Chương 122: Hoàng nữ

Nói tới đó, Dư Tiểu Tái nằm rạp xuống khóc nức nở, không tiếp tục nổi nữa. Chúng văn sĩ bọn họ đời này vào làm quan chẳng muốn đổ máu đào tuẫn lòng son, bỏ mình vì nghĩa như Tề Huệ Liên, mà chính là muốn chèo chống gian truân, bình trời định đất như Hải Lương Nghi, nhưng tòa lầu chênh vênh này đã cất tiếng sụp đổ long trời lở đất trong mưa dông bão tố. Chỉ qua một đêm, nghiến nát chí khí ngút trời của ngàn vạn con người, để tiếng than khóc bao trùm toàn Đại Chu.

Thẩm Trạch Xuyên lặng lẽ nghiêng đầu, lắng nghe những âm thanh bên ngoài tường viện.

Chẳng biết bao lâu sau, Dư Tiểu Tái mới ngừng khóc, hắn lấy khăn ấm bưng mặt một lúc rồi nói: "Nguyên phụ tử gián, Hàn Thừa đã bị dồn đến đường cùng, nhưng gã không chịu từ bỏ như thế. Lúc đó tâm tình Thái học kích động, kiệu của Hàn Thừa sau khi bãi triều bị chặn lại ở phố Thần Vũ rồi bị học sinh phá nát. Tám đại doanh phong tỏa Thái học, tống giam mấy học sinh cầm đầu vào chiếu ngục, còn cắt cả cơm, các học sinh mới tuyệt thực tỏ chí."

Dư Tiểu Tái không kìm nổi cơn xúc động, lại ứa nước mắt.

"Ta cứ tưởng văn nhân trong thiên hạ sẽ chết hết như thế đấy, nào ngờ đêm đó khi trông thấy những ngọn đuốc nối đuôi nhau thắp lên trên núi Cảnh Dật ở Thái học, ta mới hiểu được ý đồ sâu xa của nguyên phụ. Lửa đã bùng lên nơi đồng hoang, hòng dẹp đặng lửa giận của chúng học sinh trong thiên hạ, Thái hậu lại đòi Hàn Thừa bức thư riêng ủy thác một lần nữa, đuổi luôn cả đứa con của Hàn thị giả làm hoàng tự ra khỏi cung. Hàn Thừa không thể không nhượng bộ, gã cam kết ba ngày sau sẽ công khai kiểm chứng thư."

"Thư làm giả không có con dấu của Quang Thành đế, nội các dựa vào đó bác bỏ trữ quân mà Hàn Thừa nâng đỡ. Thái hậu thấy thế đã đồng ý gặp hậu duệ của Yến vương Hòe châu, xác lập người được chọn làm trữ quân. Nhưng Hòe châu cách xa Khuất đô, đúng như Hàn Thừa nói, con của cháu của Yến vương đã hơn bảy mươi tuổi, vừa đi đường xa vất vả lại còn phải trải qua nhiều biến cố, cuối cùng qua đời trước khi đến Khuất đô."

"Việc lập trữ quân hoàn toàn rơi vào bế tắc. Hàn Thừa ma mưu quỷ kế, dùng tám đại doanh để uy hiếp nội các. Gã lại dâng tấu lần thứ hai thỉnh cầu tám thành tham gia phụ tá chính sự, đòi Thái hậu lập một 'nghị sự các' riêng, những người được chọn tham gia không một ai không phải là quan viên thế gia. Thái hậu không hồi đáp lại tấu chương ấy, Bạc Nhiên đại nhân vâng theo di chí của nguyên phụ, thượng tấu chấp nhận kế hoạch 'nghị sự các', song yêu cầu cắt bỏ binh quyền của Hàn Thừa, lấy lý do văn không can gián võ để tước đoạt tám đại doanh từ Hàn Thừa. Nhưng Hàn Thừa không đồng ý, thành thử nội các cũng không phê duyệt, hai bên lại thỏa hiệp thất bại."

Không có hoàng tự để lập, đó là điểm chí mạng trong tử cục Khuất đô. Chúng quan viên nội các do Khổng Tưu dẫn đầu nhượng bộ trước đề nghị tám thành phụ tá là nhằm tiếp tục chính sách cầu hòa của Hải Lương Nghi. Bọn họ không có thế lực quân sự, Khải Đông thì đang nằm trong tay Thái hậu, Ly Bắc từ sau Tiêu Trì Dã đã không còn vâng lệnh Khuất đô, Khổng Tưu chỉ có thể nhượng bộ, cái then chốt cuối cùng chính là tước được binh quyền của Hàn Thừa, dẫu nó không thể rơi vào tay bọn họ thì cũng không thể như trước đây, giao toàn quyền tuần phòng Khuất đô cho thế gia nữa.

