình kinh tế hiện đại sẽ phát hiện ra những nhân tố mới dẫn đến các cách lý giải mới về động thái vận động của nền kinh tế hiện đại. Với những đặc tính của thời đại công nghiệp là sản xuất ra các sản phẩm vật thể và thời đại hậu công nghiệp là sản xuất ra các sản phẩm phi vật thể, trong đó có việc tạo ra những kết hợp vượt ra khỏi giới hạn không gian và thời gian, chúng ta có thể thấy được những điều xuyên suốt trong sự phát triển vốn rất phức tạp đó.

Việc xuất hiện của các tạo phẩm phi vật thể và vai trò to lớn của chúng trong thế giới hiện đại đã đẩy hàng loạt học thuyết kinh tế đặt trọng tâm vào các tạo phẩm vật thể trở nên lỗi thời, và buộc phải nhận thức lại những học thuyết kinh tế đặt trọng tâm vào các tạo phẩm phi vật thể, trong đó có học thuyết kinh tế của Mác. Trong những điều kiện của thời đại của mình, Mác đã nghiên cứu về giá trị thặng dư, mà tạo phẩm phi vật thể đó đóng vai trò nền tảng chi phối các quá trình sản xuất ra các tạo phẩm vật thể đủ loại khác nhau. Chính dạng phi vật thể của xã hội có tên là giá trị thặng dư đó là cơ sở để cho tư bản có thể tồn tại và phát triển được, và chúng tiếp nhận được rất nhiều hình thái khác nhau.

Mỗi loại tư bản có giá trị thặng dư riêng của chúng. Đã có các loại tư bản nông nghiệp, tư bản thương mại, tư bản công nghiệp, tư bản tài chính, tư bản nhà nước, tư bản con người, tư bản hậu công nghiệp, và danh sách này còn kéo dài thêm nữa trong sự phát triển lên những hình thái kế tiếp của thị trường. Tư bản công nghiệp có giá trị thặng dư của tư bản công nghiệp, tư bản tài chính có giá trị thặng dư của tư bản tài chính, tư bản nhà nước có giá trị thặng dư của tư bản nhà nước,... Vấn đề là ở chỗ phải chỉ ra được những hình thái giá trị thặng dư mới là gì.

Bertrand Russell đã nói trong tác phẩm "Power" (Quyền lực): "Hiểu Mác là điều vô cùng khó khăn". (Bertrand Russell, Quyền lực, người dịch: Nguyễn Vương Chấn, Đàm Xuân Cận, nhà xuất bản Hiện đại, Sài Gòn 1972, trang 159).

Lênin đã nói làm thế nào để hiểu được bộ "Tư bản" của Mác:

"Cách ngôn: không thể hoàn toàn hiểu được "Tư bản" của Mác và đặc biệt là chương I của sách đó, nếu chưa nghiên cứu kỹ và chưa hiểu toàn bộ lôgíc của Hêghen. Vậy là sau Mác 1/2 thế kỷ, không một người Mácxít nào đã hiểu Mác !!"

(Lênin, Toàn tập, Tập 29, Bút ký triết học của Nxb Tiến bộ, Mat-xcơ-va, năm 1981, trang 190).

Mác đã thấy rằng theo đuổi giá trị thặng dư tương đối trở nên quan trọng hơn theo đuổi giá trị thặng dư tuyệt đối. Điều làm Mác không lạc hậu chính là việc ông chỉ ra rằng một dạng phi vật thể xã hội là giá trị thặng dư là viên đá tảng trong học thuyết kinh tế của ông, và trong thời đại của mình, ông vạch ra được các hình thái cụ thể của giá trị thặng dư. Lênin đã kế thừa được điều đó khi thấy được vai trò của tư bản tài chính chiếm địa vị thống trị trong thời đại của ông mà đem lại lợi nhuận độc quyền, và đó là loại tư bản đã đem lại những kết hợp xã hội, những kết hợp để tạo nên được những tạo phẩm hoàn toàn mới cả về mặt vật thể lẫn phi vật thể, đặc biệt là những tạo phẩm phi vật thể. Đối với Lênin, theo đuổi lợi nhuận độc quyền, một hình thái do giá trị thặng dư do tư bản tài chính đẻ ra, là mục đích đặc biệt quan trọng của các trùm sỏ tài chính. Tư bản tài chính chính là thứ quyền lực xã hội mới, được tích luỹ qua thời gian, có khả năng tập trung với khối lượng khổng lồ một cách nhanh chóng.

Cách bảo vệ tốt nhất một học thuyết là phát triển nó trong điều kiện hiện đại, và đem lại khả năng dự báo tương lai của nó. Sự phát triển hay sức sống của một học thuyết là ở chỗ nó đã đưa ra được cách thức phổ biến mà những điều chủ chốt của nó thích ứng được sự biến đổi của xã hội. Phải giải quyết được những vấn đề chung thì mới có thể giải quyết được những vấn đề riêng, nếu không trong hoạt động thực tiễn sẽ thường xuyên va vấp mù quáng với vấn đề chung dẫn tới mất phương hướng. Theo con đường nghiên cứu của Mác và Lênin thể hiện trong việc nghiên cứu kinh tế trong thời đại của các ông, có thể thấy rằng mỗi thời đại có những hình thái tư bản mới, và các loại tư bản mới chi phối các loại tư bản cũ. Đó là cơ sở để đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới. Nếu không thấy được các tư bản mới mà chỉ tư duy với những tư bản cũ thì sẽ có rất thiếu sót, vấp phải những khó khăn trong các hoạt động thực tiễn, những khó khăn trong việc giải thích các hiện tượng mới nên thường xuyên phải thay đổi cách tiếp cận mới. Trong thời đại ngày nay, thời đại hậu công nghiệp, tư bản hậu công nghiệp chiếm địa vị thống trị. Tư bản hậu công nghiệp phải có những điều kiện xã hội thì mới có thể vận hành được, và chúng có khả năng tạo nên được những khối lượng khổng lồ, có những cách thức thu hút những nguồn lực khác trong xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hoai