"Đúng lúc đó, Tiết Tu Trác thượng tấu." Dư Tiểu Tái nở nụ cười cay đắng trong ánh sáng yếu ớt, "Hắn làm dậy ngàn lớp sóng chỉ với một viên đá... Quá khéo."

Tiêu Trì Dã nghe đến tên Tiết Tu Trác thì thoáng đảo mắt sang nhìn Thẩm Trạch Xuyên. Thẩm Trạch Xuyên im lặng giây lát, hơi nghếch cằm trông ra ngoài cửa sổ, đầu mày nhíu chặt, một lát sau mới nói: "Hồi đó ngươi nói đúng, tên này thật sự rất giỏi. Tin về hoàng tự dễ dàng lan đến tai chúng ta, để rồi kích động cả ta lẫn ngươi mất bình tĩnh. Sau khi đến Trung Bác ta cứ nghi người giết đám thiếu nam là Hàn Thừa, mà giờ xem ra Hàn Thừa cũng chỉ như Hề Hồng Hiên mà thôi, đều là quân cờ bỏ của Tiết Tu Trác. Sai một ly đi một dặm, là ta đã quá khinh địch."

Cục diện bế tắc trong triều đình kéo dài chưa đến nửa tháng, làn sóng chỉ trích Hàn Thừa của Thái học đã chuyển hướng sang việc cho tám thành phụ tá, rất nhiều học sinh quá khích càng lúc càng bất mãn với chính sách bảo thủ của Khổng Tưu, khi chấp bút viết văn tưởng nhớ Hải Lương Nghi, bọn họ còn tưởng nhớ cả Tề Huệ Liên, nguyên phụ mà bọn họ mong đợi không phải như Khổng Tưu bây giờ.

Thái hậu phải nhượng bộ trong việc con của Hàn thị, điều này đã khiến học sinh trong thiên hạ nhận ra được sức mạnh của số đông. Bọn họ tựa muôn vàn giọt nước ngưng tụ về từ bốn phương tám hướng, cuối cùng kết thành đại dương mênh mông, họ còn tin rằng sức mạnh ấy có thể lật đổ bức tường cao kia, cơ hội diệt trừ tệ nạn thế gia đang nằm ngay trước mắt.

Bởi vì Khổng Tưu đã chấp nhận đề nghị tám thành làm chứng của Hàn Thừa, hướng gió Thái học như bầu trời tháng Tư, xoay chuyển trong nháy mắt. Đầu tiên là trước cửa Khổng phủ bị người ta dán những bài văn lên án dữ dội, sau đó những ngôn từ từng được dùng để chỉ trích Hàn Thừa đều đổ hết lên người Khổng Tưu. Chúng học sinh càng lúc càng quả quyết rằng các sĩ tử hàn môn do Khổng Tưu cầm đầu quá yếu đuối nên mới khiến Hải Lương Nghi phải tự lực cánh sinh trong nội các, để rồi cuối cùng chọn cách tiến gián quyết liệt như vậy. Bọn họ liệt kê toàn bộ các triều quan thời Vĩnh Nghi, đồng thời lần lượt điều tra xem những quan viên đó có từng có quan hệ với quan viên thế gia hay không, tin Sầm Dũ bày tiệc mời Hàn Thừa lan đi nhanh như lửa, nhất thời kích động các học sinh, bọn họ gán cái danh "ngụy quân tử" cho Sầm Dũ, Khổng Tưu, thậm chí cho cả Thượng thư bộ Binh Trần Trân.

Kiệu của Sầm Dũ lúc đương vào triều bị người ta phá, ông đứng ở cổng cung, mặt bê bết máu, chỉ lên trời nói mình chưa bao giờ thông đồng với thế gia, kết quả bị hất đầy phân lên người. Sầm Dũ không dám tin đây là học trò mới chẳng mấy lâu hồi trước của mình, ông ở Đô sát viện hai mươi năm, số quan viên từng thanh tra nhiều không kể xuể, đến cả Quang Thành đế ông còn dám vạch tội, thế mà ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình bị chửi là tên tiểu nhân xun xoe nịnh hót.

Diêu gia trước đây luôn là tấm gương thanh liêm, một nhà ba sư huy hoàng rực rỡ bực nào, dẫu rằng sau thời Hàm Đức không còn ai trong triều nữa, song sức ảnh hưởng vẫn vượt xa họ của y, được tôn kính rộng rãi trong cả thế gia lẫn hàn môn. Chúng cựu thần cả mới và cũ như Hải Lương Nghi, Tề Huệ Liên, hay Khổng Tưu đều từng được Diêu gia đề điểm, sự hưng thịnh của Thái học trong những năm phục hưng của triều Vĩnh Nghi cũng là nhờ chính sách chiêu mộ nhân tài không phân biệt của thái gia Diêu gia. Ấy thế mà nay từ đường của Diêu gia xây ở phía Đông Khuất đô bị người ta đập vỡ cửa sổ, nếu không nhờ Khổng Tưu điều người đi canh giữ thì e ngay đêm đó đã bị phóng hỏa.

Ngọn lửa này thậm chí còn lan đến cả Diêu Ôn Ngọc, y thân là học trò của Hải Lương Nghi, vậy mà lại không chịu nhập sĩ làm quan, lần trước lúc Thái học nổi dậy, phê phán Phan Như Quý y cũng không xuất hiện, thù mới chất chồng lên hận cũ, bọn họ xé nát những áng văn bọn họ từng ngợi ca, ví Diêu Ôn Ngọc với một tên trộm, tên trộm đến từ thế gia đã đánh cắp học thức đạo đời của Hải Lương Nghi.

Khuất đô loạn lạc tan hoang, hễ tám đại doanh định xuất binh đàn áp là các học sinh sẽ tuyệt thực chống trả, đã chết mất bốn năm người nên Hàn Thừa cũng chẳng dám manh động nữa. Thích Trúc Âm ở Khải Đông xa xôi đang lo việc quận Biên lúc này cũng không thoát, đám cưới Hoa, Thích diễn ra ngay tháng sau, những áng văn hùng hồn bộc bạch nỗi lòng tuôn trào đến Khải Đông như tuyết, vốn đại soái bị mắc chứng mất ngủ, giờ cứ lúc nào muốn ngồi vào bàn nghỉ ngơi là sẽ bảo Thích Vĩ đọc cho nàng nghe, chửi càng xót tai nàng càng ngủ ngon.

Ngọn lửa Đại Chu cháy thật, nhưng lại không cháy như Hải Lương Nghi đã dự đoán. Khắp đêm đen đầy rẫy những tên lạc gắn mồi lửa, bọn họ phân rạch ròi địch ta, đòi hỏi hà khắc, đen trắng rõ ràng, không có trung gian, chỉ có ngươi chết ta vong.

Khổng Tưu kiên quyết không cáo ốm, ngặt nỗi vào chầu dần dần biến thành một việc nguy hiểm. Có một hôm nọ ông bải hoải ra ngoài, vẫn còn đang ở tít sâu trong viện thì bỗng thấy một kẻ lạ hoắc bước ra từ trong sân, giơ kiếm quát tháo xả rủa đòi lấy mạng Khổng Tưu đền tội. Ông đường đường là quan nội các, trước đây hay tiếp mấy học sinh bên ngoài nên trong nhà xưa giờ chẳng bố trí canh phòng, nào có hay đến hôm nay lại bị người ta cầm kiếm tấn công, đúng là chuyện cười thiên hạ, hài hước làm sao!

Ba tấu chương của Tiết Tu Trác được dâng lên vào đúng lúc ấy, nội dung hắn viết hệt cơn sóng động trời, chỉ trong nháy mắt đã dập tắt ngọn lửa phừng phừng, rồi ngay sau đó hóa thành dòng thăng trầm cuồng liệt, trở thành tâm hướng của học sinh trong toàn thiên hạ.

Trong tấu chương hắn nói sau khi trải qua trăm cay nghìn đắng, cuối cùng hắn đã tìm được hoàng nữ lưu lạc bên ngoài của Quang Thành đế, không chỉ có con dấu của Tần vương làm chứng mà còn có cả nhân chứng liên quan hẳn hoi, có thể chứng thực huyết thống của nàng, đồng thời còn đề nghị kiểm chứng công khai trên triều.

Nữ nhân làm chủ cũng giống như âm dương bấp bênh, trăng trời đảo lộn, đây là chuyện chưa từng có tiền lệ trong suốt mấy trăm năm qua. Tấu chương của Tiết Tu Trác khiến cả triều đình xôn xao, thậm chí cả Khổng Tưu cũng còn không đỡ nổi.

Ngay sau đó, Tiết Tu Trác dâng lên tấu chương thứ hai.

Trong tấu chương này hắn kể toàn bộ đầu đuôi, người con gái này lưu lạc đến một hộ nhà nông ở Khuất đô, vì từ bé đã thông minh hơn người nên rất được người nhà yêu quý. Tuy nhà bần cùng, song cũng sẵn sàng để huynh trưởng dạy nàng đọc sách biết chữ. Nàng là di mạch của Quang Thành đế, đương nhiên phải khác với người bình thường, người trong nhà thường thấy cầu vồng trên trời và mây tím phủ trong nhà, thành thử càng quan tâm đến nàng, không dám thờ ơ. Nàng không chỉ thông minh mà còn rất lương thiện. Láng giềng gặp khó, người già thiếu ăn, nàng bèn cắt bớt phần ăn của chính mình, tự tay săn sóc, láng giềng gần xa ai cũng khen ngợi nàng, chuyện này cũng có nhân chứng. Còn về phần phong thái thế nào thì đợi đến lúc nàng vào điện để mọi người tự kiểm chứng.

Tấu chương này đã lan truyền bên ngoài, có người dán ở Thái học, thậm chí còn lan đi khắp các phố phường ngóc ngách Khuất đô. Hoàng nữ quý giá, người có thể xứng với cái danh này hiện giờ chỉ có Hoa tam tiểu thư bên Thái hậu mà thôi, đặt hai người cạnh nhau lại càng khiến bá tánh bình dân xót thương vị hoàng nữ này. Ở quán trà tửu lâu đâu đâu cũng có người chuyên môn kể chuyện truyền kỳ về vị hoàng nữ lưu lạc chốn dân gian, tâng thiên phú dị bẩm nọ lên đến mức như thần tiên hạ phàm. Nàng xuất thân từ dân gian, nhà mấy đời làm nông, có rất nhiều điểm tương đồng với các học sinh Thái học nay, đã vậy còn rất trọng nhân nghĩa, yêu thương láng giềng, thấu hiểu được những nỗi khổ của muôn dân, nhất thời ngay cả các học sinh cũng đều hướng về phía nàng.

Đúng lúc ấy, Tiết Tu Trác dâng lên bản tấu chương then chốt thứ ba.

Hắn nói anh của hoàng nữ cũng là học sinh hàn môn, từng vào đô năm Hàm Đức nguyên niên, song vì vướng huyết thống dòng dõi nên không đỗ đạt, sau khi về đã nhụt chí qua đời. Hoàng nữ và anh trai có tình cảm sâu nặng, bởi thế chuyện này đã biến thành nỗi đau trong lòng nàng, trên đường đến Khuất đô nàng nhiều lần hỏi hắn về bệnh tình của Hải các lão. Khi hắn kể Hải các lão khổ nhọc đến nhường nào vì quốc sự, hoàng nữ nghe mà rơi nước mắt, nói "Nếu ta mà là nam nhân, sao có thể để các lão phải vất vả đến mức ấy chứ". Hắn là con thứ của thế gia, cũng từng phải nếm trải sự khắc nghiệt của đích thứ, nhưng lại không có được ý chí như hoàng nữ, bởi vậy hổ thẹn vô cùng.

Cuối cùng, Tiết Tu Trác nói, nếu thiên hạ không có luật tuyển quan phải ưu tiên con đích, ưu tiên dòng dõi, vậy thì thiên hạ cũng không có tổ tiên nào nói tuyển lập trữ quân phải ưu tiên con trai - huống hồ Đại Chu đến nước này đã chẳng còn lựa chọn nào khác nữa rồi.

Các học sinh phấn khởi, cuối cùng bọn họ cũng đã tìm được một ứng cử viên phù hợp. Những định kiến đích thứ dòng dõi cản trở bọn họ thành danh, bọn họ tự thấy mình đồng cảm được với cảnh đời của hoàng nữ. Lý Kiến Hằng là một hoàng đế ăn trắng mặc trơn, hắn nào hiểu cơ cực là gì, thói chơi bời lêu lổng của hắn đã nhiều lần bị Đô sát viện lên án, nhưng hoàng nữ trời ban này thì khác một trời một vực, dường như nàng là người con gái tốt đẹp nhất thế gian, nàng có một trái tim biết thương xót hàn sĩ thiên hạ, nàng chính là Quan thế âm hạ phàm để phổ độ chúng sinh.

Giữa những hồi tranh luận ầm ĩ thâu đêm, Tiết Tu Trác thâm tàng bất lộ đã chiến thắng.

===

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: